LỀ LUẬT BÓP CHẾT CON TIM

Các biệt phái ngày xưa họ thường nhân danh lề luật để làm theo ý mình.  Lề luật trở thành dụng cụ để người ta thống trị người khác.  Lề luật bị lạm dụng đến nỗi không còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người mà nhằm bảo vệ quyền lợi cho một nhóm nhỏ lãnh đạo.  Lề luật không đưa đến sự an bình, hạnh phúc cho con người nhưng trở thành một gánh nặng, một nỗi sợ hãi cho số đông thấp cổ bé miệng.

Nhân danh lề luật họ răn đe người này, khủng bố người kia.  Họ nhân danh Chúa để bôi nhọ người này, rêu rao lỗi lầm người kia.  Điều tệ hại nhất là họ có thể nhân danh Chúa, nhân danh lề luật để loại trừ người khác.  Cụ thể là những người bị coi là ô uế đều bị loại trừ thẳng tay như: người bệnh phong cùi, người phụ nữ ngoại tình, người vi phạm luật của Chúa mà theo luật đã trở nên ô uế thì đều bị loại ra khỏi sinh hoạt cộng động.

Họ cũng có thể nhân danh Chúa để ném đá, để đóng đinh kẻ đi ngược lại với quan điểm của mình.  Lề luật trở thành phương tiện để họ lợi dụng, để họ vu khống, để họ hãm hại người khác.  Đã có rất nhiều cái chết oan uổng chỉ vì ý đồ cá nhân.  Đã có quá nhiều cái chết cay nghiệt của những người công chính bị hàm oan.

Điều đáng buồn là những người nhân danh lề luật để hãm hại người khác nhưng họ không hề tỏ lòng hối tiếc về hành vi gian ác của mình.  Lương tâm họ đã bị lề luật trói buộc.  Trái tim họ đã bị lề luật làm tê cứng.  Lề luật đáng lý giúp cho lương tâm trong sáng và trái tim nhân bản hơn, thế nhưng, vì quá chú trọng lề luật nên họ đã đánh mất đi trái tim yêu thương của con người chỉ còn lại những mưu mô xảo trá.

Cách đây ít năm Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại Thủ tướng Do thái, ông Y. Rabin, khi bị tòa án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ cử chỉ hối hận nào, mà còn tuyên bố: “Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel.”  Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa đưa ra nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai mầu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay.

Lương tâm của Gilgal Zamir đã bị lề luật làm cho chai cứng.  Trái tim của anh đã bị băng giá bởi lề luật mà anh đã được giáo dục.  Anh mến Chúa.  Anh trung thành với lề luật nhưng anh không được giáo dục để có một trái tim yêu thương.  Những người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng hành xử như vậy.  Họ nhân danh lề luật.  Họ nhân danh Giavê Thiên Chúa để áp đặt và thống trị người khác.  Chính họ đã làm cho lề luật trở thành gánh nặng cho dân.

Nhân danh lề luật, những người Biệt phái thời Chúa Giêsu không ngừng dòm ngó rình mò để bắt bẻ Ngài, nhất là những gì có liên quan đến việc tuân giữ ngày Hưu lễ như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.  Nhưng đối với Chúa Giêsu, linh hồn của lề luật chính là tình yêu thương.  Con người sống với Chúa và sống với tha nhân là nhờ tình yêu và cho tình yêu.  Con người được sống nhờ tình yêu của Chúa nên con người cũng phải biết sống cho tình yêu một cách trọn vẹn: yêu Chúa hết mình và yêu tha nhân như chính mình.

Người Việt Nam thường có câu “sống có lý có tình.”  Nếu cuộc sống chung chỉ có lý mà không có tình thì cuộc sống chung đó là một hoả ngục.  Người ta chỉ rình mò kết án lẫn nhau.  Người ta chỉ dựa theo lý để hành xử sẽ dẫn đến cảnh cá lớn nuốt cá bé.  Cuộc đời sẽ trở thành bãi chiến trường mà kẻ mạnh làm chúa, kẻ yếu làm tôi.  Nếu cuộc sống chung chỉ dựa theo lý sẽ dẫn đến sa mạc hóa tình người.

Người ta sẽ nại vào lý do này, nại vào lý do kia để từ chối giúp đỡ anh em của mình.  Sống phải có tình mới có thể “chín bỏ làm mười.”  Sống phải có tình có lý người ta mới quan tâm giúp đỡ nhau, người ta mới sống chân thành và cởi mở, chia sẻ với nhau đến độ “một con người đau cả tàu bỏ cỏ.”

Hôm nay Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh đến hai vấn đề cốt lõi của cuộc sống đó là: con người có hồn có xác.  Con người cần phải có tương quan và bổn phận với Chúa và tha nhân.  Mến Chúa phải yêu tha nhân.  Mến Chúa mà không yêu tha nhân điều đó hợp lý nhưng không hợp tình.  Hợp lý vì con người là thụ tạo của Chúa thì phải thờ phượng và kính mến Chúa.  Nhưng con người là hình ảnh Thiên Chúa nên phải yêu mến tha nhân.  Ngược lại yêu mến tha nhân mà không kính mến Chúa là vô ơn bất hiếu.  Vì sự sống là của Chúa, những gì chúng ta làm được cho tha nhân đều xuất phát từ ân huệ của Chúa nên con người phải thờ phương kính mến Chúa.  Yêu mến Chúa phải yêu hình ảnh của Chúa.  Vì thế mà thánh Gioan bảo rằng: “ai nói mình yêu mến Chúa mà không yêu mến tha nhân đó là kẻ nói dối.”

Ước gì mỗi người chúng ta không chỉ yêu Chúa trên môi miệng mà yêu Chúa thật lòng, biết dành thời giờ phụng thờ Chúa và biết dùng khả năng để phục vụ hình ảnh Chúa nơi tha nhân.  Amen!

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

TỰ NHIÊN HAY SIÊU NHIÊN?

Một trong những hình ảnh có thể được dùng để diễn tả người tu sĩ là “chân đi trên mặt đất mà lòng hướng về trời cao.”  “Hướng về trời cao” ở đây muốn ảm chỉ rằng tu sĩ là người luôn ở trong mối tương quan thiết thân với Chúa trong mọi hoàn cảnh sống.  Tuy nhiên, không phải vì thế mà người tu sĩ quên rằng mình đang “đi trên mặt đất.”  Đời sống thiêng liêng không giúp cho người tu sĩ miễn trừ khỏi những đòi hỏi căn bản của một con người trưởng thành.  Họ là “người” tu sĩ chứ không phải là “thần” tu sĩ!

Có những người khi mới bắt đầu sống đời tu thì tưởng rằng mình đã bước vào một thế giới khác, thuần thiêng và tách biệt với bên ngoài.  Sự thật là chỉ có một thế giới, dù là trong hay ngoài nhà tu, nơi đó Chúa vẫn luôn làm việc và mời gọi con người nên thánh.  Do đó người tu sĩ trước hết phải là người đón nhận sự thật nơi mình và nơi những người anh chị em khác về thân phận con người.

Mỗi người đều có điểm mạnh điểm yếu, đều có quá khứ – hiện tại – tương lai, đều có những thứ tình cảm hỷ nộ ái ố…  “Thiêng liêng hóa” chính là việc nhận ra ân sủng và lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho mỗi người trong chính những yếu tố “tự nhiên” đó, chứ không phải là thái độ coi thường hay sợ hãi chúng.  Trong ánh sáng của mầu nhiệm nhập thể, tự nhiên là phương thức biểu hiện, là cầu nối và là phương tiện truyền tải ân sủng siêu nhiên.  Như vậy góc nhìn “siêu nhiên” giúp cho con người thấy rõ vai trò và ý nghĩa của “tự nhiên” chứ không hề tách biệt với “tự nhiên.”  Tu sĩ là người tiếp cận với những yếu tố tự nhiên trong chính bản chất của nó (phù hợp thực tiễn, không tô vẽ thêm) dưới ánh sáng đức tin (để nhận ra hoạt động của Chúa).

Theo lẽ tự nhiên, con người cần thời gian để trưởng thành về mặt tinh thần cũng như thể lý.  Ứng với mỗi độ tuổi hay mỗi giai đoạn trong đời sống đòi hỏi mỗi người phải đạt đến mức độ trưởng thành nhất định về mặt nhân bản.  Người tu sĩ chắc chắn không thể được miễn trừ khỏi quy luật đó.  Đời tu càng đòi hỏi người tu sĩ phải biết mình đang ở trong giai đoạn nào và đã đạt mức trưởng thành tới đâu về tâm sinh lý.  Chương trình huấn luyện trong các dòng tu hay chủng viện có thể hỗ trợ người tu sĩ rất nhiều trong việc “biết mình” bên cạnh việc “biết Chúa” và “biết dòng.”

Khi người tu sĩ nhận ra những vấn đề của bản thân mình và trình bày cởi mở với những người có trách nhiệm huấn luyện thì họ sẽ được giúp đỡ để vượt qua bằng những phương thế tự nhiên nhờ ân sủng Chúa.  Chẳng hạn một người có sức khỏe yếu thì phải xem lại chế độ ăn uống ngủ nghỉ, cách thức làm việc cũng như việc tập thể dục thể thao.  Tương tự, một người học yếu thì không thể chỉ cần cầu nguyện nhiều với Chúa là có thể học giỏi lên được.  Thay vào đó Chúa ban cho điều kiện học tập và tự bản thân họ phải nỗ lực học hành chăm chỉ hơn, bù đắp những kiến thức bị thiếu hụt.  Những vấn đề liên quan đến tâm sinh lý con người cũng cần được tiếp cận theo phương pháp khoa học.  Những ham muốn tính dục nơi người tu sĩ sẽ không tự nhiên mất đi sau khi đọc 10 kinh Kính Mừng!

Tóm lại, tu sĩ là người “thiêng liêng” nhưng cũng rất “tự nhiên.”  Thiên Chúa mời gọi người tu sĩ sống tận hiến cho Nước Trời trong chính thân phận con người của họ.  Lời mời gọi đó có sức làm biến đổi nội tâm người tu sĩ, giúp họ đảm nhận những yếu tố tự nhiên nơi bản thân mình bằng phương thế siêu nhiên.  Nhờ đó cuộc đời người tu sĩ là lời chứng tá sống động cho người môn đệ Chúa “ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.”

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xuống trần gian mang thân phận loài người vì yêu mến chúng con, xin cho chúng con biết noi gương Chúa để hoàn toàn vâng theo ý Cha trong mọi chi tiết của cuộc sống.  Chúa đã dặn những người muốn theo Chúa “Ai muốn theo ta, hãy vác lấy thập giá của chính mình mà theo ta”, xin cho chúng con được trung thành bước theo Chúa với thập giá là chính bản thân yếu đuối mỏng giòn của mình nhờ ơn Chúa giúp. Amen!

Giuse Lê Đắc Thắng SJ

NỖI CÔ ĐƠN SÂU THẲM NHẤT

Nhà tâm lý học Robert Coles ở trường đại học Harvard, khi mô tả triết gia thần nghiệm người Pháp, Simone Weil, ông cho rằng điều mà bà thật sự chịu đựng và cũng là động lực cho cuộc đời của bà, chính là sự cô đơn về tinh thần.  Cô đơn tinh thần là gì?

Cô đơn tinh thần là điều mà chúng ta trải nghiệm khi khắc khoải về ái lực tinh thần, nghĩa là khao khát một tri kỷ, một người gặp chúng ta, hiểu chúng ta và tôn trọng những gì thâm sâu nhất, quý báu nhất trong chúng ta.

Chúng ta cô đơn theo nhiều cách.  Chúng ta cảm thấy khắc khoải dù đang trải nghiệm sự thân mật, chúng ta thấy hoài niệm về một mái ấm mà chúng ta không bao giờ thật sự tìm được.  Có sự cô đơn, thao thức, một khắc khoải, khao khát, thiết tha, yêu thích, bất an, hoài niệm và vô tận trong chúng ta và chúng ta không bao giờ cảm thấy trọn vẹn.

Hơn nữa, sự bất tịnh này nằm ở trọng tâm chứ không phải ở bên rìa trải nghiệm của chúng ta.  Chúng ta không phải là những người yên nhàn đôi lúc cảm thấy thao thức, không phải là những người thanh bình đôi lúc cảm thấy bất an, không phải là những người viên mãn đôi lúc cảm thấy chán nản.  Đúng hơn, chúng ta là những sinh vật bồn chồn đôi lúc tìm được nghỉ ngơi, những con người bất an đôi lúc tìm được sự thanh tĩnh, những con người bất mãn đôi lúc tìm được sự thỏa mãn.

Và trong nhiều khao khát này, có một khao khát thâm sâu hơn những khao khát khác.  Điều mà chúng ta khao khát tối hậu, điều ẩn dưới mọi sự khác, chính là ái lực tinh thần, một tri kỷ, một người gặp gỡ chúng ta ở nơi thâm sâu trong tâm hồn chúng ta, một người tôn trọng mọi sự quý báu nơi chúng ta.  Hơn cả khao khát tìm được ai đó ngủ cùng mình về mặt tình dục, chúng ta khao khát ai đó ngủ cùng mình về mặt tinh thần.

Như vậy có nghĩa là gì?

Có thể diễn đạt như thế này: Mỗi một người chúng ta nuôi dưỡng một ký ức mơ hồ về một thời từng được chạm đến và âu yếm bởi những bàn tay trìu mến hơn hẳn bàn tay chúng ta.  Sự âu yếm đó để lại một dấu tích không phai, một ghi dấu tình yêu quá dịu dàng, quá tốt đẹp và thuần khiết đến nỗi ký ức đó trở thành lăng kính để chúng ta nhìn mọi sự khác.  Các thần thoại cổ xưa diễn tả chuyện này rất hay khi bảo với chúng ta, trước khi chúng ta được sinh ra, Thiên Chúa đã hôn linh hồn chúng ta, và chúng ta bước vào cuộc đời luôn ghi nhớ nụ hôn đó một cách trực giác, đánh giá mọi sự khác bằng cách đối chiếu với nụ hôn đó, với sự thuần khiết, dịu dàng và vô điều kiện ban đầu của nụ hôn đó.

Ký ức vô thức về một thời được Thiên Chúa chạm đến và âu yếm tạo trong chúng ta một nơi thâm sâu nhất, nơi chúng ta giữ những chuyện quý báu nhất và thiêng liêng nhất của mình.  Khi chúng ta nói chuyện gì đó “nghe rất đúng,” thì thật ra chúng ta đang nói, nó tôn trọng chốn thâm sâu đó trong lòng mình, nó tương hợp với chân lý, với dịu dàng và thuần khiết sâu sắc mà chúng ta đã từng trải nghiệm.

Từ nơi này xuất phát tất cả những gì là sâu sắc nhất, chân thực nhất trong chúng ta, cả những nụ hôn và giọt nước mắt.  Nghịch lý thay, đây là nơi chúng ta canh giữ đề phòng người khác, dù cho đó là nơi chúng ta muốn người khác bước vào nhất, với điều kiện là người bước vào tôn trọng sự thuần khiết, dịu dàng, vô điều kiện của sự âu yếm ban đầu mà Thiên Chúa đã tạo thành chốn dịu dàng đó.

Đây là nơi của thân mật sâu thẳm và cô đơn sâu sắc, nơi chúng ta ngây thơ vô tội, nơi chúng ta bị xâm phạm, nơi chúng ta thánh thiện, là đền thờ của Thiên Chúa, là đền thiêng tôn kính và là nơi chúng ta băng hoại khi hành động trái với chân lý.  Đây là trung tâm tinh thần của chúng ta, và cơn khắc khoải chúng ta cảm thấy có thể được gọi là cô đơn tinh thần.  Chúng ta khao khát tri kỷ là vì nó.

Và trong khao khát này, trong khắc khoải khôn nguôi này, chúng ta được thôi thúc hướng ra ngoài, như người nữ trong sách Diễm ca, chúng ta khắc khoải tìm kiếm một người ngủ cùng mình về mặt tinh thần.

Đôi khi khao khát đó dán chặt vào một người nào đó, và sự cố định đó có thể ám ảnh đến nỗi chúng ta đánh mất tự do về cảm xúc.  Như nền văn hóa của chúng ta, chúng ta cũng có thể kết luận, về căn nguyên nó là khao khát sự giao hợp tình dục.  Nói như thế có phần nào đúng, mặc dù có khiếm diện.  Sự giao hợp tình dục, trong dạng chân thực của có, thật sự đúng là gắn kết “thành một xác thịt” được Đấng Tạo Hóa tuyên bố sau khi lên án sự cô đơn “con người ở một mình không tốt.”  Ngoài giao hợp tình dục, cuối cùng, người ta luôn phần nào cô đơn, độc thân, tách biệt, một kẻ thiểu số.

Nhưng xét tận cùng, chúng ta cô đơn ở một mức độ mà chỉ tình dục thì không đủ để thỏa mãn.  Thâm sâu hơn cả khao khát bạn tình, chúng ta khao khát một ái lực tinh thần.  Khao khát thâm sâu nhất của chúng ta là khao khát một người để ngủ cùng về mặt tinh thần, một tinh thần đồng điệu, một tri kỷ.

Những tình bạn và tình vợ chồng tuyệt vời nhất luôn có điều này, cụ thể là ái lực tinh thần.  Những người đó là những “tình nhân” theo nghĩa sâu xa của nó, bởi vì họ ngủ với nhau ở mức độ thâm sâu, bất chấp có sự giao hợp tình dục hay không.  Ở mức độ cảm giác đó, dạng tình yêu này được trải nghiệm như đi “về nhà.”

Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu từng nói, là con người, chúng ta là “kẻ lưu đày của tâm hồn,” và chúng ta chỉ có thể thắng vượt chuyện này bằng sự giao hợp tinh thần với người khác, nghĩa là ngủ với người khác trong tình thiện lành, hân hoan, an bình, nhẫn nại, tốt lành, chịu đựng và đức tin.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

ĐỨC KI-TÔ LÀ NIỀM HY VỌNG CHO NHÂN LOẠI

Thế giới hôm nay đang bị xâu xé vì xung đột.  Những chiến dịch quân sự ngày một leo thang đến nỗi nhiều người tiên đoán một cuộc chiến tranh bằng vũ khí nguyên tử, hoặc chiến tranh thế giới lần thứ ba.  Nhân loại đã kinh nghiệm đau thương vì những cuộc chiến tranh trong quá khứ, hiện nay lại bị lôi kéo vào những tranh chấp cam go khốc liệt, khiến máu chảy đầu rơi và cướp đi mạng sống nhiều dân lành.  Làm sao chúng ta có thể nói về hy vọng trong một thế giới đầy bất ổn này?

Vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên, người Do Thái bị bắt đi lưu đày tại Babylon.  Trong cảnh nước mất nhà tan, họ luôn than khóc đau buồn.  Giữa cảnh tha hương, họ vẫn kêu cầu Thiên Chúa, xin Ngài giải phóng họ khỏi ách lưu đày.  Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a hôm nay là lời hứa của Thiên Chúa cho dân lưu đày.  Qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Ngài báo cho mọi người biết: họ sẽ được về quê hương xứ sở trong niềm vui vỡ òa.  Trong đoàn người hồi hương ấy, có đủ mọi thành phần, kể cả những người tàn tật, nghèo khó, vì Chúa là Thiên Chúa của tình thương.

Nếu Thiên Chúa của Cựu ước đã giải phóng dân riêng khỏi ách lưu đày thể xác, thì Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể, lại đến trần gian để giải phóng con người thoát khỏi ràng buộc của tội lỗi.  Bằng giáo huấn của Người, Chúa Giê-su đưa con người thoát ra cảnh mù tối thiêng liêng.  Đó là sự hận thù, ích kỷ, ghen tương, tham lam đố kỵ.  Đó cũng là sự vô cảm dửng dưng trước nỗi khổ của đồng loại.  Qua phép lạ chữa lành người mù ở cổng thành Giê-ri-cô, Chúa Giê-su muốn khẳng định: Người là Thiên Chúa quyền năng, và thời Thiên sai đã đến.  Đây là lúc những gì các ngôn sứ đã tiên báo trong Cựu ước đạt tới mức thành toàn.  Lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a nói trước kia, đã được thực hiện trong cuộc hồi hương của người Do Thái, và hôm nay đang được thực hiện nơi Đức Giê-su, vị Ngôn sứ có uy quyền trong hành động và lời nói.

Đức Ki-tô là niềm hy vọng cho thế giới.  Đó là khẳng định và là niềm xác tín của đức tin Ki-tô giáo.  Chúng ta có thể khẳng định chắc chắn như thế vì chúng ta tin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, là Đấng có thể làm được mọi sự, vào lúc Ngài muốn và theo cách Ngài muốn.  Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô đã viết trong Thông điệp Spe Salvi “Đức Ki-tô nói cho chúng ta biết con người là gì, phải làm gì để trở nên người đích thực.  Người chỉ cho chúng ta thấy con đường và con đường này là chân lý.  Người là con đường và là chân lý, vì thế là sự sống mà chúng ta trông mong (số 6).”  Thư gửi tín hữu Do Thái (Bài đọc II) đã khẳng định sự gần gũi yêu thương của Thiên Chúa qua Đức Giê-su Ki-tô.

Người là vị Thượng tế cảm thông những yếu đuối của chúng ta.  Người vẫn đang tiếp tục dâng chính thân mình làm của lễ để tôn vinh tình thương của Chúa Cha và xin ơn an bình cho nhân loại.  Qua mầu nhiệm Nhập thể, Thiên Chúa không còn xa cách con người. Đức Giê-su là Thiên Chúa.  Người đến gặp gỡ con người và mang cho họ sự đỡ nâng tinh thần thể xác.  Ngày hôm nay, Chúa Giê-su vẫn đang đi ngang qua cuộc đời chúng ta.  Người gõ cửa tâm hồn chúng ta để mời gọi chúng ta thực hiện đức công chính, cùng nhau xây dựng một thế giới huynh đệ.  Nếu mọi người biết lắng nghe và thực hành thông điệp do Chúa nhắn gửi, thì thế giới sẽ bình an và lòng nhân ái sẽ lan toả trong cuộc sống của chúng ta.

Sống trong thế giới hôm nay, người Ki-tô hữu không dửng dưng với những mối bận tâm của thế giới.  Trái lại, mỗi người phải cầu nguyện cho hòa bình và cố gắng góp phần xây dựng hòa bình.  Hòa bình khởi đi từ mỗi cá nhân, khi chúng ta sống hài hòa với anh chị em, cổ võ nền văn minh tình thương, tôn trọng sự sống và phẩm giá của người khác.  Đó là những hạt giống của niềm hy vọng mà các Ki-tô hữu được mời gọi hãy nỗ lực tung gieo vào mọi môi trường xã hội.

Ki-tô hữu là người tin cậy vào Thiên Chúa.  Họ tin Ngài có thể làm được mọi sự.  Thiên Chúa của Người Do Thái cũng là Thiên Chúa của người Kitô hữu.  Ngài là Đấng làm cho điều không thể thành điều có thể.

“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được!”  Đó là lời van xin của người mù ở cổng thành Giê-ri-cô.  Đó cũng là lời cầu nguyện của mỗi chúng ta.  Hãy xin Chúa mở mắt tâm hồn để chúng ta thấy những nhu cầu của công ích, của những người bị bỏ rơi, người nghèo khổ và những người đang bị dồn vào ngõ cụt của cuộc đời.  Xin Chúa cũng mở mắt khai trí để chúng ta biết mình là ai trong cuộc sống hằng ngày.

Chúng ta hãy cầu nguyện với thánh Phan-xi-cô Assisi: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa!”  Khi thiện chí sống theo giáo huấn của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ trở nên khí cụ bình an và là người thắp lên niềm hy vọng trong cuộc đời.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

MỞ CỬA CHO CHÚA

“Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay!”

“Khi chúng ta lên thiên đàng; ở đó, sẽ có ba điều kỳ diệu: ai ở đó, ai không ở đó, và sự thật là tôi đang ở đó!” – John Newton.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi đang ở đó!”  Câu nói của J. Newton đưa chúng ta về câu nói của Chúa Giêsu – như là điều kiện – cho việc có mặt trên thiên đàng, “Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay!”  Thật vui mừng khi biết rằng, mặc dù không xứng đáng và là một tội nhân, nhưng chính tôi phải ‘mở cửa cho Chúa’, khi cuối cùng, Ngài đến!

Đúng vậy, lìa đời, tôi sẽ mở cửa thiên đàng hoặc tôi sẽ đóng nó lại; sẽ không có ai làm điều đó thay tôi.  “Chúa sẽ yêu cầu chúng ta giải trình không chỉ về những việc đã làm, đã nói, mà còn về cách chúng ta dùng thời gian Ngài ban!” – Grêgôriô Nazian.

Việc tỉnh thức chờ đợi Chúa đến trước cửa khá đơn giản, và chắc chắn, tôi có thể làm được điều đó.  Tôi không thể lơ là!  Lơ là khiến chúng ta quên mất mục đích cuối cùng.  Muốn lên thiên đàng nhưng không có ý chí hành động khác nào xây một tòa nhà trên không; chẳng có một cam kết nào đáng giá hỗ trợ cho khát vọng của mình.  Đeo tạp dề có nghĩa là vào bếp, chuẩn bị chu đáo cho mọi thứ sắp xảy ra.  Một nông dân đã từng có một câu nói khá nổi tiếng, “Bạn không thể gieo hạt nếu đất “nổi giận”; để gieo hạt tốt, bạn phải thực sự đi trên cánh đồng và “vuốt ve” hạt giống!”

Kitô hữu không bao giờ là những kẻ lạc đường.  Họ biết mình đến từ đâu, sẽ đi đâu và làm thế nào để đến đó; họ biết đích đến, biết phương tiện để đến đó và những khó khăn gặp phải trên đường.  Ghi nhớ những điều này sẽ giúp chúng ta tỉnh thức, và sẵn sàng ‘mở cửa cho Chúa’ khi Ngài vừa gõ, cho dù Ngài thường gõ ‘rất sẽ.’

“Với những lời này, Chúa Giêsu nhắc nhở, cuộc sống là một hành trình hướng đến cõi vĩnh hằng.  Theo quan điểm này, mọi khoảnh khắc đều quý giá; do đó, chúng ta phải sống và hành động trên trái đất này trong khi khao khát thiên đàng: đôi chân bước đi trên mặt đất, làm việc trên mặt đất, làm điều thiện trên mặt đất nhưng trái tim khao khát thiên đàng.  Chúng ta không thể thực sự hiểu được niềm vui tối thượng này bao gồm những gì.  Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho chúng ta cảm nhận điều đó bằng phép loại suy về người chủ – thấy những đầy tớ vẫn thức lúc ông trở về – “Ông sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” – Phanxicô.  Đó là hồi kết có hậu tất yếu của việc ‘mở cửa cho Chúa!’.

Anh Chị em,

“Để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay!”  “Tôi sẽ mở cửa thiên đàng!”  Niềm vui vĩnh cửu được biểu lộ theo cách ‘đổi vai’, chúng ta sẽ không là những người hầu phục vụ Chúa, mà chính Chúa sẽ đặt mình phục vụ chúng ta.  Chúa Giêsu đã và đang làm điều này ngay bây giờ.  Ngài là người hầu của chúng ta khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta.  Và đây sẽ là niềm vui cuối cùng: hợp hoan với Chúa Cha!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, sau một đời theo Chúa, ước gì ngạc nhiên lớn nhất của đời con là con có mặt ở đó – trên thiên đàng!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

NHỊP SỐNG KITÔ HỮU

Trời có lúc mưa lúc nắng. Mưa để tưới cho cây lúa mọc nhanh. Nắng để cho hạt lúa vào mẩy chín vàng. Thời gian có ngày có đêm. Ngày để con người làm việc. Đêm để con người nghỉ ngơi phục hồi sức lực. Con người có đời sống riêng tư nhưng cũng có đời sống xã hội. Có lúc phải ra ngoài góp mặt với đời. Có lúc phải rút lui vào chốn riêng tư để sống cho mình. Nhịp hai chi phối đời sống con người ấy cũng chi phối những hoạt động thiêng liêng của người môn đệ Chúa. Trong bài Tin Mừng Chủ nhật tuần trước, ta đã thấy Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt động cứu độ con người. Hôm nay, khi các ông về tường trình lại những việc đã làm. Người bảo các ông tìm chỗ vắng vẻ mà nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi trong cầu nguyện. Sống riêng tư thân mật với Chúa. Hoạt động và cầu nguyện, đó là nhịp sống của người môn đệ Chúa.

Hoạt động và cầu nguyện đó là hai nhu cầu của con người. Vì con người có thể xác nhưng cũng có linh hồn. Vì đời sống trong xã hội, con người có bổn phận đối với làng xóm, với đất nước.  Để thăng tiến bản thân, gia đình và đất nước, ta phải học hành, lao động hết sức vất vả.  Đó là nhiệm vụ bắt buộc. Một người có tinh thần trách nhiệm không thể nào xao lãng những nhiệm vụ đó. Tuy nhiên sẽ là thiếu sót rất lớn nếu con người chỉ biết có đời sống thể xác mà quên đi đời sống tâm linh. Thật vậy, con người không chỉ có thể xác mà còn có linh hồn. Đời sống tâm linh cũng cần phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển. Sẽ là khập khiễng, lệch lạc, què quặt nếu chỉ lo phát triển đời sống vật lý mà quên đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh được nuôi dưỡng bồi bổ ở bên Chúa. Chính Chúa là nguồn mạch đời sống thiêng liêng. Vì thế những giờ phút riêng tư thân mật bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ những giờ phút cầu nguyện mà con người được phát triển quân bình, song song cả hồn lẫn xác.

Hơn thế nữa việc cầu nguyện sẽ hỗ trợ hoạt động bên ngoài. Nếu chỉ hoạt động bên ngoài, con người sẽ không khác gì máy móc. Nếu chỉ biết phát triển đời sống thân xác, con người sẽ trở thành nô lệ cho vật chất. Nếu chỉ quan tâm tới những nhu cầu vật chất, con người sẽ dễ bị tha hoá, đuổi theo tiền bạc, chức quyền. Một xã hội chỉ phát triển về vật chất mà không phát triển về đạo đức sẽ khó tồn tại. Cầu nguyện giúp nâng tâm hồn lên khỏi nô lệ vật chất. Những giây phút yên lặng bên Chúa giúp ta định hướng cuộc đời, ánh sáng Lời Chúa giúp ta nhìn rõ tâm hồn mình, biết rõ những sai sót của mình mà sửa lỗi. Những lời chỉ dạy của Chúa là những chuẩn mực đạo đức giúp ta sống ngay thẳng thật thà, lương thiện. Ơn Chúa ban sẽ cho ta sức mạnh để hoạt động tích cực hữu hiệu hơn, để hăng hái dấn thân hơn nữa trên đường phục vụ anh em.

Riêng trong lãnh vực tông đồ, cầu nguyện tuyệt đối cần thiết. Thật vậy, việc tông đồ bắt nguồn từ nơi Chúa. Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa. Làm việc của Chúa mà không kết hiệp mật thiết với Chúa thì không những không thể có kết quả tốt đẹp mà còn có nguy cơ đi sai đường, làm hỏng công việc của Chúa. Không cầu nguyện ta sẽ dễ chú ý tới những hoạt động thuần tuý phô trương bề ngoài. Không cầu nguyện ta sẽ dễ biến việc của Chúa thành của riêng ta và vì thế sinh ra tự phụ, kiêu hãnh. Không cầu nguyện, việc tông đồ sẽ chỉ là một hoạt động xã hội từ thiện không hơn không kém. Vì thế, cầu nguyện rất cần thiết. Cần cầu nguyện đế biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cần cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc. Cần cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay Thiên Chúa. Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn.

Hoạt động và cầu nguyện. Đó là hai nhịp trong đời sống Kitô hữu. Nhưng có lẽ ta thường chú trọng tới hoạt động mà quên cầu nguyện. Hôm nay, Chúa dạy ta phải biết giữ quân bình giữa hai nhịp của đời sống. Có hoạt động nhưng cũng phải có cầu nguyện. Hoạt động phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Cầu nguyện để tổng kết lượng giá những hoạt động cũ và định hướng những hoạt động mới. Hoạt động là bề mặt. Cầu nguyện là bề sâu. Giữ được quân bình giữa hai nhịp sống, con người mới phát triển toàn diện. Duy trì sự ổn định của hai nhịp sống mọi hoạt động của con người mới có nền tảng và bền vững.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

HÃY LÊN ĐƯỜNG

Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Hội nghị thường niên tổ chức tại Tàpao (Gp Phan Thiết) vào trung tuần tháng chín vừa qua, đã gửi đến Cộng đoàn Dân Chúa một thư Mục vụ với chủ đề: Cùng nhau loan báo Tin Mừng.  Các vị chủ chăn của Giáo hội Công giáo Việt Nam mời gọi các tín hữu hãy ý thức sứ vụ loan báo Tin Mừng, đồng thời tham gia tích cực vào sứ mạng thiêng liêng này.  Một cách cụ thể, các ngài đề nghị mỗi tín hữu trước hết hãy sống tinh thần truyền giáo từ gia đình, bằng việc cầu nguyện chung với nhau.  Các bậc cha mẹ phải hiểu biết giáo lý để có thể hướng dẫn con mình sống theo đức tin.  Một gia đình sống tinh thần truyền giáo sẽ tạo nên những tín hữu có khả năng sống chứng tá Tin Mừng trong mọi môi trường xã hội.

Chúa nhật thứ III tháng Mười dương lịch hằng năm là ngày “Cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo,” hay đơn giản là “Chúa nhật truyền giáo.”  Mục đích của ngày này là giúp người tín hữu ý thức sứ mạng loan báo Tin Mừng, đồng thời cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo sinh hoa kết trái trên toàn thế giới.

Trong lối suy nghĩ thông thường của nhiều người tín hữu, truyền giáo là việc của các linh mục và tu sĩ.  Thực ra, đây là sứ mạng của mọi người đã được lãnh nhận bí tích Thanh tẩy.  Đức Giê-su phục sinh trao sứ mạng này cho các môn đệ và cho tất cả những ai sẽ làm môn đệ của Người trong thời gian.

Có người đặt câu hỏi với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: “Đức Thánh Cha không ngừng nhắc đến một “Giáo hội lên đường.”  Nhiều người đã mượn cách diễn tả này và đôi khi xem ra nó trở thành một khẩu hiệu gây nhàm chán.”  Đức Thánh Cha đã trả lời: “Giáo hội lên đường không phải là cách nói mang tính thời thượng do tôi phát minh; đó là lệnh truyền của Chúa Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô.  Người kêu gọi những ai theo Người tiến vào giữa lòng thế giới và loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.  Giáo hội hoặc là lên đường, hoặc không còn là Giáo hội; Giáo hội hoặc là truyền giáo hoặc không còn là Giáo hội.  Nếu không lên đường, Giáo hội sẽ mục ruỗng và trở thành một thứ gì đó.”  Những lời này của Đức Thánh Cha cho thấy: nếu không truyền giáo, sự hiện hữu của Giáo hội (và mỗi người tín hữu) sẽ trở nên vô nghĩa và vô dụng.

Hãy lên đường!  Đó là lệnh truyền của Chúa Phục sinh.  Tất cả chúng ta đều được mời gọi lên đường, trong khi chúng ta vẫn sống trong giáo xứ, trong gia đình, và vẫn giữ nhịp sống hằng ngày.  Vậy, lên đường ở đây trước hết là sự đi ra khỏi chính bản thân.  Đó là sự khiêm tốn chấp nhận những yếu kém và giới hạn của mình.  Đó cũng là những cố gắng để học hỏi Lời Chúa, học hỏi những người xung quanh để bản thân được gọt dũa, trở nên hoàn thiện.  Thiện chí đi ra khỏi chính mình cũng giúp chúng ta sống hài hòa với mọi người, mặc dù còn những khác biệt về tuổi tác, kinh tế, trình độ văn hoá hay tôn giáo.  Một khi chấp nhận đi ra chính bản thân để sống hài hòa với người khác, chúng ta sẽ diễn tả hình ảnh trung thực của Chúa Giê-su, Đấng đã mang lấy thân phận con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi.

Người tín hữu chỉ có thể trở thành người truyền giáo, khi chính bản thân mình phải trước hết được truyền giáo.  Quả vậy, nếu chúng ta không thấm nhuần tinh thần thừa sai và không thực sự cảm nhận hạnh phúc và niềm vui của người tin Chúa, thì làm sao chúng ta có nhiệt thành để giới thiệu Người cho người khác?  Để trở nên tác viên của công cuộc truyền giáo, tín hữu phải đón nhận Lời Chúa, được Lời Chúa tôi luyện để trở thành khí cụ sắc bén của việc loan báo Tin Mừng.

Mặc dù mọi tín hữu đều được trao sứ mạng truyền giáo, nhưng tác nhân chính của công cuộc truyền giáo là Chúa Thánh Thần.  Lịch sử Giáo hội đã chứng minh: kết quả truyền giáo không đến từ những ảnh hưởng như quyền lực, vật chất và những thế lực trần gian khác.  Chúa Thánh Thần luôn hoạt động nơi nhà truyền giáo và làm cho công việc truyền giáo sinh hoa kết trái.  Kết quả truyền giáo không đến từ con người, mà đến từ Thiên Chúa.  Con người chỉ là dụng cụ để qua đó Thiên Chúa thông truyền tình thương cứu độ của Ngài.  Chúng ta hãy nỗ lực loan báo Tin Mừng với thiện chí và khả năng, chính Chúa Thánh Thần sẽ làm cho những cố gắng ấy sinh hoa kết trái.

Chúng ta hãy nghe Đức Thánh Cha Phan-xi-cô định nghĩa về truyền giáo: “Truyền giáo có nghĩa là công bố chứng tá của mình về Chúa Ki-tô bằng những từ ngữ cụ thể và giản dị như các tông đồ đã làm, không cần phải tạo ra những huấn từ mang tính thuyết phục.”

Xin Đức Mẹ Mân Côi, Đấng chúng ta yêu mến tôn vinh trong tháng Mười này, hướng dẫn và giúp chúng ta lên đường để giới thiệu cho mọi người về Chúa Giê-su và Giáo Hội của Người.  Amen!

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

5 BÀI HỌC QUAN TRỌNG TỪ THÁNH NỮ TÊRÊSA AVILA

Sự thông thái vượt thời gian của vị nữ Tiến sĩ Hội Thánh đầu tiên.

Chúng ta đang tiến nhanh đến dịp kỷ niệm 400 năm ngày tuyên thánh ấn tượng nhất trong lịch sử Giáo Hội, sự kiện đã diễn ra vào ngày 12 tháng 3 năm 1622.

Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XV đã có được những vinh dự này.  Các cuộc tuyên thánh trong giai đoạn lịch sử này là những sự kiện tương đối hiếm.  Mặc dù Công đồng Trentô dạy rằng mẫu gương và lời chuyển cầu của các thánh là một sự trợ giúp đắc lực cho các tín hữu, nhưng phải mất 25 năm sau khi Công đồng kết thúc mới có một số người được tuyên thánh.  Trên thực tế, từ năm 1492 đến năm 1587, chỉ có ba người được tuyên thánh, mỗi thời mỗi khác.  Đức Giáo Hoàng Grêgôriô đã thay đổi điều đó, ngài đã tuyên thánh cùng một lúc cho bốn vị thánh vĩ đại của thời kỳ Phản Cải cách (hay còn gọi là thời kỳ Chấn hưng Công giáo), những người đã sống cùng thời với chính Đức Giáo Hoàng, những người không chỉ biểu trưng cho những gì Giáo Hội đang hướng tới mà còn đóng những vai trò quan trọng trong việc giúp Giáo Hội quay lưng lại với tội lỗi và trở nên trung thành với Tin Mừng.

Bốn người đó là Thánh Inhaxiô thành Loyola, nhà sáng lập Dòng Tên; người bạn cùng phòng thời đại học ngày xưa của Thánh Inhaxiô và nhà truyền giáo vĩ đại nhất mọi thời đại sau Thánh Phaolô, là Thánh Phanxicô Xaviê; người tái Phúc Âm hóa ở Rome vào thế kỷ 16 và người sáng lập Dòng Các Cha Diễn Thuyết (Oratory), là Thánh Philipphê Nêri; và nhà cải cách vĩ đại của đời sống tu trì và người sáng lập Dòng Cát Minh Chân Đất, là Thánh Têrêxa Avila.

Ý nghĩa của những gì đã xảy ra vào ngày 12 tháng 3 năm 1622 trở nên quan trọng đối với toàn thể Giáo Hội, vì gương mẫu của Thánh Inhaxiô, Thánh Phanxicô, Thánh Philipphê và Thánh Têrêsa tiếp tục truyền cảm hứng cho các tín hữu trong mọi bước đường cuộc sống, và các hội dòng mà các ngài và những đứa con tinh thần của mình đã thành lập – làm cho Giáo Hội có thể hiện diện khắp các quốc gia, các trường đại học, các tu viện và còn nhiều hơn thế nữa – đã trở thành nền tảng cho Giáo Hội kể từ đó.

Chúng ta có rất nhiều điều để học hỏi nơi từng người trong số các ngài.  Trong chừng mực ngày Thứ Sáu tới đây là Ngày Lễ của Thánh Têrêsa Avila, người đã qua đời vào ngày 15 tháng 10 năm 1582 (cũng chính ngày này, lịch Julius đổi thành lịch Gregory), nên việc tập trung vào vị thánh nữ này là điều phù hợp.

Mùa hè vừa qua, nhờ có một vài ngày nghỉ phép ở Madrid, tôi đã có cơ hội thực hiện một chuyến đi trong ngày với những người bạn linh mục đến Avila, nơi Thánh Têrêsa sinh ra và bước vào đời sống tu trì, và sau đó đến Alba de Tormes, nơi thánh nữ đã bước vào sự sống vĩnh hằng.  Vì một trong những người bạn đồng hành của tôi có những trách nhiệm đặc biệt trong Giáo Hội ở Tây Ban Nha, nên chúng tôi được đặc ân đi vào trong các khu vực hành lang của ba tu viện Cát Minh, nơi mà chúng tôi có thể đến gần để dõi theo những bước chân của Thánh Têrêsa và cầu nguyện tại chính những nơi mà ngài đã từng chiêm niệm, đã từng xưng tội, đã từng sống và chết.

Chúng tôi có thể tôn kính những thánh tích của thánh nữ, bao gồm cả trái tim không hư nát của ngài đã từng bị đâm thâu một cách mầu nhiệm – “được biến đổi” – bởi tình yêu Thiên Chúa.  Chúng tôi cũng có thể chứng kiến lòng nhiệt thành không phai nhạt của thánh nữ qua các cuộc trò chuyện với những người con thiêng liêng của ngài, có thể cảm nghiệm được tình yêu lớn lao và lời chuyển cầu của họ dành cho các nhu cầu của Giáo Hội, và cũng có thể chúc mừng họ vì dịp lễ kỷ niệm sắp tới.

Vào ngày 27 tháng 9 năm 1970, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã phong ngài làm vị nữ tiến sĩ Hội Thánh đầu tiên.  Tôi muốn nêu bật năm bài học mà ngài dạy cho chúng ta.

Bài học đầu tiên là lòng khao khát thiên đàng mãnh liệt.  Tôi rất ấn tượng khi đến thăm tu phòng nơi thánh nữ qua đời ở Alba de Tormes, và đã nhìn thấy bức tranh tường được vẽ trên đầu giường của ngài về một khung cảnh xảy ra khi ngài 7 tuổi.  Ngài đã sớm xây dựng một ẩn thất nhỏ ở sân sau nhà mình.

Một ngày nọ ở đó, thánh nữ và em trai 5 tuổi Rodrigo bắt đầu chuyện trò về hạnh phúc của các vị thánh trên thiên đàng.  Họ đã sửng sốt bởi ý nghĩ về việc sống “đời đời.”  Rodrigo đã hỏi rằng làm thế nào họ có thể đến được với Thiên Chúa trên thiên đàng nhanh nhất, và Têrêsa đã trả lời rằng qua việc tử đạo.  Câu hỏi làm thế nào họ có thể trở thành những vị tử đạo và Têrêsa đã kể về những người Hồi giáo đang sát hại các Kitô hữu ở Marốc.

Và thế là họ bắt đầu tiến về phía nam để đến Marốc, quên đi sự phức tạp về địa lý của Địa Trung Hải nằm giữa Tây Ban Nha và Bắc Phi!  Họ đã đi ra ngoài các tường thành, đến tận Cầu Adaja theo phong cách Rôma cổ kính, nơi chú Francisco của họ, đang trở về sau một cuộc đi săn, đã nhìn thấy họ và hỏi họ sẽ đi đâu.  Khi họ nói với chú ấy rằng họ đang đến Châu Phi để chịu tử đạo dưới tay người Marốc, chú ấy đã khéo léo tình nguyện cho họ đi nhờ ngựa.  Sau khi nhảy lên ngựa, người chú đã phi nước đại đưa họ trở về nhà để chịu một kiểu tử đạo khác đang chờ đợi họ ở đó.

Đây là một câu chuyện đẹp nhất về tiểu sử của một vị thánh, minh chứng cho tình yêu giống như trẻ thơ mà chúng ta phải dành cho Thiên Chúa, cho thiên đàng, cho sự sống đời đời.  Tình yêu đó vẫn lan tỏa từ bên trong thánh nữ để rồi những hy vọng của ngài cuối cùng cũng đã được thực hiện vào năm 1582.

Bài học thứ hai là về tầm quan trọng và nghệ thuật của cầu nguyện.  Thánh nữ là một Tiến sĩ Hội Thánh chính vì, cùng với nhà cải cách Dòng Cát Minh là Thánh Gioan Thánh Giá, thánh nữ là một trong những người định hướng về đời sống nội tâm quan trọng nhất trong lịch sử Giáo Hội.

Thánh nữ sử dụng văn phong sống động và hình ảnh về một Lâu đài Nội tâm với bảy “tầng” (mỗi tầng gồm nhiều phòng) để truyền đạt những chân lý sâu sắc về đời sống cầu nguyện và đời sống thiêng liêng.  Thánh Têrêsa mời gọi tất cả các chị em của mình – và những người khác – đi qua từng chặng đường của tiến trình thiêng liêng này bằng cách mở lòng đón nhận công việc của Chúa Thánh Thần một cách trọn vẹn hơn.

Bài học thứ ba là về sự hoán cải liên tục.  Thánh nữ vào tu viện Cát Minh lúc 20 tuổi, nhưng cộng đoàn này lại đang ở trong tình trạng bất ổn về mặt thiêng liêng.  Một số nữ tu có nhiều dãy phòng, với cả người hầu và vật nuôi.  Cuối cùng, chính thánh nữ cũng đã từng đầu phục trước tình trạng thế tục, ngài đã dành rất nhiều thời gian để tiếp đãi những người đến thăm và bạn bè trong phòng khách, ngài còn dành cho mình những thỏa hiệp khác nhau với sự phù phiếm thế tục.  Khi thánh nữ 39 tuổi, Thiên Chúa đã thức tỉnh ngài một lần nữa khỏi đời sống nhạt nhẽo, nơi mà ngài đang phải chống chịu với những tội nhẹ, và làm sống lại nơi ngài khao khát về sự thánh thiện, về hạnh phúc.

Kinh nghiệm hoán cải đó dẫn đến bài học thứ tư, đó là sự hoán cải trong Giáo Hội.  Thánh nữ đã chứng kiến ​​và nghiệm thấy những gì có thể xảy đến cho con người ngay cả ở những nơi mà họ thề hứa sẽ dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa.  Thánh nữ đã nhận thức được rằng các cơ cấu của Giáo Hội, bắt đầu từ những người thuộc dòng Cát Minh, cần phải được cải tổ sâu sắc đến mức nào, và bất chấp những đau khổ cá nhân to lớn, thánh nữ đã dành phần đời còn lại của mình cho việc cố gắng trở thành một công cụ để đem những chị em cùng dòng Cát Minh trở về với mối tình đầu của mình, thông qua Giáo Hội.

Giáo Hội lúc nào cũng cần đến sự cải cách và cần đến những nhà cải cách thánh thiện, những người là công cụ của Thiên Chúa để đưa chúng ta trở lại điều mà Chúa Giêsu ở Bêtania đã gọi là “phần tốt hơn” và “một điều cần thiết” (x. Lc 10,41-42).

Cuối cùng, trong Năm của Thánh Giuse này, thánh nữ còn chỉ cho tất cả chúng ta cách để gia tăng lòng sùng kính đối với Người.  Tình yêu của Thánh Têrêsa dành cho Thánh Giuse, Đấng đã được Chúa Cha đã tuyển chọn để dưỡng dục Con của Người theo nhân tính và để bảo vệ và chăm lo cho Thánh Gia, đã bắt đầu khi thánh nữ được chữa khỏi một căn bệnh thể lý sau khi cầu nguyện với Thánh Giuse vào năm 26 tuổi.

Thánh nữ đã viết, “Nhận thấy mình thật khốn cùng trong khi các bác sĩ trần thế còn quá non trẻ đã không thể chữa khỏi được cho tôi.  Tôi đã nhờ đến Thánh Giuse vinh hiển làm người bênh vực và bảo vệ, và đã giao phó chính mình cho Người…  Sự cứu giúp của Người đã mang lại cho tôi nhiều điều tốt đẹp hơn những gì tôi có thể hy vọng.  Tôi không nhớ đã từng cầu xin với Người bất cứ điều gì mà lại không được nhậm lời.”

Thánh nữ đã cố gắng rao truyền về một tình yêu bao la dành cho bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ.

“Tôi ước mình có thể thuyết phục mọi người hết lòng với vị thánh vinh hiển này, vì kinh nghiệm lâu năm đã dạy cho tôi biết về những ơn lành mà Người có thể nhận được từ Thiên Chúa để dành cho chúng ta.  Trong tất cả những người tôi biết với một lòng mộ mến chân thành và một lòng sùng kính đặc biệt đối với Thánh Giuse, thì không ai lại không thăng tiến về mặt nhân đức; Người giúp sức cho những ai hướng về Người để đạt đến việc tiến bộ thực sự…  Tất cả những gì tôi mời gọi, vì tình yêu Thiên Chúa, là bất cứ ai không tin tôi thì hãy thử những gì mà tôi đã nói, và sau đó người đó sẽ tự nhận biết những lợi ích khi giao phó chính mình Thánh tổ phụ Giuse vinh hiển, và rồi người đó cũng sẽ có được một lòng mộ mến đặc biệt đối với Người.  Đặc biệt, những ai sống đời cầu nguyện nên yêu mến Người như một người cha.”

Khi chúng ta kỷ niệm ngày lễ của thánh nữ và chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 400 năm ngày thánh nữ được tuyên thánh, chúng ta hãy cầu xin ngài cầu thay nguyện giúp để chúng ta có thể chia sẻ lòng khao khát của ngài dành cho thiên đàng, dành cho cầu nguyện, dành cho sự hoán cải liên tục, dành cho việc cải cách các cơ cấu của Giáo Hội và dành cho việc giao phó toàn thể Giáo Hội cho Thánh Giuse.

Lm. Roger Landry
Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên chuyển ngữ từ National Catholic Register (13.10.2021)
Nguồn: giaophanvinhlong.net

CHUI QUA LỖ KIM

“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa!”

“Lỗ kim” ám chỉ một trong những cánh cổng ở các bức tường bao quanh thành thánh Giêrusalem.  Sau khi trời tối, cánh cổng sẽ đóng lại và cách duy nhất để vào thành là đi qua một cánh cửa nhỏ ở giữa cánh cổng đó.  Một người có thể đi qua nó bằng cách cúi xuống, nhưng một con lạc đà thì không thể trừ khi nó quỳ gối và bò qua.  Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực và chỉ dẫn từ người chủ của nó, nhưng đó là điều có thể!

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật một câu chuyện không vui về một thanh niên giàu có; trước lời đề nghị của Chúa Giêsu, anh buồn rầu bỏ đi.  Và Ngài kết luận, “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa!”  Điều này khiến các môn đệ kinh ngạc.  Nhưng kinh ngạc hơn – và cũng thú vị hơn – Lời Chúa mời gọi các môn đệ, mời gọi bạn và tôi ‘chui qua lỗ kim!’

Câu chuyện muốn nhấn mạnh rằng, vào Nước Thiên Chúa, chẳng dễ chút nào!  Trong trường hợp này, Chúa Giêsu đang nói về một người giàu dễ trở nên gắn bó với của cải đến mức người ấy không đạt được sự giàu có thiên đàng như thế nào.  Ngài mời anh từ bỏ sự giàu có dưới đất để đạt được sự trù phú trên trời.  Đầy yêu thương, Ngài nói với anh, “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời.  Rồi hãy đến theo tôi!”  Nghe vậy, anh ủ rũ bỏ đi.

Lòng tham của và sự gắn bó với vật chất rõ ràng có khả năng huỷ hoại một tâm hồn.  Đó là một sự thật!  Nhưng lời dạy này cũng áp dụng cho mọi hình thức gắn bó khác.  Khi chúng ta dính mắc vào bất kỳ tội lỗi nào ở mức độ nghiêm trọng và từ chối tách mình khỏi tội lỗi đó, chúng ta sẽ không vào được Vương Quốc.

Chứng kiến sự gắn bó tiền bạc của người bạn trẻ; và sau đó, nghe Chúa Giêsu nói đến sự khó khăn để vào Nước Trời, các môn đệ kinh ngạc, và điều này sẽ thách thức họ.  Điều đó là tốt!  Tốt vì nó cho thấy họ cũng phải xét mình về những ràng buộc không mấy thánh thiện của mình.  Thấy chàng bỏ đi, họ nghĩ đến những gì họ đang vướng mắc.  Sự kinh ngạc trong trường hợp này là sự nhận thức thánh thiện rằng, họ phải thay đổi!  Tuy nhiên, khi một người thực sự muốn thay đổi và được giải thoát khỏi những ràng buộc thì sẽ không còn bất kỳ trói buộc nào khiến họ tần ngần trước những đòi hỏi của Chúa nữa.  Mục tiêu cuối cùng là ‘chui qua lỗ kim’ để trở nên một môn đệ đích thực và việc trở nên này mời gọi họ ‘quỳ gối, bò qua’ để bắt đầu một lối sống mới.

Anh Chị em,

“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn.”  Vậy ‘lỗ kim’ của bạn mang dáng dấp và thuộc loại hình nào?  Nếu bạn muốn ‘chui qua lỗ kim,’ bạn phải toàn tâm toàn ý cam kết.  Chúa Giêsu không ngần ngại đòi hỏi bạn phải hoàn toàn đầu phục cuộc sống mình cho Ngài.  Hãy suy gẫm về những ràng buộc bạn đang vướng mắc và biết rằng, Ngài đang nói với bạn về những ràng buộc này.  Hãy vượt qua mọi kinh ngạc và biến sự phục tùng không lay chuyển theo ý muốn của Chúa thành lối sống của bạn.  Đây là cách duy nhất để bạn bước vào cánh cổng Vương Quốc.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con tháo cởi những gì cồng kềnh vướng bận, hầu con có thể quỳ gối và bò qua ‘lỗ kim’ Chúa muốn!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

CHỈ XIN ƠN KHÔN NGOAN

“Khôn ngoan”, theo nghĩa khái quát, được hiểu là phẩm chất kiến thức, kinh nghiệm hay khả năng phán đoán, phân định, quyết định liên quan đến mọi công việc của con người trong đời sống hằng ngày.

Theo Ki-tô Giáo, khôn ngoan được diễn tả nơi khả năng của lý trí cũng như sự kết hợp giữa lý trí và đức tin.  Lý trí lành mạnh giúp con người nhận biết Thiên Chúa là nguyên lý và cùng đích của vạn vật.  Theo thánh Tô-ma A-qui-nô: Khôn ngoan chính là món quà của Chúa Thánh Thần ban cho con người.  Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, con người có được sự khôn ngoan để phân định các thực tại, biết chiêm ngưỡng Thiên Chúa và thực thi thánh ý Ngài.  Các tư tế, các hiền nhân và các ngôn sứ là ba nhóm người được dân Do-thái coi là khôn ngoan đặc biệt.

Đức Khôn Ngoan

Từ cổ chí kim, trong các nền văn hóa Đông cũng như Tây phương người ta đều lo tìm kiếm sự khôn ngoan.  Có được sự khôn ngoan, con người trở nên khôn khéo, cư xử thận trọng và dễ thành công ở đời.  Mạc khải Thánh Kinh cho biết, sự khôn ngoan của con người bắt nguồn từ Thiên Chúa.  Thiên Chúa ban cho ai tùy ý, vì chính Ngài là Đấng Khôn Ngoan.

Theo thánh I-rê-nê thì Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa nhập thể làm người như sách Khôn Ngoan mô tả: Người tìm thấy niềm vui giữa loài người … “Người đã làm người giữa muôn người…  Người đã trao ban sự sống và thiết lập sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người ” (Kinh Tin Kính của Thánh I-rê-nê).

Muốn có Đức Khôn Ngoan, con người phải tuân giữ Luật Chúa.  Vì: “Ai tuân giữ Lề Luật sẽ điều khiển được tâm tư, khôn ngoan là hết lòng kính sợ Đức Chúa” (Hc 21,11).  Ai làm bạn với Đức Khôn Ngoan sẽ được sống muôn đời (x. Kn 8,17).

Sa-lô-môn đã không xin sống lâu, vinh quang, giàu sang, phú quý hay kẻ thù phải chết mà xin cho được ơn khôn ngoan để có thể hướng dẫn, phân định và xét xử dân Do-thái (1 V 3,4-9).  Ý vua xin đẹp lòng Chúa, nên Chúa nói: “Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp” (1 V 3,12).  Chúa còn nói với vua: “Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: Giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi” (1 V 3,13).  Đó là lý do, Sa-lô-môn khôn ngoan hơn tất cả những người khôn ngoan ở Phương Đông và Ai-cập (x. 1 V 5,9-10).

Thiên Chúa chính là nguồn mạch khôn ngoan, Chúa dùng sự khôn ngoan Chúa mà tác thành vạn vật và cấu tạo con người (x.Cn 8,30; Kn 8,6).  Do đó, muôn vật muôn loài được in dấu sự khôn ngoan của Thiên Chúa và phản ánh sự khôn ngoan của Người (x.Rm 1,19-20).

Đức Giê-su, Khôn Ngoan của Thiên Chúa

Đức Giê-su là Sự Khôn Ngoan của Chúa và là Lời của Chúa Cha (x.1Cr 1,24.30).  Người thông ban sự Khôn ngoan cho con người (x.Ga 1,1).  Trước kia tàng ẩn nơi Thiên Chúa nay được Mạc khải nơi Đức Giê-su Ki-tô.

Theo tiên tri Ba-rúc: “Đức Khôn Ngoan xuất hiện trên mặt đất và sống giữa loài người” (Br 3, 38).  Thánh Gio-an viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).  Như vậy, Đức Giê-su vừa là Lời vừa là Khôn Ngoan của Thiên Chúa.

Thánh A-tha-na-xi-ô khẳng định, Đức Giê-su chính là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ‘được sinh ra từ trước muôn đời’ hay ‘được sinh ra mà không phải được tạo thành’ là Lời duy nhất của Thiên Chúa. Với biến cố Nhập Thể, con người đã nghe và đã thấy, đã chiêm ngưỡng và đã chạm đến Khôn Ngoan của Thiên Chúa ‘bằng xương bằng thịt’ giữa chúng ta.

Để có Ơn Khôn Ngoan, chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm, vì Kinh Thánh khuyến khích chúng ta “Hãy thu tập khôn ngoan” (x.Cn 4,7).  Trước là kính sợ Chúa, vì “kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan” (Tv 111, 10); Thứ đến phải khiêm nhường.  Vì Thiên Chúa “chống cự kẻ kiêu ngạo” và Ngài vui lòng ban sự khôn ngoan cho kẻ khiêm nhường (x. Gc 4,6), và tha thiết cầu xin (x. Gc 1,5).

Đừng lỡ mất Sự Khôn Ngoan

Chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay thật tuyệt vời.  Nếu xưa nay người ta cứ tưởng có một đời sống luân lý hoàn hảo đã đủ bảo đảm về mặt đạo đức, tiền bạc dư thừa bảo đảm về mặt vật chất, thì anh vẫn mang trong mình khát vọng sống đời đời cho dù anh đã thủ đắc trong tay toàn bộ những thứ đó.

Để biến khát vọng thành hiện thực, anh đã tìm đến với Đức Giê-su là Đấng mà anh gọi là nhân lành, Người là chính Đức Khôn Ngoan.  Đức Khôn Ngoan đã chỉ cho anh: “Hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó, rồi đến theo Ta” (Mc 10,17).  Gặp được Chúa Giê-su, nhưng để có được Chúa Giê-su, Đấng là nguồn mạch mọi khôn ngoan ấy, anh phải bán sạch tài sản mà cha mẹ anh và chính anh đã vất vả tích lũy một đời bằng mồ hôi nước mắt; đã thế, còn đem bố thì hết cho người nghèo, còn mình trở nên trắng tay mà có sự sống đời đời sao?  Một lời mời gọi mới khó làm sao!

Đức Giê-su là một giá trị vượt trên tất cả những của cải trần gian, vì Người là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24).  “Trong Người có cất giấu một kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2, 3).  Gia tài của chàng thanh niên có là gì so với Đức Khôn Ngoan?  Nếu biết Đức Giê-su là Đức Khôn Ngoan hiện thân, có lẽ anh sẽ nói như tác giả sách Khôn Ngoan: “Đem so sánh sự giầu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giầu sang như không” (Kn 7, 8).

Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết tìm kiếm Chúa là nguồn mạch mọi sự khôn ngoan để chúng con được sống đời đời.  Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ