HY LỄ THẬP GIÁ

Hôm nay lễ suy tôn Thánh Thể.  Nói đến Thánh thể người ta thường hay nói đến một bữa ăn, một bữa ăn Agape, bữa ăn huynh đệ.  Nhưng thực ra, “Bản chất của Bí tích Thánh Thể không chỉ là bữa ăn chung, mà còn và trước tiên là hiện tại hóa hy lễ thập giá.  Thiếu giá trị hy tế, Mầu Nhiệm Thánh Thể không có ý nghĩa và chỉ có giá trị như là một buổi gặp gỡ giao hảo và huynh đệ” (Bí tích cứu độ).

Vì thế hôm nay, chúng ta cùng nhau khơi gợi lại ý nghĩa và những giá trị thiêng liêng của thánh lễ.

Một họa sĩ người Ý, đã diễn tả giá trị thánh lễ qua bức tranh như sau: Khi linh mục dâng lễ, trên đầu ngài có 4 thiên thần bay lượn, miệng ngậm loa, sẵn sàng báo tin ngày chung thẩm của thế giới.  Nhưng xem ra các Ngài còn chờ đợi cho tới khi linh mục cuối cùng này cử hành xong thánh lễ giao hòa dâng lên Thiên Chúa, mới gióng lên tiếng loa định mệnh này.

Thực vậy, Mẹ Têrêsa thành Calcutta thường hay nói với các chị em trong dòng rằng: “Không có thánh lễ Misa, chúng ta sẽ ra sao, mọi sự dưới gầm trời này hẳn sẽ bị tiêu hủy, chỉ có thánh lễ mới ngăn được tay Thiên Chúa.  Không có thánh lễ, chắc chắn giáo hội sẽ không còn tồn tại và thế giới ắt sẽ bị diệt vong.”

Vì cử hành thánh lễ là hiện tái hóa hy tế thập giá năm xưa của Chúa Kytô trên thập giá.  Máu Thánh Chúa được tiếp tục đổ ra cho nhiều người được tha tội, được ơn cứư độ.  Hy tế thập giá của Chúa Kytô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn tiếp tục tái diễn để giao hòa thế gian với Thiên Chúa.

Nhìn vào thế giới hôm nay, người ta thấy tội lỗi mỗi ngày một gia tăng, sự dữ ngày càng ngập tràn.  Tại sao Thiên Chúa không trút cơn thịnh nộ xuống trên địa cầu?  Thưa, bởi vì hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, Con Chiên Thiên Chúa tế lễ trên bàn thờ, xoa dịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Cha, “và tước khí giới nơi bàn tay sẵn sàng sửa phạt của Ngài.”  Chúng ta không thể đếm được các tia lửa từ các ông khói tàu thủy tung tóe ra.  Thế mà, các tia lửa đó không gây hỏa hoạn.  Vì chúng rơi xuống biển và dập tắt ngay.  Cũng không thể đếm được các tội ác hằng ngày từ trái đất xông lên và đòi sự công thẳng của Thiên Chúa.  Nhưng nhờ sự giải hòa của Thánh lễ, chúng ta được đẩy vào đại dương của lòng từ bi Thiên Chúa và hình phạt đã không trút xuống địa cầu.

Thánh Laurensô Giustinianô nói: “lưỡi loài người không thể kể hết những ơn phúc từ thánh lễ: nào là tội nhân được giao hòa với Thiên Chúa, người công chính nên công chính hơn, tội lỗi được xóa sạch, nết xấu được giảm thiểu, nhân đức và công nghiệp gia tăng, kế hoạch của ma quỷ bị bẻ gãy.”

Cha sở họ Ars: “Mọi việc lành họp lại cũng không thể so sánh với thánh lễ Misa, vì mọi việc lành là của loài người, còn thánh lễ là của Thiên Chúa.”

Thế nhưng, hôm nay nhiều người vẫn xem nhẹ thánh lễ.  Họ đi lễ nhưng thiếu tấm lòng đón nhận ơn cứu độ, ơn tha thứ của Chúa.  Đi lễ cho qua lần chiếu lượt.  Đi lễ vì luật buộc.  Vì người khác đi mình cũng được.  Có mấy ai ý thức giá trị của hiến tế thập giá.  Có mấy ai hiểu được hy tế thập giá cần phải được cử hành mỗi ngày để xin ơn tha tội và để Con Thiên Chúa lại tiếp tục đổ máu mình ra để giao hòa với Chúa Cha.

Bên cạnh đó, khi tham dự thánh lễ là chúng ta thông hiệp vào Mình và Máu Thánh Chúa Kytô.  Chúng ta được kết hợp nên một trong Chúa Kytô.  Chúa Kytô là Đầu Hội Thánh đã dâng chính mình làm tế lễ, còn chúng ta là những chi thể trong nhiệm thể của Người, chúng ta cùng ăn một bánh, cùng uống một chén thánh là chính Mình Máu Thánh Chúa Kytô, chúng ta có cùng chịu hiến tế chính mình như Đức Kytô là Đầu của Hội thánh hay không?  Liệu rằng, chúng ta có thể đứng nhìn Chúa chịu sát tế, còn mình không chịu làm gì cả, hay chỉ đứng đó như những khách bàng quang, đứng bên vệ đường nhìn xem máu Chiên Con vô tội đang đổ ra vì loài người, mà lòng mình không cảm thấy một chút hổ thẹn hay ái ngại lương tâm?  Chúa Kytô vẫn đang đổ máu vì tội lỗi loài người.  Giáo hội vẫn đang hiệp thông với đau khổ của Con Chiên Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ đóng góp phần vụ gì trong việc đền tội cho thế giới và cứu độ trần gian?

Chúng ta biết rằng, trên bàn thờ tế lễ Giáo hội buộc phải có tượng Chúa chịu nạn, chính là để nhắc nhở chúng ta phải hy sinh, phải dâng hiến mình như Chúa Giêsu đã hiến dâng.  Phải đóng góp phần chúng ta như Mẹ Maria đã đóng góp chính nỗi đau khổ xé nát lòng mình, hiệp thông với đau khổ của Chúa Giêsu để dâng lên Chúa Cha.

Thiết tưởng để thánh lễ thực sự mưu ích cho phần rỗi chúng ta và cho toàn thể nhân loại.  Mỗi người chúng ta cũng phải biết gom góp hy sinh mỗi ngày như những hạt lúa bị nghiền nát, như trái nho ép thành chén rượu mới có của lễ để dâng trên bàn thờ.  Đó chẳng phải là mồ hôi nước mắt trong lao công con người làm nên hay sao?  Đó chẳng phải là những hy sinh, những chén đắng trong cuộc đời mà mỗi người chúng ta đang chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa hay sao?

Lạy Chúa, xin nhận lấy hạt lúa nghèo nàn này, nó thuộc về Chúa.  Dưới cối xay của bổn phận trong bậc sống của mình, của những thập giá Chúa gởi tới.  Xin cho con được nghiền nát cho Chúa, và xin cho ngọn lửa tình yêu mến làm con trở nên một tấm bánh tinh tuyền dâng lên trước tôn nhan Chúa. Amen.

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

MẪU MỰC ĐỊNH HÌNH

“Thầy là người chân thật không vị nể ai… Vậy có nên nộp thuế cho Cêsarê không?”; “Của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa!”

Francois Fénelon là nhà giảng thuyết của hoàng gia thời vua Louis XIV.  Một Chúa Nhật nọ, khi vua và đòan tùy tùng đến nhà nguyện; ở đó, không có ai khác ngoài Fénelon.  Vua hỏi, “Thế này nghĩa là gì?”  Fénelon trả lời, “Tôi đã thông báo rằng, hôm nay ngài vắng mặt.  Nhờ đó, bệ hạ có thể xem ai là người phụng sự Chúa chân thật, ai là kẻ tâng bốc ngài!”

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị!  Trong Tin Mừng hôm nay, người Pharisêu và phe Hêrôđê sử dụng lại mánh khoé cổ lai đó – sự tâng bốc – để gài bẫy Chúa Giêsu.  Nhưng Ngài phá vỡ mánh lái của họ; đồng thời, tiết lộ cho chúng ta bí quyết cân bằng cuộc sống khi phải đứng trước những chọn lựa.  Qua đó, Ngài là ‘mẫu mực định hình’ cho bạn và tôi khi phải chọn Chúa và cái ‘ít hơn’ Ngài!

“Tâng bốc,” một trong những mưu chước có từ vườn địa đàng, với hạn sử dụng vô thời gian.  Nó có thể khiến chúng ta mất cảnh giác.  “Bạn thông minh, tại sao không…?”  Là Kitô hữu trong thế giới, thông thường, có nghĩa là sống giữa những người quỷ quyệt.  Chúa Giêsu từng cảnh báo, phải “khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.”  Để duy trì sự cân bằng, bạn phải chỉ sống cho Chúa, chọn Ngài; và Chúa Kitô phải là ‘mẫu mực định hình’ ngày sống của mình!

“Có nên nộp thuế cho Cêsarê không?”  Họ đặt trước Chúa Giêsu một nan đề đầy thách thức.  Đó là “một trong hai;” “hoặc cái này, hoặc cái kia.”  Hoặc Ngài hoàn toàn chấp nhận Cêsarê, hoặc nổi dậy chống La Mã!  Đó là cách thế giới đòi buộc!  Nó sẽ là “một trong hai;” “hoặc cái này, hoặc cái kia.”  Hoặc là bạn theo thuyết tiến hoá của Darwin, hoặc bạn tin Đấng Tạo Thành; hoặc là bạn khoan dung với lối sống luôn đổi thay, hoặc bạn là kẻ cố chấp không thể chịu nổi.  Vậy mà, mọi thứ phức tạp hơn thế!  Bởi lẽ, đức tin Công Giáo thường đòi “cả hai”; “cái này và cả cái kia!”  Thật sao?

Đúng thế!  Nghĩa là, hãy trao cho Cêsarê những gì thuộc về ông ta và dâng Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài.  Vấn đề là làm thế nào để bạn quyết định những gì thuộc về ai?  Đó là nơi mọi thứ trở nên phức tạp!  Và đó là lý do tại sao bạn, một Kitô hữu, được kêu gọi để phát triển những quà tặng của mình: trí thông minh, đời sống cầu nguyện và sự phân định.  Công Giáo không phải là tôn giáo dành cho người máy, nó đòi mỗi người phải sử dụng tự do và ân sủng Chúa ban một cách có trách nhiệm để làm theo ý muốn của Ngài.  Nói cách khác, như Chúa Kitô, Chúa Cha phải là trên hết và trước hết!  Ngài là ‘mẫu mực định hình’ cho mọi chọn lựa!

Anh Chị em,

“Của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa.”  Bẫy bung, trò chơi kết thúc!  Câu trả lời của Chúa Giêsu đòi họ phải quyết định điều gì thuộc về ai.  “Bạn phải quyết định” là cụm từ đặc trưng của Karol Wojtyla với tư cách là một cha giải tội.  Không gì có thể làm chúng ta sợ hãi bằng sự tự do.  Nó khiến khán giả của Chúa Giêsu sợ hãi.  Lời Chúa mời gọi chúng ta xem lại cách thức sử dụng tự do, thời gian Chúa ban để làm nức lòng người đời hay để làm vui lòng Thiên Chúa.  Chúa Kitô có là ‘mẫu mực định hình’ cho mọi quyết định của bạn và tôi giữa một thế gian dăng mắc bao cạm bẫy?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không ít lần con bị lừa phỉnh bởi những lời tâng bốc.  Cho con luôn ước ‘chỉ cần Chúa khen,’ hầu có thể chọn cho mình quyết định mà ưu tiên hàng đầu phải là Ngài!”  Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

CẦU NGUYỆN VỚI THIÊN CHÚA BA NGÔI

Mỗi lần thức dậy, mỗi khi đi ngủ, trước bữa ăn, khi vào nhà thờ và rất nhiều lần trong ngày, chúng con làm dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.  Đó là lúc con tuyên xưng Chúa Ba Ngôi trong mọi khoảnh khắc cuộc sống.  Dù chưa hiểu nhiều, nhưng con tin và con dần nhận thấy dấu ấn của Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời.

Truyện kể rằng, ngày xưa, có vị thánh thông thái nọ, muốn giải nghĩa tường tận về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.  Ngài cố gắng mãi mà vẫn chưa được.  Thế là, Ngài đi bộ dọc bờ biển để vừa giải trí cho thông thoáng, vừa tiếp tục ngẫm nghĩ.  Ngài gặp một em bé chơi bên bờ biển.  Bé lấy vỏ sò để múc nước đổ vào cái lỗ nhỏ.  Ngạc nhiên, thánh nhân dừng lại hỏi bé: Bé đang làm gì thế?  Bé hồn nhiên đáp lại: Con muốn tát cạn nước biển để đổ vào cái lỗ nhỏ này.  Rồi bé biến mất.  Thánh nhân vỡ lẽ ra nhiều điều.  Ngài hiểu rằng, em bé kia chính là thiên thần mà Chúa gửi đến để soi sáng cho mình.  Ngài hiểu rằng, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi quá cao vời khôn dò và trí khôn bé nhỏ của mình chỉ hiểu được chút ít.  Ngài thầm khiêm tốn tạ ơn Chúa và bình an bước tiếp.

Truyện kể rằng, có nhà truyền giáo kia, đến vùng truyền giáo nọ.  Ngài hết sức yêu mến Chúa Ba Ngôi, nên Ngài ra sức giảng giải cho bà con, với hy vọng mọi người hiểu được Chúa Ba Ngôi và hết lòng yêu mến Chúa.  Thấy bà con chăm chú lắng nghe, Ngài lấy làm thích thú.  Sau những bài giảng sôi nổi hùng hồn, cha hỏi lại bà con rằng: Mọi người có tin Chúa Ba Ngôi không?  Bà con vui vẻ đáp lại: Tin chứ thưa cha, Chúa là Thiên Chúa mà.  Cha hỏi tiếp: Mọi người có hiểu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mà tôi giảng giải không?  Bà con đáp lại hồn nhiên: Hiểu hiểu thưa cha.  Cha thêm phần phấn khởi.  Bà con nói tiếp: 4 hay 5 ngôi tụi con còn tin nữa là, 3 ngôi ăn thua gì thưa cha.  Đến khúc này, cha tiu nghỉu và không nói thêm được gì nữa.

Truyện kể rằng, có vị cha xứ nọ dạy giáo lý cho các em nhỏ.  Cha cũng thích thú dạy về bài Chúa Ba Ngôi.  Cha hỏi: Chúa Cha có là Thiên Chúa không?  Các em thưa: Dạ có.  Tiếp đến là các câu hỏi về Chúa Giêsu rồi về Chúa Thánh Thần.  Các em đều trả lời rất tốt, cha lấy làm vui và tặng kẹo cho các em.  Đến câu hỏi tiếp theo, cha nói: Thế là, có mấy Chúa?  Các em đồng thanh hồn nhiên: Dạ có 3 Chúa.  Cha cụt cả hứng, đòi lại kẹo và cho các em ngưng học bữa đó.

Ba câu chuyện trên thật hấp dẫn, thực tế và cụ thể, để nói về một mầu nhiệm khôn lường.  Ý thức được sự cao cả khôn thấu của Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, nên có nhà truyền giáo lão luyện nọ đã viết lại kinh nghiệm mục vụ của mình rằng: Hầu hết người ta có thể hiểu được cuộc thương khó của Chúa Giêsu, ít người có thể kinh nghiệm được niềm vui đặc biệt của Cuộc Phục Sinh của Chúa, và càng ít người có thể hiểu được phần nào đó về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Khi một thầy chủng sinh hỏi cha giáo nhiều về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, cha giáo bình thản đáp lại: Nếu Chúa Giêsu không tỏ cho chúng ta, thì chúng ta chẳng bao giờ biết.  Trước đây, Thiên Chúa tỏ cho dân Do Thái rằng, Ngài là Thiên Chúa Duy Nhất.  Và Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta rằng: Thiên Chúa Duy Nhất có Ba Ngôi là Cha, Con, và Thánh Thần.  Cha giáo nói tiếp: nếu ai muốn hiểu mầu nhiệm ấy, thì hãy tập trung vào cuộc đời Chúa Kitô, và xin ơn tập sống tập nhìn tập nghe Chúa, rồi dần dần sẽ hiểu.  Và hiểu như thế nào cũng tùy ơn Chúa ban cho từng người theo nhiều cách thế khác nhau.

Chúng ta hãy cũng nhau lắng nghe và suy ngẫm chính những lời mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ. Những lời này trực tiếp nói tới Chúa Ba Ngôi.  Đó là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu nói:

“Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con chưa thể hiểu được, bây giờ các con chưa có sức chịu nổi.  Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Ngài không tự mình mà nói, nhưng Ngài đã nghe gì thì sẽ nói như vậy, và Ngài sẽ nói cho các con những việc sẽ phải làm.  Ngài sẽ làm vinh danh Thầy, vì Ngài lãnh nhận tất cả từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con.  Tất cả những gì Chúa Cha có, đều là của Thầy, thế nên như Thầy đã nói: Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con.”

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, Ngài đang ngắm nhìn chúng con trong mọi cảnh huống cuộc đời.  Chúng con đây, nơi thì hòa bình, nơi thì chiến tranh, nơi giàu có, nơi nghèo khó, nơi sáng sủa, nơi tăm tối, nơi hạnh phúc, nơi khổ đau, người cười kẻ khóc, người no kẻ đói, người sống kẻ chết… với mọi màu da sắc tộc văn hóa ngôn ngữ…  Xin cho con nhận thấy rằng, Chúa biết mọi sự, Chúa thấy mọi người, và Chúa đang tìm mọi cách để cứu độ chúng con, để yêu thương chúng con.  Xin cho con sống tình con thảo với Chúa Cha, như người môn đệ trung thành và người anh em trung tín của Chúa Con, như người học trò nhanh nhạy của vị Thầy nội tâm là Chúa Thánh Thần.  Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài cao sang nhưng thật gần con, Ngài cao siêu nhưng rất cụ thể, Ngài cao cả nhưng rất khiêm tốn giản dị.  Xin cho con gặp được Ngài trong cõi lòng và trong cuộc đời.  Amen!

Tứ Quyết SJ