BÀI HỌC TỪ NHỮNG NẺO ĐƯỜNG

Vài năm trước đây, Hollywood có làm một bộ phim về cuộc đi bộ hành hương Camino ở Tây Ban Nha, tựa đề là “Những Nẻo Đường,” bộ phim thuật lại câu chuyện của người cha có người con bị chết trong một tai nạn không lâu sau khi anh vừa bắt đầu cuộc hành hương Camino dài năm trăm dặm này.  Người cha, do Martin Sheen thủ vai, đã bị đứa con mình ghẻ lạnh, nhưng khi đến Pháp, điểm khởi hành cuộc hành hương của con để nhận tro, ông thấy mình phải hoàn tất chuyến đi của con mình, với hành lý và tro của con, ông lên đường.

Ông không biết chắc vì sao mình lại lên đường, ngoài việc ông cảm thấy có một lý do nào đó, đây là điều ông phải làm cho con trai mình, và điều này, theo cách nào đó, sẽ làm rõ sự ghẻ lạnh mà đứa con đã dành cho ông, và đây cũng là điều ông phải làm để nguôi đi sầu đau trong lòng.  Dù đang ở trong tình trạng khủng hoảng và bất mãn xã hội, nhưng trên đường đi, ông được bầu bạn với ba người, mỗi người đi vì một nguyên do khác nhau.

Người đầu tiên là một người đàn ông từ Hà Lan, ông đi để giảm cân, nếu không giảm cân, vợ sẽ ly dị.  Người thứ hai là một phụ nữ Canada thuộc Pháp, bề ngoài thì đi để bỏ thuốc lá, nhưng chính ra là để vươn lên sau một quan hệ đổ vỡ.  Người thứ ba là nhà văn Ireland, lên đường trong hy vọng vượt lên ‘khối văn học khép kín’ của mình.  Như thế câu chuyện tập trung vào bốn người đồng hành không tưởng này, vì mỗi người mang trong đầu một mục tiêu riêng cho chuyến đi này.

Họ bền chí và hoàn thành cuộc hành hương, họ tới được nhà thờ chính tòa Santiago, họ thấy thói quen hàng thế kỷ của vô số khách hành hương khi đến đích đã đánh dấu mốc đến của mình, nhưng rồi họ nhận ra, họ chưa đạt được những gì họ hy vọng.  Người đàn ông Hà Lan vẫn chưa giảm được cân nào, cô người Canada – Pháp chưa thể bỏ thuốc lá, nhà văn Ireland nhận ra vấn đề thực sự của mình không phải là khối đá văn giả khép kín của mình, còn người cha trong chuyến hành hương thay cho con, thấy mình làm việc này vì các lý do khác, những lý do của riêng ông thì đúng hơn.  Không một ai trong họ có được điều mình muốn, nhưng mỗi người đều có được điều mình cần.  Những nẻo đường sự sống làm việc như nẻo đường Camino Santiago.

Tôi đã học được chính bài học này khi thực hiện cuộc đi bộ Camino một năm trước.  Tôi đến đó với một ước mơ trong lòng.  Đã sáu tháng trôi qua, sau đợt hóa trị, tôi được hồi sinh cùng nguồn sinh lực mới, đang trong kỳ nghỉ phép, tôi mong đi bộ hết con đường cổ xưa và nổi tiếng này để củng cố sức lực và tinh thần mình.  Sức của tôi đã tốt hơn đúng như tôi kỳ vọng trước khi lên đường.  Nhưng việc cơ thể mạnh lại là một con đường dài, rất dài so với nhưng gì tôi hình dung.

Và tôi mơ qua chuyến đi này, tôi có thể viết được một tác phẩm nội tâm sâu sắc, đọc một vài quyển sách thần nghiệm cổ điển, pha trộn chiều sâu thần nghiệm với sự huyền bí của tuyến đường cổ xưa này, cũng như sẽ viết được một vài bài báo, và khi trở về sẽ là người chiêm niệm có độ sâu sắc hơn.  Tôi mong là thế, nhưng các nẻo đường lại có những hướng khác cho tôi.

Vì mỗi ngày chúng tôi bỏ nhiều thì giờ ở trên đường, nên thực tế tôi không có thì giờ để đọc hay viết báo.  Đến tối, thì tôi mệt lử, không còn sức để đào sâu nội tâm.  Chính yếu là tôi chỉ muốn đi tắm và ăn một bữa ăn nóng sốt.  Quyển sách chính mà tôi mang theo, Đám Mây Vô thức vẫn còn ở đáy vali, tôi chưa giở ra trang nào.  Tôi thu xếp để mỗi ngày có vài giờ cầu nguyện riêng trên đường, nhưng đây không phải là dạng nội tâm sâu đậm mà tôi tưởng tượng.  Tôi đã tưởng tượng về những gì tôi muốn đạt đến, nhưng cũng như các nhân vật trong bộ phim trên, đó không phải là những điều tôi cần.

Con đường dạy tôi một điều khác, sâu sắc hơn, cần thiết hơn và khiêm nhượng hơn.  Điều tôi học được từ chuyến đi với ba người bạn thân chính là việc tôi nhận ra tôi là đứa con nít được nuông chiều.  Linh mục độc thân, không có những đòi hỏi bắt buộc của hôn nhân, con cái, và gia đình hơn bốn mươi năm qua, tôi nhận ra lối sống và thói quen của mình chỉ tập trung vào cái tôi và chiều theo tính riêng của tôi đến mức như thế nào.  Tôi thường nhớ lại những khoảnh khắc đời mình, ít nhất là trong nhịp sống mỗi ngày.  Chuyến đi bộ Camino dạy cho tôi biết tôi phải xác định những vấn đề của đời mình, và đó là việc cần thiết cấp bách và nghiêm trọng hơn việc đọc và hiểu quyển Đám Mây Vô thức nhiều.  Chuyến đi bộ Camino dạy tôi có một số con đường quan trọng, tôi cần phải lớn lên!

Robert Funk đã viết, ân sủng là chuyện âm thầm: Nó gây đau đớn từ bên trong, từ nơi mà chúng ta nghĩ là khó bị tổn thương nhất.  Chúng ta lập luận đạo đức để tránh nó, nhưng nó khắc nghiệt hơn những gì chúng ta nghĩ.  Và nó lại càng độ lượng hơn chúng ta nghĩ, nhưng nó không bao giờ dễ dãi lúc chúng ta nghĩ nó đáng phải dễ dãi.  Cũng như cuộc hành hương đi bộ Camino Santiago vậy.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

HỌC SỐNG HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỢNG VỚI CHÚA GIÊSU

Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.  Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.  Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng (Mt 11, 29-30).

Người đời tưởng rằng muốn trở nên hùng mạnh và thắng được người khác thì mình phải hung tợn hơn, tàn ác hơn, phải tôn mình lên và hạ bệ người khác xuống, phải dùng sức mạnh để quật ngã, phải dùng khí giới để huỷ diệt và khủng bố kẻ thù…  Nhưng nghĩ như vậy là thiển cận và sai lầm.

Lịch sử loài người đã tỏ cho thấy cho dù những bạo chúa hung tàn nhất như Nê-rô hay Tần Thủy Hoàng chẳng hạn, cũng chỉ có thể dùng cường quyền và bạo lực để chiếm lấy ngai vàng trong một thời gian nhưng không thể chinh phục được lòng người.  Những nhân vật nầy cũng chưa hề được xem là hùng mạnh, là anh dũng. Trong khi đó, lịch sử đánh giá rất cao những con người hiền lành, khiêm nhượng, ôn hoà bất bạo động như Mahatma Gandhi, Martin Luther King…  Lịch sử nhân loại nhìn nhận họ là những bậc vĩ nhân đáng ngưỡng mộ, biết dùng sự hiền hoà, bất bạo động để chiến thắng bạo tàn, biết “dùng nhu để thắng cương, biết dụng nhược để thắng cường” (Lão Tử).

Thế nên, mặc dù Chúa Giêsu có rất nhiều phẩm chất cao đẹp đáng nêu gương, nhưng phẩm chất đầu tiên mà Người kêu gọi mọi người nên học nơi Người là đức tính hiền hậu và khiêm nhường.  “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhượng.” (Mt 11, 29) và “phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp” (Mt 5, 4).

Câu chuyện sau đây minh chứng cho thấy sự hiền lành khiêm nhu có thể chiến thắng hung hăng và thô bạo.

Thời chiến quốc, vua nước Triệu phong Lạn Tương Như làm tướng quốc.  Tướng Liêm Pha cậy mình có công lớn hơn mà lại bị đặt dưới quyền Tương Như nên đâm ra căm tức, thề rằng nếu gặp mặt Lạn Tương Như là giết.

Tương Như nghe nói thế bèn tìm cách lánh mặt Liêm Pha hoài.  Một hôm, Tương Như ra đường, gặp toán lính tiền đạo của Liêm Pha đi tới, vội bảo tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra tiếp tục hành trình.

Bọn xa nhân thấy thế tức giận, bèn hỏi Tương Như: Chúng tôi tưởng ngài là bậc đại trượng phu nên đem lòng quý trọng, từ bỏ nhà cửa, xa lìa thân thích để đến đây hầu ngài.  Nay thấy ngài là tướng quốc, thứ hạng còn cao hơn Liêm tướng quân, lại để Liêm tướng quân dọa giết mà không đáp lại; ngài đã tránh mặt Liêm tướng quân ở triều đình, nay lại tránh ở ngoài đường.  Sao ngài lại sợ Liêm tướng quân quá vậy?  Chúng tôi rất lấy làm xấu hổ, vậy chúng tôi xin rút lui, không theo hầu ngài nữa.

Tương Như nói: Các ngươi xem Liêm tướng quân có oai phong, cao trọng bằng vua Tần không?”  Bọn xa nhân thưa: Không.”

Tương Như nói: Uy danh của vua Tần, thiên hạ đều kinh sợ không ai dám chống, vậy mà một mình Tương Như nầy dám mắng nhà vua giữa triều đình, lại dám làm nhục cả đám quần thần nữa.  Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm Tướng Quân ư?  Nhưng ta nghĩ sở dĩ Tần không dám đánh nước ta là vì ngại có ta và Liêm tướng quân.  Nay hai con hổ tranh nhau, tất không cùng sống.  Tần mà nghe tin ấy tất sẽ thừa cơ tiến đánh nước ta.  Sở dĩ ta chịu nhục tránh Liêm tướng quân là vì coi việc nước là trọng mà thù riêng là nhẹ đó thôi.”

Nghe vậy, bọn xa nhân quỳ mọp tâu rằng: Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm sao hiểu được đại chí của tướng công.”

Liêm Pha hay được tin nầy, cả thẹn than rằng: Ta thật còn kém Lạn Tương Như nhiều lắm, rồi trần vai áo đến trước cửa nhà Tương Như tạ tội: Tính tôi thô bạo, đội ơn tướng quốc bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá!

Tương Như đỡ Liêm Pha dậy, hai người nắm tay nhau khóc và thề nguyền kết bạn suốt đời sống chết có nhau.
(Trích “Thuật xử thế của người xưa” của Thu Giang Nguyễn Duy Cần).

Thế là bằng đường lối nhịn nhục, hiền lành và khiêm nhượng, Lạn Tương Như hoàn toàn chiến thắng và chinh phục được cả con người lẫn tâm hồn của Liêm Pha.  Đúng như Pascal nhận xét: “Người ta chỉ thực sự vĩ đại khi hạ mình quỳ xuống.”

Một trong những hình tượng rất sinh động để diễn tả sự khiêm hạ là hình tượng về nước.  Nước luôn tỏ ra mềm mỏng, dịu dàng, tránh va chạm và xô xát.  Cho dù nước có bị tấn công thô bạo, nước cũng không hề kháng cự bao giờ.

Khi người ta dùng búa tạ đập vào khối đá rắn chắc, đá dùng sự cứng rắn của mình để kháng cự lại nên bị vỡ tan.  Khi người ta dùng búa tạ giáng vào nước, nước dùng sự mềm mại dịu hiền của mình đối lại, thế là nước không hề bị sứt mẻ hư hao, còn búa thì bị chìm lỉm xuống tận đáy bùn!

Nước luôn luôn tìm chỗ rốt hết, tìm chỗ thấp mà chảy xuống, chẳng bao giờ muốn leo cao, nên nước luôn được bảo toàn.

Tuy mềm mại và luôn tìm chỗ thấp hèn như thế, nhưng nước lại có sức mạnh phi thường.

Khi có một đám cháy rừng bộc phát thiêu rụi hàng ngàn mẫu rừng nguyên sinh và trong khi bao nhiêu nỗ lực của con người với những phương tiện hiện đại nhất không tài nào dập tắt được, thì người ta chỉ còn biết cầu mưa!  Khi mưa trút xuống hàng tỉ mét khối nước thì thần hỏa mới chịu bó tay và rừng xanh mới có thể phục hồi.

Nước tuy mềm mại dịu dàng nhưng có thể bào mòn đá cứng.  Nước tuy không cánh nhưng có thể bay tới mây trời; nước không có mũi dùi mũi khoan nhưng có thể thấm nhập đến tầng sâu nhất trong lòng đất.  Nước đi đến đâu thì đem lại sự sống dồi dào cho nơi đó.

Như thế, nước tuy thấp kém, mềm mỏng, dịu hiền nhưng lại có sức mạnh vô song.

Những minh hoạ trên đây giúp chúng ta xác tín hơn vào lời dạy đầy khôn ngoan của Chúa Giêsu được trích đọc trong Tin Mừng hôm nay: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhượng.” (Mt 11, 29) và “phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp” (Mt 5, 4).

Lm. Ignatiô Trần Ngà

TÔMA: VỊ TÔNG ĐỒ QUYẾT TÌM CHÂN LÝ

Thánh Tôma là một trong những vị Tông đồ đã trở nên nguyên cớ cho nhiều vấn đề nan giải.  Dù rằng Tin Mừng trực tiếp nói đến Ngài không nhiều.  Tuy nhiên những khi Ngài xuất hiện trong những áng văn Tin mừng, đặc biệt trong Tin Mừng thứ tư, thì dường như là có sự cố gì đó.  Có thể không đầy đủ và cũng có thể thiếu chính xác nhưng ta thử lần theo những gì Tin Mừng tường thuật để khám phá chân dung của vị Tông đồ mà bấy lâu nay được hay bị gán nhãn hiệu như là kẻ cứng lòng tin.

Sau khi hóa bánh ra nhiều cho dân chúng no nê, Chúa Giêsu đã tự mạc khải căn tính của Người.  Người chính là bánh từ trời xuống, bánh ban sự sống đời đời (x. Ga 6).  Trong dip Lễ Lều tiếp đó, Chúa Giêsu đã tuyên bố Người từ Chúa Cha mà đến và đạo lý của Người là bởi Thiên Chúa.  Người mời gọi mọi người hãy tin vào Người để được sống đời đời (x. Ga 7).  Người tự xưng mình là Đấng Hằng Hữu, một danh xưng mà người Do Thái chỉ dành riêng nói về Giavê Thiên Chúa.  Người còn khẳng định mình có trước Abraham (x. Ga 8-9).  Tiếp đến trong ngày Lễ Cung Hiến Đền Thờ, Chúa Giêsu lại một lần nữa tuyên bố Người chính là Thiên Chúa.  Một chuỗi dài những diễn từ làm chói tai người Do thái.  Họ không chỉ thấy khó chịu và bỏ đi mà còn tức giận tìm cách giết Chúa Giêsu.  “Chúng tôi ném đá ông không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33).  Chúa Giêsu đã phải lánh sang bên kia sông Giođan.  Thế nhưng khi nghe tin Lagiarô đau nặng gần chết, thì Người lại cương quyết lên Giêrusalem dù đã có nhiều người ngăn cản.  Khi ấy, Tôma đã nói với anh em: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11,16).  Không biết câu nói của Tôma là lời giận lẫy hay là lời động viên anh em?  Tin mừng không tường thuật thái độ của các Tông đồ, nên ta khó mà suy diễn.  Tuy nhiên dù là lời giận lẫy hay là lời động viên anh em, thì qua câu nói ấy ta nhận ra một thái độ “quyết đi đến cùng” của Tôma.

Trong đêm Tiệc ly, khi Thầy trò hàn huyên tâm sự, Chúa Giêsu đã tỏ lộ: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em… Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 14, 2-4).  Tôma lại một lần nữa “đi đến cùng.”  Ngài không chịu dừng lại ở tình trạng nửa vời: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường” (Ga 14, 5).  Xin cám ơn sự quyết tâm đi đến cùng của thánh Tông đồ.  Chính nhờ thái độ “đến cùng” của Ngài trong việc tiếp cận chân lý mà chúng ta được biết Chúa Giêsu là “đường, là sự thật và là sự sống” và “không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Chúa Giêsu” (x. Ga 14, 6).

Sau khi chịu tử nạn, vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra với các môn đệ mà không có Tôma.  Không biết Ngài vắng mặt vì lý do gì đây.  Tuy nhiên ngay sau đó Ngài đã hiện diện với tập thể các môn đệ.  Khi nghe các bạn kể: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!  Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Ga 20,25).  Chỉ mình Tôma cứng tin chăng?  Xin đừng vội quả quyết.  Các Tin Mừng nhất lãm tường thuật rằng các tông đồ khác khi nghe các bà phụ nữ thuật lại việc Chúa Phục Sinh hiện ra thì họ cũng chẳng tin (x. Lc 24,8-11).  Cả đến khi Chúa hiện ra cũng có mấy người hoài nghi (x. Mt 28, 17), đến nỗi Chúa Giêsu đã khiển trách các Ngài (x. Mc 16, 14).  Những sự kiện này có thể giúp ta suy diễn rằng nếu các tông đồ khác ở trong trường hợp vắng mặt khi Chúa Phục sinh hiện ra, thì cũng sẽ “cứng tin” như Tôma.  Tuy nhiên, hình như chỉ mình Tôma đặt ra điều kiện để rồi mới tin.  Thái độ của thánh Tông đồ nói lên một cách nào đó sự “đến cùng” của Ngài trong việc truy tìm và đón nhận chân lý.

Xin cám ơn Thánh Tông đồ Tôma.  Nhờ Ngài mà chúng ta được Chúa Kitô Phục Sinh mạc khải chân lý này: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29).  Đức tin không hệ tại ở việc “thấy” chân lý cho bằng “cảm nhận” chân lý.  Tôma đã tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28), là nhờ ông đã cảm nhận được tình yêu của Thầy Chí Thánh hơn là nhờ thấy Thầy.  Thầy Chí Thánh sẵn sàng thoả mãn điều kiện của ông đặt ra, cho dù chỉ đặt ra với các bạn đồng môn.  Cảm được tình yêu của Thầy, Tôma không cần xỏ tay vào lỗ đinh hay thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy để kiểm chứng.  Tình yêu của Thầy đã nói lên tất cả hơn mọi điều ông đang thấy.  Quả thật nếu chỉ dựa vào những gì ta thấy bằng mắt trần hay bằng trí khôn thì thật khó tiếp cận với Đức tin.  Đám lính canh mồ cũng đã thấy các sự kiện lạ, “thấy thiên thần Chúa từ trời xuống…” và “dù có khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi” mà đâu có niềm tin (x. Mt 28, 2-4).  Biết bao nhiêu người đã thấy Chúa Giêsu khi sinh thời và cả khi Ngài phục sinh thế mà đâu phải tất cả đều có niềm tin.

Phúc cho ai không thấy mà tin.  Chữ phúc ở đây không muốn nói lên công trạng của người tin.  Cũng như các chữ phúc trong các mối phúc thật, chữ phúc muốn diễn tả một tình trạng được ưu ái, được thuận lợi.  Người nghèo, người đau khổ… họ có phúc không phải do công lao của họ hay do chính sự nghèo, sự đau khổ, nhưng vì họ được Chúa đoái thương cách đặc biệt.  Cũng thế, người tuy không thấy nhưng được cảm nghiệm tình yêu của Chúa thì dễ có đức tin hơn.  Đọc Tin mừng chúng ta nhận ra sự thật này.  Rất nhiều người trông thấy Chúa Giêsu cũng như thấy phép lạ Chúa làm, nhưng vẫn thiếu lòng tin.  Còn những ai cảm nhận được cái tình của Chúa thì rất dễ có lòng tin.  Nhưng để cảm nhận được tình yêu của Chúa thì chúng ta cũng cần một thái độ cương quyết đến cùng một cách nào đó.  Giakêu trèo lên cây sung để quyết nhìn cho được Giêsu.  Bà mẹ người Canaan có cô con gái bị bệnh cũng quyết lẽo đẽo theo Thầy Giêsu…

Tiếp nối theo chân Thánh Tông đồ Tôma, Âugustinô là một người khát khao tìm chân lý liên lỉ.  Ngài dường như đã hoài công với cái thấy của trí khôn.  Nhưng sự kiên trì của Ngài đã có kết quả khi Ngài cảm nhận “Thiên Chúa ở trong tôi hơn cả tôi.  Thiên Chúa biết tôi hơn cả tôi biết tôi.”  Chính cái cảm nghiệm ấy đã giúp Ngài đón nhận đức tin.  Dù đức tin đã dẫn Ngài đến đức ái “hãy yêu đi, rồi làm gì thì làm,” thì Ngài vẫn không ngừng tìm kiếm chân lý: “linh hồn tôi khắc khoải mãi cho đến ngày được nghỉ yên trong Chúa.”

Chúa Thánh Thần được ban tặng cho nhân trần, đặc biệt cho Hội Thánh Chúa.  Một trong những sứ mạng của Người là dẫn Hội Thánh Chúa đến cùng chân lý mà Đức Giêsu mặc khải “Khi nào Thần Chân lý đến, Người sẽ dẫn anh em đến chân lý toàn vẹn” (Ga 16, 13).  Sứ mạng của Chúa Thánh Thần vẫn mãi còn tiếp nối theo thời gian cho đến ngày Người cùng với Tân Nương là Hội Thánh đón chào ngày quang lâm của Đức Kitô (x. Kh 22, 17).

Nguồn mạc khải đã nên hoàn hảo nơi Đức Giêsu Kitô.  Con Thiên Chúa là Lời tối hậu của Chúa Cha nói với nhân loại; sau Người, không còn một mặc khải nào khác (x. MK số 4).  Nhưng Hội Thánh chưa bao giờ cho rằng mình đã nắm trọn vẹn chân lý, vì rằng sứ mệnh của Chúa Thánh Thần là dẫn Hội Thánh Chúa đến sự thật toàn vẹn đang còn đó.  Chính vì thế mà theo dòng lịch sử Hội thánh Chúa luôn mở rộng tâm hồn để cho Thánh Thần tác động.  “Dù Mặc khải đã hoàn tất, nhưng vẫn chưa được diễn đạt hoàn toàn rõ rệt, nên Hội Thánh phải không ngừng tìm hiểu một cách tiệm tiến qua dòng thời gian” (GLCG chung số 66).

Một thánh Tiến sĩ lừng danh như thánh Toma Aquinô khi gần cuối đời cũng đã muốn đốt đi các tác phẩm thần học cao siêu mà ngay cả hôm nay Hội Thánh vẫn hưởng dùng.  Thái độ của Ngài không chỉ biểu lộ sự khiêm nhu mà còn xác nhận rằng những tìm tòi, hiểu biết của mình vẫn còn thiếu sót và còn nhiều hạn chế.

Gần đây, Ủy Ban soạn thảo đề cương cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần qua sự góp ý của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam để rồi nhìn nhận Hội Thánh Chúa “là dấu chỉ Nước Trời” chứ không phải là chính Nước Trời.  Điều này đã được thánh Công đồng Vaticanô II, một Công đồng được xem như là một lễ hiện xuống mới, minh định.  Hội Thánh Chúa Kitô thiết lập chính là dấu chỉ, là phương thế để Người tiếp tục công trình cứu độ của Người theo dòng thời gian.  Tuy nhiên, ngoài Hội Thánh hữu hình thì Thiên Chúa vẫn có những đường lối, những phương thế khác mà chỉ mình Chúa biết, để Người thông ban ơn cứu độ cho con người, nhưng tất cả đều phải nhờ, phải qua Đức Kitô, Đấng Cứu độ và là Đấng trung gian duy nhất.

Để kết thúc những chia sẻ này, xin mượn lời Thánh Công đồng Vaticanô II khuyên bảo các nhà đào tạo hàng linh mục tương lai: “Trong cách thức giảng dạy, phải kích thích nơi chủng sinh lòng hâm mộ quyết liệt tìm kiếm, khảo sát và minh chứng chân lý, đồng thời cũng chân nhận những giới hạn của trí óc con người.” ( ĐT số 15 ).  Quyết liệt tìm kiếm chân lý là một động thái bao hàm sự khiêm nhu nhìn nhận mình chưa thấu đạt chân lý.  Chân nhận những giới hạn của trí óc con người cũng là sự khiêm nhu nhìn nhận rằng chỉ nhờ tác động của Chúa Thánh Thần ta mới có thể tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa (x.1Cr 12, 5), một chân lý mang ơn cứu độ cho muôn người.  Điều này muốn nói rằng, chính khi cảm nhận được tình yêu của Chúa thì ta sẽ tiếp cận với chân lý.  Và chân lý sẽ giải thoát chúng ta (x. Ga 8, 32).  Chắc chắn những gì Thánh Công đồng muốn nơi các chủng sinh, các linh mục tương lai thì cũng muốn cho hết mọi tín hữu.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa