BÍ TÍCH CỦA NIỀM HY VỌNG

Chúa Nhật trước, khi mừng lễ Hiển Linh, Phụng vụ đã giới thiệu với chúng ta một cuộc “thần hiện” còn gọi là “hiển linh,” tức là Chúa tỏ mình.  Các nhà đạo sĩ từ phương Đông đã cất bước lên đường, vượt qua ngàn nguy khó để thờ lạy một Hài nhi mới sinh.  Các ông vui mừng toại nguyện và đã lên đường trở về xứ sở của mình.

Với Chúa Nhật hôm nay, Lễ Chúa Giê-su chịu phép Rửa, chúng ta lại được chiêm ngưỡng một cuộc “thần hiện” khác.  Bên bờ sông Gio-đan, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng tỏ mình ra.  Sự kiện này được cả ba Tin Mừng nhất lãm thuật lại như một chứng từ sống động về sứ vụ Thiên sai của Đức Giê-su.  Người là Con Thiên Chúa và là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian.  Cuộc “thần hiện” diễn ra trước sự ngỡ ngàng của dân chúng, kể cả ông Gio-an Tẩy giả, người trước đó đã tiên báo về sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a (Đấng Thiên sai).

Việc lãnh nhận phép Rửa bởi tay ông Gio-an Tẩy giả đánh dấu khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giê-su.  Đây là khởi điểm của một chương mới trong lịch sử Cứu độ của Thiên Chúa.  Đây cũng là thời Thiên Chúa an ủi dân Ngài, như ngôn sứ I-sai-a đã báo trước đó khoảng bảy thế kỷ (Bài đọc I).  Vào thời đó, vinh quang Thiên Chúa sẽ tỏ hiện.  Sẽ không còn sợ hãi lo âu nữa, vì Thiên Chúa sẽ làm những gì Ngài đã hứa.  Những dấu hiệu ngôn sứ I-sai-a báo trước đã được thể hiện nơi Chúa Giê-su, trong suốt cuộc sống dương thế của Người.  Đức Giê-su là Con yêu dấu của Chúa Cha, như tiếng nói từ trời đã khẳng định: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con.”  “Tiếng nói từ trời,” đó là cách Thiên Chúa hiển linh trong Cựu ước, để truyền lệnh và hướng dẫn dân Ngài.  Đức Giê-su luôn luôn tìm ý Chúa Cha và làm mọi sự, miễn là ý Cha được thể hiện.

Theo Giáo lý Công giáo, khi Đức Giê-su chịu phép Rửa tại sông Gio-đan, là lúc Người thiết lập bí tích Rửa tội.  Trong cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô, thành viên Thượng hội đồng Do Thái, Chúa Giê-su đã nói về tầm quan trọng và ý nghĩa của phép rửa tái sinh (x. Ga 3,3-8).  Trước khi về trời, Người đã truyền lệnh cho các tông đồ đi khắp thế gian, rao giảng cho muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (x. Mt 28,19-20).

Hiệu quả của bí tích Rửa tội là gì?  Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo trả lời: “Bí tích Rửa tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Ki-tô hữu, là cổng vào đời sống thiêng liêng, và là cửa mở ra để lãnh nhận các bí tích khác.  Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và được tái sinh làm con cái Thiên Chúa, được trở thành chi thể của Đức Ki-tô, được tháp nhập vào Hội Thánh và được tham dự vào sứ vụ của Hội Thánh” (số 1213).  Nội dung trích dẫn trên đây rất phong phú, diễn tả những khía cạnh khác nhau của đời sống Ki-tô hữu.  Ơn của bí tích Rửa tội thật kỳ diệu.  Bí tích Rửa tội là khởi điểm cho hành trình theo Chúa, cũng là hành trình của niềm hy vọng.  Những ai đã lãnh nhận bí tích này đều được mời gọi xác tín vào quyền năng và ân sủng yêu thương của Thiên Chúa.  Cùng với Chúa Giê-su, họ được gọi Thiên Chúa là Cha, và được đồng thừa hưởng gia nghiệp vinh quang đời đời.  Đó là ân sủng, vinh dự và sứ mạng mà người tín hữu được hưởng, nhờ bí tích này.  Tiếc rằng có những Ki-tô hữu không mấy ý thức và cảm nhận vinh dự cao quý này.

Trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Niềm hy vọng Ki-tô giáo chính là ở điều này: đối mặt với cái chết, nơi mọi sự dường như chấm dứt, chúng ta biết chắc rằng, nhờ Chúa Ki-tô, qua ân sủng của Người được thông truyền cho chúng ta trong bí tích Rửa tội, “sự sống không mất đi, nhưng được thay đổi” mãi mãi.  Thật vậy, trong bí tích Rửa tội, khi được mai táng với Chúa Ki-tô, chúng ta nhận được nơi Người, Đấng phục sinh, hồng ân sự sống mới phá vỡ bức tường sự chết và biến nó thành một con đường đi về chốn trường sinh” (Số 20).  Theo giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, bí tích Rửa tội mở ra cho chúng ta cánh cửa hy vọng, để rồi dẫu rằng cuộc đời này còn nhiều tăm tối âu lo, kể cả sự chết, chúng ta vẫn tin vào Thiên Chúa và tin vào hạnh phúc vĩnh cửu Ngài dành cho người công chính.

Phụng vụ hôm nay nhắc nhớ chúng ta về ơn gọi làm con Thiên Chúa, nhờ sự chết và phục sinh của Đức Giê-su.  Trong thư gửi ông Ti-tô là môn sinh của mình, thánh Phao-lô đã lưu ý: “ân sủng của Thiên Chúa dạy chúng ta phải từ bỏ đời sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.”  Đó cũng chính là những lời giáo huấn thiết thực và quý báu đối với các Ki-tô hữu chúng ta hôm nay.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

CHÚA ĐẾN GẶP BẠN NGAY TRONG TÂM HỒN GIỮA NHỮNG YẾU ĐUỐI

Chúa dạy chúng ta xây nhà trên đá.  Lời dạy vững chắc ấy dẫn đến nơi nền đất chắc chắn, dù không thấm nước, đôi khi rẽ quanh co ngang dọc, theo những con đường hẹp, để tránh những đầm lầy hoặc những khu rừng ẩn chứa nhiều nguy hiểm.  Ai được hướng dẫn như thế, có thể có cảm tưởng rằng, mình đang đi mà không có mục tiêu rõ ràng, và có thể bị mất niềm tin vào người đang chỉ đường cho mình.  Khi điều ấy xảy ra, là người đi đường, bạn phải mở rộng tâm hồn và giãi bày những gì đang làm bạn lo lắng.  Vì thế bạn sẽ được giúp đỡ để hiểu rằng, điều mà đối với bạn dường như là một cuộc lang thang vô ích, thì thực ra không gì khác là chính sự yếu đuối và bước đi không không chắc chắn của bạn.

Vì vậy, để tránh ảo tưởng và không để bị mình bị cuốn theo, khi mà bạn ít mong đợi nhất, bởi những chuyển động nội tâm làm mê hoặc những ai không có kinh nghiệm trong những điều thiêng liêng, thì điều cần thiết là hãy sửa soạn tâm hồn cho thời điểm mà Thiên Chúa ghé thăm bạn.

Có những người nhận được ơn đặc biệt của Chúa một cách chắc chắn đến độ không thể nghi ngờ.  Có những người khác (phần đông là như thế) nhận biết danh Chúa ngang qua sự giáo dục mà họ thụ hưởng: họ phải học hành và trải nghiệm và nhận biết chân lý khi họ được dạy dỗ.  Có những người khác, như thánh Tông Đồ Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Roma (Rm 1:18-21) có thể bị mê hoặc bởi sự hoàn hảo của các tạo vật.

Thế nhưng, có một nơi mà Chúa làm cho ta cảm thấy gần gũi với những tâm hồn cao cả, đó là chiều sâu của trái tim và những khát khao cư ngụ nơi đó.  Đó là khát khao về sức sống tràn đầy và một vùng đất mà ở nơi đó sống tự do và an toàn, đó là khát vọng đánh thức mọi tạo vật trên thế giới, đó là nơi chắc chắn mà Thiên Chúa tỏ lộ chính Ngài…

Bạn có thể hiểu điều này khi đọc câu chuyện về tổ phụ Abraham: tiếng nói của Chúa thúc giục ông từ bỏ mọi thứ để bắt đầu theo một hành trình vô định: ông đi mà không biết mình đi đâu, nhưng ông có lời hứa của Chúa (Ta sẽ chỉ cho ngươi).  Những lời vang vọng trong trái tim ấy lại chẳng phải là tiếng vọng của niềm khao khát về cuộc sống trọn vẹn, về vùng đất mà với ông, chính là nhà hay sao?

Tôi cũng muốn chỉ cho bạn một nơi khác mà Chúa đến gặp chúng ta.  Đó là sự yếu đuối.  Bạn cũng thế, cũng giống như bao người khác, bị đe dọa bởi sự mong manh dễ vỡ.  Bất cứ khi nào nó xuất hiện, bạn không chịu nổi và tìm cách che giấu nó.  Thực tế, bạn cảm thấy yếu đuối, bất lực, và bị đe dọa.  Như thế, nếu từ sâu thẳm tâm hồn mình, bạn có khả năng chấp nhận rằng, tôi yếu đuối, mong manh, không thể mình tự cứu mình, thì khi đó, bạn có thể cảm nhận được sự hiện diện tốt lành của Thiên Chúa, vì Ngài là người Cha đích thực, nâng đỡ bạn và an ủi bạn.

Hãy xem cách Thiên Chúa đối xử với tổ phụ Abraham, như đối xử với một người bạn.  Tổ phụ đã nhận được lời Thiên Chúa hứa, và Chúa đã thực hiện lời Ngài hứa.  Chắc chắn không phải vì mưu trí hay vì các cách thức nỗ lực, mà tổ phụ Abraham trở thành bạn của Chúa, mà vì tổ phụ đã học tin tưởng Thiên Chúa, để chiến thắng những lo lắng của bản thân.  Tổ phụ biết Chúa khi một cách rõ ràng, điều mà ông khao khát, đã đến với ông như một quà tặng.  Vì thế, hãy để cho Chúa, ngang qua cuộc sống, dẫn dắt bạn đến sự nhận biết hoàn hảo về sự không thể của bạn, về sự bất lực của bạn: khi bạn ở đáy vực thẳm, ngước mắt nhìn lên, bạn sẽ được hưởng niềm vui từ sự cao cả vô hạn của Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Vì thế, đừng hình dung những điều vĩ đại, chẳng hạn những điều đôi khi được kể về một số vị thánh đã có những cuộc hoán cải to lớn hoặc đã phải đối mặt với những hoàn cảnh đặc biệt, để thay đổi cuộc sống của các vị một cách hoàn toàn và ngay lập tức.  Thay vào đó, hãy suy xét về cái nghèo là tình trạng chung của hầu hết mọi người.

Chúng ta càng yếu đuối, thì càng có xu hướng che giấu sự yếu đuối mong manh của mình.  Và với thói quen, chúng ta sẽ dần dần tự thuyết phục và tin rằng, chúng ta thực sự như chúng ta tưởng tượng hoặc như chúng ta muốn.  Vì thế, nếu chúng ta yếu đuối, chúng ta cố gắng che giấu bằng cách tỏ ra mạnh mẽ.  Chúng ta giống như con vật nhỏ bé, cố gắng xù lông để có vẻ lớn hơn và cố gắng tỏ ra nguy hiểm hơn để đe dọa đối thủ, nhưng sự thường là vô ích…

Tứ Quyết SJ – Chuyển ngữ từ tiếng Ý
Cuốn sách: Maestro di San Bartolo, Abbi a cuore il Signore, Introduzione di Daniele Libanori, (San Paolo 2020).