CUỐN SÁCH MỘT CHỮ

Người ta kể chuyện rằng: ngày kia một văn sĩ bỗng nảy sinh ra một ý kiến ngộ nghĩnh.  Ông ta muốn viết một cuốn sách.  Mà cuốn sách ấy, ông muốn làm sao cho nó không được dài quá một trang.  Cuốn sách một trang này lại phải làm sao cho nó không được dài quá một dòng.  Dòng ấy phải làm sao cho nó chỉ vỏn vẹn có một chữ.

Chữ độc nhất ấy, cố nhiên, phải làm sao diễn tả được hết mọi tư tưởng cao xa, tốt đẹp của văn sĩ.

Ý nghĩ ấy ngày đêm ám ảnh ông ta, làm cho ông ta mất ăn, mất ngủ.  Làm thế nào viết được cuốn sách một chữ ấy?

Cuối cùng nhà văn kia đành ngồi khoanh tay bó gối, thở dài thất vọng…  Tất cả những danh từ trên thế giới, không đủ cung cấp tài liệu, và ý nghĩa cho công việc ông ta dự định thực hiện.

Nhưng, cuốn sách một chữ ấy Thiên Chúa đã viết được.  Chữ độc nhất, hàm súc mọi ý nghĩa, vừa hùng hồn, sâu rộng, vừa nhẹ nhàng ý nhị để diễn tả được những kỳ công kiệt tác trong vũ trụ.  Tất cả những gì là tươi mát, là xinh đẹp, tất cả những gì là đáng quý chuộng, đáng yêu thương, đáng đòi hỏi, đáng tìm kiếm, đáng ước ao, đáng khát vọng.

Chữ ấy là: Maria, tên của người Trinh Nữ đã được thiên Chúa tuyển chọn và tô điểm cho cân xứng với thiên chức làm Mẹ Ngôi Hai Nhập Thể, cân xứng để trở nên vườn địa đàng thật hoàn hảo, thật sặc sỡ, thật kiều diễm để trong cung lòng của Maria, Thiên Chúa sẽ cử hành một lễ cưới long trọng, không phải giữa một người với một người, nhưng là giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Ngày hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng ngày chào đời của công trình tuyệt hảo ấy của Thiên Chúa.  Hân hoan vì với tiếng khóc và nụ cười của em bé mang tên Maria này, vầng đông của lịch sử và công trình cứu rỗi của toàn thể nhân loại đã ló dạng.

Một ngày nọ, thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, gặp trong nhà thờ một người đàn bà có vẻ đang đau khổ nhiều.  Bà ta vừa trở thành góa phụ.  Ông chồng đã rơi từ cầu xuống sông và bị chết đuối.  Ông ta đã chết khi chưa kịp ăn năn thống hối.  Do đó, đối với bà, ông chồng chắc chắn đã mất linh hồn.

Cha Vianney đã nhẹ nhàng đến gần, và được Chúa soi sáng, cha đã nói:

–  Chồng bà đã được cứu thoát. Quá ngạc nhiên và tỏ vẻ không tin, bà ta lại hỏi:

 Thưa cha, làm sao lại có thể như vậy?  Cha Vianney cắt nghĩa:

 Có Chúa ở giữa chiếc cầu và dòng sông.  Chồng bà đã cùng rơi với Chúa và khi rơi, ông đã làm hòa với Ngài.

 Nhưng làm sao có thể như vậy được  Bà vợ hỏi lại:

 Ðó là một ơn của Ðức Mẹ.  Cha Vianney trả lời và cắt nghĩa tiếp:

 Vì một hôm, trên đường từ đồng về nhà, chồng bà đã hái một đóa hoa đem chưng trước tượng Ðức Mẹ ở bên đường.  Ðức Mẹ có thể quên được cử chỉ tốt đẹp này sao?

Mừng ngày sinh nhật của Mẹ Maria hôm nay, chúng ta hãy quyết hái nhiều chiếc hoa xinh đẹp dâng kính Mẹ.  Nhất là chúng ta hãy tiếp tục làm những việc đạo đức thông thường dâng kính mẹ, như: lần hạt Mân Côi, đọc kinh truyền tin, nguyện kinh cầu.  Nhưng chúng ta hãy làm những việc đạo đức thông thường ấy một cách phi thường.  Có nghĩa là: miệng đọc, lòng suy và cố gắng đem ra thực hành trong đời sống, để cuộc đời của Ðức Mẹ, vốn đã trở nên một với cuộc đời của Chúa Giêsu, cũng được thể hiện trong cuộc sống của mỗi người trong chúng ta.

Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’

HÃY CAN ĐẢM LÊN

Một tác giả nào đó đã nói, đại ý: điểm khác biệt nổi bật nơi con người là có ý chí.  Không có ý chí, con người chỉ là khúc gỗ buông trôi theo dòng chảy cuộc đời.  Kinh nghiệm thực tế cho thấy, dù ở bất kỳ bậc sống nào, chúng ta cũng cần có ý chí và nghị lực để vươn lên.  Thời nào cũng có những cậu ấm cô chiêu cậy vào cha mẹ có chức có của, ỷ lại vào người khác.  Những người này, dù có được nâng đỡ cũng không thể thành nhân và thành đạt, nếu bản thân không có ý chí.  Vì thiếu nghị lực, một số người, trong đó có những người còn rất trẻ, đã dễ dàng quyên sinh khi gặp bế tắc.  Giữa dòng đời ngược xuôi bôn ba, đầy những cạm bẫy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy can đảm lên!

Bài đọc I đưa chúng ta về lại thời lưu đày của dân Do Thái.  Họ bị bắt đi đày ở Ba-by-lon vào năm 587 trước Công nguyên.  Vua nước Giu-đa và các quan lại và hầu hết dân chúng đều phải rời quê cha đất tổ, sống cảnh tha hương nhục nhã ê chề.  Họ thường hướng về quê hương, tưởng nhớ quá khứ hào hùng của dân tộc.  Họ cầu nguyện xin Chúa giải thoát.  Và, Chúa đã báo tin vui qua môi miệng ngôn sứ I-sai-a.  Vị ngôn sứ khẳng định: “Can đảm lên đừng sợ!  Chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em.”  Thực vậy, vào năm 538 trước Công nguyên, Thiên Chúa đã dùng vua Ba Tư là Ky-rô cho người Do Thái hồi hương để phục hồi xứ sở.  Thiên Chúa đã giải phóng dân Ngài.  Nhờ quyền năng của Ngài, sa mạc sẽ nở hoa, miền khô cạn sẽ thành ao hồ.  Con người sẽ được tự do.

Sống trên trần gian, hết thảy chúng ta đang là những người lữ hành.  Theo nhãn quan Ki-tô giáo, đích điểm của cuộc lữ hành này là Quê Trời, hay còn gọi là Thiên Đàng.  Người Ki-tô hữu tin rằng, họ không đơn lẻ trong hành trình này.  Họ luôn có Chúa đồng hành để nâng đỡ chở che.  Lịch sử cuộc đời cá nhân mỗi người ít nhiều đã chứng minh điều ấy.  Thiên Chúa không để con người ngã quỵ trên dòng đời.  Ngài nâng đỡ những ai kêu cầu và tín thác vào Ngài.

Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến trần gian để khẳng định: con người là tạo vật được Chúa yêu thương.  Ngài săn sóc họ chu đáo, đến nỗi mọi sợi tóc trên đầu đã được Ngài đếm cả (Lc 12,7).  Trong Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô kể lại việc Đức Giê-su làm phép lạ cho người vừa điếc vừa ngọng nói được.  Phép lạ của Chúa Giê-su đã ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a trong Bài đọc I: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.  Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.”

Tại sao đôi khi trong Tin Mừng, Chúa Giê-su lại cấm không cho mọi người kể lại?  Các chuyên viên chú giải Kinh Thánh gọi đây là “Những bí mật thiên sai.”  Đức Giê-su không muốn cho công chúng biết rộng rãi về Người, vì chưa đến thời của Người.  Hơn nữa, Người không muốn cho người ta nghĩ Người như một nhà ma thuật phù phép, cũng không muốn cho họ mang quan niệm trần tục về sứ vụ Thiên sai.  Người muốn dần dần mạc khải cho công chúng, để họ đón nhận sứ điệp của Người và để họ nhận biết Chúa Cha là Đấng đã sai Người đến trần gian.

Qua phép lạ Chúa Giê-su đã làm, người bệnh được giải phóng khỏi mọi ràng buộc.  Thánh Mác-cô đã nói đến việc anh này được chữa khỏi, giống như có một sợi dây vô hình nào đã buộc lưỡi anh ta lại, và nay lưỡi được mở ra.  Cách nói này muốn diễn tả Đức Giê-su là Đấng đến để giải thoát con người.  Người dẫn đưa họ không phải chỉ thoát khỏi bệnh tật, mà còn thoát khỏi tội lỗi, khỏi những đam mê lôi cuốn và ràng buộc con người trong vòng cương tỏa của quyền lực ác thần.

Nhờ Bí tích Thanh tẩy, Ki-tô hữu cùng chết và phục sinh với Đức Giê-su.  Bí tích này làm cho Ki-tô hữu trở thành tạo vật mới, thoát khỏi hậu quả của tội Nguyên tổ.  Trong suốt cuộc lữ hành trần thế, Đức Giê-su là người chỉ đạo, người Thầy và người Bạn hướng dẫn chúng ta.  Tin vào Đức Giê-su, chúng ta phải thực hành lời Người giáo huấn.  Thánh Gia-cô-bê (Bài đọc II) đã khuyên các tín hữu: anh chị em đã tin vào Đức Giê-su thì đừng đối xử thiên tư, trọng người này và khinh người nọ.  Những gì thánh Gia-cô-bê viết trong thư phản ánh cho thấy vào thời của ngài, đã có sự chia rẽ phân biệt giữa người giàu và người nghèo ngay trong các cộng đoàn đức tin.  Ngày hôm nay, trong xã hội và trong các cộng đoàn giáo xứ của chúng ta, sự phân biệt ấy vẫn tồn tại.  Những chia rẽ và ghen tỵ này làm ảnh hướng không tốt đến hình ảnh của Giáo hội. Đức tin vào Chúa Giê-su phải giúp chúng ta đối xử thân thiện với hết mọi người, vì tất cả là anh chị em của cùng một Cha trên trời, như Chúa Giê-su đã nhiều lần khẳng định.

Giữa cuộc sống còn nhiều âu lo trăn trở trước những khó khăn, thất bại và lo toan cơm áo gạo tiền, xin cho chúng ta biết can đảm phó thác vào Chúa, là Đấng Quan phòng yêu thương chúng ta.  Hãy can đảm lên!  Chúa Giê-su đã dạy: Cha trên trời quyền năng và nhân ái vượt xa những người cha trần thế.  Ngài sẵn sàng lắng nghe và phù trợ chúng ta (x. Mt 7,7-12).

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

NỖI SỢ

Nếu không hoàn toàn là một thánh nhân hay một nhà thần nghiệm, bạn sẽ luôn sống trong nỗi sợ cái chết và đời sau.  Đó đơn thuần là một phần nhân sinh.  Nhưng chúng ta có thể và phải, vượt lên nỗi sợ của chúng ta trước Thiên Chúa.

Khi còn là đứa trẻ, tôi sống với nhiều nỗi sợ.  Tôi từng có một tưởng tượng rất sinh động và thường lặp đi lặp lại, hình dung thấy những kẻ sát nhân núp dưới giường mình, rắn độc bò trườn trên chân, những bả thuốc độc trong thức ăn, những kẻ bắt nạt đang tìm nạn nhân để hành hạ, và cả trăm cách khác khiến tôi phải chết, những mối đe dọa đủ kiểu đang lẩn khuất trong bóng tối.  Khi còn nhỏ, tôi thường sợ, sợ bóng tối, sợ chết, sợ đời sau, và sợ Thiên Chúa.

Khi trưởng thành, những tưởng tượng của tôi cũng trưởng thành, không còn hình dung rắn bò khắp nơi hay có kẻ giết người rình rập.  Tôi bắt đầu thấy mạnh mẽ lên, tự chủ, hình dung những sự vô minh với các góc tối của nó là một cơ hội để lớn lên hơn là một mối đe dọa sự sống.  Nhưng dẹp đi nỗi sợ rắn rết, sợ kẻ sát nhân giấu mặt và sợ bóng tối, là một chuyện.  Còn để vượt qua được nỗi sợ cái chết, sợ đời sau, và sợ Thiên Chúa lại là chuyện khác, khó hơn nhiều.  Những nỗi sợ này là những con quỷ cuối cùng cần phải trừ đi, và phép trừ tà này không bao giờ tiễu trừ hoàn toàn được.  Chính Chúa Giêsu đã run rẩy trong nỗi sợ chết, trước những chuyện vô minh mà chúng ta phải đối diện trong cái chết.

Nhưng Ngài không run rẩy trước Thiên Chúa, và đó là sự khác biệt.  Khi đối diện với cái chết và sự vô minh, Ngài có thể trao trọn bản thân cho Thiên Chúa Cha, với niềm tin của một người con, như đứa bé bám vào cha yêu thương của mình, và chính điều đó cho Ngài sức mạnh và can đảm để tiếp tục đi qua cái chết vô danh, cô độc và bị hiểu lầm, với phẩm giá, trìu mến và tha thứ.

Chúng ta không bao giờ cần phải sợ Thiên Chúa.  Thiên Chúa là Đấng đáng tin cậy.  Nhưng tin tưởng Thiên Chúa cũng bao hàm một nỗi sợ lành mạnh trước Thiên Chúa, bởi một nỗi sợ nhất định là một phần tự có của tình yêu.  Kinh thánh nói rằng: Kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của khôn ngoan.  Nhưng nỗi sợ đó, nỗi sợ lành mạnh, phải được hiểu là một sự tôn kính, một sự kinh đảm yêu thương, một tình yêu sợ mình khiến người yêu thất vọng.  Nỗi sợ lành mạnh là nỗi sợ của tình yêu, sợ mình phản bội, sợ mình không chung thủy với một tình yêu nhưng không.  Chúng ta không sợ người mà chúng ta tin tưởng, không sợ người đó đột nhiên trở nên độc đoán, bất công, ác độc, không thể hiểu nổi, tàn bạo, và không còn yêu thương.  Không.  Mà là chúng ta sợ rằng liệu chúng ta có xứng đáng với niềm tin tưởng được đặt nơi chúng ta không, có thể là niềm tin của ai đó, và có thể là niềm tin của Chúa.

Nhưng chúng ta phải tin tưởng rằng Thiên Chúa thông hiểu con người.  Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta luôn ý thức để tâm đến Ngài.  Thiên Chúa chấp nhận bản tính lang bạt của tâm hồn chúng ta.  Thiên Chúa chấp nhận những mệt mỏi và kiệt nhọc của chúng ta.  Thiên Chúa chấp nhận nhu cầu cần lơ đãng và thoát ly của chúng ta.  Thiên Chúa chấp nhận rằng chúng ta thường dễ chìm vào giải trí hơn là cầu nguyện.  Và Thiên Chúa còn chấp nhận sự kháng cự của chúng ta với Ngài, cả nhu cầu muốn kiêu ngạo khẳng định sự độc lập của mình.  Như một người mẹ trìu mến ôm đứa con đang la hét giãy đạp, nhưng lại đang cần được bồng ẵm và nâng niu, Thiên Chúa cũng có thể xử trí những cơn giận, thương thân và kháng cự của chúng ta.  Thiên Chúa hiểu con người, nhưng chúng ta phải đấu tranh để hiểu con người có ý nghĩa gì trước mặt Thiên Chúa.

Trong nhiều năm, tôi sợ rằng tôi đã quá chìm vào trong những chuyện của đời này, tự nhận mình là một con người có tâm linh, tôi luôn sợ rằng Chúa muốn nhiều hơn nữa nơi tôi.  Tôi cảm thấy tôi phải dành thêm thời gian để cầu nguyện, nhưng thường thì đến lúc đó tôi lại quá mệt để cầu nguyện, quá hứng thú xem một trận cầu trên tivi, hay quá thích thú được ngồi lại với gia đình, đồng nghiệp, hay bạn bè, nói về đủ chuyện ngoài những chuyện tâm linh.  Trong nhiều năm, tôi sợ rằng Thiên Chúa muốn tôi phải tâm linh tuyệt đối.  Có lẽ là thế thật.  Nhưng khi có tuổi, tôi bắt đầu nhận ra rằng hiện diện với Chúa trong cầu nguyện và hiện diện với Chúa trong lòng, thì giống như hiện diện với một người bạn đáng tin cậy vậy.  Trong một tình bạn nhẹ nhàng thoải mái, bạn bè không dành hết thời gian để nói về tình cảm dành cho nhau.  Mà họ nói về đủ thứ chuyện, tán gẫu, thời tiết, công việc, con cái, những cơn đau đầu, những chuyện đau lòng, mệt mỏi, những chuyện vừa xem được trên tivi, đội bóng yêu thích, những chuyện chính trị, và chuyện đùa mới nghe được.  Và dù thế, thỉnh thoảng đôi bạn thân cũng than phiền rằng lý tưởng nhất mình nên nói về những chuyện sâu sắc hơn đi chứ.  Có nên không nhỉ?

Gioan Thánh Giá đã dạy rằng, trong bất kỳ tình thân lâu dài nào, đến tận cùng những chuyện quan trọng nhất bắt đầu xảy ra dưới bề mặt, và những đàm đạo bên ngoài trở thành thứ yếu.  Ngồi lại với nhau, thoải mái với nhau, cảm giác như đang ở nhà, đó là những gì chúng ta trao cho nhau trong tình thân.

Và trong mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, cũng đúng như thế.  Thiên Chúa tạo dựng chúng ta làm con người, và Thiên Chúa muốn chúng ta, những con người với đủ yếu đuối lơ đãng, hiện diện trong Ngài với sự thanh thản, thoải mái và cảm giác như đang ở nhà.  Nỗi sợ Thiên Chúa có thể là tôn kính mà cũng có thể là nhút nhát, mà tôn kính thì lành mạnh còn nhút nhát là hoang tưởng.

Rev. Ron Rolheiser, OMI