CHÚA DẪN ĐƯA CON

Sau khi long trọng mừng lễ Phục Sinh, Phụng vụ mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu ở một khía cạnh khác: Người là Mục tử nhân lành.  “Người mục tử” là hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng để diễn tả sứ mạng của Người, là sứ mạng Thiên sai.  Hình ảnh này không phải là điều gì mới lạ, vì các ngôn sứ trong Cựu ước đã diễn tả Thiên Chúa như một mục tử.  Chúng ta có thể đọc thấy trong giáo huấn của ngôn sứ Giêrêmina và Egiêkien.  Như người mục tử chăm sóc đàn chiên thế nào, Thiên Chúa luôn săn sóc dân riêng Ngài đã chọn như vậy.  Ngài biết những nhu cầu của đàn chiên.  Ngài còn biết tên của từng con cũng như tính nết của chúng.  Những điều này cho thấy tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người.  Suốt bề dày lịch sử Cựu ước, Ngài luôn che chở, hướng dẫn và bao dung nhân từ đối với dân riêng Ngài đã chọn, mặc dù nhiều lần dân lầm lỗi bội phản.

Trong xã hội du mục của người Do Thái thời xưa, hình ảnh người mục tử và đàn chiên rất gần gũi đối với với cuộc sống hằng ngày.  Đi đâu ta cũng có thể gặp thấy đồng cỏ xanh, đàn chiên thư thái ăn cỏ bên dòng suối mát lành dưới dự chăm sóc của các mục tử.  Khi dùng hình ảnh người Mục tử, Chúa Giêsu tiếp nối giáo huấn của Cựu ước.  Tuy vậy, hình ảnh người mục tử nơi Chúa Giêsu mang nhiều nét mới mẻ.  Đây là người mục tử dám hy sinh mạng sống vì đàn chiên.  Người chấp nhận chết cho chiên được sống.  Người không chỉ chăn dắt đàn chiên mà còn ban cho đàn chiên sự sống.  Tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào.  Qua cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu hiến mạng sống mình cho đàn chiên và thông ban cho đàn chiên sự sống thiêng liêng.

Khi quả quyết: Tôi là cửa.  Đức Giêsu muốn nhấn mạnh, Người là mẫu mực cho chúng ta.  Các tác giả Phúc âm đã phác họa chân dung của Chúa Giêsu trong các tác phẩm của mình.  Tất cả đều muốn khẳng định: Chúa Giêsu là dung mạo phản ánh lòng thương xót của Chúa Cha, qua sự khiêm nhường, dấn thân phục vụ con người.  Mỗi tín hữu, tức là mỗi con chiên trong đàn chiên của Chúa phải nhìn lên Đức Giêsu là vị Mục tử của mình để noi gương Người trong đời sống.  Như thế là chúng ta bước qua cửa có tên là Giêsu, để được quy tụ và được giáo huấn, với mục đích sẽ trở nên hoàn thiện từng bước ngay khi còn sống trên trần gian.  Ai qua cánh cửa có tên là Giêsu, sẽ tìm được nơi nương ẩn và được cứu rỗi.

Hình ảnh người Mục tử gắn liền với Cộng đoàn đức tin, tức là Giáo Hội.  Trong bài giảng đầu tiên vào ngày lễ Ngũ tuần, Thánh Phêrô khẳng định Chúa Giêsu là Đấng Kitô và là Chúa.  Người đã chịu đóng đinh trên thập giá.  Người giống như mục tử, vì sự bình an và sự sống của đàn chiên, đã hy sinh mạng sống mình.  Bài giảng hùng hồn đã khiến cử tọa khóc lóc đau đớn trong lòng, và đã có thêm ba ngàn người xin gia nhập Đạo Chúa trong ngày hôm ấy (Bài đọc I).  “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.”  Tránh xa gian tà, tức là từ bỏ lối sống không phù hợp với danh hiệu Kitô hữu như: bạo lực, dâm ô, giận hờn, ghen ghét, chia rẽ suy đồi luân thường đạo lý.  Những tệ nạn này cản trở chúng ta đến với Chúa và làm chúng ta trượt dốc xuống vực thẳm của tội lỗi.

Hình ảnh người Mục tử nhân lành nhắc nhớ chúng ta: nhờ Bí tích Thanh tẩy,  người tín hữu được tháp nhập vào đàn chiên của Chúa tức là Giáo Hội.  Chúa Giêsu là Đầu của Giáo Hội.  Giáo Hội là thân thể huyền nhiệm của Chúa Giêsu.  Mỗi chúng ta là chi thể trong thân thể ấy.  Cũng như nơi thân xác con người, chỉ khi nào mọi chi thể liên kết gắn bó chặt chẽ với đầu, thì thân thể ấy mới khỏe mạnh.  Mỗi tín hữu cũng phải liên kết với Đức Giêsu là Đầu của Giáo Hội.  Hiệp thông gắn bó với Đầu, chúng ta cũng phải hiệp thông gắn bó với anh chị em mình, để làm thành một cộng đoàn Giáo Hội vững chắc, không ngừng tiến triển và diễn tả sự thánh thiện trong đời sống hằng ngày.

Những ai đã lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy mà không hiệp thông với Giáo Hội, được so sánh như con chiên lạc.  Thánh Phêrô lưu ý chúng ta như vậy.  Ngài viết: “Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với vị Mục tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em” (Bài đọc II).  Tin tưởng cậy trông nơi Đấng Phục sinh, đó là điều kiện cần thiết để chúng ta hiệp thông với vị Mục tử và hiệp thông với anh chị em mình, tức là cộng đoàn Giáo Hội.

Giáo Hội không giống như một tổ chức trần thế.  Giáo Hội cũng không phải do con người lập nên.  Chính Chúa Giêsu là Đấng sáng lập Giáo Hội.  Chính Chúa Phục sinh đã trao cho thánh Phêrô và những người kế vị nhiệm vụ lãnh đạo, và thay Người săn sóc, quy tụ đàn chiên.  Những đế chế hay những quốc gia trần thế, dù có hùng mạnh đến đâu chăng nữa, chỉ vang bóng một thời rồi đến lúc phải cáo chung.  Giáo Hội của Chúa trường tồn qua mọi thời, thấm nhập và góp phần làm thăng hoa các nền văn hóa và các truyền thống nơi các quốc gia.  Sở dĩ Giáo Hội trường tồn, vì có Đức Giêsu phục sinh luôn hiện diện và hướng dẫn, như người mục tử chăn dắt đàn chiên.

Sự hiện diện và dẫn dắt của vị Mục tử được diễn tả trong Thánh vịnh quen thuộc.  “Chúa là Mục tử.”   Lời Thánh vịnh đem lại cho chúng ta sự bình an: Dù qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.  Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.  Nhờ sự dẫn dắt của vị Mục tử Giêsu, chúng ta tìm được cảm giác thư thái an bình, như con thơ nằm trong lòng mẹ: Lòng nhân hậu và tình thương Chúa, ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người, những ngày tháng, những năm dài triền miên.  Còn hình ảnh nào đẹp đẽ hơn để diễn tả tình yêu thương của Chúa dành cho những ai tin tưởng và phó thác nơi Người?  Thánh vịnh 23 này thường được hát trong Thánh lễ an táng và cầu hồn.  Lời ca sâu lắng, tha thiết và gợi hình, giúp cộng đoàn phụng vụ thêm lòng sốt sắng, giúp thân nhân gia đình người quá cố được ơn an ủi và niềm hy vọng.  Thực ra, Thánh vịnh này không chỉ diễn tả việc Chúa dẫn đưa một người đã qua đời về vương quốc vĩnh cửu, mà còn diễn tả sự quan phòng yêu thương của Chúa đối với con người trong suốt cuộc đời.  Ngài luôn chăm sóc chúng ta, ân cần chu đáo như mục tử đối với đàn chiên.

Chúa nhật IV Phục sinh cũng được gọi là Chúa chiên lành.  Đây là dịp để chúng ta bày tỏ tình hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Mục tử tối cao của Giáo Hội Công giáo và là người kế vị Thánh Phêrô tông đồ.  Chúng ta cầu nguyện cho Ngài và cho các vị chủ chăn trên toàn thế giới, được ơn can đảm, khôn ngoan để có thể dẫn đưa Dân Chúa đến đồng cỏ xanh tươi và đến suối mát trong lành, tức là hưởng trọn vẹn tình yêu ngọt ngào của Chúa, là phần thưởng cho những ai tin cậy yêu mến Người.  Xin Chúa ban cho Giáo Hội hoàn vũ và các Giáo Hội địa phương luôn vững mạnh trước phong ba bão táp trần gian.

“Dù qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn.”  Thế giới hôm nay đang hoảng loạn trước đại dịch COVID-19, giống như đang qua bờ vực thẳm.  Hơn ba triệu người đã lây nhiễm.  Mấy trăm ngàn người đã chết vì dịch bệnh.  Lòng trông cậy Chúa sẽ giúp chúng ta tìm được sự an bình giữa cơn đại nạn, đồng thời tin tưởng Chúa sẽ cứu với nhân loại.

“Hỡi bạn là Kitô hữu, hãy luôn tự hào vì danh xưng ấy” (Thánh Lê-ô cả Giáo Hoàng).  Mỗi chúng ta hãy cảm thấy vinh dự và vui mừng vì được mang danh Chúa Giêsu, đồng thời hãy góp phần mình làm cho đàn chiên Giáo Hội luôn vững mạnh, tỏa sáng giữa lòng đời.  Giữa một cuộc sống còn nhiều góc khuất do tội lỗi và hận thù gây, hãy làm cho Giáo Hội thực sự là Ánh Sáng Muôn Dân, rạng soi thế giới.

Nguyện xin Chúa Giêsu Kitô, vị Mục tử nhân lành, dẫn đưa nhân loại ra khỏi vực thẳm của tội lỗi và của dịch bệnh đang đe dọa thế giới.  Xin Người cho chúng ta được ơn an bình.  Amen.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

KHI CON ĐAU KHỔ CHÚA ẴM CON LÊN

Mỗi khi nhìn thấy những đau khổ của tha nhân hay những bất hạnh xảy ra chung quanh, trong tâm hồn tôi lại phảng phất lời bài hát Dấu chân của Đức Cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống với giai điệu mượt mà:

“Bao nhiêu dấu chân qua, bấy nhiêu niềm cảm tạ.
Đôi khi có những bước phôi pha, mà hình bên bóng chẳng rời xa.
Hôm nao thấy dấu chân đôi: Đó là Chúa đi bên tôi.
Hôm nào còn một dấu chân thôi: Là bởi vì Chúa ẵm tôi lên rồi.”

Lời bài hát dựa trên một giấc mơ kể rằng: Có một chàng trai ngày nào cũng đi dạo bộ với Chúa Giêsu trên bãi biển rất êm ả và bình yên.  Chàng thích thú vì những dấu chân song hành như hai người bạn.  Đến một ngày sóng to gió lớn, chàng lại chỉ thấy có một dấu chân.  Trong hoảng hốt và sợ hãi, chàng hỏi Chúa đi đâu lúc cuộc đời đầy biến động.  Chúa trả lời: “Chính những lúc ấy Ta đang bồng bế con trên tay.

Suy nghĩ của chàng thanh niên cũng là suy nghĩ của nhiều người chúng ta.  Khi đau khổ dường như chỉ thấy dấu chân của mình lê thê bước, nhưng đâu hiểu rằng dấu chân ấy là chính Chúa đang nỗ lực dìu chúng ta qua khổ nạn.

Nhìn vào lịch sử cứu độ chúng ta thấy có rất nhiều vị thánh đã được Thầy Giê-su dìu qua khó khăn những đoạn đường đắng cay của cuộc đời.  Chúng ta thử đồng hoá mình với những nhân vật trong Tin Mừng để thấy Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta bao giờ.  Nhất là  trong những lúc bị hiểu lầm, bị kết án, bị khổ đau bởi nghèo đói và bệnh tật.

Hãy nhìn xem một Madalena bị xã hội lên án, ruồng bỏ… lại được ngồi dưới chân Chúa.  Một Giakêu bị xếp vào hạng người bất chính, lại được Chúa đồng bàn ăn uống…

Hãy nhìn xem người bất toại đã quá nửa đời người nằm ăn xin ở Betsaida hay người phụ nữ bị băng huyết đã quá khổ bởi bệnh tật, và biết bao người phong hủi sống lấy lất bên ngoài xã hội, thế mà Chúa đã đến và giải cứu họ.

Hãy nhìn xem những người bị ma quỷ khống chế đến nỗi chẳng còn là người, sống lây lất, điên rồ thế mà Chúa đã cho họ trở về trong tự do của con người.

Dường như Chúa không bỏ rơi một ai đang đau khổ, điều cần là sự kiên nhẫn trong lời cầu nguyện và luôn xác tín sự hiện diện của Chúa trong đời sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống đầy gian truân.

Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu sánh ví tình thương của mình như tình thương của người mục tử dành cho đàn chiên.  Người mục tử tốt lành đầy yêu thương luôn gắn bó với đàn chiên, luôn sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình vì lợi ích đàn chiên.  Ngài chính là vị mục tử mà bài đáp ca đã ca ngợi rằng: Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.  Trong đồng cỏ xanh tuơi, Người cho tôi nằm nghỉ.

Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.  Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính. Lạy Chúa, dầu qua thung lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có chúa ở cùng con.”

Người mục tử không bỏ đàn chiên mà hết lòng ra tay cứu giúp.  Ngài vẫn tiếp tục cúi xuống băng bó từng vết thương và cõng trên vai và đưa về ràn trong tình yêu bao bọc của Ngài.

Giữa khủng hoảnh Covid 19 nhân loại cảm tưởng như đang đơn độc đối phó với sự dữ, khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi và sợ hãi.  Nhưng hãy tin vào Thiên Chúa.  Ngài im lặng cũng có lý do.  Giống như cha mẹ khi thấy con cái khổ đau, tuy không nói ra nhưng vẫn tìm cách để cho con cái bớt khổ đau.  Thiên Chúa chúng ta tốt lành, chắc Ngài cũng khổ nhiều khi nhân loại chìm trong khổ sầu.  Ngài cũng đang nói với chúng ta giữa cơn gian nguy này, hãy để lòng mình trong thinh lặng sẽ nghe được tiếng sáo của người mục tử đang gọi đàn.  Hãy về hợp đoàn.  Hãy đến với lòng thương xót của Chúa để tìm sự bình an giữa trăm bề sự dữ.  Hãy để Thiên Chúa lo liệu mọi sự cho chúng ta và hãy an tâm phó thác nơi Ngài.  Amen!

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

9 NÉT CHÍNH CHO THẤY PHÚC ÂM MARCÔ GIỐNG NHƯ MỘT CUỐN PHIM

Hằng năm, Giáo hội mừng lễ Thánh Marcô Thánh sử vào ngày 25-04.  Trong số 4 sách Tin Mừng, thì Phúc âm Marcô được xem là giàu tính biểu cảm, trực quan và cảm xúc nhất, đồng thời cũng là Phúc âm ngắn nhất.

Có thể nói, ở nhiều góc cạnh, Phúc âm Marcô giống như một cuốn phim sống động.  Mặc dù chẳng có gì liên quan, nhưng biểu tượng của Thánh Marcô là con sư tử, tự dưng dẫn chúng ta nhớ đến logo ấn tượng và cổ điển – con sư tử gầm gừ – của Hãng phim Metro-Goldwyn-Mayer!

Sau đây là 9 nét chính cho thấy Phúc âm Marcô giống như một cuốn phim.

1. Phúc âm Marcô trực quan hơn nhiều so với các Phúc âm khác.

Marcô có một phương pháp giúp chúng ta hình dung từng cảnh.  Chẳng hạn:

– Phúc âm Matthêu và Luca, khi giải thích thắc mắc của các môn đệ xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời, thì Chúa Giêsu thay vì chỉ “gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông,” Marcô có thêm chi tiết “rồi ôm lấy nó và nói…” (9, 36)

– Cả 4 Phúc âm đều tường thuật Phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng mà: nguyên số đàn ông đã tới khoảng 5.000 người, nhưng chỉ có Marcô cho biết chi tiết là “họ ngồi thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi” (6, 39-40).

– Các Phúc âm đều kể về việc khi Chúa Giêsu bị bắt, các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết, thì Marcô thậm chí còn cung cấp một hình ảnh sống động của cảnh tượng bi đát này: “Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai.  Họ túm lấy anh.  Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng” (14, 51-52).

2. Phúc âm Marcô có cấu trúcgiống như một cuốn phim.

Chúng ta có thể nhận thấy nơi Phúc âm Marcô cấu trúc 3 màn trong các cuốn phim.

– Màn 1 là tình tiết kích động và hành động gia tăng — cuộc sống của người anh hùng bị xáo trộn và hướng tới một mục tiêu mới.  Trong Phúc âm Marcô, được Gioan báo trước, nhưng Chúa Giêsu là một nhân vật bí nhiệm, giáo huấn và quyền năng lạ thường của Người luôn khiến cho dân chúng ngạc nhiên, sửng sốt.

– Màn 2 là hành động gia tăng hơn nữa, khi các tình tiết phức tạp xuất hiện, những cột mốc ngày càng kịch tính và một bước ngoặt ở ngay giữa cuốn phim đã thay đổi mọi thứ, đó là việc Phêrô tuyên xưng đức tin.  Ðức Giêsu hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”  Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Ðấng Kitô.”  Ðức Giêsu dần loan báo về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Người, nhưng cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

– Màn 3 là cao trào khi mà tất cả dường như đã thất bại – và cuộc Thương khó của Đức Giêsu theo Marcô là khắc nghiệt nhất – cho đến khi kết thúc có hậu đầy tính bất ngờ của sự phục sinh.

3. Câu chuyện của Marcô xây dựng cách bí nhiệm và hồi hộp.

Trong Phúc âm Marcô, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng, “mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em” nhưng lại bị che giấu với những người khác (4, 11-12).

Bí nhiệm là căn tính của Đức Kitô.  Marcô nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu muốn giữ kín căn tính của Người.  Ma quỷ và các thần ô uế biết Người, nhưng Chúa Giêsu cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.  Ngoài ra, Chúa Giêsu cũng ra lệnh cho người phong hủi và những ai được Người chữa lành “đừng nói gì với ai cả” (1, 44) nhưng hầu như không thành công vì “Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra” (7, 36).

4. Chúa Giêsu trong Marcô là một “anh hùng hành động.

Trong Phúc âm Marcô, Chúa Giêsu luôn năng động, người bận rộn với việc chữa bệnh và trừ quỷ.  Trong 16 chương, Marcô dùng kiểu nói “ngay lập tức” tất cả 40 lần.

Như Brant Pitre, một nhà chú giải Thánh kinh cho thấy, Marcô cũng có quyết tâm giống như Gioan là minh chứng rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng theo cách là để cho Chúa Giêsu mạc khải điều đó qua hành động.

5. Giống như trong một cuốn phim, Marcô không chỉ cho chúng ta thấy về những hành động mà còn về những phản ứng.

Trong Phúc âm Marcô, thường thì một nhân vật phụ dẫn sự chú ý của chúng ta đến ý nghĩa của các biến cố một cách kịch tính:

– Ngay từ đầu, những người chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu chữa lành một người bị quỷ ám đã kinh ngạc đến nỗi bàn tán với nhau, “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền” (1, 27).

– Khi Chúa Giêsu tha tội cho người bại liệt, mấy kinh sư đang ngồi đó đã nghĩ thầm trong bụng rằng: Sao ông này lại dám nói như vậy? (2, 6-7).

– Sau khi trải nghiệm trực tiếp việc Chúa Giêsu dẹp yên sóng gió, các môn đệ hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (4, 41).

6. Marcô luôn giatăng kịch tính câu chuyện.

Có rất nhiều ví dụ về cách diễn tả gây ấn tượng của trong Phúc âm Marcô:

– Trong các Phúc âm khác, Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa, thì trong Marcô, “Thánh Thần đẩy Người vào hoang địa” và “Người sống giữa loài dã thú.

– Cả Matthêu và Luca đều kể về câu chuyện Chúa Giêsu chữa người bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa, nhưng Marcô vẽ một bức tranh rất sống động về mặt cảm giác: “Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình” (5, 5), và chỉ có có tường thuật của Marcô đếm số lượng đàn heo 2000 con từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó (6, 13).

– Tình trạng của người phụ nữ bị băng huyết cũng được Marcô diễn tả chi tiết khi có thêm chi tiết so với Matthêu và Luca: “ bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc” đến độ “tán gia bại sản,” mà lại còn “thêm nặng là khác” (5, 26).

7. Marcô diễntả những cảm xúc của Chúa Giêsu nhiều hơn các Phúc âm khác.

–  Chúa Giêsu phản ứng với các sự việc bằng những cảm xúc đích thực của con người: “giận dữ”, “buồn khổ” vì sự chai đá của đám đông chứng kiến phép lạ Người chữa lành người bại tay (3, 5); “thất vọng” trước sự nhát đảm và yếu tin của các môn đệ (4, 40); “chạnh lòng thương” dân chúng như bầy chiên không người chăn dắt (6, 34); “ngạc nhiên” khi người đồng hương Nazareth không tin (6, 6); “cảm thấy đói” (11, 12); “đem lòng yêu mến” người thanh niên giữ luật từ thưở nhỏ (10, 21); và có lúc bị hãi hùng xao xuyến tại vườn Ghết-sê-ma-ni (14, 33-34).

– Marcô cũng chia sẻ những từ nguyên bản của Chúa Giêsu.

Khi cho con gái ông Gia-ia sống lại “Ta-li-tha kum” (Này bé, hãy trỗi dậy đi!) (5, 41); khi chữa người vừa điếc vừa ngọng “Ephphatha” (Hãy mở ra!) (7, 34); khi cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-ni “Abba” (cha ơi) (14, 36); và khi ở bị treo trên thập giá “Eloi, Eloi, lema sabachthani?” (Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?) (15, 34).

8. Cũng có một “đoạn giới thiệu” cho “cuốn phim” Phúc Âm Marcô.

Theo truyền thống, thánh sử Marcô là thư ký của thánh Phêrô, nên nhiều người tin rằng Phúc âm của Marcô là của thánh Phêrô.  Trên thực tế, khi thánh Phêrô lên tiếng rao giảng câu chuyện về Đức Kitô trong sách Công vụ (10, 36-43), nó giống như một bản tóm tắt của Phúc âm Marcô, nói cách khác, nó gần giống như một đoạn giới thiệu về “cuốn phim” Phúc Âm Marcô.

9. Phúc âm Marcô có một khẩu hiệu cho áp phích phim (movie-poster tagline).

Marcô bắt đầu Phúc âm bằng việc công bố “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (1, 1) và ngài dùng từ “Tin Mừng” nhiều hơn bất kỳ thánh sử nào khác.  Chắc chắn, từ Tin Mừng phải là một khẩu hiệu đối với mọi thời đại.

Tom Hoopes
Nt. Anna Ngọc Diệp, OPChuyển ngữ từ: https://aleteia.org (25. 4. 2022)

BIỂN TRONG ĐÊM

“Thầy đây.  Đừng sợ!”

Trong tác phẩm “When All Hell Breaks Loose”, tạm dịch, “Khi Tất Cả Đổ Vỡ,” Steven J. Lawson viết, “Có thể bạn đang ở trong một cơn bão.  Chúa có mục đích khi dẫn bạn vào đó.  Ngài thừa sức bảo vệ bạn qua cơn bão.  Và, Ngài có một kế hoạch, để cuối cùng, dẫn bạn ra khỏi đó.  Hãy hướng mắt về Chúa Kitô.  Tin cậy vào Lời Ngài!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy hướng mắt về Chúa Kitô.  Tin cậy vào Lời Ngài!” Thông điệp của S. J. Lawson được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay.  Chúa Giêsu muốn bạn và tôi đặt niềm tin vào Ngài, “khi tất cả đổ vỡ,” khi hỗn mang chụp xuống, như đã chụp trên con thuyền các môn đệ giữa ‘biển trong đêm.’

Vậy thì điều gì khiến chúng ta sợ hãi?  Với một số người, nỗi sợ xuất hiện vì bất an tài chính, sức khoẻ kém, quan hệ vỡ vụn, tương quan hỏng hóc, tội lỗi giày vò…  Và đôi khi, cả những ‘dòng lưu’ trong tâm hồn dậy sóng bởi những cảm xúc vô kiểm soát, những kiêu hãnh, phù phiếm, hay ý tưởng lăng loàn… khiến chúng ta mất phương hướng; và dường như việc chèo chống ‘con thuyền lòng’ đều trở nên vô ích giữa ‘biển trong đêm.’  Bên cạnh đó, nỗi sợ lớn nhất là sợ chết.  Thế nhưng, Đức Kitô, Chúa chúng ta, đã vượt qua cái chết và đã sống lại.  Ngài là Chúa kẻ sống và kẻ chết thì không gì có thể khiến chúng ta sợ hãi, dẫu chết là ‘biển trong đêm’ hãi hùng nhất!

Tin Mừng tường thuật bi kịch của các môn đệ: gió nổi, sóng gào, thuyền sắp chìm.  Nhưng kìa Giêsu, Đấng “Đi Trên Nước” đang đến!  Và dẫu những ngư dân dày dạn này đã trải qua nhiều đêm trên biển, nhưng Thầy của họ lại chọn lúc này để đến với họ, không phải để đưa họ vào bờ nhưng để nói với họ rằng, bất kể ‘cơn bão’ nào trong cuộc đời, Ngài vẫn có mặt ở đó theo một cách thức kỳ diệu nhất!  Ngài muốn chúng ta tin rằng, bất kể chúng ta phải vật lộn với loại hình ‘biển trong đêm’ nào, Ngài vẫn luôn có đó, gây ngạc nhiên, an ủi và đầy yêu thương.

Niềm tin vào Chúa và Lời Ngài không mở ra một con đường dẫn đến mọi việc sẽ thông suốt và thuận lợi; nó không cứu bạn khỏi những bão tố cuộc đời.  Nhưng niềm tin cho bạn một bảo đảm về sự ‘Hiện Diện’ của Đấng khuyến khích bạn vượt qua những thử thách hiện sinh; nó bảo đảm về sự chắc chắn của một bàn tay nắm lấy bạn, giúp bạn đối mặt với những khốn khó, chỉ cho bạn con đường phải đi, cả khi nó tối tăm nhất.  Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một minh họa.  Khi các tín hữu kêu trách lẫn nhau vì giữa họ, có sự kỳ thị… thì Hội Thánh hướng mắt về Chúa Phục Sinh.  Các phó tế đầu tiên ra đời.  Giông bão qua đi!  Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài!”

Anh Chị em,

“Thầy đây. Đừng sợ!”  Cuộc đời mỗi người như một hải trình vượt biển, nhiều ngày êm đềm; nhưng không ít ngày ‘dông tố’ cả trong lẫn ngoài.  Đó là những lúc chúng ta phải nghe cho được “Thầy đây, đừng sợ!”  Quả thế, qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, Thiên Chúa đã cưới lấy nhân loại, Ngài sẽ không bỏ rơi một ai.  Nhưng có người tự hỏi, ‘Tại sao tôi khổ đau?’  Vâng, Chúa ở với chúng ta, Ngài không cất đi thánh giá, nhưng ban thêm sức mạnh để bạn và tôi vác nó, ôm lấy nó một cách ý nghĩa.  Vậy, đừng sợ bất cứ điều gì!  Bởi Chúa biết hết mọi sự, không gì nằm ngoài chương trình của Ngài.  Ngài “đưa chúng ta vào cơn bão; Ngài đem chúng ta ra.”  Điều quan trọng, dù ở đấng bậc nào, bạn và tôi vững tin, để nghe được tiếng Ngài, ngay giữa ‘biển trong đêm!’

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, lắm khi, thuyền đời con chòng chành bất định, xin hãy bước vào, nói với con “Đừng sợ!”  Có bóng Ngài, con cập bến bình an!”  Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

ĐỪNG TIẾC NUỐI

Có những lúc trong cuộc đời trước những bất hạnh, rủi ro hay lầm lỡ, chúng ta thường thốt lên một lời thật xót xa: “giá mà!”  Giá mà tôi đừng như vậy thì đời tôi đâu đến nông nỗi này!  Giá mà tôi không đầu tư vào việc đó thì tôi đâu thất bại ê chề như thế này!  Giá mà tôi chịu nghe lời cha mẹ, giá mà tôi đừng gặp người đó, đừng bằng lòng lấy người ấy thì đời tôi đâu khổ sầu như ngày hôm nay!  Giá mà tôi đừng trèo cao danh vọng hay “vung tay quá trán” thì đời tôi đâu khốn khó như ngày hôm nay!

Có lẽ, vẫn còn nhiều câu nói xót xa tương tự như thế trong cuộc đời chúng ta.  Nhất là trong những quyết định sai lầm để rồi “sẩy một ly đi một dặm,” đã khiến cuộc đời mình trở nên khánh tận tột cùng.  Lúc đó hai tiếng “giá mà” lại càng đau đớn xót xa hơn!

Ngược với sự xót xa tiếc nuối, người ta có thể đặt bản lề cho vận mạng mới của mình bằng hai tiếng “tuy nhiên.”  Tuy nhiên tôi có thể làm lại từ đầu.  Tôi có thể đứng lên từ trong biến cố đau thương này.  Trong họa vẫn có phúc.  Trong đau khổ vẫn có mầm hy vọng.  Trong thất bại vẫn có con đường để tiến lên, miễn là biết kiên nhẫn và chờ đợi sẽ có ngày gặt hái thành công.

Hai môn đệ đi làng Emmau hôm nay lòng cũng tơi bời, nát tan trong tuyệt vọng và tiếc nuối.  Giá mà ngày nào họ đừng gặp Thầy Giêsu, đừng đi theo Người, đừng lặn lội sương gió phò tá Người thì hôm nay đâu phải trắng tay và trốn chạy như thế này!  Giá mà Đức Giêsu, người từng làm cho sóng gió biển cả phải im lặng, cho ma quỷ phải khiếp sợ, đừng chấp nhận một định mệnh quá cay nghiệt là cái chết ô nhục trên thập giá, thì mộng ước bấy lâu nay của họ đã thành hiện thực.  Tuy nhiên, giữa lúc họ đang đặt ra biết bao giả thuyết đầy nuối tiếc, bi quan, tưởng chừng như cuộc đời họ đã chấm dứt như “dã tràng xe cát biển đông,” Chúa đã đến với họ như một người khách lạ cùng nhịp bước với họ, nhưng lại nhìn những biến cố đang diễn ra khác họ.  Người khách lạ đã giúp các ông nhìn biến cố này từ Thánh Kinh.  Gợi lại cho các ông những dòng Kinh Thánh từ thời Abraham, Mô-sê và các tiên tri để các ông hiểu được con đường của Thầy Chí Thánh Giêsu: là Đức Giêsu phải đi qua đau khổ mới tới vinh quang.  Đức Kitô là Đấng Messia.  Ngài phải thực hiện toàn bộ các lời kinh thánh đã nói về Ngài.

Nghe người khách lạ nói, lòng trí các ông bừng sáng một niềm tin lạ thường.  Niềm tin giúp các ông chấp nhận sự thật trong an bình, trong thánh ý của Thiên Chúa.  Lòng họ tràn ngập niềm hân hoan.  Họ muốn mời người khác lạ ở lại với họ.  Họ muốn tri ân.  Họ muốn bầy tỏ lòng biết ơn đối với người khách lạ.  Vì nhờ người khách lạ giải thích Kinh Thánh mà họ hiểu được ý nghĩa của biến cố đang xảy ra.  Bao lâu nay họ học Kinh Thánh, bao lâu nay họ nghe giảng Kinh Thánh nhưng họ lại không biết nhìn sự kiện dưới cái nhìn của Kinh Thánh.  Họ muốn Thiên Chúa hành xử theo ý mình.  Họ muốn Đức Giêsu đáp lại nguyện vọng của họ mà họ đâu biết rằng Người đến trần gian là để thực thi ý Chúa Cha.  Họ thất vọng vì những điều xảy ra không theo ý họ.  Chúa đã chết thay vì làm vua.  Cái chết của Chúa đã làm tan biến mọi mơ ước trong lòng họ.  Tuy nhiên, hôm nay họ đã hiểu, dù có muộn màng nhưng mặc cho trời còn tối.  Bóng tối của trời đất chẳng là gì với ánh sáng của tâm hồn.  Tâm hồn họ bừng sáng lên niềm hy vọng.  Tâm hồn họ tràn ngập ánh sáng hân hoan.  Họ đứng dạy trở về Giêrusalem, trở về với các tông đồ trong sự hiệp thông với Chúa và với nhau.

Câu chuyện hai môn đệ đi làng Emmau, thánh sử Luca chỉ giới thiệu cho chúng ta một nhân vật đó là Lê-o-pha, và một người khuyết danh.  Người khuyết danh đó phải chăng là mỗi tín hữu chúng ta?  Có thể là chính chúng ta cũng có lúc đang đi trên đường Emmau.  Đoạn đường có quá nhiều chán chường.  Đoạn đường dài đầy bất trắc dồn dập xảy đến trong cuộc đời.  Ốm đau, bệnh tật, làm ăn thua lỗ luôn làm chúng ta chưa hết cái lo này đến cái lo khác.  Khiến chúng ta thất vọng.  Muốn buông xuôi.  Mặc cho dòng đời đưa đẩy.  Thánh Luca muốn ghi lại biến cố này để mời gọi những ai sầu khổ tư bề hãy biết nhìn biến cố trong đời bằng ánh sáng tin mừng.  “Sau đêm dài là ánh bình minh.”  “Sau cơn mưa trời lại sáng.”  Hãy tin tưởng vào Chúa.  Thiên Chúa luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời chúng ta.  Vì Chúa là người Cha hiền sẽ không bao giờ bỏ rơi con cái của mình.

Ước gì trong thánh lễ hôm nay, chúng ta được nghe Lời Chúa, được hiểu Lời Chúa, được hiệp thông với Chúa và với nhau qua bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng được sự bình an và niềm vui có Chúa ở cùng như hai môn đệ đi làng Emmau năm xưa.  Amen!

Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

LẮNG NGHE NHỊP TIM CỦA CHÚA KITÔ

Câu chuyện về bữa ăn tối cuối cùng trong Phúc âm thánh Gio-an cho chúng ta một hình ảnh bí ẩn tuyệt vời.  Thánh sử mô tả vị tông đồ yêu quý tựa đầu vào ngực Chúa Giê-su.  Hình ảnh này chứa đựng điều gì?  Rất nhiều điều:

Thứ nhất, khi bạn tựa đầu vào ngực người khác, tai của bạn nằm ngay bên trên trái tim người đó, bạn có thể nghe nhịp đập trái tim của họ.  Vì vậy, trong hình ảnh của thánh Gio-an, chúng ta thấy vị tông đồ yêu dấu áp tai lên trái tim Chúa Giê-su, lắng nghe nhịp đập trái tim của Chúa, và từ đó nhìn ra thế giới.  Đây là hình ảnh tối thượng về sứ vụ tông đồ của thánh Gio-an: Vị tông đồ lý tưởng là người hòa nhịp với nhịp tim của Chúa và nhìn thế giới với âm thanh của nhịp đập đó trong tai mình.

Và còn có một tầng mức thứ hai của hình ảnh này: Đó là biểu tượng của bình an, hình ảnh em bé ngả đầu vào ngực mẹ, hài lòng, thỏa mãn, êm dịu, không căng thẳng, không muốn ở đâu khác hơn nơi này.  Đây là hình ảnh của tình mật thiết tối thượng, của sự nhất thể cộng sinh, một mối liên hệ còn sâu sắc hơn cả tình yêu lãng mạn.

Và đối với thánh Gio-an, đó còn là hình ảnh của bí tích Thánh thể: Điều mà chúng ta thấy trong hình ảnh một người áp tai lên trái tim của Chúa Giê-su, là cái cách mà thánh Gio-an muốn chúng ta hình dung chính mình khi tham dự bí tích Thánh thể, bởi vì, rốt cuộc, đây chính là ý nghĩa của bí tích Thánh thể, dựa đầu vào ngực Chúa Giê-su.  Trong phép Thánh thể, Chúa Giê-su dành cho chúng ta, về mặt thực thể, một lồng ngực để dựa đầu vào, để được nuôi dưỡng, để cảm thấy an toàn và vững chãi, và từ đó nhìn ra thế giới.

Cuối cùng, đây còn là hình ảnh về cách chúng ta cần chạm đến Chúa và được Chúa duy trì trong sự cô tịch như thế nào.

Cha Henri Nouwen từng nói: “Bằng cách chạm vào tâm điểm của sự cô tịch chúng ta, chúng ta cảm thấy mình đã được những bàn tay thương yêu chạm đến.”  Sâu thẳm trong lòng mình, giống như một dấu ấn, có một nơi Chúa đã chạm đến, đã vuốt ve và đã hôn chúng ta.  Rất lâu trước khi ký ức của chúng ta có thể nhớ được, rất lâu trước khi chúng ta có thể nhớ được đã chạm tới hay đã thương yêu hay hôn ai hay cái gì, hay nhớ được mình đã được ai hay cái gì trên thế gian này chạm tới, đã có một thứ ký ức khác, một ký ức đã được những bàn tay thương yêu nhẹ nhàng chạm đến.  Khi áp tai vào trái tim Chúa – vào lồng ngực của những gì tốt lành, chân chính và đẹp đẽ – chúng ta đã nghe một nhịp tim nào đó và chúng ta nhớ mãi, trí nhớ cất giữ ở một nơi ban sơ nào đó, ở một cấp độ vượt lên trên suy nghĩ, rằng mình đã từng được Chúa hôn dịu dàng.

Tựu trung, đây là điều sâu sắc nhất trong lòng chúng ta.  Có một huyền thoại cổ xưa nói rằng khi tạo ra một em bé, Chúa hôn linh hồn của em và hát cho em nghe.  Khi vị thiên thần hộ mệnh mang em xuống trần gian để nhập vào thể xác của em, vị đó cũng hát cho em.  Huyền thoại này nói rằng nụ hôn và bài hát của Chúa, cũng như bài hát của vị thiên thần, mãi mãi lưu lại trong linh hồn em – để được đánh thức, nâng niu, chia sẻ, và trở thành nền tảng cho tất cả các bài hát của chúng ta.

Nhưng để cảm nhận được nụ hôn đó, để nghe thấy bài hát đó, cần có sự cô tịch.  Bạn không cảm thấy được sự dịu dàng khi trong lòng và tất cả xung quanh bạn đều ồn ào, khó chịu, giận dữ, chua chát, ganh tị, tranh giành, và hoang tưởng.  Âm thanh nhịp đập trái tim của Chúa chỉ có thể nghe được trong một cô tịch nào đó và trong sự dịu dàng mà nó mang lại.  Thánh Gio-an Thánh giá từng định nghĩa cô tịch là “đem cái nhẹ nhàng hòa hợp với cái nhẹ nhàng.”  Đó là cách ông nói về việc chúng ta sẽ bắt đầu nhớ lại cái chạm nguyên thủy của Chúa, khi, qua sự cô tịch, chúng ta dọn dẹp hết khỏi trái tim mình tất cả những gì không nhẹ nhàng, nghĩa là ồn ào, giận dữ, chua chát, và ganh tỵ.  Khi chúng ta trở nên nhẹ nhàng, chúng ta sẽ nhớ lại rằng mình đã được đôi tay thương yêu chạm vào, và, giống như vị tông đồ yêu dấu, lúc đó chúng ta sẽ áp tai mình vào nghe nhịp đập trái tim của Chúa.

Vậy, trong mỗi chúng ta đều có một nhà thờ, một nhà nguyện, một nơi thờ phụng, một nơi tôn nghiêm không phải do bàn tay con người tạo nên.  Và đó là nơi dịu dàng, nơi trinh trắng, nơi thiêng liêng, nơi không hề có giận dữ, không cảm thấy bị lừa dối, không cần phải tranh giành, và không cần phải bất an.  Đó là nơi dịu dàng; nhưng nó có thể bị xâm phạm, bằng việc cam kết với chính mình nhưng lại không tôn trọng chính mình, và đặc biệt, bằng dối trá rồi duy lý hóa và tiếp theo đó là chai sạn, sa đọa và khô cứng của trái tim.  Tuy nhiên, trái lại, đó cũng là nơi có thể vẫn không hề bị xâm phạm, thiêng liêng, không bị hề hấn gì kể cả khi bị lạm dụng và xâm hại.

Chính tại nơi đó, nơi chỉ vào được qua sự cô tịch và dịu dàng của tinh thần, mà chúng ta có được đặc ân tiếp cận với Chúa vì đó là nơi Chúa đã chạm đến chúng ta và nơi mà chúng ta nhớ lại điều đó, cho dù mờ nhạt đến đâu.

Chúng ta đã từng được chạm đến bằng đôi tay dịu dàng hơn nhiều và đầy thương yêu hơn nhiều so với đôi tay của chính chúng ta.  Ký ức về cái chạm đó là một dấu ấn – ấm áp, sâu đậm, dịu dàng.  Bước vào miền ký ức đó là dựa vào ngực Chúa, giống như vị tông đồ yêu dấu đã làm tại bữa ăn tối cuối cùng.  Từ nơi đó, tai áp trên trái tim của Chúa Ki-tô, chúng ta có cái nhìn chân thật nhất về thế giới của chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

HÃY THEO THẦY

Câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay diễn ra bên bờ hồ, một cái hồ mang nhiều tên gọi: hồ Galilê, hồ Ghennêxarét, hồ Tibêriát.  Cái hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm giữa Thầy và trò.  Nơi đây tiếng gọi đầu tiên của Thầy Giêsu đã vang lên: Hãy theo Thầy.

Tiếng ấy đã khiến họ từ bỏ nghề sông nước để lên bờ, đi theo ông thợ mộc làng Nadarét.  Bao lần Thầy trò đi qua cái hồ rộng như biển này.  Sóng gió họ cũng đã gặp, vui buồn họ cũng đã từng.  Sáng sớm hôm nay, trên hồ này họ đánh được mẻ cá lớn, nhờ một người lạ đứng trên bờ mà họ từ từ nhận ra là Thầy của mình.

Bữa ăn sáng do Thầy chuẩn bị thật chu đáo.  Có bánh và cá, có cả đống than hồng hong ấm tình Thầy trò.  Ngọn lửa này gợi nhớ đến đống than hồng ở dinh Thượng tế, nơi Phêrô đã đứng sưởi và đã chối Thầy (Ga 18, 18. 25).  Bây giờ, cũng bên đống than hồng, Thầy Giêsu cho Phêrô có cơ hội công khai bày tỏ tình yêu của mình.  “Anh có yêu mến Thầy không?” ba lần Thầy Giêsu hỏi Phêrô như thế.  “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” ba lần Phêrô trả lời như thế.  Ba lần chối Thầy như được xóa đi bởi ba lần tuyên xưng tình yêu. Nhưng bây giờ Phêrô khiêm tốn, biết tình yêu của mình mong manh, dễ vỡ.

“Hãy chăn dắt chiên của Thầy” : ba lần Thầy Giêsu đã nói như thế.  Tình yêu dẫn đến sứ mạng chăn dắt đoàn chiên mà Thầy quý chuộng.  Phải  yêu Thầy thì mới yêu chiên của Thầy.  Yêu Thầy là điều kiện để được Thầy trao sứ mạng mục tử.  Làm mục tử là tiếp nối công việc của Thầy Giêsu, Mục tử nhân hậu, nên cũng phải sẵn sàng chấp nhận cái chết như Thầy (cc. 18-19), chết cho đoàn chiên, chết để tôn vinh Thiên Chúa (c. 19).

“Hãy theo Thầy” lời mời năm xưa cũng là lời mời được lặp lại bây giờ.
“Hãy theo Thầy” sau những vấp ngã, yếu đuối và chối Thầy.
“Hãy theo Thầy” sau khi những giấc mơ trần tục bị tan vỡ bởi biến cố Núi Sọ.
“Hãy theo Thầy” sau những hăng hái nồng nhiệt thuở ban đầu.
“Hãy theo Thầy” để giang tay ra và đến nơi mình không muốn đến.
“Hãy theo Thầy” để củng cố anh em và chăn dắt chiên của Thầy (Lc 22, 31-32).

Hôm nay Chúa Giêsu Phục sinh cũng hỏi từng Kitô hữu: Con có mến Thầy không?
Và Ngài chờ một câu trả lời trước khi trao sứ mạng, vì ai trong chúng ta cũng có sứ mạng chăm sóc một nhóm người nào đó.  Xin ơn yêu Giêsu bằng tình yêu thiết thân riêng tư.  Xin ơn theo Ngài vì nghe thấy lời mời gọi vang lên mỗi ngày: Hãy theo Thầy.  Và xin ơn dám sống hết mình cho những người được Chúa trao phó.

*********************************** 

Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới, nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời.  Chúng con phải đối diện với bao thách đố của cuộc sống, của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình, của nghề nghiệp chuyên môn.  Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy của vật chất và quyền lực, nhưng cho chúng con giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu, lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.

 Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con sống thực tế, nhưng không thực dụng; biết xoay xở nhưng không mưu mô; lo cho tương lai cá nhân, nhưng không quên bao người bất hạnh cần nâng đỡ.  Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc, giữa những xâu xé trước bao lựa chọn, xin cho chúng con biết tìm những phút giây trầm lắng, để múc lấy ánh sáng và sức mạnh, để mình được thật là mình trước mặt Chúa.  Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu, xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân, làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh, và phẩm giá con người được tôn trọng.  Amen!

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

CON ĐƯỜNG CỦA LÒNG TIN LÀ CON ĐƯỜNG CỦA LÒNG MẾN

Chúa nhật II phục sinh, Giáo hội tuyên dương lòng thương xót Chúa.  Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ này đáp lại ý Chúa muốn qua thánh nữ Maria Faustina: “Ta muốn ngày lễ kính lòng thương xót là một trợ giúp và là nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương.  Trong ngày ấy, lòng thương xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đổ một đại dương hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch lòng thương xót của Ta” (Tiểu nhật ký, số 699).  Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II qua đời vào đêm cuối tuần Phục Sinh đầu tiên (ngày 2 tháng 4 năm 2005).  Lòng thương xót Chúa đã chiếu một luồng ánh sáng vào cái chết của một vị thánh thời đại.

Lòng thương xót của Chúa được biểu lộ qua cuộc thương khó và cái chết của Ngài trên thập giá.  Điều quan trọng được Thánh Kinh ghi nhận là thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn, vẫn còn lỗ đinh ở chân tay và vết giáo đâm ở cạnh sườn.  Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành nay thành những vết sẹo.  Lòng thương xót ghi đậm nét nơi các vết thương trên thân thể Chúa.  Vì thế, việc đầu tiên khi hiện ra với các môn đệ, sau khi trao ban bình an, là Chúa cho các ông xem các vết thương ở tay và cạnh sườn, các môn đệ vui mừng và bình an.

Lòng thương xót Chúa đối với con người trước và sau phục sinh không thay đổi, vì Chúa Giêsu vẫn là một để cho người ta nhận ra Ngài.  Vết thương diễn tả lòng thương yêu của Chúa với con người không thay đổi.  Ngài còn khoe và cho phép Tôma lấy tay kiểm tra vết thương.  Chúa không che dấu, không tiếc xót dù Tôma có cứng lòng, đòi thực tế phải thấy mới tin.

1. Đức tin của Tôma

Chúa sống lại, các môn đệ không dễ dàng tin, thánh sử Luca kể: “Khi từ mộ trở về, các bà Maria Macđala, bà Gioanna và bà Maria, mẹ ông Giacôbê và các bà khác cùng đi với mấy bà này.  Các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy.  Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin” (Lc 24,11).  Thánh Matthêu thuật lại: khi mấy người phụ nữ báo tin cho các môn đệ: Chúa đã sống lại rồi, các ông cũng hoài nghi.  Rồi, “khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,17).  Riêng Tôma đã nói một câu quyết liệt: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”  Đây là kiểu tin bằng lý luận kiểm chứng, chỉ tin khi thấy, khi đã có đủ bằng chứng rõ ràng hiển nhiên.

Tôma đại diện cho những người lý luận, cái gì cũng muốn xem tận mắt, bắt tận tay.  Chỉ tin những gì thấy được.  Chỉ chấp nhận những gì sờ được.  Đòi kiểm nghiệm tất cả.  Đòi tự mình chứng nghiệm tất cả.  Không chỉ tin vào lời nói suông.  Tôma không vội tin một cách dễ dàng như bao người khác.  Ông là người có tính thực tế của khoa học phải qua kiểm chứng, kiểm nghiệm bằng mắt thấy, tai nghe, tay chân sờ mó đụng chạm hẳn hoi thì mới tin.  Đây phải chăng là thái độ khôn ngoan, cẩn thận trước một quyết định hết sức quan trọng của đức tin nơi Tôma?  Cám ơn thánh Tôma, vì nhờ ngài mà các môn đệ khác được chứng kiến tỏ tường Chúa sống lại, được nhìn thấy những vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người.

Trước khi tin, Tôma phải hoài nghi đã.  Tôma chỉ tin những điều hợp lý, những gì ‘thấy được, sờ được.’  Đây không phải là thái độ cố chấp của Tôma mà ngược lại là thái độ không nhẹ dạ, không cả tin vội vàng bằng tai nghe.  Đó là lối phân tích theo nhận định tự nhiên của con người và cũng là kinh nghiệm sống đức tin của nhiều người chúng ta.  Dù sao, đây cũng là một khó khăn riêng tư của Tôma trong việc tin vào Chúa sống lại.  Chúa Giêsu hiểu ông, nên đã đích thân đến và giúp cho ông dễ dàng hơn để tin vào Chúa.  Ngài mời gọi ông hãy tin vững vàng.  Và ông đã nói lên lời tuyên xưng đức tin thật đẹp đẽ, thật trang trọng ‘lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi.’  Cuối cùng, Chúa Giêsu đã ban cho Toma sự bình an và đức tin mạnh mẽ qua sự hoài nghi, để ông tuyên xưng đức tin cá nhân của mình: “Lạy Thiên Chúa của con.  Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, Tôma đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi.  Theo lưu truyền, ông đi rao giảng đức tin và lòng thương xót của Chúa ở Ba tư, Xyri rồi chịu tử đạo ở Ấn Độ.

Thần học gia Hans Kung nói: “người tín hữu không bao giờ nghi ngờ sẽ khó lòng hoán cải một người hoài nghi.”  Nhà thần học Paul Tillich nói: “sự hoài nghi chín chắn là sự khẳng định của đức tin.  Nó chứng tỏ một sự quan tâm rất nghiêm chỉnh.”  Còn Thomas Merton bảo: “người có niềm tin mà chưa từng trải qua sự nghi ngờ thì không phải là người có niềm tin.”  Jean Guitton, một nhà triết học người Pháp, nói: “Chính vì nghi ngờ thường trực mà tôi lại có thể tin vững.”  Thực tế, trên đời có biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn tin, không kiểm tra được mà vẫn phải chấp nhận và sống điều ấy.  Sự hoài nghi giúp chúng ta trưởng thành trong đức tin, thúc đẩy ta thắc mắc, tìm hiểu, học hỏi, cầu nguyện, nghiên cứu sách vở (Lm. Pet. Bi Trọng Khẩn).

2. Lòng mến của Gioan

Có hai mức độ tin: mức độ thấp là tin vì thấy, tin dựa vào bằng chứng; mức độ cao là tin mà không cần thấy, tin không dựa trên bằng chứng mà dựa trên tình yêu.  Đây là mối phúc thứ 9 như lời Chúa Giêsu nói với tông đồ Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,28).  Không thấy mà tin không có nghĩa là tin một cách mù quáng, vu vơ, không có cơ sở, không có lập trường mà là bằng tình yêu nên đức tin vững mạnh hơn, truởng thành hơn.  Thánh Gioan, “người môn đệ Chúa yêu,” bằng tình yêu, Gioan “đã thấy và đã tin” và nhận ra điều mà mọi người khác không nhận ra.  Phúc âm kể: khi thấy một bóng người mờ mờ đi trên mặt biển, mọi người khác đều tưởng là ma, chỉ có Gioan là tức khắc nhận ra đó là Thầy mình.  Khi Chúa Phục Sinh hiện ra bên bờ biển hồ Tibêria, “các môn đệ không nhận ra” nhưng “môn đệ được Chúa Giêsu thương mến” đã nhận ra và nói với Phêrô “Chúa đó” (Ga 21, 4-7)…  Rõ ràng, con đường tình yêu đi đến niềm tin nhanh chóng hơn, nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn.

Tin mừng Phục Sinh cho thấy: có hai con đường dẫn tới đức tin, một con đường bằng lý luận với những bằng chứng rõ ràng, và con đường thứ hai là dựa vào tình yêu thoạt xem có vẻ tầm thường nhưng thực ra lại nhanh chóng, nhẹ nhàng và cũng không kém phần vững chắc.  Chúng ta hãy củng cố đức tin của mình bằng cả hai con đường đó.  Phải có những suy nghĩ lý luận thật vững chắc về Chúa, mặt khác chúng ta cũng hãy cố gắng yêu mến Chúa ngày càng nhiều hơn, bởi vì cũng như thánh Gioan, nếu có thêm sức mạnh của tình yêu, chúng ta sẽ được mở mắt để nhận biết những gì mà người không yêu Chúa không nhận biết.

3. Lòng Chúa Xót Thương

Nhân loại thời nay khát khao một “Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót” (1Ga 4,8; Ep 2.4) để họ tôn thờ, tựa nương và tìm được ý nghĩa cuộc đời.  Lòng thương xót là tình yêu thương, là lòng trắc ẩn với người đau khổ, với người nghèo đói, với người bệnh tật, với người tội lỗi.  Nhân loại thời nay cần tình yêu, đây là một dấu chỉ của thời đại.  Vì thế, mỗi người tùy vào khả năng của mình hãy đặc biệt quan tâm đến việc thực thi lòng thương xót.  Mỗi tín hữu được mời gọi trở thành nhân tố tích cực để sống và làm chứng cho lòng thương xót.

Điều làm nên nét độc đáo của người tín hữu là nhân đức thương xót, thể hiện bằng đạo yêu thương, được bộc lộ nơi bản thân và cuộc đời mỗi cá nhân.  Mỗi người, bằng cách thực thi bác ái, lòng thương xót và tha thứ, có thể trở nên dấu chỉ quyền năng tình yêu của Thiên Chúa có sức biến đổi tâm hồn, đem lại hòa giải và bình an.  Trong Tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương Xót), ĐTC Phanxicô nói: “Thời đại ngày nay, khi Hội Thánh đang thực thi công cuộc Tân Phúc Âm hóa, lòng thương xót quả là cần thiết để một lần nữa tạo nên nhiệt tình mới và đổi mới các hoạt động mục vụ.  Điều tối quan trọng đối với Hội Thánh, cũng như để làm cho lời rao giảng của Hội Thánh đáng tin, chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót.  Ngôn ngữ và hành động của Hội Thánh cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha” (số 12).  Đáp lại lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô, trong Thư gởi cộng đoàn Dân Chúa (17.9.2015), HĐGMVN nhấn mạnh: “Mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.  Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống.”

Chúa Phục Sinh cho các tông đồ xem những thương tích cuộc khổ nạn nay đã thành sẹo như mời gọi các ngài chiêm ngắm chính nguồn mạch của Lòng Thương Xót không bao giờ cạn vơi.

Thánh Tôma Aquinô đã cầu nguyện rằng: “Chúa ơi, con không xin được xem thương tích Chúa như thánh Tôma tông đồ, nhưng con tuyên xưng Chúa là Chúa của con.  Hãy làm cho con luôn tin vào Chúa, cậy trông vào Chúa và yêu mến Chúa nhiều hơn nữa.”  Người Kitô hữu đôi khi không cần trí tuệ để tin vào những thực tại thiêng liêng; không cần giác quan để kiểm soát những dấu chỉ mầu nhiệm trong đạo, mà cần sống bằng lòng mến.  Càng yêu mến nhiều thì càng tin chắc.  Càng tin vững thì càng bình an.  Như vậy, con đường của lòng tin là con đường của lòng mến.  “Ai xót thương người, sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).  Những ai luôn tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh đều luôn sống tích cực và khám phá ra điều kỳ diệu trong những cái tầm thường để có khả năng chứng mình về tình yêu và lòng thương xót của Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

LUÔN MUỐN NHIỀU HƠN

“Đừng động đến Ta!”

Alexander MacLaren, nhà chú giải Thánh Kinh lỗi lạc Scotland, có lần viết, “Bạn có thể có được Thiên Chúa bao nhiêu tùy thích!  Chúa Kitô trao chìa khóa kho tàng vào tay bạn, bạn có thể lấy tất cả những gì bạn muốn.  Nếu một người được vào kho vàng thỏi của ngân hàng, được phép lấy bao nhiêu tuỳ ý; nhưng anh ấy chỉ lấy một xu, thì lỗi tại ai mà anh ta nghèo?  Hãy muốn thật nhiều!  Và đừng quên, Chúa Kitô ‘luôn muốn nhiều hơn’ cho bạn!”

Kính thưa Anh Chị em,

Chúa Kitô ‘luôn muốn nhiều hơn’ cho bạn!”  Đó cũng là những gì Ngài muốn cho Maria trong Tin Mừng hôm nay.  Sau khi sống lại, Ngài hiện ra cho Maria như một người làm vườn, cô muốn ôm chân Ngài; nhưng Ngài nói, “Đừng động đến Ta!”  Tại sao?  Chỉ vì Ngài muốn Maria thay đổi cách nhìn, cách ứng xử với Ngài một cách hoàn toàn khác!  Ngài ‘luôn muốn nhiều hơn’ cho cô!

Maria hết lòng vì Thầy, bằng chứng là sự hiện diện của cô dưới chân thập giá; phải chăng, do lòng thương xót, Ngài đã trục xuất bảy quỷ cho cô!  Mặc dù sự gắn bó và lòng sùng kính dành cho Chúa Giêsu rất đẹp đẽ và thánh thiện, tuy chưa hoàn thiện, Maria chỉ muốn Thầy Chí Thánh được trả lại cho cô theo cách cô muốn.  Vì lý do đó, Chúa Giêsu nói, “Đừng động đến Ta!”

Khi nói, “Đừng động đến Ta!”, Chúa Giêsu muốn nói với Maria rằng, ‘Mối quan hệ của con với Ta sẽ sớm thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, thiêng liêng hơn, thiên đàng hơn.  Nó không còn ở cấp độ con người!  Ta sẽ không chỉ là bạn đồng hành của con; Ta ‘luôn muốn nhiều hơn!’  Ta muốn con yêu Ta “hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn” và Ta sẽ sớm ở trong con và con ở trong Ta.  Ta sẽ ngự trong trái tim con, nên một với con, và trở thành Đức Lang Quân của con cho đến đời đời!’  Đây là ‘một cuộc hôn nhân thiêng liêng giữa trời với đất’, ‘một hiệp thông mầu nhiệm giữa người với Chúa’, ‘một tương quan mới giữa Đấng Cứu Chuộc với tội nhân’ mà ai ai cũng được mời gọi đến chia sẻ.  Họ sẽ cùng Ngài ‘xe duyên’; và điều này chỉ có thể xảy ra một khi Chúa Giêsu đã lên trời, ngự bên hữu Cha sau khi hoàn tất sứ mệnh của Ngài trên dương thế!

“Đừng động đến Ta!”  Sẽ rất bất ngờ khi chúng ta đọc lại những lời này với ý thức rằng, Chúa Giêsu ‘muốn được động đến’ hơn bao giờ hết!  Ngài muốn chúng ta ôm chặt Ngài với sự hiểu biết rằng, Ngài đã thực sự lên cùng Cha!  Giờ đây, Ngài mời chúng ta dính trết với Ngài trong Thánh Thể, trong Lời, trong tha nhân.  Ngài muốn chúng ta bám lấy Ngài với từng thớ thịt, từng hơi thở của mình; Ngài muốn ở cùng, trở nên mỗi người chúng ta để biến đổi từng người theo cách thức riêng của Ngài.  Maria Mađalêna đang tận hưởng vĩnh viễn hạnh phúc này; và quà tặng này cũng đang được trao cho mỗi chúng ta ngay hôm nay chứ không đợi đến mai ngày trên thiên đàng.

Anh Chị em,

“Đừng động đến Ta!”  Chúa Phục Sinh ‘luôn muốn nhiều hơn’, Ngài muốn chúng ta gói lấy “những vàng thỏi”, đừng nhặt “mấy đồng cắc.”  Ngài muốn bạn và tôi yêu Ngài hơn từng ngày, tha thiết hơn từng giờ; bởi lẽ, với tình yêu, không bao giờ đủ!  Từ đó, chúng ta sống cho Ngài từng giây, từng phút.  Ngài không chỉ ‘luôn muốn nhiều hơn’ trái tim yêu thương của chúng ta; nhưng thật bất ngờ, Ngài ‘luôn muốn nhiều hơn’ cả những tội lỗi cùng những gì hơi hướng thế tục nơi mỗi người.  Đó là tất cả những gì Chúa Phục Sinh đang chờ, và đang muốn nhất nơi bạn và tôi.  Hãy dâng Ngài thời giờ, sức khoẻ, niềm vui và cả thập giá.  Phải, cả những thập giá!  Thú vị thay, đôi khi, thập giá đó là chính sự ươn hèn, các tính hư nết xấu và cả tội lỗi của bạn và tôi nữa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, cho con biết yêu mến Chúa hơn từng ngày, sống thánh hơn từng giờ, để thoả lòng mong mỏi của Đấng ‘luôn muốn nhiều hơn’ cho con từng giây!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

RẤT ĐỖI VUI MỪNG

Vào thời Đức Giêsu, phụ nữ không được coi trọng.  Với truyền thống văn hóa của người Do-thái thời đó, Đức Giêsu không thể gọi một nhóm phụ nữ đi theo mình khắp nơi để làm môn đệ.  Tuy nhiên, vẫn có một nhóm phụ nữ vùng Galilê mộ mến và chịu ơn Thầy Giêsu, nên đã đi theo Thầy.

Họ đã có mặt bên Thầy trong những ngày cuối.  Họ đã theo Thầy trên suốt chặng Đàng Thánh Giá, trong khi các môn đệ nam bỏ trốn vì sợ liên lụy, các bà đã đứng xa nhìn Thầy chịu đóng đinh.  Họ đã chăm chú xem ông Giô-xếp tẩn liệm Thầy trong ngôi mộ mới, đục sâu vào núi đá, và họ đã ngồi ngắm nhìn ngôi mộ (Mt 27,55-61).

Biến cố Thầy chịu đóng đinh là một biến cố kinh hoàng, vượt sức chịu đựng của các phụ nữ.  Họ đã trải qua một đêm thứ sáu và thứ bảy thật dài, mong ngóng mau hết ngày sa-bát để ra thăm mộ.  Ngôi mộ là nơi tập trung tất cả tình thương của họ.  Người ta đã giết Thầy rồi, xác Thầy là điều duy nhất họ còn giữ được.

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, hai bà Maria là những phụ nữ đầu tiên ra viếng mộ.  Đơn giản họ muốn được gần xác Thầy, để khóc than, để nhớ thương, tiếc nuối…  Họ vẫn chưa hết bàng hoàng về chuyện đã xảy ra.  Cái chết của Thầy làm đức tin họ bị xao động.

Tại sao Thiên Chúa lại để cho xảy ra chuyện đó?  Khi đến mộ, các bà chẳng ngờ những gì sẽ xảy ra ở đây.  Đây không còn là ngôi mộ, với phiến đá to chắn ở cửa, vì bỗng nhiên mặt đất rung chuyển dữ dội, và phiến đá bị một vị thiên sứ lăn qua một bên.  Cửa mộ mở tung, cho thấy rõ những gì trong mộ.

Vị thiên sứ mang dáng vẻ của người thuộc thiên giới.  Cả khuôn mặt lẫn y phục đều bừng sáng trắng tinh.  Vị này khuyên các bà đừng sợ.  Thiên sứ tỏ ra hiểu biết lý do khiến các bà đến mộ: “Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng chịu đóng đinh.”  Thiên sứ giải thích tại sao ngôi mộ lại không còn xác Thầy: “Người không có ở đây, vì Người đã được phục sinh.”  Thiên sứ còn mời các bà lại gần chỗ đã đặt xác: “Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm.”  Nhưng quan trọng nhất là câu nói sau của vị thiên sứ: “Rồi các bà hãy đi cho nhanh, và nói với các môn đệ: Người đã được phục sinh từ cõi chết.”

Đây là Tin Mừng cho các bà còn đứng đó phân vân.  Thầy Giêsu đã sống lại thật rồi, đã ra khỏi mộ rồi.  Các bà có bổn phận báo cho các môn đệ biết tin đó.  Họ trở thành những sứ giả đầu tiên đi loan báo Tin Mừng.  Họ cũng phải nhắc lại cái hẹn của Thầy Giêsu với môn đệ: “Người đến Galilê trước các ông, ở đó các ông sẽ gặp Người.”

Các phụ nữ thành cầu nối để Thầy phục sinh gặp lại trò cũ.  Vừa sợ, vừa vui, nhưng vui thì lớn hơn sợ nhiều lần, các bà nhanh chóng rời khỏi ngôi mộ mà họ quyến luyến.  Họ có một sứ mạng lớn lao và khẩn trương, khiến họ phải chạy nhanh cho kịp.  Chẳng ai ngờ trên đường đến với các môn đệ thì họ lại gặp chính Thầy Giêsu phục sinh, hay đúng hơn, chính Thầy đón gặp họ trên đường.

Thầy là người mở lời chào: “Chị em hãy vui lên!”  Có vẻ các bà nhận ra Thầy ngay, vị Thầy mà họ thấy chết trên thập giá đã ba ngày rồi, đã được chôn, và họ đã không thấy xác nằm ở mộ nữa.  Bây giờ vị Thầy ấy đang đứng trước mặt họ.  Lòng họ đầy nỗi sợ hãi cùng với niềm vui khôn tả.  Nhưng họ không thể cưỡng được chuyện lại gần Thầy, bái lạy Thầy và ôm lấy chân.

Thầy đã phục sinh thật rồi, đúng như lời thiên sứ nói.  Đây không phải là một thị kiến, hay một giấc mơ.  Thầy không phải là một bóng ma hay ảo ảnh.  Chẳng những họ được thấy mà còn được chạm vào Thầy.  Thầy lại nhắc họ đi báo Tin Mừng Thầy được phục sinh cho các môn đệ, mà Ngài gọi là “anh em của Thầy.”

Đức Giêsu không nhắc đến những vấp ngã của các ông.  Ngài muốn làm hòa với họ và nối lại mối dây thân thiết.  Bài Tin Mừng trong lễ Vọng Phục sinh thật là vui.  Hai phụ nữ đã trải qua bao kinh nghiệm thiêng liêng, bao cung bậc của tình cảm, từ sợ hãi đến vui mừng, và cuối cùng là niềm hạnh phúc ngây ngất vì gặp Chúa.

Họ đi tìm xác Thầy, nhưng lại gặp Thầy đang sống.  Nước mắt đớn đau từ hai ngày qua được Thầy lau khô.  Hôm nay, Chúa phục sinh cũng đón chúng ta trên đường, khi chúng ta đang tìm kiếm, khổ đau, mất mát, thất vọng.  Chỉ cần nghe tiếng chào của Ngài là con tim sẽ vui trở lại.  Chỉ cần lại gần Ngài, chúng ta sẽ nói được: Ha-lê-lui-ya.

**************************************

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa, xin cho con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con.  Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.  Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.  Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.  Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.  Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.  Vượt qua những thành kiến con có về người khác…  Chính vì Chúa đã phục sinh nên con vui sướng và can đảm vượt qua, dù phải chịu mất mát và thua thiệtƯớc gì con biết noi gương Chúa phục sinh gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng, tin tưởng và niềm vui.  Ước gì ai gặp con cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Năm 2023