THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ trọng thể kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

I. Trước hết là Thánh Phêrô

Chẳng cần phải nói dài anh chị em cũng có thể thấy được rằng Phêrô là một trong ba môn đệ, nói đúng hơn trong ba Tông đồ được Chúa ưu ái một cách đặc biệt hơn những tông đồ khác.  Ông được Chúa cho tham dự vào hầu hết những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa.

Tính tình ông nóng bỏng, bộc trực và đôi lúc hơi liều lĩnh.

Nói về ông, người ta không thể không nhắc đến cái vết thật đen trong cuộc đời của Ông.  Đó là việc ông đã chối Chúa.  Alain một nhà tư tưởng lớn của Pháp đã viết những lời như thế thật chua cay về biến cố này: “Tôi hình dung ra ông ta đang ở trên Thiên đàng, đầu đội triều thiên hào quang sáng chói nhưng mỗi khi nhớ đến ‘dzụ’ ấy, chắc ông còn phải đỏ mặt.”  Lý do, ông viết tiếp: “Tông đồ Phêrô trong hoàn cảnh lúc đó đã lẩn trốn như thỏ hay như chuột” Lời nhận định hơi chua chát một chút nhưng nó cho chúng ta thấy tính cách nghiêm trọng của vấn đề.  Vì Phêrô là Thủ lãnh các tông đồ, thủ lãnh nhóm 12 và nhất là trước đó Chúa đã cảnh cáo ông.

Tuy nhiên bên cạnh những cái không tốt đó chúng ta lại thấy nơi Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục.  Chính những đức tính sáng chói này sẽ làm lu mờ đi những cái tầm thường nơi con người của ông để rồi qua đó ông đã xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa khi Chúa đã đặt ông làm nền tảng Giáo Hội.

Đầu tiên chúng ta phải nói về lòng quảng đại.  Tin Mừng ghi thật rõ, vừa khi được Chúa gọi ông nhanh nhẹn bỏ điều mà sau này ông ‘kể công’ với Chúa là tất cả mọi sự.

Bên cạnh lòng quảng đại chúng ta còn thấy ở nơi Ông một đức tin chân thành.

Đàng khác trên con đường theo Chúa ông còn có một đức tính hiếm hoi này mà những người khác ít ai có được đó là lòng gắn bó keo sơn với Chúa.  Sau Phép lạ bánh hóa nhiều, Chúa có giảng một bài giảng về bánh hằng sống.  Bài giảng đó đã đánh dấu một khúc ngoặt mới trong cuộc đời công khai của Chúa.

“Lạy thầy, bỏ thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời.”

Nhưng đức tính mà tôi cảm phục nhất trong cuộc đời của Ông đó là lòng khiêm nhường.  Sách Tu đức gọi đức Khiêm nhường là nền tảng mọi nhân đức.  Đôi khi người ta cũng còn gọi đức khiêm nhường là mẹ các nhân đức.  Đọc trong Kinh Thánh tôi thấy ít nhất có ba lần ông đã biểu lộ sự khiêm nhường rất cụ thể như thế này.

Lần thứ nhất là khi Chúa cho các ông bắt được một mẻ cá lạ.  Trong khi các môn đệ khác chỉ có thái độ cầm chừng thì Phêrô đã đến quì trước mặt Chúa và thưa với Người: “Lạy Thầy, xin tránh xa con ra vì con là một người tội lỗi.”  Ông ý thức được cái thân phận yếu đuối của mình trước sự hiện diện của Chúa.

Lần thứ hai là khi Chúa quở mắng ông một cách thật nặng lời nhưng ông không một chút sĩ diện.  Ông đón nhận tất cả như một bài học để ông sửa mình.

Lần thứ ba được ghi ở trong sách Tông đồ công vụ.  Giữa Phêrô và Phaolô có sự bất đồng về việc những người Dothái trở lại.  Phêrô đã cố gắng nhịn nhục để giữ được bầu khí hoà dịu giữa hai người.

II. Còn Phaolô

Tin Mừng không nói một câu nào về Ông.  Chúng ta chỉ được biết về ông sau khi Chúa Giêsu đã về trời.  Xét về con người của ông thì chúng ta thấy ông có nhiều điểm hơn hẳn Phêrô.  Ông là một con người có học thức – Là học trò của Giáo sư Kinh Thánh nổi tiếng Gamaliel.  Gia đình ông thuộc loại khác giả.  Đặc biệt ông là người có tước Công dân La mã.  Ông không thuộc nhóm 12.  Ông là một tông đồ sinh sau đẻ muộn nhưng là một tông đồ đặc biệt.

Ông xuất hiện không như một người về phe với Chúa, nhưng như một kẻ đối đầu.  Tệ hơn, như một kẻ thù: Chúng ta còn nhớ thật rõ câu truyện ông tình nguyện đi Đamas để lùng bắt và tiêu diệt những người mang danh Kitô hữu.

Thế nhưng cũng chính từ cuộc lùng bắt những người Kitô hữu này Chúa đã chinh phục ông.  Cuộc chinh phục rất đột xuất làm cho nhiều người cảm thấy như không thể tin được.  Thế nhưng đó lại là công việc của Chúa.

Chúa chọn ông để sai ông đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.

Muốn hiểu cuộc đời theo Chúa của Ông như thế nào chúng ta hãy đọc lại Sách Tông đồ công vụ và nhất là những bức thư nổi tiếng ông còn để lại.

III. Bài học

  1. Uy quyền của ChúaChúa muốn làm gì thì làm.

Xét về nhiều phương diện thì Phêrô thiếu hẳn những đức tính của một người lãnh đạo thế nhưng Chúa đã chọn ông, đặt ông làm thủ lãnh của Giáo Hội.  Đó là công việc của Chúa.

Phaolô cũng thế: Từ một kẻ thù Chúa đã biến ông thành một người bạn, một người tình.  Từ một người đi lùng bắt những người theo Chúa mà giết đi.  Chúa đã biến ông trở thành người rao giảng về Người và sẵn sàng chết vì người.  Về phương diện trần thế chẳng khi nào chúng ta thấy được như thế.

  1. Bài học về lòng yêu mến Chúa

Câu truyện tại bờ biển Galilêa sau khi Chúa sống lại.  Phêrô đã tuyên xưng không phải đức tin, nhưng là lòng yêu mến của Ông.

Phaolô đã viết những lời thật cảm động sau đây: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô.  Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo….  Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Xem 2 Tm 4, 6-8 Rm 8, 18-19.32.33.38.39)

  1. Bài học về sự gắn bó và lòng trung thành đối với Chúa.

Nhìn lại cuộc đời theo Chúa của Phêrô chúng ta thấy ông đã sẵn sàng để cho Chúa uốn nắn, mài dũa ông như thế nào.  Rất nhiều lần Chúa đã trách mắng ông, thậm chí có lần Chúa đã gọi ông là “Đồ Satan”, thế nhưng Phêrô vẫn luôn một lòng một dạ trung thành để rồi sau này ông có thể viết cho đoàn chiên Chúa trao cho Ông như thế này: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em” (1Pr 1, 15) – Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. (1Pr 2, 9)

Còn đối với Phaolô thì chúng ta khỏi cần phải nói: Sau khi được Chúa kêu gọi trên con đường ông đi Damas, ông đã vào ẩn mình trong hoang địa.  Ở đó Chúa đã tôi luyện ông để ông trở nên giống Chúa đến nỗi Ngài có thể tự hào: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.  Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.  Và Ngài khuyên những ai tin Chúa: “Anh em đã nhận Đức Ki-tô Giê-su làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người.  Vào cuối đời ông đã để lại những lời này cho người môn đệ yêu quí của ông: “Còn cha, cha sắp phải đổ máu ra làm lễ tế.  Đã đến giờ cha phải ra đi.  Cha đã chiến đấu trong một trận chiến cao đẹp, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững được đức tin.  Giờ đây cha chỉ còn đợi trông vòng hoa dành cho người công chính.  Chúa là vị Thẩm phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho cha trong ngày ấy và không phải chỉ cho tôi mà còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.”

Lm Giuse Đinh Tất Quý

ĐAU KHỔ VÀ SỰ CHẾT

Những vấn nạn lớn nhất của con người mọi thời đại, đó là sự dữ và sự chết.  Kể từ khi hiện hữu, con người không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho vấn nạn này.  Tại sao có sự dữ?  Tại sao con người phải đau khổ và phải chết?  Sau khi chết con người sẽ về đâu?  Bên kia sự chết là gì?  Người ta tìm mọi cách can thiệp cho con người thoát khỏi cái chết, nhưng vô hiệu.  Đối diện với đau khổ và sự dữ, nhiều người đã mất niềm tin vào Thiên Chúa, thậm chí phủ nhận sự hiện hữu của Ngài.

Thiên Chúa không làm ra cái chết.  Ngài chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.  Thiên Chúa cũng không là tác giả của sự dữ.  Sách Khôn Ngoan khẳng định với chúng ta như thế (Bài đọc I).  Sách Khôn Ngoan được viết khá muộn, khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, tức là rất gần với Chúa Giê-su.  Nội dung cuốn sách này là những suy tư về thân phận con người, khuyến khích lòng hiếu thảo và nhất là nhằm củng cố đức tin nơi người Do Thái.  Ngài luôn yêu thương con người, và đã thể hiện tình yêu ấy bằng công cuộc sáng tạo cũng như bằng những điềm thiêng dấu lạ trong lịch sử.  Khi khẳng định: Thiên Chúa không làm ra cái chết và sự dữ, tác giả nói với chúng ta: cái chết là nguyên nhân của quỷ dữ ghen tỵ; đau khổ nhiều khi đến từ chính con người.

Sự chết cũng gắn liền với kiếp sống nhân sinh.  Con người đã có ngày sinh ắt có ngày tử.  Chẳng ai sống mãi trên thế gian này.  Nhìn theo khía cạnh nhân sinh, cái chết cũng là điều may mắn đối với con người.  Bởi lẽ nếu mọi người từ tạo thiên lập địa mà không chết thì không biết thế giới sẽ ra sao?

Đã là con người hiện hữu trên trần gian, không ai tránh khỏi đau khổ.  Con Thiên Chúa nhập thể làm người cũng đã trải qua đau khổ như chúng ta và đã phải chết.  Chúa Giê-su đón nhận đau khổ trong tình yêu thương nhân loại.  Tình yêu sẽ hóa giải đau khổ, hoặc ít ra sẽ giúp chúng ta nghị lực để vượt lên đau khổ.  Một số người đã tự tìm đến cái chết khi đối diện với đau khổ.  Họ đã không tìm được niềm hy vọng và ý nghĩa cuộc đời.

Đức Giê-su đến trần gian để khẳng định: Thiên Chúa làm chủ sự sống.  Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải là của kẻ chết . Ngài tạo dựng con người không phải để trở về với cát bụi, nhưng để sống hạnh phúc mãi mãi.  Như thế, nếu quỷ dữ ghen tương gây nên cái chết, thì Thiên Chúa tình yêu sẽ ban cho con người được sống.  Để chứng minh Thiên Chúa có quyền năng trên sự chết, Chúa Giê-su đã làm cho bé gái 12 tuổi, con ông trưởng hội đường tên là Gai-ô, đã chết được sống lại.  Thân nhân gia đình và hàng xóm của ông khi thấy bé gái đã chết, liền khuyên can đừng mời Chúa Giê-su đến nữa, vì họ không tin một người đã chết có thể sống lại.  Đức Giê-su đã làm cho bé gái sống lại trước sự ngỡ ngàng của mọi người.

Thánh Mác-cô diễn tả ông trưởng hội đường như một người có đức tin vững vàng, qua lời van xin: “Con bé nhà tôi sắp chết rồi.  Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống.”  Lời van xin này cho thấy, ông tin chắc vào quyền năng của Chúa Giê-su, và dù con ông có chết, cũng sẽ được hồi sinh.  Cùng một chủ đề đức tin, tác giả đan xen hai phép lạ trong một trình thuật.  Đó là người phụ nữ bị bệnh đã mười hai năm, các thầy thuốc đều đã bó tay.  Trong tình trạng đó, bà tin chắc rằng nếu bà chạm tới áo Chúa Giê-su, thì bà sẽ được chữa lành.  Sự thể đã xảy ra như vậy.  Bà đã được chữa lành ngay tức khắc.  Cả hai người – ông trưởng hội đường và người phụ nữ – đều là những gương mẫu về đức tin cho chúng ta.

“Lòng tin của con đã chữa con.”  Lời Chúa Giê-su cho thấy điều kiện duy nhất để đón nhận ơn Chúa là lòng tin.  Liền sau đó, Chúa cũng nói với ông trưởng hội đường, khi người ta báo tin con ông đã chết: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”  Đức tin luôn là điều kiện cần thiết để ta đón nhận ơn Chúa, kể cả trong những lúc gian nan nhất của cuộc đời.  Đức tin Ki-tô giáo khẳng định với chúng ta: sự chết thực ra chỉ là sự biến đổi trạng thái hiện hữu.  Sự chết cũng là cánh cửa mở ra để ta bước vào thế giới mới.  Những ai sống tốt lành thánh thiện, sau khi chết sẽ được hưởng vinh quang Chúa hứa cho những người công chính.  Chỉ có hạnh phúc đời sau mới lý giải được sự công bằng trong đời sống con người.  Như thế, dưới lăng kính Ki-tô giáo, sự dữ và sự chết bớt đi màu sắc ảm đạm thê lương, và bừng lên niềm hy vọng nơi tình thương nhiệm màu của Thiên Chúa.

Dù cắt nghĩa thế nào đi nữa, đau khổ và sự chết vẫn đè nặng trên mỗi chúng ta.  Sự chết đến từ ghen tương của quỷ dữ, nhưng sự chết cũng đến từ chính chúng ta, hoặc do chính bản thân hoặc do người khác gây ra.  Quả vậy, khi gieo rắc hận thù, bạo lực, chiến tranh là gieo rắc đau khổ sự chết.  Thánh Phao-lô đưa ra lời khuyên: mỗi người góp phần giảm thiểu đau khổ bằng những nghĩa cử chia sẻ bác ái (Bài đọc II).  Ngài khuyên giáo dân Cô-rin-tô, lúc đó khá ổn định về vật chất, hãy quan tâm đến những người đang lâm cảnh túng thiếu.  Khi cùng nhau cổ võ những việc thiện, chắc chắn cái ác sẽ bị đẩy lui.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

QUAN NIỆM CỦA THÁNH AUGUSTINÔ VỀ Ý NGHĨA THỰC SỰ CỦA BÌNH AN

Cách đây một thời gian, khi phong trào bình an trong trường đại học đang rất sôi nổi, tôi quyết định thực hiện một cuộc khảo sát giữa các sinh viên của mình để tìm hiểu xem liệu ý tưởng khiến họ say mê đó có phải là điều họ thực sự hiểu rõ hay không.  Câu hỏi mà tôi đặt ra trong lớp học rất ngắn gọn: “Bình an là gì?”  Một loạt các bàn tay lập tức giơ lên.  Các bạn sinh viên tự tin rằng họ đã nắm đầy đủ thông tin về chủ đề này.  Thật không may, tất cả các câu trả lời của họ đều được diễn đạt theo lối phủ định: “Bình an là không có chiến tranh; Bình an là tránh xa sự thù địch; Bình an là thoát khỏi sự hỗn loạn, rối ren; Bình an là chấm dứt sự lo lắng…”

Cuối cùng, để làm cho câu hỏi của tôi trở nên thực tế hơn, tôi đã hỏi những sinh viên hiện đang im lặng xem họ có thể làm gì để trải nghiệm được bình an, dù chỉ trong mười phút.  Một sự im lặng đáng sợ bao trùm lớp học.  Cuối cùng, một sinh viên dũng cảm đã thú nhận một cách khá thất vọng rằng với tất cả các bài tập mà cô ấy phải gánh và tất cả các deadline mà cô ấy phải đáp ứng, việc tìm kiếm sự bình an là điều không thể trong ít nhất vài tuần.  Tôi nghĩ cô ấy đã nói thay cho nhiều người, nếu không nói là tất cả, những người bạn cùng lớp của cô ấy.  Tôi nghĩ thật đáng buồn khi giáo dục chính quy lại là một sự gián đoạn của bình an.  Liệu các bạn sinh viên có bình an sau khi tốt nghiệp không?  Chúng ta có thể tìm thấy thời gian cho bình an không?  Ngay cả trong giấc ngủ, chúng ta cũng có thể bị quấy rầy bởi những cơn ác mộng.  Nếu chúng ta phải đợi cho đến khi không làm gì để tìm thấy bình an, thì không có gì làm nền tảng cho bình an, không có gì bình an có thể đụng chạm để mang lại cho cuộc sống của chúng ta một ý nghĩa cao cả hơn.  Sự bình an như thế sẽ chìm vào hư vô.  Đây không phải là bình an mà chúng ta hy vọng, mà chỉ là ảo tưởng về bình an.

Thánh Augustinô giải gỡ

Không có bất kỳ thánh Augustinô nào trong lớp của tôi.  Nhưng tôi có thể chiêu mộ vị Tiến sĩ khôn ngoan này của Giáo hội vì lợi ích của sinh viên.  Đối với vị Giám mục thành Hippo này, bình an là “sự yên tĩnh của trật tự” (Tranquilitas ordinis).  Thánh Augustinô đề cập đến trải nghiệm cá nhân về bình an.  Con người đã sống một cuộc sống không có trật tự kể từ khi bị tổn thương bởi Tội Nguyên Tổ.  Tâm hồn họ trở nên “bồn chồn.”  Sự bồn chồn (inquietum) này đã tạo ra niềm khao khát bình an.  Nhưng bình an sẽ luôn khó nắm bắt chừng nào nó còn được coi là đối tượng trực tiếp của sự lựa chọn. Chúng ta không thể chọn bình an như cách hái một quả táo từ trên cây.  Chúng ta phải chọn “điều gì đó khác” trước khi có đủ điều kiện để trải nghiệm bình an.  Theo thánh Augustino, một “điều gì đó khác” chính là trật tự.  Nhưng có nhiều loại trật tự khác nhau.  Cụ thể trật tự mà vị thánh vĩ đại này nghĩ đến là gì?  Đó là trật tự của những hành vi nhân đức dẫn đến Thiên Chúa.  Câu nói nổi tiếng nhất của ngài xuất hiện ở phần đầu cuốn Tự thuật: “Tâm hồn con khắc khoải không ngừng cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa” (cor nostrum inquietum est donc requiescat in Te).

Bình an thay thế sự bồn chồn khi cuộc đời chúng ta hướng về Thiên Chúa.  Chúng ta nên sống phù hợp với nhân đức mà thánh Augustinô định nghĩa là “trật tự của tình yêu” (virtus est ordo amoris).  Bây giờ chúng ta thấy rõ hai điều: Tại sao chúng ta bồn chồn và khao khát bình an; và giải pháp cho sự bồn chồn của chúng ta.  Nếu chúng ta muốn bình an, trước hết chúng ta phải hướng tình yêu của mình đến Thiên Chúa.  Khi đó chúng ta sẽ trải nghiệm được sự yên tĩnh của trật tự, đó là sự bình an.

Vậy bình an là gì?  Đó là sự tĩnh lặng mà chúng ta cảm nghiệm được khi chúng ta hướng tình yêu của mình, qua nhân đức, tới Thiên Chúa.  Tình yêu này, một cách tự nhiên, bao gồm cả tình yêu tha nhân.  Vì vậy, sự bình an tương thích với mọi hoạt động sống của chúng ta, trong đó có “gánh nặng” bài vở.  Chúng ta không nên tìm kiếm bình an nhưng hãy yêu mến Thiên Chúa.  Bình an là điều gì đó “xảy ra” với chúng ta khi chúng ta tìm thấy một điều gì đó khác.  Nó rất giống với hạnh phúc, như Nathaniel Hawthorne đã nói: “Giống như một con bướm, khi theo đuổi, luôn nằm ngoài tầm nắm bắt của chúng ta, nhưng nếu bạn ngồi yên, nó có thể đậu xuống trên bạn.”

Tác giả: Donald Demarco – Người dịch: Kim Linh
Nguồn: Catholic Exchange

NỖI SỢ

Nếu không hoàn toàn là một thánh nhân hay một nhà thần nghiệm, bạn sẽ luôn sống trong nỗi sợ cái chết và đời sau.  Đó đơn thuần là một phần nhân sinh.  Nhưng chúng ta có thể và phải, vượt lên nỗi sợ của chúng ta trước Thiên Chúa.

Khi còn là đứa trẻ, tôi sống với nhiều nỗi sợ.  Tôi từng có một tưởng tượng rất sinh động và thường lặp đi lặp lại, hình dung thấy những kẻ sát nhân núp dưới giường mình, rắn độc bò trườn trên chân, những bã thuốc độc trong thức ăn, những kẻ bắt nạt đang tìm nạn nhân để hành hạ, và cả trăm cách khác khiến tôi phải chết, những mối đe dọa đủ kiểu đang lẩn khuất trong bóng tối.  Khi còn nhỏ, tôi thường sợ, sợ bóng tối, sợ chết, sợ đời sau, và sợ Thiên Chúa.

Khi trưởng thành, những tưởng tượng của tôi cũng trưởng thành, không còn hình dung rắn bò khắp nơi hay có kẻ giết người rình rập.  Tôi bắt đầu thấy mạnh mẽ lên, tự chủ, hình dung những sự vô minh với các góc tối của nó là một cơ hội để lớn lên hơn là một mối đe dọa sự sống.  Nhưng dẹp đi nỗi sợ rắn rết, sợ kẻ sát nhân giấu mặt và sợ bóng tối, là một chuyện.  Còn để vượt qua được nỗi sợ cái chết, sợ đời sau, và sợ Thiên Chúa lại là chuyện khác, khó hơn nhiều.  Những nỗi sợ này là những con quỷ cuối cùng cần phải trừ đi, và phép trừ tà này không bao giờ tiễu trừ hoàn toàn được.  Chính Chúa Giêsu đã run rẩy trong nỗi sợ chết, trước những chuyện vô minh mà chúng ta phải đối diện trong cái chết.  Nhưng Ngài không run rẩy trước Thiên Chúa, và đó là sự khác biệt.  Khi đối diện với cái chết và sự vô minh, Ngài có thể trao trọn bản thân cho Thiên Chúa Cha, với niềm tin của một người con, như đứa bé bám vào cha yêu thương của mình, và chính điều đó cho Ngài sức mạnh và can đảm để tiếp tục đi qua cái chết vô danh, cô độc và bị hiểu lầm, với phẩm giá, trìu mến và tha thứ.

Chúng ta không bao giờ cần phải sợ Thiên Chúa.  Thiên Chúa là Đấng đáng tin cậy.  Nhưng tin tưởng Thiên Chúa cũng bao hàm một nỗi sợ lành mạnh trước Thiên Chúa, bởi một nỗi sợ nhất định là một phần tự có của tình yêu.  Kinh thánh nói rằng: Kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của khôn ngoan.  Nhưng nỗi sợ đó, nỗi sợ lành mạnh, phải được hiểu là một sự tôn kính, một sự kinh đảm yêu thương, một tình yêu sợ mình khiến người yêu thất vọng.  Nỗi sợ lành mạnh là nỗi sợ của tình yêu, sợ mình phản bội, sợ mình không chung thủy với một tình yêu nhưng không.  Chúng ta không sợ người mà chúng ta tin tưởng, không sợ người đó đột nhiên trở nên độc đoán, bất công, ác độc, không thể hiểu nổi, tàn bạo, và không còn yêu thương.  Không.  Mà chúng ta sợ rằng liệu chúng ta có xứng đáng với niềm tin tưởng được đặt nơi chúng ta không, có thể là niềm tin của ai đó, và có thể là niềm tin của Chúa.

Nhưng chúng ta phải tin tưởng rằng Thiên Chúa thông hiểu con người.  Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta luôn ý thức để tâm đến Ngài.  Thiên Chúa chấp nhận bản tính lang bạt của tâm hồn chúng ta.  Thiên Chúa chấp nhận những mệt mỏi và kiệt nhọc của chúng ta.  Thiên Chúa chấp nhận nhu cầu cần lơ đãng và thoát ly của chúng ta.  Thiên Chúa chấp nhận rằng chúng ta thường dễ chìm vào giải trí hơn là cầu nguyện.  Và Thiên Chúa còn chấp nhận sự kháng cự của chúng ta với Ngài, cả nhu cầu muốn kiêu ngạo khẳng định sự độc lập của mình.  Như một người mẹ trìu mến ôm đứa con đang la hét giãy đạp, nhưng lại đang cần được bồng ẵm và nâng niu, Thiên Chúa cũng có thể xử trí những cơn giận, thương thân và kháng cự của chúng ta.  Thiên Chúa hiểu con người, nhưng chúng ta phải đấu tranh để hiểu con người có ý nghĩa gì trước mặt Thiên Chúa.

Trong nhiều năm, tôi sợ rằng tôi đã quá chìm vào trong những chuyện của đời này, tự nhận mình là một con người có tâm linh, tôi luôn sợ rằng Chúa muốn nhiều hơn nữa nơi tôi.  Tôi cảm thấy tôi phải dành thêm thời gian để cầu nguyện, nhưng thường thì đến lúc đó tôi lại quá mệt để cầu nguyện, quá hứng thú xem một trận cầu trên tivi, hay quá thích thú được ngồi lại với gia đình, đồng nghiệp, hay bạn bè, nói về đủ chuyện ngoài những chuyện tâm linh.  Trong nhiều năm, tôi sợ rằng Thiên Chúa muốn tôi phải tâm linh tuyệt đối.  Có lẽ là thế thật.  Nhưng khi có tuổi, tôi bắt đầu nhận ra rằng hiện diện với Chúa trong cầu nguyện và hiện diện với Chúa trong lòng, thì giống như hiện diện với một người bạn đáng tin cậy vậy.  Trong một tình bạn nhẹ nhàng thoải mái, bạn bè không dành hết thời gian để nói về tình cảm dành cho nhau.  Mà họ nói về đủ thứ chuyện, tán gẫu, thời tiết, công việc, con cái, những cơn đau đầu, những chuyện đau lòng, mệt mỏi, những chuyện vừa xem được trên tivi, đội bóng yêu thích, những chuyện chính trị, và chuyện đùa mới nghe được.  Và dù thế, thỉnh thoảng đôi bạn thân cũng than phiền rằng lý tưởng nhất mình nên nói về những chuyện sâu sắc hơn đi chứ.  Có nên không nhỉ?

Gioan Thánh Giá đã dạy rằng, trong bất kỳ tình thân lâu dài nào, đến tận cùng những chuyện quan trọng nhất bắt đầu xảy ra dưới bề mặt, và những đàm đạo bên ngoài trở thành thứ yếu.  Ngồi lại với nhau, thoải mái với nhau, cảm giác như đang ở nhà, đó là những gì chúng ta trao cho nhau trong tình thân.

Và trong mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, cũng đúng như thế.  Thiên Chúa tạo dựng chúng ta làm con người, và Thiên Chúa muốn chúng ta, những con người với đủ yếu đuối lơ đãng, hiện diện trong Ngài với sự thanh thản, thoải mái và cảm giác như đang ở nhà.  Nỗi sợ Thiên Chúa có thể là tôn kính mà cũng có thể là nhút nhát, mà tôn kính thì lành mạnh còn nhút nhát là hoang tưởng.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

SAO NHÁT THẾ

Trình thuật “Đức Giê-su dẹp yên sóng gió” được cả ba Tin Mừng Nhất lãm ghi lại, và không khác biệt nhau nhiều.  Tuy vậy, chỉ có Tin Mừng Mát-thêu và Mác-cô ghi lại lời quở trách của Chúa Giê-su: “Sao nhát thế.”  Lời này cũng có nghĩa: “Tại sao lại sợ?”; “Đức tin nơi các anh còn yếu lắm” và: “Các anh nghĩ tôi là ai mà lại sợ hãi như vậy?”

Chúa Giê-su không dửng dưng trước nỗi thống khổ của nhân loại.  Sau một ngày truyền giáo mệt nhọc, Người mệt mỏi và cần nghỉ ngơi.  Ở đây, Tin Mừng cho chúng ta một minh chứng: Đức Giê-su là Thiên Chúa quyền năng và cũng là Người thật.  Là con người, Người mệt mỏi kiệt sức; là Thiên Chúa, Người quát mắng cuồng phong và làm cho biển cả trở lại an bình.

Chắc chắn cơn cuồng phong này phải mạnh mẽ và dữ dằn lắm.  Bởi lẽ các môn đệ là những người dân chài chuyên nghiệp, được luyện từ nhỏ để quen với sóng gió, mà lúc này các ông hoảng sợ, tưởng chừng như sắp chết đến nơi.  Lời van nài của các ông đã cho thấy nỗi sợ hãi lớn lao thế nào.  Tuy vậy, khi các ông chấm dứt nỗi hoảng sợ vì bão tố, thì lại là lúc các ông hoảng sợ trước quyền năng của vị Thầy.  Vì vậy, các ông run rẩy nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”  Trong truyền thống Kinh Thánh, biển tượng trưng cho quyền năng của ma quỷ và sự dữ.  Biển như một con quái vật, có thể nuốt chửng và hủy diệt tất cả.

Thiên Chúa có quyền năng trên biển cả, vì Ngài là Đấng sáng tạo mọi loài, trong đó có đại dương.  Sức mạnh của biển cả dù có ghê gớm đến đâu cũng nằm trong sự kiểm soát của Đấng Tạo Dựng.  Bài đọc I nói với chúng ta về nhân vật Gióp.  Đang an lành sung sướng đầy đủ, ông bỗng mất hết.  Những người bạn đến thăm đưa ra nhiều lý lẽ để giải thích cho những đau khổ mà ông đang gánh chịu.  Ông Gióp không bằng lòng với cách lý luận đổ lỗi cho quá khứ của ông.  Ông đã muốn đưa cả Thiên Chúa ra tòa!  Mặc dù ở trong tâm trạng đó, ông không hề xúc phạm đến Ngài.  Đoạn văn chúng ta nghe hôm nay là lập luận của Thiên Chúa.  Đúng hơn là lời giáo huấn của Ngài.  Qua đó, Ngài muốn khẳng định với ông Gióp và các người bạn: Ngài là Đấng Sáng tạo quyền năng, có quyền ra ranh giới cho đại dương.  Bài Sách thánh này được đọc cùng với trình thuật Chúa Giê-su dẹp yên sóng gió, sẽ nêu bật nội dung giáo huấn chứng minh Đức Giê-su là Thiên Chúa.  Người có quyền năng trên mọi sự, như Người đã chứng tỏ qua các phép lạ.

Cuộc sống của chúng ta được so sánh như cuộc vượt đại dương.  Cuộc đời này là chốn khách đày, là biển cả mênh mông.  Dù ở bậc sống nào và trong hoàn cảnh nào, mỗi người phải chống chọi với bão tố phong ba.  Chẳng có ai từ khi sinh ra đến khi qua đời đều được hoàn toàn yên hàn thư thái.  Những cơn cuồng phong đang nổi lên xung quanh chúng ta, đó là bệnh tật, tang tóc, chia lìa, tai nạn, bạo lực, khó khăn tài chính, ô nhiễm môi trường…  Chúng ta có cảm tưởng như tất cả đều đang đổ xô về phía chúng ta.  Chính trong bối cảnh này mà Chúa Giê-su nói với chúng ta như Người đã nói với các môn đệ năm xưa: “Sao nhát thế?  Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?”  Các môn đệ là những người trước đó đã chứng kiến các phép lạ Chúa Giê-su làm.  Tuy vậy; vào giữa cơn phong ba, lòng tin của các ông vẫn bị chao đảo.  Đức tin của chúng ta đôi khi cũng bị chao đảo như vậy.  Chúng ta có thể tin vào Thiên Chúa trong những lúc bình an hạnh phúc, nhưng khi gặp thử thách gian nan, chúng ta bị cám dỗ nghi ngờ lòng nhân hậu của Thiên Chúa.  Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta tự vấn lương tâm: đức tin của tôi vào Chúa ở mức độ nào?  Lòng xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của tôi như thế nào?  Làm thế nào để tôi sẵn sàng đón nhận những biến cố đau thương của cuộc đời với tinh thần đức tin?  Tin Mừng hôm nay khẳng định với chúng ta: mặc dù cuộc sống đầy thử thách phong ba, chúng ta vẫn có thể sống bình an thanh thản, nếu chúng ta tin Chúa Giê-su đang hiện diện trong cuộc đời.  Lời Chúa đem lại cho chúng ta niềm hy vọng giữa những chông gai của cuộc sống.  Tuy vậy, để tìm được bình an, một điều kiện quan trọng là phải mời Chúa Giê-su đến hiện diện trên “chiếc thuyền cuộc đời” của chúng ta.  Giữa sóng gió phong ba, Người đang hiện diện ở đây, giữa cuộc sống này.

Trong những lời giáo huấn của cho cộng đoàn Cô-rin-tô, thánh Phao-lô cho thấy niềm xác tín nơi bản thân ngài.  Một khi cảm nhận sâu xa sự hiện diện của Đức Giê-su trong cuộc đời, thánh nhân không còn lo lắng sợ sệt gì nữa.  Không có gì trên trần gian có thể làm cho ngài buông rời Chúa Giê-su.  Nếu ngài còn sống ở trần gian, là vì ngài sống cho Chúa và sống vì Chúa.

Xin Chúa Giê-su giúp chúng ta luôn kiên vững đức tin, nhất là những lúc bi đát đau buồn của cuộc sống.  Amen!

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

LỜI MỜI GỌI ĐẾN VỚI CÁI CAO ĐẸP HƠN

Năm 1986, tiểu thuyết gia người Czech, Ivan Klima, đã xuất bản một loạt bài tự thuật với tựa đề, Những mối tình đầu của tôi (My First Loves).  Những bài này mô tả một số đấu tranh đạo đức khi ông còn là thanh niên theo thuyết bất khả tri đang tìm kiếm câu trả lời mà không có một khung luân lý rõ ràng để tạo khuôn khổ cho những đấu tranh đó.  Thời đó, ông là một thanh niên đầy đam mê tình dục nhưng ngập ngừng không dám hăng hái về tình dục, mà thời đó, những người đồng lứa với ông dường như chẳng dè dặt đến thế.  Đến giờ ông vẫn sống độc thân, nhưng không rõ vì sao, chắc chắn không phải vì lý do tôn giáo rồi, vì ông là người theo thuyết bất khả tri.  Tại sao ông lại sống như vậy?  Ông đang sống có trách nhiệm hay đơn giản chỉ là ông quá căng thẳng và thiếu táo bạo?

Ông cũng không chắc và đã tự hỏi mình: nếu tôi chết và có Thiên Chúa rồi tôi gặp Thiên Chúa, thì Ngài sẽ nói gì với tôi?  Thiên Chúa có trừng phạt tôi vì đã căng thẳng hay Ngài sẽ khen ngợi tôi vì đã đưa sự cô tịch của mình lên một tầm cao hơn?  Thiên Chúa sẽ thất vọng về tôi hay sẽ chúc mừng tôi vì đã đi hành trình cuộc đời mà không cần sự khuây khỏa?

Khi viết quyển sách này, Klima chẳng biết câu trả lời cho câu hỏi đó.  Ông không chắc Thiên Chúa sẽ nói gì với ông và liệu có lúc nào Thiên Chúa mỉm cười hoặc cau mày về ông không.  Dù câu trả lời có thế nào, tôi nghĩ rằng ở đây có một bài học học sâu sắc, là cách Klima tạo khuôn khổ cho lựa chọn luân lý của mình.  Với ông, đây không phải là vấn đề phạm tội hay không, nhưng là vấn đề xử lý sự cô tịch và căng thẳng sao cho tạo nên sự cao đẹp của linh hồn.  Mới nhìn qua, dĩ nhiên, nó có vẻ là một việc vị kỷ, bởi vì cố gắng trở nên đặc biệt cũng có thể tạo nên một sự kiêu ngạo đầy tính phán xét.  Tuy nhiên, sự cao đẹp thật sự của linh hồn không phải là thứ nỗ lực vì bản thân nó, nhưng là một thứ nỗ lực vì sự tốt đẹp của tha nhân.  Một người cao đẹp không cố trở nên tốt đẹp để tách tầm bản thân so với người khác.  Một người cao đẹp thì cố gắng sống tốt để tạo nên một ngọn hải đăng dẫn đường cho sự ổn định, tôn trọng, nhân hậu và khiết tịnh cho những người khác.

Tôi tin rằng, đây có thể là xuất phát điểm thứ hai cho thần học luân lý và linh đạo luân lý.  Xuất phát điểm đầu tiên dĩ nhiên là căn bản hơn.  Nó tập trung vào việc giữ Mười Điều răn, và hầu hết bắt đầu với một lời cảnh báo tiêu cực “ngươi chớ…”  Ở mức độ căn bản, thần học luân lý và linh đạo luân lý rất đồng nhất với đạo đức học, là xác định đúng sai, có tội hay không có tội. T uy nhiên, giữ Mười Điều răn và xác định cái gì có tội hoặc không, dù là một nỗ lực quan trọng tiên quyết và không thể du di, nhưng chỉ là căn cứ thiết yếu cho thần học và linh đạo luân lý mà thôi, hệt như số học căn bản là căn cứ thiết yếu cho toán học cao cấp vậy.  Khi đã đạt được căn cứ thiết yếu đó, thì nhiệm vụ thật sự mới bắt đầu, là đấu tranh để nhân hậu hơn, là mặc lấy trái tim của Chúa Kitô, là trở thành một thánh nhân để tạo một thế giới tốt đẹp hơn cho tha nhân.

Cho tôi mạo muội đưa ra một ví dụ trần tục để minh họa điều này.  Lúc tôi là chủng sinh học về thần học luân lý, một hôm nọ chúng tôi được kiểm tra với những câu hỏi khác nhau về luân lý tình dục.  Có câu hỏi rằng thủ dâm có tội hay không có tội.  Nó có phải là rối loạn cố hữu hay không?  Nó là tội trọng hay chỉ là tội rất nhẹ?  Chúng ta có thể nói gì về vấn đề này về mặt đạo đức?

Sau khi cân nhắc các ý kiến khác nhau của các học viên, giáo sư đã trả lời rằng: “Tôi không nghĩ vấn đề quan trọng là liệu hành động này có phải là tội hay không.  Có một cách tốt hơn để tạo khuôn khổ cho nó.  Ý kiến của tôi về vấn đề này như sau: Tôi không đồng ý với ai nói đây là tội nặng, nhưng cũng không đồng ý với ai nói rằng chuyện này chẳng có vấn đề gì về đạo đức.  Vấn đề ở đây không hẳn là chuyện nó có phải là tội hay không, mà là vấn đề, chúng ta muốn xử lý sự căng thẳng này ở mức độ nào, theo kiểu thỏa hiệp hay theo kiểu anh hùng.  Trước vấn đề này, tôi cần tự vấn rằng, tôi muốn thực hiện sự cô tịch ở mức độ nào?  Linh hồn tôi có thể cao đẹp đến mức nào?  Tôi có thể chấp nhận xử lý sự căng thẳng này để tạo nên một cộng đoàn trong sạch hơn trong thân thể Chúa Kitô hay không?”

Ở mức độ thứ hai này, thần học và linh đạo luân lý không còn là mệnh lệnh mà là một lời mời, mời gọi chúng ta đến với sự cao đẹp hơn nữa của linh hồn vì thế giới này.  Tôi có thể nhân hậu hơn không?  Tôi có thể bớt nhỏ nhen không?  Tôi có thể chịu đựng sự căng thẳng mà không xoa dịu nó?  Tôi có thể tha thứ nhiều hơn không?  Tôi có thể yêu thương một người khác biệt với tôi về tính khí và hệ tư tưởng không?  Tôi có thể làm thánh không?  Các thánh không nghĩ nhiều về chuyện việc gì là tội và việc gì không.  Đúng hơn, các ngài nghĩ: việc gì yêu thương hơn?  Việc gì cao thượng hơn và việc gì nhỏ nhen hơn?  Việc gì phục vụ thế giới tốt hơn?

Trong Tin Mừng nhất lãm, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng bằng từ “Metanoia”, một từ ngụ ý rộng hơn nhiều so với bản dịch “sám hối.”  Metanoia là một lời mời gọi chúng ta hãy có một ý thức cao hơn, một tấm lòng cao thượng hơn, bỏ đi những hoang tưởng, nhỏ nhen và tự đại.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

TÌNH THƯƠNG CỦA CHA TÔI

WGPSG — Tôi muốn nói với bạn rằng những gì bạn đọc ở đây là thực sự quan trọng và sẽ ảnh hưởng cuộc đời bạn.  Sự thật là, tôi có thể không nói những gì bạn chưa hề nghe, nhưng dù sao thì bạn cứ để tôi khuyến khích bạn đọc.

Tôi lớn lên trong một gia đình Kitô giáo sống tại một trại bò sữa ở Fraser Valley cùng với 5 chị em gái và 1 anh trai.  Đó là một nơi đẹp và tĩnh mịch.  Khi chưa đi học, tôi thường dắt chó đi dọc theo con lạch để bắt cá dọc lên ngọn đồi phía sau trang trại.  Cha mẹ tôi luôn dạy tôi về Thiên Chúa và Con Một Ngài là Giêsu, nên khi tôi đi dạo thì tôi thường nghĩ đến Chúa.  Ngài có lớn hơn cha tôi không?  Có lâu hơn thánh lễ sáng Chúa nhật không?

Sinh trưởng

Tôi cũng làm những thứ mà trẻ em vẫn làm trong gia đình Kitô giáo: Học giáo lý, hát thánh ca, cầu nguyện…  Tôi làm mà không than phiền – cho đến khi tôi 15 tuổi.  Đó là một buổi sáng Chúa nhật, cha tôi và tôi vừa làm xong việc nhà.  Tôi từ từ vào kho thóc, còn cha giục tôi mau lên kẻo trễ giờ đi lễ.  Tôi nói với cha là tôi không đi lễ.  Cha tôi là người to lớn, rất khỏe và rất nóng tính.  Tôi nghĩ cha sẽ la rầy hoặc đánh tôi.  Nhưng cha lặng nhìn tôi với ánh mắt u buồn.  Tôi phải ra khỏi phòng, không dám nhìn cha như vậy.

Lòng chai cứng

Có điều gì đó xảy đến với tôi vào ngày hôm đó.  Tôi thấy lòng bất an.  Trước đó, tôi hay uống rượu vào cuối tuần và bỏ học giáo lý.  Khi tôi 17 tuổi, cách cư xử của tôi đã khiến cha mẹ bảo tôi ra khỏi nhà.  Có nhiều an toàn trong gia đình Kitô giáo, tôi sống theo ý mình nên tôi đã mất.  Tôi tiếp tục uống rượu nhiều.  Có nhiều đêm say quá nên tôi không về nhà hoặc ngủ ngoài kho lúa.  Tôi không tìm được việc gì làm để lo cho bản thân . Thất vọng về mình nên tôi gia nhập quân đội.

Sau 6 tháng quân trường, tôi được đưa sang Đức.  Khi người ta ở tuổi đôi mươi, người ta sống ở nơi khác.  Tôi lao vào rượu chè và gái đẹp.  Sau 3 năm, tôi về nhà.  Điều đầu tiên tôi làm là gặp cha tôi.  Ông đang lái xe ủi đất.  Khi thấy tôi, ông tắt máy và đến bên tôi.  Hồi lâu sau ông mới nói nên lời, ông rất vui được gặp lại tôi.

Tuy nhiên, trước đây không lâu, đời tôi đã trở lại vị trí ngày xưa.  Khoảng 1 năm sau, tôi gặp một cô gái có cha cũng nghiện rượu, cô ấy không ngạc nhiên về tôi.  Rồi chúng tôi kết hôn và có 2 con gái.

Một trong những điều cha tôi dạy tôi là cách làm việc chăm chỉ.  Tôi bắt đầu công việc của mình khi tôi 25 tuổi và công việc khá suông sẻ.  Vài năm sau, tôi mua một trang trại nuôi gia cầm.  Dù ổn định cuộc sống nhưng việc uống rượu của tôi luôn là vấn nạn.  Nó ảnh hưởng hôn nhân và gia đình tôi đến nỗi tôi biết tôi phải làm điều gì đó.  Rồi tôi tham gia hội Cai Rượu (AA – Alcoholics Anonymous).  Trước sự thất vọng của tôi, những gì tôi nghe được buổi chiều tối hôm đó là những người đan ông nói chuyện với Chúa.  Thật là thất vọng!  Nhưng tôi nghĩ họ thực sự dạy tôi điều gì đó về cách bỏ rượu.

Thay đổi

Dù vậy, tôi vẫn quyết định sẽ không uống rượu nữa và tôi bắt đầu đưa các con đi nhà thờ.  Tôi rất thành kính nghĩ rằng hẳn là Chúa cũng thể chịu nổi tôi.  Nhưng 2 năm sau, tôi lại bắt đầu uống rượu.

Tôi không biết tại sao, nhưng buổi chiều mà tôi bắt đầu uống lại, tôi đã ghé tham cha tôi.  Ông sống một mình, vì mẹ tôi mất 10 năm trước.  Tôi nói với ông tôi không thể sống như vậy nữa mà phải uống rượu lại.  Cha tôi im lặng dù tôi biết ông rất buồn.  Ông rất nóng tính.  Đối với ông, không hành động như tôi thì đó là quà tặng của Thiên Chúa.

Khi tôi ngoài 30 tuổi, tôi bán hết cơ ngơi của tôi.  Lúc đó, tôi đã có được tài sản khá nếu tôi biết khôn khéo quản lý tiền bạc thì tôi không phải làm việc nữa.  Tôi mua một căn nhà lớn trên đồi.  Đáng lẽ tôi đã có mọi thứ khiến tôi hạnh phúc…

Một buổi sáng Chúa nhật, tôi nằm bệnh trên giường và thấy lòng trống vắng.  Lần đầu tiên trong nhiều năm qua tôi cầu nguyện: “Lạy Chúa, cón có những gì con muốn mà con vẫn không hạnh phúc.  Phải có điều gì khác hơn thế này.  Con xin Chúa làm những gì con ở đây nói với Chúa.  Xin Chúa nhận lời con cầu nguyện.”

Mọi thứ sụp đổ

Không lâu sau khi tôi cầu nguyện hôm đó, tôi bán nhà trên đồi và mua một miếng đất rộng để làm nhà mới.  Đó là khoảng thời gian mọi thứ sụp đổ.  Hôn nhân rắc rối, tài chính cạn kiệt.  Tôi không giữ được những gì tôi đã làm ra.  Mọi thứ từ từ đội nón ra đi.  Tôi phải làm thuê cho người ta, công việc vất vả cực nhọc.  Tôi hiểu ra rằng càng làm việc thì càng được tôn trọng.

Khi đi làm về, tôi thường ghé thăm cha tôi.  Ông luôn vui vẻ khi gặp tôi, và tôi biết ông luôn quan tâm tôi.  Tôi cũng biết ông yêu Chúa và ông có điều gì đó mà tôi nghĩ tôi không bao giờ có.  Lúc đó tôi nghĩ mình bị sa hỏa ngục mà không thể làm gì hơn.  Một buổi chiều Chúa nhật, tôi đến thăm cha trước khi ông phải phẫu thuật. S au đó tôi đến chỗ làm.

Hôm đó là thứ Tư, tôi nhận điện thoại báo tin cha tôi đã mất.  Lúc đó lòng tôi rất nặng nề, tôi nói với vợ là tôi không về nhà.  Tôi không muốn gặp vợ hoặc các anh chị em Kitô giáo của tôi.  Tôi biết tôi về nhà cũng không lấy lại được một người đã yêu thương tôi.  Nhưng một lần nữa Thiên Chúa đã can thiệp.

Tôi không hề biết cha tôi đã thay đổi di chúc 2 ngày trước khi chết, cho tôi quyền cai quản tài sản của ông.  Chị Katherine bảo con rể chở chị đến cho tôi biết.  Dù người tôi đang lấm lem, chị vẫn ôm chầm lấy tôi và khóc.  Và tất nhiên tôi phải về nhà.

Di sản của cha tôi

Phải mất 1 tuần để tôi lo liệu công việc của cha tôi.  Khi mọi thứ hoàn tất, chỉ còn 1 điều: Cuốn Kinh thánh gối đầu của cha tôi.  Tôi cho cuốn sách vào túi xách, đi uống rượu 2 ngày rồi về chỗ làm.

Qua 2 tuần kế tiếp, tôi tò mò đọc mấy câu Kinh thánh mà cha tôi gạch dưới.  Tôi còn nhớ đoạn Chúa Giêsu chết trên Thập giá, Ngài chết vì tội của tôi trong quá khứ, hiện tại và tương lai.  Tôi ngưng đọc.  Tôi chưa bao giờ nghe vậy.  Có thể là in sai, tôi nghĩ vậy.  Tôi phải đọc 5, 6 lần mới hiểu rằng Kitô giáo có mọi bằng chứng để nói Đức Kitô đã chết vì tôi.

Tôi đã quỳ xuống và đón nhận ơn tha thứ của Đức Kitô đối với tội trong quá khứ của tôi, xin Ngài cứu độ tôi bây giờ và tương lai.  Lần đầu tiên trong đời tôi thấy thanh thản.  Tôi đứng dậy, nhảy lên và hét to: “Tôi tự do rồi.”

Đó là 10 năm trước.  Tôi muốn nói với bạn rằng từ lúc đó, mọi thứ đều tuyệt vời.  Sự thật là hôn nhân của tôi vẫn chưa ổn, con cái tôi vẫn buồn và tôi vẫn mất hết tiền.  Nhưng tôi đã trở về với Chúa và có được bình an tâm hồn.  Tôi cũng phải đối mặt với sự thật là tôi đã từng nghiện rượu.  Qua hội AA, tôi có thể cởi bỏ quá khứ và trở nên tự do sống phần đời còn lại.

Chẩn đoán định mệnh

Ngày 16/12/1994, tôi được chẩn đoán bị ALS, thường gọi là bệnh Lou Gehrig.  Các bệnh nhân ALS chỉ có hy vọng sống thêm 2–5 năm từ khi phát hiện triệu chứng.  Có thể tôi bị từ hơn một năm trước, không biết thời gian sống của tôi còn lại bao nhiêu nữa.  Tôi xin Chúa cho tôi không sợ chết, và Ngài đã làm điều đó.  Tôi cũng xin Ngài chấp nhận đời tôi dù tôi còn sống bao lâu.

Không lâu sau khị được chẩn đoán, một người bạn cùng làm chỗ tôi chết vì ung thư.  Anh ấy cũng theo Kitô giáo, anh nhờ tôi chôn cất anh.  Tôi có dịp chia sẻ đức tin với nhiều người, trong đó có cả những người không có đạo.  Tôi không biết trong số đó có ai thay đổi cuộc đời như tôi hay không.  Tôi chỉ muốn chia sẻ với họ những gì Chúa đã làm cho tôi và để Ngài dùng tôi khi Ngài muốn.  Khi người ta biết mình không còn sống bao lâu nữa, sự sợ hãi không còn vì không còn gì để chứng tỏ.  Nhưng nếu bạn ở trường hợp như tôi, bạn sẽ thấy mỗi ngày tôi càng gần Chúa Giêsu hơn.

Đôi khi tôi không hiểu sẽ ra sao khi một mình với Chúa – ngồi lặng lẽ bên dòng suối và hỏi Ngài nhiều câu hỏi, đứng lặng nhìn vào khuôn mặt Đấng đã chết vì tôi và nói với Ngài: “Con yêu Ngài biết bao.”  Bạn có thể tưởng tượng ra được chạm vào Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại?

Mọi thứ đã thay đổi trong đời tôi khi tôi “đầu hàng” Thiên Chúa nhờ sức mạnh của Thánh Thần.  Ngài đã làm mọi thứ thay đổi, và Ngài vẫn đang làm vậy.  Tôi tạ ơn Chúa về Cha Mẹ tôi là Kitô giáo và Cha Mẹ đã không bỏ rơi tôi.  Khi tôi muốn xét đoán con cái, tôi luôn nhớ đến tình thương vô điều kiện của cha tôi.  Kinh thánh nói: “Nếu anh em là người xấu mà còn biết cho con cái những điều tốt thì Cha trên trời lại không cho anh em điều tốt sao?” (Mt 7, 11).  Hành trình dẫn tôi đi thực sự ở trong tay Chúa.  Nếu tôi xin Ngài lòng thương xót và ân sủng thì Ngài sẽ ban cho tôi.

Hãy tín thác vào Thiên Chúa!

Nếu bạn đọc những gì tôi viết và muốn chân nhận Chúa Giêsu là Đấng cứu độ, hãy phó thác và để Thiên Chúa hành động.  Đây là ngày cứu độ, đừng cứng lòng nữa!  Đừng trì hoãn, hãy sám hối và thay đổi để nhận ơn tha thứ.  Hãy tin tưởng và hãy chân thành xin Ngài, Ngài sẽ ban cho bạn!

“Này, Ta đứng ở cửa và gõ cửa, ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà người ấy” (Kh 3, 20).

Trầm Thiên Thu

SỨC SỐNG SIÊU NHIÊN

Giáo hội Ki-tô khởi đi từ một Hài Nhi sinh hạ trong chuồng bò, trần trụi đơn sơ khó nghèo.  Hài Nhi ấy lớn lên từng ngày, trở thành một vị Ngôn sứ vĩ đại, có quyền năng trong lời nói và việc làm.  Vị Ngôn sứ ấy đã gặp chống đối và cuối cùng bị lên án tử và giết chết vô cùng đau thương.  Từ cái chết trên thập giá, một cộng đoàn mới được sinh ra và dần dần phát triển, hiện diện trên khắp các châu lục, quy tụ muôn dân trên mặt đất và có hàng tỷ tín hữu.  Vâng, Giáo hội của chúng ta khởi sự rất âm thầm, nhưng lớn lên rất mạnh mẽ, vì có Thiên Chúa là sức sống siêu nhiên của Giáo hội.  Chúa Giê-su vẫn hiện diện trong Giáo hội.  Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hướng dẫn và thánh hóa Giáo hội, nhờ đó Giáo hội của Chúa Ki-tô vượt lên mọi bão táp mưa sa của cuộc đời.

Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dùng hai dụ ngôn, đều khởi đi từ những hình ảnh rất bình dị ở thôn quê, đó là hạt giống được gieo vào lòng đất nảy mầm và hạt cải từ bé nhỏ trở thành lớn mạnh.  Dẫn nhập cho cả hai dụ ngôn này, Chúa Giê-su đều nói: “Nước Thiên Chúa giống như…”  Điều đó có nghĩa, Đức Giê-su dùng những hình ảnh cụ thể đời thường để giáo huấn những thực tại cao siêu, vượt qua trí hiểu của quần chúng.  Nước Thiên Chúa không phải là người gieo hạt, mà chỉ giống như người gieo hạt.  Trong Tin mừng, nhiều lần Chúa Giê-su đã dùng lối nói so sánh như thế khi giảng về Nước Trời.

Tin mừng được gieo vào tâm hồn mọi người, đặc biệt là các tín hữu, như hạt giống được gieo vào thửa ruộng.  Tuy vậy, sức sống siêu nhiên nảy nở từ hạt giống Tin mừng lại không hoàn toàn phụ thuộc vào con người.  Mặc dù con người là tác nhân quan trọng, góp phần chăm bón cho hạt giống được gieo, nhưng Thiên Chúa mới là nguyên lý cho sự sống siêu nhiên.  Sự sống ấy dần dần hình thành và lớn lên nơi con người.  Không phủ nhận sự cộng tác hữu hiệu của cá nhân mỗi người, nhưng sự thánh thiện nơi con người có được là nhờ Chúa.  Ngài là Đấng quyền năng làm cho cây cỏ mọc lên, như hình ảnh tượng trưng mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã diễn tả (Bài đọc I).  Hiểu như thế, mỗi người sống nơi trần gian là một cây được Thiên Chúa chăm sóc kể từ khi gieo hạt, tức là khi con người được hình thành trong dạ mẫu thân, rồi từng bước lớn lên, thành đạt trong cuộc đời.

Hạt giống Tin mừng được gieo vào tâm hồn chúng ta.  Có nhiều người đã hợp tác thiện chí, chăm bón vun xới và làm cho “cây cuộc đời” lớn lên, sinh hoa kết trái dồi dào.  Tuy vậy, cũng có những người vô trách nhiệm để mặc cho mầm sống ấy cằn cỗi, còi cọc và chỉ sinh ra trái đắng.  Thiên Chúa vẫn luôn ban ơn chúc phúc, vì bản chất của Ngài là tốt lành và thánh thiện, nhưng việc đón nhận Chúa lại là chọn lựa tự do của con người.  Con người được mời gọi yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân, nhưng đó là một tình yêu tự do, chứ không phải một chế tài áp lực.  Yêu Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài, đó là một đề nghị từ chính Thiên Chúa.  Ai đón nhận sẽ được hạnh phúc an bình.

Nhiều người trong chúng ta có cái nhìn bi quan về tương lai của Giáo hội, khi chứng kiến sự giảm sút trong thực hành đức tin nơi một số tín hữu.  Chúng ta tin tưởng và hy vọng nơi Thiên Chúa, Đấng là Chủ đích thực của vườn đời, mà mỗi chúng ta là một cây trồng trong thửa vườn mênh mông ấy.  Nếu bề ngoài dường như khô cằn, thì bên trong sức sống siêu nhiên vẫn không ngừng tăng trưởng.

Lời Chúa hôm nay chất vấn mỗi chúng ta: tôi có phải là một hạt giống tốt, hoặc là một cây màu mỡ xanh tươi trong cuộc sống thường ngày?  Đâu là mức độ tín thác và hy vọng của tôi nơi Thiên Chúa quyền năng, để luôn luôn lắng nghe và thực hành những gì Ngài truyền dạy?

Là Ki-tô hữu, mỗi chúng ta hãy cùng lên đường gieo hạt giống của Phúc Âm, thể hiện qua lòng nhân ái huynh đệ.  Đừng ngại ngần gieo hạt, dù ở những nơi xem ra không có hy vọng, vì Thiên Chúa là Đấng làm cho điều không có thể trở thành điều có thể.  Lịch sử đã chứng minh điều đó.  Hãy tín thác vào Chúa, như thánh Phao-lô (Bài đọc II).  Thánh nhân đã đạt tới lòng xác tín trọn hảo nơi Thiên Chúa.  Đối với ngài, sống hay chết không còn quan trọng, vì ngài đã được Thiên Chúa bao bọc trong tình yêu viên mãn và ngập tràn hạnh phúc.

Sức sống siêu nhiên trong Giáo hội và nơi cá nhân tín hữu đến từ Thiên Chúa.  Hành trình cuộc đời chúng ta là hành trình lớn lên và phát triển của Hạt Giống Ngôi Lời nơi bản thân.  Hạt giống ấy xem ra bé nhỏ vô hình, nhưng lại có sức mạnh vô song, mở ra cho chúng ta một tương lai sáng ngời, đó là sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc.  Chúa Giê-su đã hứa: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

KHUYẾN KHÍCH

“Các con hãy đi!”

“Những con ngỗng ở phía sau đội hình phát ra tiếng kêu.  Tôi cho rằng đó là cách chúng thông báo rằng, chúng đang theo dõi và mọi việc đều ổn.  Những tiếng kêu lặp đi lặp lại hẳn sẽ khuyến khích những con đi trước tiếp tục bay.  Bản năng của loài ngỗng là làm việc cùng nhau, khích lệ nhau.  Cho dù đó là quay, vỗ, trợ lực hay chỉ đơn giản là kêu lên… Điều này cho phép chúng hoàn thành những gì đã đặt ra!” – Chuck Swindoll.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng từ ‘đàn ngỗng đang bay’ của Chuck Swindoll đưa chúng ta về Lời Chúa ngày lễ kính thánh Barnaba.  Qua đó, bạn và tôi – dù ở đấng bậc nào – vẫn luôn ý thức trách nhiệm của mình trong Giáo Hội, đó là ‘khuyến khích’ nâng đỡ người khác, “Các con hãy đi!”

Công Vụ Tông Đồ tường thuật cuộc viếng thăm của Barnaba. “Barnaba,” tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘Con của sự khuyến khích!’  Từ Giêrusalem, Barnaba được cử xuống Antiôkia để xem xét hiện tình.  Vui mừng khi thấy “ơn Thiên Chúa,” Barnaba “khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa;” ông dành cho anh chị em tân tòng một sự khích lệ lớn lao.  Sau đó, đến Taxô, Barnaba tìm Phaolô, người mới tin; đưa Phaolô đi Antiôkia để hỗ trợ cho Hội Thánh non trẻ này.  Hội Thánh ngày càng có nhiều người tin; Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ nỗi vui, “Chúa đã mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân!”

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói những lời đầy ‘khuyến khích’ với các môn đệ, “Các con hãy đi rao giảng: Nước Trời đã đến gần.  Hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ!”  Ma quỷ vui mừng mỗi khi chúng ta nói và hành xử tiêu cực làm cho người khác nhụt chí.  Nó mở tiệc lớn mỗi khi ai đó nói một lời chua cay làm tan nát một cộng đoàn, một gia đình.  Vì thế, chúng ta phải tỉnh thức đề phòng và ra sức ‘khuyến khích’ nhau.  Cha mẹ khuyến khích con cái, con cái khuyến khích cha mẹ; anh chị em, bạn bè khích lệ nhau để “hoàn thành những gì đã đặt ra.”  Bởi lẽ, chúng ta không lên thiên đàng một mình!”

Đức Phanxicô nói, “Đời sống Kitô hữu là phục vụ.  Thật là buồn khi thấy các Kitô hữu sẵn sàng phục vụ Dân Chúa, nhưng cuối cùng lại ‘sử dụng’ Dân Chúa.  Ơn gọi của chúng ta là ‘phục vụ’ chứ không phải ‘sử dụng.’  Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta luôn có nguy cơ sa vào vấn đề ‘lời lỗ,’ chúng ta hối lộ Chúa.  Đó không phải là con đường đúng…  Mối quan hệ nhưng không với Chúa là điều sẽ giúp chúng ta có được mối quan hệ tương tự với người khác.  Đời sống Kitô hữu có nghĩa là bước đi, rao giảng, ‘khuyến khích’ và phục vụ, nhưng đừng lợi dụng người khác!”

Anh Chị em,

“Các con hãy đi!”  Noi gương thánh Barnaba, chúng ta ra đi mở mang Nước Chúa trong đấng bậc mình.  Và rõ ràng, ‘mục vụ khuyến khích’, ‘văn hoá khuyến khích’ luôn luôn đóng một vai trò nhất định, không chỉ trong các Hội Thánh non trẻ, mà cả với Giáo Hội trưởng thành và ngay trong thế giới hiện đại.  Không chỉ trong Giáo phận, Giáo xứ, các hội đoàn mà còn trong gia đình, trong các tổ chức lớn nhỏ.  Bạn và tôi hãy là những con người dám dấn thân, những con người sẵn sàng vực dậy những ai đang bủn rủn, đầu gối rã rời!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con luôn là một con người đầy lửa, sẵn sàng thắp sáng và sưởi ấm tình yêu Chúa trong một thế giới khá lạnh lẽo này!” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

KHÔNG PHẢI TẤT CẢ ĐỀU RÕ RÀNG

“Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng!”

J. Wolfgang von Goethe, 1749-1832, một trong những nhân vật hàng đầu của thơ ca hiện đại Đức, từng nói, “Trước một bộ óc vĩ đại, tôi cúi đầu; trước một trái tim vĩ đại, tôi quỳ gối!”

Kính thưa Anh Chị em,

Trọng kính Trái Tim Chúa Giêsu, Hội Thánh ‘quỳ gối’; kính nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, Hội Thánh ‘cúi đầu!’  Trái Tim Chúa Con bày tỏ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người; Trái Tim Mẹ Chúa tỏ bày tình yêu con người dành cho Thiên Chúa.  Đó là một tình yêu vô điều kiện, dẫu phải dò dẫm trong đức tin; bởi lẽ, trước kế hoạch ‘diệu dụng’ của Thiên Chúa, Mẹ đón nhận tất cả, dẫu ‘không phải tất cả đều rõ ràng!’

Trong gia đình Nazareth, sự ngạc nhiên không bao giờ nguôi ngoai, ngay cả trong những khoảnh khắc hốt hoảng như lạc mất Con trong đền thờ: đó là khả năng kinh ngạc trước sự biểu hiện dần dần của Con Thiên Chúa.  Đó chính là sự kinh ngạc mà ngay cả các thầy dạy trong đền thánh cũng phải sững sờ.  Nhưng kinh ngạc là gì; có gì đáng ngạc nhiên?  Ngạc nhiên và kinh ngạc là trái ngược với việc coi mọi thứ là đương nhiên; nó trái ngược với việc giải thích hiện thực chung quanh và các sự kiện lịch sử chỉ theo tiêu chí của chúng ta.  Ngạc nhiên là cởi mở với người khác, hiểu lý do của người khác.  Thái độ này rất quan trọng để hàn gắn những mối quan hệ giữa các cá nhân đã bị tổn hại, và cũng không thể thiếu để chữa lành những vết thương mới chớm nở trong môi trường gia đình, cộng đoàn.

Yếu tố thứ hai chúng ta có thể nắm bắt từ trình thuật là nỗi lo lắng của Mẹ Maria và thánh Giuse khi không tìm được Con.  Nỗi lo lắng mà họ trải qua trong ba ngày Chúa Con mất tích cũng sẽ là nỗi lo lắng của chúng ta khi chúng ta xa Chúa Giêsu.  Chúng ta có cảm thấy lo lắng khi quên Chúa Giêsu hơn ba ngày khi không cầu nguyện, không đọc Tin Mừng, không cảm thấy cần sự hiện diện và tình bạn an ủi của Ngài?

Thật khó cho Maria để hiểu hết ý nghĩa từng biến cố xảy ra trong đời của Con mà chóp đỉnh là mầu nhiệm thập giá.  Trên đồi Canvê, Mẹ cảm nhận đó là kế hoạch của Thiên Chúa và Mẹ sẵn sàng cho điều đó; bởi lẽ, nó đã được chuẩn bị qua từng biến cố trước đó mà Mẹ đã suy đi nghĩ lại trong lòng.  Không cần hiểu nhiều, nên Mẹ chẳng thắc mắc nhiều; trái lại, đón nhận, thuỷ chung và tìm mọi cách để hoàn thành nó.  Mẹ biết, Mẹ có một vai trò trong đó, và chuẩn bị nó qua một đời sống nhiệm hiệp với Con dưới sự chỉ dạy của Thánh Thần.

Anh Chị em,

“Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng!”  Đó là cách ứng xử tuyệt vời, cao thượng của Mẹ trước các mầu nhiệm.  Làm sao một phàm nhân có thể hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa?  Vẫn có thể!  Vì trong đức tin, Mẹ lần dò, tìm hiểu và tín thác tuyệt đối vào Chúa; hơn nữa, trong trái tim Mẹ không có chỗ cho cái tôi!  Cũng thế, sẽ không bao giờ chúng ta hiểu hết giá trị, mục đích và ý nghĩa đời mình trong chương trình của Chúa, trừ khi bạn và tôi có một đời sống cầu nguyện và chờ đợi như Mẹ; nghĩa là trung thành bước đi trên con đường Chúa vạch sẵn, dẫu nó là con đường không mấy rõ ràng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết kinh ngạc trước các biến cố Chúa cho xảy đến trong đời, nhất là những khi con mù tịt, dạy con không chỉ ‘cúi đầu’, nhưng còn biết ‘quỳ gối!’” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế