LẶNG THINH VÀ TRẢI NGHIỆM

“Ngài không có ở đây!”

Tại các Giáo Phận, phần lớn các họ đạo truyền thống có thói quen ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu vào Mùa Chay.  Riêng Huế, kinh nguyện quý báu này được ngắm vào Tuần Thánh; đặc biệt, sáng thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy vốn được gọi là Kinh Lễ Đèn, vì có đến 15 ngọn nến hoặc đèn được đốt lên trên cùng một giá.  Cách thức đọc được hướng dẫn đến từng chi tiết; ngắm một chặng, đọc 1 kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, tắt một ngọn nến.  Tuy nhiên, ở Lễ Đèn 3, tức sáng thứ Bảy, ngọn nến 15 sẽ không được tắt!  Thật thú vị, nó được đem vào phòng thánh một chốc, đang khi cộng đoàn quỳ gối ngắm “Thánh Mẫu Thống Khổ Kinh;” sau đó, nến này được đem ra, đặt trên bàn thờ.  Nó tượng trưng cho Chúa Giêsu!  Ngài đã chết, nhưng thực ra, cái chết của Ngài chỉ như một sự nghỉ ngơi trong mồ.  Vì thế, thứ Bảy Tuần Thánh được coi như ngày – với Maria mẹ mình – Kitô hữu lặng thinh và trải nghiệm đợi ngày Con Chúa phục sinh!

Kính thưa Anh Chị em,

Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội không có một nghi lễ nào, mãi cho đến buổi cử hành cực trọng Đêm Vọng Phục Sinh.  Hôm nay, trầm tư suy gẫm chậm rãi với Mẹ Maria, mỗi tín hữu tìm một ‘nơi vắng vẻ,’ dành cả một ngày để suy ngắm cuộc tử nạn của Chúa Giêsu; và nhất là, cùng Mẹ ‘lặng thinh và trải nghiệm’ các mầu nhiệm!

Phụng vụ của những ngày qua đầy cảm xúc với nhiều nghi lễ; nhưng thứ Bảy Tuần Thánh lại trôi qua lặng lẽ, thanh thản.  Đó là một ngày để tận hưởng tất cả những cảm xúc đan xen giữa trầm buồn lẫn hy vọng!  Đừng để thứ Bảy Tuần Thánh trôi qua như bao ngày khác, hay chỉ là một ngày giữa thứ Sáu Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh.  Đó là một ngày mà bạn và tôi cùng Mẹ mình, Mẹ Hội Thánh, tĩnh lặng, chiêm ngắm và tôn thờ.

Chỉ trong sự trầm mặc này, các tông đồ và cả chúng ta mới có thể nhìn thấy mọi sự đã xảy ra phù hợp và trùng khít với nhau thế nào.  Chỉ trong sự im ắng của ngày thứ Bảy lặng yên với Mẹ của Thầy, các môn đệ mới có thể hiểu được những gì Chúa Giêsu đã nói, đã làm.  Cũng thế, với chúng ta!  Nhiều lần, chúng ta nghĩ, chúng ta biết Ngài!  Ngài là ai, dạy chúng ta điều gì, nhưng thực ra, những điều đó chưa đi vào trái tim; bằng chứng là cuộc sống của bạn và tôi chưa biến đổi!  Phải lắng nghe, cẩn thận suy ngẫm những gì Chúa Giêsu đã dạy, đã làm, may ra chúng ta mới hiểu sâu sắc để áp dụng vào cuộc sống mình!

Anh Chị em,

“Ngài không có ở đây!”  Thinh lặng của ngày hôm nay không phải là thinh lặng của thoái chí, tuyệt vọng, nhưng là ‘thinh lặng thánh’, một sự im ắng của niềm mong đợi lớn lao sẵn sàng bùng lên trong niềm vui vỡ oà của Đêm Vọng Phục Sinh.  Chúng ta sẽ ‘đến mộ’ Chúa cùng các thánh nữ, không phải để xức dầu cho một xác chết, nhưng để mừng vui với các thiên thần khi nghe họ tuyên bố, “Ngài không có ở đây.  Ngài đã sống lại!”; “Tại sao các bà lại tìm người sống nơi những kẻ chết?”  Và như thế, nhờ có một ngày cùng Mẹ ‘lặng thinh và trải nghiệm’, chúng ta mới có thể hân hoan nói với Mẹ, “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, Halleluia!”; và cùng Mẹ, hát khúc khải hoàn, “Chúa Đã Sống Lại, Halleluia!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, dạy con biết chờ đợi Chúa như Mẹ.  Không chỉ hôm nay, nhưng từng ngày; không phải ngủ gà ngủ gật, nhưng hỷ hoan với đèn chói sáng trong tay!” Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

BA NỖI ĐAU KHỔ

Chủ đề: “Chúa Giêsu đã chịu đau khổ trong ba phương cách như chúng ta chịu về tinh thần, thể xác và tâm linh”

Trong thời thế chiến II, linh mục Titus Brandsma làm viện trưởng một đại học tại Hòa Lan.  Người bị Đức Quốc Xã đem về trại tập trung ở Dachau.  Nơi đây, người bị biệt giam trong một chiếc cũi nhốt chó cũ kỹ.  Bọn lính gác mua vui bằng cách bắt người phải sủa lên như chó mỗi lần chúng đi ngang qua.  Cuối cùng người bị chết vì bị tra tấn.  Bọn lính kia đâu có ngờ rằng ngay giữa cơn thử thách, vị linh mục ấy vẫn tiếp tục viết nhật ký giữa những dòng chữ in trong quyển sách kinh cũ của người.  Người kể lại rằng, sở dĩ người có thể chịu đựng được nỗi đau đớn là vì người biết rằng Chúa Giêsu cũng đã từng chịu đau khổ như thế.  Trong một bài thơ ngỏ gởi Chúa Giêsu, người viết: “Sẽ không có đau đớn nào làm con gục ngã, bởi con luôn nhìn thấy đôi mắt đầy khổ đau của Chúa.  Con đường cô độc mà Chúa từng đi qua đã giúp con chịu đựng nỗi cay đắng một cách khôn ngoan.  Tình yêu của Chúa đã biến màn đêm tăm tối trong con thành nguồn sáng rực rỡ.  Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với con, chỉ cần ở lại thôi.  Con sẽ chẳng còn sợ hãi chi nếu khi đưa đôi tay ra con cảm thấy Chúa đang ở bên con.” (Kilian Healy, Walking with God).

Sự thống khổ của Chúa Giêsu được chúng ta đặc biệt nhắc lại trong ngày hôm nay đã từng là nguồn sức mạnh cho rất nhiều người trong lịch sử.  Giống như linh mục Brandsma, những người này sẽ không bao giờ chịu đựng nổi sự đau đớn nếu họ không biết rằng Chúa Giêsu đã từng chịu đau khổ như vậy, và Người hiện đang nâng đỡ họ trong giây phút thử thách.

Khi nhìn lại sự thống khổ của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Người đã chịu đau khổ dưới cả ba hình thức khác nhau.

Trước hết là đau khổ tinh thần.  Chúa Giêsu chịu đau khổ này trong vườn Cây Dầu, Người đổ mồ hôi máu khi nghĩ đến thử thách trước mặt, đồng thời Người rất đau khổ khi các môn đệ phản bội và bỏ Người chạy trốn hết.  Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm sự đau khổ tinh thần này, tỉ như một cậu bé 15 tuổi bỏ nhà ra đi đã mô tả sự đau khổ tinh thần của mình trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Parade như sau: “Tôi không bao giờ thực sự có được một mái nhà, tôi không bao giờ được thực sự nhìn thấy người cha của tôi.  Tôi luôn cô độc… Tôi cảm thấy có gì sái quấy nơi tôi.  Chắc là tôi tệ lắm.  Tôi cảm thấy mình không hiện hữu, vì chẳng có ai yêu mến tôi.”  Trong lúc đau khổ tinh thần như thế, chúng ta chỉ còn một nguồn an ủi duy nhất, đó là biết rằng chính Chúa Giêsu từng bị đau khổ như thế trước chúng ta, và Người hiện đang nâng đỡ chúng ta trong khi bị thử thách.

Tiếp đến, Chúa Giêsu từng bị đau khổ nơi thể xác.  Người bị đánh đập tàn bạo, bị đội mão gai và bị đóng đinh vào thập giá.  Và chúng ta, ít nhiều cũng đã từng chịu những đau đớn phần xác.  Đây là loại đau đớn mà bác sĩ Sheila Cassidy đã phải gánh chịu khi ở Chile vào đầu thập niên 1970.  Cô là một bác sĩ y khoa và đã phạm một lỗi lầm tai hại là đã chữa lành vết thương cho một phần tử chống đối chính phủ.  Cảnh sát đã bắt cô và tra tấn buộc cô phải khai tên những người dính líu đến phong trào chống đối.

Giống như Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, cô cũng bị căng thây trong bốn ngày.  Nhớ về sự thử thách ấy cô viết:

Tôi cảm nghiệm được một cách mơ hồ về sự đau đớn mà Chúa Giêsu từng chịu.  Trong suốt cơn thử thách, tôi luôn luôn cảm thấy Người ở đó, và tôi nài xin Người giúp tôi được kiên vững.

Cũng thế, trong giờ phút chịu đau đớn thể xác, chúng ta thường chỉ còn nguồn an ủi là biết rằng Chúa Giêsu đã từng chịu đau đớn như thế, và Người hiện đang nâng đỡ chúng ta trong cơn thử thách này.

Và cuối cùng, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu cũng từng chịu đau đớn về tâm linh.  Tỉ như, khi Người bị treo bơ vơ trên thập giá, dường như chính Chúa Cha cũng đã ruồng bỏ Người.  Chúa Giêsu cầu xin: “Lạy Chúa con, lạy Chúa con, sao Ngài lại bỏ rơi con” (TV 22:1).  Tất cả chúng ta cũng từng gặp đau khổ tâm linh giống như Người.  Nhiều lần, chúng ta cảm thấy như bị Chúa bỏ rơi.  Đây là sự đau đớn mà Walter Ciszel, vị linh mục người Hoa Kỳ đã từng chịu khi bị cầm tù ở Nga suốt 23 năm.  Có lúc, tâm linh người bị suy sụp đến mức gần như tuyệt vọng.  Nhưng thay vì đầu hàng, người lại biết noi gương Chúa Giêsu trên thập giá, hướng về Thiên Chúa Cha trong cơn thử thách.  Cha Walter Ciszel viết:

Tôi thưa với Chúa rằng, ‘hiện giờ mọi khả năng của tôi đều cạn kiệt và chỉ còn Ngài là nguồn hy vọng duy nhất của con’…  Tôi chỉ có thể mô tả lại cảm nghiệm này giống như một sự ‘phó mặc’”.

Vào lúc bấy giờ, lần đầu tiên, cha Ciszel hiểu được những lời cuối cùng trên thập giá của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc. 23:46).  Về sau, cha Ciszel nói rằng chính quyết định phó thác ấy đã giúp người kiên định và sống sót.

Như thế, Chúa Giêsu đã từng chịu cả ba sự đau đớn mà con người có thể gặp phải.  Người đau đớn tinh thần vì bị các môn đệ phản bội.  Người đau đớn thể xác vì bị tra tấn, và sau cùng Người đau đớn tâm linh khi cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi.  Đây chính là sứ điệp mà Chúa Giêsu trao lại cho chúng ta, để khi gặp bất cứ đau khổ nào, chúng ta cũng biết hướng về Chúa Giêsu.  Người hiểu được sự đau khổ của chúng ta và sẵn sàng nâng đỡ chúng ta.  Từ đó, chúng ta hãy trở lại câu chuyện mở đầu nói về Cha Brandsma.  Khi gặp đau đớn dưới bất cứ hình thức nào, không có gì tốt hơn là chúng ta hãy lập lại những lời mà Cha Brandsma đã cầu nguyện với Chúa Giêsu: “Sẽ không có đau đớn nào làm con gục ngã, bởi con luôn nhìn thấy đôi mắt đầy khổ đau của Chúa.  Con đường cô độc mà Chúa từng đi qua đã giúp con chịu đựng nỗi cay đắng một cách khôn ngoan . Tình yêu của Chúa đã biến màn đêm tăm tối trong con thành nguồn sáng rực rỡ.  Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với con, chỉ cần ở lại thôi.  Con sẽ chẳng còn sợ hãi chi nếu khi đưa đôi tay ra con cảm thấy Chúa đang ở bên con.”

Lm. Mark Link, S.J.

ĐỈNH CAO CỦA MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ LÀ TÌNH YÊU

Trong cuộc sống, nơi các gia đình, nhất là văn phong của Việt Nam, chúng ta rất coi trọng bữa ăn.  Nơi bữa ăn, niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại, thường hay được giải quyết.  Có những bữa ăn để chia tay; có những bữa ăn để lên đường.  Chia tay hoặc lên đường thường hay để lại nhiều kỷ niệm nơi người đi và kẻ ở!

Hôm nay, Đức Giêsu quy tụ các Tông đồ là những người thân tín với Ngài trong suốt chặng đường rong ruổi loan báo Tin Mừng.  Ngài quy tụ họ, để trao lại cho họ một tặng phẩm thần linh là Bí tích Thánh Thể và truyền cho các ông hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Ngài.  Qua đó, như một sự hiện hữu sau khi chết, để khi còn sống, Đức Giêsu ở cùng với các ông thế nào, thì ít ngày nữa thôi, Ngài cũng hiện diện và ở lại với các ông cách vô hình nhưng trọn vẹn nơi Bí tích cao trọng là chính Thánh Thể Ngài.  Mặt khác, qua bữa tiệc này, phần cuối cùng của bữa tiệc, Đức Giêsu hành động và  trăng trối những lời tâm huyết để xây dựng cộng đoàn Giáo Hội đó là: “Luật yêu thương.”

1. Một tặng phẩm cao quý được trao tặng

Nếu trong cuộc sống, hai người yêu nhau, họ thường có những lời lẽ chân tình, ấm áp để thể hiện tình yêu của mình cho người mình yêu.  Khi đi xa, người ta hay trao tặng cho nhau những kỷ vật trân quý, để dù xa mặt chứ lòng thì không.  Qua món quà đó, với người đón nhận thì tặng vật đó không chỉ đơn thuần là một kỷ niệm, nhưng nó còn là sự hiện hữu của chính người tặng quà.

Cũng vậy, khi Đức Giêsu biết “giờ” của mình sắp trở về với Thiên Chúa Cha, nên Ngài đã yêu thương họ đến cùng khi trao ban chính thân mình làm của nuôi sống môn sinh.

Chiều hôm nay, chúng ta kỷ niệm việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể.  Đây là Bí tích cao trọng nhất trong 7 Bí tích.  Cao trọng bởi vì qua Bí tích này, Đức Giêsu hiến dâng thân mình làm của  ăn của uống để nuôi sống nhân loại và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.  Ngài yêu thương và yêu hết mình.  Yêu đến nỗi bằng lòng chịu chết để miễn sao người mình yêu được hạnh phúc.

Thật vậy, Ngài đã trao ban chính Thân Mình làm bảo vật, để mỗi khi các Tông đồ cũng như những người tin, cử hành và tưởng nhớ, thì Ngài hiện diện cách trực tiếp nơi mầu nhiệm cử hành.  Khi đó, Đức Giêsu trở nên đồng hình đồng dạng với người đón nhận, để từ đây, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta.  Ôi, còn gì cao quý và hạnh phúc cho bằng ta được thông phần vào bản tính Thiên Chúa với Đấng là Thiên Chúa nhưng lại chia sẻ thân phận con người với chúng ta!

Lời cầu nguyện của Đức Giêsu với Chúa Cha làm toát lên đặc tính kỳ diệu này:“ … như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.  Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21).  Giáo Hội tiếp diễn ý nghĩa hiệp thông với mọi thành phần khi đã liên kết với Đức Giêsu, qua Kinh Tiền Tụng Thánh Thể: “Chúng con nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần.”

Qua Bí tích này, mỗi người được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa thông qua bản thể Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, đồng thời cũng được liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một thân thể.

2. Một dấu tích sống động được tiếp diễn

Sau khi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, ngài đã thiết lập Bí tích Truyền Chức liền sau đó như một sự liên hệ, liền mạch và mật thiết với nhau.  Đúng thế, không thể có Thánh Thể nếu không có người cử hành Thánh Thể.  Vì thế, Đức Giêsu đã trao ban thừa tác vụ đặc biệt cho các Tông đồ, để sau này, các ông sẽ đảm trách những việc làm như Đức Giêsu vừa làm cho đến ngày tận thế.

Thoạt mới nghe, chúng ta dễ tưởng lầm là Bí tích này chỉ có liên hệ hay dành riêng cho các linh mục?  Nhưng không!  Bí tích này liên hệ chặt chẽ với cộng đoàn, bởi vì Bí tích này thuộc về nhóm Bí tích xây dựng cộng đoàn.

Thật thế, chức vụ linh mục không phải cho bản thân mình, vì các ngài không thể tha tội cho mình, các ngài cũng không thể ban phát các Bí tích cho mình.  Vì thế, linh mục là của mọi người, cho mọi người và vì mọi người.

Nếu Đức Giêsu trước kia đã đến để cho con chiên được sống dồi dào, thì ngày nay các linh mục cũng được trao ban trách vụ như thế.  Ôi huyền nhiệm và cao quý vô lường!  Qua Bí tích Truyền Chức, Đức Giêsu hiện diện cách trực tiếp khi các linh mục cử hành phụng vụ trong vai trò đại diện cho Đức Giêsu là Đầu của thân thể.  Và, như thế, mỗi người chúng ta luôn được các ngài chăm sóc, nên không bị rơi vào tình cảnh bơ vơ, mồ côi vì không người chăn dắt.  Các ngài sẽ thay mặt Chúa, thi hành việc của Chúa trong vai trò lãnh đạo, phục vụ và thánh hóa vì tình yêu.

3. Một lời trăng trối tâm huyết muôn đời nhớ mãi

Cũng chiều hôm nay, mỗi chúng ta quây quần nơi đây, để nghe đọc lại di ngôn và lệnh truyền của Đức Giêsu về tình yêu.  Lệnh truyền này mang tính khẩn trọng, người môn đệ phải có thái độ mau mắn thi hành.  Vì thế, đòi hỏi một sự bất khả từ, bởi lẽ đây là điểm sáng, là cốt lõi, là bản chất thiết yếu của người mang danh Đức Kitô trong mình.

Thật vậy, Đức Giêsu không chỉ trao ban chính Thân Mình để nuôi sống nhân loại, mà Ngài còn dạy cho các Tông đồ bài học về tình yêu, để đưa các ông vào qũy đạo của chính Ngài là “yêu và yêu đến cùng.”

Ngài nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).  Yêu như Thầy là yêu như thế nào?  Thưa yêu như Thầy chính là trở thành người tôi tớ phục vụ, là chấp nhận chết cho người khác được sống.  Không những dạy các ông bằng lời, mà Ngài còn làm gương cho các ông noi theo.  Vì thế, ngay lập tức, Ngài đứng lên, cởi áo choàng, thắt lưng, lấy nước rửa chân cho từng Tông đồ trước sự ngỡ ngàng của các ông.  Ngỡ ngàng là phải, vì hành vi rửa chân là việc làm của người nô lệ dành cho ông chủ.  Nhưng hôm nay, Đức Giêsu đã làm đảo lộn vai trò và vị trí khi tự làm những việc dành cho người hầu hạ, và các Tông đồ trở nên những ông chủ.

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Đức Giêsu nói tiếp: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.  Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 14-15).  Qua hành động rửa chân cho các Tông đồ, Đức Giêsu để lại cho các ông bài học về đức khiêm nhường và phục vụ.  Tuy nhiên, để thực hiện được hai nhân đức này thì cần phải có tình yêu làm động lực.

Tình yêu thương được hiện lên như một ngọn hải đăng giữa biển khơi tăm tối, giúp cho mọi người nhận ra đường để đi và đi đến nơi an toàn.  Vì thế Đức Giêsu đã dạy cho các ông biết trước viễn cảnh trong tương lai khi nói: “… mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).

4. Sống linh đạo Thánh Thể và thực hiện lời trăng trối của Đức Giêsu

Thánh Phaolô nói: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết”  (1 Cr 11, 26).

Là người kitô hữu, chúng ta tin Chúa, yêu Chúa và đều mong muốn được ơn cứu độ, thì không có lẽ gì chúng ta không sống linh đạo Bí tích này.

Nếu muôn ngàn hạt lúa kết thành tấm bánh, bao trái nho ép thành chén rượu, tượng trưng cho sự hiệp nhất của con cái Chúa, thì mỗi người chúng ta cũng phải hiệp nhất với nhau như vậy.

Muốn được như thế, tinh thần sống mầu nhiệm tự hủy của hạt lúa, trái nho luôn mời gọi và thôi thúc chúng ta thi hành.

Trong đời sống gia đình, người chồng phải là người chồng mẫu mực, sẵn sàng hy sinh gánh vác vì tình yêu với vợ và các con.  Người vợ hãy hết lòng lo cho con cái, chăm lo cho chồng và con tử tế.  Con cái biết ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ…  Làm được như thế, ấy là chúng ta đang thực hiện di ngôn của Đức Giêsu trong tinh thần hy sinh và phục vụ.

Nếu không yêu thương nhau, thì chẳng khác chi hạt lúa mì trơ trọi một mình, không sinh hoa trái.  Nhưng yêu thương những người lân cận với mình thôi thì chưa đủ, mà phải yêu thương hết mọi người như Đức Giêsu đã yêu.  Ngài đã không loại trừ Giuđa là kẻ rồi đây sẽ bán mình; không bỏ lại Phêrô là người sẽ thề sống thề chết không biết mình; không lên án và trách móc những người hại mình, mà: “Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)

Mong sao sứ điệp Lời Chúa hôm nay luôn ở bên tai, qua hành động và trong trái tim của chúng ta, để chúng ta yêu và yêu không giới hạn như Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa đã để lại cho chúng con Bí tích kỳ diệu là chính Thánh Thể Chúa làm của ăn của uống cho mỗi chúng con.  Xin cho chúng con biết yêu mến, tin tưởng và mau mắn loan truyền cho tới khi Chúa đến trong vinh quang.  Xin cũng cho mọi suy nghĩ và hành động của chúng con được tình yêu làm căn cốt và thúc đẩy, để như Chúa, chúng con yêu rồi mới làm.  Amen!

Jos. Vinc. Ngọc Biển

CHÚT TÂM SỰ CÙNG GIUĐA

P/s: Gợi lại chút suy tư nhân đọc đề thi Văn – Kỳ thi Tuyển sinh Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê khóa XIX: “Hãy viết về ông Giuđa Iscariot trong Tân Ước?” Ai trong chúng ta cảm nghiệm được rằng: mình đã từng có những khoảnh khắc giống Giuđa?

——————————-

Giuđa, anh thân mến!

Dịp Tuần Thánh vừa qua, đang khi chìm vào suy tư, tôi bồi hồi chợt nhớ về đêm tối xa xăm.  Sương mù phủ kín suối Kit rôn uốn khúc lượn lờ.  Vườn cây dầu đột nhiên ồn ào bởi tiếng lao xao.  Một cuộc bố ráp qui mô.  Kỳ cục thay, tôi thấy anh lạnh lùng, hăm hở dẫn đầu ba quân vây bắt thầy mình…

Thế rồi, màn đêm âm u đã đẩy cao tấn bi kịch.

Mỉa mai thay, sự phản trắc che đậy bởi nụ hôn nồng nàn của tình thầy trò vào sinh ra tử: “Tôi hôn ai thì đó chính là Người, các anh bắt lấy” (Mt 26, 48).  Cái bi đát là tình nghĩa hoen ố bởi cử chỉ âu yếm, thân mật nhất.  Một nụ hôn đau hơn ngàn cái tát, nhục nhằn hơn dòng nước mắt, quặn thắt hơn vết thương sâu.

Và thước phim cứu độ tiếp tục được quay với những hình ảnh chóng vánh: Thầy Giêsu bị điệu ra trước tòa Công nghị, bị các thượng tế và hội đồng kết án.  Tổng trấn Philatô của Rôma chuẩn y án tử hình thập ác.  Thầy Giêsu đã nắm chắc cái chết.  Đằng sau bản án oan khiên ấy có lỗi lầm không nhỏ của anh.

Giuđa ơi!

Anh đã lựa chọn lối đi dẫn về ngục tù hun hút.  Anh đã đến ở lưng chừng và rồi cũng ra đi lưng chừng: Lưng chừng giữa niềm tin và thất vọng, giữa niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau thương…

Ai đó bảo rằng số phận anh đã được tiền định để đi đến chỗ tiêu vong.  Điều này là một nan đề khó phân biệt đúng sai nên tôi không dám luận bàn.

Tuy nhiên, tôi cảm nhận mọi thứ với anh đã từng rất đẹp bên Thầy Giêsu, đúng không nhỉ?  Anh đã rong ruổi theo Thầy ngay từ đầu, chia sẻ buồn vui, đói no, thành công hay thất bại.  Không yêu sao có thể đi theo lâu đến vậy?  Không mến sao có thể hy sinh như thế?

Nhưng điều gì đã diễn ra nơi trái tim khiến anh thay đổi khủng khiếp đến vậy?  Tôi nghĩ rằng, việc ôn lại một vài biến cố quan trọng trong cuộc đời anh nhắc nhở tôi những bài học ý nghĩa về cuộc sống và tình yêu đời dâng hiến.

Thứ nhất, phải chăng anh là nạn nhân của nỗi cô độc ngay trong chính hành trình theo Chúa?  Anh và Thầy Giêsu cùng các anh em đồng hữu có duyên gặp gỡ nhưng chẳng đủ nợ để chung đường.

Phải chăng con người anh đã nhiều lúc phải đối diện với những khoảng trống vô hồn và những bất an vô định, những tháng ngày mải miết đi trong khu vườn miên viễn rồi chết nghẹt vì mãi không tìm thấy lối ra?  Trong thế giới nhỏ bé của anh bộn bề suy nghĩ khác với mọi người.  Anh chìm trong mớ cảm xúc hỗn độn, quá nhiều lựa chọn khiến anh mắc kẹt giữa tuổi thanh xuân của chính mình.

Anh cảm thấy cô độc giữa đám đông huynh đệ chi binh.  Dù quây quần bên Thầy, bên anh em mà anh vẫn thấy riêng mình “một trời tâm sự.”  Đang cùng bạn bè vui đùa sau một ngày dài di chuyển mệt nhọc mà anh vẫn nhủ thầm rằng chẳng ai hiểu lòng ta đang canh cánh một nỗi lòng phục hưng xứ sở, đánh đuổi ngoại bang.  Cô độc vì anh tự nhận mình là người Giuđêa duy nhất lọt thỏm giữa đám người Galilê xa lạ…

Thật tai hại, anh đã “lấp đầy” cô đơn bằng sự hiện diện của thế lực đen tối.  Nói đúng hơn, Satan đã nhập vào anh (Ga 13, 27).  Anh đã không thể đối phó với ông bạn kinh khủng ấy, không kịp chê chán gã ác thần như đã quay lưng với Thầy Giêsu và các bạn hữu.

Sự dữ nhanh chân chiếm giữ tâm hồn và làm anh khốn khổ.  Sự việc này nói lên một điều rằng anh đã đánh mất bài học cảnh giác, để cho kẻ thù từng bước len lỏi vào hồn mình.

Kể từ đây, con người anh thêm hoang hoải, chẳng còn gì khác ngoài đôi chân mệt mỏi, đầu óc đầy dẫy toan tính và trái tim thiếu hẳn tình thương.

Thứ hai, tôi không biết anh “trở cờ” với Thầy lúc nào nhưng tôi thấy tâm hồn anh từ lâu đã bị hoen mờ bởi đồng tiền và cả sự tham lam, ích kỷ, biển lận tầm thường, buông chiều theo sự tự do.

Thần tài là một thứ ngẫu tượng hết sức quyến rũ.  Thần tài chống lại Thiên Chúa vì nó tạo ra nơi con người một tinh thần khác, nó thay đổi mục đích của nhân đức đối thần.  Kinh Thánh đã từng nói: “Lòng yêu mến tiền bạc là căn nguyên của mọi tội lỗi” (1Tm 6, 10).

Anh cũng vậy, anh đã để đồng tiền khuynh loát bản thân.  Tính gian tham biểu lộ đặc biệt ở nhà ông Simon, khi người phụ nữ tội lỗi không được mời nhưng lại xông vào nhà rồi đổ dầu thơm trên chân Thầy Giêsu, lấy tóc mà lau, làm cho cả nhà sực nức hương thơm.  Trong cái vỏ bọc và bức bình phong hoàn hảo, anh mặc sức tô vẽ mọi thứ theo ý riêng của mình: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo” (Ga 12, 5).

Tin Mừng còn một lần nữa khắc họa sự dính bén vật chất của anh.  Anh phải kiếm chác được một cái gì đó cho thỏa tính tham của mình: “Bây giờ, một trong nhóm Mười Hai, gọi là Giuđa Iscariôt, đến gặp các thủ lãnh, tư tế và nói: Tôi nộp ông ấy cho quý vị, quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?  Họ cho Giuđa ba chục đồng bạc” (Mt 26, 14-15).

Giá phản bội Chúa chẳng cân xứng với giá trị thật chút nào.  Anh đâu cần phải bán Chúa mới có được nhúm tiền mà anh có quyền tiêu pha bất cứ lúc nào trong quỹ chung?

Giá như anh đừng quá chăm chút cho riêng mình.  Giá như anh cũng hào phóng như người phụ nữ tội lỗi đã làm với Thầy Giêsu.  Giá như anh đừng để mình rơi vào khoảng tối điêu linh, huyễn hoặc của lòng đam mê tiền của.  Thật buồn là sau tất cả vẫn phải nói: “Giá như…”

Thứ ba, Tin Mừng mô tả anh đã đánh mất niềm hy vọng vào tình thương xót hải hà của Thiên Chúa. Tội ác vừa phạm xong, anh đã cảm thấy chán chường.  Tôi đã mừng hụt khi đọc đến đoạn mô tả anh hối hận.

Thế nhưng, chán chường tội lỗi không đủ, đó là bước tiến trên đường đạo đức nhưng chưa hẳn là đạo đức, phải ăn năn thống hối nữa.  Có thể anh không hối hận vì Chúa mà là vì mình.  Như vậy là giận ghét mình, mà sự giận ghét mình dẫn đến tự vẫn, vì ghét mình tức là giết mình; chỉ khi sự ghét mình kết hợp với lòng mến Chúa mới đáng được cứu rỗi.

Các bản văn Tin Mừng đề cập việc anh thức tỉnh.  Thay vì xử sự như Phêrô, cách làm của anh thật tệ hại: Anh đã chọn cho mình sợi dây thừng và tự xử.  Tôi không dám mường tượng hình ảnh hãi hùng lúc đó.  Chỉ biết là anh đã để lỡ cơ hội.

Anh nên hiểu rằng: trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, cho dù chậm chạp hay té ngã nhiều đến đâu nữa nhưng nếu biết chỗi dậy thì Người vẫn luôn rộng lòng thứ tha.

Hỡi Giuđa, chàng trai trẻ xứ sở phương Nam!

Đêm nay, tôi viết thư cho anh.  Một đêm mưa nhiều nên lối vắng âm u, mây giăng kín trên vòm trời. Không biết giữa khoảng trời này, đêm có còn nhớ đến kẻ tội đồ năm xưa?

Riêng tôi, nhớ về anh, lòng lại thêm phiền não, ủ dột, âu sầu.  Những biến cố của cuộc đời không lường kịp, mà phận người thì quá đỗi mỏng manh đã cuốn anh vào thiên thu.

Như sợi chỉ thanh mảnh cố níu kéo những ký ức đang chìm sâu vào nấm mồ tuổi trẻ, thư tôi viết cho anh không mong chờ dòng hồi âm ngắn ngủi.

Dẫu sao, tôi – một đồng hữu đang bước theo Thầy Giêsu – luôn cầu mong số phận sẽ đổi khác với anh, chí ít là trong tích tắc cực ngắn nào đó trên cành cây lơ lửng, Thiên Chúa dủ tình với anh như đã dủ tình với người trộm lành năm xưa.  Lúc ấy, tôi có thể nhìn thấy anh rạng rỡ hơn, đúng không?

Mến chào anh trong Thầy Giêsu!

Lm. Hạ Trân
(Bài viết trích trong sách “Lời hứa ghép tim” – NXB. Tôn Giáo, 2021)

ĐƯỢC GIƯƠNG CAO

“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ, các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu!”

“Thiên đàng quan tâm đến thập giá Chúa Kitô!  Địa ngục khiếp hãi nó!  Đang khi loài người – những sinh vật duy nhất – ít nhiều bỏ qua ý nghĩa của nó!  Ơn cứu độ thế giới chỉ đến khi Chúa Kitô được giương cao, nghĩa là từ thập giá của Ngài!  Chúa Kitô đã đến để trả một món nợ không mắc; bởi lẽ, chúng ta nợ Thiên Chúa một món nợ không bao giờ trả nổi!” – Oswald Chambers.

Kính thưa Anh Chị em,

Đồng tình với Chambers, Lời Chúa hôm nay tiết lộ một sự thật: ơn cứu độ chỉ đến từ thập giá của Chúa Kitô khi Ngài ‘được giương cao!’  Bởi lẽ, sẽ không có sự cứu rỗi nào chỉ trong các ý tưởng viển vông, trong ước muốn hay trong sự sẵn lòng của một ai đó; nó phải phát xuất từ lòng thương xót vô bờ của một ‘Ai đó’ – Thiên Chúa!

Rắn lửa – tượng trưng cho tội lỗi – bò ra cắn chết nhiều người khi Israel kêu trách Chúa; Môsê van xin, Ngài bảo, “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột.  Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống!” – bài đọc một.  Rắn đồng được treo lên đã cứu một dân – tượng trưng cho Chúa Kitô – Đấng ‘được giương cao’ sẽ cứu muôn dân.  Ngài chuốc lấy mọi độc tố của tội; nhờ đó, nhân loại được chữa lành.

Thật thú vị, ‘được giương cao’ không chỉ đề cập đến việc Chúa Kitô chịu treo trên thập giá mà còn bao hàm việc Chúa Cha tôn vinh Ngài, “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ, các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu!” – Tin Mừng hôm nay.  “Tôi Hằng Hữu!”, một danh hiệu chỉ dành cho Thiên Chúa.  Chúa Giêsu cho phép chúng ta chiêm ngắm Ngài trong vinh quang khi Ngài ngự bên hữu Chúa Cha.  Dẫu vậy, với Gioan, thập giá vẫn là khoảnh khắc vinh hiển, đỉnh điểm chiến thắng trong sứ mệnh Chúa Cha trao cho Ngài.

Rồi đây, trước thượng hội đồng, Phêrô sẽ lên tiếng, “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào danh đó mà được cứu độ!”  Như thế, ơn cứu độ của nhân loại chỉ đến từ thập giá Chúa Kitô.  Chân lý này mời gọi chúng ta rướn mình lên khỏi mọi tầm thường, và tội lỗi, để với tới Ngài, Đấng ‘được giương cao’ để chữa lành và ban ơn tha thứ.  Chạm được Ngài, bạn và tôi chạm được ơn cứu độ!

Anh Chị em,

“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ, các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu!”  “Từ thập giá, Chúa Kitô nâng tất cả chúng ta lên.  Vì lý do này, tượng chuộc tội – Chúa Kitô chịu đóng đinh – không phải là một vật trang trí, không phải là một tác phẩm nghệ thuật.  Tượng chuộc tội là mầu nhiệm về sự ‘hủy diệt’ của Thiên Chúa mà Ngài đã làm vì tình yêu.  Trong sa mạc, con rắn đã “nói tiên tri về sự cứu rỗi.”  Thật vậy, nó được “nâng lên và bất cứ ai nhìn thấy nó đều được chữa lành.”  Nhưng sự cứu rỗi thế giới không được thực hiện “bằng cây đũa thần của một vị thần tạo ra mọi thứ;” thay vào đó, nó được thực hiện bằng sự đau khổ của Con Thiên Chúa và bằng chính cái chết của Ngài!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con là ‘sinh vật duy nhất’ ít nhiều bỏ qua ý nghĩa của thập giá Chúa, cũng đừng để tội lỗi ghì con xuống; cho con biết rướn lên để trổi dậy mỗi ngày!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

ĐAU KHỔ VÀ VINH QUANG 

Phụng vụ Tuần Thánh mở đầu bằng nghi thức làm phép lá và rước lá, sau đó là thánh lễ mà đỉnh cao là trình thuật về cuộc thương khó của Đức Giê-su.  Các Bài đọc Kinh Thánh, nhất là Bài Thương khó, nêu bật hai khía cạnh của cuộc thương khó Đức Giê-su: Đau khổ và Vinh quang.  Hai khía cạnh này hòa quyện với nhau, tạo nên nét độc đáo và làm cho cuộc tử nạn của Chúa Giê-su trên đồi Can-vê năm xưa không giống như bất kỳ vụ thi hành án nào trong lịch sử.

Bài đọc I trích sách Ngôn sứ I-sa-i-a nói với chúng ta về một nhân vật bị đánh bầm dập, thân mình mang đầy thương tích.  Tuy vậy, nhân vật được trình bày lại chấp nhận đau khổ như một tự nguyện.  Nhân vật ấy là Người Tôi tớ Đức Gia-vê.  Vị Tôi tớ luôn trong trạng thái tỉnh thức để lắng nghe lời giáo huấn của Thiên Chúa, và niềm tin cậy phó thác đã đem lại cho Người sức mạnh trong gian nan.  Dưới lăng kính Ki-tô giáo, đây chính là hình ảnh của Đức Giê-su chịu khổ hình.  Cuộc thương khó vừa là một khổ hình do người Do Thái gây nên, đồng thời cũng là một hành vi tự nguyện của Chúa Giê-su, vì vâng lời Chúa Cha.  Mặc dù sợ hãi đến mức toát mồ hôi máu, Đức Giê-su, người Tôi tớ Gia-vê đã tự nguyện bước vào cuộc thương khó, với niềm xác tín “có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi.”  Cần lưu ý là sách ngôn sứ I-sai-a có bốn bài ca về Người Tôi tớ Đức Gia-vê.  Mỗi bài diễn tả một khía cạnh, và tất cả bốn bài ca đó đã trở thành hiện thực nơi Đức Giê-su.  Bài cuối cùng ở chương 52 được đọc trong Phụng vụ suy tôn Thánh giá chiều thứ Sáu tuần Thánh, với nội dung diễn tả cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê-su qua biến cố thập giá.

Hai khía cạnh đau khổ và vinh quang cũng được thánh Phao-lô quảng diễn trong Bài đọc II.  Đức Giê-su là Thiên Chúa tối cao.  Người đã hạ mình mang lấy thân phận con người như chúng ta, chỉ ngoại trừ tội lỗi.  Người đã trút bỏ vinh quang để mang thân phận nô lệ.  Sự hạ mình của Ngôi Lời vừa thể hiện qua mầu nhiệm nhập thể, vừa thể hiện qua biến cố khổ nạn thập giá.  Nói cách khác, sự khiêm tốn vâng lời liên lỉ của Đức Giê-su, được trải dài từ ngày Truyền tin đến đỉnh đồi Can-vê.  Tuy vậy, thánh Phao-lô khẳng định, cái chết và nấm mộ không phải là tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa.  Sau thập giá là vinh quang.  Thiên Chúa Cha đã siêu tôn Đức Giê-su, và ban cho Người danh hiệu “trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu.”  Điều thánh Phao-lô viết trong thư gửi giáo dân Phi-líp-phê hôm nay đã được thực hiện: đó là hàng tỷ Ki-tô hữu trên hoàn cầu tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Cứu độ.

Trình thuật thương khó theo thánh Lu-ca như một vở kịch gồm nhiều phân cảnh, với nhiều cung bậc cảm xúc.  Vở kịch này khởi đầu từ phòng tiệc ly và kết thúc trên đồi Can-vê.  Chúng ta thấy mỗi khi Đức Giê-su nói về những gì đang xảy ra trong hiện tại, thì Người cũng liên hệ tới tương lai.  Nếu bữa tiệc ly là lần cuối cùng Người uống chén rượu nho vật chất, thì Người cũng hứa sẽ được cùng với các môn đệ dùng rượu nho mới khi triều đại của Thiên Chúa đến.  Khi bị bắt trong vườn Cây Dầu, dù bị quân lính bao quanh sát khí đằng đằng, Chúa Giê-su vẫn khảng khái nói: Đây là giờ của quyền lực tối tăm.  Nhân vật Phi-la-tô được trình bày nổi bật trong cuộc thương khó của Đức Giê-su.  Ông này vừa kính phục Chúa Giê-su, nhưng lại sợ người Do Thái.  Thực sự ông muốn cứu Chúa Giê-su, và ông đã tìm một lối mở, đó là đưa ra trường hợp Ba-ra-ba như một lá bài để thương thuyết.  Ấy vậy mà người Do Thái đồng thanh xin tha cho một kẻ giết người.  Trong cuộc thương khó, giữa tiếng ồn ào của đám đông bị kích động, Con Thiên Chúa thì bị án tử, và kẻ sát nhân lại được tha!  Chi tiết này đã làm cho cuộc thương khó của Chúa Giê-su thêm phần bi kịch.

Trình thuật thương khó kết thúc ở nấm mồ.  Các môn đệ và những người phụ nữ trước đây đã theo Chúa Giê-su đang ở trong một tâm trạng hoang mang tột độ.  Họ không biết những gì sẽ tiếp tục xảy đến.  Với lòng yêu mến và kính trọng Thầy mình, các môn đệ đã hạ xác Chúa và vội vàng an táng trong mồ.  Những người phụ nữ thì chuẩn bị thuốc thơm để sau ngày nghỉ lễ sẽ xức xác Chúa.  Bài Thương khó kết thúc như những dấu chấm lửng, dường như muốn cho các độc giả hãy đón đọc ở phần sau, với nhiều hấp dẫn mới.  Sau khi cử hành Phụng vụ Lễ Lá, Phụng vụ Tuần Thánh giúp các tín hữu tiếp tục suy tư về những gì mình đã được chứng kiến trong trình thuật hôm nay.  Chúng ta sẽ dần dần từng bước cử hành những biến cố quan trọng trong những ngày cuối đời dương thế của Chúa Giê-su.   Nói cách khác, trình thuật Thương khó như một dẫn nhập để đưa các tín hữu tới những nghi thức long trọng của Tuần Thánh.

Nếu đau khổ và vinh quang cùng đan xen trong biến cố khổ nạn của Chúa Giê-su, thì hôm nay, trong cuộc sống của chúng ta, đau khổ và vinh quang cũng vẫn đang cùng nhau hòa quyện.  Người tín hữu nhìn thấy qua mầu nhiệm thập giá vinh quang của Thiên Chúa.  Vinh quang ấy chiếu tỏa cho mọi thế hệ, để những ai đến với thập giá Chúa Ki-tô, sẽ tìm được bình an và hướng đi cho đời mình.  Trong cuộc sống đầy gian nan thử thách, những ai tin cậy phó thác nơi Chúa, sẽ cảm thấy gánh cuộc đời nhẹ nhàng hơn.  Chúa Giê-su đã mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).  Chúng ta hãy tham dự nghi thức Tuần Thánh với niềm phó thác cậy trông để có thêm nghị lực bước đi trên con đường thập giá cuộc đời.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

ĐƯƠNG ĐẦU VỚI LINH HỒN MÌNH

Chúng ta có nhiều ảnh của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu.  Chị Céline của Thánh Têrêxa đã chụp nhiều ảnh của Têrêxa, nhưng trên những ảnh này có một điểm đáng chú ý.  Nữ tu dòng người Anh dòng Cát Minh Ruth Burrows từng nghiên cứu những tấm ảnh này, sơ thấy trong các bức ảnh đó, không hiểu vì sao Têrêxa luôn cô đơn, kể cả khi chụp ảnh chung.

Đây là điều bất thường.  Têrêxa là người thân ái, nồng hậu, giỏi giao tiếp và được quá nhiều người yêu mến.  Nhưng trong mọi tấm ảnh chụp, kể cả khi chụp Thánh Têrêxa chụp chung với gia đình mà ngài thương yêu hết lòng, vẫn luôn có một nỗi cô đơn nào đó, một sự cô độc rõ ràng.  Tuy nhiên, cô đơn mà ngài thể hiện không phải kiểu cô độc của người xung khắc với gia đình và cộng đồng, mà là một tách biệt nào đó của linh hồn, một điều có thể gọi là nỗi cô đơn tinh thần.  Nó là gì?  Linh hồn của chúng ta có thể cô đơn khi đang đắm mình trong tình bạn, tình yêu và gia đình sao?

Có, và nó đúng với tất cả chúng ta, đúng với thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu và đúng với Chúa Giêsu.

Nhìn vào các sách phúc âm mô tả cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta thấy điều mà các thánh sử nhấn mạnh không phải là nỗi đau thể xác.  Trong khi những đau đớn thể xác đó rất khủng khiếp, nhưng các phúc âm không chăm chăm vào đó.  Điều mà các thánh sử nêu bật là sự thống khổ về cảm xúc của Chúa Giêsu, sự cô độc, cô đơn của linh hồn khi Ngài chịu khổ nạn và chịu chết.  Các phúc âm viết, trong giờ tuyệt vọng nhất, khi chỉ còn một mình, bị bỏ rơi, bị phản bội, bị hiểu lầm, bị sỉ nhục, trở thành kẻ bị tất cả đồng lòng loại ra, thì nỗi đau khổ Ngài phải chịu là nơi tâm hồn hơn là thể xác.

Phúc âm theo thánh Luca nói, cơn thống khổ của Ngài diễn ra trong vườn Giếtsêmani.  Và điều này thể hiện quá rõ ràng.  Chúa Giêsu cũng chịu đau khổ ở nhiều nơi khác, trong đền thờ, nơi sa mạc, ở quê nhà, nhưng cơn thống khổ khốc liệt nhất diễn ra trong vườn Giếtsêmani.  Tại sao lại là trong vườn? Như chúng ta biết, trong khuôn mẫu văn học, khu vườn không phải là nơi trồng rau, mà là nơi của niềm vui.  Khu vườn hình mẫu là một nơi huyền bí của niềm vui, nơi tình nhân gặp gỡ, nơi bạn bè nâng chén thù chén tạc, nơi Adam và Eva trần truồng, ngây thơ, chưa biết đến tội.  Chúa Giêsu đã đổ mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu không phải là Chúa Giêsu Thầy dạy, Chúa Giêsu Chữa lành hay Chúa Giêsu Làm phép lạ.  Trong vườn, Ngài là Chúa Giêsu người yêu, một người vui mừng trong tình yêu và đau khổ trong tình yêu, và Ngài gọi mời chúng ta đến với khu vườn của đau khổ, thân mật và vui mừng này.

Các phúc âm nhấn mạnh, điều Chúa Giêsu chịu đựng nhất khi bị đóng đinh không phải là nỗi đau của đòn roi và bị đóng đinh xuyên qua tay, nhưng là sự cô đơn sâu sắc của tâm hồn, một nỗi đau quá lớn so với những đau đớn thể xác kinh khủng đó.  Chúa Giêsu không phải là một chiến sĩ về thể chất, nhưng là chiến sĩ về tinh thần, đang chiến đấu với tâm hồn mình.

Sự cô đơn tinh thần là gì?

Lần đầu tiên tôi gặp từ này là khi đọc những bài viết của tác giả Robert Coles mô tả bà Simone Weil.  Và từ này nói lên, trong mỗi người chúng ta có một chốn thâm sâu, một tâm điểm thuần khiết, nơi mọi dịu hiền, thiêng liêng, đáng trân quý được giữ gìn và bảo vệ.  Chính ở đó, chúng ta là chính mình một cách chân thực nhất, chân thành nhất và ngây thơ nhất.  Đó là nơi chúng ta vô thức nhớ ra rằng, rất lâu trước khi có ý thức, chúng ta đã được nâng niu bởi đôi tay êm ái hơn đôi tay của chúng ta nhiều.  Đó là nơi chúng ta vẫn cảm nhận được nụ hôn ban đầu của Thiên Chúa.

Ở nơi này, hơn bất kỳ nơi nào khác, chúng ta sợ sự khắc nghiệt, vô lễ, sỉ nhục, giễu cợt, bạo hành, dối trá.  Ở nơi này, chúng cực kỳ dễ bị tổn thương và vô cùng cẩn trọng về việc để cho ai bước vào không gian này, dù không gian sâu sắc nhất của chúng ta là tìm được ai đó để chia sẻ không gian này với mình.  Hơn cả khao khát tìm được ai đó ngủ cùng mình về mặt tình dục, chúng ta khao khát ai đó ngủ cùng mình ở không gian đó về mặt tinh thần, trở thành người tri kỷ của mình.  Khao khát thâm sâu nhất của chúng ta chính là được hòa hợp về tinh thần.

Nhưng không dễ có được thế.  Người bạn đời tinh thần hoàn hảo rất hiếm gặp, kể cả trong tình bạn hoặc trong một hôn nhân tốt đẹp.  Và chúng ta luôn mãi đối diện với một cám dỗ kép: Giải quyết xung lực này bằng cách an phận với những thứ bù đắp nào đó, giúp ta sống qua tạm hôm nay, hoặc tệ hơn nữa, vì chúng ta quá nhức nhối không thể sống nổi, nên đã thả mình chiều theo cay đắng, giận dữ và cay nghiệt, khinh rẻ ước mơ lớn lao của mình.  Dù cách này hay cách khác, chúng ta đều bán rẻ mình và an phận với cái tốt thứ hai.

Trong cuộc đấu tranh của Chúa Giêsu với nỗi cô đơn tinh thần, có điều gì đó để chúng ta rút ra không?  Đó là Ngài từ chối cả chấp nhận thứ bù đắp và chai đá tâm hồn.  Ngài vẫn tiếp tục hành trình và đưa xung lực này đến điểm tới hạn của nó.

Sự cô đơn tinh thần của chúng ta có thể kinh khủng lắm.  Tuy nhiên, nó không phải là sự phê chuẩn hay lời mời gọi để bắt đầu từ bỏ những cam kết, trách nhiệm, luân lý, hay bất kỳ điều gì cần thiết để tìm được người tri kỷ khó tìm mà chúng ta thiết tha mong mỏi.  Điều mà Chúa Giêsu (và những người như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu và triết gia Simone Weil) làm gương cho chúng ta, chính là cách mang lấy xung lực đó một cách lý tưởng, cách để đưa cô độc của mình lên một tầm cao mới, và cách để bất chấp đang đau đớn như thế nào, cũng vẫn đương cự lại việc xem cái tốt thứ hai như là cái tốt nhất có thể.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

ĐỪNG NÉM ĐÁ.  XIN ĐỪNG.  HÃY BỎ ĐÁ XUỐNG

Đoạn Tin Mừng Thánh Gio-an (Ga 8,1-11) kể lại việc người ta đem đến cho Chúa Giê-su một thiếu phụ, chị này không có tên, cũng chẳng có danh tính nào khác: chỉ biết chị là một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, có vậy thôi.  Chị bị mắc kẹt trong một tình huống đặc biệt gây tò mò (x.Ga 7,53-8,11).  Tuy nhiên, trên hết cô ấy là một tội nhân được tha thứ.

Đối với một kẻ ngoại tình, cần có ba người, nghĩa là có vợ, chồng và nhân tình.  Nhưng ở đây chỉ có một mình thiếu phu được các luật sĩ và biệt phái đưa đến trước mặt Chúa Giê-su.  Ban đầu, người ta không quan tâm đến chị mấy: điều quan trọng nhất là các nhà thông luật đã thử Chúa Giê-su, nên đặt Người vào một tình huống tế nhị.  Liệu Chúa có minh oan cho người phụ nữ này, đi ngược lại luật Mô-sê không?  Hay Chúa quyết định lên án chị?

Mọi người có mặt đều hồi hộp đợi Chúa trả lời.  Nhưng Chúa Giê-su thay vì từ chối trả lời câu hỏi một cách trực tiếp của các luật sĩ và biệt phái, Người đã xoay chuyển tình thế: từ câu hỏi của các ông về việc áp dụng Luật Mô-sê, sang việc yêu cầu các ông tự chất vấn lương tâm của chính mình với câu:  “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi” (Ga 8,7).

Chúng ta không biết gì về thái độ của người thiếu phụ trong vụ án này, vì chị không có tên.  Chị từ đâu đến chúng ta cũng chẳng hay, ngoại trừ lỗi lầm của chị, một lỗi lầm công khai không thể nghi ngờ, một lỗi lầm mà bất cứ người phụ nữ nào cũng không tự bảo vệ được mình.  Chúng ta hình dung ra chị đứng trước đám đông với cáo trạng, chắc chị đang sợ hãi, xấu hổ, có lẽ nhếch nhác, đầu tóc, quần áo, “bị bắt quả tang” mà.

Câu nói của Chúa Giê-su với chị: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi?  Không ai kết án chị ư?” ( Ga 8,11).  Nghĩa là chỉ sau khi những người buộc tội chị ra đi hết, chị mới có thể mở miệng và nói được mấy từ để đáp lại Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, không ai cả” (Ga 8, 11).  Từ “Thầy” ở đây không phải là một lời tuyên xưng đức tin, mà là một cách xưng hô tôn trọng cùng người đối thoại với chị.  Cuộc đối thoại ngắn gọn, nhưng những lời cuối cùng của Chúa Giê-su nói lên điều cốt yếu.  Cũng một câu: “Ai trong các ông sạch tội hãy ném đá chị này trước đi” (Ga 8.7), khiến các thẩm phán con người đã tự xét xử mình, và vị thẩm phán thiêng liêng, ban sự tha thứ cho thiếu phụ phạm tội ngoại tình, đồng thời khuyến khích mọi người đừng phạm tội nữa.

Qua câu nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7), Chúa Giêsu muốn hướng con người nhìn về tâm hồn mình, để nhận biết tội lỗi bản thân và ăn năn trước khi kết tội anh chị em đồng loại.  Hơn nữa việc kết tội không thuộc quyền của con người mà là đặc quyền của Thiên Chúa.  Chỉ có Thiên Chúa mới có thẩm quyền kết án con người.  Khi con người kết án anh chị em mình là lúc họ đặt mình ngang quyền với Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng muôn vật.

Khi bàn về câu truyện này, thánh Au-gút-ti-nô dùng hai từ bằng tiếng La tinh là Miseria và misericordia (Khổ đau và lòng thương xót) bởi vì “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ” (Ga 3,17).

“Bấy giờ Chúa Giê-su đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi?  Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai.”  Chúa Giê-su bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị.  Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 10-11).

Đoạn Tin Mừng này có thể được gọi với tiêu đề là: “Tội nhân được tha thứ.”  Khi đọc đoạn này, nhiều người đã tập trung vào chiều kích tội lỗi và lời buộc tội chị được các biệt phái và luật sĩ đưa ra.  Tuy nhiên, điểm nổi bật hơn cả của câu chuyện liên quan đến sự tha thứ mà Chúa Ki-tô ban cho một người phụ nữ bị những người đàn ông sẵn sàng lên án tử.  Một người phụ nữ vô danh, đại diện cho những nạn nhân, hay những người yếu đuối nhất, đến nỗi bị coi như một đồ vật, nhưng lại là những người mà Chúa Ki-tô dành cho họ cái nhìn với sự chú ý, nhất là sự tha thứ yêu thương và giải phóng của Người.

Câu chuyện Người đàn bà ngoại tình theo truyền thống là tên được đặt cho đoạn Phúc âm Gio-an 7, 53 – 8,11.  Đoạn văn ghi lại ý định ném đá một phụ nữ bị cáo buộc về tội ngoại tình của những người thuộc phái Pha-ri-sêu.  Vào thế kỷ thứ 4, Thánh Au-gút-ti-nô hỏi liệu những người chồng ghen tuông, lo lắng về sự tự do mà Chúa Giê-su ban cho những người vợ, có xé trang này ra khỏi Kinh thánh của họ không!  Trên thực tế, đoạn văn này không được tìm thấy trong hầu hết các bản viết tay tiếng Hy Lạp trước thế kỷ 12, và cũng không có trong một số bản viết tay tiếng Latinh.

Đừng ném đá vào người phụ nữ ngoại tình/Tôi đứng đằng sau chuyện đó!” (Georges Brassens, “Dưới bóng những người chồng”).  Đoạn văn này là một trong những đoạn văn nổi tiếng nhất trong Tin Mừng, và câu nói “đừng ném đá” bắt nguồn trực tiếp từ đó.

Thông điệp của Chúa Giê-su rất rõ ràng: Thiên Chúa tha thứ vô ngần vô hạn, vượt quá mọi mức độ.  Ngài là như vậy, Ngài hành động vì tình yêu và sự nhưng không.  Chúng ta không thể trả ơn Thiên Chúa, nhưng khi chúng ta tha thứ cho anh chị em của mình, chúng ta bắt chước Thiên Chúa.  Đừng ném đá vào người phụ nữ ngoại tình.  Xin đừng ném đá.  Hãy bỏ đá xuống khỏi tay.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ