ÁNH SÁNG ĐÃ ĐẾN

zzMột người kia rất sợ bóng tối.  Anh đến hỏi vị thầy của mình cách thức làm sao cho hết sợ.  Vị thầy dẫn anh vào một hành lang tối và bảo anh, vừa đi vừa lấy gậy đập vào bóng tối.  Anh ta làm theo , nhưng chẳng mấy chốc, anh quay đầu trở lại.  Vị thầy lại bảo anh, vừa đi vừa la hét om xòm để xua đuổi bóng tối.  Anh đi được một quãng, nhưng khi khản cả cổ không còn la được nữa thì cơn sợ lại đến.  Cuối cùng, vị thầy đưa cho anh que diêm và một cây nến.  Khi thắp lên ngọn nến, ánh sáng tuy yếu ớt nhỏ bé, nhưng đủ để đẩy lui bóng tối chung quanh anh.  Thế là từng bước một anh đi hết hành lang không sợ hãi.  Ánh sáng xuất hiện và đẩy lui bóng tối.

********************************

Nước Thiên Chúa

Bạn thân mến, theo tin mừng Marcô, sau khi mời gọi các môn đệ đầu tiên, Đức Giêsu ghé vào Kêpar-nahum, một thị xã cạnh biển hồ Galilê, nơi dân chúng chuyên về nghề đánh cá.  Ngày Sabát, ngài vào hội đường và giảng dậy.  Có điều gì đó khác lạ nơi vị tôn sư này.  Theo như dân chúng nhận xét: “nội dung thì mới mẻ, cách nói chuyện thì có uy quyền.”  (Mc 1,27).  Chúng ta không biết chi tiết bài giảng trong ngày Sabát ấy, nhưng chắc hẳn nội dung không đi ngoài chủ đề “Nước Thiên Chúa đã gần đến.  Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15).  Thật vậy, trọng tâm sứ điệp rao giảng của Đức Giêsu là loan báo về Nước Thiên Chúa.  Việc Chúa Giêsu trừ tà trong hội đường là dấu chỉ Nước Thiên Chúa đã xuất hiện, và quyền lực của ác thần đang bị đánh bại.

Đối với nhiều người, cụm từ “Nước Thiên Chúa” hoặc “Nước Trời” vẫn là cái gì khó hiểu, trừu tượng, mơ hồ, cho dù hàng ngày chúng ta vẫn cầu xin cho “Nước Cha trị đến.”  Khác với các kinh sư đương thời, Chúa Giêsu đưa ra một quan niệm mới mẻ về Nước Thiên Chúa.  Thay vì nhấn mạnh về sự công thẩm của Thiên Chúa, Chúa Giêsu nói về tình thương của Ngài.  Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mô tả không phải là vị thẩm phán, nhưng là người cha giầu tình thương.  Một Thiên Chúa không phân biệt giữa dân tộc này hoặc dân tộc nọ.  Một Thiên Chúa không quan tâm đến của lễ toàn thiêu cho bằng con người thương yêu đùm bọc nhau.  Một Thiên Chúa muốn đối xử với chúng ta trong quan hệ cha-con, chứ không phải là vua-tôi.  Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng là một Đấng trung tín, từ bi và nhân hậu. Ngài chậm giận và chan chứa tình thương.  Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả, sẵn sàng đón nhận tất cả.

Qua sứ vụ rao giảng và chữa lành của Chúa Giêsu, cụm từ “Nước Trời” không còn mang ý nghĩa lãnh thổ hoặc quốc gia, như đế quốc Rôma hay đất nước Palestine.  “Nước Trời” cũng không hẳn là một chế độ hoặc chính thể, như chính thể cộng hoà hay chế độ quân chủ.  Thiên Chúa chẳng cần đất đai, cũng chẳng cần thần dân.  Nói đúng hơn, Chúa Giêsu mô tả Nước Trời là một hình ảnh của sự hoạt động và hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới.  Nước Thiên Chúa là một mầu nhiệm không dễ nắm bắt nhưng cũng không phải là điều mơ hồ, mà chính là thực tại.  Một thực tại xảy ra khi tâm hồn con người mở ra để đón nhận Thiên Chúa.  Nước Chúa ngự đến khi ý Chúa được thể hiện.  Nước Chúa hiện diện khi Thiên Chúa có mặt trong đời sống con người.

Tin Mừng này có nghĩa gì với chúng ta hôm nay?

Có lần người chị của thánh Tôma Aquinô đã hỏi thánh nhân: “Làm thế nào để lên thiên đàng?”  Thánh nhân trả lời vắn gọn: “Hãy ao ước đi!”  Thật thế, khi chúng ta ao ước được Chúa ngự trị trong lòng mình, chúng ta bắt đầu tiến trình thanh tẩy.  Khi chúng ta để Lời Chúa soi rọi cuộc sống chúng ta, thì các thần ô uế đã và đang ám chúng ta phải lung lay.  Những tăm tối, những ô uế, những đam mê tội lỗi sẽ phải bật tận gốc.

Hãy tự hỏi lòng mình xem tôi có muốn lên thiên đàng không?  Tôi có thật sự muốn sống mầu nhiệm “Nước Thiên Chúa” ngay tại cuộc sống trần thế này không?  Nếu muốn chúng ta có thể bắt đầu học “ao ước” từ bây giờ và xắn tay áo lên “sống” mầu nhiệm “Nước Thiên Chúa” ngay từ hôm nay. Bằng cách nào ư?  Một cánh én không làm nên mùa Xuân nhưng một ngọn nến nhỏ với một ánh sáng yếu ớt đủ để đẩy lui bóng tối.

Là tín hữu, chúng ta được mời gọi để chia sẻ vào sứ mạng của Hội thánh, rao truyền một nền văn minh tình thương và sự sống.  Chúng ta cần góp sức nỗ lực, cho dù nhỏ đến đâu, để đẩy lui nền văn hoá bạo lực và chết chóc đang lan tràn chung quanh chúng ta.  Trong lời nguyện cầu, trong những đóng góp vật chất và tinh thần, trong công tác truyền thông, bằng những chữ ký thỉnh nguyện, bằng những buổi thắp nến nguyện cầu, rất nhiều người chúng ta đã và đang gióng lên tiếng nói của lương tâm, tiếng nói cho công lý.

Bóng tối của thế gian sẽ được đẩy lui từ từ nếu tất cả những người Kitô cùng thắp lên một ngọn nến nhỏ, cùng sống tinh thần “Nước Trời” như lời giảng dạy đầy uy quyền của Chúa Giêsu Kitô.

Đâu có công bình và bác ái, ở đấy có Thiên Chúa.
Đâu có Thiên Chúa, ở đấy là Thiên đàng.

Bảo Lộc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *