ÁI MỘ NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI

Thủ lãnh của một bộ tộc nằm hấp hối trên giường.  Ông cho gọi ba người thân cận đến và nói:  Ta phải chọn một người kế tục.  Các ngươi hãy leo lên đỉnh núi thiêng liêng của chúng ta và mang về đây cho bộ tộc một món quà quý giá nhất.

Người thứ nhất mang về một thỏi vàng lớn.  Người thứ hai mang về một viên ngọc quý.  Người thứ ba trở về tay không.

Ngạc nhiên, vị tù trưởng hỏi: món quà quý giá của ngươi đâu?

Anh điềm tĩnh trả lời: khi tôi lên tới đỉnh núi, tôi thấy ở phía bên kia một vùng đất phì nhiêu màu mỡ, tại đó dân chúng có thể có một cuộc sống sung túc tốt đẹp.

Thủ lãnh nói: Ngươi sẽ nối nghiệp ta vì ngươi đã mang về món quà quý giá nhất là một viễn tượng tương lai tốt đẹp.

Chúa Giêsu về trời mở ra một viễn tượng tương lai tốt đẹp là hạnh phúc thiên đàng.  Người đi trước mở đường và dẫn chúng ta lên theo Người.

Tin Mừng thuật lại hai sự kiện song hành: Chúa Giêsu lên trời và lệnh truyền rao giảng Tin Mừng.  Sự kiện Chúa Giêsu lên trời, Tin Mừng thánh Marcô ghi lại rất vắn tắt: Chúa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.  Tin mừng Matthêu nói đến lệnh truyền: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Còn theo sách Công vụ Tông đồ, Chúa Giêsu lên trời sau khi sống lại được 40 ngày, và nơi lên trời là núi Cây Dầu.  Thực ra sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người đã lên trời rồi theo kiểu nói của Kinh Thánh, nghĩa là Người bước vào cõi vinh quang của Chúa Cha, Người ngự bên hữu Chúa Cha, mặc lấy vinh quang và quyền năng của Chúa Cha.  Trong 40 ngày sau sống lại, Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần để dạy dỗ và củng cố đức tin của các Tông Đồ.  Giáo hội đã được thiết lập nay được củng cố để được sai đi.  Như vậy sự kiện lên trời mà phụng vụ Giáo Hội kính nhớ hôm nay có ý nghĩa sâu xa.  Nó chấm dứt thời gian Chúa hiện diện giữa nhân loại bằng thân xác, chấm dứt thời gian huấn luyện các Tông Đồ.  Một thời điểm có tính cách quyết định của lịch sử cứu độ là Chúa Giêsu ban những giáo huấn cuối cùng, trao những chức vụ phải thi hành trong Giáo hội, chuẩn bị cho các Tông đồ thi hành sứ mạng chứng nhân của Đấng phục sinh trong thế giới.

Chúa Giêsu lên trời. Những chữ lên trời bị chi phối bơi cách suy nghĩ có giới hạn của chúng ta. Theo cách suy nghĩ đó,các biến cố xảy ra luôn luôn được gắn liền với các vị trí trong không gian. Thực ra trời đây không phải là một nơi và lên không có nghĩa là nơi đó ở trên cao. Lên trời ở đây không hiểu theo nghĩa địa lý vì trời hay thiên đàng là một trạng thái hơn là một nơi chốn. Chúng ta đang sống trong không gian và thời gian nên định vị trí mọi sự theo hai trục đó. Điều cốt yếu mà Thánh kinh muốn dạy về mầu nhiệm Thăng Thiên là Đức Kitô đã ra khỏi thế giới trần thế bị tội lỗi làm nhiễm độc và một ngày kia sẽ tiêu tan để tiến vào một thế giới mới,trong đó Thiên Chúa ngự trị tuyệt đối và vật chất đã biến đổi,đã thấm nhuần tinh thần.

Từ nay trở đi, Người sẽ hiện diện với chúng ta một cách vô hình.  Với quyền năng của Chúa Thánh Thần, thân xác Chúa Giêsu đã được thần khí hóa và đi vào cõi vĩnh hằng của Chúa Cha.  Sự hiện diện này thâm sâu hơn và hiệu năng hơn.  Khi còn ở trong thân xác, Chúa Giêsu chỉ ở bên cạnh một số người thôi.  Từ nay, với quyền năng Thánh Thần, Người sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người.  Chúa Giêsu lên trời.  Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác.  Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác.  Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác.  Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau.  Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt.  Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối.  Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh.  Như thế trời là niềm hy vọng của con người.  Con người không còn bị trói chặt vào trần gian.  Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ.  Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi.  Trời cho con người một lối thoát.  Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc.  Trời cho con người cơ hội triển nở đến vô biên.  Trời nâng cao địa vị con người.  Có trời, con người không còn bị xếp ngang hàng với loài vật.  Loài vật sinh ra để tàn lụi.  Con người sinh ra để triển nở, để vượt qua số phận, để đạt tới địa vị con Thiên Chúa.  Có trời, con người sẽ được nâng lên ngang hàng thần thánh.

Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian.  Trời không phải là cõi mơ mộng viễn vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.  Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.  Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho Nước Chúa.  Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn.  Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.  Chính Chúa Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời.  Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin Mừng khắp nơi.  Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đó.  Đi đến đâu là làm cho hạt yêu thương nảy mầm lên màu xanh sự sống đến đó.

Người môn đệ của Chúa sống giữa trần gian, yêu mến trần gian, xây dựng trần gian.  Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc.  Tuy nhiên ta làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời.  Yêu mến trần gian vì nước trời.  Yêu mến trần gian để biến trần gian thành nước trời.  Sống giữa thế gian, chúng ta “ái mộ những sự trên trời” như lời kinh hạt: “Thứ năm thì ngắm, Ðức Chúa Giêsu lên trời.  Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.”  Nhưng vẻ đẹp trên trời là vẻ đẹp của tâm hồn, tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, vẻ đẹp nghèo khó Phúc Âm, khiêm nhường, đơn sơ, thanh tịnh.  Đây là vẻ đẹp và sự quyến rũ của nhân đức, một vẻ đẹp hoàn toàn khác với những vẻ đẹp và sự quyến rũ thuộc trái đất.  Nhiều người đã bỏ ra hằng trăm, hàng ngàn, hàng vạn Mỹ kim để làm đẹp, để khoa trương sự giàu có và để được người khác ca tụng.  Nhiều người không sợ trải qua những cuộc giải phẫu nguy hiểm, đau đớn cốt sao để thấy mình đẹp hơn, để thấy mình hơn người khác.  Nhiều người đã sẵn sàng chấp nhận những thách đố lớn lao để chạy đua vào những chiếc ghế quyền lực.  Nhưng ít ai bỏ ra một giờ, một ngày, một tuần, một tháng, hoặc một năm để lo tu sửa và chỉnh trang lại vẻ đẹp của tâm hồn.

Trên thực tế, tình yêu Thiên Chúa, tình yêu tha nhân, đức nghèo khó, đức đơn sơ, và đức trong sạch là những đòi hỏi rất cần thiết để đem lại hạnh phúc cho mỗi người, mỗi cộng đoàn, mỗi dân nước.  Ðó là những gì cụ thể có thể giúp con người chiếm hữu được vĩnh hằng.  Rất tiếc, đó cũng là những gì mà nhiều người từ khước, bởi vì chúng không phù hợp với nhãn quan và suy tư của con người.

Giáo Hội đã thôi thúc và khuyến khích mỗi Kitô hữu hãy tìm kiếm và yêu mến những sự trên trời.  Cầu xin cho được ơn ái mộ là cầu xin Thánh Linh khai mở tâm hồn và trí tuệ để chúng ta có thể nhìn, và có thể hiểu được vẻ cao quí của những giá trị tinh thần ấy.  Nhận thức về thế giới tâm linh là một nhận thức ngoài tầm hiểu biết của trí tuệ tự nhiên con người.  Những gì thuộc về thần linh là thần linh.  Con người cần được soi dọi và khai mở bởi sức mạnh huyền nhiệm của Thánh Thần.  Chỉ khi nào trí óc ta, trái tim ta được Ngài khai mở, lúc ấy ta mới nhận ra, mới hiểu thấu thế nào là sự cao xa, dài rộng của vẻ đẹp tinh thần, của những giá trị đạo đức.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa về trời, không chỉ để dọn chỗ mà còn là mở ra một viễn tượng hạnh phúc của trời cao. “Xin cho chúng con ái mộ những sự trên trời,” để chúng con không bị chôn bám vào thế gian chóng qua và phù du này.  Và để chúng con biết tìm kiếm những giá trị cao quí của tinh thần, và để chúng con yêu mến và sống với cuộc sống ấy.  Vì đó là những gì mà chúng con có thể tìm kiếm, mua sắm và đem vào được nơi vĩnh hằng.  Nơi mà chúng con sẽ gặp được Chúa là nguồn mạch sự sống, hoan lạc, và hạnh phúc viên mãn của chúng con.  Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

GIÀ ĐI NHƯ MỘT TU VIỆN TỰ NHIÊN

Tu viện là gì?  Tu viện hoạt động như thế nào?  Thánh Biển Đức (480-547 TCN) được xem là nhà sáng lập đời sống tu viện Tây phương, ngài có lời khuyên như luật căn bản cho các tu sĩ của ngài: Hãy ở trong phòng của mình, nó sẽ dạy anh em mọi điều anh em cần biết.  Hiểu cho đúng, đây là một ẩn dụ phong phú, chứ không phải lời khuyên theo nghĩa đen.  Khi nói đến một tu sĩ ở trong phòng và để việc đó dạy mình những gì mình cần biết, ngài không nói đến căn phòng tu sĩ trong tu viện.  Ngài đang nói đến tình trạng sống hiện tại của một tu sĩ hay của bất kỳ ai.

Đôi khi, điều này được linh đạo Kitô giáo gọi là trung thành với bổn phận hiện tại.  Ý nghĩa là nếu chúng ta trung thành với tình yêu và có thiện tâm với tình trạng cuộc sống hiện tại của mình, thì cuộc sống tự nó sẽ làm cho chúng ta trưởng thành và nhân đức.  Ví dụ, một người mẹ hy sinh, tận tụy hết lòng nuôi con, bà sẽ trưởng thành và vị tha qua quá trình bà.  Nhà của bà sẽ là căn phòng tu sĩ của bà và nói theo ẩn dụ, bà sẽ là tu viện trưởng của tu viện mình (cùng vài tu sĩ rất nhỏ tuổi) và việc ở trong tu viện này, là mái nhà của bà, nó sẽ dạy cho bà mọi điều bà cần biết.  Bà sẽ nuôi dạy con cái, nhưng con cái cũng sẽ nuôi dạy bà.  Tình mẫu tử sẽ dạy bà những gì bà cần biết và sẽ làm cho bà thành một vị trưởng bối khôn ngoan, một Khôn ngoan kinh điển và gương mẫu.

Quá trình già đi chính là một tu viện tự nhiên.  Nếu sống đủ lâu, cuối cùng quá trình già đi sẽ biến tất cả mọi người thành tu sĩ.  Các tu sĩ có bốn lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục và kiên vững.  Quá trình già đi (dường như tàn nhẫn) đưa chúng ta đến với việc bị loại ra rìa, phải phụ thuộc vào người khác, mất đi đời sống tình dục năng nổ, và đi vào tình trạng sống không lối thoát, có thể nói là áp đặt bốn lời khấn đó lên chúng ta.  Nhưng như lời khuyên của Thánh Biển Đức, điều này có thể dạy cho chúng ta mọi điều chúng ta cần biết, và nó có sức mạnh độc nhất vô nhị làm chúng ta trưởng thành một cách rất sâu sắc.  Các tu sĩ có những bí quyết đáng để chúng ta học hỏi.  Quá trình già đi cũng vậy.

Đây có thể đem lại hiểu biết đặc biệt về cách chúng ta có thể biến những ngày tháng cuối đời và cái chết của chúng ta thành một món quà tận căn cho người khác.  Trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, tử đạo là cách lý tưởng để một tín hữu kết thúc hành trình dương thế.  Nó được xem là cách triệt để để noi gương Chúa Kitô và biến cái chết của mình thành một ơn.  Dĩ nhiên, sau khi Kitô giáo thành quốc giáo và các đại đế không còn giết hại Kitô hữu nữa, thì chuyện này cần được suy nghĩ lại.  Từ đó đã có nhiều nỗ lực để tử đạo có thể hiểu theo nghĩa bóng.  Có một cách phổ biến là sau khi nuôi dạy con cái trưởng thành và đến tuổi về hưu, hai vợ chồng sẽ rời nhau và mỗi người đến một tu viện để sống phần đời còn lại như tu sĩ.

Các nhà thần nghiệm Kitô giáo kinh điển nói, trong giai đoạn cuối đời, chúng ta nên đi vào điều mà họ gọi là đêm tối tâm hồn, cụ thể là chúng ta chủ động đưa ra quyết định triệt để dựa trên đức tin, bước vào một tình trạng sống mà chúng ta không còn chăm sóc cho bản thân mình, mà phải tin tưởng, với một đức tin thuần túy nhất, rằng Thiên Chúa sẽ chu cấp cho chúng ta.  Điều này cũng tương tự với linh đạo của Ấn giáo, cho rằng trong giai đoạn cuối cùng, trưởng thành trọn vẹn của cuộc đời, chúng ta nên trở thành môn đệ sannyasin, hành khất già thánh thiện.

Tôi nghĩ rằng, hầu hết chúng ta sẽ không bao giờ chủ động cắt đứt mọi an toàn cũ của mình để đặt mình vào tình trạng mà chúng ta bất lực trong việc chu toàn và chăm sóc bản thân.  Nhưng đây là lúc thể hiện vị trí của mình một cách tự nhiên.  Quá trình già đi sẽ làm điều đó cho chúng ta.  Nó sẽ biến chúng ta thành môn đệ sannyasin và đưa chúng ta vào đêm tối tâm hồn.

Như thế nào?  Khi già đi, sức khỏe suy yếu và thấy bị đẩy ra rìa hơn, không còn một vị trí quan trọng trong xã hội, chúng ta sẽ dần mất đi năng lực tự chăm sóc cho bản thân.  Cuối cùng, nếu sống đủ lâu, hầu hết chúng ta sẽ chuyển sang sống trong cơ sở hỗ trợ sinh hoạt, và nó là một tu viện tự nhiên.

Đúng là một ẩn dụ quá thích hợp!  Cơ sở hỗ trợ sinh hoạt như một tu viện tự nhiên.  Ẩn dụ này cũng thích hợp cho ý nghĩa của việc (bị cưỡng bách) bước vào đêm tối tâm hồn và việc làm môn đệ sannyasin, hành khất già thánh thiện.  Thực chất nó mang ý nghĩa: khi ai đó sống trong cơ sở hỗ trợ sinh hoạt, thì dù người đó là triệu phú hay người bần cùng, thì luật cũng như nhau.  Vì chúng ta không thể chăm sóc cho bản thân (và thật sự là không cần phải làm thế), thì chúng ta sống một cuộc sống tu viện vâng phục và phụ thuộc.

Khi cần hỗ trợ sinh hoạt, là chúng ta sống theo tiếng chuông tu viện và chết như một hành khất già thánh thiện.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CHIỀU KÍCH HOÀN VŨ CỦA ƠN CỨU ĐỘ 

Cuộc thị kiến của ông Phê-rô đã đưa ông và các tông đồ tiến tới một quyết định quan trọng.  Đó là mọi dân đều có thể đón nhận ơn Cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Giê-su Ki-tô.  Trước đó, ông Phê-rô đã thấy hình ảnh một chiếc khăn lớn từ trời.  Trong chiếc khăn ấy có đủ mọi loài sinh vật, kể cả những sinh vật mà Do Thái giáo cấm ăn.  Ông đã ngỡ ngàng trước thị kiến này, và sau đó ông đã hiểu thông điệp mà Chúa Thánh Thần muốn nhắn gửi: Chúa Giê-su đem ơn Cứu độ đến cho muôn dân.

Trước đó, ông Phê-rô cũng như các tông đồ khác đều hiểu ơn Cứu độ chỉ dành cho người Do Thái.  Vì vậy, sau khi Chúa Giê-su về trời, các ông vẫn chuyên cần đến Đền thờ để cầu nguyện, đồng thời gặp gỡ những người Do Thái để nói với họ về sự Phục Sinh của Chúa Giê-su, nhằm minh chứng cho họ thấy: Đức Giê-su là Đấng muôn dân mong đợi và nhân loại không còn phải chờ đợi một đấng cứu độ nào khác.  Khởi đi từ thị kiến nói trên, các tông đồ đã được khai trí và hoàn toàn thay đổi quan niệm chật hẹp về Ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện qua cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su thành Na-da-rét.

Sau này, sự chống đối của người Do Thái cũng dẫn ông Phao-lô đi đến một quyết định căn bản.  Ông tuyên bố: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố Lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ Lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (x. Cv 13,44-52).

Thiên Chúa không thiên vị người nào.  Ông Phê-rô khẳng định như thế.  Chúa Thánh Thần như dòng suối mát, phong phú tràn trề.  Bất cứ ai thành tâm tin vào Chúa Giê-su đều được Chúa Thánh Thần ban ơn phù trợ.  Bài đọc I đã minh chứng: Trong lúc ông Phê-rô giảng, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống nơi tất cả những người đang nghe Lời Chúa.  Như thế, không ai có quyền ngăn cản hoạt động của Chúa Thánh Thần.  Ơn Chúa Thánh Thần cũng không còn là độc quyền của một số cá nhân nhưng được ban cho mọi dân mọi nước.  Đây là một nét mới mẻ trong Ki-tô giáo mà ngay từ ban đầu các tông đồ đã hiểu.

Chúng ta chuẩn bị mừng lễ Chúa Giê-su lên trời.  Phụng vụ hôm nay dường như muốn truyền lại cho chúng ta lời di chúc của Chúa Giê-su, hay còn gọi là di ngôn của Người.  Trong khung cảnh sau bữa Tiệc ly của ngày thứ Năm trước lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su đã trải lòng với các môn đệ bằng những lời tâm huyết tự trái tim.  Người biết trước các ông sẽ phải đối diện với trăm ngàn thử thách.  Người uý lạo các ông và hứa sẽ ban Đấng Phù Trợ là Chúa Thánh Thần.  Giữa những khó khăn thử thách chất chồng ấy, các ông có thể tìm thấy sức mạnh nơi tình yêu thương.  Lời dặn: “Hãy yêu thương nhau” được lặp đi lặp lại như điệp khúc của bản nhạc diễn tả tâm tình thầy trò vào giờ phút linh thiêng nhất.  Chúa nói với họ: Người sẽ không còn hiện diện hữu hình như từ trước tới nay nữa nhưng Người sẽ hiện diện giữa họ và trong lòng họ, nếu họ yêu mến Người và yêu mến nhau.  Chính tình yêu mến dành cho Chúa Giê-su và cho anh em sẽ làm nên sức mạnh của cộng đoàn tín hữu và sẽ là điều kiện để những hoạt động của các ông sinh hoa kết trái.

Lời mời gọi yêu thương được gửi đến các Ki-tô hữu từ hai ngàn năm nay.  Lời ấy còn phải được lặp đi lặp lại mãi, bao lâu chúng ta còn hiện hữu trên trần gian.  Bởi lẽ, đây là giới răn cốt lõi quan trọng và là điều kiện căn bản để trở thành môn đệ của Chúa Giê-su.  Hơn nữa, bản tính con người do yếu đuối và hữu hạn, luôn có khuynh hướng đi ngược lại giới răn yêu thương.  Tiếc thay có những lúc đức yêu thương bị lãng quên nơi các cộng đoàn và nơi cá nhân những Ki-tô hữu.  Như thế, vô tình hay hữu ý, họ làm lu mờ hình ảnh Đức Giê-su nơi đời sống đức tin, thậm chí biến Người thành một kẻ xa lạ.  Chúa đã khẳng định: Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Yêu thương là cốt lõi giáo huấn của Chúa Giê-su.  Tông đồ Gio-an đã thấm nhuần lời dạy yêu thương của Chúa, nên sau đó, ông nhấn mạnh đến tình yêu thương trong các thư của mình.  Bài đọc II của Phụng vụ hôm nay là một bằng chứng cho điều đó.  Thánh Gio-an an còn tiến xa hơn trong giáo huấn này khi ông khẳng định: “Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa.”  Như thế, nhờ đức yêu thương mà chúng ta trở nên con Thiên Chúa.  Đương nhiên, đó là đức yêu thương theo gương mẫu Đức Giê-su để trở nên đồng hình đồng dạng với Người và trở thành nghĩa tử của Chúa Cha.

Hãy cảm nhận niềm vui và vinh dự của người Ki-tô hữu.  Vẫn còn đó những thử thách gian nan nhưng người Ki-tô hữu, nhờ ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, sẽ cảm nhận được niềm vui và sẽ trở nên chứng nhân của niềm vui cho thế giới hôm nay.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên