SỰ HIỆP THÔNG CỦA CÁC THÁNH

Hầu hết thế giới tin rằng chết không phải là hết, tin rằng có một dạng bất diệt.  Hầu hết mọi người tin rằng những người đã chết vẫn còn tồn tại trong một tình trạng nào đó, theo phương thức nào đó, ở một nơi nào đó, là thiên đàng hay hỏa ngục, dù cho chúng ta không biết được.  Trong một vài khái niệm, sự bất tử được xem là một tình trạng nơi con người đó vẫn ý thức và lý luận, trong khi khái niệm khác, thì xem sự hiện hữu sau cái chết là có thực nhưng phi nhân thể, như một giọt nước rơi vào đại dương.

Còn chúng ta, những Kitô hữu, thì chúng ta có niềm tin.  Chúng ta tin rằng người chết vẫn còn sống, vẫn là họ, và rất quan trọng là vẫn trong một mối liên hệ sống động, có ý thức và đầy yêu thương với chúng ta và với nhau.  Đây là khái niệm chung của chúng ta về thiên đàng, dù cho có đơn giản hóa các trình bày theo từng thời điểm, nhưng khái niệm này thật đúng.  Đây chính xác là những gì mà đức tin và tín lý Kitô giáo mời gọi chúng ta.  Sau cái chết, chúng ta sống trong mối hiệp thông có ý thức, tự ý thức, với những người đã chết trước chúng ta, hiệp thông với những người còn ở trần thế, và hiệp thông với sự thần thiêng.  Đây chính là giáo lý Kitô giáo về sự Hiệp thông của các thánh.

Vậy chúng ta phải hiểu thế nào đây?  Và làm sao để chúng ta kết nối với những người thân yêu sau khi họ đã chết?  Hai hình ảnh Kinh thánh sau đây có thể cho chúng ta một điểm mở để hiểu được điều này.  Cả hai đều ở trong Tin mừng.

Tin nói rằng, ngay khi Chúa Giêsu chết, thì màn đền thờ xé ra làm hai, và đất rung chuyển, các tảng đá nứt ra.  Các mộ phần mở ra và xác của nhiều vị thánh trỗi dậy (Mt 27, 50-52).  Tin mừng còn kể cho chúng ta biết vào rạng sáng ngày Phục Sinh, có vài phụ nữ đến mộ Chúa để xức dầu thơm cho xác Ngài, nhưng họ chỉ thấy ngôi mộ trống và hai thiên thần: ‘Tại sao các bà tìm người sống ở nơi mồ mả?  Ngài không có ở đây.  Ngài đang sống, và các bà có thể thấy Ngài ở Galilee.’ (Lc 24, 5).  Những hình ảnh đó có thông điệp gì?

Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng chúng ta được ban sự sống bất diệt qua cái chết của Chúa Giêsu.  Và Tin mừng trình bày sự thật này qua hình tượng trên.  Cái chết của Chúa Giêsu ‘mở toang cửa mồ’ và làm cho các ngôi mộ nên trống không.  Vì lý do đó, các Kitô hữu chưa bao giờ có những việc sùng kính lớn với nghĩa trang.  Là Kitô hữu, chúng ta không cử hành nhiều các việc thiêng liêng quanh các phần mộ?  Tại sao?  Bởi chúng ta tin rằng tất cả những phần mộ này đều trống không.  Người thân yêu của chúng ta không có ở đó và chẳng thể tìm thấy ở đó.  Họ đang ở cùng với Chúa Giêsu, ở ‘Galilee.’

Vậy ‘Galilee’ trong hình ảnh kinh thánh này là gì?  Trong Tin mừng, Galilee không chỉ là một địa danh trên bản đồ, mà là một nơi chốn bên trong Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Thiên Chúa và của chúng ta.  Trong Tin mừng, Galilee là một nơi mà nhiều việc tốt đẹp diễn ra.  Đây là nơi mà các môn đệ lần đầu gặp Chúa Giêsu, nơi họ bắt đầu yêu mến Ngài, nơi họ dấn thân theo Ngài, và nơi xảy ra nhiều phép lạ.  Galilee là nơi Chúa Giêsu mời chúng ta đi trên mặt nước.  Galilee là nơi mà linh hồn các môn đệ được mở mang và bồi dưỡng.

Và đây cũng là nơi cho mỗi một người thân yêu đã khuất của chúng ta.  Trong đời sống của mỗi người, có một Galilee, là nơi mà nhân thể và linh hồn họ sống động nhất, nơi đời sống của họ chiếu rạng sinh lực mở lòng với thiêng liêng.  Khi nhìn vào cuộc đời của một người thân yêu đã chết, chúng ta cần tự hỏi rằng: Đâu là nơi mà cô ấy sống động nhất?  Phẩm chất nào mà cô ấy, gần như độc nhất vô nhị, đã thể hiện và trao đi?  Ở điểm nào mà cô ấy nâng lòng tôi lên và làm cho muốn trở nên một con người tốt đẹp hơn?

Hãy xác định những điều này, và bạn sẽ sẽ xác định được Galilee của người yêu dấu của mình, và bạn cũng sẽ xác định được Galilee của Tin mừng, cụ thể là một nơi mà Chúa Giêsu mời gọi bạn đến gặp gỡ Ngài.  Và đây cũng là nơi bạn sẽ gặp những người thân yêu của mình trong cộng đoàn các thánh.  Đừng tìm người sống ở nơi mồ mả.  Cô ấy không có ở đó.  Cô ấy ở Galilee.  Gặp cô ấy ở đó.

Elizabeth Johnson, có chiều hướng của Karl Rahner, đã thêm cho chúng ta suy tư này: ‘Hi vọng, chúng ta quả quyết rằng những người thân yêu đã qua đời, họ không rơi vào quên lãng, nhưng đi vào trong vòng tay của Thiên Chúa hằng sống.  Và đây là nơi chúng ta có thể tìm thấy họ lần nữa, khi chúng ta mở rộng lòng mình với sự dịu dàng của chính sự sống Thiên Chúa mà chúng ta dấn vào, không phải bằng sự ích kỷ đòi họ về lại với chúng ta, nhưng bằng việc đi vào sâu trong lòng của chúng ta, nơi Thiên Chúa ngự trị.’

Và có thể tìm thấy Galilee của những người thân yêu của chúng ta nơi Galilee của chính mình.  Có một nơi thâm sâu trong lòng, trong đức tin, đức cậy và đức ái, nơi mọi người, còn sống hay đã chết, gặp gỡ.

Rev. Ron Rolheiser, OMIJ.B. Thái Hòa chuyển dịch

GIẢ HÌNH

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – NĂM A

Từ điển Công giáo định nghĩa giả hình là “hình thức dối trá, giả vờ có các nhân đức hoặc lòng đạo đức mà thực ra bên trong không có”. Tội giả hình đã bị lên án gay gắt trong Cựu ước. Quả vậy Thiên Chúa đã phán trong ngôn sứ I-sai-a: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta (Is 29,13). Chúa Giê-su trích dẫn nguyên văn những lời này, trong khi một số người biệt phái phê phán các môn đệ vì không rửa tay trước khi ăn (x.Mc 7,1-8)

Tội giả hình đã ăn sâu nơi bản chất con người. Tâm lý tự nhiên, ai cũng muốn mình được nhiều người biết tới và khen ngợi tung hô. Không chỉ che mắt người đời, người ta còn giả hình trước mặt Thượng Đế và các thần linh nữa. Những câu chuyện liên quan đến những chiếc bánh chưng, bánh giày vĩ đại mà lại có xốp bên trong để tiến Vua Hùng cách đây vài năm đã cho thấy điều đó. Nhiều người cho rằng “Dương sao âm vậy; con người sao thì thần linh cũng vậy”, cho nên họ đút lót hối lộ các vị thần thánh để được bổng lộc chức tước, vì nghĩ rằng “tốt lễ thì dễ kêu”.

Thiên Chúa không có nhu cầu nhận lễ vật. Đôi khi lễ vật làm cho ngài không vui. Ngôn sứ Hô-sê đã thuật lại lời Đức Chúa: “Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường; hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú. Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu…những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận, chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi. Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa (Hs 3,21-23).

Nội dung Lời Chúa của Chúa nhật này gồm những lời oán trách. Đối tượng của những lời oán trách gay gắt ấy lại là những tư tế. Như chúng ta đã biết, các tư tế là thành phần ưu tuyển, được chọn trong chi tộc Lê-vi. Họ là trung gian giữa Thiên Chúa và Dân Người, để chuyển tải phúc lành của Chúa cho dân và để thay mặt dân dâng lời thỉnh cầu lên Chúa. Nhiệm vụ thì cao cả là thế, nhưng con người tư tế thì lại đầy những thấp hèn. Qua ngôn sứ Ma-la-khi, Thiên Chúa đã khiển trách các tư tế nặng lời, thậm chí còn đe dọa sẽ trừng phạt: “Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không giữ đường lối Ta, và hay nể vì khi áp dụng Luật”. Chắc hẳn các tư tế thời ngôn sứ Ma-la-khi đã có nhiều lỗi phạm và sa đọa trong đời sống. Họ là những người giả hình. Bởi lẽ lời giảng dạy của họ thì tốt lành cao siêu, nhưng cuộc sống của họ thì không được như vậy.

Vào thời Chúa Giê-su, Phụng vụ Đền thờ Giê-ru-sa-lem cũng nhuốm màu thương mại. Chúng ta còn nhớ sự kiện Đức Giê-su chắp dây thừng làm roi, xua đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ với lời khiển trách: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Lc 19,46). Cả bốn tác giả Phúc âm đều thuật lại sự kiện này, trước sự ngỡ ngàng của độc giả. Có lẽ các tư tế thời ấy cũng tham lam, ăn hối lộ và sống buông thả bê tha. Chúa Giê-su đã khiển trách họ: “Họ làm việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài…” Đúng với định nghĩa về giả hình trên đây. Họ tỏ ra đạo đức thánh thiện, nhưng trong thực tế thì ngược lại.

Lời khiển trách của Chúa Giê-su phải là điều suy niệm nghiêm túc của các linh mục. Bởi lẽ các linh mục hôm nay là những tư tế của Giao ước mới. Các ngài được tham dự vào chức tư tế của Đức Ki-tô. Tuy vậy, các linh mục vẫn là những con người, vẫn mang trong mình tham, sân, si và hỷ, nộ, ái, ố của kiếp nhân sinh. Linh mục là người rao giảng Chúa Ki-tô chứ không phải rao giảng chính mình. Những lời giáo huấn của Chúa Giê-su ở phần hai của bài Tin Mừng hôm nay đã nói lên ý nghĩa những danh xưng mà chúng ta thường sử dụng. Nếu chúng ta gọi các linh mục là “cha”, không có nghĩa là nhằm tôn vinh cá nhân của các ngài. Bản thân linh mục, khi được người ta gọi là “cha”, phải luôn tâm niệm, mình phải trở nên hiện thân của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, luôn nhân từ và yêu thương gần gũi mọi người. Có tác giả gọi danh xưng “cha” của linh mục hay danh xưng “bề trên” của các dòng là những danh xưng mang tính bí tích, tức là những dấu chỉ hướng người ta về một thực tại cao siêu vô hình. Bản thân những người được gọi với những danh xưng này phải cố gắng mỗi ngày để dần dần nên xứng đáng với những danh xưng ấy. Linh mục với danh nghĩa là “cha” phải làm cho người khác thấy hình ảnh Chúa Cha nơi cuộc đời mình.

Một cách rất tự tin, thánh Phao-lô tâm sự với giáo dân Thê-xa-nô-li-ca, đồng thời nêu chính bản thân mình như mẫu gương của đời sống khiêm nhường, bác ái. Ngài tự làm việc kiếm sống, không muốn mình trở nên gánh nặng của tín hữu. Ước chi các tư tế của Giao ước mới, tức là các linh mục, cũng biết noi gương vị thánh tông đồ, luôn sống thánh thiện để không trở nên gánh nặng cho Dân Chúa, hiểu theo mọi chiều kích khác nhau.

Sự giả hình dường như ăn sâu nơi mỗi người chúng ta. Tin vào quyền năng của Thiên Chúa, xác tín vào sự hiện diện của Người, sẽ giúp chúng ta sống ngay thẳng và trung thực hơn, vì hằng giây hằng phút, chính Chúa đang ngắm nhìn chúng ta.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

CUỘC THANH TẨY CUỐI CÙNG

“Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa.”

Trên một bia mộ, người ta đọc, “Chỗ bạn đang đứng, chỗ tôi đã đứng.  Nơi tôi đang nằm, nơi bạn sẽ nằm!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Nơi tôi đang nằm, nơi bạn sẽ nằm!”  Lời Chúa ngày lễ Các Đẳng Linh Hồn đưa chúng ta về “Luyện ngục,” một khái niệm thường bị hiểu lầm.  Luyện ngục là gì?  Nơi chúng ta chịu trừng phạt vì tội lỗi?  Cách Thiên Chúa hỏi tội các sai phạm của mỗi người?  Đó là kết quả cơn giận của Ngài?  Không!  Luyện ngục không gì khác hơn là tình yêu cháy bỏng và là ‘cuộc thanh tẩy cuối cùng’ Thiên Chúa dành cho những người Chúa chọn.  Sách Khôn Ngoan nói, “Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa.”

Khi ai đó chết, rất có thể họ không được hoán cải 100% để hoàn hảo về mọi mặt.  Các thánh vĩ đại nhất cũng có khiếm khuyết trong cuộc sống.  Luyện ngục không gì khác hơn là ‘cuộc thanh tẩy cuối cùng’ tất cả vấn vương còn lại với tội lỗi.  Hãy tưởng tượng, bạn có một cốc nước tinh khiết 100%.  Cốc này tượng trưng cho thiên đàng.  Bạn muốn thêm vào cốc đó một ít nước chỉ tinh khiết 99%.  Nước không tinh khiết 1% này đại diện cho những người lành thánh đã chết với một số chấp trước nhẹ đối với tội lỗi.  Nếu thêm nước đó vào cốc, cốc sẽ có một số tạp chất, ít nữa 1%.  Vấn đề là thiên đàng không chứa bất kỳ tạp chất nào, dù là nhỏ nhất.  Vì thế, 1% đó vẫn cần được lọc sạch.

Làm thế nào điều này xảy ra?  Chúng ta không biết.  Chúng ta chỉ biết nó có.  Nhưng cần hiểu rằng, đó là kết quả của tình yêu vô hạn nơi Thiên Chúa những muốn thanh tẩy chúng ta khỏi mọi ràng buộc, vướng bận.  Có đau không?  Rất có thể!  Nhưng đau theo nghĩa buông bỏ.  Và kết quả cuối cùng là tự do thực sự, đáng giá cho bất kỳ nỗi đau nào có thể trải qua.  Vì thế, luyện ngục là đau đớn, nhưng là ‘nỗi đau ngọt ngào’ cần có từ ‘cuộc thanh tẩy cuối cùng’ để kết hiệp với Chúa trọn vẹn hơn.  Chúa Giêsu nói, “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi;” đó là những con người với những chiếc áo trắng tinh tuyền, và những trái tim cũng tuyệt đối tinh tuyền!

Tưởng nhớ các linh hồn, chúng ta sống mầu nhiệm Các Thánh Thông Công.  Các linh hồn trải qua cuộc thanh luyện này vẫn hiệp thông với Chúa, với Giáo Hội dưới thế, và Giáo Hội thiên quốc.  Chúa sử dụng lời cầu của chúng ta dành cho các linh hồn, cũng như việc các linh hồn cầu bầu cho chúng ta như những công cụ thanh tẩy của Ngài; Ngài cho phép và mời chúng ta tham gia vào ‘cuộc thanh tẩy cuối cùng’ của họ.  Điều này tạo nên một mối liên đới chặt chẽ của chúng ta với các linh hồn.

Anh Chị em,

“Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa.”  Như vàng trong lửa, một ngày kia, tất cả chúng ta rồi cũng được thanh luyện như các linh hồn.  Và không nghi ngờ gì nữa, các thánh trên trời, đặc biệt dâng lời cầu nguyện cho họ trong thời gian thanh luyện này.  Đó là một sự thật đáng hoan hỷ và là một niềm vui lớn lao khi chúng ta thấy cách thức Thiên Chúa sắp xếp toàn bộ quá trình này cho mục đích cuối cùng của sự hiệp thông thánh thiện mà chúng ta được kêu gọi!  Như vậy, ‘cuộc thanh tẩy cuối cùng’ rõ ràng là cần thiết, nó là sáng kiến từ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con ‘tập chết’ trước khi chết thật, may ra ‘nỗi đau ngọt ngào’ sau cùng sẽ chóng vánh hơn!  Đó là những hy sinh con dành cho các linh hồn!”  Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế