CHÚA CHỌN AI

Cái chết của anh Giuđa chẳng những là một điều đáng tiếc, mà còn để lại một khoảng trống trong nhóm Mười Hai.  Nhóm Mười Hai trở thành nhóm Mười Một (Mc 16, 14).  Giuđa đã được tham dự vào công việc phục vụ của nhóm.  Sự ra đi của anh khiến cho chức vụ này cần người bổ sung.

Trong cuộc gặp mặt giữa khoảng một trăm hai mươi anh em, Phêrô, trưởng nhóm, đã muốn tìm người thay thế (cc. 15-20).  Theo Phêrô đâu là điều kiện để có thể được chọn vào nhóm Mười Hai?  Anh phải là người đã đồng hành với nhóm này trong suốt thời gian Chúa Giêsu sống giữa họ.  Thời gian đi với nhóm được kể từ lúc ông Gioan làm phép rửa cho Chúa, cho đến ngày Ngài được phục sinh và được đưa lên trời (c. 21).

Như thế để được nhập vào nhóm Mười Hai, phải là người có kinh nghiệm sống đời sống của nhóm, và kinh nghiệm sống với Thầy Giêsu trong suốt sứ vụ của Ngài.  Chỉ ai đã từng có kinh nghiệm đi với nhóm, đói no vất vả với nhóm, người ấy mới được là thành viên mới của nhóm.  Chỉ ai đã đi sát với Thầy Giêsu, đã lắng nghe bao bài giảng của Thầy, đã chứng kiến bao việc kỳ diệu Thầy thực hiện, chỉ ai có kinh nghiệm về việc Thầy bị giết và được phục sinh, người ấy mới có thể trở nên chứng nhân về sự phục sinh ấy cùng với cả nhóm anh em (c. 22).

Có hai người được đề cử vì hội đủ điều kiện: Giôxếp và Mátthia.  Khi không biết chọn ai, thì cộng đoàn đã cầu nguyện.  Cầu nguyện cho thấy họ muốn được soi sáng để chọn ý Chúa.  “Xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để kế tục sứ vụ tông đồ” (c. 25).  Họ đã không chọn bằng cách bầu phiếu theo đa số, nhưng bằng cách rút thăm để tìm người Thiên Chúa chọn.  Cách này là cách truyền thống để tìm ý Chúa trong Do thái giáo (Lv 16, 8).  Matthia đã trúng thăm và trở nên vị tông đồ thứ mười hai.

Khi mừng lễ thánh Matthia, chúng ta mừng lễ một vị tông đồ, tuy không trực tiếp được Đức Giêsu gọi và chọn, nhưng đã được chọn gián tiếp qua các tông đồ khác và cộng đoàn.  Thiên Chúa vẫn chọn qua lựa chọn của con người, mãi đến tận thế, nên Giáo hội vẫn có người được gọi để phục vụ.  Xin cho mọi chọn lựa của chúng ta đều nhắm đến vinh danh Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,

Xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới,
nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời.

Chúng con phải đối diện
với bao thách đố của cuộc sống,
của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình,
của nghề nghiệp chuyên môn.

Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy
của vật chất và quyền lực,
nhưng cho chúng con
giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu,
lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.

Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy chúng con sống thực tế,
nhưng không thực dụng;
biết xoay xở nhưng không mưu mô;
lo cho tương lai cá nhân,
nhưng không quên bao người bất hạnh cần nâng đỡ.
Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc,
giữa những xâu xé trước bao lựa chọn,
xin cho chúng con
biết tìm những phút giây trầm lắng,
để múc lấy ánh sáng và sức mạnh,
để mình được thật là mình trước mặt Chúa.

Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu,
xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân,
làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh,
và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

THÁNG NĂM – NHỮNG ĐÓA HOA DÂNG MẸ

Tháng Năm về, một tháng trong năm với tên gọi thật thơ mộng, thật tươi vui: Tháng Hoa.

Mỗi độ tháng Hoa về, các Nhà thờ rộn rã mùa dâng hoa kính Đức Mẹ.  Phụng vụ Mùa Hoa tưng bừng nhộn nhịp với nhiều thể loại phong phú Rước hoa và Dâng hoa tuỳ mỗi tập quán mỗi đặc trưng văn hoá địa phương.

Nói tới hoa là nghĩ về một kỳ công của Thiên Chúa.  Hoa muôn màu muôn sắc, hoa tươi xinh, hoa thơm ngào ngạt.  Hoa tô thắm vũ trụ nên xinh tươi.  Hoa mời gọi ong bướm đến hút mật.  Hoa khoe sắc thắm, nhoẻn cười với con người.  Lời của hoa thật dịu huyền giữa thiên nhiên.  Hoa hòa vào lòng người dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.

Loài hoa nào cũng đẹp. Loài hoa nào cũng gởi cho ta một sứ điệp yêu thương.  “Hoa Hướng Dương biểu trưng cho mặt trời toả sáng, sưởi ấm lòng người.  Hoa Mười Giờ gởi ta một tình yêu thuỷ chung, son sắt.  Dù đời em chỉ toả sáng lúc mười giờ, nhưng trọn đời em vẫn yêu thương.  Thật vấn vương khi nhắc đến loài Hoa Phượng.  Loài hoa gợi ta nhớ lại những phút giây vui đùa trên sân trường thuở nhỏ, một tuổi thơ mơ tiên, hồn nhiên, trong trắng, thơ ngây, tuổi ô mai, tuổi vấn vương, tuổi học trò.  Màu hoa tươi tắn là tình yêu chan chứa cho cuộc đời khô cằn nắng cháy và cũng là ước nguyện, sức sống cho tương lai.  Hoa Lưu Ly là lời tha thiết yêu thương “xin đừng quên tôi.”  Cuộc đời là muôn đời liên kết “xin đừng quên tôi” hỡi người tôi yêu!  Đó phải chăng là những ai còn nhớ và những ai đã quên, nhất là khi ta vắng mặt sau cuộc đời trần thế.” (Sứ điệp loài hoa, trg 11.)

Hoa đã trở thành bạn thân thiết với con người.  Khi vui người ta tặng hoa để chúc mừng nhau.  Khi buồn người ta cũng trao gởi lẵng hoa như trao gởi tấm lòng đồng cảm thân thương.  Hoa khích lệ lòng người.  Hoa hướng con người nhớ tới Đấng tạo hoá đã xoay vần vũ trụ bốn mùa xinh tươi.  Hoa mơn man lòng người đau khổ.  Hoa khích lệ những ai thất bại.  Hoa chúc mừng những ai chiến thắng.  Hoa ca vang kỳ công kiệt tác của Thiên Chúa.  Đôi khi, chỉ một cánh hoa đủ trào dâng lòng mến của Thánh Têrêxa Hài Đồng.  Nhiều lần, một dàn hoa làm tâm hồn Thánh Phanxicô ngây ngất tình Chúa.

Lắng nghe tiếng nói huyền diệu của hoa, Thánh Bênađô biết được tâm trạng của hoa.  Chẳng hạn, Hoa Hồng giàu lòng yêu mến.  Hoa Huệ biểu tượng đức Khiết trinh, Hoa Tím là duyên đức đoan trang khiêm tốn.  Thánh nhân ca ngợi các nhân đức Đức Mẹ qua ý nghĩa các loài hoa.  Hoa Hồng đức mến, Hoa Huệ đức Khiết trinh, Hoa Tím đức Khiêm nhường.  Đức Mẹ là Hoa Huệ khiết trinh.  Đức Mẹ là Hoa Hồng yêu mến.  Hương thanh khiết và tình yêu của Mẹ đã làm cho mùa xuân trần gian được hồi sinh.  Ơn cứu độ được ban tặng cho trần đời nhờ hoa lòng của Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa.

Sứ Thần Gabriel đã cung kính thưa với Mẹ rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà!” (Lc 1,28).  “Ðấng đầy ơn phước” là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ được yêu thương, được Thiên Chúa tuyển chọn.  Đức Mẹ tuyệt đẹp vì không vương vấn tội, vẻ đẹp của sự thánh thiện vô tỳ tích, một vẻ đẹp không chỉ do con người nỗ lực thanh tẩy mà còn do ân sủng Thiên Chúa trao ban.

Tháng Năm về, mỗi lần thưởng thức hương hoa, ta hãy hướng về Đức Mẹ, xin Mẹ tỏa hương thiên đàng của người, ấp ủ ta thành những đóa hoa tươi thắm của Mẹ.  Mỗi khi hái hoa dâng tiến Đức Mẹ, ta hãy mượn hương sắc và lời huyền diệu của hoa để ca tụng hoặc cầu xin người.  Dâng Hoa Hồng, xin Mẹ cho ta được yêu mến Mẹ nhiều hơn.  Dâng Hoa Huệ, ta ca ngợi đức khiết trinh của Mẹ.  Xin Mẹ lấy hương huệ trinh nguyên của hồn Mẹ ướp hồn ta nên trong trắng.

Tháng Năm về, mỗi tín hữu yêu mến Hoa Mân Côi cách đặc biệt hơn.  Hoa Mân Côi là sứ điệp Yêu Thương, sứ điệp Ơn Cứu Độ, là kinh nguyện Phúc Âm được kết dệt từ các mầu nhiệm chính trong đạo: Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, Mầu Nhiệm Cuộc Đời Dương Thế, Vượt Qua và Thăng Thiên, được suy gẫm qua 20 Mầu Nhiệm “Hoa Mân Côi” : Năm Sự Vui, Năm Sự Sáng, Năm Sự Thương, Năm Sự Mừng.

Mỗi khi cất lên lời kinh: Kính mừng Maria đầy Ơn Phước… là chúng ta kết thành Hoa Mân Côi kính dâng Mẹ.  Từ trời cao, Đức Mẹ mừng vui và ban muôn ơn lành cho đoàn con cái sốt mến thành tâm hướng về Mẹ.

Ở thành Nancêniô trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu.  Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan.  Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình, nhưng chồng cứng lòng mãi.

Năm ấy, đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ.  Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con.  Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.

Ngày 15 tháng Sáu năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục . Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa.  Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Maria Vianey.

Ngài là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người xem là vị thánh sống.  Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Vianey liền bảo:

– Đừng lo cho linh hồn chồng bà.  Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?

Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?

– Cha Vianey nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết.  Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng.  Nghe xong lời cha Vianey, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ. (trích từ: Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trg 10).

Chỉ có mấy bông hoa nhỏ dâng kính Đức Mẹ mà người đàn ông khô khan ấy cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy.  Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở, yêu thương nâng đỡ.  Chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của bậc thầy lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.  Hãy luôn vững lòng cậy trông với niềm tin yêu.  Đức Mẹ hằng yêu thương phù trợ mỗi người chúng ta.

Trong tháng Năm này, chúng ta tham dự những buổi dâng Hoa, rước kiệu, lần hạt Mân Côi… dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh tật… chắc sẽ được Đức Mẹ ban nhiều ơn lành.  Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng cậy, hoa Đỏ của lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hy sinh hãm mình, hoa Vàng của niềm tin, hoa Hồng của tình yêu sắt son chung thủy.

Xin dâng lên Mẹ hoa Trắng của sự trinh trong, xin Mẹ giúp chúng con gìn giữ tâm hồn luôn trong trắng, thánh thiện.

Xin dâng lên Mẹ hoa Xanh của niềm cậy trông và hy vọng, xin đừng để chúng con thất vọng chùn bước trước bất cứ khó khăn nghịch cảnh nào của cuộc sống.

Xin dâng lên Mẹ hoa Vàng của niềm tin kiên vững, xin Mẹ dạy chúng con sống phó thác tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa như Mẹ.

Xin dâng lên Mẹ hoa Hồng của lòng yêu mến, xin Mẹ dạy chúng con biết yêu Chúa hết lòng và yêu anh chị em mình như Chúa đã yêu chúng con.

Xin dâng lên Mẹ hoa Tím của những đau khổ, bệnh tật, thất bại, xin Me dạy chúng con biết vui lòng chấp nhận Thánh Giá Chúa gởi đến để trung thành bước theo Đức Kitô, Con của Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, những đoá hoa lòng đơn sơ, chân thành nhưng đượm tình yêu mến, chúng con xin dâng lên Mẹ, xin Mẹ thương nhận lấy và chúc lành cho chúng con.  Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

CHUYỆN TÌNH

Chủ Ðề: “Thiên Chúa mời gọi chúng ta tìm hiểu về Người, đi vào cuộc tình với Người, và sống hạnh phúc mãi mãi với Người.”

Nhiều năm trước đây có một cuốn phim nổi tiếng tên là Laura.  Cuốn phim nói về một thám tử trẻ được giao cho công tác điều tra cái chết của một phụ nữ trẻ đẹp tên là Laura mà một đêm kia, có người đã dùng súng sát hại cô ngay trong căn phòng của cô.

Trong năm ngày tiếp đó, người thám tử trẻ ở suốt trong phòng của Laura để tìm tòi, lục soát đủ mọi thứ của cô: quần áo, sách vở, hình ảnh.  Ngay cả đọc thư từ và nhật ký của cô để cố tìm ra manh mối đã dẫn đến cái chết của người phụ nữ này.

Và rồi điều lạ lùng xảy đến.  Viên thám tử thực sự bận tâm với Laura.  Anh bắt đầu có cảm tình.  Anh thấy mình yêu Laura.  Anh thấy mình yêu một người đã chết.

Một đêm kia khi đang trong phòng của Laura để tìm tòi, bỗng dưng anh nghe có tiếng chìa khóa lạch cạch ở cửa.  Và khi cửa mở, anh không tin nổi ở mắt mình, cô Laura đang đứng ngay đó.

Cô hạch hỏi, “Ông đang làm gì trong phòng của tôi?”  Viên thám tử giải thích cho cô những gì đã xảy ra.

Để rút ngắn câu chuyện, trong vài ngày qua cô Laura đã ra ngoại quốc, để lánh xa mọi sự.  Trong thời gian đó, cô không nghe phát thanh và cũng chẳng đọc báo.  Cô không biết gì về cái chết của chính mình.

Thì ra người phụ nữ bị giết là người đã dùng căn phòng của Laura trong thời gian cô đi vắng.

Cuốn phim kết thúc với cuộc tình của Laura và chàng thám tử, họ lấy nhau và sống hạnh phúc suốt đời.

Cuốn phim gồm ba cảnh.

Cảnh thứ nhất là chàng thám tử tìm tòi căn phòng của Laura, từ đó dẫn đến lòng thương yêu cô này.

Cảnh thứ hai là sự xuất hiện của Laura ở cửa phòng và chàng thám tử nhận ra cô.

Cảnh thứ ba là sự tỏ tình của chàng thám tử và anh kết hôn với Laura.

Ba cảnh này cũng là ba cảnh mà Thiên Chúa đã hoạch định cho mỗi người chúng ta.

Trước hết, Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta và đặt chúng ta vào thế giới để tìm hiểu về Người, cũng như chàng thám tử được đặt trong phòng của Laura để tìm hiểu về cô này.

Thứ đến, Thiên Chúa, qua con người của Đức Giêsu Kitô, đã đi vào thế gian để được nhận biết bởi chúng ta, cũng như Laura đi vào căn phòng và được nhận biết bởi chàng thám tử.

Sau cùng, Thiên Chúa hoạch định để chúng ta đi vào cuộc tình với Người và sống hạnh phúc mãi mãi với Người, cũng như chàng thám tử đã yêu Laura và sống hạnh phúc bên cô.

Cảnh phim Laura và cảnh hoạch định của Thiên Chúa giúp chúng ta quý trọng hơn bài Phúc Âm hôm nay mà nó cũng phản ảnh một cảnh có ba phần.

Trước hết, Thiên Chúa đã đặt dân được chọn của Người trong Cựu Ước để tìm hiểu về Người.

Thứ hai, vào đúng thời đúng buổi, chính Thiên Chúa đã xuất hiện ở cửa ngõ lịch sử trong con người Đức Giêsu Kitô.

Sau cùng, những ai nhận Đức Giêsu là Chúa thì sẽ nghe tiếng Người, theo Người và được lãnh nhận sự sống đời đời từ Người.

Đây là điều Chúa Giêsu muốn nói trong bài phúc âm hôm nay, khi Người nói về những ai nhận biết Người:

Chiên ta thì nghe tiếng ta; và chúng theo ta.  Ta ban cho chúng sự sống đời đời.”  Vì “Chúa Cha và ta là một.”

Hãy xem thử chúng ta áp dụng điều này vào cuộc sống như thế nào.  Trước hết, hãy nhớ lại chàng thám tử trong cuốn phim và anh ta đã khảo sát thật kỹ lưỡng mọi thứ trong phòng cô Laura.  Không có ngõ ngách nào mà không được tìm kiếm để anh biết mọi sự về cô ta.

Kết quả là anh yêu cô nàng, dù chưa bao giờ gặp mặt.

Đó cũng là điều chúng ta phải thi hành trong thế giới.  Chúng ta phải nghiên cứu mọi sự. Và qua sự nghiên cứu thế giới và những bí ẩn cũng như sự mỹ miều của nó, và ngay cả những đau khổ, chúng ta phải đi vào cuộc tình với Thiên Chúa, mặc dù chúng ta chưa bao giờ diện đối diện với Người.

Thứ đến, chúng ta cũng phải nghiên cứu mọi thứ về Đức Giêsu Kitô.  Chúng ta phải học hỏi mọi thứ về Người nếu có thể.  Vì trong Đức Giêsu chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa diện đối diện, cũng như viên thám tử gặp gỡ Laura diện đối diện ở ngưỡng cửa căn phòng.

Chúa Giêsu nói, “Ai thấy ta là thấy Chúa Cha” (Gioan 14:9).

Sau cùng, chúng ta phải cố gắng tận tụy cuộc đời cho Chúa Giêsu, lãnh nhận sự sống đời đời nơi Người, và sống hạnh phúc mãi mãi với Người, cũng như chàng thám tử tận tụy cuộc đời cho Laura, kết hôn với cô, và sống hạnh phúc mãi mãi bên cô.

Nói cách khác, bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta tìm hiểu về Thiên Chúa qua những gì Người đã tạo nên trong vũ trụ.  Đó là những mấu chốt để chúng ta biết về Thiên Chúa, cũng như quần áo sách vở của cô Laura là các mấu chốt để chàng thám tử biết cô ta như thế nào.

Bài Phúc Âm hôm nay cũng mời gọi chúng ta tìm hiểu về Chúa Giêsu Kitô, đi vào cuộc tình với Người, theo Người, và sống hạnh phúc mãi mãi với Người, cũng như chàng thám tử yêu cô Laura, kết hôn với cô, và sống hạnh phúc bên cô.

Hãy kết thúc với lời cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con,
Ngài đã dựng nên chúng con và ban sự sống cho chúng con.
Ngài đã đặt chúng con trong thế giới mỹ miều và đầy bí ẩn này
để tìm tòi, nghiên cứu và hiểu biết về Ngài.

Nhưng thường thì chúng con lại đi ngược.
Sự mỹ miều của đời sống đã khiến chúng con xa cách Ngài,
thay vì lôi kéo chúng con đến Ngài.
Nhưng Chúa đã không bỏ rơi chúng con.

Ngài gọi chúng con, Ngài la hét vào tai chúng con;
Ngài phá vỡ sự câm điếc của chúng con.
Ngài loé sáng trước mặt chúng con, Ngài lấy đi sự đui mù của chúng con.

Và bỗng dưng, chúng con bắt đầu nghe được tiếng Chúa
trong mọi cảnh tượng và trong mọi tiếng hát.

Chúng con bắt đầu thấy ánh sáng của Ngài
trong mọi ngôi sao và mọi bông hoa.

Và rồi cái ngày không thể nào quên được đã đến,
khi chúng con nghe tiếng Ngài
và thấy sự hiện diện của Ngài trong Đức Giêsu, Con Ngài.

Xin giúp chúng con lắng nghe Chúa Giêsu, đi theo Người,
và lãnh nhận sự sống đời đời từ Người.
Xin giúp chúng con chu toàn kế hoạch của Chúa dành cho chúng con
và sống hạnh phúc mãi mãi bên Chúa.

Lm. Mark Link, S.J.

MÃI NO THOẢ

“Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”

Cha linh hướng của Catarina Siêna kể, “Một hôm, có việc phải đi sớm, tôi không dâng lễ; chiều về, Catarina đến thưa, “Thưa cha, con đói lắm!”  Tôi bảo, “Rất nhọc, không dâng lễ được!”  Catarina buồn rầu rời đi; nhưng vài phút sau, trở lại, thưa như trước.  Không cầm lòng, tôi ra kéo chuông và dâng lễ.  Lạ lùng thay, khi vừa bẻ Mình Thánh, một nửa trong tay tôi biến mất.  Tôi lo sợ tìm kiếm, nhưng Catarina nói, “Chúa đã đến với con!”  Lúc ấy, mặt chị sáng như mặt thiên thần!”

Kính thưa Anh Chị em,

‘Cơn đói của linh hồn’ chị thánh Catarina Siêna được Chúa Giêsu khai triển trong Tin Mừng hôm nay.  Ngài nói đến cơn đói siêu nhiên, nói đến “lương thực thường tồn” cho con người ‘mãi no thoả’; và ai tiếp nhận Ngài, mặt người ấy sẽ sáng như mặt thiên thần.

Trước hết, hãy xét xem bối cảnh!  Kìa, mới hôm qua, Chúa Giêsu nhân bánh cá ra nhiều để thết hàng ngàn người; và bây giờ, họ muốn điều đó tái diễn.  Nhân cơ hội này, Ngài dạy họ về Bánh Ban Sự Sống; Ngài cũng muốn làm như thế cho bạn và tôi!

Vậy bạn đói khát điều gì?  Có lẽ bạn có nhiều thức ăn, hoặc cũng có thể là không.  Nhưng như Catarina, một khi xác định được cơn đói sâu xa nhất của mình – đói Giêsu – bạn hãy cho phép Ngài nói với bạn về Bánh Hằng Sống.  Hãy nói với Ngài, “Đó là những gì con đói!”  Sau đó, hãy để linh hồn lắng nghe Ngài, “Ta muốn cho con nhiều hơn.  Ta là những gì con thực sự đói.  Hãy đến với Ta, con sẽ ‘mãi no thoả!’”  Đây là nội dung diễn từ Bánh Hằng Sống – suốt chương 6 Tin Mừng Gioan – Chúa Giêsu đã nói với người đương thời.

Đừng quên, Thánh Thể có khả năng biến đổi bạn ở mức độ sâu xa nhất!  Vậy mà chúng ta thường đến với Bí tích này cách uể oải và hay sao nhãng; kết quả, bạn và tôi thường không thực sự tiếp nhận Chúa Giêsu ở mức độ mang lại niềm vui, sự phấn khích, cũng như sự no thoả vô tận sâu sắc nhất.  Như Catarina, Têphanô – mặt sáng như mặt thiên thần – cho thấy sự no thoả đó, “Kìa, tôi thấy trời mở ra và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” – bài đọc một.  Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con!”.

Anh Chị em,

“Ai đến với tôi, không hề phải đói!”. “Bánh Ban Sự Sống” cho con người để nó không còn đói chính là Chúa Kitô, một quà tặng không chỉ có khả năng nâng đỡ tâm hồn và thể xác mà còn lôi kéo chúng ta vào niềm vui bất tận của thiên đàng.  “Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng quên rằng, nếu cần phải lo lắng về lương thực, thì điều quan trọng hơn nữa là nuôi dưỡng mối quan hệ của chúng ta với Ngài, củng cố đức tin của chúng ta vào Ngài, “Bánh Hằng Sống”, Đấng đã đến để thoả mãn cơn đói chân lý, cơn đói công lý và cơn đói tình yêu của chúng ta!” – Phanxicô.  Đến lượt mình, chúng ta hãy đi, mang theo bánh Giêsu và làm no thoả cơn đói tinh thần và vật chất của anh chị em mình; để như chúng ta, họ cũng ‘mãi no thoả’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con đói lắm!  Bao anh chị em con trong thế giới đói lắm!  Cho con ‘no Chúa’ và con sẽ đi đến tận mút chân trời, mang bánh Giêsu đến cho anh chị em con!”  Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

THẤY THẦY LÀ THẤY CHA

Được sống với Thầy, được nghe những bài giảng của Thầy về Chúa Cha, Philipphê nhận ra Chúa Cha là Đấng cao cả nhưng cũng rất tốt lành, là nguồn hạnh phúc, cho nên ông và các tông đồ khác đã ước ao được thấy Chúa Cha: Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện!  Qua đó, chúng ta thấy được tấm lòng khao khát tìm kiếm chân lý của Philipphê và các Tông đồ.

Ước nguyện ấy lại được Chúa Giêsu đáp ứng một cách dễ dàng không ngờ: ai thấy Thầy là thấy Cha!  Một ước vọng có vẻ cao sang nhưng lại được đáp ứng quá nhanh chóng đến độ bất ngờ như thế, thực sự là một tin vui hạnh phúc cho loài người chúng ta trên hành trình tìm kiếm chân lý, nhưng nhiều khi cũng vì quá dễ dàng, nên chân lý vĩ đại này lại thường bị bỏ quên.  Người ta thích đi con đường dài và  hiểm trở (để quan trọng hóa vấn đề) hơn là chọn con đường có vẻ quá đơn giản như thế.  Người ta đi tìm Chúa nơi nao trong khi Chúa ở rất gần, ở bên cạnh, ở trong lòng ta thì lại không biết, không thấy!  Người ta thích suy tư lý luận dài dòng phức tạp nhưng lại quên rằng Thiên Chúa của chúng ta và đường lối của Ngài lại rất đơn sơ.

Có lẽ Philipphê và Giacôbê cùng các Tông đồ sau khi được Chúa dạy dỗ bài học hôm nay, đã ý thức để sống thân mật với Chúa hơn, lãnh nhận chân lý với niềm tin yêu, và sau này các Ngài đã đổ máu đào để làm chứng cho chân lý ấy.

Đối với chúng ta hôm nay, chúng ta có khát khao tìm kiếm chân lý, tìm kiếm hạnh phúc đích thực không?  Có người vất vả đi tìm hạnh phúc tạm bợ, giả tạo nơi tiền bạc, danh vọng, lạc thú…; có người đi tìm ở triết thuyết này, đạo pháp kia; có người biết là phải đi tìm Chúa nhưng không biết tìm ở đâu!  Thì đây, Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời dễ dàng đến bất ngờ:  Thầy là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.  Thì ra gặp Chúa Giêsu là gặp Chúa Cha nguồn Sự thật, thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha nguồn sự sống, yêu mến Chúa Giêsu là yêu mến chính Thiên Chúa là nguồn tình yêu.  Mà làm thế nào để tìm biết Chúa Giêsu?

Nếu anh biết Thầy, anh cũng sẽ biết Cha.  Khổ nỗi, cho đến hôm nay nhiều người trong chúng ta vẫn chưa biết Chúa Giêsu, mặc dù ta mang danh là Kitô hữu, ta vẫn nghe Kinh Thánh mỗi ngày, vẫn rước Chúa mỗi ngày!  Nếu một người lương dân hỏi: Chúa Kitô là ai?  Có lẽ phần đông chúng ta cũng gặp khó khăn trong câu trả lời đấy!  Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại cách sống đạo của chính mình, kẻo chúng ta cũng bị trách như Chúa Giêsu trách Philipphê: Thầy ở với anh bấy lâu mà anh không biết thầy ư?  Phải chăng chúng ta cần tiếp cận Kinh Thánh một cách ý thức hơn, dành thời giờ học hỏi Kinh Thánh nhiều hơn, để biết đọc, biết suy, biết cảm nếm, để chúng ta có thể gặp được Đức Kitô Phục sinh đang sống động trong từng trang, từng Lời Kinh Thánh và để chính Đức Kitô sống động trong cuộc sống thường ngày của ta.

Nhiều anh chị em sau khi tham gia những khóa học Kinh thánh đã phải thốt lên: bây giờ tôi mới biết Đức Kitô là ai, bây giờ tôi mới cảm nghiệm tình Chúa yêu tôi như thế nào!  Trước đó họ vẫn đọc Kinh Thánh chứ, vẫn nghe Kinh Thánh, vẫn học giáo lý, vẫn nghe giảng dậy hàng ngày, nhưng có lẽ những hiểu biết, Đức Tin, lòng yêu mến có được chỉ là vay mượn, không đích thật là của mình, cho nên nó hời hợt, không có chiều sâu và dễ bị nghiêng ngả chao đảo khi gặp thử thách đau khổ.  Chỉ khi nào chính mình khám phá, trải nghiệm thì Đức Tin vào Đức Ki tô mới kiên vững, tình mến vào Chúa Kitô mới nồng nàn, và như thế chúng ta sẽ gặp được Chúa Cha là nguồn chân lý, bình an và hạnh phúc, và khi đó, chúng ta có thể làm được những điều như Chúa Giêsu đã làm, đó là làm nhân chứng cho Tin Vui phục sinh ở mọi nơi, để Chúa Cha được tôn vinh nơi Chúa con, để nhân loại được hạnh phúc trong Tình yêu của Chúa Ba Ngôi.

Nguyện xin hai thánh Tông đồ Philipphe và Giacôbê cầu thay nguyện giúp để chúng con noi gương các Ngài, khao khát tìm Chúa, siêng năng học hỏi Kinh Thánh, rước Thánh Thể một cách ý thức hơn để chúng con thực sự găp được Chúa, có được cuộc sống thân mật với Chúa Kitô, từ đó chúng con trở thành nhân chứng sống động, dám sống và chết cho Tin mừng Phục sinh.  Amen!

Lm. Đaminh Trần Công Hiển