Tết Nguyên Đán ở Việt Nam hay còn gọi là Tết, Tết cổ truyền, Tết âm lịch… là những ngày lễ quan trọng nhất của người Việt Nam ta. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi Tết mang ý nghĩa như thế nào? Bài hát “Tết quê em”:
Tết Tết Tết Tết đến rồi
Tết Tết Tết Tết đến rồi
Tết Tết Tết Tết đến rồi
Tết đến trong tim mọi người.
Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi
Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi
Đàn em thơ khoe áo mới
Chạy tung tăng vui pháo hoa
Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi
Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam
Dù đi đâu ai cũng nhớ
Về chung vui bên gia đình.
Lời đầu tiên, mến gửi lời chúc quý anh chị em một mùa xuân tràn đầy tin yêu và hy vọng trong năm mới này. Bài hát “Tết quê em” gợi lên và nhắc nhớ cho chúng ta ngày Tết sắp đến rồi. Chúng ta đã và đang chuẩn bị cho ngày Tết. Riêng tôi, xuân đến làm cho tôi xao xuyên và nhớ về ngày Tết quê hương, nhớ đến cội nguồn, nhớ ngày xuân bên mái ấm gia đình, bên những người thân, đi chúc tuổi và nhận được bao lì xì. Ca dao Việt Nam viết:
Mùng Một thì ở nhà cha,
Mùng Hai nhà vợ, Mùng Ba nhà thầy
Mùng Một tết cha,
Mùng Hai tết mẹ, Mùng Ba tết thầy
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Mong cho Tết đến dựng nêu ăn chè
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Kế đến, Tết mang ý nghĩa thiêng liêng là ngày đoàn tụ gia đình, là ngày làm mới, là ngày hy vọng và tạ ơn.
Tết là ngày đoàn tụ gia đình: người Việt có tục lệ hằng năm mỗi khi Tết đến lại trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, nhớ đến ông bà tổ tiên, thăm lại nơi họ đã từng sinh sống trong thời niên thiếu đã gắn liền với đồng lúa, giếng nước, cây đa, lũy tre làng, mảnh sân nhà. Hình ảnh đó như thôi thúc cho mọi người nhớ về với quê hương của mình. Vì vậy, “Về quê ăn Tết” đã trở thành ngữ chỉ cuộc hành hương về nơi cội nguồn.
Tết là ngày đổi mới: Tết là ngày đầu tiên của năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc cũ và làm mới mọi việc. Việc làm mới có thể về hình thức như dọn dẹp và sửa nhà cửa. Về đời sống tinh thần, nhân dịp đầu năm, người ta thường tạo mối liên hệ giữa người thân để được cảm thông và bỏ qua chuyện cũ. Người lớn cũng như trẻ con mặc quần áo mới. Nợ nần thì được thanh toán để bước qua năm mới gặp được may lành. Những chuyện buồn phiền, cãi vã được hàn gắn và bỏ qua trong ba ngày Tết. Mọi người vui vẻ tươi cười với nhau. Tết còn là sinh nhật của tất cả mọi người vì ai cũng thêm một tuổi, khi gặp nhau là chúc nhau thêm một tuổi. Người lớn mừng tuổi cho trẻ con để các cháu ăn chóng lớn, ngoan ngoãn và học giỏi; còn các cụ già thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được nhờ phúc.
Tết là ngày tạ ơn và hy vọng: Người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn ân nghĩa mình đã được hưởng năm vừa qua. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên… Hơn nữa, Tết là ngày của hy vọng. Hy vọng năm mới được an lành, may mắn và phát đạt. Với tất cả mọi người Ki-tô hữu, Tết là dịp để chúng ta nhìn lại những hồng ân Chúa ban cho.
Anh chị em thân mến! Chắc hẳn, anh chị em mình đang sống trên mảnh đất này, đang là mùa đông thời tiết thì giá lạnh, chúng ta không có được những cảm xúc không khí ấm áp của mùa xuân trên quê hương. Đặc biệt, các bạn trẻ sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ lại càng không có được những cảm xúc thú vị của ngày Tết cổ truyền và các phong tục của ngày Tết Việt tại quê hương. Nhưng bên cạnh chúng ta luôn có những người thân, có cha mẹ và anh chị em. Họ là những người mang đến cho chúng ta mùa xuân. Chúng ta hãy nghĩ đến họ và làm cho mùa xuân được nở hoa bên nhau, đó là cách chúng ta mang lại mùa xuân cho người thân đang sống bên cạnh chúng ta. Trên hết, Chúa là Mùa Xuân vĩnh cửu. Ngài sẽ mang lại cho chúng ta mùa xuân ấm áp và yêu thương khi chúng ta trao cho nhau tình yêu thương, chia sẻ và cảm thông. Nhất là thời khắc quan trọng trong ngày đầu năm mới này, chúng ta hãy lì xì cho nhau lòng vị tha, khoan dung và tha thứ. Đó là món quà quý nhất để cho chúng ta tận hưởng mùa xuân.
Chúa là Mùa Xuân ban muôn phúc lành cho anh chị em trong năm Giáp Ngọ này.
Rev. John Nguyen