ỨNG NGHIỆM LỜI KINH THÁNH

Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”

Đấy là kết luận bài giảng đầu tiên của Đức Giêsu trong hội trường làng quê Nagiarét: Qua bài đọc của ngôn sứ Isaia, Đức Giêsu vừa đưa ra một chương trình hành động: Rao giảng Tin Mừng cho Người nghèo hèn, giải phóng những tù nhân, đem lại sự giải thoát cho những người bị áp bức, loan báo năm hồng ân của Chúa.  Lời chú giải duy nhất của Đức Giêsu nói rằng!  Hôm nay, mọi sự ấy đã ứng nghiệm.  Trước sự ngạc nhiên của cử tọa, Người khẳng định rằng bản thân Người đã đáp lại trọn vẹn mọi sự chờ đợi của Israel.  Đức Giêsu kéo Lời Chúa từ “quá khứ” xa xôi nơi người ta muốn luôn luôn giam hãm Lời Chúa.  Người yêu cầu nhân loại chớ đặt Thiên Chúa “trong quá khứ” hoặc “trong tương lai”: phải là sự lan tỏa của Thiên Chúa, dự án của Thiên Chúa, trong đời sống hàng ngày của chúng ta… Hôm nay!

Và hôm nay, chẳng phải chúng ta cũng đã cố gắng kéo lui Tin Mừng trở về phía sau, vào hai mươi thế kỷ trước đây đó sao?  Vậy còn những người nghèo hèn nào, những tù nhân và người bị áp bức nào hôm nay ở chung quanh chúng ta?  Chúng ta sẽ mang đến cho họ Tin Mừng nào?

Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người

Tôi chiêm ngưỡng “miệng” Đức Giêsu mà Luca là người duy nhất thường nói với chúng ta (Lc 4, 22; 11, 54; 22, 71). Những “lời ân sủng” từ miệng Đức Giêsu mà ra.  Như thế, sự rao giảng của Đức Giêsu đã bắt đầu với việc khẳng định rằng thời kỳ mà Thiên Chúa ban ơn “không mất tiền” và ban sự tha thứ đã đến và đó là hôm nay: ý nghĩa sít sao của từ “giải phóng” trả lại tự do, hay “giải thoát” (“aphésis” trong tiếng Hy Lạp) là thế.  Đức Giêsu đến để mang lại một “sứ điệp của ân sủng”, một sự ban ơn, một quà tặng vô giá mà không ai xứng đáng được.  Chúng ta phải ghi nhận rằng toàn bộ thần học của thánh Phaolô về “ân sủng” trong thư gởi tín hữu Rôma đã được viết ra khi Luca soạn thảo Tin Mừng của Người.  “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20).

Luca đã là một môn đệ và một người bạn đồng hành của Phaolô.  Không giống như Máccô (6, 1-6), trước tiên Luca ghi nhận rằng việc rao giảng của Đức Giêsu được đón nhận: “Mọi người đều tán thành và thán phục?”  Những người dân ở Nagiarét không xấu xa hơn ở những nơi khác: Vậy thì, tại sao họ sắp sửa trở mặt?

Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?

Luca biết rất rõ đó là một biểu lộ sự ngu dốt của họ về nguồn gốc thật sự của Đức Giêsu như ngài vừa viết ra trên giấy trắng mực đen: “Thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giuse” (Lc 3, 23).  Vậy thì, người ta hài lòng với “sứ điệp của Đức Giêsu, nhưng Người ta không muốn nhận sứ điệp ấy từ Người: Đó là cớ vấp phạm rất thông thường của nhân loại!  Dẫu sao, đó chỉ là “con ông Giuse.”  Giáo Hội cũng luôn gây ra cùng một cớ vấp phạm.  Người ta sẵn sàng tiếp đón sứ điệp của Giáo Hội, nhưng người ta không chấp nhận sự yếu đuối của con người trong Giáo Hội.

Giáo Hội cơ cấu giống như phần lớn các hiệp hội, với tài chính của nó, với sự nặng nề trong việc điều hành, nhưng sơ cứng của sức nặng quá khứ trong huyết quản, những tội lỗi của cách thành viên, chứng nhận định thiếu sót của một số viên chức, sự sợ hãi canh tân, những mâu thuẫn giữa “nói” và “làm”.  Người ta không bao giờ nhận xét hết những khía cạnh “quá” con người của Giáo Hội.  Như thế, những người dân ở Nagiarét bị kẹt cứng trong định kiến “con ông Giuse.”

Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình!  Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!

Đức Giêsu không tìm cách làm giảm nhẹ cuộc xung đột mà Người đoán trước: Chính Người đã tấn công. “Vậy ông hãy làm cho chúng tôi những phép lạ như ông đã làm ở những miền lân cận!”  Người ta không ngừng đặt “cơn cám dỗ” lớn ấy dưới chân Đức Giêsu.  Đó là cơn cám dỗ của satan (Lc 4, l-14).  Người ta đòi hỏi Đức Giêsu những “dấu chỉ từ trời xuống” (Lc 11, 16).

Một trong những cách chối bỏ Thiên Chúa là yêu cầu Chúa làm các phép lạ.  Chúng ta tiếp tục có thái độ của người dân ở Nagiarét.  Chúng ta muốn có một Thiên Chúa tỏ mình ra thêm chút nữa, một Thiên Chúa giải quyết những vấn đề của chúng ta thay cho chúng ta.  Vả lại Thiên Chúa không thích vai trò mà chúng ta muốn ép Người làm.  Thiên Chúa không thích điều ngoại lệ, kỳ diệu và ly kỳ.  Khi Người chữa lành một người mù không phải để làm cho chúng ta kinh ngạc mà để ám chỉ cho chúng ta biết rằng Người muốn chữa sự mù lòa vốn có của tất cả chúng ta.  Khi Người chữa lành một người bị liệt nằm trên cáng, vì Người mong muốn chữa lành mọi người chúng ta khỏi một bệnh liệt còn nặng hơn nhiều là tội lỗi của chúng ta.  Điều đó được nói rõ ràng trong Tin Mừng (Lc 5, 17-26).

“Vậy ông cũng hãy làm tại đây một phép lạ cho chúng tôi.”  Chúng ta cũng thế, có lúc chúng ta tưởng rằng mình phục vụ Thiên Chúa theo cách đó.  Vả lại, muốn xếp đặt Thiên Chúa “để phục vụ chúng ta” chính là chối bỏ Người.  Tối hậu thư bi đát.  Tối hậu thư buồn cười.  Con người tìm đến trước mặt Chúa và yêu cầu Người “làm” điều mà mình mong mỏi, điều phục vụ cho mình?  Thách thức Thiên Chúa?  Giảm lược Thiên Chúa để Người chỉ còn là một “động cơ phụ gỡ rối cho chúng ta khi cái xe: không còn chạy được nữa.  Ôi! Lạy Chúa, con nhận ra mình ở trong số những người đồng hương của Chúa ở Nagiarét!  Xin Chúa giúp con trở lại với lòng con để bắt đầu phục vụ Chúa, thay vì đòi Chúa phục vụ con.  Thay vì lúc nào cũng nói “nguyện ý con được thể hiện bởi Chúa, con phải nói trong chân lý rằng nguyện ý Cha được thể hiện bởi con.”

Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình

Không, người ta chẳng chịu nghe các ngôn sứ.

Làm ngôn sứ chẳng dễ chịu chút nào, phiền toái là đằng khác!  Nghĩa là làm “người phát ngôn” của Thiên Chúa.  Giêrêmia trong bài đọc một của chủ nhật này nói với chúng ta điều đó một cách thật đau đớn.  Thiên Chúa không phải lúc nào cũng nói những lời dễ nghe.  Vì thế nhiều ngôn sứ đã phải chết: “Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi!” (Mt 23, 37).  Đấy là một chủ đề của Luca (6, 23; 11, 47-50; 13, 33-34; Cv 7, 52).

Còn chúng ta, trong thế giới mà đa số là vô tín và duy vật, nhưng chúng ta có phải là những ngôn sứ không?  Không phải trong những lúc đặc biệt mà trong đời thường mỗi ngày; nắm chắc “chính nghĩa của Thiên Chúa”, nắm chắc lời “vì Chúa” (từ ngôn sứ trong tiếng Hy Lạp do chữ “pro-phèmi” có nghĩa là “tôi nói vì”).

Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđôn.

Luca, môn đệ của thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại, là người duy nhất đưa ra sự so sánh này lấy ra từ Cựu ước để nhấn mạnh đến những ân huệ mà Thiên Chúa ban cho những người không phải là dân Do Thái.  Biến cố ở Nagiarét mang dáng dấp của một chủ đề thần học: ơn cứu độ không dành riêng cho một số người đặc quyền.  Thiên Chúa muốn cứu chuộc mọi người.  Thiên Chúa yêu thương dân ngoại.  Không có Đất Thánh, không có Dân được chọn.  Chúng ta sẽ lạm dụng ngôn ngữ mạc khải nếu chúng ta sử dụng những cách diễn tả của Kinh Thánh một cách cố chấp như thể những miền đất khác bên ngoài Israel là phàm tục, như thể các dân tộc khác bị loại trừ khỏi Giao ước Thiên Chúa không có biên giới!  Thiên Chúa còn bao la, cao cả hơn những chân trời nhỏ bé của bản thân chúng ta!  Người ta không thể giam hãm con ông Giuse trong cái “hố” ở Nagiarét của Người.  Thiên Chúa cao cả hơn Giáo Hội hữu hình.  Những người ngoài Kitô giáo không nằm bên ngoài ân sủng của Thiên Chúa.

Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ co ông Naaman, người xứ Xyri thôi

Trong sự so sánh giữa Israel và các dân ngoại, mọi ưu điểm thuộc về dân ngoại.  Khi nào có thể, Đức Giêsu đều thán phục đức tin của các dân ngoại, những người không phải là Do Thái, những người Samari dị giáo (Lc 9, 23.47; 10, 33; 17, 16).  Thật lạ lùng khi tôn giáo có thể làm sơ cứng lòng người.  Từ hai ngàn năm rồi Israel đã chờ đợi Đấng Mêsia, nhưng đức tin của họ bị sơ cứng.  Đó là lời cảnh báo cho tất cả những ai tưởng rằng mình thân thiết với những việc của Thiên Chúa, tưởng rằng mình được hưởng, một nền giáo dục Kitô giáo tốt đẹp, và việc thường xuyên tham dự các bí tích bảo đảm.  “Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Lc 7, 34).
snhn6Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.  Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi.  Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực

Đây là sự tiên báo số phận sau cùng của Đức Giêsu.  Người bị giết bên ngoài thành (Lc 20, 15; Cv 7, 57).  Chúng ta hẳn sẽ lầm khi vội vã tưởng rằng mình ở về phía những người lương thiện và được miễn trừ thái độ của những người đồng hương với Đức Giêsu.  Rất nhiều lần, chúng ta cũng “lôi” Đức Giêsu ra khỏi những quyết định của chúng ta, nhà chúng ta, nghề nghiệp chúng ta.  Ông không can dự gì ở nhà tôi!  Hỡi ngôn sứ, đi chỗ khác mà thuyết giáo.

Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi

Những từ khước của tôi không thể ngăn Con Thiên Chúa theo đuổi kế hoạch của Người với những người khác.  Điều tệ hại là tôi không biết ngạc nhiên nhiều hơn!  Giữa những trào lưu của lịch sử, những từ khước của con người, Đức Giêsu tiếp tục “con đường của Người.”  Lạy Chúa, cám ơn Chúa!

Noel Quesson

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *