VINH QUANG VĨNH CỬU

zz“Đây là tất cả những gì cần thiết để trở thành một môn đệ của Chúa Giêsu; đó là từ chối chính mình, và từ bỏ những gì con người mình ưa thích.  Chúng ta có mong muốn được hưởng ơn Cứu Độ không? Như vậy thì chúng ta cần phải chinh phục tất cả để được đảm bảo tất cả.  Tồi tệ nhất là một linh hồn cho phép thân xác hướng dẫn nó bằng tình yêu tự kỷ!

Hãm mình có hai cách: Bề trong (interior) và bề ngoài (exterior).  Hãm mình bên trong thì chinh phục được đam mê, và đặc biệt là những đam mê chiếm hữu chúng ta nhiều nhất.  Ai không thể vượt qua được những đam mê ấy thì có nguy cơ bị mất.  Ngược lại, ai chinh phục được nó sẽ dễ dàng chinh phục được tất cả những yếu điểm còn lại.  Tuy nhiên, có một số người bị ảnh hưởng bởi những điểm yếu khác, nhưng họ nghĩ họ là những người tốt vì họ không bị ảnh hưởng bởi những điều xấu mà họ thấy nơi người khác.  “Nhưng những gì sẽ ảnh hưởng đến điều này?”  Thánh Cyril nói: “một khe hở nhỏ cũng đủ để đánh chìm con thuyền.”  Lắm lúc chúng ta dùng biện pháp vô ích và nói “Tôi không thể tránh tật xấu này,” một ý chí kiên quyết sẽ vượt qua tất cả, khi chúng ta biết dựa vào sự trợ giúp của Thiên Chúa, điều mà chúng ta chẳng bao giờ thiếu.”
– Thánh Alphonsus Maria de Liguori –

Trong thơ của Thánh Phaolô gởi Timôthê (Tm 2:8-13), ngài nói đến Lời Chúa chẳng bao giờ là xiềng xích trói buộc con người, nhưng Lời Chúa dẫn chúng ta đến một vinh quang vĩnh cửu.  Chính Chúa Giêsu sẽ là người dẫn chúng ta đến vinh quang vĩnh cửu ấy.  Vậy, chúng ta hãy dừng lại chốc lát và ngồi lại với chính mình để cảm nhận trong con tim của mình xem “vinh quang vĩnh cửu” đó có ý nghĩa gì với mỗi người chúng ta.  Có lẽ chúng ta đã nghe nói nhiều về “vinh quang vĩnh cửu;” tuy nhiên, chúng ta có thể đã nghe nhiều nhưng có bao giờ cảm nghiệm được ý nghĩa của lời đó bao giờ chưa?  Hay chúng ta có bao giờ thắc mắc về ý nghĩa của sự “vinh quang vĩnh cửu” mà Giáo Hội luôn nhắc đến không?  Chúng ta có thể nghe lời dạy đó bằng tai, biết bằng trí óc, nhưng sự hiểu biết về những điều Chúa dạy thật sự đến từ con tim của chúng ta.  Chỉ có Chúa mới dạy cho chúng ta hiểu những gì Ngài dạy trong con tim của mình.

Nói như vậy thì “vinh quang vĩnh cửu” có phải là một cái gì đó mà chúng ta chỉ có thể cảm nhận được khi chúng ta lìa trần, hay là chúng ta có thể cảm nhận được điều đó ngay khi chúng ta còn sống? Khi nói đến “vinh quang”, chúng ta có lẽ nghĩ đến ánh sáng chói ngời.  Chúng ta nghĩ đến những vinh dự trước đám đông hay được tôn vinh.  Còn “vĩnh cửu” thì trường tồn hay bất diệt. Để giúp chúng ta hiểu về sự “vinh quang vĩnh cửu”, chúng ta hãy dùng câu chuyện sau đây:

Có một câu chuyện thần bí về một giáo sĩ Do Thái và các học trò của ông.  Một ngày kia khi thầy trò đi dạo, người thầy hỏi, “Làm thế nào chúng ta có thể biết được lúc nào là bình minh – lúc mà đêm kết thúc và ngày bắt đầu?”

Không ai dám trả lời câu hỏi ấy ngay, và họ tiếp tục đi.  Một trong những đệ tử trả lời: “Có phải khi mình có thể phân biệt được giữa con sói và con cừu từ một khoảng cách không xa lắm không?
“Không,” người thầy trả lời.  Một khoảng thinh lặng dài tiếp theo.

“Có phải khi chúng ta có thể phân biệt được cây nho và bụi gai,” một người học trò khác mạnh dạn trả lời.

“Cũng không phải,” vị thầy trả lời.

“Hãy dạy cho chúng con biết câu trả lời ấy,” một học trò lên tiếng, “Làm sao có thể biết được lúc nào là bình minh đã xua tan bóng đêm?”

“Bình minh đến với mỗi người chúng ta,” người thầy già khôn ngoan nói, “khi chúng ta nhìn vào khuôn mặt của một người khác và – nhờ ánh sáng đến từ bên trong chúng ta – nhận ra rằng ngay cả một người lạ cũng là anh chị em của chúng ta.  Cho đến khi đó, nó vẫn là đêm.  Cho đến khi đó, đêm vẫn còn ở với chúng ta.”

Thứ ánh sáng tự bên trong mà có thể xua tan bóng đêm ấy trong câu chuyện chính là ánh sáng chiếu rọi từ “vinh quang vĩnh cửu” của Đấng đã chiến thắng sự tối tăm và đang hiện diện trong chính mỗi người chúng ta qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể.  Bởi thế sự “vinh quang vĩnh cửu” không phải là một cái gì đó mà chúng ta phải đợi để có thể nhận ra được khi lìa trần nhưng chúng ta có thể sống ngay từ bây giờ, và qua ánh sáng đó chúng ta có thể nhận ra Thiên Chúa trong mỗi người.  Ánh sáng đó chính là bình minh trong con tim của chúng ta.  Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ khi chúng ta còn sống cũng là Thiên Chúa chúng ta mong mỏi được gặp khi chúng ta lìa trần, và Ngài luôn chia sẻ tất cả những gì là của Ngài cho tất cả mọi tạo vật, kể cả “vinh quang vĩnh cửu” ấy của Ngài.

Nhưng để được hưởng ánh sáng chiếu rọi từ “vinh quang vĩnh cửu” ấy, chúng ta cần phải từ bỏ con người mình (chết đi cái tôi), từ bỏ ánh sáng đến tự chính mình vì thứ ánh sáng ấy không phải là ánh sáng thật và tinh tuyền vì nó mang nhiều màu sắc.  Những màu sắc ấy là những gì chúng ta thâu lượm được trên con đường làm người của mình, chẳng hạn như những ham muốn có được những gì chúng ta muốn, hoặc thấy những ai mình ưa thích thì tốt còn những ai làm gì đến mình thì mình gọi họ bằng những lời lẽ không xứng đáng, hoặc chúng ta nhìn người khác mầu da bằng những ánh mắt khinh chê, hoặc chúng ta nhìn người khác với sự đam mê thầm kín.

Như chúng ta cũng đã biết, ánh sáng mang mầu sắc luôn che khuất ánh sáng thật mặc dầu ánh sáng thật luôn hiện diện ở đó, và ánh sáng thật chỉ có thể được lộ diện khi mọi màu sắc được tắt đi.  Thật sự màu sắc không phải là thật, vì nếu không có ánh sáng, thì không có màu sắc vì màu sắc là phản ánh của ánh sáng.  Thánh Phaolô nói “nếu chúng ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta” – nếu chúng ta còn để ánh sáng màu sắc của mình chiếu rọi thì ánh sáng tinh tuyền của Thiên Chúa sẽ bị che lấp; “nếu chúng ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín vì Người không thể từ bỏ chính mình” – ánh sáng thật của Thiên Chúa luôn hiện diện mặc dù lắm lúc chúng ta chọn để cho màu sắc của chúng ta chiếm hữu lấy tâm hồn mình hoặc dùng ánh sáng của chính mình để tự toả sáng và lấp đi ánh sáng của Chúa, nhưng Thiên Chúa không có thể rút Ngài ra khỏi những gì Ngài đã tạo dựng vì chính Ngài là ánh sáng thật duy trì mọi tạo vật, và không có Ngài thì không có gì hiện hữu, không có Ngài sẽ không có ánh sáng, không có bình minh trong lòng con người.

Vì thế, chúng ta cần xin ơn để được chết đi chính con người mình để chúng ta được sống trong sự “vinh quang vĩnh cửu” của Thiên Chúa, để chúng ta được sống trong ánh sáng của Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.  Ước gì chúng ta biết từ bỏ chính mình và những gì mình ưa thích, qua đó chúng ta biết tắt đi những màu sắc bằng cách không nhìn người khác với những đam mê riêng tư hoặc thành kiến của mình, nhưng nhìn mọi người bằng ánh sáng thật phản ánh từ “vinh quang vĩnh cửu” của Thiên Chúa.

Củ Khoai, 10/2013

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *