TRAO TẶNG CÁI CHẾT CỦA MÌNH

Richard Gaillardetz (1958-2023)

Theo nhà thần nghiệm nổi tiếng Gioan Thánh giá, chúng ta có ba cuộc đấu tranh thiết yếu trong cuộc sống: nắm lại trong tay đời sống mình, trao tặng cuộc sống và trao tặng cái chết.  Những gì trong hai cuộc đấu tranh đầu tiên thì rõ ràng.  Nhưng trao tặng cái chết của mình có nghĩa gì?

Về bản chất, điều này có nghĩa: Cách chúng ta chết để lại di sản, một tinh thần cụ thể có thể nuôi dưỡng hoặc ám ảnh người ở lại.  Nếu chúng ta chết trong cay đắng và tức giận, không hòa thuận với người thân yêu, với chính mình và với Chúa, chúng ta để lại một tinh thần độc hại hơn là nuôi dưỡng.  Ngược lại, nếu chúng ta chết trong hòa giải và hòa bình với người thân yêu, với thế giới và với Chúa, thì như Chúa Giêsu, chúng ta để lại một tinh thần nuôi dưỡng, sưởi ấm, an ủi, giúp người thân được bình an thiêng liêng.  Cách chúng ta chết tô màu cho di sản chúng ta, di sản đó có thể là món quà hoặc gánh nặng cho người thân

Ngày 23 tháng 11 năm 2023, Richard (Rick) Gaillardetz, thần học gia nổi tiếng qua đời vì ung thư tuyến tụy khi đang ở tuổi sung sức nhất.  Ông là người chồng, người cha, người ông, diễn giả tài ba, người bạn, người cố vấn đáng mến của nhiều người, người đam mê thể thao, người có tinh thần hài hước sống động.  Ông cũng là người có đức tin vững chắc thử thách trong những tháng ngày mắc bệnh nan y.

Khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư hơn một năm trước khi qua đời, các bác sĩ cho biết, đó là bệnh nan y và không có cách chữa trị; ông phải đối diện với sự thật tàn khốc: mình sẽ chết trong hai năm tới.  Ông đã đối diện với sự thật này.  Và khi làm như vậy, ông cố gắng (có những lúc rất đau đớn) để biến cái chết của mình thành món quà có ý nghĩa cho gia đình, cho thế giới.  Trong những tháng trước khi qua đời, ông viết blog chia sẻ về cảm giác khi biết mình sắp chết, với tình yêu và đức tin, dù đau đớn, ông chấp nhận buông bỏ cuộc sống, buông bỏ đấu tranh với những bản năng kháng cự mạnh mẽ nội tâm.

Những trang viết này được gom lại trong quyển sách Cho đến khi tôi còn thở, tôi hy vọng (While I Breathe I Hope – A Mystagogy of Dying, Grace Agolia biên tập).

Đây là một số cảm xúc và suy nghĩ của ông:

– Không như nhiều thánh trong truyền thống của chúng ta, tôi không chọn sự suy yếu này; với tôi, tôi bị thúc đẩy, bị mời gọi, tôi không muốn. Nhưng tôi thấy đây là lời mời gọi đến với một sự yếu đuối được ban ơn, lời kêu gọi từ bỏ sự tự tin sai chỗ vào sức mạnh và quyền tự chủ cơ thể tôi.

– Tôi cầu nguyện cho cả hai, ơn cho sự suy yếu và ơn của sự suy yếu.

– Một trong những con quỷ mà tôi phải đương đầu mỗi ngày là cái tôi quá mức, nó không ngừng kêu gào tôi phải được chú ý như một đứa trẻ than van, lấn át nhu cầu và mối quan tâm của người khác. Một trong những ân sủng bất ngờ của sự suy yếu xuất hiện khi tôi ra khỏi bản ngã tự nhiên, để khám phá một nội tâm chứa lòng trắc ẩn bị lãng quên nhiều trước đau khổ của người khác.

– Tôi phải thú nhận, đôi khi tôi quá lo cho tiến trình chết. Nó sẽ như thế nào?  Tôi sẽ xử lý thế nào khi các cơ quan bắt đầu suy yếu và khi cái chết thực sự bắt đầu?  Liệu bình an tôi cảm thấy hiện tại có giúp tôi vượt qua thời gian “khác biệt” đó không?…  Qua tất cả những chuyện này, điều tôi giữ vững nhất trong lòng là tin Chúa đã bao bọc tôi sâu đậm trong tình yêu của Ngài kể từ khi tôi bị bệnh, chắc chắn Chúa sẽ không bỏ rơi tôi trong những ngày giờ cuối cùng này.  Bây giờ tôi thuộc về nhóm người già yếu và bất lực.  Họ là những người của tôi, gia đình cuối cùng của tôi.

– Việc trao đi cái chết không chỉ là vấn đề chấp nhận sự ra đi không thể tránh khỏi về mặt thể xác; việc trao đi cái chết đòi hỏi tôi phải chấp nhận những kinh nghiệm thụ động khi chờ đợi, khi bị suy yếu, khi bị sống bên lề, như một giải thoát khỏi nô lệ cho thành tích cá nhân và khỏi tự phụ. Nếu tôi dành không gian thích hợp cho những trải nghiệm này, chúng sẽ đưa tôi ra khỏi bản ngã ích kỷ, mở rộng tâm hồn tôi.

Chúng sẽ làm cho tôi đồng cảm hơn với nỗi đau của người khác, khuyến khích tôi cầu nguyện cho họ khi họ đau khổ, khi họ trải qua cái chết sắp tới.  Đó chính là cách giúp tôi nhẹ nhàng đi đến cái chết và sự phục sinh.

– “Nhiệm vụ cuối cùng của tôi là trả lại cho Chúa cuộc sống mà Chúa đã ban cho tôi.”

Khi nói lời từ giã các môn đệ, Chúa Giêsu hứa khi Ngài rời khỏi chúng ta, Ngài sẽ để lại Thần Khí hòa bình của Ngài cho chúng ta.  Khi chúng ta ra đi, tất cả chúng ta đều để lại đằng sau mình một tinh thần tuy không nói ra nhưng ảnh hưởng đến người thân ở lại của chúng ta.  Nếu chúng ta chết trong hòa bình với Chúa, với người khác và với chính mình, thì như Chúa Giêsu, người thân của chúng ta dù đang đau buồn vì mất mát, sẽ cảm nhận trong sâu thẳm tâm hồn họ, họ được nuôi dưỡng, sưởi ấm và an ủi khi nghĩ về chúng ta.

An nghỉ trong Chúa, Rick Gaillardetz, anh để lại cho chúng tôi, gia đình, bạn bè, thế giới món quà hòa bình.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CHẾT ĐẾN NƠI MÀ VẪN LO DỌN DẸP SAO?

“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện chờ Chúa đến với chúng ta.”

Đêm 15.04.1912, tàu TITANIC đang chạy trên vùng Bắc Đại Tây Dương thì đụng vào một tảng băng, con tàu lâm nguy và bị đắm, hơn 1.500 người thiệt mạng.  Đó là một trong những tai nạn đường biển khủng khiếp nhất trong lịch sử từ trước tới nay.

Cách đây vài năm, có một tạp chí đã nhắc lại thảm họa này và nêu ra cho độc giả một câu hỏi nghe lạ tai mang đầy tính châm biếm: “Lúc tàu TITANIC đang chìm, nếu chúng ta có mặt ở đó, liệu chúng ta có còn tiếp tục dọn dẹp bàn ghế trên tàu không?”

Thọat tiên ai cũng tự nhủ: “Câu hỏi này mới khôi hài làm sao!”, vì ngay lúc còi hụ báo tàu đang chìm thì người có tâm trí bình thường; ai mà lo đi thu xếp bàn ghế?  Người có chút tỉnh táo thì ai lại có thể phớt lờ tiếng kêu la của đám người sắp chết đuối, để mải mê lo dọn dẹp bàn ghế!”

Tuy nhiên, cứ tiếp tục đọc bài báo đó, chúng ta sẽ hiểu được tại sao tác giả lại nêu lên câu hỏi kỳ quặc trên, để rồi đột nhiên chúng ta sẽ tự hỏi chính mình “Khi chiếc tàu đang chìm xuống như thế, biết đâu chừng mình lại tiếp tục dọn dẹp bàn ghế?  Chẳng hạn như mình vẫn cứ mải mê lo những chuyện vật chất đời này đến nỗi bỏ bê cả những việc thiêng liêng đạo đức của mình?  Hay mình cứ miệt mài kiếm sống đến nỗi chả còn đầu óc để chú ý đến cùng đích cuộc sống là gì nữa?  Hay mình đã quá đắm mình trong cuộc sống đến nỗi quên mất lý do tại sao Chúa đã trao ban cuộc sống ấy cho mình?

“Khi chiếc tàu đang chìm, liệu chúng ta có mải mê lo thu xếp đồ đạc trên tàu mà quên mất mình sắp chết đến nơi chăng?”  Câu hỏi đó trùng hợp một cách lạ lùng với câu hỏi mà Giáo Hội muốn nêu ra cho chúng ta trong Mùa Vọng này.  Cả ba bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay đều kêu gọi chúng ta tự vấn “Liệu chúng ta có tiếp tục mải mê thu xếp đồ đạc mà quên mất nguy hiểm là chiếc tàu đang chìm không?  Chúng ta có quá bận rộn với cuộc sống này đến nỗi quên rằng mục đích cuộc sống này là để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau không?”  Quả thế, trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu cảnh cáo chúng ta: “Các con đừng bê tha chè chén say sưa hay quá lo lắng sự đời,” nghĩa là Ngài khuyên chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện chờ Chúa đến.  Chủ đề này được lập đi lập lại trong Phúc âm dưới nhiều hình thức.  Chẳng hạn ở một đoạn Phúc âm khác, Chúa Giêsu nói: “Hãy coi chừng; hãy tỉnh táo: các con không biết được ngày giờ nào Con Người sẽ đến, vào giấc tối, nửa đêm, lúc gà gáy hay vào buổi sáng… điều Ta nói với các con cũng là điều Ta muốn nhắn nhủ mọi người đó là Hãy tỉnh thức” (Mc. 33, 35-36).

Như vậy rõ ràng Mùa Vọng mời gọi chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện để chờ đón Chúa đến.

Tôi xin đưa ra một ví dụ cụ thể để minh họa điều Chúa Giêsu muốn nói khi Ngài bảo chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện để chờ đón Chúa đến.

Cách đây mấy năm, tại Hollywood, có một tài tử điện ảnh đột nhiên ngã bệnh.  Sau khi khám bệnh cho anh, ông bác sĩ riêng của anh đã thẳng thắn nói cho chàng tài tử biết: “Tình trạng sức khoẻ của anh bi đát lắm: chúng tôi cần phải thực hiện một cuộc giải phẫu kéo dài 36 tiếng đồng hồ, may ra mới có thể cứu sống anh được.”  Về sau, chàng tài tử ấy đã thực sự thú nhận: “Trong 36 tiếng đồng hồ ấy, tôi đã học được nhiều điều hơn 36 năm trước đó của tôi, và tôi đã cảm nghiệm được.  Tôi khám phá ra rằng tôi chẳng hề sợ chết vì trước đó tôi có thói quen mỗi ngày cầu nguyện với Chúa Giêsu và bây giờ khi phút giây cam go xảy đến tôi cảm nhận được kết quả của lời cầu nguyện ấy.  Chính lúc đó tôi mới khám ra rằng nhờ những lời tâm sự, nói chuyện hàng ngày với Đức Giêsu trước đó, mà giữa Ngài và tôi chẳng xa lạ gì nhau, chúng tôi đã trở nên đôi bạn chí thân.”

Phúc cho ai nói lên được lời này khi Chúa đến: “Lạy Chúa, sau bao năm trung thành với việc tỉnh thức cầu nguyện, giờ đây con vui mừng được diện kiến Ngài.”  Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, đó chính là sứ điệp Giáo hội truyền dạy chúng ta trong Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng này.  Vậy, chúng ta hãy lo tỉnh thức cầu nguyện để khi Chúa Giêsu đến, Ngài sẽ nói với chúng ta:

“Hãy đến đây, hỡi các con yêu dấu của Ta.  Sau bao năm tháng xa cách, Ta thật hết sức vui mừng được gặp lại các con.”

Tôi xin kết thúc bài giảng hôm nay bằng lời cầu nguyện của một tác giả vô danh thuộc một trường dành cho dân da đỏ tên là Red Cloud (Hồng Vân) miền Pine Ridge tiểu bang South Dakota.  Tư tưởng của lời cầu nguyện này có liên quan đến chủ đề phụng vụ hôm nay là Hãy Tỉnh Thức và Cầu Nguyện:

“Kính lạy Thần Trí cao vời, hơi thở Ngài đem đến nguồn sống cho thế gian, con đang nghe tiếng Ngài thì thầm trong gió thổi.

Xin hãy lắng nghe con là kẻ bé mọn yếu hèn đang khấn cầu Ngài đây.

Xin cho con bước đi trên đường thiện mỹ, đôi mắt lúc nào cũng chiêm ngắm cảnh hoàng hôn màu tím, cho đôi tay con biết kính trọng mọi tạo vật của Ngài, và đôi tai con luôn nhạy bén nghe lời Ngài nói

Xin cho con ơn khôn ngoan để hiểu thấu những lời giáo huấn của Ngài, mà để con chế ngự kẻ thù hung hãn nhất là chính bản thân mình.

Xin cho con luôn sẵn sàng đến gặp Ngài với đôi tay thanh sạch và đôi mắt thẳng ngay và khi cuộc đời xế tàn tựa bóng hoàng hôn lịm tắt, tâm hồn con không phải hổ thẹn khi diện kiến Ngài.  Amen.”

Lm. Mark Link S.J.

SỐNG TÂM TÌNH BIẾT ƠN KHÁC VIỆC TỔ CHỨC MỪNG DỊP TẠ ƠN

Tư tưởng biết ơn, dâng lời tạ ơn và dâng lễ vật cảm tạ được lặp đi lặp lại trong Thánh Kinh nhiều lần, tất cả là 195 lần.  Tác giả Thánh vịnh 116 trong lời kinh tạ ơn có ghi lại: “Biết lấy gì đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho” (Tv 116:12).

Ngôn sứ Isaiah nhắc nhở cho dân chúng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những gì Người đã làm cho họ (Is 63:7).  Thánh Phaolô thì khuyên giáo hữu Côlôxê đối xử với nhau bằng tâm tình biết ơn lẫn nhau nên phải: “Có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại.  Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em, người này có điều gì phải trách móc người kia” (Cl 3: 12-13).  Còn trinh nữ Maria thì dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã làm những việc trọng đại nơi mình bằng cách ra đi phục vụ bà chị họ đang mang thai trong tuổi cao niên (Lc 1:39-44).  Khi còn tại thế, Ðức Giêsu cũng thường dạy các môn đệ sống tâm tình tạ ơn.  Khi ngồi vào bàn ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời cảm tạ (Mt 15:36; Mc 8:6; Ga 6:11).  Khi lập Bí tích Thánh thể trong bữa Tiệc Ly, Người cũng cầm bánh, dâng lời tạ ơn (Lc 22:19), rồi cầm chén rượu cũng dâng lời cảm tạ (Mt 26:27; Mc 14:23).

Đức Giêsu còn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha đã ban cho những người bé mọn được hiểu biết về màu nhiệm Nước Trời.  Còn những người khôn ngoan, thông thái lại không lãnh hội được.  Ðiều được tiết lộ cho những người này, thì lại bị giấu kín khỏi những người khác.

Vậy thì đâu là sự khác biệt và tại sao có sự khác biệt về sự khôn ngoan và thông thái với trí khôn loài người?  Việc Thiên Chúa bày tỏ cho loài người qua Thánh Kinh là kho tàng chung của nhân loại, nghĩa là ai cũng có thể mua cuốn Thánh Kinh để đọc lời Chúa, nếu có tiền.  Tuy nhiên chỉ có những người mở rộng tâm hồn, những người khiêm tốn trước quyền lực siêu nhiên, mới có thể lãnh hội được lời Chúa.

Ðó chính là ý nghĩa lời Chúa phán trong Phúc âm Thánh Mát-thêu: ‘Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan và thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn’ (Mt 11:25).

Chẳng thế mà văn hào Blaise Pascal mới đặt bút viết: “Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, không phải là Thiên Chúa của các triết gia, những nhà thông thái.”  Pascal là nhà thông thái, nhà toán học, nhà vật lí học, nhà tranh luận và triết gia, mà đã nói lên điều đó.  Sinh năm 1662 tại Pháp quốc, Ông mồ côi mẹ lúc 3 tuổi.  Thân phụ là nhà toán học nổi tiếng, đích thân nuôi dạy Pascal và hai em, đem các con về Balê khi Blaise được 8 tuổi.  Khi chứng kiến phép lạ cháu gái Marguerite Périer, 10 tuổi được chữa lành khỏi bệnh chảy nước mắt, Ông biên soạn tác phẩm Pensées, nói lên đức tin của mình: “Scio cui credidi” (Tôi biết tôi đặt niềm tin vào Đấng Cứu thế), một tác phẩm được coi là một trong những kiệt tác của văn học Pháp.  Từ năm 18 tuổi, ông bị bệnh đau đầu thường xuyên.  Lúc 24 tuổi, ông bị liệt phải chống gậy.  Sinh thời, Ông tự nguyện sống khổ hạnh.  Câu nói để đời của Ông thường được trích dẫn là: “Con tim có những lí lẽ riêng của nó mà lí trí không hiểu được” (Le coeur a ses raisons que la raison ne comprends pas – The heart has its arguments that reason does not understand).

Trước khi nhắm mắt lìa đời vào tuổi 39, Ông xin được xức dầu thánh và cầu nguyện: “Con xin Chúa đừng bao giờ bỏ con.”  Đời sống thiêng liêng và trí thức của Paschal được nhiều vị giáo hoàng thán phục.  Ngày 08 Tháng 07, 2017, Giáo hoàng Phanxicô chấp thuận tiến hành án phong chân phước cho triết gia Blaise Pascal.

Vậy có phải Thiên Chúa giấu giếm, không cho bậc khôn ngoan, thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời không?  Nếu Chúa xử với bậc khôn ngoan và thông thái như vậy thì có vẻ Chúa không công bằng với họ vì chính Chúa đã tạo dựng nên người khôn ngoan và thông thái.  Và nếu như vậy thì kể là cũng tội nghiệp cho họ.

Thực ra thì Thiên Chúa bầy tỏ cho tất cả mọi người về màu nhiệm Nước Trời, nhưng chỉ có những người khiêm tốn và mở rộng tâm hồn để đón nhận sự thật và quyền năng siêu việt mới lãnh hội được mà thôi.

Chúa tạo dựng con người, nhưng Chúa ban cho con người ý chí tự do lựa chọn.  Những người khôn ngoan và thông thái mà cậy mình kiêu ngạo, thường không muốn tuỳ thuộc vào Chúa.  Khi người ta không muốn tuỳ thuộc vào Chúa là chính lúc mà mầu nhiệm Nước Trời bị cất giấu khỏi họ.

Khi mà tâm trí người ta đầy ắp những thứ mà người ta cho là của mình, thì những gì thuộc thiên giới không còn chỗ mà vào.  Còn những người khôn ngoan và thông thái mà có lòng khiêm tốn và mở rộng tâm hồn thì vẫn có thể tìm đến Chúa để tiếp nhận màu nhiệm Nước Trời.  Họ là những người to lớn về trí tuệ, mà lại bé mọn về tâm hồn.  Bé mọn theo nghĩa Thánh Kinh là đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác vào Chúa.

Tâm tình tạ ơn nảy sinh từ tâm tình đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác

Tâm tình đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác vào Chúa sẽ nảy sinh ra tâm tình biết ơn / cảm tạ. Tạ ơn nói lên nhu cầu thiếu thốn, nên muốn tuỳ thuộc vào Chúa.  Đó là tâm tình của người: “Uống nước nhớ nguồn” hoặc “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.”  Ðể có thể đến với Chúa và đặt niềm tin cậy vào Người như trẻ nhỏ phó thác vào cha mẹ, người ta cần có những đức tính của trẻ nhỏ như: đơn sơ, tuỳ thuộc và phó thác.  Khi lớn lên với những của cải giàu sang, với sự hiểu biết sâu rộng và quyền hành to lớn, người ta có hai lựa chọn: hoặc là người ta bớt tùy thuộc vào Chúa, không còn muốn tuỳ thuộc vào Chúa.  Hoặc người ta vẫn muốn tuỳ thuộc vào Chúa, tuỳ theo mức độ người ta gắn bó với của cải, quyền thế hoặc tài trí.  Tâm tình tạ ơn được biểu lộ trên nét mặt, trong thái độ và cử chỉ của người nhận ơn đối với Đấng ban ơn và người làm ơn.

Một tâm hồn kiêu căng, tự phụ không thể có được tâm hồn biết ơn / cảm tạ.  Tâm tình biết ơn bắt đầu bằng việc biết ơn về những ơn huệ nhỏ, rồi đến ân huệ lớn, chứ không phải chỉ biết ơn về những ơn huệ lớn nhận được, còn những ơn huệ, những tài năng, những của cải nhỏ bé nhận được, người ta lại coi thường hoặc bất mãn.  Khi người ta biết ơn Chúa về sự vật hay ân huệ gì: lớn hoặc nhỏ, người ta muốn nhớ đến Chúa, muốn tuỳ thuộc vào Chúa.

Tâm tình tạ ơn kéo dài suốt cả ngày sống và cuộc sống

Tâm tình tạ ơn là một tâm thức người ta phải có trong suốt cả ngày sống và cuộc sống, ngày cũng như đêm, nghĩa là 24/24 giờ mỗi ngày.  Như vậy tâm tình tạ ơn là một tâm thức luôn có trong tâm khảm của mỗi người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống như khi thức giấc, khi làm việc, khi giải trí, khi ăn, khi ngủ trong suốt cả đời sống.  Còn hành động tạ ơn như lời cám ơn, việc làm tỏ lòng biết ơn chỉ có vào lúc nào đó trong đời.

Nếu có ai hỏi khi ngủ làm sao mà sống tâm tình tạ ơn.  Câu trả lời là khi có tâm tình tạ ơn, người ta sẽ ngủ dưới sự hiện diện của Chúa và dưới sự che chở của thiên thần Chúa.  Như vậy tâm tình tạ ơn sẽ thể hiện ra trong tâm tư, trong ước muốn, trong lời nói, việc làm, việc ăn, việc ngủ – ăn ngủ dưới sự hiện diện và trong tâm tình tạ ơn Chúa.

Mỗi người có nhiều lí do để tạ ơn.  Những ơn mà người ta nhận được cách chung như là ơn được sinh ra làm người, ơn có nhà ở, việc làm, có cơm ăn áo mặc, ơn được cắp sách đến trường học, ơn được có công ăn việc làm, ơn được nhận lãnh đức tin.  Mỗi người còn nhận được những ân huệ và tài năng khác nhau nữa như tài nói năng hoạt bát, làm thơ bay bướm, đàn ca hát hay, có năng khiếu về văn chương, nghệ thuật, khoa học, âm nhạc, thể thao.  Tài năng và ân huệ Thiên Chúa ban phải được phát triển và được dùng để phụng sự Chúa và phục vụ đồng loại.

Tâm tình tạ ơn là một tâm thức về thân phận yếu hèn, mỏng dòn và tội lỗi của mình mà được Chúa thương ban ơn tha thứ.  Như vậy, người có tâm tình tạ ơn thì nảy sinh ra tâm tình sám hối và tạ tội, khi nhận thức về tội lỗi được thứ tha.  Sau những năm tháng chống trả với những cám dỗ, người có tâm tình tạ ơn có thể hỏi sao Chúa dẫn đưa mình từng bước qua những chặng đường gập ghềnh và chông gai của cuộc sống, qua những cơn mây đen bao phủ tâm trí, những giằng co giữa lí trí và con tim để có được ngày hôm nay.  Người có tâm thức tạ ơn thường tự hỏi sao mình thua kém bạn bè cùng lứa tuổi về nhiều phương diện trong cuộc sống như trí tuệ, tài năng, phương tiện và gia cảnh, mà bây giờ mình được may mắn hơn họ?  Người có tâm thức tạ ơn cũng thường tâm niệm sao Chúa bảo vệ, gìn giữ và cứu sống mình qua những cạm bẫy, hiểm nguy của cuộc sống?

Để áp dụng thực hành thì trong ngày sống, người có tâm tình tạ ơn phải dâng lên Thiên Chúa những lời cảm tạ, những cử chỉ tạ ơn về những hồng ân, những ơn huệ nhận được.  Chẳng hạn tạ ơn Chúa cho một ngày đẹp trời, có nắng ấm dưới bầu trời xanh biếc với những vầng mây trắng điểm tô, thêm gió hiu hiu thổi nhè nhẹ và tiếng chim hót véo von.  Tạ ơn Chúa cho một giấc ngủ yên lòng, khiến tâm thần được thanh thản.  Cảm tạ Chúa cho một bữa ăn ngon lành.  Có những người không dám cảm tạ Chúa cho bữa ăn ngon, sợ làm như vậy là mất nhân đức hi sinh hãm mình.

Ði du lịch sang Mỹ, người ta thường nghe thấy hai tiếng cám ơn và xin lỗi trên cửa miệng người bản xứ.  Một lời khen họ về bất cứ chuyện gì, họ cũng cám ơn.  Sơ ý đụng chạm vào mình, họ cũng xin lỗi. Có lẽ năng cám ơn nhau, cũng phải nhắc nhở cho người ta đừng quên cám ơn Chúa.  Khi Đức Giêsu chữa mười người phong cùi, mà chỉ có một người trở lại cám ơn, mà người đó lại là người ngoại bang, thì Chúa mới hỏi: “Còn chín người kia đâu?” (Lk 17:18).  Có lẽ chín người không trở lại tạ ơn Chúa vì họ coi việc Chúa chữa lành cho họ, là bổn phận Chúa phải làm cho họ vì họ là dân được chọn chăng?

Thánh lễ theo nguyên tự Hi Lạp Eucharistos có nghĩa là tạ ơn.  Người tín hữu thời Giáo hội sơ khai khi đi dâng lễ, họ mang trong tâm tư ý niệm và tâm tình tạ ơn.  Ðối với người tín hữu, đến nhà thờ dâng lễ là cách thế tốt nhất để bầy tỏ tâm tình tạ ơn.  Vậy tạ ơn Thiên Chúa mà không đến nhà thờ dâng thánh lễ tạ ơn là một thiếu sót lớn, làm mất đi nhiều ý nghĩa của ngày lễ Tạ ơn vậy.

Tâm tình tạ ơn loại trừ lòng ghen tuông, bất mãn và oán hận

Thường khi gặp những rủi ro, bệnh tật, đau khổ, bất hạnh, người ta hay bất mãn, than trách Trời, Phật và Chúa.  Khi thấy người khác có những sự vật và tài năng mà người ta không có, người ta thường nảy sinh lòng ghen tuông, phân bì.  Những lời lẽ hoặc thái độ phàn nàn, than trách, phân bì, ghen tuông làm cho mắt người ta bị che đậy lại, không nhìn thấy những chiều sáng của cuộc đời.  Kết quả là người ta nảy sinh ra thái độ tiêu cực như: hận đời và còn hận cả đấng Hóa Công như: “Hóa Công sao khéo trêu ngươi” (Cung Oán Ngâm Khúc) hoặc “Phũ phàng chi bấy Hóa Công” (Thuý Kiều).  Khi người ta nhận ra được rằng càng phàn nàn, than trách, càng làm cho người ta khổ thêm, khiến người ta phải suy nghĩ và xét lại.  Từ đó có thể là khởi điểm cho cuộc hành trình thay đổi cách nhìn đời.

Với con mắt đức tin, những gì xem ra bề ngoài là rủi ro, thua thiệt, đau khổ có thể mang lại lợi ích cho người ta về đường dài hay về đời sống tinh thần và thiêng liêng.  Người có được tâm tình tạ ơn thì nhận thức được rằng Thiên Chúa ban cho ai những nén bạc nào và tới mức độ nào, là quyền tự do của Chúa.  Người nhận được nhiều nén bạc thì phải sinh lợi ra nhiều hơn (Mt 25:20-23) để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ đồng loại.

Chỉ khi nào sống trong tâm tình biết ơn, người ta mới nhìn thấy những chiều sáng của cuộc đời.  Nếu nhìn quanh, người ta thấy còn biết bao người nghèo đói, thiệt thòi, đau khổ về phần xác và tinh thần.  Như vậy phải chăng người ta còn được may mắn hơn nhiều người khác gấp bội.  Khi tỏ ra biết ơn đối với những ân huệ nhận được nơi Thiên Chúa, người ta cũng sửa soạn cho mình đón nhận thêm hồng ân của Chúa.

Tâm tình tạ ơn biểu lộ ra bằng việc giúp đỡ, chia sẻ và tha thứ

Tâm tình tạ ơn được biểu lộ ra bằng việc giúp đỡ và chia sẻ: chia sẻ tiền bạc, cuả cải và tài năng.  Tâm tình tạ ơn cũng được biểu lộ ra bằng việc tha thứ cho người xúc phạm đến mình.  Có người đầy tớ kia nợ ông chủ món nợ khổng lồ, mà không trả được, nên van xin ông chủ cho hoãn trả.  Động lòng thương, ông chủ tha luôn món nợ.  Tuy nhiên, người đầy tớ này lại không chịu tha thứ cho người bạn, chỉ nợ anh ta số nợ nhỏ, lại còn tống giam người đầy tớ vào ngục tù.  Khi câu truyện được trình bày cho ông chủ, người đầy tớ liền bị tống vào ngục tù cho tới khi anh ta trả hết nợ (Mt 18: 24-34).  Đức Giê-su dùng cơ hội này để kêu gọi loài người phải thương xót và tha thứ cho nhau như là cơ hội để người ta học bài học của người đầy tớ không chịu tha thứ.

Tâm tình tạ ơn còn được biểu lộ bằng việc bỏ qua những lỗi lầm của người khác đã xúc phạm đến mình trong tư tưởng, lời nói và việc làm trong đời sống hằng ngày.  Nói lời tạ ơn thôi có thể chỉ là bôi bác bề ngoài, nếu lời cảm tạ không phát xuất tự đáy lòng hoặc không có việc làm đi theo.  Lời cám ơn sẽ trở thành hiện thực khi người ta biết đem ra thực hành bằng cách chia sẻ những hồng ân Thiên Chúa ban tặng với người thiếu thốn.

Trên một chuyến bay chở hàng giám mục Hoa Kì sang La Mã họp Công Ðồng Vaticanô II, tổng Giám mục Fulton Sheen, một nhà giảng thuyết hùng biện và cự phách trên truyền hình Mỹ, thấy một chiêu đãi viên trẻ đẹp, bèn ghé vào tai cô hỏi có bao giờ cô đã tạ ơn Chúa về sắc đẹp mà Thiên Chúa ban chưa?  Sau đó cô đến xin ý kiến tổng Giám mục Sheen xem cô nên làm gì để tạ ơn.  Bất chợt không sửa soạn đề nghị cách thế cảm tạ thế nào cho cô, mà lại vừa đọc báo, nghe tin Ðức Cha Cassaigne, Tổng Giám mục Sàigòn xin từ chức để phục vụ người phong cùi tại Di Linh, Ðức Cha Sheen mới đề nghị cô nên sang Việt Nam giúp Đức Cha Cassaigne  phục vụ người cùi ở đây một thời gian để làm dịu bớt những đau khổ và buồn tủi của người xấu số.  Thất vọng về lời đề nghị, cô quay ngoắt ra về mà không thèm chào.  Ðến năm 1963, báo chí Sàigòn loan tin về một chiêu đãi viên trẻ đẹp, hãng máy bay PANAM Mỹ, tình nguyện sang phục vụ người phong cùi ở trại Di Linh sáu tháng.  Nghe tin khi trở về Mỹ, cô này xin vào dòng tu làm “Ma Sơ”, mà cho tới lúc này, tác giả chưa kiểm chứng được.

Tâm tình tạ ơn khác việc tổ chức mừng lễ tạ ơn vào dịp này nọ.

Như đã bàn ở trên, tâm tình tạ ơn kéo dài suốt cả cuộc sống.  Còn việc tổ chức mừng lễ tạ ơn vào dịp kỷ niệm nọ kia chỉ có tính cách giai đoạn, chỉ kéo dài một vài giờ hoặc mấy ngày như mừng sinh nhật, mừng lễ ngân khánh, kim khánh linh mục, ngân khánh, kim khánh thành hôn, khấn hứa hoặc thành lập giáo xứ hoặc được thăng chức này nọ.

Việc tổ chức mừng lễ kỷ niệm tạ ơn vào dịp nọ kia có thể được làm vì theo thói quen xã hội.  Người ta có thể tổ chức mừng lễ kỷ niệm, dâng lời tạ ơn vào dịp nọ kia, mà không thực sự có tâm tình biết ơn và cảm tạ.  Nếu người ta coi những sự vật, của cải, tài năng mình có, là chuyện ngẫu nhiên, họ cũng không thể có được tâm tình biết ơn.  Còn tâm tình tạ ơn phát xuất tự thâm tâm mình đối với Đấng Tạo Dựng và điều hành vận mạng đời mình.

Như vậy việc tổ chức mừng lễ tạ ơn và dâng lễ cảm tạ vào dịp này nọ, thường xuyên hay hằng năm với bằng phép lành xin mãi từ Toà Thánh của Đức Thánh mà thiếu tâm tình tạ ơn, và không sống theo ý Chúa thì không biết có làm đẹp lòng Chúa không?

Ngoài ra tổ chức lễ tạ ơn mà nhắm để kiếm một số tiền mừng hoặc để khoe khoang về phương diện nào đó của cá nhân hay gia đình, thì đã áp dụng sai ý nghĩa của việc tạ ơn.

Có được tâm tình tạ ơn đối với Thiên Chúa mà không có khả năng biểu lộ tác động tạ ơn bằng cách đền ơn Chúa bằng việc giúp đỡ người thiếu thốn, đói khát, khổ sở thì Chúa cũng hiểu cho.  Còn nếu không có tâm tình tạ ơn mà tổ chức mừng lễ tạ ơn vào dịp nọ kia, thì đó chỉ vì làm theo thói quen, theo phong tục xã hội mà thôi.

Có lời Chúa trong Thánh Vịnh dạy rằng: “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con. Này con xin đến để làm theo ý Chúa và ấp ủ luật Chúa trong lòng” (Tv 40: 7-9). Lời Thánh Vịnh khác còn dạy: “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm hồn đổ vỡ, một tấm lòng đổ vỡ, ăn năn, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 51:18-19).

Lm Trần Bình Trọng

TẤM LÒNG THANH

Mừng Chư Thánh Hiển Vinh Nơi Thiên Quốc
Xót Các Hồn Thanh Luyện Chốn Ngục Hình

Theo lẽ thường thì “xa mặt, cách lòng.”  Hầu như các mối quan hệ đều có “điểm chung” như vậy.  Chẳng hạn, họ hàng cùng cấp độ, nhưng với người ở gần thì mức độ tình cảm khác với người ở xa.  Tuy nhiên, về phương diện tâm linh không như vậy, đặc biệt là tâm linh Kitô giáo.

Thật vậy, Tháng Mười Một xác định cái “lý lẽ” đó: Các thánh và những người đã qua đời là những người ở rất xa, thế mà họ vẫn rất gần chúng ta – thậm chí còn gần hơn khi họ còn sống trên thế gian này.

Họ ở hai nơi khác nhau như họ đều là các thánh nhân, chỉ khác tình trạng một chút: ĐÃ sạch và CHƯA sạch, ĐÃ là thánh và chắc chắn SẼ là thánh.  Cầu nguyện với các thánh là điều rõ ràng rồi, nhưng chúng ta vẫn có thể cầu xin các linh hồn giúp đỡ chúng ta, mặc dù họ không thể tự giúp chính họ được nữa.  Cầu nguyện với các linh hồn hiệu quả lắm – nhất là trong Mùa Cầu Hồn này.

1. THANH SẠCH

Các thánh trên Thiên Đàng là những người đã thanh sạch.  Chắc chắn như vậy, bởi vì không thanh sạch thì không thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa và không được đến gần Ngài.

Tv 24:3-6 cho biết: “Ai được lên núi Chúa?  Ai được ở trong đền thánh của Người?  Đó là kẻ TAY SẠCH LÒNG THANH, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.  Người ấy sẽ được Chúa ban phúc lành, được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.  Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người, tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.”  Người sống thanh sạch là người được công chính hóa, và còn thêm ích lợi khác: “Kẻ tay sạch lòng thanh sẽ được thêm sức mạnh.” (G 17:9b)

Nói đến lòng thanh sạch, chúng ta có thể nhớ ngay tới người trưởng thu thuế là ông Da-kêu mà trình thuật Lc 19:1-10 đề cập.  Ông là một người lạ lùng lắm.  Tên Da-kêu là Zacchaeus, Hy ngữ là Ζακχαῖος hoặc Zakchaios, có nghĩa là TRONG SẠCH và CÔNG CHÍNH.  Cái tên rất đặc biệt, rất ý nghĩa.  Nhưng không chỉ là cái tên suông, mà chính ông đã thực hiện ngay lập tức.  Ông nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”  Câu nói của ông cho thấy rằng ông làm một lúc hai việc: Bác Ái và Đền Tội.  Ông bác ái bằng cách dùng phân nửa tài sản để giúp người nghèo, và đền tội bằng cách đền gấp bốn những gì ông đã tham lam bằng cách nào đó.

Các thánh cũng đã một thời là phàm nhân, nghĩa là cũng có thể phạm tội, nhưng các ngài đã mau mắn sám hối và đền tội.  Ngày xưa người ta có cách “đánh tội” khá phổ biến, tức là lấy dây và tự đánh mình, có khi rỉ máu ra, đã có nhiều vị thánh áp dụng “biện pháp” này.  Chịu đau khổ là cách đền tội ở đời này và hiệu quả, chịu đau khổ như vậy để mong không phải vào Luyện Hình – tức là “lên thẳng” và vào Thiên Đàng ngay.

Là phàm nhân đồng nghĩa với là tội nhân.  Là tội nhân nghĩa là “dơ bẩn” lắm.  Nếu dơ bẩn thì phải giặt cho sạch, tốt nhất là “giặt” bằng Bửu Huyết của Đức Giêsu Kitô.  Các thánh là những người “đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.” (Kh 7:14)  Và đó là điều diễm phúc: “Phúc thay những kẻ giặt sạch áo mình, để được quyền hưởng dùng cây Sự Sống và qua cửa mà vào Thành!” (Kh 22:14)

Đền tội là điều tự nguyện, nhưng vẫn phải nhờ ơn Chúa giúp sức: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.” (Tv 51:12)  Đền tội là hoàn thiện theo ý Chúa, không cần bề ngoài, mà cần tự đáy lòng: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.” (Tv 51:19)  Thế là hết bẩn, thế là được sạch, được sạch thì thoát “ngưỡng” Luyện Hình.  Thật tuyệt vời biết bao!

2. THANH LUYỆN

Các linh hồn nơi Luyện Hình là những người chưa thanh sạch, vì thế mà cần thanh luyện một thời gian để có thể xứng đáng bước vào Thiên Đàng.  Luyện Hình như “phòng chờ” đến lượt nhận phần thưởng đời đời.  Ở “phòng chờ” lâu hay mau tùy mức độ “dơ bẩn” nhiều hay ít.  Vào Luyện Hình là chắc chắn được vào Thiên Đàng.

Luyện Hình còn gọi là Luyện Ngục – nơi thanh tẩy linh hồn trở nên sạch sẽ, thanh luyện tới mức tinh tuyền.  Chính cái tên gọi cho thấy đó là nơi đau khổ.  Nên nhớ rằng hình phạt ở Luyện Hình cũng đau khổ như ở Hỏa Ngục, không hề “nhẹ nhàng” hơn.  Có điều khác nhau là đau khổ ở Luyện Hình có giới hạn, linh hồn chịu thanh luyện đủ mức thì được lên Thiên Đàng; còn đau khổ ở Hỏa Ngục vô hạn, “mất trắng” đời đời, phải “khóc lóc và nghiến răng” vĩnh viễn.  Lửa ở hai nơi đó không như lửa ở thế gian; so với lửa ở hai nơi đó thì lửa ở thế gian chỉ như “gió nhẹ hiu hiu” mà thôi.  Thật đáng sợ!  Thế nên Thánh Phaolô nhắc nhở: “Hãy biết RUN SỢ mà GẮNG SỨC lo sao cho mình được cứu độ.” (Pl 2:12)

Gọi là hình phạt nhưng không phải là Thiên Chúa không nhân từ, mà đó là hồng ân thương xót của Ngài.  Chính hình phạt đó là sự công bằng của Thiên Chúa, bởi vì tại chúng ta chiều chuộng mình, thích dễ dãi, khoái ung dung, sợ khó, sợ khổ, không chịu “tu thân” ở đời này, thế nên phải chịu thanh luyện ở Luyện Hình.  Phải vào Luyện Hình cũng là diễm phúc rồi.  Không phải vào đó thì quá tuyệt vời rồi. nhưng làm sao có thể “lên thẳng” chứ?  Cố gắng thanh luyện mình ở đời này, tức là sống đền tội ở thế gian.  Nhưng “phương pháp” tự thanh luyện ở đời này là gì?  Thánh Phêrô cho biết: “Nhờ VÂNG PHỤC sự thật, anh em đã THANH LUYỆN tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành.” (1 Pr 1:22a)

Chấp nhận sự hèn yếu của mình cũng là cách tự thanh luyện – đền tội liên lỉ, đền tội bền bỉ, đền tội không nghỉ.  Thánh Phaolô nói: “Trong một ngôi nhà lớn, không phải chỉ có những đồ vật bằng vàng bằng bạc, nhưng cũng có những đồ vật bằng gỗ bằng sành; thứ thì dùng vào việc cao quý, thứ thì dùng vào việc thấp hèn.  Vậy ai THANH TẨY mình cho sạch những điều xấu nói trên, người đó sẽ là một đồ vật dùng vào việc cao quý, một đồ vật được thánh hiến, có ích cho chủ, sẵn sàng làm mọi việc lành.” (2 Tm 2:20-21)

Không phải vào Luyện Hình có thể là phúc hoặc khốn.  Có thể “vào thẳng” nơi nào đó: Không phải vào Luyện Hình là PHÚC nếu vào thẳng Thiên Đàng, không phải vào Luyện Hình là KHỐN nếu vào thẳng Hỏa Ngục.  Những kẻ khốn là ai?  Thánh Phaolô nói: “Anh em phải biết rõ điều này: KHÔNG một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào – mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng – được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa.  Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh em, chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống những kẻ KHÔNG VÂNG PHỤC.” (Ep 5:5-6)

Thánh Antôn Padua, tiến sĩ Phúc Âm, có lời khuyên cấp bách: “Ngay hôm nay, anh em hãy làm một việc tốt cho người mà anh em không ưa.”  Đó là thiện cử rất phù hợp với khuyến cáo của Chúa Giêsu Kitô: “Hãy yêu kẻ thù cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em, và làm ơn cho kẻ ghét anh em.” (Mt 5:44; Lc 6:27)  Đó không chỉ là sống yêu thương, thi hành luật bác ái, mà còn là cách tự thanh luyện ở đời này để hy vọng không phải vào Luyện Hình – dù chỉ một thoáng.

Chúa Giêsu yêu thương mọi người, muốn ai cũng được ở với Ngài đời đời kiếp kiếp.  Thật vậy, chính Ngài đã cầu xin với Thánh Phụ: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.” (Ga 17:24)

Tháng Mười Một – Tháng Cầu Hồn, và các ngày Thứ Hai trong tuần, là cơ hội tốt để chúng ta nhớ đến những người đã khuất bóng trần gian.  Cầu nguyện cho họ cũng là cầu nguyện cho chính mình.  Khi hiện ra tại Fátima năm 1917, Đức Mẹ dạy cầu nguyện cho các linh hồn: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hoả ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.” (Lời Nguyện Mân Côi sau mỗi chục Kinh Kính Mừng) Không có linh hồn nào mồ côi đâu!

Lạy Thiên Chúa công bình như giàu lòng thương xót, con đã phạm bao nhiêu tội lỗi, bao nhiêu lần con đã phản nghịch, đã đắc tội với Ngài, xin cho con được biết.  (G 13:23) Xin thêm các nhân đức đối thần và đối nhân để con có thể tôn vinh Ngài trong cuộc sống đời thường, mặc dù con hèn hạ với thân tro kiếp bụi.  Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.  Amen.

Trầm Thiên Thu

NƯỚC CỦA TÔI

Trước toà án Philatô, Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật.”  Sự thật mà Ngài tuyên bố là ý định cứu rỗi của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài đến để cứu độ thế gian.”  Vương quốc của Vua Giêsu là vương quốc của sự thật và “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Tôi.”

Nhiều lần Đức Giêsu đã khước từ làm vua theo kiểu trần thế.  Vương quốc trần gian do con người thiết lập bằng sức mạnh, thường đem lại giàu sang và vinh quang.  Đức Giêsu từ chối loại vương quốc huy hoàng do Satan đề nghị: Nếu ông quỳ gối thờ lạy tôi, tôi sẽ cho ông mọi vương quốc làm sản nghiệp.  Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều “dân Do thái muốn tôn Đức Giêsu làm vua, nhưng Ngài trốn lên núi.”  Khi trả lời cho những kẻ gài bẫy: “chúng tôi có phải nộp thuế cho Xêza không?”, Đức Giêsu đáp: “của Xêza hãy trả cho Xêza, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.”  Đặc biệt trong phiên toà xét xử, Philatô hỏi Đức Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”, Đức Giêsu đã tuyên bố “Tôi là Vua,” nhưng Ngài xác định: “Nước tôi không thuộc về thế gian này.”

Nước tôi: Chúa Giêsu xác định, Ngài là Vua, vì có một Nước để Ngài thống trị; cho nên Ngài mới nói: Nước tôi, nghĩa là Nước của tôi.  Vậy, Nước của tôi là nước nào?

1. Đó là Nước của Sự Thật

Nước của trần gian là nước của chính trị.  Mà chính trị nào lại không có thủ đoạn và lừa đảo.  Nhìn chung, các vua trần gian thì tham lam, ích kỷ, dâm ô.  Khi đã chiếm được ngai vàng, họ coi thần dân như bầy tôi, giang sơn đất nước là tài sản riêng của họ: “Thần dân của trẫm.  Giang sơn của trẫm.”  Nghi ngờ kẻ nào có ý phản loạn thì giết ngay tức khắc và còn tru di cả tam tộc cửu tộc nữa.  Nếu muốn đổi triều đại, phải chiến tranh giành giật đẫm máu.  Đọc lịch sử Việt Nam, mỗi thay đổi triều vua từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê… toàn là máu và nước mắt.  Đến đời Nguyễn Ánh tự xưng là Gia Long hoàng đế, làm vua từ năm 1802, cha truyền con nối kéo dài hơn 100 năm.  Năm 1945, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại thoái vị…

Nước của Vua Giêsu là Nước sự thật thuộc thế giới niềm tin, thế giới tâm linh trong tâm hồn con người.  Nước sự thật đó hoàn toàn khác biệt với đế quốc của Xêza hay bất cứ đế quốc nào, chủ nghĩa nào.  Nuớc của Xêza chỉ cai trị thể xác loài người, còn Nước sự thật chiếm trọn lòng người.  Thế lực của Xêza là quân đội, khí giới, nhà tù.  Sức mạnh Nước sự thật là niềm tin yêu thương tha thứ.  Dù rộng lớn, đế quốc Xêza cũng bị giới hạn, còn Nước sự thật vô biên, được thiết lập mọi nơi.  Các triều đại phong kiến, các thể chế chính trị cũng đã và đang chấm dứt trong dòng thời gian như đế quốc của Xêza, chỉ còn vương quốc sự thật và niềm tin là tồn tại muôn đời.

Chính niềm tin tôn giáo dạy chúng ta rằng: mục đích tối thượng của các tôn giáo là hướng con người đến chân thiện mỹ.  Qua không gian thời gian, trải qua bể dâu của lịch sử với những thao thức băn khoăn của kiếp người, con người luôn luôn tìm đến niềm tin tôn giáo.  Con người tiếp nhận sự sống từ chính nguồn sống là Thiên Chúa như trái đất nhận lãnh ánh sáng từ mặt trời.  Thiếu ánh sáng mặt trời thì không có sự sống trên trái đất.  Cũng thế, không có Thiên Chúa thì không thể có sự sống.  Thiên Chúa thông ban sự sống cho con người vì Thiên Chúa yêu thương con người.  Thiên Chúa yêu thương mọi người ngay cả những ai chối bỏ và thù ghét Ngài.  Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa.   Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch, mỗi con người đều là hình ảnh Thiên Chúa.  Chỉ xuyên qua niềm tin và tình thương con người mới đến được với Thiên Chúa.  Với sức mạnh niềm tin, chúng ta khẳng định rằng: trên vạn nẻo đường của cuộc đời mỗi người, bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu Thiên Chúa luôn có mặt để hướng dẫn nâng đỡ chúng ta.  Sống cho hạnh phúc của tha nhân, đó là sự thật mà mỗi thần dân sống trong Nước sự thật  của Vua Giêsu được mời gọi thể hiện mỗi ngày.

2. Đó là Nước của Tình Yêu

Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu.  Chính tình yêu là sức mạnh của nước Ngài thiết lập.  Đức Kitô là vua, nhưng lại rất khác với các vua trần thế ở chỗ: để cai trị, các vua thế gian dùng quyền lực, còn Ngài dùng tình thương.  Ngài yêu thương mọi người, như người mục tử tốt lành yêu thương chăn dắt đoàn chiên, biết rõ từng con chiên một, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì lợi ích của chiên (Ga 10,11-16).  Luật pháp trong nước của Ngài là sống trong Tình Yêu.  Một Tình Yêu trọn vẹn theo chiều dọc là Thiên Chúa.  Một Tình Yêu chan hòa theo chiều ngang đối với đồng loại của mình.

“Khi một mình đối diện với những ghen ghét thù hận của đám đông, Đức Giêsu muốn dạy ta biết Thiên Chúa là tình yêu.  Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa trên trần gian.  Vì yêu thương mà Ngài đã xuống trần gian.  Ngài đã yêu thương cho đến chết vì yêu.  Đó là tình yêu lớn lao nhất như lời Ngài nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu.”  Dù những thù hận vây bọc, nhưng Đức Giêsu vẫn yêu thương.  Hôm nay đơn thân độc mã trong vòng vây của hận thù, Đức Giêsu vẫn xưng vương để cho ta thấy: tình yêu thương đã chiến thắng.  Hận thù đem lại chết chóc, chỉ có tình yêu thương mới cứu được thế giới.  Đức Giêsu đã chiến thắng.  Ngài là Đấng đầu tiên từ trong kẻ chết sống lại.  Với chiến thắng, Đức Giêsu mở cửa nước của Ngài.  Đó là nước của Sự Thật.  Chỉ những ai thuộc về sự thật mới được vào.  Và những ai thuộc về sự thật phải biết chiến thắng sự giả trá.  Sự giả trá đó là sự chết, đó là những vinh hoa phú quý trần gian và đó là lòng thù hận ghen ghét.  Hiểu biết sự thật, đập tan sự dối trá, ta mới tiến vào Nước Sự Sống theo bước Đức Giêsu Kitô.  Với chiến thắng Ngài thật sự là Đường dẫn đến Sự Thật và Sự Sống muôn đời.” (ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt).

Trong bài đọc 2, Thánh Gioan xác tín: “Đức Giêsu Kitô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho anh em ân sủng và bình an.  Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1,5-6).  Thánh Phaolô cũng xác định: “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).  Vua Giêsu đã thi hành vương quyền bằng cách yêu thương mọi người đến nỗi sẵn sàng hiến cả mạng sống.

Yêu Thương là một mệnh lệnh có tính cách bắt buộc, Chúa Giêsu đã ban bố giới luật yêu thương: “Thầy ban cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau.”  Yêu Thương đã trở thành một giới răn quan trọng nhất như là giới răn kính mến Thiên Chúa.

Tình yêu thương của Chúa Giêsu đã trở nên nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao nhiêu sáng kiến, bao nhiêu tổ chức, bao nhiêu phong trào, bao nhiêu dòng tu chuyên lo dấn thân phục vụ trong yêu thương.

Tình yêu chi phối mọi sinh hoạt cuộc đời.  Con người đau khổ vì không có tình yêu.  Chúa là tình yêu.  Chỉ những ai biết tìm đến với Ngài, được Ngài thông truyền cho tình yêu, họ mới biết mở mắt để nhận ra được mọi người anh em, như thế mới có thể yêu thương.  Bản tính của tình yêu là cho đi điều tốt lành.  Ai sống yêu thương thì thuộc về Chúa, là thần dân của Ngài.  Nước của Chúa Kitô Vua là nước của tình yêu.  Muốn vào nước ấy, phải là người có lòng yêu mến Chúa và yêu thương anh em thật sự.

Nước của Tôi: Sự Thật và Tình Yêu.

Nước của Sự Thật: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Tôi.”  Đứng về phía sự thật là chấp nhận mạc khải của Chúa Giêsu và coi đó là nguyên tắc của đời sống mình, là để Sự Thật hướng dẫn mình.  Sự Thật đó là chính Chúa Giêsu.  Nghe tiếng của Chúa là tìm hiểu và sống Lời của Ngài.

Nước của Tình yêu: “Con người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ hiến mạng sống cho nhiều người.”  Chúa mời gọi những ai theo Ngài phải biết sống vị tha và yêu thương.  Trong vương quốc Tình Yêu, Ngài không chấp nhận bạo động, hiềm thù, vì uy quyền được xây dựng trên phục vụ và ai làm lớn phải làm người phục vụ.

Nước của Ngài không có sức mạnh của vũ khí và quân đội mà chỉ có sức mạnh của yêu thương và tha thứ.  Nước của Ngài không có tên trên bản đồ thế giới, nhưng lại ở trong trái tim con người.  Chỉ những ai tin và sống trong tình thương Thiên Chúa mới thuộc Nước của Ngài.  Trong vương quốc này, Chúa Giêsu đã công bố sự thật quan trọng nhất là mọi người biết Thiên Chúa là Người Cha rất yêu thương và tất cả nhân loại là con cái của Người và là anh chị em với nhau, yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương, như là dấu chứng người môn đệ của Ngài.

Năm phụng vụ mở đầu bằng mầu nhiệm Nhập thể và kết thúc bằng vương quyền viên mãn của Đức Kitô.  Đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở rằng, Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, Ngài là Chủ của thời gian, Chủ của lịch sử nhân loại và là Chủ của lịch sử mỗi người chúng ta.  Chúa Kitô vượt trên thời gian để mãi mãi là vị Vua vĩnh cửu.

Lạy Chúa Giêsu là Vua Sự Thật và Tình Yêu, Chúa đã yêu thế giới đến nỗi đã ban chính sự sống mình.  Xin Chúa chiếm hết tất cả con người chúng con từ tư tưởng, lời nói, việc làm, để chúng con không còn thuộc về thế giới của bóng tối, của tội lỗi, nhưng thuộc về vương quyền của Chúa, là vương quyền của sự sống và chân lý, của ân sủng và thánh  thiện, của công lý và hoà bình.  Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

TÌNH YÊU VƯỢT QUÁ CÁI CHẾT

Gilbert K. Chesterton từng nói, Kitô giáo là nền dân chủ duy nhất mà người chết cũng được bỏ phiếu.  Tôi xin chia sẻ hai câu chuyện về khía cạnh này.

Trong một hội nghị tôi tham dự, một nhà tâm lý đã chia sẻ câu chuyện như sau: Một phụ nữ trong tâm trạng khá sầu thảm đến văn phòng ông.  Bà bất an vì cuộc nói chuyện với chồng ngay trước khi ông mất.  Bà kể, hai vợ chồng bà hạnh phúc suốt 30 năm, không hề có cãi nhau to tiếng giữa họ.  Rồi đến một ngày nọ, họ cãi nhau về một chuyện vặt vãnh (bà còn không nhớ đó là chuyện gì).  Cuộc cãi vã kết thúc trong giận dữ, ông chồng đùng đùng bỏ đi làm, rồi chết vì trụy tim ngày hôm đó, khi họ chưa có cơ hội nói chuyện lại với nhau.

Thật quá bất hạnh!  Ba mươi năm không có chuyện gì nghiêm trọng, thế mà bây giờ, những lời cuối cùng họ lại nói với nhau những lời giận dữ.  Ban đầu, nhà tâm lý học bông đùa bảo đảm với bà, lỗi là ở người chồng quá cố, ông đã chọn chết ở thời điểm khó xử như vậy, để bà sống trong mặc cảm tội lỗi!

Ông hỏi bà, “nếu bây giờ chồng bà ở đây, bà sẽ nói gì với ông?”  Bà trả lời, bà sẽ xin lỗi và sẽ nói với ông chuyện hôm đó chẳng là gì so với bao nhiêu năm họ ở bên nhau, bao tình yêu họ đã dành cho nhau.  Ông cam đoan với bà, chồng bà đang sống trong sự hiệp thông các thánh và đang ở bên họ lúc này.  Rồi ông nói thêm, “sao bà không ngồi đây mà nói với ông những lời bà vừa nói, rằng tình yêu chung thủy của hai người với nhau lấn át hoàn toàn cuộc nói chuyện cuối cùng này.  Thật sự, hãy cùng nhau cười với chuyện oái oăm này.”

Câu chuyện thứ hai.  Gần đây, tôi gặp một gia đình mà người cha gia đình đã tự tử cách đây 20 năm.  Qua thời gian, họ có được bình an với chuyện này, nhưng cũng như các gia đình có người thân mất vì tự tử, vẫn còn một chút đau lòng trong lòng họ.  Họ đã tha thứ cho người cha, đã tha thứ cho bản thân mình vì những gì không làm được, và tha thứ cho Thiên Chúa vì sự bất công khi Chúa để cho cái chết xảy ra như thế này.  Nhưng họ vẫn còn một điều gì đó chưa xong, một điều gì đó họ cảm nhận nhưng không xác định được (dù 20 năm đã trôi qua, dù mọi tha thứ, dù đã thông hiểu về việc tự tử).  Tôi cũng không thể xác định được nó, chỉ có thể gợi ý một phương thuốc mà thôi.

Tôi gợi ý họ nên có một buổi nghi thức tôn vinh tình yêu dành cho người cha, tôn vinh món quà là chính cuộc sống của ông, và chuộc lại cách ra đi bất hạnh của ông.  Tôi gợi ý: Hãy chọn một ngày, có thể là sinh nhật ông, hoặc ngày giỗ của ông.  Cả nhà tụ họp lại và tổ chức một lễ mừng vui vẻ, với bong bóng, rượu ngon, với tinh thần thoải mái.  Hãy chia sẻ những câu chuyện về ông, nêu bật những câu chuyện vui vẻ của ông, vui cười, phấn khởi, những câu chuyện khi ông tạo bầu khí sinh lực đặc biệt cho mọi người.  Hãy mừng những chuyện đó với đồ ăn ngon, rượu ngon, tiếng cười và tình yêu.  Ông vẫn ở với các bạn.  Các bạn vẫn ở trong sự thông hiệp sự sống với ông.  Ông đang vui vẻ.  Hãy mừng điều đó cùng ông.  Hãy cất đi gánh nặng 20 năm.  Thiếu đi dạng lễ mừng này chính là điều không nói ra được giữa các bạn và người cha.

Những câu chuyện như thế này có thể hấp dẫn và mơ mộng, nhưng chúng có nền tảng vững chắc, được xác định trong giáo lý Kitô giáo, có căn nguyên nơi đức tin dạy rằng chúng ta đang hiệp thông với nhau trong Nhiệm thể Chúa Kitô.  Là tín hữu Kitô, chúng ta tin mình đang hiệp thông với nhau trong một thân thể sống (một thân thể chứ không phải là một tổ chức) và sự hiệp thông trong một thân thể này bao hàm toàn thể chúng ta, cả người sống lẫn người chết.  Chúng ta có thể giao tiếp với nhau, xin lỗi nhau, bù đắp cho nhau và mừng cuộc sống cũng như sinh lực của nhau, kể cả khi có người trong chúng ta đã qua đời.  Là tín hữu Kitô, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho người chết.  Không ngạc nhiên khi có Kitô hữu khó chịu về điều này, phản đối rằng Thiên Chúa đâu cần chúng ta nhắc để yêu thương và tha thứ.  Họ nói đúng, nhưng xét đến cùng, đó đâu phải là lý do chúng ta cầu nguyện cho những người thân yêu đã mất.  Cho dù cách thức cầu nguyện mà chúng ta thường dùng là xin Chúa thương xót, nhưng mục đích thực sự của lời cầu nguyện cho người đã qua đời là để chúng ta giữ liên hệ với họ, thông hiệp sự sống với họ.  Mục đích thực sự trong lời cầu nguyện và các nghi lễ của chúng ta dành cho người đã qua đời là để chúng ta tiếp tục ở trong thông hiệp sự sống có chủ ý hơn với họ, để hoàn thành những việc còn dang dở, để xin lỗi, để tha thứ, để xin tha thứ, để vẫn quan tâm đến bầu khí mà họ truyền vào địa cầu này khi họ còn sống, và để thỉnh thoảng nâng ly mừng họ.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

NHỮNG ĐẤNG BẬC ANH HÙNG

Không kể 117 vị tử đạo tại Việt Nam được phong thánh năm 1988 và Anrê Phú Yên được phong chân phước năm 1999, còn hơn một trăm ngàn vị đã anh dũng dâng hiến đời mình, chấp nhận cái chết để làm chứng lòng trung thành và gắn bó với Đức Yêsu, Đấng yêu thương con người dầu phải chết.

Họ là ai?

Họ là những người cha người mẹ, họ là những người con, họ là những người chồng người vợ, họ là thanh niên thanh nữ, là tráng niên, là bô lão, là chủng sinh, là binh sĩ, là quan là dân, là dì phước là linh mục.  Họ là những bậc tiền bối của dân con Việt Nam hiện nay.  Họ là những người “dường như” không sợ chết.  Họ chấp nhận gông cùm tra tấn, chấp nhận đòn vọt, đói khát, nắng mưa, bệnh tật, và sẵn sàng chấp nhận cái chết.

Họ là ai?  Phải chăng họ là những người điên nên không sợ chết?  Phải chăng họ là những người không còn biết trách nhiệm làm chồng làm cha làm con làm mẹ làm vợ làm dâu?  Phải chăng họ không biết trách nhiệm với vợ dại con thơ?  Phải chăng họ không còn ý thức bổn phận làm con phải sống để báo hiếu cha mẹ già yếu cần nương nhờ nơi họ?  Phải chăng họ không còn rung động trước tình cảm bao người thân dành cho họ, mà “ngoan cố” không chịu bỏ đạo để phải chết?

Không!  Họ là những người cha người chồng người vợ, vô cùng thương con thương vợ thương chồng.  Họ là những người con rất có hiếu và rất ao ước được sống để phụng dưỡng báo hiếu cha già mẹ yếu.  Họ là những người thông minh có thể làm quan, là những “anh hùng” sẵn sàng hiến mạng cho quê hương tổ quốc.  Họ là những người bình thường chứ không phải là những người điên, họ rất nặng “tình người” chứ không phải là những người “vô cảm.”  Họ chết vì người ta muốn giết họ, chứ không phải tự họ muốn chết; tuy vậy họ sẵn sàng đón nhận cái chết chứ không thể chối bỏ Thiên Chúa.

Tại sao họ kiên cường và anh dũng như vậy?

Họ là những người rất bình thường, nhưng Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu nơi những con người yếu đuối mỏng manh.

Ai không sợ chết?  Ai không sợ đòn vọt, tù đầy, gông cùm xiềng xích?  Nhưng những bậc tử đạo “dường như” không sợ, vì có một giá trị nào đó cao hơn, một cái gì đó quý hơn mà cho dù tình yêu gia đình, cha mẹ, vợ con, và ngay cả mạng sống cũng không đánh đổi được.  Với họ, Thiên Chúa là nhất, Thiên Chúa trên tất cả, trên tình yêu gia đình, trên tương quan ruột thịt, và trên cả mạng sống mình.

Qua các bậc anh hùng tử đạo, người ta đọc thấy không phải “con người” anh hùng, nhưng chính “Thiên Chúa” đang thực hiện những điều kỳ diệu nơi những con người đơn sơ mong manh chất phác, làm họ như những “bức tường bằng sắt, như những bức vách bằng đồng” và kiên vững không gì khuất phục được.  Người ta có thể hủy diệt mạng sống các ngài, có thể giết các ngài, có thể nghiền nát xương thịt các ngài, nhưng không thể bắt các ngài làm theo ý họ.  Thiên Chúa vô hình đang hiện diện qua thực tại hữu hình.  Thiên Chúa hiện diện đó, rất rõ, dù người ta không nhìn thấy Ngài bằng mắt trần.

Sống cho đúng là con cháu của những bậc anh hùng

Chúng ta là con dân đất Việt, là con cháu của các đấng bậc anh hùng.  Phải sống sao để “con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh.”  Xin cho chúng ta có tình yêu đối với Thiên Chúa, đối với Đức Yêsu, và sẵn sàng hy sinh tất cả vì Thiên Chúa.

Ngày nay người ta không còn nhiều dịp để “tử đạo” như ngày xưa, nhưng ngày nay người ta vẫn còn phải chọn giữa Thiên Chúa và tiền bạc danh vọng chức quyền; người ta vẫn phải chọn ưu tiên tương quan với Chúa trên những tương quan khác v.v…  Ngày xưa phải đổ máu để sống đúng, để làm chứng; ngày nay không còn dịp đổ máu thể lý, nhưng để sống đúng như những người con của Thiên Chúa, người ta vẫn phải đổ máu “vô hình,” vẫn phải hy sinh, phải chết “chính con người của mình” thì mới có thể sống trọn vẹn cho Thiên Chúa được.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

NGƯỜI HÀNH HƯƠNG

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chọn chủ đề Năm Thánh 2025 là: “Những người hành hương của hy vọng.”  Chủ đề này được gợi hứng từ thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma: “Đức Trông cậy không làm thất vọng” (Rm 5,5).  Vị Mục tử của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ mời gọi các tín hữu ý thức thân phận hành hương của mình, đồng thời cố gắng sống thánh thiện, nên giống Đức Giê-su, Đấng là niềm hy vọng cho thế giới.

Sống trên đời, mỗi chúng ta là người hành hương, hay là lữ khách.  Người hành hương là người đang trên đường và, hướng tới một đích điểm.  Điểm đến của những cuộc hành hương thường là những nơi thánh, gắn bó với Chúa, với Đức Mẹ và với các thánh.  Khi ý thức mình chỉ là phận hành hương hay phận lữ khách, Ki-tô hữu hướng về Thiên Chúa và mục đích tối hậu của đời người, hướng về Quê Trời là quê hương vĩnh cửu.  Vì luôn hướng về Thiên Chúa và về Quê Trời, nên Ki-tô hữu coi những gì ở trần gian chỉ là tạm thời.  Như người lữ hành bỏ lại những gì mình gặp gỡ hai bên đường, để chú tâm tiến về phía trước, Ki-tô hữu sống giữa thế gian, mà không dính bén thế gian, nhưng luôn coi thế gian chỉ là cõi tạm.

Các Bài đọc Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta một chủ đề chính: trần gian này sẽ qua đi.  Vũ trụ sẽ có ngày bị tận diệt.  Ki-tô hữu tin đó là ngày tận thế.  Thỉnh thoảng chúng ta thấy có những bộ phim nói về ngày tận thế, với những tai họa hủy diệt làm cho cả một thành phố tan tành trong mây khói.  Đó cũng chỉ là những giả tưởng.  Trong Kinh Thánh, Cựu ước cũng như Tân ước, có một thể loại văn chương được gọi là “khải huyền.”  Thể loại văn chương này thường dùng những hình ảnh hiện tại để nói về tương lai, và thường đi kèm những tai ương và thảm họa, làm cho con người lâm vào cảnh quẫn bách đau thương.

Giáo lý về “Tận thế” hay “Cánh chung” là một tín điều của Giáo hội Công giáo.  Từ điển Công giáo giải thích như sau: “Tận thế là thuật ngữ chỉ sự kết thúc của thế giới – bao hàm vũ trụ vật chất, không gian và thời gian – vào ngày Chúa quang lâm.”  Chúa Giê-su loan báo sẽ có ngày tận thế (x. Mt 13,49) và ngày ấy đến lúc nào thì chỉ mình Chúa Cha biết (x. Mt 24,34-36).  Người cũng hứa ở lại với các môn đệ cho đến ngày tận thế (x. Mt 28,20).

Ngày tận thế đã đến chưa?  thưa, chưa đến.  Vậy phải hiểu thế nào về lời loan báo của Giáo hội Ki-tô từ hai ngàn năm nay?  Giáo hội dựa vào giáo huấn của Chúa Giê-su để mời gọi chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, vì không biết giờ nào Chúa đến.  Lời mời gọi tỉnh thức được nhắc đến nhiều lần trong các Tin Mừng.  Tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời; tỉnh thức để nhận ra phẩm giá của anh chị em đồng loại; tỉnh thức để nhận thấy thời gian là món quà quý giá Chúa ban; tỉnh thức để chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa thể hiện qua vẻ huy hoàng của vũ trụ, để tôn trọng và chăm sóc trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta.  Hơn nữa, nếu ngày tận thế chưa xảy đến theo nghĩa ngũ hành bị thiêu rụi, thì ngày ấy lại đến với mỗi người vào lúc cuối đời.  Đó là lúc họ phải trình diện trước nhan Chúa để tường trình với Ngài về cuộc sống dương thế, với những thành công và thất bại; những công phúc và tội lỗi.  Ngày đó còn được gọi là “ngày phán xét riêng.”  Chẳng ai thoát được ngày phán xét này.

Nhờ đâu mà chúng ta được tha thứ và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu?  Thư gửi tín hữu Híp-ri trả lời: nhờ Đức Giê-su, Đấng đã dâng mình trên thập giá để làm của lễ xin ơn tha tội cho trần gian (Bài đọc II).  Kể từ hy tế thập giá của Đức Giê-su, phụng vụ của Cựu ước không còn cần thiết nữa, vì nghi thức phụng vụ xưa chỉ là hình bóng.

Công đồng Vatican II đã trình bày Giáo hội như dân Chúa đang trên đường lữ hành.  Như dân Ít-ra-en xưa đã đi qua sa mạc để về Đất hứa, Giáo Hội – tức là Ít-ra-en mới – đang tiến bước trong thời đại này tìm về thành đô tương lai bất diệt (x. LG 9).  Dân này ở vào “thời cuối cùng,” đang tiến bước giữa lòng lịch sử loài người với sứ mạng của Đức Ki-tô cũng như đang sống thân phận lữ hành hướng tới thời hoàn tất cánh chung.  Ki-tô hữu là người lữ hành trong đoàn người lữ hành là Giáo hội.  Đích điểm của cuộc lữ hành này là gặp gỡ Chúa cách huyền nhiệm ngay ở đời này, như bảo đảm cho việc thấy Chúa “mặt giáp mặt” ở đời sau.

Chúng ta đang cùng với Giáo hội tưởng nhớ những người đã qua đời.  Đứng trước ngôi mộ của người thân, chúng ta càng cảm nhận sự mỏng giòn của kiếp nhân sinh.  Cây thập giá trên mộ Ki-tô hữu báo trước sự phục sinh, như chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.”  Những người nằm dưới ngôi mộ đang thầm thì nhắc chúng ta về kinh nghiệm cuộc đời, nhất là kinh nghiệm về sự chết.  Hãy thinh lặng để lắng nghe thông điệp của họ.

Chúa nhật hôm nay cũng là ngày Thế giới người nghèo do Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thiết lập.  Đức Bác ái Ki-tô giáo và truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt gặp gỡ nhau trong đức tin của người tín hữu.  Một tác giả đã viết: “không ai nghèo đến mức không có gì để cho đi, và không ai giàu đến mức không cần nhận một thứ gì đó.”  Khi cho đi là khi ta nhận lãnh.  Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy điều này.  Xin Chúa chúc phúc cho lòng quảng đại của chúng ta đối với anh chị em nghèo khó.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

CHẾT LÀNH

Trong văn hóa Công giáo La Mã mà tôi được nuôi dạy, chúng tôi được dạy cầu nguyện xin ơn chết lành.  Với nhiều người Công giáo thời đó, đây là một lời nài xin trong lời kinh hằng ngày.  “Xin cho con được chết lành.”

Nhưng người ta chết lành thế nào?  Chẳng phải chết tự nó là một tiến trình đau khổ hay sao?  Còn về những đau đớn khi chết, khi cho cuộc sống trôi qua tầm tay, khi nói những lời giã biệt cuối cùng?  Liệu người ta có thể chết lành hay không?

Nhưng tất nhiên, đây là một cái nhìn tôn giáo.  Chết lành nghĩa là người đó chết với đạo đức tốt và trong tình trạng có đạo.  Như thế nghĩa là bạn không chết trong một tình trạng đạo đức nửa vời, bạn không chết khi xa rời giáo hội, bạn không chết cay đắng hay giận dữ với gia đình mình, và ít nhất, bạn không chết vì tự vẫn, vì quá liều thuốc phiện, hay chết khi đang phạm tội ác.

Hình tượng giáo lý về chết lành, thường là một giai đoạn về ai đó lớn lên trong gia đình Kitô giáo tốt lành, là một người lương thiện, đầy đức tin, khiết tịnh, đi lễ thường, nhưng có một khoảng thời gian xa lìa Thiên Chúa, không còn đi lễ và giữ các điều răn, đến mức có lúc người đó không còn nghĩ về Thiên Chúa, không còn đi lễ, và không còn giữ luân lý Kitô giáo nữa.  Nhưng không lâu trước khi chết, một hoàn cảnh nào đó đã trở nên thời khắc ân sủng cho họ, rồi họ hối lỗi về sự sao nhãng, vô luân và bỏ bê hành đạo của mình, họ trở lại với giáo hội, xưng tội thành tâm, rước lễ, và không lâu sau họ qua đời vì một tai nạn hay một cơn đột quỵ.  Nhưng họ chết trong ân sủng.  Sau nhiều năm xa rời đạo đức và tôn giáo, họ đã trở lại đàn và chết lành.

Thật sự tất cả chúng ta đều biết những câu chuyện tương tự như thế, nhưng đáng buồn thay, chúng ta cũng biết những câu chuyện không như thế, xảy ra điều ngược lại, khi những người tốt lành lại chết trong những tình huống bi kịch, đáng buồn.  Chúng ta đều từng mất người thân yêu vì tự vẫn, rượu chè, và đủ cách chết khác rất không lý tưởng.  Chúng ta cũng biết nhiều người tốt, đã chết trong những tình huống đạo đức nửa vời, hoặc chết trong cay đắng, không thể làm mềm lòng mình trong sự tha thứ.  Họ có chết lành không?

Phải thừa nhận là họ chết theo những cách thức bất hạnh, nhưng chết lành không được phán định dựa vào việc cái chết đến trong tình huống đang lên hay đang xuống.  Có nhiều người chết lành như kiểu giai thoại ở trên, khi cái chết đến với họ trong tình huống đang lên.  Nhưng có những người với một đời sống lương thiện, tốt lành và yêu thương, nhưng lại bất hạnh bị cái chết ập đến trong lúc đang giận dữ, yếu đuối, trong lúc trầm cảm hay chết vì nghiện ngập hoặc tự vẫn.  Cái chết đến với họ khi đang xuống.  Họ có chết lành không?  Ai là người phán định điều này?

Thế nào là chết lành?  Tôi thích một mô tả của Ruth Burrow.  Nữ tu dòng Carmel này chia sẻ cho chúng ta câu chuyện về một chị em trong dòng từng sống với sơ.  Sơ này có tâm hồn tốt lành, nhưng lại yếu đuối.  Sơ đã vào tu viện chiêm niệm để cầu nguyện, nhưng không bao giờ có thể tập trung vào khuôn khổ này.  Nên sơ sống nhiều năm trong tình trạng giằng xé, tấm lòng tốt nhưng lại tầm thường.  Đến lúc có tuổi, sơ bị chẩn đoán mắc bệnh nan y, khiến sơ hoảng sợ đến nỗi bắt đầu nỗ lực hết mình để trở nên con người mà sơ hằng mong muốn, một con người cầu nguyện.  Nhưng nửa thế kỷ với lề lối xấu không dễ gì thay đổi.  Dù có đưa ra nhiều giải pháp mới, sơ này vẫn không thể thành công trong việc biến chuyển đời mình.  Sơ chết trong sự yếu đuối.  Nhưng xơ Burrows khẳng định, sơ này đã chết lành.  Sơ chết cái chết của một người yếu đuối, xin Chúa tha thứ cho quãng đời yếu đuối của mình.

Chết lành là chết trong sự thành thật, bất chấp tình trạng lúc chết có nét đạo hay không.  Chết trong những hoàn cảnh đúng đắn, tất nhiên là sự an ủi tuyệt diệu cho gia đình và người thân, và cũng như vậy, chết trong những hoàn cảnh đáng buồn có thể khiến họ thêm đau lòng.  Nhưng chết trong những hoàn cảnh có vẻ không tốt lành, không nhân văn hay tôn giáo, không nhất thiết là một cái chết dữ.  Chúng ta chết lành khi chết trong sự thành thật, bất chấp hoàn cảnh hay yếu đuối.

Và sự thật này cho chúng ta một thách thức khác.  Những hoàn cảnh chết của một người, dù đang buồn hay bi thảm, cũng không nên là lăng kính để chúng ta nhìn lại cuộc đời người đó.  Điều này nghĩa là nếu ai đó chết trong tình trạng đạo đức nửa vời, trong một giây phút hay một thời gian yếu lòng, xa rời giáo hội, chết trong cay đắng, chết vì tự vẫn hay nghiện ngập, thì không được phán xét sự tốt lành của đời sống và tâm hồn người đó bằng hoàn cảnh chết.  Cái chết đến với người đó lúc đang xuống, có thể khiến lời cáo phó khó khăn hơn, nhưng chắc chắn không phải là một phán xét đúng đắn về sự tốt lành của người đó trong tâm hồn.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CHIẾC GIƯỜNG ĐẮT NHẤT THẾ GIỚI – CHÍNH LÀ GIƯỜNG… BỆNH!

Buồn phiền, sầu não trong đời ai chẳng từng trải qua?  Mỗi ngày đi qua có biết bao phiền não lưu lại trong lòng, chuyện hôm qua như nước chảy về đông không sao giữ lại được.  Làm thế nào để tìm được khoảnh khắc bình yên giữa muôn trùng đêm đen giông tố?

Cuộc sống vội vã, kiếp người bé nhỏ, ngoảnh đầu lại đã hết nửa đời người.  Thời gian trôi nhanh như bóng câu lướt ngoài cửa sổ.  Hôm qua còn vui vầy cùng bè bạn mà hôm nay đã đôi ngả lìa bạn.  Người cũ lâu không gặp, chuyện cũ lâu không bàn.  Chớp mắt một cái, nhìn quanh mình chẳng còn lại mấy ai.

Có nhiều người cứ mãi ngập chìm buồn phiền trong vài chuyện nhỏ, thực là quá hoang phí thời gian sống của đời người.  Thời gian không đợi một ai, một sớm soi gương thấy tóc mình điểm bạc, hồng trần có khác nào cõi mộng vậy thôi…

Cứ mãi muộn phiền là vì tâm chẳng chịu buông

Khi gặp phải chuyện buồn phiền, hãy nghĩ cuộc sống là phép trừ, gặp một lần bớt một lần, còn có gì phải khổ não đây.  Không quên ơn người giúp mình, không trách móc người xử tệ với mình, không giữ mãi trong lòng hận thù người khác, tự khắc bạn sẽ thấy cuộc đời sao mà an nhiên, bình lặng đến vậy!

Khi gặp phải chuyện đau buồn, không như ý, hãy nghĩ rằng cuộc sống chính là một lần phải vượt qua.  Kiếp người khi đến tay không, ra đi cũng tay không, không mang đến hạt cát mà cũng không mang đi một áng mây nào.

Khi bạn bất mãn, hãy nghĩ đến những người nghèo khổ, kém may mắn hơn bạn, biết đủ mới là hạnh phúc.  So với người bệnh, hạnh phúc của bạn là sống khỏe mạnh.  So với người đã khuất, hạnh phúc của bạn là còn sống.  Người ta muốn sống tốt thì tâm phải giản đơn, phải bớt hồ đồ một chút..

Khi bạn cảm thấy không vui, hãy tự hỏi rằng mình còn lại bao nhiêu ngày để có thể dằn vặt.  Nghĩ kỹ rồi, bạn sẽ không buồn nữa.  Khi bạn tức giận hãy nghĩ rằng liệu có cần phải khổ tâm vì một người không đáng hay không, ăn ngon, ngủ ngon, chăm sóc tốt, biết cách tiêu tiền là được rồi.

Khi bạn muốn so đo tính toán, hãy nhớ lại rằng con người đến thế gian này cơ bản là tay không, hà cớ gì phải tính toán thiệt hơn, tại sao không chịu nhường một bước?  Nói nhiều sẽ làm tổn thương người khác, so đo nhiều lại tổn hại tinh thần, vừa hại người lại hại mình, kết quả là hao tâm tổn sức.  Một đời người thực ra chỉ cần không làm chuyện phải hổ thẹn với lương tâm, tự tại an nhàn đã là quý lắm rồi!

Hãy sống sao cho thật vui vẻ.  Có cơm thì ăn, có bia thì uống, buồn ngủ thì lên giường, có quần áo để mặc, có núi để leo, có biển để ngắm, có internet để chơi Facebook, có xe để đi, có việc để làm, có thêm người bạn đời cùng chung suy nghĩ nữa là… tuyệt vời !

Sống an nhiên vui vẻ mới là tốt nhất, chẳng việc gì phải để ý đến tiền ít tiền nhiều.  Sau này già rồi, chết đi ai còn để ý bạn là ăn mày hay là người giàu có?  Ai cũng có phiền muộn, hàng ngày đều có buồn phiền, quan trọng nhất là bạn không để ý đến nó, sống vui vẻ thì buồn phiền sẽ tự nhiên tan biến mất.  Phiền não ngày ngày đều có nhưng nếu không tự tay nhặt lên thì người ta đâu phải u sầu nhiều đến vậy?

Tài sản quý giá nhất là sức khỏe

Khi sinh mệnh của con người chấm dứt, đến lúc sự sống không thể cứu vãn được nữa thì tiền tài là gì, danh vọng là chi, thảy đều vô nghĩa.  Truy cầu giàu có khiến người tham lam, biến thành ác quỷ.  Trong mắt người sắp từ giã cõi đời, những gì gọi là danh phận, địa vị, tiền bạc, trang sức, mỹ nữ đều chỉ là một đống rác mà thôi.

Sức khỏe là số một, không có sức khỏe thì danh tiếng, địa vị, sĩ diện, sa hoa, xe sang, nhà cao cửa rộng… thảy đều là mây bay, gió cuốn, mong manh, hư ảo cả.

Hãy luôn nhớ rằng: chiếc điện thoại thông minh cao cấp, 70% chức năng là không hề dùng tới.  Một chiếc xe sang, 70% tốc độ là thừa.  Một ngôi biệt thự nguy nga, 70% diện tích là bỏ trống.  Hàng loạt chuyện đời, 70% là vô vị, hư không.  Một đời nỗ lực kiếm tiền, 70% là để lại cho người khác tiêu.  Hãy sống thật đơn giản, tận hưởng cuộc đời, giữ lấy 30% những gì vốn thuộc về mình mới mong thực sự có được hạnh phúc.

Đời người lại như một hiệp đấu.  Nửa trước là học hành, quyền lực, chức tước, thành tích, tăng lương tăng chức.  Còn nửa sau là huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, ung thư, cô đơn, sầu não.  Nửa hiệp đầu là phấn đấu hết mình, nửa hiệp sau là chấp nhận, buông xuôi.  Cớ sao kiếp người mỏi mệt lắm vậy?

Hãy nhớ không có bệnh cũng phải giữ gìn sức khỏe, không khát cũng phải uống nước, có phiền muộn cũng phải nghĩ cho thông, có lý cũng phải nhường người, có quyền cũng phải thấp giọng, không mệt cũng phải nghỉ ngơi, không giàu cũng phải biết đủ, bận mấy cũng phải luyện tập.

Bởi vì, một bộ quần áo giá 1.000 đô, tờ chi phiếu nhỏ có thể chứng minh.  Một chiếc xe giá 100.000 đô hóa đơn có thể chứng minh.  Một căn nhà giá 1.000.000 đô hợp đồng mua bán có thể chứng minh.  Nhưng một con người rốt cuộc trị giá bao nhiêu tiền, chỉ sức khỏe mới có thể chứng minh.  Hãy nhớ, sức khỏe chính là “giá trị” nhất!

Vì vậy cũng đừng bao giờ mang máy ra tính rằng bạn đã tiêu bao nhiêu tiền cho sức khỏe.  Trên đời này bạn nhất định có một món tiền phải tiêu, hoặc là để chăm sóc trước, hoặc là để chữa trị bệnh tình về sau.  Lựa chọn món nào là quyền của bạn. Có sức khỏe gọi là tài sản, không có sức khỏe thì chỉ còn là di sản mà thôi.

Chiếc giường đắt nhất trên thế giới chính là giường bệnh!  Trên thế giới này có thể có người lái xe thay bạn, kiếm tiền thay bạn… nhưng không có ai mắc bệnh thay bạn được.  Đồ mất rồi đều có thể tìm thấy lại nhưng có một thứ mất đi là vĩnh viễn không còn tìm thấy, đó chính là sinh mệnh.

Khuyết Danh, từ Phụ Nữ News
Theo Ephata