CÂY TÁO

zzRichard Pindell có viết một chuyện ngắn nhan đề “Đứa con trai của một người nào đó” (Somebody’s son). Câu chuyện mở đầu với một cậu bé tên là David bỏ nhà ra đi sống bụi đời. Vì khổ quá, không chịu nổi cậu bèn viết một lá thư gởi về nhà cho mẹ bày tỏ niềm hy vọng được ông bố cổ hũ tha thứ cho cậu và chấp nhận cậu làm con trở lại. Lá thư như sau: “Mẹ kính mến, trong một vài ngày nữa con sẽ đi ngang qua nhà. Nếu bố bằng lòng nhận con trở lại, thì mẹ yêu cầu bố cột một miếng vải trắng lên cây táo hồng ở miếng đất cạnh nhà chúng ta. Vài ngày sau, David lên xe lửa đi về. Trong lúc tàu hoả lao nhanh đến nhà thì hai hình ảnh cứ chớp lòe liên tục hiện ra trong trí cậu ta. Khi thì trên cây có cột một miếng vải trắng, khi thì trên cây chẳng cột miếng vải trắng nào. Xe lửa càng tiến gần nhà, trái tim David càng đập nhanh hơn. Không bao lâu nữa cây táo sẽ hiện ra ở khúc quẹo, nhưng David không dám tự mình nhìn tới vì sợ nhỡ không có miếng vải trắng cột ở đó. Thế là cậu quay sang người đàn ông bên cạnh ấp úng nói: “Thưa ông, ông có thể làm ơn giúp cháu một việc không? Vào khúc quẹo bên tay mặt, ông sẽ thấy một cái cây. Ông làm ơn cho cháu biết trên cành cây có cột một miếng vải trắng không nhé.”

Khi xe lửa rầm rầm lướt qua cây táo, David nhìn chăm chăm về phía trước. Đoạn run run giọng cậu hỏi người đàn ông: “Thưa ông, có một miếng vải trắng treo ở một cành cây nào đó không?” Ông ta sửng sốt trả lời: “Ồ, này cậu bé, cành cây nào ta cũng thấy có cột một miếng vải trắng cả!”

**********************************

Câu chuyện trên minh hoạ cho những gì Chúa Giêsu kể lại trong phần đầu bài dụ ngôn hôm nay. Ngài bảo rằng Chúa luôn luôn tha thứ cho chúng ta sau khi chúng ta phạm tội, và Chúa Giêsu còn cho biết thêm không những Chúa tha thứ cho chúng ta khi chúng ta phạm tội, mà sau đó Ngài còn đối xử với chúng ta như chúng ta chưa hề phạm tội vậy. Điều này được nhìn thấy rõ ràng qua ba hành vi của ông bố trong dụ ngôn hôm nay.

Trước hết ông choàng tay ôm đứa con trai mình. Choàng tay ôm con tỏ cho thấy ông bố đón con về hết sức nồng nhiệt. Ông tuôn trào mọi cử chỉ trìu mến đối với đứa con trai.
Tiếp đó, ông xỏ giày vào chân cho cậu ta. Xỏ giày vào chân chứng tỏ ông đã tha thứ hoàn toàn cho cậu. Vào thời Kinh Thánh thuở xưa, mang giày là dấu chỉ của một người tự do, còn đám nô lệ thì đi chân trần. Xỏ giày vào đôi chân trần của cậu con tức là xoá đi dấu hiệu thằng con ấy từng là nô lệ của một kẻ nào đó, và đồng thời trả lại cho cậu ta dấu chỉ cậu là đứa con trai trong gia đình.

Cuối cùng, ông bố trao nhẫn cho cậu con. Gắn nhẫn vào ngón tay cậu chứng tỏ ông bố phục hồi trọn vẹn cho cậu tình trạng trước khi cậu bỏ nhà ra đi. Vì chắc chắn đây là chiếc nhẫn mang dấu ấn của gia đình. Đeo nó vào đồng nghĩa với được quyền hành xử như một thành viên trong gia đình.

Và như thế, khi choàng tay ôm xỏ giày và đeo nhẫn cho đứa con trai. Người bố đã cho thấy ông hoàn toàn nồng nhiệt tiếp đón cậu ta, tha thứ hoàn toàn và phục hồi cho cậu ta trọn vẹn tình trạng trước khi cậu bỏ nhà ra đi.

Từ đó chúng ta bước sang phần cuối bài dụ ngôn. Phần này liên quan đến người con thứ nữa mà lại liên quan đến người con cả. Ông bố rộng lượng tha thứ bao nhiêu thì người anh cả này lại hẹp lượng với em bấy nhiêu. Anh ta không muốn bước vào nhà để ăn mừng đứa em trở về dù ông bố đã nài nỉ anh ta vào. Dụ ngôn kết thúc mà không nói cho chúng ta biết cách cư xử của người con lớn. Liệu cuối cùng anh ta có chịu bước vào dự tiệc mừng không? Hay vẫn đứng ở bên ngoài lẩm bẩm? Lý do Chúa Giêsu không nói rõ ra là vì người con lớn đại diện cho đám luật sĩ và biệt phái đương thời, còn người con thứ đại diện cho đám dân tội lỗi và những kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Lúc đó, đám tội lỗi trộm cướp này biết đáp lại lời kêu gọi thống hối của Chúa Giêsu và Ngài đã tha thứ cho họ, đồng thời tiệc tùng vui vẻ với họ. Điều này khiến các luật sĩ và biệt phái căm tức. Họ cho rằng lũ người tội lỗi kia lẽ ra phải bị trừng phạt chứ đâu lại được tha thứ! Và như thế Chúa Giêsu không kết thúc dụ ngôn này mà lại nhường phần kết câu chuyện cho mỗi luật sĩ và biệt phái viết thêm vào cho trọn. Mỗi người trong bọn họ đều nhận biết rằng mình là đứa con lớn và phải tự quyết định sẽ tha thứ và chung vui với người em hay nhất quyết không chấp nhận thứ tha và đồng bàn với nó.

Tất cả điều này muốn nói gì với chúng ta hôm nay? Theo tôi thì có hai điểm:
– Thứ nhất là Chúa Giêsu luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta sau khi chúng ta lỡ phạm tội.
– Thứ đến, chúng ta phải biết tha thứ cho kẻ khác như Chúa đã thứ tha cho chúng ta. Hơn nữa chúng ta còn phải tiếp nhận họ trở lại với trọn vẹn lòng quảng đại như Chúa đã cư xử với chúng ta, nghĩa là nồng nhiệt tiếp đón, tha thứ hoàn toàn, và hồi phục tình trạng ban đầu cho họ như xưa.

Có một câu chuyện nói về tổng thống Lincoln như sau: Khi có người hỏi rằng ông sẽ đối xử với miền Nam như thế nào sau khi cuộc nội chiến kết thúc, ông liền trả lời: Tôi sẽ đối xử với họ như là họ chưa bao giờ bỏ nhà ra đi.” Đây là điều chúng ta muốn ám chỉ từ ngữ: phục hồi trọn vẹn. Đây cũng là cách thức Chúa Giêsu đối xử với Phêrô sau khi Phêrô chối bỏ Ngài vào đêm thứ năm Tuần thánh. Ngài không những thứ tha mà còn phục hồi ông về trạng thái nguyên thủy trong vai trò “đá tảng” trên đó Ngài sẽ xây Giáo hội Ngài. Lẽ ra Chúa Giêsu đã phải nói với Phêrô: “Thày đã dự tính một kế hoạch lớn lao cho con, nhưng con đã làm hỏng bét. Phêrô à, thầy tha thứ cho con, nhưng thầy sẽ trao cho con một vai trò kém hơn, vì con đã làm thầy quá thất vọng.” Nhưng Chúa Giêsu không làm như thế! Ngài vẫn đối xử với Phêrô như thể ông chưa hề phạm tội.

Đây chính là cách thức chúng ta phải cư xử với những kẻ có lỗi với chúng ta. Chúng ta phải tha thứ cho họ và đem họ về với con tim chúng ta bằng tình yêu quảng đại như Chúa đã đối xử với chúng ta. Và nếu chúng ta làm được điều này, chắc chắn khi lìa cõi đời này, khi tiến đến cổng trời, chúng ta cũng sẽ nhìn thấy ở đó một cây táo, trên mỗi cành cây đều có cột một mảng vải trắng.

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin tỏ lòng thương xót con, và lấp tràn đầy trái tim con tình yêu tha thứ của Chúa. Con là đứa con thứ đã bỏ ra đi rồi lại trở về. Con cảm ơn Chúa đã đón nhận lại con. Và con cũng là người con lớn đã từng khư khư không chịu tha thứ cho anh chị em con như Ngài đã đã tha thứ cho con. Vậy xin Chúa hãy chạm vào trái tim con với tình yêu tha thứ của Ngài. Để rồi sau khi yên nghỉ trong cõi chết, con sẽ thức dậy trước thánh nhan Ngài để vui hưởng sự thứ tha của Ngài mãi mãi cùng với những anh chị em từng được con tha thứ lỗi lầm.

Mark Link S.J.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *