CÁCH CÁC THÁNH DẠY CHÚNG TA KIỀM CHẾ CƠN GIẬN

“Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa” (Gc 1:19-20).

Bạn có nóng tính không?  Nếu thế thì bạn có đồng minh rồi.  Một số vị thánh cũng nóng tính như thế, một tính nết mà các ngài đã khắc phục được nhờ sự trợ giúp của Chúa.

Tin Mừng cho chúng ta biết rằng thánh Giacôbê và Gioan được gọi là “con của thiên lôi” (Mc 3,17) có lẽ vì bản tính nóng nảy của các ông, như khi các ông muốn Chúa Giêsu gọi lửa từ trời xuống để thiêu hủy một thị trấn không tiếp đón Chúa (Lc 9:51-56).  Các vị thánh nóng tính khác được biết đến bao gồm thánh Basil Cả, người có tính tình nóng nảy khiến ông không khéo léo trong cách cư xử với người khác.

Một ví dụ gần đây hơn là thánh Benildus, một tu sĩ người Pháp sống vào thế kỷ 19.  Ngài từng nhận xét về những khó khăn của mình khi làm giáo viên như sau: “Tôi tưởng tượng rằng nếu các thiên thần xuống làm giáo viên thì họ cũng sẽ khó kiềm chế được cơn giận của mình.”

Khi nói đến danh tiếng là người hay nổi giận, thánh Jerome xứng đáng ở vị trí đầu tiên.  Vị học giả Kinh Thánh vĩ đại này có một nhân cách xuất sắc nhưng hay cáu gắt và nổi tiếng vì những lập luận của ông với các nhân vật khác trong Giáo hội, bao gồm cả với thánh Augustinô.  Ngài thường viết những lá thư với sự gắt gỏng hoặc châm biếm thánh Augustinô.  Thánh Pammachius, một cựu thượng nghị sĩ La Mã, đã trao đổi thư từ với thánh Jerome và cố gắng thuyết phục ngài giảm tông giọng nói của mình nhưng không thành công đáng kể.  Thánh Marcella cũng trao đổi thư từ với thánh Jerome, đôi khi thách đố các ý tưởng của ông và từng than phiền về tính nóng nảy của ông.  Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thánh Jerome đối xử rất dịu dàng với những người nghèo khổ và bị áp bức.  Ngài nhận thức rõ những điểm yếu của mình và thực hiện những hành động sám hối lớn lao vì họ (chẳng hạn như sống trong hang động).

Một số vị thánh được chúng ta biết đến với bản tính hiền lành, ví dụ như thánh Giám mục Francis de Sales và thánh Vincent de Paul, vị linh mục thánh thiện người Pháp.  Họ đã phải rất cố gắng để vượt qua chiều hướng giận dữ và bất bình của mình.  Thánh Vincent nói rằng, nếu không có ân sủng của Thiên Chúa, ngài sẽ là một người “cứng nhắc và ghê tởm, thô bạo và ngang ngược.”  Còn thánh Francis de Sales từng tuyên bố rằng ngài phải mất hơn hai mươi năm để học cách kiềm chế tính khí nóng nảy của mình.

Chân phước John Colombini sống vào thế kỷ 14 là một thương gia khá tham lam, đặc biệt nổi tiếng với tính khí nóng nảy.  Một ngày nọ, ông ấy nổi cơn thịnh nộ vì bữa tối chưa sẵn sàng khi ông ấy trở về nhà.  Với hy vọng ông sẽ cư xử tốt hơn, vợ ông đưa cho ông một cuốn sách về các vị thánh.  John ném cuốn sách xuống sàn, nhưng rồi – xấu hổ vì tính nóng nảy của mình – ông nhặt nó lên và bắt đầu đọc.  Ông mải mê đọc đến nỗi quên mất bữa tối.  Thực sự, John đã hoàn toàn được biến đổi bởi kinh nghiệm này.  Sau đó, ông cho đi phần lớn tài sản của mình, biến ngôi nhà của mình thành bệnh viện và đích thân chăm sóc cho một người đang đau khổ vì bệnh phong.  Khi vợ khuyên ông nên thận trọng trong các việc bác ái của mình, John – người không còn dễ bị xúc phạm bởi những lời quở trách nữa – nhẹ nhàng nhắc nhở bà rằng bà là người đã cầu mong cho ông hoán cải (mà lẽ ra bà phải đáp lại là: “Tôi xin mưa, nhưng đây là lụt”).

Cần có thời gian và sự kiên nhẫn để học cách kiểm soát tính khí nóng nảy, và một số vị thánh đã sẵn sàng nỗ lực hết sức trong vấn đề này.  Chẳng hạn, khi một cơn bão cản trở mùa màng của thánh Nathalan, ngài đã giận dữ phàn nàn với Chúa.  Liền sau đó, ngài hối hận, thề sẽ kiềm chế cơn giận và đã có bước đi triệt để nhắc nhở bản thân về lời thề này.  Ngài trói tay phải vào chân bằng một ổ khóa sắt và ném chìa khóa xuống sông, hứa rằng sẽ không bao giờ mở cho đến khi ngài thực hiện một chuyến hành hương sám hối tới Rôma.  Nhiều năm sau, thánh Nathalan đến Rôma.  Ngài mua một con cá từ một cậu bé ở đó, và bên trong dạ dày của con cá là một chiếc chìa khóa.  Tất nhiên, nó có thể mở được ổ khóa.

Có lẽ Chúa không đòi hỏi chúng ta phải làm những nỗ lực phi thường như thánh Nathalan, nhưng Ngài muốn chúng ta kiểm soát cơn giận của mình, và Ngài ban cho chúng ta cơ hội để làm điều đó, đặc biệt là trong cuộc sống hàng ngày.  Kiên nhẫn chịu đựng những thói quen khó chịu của người khác, sửa chữa lỗi lầm của người khác với sự tử tế và lịch sự, không bấm còi nếu có người cản đường chúng ta khi tham gia giao thông, không chiều theo cám dỗ vội vàng phán xét động cơ của người khác.

Khi phải nói chuyện với người mà chúng ta đang giận, trước tiên chúng ta nên cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn và giúp đỡ. Cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta những lời nói đúng đắn có thể làm dịu một tình huống có nguy cơ bùng nổ.

Thánh Thérèse Lisieux khuyên chúng ta: “Khi giận ai, cách tìm bình an là cầu nguyện cho người đó và xin Chúa thưởng ơn cho họ vì đã làm mình đau khổ.”  Chúng ta thường không nghĩ thế này, nhưng những người chọc giận chúng ta là đang vô tình giúp đỡ chúng ta bằng cách cho phép chúng ta phát huy tính kiên nhẫn, vì vậy chúng ta nên cố gắng cư xử nhẹ nhàng với họ.

Tương tự như thế, thánh Alphonsus Liguori nói: “Khi chúng ta phạm lỗi nào đó, chúng ta cũng phải nhẹ nhàng với chính mình.  Tự trách mình sau khi làm sai điều gì đó không phải là khiêm tốn mà là một hình thức kiêu ngạo tinh tế.  Tự tức giận với chính mình sau khi phạm lỗi là một lỗi lầm lớn hơn lỗi lầm vừa phạm, và sẽ dẫn đến nhiều lỗi lầm khác.”  Vì vậy, Chúa muốn chúng ta kiểm soát cơn nóng nảy của mình, ngay cả khi chính chúng ta là đối tượng của sự tức giận.  Lòng thương xót và sự bình an có tính chữa lành của Chúa được ban cho mọi người, nhưng chúng ta sẽ bỏ lỡ chúng nếu chúng ta để cho cơn giận của mình ngăn trở.

Vài cách để kiểm soát cơn giận

Thánh Francis de Sales khuyên rằng, để tránh tội giận dữ, bạn phải nhanh chóng cầu xin Chúa ban bình an cho tâm hồn khi bạn đang tức giận, và sau đó hướng suy nghĩ của bạn sang việc khác.  Đừng bàn ngay vào vấn đề, đưa ra quyết định hoặc sửa sai người khác khi bạn đang tức giận.  Thánh Francis khuyên, khi một người chọc giận bạn, hãy xem xét những phẩm chất tốt của người đó, thay vì những lời nói hay hành động mà bạn thấy khó chịu.

Nếu bạn muốn kiểm soát tính khí nóng nảy của mình, hãy nhận biết những hoàn cảnh mà bạn có nhiều khả năng tức giận nhất, trong một số hoàn cảnh nhất định (chẳng hạn như giao thông vào giờ cao điểm), với một số người nhất định (có thể là một người hàng xóm hoặc người quen nào đó), hoặc vào những thời điểm nhất định trong ngày (có thể ngay trước khi kết thúc ngày làm việc, khi bạn đang cố gắng thu dọn bàn làm việc).  Một khi bạn đã học được từ kinh nghiệm về những điều có thể khiến bạn tức giận, bạn hãy chuẩn bị cho những khoảnh khắc đó bằng một lời cầu nguyện ngắn và thầm lặng, chẳng hạn: “Lạy Chúa, xin giúp con tránh nổi nóng” hoặc “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được bình tĩnh.”

Khi bạn đang ở trong tâm trạng bình an, việc nhớ lại một tình huống gần đây khiến bạn mất bình tĩnh cũng rất hữu ích.  Hãy tự hỏi bản thân: “Liệu sự tức giận của tôi có chính đáng không?  Tôi sẽ ứng phó thế nào với tình huống này trong tương lai?”  Bạn thậm chí có thể “thực hành” phản ứng đúng cách bằng cách giả vờ như tình huống này đang lặp lại; bằng cách để bản thân cảm thấy tức giận khi ở một mình, bạn có thể luyện tập những phản ứng có thể xảy ra và đánh giá xem phản ứng nào có thể giúp ích cho bạn.

Tác giả: Fr. Joseph M. Esper – Người dịch: Kim Linh
Nguồn: Catholic Exchange

ẢO TƯỞNG TỰ ĐỦ

Không ai trong chúng ta đi sâu vào cộng đồng trong khi đang nuôi dưỡng ảo tưởng tự đủ, khi chúng ta vẫn còn nói, mình không cần đến người khác!  Tôi chọn mình sẽ là ai, là gì trong đời này!

Vài năm trước, tôi có dự tang lễ của một ông cụ thọ 90 tuổi.  Ở mọi khía cạnh, ông là người tốt, kiên trung giữ đạo, con cái đông đúc, người đáng trọng trong cộng đồng và là người có lòng quảng đại.  Ông mạnh khỏe, có tài, có tư chất lãnh đạo, là người mà chúng ta sẽ chọn để quản trị và dẫn dắt.  Vì thế ông có một địa vị uy tín trong cộng đồng.  Ông là kiểu người nắm quyền.

Ông có người con trai là linh mục công giáo, và người con giảng trong tang lễ.  Cha mở đầu bài giảng như sau: Kinh Thánh viết, đời người chỉ đến bảy mươi, mạnh giỏi lắm thì được tám mươi.  Bây giờ cha của chúng tôi qua đời năm 90 tuổi.  Tại sao lại có thêm 20 năm này?  Đây không phải là một bí ẩn gì.  Ông quá mạnh mẽ, ông có nhiều trách vụ phải làm để phải chết ở tuổi 70 hay 80.  Chúa cho ông thêm 20 năm để ông dịu lại.  Và nó hiệu quả.  Mười năm cuối của ông là những năm ông suy giảm rất nhiều.  Vợ mất, và cha tôi không bao giờ qua được thử thách này.  Ông bị trụy tim và phải cần người giúp hỗ trợ sinh hoạt, đây là một đòn nặng giáng lên ông.  Rồi những năm cuối đời, ông phải cần có người giúp trong các công việc vệ sinh tối thiểu.  Với một người như ông, đó là cả một hạ mình.

Nhưng tất cả những chuyện này có tác động.  Nó làm ông dịu đi.  Trong những năm cuối này, mỗi khi có ai đến thăm, ông sẽ cầm tay họ và nói “xin giúp tôi.”  Từ lúc lên năm và khi có thể tự thắt dây giày, ông đã không thể nói ba chữ này.  Đến lúc qua đời, ông đã sẵn sàng để ra đi.  Khi gặp Chúa Giêsu và thánh Phêrô ở thiên đàng, tôi chắc cha tôi sẽ đưa tay ra và nói, “xin giúp con.”  Tôi chắc chắn, nếu là 10 hay 20 năm trước, hẳn ông đã cho Chúa Giêsu và Thánh Phêrô lời khuyên làm sao để cổng thiên đàng mở ra mở vào hiệu quả hơn.

Đây là dụ ngôn nói một cách trực tiếp và sâu sắc về một vị thế mà chúng ta cuối cùng đều phải đứng ở đó, dù bằng chọn lựa chủ động hay phải quy phục hoàn cảnh, nhưng cuối cùng tất cả chúng ta đều đứng vào một vị thế chấp nhận, chúng ta không tự đủ, chúng ta cần giúp đỡ, cần người khác, cần cộng đồng, cần ân sủng và cần Thiên Chúa.

Tại sao điều này lại quan trọng đến như thế?  Vì chúng ta không phải là Chúa, và khi nhận ra, chấp nhận như thế thì chúng ta khôn ngoan hơn và biết yêu thương hơn.  Các thần học gia kinh điển của Kitô giáo định nghĩa Thiên Chúa là hiện hữu tự đủ, và nhấn mạnh rằng chỉ có Thiên Chúa mới tự đủ.  Chỉ có Thiên Chúa mới không cần điều gì ngoài chính Ngài.  Còn mọi sự khác, tất cả mọi sự không phải là Thiên Chúa, thì được định nghĩa là phụ thuộc các yếu tố, là không tự đủ, là cần điều gì đó ngoài bản thân mình để tồn tại và duy trì sự tồn tại đó mỗi giây mỗi phút trong đời.

Nói như vậy nghe có vẻ là thần học trừu tượng, nhưng mỉa mai thay, chính các em bé lại hiểu chuyện này, ý thức được chuyện này.  Chúng biết rằng chúng không thể tự chu cấp cho mình, và mọi sự đến với chúng đều là món quà.  Chúng biết chúng cần giúp đỡ.  Tuy nhiên, không lâu sau khi đã biết thắt dây giày, thì ý thức này bắt đầu phai mờ khi chúng bước vào tuổi dậy thì, rồi tuổi trưởng thành, nhất là khi chúng khỏe mạnh, cường tráng và thành công thì chúng bắt đầu sống với ảo tưởng tự đủ.  Tôi tự chu cấp cho bản thân tôi!

Thật sự là điều này đã tạo điều kiện cho chúng tự tin bước vào đời.  Nhưng nó lại không tạo điều kiện cho sự thật, cộng đồng, tình yêu hay linh hồn.  Nó là một ảo tưởng, là ảo tưởng lớn nhất.  Không ai trong chúng ta đi sâu vào cộng đồng trong khi đang nuôi dưỡng ảo tưởng tự đủ, khi chúng ta vẫn còn nói, mình không cần đến người khác!  Tôi chọn mình sẽ là ai, là gì trong đời này!

G.K. Chesterton từng nói rằng sự quen thuộc là thứ ảo tưởng lớn nhất.  Ông nói đúng, và điều chúng ta quen thuộc nhất, đó là tự chăm sóc bản thân và nghĩ rằng mình lo cho mình được.  Như chúng ta biết, nó giúp cho chúng ta vượt lên trong đời.  Tuy nhiên, may cho chúng ta, thông qua đau đớn, Thiên Chúa và tự nhiên luôn hợp sức để dạy chúng ta rằng chúng ta không tự đủ.  Tiến trình trưởng thành, già đi, và cuối cùng là chết được sắp đặt để dạy cho chúng ta (bất kể chúng ta có tiếp thu bài học này hay không) rằng chúng ta không nắm quyền, và sự tự đủ chỉ là một ảo tưởng.  Cuối cùng, tất cả chúng ta đều đến một ngày mà chúng ta, như thời chưa biết thắt dây giày, sẽ đưa tay ra mà nói, “xin giúp tôi.”

Triết gia Eric Mascall có một câu nói, bao lâu chúng ta còn xem cuộc đời là chuyện đương nhiên thì chúng ta không khôn ngoan cũng không trưởng thành.  Chúng ta thực sự khôn ngoan và trưởng thành khi nào chúng ta xem nó là món quà nhưng không, từ Thiên Chúa, từ tha nhân, từ tình yêu.

Ronald RolheiserJ.B. Thái Hòa dịch

VỊ NGÔN SỨ GIỮA CHÚNG TA 

Thánh Lu-ca kể lại: khi nghe Chúa Giê-su làm phép lạ cho hồi sinh người con trai duy nhất của người đàn bà góa, dân chúng cảm phục và thốt lên: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7, 16).  Những người Do Thái thông thạo truyền thống Cựu ước sẽ hiểu khái niệm “ngôn sứ” mà họ dùng để xưng tụng Chúa Giê-su.

Danh xưng ngôn sứ, trước đây chúng ta thường dịch là “tiên tri,” và được giải thích là “biết trước.”  Thực ra, ngôn sứ là người được Chúa sai đi để chuyển tải giáo huấn và thông điệp của Ngài (ngôn là lời và sứ là được sai đi).  Có thể người sai đi là một người uyên bác, những cũng có thể là một người nông dân bình thường, như trường hợp ngôn sứ A-mốt.  Chính ông này đã nói: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung.  Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Ít-ra-en của Ta” (Am 7,14-15).  Chi tiết này chứng minh: việc loan báo thông điệp của Chúa không hề lệ thuộc vào sự khôn ngoan của con người, nhưng là chính hành động của Thiên Chúa.  Chính Ngài soi sáng và làm cho vị ngôn sứ trở nên mạnh mẽ can trường, nhiệt thành loan báo giáo huấn của Ngài.  Qua các ngôn sứ, lịch sử Ít-ra-en chứng minh rằng: chính Thiên Chúa mới là Đấng giáo huấn và điều khiển dân tộc được tuyển lựa.  Các vua hay những người lãnh đạo chỉ là những dụng cụ Ngài dùng mà thôi.

Trong khi dân chúng tung hô Đức Giê-su là Vị Ngôn Sứ vĩ đại, thì đồng hương của Người lại không nhận ra điều ấy.  Phúc âm hôm nay kể lại một chuyến thăm quê hương của Chúa Giê-su.  Thay vì đón nhận lời giáo huấn của Người, họ lại “tỉa tót” những chi tiết liên quan đến tuổi thơ, về gia đình và họ hàng của Người.  Những người đồng hương mang nặng thành kiến về Chúa Giê-su, và họ dựa vào đó để từ chối những gì Người giảng dạy.  Sự thành kiến và kiêu ngạo là những vật cản không cho họ nhận ra Người là Đấng Thiên Sai.  Mặc dù ghi nhận những việc Người làm là phi thường, họ cũng chỉ coi Người là một người xuất thân từ nghề thợ mộc.  Chúa Giê-su đã nhắc lại câu ngạn ngữ dân gian: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”  Câu ngạn ngữ này cũng giống như chúng ta thường nói: “Bụt chùa nhà không thiêng.”  Cuộc viếng thăm quê hương của Người xem ra không có cái kết đẹp.  Cũng trong trình thuật song song, thánh Lu-ca còn cho chúng ta biết thêm: sau khi Đức Giê-su trưng dẫn hai nhân vật là Ê-li-a và Ê-li-sa để ngầm trách họ, những người đồng hương đã kéo Người lên đỉnh núi với ý định xô Người xuống vực (x. Lc 4,16-30).

Xã hội thời nay cũng vẫn có nhiều người mang nặng thành kiến, như thời của Chúa Giê-su.  Khi nói về giáo huấn của Phúc âm và của Giáo hội, họ thường dựa và những sự kiện tiêu cực của Giáo hội trong lịch sử để đánh giá không đúng về Đạo của chúng ta.  Họ chỉ quan sát và đánh giá Giáo hội theo cái nhìn thuần tuý trần tục, thậm chí bằng sự ghen tương hiềm thù.  Chính Chúa Giê-su đã thành lập Giáo hội, và Giáo hội lại bao gồm những thành viên.  Trong số các thành viên, có người tốt và có người chưa tốt.  Có người lợi dụng Giáo hội để làm những điều không đúng.  Ánh sáng và bóng tối luôn đan xen trong từng trang của lịch sử Giáo hội cũng như lịch sử xã hội.  Người tín hữu chân chính cần biết sàng lọc và phân định để đón nhận và sống như con cái của sự sáng.

Người tín hữu không chỉ đón nhận đức tin, mà còn là những người rao giảng đức tin.  Bí tích Thanh tẩy trao cho chúng ta ba chức năng: ngôn sứ, tư tế và vương đế.  Đức Giê-su cũng có ba chức năng này.  Những ai được xức dầu trong Bí tích Thanh tẩy đều được gọi là Ki-tô, tức là người được xức dầu.  Như thế, mỗi Ki-tô hữu là một ngôn sứ, tức là người được Chúa sai đi để nói Lời của Người.  “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).  Đây là lời của Đức Giê-su phục sinh nói với các môn đệ.  Vâng, hôm nay Chúa Giê-su vẫn sai chúng ta vào lòng cuộc đời, để trở nên muối và ánh sáng.  Với nỗ lực cố gắng, chúng ta sẽ góp phần làm lan tỏa những giá trị Tin Mừng trong môi trường cuộc sống.

Chúa Giê-su là vị Ngôn sứ đang sống giữa chúng ta.  Người ban cho chúng ta Thần Khí của Người, tức là Chúa Thánh Thần, như thánh Phao-lô quả quyết: “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em” (Bài đọc II).  Nhờ Thần Khí hướng dẫn, chúng ta sẽ trở nên con người hoàn hảo, trong mối tương quan với Chúa và với anh chị em.

Ơn gọi ngôn sứ là một vinh dự lớn lao, nhưng cũng phải trải qua nhiều thử thách.  Cuộc đời các ngôn sứ trong lịch sử Cứu độ đã chứng minh điều đó.  Chúa Giê-su, vị Ngôn sứ vĩ đại cũng đã bị chống đối và bị giết chết.  Để thực thi sứ vụ cao cả này, Ki-tô hữu cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng Chúa luôn ở với chúng ta, và Người trấn an chúng ta như Người đã nói với thánh Phao-lô: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2 Cô-rin-tô 12,9).

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

SỰ IM LẶNG THẦN THÁNH

“Biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ!”

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ rất thú vị khi Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng quyền năng phát xuất từ một ‘Đấng đang ngủ’ trong thuyền giữa lúc biển dậy sóng!  Đúng hơn, chiêm ngưỡng sự im lặng của Thiên Chúa, một ‘sự im lặng thần thánh’ mà đối diện với nó, một niềm tin kiên định vẫn có thể lên tiếng, ‘Cứ để Ngài ngủ!’

Thử tưởng tượng, trong con thuyền nghèo nàn bị sóng đánh hòng chìm này, bạn và tôi đang ở vị trí của các môn đệ!  Tình trạng cùng quẫn dập vùi vì sóng nước thật tệ, nhưng nỗi sợ hãi của lòng người lại tồi tệ hơn; vậy mà Chúa Giêsu vẫn ngủ!  Cám dỗ của bạn là đánh thức Ngài, và quá nhiều linh hồn đã làm như thế qua việc không ngừng phàn nàn, tỏ ra tuyệt vọng, bỏ cầu nguyện, hoặc trút giận lên người khác.  Trong những thời khắc như thế, bạn cảm thấy cuộc sống vuột khỏi tầm tay; bạn mất bình tĩnh, bất an và suy sụp!

Tin Mừng hôm nay đánh thức đức tin chúng ta; chớ gì nó mạnh đủ để có thể lên tiếng, ‘Cứ để Ngài ngủ!’  Và còn hơn thế, giúp chúng ta chiêm ngưỡng quyền năng nhiệm mầu của ‘Đấng hay ngủ!’  Bởi có thể Ngài cố tình như thế để bạn và tôi gia tăng sự phụ thuộc vào Ngài.  Từ niềm tin, chúng ta múc lấy nội lực; bằng không, tất cả chỉ là sợ hãi, cay đắng.  ‘Sự im lặng thần thánh’ của Đấng Kitô sẽ dạy chúng ta định mức đức tin của mình!

Trong “When Jesus Sleeps”, “Khi Giêsu Ngủ”, Đức Cha Martínez viết, “Chúa Giêsu đẹp tuyệt vời khi Ngài ‘mở miệng’ nói về sự sống đời đời, thực hiện hoàn hảo các phép lạ; hoặc nhìn mọi người bằng ánh mắt xót thương.  Nhưng tôi lại muốn nhìn Ngài khi Ngài đang ngủ, bởi lúc đó, tôi chiêm ngưỡng Ngài ‘đến tận trái tim mình’ mà không bị ánh mắt Ngài ‘mê hoặc’ khiến tôi phải phân tâm.  Không vẻ đẹp hoàn hảo và ánh huy hoàng nào của Ngài làm tôi chói mắt khiến linh hồn tôi phải đờ đẫn.  Vẻ đẹp Giêsu tỉnh giấc là quá lớn so với sự nhỏ bé của tôi!  Tôi cảm thấy phù hợp hơn khi Ngài ngủ, vì hào quang mặt trời sẽ thích nghi hơn với mắt tôi khi tôi được nhìn nó qua một lăng kính mờ!”

Thật trùng hợp, “Chúa không làm điều gì mà không mặc khải ý định của Ngài cho các tôi tớ” – bài đọc một.  Vấn đề là các tôi tớ phải đọc cho được thánh ý Ngài.  ‘Sự im lặng thần thánh’ của Chúa Giêsu, hay việc Ngài ngủ không nằm ngoài ý nghĩa này.  Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Lạy Chúa, xin lấy đức công chính của Ngài mà hướng dẫn con!”

Anh Chị em,

“Ngài vẫn ngủ!”  Chúng ta cần tôn trọng và thờ lạy ‘sự im lặng thần thánh’ của Thiên Chúa ‘trong các biến cố’ đang khi phải đánh thức Chúa Kitô ‘trong trái tim mình’, và linh hồn không ngừng lặp đi lặp lại, “Lạy Chúa, xin cứu con!”  Có như thế, chúng ta mới có thể bình an đi trên nước, bước trên sóng và ngủ ngon trong mọi hoàn cảnh.  Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể quan chiêm những gì đang xảy ra bằng ‘đôi mắt đức tin’ vốn có thể xuyên suốt mọi sự, kể cả bão tố.  Qua ánh mắt ấy, có thể thấy một bức tranh toàn cảnh mà tự sức, chúng ta không bao giờ có thể nhìn thấy; một bức tranh tình yêu quan phòng mà Thiên Chúa đã lên kế hoạch cho từng người, không ai giống ai!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cứ ngủ; nhưng đừng để những thực tại rối bời lấn át trải nghiệm đức tin của con.  Cho con biết, ngủ hay thức không thành vấn đề, quan trọng là Ngài có đó!”  Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế