HÃY BIẾT MÌNH

“Hãy biết mình!”  Đó là một trong những luận đề quan trọng trong triết lý của Socrates, ông tổ của triết học Hy Lạp, sống ở thế kỷ thứ V trước Công nguyên.  Bên Đông phương, cụ Khổng Tử cũng chung một quan điểm, khi chủ trương “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.”  Bản thân một người chưa trưởng thành hoặc thiếu tài đức thì không thể làm gì cho gia đình và xã hội.  Chúa Giê-su đã dùng những hình ảnh đơn sơ dễ hiểu mà chúng ta đọc trong Tin Mừng hôm nay, để giáo huấn chúng ta: Hãy xem lại mình trước khi góp ý người khác.  Thông thường, chúng ta có thói quen để ý, thậm chí soi mói lỗi lầm của người khác, trong khi mình còn nhiều khiếm khuyết thì không lưu ý sửa đổi.  Ông La Fontaine, một tác giả ngụ ngôn nổi tiếng của văn học Pháp, đã viết câu chuyện một người mang hai chiếc giỏ, một chiếc đằng trước và một chiếc đàng sau.  Những lỗi lầm của người khác thì bỏ vào giỏ đàng trước; và những lỗi lầm của mình thì bỏ vào giỏ phía sau.  Câu chuyện ngụ ngôn này thật đúng với tâm lý chung của chúng ta.  Biết mình là can đảm khiêm tốn nhận ra những thiếu sót để thiện chí sửa đổi, nên hoàn thiện hơn mỗi ngày.  Trong cuộc sống, có nhiều người không biết bản thân, quá tự tin nên ảo tưởng về quyền lực, hậu quả là trở thành trò cười cho thiên hạ.

Con người sinh ra chưa biết gì.  Cần phải có thời gian học hành tập luyện.  Người khiêm tốn học hỏi sẽ biết đối nhân xử thế, kính trên nhường dưới và xây dựng một mối tương quan hài hòa với những người xung quanh.  Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chuyên tâm sửa mình để có con mắt sáng.  Một khi có tâm hồn trung thực và ngay thẳng, chúng ta mới có thể giúp đỡ người khác sống tốt.  Người mù không thể dắt người mù!  Điều đó đã quá rõ.  Để hướng dẫn người khác đi đúng đường, chúng ta phải quen biết con đường đó, nếu không tất cả sẽ mất hướng.  Không ai trên đời là hoàn hảo, vì vậy mọi người phải giúp đỡ nhau để cùng nên hoàn thiện.  Động viên khích lệ và sửa lỗi cho nhau, đó chính là đức Ái Ki-tô giáo.

Lời giáo huấn của Chúa Giê-su không chỉ nhằm tới cá nhân, mà cả cộng đoàn tín hữu.  Ngay từ thuở sơ khai, giữa các tín hữu đã có sự cạnh tranh ghen tỵ, phân biệt giữa những người đàn bà góa gốc Hy Lạp (x. Cv 6,1-7).  Những cộng đoàn xứ họ của chúng ta ngày nay cũng thế.  Có những cộng đoàn bị tổn thương nghiêm trọng do những cá nhân tự phụ hoặc thiếu hiểu biết, thiếu thiện chí.  Xem quả biết cây, một cộng đoàn chia rẽ và thường xuyên xảy ra xung đột, thì không thể là một cộng đoàn đạo đức và như thế không có khả năng diễn tả hình ảnh sống động của Giáo Hội Chúa Ki-tô.  Những mâu thuẫn bất hòa giữa các xứ họ là lực cản của công cuộc truyền giáo trong Giáo Hội, là sứ vụ quan trọng nhất mà Chúa Giê-su đã trao phó.  Tình liên đới hài hòa và cộng đồng trách nhiệm chính là hoa trái của một cộng đoàn đức tin sinh động, có khả năng giới thiệu Chúa cho con người của thời đại hôm nay.

Bài đọc I trích sách Huấn Ca mang nội dung rất gần với những ca dao tục ngữ của người Việt Nam chúng ta.  Tác giả dạy mọi người phải thận trọng khi khen chê cũng như khi nhận định về một con người, một sự việc.  Ông bà ta dạy: người khôn ngoan uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.  Đó là lời dạy về sự thận trọng trong ngôn từ để tránh mất lòng và mất mát tình cảm.  Người xưa cũng nói: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” có nghĩa là một lời nói ra dù bốn ngựa khó đuổi.  Hãy nhớ rằng, một lời đã nói ra thì không thể lấy lại.  Khi nói ra những điều thiếu tế nhị có thể khiến cuộc sống của chúng ta trở nên tồi tệ, và làm rạn nứt những mối quan hệ xung quanh.

Ki-tô hữu không chọn một nhân vật trần thế làm lý tưởng cho mình, nhưng là chọn Chúa Giê-su.  Nói cách khác, hành trình đức tin cũng là hành trình hoàn thiện bản thân để nên giống như Chúa Giê-su.  Trong hành trình này, cần phải kiên trì nhẫn nại và nhất là cần phải khiêm tốn, biết mình.  Thánh Phao-lô khích lệ giáo dân Cô-rin-tô hãy kiên tâm bền chí để đạt tới sự hoàn thiện.  Ngài khẳng định: “Trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” (Bài đọc II).

“Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-ban.”  Hình ảnh tươi đẹp tràn đầy sức sống của cây dừa và cây hương bá được tác giả Thánh vịnh dùng để diễn tả những ai sống tốt lành và luôn phó thác cậy trông vào quyền năng của Thiên Chúa.  Giữa cuộc sống còn đầy những âu lo trăn trở và bộn bề hôm nay, nguyện xin Chúa cho chúng ta vẫn ngẩng cao đầu, như đóa sen sống giữa bùn lầy mà vẫn tỏa hương thơm ngát cho những người xung quanh.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

TÌM NGƯỜI ĐỂ XƯNG TỘI

Có lẽ hơn hết thảy, trong vô thức, chúng ta đều mong tìm được một cha giải tội, một người mà chúng ta có thể trải lòng ra, hoàn toàn không hề giấu diếm điều gì, giải bày hết các hoang mang trong lòng, thừa nhận tội lỗi của mình mà không e ngại.  Sâu bên trong cuộc kiếm tìm người tri âm của chúng ta là kiếm tìm một người để xưng tội.  Nhưng tìm một cha giải tội tốt không phải là chuyện dễ dàng.  Trong cuốn tiểu thuyết mới nhất Brooklyn, tác giả Colm Toibin đưa ra một trong những lý do như sau:

Nhân vật chính, Eilis, một cô gái trẻ người Dublin, đến New York và phải lòng chàng trai Tony.  Sau vài tháng yêu nhau, Eilis phải trở về Ireland vì em gái Rose của cô qua đời.  Cảm thấy bất an và sợ rằng Eilis sẽ không quay lại, Tony thuyết phục cô kết hôn theo thủ tục dân sự với anh trước khi đi.

Trở lại Dublin, ở với mẹ, đau buồn trước cái chết của người em gái và phải trì hoãn việc trở lại New York vì đám cưới của một người bạn, Eilis được chàng trai Jim Farrell đeo đuổi, cô hẹn hò nhiều lần với anh mà không nói với anh về người chồng Mỹ của mình.  Nhưng cô bị ám ảnh bởi việc giấu diếm này và đau khổ không biết nên xử sự ra sao.  Điều cô tha thiết muốn làm nhất là nói cho anh biết bí mật, giải bày mớ rối rắm trong lòng mình, để anh là người nghe cô xưng tội, và nhờ anh giúp cô giải quyết chuyện này, nhưng sự ngây thơ trong trắng của anh khiến cô ngần ngại.  Toibin viết: Liệu cô có thể nào nói cho Jim biết những gì cô đã làm chỉ trước đó một thời gian ngắn ở Brooklyn?  Người ly hôn duy nhất mà ai trong thành phố đó cũng biết là Elizabeth Taylor và có lẽ vài siêu sao màn bạc khác.  Cũng có thể giải thích được với Jim nguồn cơn khiến cô đi tới hôn nhân, nhưng anh là một người chưa từng bao giờ sống ở đâu khác ngoài Dublin.  Cô nghĩ, sự ngây thơ và lịch duyệt của anh, hai đức tính khiến người ta cảm thấy dễ chịu khi gần bên anh, thật ra có thể lại là những hạn chế, đặc biệt nếu nêu ra điều gì đó chưa từng nghe nói đến và ngoài sức suy nghĩ hay trải nghiệm của anh như chuyện ly hôn.  Cô nghĩ, tốt nhất là gạt toàn bộ chuyện này ra khỏi tâm trí.

Doris Lessing từng nhận xét về George Eliot rằng Eliot chắc hẳn sẽ viết hay hơn, sâu sắc hơn, nếu bà không quá đức hạnh như vậy.  Dường như sự ngây thơ có thể là những hạn chế, điều cản trở thông cảm và thấu hiểu, như cả Eilis và Doris Lessing đều lo sợ.  Nhưng có đúng như vậy không?

Ngày nay có cả một luồng tư tưởng phổ biến mạnh mẽ cho rằng đúng như vậy.  Bạn sẽ thấy những dạng thô của điều này ở chủ nghĩa khắc kỷ trong văn hóa của chúng ta về sự trinh bạch và ngây thơ trong trắng, mà cả hai đều được đồng nhất một cách giản đơn quá mức với ngây thơ khờ khạo và chưa trưởng thành.  Trên thực tế, việc thiếu kinh nghiệm tình dục được đặc biệt coi là khờ khạo nhất trong những sự ngây thơ khờ khạo.  Phổ biến nhất là con tính đơn giản đánh đồng trải nghiệm với “việc từng hẹn hò quanh quất” và đánh đồng “từng hẹn hò quanh quất” với việc hiểu đời.  Các sách giáo lý xưa của chúng ta dạy rằng khi A-đam và E-và ăn trái cấm, tâm trí họ trở nên tăm tối.  Suy nghĩ phổ thông ngày nay nhấn mạnh rằng lúc đó họ lại sáng mắt ra, cái trải nghiệm đó, dù đúng đắn hay không, là cái làm cho họ mở mang tâm trí.  Từ đó, người ta dễ dàng có suy nghĩ rằng con người lý tưởng để nghe xưng tội, con người hiểu đời, là một người nào đó “từng hẹn hò quanh quất.”

Nhưng chúng ta không thật sự tin điều đó.  Tại sao vậy?  Bởi vì những gì chúng ta tìm kiếm trong vô thức ở một người để xưng tội chứng tỏ điều ngược lại.  Trong khi tìm kiếm một người để xưng tội (không nhất thiết là một người nghe xưng tội theo nghĩa bí tích), không phải là chúng ta đi tìm một ông bạn nhậu, một tay đồng lõa phạm tội, một người sẽ không phê phán chúng ta bởi vì đời họ cũng rối rắm và xáo trộn y như đời chúng ta.  Khi kiếm tìm một người để xưng tội, một cách có ý thức hay vô thức, chúng ta đang đi tìm một người mà sự thông hiểu và chấp nhận của người đó sẽ đưa chúng ta tới một chỗ khác, vượt qua tình trạng rối rắm và yếu ớt của chúng ta.  Trong sâu thẳm chúng ta biết rằng tội lỗi của chúng ta sẽ không được chữa lành bằng tội lỗi của một người khác, mà thay vào đó, nó cần phải tiếp xúc được với một điều gì đó ngây thơ hơn, giống Chúa hơn, giống như tấm lòng khoan dung của người cha đối với đứa con trai hoang đàng.

Nhưng không phải kiểu ngây thơ nào cũng vượt qua được thử thách này.  Sự ngần ngại của Eilis trong việc thổ lộ những dằn vặt của mình trước sự ngây thơ của Jim Farrell thật ra có thể lại là một quyết định đúng đắn.  Có một loại ngây thơ mà, vì nó cố tình không nhìn thấy ở một điểm nào đó, nên miễn nhiễm một cách không lành mạnh đối với những điều phức tạp.  Nhưng cũng có một loại ngây thơ – đó là loại chúng ta kiếm tìm trong vô thức – thật sự vượt qua được thử thách này.

Một lần nọ, một chủng sinh trẻ đau đầu với các vấn đề tình dục viết thư cho Têrêxa Lisieux để tìm lời khuyên.  Anh nói bóng gió tới các vấn đề của mình nhưng lại bảo bà: “Nếu tôi chia sẻ với bà những gì tôi đang thật sự vất vả chống đỡ, tôi sợ rằng bà sẽ bị sốc nặng và cảm thấy chướng tai gai mắt quá rồi sẽ không viết thư trả lời tôi.”  Têrêxa viết đáp lại: “Nếu anh nghĩ như vậy, thì thật sự anh không hiểu tôi rồi!”

Cha xứ d’Ars là một người hết sức giản dị và vô cùng ngây thơ trong trắng.  Ấy vậy mà trong khi còn sống, ông có lẽ là người được nhiều người mong muốn gặp để xưng tội nhất.  Chúng ta khao khát chính một người như vậy để xưng tội, một người mà với họ chúng ta có thể thoải mái giải bày tâm tư phức tạp của mình, nhưng người đó không mắc những tội lỗi như chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

SỰ CHẾT DẠY CHÚNG TA ĐIỀU GÌ VỀ CÁC MỐI TƯƠNG QUAN CỦA MÌNH

Nếu có thể, tôi sẽ trao tặng bất cứ thứ gì để ông ấy sống lại.

Đây không phải là một dòng trong một bản tình ca buồn, ít ra cũng không phải là một câu hát mà tôi biết.

Trái lại, đây thực sự là một lời cầu nguyện chân thành mà tôi đã nói với Chúa cách đây vài tháng khi bố tôi đột ngột qua đời.  Tôi biết điều đó là không thể nhưng tôi chỉ muốn bày tỏ ước muốn sâu sắc nhất của tôi với Chúa cho dù điều đó nghe có vẻ vô lý hay sai lầm về mặt thần học đến mức nào.

Lúc ấy, tôi không hề nhận ra rằng cái chết đang dạy cho tôi một trong những bài học quan trọng nhất trong cuộc đời.  Qua kinh nghiệm, tôi học được rằng điều quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta là mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và với người khác.  Khi trải nghiệm sự ra đi của người thân, chúng ta thấy mọi thứ khác như lu mờ đi so với việc có những giây phút quý giá ở bên những người mình yêu thương.

Sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác có vị trí ưu tiên trong cuộc sống này, trước hết là vì Thiên Chúa là mối tương quan của các Ngôi vị – Cha, Con và Thánh Thần.  Thiên Chúa cũng mong muốn đưa chúng ta vào sự hiệp thông sâu sắc hơn với Ngài và với người khác, đến nỗi đã chia sẻ sự sống của chính Ngài với chúng ta bằng ân sủng ngay trong hiện tại, và bằng vinh quang trong tương lai, “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.

Đây không phải là mong muốn hão huyền về phía Thiên Chúa.  Thiên Chúa sẽ ban cho và làm bất cứ điều gì để đưa chúng ta vào mối tương quan sâu sa hơn với Ngài.  Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài vì mối tương quan với chúng ta như là con cái của Ngài.  Con Thiên Chúa là Đức Giêsu đã phó mình trên thập giá cũng vì mối tương quan này, “chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Ðức Kitô Giêsu, Ðấng tự hiến làm giá chuộc mọi người.” (1Tm 2, 5-6)  Chúng ta nhận được Chúa Thánh Thần cũng là để biến mối tương quan được thừa nhận này thành hiện thực.  Thiên Chúa không ngừng tha thứ tội lỗi và ban cho chúng ta những ân sủng vì mục đích này.

Được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, chúng ta cần tự vấn xem mình sẵn sàng để làm gì, để cho đi điều gì, và để lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và người khác?  Liệu chúng ta có đang nhận được lòng thương xót và ân sủng biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại đã không cố gắng để yêu mến Thiên Chúa và người lân cận không?

Người quản gia bất lương trong Tin Mừng Lc 16, 1-13 là một đầy tớ ích kỷ và hoang phí, anh ta dường như thường lạm dụng tài sản của ông chủ.  Anh đã bừng tỉnh khi nghe ông chủ nói, “Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa” (c. 3).  Thời gian phục vụ của anh ta đã kết thúc.  Đây chẳng phải là điều mà Thiên Chúa cũng sẽ nói với chúng ta khi chúng ta trút hơi thở cuối cùng và thời gian phục vụ trên trần gian của chúng ta cũng đến hồi kết sao?

Người quản lý đã biển thủ tiền bạc và trở thành người sử dụng tất cả những gì anh ta có trong tay – những tờ hẹn trả nợ – để đảm bảo tương lai của mình thông qua các mối tương quan tốt hơn với người khác.  Giờ đây, anh ta đầu tư vào các mối tương quan chứ không phải vào những mong muốn và mục tiêu ích kỷ của bản thân nữa, “Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” (c. 4).

Đức Giêsu hướng sự chú ý vào người quản lý như một điển hình về cách chúng ta tận dụng hiệu quả tất cả những gì chúng ta đang có trong hiện tại, bởi vì tương lai của chúng ta phụ thuộc vào các mối tương quan của chúng ta hiện nay, “Thầy bảo cho các con biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (c. 9). Bất kể kiếm được và sử dụng như thế nào, thì sớm muộn gì của cải, dù đó là tiền bạc, sức khỏe, thành công, danh vọng, thú tiêu khiển,… cũng sẽ lụi tàn.

Nhưng sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác trên trái đất này chuẩn bị cho chúng ta sự giàu có không phai nhạt trên thiên đàng.

Có 3 câu hỏi giúp chúng ta tự phân định rằng liệu chúng ta có thực sự tận dụng mọi thứ để lớn lên trong mối tương quan với Thiên Chúa và với người khác không:

1. Những thứ này kiếm được như thế nào?

Có phải tôi thủ đắc những thứ này theo cách tôi tôn trọng quyền của Thiên Chúa không? Có phải do tham lam, trộm cắp, hoặc thiếu trung thực mà tôi giành được nó không?  Có phải tôi tìm kiếm và sở hữu của cải mà không quan tâm gì đến ý muốn của Thiên Chúa không?

Tôi có chà đạp lên quyền và phẩm giá của người khác; Tôi có lợi dụng người khác để có được của cải này không?

2. Của cải đang được sử dụng như thế nào?

Của cải có được sử dụng để giúp tôi làm theo ý Chúa và giúp người khác cũng làm như thế hay nó là cách để tôi tự thỏa mãn hoặc tự khoe khoang?  Của cải có được sử dụng để phục vụ và quan tâm đến người khác hay để thống trị họ?  Của cải có đang làm vinh danh Chúa hay góp phần vào vương quốc bóng tối?  Của cải giúp tôi lớn lên trong sự thánh thiện hay khiến tôi trở nên xấu xa hơn?

3. Ảnh hưởng của vật này đối với tôi là gì?

Món đồ này làm cho tôi biết ơn và tin tưởng vào Chúa hơn hay nó làm cho tôi kiêu ngạo và tự phụ?  Món đồ này có giúp tôi nhạy cảm với nhu cầu của người khác không?  Món đồ này khiến tôi trở nên ích kỷ hay vị tha hơn?  Món đồ này có phải là thần tượng, thứ mà tôi tôn thờ và khao khát khôn nguôi không?  Nó làm cho tôi nên tệ hại hay mang lại điều tốt nhất nơi tôi?

Chúng ta cần tự vấn với những câu hỏi này nếu chúng ta muốn tìm kiếm và tận hưởng của cải theo cách thế giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và người khác. Mọi thứ trong cuộc đời của chúng ta – thời gian, của cải, và tài năng – đều được trao cho chúng ta để chúng ta lớn lên trong tình yêu bằng việc sử dụng một cách thận trọng tất cả những gì chúng ta đón nhận từ Thiên Chúa.  Chúng ta lãng phí khi tìm cách thu nhận và sử dụng chúng theo cách làm tổn thương mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác.

Vào giờ chết, sự phục vụ trên trần gian của chúng ta sẽ kết thúc.  Chúng ta phải tường trình với Thiên Chúa về tất cả những hồng ân mà Ngài ban cho chúng ta và chúng ta đã sử dụng những ân ban ấy như thế nào.  Thiên Chúa rất quảng đại khi ân ban nhưng Ngài chẳng hề lãng phí.  Hiện tại là thời điểm để chúng ta phát triển mối tương quan với Thiên Chúa và người khác bằng những khả năng, và sự hỗ trợ của ân sủng.

Thiên Chúa, Đấng thiết lập các mối tương quan, luôn nỗ lực để đưa chúng ta đi vào mối tương quan sâu sắc hơn với Ngài.  Thiên Chúa đến với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể để làm mới lại tình yêu của chúng ta đối với Ngài và người khác.  Thiên Chúa luôn hành động vì mối tương quan tốt lành và lâu dài này đối với chúng ta và người khác.  Ngài mời gọi chúng ta hãy luôn làm như vậy đối với tất cả những gì chúng ta sở hữu.

Chúng ta đừng đợi đến giây phút lâm chung – giờ chết của người thân hay của chính mình – để rút ra bài học này.

Lm. Nnamdi Moneme, OMV
Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP catholicexchange.com (20. 9. 2022)

LÒNG VỊ THA 

Trong bối cảnh xã hội hôm nay, khi nói đến lòng vị tha, chúng ta giống như người nghệ sĩ vụng về chơi một cung đàn lạc điệu.  Những tin tức hằng ngày tại xã hội Việt Nam mà chúng ta đọc thấy trên mạng truyền thông cho thấy con người ngày càng hung dữ đối với đồng loại, thậm chí ngay cả trong gia đình.  Như một quán quân cần phải tập luyện gian khổ mới xứng nhận phần thưởng, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta phải vượt lên lối ứng xử của thời đại để trở nên những người vị tha nhân hậu.  Nền tảng cho lòng vị tha của Ki-tô hữu là “vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.  Người chậm giận và giàu tình thương” (Thánh vịnh 102 trong phần Đáp ca).  Con người được mời gọi sống nhân hậu, vì chính mỗi người cũng đã hơn một lần đón nhận lòng nhân hậu của Thiên Chúa, mặc dù có thể họ không nhận ra.  Như người con chẳng mấy khi ý thức hoặc nhận ra lòng tốt của cha mẹ, trong khi tình thương cha mẹ thì luôn mênh mông tràn đầy.

Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, và những ai tin vào Ngài cũng phải sống nhân hậu.  Đó là thông điệp chính mà Lời Chúa hôm nay muốn chuyển đến chúng ta.  Vua Đa-vít là một mẫu gương về lòng vị tha.  Chính lúc đang bị Sa-un truy đuổi để sát hại, vì ghen tương, Đa-vít có cơ hội tiếp cận Sa-un trong một cái hang rộng lớn.  Lúc này, ông có thể giết chết người đang truy đuổi mình một cách dễ dàng.  Tuy vậy, Đa-vít không làm thế, vì ông là người trung nghĩa.  Ông tôn trọng người đã được Thiên Chúa xức dầu, mặc dù người đó có lỗi lầm đến đâu chăng nữa.  Vua Đa-vít để lại tiếng thơm cho các thế hệ người Do Thái và cho tất cả chúng ta.  Ông được tôn vinh là “Thánh Vương” và là niềm tự hào của dân tộc Do Thái.

Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa.  Người được sai xuống trần gian để rao giảng về lòng từ bi nhân hậu của Chúa Cha.  Trong giáo huấn của Người, Người luôn nhấn mạnh đến lòng thương xót bao la của Thiên Chúa, Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên những người lành cũng như kẻ dữ, làm mưa xuống cho người công chính cũng như kẻ bất lương.  Người đã chúc phúc cho những ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (x. Mt 5, 7).  Những đề nghị của Người trong Tin Mừng hôm nay xem ra vô cùng khó khăn và đòi hỏi Ki-tô hữu phải có nhân đức tới mức anh hùng.  Những đề nghị của Chúa trong Tin Mừng cũng đi ngược hoàn toàn với quan niệm đời thường.  Bởi lẽ người đời tự nhiên có khuynh hướng hơn thua, ăn miếng trả miếng, chứ nhất định không chịu thiệt.  Đó cũng là quan niệm của Kinh Thánh Cựu ước, theo giáo huấn của ông Môi-sen.  Trong khi đó, Chúa Giê-su dạy chúng ta: hãy tha thứ và cầu nguyện cho kẻ làm hại mình.  Đức bác ái Ki-tô giáo đạt tới mức siêu việt ở những điểm này.  Đối với các môn đệ của Chúa Giê-su, không ai còn là kẻ thù, nhưng tất cả là huynh đệ trong cùng một gia đình có Chúa là Cha.  Như trên đã nói, nền tảng của lòng vị tha Ki-tô giáo đặt để trên chính bản tính của Thiên Chúa.  Điều đó có nghĩa, nếu chúng ta thực thi lòng nhân hậu, là vì Chúa là Đấng nhân hậu.  Chính chúng ta cũng đã từng đón nhận lòng nhân hậu của Chúa, nên chúng ta hãy sống nhân từ như Chúa Cha.  Thực thi lòng nhân hậu, đôi khi phải chịu thiệt thòi về danh dự hoặc những điều khác.  Hãy nhìn lên thập giá, nơi Đức Giê-su chịu khổ hình.  Người bị người đời xỉ vả khinh thường, nhưng cũng qua biến cố này, Chúa Giê-su trở nên nguyên nhân cứu rỗi và là gương mẫu cho chúng ta trong sự hy sinh và lòng quảng đại.

Dẫu đang sống trong cuộc đời dương thế, Ki-tô hữu là người thuộc về thượng giới.  Thánh Phao-lô đã dùng hình ảnh ông A-đam để so sánh với Chúa Giê-su.  A-đam tượng trưng cho những gì thuộc về đất (lưu ý, trong nguyên ngữ Do Thái, chữ “A-đam” có nguồn gốc từ chữ ADAMA có nghĩa là “đất”), và Chúa Giê-su tượng trưng cho những gì thuộc về trời.  Nhờ tin vào Chúa Giê-su, chúng ta thuộc về trời, và đang tiến bước tiến về quê trời.  “Hướng về trời”, đó là cách nói diễn tả những cố gắng nỗ lực để nên hoàn thiện trong chính hoàn cảnh cụ thể của mình, trong mối tương quan với Chúa và với anh chị em đồng loại.

Giữa bối cảnh xã hội còn nhiều xung đột và bạo lực, Ki-tô hữu được mời gọi trở nên dấu chỉ của lòng nhân hậu.  Khi thực thi bác ái và tha thứ, sẽ có nhiều hệ lụy kèm theo, nhưng chắc chắn một điều, là khi tha thứ, chính bản thân chúng ta cảm nhận niềm vui và chính chúng ta cũng được Chúa thứ tha.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

LÀM NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA THƯƠNG

Tin mừng theo thánh Gioan cho chúng ta thấy một hình ảnh thần nghiệm rất hùng hồn mà khá trần tục.  Khi thánh Gioan mô tả Bữa Tiệc Ly, ngài cho chúng ta biết rằng trong bàn tiệc, người môn đệ mà Chúa thương ngồi ngả đầu vào ngực Chúa.

Tôi tin là các họa sĩ nắm bắt sức mạnh của hình ảnh này tốt hơn là các thần học gia và học giả Kinh thánh.  Các họa sĩ và diễn giải nghệ thuật thường thể hiện hình ảnh này như sau: Người môn đệ Chúa thương ngả đầu vào ngực Chúa với một tai hướng thẳng vào tim Chúa Giêsu, nhưng mắt thì nhìn thẳng vào thế giới.

Đúng là một hình ảnh hùng hồn!  Nếu đặt tai vào ngực người khác, bạn có thể nghe được tiếng tim họ đập.  Thế thì người môn đệ này là người hòa chung nhịp tim của Chúa và đang nhìn ra thế giới từ điểm quy chiếu đó.

Xa hơn nữa, thánh Gioan cho chúng ta một loạt hình ảnh để thực tế hóa những hệ quả từ việc nghe tiếng tim Chúa.

Trước hết, người môn đệ Chúa thương đã đứng cạnh Đức Mẹ dưới chân thập giá Chúa Giêsu.  Hình ảnh này gói gọn điều gì?  Trong Tin mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu thừa nhận là đôi khi bóng tối có vẻ lấn át sự thiện và dường như Thiên Chúa bất lực.  Đôi khi bóng tối lấn lướt!  Cái chết của Chúa Giêsu là một trong những lúc như thế, và người môn đệ Chúa thương, cũng như Đức Mẹ, không thể làm gì khác ngoài đứng đó bất lực giữa muôn trùng tối tăm và bất công.  Chẳng thể làm được gì ngoài đứng đó bất lực.  Nhưng khi đứng đó, người môn đệ Chúa thương cũng chung vai sát cánh với hàng triệu người nghèo và những nạn nhân trên khắp thế giới, những người chẳng thể làm gì trước cảnh ngộ của mình.  Khi người ta đứng đó bất lực, khi chẳng thể làm được gì, khi sự hữu hạn của con người câm nín, thì có thể nảy lên lời cầu nguyện thâm sâu nhất.  Rồi sau đó, người môn đệ Chúa thương đưa Đức Mẹ về nhà mình, một hình ảnh không cần phải giải nghĩa gì thêm.

Tuy nhiên, có một hình ảnh thứ hai liên kết với người môn đệ Chúa thương ngả đầu vào ngực Chúa, mà chúng ta cần giải nghĩa đôi chút.  Khi người môn đệ đó ngả vào ngực Chúa, thì có một cuộc đối thoại đáng để ý diễn ra.  Chúa Giêsu bảo các môn đệ là một người trong số họ sẽ phản bội Ngài.  Thánh Phêrô quay sang người môn đệ Chúa thương mà nói: “Hỏi thầy xem đó là ai?”  Điều này gợi lên chất vấn: Tại sao Phêrô không tự hỏi Chúa câu đó?  Thánh Phêrô đâu có ngồi xa Chúa đến mức không thể tự mình hỏi Chúa câu đó.

Hơn nữa, câu hỏi của thánh Phêrô có tầm quan trọng thực sự khi xét theo bối cảnh sử học.  Các học giả ước chừng Tin Mừng theo thánh Gioan được viết vào khoảng những năm 90 đến 100.  Khi đó thánh Phêrô đã được công nhận là giáo hoàng và đã chịu tử đạo rồi.  Đoạn Tin Mừng này đang nói lên rằng sự mật thiết với Chúa Giêsu cao hơn bất kỳ điều gì khác, kể cả vai vế trong giáo hội, kể cả có là giáo hoàng đi chăng nữa.  Lời cầu nguyện của tất cả mọi người đều đi qua người môn đệ Chúa thương.  Đức Giáo hoàng không thể cầu nguyện với tư cách Giáo hoàng, nhưng là với tư cách một người môn đệ được Chúa thương như bao Kitô hữu khác.  Đức Giáo hoàng có thể cầu nguyện cho thế giới và giáo hội với tư cách Giáo hoàng, nhưng chỉ có thể cầu nguyện riêng với tư cách người môn đệ Chúa thương.

Cuối cùng, trong Tin Mừng theo thánh Gioan nêu bật lên khái niệm rằng sự mật thiết với Chúa Giêsu thì quan trọng hơn vai vế trong Giáo hội, và điều này được mô tả rõ hơn nữa trong buổi sáng ngày Phục Sinh.  Maria Magdalena chạy từ mộ về và bảo các môn đệ là ngôi mộ trống.  Thánh Phêrô và người môn đệ Chúa thương liền chạy ngay đến mộ.  Ta có thể dễ dàng đoán ra ai là người đến đó trước.  Người môn đệ Chúa thương dễ dàng đến trước thánh Phêrô, không phải bởi có lẽ do trẻ hơn, nhưng là do tình yêu thì mạnh hơn vị thế.  Đức Giáo hoàng cũng có thể đến đó trước, nếu ngài chạy với tư cách người môn đệ Chúa thương chứ không phải tư cách giáo hoàng.

Và mọi người cho rằng người môn đệ Chúa thương chính là thánh Gioan.  Có thể đúng là thế, nhưng đấy không phải điều mà những đoạn Tin Mừng này muốn nói.  Thân thế theo sử học của người môn đệ Chúa thương được bỏ ngỏ một cách có chủ đích, là bởi Tin mừng muốn khái niệm về người môn đệ Chúa thương là một lời mời gọi và một vai trò hợp với bạn, với mọi Kitô hữu trên đời, bao gồm cả giáo hoàng nữa.

Vậy ai là người môn đệ Chúa thương?  Người môn đệ Chúa thương có thể là bất kỳ ai, nam nữ trẻ em, miễn là mật thiết với Chúa Giêsu đủ để hòa nhịp với nhịp tim của Chúa, và nhìn thế giới từ góc nhìn của sự mật thiết đó, cầu nguyện từ sự mật thiết đó, và ra đi trong yêu mến đến tìm Chúa Giêsu Phục sinh và hiểu được ý nghĩa của ngôi mộ trống.

Các hình ảnh thần nghiệm được giải nghĩa rõ nhất nhờ các nhà thần nghiệm khác.  Nghĩ như thế, tôi xin để lại cho các bạn một hình ảnh từ Đan phụ Sa mạc thế kỷ IV, Evagrius Ponticus.

Ngực Đức Chúa
Vương quốc Ngài
Ai ngả vào đấy
Là thần học gia

Rev. Ron Rolheiser, OMI

SỰ CHẾT

Khi tôi được sinh ra là khởi điểm tôi bắt đầu đi về cõi chết.  Làm gì có sự chết nếu không có sự sống.  Làm gì có ngày người ta chôn tôi nếu không có ngày tôi chào đời.  Như thế, cuộc sống của tôi là chuẩn bị cho ngày tôi chết.

Ngay từ trong bào thai của mẹ, bắt đầu có sự sống là tôi đã cưu mang sự chết rồi.  Kết hợp và biệt ly ở lẫn với nhau.  Trong lớn lên đã có mầm tan rã.  Khi vũ trụ chào đón tôi, thì cùng một lúc, tôi bắt đầu từ giã vũ trụ từng ngày, từng giờ.

Mỗi ngày là một bước tôi đi dần về sự chết.  Bình minh mọc lên, nhắc nhở cho tôi một bước cận kề.  Hoàng hôn buông xuống, thầm nói cho tôi sự vĩnh biệt đang đến.

Không muốn nghĩ về sự chết tôi cũng chẳng tránh đuợc sự chết.

Tôi có thể không muốn nghĩ về sự chết nhưng tôi có ghét sự chết được không?  Tôi ghét sự chết là tôi ghét chính tôi.  Chết ở trong tôi. Tôi đang đi về cõi chết nên ngay bây giờ sự chết đã thuộc về tôi rồi.  Sự sống của tôi hàm chứa sự chết, nên tôi yêu sự sống thì tôi cũng phải yêu sự chết.  Vì vậy, cuộc đời có ý nghĩa vẫn chỉ là cuộc đời chuẩn bị cho ngày chết.

Trong dòng đời, tôi không sống một mình.  Cuộc sống của tôi là tấm thảm mà mỗi liên hệ yêu thương là một sợi tơ, mỗi gắn bó quen biết là một sợi chỉ, anh em, cha mẹ, người yêu.  Sự chết xé rách tung tất cả để tôi ra đi một mình.  Chẳng ai đi với tôi.  Vì thế, chết mang mầu ly biệt.

Sống là hướng về tương lai.  Tương lai là cái tôi không nắm chắc trong tay, vì vậy, tôi hay nhìn về tương lai bằng nỗi sợ bấp bênh.  Càng bấp bênh thì tôi càng tìm kiếm vững chãi, càng tích lũy.  Nhưng tích lũy xong, xây đắp xong, vất vả ngược xuôi để rồi ra đi trắng đôi tay thì đời tôi thành đáng thương hại.  Nếu tôi không đem theo được những gì tôi tích lũy, thì những gì tôi ôm ấp hôm nay chỉ làm tôi thêm đau đớn, nuối tiếc.  Nếu không muốn vậy thì chúng phải là phương tiện để chuẩn bị cho giờ ra đi của tôi.

Tích lũy cho tương lai có thể là dấu hiệu khôn ngoan đề phòng những bất trắc có thể xẩy ra.  Mà cũng có thể là một thứ nô lệ.  Nếu suốt đời tôi lo âu tìm kiếm danh vọng, quá tham lam tiền bạc, lúc nào cũng bị vây khốn, băn khoăn thì đâu là niềm vui, tận hưởng.

Mà tận hưởng là gì?  Ðâu là ý nghĩa của sự tìm kiếm?  Tích lũy?

Kinh Thánh kể:

Có người trong đám dân chúng nói với Ðức Kitô: “Thưa Thầy, Thầy bảo anh tôi chia gia tài với tôi.”

Ngài đã nói cùng họ: “Hãy coi chừng!  Hãy lo giữ mình tránh mọi thứ gian tham, vì không phải ai được sung túc, là đời sống người ấy chắc chắn nhờ của cải.”

Ngài nói cùng họ một ví dụ rằng: “Có người phú hộ, ruộng nương được mùa, nên suy tính với mình rằng: ta phải làm gì?  Vì ta không còn chỗ nào mà tích trữ hoa mầu nữa.  Ðoạn người ấy nói: Ta sẽ làm thế này: phá quách các lẫm đi, mà xây những lẫm lớn hơn, rồi chất cả lúa mạ, và của cải vào đó, rồi ta nhủ hồn ta: Hồn ơi!  Mày có dư thừa của cải, sẵn đó cho bao nhiêu năm; nghỉ đi!  ăn uống đi!  hưởng đi!  Nhưng Thiên Chúa bảo nó: Ðồ ngốc!  Ngay đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi sự ngươi đã sắm sửa, tích góp kia sẽ về tay ai? (Lc 12,13-21).

Không ai sống hộ tôi.  Không ai chết thay tôi.  Không ai đi cùng tôi.  Tôi sẽ ra đi lẻ loi.  Họ sẽ quên tôi cũng như tôi đã quên bao người.  Có thể đôi khi họ nhớ tôi.  Cũng như đôi khi tôi nhớ người này, kẻ kia.  Nhưng nỗi nhớ chỉ là của riêng tôi, còn kẻ đã ra đi vẫn ra đi miền miệt.  Thì cũng thế, chẳng ai làm gì được cho tôi lúc tôi ra đi không trở lại.

Chết là mất tất cả.  Nhưng thánh Phaolô lại tuyên tín rằng chết là chiến thắng (1Cor 15,54).  Chết là đi về sự sống vĩnh cửu.  Chết là gặp gỡ.  Gặp Ðấng tạo nên mình.  Như vậy, chết là cánh cửa im lìm được mở ra để tôi về với Ðấng thương tôi.  Chết là điều kiện để sống.

Chúa ơi, chết là đi về với Chúa sao con vẫn lo âu?

Phải chăng nỗi lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con sợ con có thể không gặp Chúa.  Vì sợ không gặp nên chết mới là bản án nặng nề.  Mà tại sao con lại sợ không gặp Chúa?  Chúa luôn mong mỏi, đợi chờ con cơ mà.  Như thế, muốn gặp Chúa hay không là do ý của lòng con.  Con có quyền quyết định cho hạnh phúc của mình.

Chúa ơi, vì biết mình sẽ chết nên con băn khoăn tự hỏi bao giờ thì chuyến tầu định mệnh đem con đi.  Hôm nay hay ngày mai?  Mùa thu này hay mùa xuân tới?  Con âu lo.  Nhưng vì sao phải lo âu?

Phải chăng lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con chưa chuẩn bị đủ, là hồn con còn ngổn ngang.  Có xa Chúa thì mới sợ mất Chúa.  Sợ mất Chúa thì mới xao xuyến băn khoăn.  Con biết thế, con biết rằng vì không sẵn sàng, vì không chuẩn bị nên mới hồi hộp, mất bình an.  Con biết thế, con biết sau khi chết là hạnh phúc hay gian nan, là núi cao với mây ngàn cứu rỗi, hay vực sâu phiền muộn với đau thương.  Nhưng chuẩn bị cho giờ ra đi không đơn giản Chúa ơi.  Chúa biết đó, con đi tìm Chúa nhưng là đi trong lao đao.  Bởi yêu một vật hữu hình thì dễ hơn lắng nghe tiếng gọi từ nơi xa thẳm.  Giầu có và danh vọng cho con hạnh phúc mà con có thể sờ được.  Còn hạnh phúc của đức tin thì sâu thắm quá.

Chung quanh có biết bao mời mọc.  Kinh nghiệm cho con thấy rằng đã nhiều lần con bỏ Chúa.  Như vậy biết đâu con lại chẳng bỏ Chúa trong tương lai.  Nếu lúc đó mà giờ chết đến thì sao?

Chúa có nghĩ rằng khi con phải phấn đấu chối từ những rung cảm bất chính để sống theo niềm tin là thánh giá của con không.  Chối từ tiếng gọi của tội lỗi đã là một thánh giá.  Nhưng có khi lo âu vì không biết mình có từ chối được không còn là một thánh giá khác nữa.  Chính đấng thánh của Chúa mà còn phải kêu lên: “Ôi! những điều tôi muốn làm thì tôi chẳng làm, những gì tôi muốn trốn tránh thì tôi lại làm” (Rom 7,15-16).  Chúa thấy đó, vị tông đồ lớn của Chúa mà còn như thế, huống chi con, một kẻ mang nhiều đam mê, yếu đuối thì đường về với Chúa gian nan biết bao.

Ðể khỏi chết khi con chết, thì con phải chết trước khi con chết.

Cái chết đó là đóng đinh đời con vào thập giá.  Con không biết con can đảm đến đâu.  Con chỉ xin sao cho con tiếp tục đi mãi.  Ði xiêu vẹo vì yếu đuối của con, nhưng vẫn tiếp tục đi.

Thập giá nào thì cũng có đau thương.

Con không muốn thập giá.  Vì thập giá làm con mang thương tích.  Chúa cũng đã ngã.  Nhưng nếu sự sống của con mang mầm sự chết, thì trong cái chết của thập tự nẩy sinh sự sống.  Chúa đã chết.  Chúa hiểu nỗi sợ hãi của sự chết.  Con vẫn nhớ lời Chúa cầu nguyện: “Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).  Hôm nay con cũng muốn nói như vậy đó, với Chúa.  Cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa dạy con rằng chẳng có sự sống nào mà không phải qua sự chết.  Chết thì sợ hãi, nhưng nếu con yêu sự sống thì con phải yêu sự chết.

Con muốn chết để được sống.

Con sẽ đóng đinh đời con vào thập tự.  Chúa ơi, Chúa có cho những lo âu của con là dấu chỉ tình yêu của một tâm hồn yếu đuối, đang thao thức đi tìm Chúa vì sợ mất Chúa không.

Lạy Cha, trong tay Cha con xin phó thác đời con.

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ
Trích trong Nước Mắt và Hạnh Phúc

CHỌN LỰA KHÔN NGOAN

Đau khổ trong cuộc sống con người không phải là định mệnh.  Đó là khẳng định của đa số các tôn giáo.  Thiên Chúa không bao giờ là tác giả của sự dữ, vì bản tính của Ngài là tốt lành.  Kinh Thánh Cựu ước khẳng định: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1,13).  Lời khẳng định cho thấy rằng: quả là Thiên Chúa có thể cho phép sự dữ xảy ra, nhưng sự dữ không bao giờ có nguồn gốc từ Thiên Chúa.

Hiểu như trên, chúng ta không đổ lỗi cho Thiên Chúa về sự dữ hay điều bất hạnh xảy đến xung quanh mình.  Hiện hữu trên đời, mỗi chúng ta có tự do chọn lựa và chịu trách nhiệm về sự chọn lựa này.  Trong Bài đọc I, trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa đã chúc phúc cho những ai tin tưởng phó thác nơi Chúa, và Ngài thấy nỗi bất hạnh của những kẻ tin tưởng người đời.  Ngài cũng đặt song song hai sự chọn lựa để cho thấy sự khác biệt: Tin vào Chúa giống như cây trồng bên suối nước, bốn mùa hoa trái tốt tươi; tin người trần gian giống như cây giữa sa mạc, quanh năm khô cằn tàn lụi.  Thánh vịnh 31 trong phần Đáp ca diễn tả cùng một ý tưởng với Bài đọc I.  Tác giả còn nhắc đến những hậu quả mà ác nhân sẽ phải lãnh nhận.  Họ sẽ như những vỏ trấu bị gió cuốn trôi và biến mất.  Bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca ghi lại giáo huấn của Chúa Giê-su về hai hạng người, là những người sẽ được hạnh phúc và sẽ phải đau khổ.  Có người hiểu cách nói của Chúa Giê-su là lời chúc dữ.  Thực ra, Chúa không chúc dữ cho con người, nhưng Chúa cảm nhận được nỗi bất hạnh khốn khổ khi con người chỉ chạy theo những lạc thú và lợi lộc vật chất mà quên đi những giá trị vĩnh cửu.  Người cũng dạy chúng ta phải thận trọng suy xét những hành động và quyết định trong cuộc sống hằng ngày, để cuộc sống không trở nên vô ích, nhưng tìm thấy niềm vui và hạnh phúc giữa những bon chen của đời thường.

Như trên đã nói, con người có tự do lựa chọn điều tốt hay điều xấu cho bản thân mình, cho hiện tại và cho tương lai.  Cuộc sống này cũng giống như một bàn cờ khổng lồ, mà mỗi chúng ta đều đang là những người chơi cờ.  Có những nước cờ đem lại chiến thắng vẻ vang; nhưng cũng có những nước cờ đem lại thất bại ê chề.  Mỗi nước cờ đã đi, người chơi phải mang trách nhiệm, không thể làm lại được.  Cuộc đời cũng thế, mỗi chúng ta phải khôn ngoan chọn lựa để không phải lãnh hậu quả tai hại về danh dự, nhân phẩm, của cải và nhất là hạnh phúc đời sau.

Đối với Ki-tô hữu, sự chọn Đức Ki-tô là một chọn lựa khôn ngoan.  Người là mẫu mực và là lý tưởng cho chúng ta trong lời nói cũng như việc làm. “Ki-tô hữu” vừa có nghĩa là người được xức dầu như Chúa Giê-su, vừa là người phấn đấu để nên giống như Người.  Thánh Phao-lô đã khẳng định (Bài đọc II): Đức Ki-tô không phải một gương mẫu giống như những vĩ nhân ở trần gian, nhưng Người là Con Thiên Chúa, Đấng quyền năng.  Quyền năng ấy đã chứng minh qua sự phục sinh vinh quang.  Giáo huấn của thánh Phao-lô cho thấy những tranh luận thời bấy giờ về việc Đức Giê-su phục sinh.  Nhiều người đã phủ nhận sự kiện này, trong khi thánh Phao-lô lại coi đó là nền tảng đức tin cho đời sống Ki-tô hữu.  Tình trạng này cũng vẫn tồn tại trong thế giới của chúng ta.  Nhiều người coi việc Đức Giê-su sống lại là điều ảo tưởng, do các môn đệ của Người bày đặt ra.  Lý do là họ chưa bao giờ chứng kiến một người đã chết mà ba ngày sau sống lại.  Lập luận như thế là không hiểu mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa.  Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể, vì Ngài đã dựng nên mọi vật từ hư vô và Ngài vẫn đang điều khiển công trình tạo thành của Ngài từng giây từng phút, nhờ đó mà mọi vật hiện hữu và chuyển vận theo một trật tự chung.

Tin vào Đức Giê-su là một chọn lựa cá nhân.  Chọn lựa ấy càng ngày càng rõ nét và triệt để, từng bước thăng tiến với tuổi tác của chúng ta.  Chọn lựa Đức Giê-su không phải chỉ là khẩu hiệu hay nhãn mác bề ngoài, nhưng là một lý tưởng, một đường hướng sống.  Sự chọn lựa ấy sẽ chi phối lời nói, tư tưởng và hành động của Ki-tô hữu.  Một khi đã chọn lựa Đức Ki-tô thì phải chuyên cần thực thi giáo huấn của Người và cố gắng nỗ lực để trở nên giống như Người trong hành động và lời nói.  Khi chọn lựa Đức Ki-tô và tuân theo giáo huấn của Người, chúng ta sẽ là những người có phúc.

Trong cuộc sống, chọn lựa nào cũng đòi hỏi phải hy sinh.  Quả vậy, người ta không thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi vừa tôn thờ Thiên Chúa vừa có những thực hành không phù hợp với giáo huấn của Ngài.  Đó là sự tôn thờ ngẫu tượng, hay là lối sống dối trá, giả hình, vu khống và làm hại người khác.  Người chọn lựa Chúa Giê-su và đi theo làm môn đệ của Người sẽ luôn dành cho Người những ưu tiên trong đời sống những thực hành của đời sống hằng ngày.  Hạnh phúc hay bất hạnh, được cứu rỗi hay bị trầm luân, được khen thưởng hay bị kết án… tất cả đều do chúng ta tự do chọn lựa.  Trước mặt chúng ta luôn có hai con đường.  Nếu chúng ta chọn lựa con đường thánh thiện, Chúa sẽ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

Lộ Đức (Lourdes) là một tỉnh nhỏ khoảng 6000 dân nằm giữa thung lũng Pyrênê, gần suối Gave.  Hôm ấy là ngày 11 tháng 2 năm 1858.  Trời lạnh lẽo.  Vào buổi trưa, Bernadetta, cô gái 14 tuổi vui tươi, thiếu ăn và quê mùa cùng với mấy người bạn đi lượm củi khô ở bờ suối Gave.

Bỗng một bà mặc đồ trắng hiện ra với cô, trên một tảng đá bao quát cả hang Massabielle.  Vừa sợ lại vừa vui, cô lần chuỗi và không dám tới gần theo lời Bà mời.

Chẳng ai muốn tin cô.  Bị rắc rối chính cha mẹ cô không muốn cho cô trở lại hang đá nữa.  Nhưng có một sức hấp dẫn lạ kỳ nào đó.  Cô trở lại hang đá.  Các cuộc thị kiến vẫn tiếp diễn.  Bà lạ nói chuyện và kêu gọi cầu nguyện, rước kiệu và xây dựng một đền thờ tại đây.

Các bậc khôn ngoan chống đối.  Dân chúng lại xúc động.  Công an thẩm vấn Bernadetta.  Cô bình thản trả lời và không hề nao núng trước những lời đe dọa.  Cô cũng không bị vướng mắc vào những tiểu xảo của người thẩm vấn.  Các nữ tu dạy học cũng bất bình.  Nhưng Bernadetta vẫn khiêm tốn lịch sự.

Ngày 25 tháng 2, một đoàn người cảm kích theo cô sau khi cầu nguyện, Bernadetta đứng dậy, ngập ngừng tiến tới gần hang đá rổi quì xuống.  Theo lệnh bà lạ, cô cúi xuống lấy tay cào đất.  Một dòng nước vọt lên.  Cứ 24 tiếng đồng hồ là có khoảng 120.000 lít nước chảy ra.

Ông biện lý cho gọi Bernadetta tới.  Ông chế giễu, tranh luận và đe dọa cô nữa.  Cuối cùng ông kết luận:

– Cô hứa với tôi là sẽ không tới hang đá nữa chứ?

Nhưng Bernadetta bình tĩnh trả lời cách rõ ràng.

– Thưa ông, cháu không hứa như vậy.

Cha sở lo âu, ngài cấm các linh mục không được tới hang.  Bernadetta tới gặp ngài và nói:

– Bà lạ nói: Ta muốn gặp người ta rước kiệu tới đây.

Ngài liền quở trách và gằn từng tiếng:

– Con hãy nói với bà ấy rằng, đối với cha sở Lộ Đức, phải nói cho rõ rệt. Bà muốn những buổi rước kiệu và một nhà nguyện à?  Trước hết bà phải cho biết tên là gì và làm một phép lạ đã chứ.

Làm xong nhiệm vụ, Bernadetta bình thản ra về.

Đã có những phép lạ nhãn tiền: một người thợ đẽo đá mù lòa đã thấy được ánh sáng, một phụ nữ bại tay sáu năm nay bình phục, báo chí công kích dữ dội và cho rằng: đó chỉ là ảo tưởng.

Nhưng dòng nước vẫn chảy thành suối.  Dân chúng vẫn lũ lượt kéo nhau tới, những kẻ hoài nghi phải chùn bước.  Một em bé hai tuổi bệnh hoạn đang hấp hối trước những cặp mắt thất vọng của cha mẹ.  Họ nghèo lắm, bà hàng xóm đã dọn sẵn cho một cái quách.  Người cha thở dài:

– Nó chết rồi.

Người mẹ chỗi dậy.  Không nói một lời nào, bà ôm đứa trẻ chạy thẳng ra hang đá, dìm nó vào trong dòng nước giá lạnh.  Dân chúng cho rằng bà đã điên lên vì buồn khổ.  Tắm em bé trong 15 phút xong, bà ẵm em về nhà.  Sáng hôm sau, em hết bệnh.  Ba bác sĩ đã chứng thực chuyện lạ này.

Bernadetta vẫn giản dị vui tươi tự nhiên.  Hàng ngày cô trở lại hang đá.

Ngày 25 tháng 3 cô quì cầu nguyện và khuôn mặt bỗng trở nên rạng rỡ.  Rồi cô quay lại nói với vài người có mặt:

– Bà nói: “Ta là Đấng Vô Nhiễm thai”

Vài phút sau, lời Đức Trinh Nữ đã được truyền từ miệng người này sang người khác.  Đám đông cất cao lời cầu khẩn :

– Lạy Đức Mẹ Maria chẳng hề mắc tội tổ tông, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Đức Mẹ.

Bernadetta hỏi một người chị bạn thân:

– Vô nhiễm thai là gì nhỉ?

Và cũng không bao giờ cô phát âm đúng chính xác từ ngữ này.

Luôn giữ mình khiêm tốn, Bernadetta đã ẩn mình trong một tu viện.  Lúc 3 giờ chiều ngày 16 tháng Tư năm 1879, cô từ trần, được 36 tuổi.

Dòng nước ở hang Massabielle vẫn chảy.  Người ta lũ lượt tuôn đến cầu nguyện và không biết bao nhiêu ơn lành Đức Mẹ đã ban cho các tâm hồn thiết tha cầu khẩn.  Đức Giáo Hoàng Lêo XIII cho phép mừng việc Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, vào ngày 11 tháng 2, để ghi nhớ 18 lần mẹ đã hiện ra với Bernadetta, kể từ ngày 11 tháng 2 tới ngày 16 tháng 7 năm 1858.

Năm 1907, Đức Piô X cho phép toàn thể Giáo Hội mừng lễ này.  Cùng với Giáo hội, chúng ta kính nhớ biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và đừng quên chạy đến Mẹ là nguồn suối chảy tràn muôn ơn phúc.

Lm Phaolo Phạm Quốc Túy

CẦU NGUYỆN GIỮ CHÚNG TA KHÔNG ĐI VÀO ĐÁM ĐÔNG

Gần như trong tất cả các tiểu thuyết của mình, Milan Kundera biểu lộ một sự khó chịu cực kỳ và không chấp nhận tất cả mọi dạng hệ tư tưởng, khoa ngôn, và xu hướng nhất thời, những thứ gây nên kiểu suy nghĩ nhóm hoặc kích động đám đông.  Ông nghi ngờ các khẩu hiệu, biểu tình và diễu hành dưới mọi hình thức, bất kể với lý do gì.  Ông gọi tất cả những thứ này là cuộc diễu hành khổng lồ, và trong suy nghĩ của ông, tất cả chúng, không chừa cái nào, luôn luôn dẫn đến bạo động.  Kundera thích các nghệ sĩ vì họ có khuynh hướng tránh xa lý lẽ và động cơ, họ muốn vẽ và viết hơn là đi diễu hành.

Có những động cơ đáng để chiến đấu, và có những bất công và nỗi đau trong thế giới này đòi hỏi chúng ta phải dấn sâu hơn, xa hơn cái mong muốn viết và vẽ của mình.  Vậy mà, phán xét khắc nghiệt của Kundera về mọi kiểu diễu hành và biểu tình, hay nói cách khác là cuộc diễu hành khổng lồ, vẫn là một lời cảnh báo công tâm.  Tại sao?

Vì trong những giây phút suy nghĩ nhiều hơn, chúng ta biết khó đến như thế nào nếu không nắm được một hệ tư tưởng, khoa ngôn, xu hướng nhất thời, kiểu suy nghĩ nhóm, và kích động đám đông, để không trở nên ngu xuẩn mất tỉnh táo.  Chúng ta cũng biết thật khó để nhận ra những gì chúng ta thật sự nghĩ gì và tin, khi đối lập với những gì mà quỹ đạo văn hóa đang vây hãm chúng ta.  Thật khó để tránh được những kiểu thức đương thời.

Nhưng còn khó hơn nữa khi chúng ta muốn xây một nền tảng cho chính mình dựa trên một cái gì đó thâm sâu hơn, hay muốn được bén rễ nơi một quan điểm nằm ngoài cái mà Thomas Hardy đã từng gọi là đám đông điên loạn.  Làm sao chúng ta có được nền tảng là một chiều sâu sẽ giải thoát chúng ta khỏi những hệ tư tưởng, khoa ngôn, xu hướng nhất thời, kiểu suy nghĩ nhóm, và kích động đám đông đầy tinh vi vốn đang làm băng hoại mọi nền văn hóa?

Trong Tin mừng thánh Luca, các môn đệ cảm nhận Chúa Giêsu lấy sự khôn ngoan, điềm tĩnh, sức mạnh, và năng lực từ một sự gì đó nằm ngoài Ngài, có nghĩa là Ngài đặt bản thân nơi một sự gì đó vượt ngoài những cạm bẫy và đe dọa của giây phút hiện tại.  Họ cảm nhận được Ngài tìm thấy sự thâm sâu đó nơi cầu nguyện.  Họ cũng muốn được nối kết với chiều sâu và sức mạnh đó, và họ nhận ra chính lời cầu nguyện là con đường, và là con đường duy nhất cho họ.  Rồi họ xin Chúa Giêsu dạy họ cách để cầu nguyện.  Ngài đã dạy họ điều gì?  Làm sao để chúng ta có thể cầu nguyện theo cách xây dựng nền tảng của chúng ta trên một sự gì đó thật sự vượt ngoài những ái kỷ cá nhân và tập thể?

Một cách ẩn dụ, chúng ta có thể thấy được con đường đó qua đoạn Kinh Thánh ghi lại cái chết tử đạo của thánh Stephano như sau:

Một đám đông những con người, dù lầm lạc nhưng rất thật tâm, được thúc đẩy bởi lòng mộ đạo, nhưng lại bị ảnh hưởng bởi kích động đám đông, đã cùng nhau ném đá Stephano đến chết.  Đây là đoạn Kinh Thánh mô tả việc này: “Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Stephano.  Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa.  Ông nói: ‘Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.’ Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá.” (Cv 7: 54-58)

Cái chết của Stephano là thật, nhưng mô tả về cái chết của ngài đầy những ẩn dụ cho chúng ta thấy cầu nguyện và không cầu nguyện có ý nghĩa như thế nào.

Vậy không cầu nguyện là như thế nào?  Đám đông, cho dù mộ đạo và thật tâm, nhưng lại không cầu nguyện.  Đoạn Kinh Thánh đã nói rõ: Họ nhìn vào Stephano với ánh mắt hiểu lầm và đầy căm ghét.  Hơn nữa, ngay lúc đó, thông điệp tình yêu của ngài là một sự thật khó chịu nên họ bịt tai không thèm nghe.  Và chính lúc đó họ đang nằm trong gọng kềm của sự kích động đám đông.  Họ không thấy trời đang mở ra, mà chỉ thấy một con người rất bình thường mà họ đang căm ghét,và họ không ở trong tay Thánh Thần mà lại ở trọn trong sự điều khiển của kích động.  Đó là lý do vì sao họ không bao giờ nhìn được xa hơn cái nhìn giận dữ chua cay nhắm vào Stephano.  Trong thời điểm đó, họ chỉ biết có họ, và họ chỉ thấy được những gì thuộc về trần thế này và những điều này là những điều không nằm trong lời cầu nguyện.  Dù chúng ta có mộ đạo đến đâu đi nữa, khi không cầu nguyện, chúng ta sẽ làm như những gì vừa kể trên.  Thật sự, đôi khi, việc cầu nguyện chung dù chân thành nhưng cũng chẳng hơn gì việc dấn sâu vào tính ái kỷ nhóm và bị nô lệ hóa thành một đám đông điên loạn.  Con mắt của chúng ta vẫn chỉ nhìn vào nhau chứ không nhìn về Thiên Chúa.

Trái lại, Stephano có cầu nguyện.  Đoạn Kinh Thánh mô tả ông đang hướng mắt lên trời (một ẩn dụ chứ không phải là mô tả hình tượng) và ông cứ đăm đăm nhìn trời và thấy cửa trời mở ra.  Cái nhìn của ông vượt ngoài đám đông, vượt ngoài thời khắc, vượt ngoài tầm nhìn của con người, vượt ngoài căm ghét, và vượt ngoài nỗi sợ trước cái chết của chính mình.  Ông nhìn vào một cái gì cao vượt hơn đám đông và thời khắc hiện tại.  Chính điều này, và chỉ có điều này, mới là cầu nguyện.

Tôi cùng chia sẻ với Kundera nỗi sợ về cuộc diễu hành khổng lồ và việc tôi cũng như gần hết mọi người khác, sẽ thật quá dễ dàng và mù quáng dấn bước vào đó.  Kundera cảm thấy nghệ thuật có thể giúp chúng ta đặt nền tảng ở một nơi nằm ngoài đám đông điên loạn.  Tôi sẽ thêm vào một sự sẽ còn hữu ích hơn thế nữa, đó chính là cầu nguyện.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

ƠN GỌI CUỘC ĐỜI

Chúa thương chọn gọi ai thì Chúa biến đổi người ấy.  Isaia (x. Is 6, 1-2a. 3,8), Phêrô (x. Lc 5,1-11) và Phaolô (1Cr 15,1-11) là ba chứng nhân về điều nói trên.  Cả ba đều thú nhận mình bất xứng, nhưng Thiên Chúa yêu họ và họ đã đáp trả cách quảng đại.  Đúng là tình yêu Chúa biến đổi phận người.

Ơn gọi của Isaia

Trong một thị kiến uy nghi, Isaia được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa và nghe tiếng các Thiên Thần sốt mến luân phiên tung hô: “Thánh, thánh, thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, trời đất đầy vinh quang Chúa” (x. Is 6,2).  Điều đó khiến ông run sợ và cảm thấy mình bất xứng, nên đã thốt lên lời: “Vô phúc cho tôi, tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn” (x. Is 6,3).  Trước sự khiêm tốn ấy, Chúa sai sứ thần đến thanh tẩy ông bằng than lửa hồng, ông trở nên thanh sạch và được Chúa tuyển chọn, ông đã can đảm đáp lại: “Này  con đây, xin hãy sai con” (x. Is 6,8).  Tình yêu Chúa đã biến đổi Isaia thành đại ngôn sứ của Thiên Chúa.

Ơn gọi của Phêrô

Simon Phêrô đang ở trên thuyền đánh cá cùng đồng nghiệp, bỗng Chúa Giêsu bước xuống thuyền của Simon, rồi ngồi trên thuyền mà giảng dạy dân chúng, có Simon ở bên để giữ cho thuyền khỏi tròng trành, còn Chúa Giêsu thì cố gắng giảng dạy đám đông.  Về phương diện thể lý, Simon gần Chúa hơn, ông nghe Chúa rõ lời Chúa và lời Chúa thấm nhập vào ông.  Vừa giảng xong, Chúa Giêsu bảo ông Simon: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá” (Lc 5,4).  Phản ứng của Simon là: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5,8).  Lời Chúa Giêsu đặt ông vào tình thế phải thả lưới bắt cá tiếp, dù kinh nghiệm ngư phủ là không thể.  Phêrô tin vào lời Chúa Giêsu, đức tin được nuôi dưỡng bằng tình Thầy trò, đức tin tái tạo cái mới và tôn vinh khả năng của con người.  Ông tin Chúa, nên bắt được một mẻ đầy cá.

Bảo Phêrô: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu“, là Chúa muốn ông bước ra ngoài sự an toàn, thói quen, chắc chắn, “và thả lưới bắt cá.”  Ðứng trước sự lạ lùng ấy, Simon Phêrô đã không ôm choàng lấy Chúa Giêsu để bầy tỏ lòng biết ơn vì thu lượm được nhiều cá quá sức mong đợi.  Nhưng, theo như thánh sử Luca ghi lại, ông đã quỳ xuống trước mặt Người và thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con đi, bởi vì con là một kẻ tội lỗi(Lc 5,8).  Chúa trấn an: “Ðừng sợ, từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta” (Lc 5,10); ông đã từ bỏ tất cả để đi theo Người.

Chúa Giêsu thật nhân lành!  Phêrô, kẻ chài lưới được Chúa gọi và trở nên nhà hùng biện đáng được ca ngợi nếu ông hiểu được công việc chài lưới người.  Đó là tại sao thánh Phaolô gửi cho các tín hữu tiên khởi và nói: “Hãy coi, hỡi anh em, việc anh em được kêu gọi!  Hẳn không có mấy người khôn ngoan xét theo xác thịt, không mấy người quyền thế, không mấy người tôn quí.  Nhưng chính những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc hạng khôn ngoan; và những điều thế gian coi là yếu đuối, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ.  Những điều thế gian cho là ti tiện, là không đáng kể, thì Thiên Chúa đã chọn, những điều không không, để hủy ra không những điều có” (1Cr 1,26-28).

Vì nếu Chúa Giêsu chọn người hùng biện trước, người ấy có thể nói, “Tôi đã được chọn vì tài hùng biện của tôi.”  Nếu Chúa chọn một thượng nghị sĩ, thượng nghị sĩ có thể nói, “Tôi được chọn vì cấp bậc của mình.”  Sau cùng, nếu Chúa chọn một hoàng đế, hoàng đế có thể nói, “Tôi được chọn vì khả năng của mình.”

Ơn gọi của Phaolô

Phaolô, khi nhớ lại rằng mình đã từng là một kẻ bách hại Giáo hội, ông thú nhận mình không xứng đáng được gọi làm tông đồ, nhưng ông nhìn nhận rằng, Chúa Giêsu Phục Sinh đã thương ông và đã thực hiện nơi ông những điều kỳ diệu, bất chấp giới hạn con người của ông, Chúa còn trao cho ông nhiệm vụ và vinh dự được loan truyền Tin Mừng (x. 1Cr 15,8-10).  Há chẳng phải lòng thương xót Chúa biến đổi con người ông sao?

Ơn gọi mỗi người chúng ta

Trong cả ba kinh nghiệm kể trên, chứng tỏ con người dù nghèo nàn và bất xứng, giới hạn và tội lỗi, kể cả mỏng giòn.  Nhưng nếu gặp được Thiên Chúa tình yêu, Chúa sẽ biến đổi con người.  Isaia, Phêrô và Phaolô đã làm gương cho tất cả những ai được Chúa gọi thì hãy nhìn vào Chúa và lòng khoan nhân của Người, để thay lòng đổi dạ và hân hoan từ bỏ tất cả mọi sự vì Người.

Từ ơn gọi của các tiên tri, đến ơn gọi của các Tông đồ và cuối cùng là ơn gọi của mỗi người chúng ta.  Câu chuyện ơn gọi của ngôn sứ Isaia, Phaolô, Phêrô là mẫu số chung cho ơn gọi của mỗi người.  Ngày chúng ta được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được Chúa chọn để trở thành Kitô hữu, sứ giả loan báo Tin mừng.  Đôi lúc chúng ta nghĩ rằng mình không xứng đáng.  Nhưng Chúa chọn gọi ai là Người biến đổi như đã biến đổi tiên tri Isaia, Phaolô, Phêrô, dù chúng ta bất xứng.  Thánh Irênê nói: ai nhận thức được bản chất tội lỗi của mình, thì người ấy có khả năng nhận biết tình trạng tạo vật của mình nữa.  Chỉ có những người như Phêrô, mới chấp nhận những giới hạn của chính mình và nhận những thành quả tông đồ của mình.  Chúa đã kêu gọi các Tông Đồ để trở thành kẻ lưới người, nhưng ngư dân đích thực là chính Chúa: trò giỏi không chỉ giỏi chài, mà còn bắt cá người giỏi.  Điều này chỉ có hậu nếu chúng ta liều bỏ tất cả để theo Chúa.  Mong sao, mỗi người chúng ta ý thức được trách nhiệm, bổn phận cao quý của mình là trở nên sứ giả Tin Mừng của Thiên Chúa giữa đời hôm nay.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ gợi lên nơi mỗi người chúng con lòng ước muốn thưa “Xin Vâng” với Chúa trong vui sướng hân hoan.  Amen!

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ