SADHANA – MỘT NẺO ĐƯỜNG DẪN TỚI THIÊN CHÚA

123Linh Thao Kitô Giáo Theo Lối Đông Phương

(Toàn tập, Không rút gọn)
Nguyên tác Anh ngữ: SADHANA – A WAY TO GOD – Christian Exercises in Eastern Form
Tác giả:  Anthony De Mello S.J.
Dịch giả: LM Minh Anh (Giáo Phận Huế)
Thông tin bản quyền:  Được sự chấp thuận của dịch giả, LM Minh Anh, để post ở suyniemhangngay.net
Imprimi Potest: Bertram Philipps, S.J. Praep. Prov. Bomb.
Imprimatur:  +C. Gomes, S.J. Bishop of Ahmedabad
January 24, 1978 AN IMAGE BOOK PUBLISHED BY DOUBLEDAY (1984)

                                                GIỚI THIỆU

Trải qua mười lăm năm trong đời với tư cách là một người giảng phòng và linh hướng giúp nhiều người cầu nguyện, tôi nghe hàng chục người than phiền rằng, họ không biết phải cầu nguyện thế nào; dẫu đã nỗ lực hết sức, dường như họ vẫn không đạt được tiến bộ nào trong việc cầu nguyện; họ thấy cầu nguyện thật buồn tẻ và nhàm chán.

Tôi cũng nghe nhiều vị linh hướng nhìn nhận sự bất lực trong việc chỉ dẫn cách thức cầu nguyện cho người khác, hoặc chính xác hơn, làm thế nào để có được sự no thoả và tràn đầy từ việc cầu nguyện. Điều này luôn làm tôi ngạc nhiên, vì lẽ tôi thấy việc giúp người khác cầu nguyện là điều tương đối dễ dàng. Không chỉ dựa vào một vài uy tín cá nhân của mình để nói lên điều đó, nhưng tôi còn quy nó vào một vài nguyên tắc rất đơn giản mà tôi đã theo đuổi trong đời sống cầu nguyện riêng của mình cũng như trong việc hướng dẫn những người khác về vấn đề cầu nguyện. Nguyên tắc thứ nhất, cầu nguyện là một thao luyện mang lại sự tràn đầy và no thoả, và thật hoàn toàn hợp lý để tìm kiếm những điều này từ việc cầu nguyện. Nguyên tắc thứ hai, cầu nguyện là công việc của con tim hơn là của lý trí. Quả vậy, càng sớm thoát khỏi lý trí và lãnh vực suy tư, cầu nguyện càng có khả năng trở nên hoan hỷ và bổ ích. Phần lớn các linh mục và tu sĩ coi việc cầu nguyện ngang với việc suy tư, đó chính là nguyên nhân thất bại của họ. Có lần, một người bạn Dòng Tên nói với tôi rằng, anh đã đến gặp một vị thiền sư Ấn Giáo để hỏi ông về bước đầu của nghệ thuật cầu nguyện. Vị thiền sư nói với anh, “Hãy tập trung vào hơi thở”. Bạn tôi tiến hành thực hiện chỉ ngần ấy trong vòng năm phút. Đoạn, thiền sư nói, “Khí mà con đang hít thở là Thiên Chúa, con đang hít Thiên Chúa vào, con đang thở Thiên Chúa ra. Hãy ý thức điều đó, và tiếp tục chăm chú lắng nghe ý thức đó”. Sau khi điều chỉnh phần nào câu nói ấy theo cái nhìn thần học, bạn tôi đã làm theo những chỉ dẫn này – hết giờ này qua giờ nọ, ngày này qua ngày khác – và anh rất đỗi ngạc nhiên khi khám phá rằng, cầu nguyện cũng có thể đơn giản như việc hít vào, thở ra. Đồng thời, anh cũng khám phá trong việc luyện tập này một chiều kích thẳm sâu, một sự no thoả và bổ dưỡng tinh thần mà anh không tìm thấy trong nhiều giờ đã dành trọn cho việc cầu nguyện trong nhiều năm.

Những thao luyện tôi đề nghị trong tập sách này rất phù hợp với phương pháp của vị thiền sư Ấn Giáo kia, người mà tôi chưa từng gặp cũng như chưa từng nghe nói kể từ ngày đó. Tôi cũng nắm một số nguyên tắc trong vấn đề cầu nguyện, nhưng tôi sẽ nói về chúng cùng với những thao luyện theo sau và sẽ giải thích chúng tiềm ẩn đàng sau những thao luyện đó như thế nào.

Tôi thường đề nghị những thao luyện này cho các nhóm. Tôi gọi họ là Các Nhóm Cầu Nguyện, hay đúng hơn, Các Nhóm Chiêm Niệm, trái với quan niệm chung, một nhóm suy niệm nào đó. Quả vậy, trong những hoàn cảnh nào đó, chiêm niệm thực hiện theo nhóm thì hiệu quả hơn thực hành riêng lẻ. Tôi viết ra những thao luyện này ở đây, hầu như chính xác theo hình thức và ngôn từ dành riêng cho các nhóm. Nếu bạn dự định hướng dẫn một Nhóm Chiêm Niệm và dùng tập sách này như một tài liệu, thì những gì bạn phải làm là lấy bản văn của mỗi thao luyện, đọc nó cho nhóm một cách chậm rãi và xin nhóm thực hiện theo những chỉ dẫn bạn đã đọc cho họ. Bản văn, dĩ nhiên, sẽ phải được đọc chậm rãi, cần tạm ngưng nhiều chỗ, đặc biệt những chỗ đánh dấu ba chấm. Chỉ đọc bản văn cho những người khác sẽ không làm bạn trở nên một hướng dẫn viên giỏi của một Nhóm Chiêm Niệm. Vì rằng, trong mức độ nào đó, chính bạn sẽ phải là một chuyên gia chiêm niệm. Bạn sẽ phải cảm nghiệm một đôi điều mà bạn đang đọc cho những người khác, và bạn cũng phải có một vài kỹ năng trong nghệ thuật linh hướng.

Những thao luyện này không thay thế những kinh nghiệm cá nhân và những kiến thức linh hướng, nhưng chúng sẽ phù hợp với một khởi đầu tốt, và chắc chắn, chúng sẽ thực hiện cho bạn và nhóm của bạn một vài điều hữu ích. Tôi cẩn thận loại khỏi tập sách này những thao luyện vốn đòi hỏi người hướng dẫn cầu nguyện phải là một chuyên gia. Và nếu có bất kỳ nguy cơ gây hại nào trong quá trình thực hành bất cứ bài nào trong những thao luyện này, tôi sẽ chỉ ra và hướng dẫn cách thức để tránh.

Tôi dâng tập sách này cho Đức Trinh Nữ Maria, mà với tôi, Ngài luôn luôn là một mẫu gương chiêm niệm. Hơn thế, tôi tin rằng, chính lời chuyển cầu của Ngài đã giành biết bao hồng ân cho tôi và cho nhiều người được tôi hướng dẫn trong việc cầu nguyện; nếu không có sự chuyển cầu ấy, chúng tôi sẽ không bao giờ có được những hồng ân đó. Đây là lời khuyên đầu tiên của tôi dành cho bạn nếu bạn ước ao thăng tiến trong nghệ thuật chiêm niệm: Hãy xin Mẹ Maria làm Quan Thầy và xin lời cầu thay nguyện giúp của Ngài trước khi cất bước vào nẻo đường này. Ngài được đặc sủng lôi kéo Thánh Thần xuống trên Giáo Hội như Ngài đã làm trong biến cố Truyền Tin và Lễ Ngũ Tuần khi cầu nguyện với các Tông Đồ. Nếu bạn xin Mẹ Maria cùng cầu nguyện với bạn và cho bạn, bạn thật may mắn.

Download (PDF, 774KB)

Download tác phẩm: Sách dạng pdf, xin nhấn vào đây để tải về máy.

NIỀM VUI SỐNG ĐẠO

ZZTác Giả:  Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Thông tin bản quyền:  Miễn phí

                                        LỜI NÓI ÐẦU (của Tác Giả)

Làm “người lữ hành” lang thang đó đây, tôi có dịp nói chuyện với nhiều hạng người, trong nhiều hoàn cảnh.  Câu chuyện tuy khác nhau, nhưng mục đích ưu tiên vẫn là một, gửi đến thính giả một sứ điệp:
XÂY DỰNG CON NGƯỜI VIỆT NAM, CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM TƯƠI ĐẸP HƠN.
Nay một số bạn trẻ muốn góp nhặt lại thành một tập và xin tôi mấy lời dẫn nhập, tôi thân ái ghi vội mấy điểm:
Sau đây là những điều tôi đã tâm sự vào những dịp khác nhau, phải sắp thành một thứ tự hợp lý để dễ tiếp thu.
Ðây các bạn trẻ chỉ ghi lại ngắn gọn, chứ không quảng giải, vì nếu giải thích đầy đủ, mỗi điều sẽ trở thành một chương là tối thiểu.
Sứ điệp ấy đã bắt đầu từ ngày 24.6.1967, ngày tôi lãnh nhận trách vụ mục tử, và được nối dài cho đến ngày nay.  Là một người kế vị các tông đồ, trước viễn ảnh của những biến chuyển khó khăn, phức tạp, khó lượng được sắp xảy đến, ảnh hưởng đến dân Chúa, tôi muốn đồng hành và hướng dẫn có khi báo động.
Cuốn “Hôm qua, hôm nay, Ngày mai” đã chuẩn bị cho giáo dân từ 1967- 1975 biết sống đạo trong “thời hậu chiến,” hoặc dưới chế độ cộng sản: “Vững mạnh trong đức tin, tiến lên trong an bình,” dưới chế độ tư bản tiêu thụ: “Công lý và hoà bình.”
Sau ngày 30.4.1975, thao thức vì phải xa cách giáo dân ở quốc nội, cũng như những người phải ra đi, chân ướt chân ráo bước lên đất người xa lạ, từ ngục tù, tôi đã kiếm cách viết và chuyển ra những sứ điệp có chiều kích khác nhau, từ tim óc của một mục tử, trong tăm tối, xót xa theo dõi và thương cảm con cái:

Chiều nội tâm: “Ðường Hy Vọng” – (10 thứ tiếng).
Chiều sâu: “Ðường Hy vọng dưới ánh sáng lời Chúa và Công đồng Vaticanô II” (2 thứ tiếng).
Chiều rộng: “Những người lữ hành trên đường hy vọng” (2 thứ tiếng).
Chiều dài : “Cầu nguyện hy vọng I” đã soạn thảo trong tù gần 365 bài, mới in được 90 bài, còn thiếu 3 cuốn nữa (4 thứ tiếng).
Kinh nghiệm sống đạo 13 năm: “Năm chiếc bánh và hai con cá” viết theo yêu cầu của các “phong trào mới” (Mouvements nouveaux) dịp “Ngày Quốc tế giới trẻ” tại Paris, tháng 8.1997 (7 thứ tiếng).
Nay đến cuốn “Niềm vui sống đạo,” chính các bạn trẻ góp nhặt lại những bài nói chuyện của tôi.  Mặc dù nó như một bản toát yếu đơn sơ khiêm tốn, nhưng nó có một ý nghĩa quan trọng.  Tại sao?

Tại vì có nhiều bạn hỏi tôi, sứ điệp của Ðức cha còn tiếp tục không?  Dĩ nhiên là còn, vì bao lâu còn sống, tôi còn đồng hành với dân Chúa.  Nhưng ở trần gian nầy, mọi sự đều có cùng, đó là luật thiên nhiên.  Chính các bạn sẽ viết tiếp sứ điệp, lúc ấy nó sẽ phong phú hơn biết chừng nào.  Mẹ Tê-rê-xa Calcutta nói: “Tôi chỉ là cây bút chì trong tay Chúa, để Chúa viết những gì Chúa muốn.”  Nhìn tương lai, tôi tin tưởng, vui mừng và hy vọng vì Chúa sẽ có nhiều bút chì mới.
Rôma, Lễ Giáng sinh 1998
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Tổng Giám Mục Chủ tịch Ủy Ban Giáo hoàng Công lý và Hoà bình

Download (PDF, 1.79MB)

Download tác phẩm: Sách dạng pdf, xin nhấn vào đây để tải về máy.

NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ

ZZ

Tác Giả:  Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Thông tin bản quyền:  Miễn phí

                                                                     LỜI MỞ ĐẦU

Các bạn trẻ thân mến,
Đứng giữa quang cảnh tuyệt vời, đồi lúa chín vàng, biển rộng mênh mông một màu xanh da trời, với những làn sóng bạc, tôi nghĩ ngay đến Chúa Giêsu đang nói chuyện với dân chúng.  Nhìn khuôn mặt các bạn với đôi mắt Chúa Giêsu, từ đáy lòng tôi muốn kêu lên:  “Các bạn trẻ thân mến, tôi yêu các bạn!  Yêu các bạn rất nhiều!”
Tôi rút cảm hứng từ Phúc âm Thánh Gioan chương 6, để nói chuyện với các bạn.  Hãy đứng dậy, mời các bạn nghe lời Chúa.
Phúc âm Chúa Giêsu theo thánh Gioan: Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình.  Người hỏi ông Phi-líp rằng:  “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người biết mình sắp làm gì rồi.  Ông Phi-líp đáp:  “Thưa, có mua đến hai trăm bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”.  Một trong các môn đệ là ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, thưa với Người:  “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng ngần ấy thì thấm vào đâu!”  Đức Giêsu nói:  “Anh em cứ bảo người ta nằm ngả xuống đi”.  Chỗ ấy có nhiều cỏ.  Người ta nằm ngả xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn.  Vậy Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó.  Cá nhỏ Người cũng phân phát như  vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý (Ga 6, 5-11).
Trên đường tiến đến Năm Thánh 2000, chúng ta tìm hiểu:
–      Chúa Giêsu là ai?
–      Tại sao ta yêu mến Ngài?
Làm thế nào phó thác mình cho tình yêu của Chúa, cho đến mức độ chọn lựa Ngài một cách tuyệt đối, không ngại tiến bước trên đường xa thẳm, không ngại nhọc nhằn lê bước dưới trời nắng oi ả, chẳng kiếm đâu ra một chút tiện nghi?
Trong Sứ điệp gửi các bạn trẻ nhân ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ XII, năm 1997 tại Paris, Đức Thánh Cha viết:
Hiệp thông với toàn thể dân Chúa đang tiến đến năm Đại Toàn Xá 2000, tôi kêu mời các bạn nhìn kỹ vào Chúa Giêsu.  Ngài là Thầy và là Chúa của đời ta.  Hãy suy niệm lời Phúc âm Thánh Gioan (Ga 1, 38-39):
–     Thưa Thầy, Thầy ở đâu?
–     Hãy đến rồi sẽ thấy.
Bản thân tôi đã từng là một thanh niên như  các bạn, rồi làm Linh mục, Giám mục.  Tôi đã đi qua một quãng đường, hân hoan có, lao khổ có, tự do có, lao tù có, nhưng luôn luôn tràn trào hy vọng.
Tôi thật lúng túng mỗi khi người ta yêu cầu tôi thuật lại kinh nghiệm bản thân, đã chọn Chúa Giêsu và bước theo Ngài thế nào.  Nói về mình không hay tí nào.  Nhưng tôi đã đọc cuốn:  “Những bất ngờ của Thiên Chúa” (tiếng Pháp là “Les imprévus de Dieu”).  Tác giả là Đức Hồng Y Leo Suenens (Bỉ).  Một hôm ngài hỏi bà Veronica:  “Tại sao bây giờ bà chấp nhận cho tôi viết về cuộc đời của bà, mà trước đây bà lại không cho?” – “Vì bây giờ con hiểu rằng đời con không thuộc về con mà thuộc về Chúa hoàn toàn.  Chúa muốn xếp đặt thế nào có lợi ích cho các linh hồn thì mặc ý Chúa”.  Đức Gioan Phaolô II đã cô đọng tư  tưởng ấy trong cuốn tự thuật, đề là “Hồng ân và mầu nhiệm – Dono e mistero”, cũng như  Đức Mẹ đã nói lên trong kinh Magnificat.
Các bạn trẻ yêu mến,
Chính vì thế mà tôi làm như  Chúa Giêsu trong bài Phúc âm, Ngài đã lấy năm chiếc bánh và hai con cá mà cho, nào có thấm vào đâu với mấy nghìn người, nhưng đó là tất cả, Chúa Giêsu đã làm tất cả, đó là “hồng ân và mầu nhiệm”.  Cũng như  cậu bé trong Phúc âm, tôi tóm tắt kinh nghiệm sống của tôi trong bảy điểm:  Năm chiếc bánh và hai con cá.  Không đáng gì nhưng là tất cả những gì tôi có.  Phần còn lại, Chúa Giêsu sẽ liệu.
Nhiều lúc tôi cảm thấy khó chịu trong lòng vì người ta phỏng vấn, muốn thúc giục tôi nói những chuyện giật gân, trong thời gian lao tù, v.v…  Đó không phải mục đích của tôi.  Nguyện vọng lớn nhất của tôi là trao lại cho các bạn trẻ một sứ điệp của tình thương và sự thật, của công lý và hòa bình, của tha thứ và hòa giải, để xây dựng.
Tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ, làm thế nào gặp Chúa Giêsu:
– Trong mỗi giây phút của cuộc đời,
– Trong sự phân biệt giữa Chúa và việc của Chúa,
– Trong lúc cầu nguyện và sống lời Chúa,
– Trong phép Thánh Thể,
– Trong những người anh chị em khắp nơi,
– Trong Mẹ Maria.
Dưới ánh sáng của 24 ngôi sao chiếu soi dẫn đường tôi đi, cùng với các bạn trẻ, tôi muốn la vang lên:
“Hãy sống theo chúc thư Chúa Giêsu!  Hãy tiến lên, bước qua ngưỡng cửa Hy Vọng!”
Rôma, ngày 2 tháng 2 năm 1997
Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh.
+ Fx. Nguyễn Văn Thuận, TGM

Download (PDF, 573KB)

Download tác phẩm: Sách dạng pdf, xin nhấn vào đây để tải về máy.