BÍ TÍCH CỦA HIỆP THÔNG

Chúa nhật XIX Thường niên là Chúa nhật thứ ba, trong chuỗi 5 Chúa nhật liên tiếp của Phụng vụ năm B, đều có cùng một chủ đề chính là Thánh Thể.  Điều này cho chúng ta thấy việc tôn sùng yêu mến Thánh Thể quan trọng như thế nào trong đời sống Ki-tô hữu.

Công đồng Vatican II đã viết: “Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Ki-tô hữu” (x. LG 11).  Sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo khẳng định: “Tất cả các Bí tích khác đều quy hướng về Bí tích Thánh Thể như về cùng đích” (số 1211).  Những khẳng định này cho chúng ta thấy, đời sống hiện tại cũng như tương lai của Ki-tô hữu, cá nhân cũng như tập thể, đều hướng về Chúa Giê-su Thánh Thể, bởi trong Bí tích này, Chúa Giê-su đang hiện diện giữa chúng ta.  Thiên Chúa ở giữa loài người.  Việc tôn sùng Thánh Thể sẽ cho chúng ta cảm nhận hạnh phúc thiên đàng ngay khi còn ở dưới thế.

Ngôn sứ Ê-li-a đang bị vua A-kháp săn đuổi, sau khi ông chiến thắng trong cuộc thách chiến với các tiên tri của thần Ba-an.  Trong lúc mệt mỏi chán chường, ông tìm về hướng núi Hô-rép, là nơi Thiên Chúa đã ban Luật Giao ước cho con cái Ít-ra-en qua ông Môi-sen.  Trong hành trình chạy trốn này, Thiên Chúa đã nuôi sống ông bằng cách sai một con quạ hàng ngày mang bánh và nước đến cho ông, nhờ đó ông đủ sức đi đến núi Hô-rép.  Ở đó ông đã được gặp Chúa, và ông đã tìm lại được bình an.

Từ rất sớm, cộng đoàn Ki-tô hữu đã nhận thấy qua sự kiện này hình ảnh của Bí tích Thánh Thể.  Con đường dương thế vừa xa vời vừa nhiều chông gai cám dỗ.  Bí tích Thánh Thể là lương thực thần linh, giúp sức cho người tín hữu, nhờ đó họ được gặp gỡ Chúa ngay trong cuộc đời hiện tại, và cũng là bảo đảm sẽ được gặp gỡ Chúa trong hạnh phúc Nước Trời.

Thánh Thể là Bí tích của hiệp thông, hiệp thông với Chúa và hiệp thông với anh chị em.  Thánh Phao-lô đã viết cho giáo dân Cô-rin-tô như sau: “Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Ki-tô sao?  Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao?  Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh” (1Cr 10,16-17).  Qua những lời này, thánh Phao-lô đã diễn tả cả hai chiều kích hiệp thông nơi Bí tích Thánh Thể, đó là liên kết với Chúa và liên kết với anh chị em.  Khi rước Thánh Thể, chúng ta có sức sống thần linh nơi con người phàm hèn của chúng ta, để rồi sức sống ấy giúp chúng ta gắn bó với anh chị em mình.

Trong giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta thường đọc thấy cụm từ “Cộng đoàn Thánh Thể.”  Một gia đình, một hội đoàn, một giáo xứ được kêu gọi trở nên cộng đoàn Thánh Thể.  Điều này có nghĩa, mọi sinh hoạt của đời sống thường ngày nơi gia đình, nơi hội đoàn và nơi giáo xứ đều bắt nguồn từ Thánh Thể và phản ánh ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể.  Mọi sinh hoạt ấy phải giúp các cá nhân gặp gỡ Chúa Giê-su, liên kết với Chúa Giê-su, sống khiêm hạ, sẵn sàng phục vụ anh chị em mình, như Chúa Giê-su trong Bí tích cực trọng này.  Cộng đoàn Thánh Thể là nơi các thành viên đều cảm nhận tình thương yêu gắn bó, để không ai bị loại trừ và lãng quên.  Cộng đoàn Thánh Thể cũng được gọi là cộng đoàn hiệp thông, nơi có tình yêu Thiên Chúa ngự trị.

Trong cuộc tranh luận với người Do Thái, Chúa Giê-su đã chứng minh: Người đến từ Chúa Cha, và ai tin và đón nhận giáo huấn của Người, thì sẽ được gặp Chúa Cha.  Khi nhắc lại biến cố Man-na trong Cựu ước, Chúa Giê-su khẳng định: Người là Bánh hằng sống, và Bánh ấy chính là Thịt của Người, ban tặng vì phần rỗi thế gian.  Như thế, cộng đoàn Thánh Thể được nuôi dưỡng bởi Thịt và Máu Chúa Giê-su, để mỗi ngày thêm vững mạnh trong sự thánh thiện.

Thánh Thể là lời mời gọi chia sẻ.  Cộng đoàn Thánh Thể là nơi mỗi thành viên chuyên tâm làm việc bác ái.  Thánh Phao-lô mời gọi chúng ta: “Hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Ngài yêu thương.  Hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta…”  Lối nói “bắt chước Thiên Chúa” và “sống như Đức Ki-tô” đều diễn tả tình yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, và tình yêu kỳ diệu ấy đang thể hiện qua Bí tích Thánh Thể.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

CHỐN CỰC LẠC

“Lạy Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!”

“Lạy Chúa, Ngài đem đến gian lao và cũng chính Ngài cất đi mọi nguy khốn.  Ngài trừng phạt con bằng bao cực hình tột độ.  Nhưng con được bình an, vì Ngài đã kịp chìa cho con cây sào thật đúng lúc để cứu con khỏi dòng nước cuốn.  Ôi có Ngài – thiên đàng của con – con không còn đớn hèn bạc nhược vốn chỉ biết say sưa với khoái lạc, kiêu hãnh và dâm ô.  Ôi, Giêsu – chốn cực lạc – Ngài giúp con hoàn thành những dự án giá trị và khả thi trong đời!” – Paul Verlaine.

Kính thưa Anh Chị em,

Như Paul Verlaine, ba môn đệ trên núi Taborê xem ra cũng được Chúa Giêsu chìa cho cây sào thật đúng lúc khi lòng họ đang rối loạn vì những gì Ngài nói về cuộc thương khó sắp tới.  Phêrô, Giacôbê và Gioan hạnh phúc tột độ khi Ngài biến hình sáng láng trước mặt họ, một phép lạ chưa từng thấy!  Với họ, Taborê, một ‘chốn cực lạc’ ngọt ngào!

Vậy mà cuộc Hiển Dung trên núi được mừng kính hôm nay vẫn không phải là một phép lạ!  Tại sao?  Vì đã có một phép lạ ‘thực sự’ và ‘thường xuyên’ khi Con Thiên Chúa ‘duy trì’ một sự xuất hiện trong dáng vẻ bình thường của một phàm nhân trên những nẻo đường Palestina!  Qua đó, các môn đệ và những người đương thời đã chiêm ngắm Ngài, ‘chốn cực lạc’ – ‘thiên đàng hạ thế!’

Kỳ diệu thay!  Trên những con đường ấy, những con đường triền đồi đầy đá và những thung lũng lặng lẽ của Đất Thánh, khuôn mặt của Thiên Tử Giêsu đã ‘không bừng sáng’ như mặt trời.  Sự bình thường của ‘nhân tính’ Ngài kín kẽ bền vững, che khuất thường xuyên ‘thiên tính’ rạng rỡ của Ngài.  Đó là phép lạ của sự khiêm nhường, phép lạ của sự hạ mình với ơn gọi nhập thể, ngôn sứ, chịu đau khổ và chết đi cho nhân loại.  Và này, Ngài sẽ lên trời – ‘chốn cực lạc’ – kéo nhân loại mà Ngài đến để đem về nơi nó phải về.

Đaniel tiên báo ‘chốn cực lạc’ ngọt ngào ấy, nơi mà tòa cao cả của Thiên Chúa rạng ngời uy nghi – bài đọc một.  Đấng Lão Thành là hình ảnh Chúa Cha, “Tôi thấy có ai như Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.  Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành.”  Thánh Vịnh đáp ca reo lên, “Chúa là Vua Hiển Trị, là Đấng cao cả trên khắp địa cầu!”

Phêrô cũng xác tín những gì đã chứng kiến trên núi ngày ấy – bài đọc hai.  Đức Kitô mà Phêrô và các tông đồ rao giảng không phải là chuyện hoang đường, nhưng là một Thiên Chúa làm người, “Chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người.”  Phêrô quả quyết đã nghe tiếng Chúa Cha trên núi ngày ấy, “Hãy nghe lời Người!”

Anh Chị em,

“Lạy Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!”  “Ở đây” là ở với Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu, một Đức Giêsu Kitô Phục Sinh cho dẫu Ngài phải trải qua đau khổ, thập giá và sự chết.  Sự kiện Biến Hình mang đến cho chúng ta một thông điệp hy vọng; mời gọi chúng ta ước ao sống với Chúa Giêsu, ở lại với Ngài ngay hôm nay qua những anh chị em mà chúng ta phục vụ; mời gọi chúng ta vượt qua khổ đau, đừng quá gắn bó với những gì trần tục, để thực hiện một hành trình hướng về thiên đàng, chiêm ngưỡng Chúa Giêsu đời đời.  Vì thiên đàng chính là Ngài, ‘chốn cực lạc’, một con người, hơn là một địa điểm!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giữa biển đời dậy sóng khổ đau, cho con biết cố sức bơi về ‘chốn cực lạc’ Giêsu; ở đó, Ngài đang đợi để kịp chìa cho con cây sào!” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

CON ĐƯỜNG ÍT AI ĐI

Hai con đường rẽ ra trong một khu rừng – và tôi, tôi chọn con đường ít ai đi, đó là cả một khác biệt.

Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với lời của nhà thơ Mỹ Robert Frost (1874-1963), ông đã nói vô số lần trong các bài phát biểu tốt nghiệp và trong các dịp khác như một thách thức: chúng ta không nên đi theo đám đông, nhưng dám đi trên con đường của chính mình, nâng nỗi cô đơn của mình lên một tầm cao mới.  Đúng, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta như thế khi chúng ta đứng trước hai con đường rất khác nhau.

Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu tóm tắt nhiều lời dạy quan trọng của Ngài.  Nhưng những lời này dễ bị hiểu lầm và thường chúng ta hợp lý hóa nó.  Phần lớn chúng ta không nắm bắt được điểm chính yếu ở lời dạy này: đức hạnh chúng ta phải sâu sắc hơn đức hạnh của các luật sĩ và của người biệt phái Pharisêu.  Vấn đề ở đây là gì?

Hầu hết các luật sĩ và người Pharisêu đều là những người tốt, chân thành, tận tụy, mộ đạo, có đức hạnh cao.  Họ tuân giữ các Điều răn, họ là các ông các bà giữ công lý nghiêm ngặt.  Họ công bằng với mọi người, rất nhân từ và quảng đại với người lạ.  Vậy, họ còn thiếu gì?  Đúng, họ tốt nhưng chưa đủ.  Vì sao?

Vì chúng ta có thể là người đạo đức, hoàn toàn công bằng và quảng đại nhưng chúng ta vẫn có thể căm ghét, trả thù và hung bạo vì đó là những chuyện chúng ta vẫn có thể làm một cách công bằng.  Công lý nghiêm ngặt cho phép chúng ta có thể ghét người ghét mình.  Trả thù khi bị đối xử bất công và có thể ủng hộ án tử hình.  Mắt đền mắt!

Nhưng khi làm như vậy, chúng ta luôn làm những gì đến một cách tự nhiên.  Yêu người yêu mình là chuyện tự nhiên, ghét người ghét mình cũng là chuyện tự nhiên.  Nhưng đức hạnh thực sự đòi hỏi nhiều hơn thế.  Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta đến với điều gì đó cao cả hơn.  Ngài xin chúng ta yêu người ghét chúng ta, chúc phúc cho người nguyền rủa chúng ta, không bao giờ tìm cách trả thù và tha thứ cho những kẻ giết chúng ta – kể cả những kẻ giết người hàng loạt.

Phải thừa nhận, đây không phải là con đường dễ đi.  Hầu như mọi bản năng tự nhiên trong chúng ta đều chống lại điều này.  Phản ứng tự phát khi chúng ta bị oan là gì?  Chúng ta muốn trả thù.  Phản ứng tự phát khi chúng ta nghe tin kẻ nổ súng trong vụ thảm sát đã bị giết là gì?  Chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm.  Phản ứng tự phát của chúng ta khi kẻ giết người không hối hận bị hành quyết là gì?  Chúng ta cảm thấy vui vì hắn đã chết; chúng ta không thể kiềm chế các phản ứng này.  Công lý đã được thực thi.  Một điều gì đó đã được thực thi trong vũ trụ.  Sự phẫn nộ về mặt đạo đức của chúng ta đã được xoa dịu.  Đã có một kết luận.

Có một kết luận không?  Không.  Những gì chúng ta cảm thấy chỉ là giải thoát về mặt cảm xúc, là thanh tẩy; nhưng có một khác biệt rất lớn giữa thanh tẩy và sự khép lại thực sự.  Mặc dù về mặt tâm lý, sự giải thoát về mặt cảm xúc có thể lành mạnh, chúng ta được Chúa Giêsu và tất cả những gì cao cả nhất bên trong chúng ta mời gọi đến với một điều gì đó khác, đến một con đường vượt ra ngoài cảm giác giải thoát về mặt cảm xúc, cụ thể là con đường ít người đi để đến với lòng trắc ẩn: hiểu biết và tha thứ rộng lớn hơn.

Để đánh giá điều này, chúng ta nên xem lại cách Đức Gioan-Phaolô II giải quyết án tử hình.  Ngài là giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo hội hai ngàn năm lên tiếng phản đối án tử hình.  Ngài không nói án tử hình là sai, vì theo công lý nghiêm ngặt, án tử hình có thể được thực hiện.  Ngài chỉ nói chúng ta không nên làm điều đó vì Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm điều khác: tha thứ cho kẻ giết người.

Nói thì dễ! Khi nghe tin vụ xả súng hàng loạt, suy nghĩ và cảm xúc của tôi không tự nhiên hướng đến sự hiểu biết và thông cảm với kẻ xả súng.  Tôi không đau khổ về việc người này đã đau khổ như thế nào để làm việc này.  Tôi không thông cảm với những người có vấn đề tinh thần, những người bị tổn thương để họ có thể làm những chuyện như vậy.  Nhưng, cảm xúc tự nhiên của tôi là đi con đường của nhiều người đi: đây là người xấu xa, họ đáng chết!  Sự đồng cảm và tha thứ không phải là điều đầu tiên tôi nghĩ đến trong những tình huống này.  Thù hận và muốn trả thù: có.

Tuy nhiên, đó lại là con đường của cảm xúc, con đường được lựa chọn nhiều hơn.  Điều này dễ hiểu.  Ai muốn thông cảm cho kẻ giết người, kẻ ngược đãi, kẻ bắt nạt?

Nhưng đó chỉ là cảm xúc khi chúng ta trút giận.  Có điều gì đó khác bên trong chúng ta luôn kêu gọi chúng ta đến với điều cao cả hơn, cụ thể: đến với thông cảm và thấu hiểu mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trong Bài giảng trên núi.  Hãy yêu kẻ ghét mình.  Chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình.  Tha thứ cho kẻ làm hại mình.

Hơn nữa, đức hạnh này không phải là điều chúng ta có thể có một lần và được mãi mãi.  Không.  Đức tin làm việc theo cách: có ngày chúng ta đi trên mặt nước, có ngày chúng ta chìm lỉm như tảng đá.  Vì vậy, giống như nhà thơ Robert Frost nói, có những khi chúng ta thấy mình đứng giữa hai con đường.  Một con đường nhiều người đi, con đường của căm thù, trả thù, con đường cảm thấy mình là nạn nhân; con đường kia ít người đi, mời tôi đi trên con đường của lòng trắc ẩn, thông cảm và tha thứ cao cả hơn.

Tôi sẽ chọn con đường nào?  Đôi khi là con đường này, đôi khi là con đường kia; dù tôi biết con đường nào Chúa Giêsu đang mời tôi.

Rev. Ron Rolheiser, OMI