CÂU CHUYỆN TÌNH BÊN BỜ HỒ

zz“Sự vinh dự của tình bạn không phải là đưa tay ra để đón nhận, không phải là nụ cười làm vui lòng, cũng không phải là niềm vui của sự đồng hành; nhưng nó chính là nguồn cảm hứng thiêng liêng khi mà bạn khám phá ra rằng một người nào đó tin tưởng bạn và họ sẵn sàng tin tưởng bạn với một tình bạn.”Ralph Waldo Emerson

Câu chuyện tình bên bờ hồ của Chúa Giêsu và Phêrô là câu chuyện bất hủ vì khi nào sứ mạng của Giáo Hội chưa được hoàn tất thì câu chuyện đó vẫn được tồn tại và tiếp diễn.  Câu chuyện tình bạn ấy không chỉ dựa trên sự “đưa tay ra để đón nhận”; nếu như vậy thì tình bạn giữa Chúa Giêsu và Phêrô đã bị lãng quên khi Phêrô đã không “thức được một giờ” với Thầy mình.  Tình bạn ấy cũng chẳng dựa vào “nụ cười làm vui lòng”, vì khi mọi người ruồng bỏ Chúa Giêsu, Phêrô cũng như mọi người đã chẳng cho Ngài một ánh mắt nhìn cảm thông.  Và nó cũng chẳng là “niềm vui của sự đồng hành”, vì Chúa Giêsu đã bước đi con đường Gôn-gô-tha trong sự cô đơn tĩnh mịch.  Nhưng tình bạn giữa Chúa Giêsu và Phêrô là một tình bạn Phục Sinh, một thứ tình bạn thiêng liêng mà mặc cho bao nhiêu lần bị chối từ, Thầy Giêsu vẫn tin tưởng vào người mà Ngài và Thiên Chúa Cha đã chọn, và Ngài đã khôi phục tình bạn ấy bên biển hồ Ti-bê-ri-a ngày hôm đó.

Theo Phúc Âm Gioan, đây là lần thứ tư Chúa Giêsu hiện ra khi Ngài từ cõi chết sống lại, và riêng với các tông đồ, đây là lần thứ ba.  Cả ba lần hiện ra với các ông, Chúa Giêsu đã chẳng một lần nhắc đến sự hững hờ của các ông khi Ngài đi qua cuộc khổ nạn.  Lần thứ nhất Ngài hiện ra với các ông và nói “Bình an cho anh em!”, và Chúa Giêsu lại nói lần thứ hai sau khi Ngài cho các ông xem các dấu đanh ở tay và cạnh sườn, “Bình an cho anh em!  Như Thiên Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:19-21).  Chúng ta nghĩ gì khi đọc đến đoạn Phúc Âm này?  Không biết các môn đệ nghĩ gì khi thấy Thầy mình chẳng nhắc đến chuyện của các ông bỏ Ngài trong tuần vừa qua, mà còn chúc bình an và còn lại giao cho các ông sứ mạng thiêng liêng của Ngài nữa?  Không biết các môn đệ có nghĩ gì về cách Thầy Giêsu đối xử với các ông như vậy?  Vì theo cách hành xử thông thường của con người, chúng ta thường nhìn vào quá khứ để đánh giá và xem mình có thể tin tưởng được người đó trong tương lai.  Nhưng còn Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài đã chọn để làm một Thiên Chúa ngoài lối hành xử và sức tưởng tượng của con người.  Ngài mời gọi và ban cho chúng ta tình bạn cao thượng mặc dầu khi chúng ta còn rụt rè nhút nhát, khi chúng ta còn chần chờ lo ngại, vì Ngài biết sức mạnh của Đấng Phục Sinh sẽ che lấp hết tất cả bất toàn của con người.

Chúa Giêsu Phục Sinh là một con người hoàn toàn khác cho nên các môn đệ kể cả các bà theo Ngài đã không nhận ra Ngài khi Ngài đến với họ.  Nhưng họ chỉ nhận ra Ngài khi Ngài gọi tên họ như bà Maria Mác-đa-la đã nhận ra Thầy Giêsu khi Ngài gọi “Maria” trong khu vườn nơi chôn cất Ngài, hoặc như khi Ngài bẻ bánh với hai môn đệ đi Em-mau, hoặc như mẻ cá lạ lùng ở bên bờ hồ Ti-bê-ri-a.  Đối với bà Maria Mác-đa-la, cái gì tỏ lộ trong tiếng gọi ấy và Thầy Giêsu đã gọi bà với tâm tình nào mà đã thức tỉnh một tâm hồn đang trĩu nặng trong đau xót?  Phải chăng ấy là tiếng gọi của một Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta và Ngài gọi ta bằng cái tên mà Ngài đã chọn cho ta từ muôn thuở?  “Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là riêng của Ta” (Is 43:1).  Và cũng trong hai chữ “Đừng sợ” ấy, Chúa Giêsu đã làm tan biến nỗi đau xót của bà Mác-đa-la và đong đầy tâm hồn bà với niềm vui ơn cứu độ.

Tám ngày sau khi sống lại, Ngài lại đến với các tông đồ, và cũng một câu chúc bình an đầy thương mến “Bình an cho anh em!”  Trong lần hiện ra này, Ngài nhấn mạnh cho các tông đồ cách nhận diện Ngài qua các dấu đanh.  Thật vậy, Chúa Giêsu Phục Sinh là một Thiên Chúa của các dấu đanh, vì qua các dấu đanh mà chúng ta nhận ra Ngài.  Tại sao Chúa Giêsu lại chọn các dấu đanh để làm dấu chứng cho Ngài, vì Ngài có thể chọn để trở lại với thân xác trước khi Ngài bị tử nạn, để các tông đồ và những ai yêu mến Ngài có thể nhận diện ra Ngài một cách dễ dàng hơn?  Phải chăng khi Chúa Giêsu quyết định lên Giêrusalem để chịu tử nạn, Ngài cũng đã chọn để buông thả một con người Giêsu có quyền bính theo cái nhìn của con người, một Giêsu có thể làm phép lạ cho người chết sống lại, cho người què được đi, cho người mù được thấy, diệt trừ quỷ ám, một Giêsu mà các kinh sư không thể đối đáp lại ngay cả lúc Ngài mới lên mười hai tuổi.  Phải chăng ngay từ lúc này, Ngài đã nói cho các tông đồ và những ai yêu mến Ngài về hành trình theo Ngài như thế nào.  Điều Ngài chọn là Giêsu của các dấu đanh vì các dấu đanh nói lên một hành trình hoàn toàn cho đi, và phó thác để trong tình trạng hoàn toàn trống rỗng của con người Giêsu, Thiên Chúa Cha hồi phục và tôn vinh Người Con Một của Cha trong tình trạng của thuở ban đầu: “Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17:5).  Phải chăng Chúa Giêsu đang muốn mời gọi những ai theo Ngài hãy mang lấy các dấu đanh của Ngài, để qua những dấu đanh ấy chúng ta cũng được mời gọi để lột trần, hầu Ngài có thể phục hồi chúng ta lại tình trạng trống rỗng khi chúng ta được tạo dựng từ muôn thuở, để trong tình trạng ban đầu ấy chúng ta cùng được hưởng vinh quang mà trước khi có thế gian.

Sau khi sống lại và sau khi Ngài đã đến và chúc bình an cho các tông đồ hai lần, Chúa Giêsu đã chọn nơi biển hồ Ti-bê-ri-a để phục hồi lại tình bạn giữa Ngài và Phêrô.  Giả sử Chúa Giêsu và Phêrô có sự gặp gỡ này ngay sau khi Chúa Giêsu sống lại, khi mà Phêrô còn ngỡ ngàng chưa thật sự nhận ra Thầy Giêsu Phục Sinh là ai, không biết Phêrô có đủ nhận thức và can đảm để đón nhận sự vinh dự của tình bạn này không: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”, “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”, “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”?  Một sứ mạng quả là lớn lao.  Có lẽ Chúa Giêsu đã biết sự sợ hãi, tánh tình rụt rè, và cái mặc cảm của Phêrô sau khi chối Thầy, cho nên những lần găp gỡ trước Ngài đã đến chúc bình an, hầu củng cố cũng như xoa dịu nỗi sợ hãi và băng bó các vết thương lòng của các môn đệ nói chung và Phêrô nói riêng.  Qua những lần gặp gỡ ấy, Chúa Giêsu chuẩn bị cho tâm hồn Phêrô hầu ông có thể hưởng trọn niềm vinh dự của một tình bạn bất hủ, mà Ngài dành cho ông ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Đối với chúng ta cũng vậy, trong hành trình làm người, Chúa Giêsu cũng sẽ đến gặp gỡ, củng cố và chuẩn bị cho chúng ta trong mỗi bước đường trên hành trình làm bạn với Ngài.

Ước gì mỗi một người chúng ta biết nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh đang đồng hành với ta, và biết bám lấy Ngài vì với sức mạnh của Đấng Phục Sinh, không ai có thể làm cho tâm hồn ta lung lay.  Hãy vững tâm đi sâu vào tình bạn với Ngài, và trong tình bạn cao quý ấy, Ngài sẽ chuẩn bị cho ta từng bước một. Ngài sẽ dạy cho ta biết cho đi, và Ngài sẽ đích thân lột bỏ chúng ta như Thiên Chúa Con đã đích thân lột bỏ chính Ngài trên ngọn đồi Can-vê, để qua sự lột bỏ trọn vẹn ấy chúng ta được cùng hưởng sự vinh quang mà Thiên Chúa Cha ban cho Ngài trước khi mọi sự được tạo thành.

Củ Khoai 4/2013

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *