THỜI GIAN

Mùa hè năm 1932 tại Los Angeles (Mỹ) có cuộc tranh giải thế vận hội về môn lội sải 400 mét. Người có nhiều hy vọng nhất để ghi tên vào bảng vàng là nhà vô địch Pháp J. Taris, vì lúc bấy giờ J. Taris đang giữ chức vô địch thế giới về hạng này.  Nhưng rút cuộc khi về mức, một lực sĩ Mỹ, Buster Chabbe đã với tay trên mép hồ trước J. Taris vỏn vẹn một gang tay.  Báo chí và những nhà hâm mộ “con gà nòi Pháp” thất vọng kêu ầm lên: đó là mối hận lớn nhất trong đời thể thao của nhà vô địch không may.

Trên dưới 1/10 sao, anh là một nhà vô địch, tên anh được khắc vào bảng vàng, đời sau còn nhắc nhở, hoặc anh chỉ là kẻ bại trận, chỉ đáng rước những lời an ủi, tên tuổi anh sẽ chìm dần trong quên lãng.  Thể thao có những luật lệ khắt khe, nhưng không phải là không công bằng.

(Phạm cao Tùng,  Tôi có thể nói thẳng với anh, 1967, tr 5)

***************************************

Nếu bạn đang tuổi thiếu niên, bạn hãy dùng hết thời giờ để học và để làm việc, vì bạn phải sửa soạn cho đời sống tương lai.  Tứ tuần, ngũ tuần mới học ngoại ngữ thì chỉ dùng được 20, 30 năm.  Nếu học ngay từ 18, đôi mươi bạn dùng được gấp đôi thời gian trên.  Hơn nữa, còn trẻ dễ học hơn khi trưởng thành, dễ sản xuất hơn là thu nhận.  Bởi thế, không chỉ là làm việc suốt ngày đêm mà quên ăn quên ngủ.  Không, bạn phải nghỉ ngơi cho đúng độ, nhưng đừng bao giờ vừa làm việc vừa chơi, như thế là “bạn bắt cá hai tay”, kết cuộc không được con nào!

Thời giờ thấm thoát thoi đưa,
Nó đi đi mãi có chờ đợi ai.

Bạn đã thấy thời giờ đi mau chừng nào chưa, hay bạn còn đang ngồi mơ mộng, đang thêu dệt ảo tưởng cho tương lai?  Bạn đang làm thơ tả ánh trăng thu, hoa đào nở, hay bạn đang làm việc mà bạn cho là hữu ích cho đời bạn?  Bạn hãy xắn tay áo lên làm việc, kẻo cái già xồng xộc nó thì tới nơi!

Có lẽ bạn thắc mắc, tại sao không được bỏ phí thời giờ bằng cách chơi không hay giải trí vô ích? Cứ “chơi cho thỏa chí tang bồng đã sao”?

Bạn lầm rồi!  Thời giờ và đời sống dương thế không phải là của bạn!  Thiên Chúa đã cho bạn mượn tất cả, và bạn phải trả lại Ngài một ngày kia đúng như khi bạn nhận.  Ngày nào Chúa đòi, bạn không biết trước được.  Nhưng chắc chắn bạn có thể chết bất cứ lúc nào.  Nếu bạn nghĩ rằng mình còn lâu mới chết, mình còn đang “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” mà!  Giả như ý nghĩ đó đúng, thì bạn cũng phải ý thức rằng: mỗi giờ là một bước đi gần đến sự chết…  Nhưng bạn có thấy bao nhiêu người chết lúc 12, 15 hay 18 xuân xanh không?

Bây giờ giả sử có một bác sĩ quả quyết là chỉ 7 ngày nữa bạn sẽ chết, bạn sẽ làm gì?  Chắc là bạn sửa soạn kỹ càng lắm: nào là lo xin lỗi người này kẻ khác, nào là thanh toán nợ nần, hay lo xưng tội để rửa sạch linh hồn… Làm gì thì làm, chắc bạn phải dùng tuần lễ ấy hơn những tuần lễ trước nhiều lắm!

Bạn có biết một phần tư trẻ con chết dưới 7 tuổi, một nửa không sống tới 17 tuổi, 100 người mới có một hay hai người thọ tới 60, và 500 người mới có vài người thọ bát tuần.  Và bạn hãy tưởng tượng mỗi phút có ít nhất hàng trăm người chết?

Bạn có vặn ngược kim đồng hồ lại, giờ chết vẫn đẩy nó đi… Thời gian trôi nhanh lắm.  Bạn hãy dùng nó hết sức của bạn.  Nếu bạn đã bỏ phí thời gian qua để làm những việc vô ích, để hưởng lạc thú, để vùi đầu vào chốn chơi bời, trác táng, thì năm mới bạn hãy ngẩng đầu lên nhìn vào Thượng Đế, Đấng khoan nhân vô cùng.  Như Charles de Foucauld, như Madeleine… bạn sẽ được hạnh phúc vô cùng của Thiên Chúa phú ban.  Vì thế muốn sống khôn ngoan, bạn sẽ biết rằng, lúc nào bạn cũng gần cái chết.  Nghĩ đến cái chết, không phải để bi quan, yếm thế, nhưng để vui tươi hơn, yêu đời hơn, lăn xả vào đời để làm việc hữu ích.

Bạn ạ, chỉ có phút hiện tại mới thuộc về bạn.  Bạn phải cố gắng dùng cái phút ấy cho nên.  Chắc đã nhiều lần bạn vào thăm một nghĩa địa.  Trên mỗi tấm mộ, người ta thường ghi người này thọ 80 tuổi, người kia 20 tuổi…  Chắc bạn cho cô nàng 20 ấy sống ít quá!  Sao mới nửa chừng xuân mà đã vội vàng ra đi?  Ít quá thật không?  Không, nếu cô ta đã sống trọn 20 năm cố gắng, sống theo ý muốn của Thiên Chúa: không bỏ phí một giây phút nào vô ích.  Thiên Chúa không tính năm, tính tháng, nhưng Ngài cân những năm bạn đã sống.

Lẽ tất nhiên ai chả muốn sống lâu.  Ngày xuân, người ta hay chúc nhau “trăm tuổi bạc đầu râu”, muôn ngàn phúc, lộc thọ…  Nhưng bạn chớ quên rằng: đời sống thế gian lâu dài mấy rồi cũng có cùng.  Bạn phải tìm một đời sống vô cùng và đời đời hạnh phúc, bằng cách sống tốt lành, đạo đức ở trần gian.  Lắm khi bạn nghĩ: hoạt động để làm gì?  Làm việc đạo đức, ích lợi chi, nếu một ngày kia sẽ phải chôn vùi dưới 3 thước đất!  Nhưng, bạn ơi, đàng sau cái chết, một đời sống đời đời đang chờ đợi bạn.

Nói về thời gian thì không bao giờ hết.  Nhưng chắc chắn một điều là thời gian đi nhanh lắm. Chiếc đồng hồ tinh vi nhất cũng chỉ chứng minh có một điều là: thời gian bay như tên.  Vậy bạn phải làm gì?  Bạn hãy nắm lấy hiện tại, hãy lợi dụng từng phút của đời bạn để làm những việc hữu ích.  Làm một việc gì không cần lắm, còn hơn nói rằng một nửa giờ không cần.  Bạn có thể bắt chước nhà văn sĩ nọ đã lợi dụng thời gian 15 phút dọn cơm muộn của vợ, để viết một tác phẩm thời danh “Time is money” (Thời giờ là vàng).  Tóm lại, bạn phải luôn nghĩ rằng, đời sống của bạn có cùng, sẽ có ngày bạn phải trả lại tất cả thời gian mà Thiên Chúa ban cho bạn.

Thiên Chúa sẽ ban cho bạn hạnh phúc vĩnh cửu nếu bạn biết dùng ngày giờ ở dương thế theo thánh ý của Ngài.  Bạn đã sửa soạn chưa?  Vì Thiên Chúa đến bất ngờ như chớp phương đông lòe sang phương tây!  Chúc bạn một đời sống mới, nhất là biết dùng thì giờ vàng ngọc Thiên Chúa đã ban cho bạn. zz

Năm hết Tết đến, mai vàng nở rộ khắp nơi, tô điểm cho ngày xuân thêm tươi đẹp, người ta chúc nhau được gặp nhiều may mắn:

Mai vàng nở khắp quê nhà, 
An khang, thịnh vượng món quà chúc Xuân.

Còn tôi sẽ chúc bạn hai chữ “Phúc đức”, một câu đối bằng chữ Nho, nghe cũng hay hay.  Hy vọng trong năm mới này bạn được hạnh phúc tràn đầy, nhất là được tăng trưởng trên đường nhân đức:

       Phúc mãn đường, niên tăng phú quí,
       Đức lưu quang, nhật tiến vinh hoa.
       Phúc đầy nhà, năm thêm giầu có
       Đức ngập tràn, ngày một vinh hoa.

 Viết theo GM Tihamer Toth TV và Lm Giuse Đinh lập Liễm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *