Ai sinh ra cũng khóc. Đứa bé khóc được là thân nhân vui mừng, đứa bé không khóc thì thân nhân… lo. Vậy khóc là “tín hiệu tốt” chứ không phải là cười.
Rồi khôn lớn dần, trong cuộc sống, ai cũng đã từng hơn một lần rưng rưng nước mắt hoặc đầm đìa nước mắt. Mà nói đến nước mắt là nói đến trạng thái khóc. Thường thì khóc là thể hiện tâm trạng buồn. Nhưng cũng có thể khóc vì vui, như thi hào Nguyễn Công Trứ mô tả: “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.” Buồn mà lại cười, đó là lúc người ta quá buồn, buồn muốn phát điên, buồn muốn khóc, và rồi khóc đến cạn nước mắt. Có thể đó là “cái bí ẩn” trong cách nói của người Việt Nam thường nói: “Buồn cười quá!”
Cụ Nguyễn Công Trứ đã từng “khóc”, vì ông đã “ngồi buồn mà trách ông xanh” và mong ước:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Nhưng với chúng ta, những người có niềm tin vào Đức-Kitô-tử-nạn-và-phục-sinh, chúng ta có quyết tâm tích cực hoàn toàn khác:
Kiếp sau xin vẫn làm người
Và làm thánh giữa Nước Trời trường sinh
Chúng ta không chỉ “vẫn làm người”, vì thân xác chúng ta cũng được sống lại và lên trời, đặc biệt là còn làm “thánh nhân.” Nhưng trước khi “về Nhà Cha” hưởng phúc trường sinh vinh quang, chúng ta không thể không phải chịu đau khổ, nghĩa là có những lúc buồn nẫu ruột, buồn đến chết, buồn đến bật khóc… đến nỗi những người kém lòng tin đã tự tử.
Khóc có nhiều kiểu. Khóc có nhiều nguyên nhân. Khóc có nhiều mức độ. Thế nên nước mắt cũng có nhiều loại, kể cả “nước mắt cá sấu.” Và tất nhiên, nước mắt không chỉ có vị mặn mà còn có những vị khác nữa!
Với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, ông có “giọt nước mắt ngà”: “Em đứng bên sông buồn, nhìn cuộc tình trôi qua và lòng người phôi pha. Trên hai đóa môi hồng, nụ cười đã đi xa. Ôi giọt nước mắt nào cho cuộc tình đầu… Thôi một giọt nước mắt này, cho cuộc tình đam mê, cho người tình trăm năm… Giọt lệ nào thương vay, tình đành tràn mi cay… Ôi giọt nước mắt ngà cho cuộc tình đầu tiên!” Giọt-nước-mắt-ngà của NS họ Ngô là giọt-lệ-tình-sầu, một “kiểu” nước mắt của riêng ông.
Người đời có nhiều loại nước mắt, riêng người Công giáo có thêm loại nước-mắt-ăn-năn, nước-mắt-khóc-cho-tội-mình mang vị mặn chát, nhưng đó là loại nước-mắt-thánh-thiện rất cần thiết. Nước mắt làm cho sáng mắt, và nước mắt có thể làm “trôi đi” phần nào nỗi buồn.
Tác giả Thánh vịnh có kiểu khóc thế này: “Tôi lang thang như người khóc mẹ, tôi tủi buồn cúi mặt xuống mà đi” (Tv 35:14). Nước mắt chảy nhiều đến nỗi tác giả “xin lấy vò mà đựng nước mắt” (Tv 56:9), và thường đem “nước mắt hoà nước uống” (Tv 102:10). Có những giọt nước mắt bình thường hoặc tầm thường, nhưng có những giọt nước mắt quý giá – gọi là châu lệ.
Thánh Phaolô cũng đã từng phải khóc: “Tôi phải than khóc nhiều người trước đây đã phạm tội, mà nay chẳng chịu ăn năn hối cải về những việc ô uế, gian dâm và phóng đãng họ đã làm” (2 Cr 12:21).
Thánh sử Luca tường thuật: “Có một phụ nữ tội lỗi cúi sát chân Chúa Giêsu mà khóc. Chị lấy nước mắt mình mà tưới ướt chân Ngài, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7:38). Những giọt nước mắt như vậy thực sự là châu lệ, vì đầy tâm tình sám hối và tin yêu. Do đó, Chúa Giêsu đề cao tấm gương của phụ-nữ-tội-lỗi này: “Yêu nhiều nên được tha nhiều” (Lc 7:47).
Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày Đại Tang của Giáo hội, đúng ra là Thế Giới Tang. Nhiều người chú trọng nhiều đến “bề ngoài”, lo “bày tỏ” bằng những cách để đánh vào thị hiếu của giới bình dân. Nếu thực sự ngoại tại có thể giúp nội tại thì cũng tốt, nhưng đừng thái quá. Điều cần là “đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” (Ge 2:13). Khóc cho tội và chết cho tội là thành tâm sám hối và quyết tâm chừa tội, đó mới là cách Chúa muốn. Cứ lo “diễn” bề ngoài mà không chú ý nội tâm thì chắc chắn Chúa không muốn.
Chính Đức Giêsu cũng đã khóc vì thương tiếc thành Giêrusalem (x. Lc 19:41), nhưng khi người ta than khóc Ngài vì thấy Ngài vác Thập giá, dù Ngài đang rất mệt mỏi và đau đớn mà vẫn ráng quay lại nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:28).
Đó cũng chính là lời cảnh báo Ngài nói thẳng với chúng ta. Và rồi khi “Ngài ngự đến giữa đám mây”, nghĩa là lúc Ngài đến thế gian lần thứ hai, “ai nấy sẽ thấy Ngài, cả những kẻ đã đâm Ngài. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Ngài” (Kh 1:7).
Cuộc đời là chuỗi-đau-khổ-đầy-nước-mắt, nhưng chính đau khổ lại là diễm phúc: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5:5). Khóc không bị chê trách mà được chúc phúc. Giọt-nước-mắt đó đầy vị-mặn-yêu-thương. Chỉ có một loại nước mắt tệ hại nhất và vô phúc nhất là giọt-nước-mắt-trong-hỏa-ngục, vì phải đời đời “khóc lóc và nghiến răng” (Mt 8:12; Mt 13:42; Mt 13:50; Mt 22:13; Mt 24:51; Mt 25:30; Lc 13:28).
Chúa Giêsu đã dùng chính sự thất bại để chiến thắng, dùng chính đau khổ để đạt vinh quang, và dùng chính cái chết để đạt sự phục sinh. Đấng Cứu Thế đã vậy thì chúng ta không thể không như Ngài – nghĩa là cũng phải khóc lóc và rơi lệ hằng ngày. Tuy nhiên, Ngài đã chết để chúng ta được sống, và rồi “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt chúng ta” (Kh 7:17; Kh 21:4).
Lạy Chúa Cha hằng hữu đầy lòng thương xót, vì tội lỗi khốn nạn của chúng con mà Ngài bắt Đức Kitô, Con Yêu Dấu của Cha, phải chết đau thương. Chúng con thành tâm xin lỗi Đức Giêsu Kitô, xin cho nước mắt của chúng con được hòa với Máu và Nước của Ngài để nài xin lòng thương xót cho chính chúng con và toàn thế giới. Chúng con khẩn thiết Chúa Cha thương xót và tha thứ cho chúng con, xin giúp chúng con trung tín với Ơn Chúa để đừng làm khổ Đức Giêsu chút nào nữa. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
Trầm Thiên Thu