HỌ HÀNG VỚI CHÚA

Cách nay ít năm, tại bệnh viện Milwankee, có một bé sơ sinh mù và còn bị chuẩn đoán là đần độn bẩm sinh do bại liệt não.  Sau khi sanh ít ngày, người mẹ đã nhẫn tâm bỏ đứa con sơ sinh tật nguyền.  May mắn cho em, một chị y tá tên là May Lempke, thấu hiểu tình trạng bé sơ sinh bị bỏ rơi đồng nghĩa với cái chết, đã nhận em về nuôi.

Chị May cùng chồng đặt tên cho đứa con nuôi đặc biệt của mình là Leslie.  Họ thay nhau xoa bóp cho Leslie hằng đêm, cầu nguyện cho Leslie hằng ngày.  Chị May khóc suốt vì Leslie đau đớn.  Leslie càng lớn, sự chăm sóc Leslie càng nhiêu khê: chị May phải khéo léo cột Leslie vào chiếc ghế để em khỏi té nếu chị muốn rời em.

Một ngày nọ, May thấy dường như Leslie có những biểu hiện khác thường khi nghe những bản nhạc.  Thế là, vợ chồng chị mua một cây đàn piano cũ và tranh thủ đánh đàn cho Leslie nghe; mua nhiều băng đĩa hoà tấu hy vọng Leslie được vui.

Bỗng vào một đêm đông năm 1971, vợ chồng May nghe thấy ai đó đang chơi bản hoà tấu dương cầm số 1 của Tchaikovsky.  Họ thức dậy để xem tiếng đàn lạ từ đâu.  Họ sửng sốt thấy Leslie đang vẹo mình trước đàn và chơi nhuần nhuyễn bản nhạc.  Từ đó, các bản nhạc Leslie đã nghe như đã tồn trữ trong óc và nay đang tuôn ra trên đôi tay của cậu.  Leslie giờ đây đã 28 tuổi, đi lại vẫn khó khăn, nói năng vẫn ngọng ngịu, nhưng là một tài năng âm nhạc.  Các bác sĩ giải thích: Leslie bị chậm phát triển về trí tuệ do não bị tổn thất nhưng lại cực kỳ tài năng.  Tài năng đó được duy trì và bộc phát nhờ tình yêu đặc biệt của cha mẹ nuôi là vợ chồng chị May Lempke (theo Reader’s Digest).

Đứng trước nghịch cảnh Leslie, liên hệ do máu huyết đã chào thua liên hệ do đức ái.  Hôm nay trong Tin Mừng, Đức Giêsu đang giới thiệu mối liên hệ đức ái đó.  Một cách nào đó, Đức Giêsu đã gọi mối liên hệ này là họ hàng của Ngài.

Thiết lập họ hàng thiêng liêng

Trong xã hội có nhiều mối liên hệ.  Rộng nhất là mối liên hệ đồng loại, rồi đến chủng tộc màu da.  Hẹp hơn là mối liên hệ đồng bào.  Nhỏ hơn là mối liên hệ đồng hương liên kết những người chung nơi chôn nhau cắt rốn.  Cuối cùng là mối liên hệ họ hàng huyết tộc nảy sinh do sự đồng một dòng máu di truyền.  Ngoài ra còn có mối liên hệ đồng môn, đồng nghiệp, đồng chí, đồng cảnh ngộ và bạn kết nghĩa…

Trong các mối liên hệ ấy, mối liên hệ họ hàng huyết tộc là phổ biến nhất, cụ thể nhất, và xét trong lãnh vực tự nhiên thường là bền chặt nhất.  Thế mà, khi đề cập đến mối liên hệ này, Đức Giêsu đã đặt vấn đề: “Ai là mẹ, là anh em ta?”  Mẹ và anh em theo nghĩa thường thì một em bé còn bế ngửa cũng biết và cảm nhận được!  Sao Chúa lại hỏi vậy?  Ở đây, Đức Giêsu đang mạc khải một mối liên hệ, đối với Ngài, mật thiết nhất và bền vững vĩnh cửu mà mối liên hệ máu huyết đứng bên sẽ trở nên quá nhỏ bé.  Đó là mối liên hệ họ hàng thiêng liêng phát sinh do đức Tin, phát triển nhờ đức Ái, và kiên trì nhờ đức Cậy trông.  Chất lượng của mối dây liên kết họ hàng thiêng liêng này hệ tại mức độ của sự thực hành lời Chúa.  Một người con càng thương cha mẹ thì càng dễ vâng lời, và càng vâng lời thì tình nghĩa con cái với cha mẹ càng thêm chất lượng.  Cũng vậy, một người chỉ thực sự là con cái Chúa khi biết đón nhận thánh ý Chúa và càng thực thi thánh ý Chúa thì tình nghĩa với Chúa càng thêm chất lượng.  Đức Giêsu gọi người đó là mẹ và là anh em của Ngài.

Khi Đức Giêsu đưa tiêu chuẩn xác định họ hàng dựa trên việc biết nghe và thực hành lời Chúa thì đồng thời Ngài cũng mặc nhiên cảnh báo có những trường hợp ngỡ là gần Chúa mà thật ra lại xa Ngài vời vợi.  Quả thế, những người có họ hàng máu huyết với Chúa, biết rõ về Chúa, gặp gỡ Chúa thường xuyên nhưng không bước theo Chúa bằng việc thực thi đường lối Chúa chỉ dạy vẫn mãi mãi là kẻ xa lạ với Chúa.

Cuộc đời Đức Giêsu diễn tả cho ta thấy một Thiên Chúa mê say con người: Ngài quên ăn quên nghỉ vì phần rỗi anh em (x. Ga 4, 5-34); Ngài nỗ lực đẩy lui Satan, không để cho ma quỷ tác oai tác quái nơi thế giới con người như kẻ “múa gậy vườn hoang.”  Ai không đồng cảm với Chúa, không cùng Ngài trên một chiến tuyến chống lại Satan bằng việc nói không với Satan và nói có với Ngài trong đời sống… người đó luôn là kẻ xa lạ, thậm chí chống lại Ngài dù bề ngoài xem ra họ rất gần Ngài.  Kết cục, có lắm người phải ngã ngửa khi nghe Ngài kết luận: “Ta không hề biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!”  Trong số đó có người là đồng hương, quá gần gũi với Chúa và có cả những kinh sư, luật sĩ, những người vẫn mang danh là chuyên viên trong đạo.

Phá vỡ họ hàng thiêng liêng

Nếu vâng nghe lời Chúa giúp ta nên họ hàng nghĩa thiết với Chúa thì ngược lại, bất tuân lệnh là biến mình thành kẻ xa lạ với Ngài.  Sự bất tuân khởi đi bằng sự thiếu tín nhiệm.  Adam – Evà trước khi giơ tay hái quả cấm thì trong lòng đã dấy lên sự không tin Chúa tốt lành (x St 3, 1-6).  Anh em họ hàng của Chúa trước khi đi bắt Chúa thì lòng họ đã không tin việc Chúa làm là bình thường, là khôn ngoan.  Chỉ có lòng tín nhiệm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa mới giữ con người sống trong đạo lý Chúa.  Mất tín nhiệm đồng nghĩa với khởi sự phản bội.  Không trung thành với đường lối Chúa biến người ta đang là kẻ nghĩa thiết họ hàng với Chúa thành kẻ xa lạ, và hơn nữa thành kẻ thù của Tình Yêu.  Adam – Evà sau khi trái lệnh Chúa, đã đánh mất tình thân với Chúa, chẳng còn cảnh ngày ngày gặp Chúa đàm đạo thân tình nữa (x. St 3, 8-10).

Thiếu lòng tin vững chắc vào sự sống đời sau dễ làm cho ta trái ý Chúa ở đời này.  Đúng vậy, mọi lỗi phạm thường do ta thiển cận, chỉ thấy cái được trước mắt mà không thấy cái mất lớn lao đằng sau.  Người ta sẵn sàng chịu thương chịu khó để hy vọng được mùa lúa bội thu; người ta chấp nhận khổ luyện để hy vọng chiến thắng.  Cũng vậy, khi đã xác tín vào phần thưởng phục sinh vinh quang vô tận Chúa dành cho kẻ nghĩa thiết với Chúa thì bằng mọi giá ta sẽ duy trì mối liên hệ họ hàng với Chúa.  Mọi sự từ bỏ ở đời này để vâng ý Chúa sẽ là chuyện nhỏ khi ta đã thấy được vinh quang lớn lao mai sau.

Howard kelly là một nhà sinh vật học nổi tiếng kiêm bác sĩ.  Lần kia, sau một ngày nghiên cứu, ông đến một nhà nghèo xin nước uống.  Một bé gái xuất hiện và ân cần biếu ông một ly sữa tươi mát.  Ông cám ơn và mong có dịp đền ơn bé.  Ít lâu sau, mẹ bé đau nặng, người ta chuyển mẹ bé tới một bệnh viện trên thành phố.  Cuối cùng bà khỏi bệnh nhưng không biết lấy tiền đâu để trả viện phí.  Như một phép lạ, bác sĩ chữa bệnh xuất hiện trên tay cầm phong bì bên trong viết: Viện phí đã được thanh toán để trả ơn một ly sữa.  Ký tên – Bác sĩ Kelly.

Hy sinh cả đời thì có đáng gì so với vinh hạnh được là họ hàng của Chúa.

Trích Logos B

CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH

Trong thánh vịnh, Thiên Chúa cư xử theo những cách mà Ngài không được phép cư xử trong thần học.

Câu này của cố thần học gia Sebastian Moore nên được nêu bật trong thời đại mà ngày càng ít người muốn dùng thánh vịnh để cầu nguyện, vì họ cảm thấy bị xúc phạm với nhiều điều thỉnh thoảng họ gặp phải trong thánh vịnh.  Ngày càng có nhiều người phản đối dùng thánh vịnh như một cách cầu nguyện (hoặc họ muốn thanh lọc thánh vịnh), vì các thánh vịnh nói về giết người, báo thù, thịnh nộ, bạo lực, gây chiến và trọng nam khinh nữ.

Một số người nói làm sao họ có thể cầu nguyện với những lời đầy hận thù, thịnh nộ, bạo lực, nói về vinh quang của chiến tranh, về tiêu diệt kẻ thù nhân danh Thiên Chúa?  Một số khác thì phản đối tính trọng nam khinh nữ trong các thánh vịnh, khi thần thánh là nam và người nam được tôn sùng quá đáng.  Số khác lại thấy khó chịu về mặt thẩm mỹ.  Họ phản đối: “Đây là những vần thơ dở!”

Có lẽ các thánh vịnh không phải là thi ca tuyệt mỹ và chắc chắn là thoang thoảng có bạo lực, chiến tranh, thù hận, mong muốn báo thù, tất cả đều nhân danh Thiên Chúa.  Phải thừa nhận, nó cũng có tính chất trọng nam khinh nữ.  Nhưng những điều này làm cho thánh vịnh có một cách diễn đạt xấu để cầu nguyện sao?  Tôi xin phép được đưa ra một vài điểm ngược lại.

Một trong những định nghĩa kinh điển về cầu nguyện là “nâng tâm trí và tâm hồn lên cùng Thiên Chúa.”  Đơn giản, rõ ràng, chính xác.  Tôi cho rằng vấn đề thật sự, chính là những lúc cầu nguyện, chúng ta hiếm khi thực sự làm vậy.  Thay vì dâng lên Thiên Chúa những gì thực sự ở trong tâm trí và tâm hồn, thì chúng ta lại có khuynh hướng xem Thiên Chúa là người mà chúng ta cần giấu diếm chân tướng sự thật của những suy nghĩ và cảm giác trong mình.  Thay vì dốc trọn tâm trí và tâm hồn, chúng ta lại thưa với Chúa những gì chúng ta nghĩ là Ngài muốn nghe, những gì không phải là suy nghĩ muốn giết người, khao khát báo thù hay sự thất vọng về Thiên Chúa.

Nhưng, bày tỏ những cảm giác đó mới là điều quan trọng.  Điều khiến cho các thánh vịnh đặc biệt thích hợp cho việc cầu nguyện, chính là vì các thánh vịnh không giấu diếm sự thật với Thiên Chúa, mà lại bày tỏ toàn bộ cảm giác thực sự của con người chúng ta.  Thánh vịnh là tiếng nói thành thật về những gì đang diễn ra trong tâm trí và tâm hồn chúng ta.

Đôi khi chúng ta cảm thấy tốt đẹp và bộc phát muốn nói ra những lời tôn vinh và cảm tạ, thì thánh vịnh cho chúng ta những lời đó.  Những lời này nói về sự tốt lành của Thiên Chúa trong mọi sự, là tình yêu, tình bạn, đức tin, sức khỏe, thức ăn, rượu, và vui hưởng.  Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng cảm nhận như thế.  Cuộc sống có những lúc cô đơn, lạnh lẽo, thất vọng, cay đắng âm ỉ hoặc bạo phát.  Các thánh vịnh cho chúng ta lời thành thật để có thể mở lòng về những cảm giác âm ỉ này với Thiên Chúa.  Cũng vậy, có những lúc chúng ta cảm thấy mình bất xứng, không xứng với sự tin tưởng và yêu thương mình được ban cho.  Và thánh vịnh cũng cho chúng ta lời để nói ra, xin Thiên Chúa thương xót và làm mềm trái tim chúng ta, rửa sạch chúng ta và cho chúng ta một khởi đầu mới.

Cũng vậy, có những lúc chúng ta cảm thấy thất vọng cay đắng với Thiên Chúa, và cần cách để bày tỏ.  Thánh vịnh cho chúng ta lời để nói ra (“Vì sao Ngài im lặng?”, “Vì sao Ngài quá xa con?”), cho chúng ta ý thức Thiên Chúa không sợ những giận dữ, cay đắng của chúng ta, mà như người cha người mẹ đầy yêu thương, Ngài chỉ muốn chúng ta đến và kể với Ngài những chuyện này.  Các thánh vịnh là những phương tiện đầy ơn ích cho việc cầu nguyện, vì chúng nâng lên những suy nghĩ và cảm giác khác nhau của chúng ta lên Thiên Chúa.

Tuy nhiên, có những lý do làm chúng ta thấy khó khăn với thánh vịnh.  Trước hết, thời đại chúng ta thường gạt bỏ ẩn dụ và thích hiểu theo nghĩa đen, một vài hình ảnh trong thánh vịnh lại chướng tai gai mắt.  Thứ hai, chúng ta có khuynh hướng chối bỏ cảm thức thực sự của mình.  Thật khó để thừa nhận những cảm giác mà đôi khi chúng ta đều có, là tự đại, ám ảnh tình dục, ghen tương, cay đắng, hoang tưởng, muốn giết người, thất vọng với Thiên Chúa, hoài nghi trong đức tin.  Những lời cầu nguyện của chúng ta quá thường đi ngược lại những suy nghĩ và cảm giác thật của mình.  Chúng ta cầu nguyện những điều mà chúng ta nghĩ là Thiên Chúa muốn nghe.  Thánh vịnh thì trung thực hơn.

Cầu nguyện với sự trung thực tuyệt đối là một thách thức.  Tác giả Kathleen Norris nói như sau: “Nếu cầu nguyện đều đặn, thì không thể nào cầu nguyện cho chuẩn được.  Đâu phải lúc nào chúng ta cũng ngồi thẳng thớm, càng không thể lúc nào chúng ta cũng có những suy nghĩ thánh thiện.  Khi cầu nguyện, chúng ta đâu thể lúc nào cũng mặc bộ đồ đẹp nhất, thường là mặc những bộ đồ đủ sạch sẽ.  Chúng ta đọc quyển sách chúc tụng của Kinh Thánh thông qua mọi tâm trạng và tình trạng cuộc sống.  Những lúc thấy thảm thê tột độ, chúng ta vẫn hát.  Ngạc nhiên thay, thánh vịnh lại không phủ nhận những cảm giác thật của ta, mà lại cho chúng ta được phản chiếu nó, ngay trước mặt Thiên Chúa và mọi người.”  Những câu cách ngôn tạo cảm giác tốt đẹp thể hiện cảm giác chúng ta nên có, chúng không thể nào thay thế được tính thực tế đời thực của các thánh vịnh bày tỏ những cảm giác thật mà đôi khi chúng ta có.  Bất kỳ ai nâng tâm trí và tâm hồn lên Thiên Chúa mà không bao giờ nói đến những cảm giác cay đắng, ghen tương, thù hận, ghét bỏ, và chiến tranh, thì nên làm người soạn những câu bắt tai để viết thiệp, chứ đừng đi làm cố vấn tâm linh cho bất kỳ ai.

Rev. Ron Rolheiser, OMI