BẢN GIAO HƯỞNG DANG DỞ

Trong nỗi giày vò của sự thiếu hụt tất cả mọi thứ có thể đạt được, đến tận cùng, chúng ta học để biết trong đời này, tất cả mọi bản giao hưởng đều phải dang dở.

Đây là lời của linh mục thần học gia Đức Karl Rahner, và nếu không hiểu ý nghĩa của câu này thì chúng ta có nguy cơ để tình trạng khắc khoải thành khối u trong đời mình.  Bị dằn vặt bởi sự thiếu hụt mọi thứ mang ý nghĩa gì?  Chúng ta bị hành hạ bởi thứ mình không có được theo kiểu gì?

Đây là chuyện chúng ta trải nghiệm hằng ngày.  Thực ra, trong cả cuộc đời, trừ một số ít thời điểm đặc ân và yên bình, sự dằn vặt là cơn sóng ngầm trong tất cả mọi chuyện chúng ta trải nghiệm.  Lý ra vẻ đẹp làm chúng ta bình yên thì nó lại làm chúng ta khắc khoải.  Tình yêu với người bạn đời không đáp ứng đủ khao khát của chúng ta . Những mối quan hệ của chúng ta trong gia đình dường như quá nhỏ hẹp để chúng ta có thể thấy đủ.  Công việc của chúng ta chẳng cân xứng với ước mơ chúng ta có về mình.  Nơi chúng ta sống dường như buồn tẻ so với những nơi khác.  Chúng ta quá bồn chồn nên chẳng thể ngồi yên trên bàn, chẳng thể ngủ yên trên giường, người cứ bồn chồn lo lắng.

Khi chúng ta có cảm nhận này, chúng ta sẽ luôn thấy đời mình dường như quá bé nhỏ và chúng ta không sống đời mình theo cách chúng ta mong chờ, mong chờ ai đó hay điều gì đó xuất hiện và thay đổi để cuộc đời chúng ta tưởng tượng sẽ bắt đầu.

Tôi nhớ có người kể cho tôi nghe câu chuyện.  Anh 45 tuổi, hôn nhân tốt đẹp, có ba đứa con khỏe mạnh, có công việc ổn định nhưng tẻ nhạt, sống ở khu phố bình yên nhưng cũng tẻ nhạt.  Nhưng anh chưa bao giờ đặt trọn bản thân vào cuộc sống.  Anh thú nhận:

“Phần lớn đời tôi, nhất là trong 20 năm qua, tôi quá khắc khoải muốn thực sự sống đời mình.  Tôi chưa thực sự đón nhận con người tôi – một người 45 tuổi, làm việc ở cửa hàng tạp hóa trong một thị trấn nhỏ, lập gia đình với một phụ nữ tốt lành, biết cuộc hôn nhân này sẽ không bao giờ thỏa mãn khao khát tình dục thâm sâu của mình, và biết cho dù có mơ mộng thế nào thì cũng sẽ không đi đến đâu, sẽ không bao giờ có được những ước mơ, sẽ chỉ ở đây, như lúc này, trong một thị trấn nhỏ, trong cuộc hôn nhân này, với những con người này và trong cơ thể này đến hết cuộc đời.  Tôi sẽ chỉ già hơn, hói hơn, cơ thể sẽ bớt khỏe mạnh, bớt hấp dẫn hơn.  Nhưng trong mọi chuyện, xét từ mọi góc độ, điều đáng buồn là cuộc đời tôi vốn tốt.  Tôi thực sự rất may mắn.  Tôi khỏe mạnh, được yêu thương, có đời sống gia đình tốt, sống ở một đất nước yên bình và sung túc.  Nhưng lòng tôi lại quá khắc khoải đến nỗi tôi chẳng bao giờ cảm kích được đời mình, vợ mình, con mình, công việc của mình và nơi mình sống.  Tôi luôn mãi ở một nơi khác bên trong con người tôi, quá khắc khoải để thực sự hiện diện nơi tôi đang hiện diện, quá khắc khoải để sống trong nhà mình, quá khắc khoải để thoải mái với chính mình.”

Sự dằn vặt do thiếu mọi thứ có thể có trong đời là vậy.  Nhưng nhận thức thấu suốt của Rahner không chỉ là một chẩn đoán mà còn là đơn thuốc cho căn bệnh này.  Nó cho chúng ta biết để vượt lên những dằn vặt này, vượt lên khối u của khắc khoải này.  Làm sao làm được?

Chính xác bằng cách hiểu và chấp nhận ở đời, mọi hòa âm đều dang dở.  Khi hiểu và chấp nhận lý do làm chúng ta dằn vặt không phải do chúng ta là những người thèm khát tình dục quá độ, loạn thần và vô ơn, quá tham lam để không thỏa mãn với cuộc đời này.  Không phải vậy.  Lý do sâu xa là vì chúng ta bẩm tại được tạo dựng, được truyền năng lượng vượt quá thế giới này.  Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng như thế.  Chúng ta là những linh hồn vô hạn sống trong một thế giới hữu hạn, những tâm hồn được tạo nên để hợp nhất với mọi vật và mọi người nhưng chỉ được gặp phàm nhân và phàm vật.

Chẳng trách chúng ta có vấn đề với sự bất đạt, mộng tưởng, cô đơn và khắc khoải!  Chúng ta là những vực sâu không đáy.  Khi chưa thể hợp nhất với tất cả, thì chẳng có gì lấp đầy hố thẳm đó được.

Bị dằn vặt vì khắc khoải mới là con người.  Hơn nữa, khi chấp nhận chúng ta là con người và do đó không thể có hòa âm trọn vẹn ở đời này, chúng ta thanh thản hơn trong khắc khoải của mình.  Tại sao?  Vì bây giờ chúng ta biết mọi thứ đến với chúng ta là cơn sóng ngầm của khắc khoải, của bất đạt, và đó là chuyện bình thường và đúng đắn cho tất cả mọi người.

Như linh mục Henri Nouwen đã viết: “Ở đây, trong đời này, không có thứ gì gọi là niềm vui thuần túy và rõ ràng.  Đúng hơn, trong mọi thỏa mãn, đều có ý thức về giới hạn.  Phía sau nụ cười là giọt nước mắt.  Trong mọi vòng tay ôm, vẫn có cô đơn.  Trong mọi tình bạn, vẫn có ngăn cách.”

Bình an và nghỉ ngơi chỉ có thể đến với chúng ta khi chúng ta chấp nhận giới hạn đó trong thân phận con người, vì chỉ khi đó chúng ta mới thôi đòi hỏi rằng cuộc đời – hay cụ thể là người bạn đời, gia đình, bạn bè, công việc, thiên hướng và kỳ nghỉ của chúng ta – cho chúng ta một điều mà nó vốn không thể cho được, cụ thể là một niềm vui thuần túy rõ ràng và sự viên mãn tròn đầy.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

KÍNH KÍNH MỪNG TRONG THÁNG MÂN CÔI (Lc 1, 26-38)

Bước vào Tháng Mười, Tháng Mân Côi, chúng ta thấy một hình ảnh truyền thống tuyệt đẹp về Ðức Bà Mân Côi, một tay bồng Chúa Giê-su Hài Ðồng, còn tay kia thì trao Tràng Chuỗi Mân Côi cho thánh Ða-minh, chứng tỏ rằng kinh Mân Côi là một phương thế được Ðức Mẹ ban cho nhân loại qua thánh Đa-minh, để con cái Chúa nhờ chiêm ngắm và suy niệm về cuộc đời của Chúa, mà yêu mến Chúa và theo Chúa mỗi ngày một hơn.

Ma-ri-a đầy ơn phúc

“Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc” là câu đầu tiên trong Kinh Kính Mừng chúng ta vẫn thường đọc.  Nguồn gốc của lời Kinh này phát xuất từ miệng sứ thần Gáp-ri-en chào Đức Ma-ri-a lúc truyền tin: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc (Lc 1,28), và lời xác nhận của bà Ê-li-sa-bét: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giê-su con lòng Bà gồm phúc lạ.”

Những lời của sứ thần Gáp-ri-en và của bà Ê-li-sa-bét trên đây đã được Giáo hội dùng để chúc tụng ngợi khen Đức Mẹ.  Đồng thời, Giáo hội thêm vào lời cầu khẩn xin Mẹ thương nâng đỡ phù trì “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử.”

Quả Phúc Giê-su

Hằng ngày, khi đọc lại lời chào của thiên thần và lời chào của bà Ê-li-sa-bét chúng ta khám phá ra Quả Phúc nơi cung lòng Đức Mẹ là Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể làm người.  Đây chính là hoa trái mà tiên tri I-sai-a đã báo trước: “Ngày đó, chồi non Đức Chúa cho mọc lên sẽ là vinh quang và danh dự, và hoa màu từ ruộng đất trổ sinh sẽ là niềm hãnh diện và tự hào” (Is 4,2).  Người Con ấy thuộc miêu duệ Abraham, đã xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít, được đầy tràn Thần Khí Chúa.  Thiên Chúa đã đặt nơi Người muôn phúc lành và muôn dân nhờ Người mà được chúc phúc, như có lời chép: “Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân” (Is 61,11).

Kinh Kính Mừng trong Tháng Mân Côi

“Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc.”  Mẹ đầy ơn phúc” (Lc 1, 28), vì từ đời đời Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế và gìn giữ Mẹ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, nên nơi Mẹ không có chỗ cho tội lỗi.  Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a (x. Ga 1,14).  Chúng ta cũng được kêu gọi lắng nghe Chúa nói và đón nhận ý Chúa vào trong cuộc đời Mẹ để trở nên người có phúc như Mẹ.

Đức Chúa Trời ở cùng Bà

Chúng ta ca tụng Đức Ma-ri-a là Đấng đầy ơn phúc như lời sứ thần chào.  Phúc của Mẹ thật cao vời khôn sánh, lời bà Ê-li-sa-bet xác nhận: “Em thật có phúc” (Lc 1,42).  Mẹ có phúc trước hết là vì Mẹ có Thiên Chúa ở cùng.  Ai có Thiên Chúa ở cùng, người ấy đầy ơn phúc.

Trong Cựu Ước, có bao người được Thiên Chúa ở cùng, để rồi được Ngài sai đi phục vụ Dân Chúa.  Nhưng Thiên Chúa ở cùng Đức Mẹ một cách độc nhất vô nhị.  Khi được đầy tràn Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời, Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Ðền Thánh, nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa loài người.

Điều đã xảy ra nơi Đức Mẹ Đồng Trinh khi có Thiên Chúa ở cùng, thì cũng xảy ra nơi chúng ta trong mức độ tâm linh.  Chúng ta đón nhận Lời Chúa bằng con tim vui vẻ, chân thành và biết đem ra thực hành.  Chúa Giê-su đã cư ngụ nơi lòng Mẹ, Người cũng đến và ở trong những ai yêu mến và tuân giữ lời Người, đón rước Người khi chịu lễ.  Thế nên Giáo Hội không ngớt lời lặp đi lặp lại danh xưng hạnh phúc này: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà” để tôn vinh Mẹ.

Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ

Phúc nơi Mẹ trổi vượt hơn hết mọi người nữ vì Mẹ đã đầu tư vốn liếng cả cuộc đời cho thánh ý Thiên Chúa.  Nếu yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời, thì Đức Ma-ri-a là người hạnh phúc hơn hết vì được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và chính Mẹ cũng biết dành trọn vẹn tình yêu thương của mình cho Thiên Chúa.

Phúc của Mẹ thật khôn ví, vì tâm hồn Mẹ trong sạch và luôn kết hiệp với Chúa.  Mẹ có phúc vì Mẹ đã tin như lời bà Ê-li-sa-bét nói: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng: Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 45).

Và Chúa Giê-su Con lòng Bà gồm phúc lạ

Ở mức độ tự nhiên, Mẹ đón nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần rồi dâng hiến máu thịt mình cho Con Thiên Chúa để Người được hình thành nơi Mẹ.  Xét về mặt thiêng liêng, Mẹ đón nhận ân sủng và đáp lại điều đó bằng đức tin của mình.”  Về điều này thánh Au-gút-ti-nô giải thích rằng: Đức Trinh Nữ “trước hết đã thụ thai trong tâm hồn và sau là trong cung lòng Mẹ.  Mẹ đã thụ thai trước là đức tin và sau là Thiên Chúa.”

Bằng việc đón nhận hài nhi Giêsu để cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và làm Mẹ Thánh Tử, Đấng là Hồng Phúc ngay trong lòng mình nữa.  Mẹ trở nên người gồm phúc lạ.  Mẹ có phúc vì được làm Mẹ Đức Giêsu.  Mẹ của chính Ngôi Lời Thiên Chúa làm người (x. Ga 1,14; Mt 1,23).  Mẹ hạnh phúc hơn vì đã trở thành môn đệ Chúa, như lời Chúa Giêsu Con Mẹ đã đáp lại lời một phụ nữ khen ngợi người mẹ đã có công sinh thành nuôi dưỡng Người: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28).

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời

Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời.  Chỉ Thiên Chúa là Ðấng Thánh và là nguồn mọi sự thánh thiện.  Mẹ được chia sẻ sự thánh thiện ấy cách tuyệt vời, vì Mẹ được chọn làm Mẹ Ðức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, và vì chẳng ai thực thi ý Chúa trọn vẹn như Mẹ.  Chúng ta chẳng được diễm phúc sinh ra Ðức Giêsu, nhưng chính Chúa Giêsu lại mời gọi ta làm mẹ của Người: “Mẹ tôi và anh em tôi là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).

Cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử

Hành trình tiến về quê Trời của Đức Maria đã bắt đầu “từ tiếng thưa “vâng” ở Nazareth, khi đáp lại lời của Sứ thần Gabriel, người đã loan báo cho Mẹ biết ý muốn của Thiên Chúa.  Và thực sự là như thế, mỗi khi chúng ta thưa “xin vâng” theo ý Thiên Chúa là chúng ta tiến một bước về quê Trời, tiến về cuộc sống vĩnh cửu.”  Chúng ta hãy phó thác cho Đức Ma-ri-a cuộc sống hiện tại và tương lai.  Chẳng có gì Ðức Ma-ri-a được hưởng mà chúng ta lại không được dự phần.  Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

MỐI GIÂY BỀN VỮNG 

Tại Việt Nam chúng ta cũng như ở nhiều nước trên thế giới, gia đình đang rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.  Những trường hợp đồng tính, sống thử, phá thai cùng với trào lưu phóng khoáng tự do về tính dục đang làm gia đình mất đi ý nghĩa của Đấng Tạo dựng.  Ngay từ khởi đầu lịch sử: Thiên Chúa đã ấn định sự bền vững của mối giây hôn nhân.  Tác giả sách Sáng thế đã ghi lại lời tuyên bố của Ngài như sau: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).  Đức Giê-su – trong Bài Tin Mừng – nhắc lại giáo huấn căn bản này, đồng thời Người khẳng định: đó là quy luật do chính Thiên Chúa thiết lập và mang tính bất di bất dịch.  Bất kỳ với danh nghĩa và lý do nào, không ai có quyền thay đổi quy luật đó.

Lời giáo huấn của Chúa Giê-su và Giáo Hội công giáo về sự bền vững của hôn nhân, xem ra như một cung đàn lạc điệu trong thế giới hôm nay.  Tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng.  Tại Việt Nam đã xuất hiện vài cặp đồng tính tổ chức hôn lễ rất rầm rộ, và đáng buồn thay, có nhiều bạn trẻ lại tung hô cổ võ.  Trước thực tại hôn nhân đổ vỡ, một số bạn trẻ chủ trương không kết hôn để khỏi vướng vào trách nhiệm.  Có những người thực sự sống đời độc thân, nhưng cũng có những người không sống được như thế.  Chủ trương không muốn kết hôn kéo theo sự buông thả trong quan hệ tình dục.  Thỉnh thoảng chúng ta đọc thấy trên mạng những đứa trẻ sơ sinh bị chính mẹ ruột của mình đem bỏ ở cổng chùa hay ở nơi công cộng, đôi khi với vài chữ nguệch ngoạc nhờ ai nhặt được thì nuôi giúp.  Chắc hẳn người mẹ đó cũng rất xót xa và đau lòng, nên thường kèm theo câu “mẹ xin lỗi con.”  Đó là kết cục bi thảm của quan niệm tình dục không cần tình yêu và cũng không cần hôn nhân.

Dựa trên ánh sáng Lời Chúa, Giáo lý Giáo Hội công giáo dạy về sự bền vững của hôn nhân Ki-tô giáo như sau: “Do giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống, tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái; Chúa Ki-tô đã nâng giao ước hôn nhân giữa hai người đã được rửa tội lên hàng bí tích” (số 1601).

Hôn nhân Ki-tô giáo được gọi là “bí tích” được cử hành trong một nghi thức phụng vụ.  Điều này có nghĩa: mối giây hôn nhân do chính Chúa Ki-tô thiết lập.  Mối giây này bền vững.  Không một lý do nào có thể biện minh cho việc cắt đứt mối giây thiêng liêng này.  Trong nghi thức hôn phối, đôi bạn hoàn toàn tự do và tình nguyện đến trước bàn thờ, công khai bày tỏ sự ưng thuận và hứa hẹn chung thủy trọn đời.  Lời hứa ấy được tuyên bố trước mặt Chúa và trước mặt đại diện Giáo Hội.  Chính vì vậy, mối giây hôn phối rất thiêng liêng.

Là Ki-tô hữu, chúng ta không thể để mình như vật trôi trên sông bị sóng đánh dạt dào một cách thụ động, tức là buông xuôi theo phong trào, theo quan niệm của đám đông dân chúng.  Hơn nữa, chính trong bối cảnh này, người tín hữu có sứ mạng làm chứng cho sự bền vững của hôn nhân Ki-tô giáo và truyền thống một vợ một chồng đã được áp dụng từ nhiều thế kỷ.  Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khích lệ các cặp vợ chồng tổ chức các dịp kỷ niệm ngân khánh (25 năm), kim khánh (50 năm) và ngọc khánh (từ 60 năm trở lên).  Những sự kiện này, vừa là dịp hâm nóng tình yêu, vừa là lời chứng hùng hồn cho sự bền vững của hôn nhân, khẳng định rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự chung thủy vợ chồng là điều có thể được.

Người Công giáo tin rằng, đời sống hôn nhân và gia đình luôn có Chúa phù trợ.  Ơn của bí tích Hôn phối luôn hiện hữu trong đời sống gia đình.  Tuy vậy, người vợ người chồng và các thành viên trong gia đình cũng cần phải cộng tác với ơn Chúa, cùng nhau hướng tới mục đích cao cả của hôn nhân, là chia sẻ tình yêu, sinh con cái và dạy dỗ gây dựng sự nghiệp cho những đứa con mình sinh ra.

“Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”  Câu nói của A-đam diễn tả sự bình đẳng giới tính giữa người nam và người nữ.  Như thế, từ rất sớm trong lịch sử, giáo huấn về sự bình đẳng đã được ghi trong Kinh Thánh.  Đó cũng là một trong những nền tảng quan trọng để duy trì hạnh phúc gia đình.  Người nam và người nữ đều được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, đều được Ngài yêu thương và mời gọi đạt tới sự thánh thiện.

Theo thánh Phao-lô, mối giây hôn nhân còn tượng trưng cho tình yêu giữa Đức Ki-tô và Giáo Hội.  Vì vậy mà Giáo Hội được gọi là hiền thê của Chúa.  Đây là mối tình thanh khiết, thánh thiện, là gương mẫu cho mối tình phu phụ được bí tích Hôn phối liên kết.

Đây đó tại Việt Nam chúng ta, tình trạng “chồng chúa vợ tôi” và bạo lực gia đình vẫn tồn tại.  Ước chi mỗi người hãy nhận ra phẩm giá Chúa ban, cùng với sự bình đẳng được quy định do chính Đấng Sáng tạo, để vừa biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác, nhất là người phối ngẫu trong cùng một gia đình.

Xin Thánh gia ở Na-gia-rét, là gia đình Chúa Giê-su, Đức Maria và thánh Giu-se bầu cử và gìn giữ các gia đình tại quê hương Việt Nam chúng ta.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên