THẾ GIỚI CẦN THIÊN CHÚA

Thế giới của chúng ta hiện nay, Đông cũng như Tây, đang mắc một căn bệnh trầm kha: đó là bệnh lãng quên Thiên Chúa.  Không những chỉ lãng quên, mà con người còn chủ ý gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời.  Thỉnh thoáng chúng ta nghe những anh chị em Phật giáo nói đến “thời mạt pháp,” tức là thời mà quan điểm về luân lý của con người trở nên hỗn loạn.  Họ không còn giảng dạy hoặc không tuân theo giáo pháp chân chính nữa.  Khi gạt bỏ Thiên Chúa, hoặc gạt bỏ vai trò của tôn giáo nói chung, thế giới trở thành một mớ hỗn độn, luân thường đạo lý suy đồi.  Con người sống vô cảm, thậm chí là hoang dã đối với đồng loại.  Những vụ đại án vô cùng nghiêm trọng đã và đang xảy ra ở đất nước chúng ta cho thấy: một xã hội để được văn minh phát triển, chỉ có “pháp trị” thôi thì không đủ, mà còn cần đến “đức trị” nữa!  Người ta có thể tìm thấy “đức trị” ở đâu?  Thưa, không ở nơi các vĩ nhân, các triết gia và các lãnh đạo, mà là nơi thế giới tâm linh.  Trong một xã hội chỉ quản lý và điều hành bằng luật pháp, con người dễ dàng gian dối, lừa đảo.  Cần có Thượng Đế hay Thần Linh để kiểm soát hành vi tư tưởng của con người.

Trong bối cảnh thế giới như được diễn tả ở trên, chúng ta cùng bước vào Mùa Vọng.  Mùa Vọng nhắc chúng ta về nhu cầu cần đến Thiên Chúa.  Ngài là nền tảng của hòa bình đích thực, và là nguyên lý xây dựng tình liên đới giữa các dân tộc.  Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã viết trong Thông điệp Về niềm hy vọng Ki-tô giáo (Spe Salvi – năm 2008) như sau: “Thiên Chúa là nền tảng của hy vọng: không phải bất cứ thần minh nào khác, nhưng chính là Thiên Chúa Đấng có một dung mạo loài người và đã yêu thương chúng ta đến cùng, mỗi người chúng ta và nhân loại trong tổng thể của nó.  Nước Ngài không phải là một hình ảnh tưởng tượng đời sau, tọa lạc đâu đó trong tương lai mà chẳng bao giờ đến; nhưng Nước Ngài hiện diện bất cứ nơi nào Ngài được yêu thương và bất cứ khi nào tình yêu của Ngài đến được với chúng ta” (Số 31).

Thiên Chúa yêu thương nhân loại và Ngài luôn hiện diện giữa trần thế.  Đức Giê-su là Ngôi Lời nhập thể làm người để ở với chúng ta.  Người là bằng chứng sống động cho tình thương vô bờ của Thiên Chúa.  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).  Đức Giê-su là niềm hy vọng của thế giới.  Nơi bản thân và cuộc đời của Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã đến viếng thăm con người và ở lại với họ, đem cho họ niềm vui và lòng thương xót của Ngài.

Sống tinh thần Mùa Vọng cách cụ thể, trước hết là cảm nhận nhu cầu cần thiết có Thiên Chúa.  Con người cần Thiên Chúa như cây cần ánh mặt trời; như cá cần nước và như thân xác cần lương thực hằng ngày.  Không có Thiên Chúa, thế gian sẽ thành bãi chiến trường, như chúng ta đã kinh nghiệm trong thực tế xã hội hiện nay.  Ngôn sứ I-sai-a trong Bài đọc I đã nói lên niềm khát vọng của con người mong có Chúa: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống…  Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ…”  Đó là tiếng rên xiết của cả nhân loại, mong ngóng Chúa đến để được giải thoát khỏi tình trạng đọa đầy đau khổ.

Sống tinh thần Mùa Vọng là vững tin vào Đức Giê-su, Đấng đã đến trong lịch sử và đang sống giữa chúng ta.  Đức Giê-su là nguồn cậy trông và là mẫu mực lý tưởng của chúng ta.  Con đường tiến tới hoàn thiện của chúng ta sẽ trở thành vô vọng, nếu không có Người trợ giúp.  Thánh Phao-lô khuyên giáo dân Cô-rin-tô: “Anh em hãy nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su.”  Như thế, cuộc sống của chúng ta là những nỗ lực không ngừng để sống trung thành với Chúa Giê-su và được nên giống như người cách trọn vẹn.

Sau cùng, sống tinh thần Mùa Vọng là chu toàn bổn phận của mình trong cuộc sống cụ thể, đối với Chúa và đối với tha nhân.  Mỗi người sinh ra ở đời đều có một sứ mạng.  Chính Thiên Chúa là Đấng trao cho chúng ta sứ mạng ấy và Ngài kiểm soát chúng ta.  Mỗi người đều phải chu toàn bổn phận mà Chúa trao.  Hình ảnh một ông chủ trước khi đi xa trao cho các đầy tớ chăm sóc cơ nghiệp, diễn tả việc Thiên Chúa trao cho chúng ta sứ mạng phải hoàn thành.  Chúng ta không biết lúc nào Ông Chủ về.  Không biết lúc nào Chúa đến gọi chúng ta.  Ở địa vị người đầy tớ hay người quản lý, chúng ta phải luôn tỉnh thức và trung thành.  Đó là tinh thần sẵn sàng để có thể đón Chúa.  Mỗi chúng ta đóng vai trò “người giữ cửa” để chờ đợi và đón chủ đi xa sẽ về lúc bất chợt.  Người giữ cửa, không chỉ để đợi chủ, mà còn phải canh chừng để không cho những thù địch tấn công cướp phá gia nghiệp của chủ mình.

Maranatha, Amen, lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!  Đó là lời cầu nguyện kết thúc toàn bộ Kinh Thánh (Kh 22,20).  Đó cũng là niềm khát vọng của toàn thể vũ trụ. Đó là tâm tình đặc biệt của Ki-tô hữu, không chỉ trong Mùa Vọng, mà trong suốt cuộc đời, vì thế giới của chúng ta cần Thiên Chúa.  Duy chỉ có Ngài là Đấng lấp đầy những khát vọng thâm sâu của chúng ta.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

CHÚA KITÔ NHƯ LÀ VŨ TRỤ

Pierre Teilhard, một trong các cuộc đối thoại của ông với Bộ Tín điều về Đức tin ở Rôma, đã được hỏi: “Ông đang cố gắng làm điều gì?”  Câu trả lời của ông như thế này: Tôi đang cố gắng viết một học thuyết Kitô học sao cho đủ lớn để bao gồm trọn vẹn Chúa Kitô vì Chúa Kitô không chỉ là Đấng cứu thế thiêng liêng được phái đến để cứu con người; Chúa Kitô còn là cấu trúc trong một vũ trụ thực thể, một con đường cứu rỗi cho chính trái đất.

Điều này có nghĩa là gì?  Làm sao Chúa Kitô lại là một cấu trúc trong một tạo vật thực thể?

Có lẽ phần bị bỏ quên nhiều nhất trong hiểu biết của chúng ta về Chúa Kitô, mặc dù được giảng dạy rõ ràng trong Kinh Thánh, là ý niệm mầu nhiệm Chúa Kitô lớn hơn những gì chúng ta nhìn thấy hữu hình trong cuộc đời Chúa Giê-su và trong đời sống lịch sử của các giáo hội Ki-tô.  Chúa Kitô đã là một phần của chính tạo vật thực thể và là trọn vẹn của sáng tạo đó.  Như chúng ta thấy điều này được nói lên trong Thư gởi tín hữu thành Côlôxê: Khi mô tả thực tại Chúa Giê-su, tác giả viết: Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình và vô hình.

Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.  Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người.  Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu (Cl 1: 15-18).

Cũng vậy, trong thư gởi tín hữu Rôma, thánh Phaolô nói với chúng ta rằng cũng giống y như người phàm trần rên rỉ trong những giới hạn sinh tử của mình và khao khát được bất tử, tất cả các tạo vật thực thể đều như vậy.  Trái đất cũng khao khát được cứu rỗi.  Và mầu nhiệm Chúa Kitô là con đường dẫn tới bất tử, giống như đó là con đường dẫn tới cùng đích của chúng ta.

Mầu nhiệm Chúa Kitô rộng hơn, sâu hơn, và bao gồm nhiều hơn những gì có thể được nhìn thấy đơn thuần trong cuộc sống hữu hình của Chúa Giêsu và trong lịch sử hữu hình của các giáo hội Ki-tô.  Cứ công nhận là, những gì chúng ta thấy một cách rõ ràng trong cuộc đời Chúa Giê-su và lịch sử các giáo hội là điều rất đáng quý và vinh dự.  Các giáo hội Ki-tô (như Maria, mẹ Chúa Giêsu) là nơi mà Chúa bước vào thế giới này một cách rõ ràng, cụ thể, hữu hình, như trong quá trình lịch sử đã cho thấy.

Nhưng như Thánh Kinh và thần học Ki-tô khẳng định, mầu nhiệm Chúa Kitô bao gồm nhiều hơn những gì chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng từ trong lịch sử.  Nó còn bao gồm những gì mà Thư gởi tín hữu Côlôxê dạy, đó là bản thân tạo vật thực thể đã được tạo ra thông qua Chúa Kitô theo cách nào đó, rằng Chúa Kitô gắn kết chúng lại với nhau, và rằng Chúa Kitô ban cho nó một tương lai vĩnh viễn.  Mầu nhiệm Chúa Kitô không chỉ là về việc cứu rỗi chúng ta, những người trên hành tinh này, mà còn về việc cứu lấy chính hành tinh này.

Đưa điều này vào cái hiểu của chúng ta sẽ đem lại những hệ quả lớn lao trong cách chúng ta hiểu hành tinh của mình lẫn cách hiểu các tôn giáo khác.  Nếu mọi sự vật đều được sáng tạo thông qua Chúa Kitô và vì Chúa Kitô thì hành tinh trái đất chúng ta, và tất cả các tạo vật thực thể đều có giá trị trong tự thân mà không phải chỉ có giá trị trong mối liên hệ với chúng ta.  Trái đất cũng là con của Chúa, không tự có ý thức như chúng ta, nhưng có những quyền chính đáng của nó và quyền được tôn trọng.  Nói một cách đơn giản, trái đất không chỉ là một sân khấu để chúng ta diễn trên đó.  Nó còn là một phần của mầu nhiệm Chúa Kitô và mầu nhiệm cứu rỗi.  Chúng ta phải tôn trọng nó vì chính nó, mà không phải vì sức khỏe của chúng ta tùy thuộc vào sức khỏe của nó.  Những gốc rễ sâu xa cho bất kỳ thuyết thần học-sinh thái nào nằm sâu hơn mối quan ngại thực tiễn về làm sao tiếp tục có đủ nguồn cung cấp không khí, nước và thức ăn tốt cho sức khỏe.  Thiên nhiên cũng nằm bên trong mầu nhiệm của Chúa Kitô.

Từ đó rút ra những ý nghĩa lớn lao trong cách chúng ta nhìn nhận những tôn giáo khác.  Là Ki-tô hữu, chúng ta cần nghiêm túc tiếp nhận lời dạy của Chúa Giêsu rằng Chúa Kitô chính là con đường (duy nhất) đưa tới cứu rỗi và không ai đi đến Chúa Cha mà không qua Chúa Kitô.  Như vậy, những người không phải Ki-tô hữu và những con người có tấm lòng chân thực khác thì như thế nào, xét thực tế là vào bất kỳ thời điểm nào, 2/3 thế giới cũng đều không liên quan gì đến Chúa Giêsu hay giáo hội Ki-tô giáo lịch sử?

Trừ khi chúng ta hiểu được mầu nhiệm Chúa Kitô sâu sắc hơn và rộng hơn mức chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng và dựa vào lịch sử từ trước đến nay, thì tình thế khó khăn này chắc chắn sẽ dẫn chúng ta tới chỗ hoặc từ bỏ lời dạy của Chúa Giê-su về chuyện quy chuẩn hoặc đi đến thái độ loại trừ vốn đi ngược lại ý chí cứu rỗi phổ quát của Chúa.  Nếu khi nói mầu nhiệm Chúa Kitô, chúng ta chỉ nói duy nhất đến Chúa Giêsu hữu hình và giáo hội hữu hình, thì chúng ta bị vướng trong thế lưỡng nan không lời giải đáp.  Tuy nhiên, nếu khi nói mầu nhiệm Chúa Kitô là ý nói về mầu nhiệm việc Chúa tái sinh bên trong tạo vật thực thể, đã bắt đầu trong sự sáng tạo nguyên sơ, tiếp tục là linh hồn liên kết tạo vật thực thể này thành một chỉnh thể, và hiện diện ở đó vừa như là nguồn năng lượng thu hút tạo vật về phía Đấng sáng tạo ra nó vừa là sự hoàn thành tạo vật đó, thì tất cả mọi thứ đều liên quan đến Chúa Kitô, dù chúng có nhận ra điều đó hay không, và tất cả sự thờ phụng chân thực đều dẫn đến Chúa Cha, cho dù chúng ta có nhìn thấy điều đó hay không.  Nói như Kenneth Cragg: Cần trọn thế giới để hiểu trọn Giê-su.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CHỈ VỀ TÌNH YÊU

“Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê”

“Thách thức của Tin Mừng là nó vẫn dang dở mà chúng ta được mời gọi viết ra bằng những việc bác ái.  Chúa Kitô muốn Giáo Hội luôn là một Giáo Hội đi ra như Ngài đã đi ra, bỏ trời xuống thế.  Ngài hướng chúng ta đi vào con đường một chiều, không có vé khứ hồi: “Đi ra từ chính mình!”  Hy sinh mạng sống vì người khác và bắt đầu con đường tự hiến.  Đó là tình yêu!  Vì Ngài sẽ luận thưởng mỗi người chỉ về tình yêu!” – Đức Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngài sẽ luận thưởng mỗi người chỉ về tình yêu!”  Tin Mừng lễ Chúa Kitô Vua nói với chúng ta về cuộc phán xét cuối cùng.  Với hình ảnh sống động của dụ ngôn chiên đứng bên hữu, dê đứng bên trái, Chúa Giêsu cho thấy đó sẽ là cuộc xét xử ‘chỉ về tình yêu!’

Gioan Thánh Giá nói, “Vào buổi chiều của cuộc đời, chúng ta sẽ bị phán xét chỉ về tình yêu!”  Ignatiô Loyola thì nói, “Tình yêu được thể hiện nhiều bằng việc làm hơn là lời nói!”  Mỗi việc bác ái chúng ta làm ‘là làm’ cho Chúa Kitô, “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống…”  Và còn hơn thế, “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta!”

Vương quyền của Chúa Kitô hoàn toàn khác vương quyền thế gian.  Nó đơn giản là thực tại căn bản của mọi sự tồn tại: “Tình yêu!”  Tình yêu sẽ là tiếng nói cuối cùng, cũng là tiếng nói đầu tiên.  Với Chúa Kitô, vương quyền đó lên tiếng từ một chiếc nôi khiêm tốn, máng cỏ; và sau cùng, từ một ngai vàng rất khó chịu, thập giá!  Vậy mà, trên đó ghi: “Giêsu Nazareth, Vua Do Thái.”  Chúa Kitô hiển trị từ thập giá tự hiến nên Ngài cũng luận thưởng chúng ta bằng mức độ ‘thập giá tự hiến’ của mỗi người, nghĩa là ‘chỉ về tình yêu!’

Vì thế, những con chiên được cứu là những ai đã giúp đỡ kẻ khác.  Chúa Giêsu không khen ngợi họ vì họ cầu nguyện nhiều mà vì việc lành họ làm.  Cầu nguyện là quan trọng, nhưng ngần ấy không đủ!  Ngài muốn tình yêu dành cho Ngài phản ánh qua tình yêu dành cho tha nhân.  Điều kỳ lạ là nhiều người trong số những người được cứu lại không nhận ra rằng, họ thực sự đang giúp đỡ chính Ngài.  Ngài đang ở nơi những ai cần giúp đỡ, nơi các thành viên trong gia đình tôi, nơi các đồng nghiệp; nơi ông chủ khó tính hoặc các bạn cùng lớp của tôi hoặc ngay cả nơi những người ăn xin hôi hám.

Thật đáng sợ khi nghĩ rằng những con dê hư mất không nhất thiết là “người xấu.”  Họ không bị khiển trách vì đã làm điều ác.  Chúa không buộc tội họ gây chiến tranh, buôn người hay khủng bố; đúng hơn, Ngài trách họ về tội thiếu sót, những điều họ không làm, “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn…”  Bạn và tôi có thể nghĩ mình là những Kitô hữu tốt vì không gian lận, không xem phim xấu hay bỏ lễ Chúa Nhật; nhưng việc bác ái từ thiện cũng rất quan trọng.  Hãy làm những việc này mà không bỏ bê những việc khác.

Anh Chị em,

“Như mục tử tách biệt chiên với dê.”  Bênêđictô XVI nói, “Nếu thực hành tình yêu thương người lân cận theo sứ điệp Tin Mừng, chúng ta sẽ nhường chỗ cho quyền thống trị của Chúa Kitô và Vương Quốc Ngài được hiện thực hoá giữa chúng ta.  Thay vào đó, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến lợi ích riêng mình thì thế giới sẽ chỉ có thể sụp đổ!”  Hãy giàu có không chỉ về của cải mà còn về lòng đạo đức; không chỉ bằng vàng mà còn cả đức hạnh!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con kết thúc đời mình với lũ dê trong ngày phán xét.  Giúp con đi vào con đường một chiều yêu thương ngay hôm nay mà không cần vé khứ hồi!”  Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

ĐỈNH CAO TẠ ƠN

“Thấy mình được khỏi, anh liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.”

“Hãy đặt trái tim vào những gì bạn đang tận hưởng, dẫu trọn vẹn hay không trọn vẹn; cho dù những thứ ấy chỉ là những thứ thuộc về thời gian.  Nhưng những lời ngợi khen, cảm tạ dâng lên Đấng Ban Ơn là những gì vượt quá thời gian; và nếu tháp nhập với Đức Kitô, nó sẽ trở thành ‘đỉnh cao tạ ơn!’”

Elisabeth Elliot.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tháp nhập với Đức Kitô, nó sẽ trở thành ‘đỉnh cao tạ ơn!’”  Ý tưởng của Elliot được gặp lại qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay!  Một trong những người cùi được lành quay trở lại tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa.

Trong tiếng Hy Lạp, để biểu lộ lòng biết ơn ai, người ta nói “EuXaristia”, “Tạ Ơn”; “EuXaristia” còn có nghĩa là “Thánh Thể.”  Như thế, cử hành Thánh Thể hay tham dự Thánh Thể là hành vi tạ ơn đúng nghĩa nhất, cao cả nhất; Thánh Thể là ‘đỉnh cao tạ ơn’ vậy!

Luca nói đến mười người phong cùi nghèo hèn, những con người mà hy vọng duy nhất còn lại của họ là lòng thương xót của Thiên Chúa, “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!”  May thay, lời họ cầu xin được nhậm, Chúa Giêsu chữa lành tất cả.  Và họ ‘tiếp tục bước đi trên con đường của họ,’ lòng hỷ hoan với quà tặng vừa lãnh nhận.  Tuy nhiên, một người trong họ quay trở lại để tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa; và điều này khiến Chúa Giêsu vừa ngạc nhiên, vừa thất vọng, “Không phải cả mười người đều được sạch sao?  Thế thì chín người kia đâu?”  Ngài lấy làm tiếc, không phải vì đã trót làm phúc cho chín người hờ hững; nhưng tiếc vì họ không hiểu rằng, biết tạ ơn, họ sẽ được nhận nhiều hơn!

Sẽ được nhận nhiều hơn!  Một chi tiết thú vị cần lưu ý là, khi chữa lành họ, Chúa Giêsu nói, “Hãy đi trình diện với các tư tế!” nói như thế, khác nào nói, “Hãy đi dâng lễ!”  Tuyệt vời!  Chỉ một người đã khôn ngoan quay trở lại ‘trình diện’ Ngài, Tư Tế Tối Cao thánh thiện nhất.  Và ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nâng anh lên một cấp độ cao hơn, cấp độ vốn cho anh khả năng nhận được nhiều hơn.  Nhiều hơn ở đây là: Anh được cứu!  Được cứu bởi lòng thương xót, giờ đây, anh có khả năng lớn lên hơn nữa trong sự thông hiệp với Ngài!  “Communion”, “Hiệp Thông” còn có nghĩa là “Rước Lễ.”  Biết đâu, người ngoại này sẽ là môn đệ của Chúa Giêsu; “EuXaristia”, “Hiệp Thông với Thánh Thể” là ‘đỉnh cao tạ ơn’ vậy!

Anh Chị em,

“Anh liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.”  Như những người cùi, bạn và tôi có thể là những người đang lở loét thiêng liêng được Chúa Giêsu chữa lành.  Và nếu lãnh nhận quà tặng của Ngài mà không biết tạ ơn, chúng ta khác nào những người ‘tiêu thụ ân sủng’ đơn thuần mà không có khả năng ‘cho lại’ bất cứ thứ gì.  Chúa Giêsu muốn cứu chúng ta khỏi tình trạng ‘thiếu khôn ngoan’ đó.  Ngài muốn chúng ta tạ ơn, “EuXaristia!” mặc dầu “những lời ca tụng của chúng con không thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại ơn cứu độ cho chúng con.”  Vì nhờ đó, Ngài mới có thể nâng chúng ta lên cấp độ thiết thân, sâu nhiệm hơn.  Sống trong môi trường tạ ơn, ‘môi trường Thánh Thể,’  chúng ta sẽ kín múc nhiều ơn lành hơn cho linh hồn mình, cho gia đình, cho cộng đoàn và cho thế giới.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dìm con sâu hơn vào Thánh Thể, cho con yêu thích ngụp lặn trong ‘môi trường’ này; tháp nhập với Chúa, con hưởng nhận nhiều hơn những gì vượt quá thời gian!” Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

NHỮNG LỜI CHIÊM NIỆM THEN CHỐT

Gần đây tôi có dự một buổi ở Hội Suy niệm trong Ý thức, với James Finley là diễn giả chính.  Ông là chuyên gia trong lãnh vực này.  Ông đã có gần bốn mươi năm kinh nghiệm chuyên gia trị liệu, là diễn giả được nhiều nơi mời, đã viết nhiều và sâu sắc về chủ đề chiêm niệm, và khi còn trẻ có theo học mấy năm với Thomas Merton.  Ông biết mình nói gì.

Tôi muốn chia sẻ ở đây vài tư tưởng sáng suốt của ông bằng cách sắp đặt những câu then chốt, mỗi câu, khi đứng riêng tự nó đã có một giá trị, nhưng khi phối với nhau, cũng thể hiện một vài ánh sáng trên bản chất Thiên Chúa, bản chất chiêm niệm và các đấu tranh của chúng ta trong đức tin cũng như chiêm niệm.

Đây là một vài quan điểm của Finley:

Các nhà thần nghiệm là chứng nhân cho bản chất thiêng liêng hoàn hảo của hiện hữu con người, cho sự việc, rằng chúng ta được yêu thương vô bờ và được tồn tại nhờ tình yêu, có những lúc chúng ta thoáng thấy và cảm nghiệm điều này trong đời mình.  Nhà thần nghiệm là người đã được biến đổi nhờ trải nghiệm đó.

Chúng ta lo lắng là do không cảm nhận được tình yêu của Chúa ở trong lòng mình.

Tại sao chúng ta mất quá nhiều giờ để tách mình ra khỏi gia tài phong phú của cuộc sống mình, như thử mình là người ngoài cuộc, đứng bên ngoài căn nhà nhìn vào qua cửa sổ?  Hoặc tệ hơn, tại sao chúng ta ở trong nhà nhưng lại rơi vào trạng thái tâm thần, nghĩ mình đang sống ở ngoài?  Chúng ta phải làm gì để tỉnh khỏi cơn mê này trước khi từ giã cuộc đời?

Đời sống chúng ta thường xuyên chịu áp lực, do đó nhiệm vụ mãi mãi sẽ là: Giữa cuộc sống đầy áp lực của mình, làm sao chúng ta tặng cho mình một tình yêu, để tình yêu đó ôm trọn chúng ta?  Chúng ta không thể tạo ra giây phút ân sủng, nhưng có thể làm để đặt mình vào vị thế mà ở đó, chúng ta ít kháng cự nhất, để từ đó giây phút ân sủng đó có thể chiếm trọn chúng ta.

Suy niệm trong ý thức không khó tìm, nhưng đừng chạy trốn nó mới là chuyện khó.

Suy niệm trong ý thức là thấy sự việc theo bản chất của nó.  Là nghỉ ngơi trong Chúa.  Đi sâu vào suy niệm trong ý thức là ngồi như “đứa trẻ chưa biết gì,” trong một khoảng thời gian “vô niệm.”

Khi ngồi yên chúng ta học được an bình.  Chiêm niệm tùy thuộc vào lòng trung tín.  Nếu bạn trung thành với việc bạn làm, thì việc bạn làm sẽ trung thành với bạn.

Có một vài nguyên tắc đơn giản cho việc thực hành chiêm niệm.  Ngồi yên.  Ngồi thẳng.  Nhắm hay khép hờ mắt.  Thở chậm sâu tự nhiên.  Để tay thoải mái.  Rồi sẵn sàng, mở rộng lòng, và tỉnh thức: Đừng bám cũng như đừng loại bất kỳ điều gì đến trong suy nghĩ của bạn.  Khi một suy nghĩ xuất hiện, cứ để nó xuất hiện, nếu nó kéo dài, cứ để nó kéo dài, nếu nó qua đi, cứ để nó qua đi, nhưng đừng để ý nghĩ đó kéo bạn theo.  Cử động chầm chậm và nhẹ nhàng trong khi cầu nguyện – đừng thô bạo với sự yên bình của cơ thể.

Một bài tập nên theo: Vào phòng ngay trước khi mặt trời lặn, lý do duy nhất là để được ở đó với Chúa khi hoàng hôn xuống.  Đừng vướng bận bất kỳ việc gì trong đầu trừ việc nhìn ráng chiều.  Ngồi đúng một giờ trọn.  Ngồi trong sức mạnh tối thượng của buổi cuối ngày.  Ngồi trong sự tuân phục triệt để ánh sáng chập choạng.  Bạn sẽ biết được cô tịch.

Những người thường xuyên cầu nguyện thì không cầu nguyện giỏi… nhưng họ trở nên người nhờ cậy Thiên Chúa để làm cho lời cầu nguyện của họ được nên tốt.  Và những người thường xuyên cầu nguyện, sẽ như tất cả những người khác, tiếp tục trải nghiệm nỗi buồn và cái chết, nhưng nỗi buồn và cái chết không còn là bạo chúa hành hạ họ.

Có một sự khác biệt giữa “dịu ngọt” tâm hồn và “an ủi” tâm hồn.  “Dịu ngọt” là cảm giác tốt đẹp khi cầu nguyện, “an ủi” là cảm nhận tâm hồn bạn được mở rộng (và vì thế có thể đau khổ).

Tôi trích lại đây lời của Gabriel Marcel: Chúng ta biết mình yêu ai đó khi thoáng thấy nơi người đó một điều gì quá đẹp đến có thể chết được.

Còn thánh Têrêxa Avila nói:

– Khi bạn chạm đến mức cao nhất của trưởng thành nhân bản, bạn sẽ chỉ có một câu hỏi:  Tôi sẽ có ích đến đâu.

– Tình yêu nghĩa là hai người ngồi trong phòng và nói chuyện với nhau. Dù cả hai đều chẳng biết nói gì, nhưng đều nhận biết nhau.

Tại sao Phật tử nói về “vô niệm” khi nói đến quan niệm về Thượng đế?  Họ nói như vậy để nhắc đến sự tối đơn giản của Thượng đế, nghĩa là một Thượng đế có trước tất cả mọi dấu hiệu nhận biết về Ngài.  “Vô niệm” là đứng trước sự khôn tả thấu của Thiên Chúa, hoàn toàn bị chiếm trọn bởi một sự quá trọn vẹn.

Làm sao chúng ta có thể giúp đỡ cho những ai đang đau khổ, nếu chúng ta cảm thấy mình bất lực không làm được chuyện đó?  Khi người ta chia sẻ sự yếu đuối mong manh và nỗi đau của mình với người biết lắng nghe thật sự, thì chính người lắng nghe đang hé mở “viên ngọc quý” trong chính tâm hồn họ.

Và vẫn còn nữa:

Lòng quảng đại của Đấng Vô Hạn là vô hạn.  Giữa những chuyện khác, lời này có nghĩa chúng ta phải trao ban chính mình cho một sự chính truyền quảng đại.

Không để cho Thiên Chúa biết mình là giữ quá nhiều chuyện cho riêng mình!

Với Thiên Chúa, chỉ một chút chân thành là đi được cả một con đường dài!

Rev. Ron Rolheiser, OMI

TỬ ĐẠO – NGƯỜI LÀM CHỨNG

Thật là lạ lùng khi mà các bài đọc trong Thánh lễ mừng các Thánh Tử Đạo hôm nay lại chỉ toàn nói đến niềm vui.  Đặc biệt là lời đáp trong Thánh Vịnh hôm nay: “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.  Vậy đâu là lý do để Giáo Hội chọn những bài đọc này?

Nếu cứ theo cách nghĩ của người đời thì làm sao có thể ca lên lời Thánh Vịnh nói trên, khi mà trong suốt gần 300 năm bị bách hại, người Công Giáo Việt Nam đã phải trải qua biết bao nhiêu gian nan thử thách: nào là gông cùm, tù tội, nào là đòn vọt, xích xiềng…  Với 6 triều vua cùng 53 sắc dụ cấm đạo đã cướp đi mạng sống của trên 130 ngàn người Công Giáo.  Họ đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ niềm tin của mình.

Có lẽ, không chỉ giáo đoàn Việt Nam, mà trong suốt dọc dài của lịch sử Giáo Hội, người tín hữu Chúa Kitô dường như đều gắn liền với những cuộc bách hại.  Trong thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu cũng bị bách hại dữ dội, thế nhưng các ngài vẫn không hề nao núng.  Sách Công vụ Tông Đồ thuật lại rằng, mặc dù bị đánh đập, hành hạ, nhưng khi các Tông đồ ra khỏi hội đường của người Do Thái thì “lòng đầy hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu Kitô.”

Cũng vậy, các thánh Tử Đạo Việt Nam – cha ông chúng ta – đã cảm thấy hãnh diện vì được chịu khổ nhục vì đạo Chúa.  Không những thế, các ngài còn đón nhận những hình khổ cũng như cái chết một cách vui mừng, mà không một chút nao núng, như trường hợp của Thánh Phêrô Đoàn Công Quý: “Dù trăng trói, gông cùm tù rạc, Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề.  Miễn vui lòng cam chịu một bề.  Cho trọn đạo trung thần hiếu tử.”; hay trường hợp của Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc: “Đông qua tiết lại thời xuân tới.  Khổ tạm mai sau hưởng phúc an.  Làm kẻ anh hùng chi quản khó.  Nguyện xin cùng gặp chốn thanh nhàn.”

Đã có một thời, thậm chí ngay cả ngày hôm nay, nhiều người không cùng niềm tin với chúng ta vẫn còn tỏ ra dè dặt về danh xưng “Tử Đạo.”  Có lẽ vì hai chữ “Tử Đạo” dễ khiến người ta liên tưởng đến những cuộc thánh chiến hay những cuộc đánh bom tự sát chăng?

Nhưng đối với trường hợp của các thánh Tử Đạo Việt Nam thì không như vậy.  Mặc dù các ngài ở những bậc sống khác nhau, xuất thân từ những môi trường không giống nhau: có vị là Giám mục, có vị là linh mục, rồi thầy giảng, trùm trưởng, giáo dân; thậm chí có vị còn nắm giữ những trọng trách trong triều đình như Thánh Micae Hồ Đình Hy.  Tuy nhiên, các ngài đều có một điểm chung đó là tình mến Chúa thiết tha và lòng yêu mến quê hương nồng nàn.  Cái chết của các ngài không hề mang màu sắc của sự thù hận, nhưng phát xuất từ một niềm tin, như lời Thánh Micae Hồ Đình Hy: “Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước.  Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô.”

Nguyên ngữ của chữ Tử Đạo (Martyr) có nghĩa là “Người làm chứng.”  Ngày hôm nay, có lẽ không còn những cuộc bách hại đẫm máu, những tra tấn, gông cùm, tù tội…, hoặc ít ra là không gắt gao như thời của các Thánh Tử Đạo – cha ông chúng ta.  Tuy nhiên, người tín hữu sống đạo hôm nay, vẫn phải đối mặt với muôn vàn thử thách.

Văn hóa thực dụng và lối sống hưởng thụ thời nay, một cách nào đó, đã và đang cản trở chúng ta thực thi các đòi hỏi của Tin Mừng.  Giữa thế giới văn minh, tiện nghi, việc đạo được nhiều thuận lợi, biết đâu, có khi chúng ta lại dễ dàng chối bỏ niềm tin của mình?  Đó là khi chúng ta sống ích kỷ, chỉ chăm lo đến ốc đảo của riêng mình; đó là khi chúng ta bỏ qua lời thề ước của hôn nhân để ngoại tình; đó là khi những người mẹ giết con bằng hành vi phá thai; đó là khi những người trẻ sống một cách buông thả; đó là khi chúng ta coi trọng những cuộc nhậu nhẹt say sưa hơn là các giờ kinh lễ; đó là khi chúng ta chia rẽ, hận thù và phá vỡ mối giây hiệp nhất trong cộng đoàn…

Làm sao để chúng ta có thể vẫn ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, là điều không hề đơn giản.  Chúa muốn chúng ta là nắm men vùi trong đống bột.  Men không được tách khỏi bột, và men cũng không được biến chất thành bột . Bởi vì nếu như thế, men sẽ trở nên vô ích.  Cũng như muối mà mất đi chất mặn thì chỉ còn cách đổ ra đường để cho người ta chà đạp lên…

Sẽ khó có thể nói được rằng Tử đạo ở thời nào hay nơi nào khó hơn.  Bởi vì, mỗi thời, mỗi nơi, đều có những khó khăn thử thách riêng.  Các vị Tử đạo cha ông chúng ta, đã phải hứng chịu những bách hại, đặc biệt là những gian khổ về mặt thể lý, như đòn vọt, gông cùm, tù tội… còn chúng ta ngày hôm nay, mặc dù không chịu những thử thách tương tự, thế nhưng để giữ đạo và sống đạo cho đúng với ơn gọi làm người Kitô hữu của mình, chúng ta đã phải tử đạo mỗi ngày, mà người ta vẫn gọi là “những người tử đạo trắng.

Người Kitô hữu sống đạo hôm nay được kể như người đang “lội ngược dòng đời.”  Đang khi thế gian chạy theo tiền bạc và hưởng thụ, tìm mọi cách để vun vén cho bản thân, chúng ta lại được mời gọi sống cho tha nhân, và mưu cầu hạnh phúc cho người khác.  Đang khi cuộc sống hôm nay đầy dẫy những lọc lừa, gian dối, chúng ta lại được mời gọi sống ngay thẳng và làm chứng cho sự thật.  Đang khi thế gian coi nhẹ phẩm giá con người, chúng ta được mời gọi tôn trọng sự sống và bảo vệ những mầm sống đó ngay từ những giây phút đầu tiên trong thai bào.  Đang khi mối quan hệ gia đình, sự thủy chung trong đời sống vợ chồng ngày một trở nên lỏng lẻo, chúng ta lại được gọi mời sống trung thành với nhau cho đến chết…  Và mỗi lần sống như thế, là mỗi lần chúng ta tử đạo.

Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, mỗi người chúng ta đều được mời gọi trở nên những chứng nhân cho Đức Kitô qua đời sống yêu thương phục vụ.  Nhờ đó, Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô sẽ được lan tỏa đến tận cùng trái đất.

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời!  Chúa đã hy sinh mạng sống mình vì lòng yêu mến Chúa Cha và yêu thương loài người chúng con.  Xin hãy dạy chúng con biết đáp đền tình yêu lớn lao ấy bằng chính cuộc sống chứng tá của chúng con.  Xin cho chúng con giữ được vị mặn của muối, và độ nồng của men, để đem đến cho cuộc đời này một sức sống mới.  Amen!

Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

SIÊNG NĂNG VÀ BIẾNG NHÁC

Giữa những toan tính bon chen của cuộc sống hằng ngày, vào lúc cuối năm, Phụng vụ nhắc chúng ta đừng quên tính sổ với Chúa, để “kết toán” những gì chúng ta đã sống, đã hành động, đồng thời đừng quên ơn mà chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa.  Những ơn đó cũng chính là số vốn mà Chúa trao cho chúng ta quản lý và sinh lợi.  Có những người sử dụng ơn Chúa ban một cách siêng năng và sinh lợi gấp nhiều lần, nhờ vậy mà được ban thưởng; nhưng cũng có những người biếng nhác, chẳng chịu làm gì, để rồi bị chúc dữ và chịu án phạt.  Vào lúc năm cùng tháng tận, chúng ta cần suy xét cuộc đời, nhờ đó, xác định hướng đi, với hy vọng đạt tới hạnh phúc vào lúc cuối cuộc đời.

Bài Tin Mừng hôm nay được đặt vào ngữ cảnh một chuỗi những bài giảng về cánh chung, tức là ngày tận thế.  Chúa Giêsu đã giáo huấn bằng 5 dụ ngôn liên tiếp, đó là dụ ngôn về đại hồng thủy (Mt 24,37-42); về kẻ trộm ban đêm (Mt 24,43-44); về người đầy tớ trung tín (Mt 24,45-51); về mười cô trinh nữ (Mt 25,1-13).  Như vậy, dụ ngôn những nén bạc (Mt 25,14-30) là dụ ngôn cuối cùng của chuỗi dụ ngôn này, trước khi Chúa nói về cuộc phán xét chung (Mt 25,31-46).

Thật hiếm thấy tác giả Tin Mừng dùng ngôn ngữ của thương mại để diễn tả giáo huấn của Chúa Giêsu.  Nên lưu ý, trong tiếng Anh và tiếng Pháp, chữ “Talent” vừa có nghĩa là “yến bạc” hoặc đơn vị tiền tệ, vừa có nghĩa là “tài năng.”  Một tác giả đã nghiên cứu lịch sử và lượng giá một “Talent” hay một yến bạc thời Chúa Giêsu tương đương với thu nhập của 15 năm đối với một người lao động bình thường.  Dụ ngôn muốn nói với chúng ta, những gì chúng ta có được, kể cả tài năng và của cải, đều là Chúa trao cho chúng ta quản lý và sinh lợi.  Sẽ đến lúc chúng ta phải tường trình về cách sử dụng những tài năng và của cải đó.

Ông chủ trong dụ ngôn vừa khôn ngoan và vừa quảng đại.  Ông khôn ngoan vì biết khả năng của mỗi đầy tớ.  Ông quảng đại vì không hề ra điều kiện buộc phải sinh lợi bao nhiêu với số vốn đã trao.  Ông chủ chính là hình ảnh Thiên Chúa.  Ngài ban cho chúng ta những yến bạc, những tài năng để chúng ta sinh lợi.  Người ban nhiều hay ít là tùy theo khả năng của mỗi người.  Chúa trao cho chúng ta sức khỏe, trí thông minh, hoàn cảnh gia đình, bạn bè và những điều kiện thuận lợi.  Đó là vốn liếng chúng ta được nhận từ Chúa và chúng ta có bổn phận phải sinh lợi.  Sau khi trao phó của cải cho các đầy tớ, ông chủ đi xa lâu ngày.  Thiên Chúa cũng dường như vắng bóng trong cuộc đời của chúng ta.  Chúng ta không nhìn thấy Ngài.  Nhưng chắc chắn có ngày Ngài đến để thanh toán sổ nợ với chúng ta.  Người Kitô hữu tin rằng đó là lúc sau hết của cuộc đời con người.  Khi ấy, Thiên Chúa sẽ đến gặp gỡ chúng ta và chúng ta phải trả lời trước mặt Chúa về số vốn được trao.

Người đầy tớ thứ nhất và thứ hai được ông chủ khen là “tài giỏi và trung thành,” vì họ đã làm lợi gấp đôi số vốn được trao.  Khi tuyên bố: “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh,” ông chủ đã đưa anh từ địa vị đầy tớ lên ngang hàng với ông chủ, không còn phân biệt “chúa-tôi” nữa.  Nói cách khác, nhờ sự trung thành và cần mẫn, hai người đầy tớ đã thoát khỏi thân phận nô lệ mà trở nên như con cái của ông chủ, được cho hưởng niềm vui và vinh quang.  Đây cũng là mạc khải Kitô giáo về ý nghĩa và phẩm giá con người.  Những ai tin vào Chúa Giêsu và thực hành giáo huấn của Người sẽ trở nên những nghĩa tử của Thiên Chúa.  Sau khi kết thúc cuộc sống đời này, họ được đón nhận vào nhà Chúa để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.  Họ không còn phải than khóc, buồn sầu, nhưng được hưởng niềm vui trọn vẹn mà Thiên Chúa dành cho những ai yêu mến và phụng sự Ngài.

Thân phận của người đầy tớ thứ ba thì lại không được như thế.  Anh bị ông chủ mắng là “vô dụng, xấu xa và biếng nhác.”  Anh không thật tâm với ông chủ.  Bằng chứng là mặc dù anh chịu ơn ông chủ, nhưng trong đầu óc của anh luôn nghĩ xấu về chủ mình.  Những nhận định của anh về ông chủ vừa thiếu thiện chí vừa mang tính vu khống: “Tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi…”  Tại sao lại nói ông chủ là người “gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi” trong khi chính ông chủ đã trao tận tay anh ta một yến bạc để làm vốn?  Hơn nữa, trong khi hai người đầy tớ trước rất tự tin nói với ông chủ: “Ông đã trao cho tôi năm (hai) yến, tôi đã gây lời được năm (hai) yến khác đây,” thì anh đầy tớ lười nhác này lại nói với ông chủ: “Của ông vẫn còn nguyên đây này!”  Cách nói “Nén bạc của ông” và “Của ông vẫn còn nguyên” ở câu 25 cho thấy người đầy tớ xấu xa và lười nhác chưa bao giờ coi số vốn đó là như của mình, để rồi anh quan tâm làm cho sinh lợi.  Anh là người vô trách nhiệm và thiếu thiện chí.  Một điều nhỏ nhất anh có thể làm được mà anh cũng bỏ không làm, đó là đem gửi số bạc đó vào ngân hàng để hưởng lợi.  Anh đáng khiển trách không phải vì đã làm điều xấu, nhưng vì anh biếng nhác không chịu làm gì.  Hơn thế nữa, anh còn có lối suy nghĩ không tốt về chủ mình, người chủ đã tin tưởng trao vốn cho anh một yến bạc, dù biết khả năng anh khiêm tốn.  Hình phạt cho anh đã rõ ràng và thích đáng: anh bị tước mất một yến bạc được trao phó và bị tống ngục.  Ngục giam ở đây được trình bày như một nơi tăm tối và khóc lóc, là nơi thiếu vắng tình yêu.  Đó chính là cách diễn tả hỏa ngục theo niềm tin của Do Thái giáo.

Siêng năng là một đức tính cần thiết trong đời sống Đức Tin cũng như trong đời sống xã hội.  Tác giả sách Châm ngôn diễn tả sự siêng năng qua chân dung một người phụ nữ đức hạnh.  Nàng biết miệt mài làm việc trong gia đình.  Nơi nàng, người chồng đặt niềm tin tưởng hoàn toàn.  Nàng luôn biết quan tâm đến những người xung quanh, mang cho họ niềm vui và nụ cười (Bài đọc I).  Đó là vẻ đẹp nội tâm, vượt xa những vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài.

Siêng năng cũng mang một khuôn mặt khác là tỉnh thức.  Vâng, chúng ta cần tỉnh thức, vì cuộc sống này chính là một cuộc chờ đợi không ngừng.  Chúa sẽ đến vào giờ chúng ta không ngờ, ngay cả lúc người ta nghĩ là yên ổn và an bình.  Hãy tỉnh thức và sống tiết độ, đó là lời khuyên của Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Thessalonica (Bài đọc II).  Đó cũng là thông điệp mà Giáo Hội gửi đến chúng ta trong những ngày cuối năm này.

Bốn điều mà thế hệ trẻ nên suy gẫm:

– Thất bại là gì?  Bỏ cuộc là thất bại lớn nhất.

– Kiên cường là gì?  Một khi bạn đã kinh qua gian khó, uất hận và thất vọng, chỉ khi đó bạn mới hiểu được kiên cường là gì.

– Nghĩa vụ của bạn là: Siêng năng hơn, chăm chỉ hơn, và tham vọng hơn người khác.

– Chỉ kẻ ngu muội mới dùng miệng để nói.  Người thông minh dùng trí óc, và người sáng suốt dùng trái tim (Samuel Johnson).

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

THƯỚC ĐO ĐỨC TIN

“Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi!”

Tại một miền quê khá yên tĩnh, một mục sư tận tụy phục vụ, dù con số giáo dân thật ít ỏi.  Năm này qua năm khác, sứ vụ của ông xem ra khá đơn điệu.  Chỉ sau nhiều năm, ông mới biết, một trong những người mà ông đã chinh phục cho Chúa Kitô là Charles Spurgeon, mệnh danh “Hoàng Tử của Các Nhà Truyền Giáo.”  Spurgeon đã đem về cho Chúa hàng vạn linh hồn.  “Không có giới hạn nào cho những điều tốt mà một người có thể làm, nếu người ấy không quan tâm đến phần thưởng!”

Kính thưa Anh Chị em,

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay không dựa trên thái độ của ‘chủ’ nhưng dựa trên thái độ của ‘tớ,’ thái độ phục vụ!  Chúa Giêsu cho biết, đó chính là ‘thước đo đức tin’ của người môn đệ.  ‘Tớ’ phải hoàn thành nhiệm vụ mà không mong đợi phần thưởng của ‘chủ.’

Chúa Giêsu tiết lộ điều này bằng một dụ ngôn, mà thoạt đầu, gây bối rối: một ông chủ hống hách và thờ ơ.  Nhưng chính thái độ khô khốc ‘chủ tớ’ của ông lại làm nổi bật sự nhu mì nơi người đầy tớ.  Đây là cách bày tỏ đức tin bạn và tôi cần có đối với Chúa: khiêm tốn phục vụ, không tính toán hay viện cớ mình đã làm được điều này điều kia.

“Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng” diễn tả sự khiêm nhường và sẵn lòng, mang lại nhiều lợi ích cho Giáo Hội và thế giới từ những con người thầm lặng.  Nếu tôi tớ phải hoàn thành bổn phận của họ, thì chúng ta, môn đệ Giêsu, phải hoàn thành sứ mệnh Ngài trao biết bao!  Chúng ta sẽ làm tất cả cách hân hoan, vui vẻ; vì lẽ, bất cứ điều gì chúng ta có, chúng ta là, đều đã là quà tặng của Thiên Chúa và chúng đến từ Ngài.

Đối với những người có đức tin, mọi sự đều là dấu chỉ; đối với những người yêu thương, mọi thứ đều là quà tặng!  Làm việc cho Vương Quốc đã là một phần thưởng lớn lao; do đó câu nói “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng” không nên được giải thích với sự chán nản hay buồn bã, nhưng đó phải là tâm tình của một môn đệ đầy tràn niềm vui thực sự khi biết mình được mời cộng tác với Chúa trong tiến trình cứu độ của Ngài.  Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa!”  Thế thôi!

Đức Bênêđictô 16 nói, “Nếu chúng ta phục vụ ý muốn của Thiên Chúa với lòng khiêm tốn, không đòi hỏi bất cứ điều gì từ Ngài, thì chính Chúa Giêsu lại phục vụ chúng ta, giúp đỡ chúng ta, khích lệ chúng ta; Ngài ban cho chúng ta sức mạnh và sự thanh thản!” Bài đọc khôn ngoan hôm nay viết, “Ai trung thành, sẽ được Chúa yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn!”  Sự trung thành tin yêu đó là ‘thước đo đức tin’ của người môn đệ!

Anh Chị em,

“Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi!”  Phục vụ Thiên Chúa, bạn và tôi đừng bao giờ nghĩ mình đang ‘làm ơn’ cho Ngài!  Đó không phải là một hành động ‘rộng lượng’ từ phía chúng ta mà là ‘rộng lượng’ từ phía Ngài!  Chúa chẳng hề nợ ai!  Như Mẹ Maria, bạn và tôi xem những gì Chúa trao là một ân phúc trọng đại; và coi đó là ‘phương tiện’ nhanh nhất Chúa ban để chúng ta cất bước trên lộ trình hướng tới đỉnh trọn lành.  Hiểu được Chúa là ai, chúng ta sẽ không bao giờ ngần ngại làm tôi tớ, thậm chí là nô lệ Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thông thường, ‘chưa làm, con đã đòi thưởng.’  Dạy con làm điều tốt một cách không giới hạn, chẳng màng quan tâm đến việc thưởng khen chốn bụi trần này!” Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

LUYỆN NGỤC Ở ĐÂU TRONG KINH THÁNH

Đã bao giờ có ai hỏi bạn rằng tại sao người Công giáo lại tin có Luyện Ngục khi người đó vui vẻ nói rằng Luyện Ngục không có trong Kinh Thánh?  Vậy tại sao tín nhân Công giáo có thể tin có Luyện Ngục khi không tìm thấy chữ “Luyện Ngục” trong Kinh Thánh?

Người đó đúng, trong Kinh Thánh không thấy chữ “Luyện Ngục” nào.  Là người Công giáo, bạn trả lời thế nào?  Có ba điều cần biết để trả lời.

1. DÙNG TÍNH LOGIC CỦA CÂU HỎI ĐỂ NÓI VỚI HỌ

Giả định trong câu hỏi là nếu điều gì đó không tìm thấy trực tiếp trong Kinh Thánh thì Kitô hữu chúng ta không nên tin điều đó.  Kiểu suy nghĩ này là hệ quả của giáo điều Tin Lành về Sola Scriptura – Duy Kinh Thánh, họ cho rằng chỉ có Kinh Thánh là tất cả những gì tín nhân cần để xác định giáo lý và giáo điều đúng đắn.  Họ cho rằng điều đó làm cho tín nhân Công giáo sai lầm khi tin có Luyện Ngục, bởi vì chữ “Luyện Ngục” không có trong Kinh Thánh.

Vậy làm thế nào để biến logic của họ chống lại họ?  Tôi hỏi họ xem họ có bao giờ nghe nói bàn thờ trong nhà thờ của họ hay không.  Nếu họ nói có, tôi yêu cầu họ chỉ cho tôi nơi các chỗ bàn thờ được đề cập trong Kinh Thánh.  Nhưng họ không thể dẫn chứng.  Sau đó, tôi hỏi họ có đến nhà thờ vào đêm thứ Tư hay không.  Tôi không biết các nơi khác thế nào, nhưng ở miền Nam, đêm thứ Tư là đêm nhà thờ của những người theo đạo Tin Lành.  Nếu họ nói có đến nhà thờ vào đêm thứ Tư, tôi yêu cầu họ chỉ cho tôi việc thực hành đó được đề cập ở chỗ nào trong Kinh Thánh.  Họ không trả lời được.  Cuối cùng, tôi hỏi họ có tin vào Chúa Ba Ngôi hay không. Tất nhiên họ tin vào Chúa Ba Ngôi.  Vì thế, tôi hỏi: “Bạn có thể chỉ cho tôi chữ ‘Ba Ngôi’ ở chỗ nào trong Kinh Thánh?”  Họ không trả lời được.

Tuy nhiên, chắc chắn họ sẽ nói rằng Chúa Ba Ngôi thực sự có trong Kinh Thánh.  Chúa Cha được nhắc đến.  Chúa Con được nhắc đến.  Chúa Thánh Thần được nhắc đến.  Khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, cả ba ngôi vị của Chúa Ba Ngôi đều hiện diện.  Tôi nói: “Vì vậy, mặc dù chữ ‘Ba Ngôi’ không được đề cập trong Kinh Thánh, nhưng khái niệm về Chúa Ba Ngôi vẫn có trong Kinh Thánh, điều này khiến các tín nhân tin được chứ?”  Tôi luôn nhận được câu trả lời xác định.  Đó là cách tôi lý luận để họ thấy khái niệm về Luyện Ngục trong Kinh Thánh.

2. SÁCH SAMUEL

Tôi thích bắt đầu từ 2 Sm 12:13-18.  Sách này ghi:  Bấy giờ vua Đavít nói với ông Nathan: “Tôi đắc tội với Đức Chúa.”  Ông Nathan nói với vua Đavít: “Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết.  Thế nhưng vì trong việc này ngài đã cả gan khinh thị Đức Chúa, nên đứa trẻ ngài sinh được, chắc chắn sẽ phải chết.”  Rồi ông Nathan trở về nhà.  Vua Đavít cầu khẩn Thiên Chúa cho đứa trẻ, vua ăn chay nhiệm nhặt, và khi về nhà ngủ đêm thì nằm dưới đất.  Các kỳ mục trong nhà của vua nài nỉ xin vua trỗi dậy, nhưng vua không chịu và cũng chẳng ăn chút gì với họ.  Đến ngày thứ bảy, đứa bé chết.  Triều thần vua Đavít sợ không dám báo tin cho vua biết là đứa bé đã chết, vì họ bảo nhau: “Khi đứa trẻ còn sống, chúng ta đã nói với đức vua và người đã không nghe chúng ta.  Bây giờ làm thế nào để nói với người là đứa bé đã chết?  Hẳn người sẽ làm liều!”

Chúng ta thấy gì ở đây?  Vua Đavít phạm tội – ngoại tình và giết người.  Ông nhận ra mình đã phạm tội, ông ăn năn và được tha thứ – Chúa “xóa bỏ” tội lỗi của ông.  Tuy nhiên, ông nhận hình phạt về tội lỗi của mình sau khi ông được tha thứ – đứa con chết.

Nguyên Tắc Kinh Thánh Công giáo 1 – có thể bị trừng phạt vì tội lỗi ngay cả khi người ta đã được tha thứ.  Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang Tân Ước.  Kh 21:27 nói: “Tất cả những gì ô uế cũng như bất cứ ai làm điều ghê tởm và ăn gian nói dối, đều không được vào thành, mà chỉ có những người có tên ghi trong Sổ trường sinh của Con Chiên mới được vào.”  Điều này đề cập Giêrusalem Mới – Thiên Đàng.

Nguyên Tắc Kinh Thánh Công giáo 2 – không có gì ô uế, nói cách khác là không có dấu vết tội lỗi, sẽ được vào Thiên Đàng.

Dt 12:22-23 nói: “Nhưng anh em đã tới núi Sion, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ.  Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời.  Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện.”

Nguyên Tắc Kinh Thánh Công giáo 3 – có một cách, một quá trình, qua đó tinh thần của những người “công chính” được “hoàn thiện.”

Cuối cùng, tôi dùng 1 Cr 3:13-15: “Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng.  Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người.  Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng.  Còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt.  Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa.”

Sau khi chết, nơi nào người ta được thử nghiệm các công việc của mình, và có thể mất mát – như qua lửa, nhưng vẫn được cứu độ?  Hỏa Ngục chăng?  Không, một khi bạn ở trong Hỏa Ngục thì bạn không thể thoát ra.  Thiên Đàng chăng?  Không, bạn không mất mát như qua lửa trên Thiên Đàng.  Vậy thì phải ở một nơi khác.

Nguyên Tắc Kinh Thánh Công giáo 4 – có một địa điểm, hoặc trạng thái tồn tại, không phải là Thiên Đàng hoặc Hỏa Ngục.

Bây giờ, chúng ta hãy tóm tắt bốn nguyên tắc Kinh Thánh Công giáo như sau: Có thể bị trừng phạt vì tội lỗi ngay cả khi người ta đã được tha thứ.  Không có dấu vết tội lỗi sẽ được vào Thiên Đàng.  Có một số cách, hoặc một quá trình, nhờ đó mà linh hồn của những người công bình được hoàn thiện.  Có một nơi ngoài Thiên Đàng và Hỏa Ngục, nơi mà bạn có thể chịu mất mát sau khi chết, nhưng vẫn được cứu độ, nhưng chỉ như qua lửa.  Bạn đặt tất cả các nguyên tắc đó lại với nhau, và về bản chất, bạn vừa mô tả giáo huấn của Công giáo về Luyện Ngục.  Kết luận: Luyện Ngục có trong Kinh Thánh.

3. CHÚNG TA CÓ THỂ HOÀN HẢO NGAY BÂY GIỜ?

Vượt ra ngoài Kinh Thánh, bạn có thể thêm vào cái mà tôi gọi là viễn cảnh thông thường về Luyện Ngục – điều 3.  Nó thế này: Hãy hỏi: Hiện tại bạn có hoàn hảo hay không?  Về mọi mặt – thể chất, tinh thần, cảm xúc và tinh thần – bạn có hoàn hảo hay không?  Bạn có vướng mắc tội lỗi gì hay không?  Bạn chưa bao giờ có ý nghĩ xấu, nói lời xấu, làm điều gì đó không nên hoặc không làm điều gì đó nên làm?  Bạn có bao giờ bị bệnh?  Tôi đã hỏi rất nhiều người như thế và chưa bao giờ có ai nói với tôi rằng họ hoàn hảo!

Tôi nói: “Vậy là bạn không hoàn hảo.  Giả sử bạn chết ngay lúc này và được lên Thiên Đàng.  Bạn sẽ được hoàn hảo trên Thiên Đàng chăng?”  Những người Tin Lành luôn trả lời: “Vâng, tôi sẽ hoàn hảo trên Thiên Đàng.”

Chắc chắn là vậy.  Bạn sẽ hoàn toàn hiệp nhất với Thân Thể của Đức Kitô, không còn tội lỗi, không còn đau đớn, không còn đau khổ, không còn bệnh tật.  Linh hồn của bạn sẽ không còn tội lỗi và thể xác của bạn – sau khi phục sinh từ cõi chết – sẽ ở trong trạng thái vinh quang.  Bạn sẽ là người hoàn hảo trên Thiên Đàng.

Sau đó, tôi yêu cầu họ suy nghĩ về những gì họ vừa thừa nhận.  Bạn chết không hoàn hảo; nhưng bạn vào Thiên Đàng hoàn hảo.  Làm thế nào mà điều đó xảy ra?  Giữa lúc chết và lúc được vào Thiên Đàng, phải có một quá trình nào đó mà linh hồn của “những người công chính được nên hoàn thiện.” (Dt 12:23) N hững điểm không hoàn hảo của bạn được “thanh lọc” khỏi bạn.  Tôi bảo người Tin Lành gọi quá trình đó là bất cứ thứ gì họ muốn, nhưng quá trình đó là cái mà người Công giáo chúng ta gọi là “Luyện Ngục.”

John MartignoniTrầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

ĐỨC KHÔN NGOAN

“Khôn ngoan”, trong từ điển Tiếng Việt được định nghĩa là “khéo léo trong việc cư xử với mọi người.”  Từ điển Wikipedia lại giải thích dài hơn như sau: “Sự khôn ngoan hay sự thận trọng (tiếng Latinh: prudentia, tiếng Anh: prudence) là khả năng quản trị và kỷ luật bản thân thông qua việc sử dụng lý trí.  Sự khôn ngoan được coi là một đức hạnh, và đặc biệt là một trong bốn đức hạnh cốt yếu (cùng với Can đảm, Công bằng và Tiết độ).”  Đối với thánh Tô-ma A-qui-nô, ngài coi khôn ngoan là nguyên nhân, phương pháp và hình thức của mọi đức hạnh.

Lời Chúa trong cuốn sách mang tên “Sách Khôn Ngoan” của Chúa nhật 32 hôm nay lại định nghĩa “khôn ngoan” theo một ý hướng khác.  Xin lưu ý là chữ “Khôn Ngoan” tác giả đặt ở chữ viết hoa.  Điều này cho thấy “Đức Khôn Ngoan” ở đây không theo nghĩa thông thường.  Dưới lăng kính Ki-tô giáo, Đức Khôn Ngoan chính là Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người.  Người có từ thuở ban sơ, hiện diện cùng với Thiên Chúa, để cùng Chúa Cha sáng tạo muôn loài.  Những ai thiện chí tìm kiếm Đức Khôn Ngoan thì Người sẽ cho gặp.  Đức Giê-su đã quả quyết: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28).  Hôm nay, Đức Giê-su, tức là Đức Khôn Ngoan, vẫn đang không ngừng tìm kiếm chúng ta.  Người sẽ tỏ mình ra cho chúng ta, nếu chúng ta trở nên nghĩa thiết với Người.  Người soi sáng cho chúng ta, nhờ đó chúng ta nhận ra lẽ phải để biết đối nhân xử thế một cách hài hòa.

Hiểu như thế, chúng ta sẽ nhận ra, lý tưởng đời sống Ki-tô hữu là tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, tức là Đức Ki-tô, đồng thời cố gắng mỗi ngày để nên giống như Người.  Danh xưng “Ki-tô hữu”, vừa có nghĩa “người được xức dầu”, vừa khẳng định chúng ta thuộc về Đức Ki-tô, tin vào Đức Ki-tô và phấn đấu để nên giống Đức Ki-tô trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

Một khi có Đức Khôn Ngoan hướng dẫn, chúng ta sẽ biết nhìn xa trông rộng, để sống tốt hiện tại và chuẩn bị cho tương lai.  Trên đời, có những người đạt được Đức Khôn Ngoan; nhưng cũng có người không được như vậy.  Dụ ngôn “Mười trinh nữ” được thánh Mát-thêu đặt vào văn mạch những bài giảng của Chúa Giê-su về cánh chung, tức là vào lúc tận thế.  Người ta có thể khôn ngoan trong những suy tính thế gian, nhưng chưa chắc đã khôn ngoan khi lo liệu hạnh phúc vĩnh cửu.  Những cô khờ dại chỉ nhìn trước mắt.  Họ chú ý đến trang điểm và làm duyên cầu kỳ, mà không nghĩ đến sự thận trọng và vẻ đẹp tâm hồn.  Một điều cần lưu ý là cả người khôn và người dại cuối cùng đều phải trình diện trước nhan Chúa, nhưng tương lai của họ thì hoàn toàn khác nhau.

Như chúng ta đã biết, hình ảnh tiệc cưới được Chúa Giê-su sử dụng nhiều lần trong Tin Mừng, hầu hết đều mang nội dung giáo huấn về ngày cánh chung.  Sống ở đời, chúng ta đang chuẩn bị cho ngày đó. Dù sớm hay muộn, ngày ấy cũng sẽ đến.  Nhiều người lập luận rằng: những người Công giáo cứ nói đến cánh chung từ hàng ngàn năm nay rồi, mà ngày ấy đâu có đến.  Quả thật, ngày cánh chung chưa đến, nhưng Chúa Giê-su nói với chúng ta trong câu kết của bài Tin Mừng hôm nay: “Anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào” (câu 13).  Hơn nữa, nếu ngày cánh chung hay tận thế hiểu theo nghĩa phổ quát chưa đến, thì đối với mỗi chúng ta, lúc kết thúc cuộc đời dương thế, mà chúng ta vẫn gọi là giờ chết, thì đó chính là tận thế và là ngày phán xét riêng Chúa dành cho chúng ta.  Đó là lý do vì sao chúng ta phải luôn khôn ngoan chuẩn bị cho tương lai đời mình.  Năm trinh nữ khờ dại đã không nghĩ đến chuyện đó, nên các cô đã bị lỡ.

Qua dụ ngôn “Mười trinh nữ” Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta về sự sống sau khi chết.  Chết là biến đổi sang trạng thái khác.  Đối với những ai tín trung với Chúa, chết là gặp gỡ Chúa, và là dự tiệc vui muôn đời.  Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Thê-xa-nô-ni-ca đã đưa ra lời giải thích về sự chết, để người tín hữu không còn buồn phiền bi quan.  Chúng ta kẻ trước người sau, ai cũng phải đến lúc kết thúc cuộc đời.  Nếu sống thánh thiện thì sẽ được gặp nhau mãi mãi trên quê trời.

Tháng Mười Một hằng năm được dành riêng để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất.  Dụ ngôn “Mười trinh nữ” cũng thường được đọc trong thánh lễ an táng và cầu hồn, như một lời mời gọi những ai đang sống hãy tỉnh thức và sẵn sàng.  Khi cầu nguyện cho người đã qua đời, chúng ta cũng nghĩ đến thân phận mình.  Hãy tìm kiến Đức Khôn Ngoan.  Hãy theo học với Người.  Tác giả Thánh vịnh (Đáp ca) đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, ngay từ rạng đông, con tìm kiếm Chúa.”  Ước chi mỗi chúng ta cũng khởi đầu ngày mới bằng việc tìm kiếm Chúa, tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, để chúng ta cũng được nên khôn ngoan giống như Người.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên