ĐỪNG CHẠY TRỐN THẬP GIÁ

Một trong các diện mạo nổi bật của Cuộc Khổ Nạn là Chúa Giêsu đơn độc dữ dội trong những giờ phút cuối cuộc đời Ngài trên thế gian.  Đa số các môn đệ, những người theo Ngài và là bạn hữu của Ngài, đều trốn Ngài và bỏ rơi Ngài trong lúc cấp bách nhất.  Thánh Phêrô còn cả gan dám chối bỏ Ngài tới ba lần để tránh liên lụy tới Ngài – người mà ông đã mạnh mẽ tuyên xưng là Con Thiên Chúa (Mt 16:16).  Có vài người tận tình theo sát Ngài, đó là Đức Mẹ và Thánh Gioan, những người đứng bên chân Thập Giá và chứng kiến Chúa Giêsu bị đóng đinh, rồi cùng đưa Ngài đi an táng.

Khi đi qua Mùa Chay Thánh này, chúng ta cần suy tư về những lần chúng ta đã chạy trốn thập giá và chạy trốn Chúa Giêsu.  Chúng ta đã từng làm điều đó, bằng cách này hay cách khác.  Đó là những lúc chúng ta trốn tránh đau khổ của chính mình, của người thân, của người lân cận, hoặc của những người mà chúng ta gặp trong cuộc sống hằng ngày.  Nhưng “chạy trời không khỏi nắng”, bởi vì chúng ta không thể trốn tránh đau khổ về thể lý – như bệnh tật, mất người thân, mất việc làm, bị tổn thương, hoặc các dạng đau khổ khác, kể cả những điều trái ý trong cuộc sống.  Khi đau khổ xảy ra, chúng ta thường tránh né bằng cách xem ti-vi, lướt internet, ăn uống thứ gì đó, uống rượu, sử dụng ma túy, xem phim ảnh đen, v.v…  Rất đa dạng.  Chúng ta tìm cách làm bất cứ thứ gì để tránh đối mặt với thực tế của cuộc sống: thập giá.  Thật vậy, chúng ta luôn tìm cách chạy trốn thập giá!

Chạy Trốn Đau Khổ Của Người Khác

Đây là điều rất thật, đó là khi chúng ta gặp đau khổ của người khác.  Người ta rất ưa chủ nghĩa cá nhân.  Đây là đặc điểm đối lập với cách hiểu của Công giáo về Nhiệm Thể Đức Kitô.  Chúng ta là một cộng đồng.  Chúng ta được liên kết với nhau qua Chúa Thánh Thần ở mức độ sâu xa nhất của chính con người chúng ta.  Chúng ta là các chi thể của Đức Giêsu Kitô trên thế gian này.  Chúa Giêsu là Đầu.  Khi một chi thể của Nhiệm Thể bị đau, tất cả chúng ta cũng bị đau.  Chúng ta không biết thực tế này nên chúng ta có thể làm ngơ, nhưng đó là sự thật minh nhiên.

Khi yêu thương nhau với tư cách là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi đi vào trong nỗi đau khổ của những người lân cận.  Điều này không dễ, nhưng không có gì về Thập Giá cho chúng ta biết đời sống tâm linh và con đường nên thánh sẽ dễ dàng.  Chúa Cứu Thế Giêsu đã chết trên Thập Giá và Ngài cho chúng ta biết rằng chúng ta PHẢI theo Ngài.  Có một Thập Giá cuối cùng dành cho mỗi chúng ta là chúng ta chắc chắn sẽ phải đối mặt trước khi chúng ta có thể bước vào đời sống vĩnh hằng: TỬ THẦN ĐANG ĐỢI TẤT CẢ CHÚNG TA.  Thập Giá đến trước khi ngôi mộ trống.  Cuộc sống này là những chuỗi thập giá dẫn chúng ta tới chung một số phận như Đức Chúa của chúng ta.  Dù vậy, chúng ta vẫn hy vọng nhờ những gì xảy ra phía sau Thập Giá.

Khi Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội trên thế gian, Ngài muốn kết hiệp toàn nhân loại qua dấu chỉ hữu hình đối với thế giới thực tế về bản thể học (ontological reality) trong tính liên kết của nhân loại và tặng phẩm Ơn Cứu Độ.  Đức Kitô đã mặc xác phàm, điều này liên kết Ngài với chúng ta trong tình đoàn kết và liên kết chúng ta với nhau.  Đó là nhờ mối liên kết sâu xa mà Ngài truyền lệnh cho chúng ta là phải yêu thương người lân cận.  Yêu thương đòi hỏi lòng ước muốn trong chúng ta về điều tốt lành đối với người lân cận.  Điều đó có nghĩa là chúng ta phải cầu xin Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta có sức chịu đựng, bởi vì tình yêu đòi hỏi sự hy sinh: vác thập giá.  Chúng ta cần can đảm chung phần đau khổ với tha nhân, nhưng tình yêu thương thúc giục chúng ta thể hiện sự công bình.  Chúng ta làm nhẹ gánh nặng của người khác và mở rộng khả năng yêu thương khi chúng ta chấp nhận đồng hành với những người đau khổ ở xung quanh chúng ta.  Đi vào nỗi đau khổ của người khác không chỉ là phong cách của Mẹ Thánh Teresa Calcutta, mà còn phải là của mỗi chúng ta.

Đi Vào Nỗi Đau Khổ Của Người Khác Bằng Cách Nào?

Đa số chúng ta không được mời gọi từ bỏ mọi thứ để sống trong những khu nhà ổ chuột và dành trọn thời gian để phục vụ người nghèo.  Chúng ta có trách nhiệm gia đình, đó là ơn gọi của chúng ta.  Thập giá của người khác có thể ở nhiều dạng, và chúng ta phải tập thói quen nhận ra nhu cầu của những người ở xung quanh chúng ta.  Chúng ta phải mang sức nặng thập giá của chính mình, đồng thời cũng tìm cách làm nhẹ gánh nặng của người khác.  Bắt đầu có thể là thăm viếng bệnh nhân hoặc người già nào đó, an ủi người sầu khổ, nâng đỡ người thất vọng, giúp đỡ người cô thân, chia sẻ lương thực với người nghèo khó, gọi điện thăm hỏi ai đó, chia sẻ với người vô gia cư…  Hãy nhìn họ là hình ảnh của Thiên Chúa.  Cứ thế và cứ thế…  Cái nghèo đáng sợ nhất là cái nghèo về tinh thần: sự cô đơn.  Khi nào chúng ta thôi chạy trốn thập giá?  Đó là lúc chúng ta không ngừng yêu thương người lân cận, bởi vì không có cách nào có thể chấm dứt đau khổ trên thế gian này!

Chúng Ta Có Tiếp Tục Chạy Trốn?

Bạn có chạy trốn thập giá?  Mỗi chúng ta có thể trả lời “có” với câu hỏi này.  Chắc chắn tất cả chúng ta đều đã từng làm ngơ trước nỗi đau khổ của người khác.  Vào một lúc nào đó, tất cả chúng ta đã tránh né thập giá của chính mình bằng cách nào đó.  Chúa Giêsu đã dùng chính các thập giá này để làm tăng khả năng yêu thương ở chúng ta, Ngài muốn làm chúng ta nên thánh.  Thật là không hề dễ chút nào.  Đau khổ rất mạnh mẽ khiến người ta có thể cảm thấy không thể sống sót, nhưng Thiên Chúa vẫn có thể mở rộng tâm hồn chúng ta qua những nỗi đau khổ đó.  Ngài cũng mở rộng tâm hồn yêu thương của chúng ta qua đau khổ chúng ta chịu hằng ngày.

Chúng Ta Nghĩ Về Thiên Đàng Như Thế Nào?

Thiên Đàng là sự liên kết những con người đã được định hình theo tình yêu của Chúa Ba Ngôi chí thánh.  Đó là mối liên kết được nhận biết trọn vẹn, là SỰ QUÊN MÌNH HOÀN TOÀN, là sự liên tục yêu thương qua hành động – như việc các thánh cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.  Đó là sự bước vào thập giá của người khác cho tới tận thế.  Yêu thương đòi hỏi thập giá.  Một trong các cách Thiên Chúa chuẩn bị Nước Trời cho chúng ta là dạy chúng ta đi vào nỗi đau khổ của tha nhân.  Thập giá có tính biến đổi, có thể làm chúng ta nên thánh.  Mùa Chay này, chúng ta hãy cầu xin cho có sức mạnh và biết cách đi vào Cuộc Khổ Nạn cùng với Chúa Giêsu và tha nhân để chúng ta có thể trưởng thành trong tình yêu thương và sự thánh thiện.

Constance T. Hull
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

VƯỢT NGOÀI THẦN NGHIỆM

“Tôi là nhà thần nghiệm thực hành!”  Vài năm trước, một cô đã nói như thế trong lớp tôi dạy và khiến nhiều người cau mày.  Tôi đang dạy một lớp về thần nghiệm và hỏi các sinh viên vì sao họ lại có hứng thú với môn thần nghiệm.  Mỗi người trả lời một kiểu.  Có người đơn giản thấy hấp dẫn với khái niệm này, người khác là những người linh hướng muốn có thêm thấu suốt về những cảm nghiệm thần nghiệm, và một số thì theo học vì cố vấn học tập khuyên họ nên vào lớp này.  Nhưng có một cô trả lời: “Vì tôi là nhà thần nghiệm thực hành!”

Ai đó có thể là nhà thần nghiệm thực hành sao?  Có thể, nếu hiểu cho đúng cả hai từ này, thần nghiệm và thực hành.

Vậy thần nghiệm nghĩa là gì?  Trong quan điểm phổ thông, thần nghiệm thường được gắn với cảm nghiệm tôn giáo khác thường và huyền bí, cụ thể là những thị kiến, mặc khải, sự hiện ra, đại loại như thế.  Thật sự, nhiều lúc đúng là thế, như với những nhà thần nghiệm vĩ đại như Julian thành Norwich và Teresa thành Avila, nhưng cũng có những ngoại lệ.  Kiểu thần nghiệm theo quan niệm của ta không phải là quy tắc.  Thường thì cảm nghiệm thần nghiệm rất bình thường, không thị kiến, không có sự hiện ra, không xuất thần, chỉ là một cảm nghiệm thường nhật, nhưng có một sự khác biệt.

Ruth Burrows, nhà thần nghiệm lừng danh người Anh thuộc dòng Carmel đã mô tả thần nghiệm như thế này: Cảm nghiệm thần nghiệm là được Thiên Chúa chạm đến ở một mức độ thâm sâu hơn lời lẽ, suy nghĩ, hình tượng và cảm giác.  Chúng ta có cảm nghiệm thần nghiệm khi nhận thức về bản thân và thế giới một cách rõ ràng, dù chỉ là trong thoáng chốc.  Điều này có thể đi kèm những điều khác thường, như thị kiến hay sự hiện ra, nhưng thường thì không như thế.  Thường thì cảm nghiệm thần nghiệm không phải là khoảnh khắc một thiên thần hay một thần linh hiện ra với bạn, cũng không phải là lúc có chuyện huyền bí xảy ra với bạn.  Cảm nghiệm thần nghiệm là khác thường, nhưng khác thường vì nó rõ ràng một cách độc nhất vô nhị, vì trong khoảnh khắc ấy chúng ta quy hướng một cách khác thường, và vì trong khoảnh khắc ấy chúng ta cảm thức một cách vô thức, mơ hồ, và lộn xộn, cảm thức vượt ngoài từ ngữ và hình tượng, cảm thức được điều mà các nhà thần nghiệm gọi là ký ức không phai về nụ hôn của Chúa trên linh hồn chúng ta, ký ức nguyên sơ về lần mình từng cảm nghiệm tình yêu hoàn hảo khi còn ở trong lòng Chúa trước lúc ta ra đời.  Bernard Lonergan, dùng một thuật ngữ khác, gọi đây là dấu ấn của những nguồn gốc đầu tiên lên linh hồn chúng ta, dấu ấn bẩm tại của những yếu tố siêu việt thuộc về Thiên Chúa, là Duy nhất, Chân, Thiện, Mỹ, ở trong chúng ta.

Chúng ta có cảm nghiệm thần nghiệm khi liên kết với phần linh hồn mà chúng ta từng được Chúa chạm đến trước khi chúng ta ra đời, phần linh hồn chúng ta vẫn mang theo dù trong vô thức, phần ký ức đã được Chúa chạm đến.  Henri Nouwen gọi đây là ký ức mơ hồ về “tình yêu đầu tiên” về một thời chúng ta được nâng niu bởi đôi bàn tay trìu mến hơn bất kỳ lần nào chúng ta có trong đời này.

Tất cả chúng ta đều có cảm nghiệm này ở một mức độ nào đó.  Tất cả chúng ta đều có những cảm nghiệm thần nghiệm, dù không phải ai cũng là nhà thần nghiệm.  Vậy đâu là điểm khác biệt giữa có cảm nghiệm thần nghiệm và là nhà thần nghiệm?  Nó cũng là điểm khác biệt giữa có cảm nghiệm mỹ thuật và là nghệ sĩ.  Tất cả chúng ta đều có cảm nghiệm mỹ thuật và nhiều lần thấy được mỹ thuật đánh động sâu sắc, nhưng chỉ có một số ít người trở thành nghệ sĩ lớn, nhà soạn nhạc lớn, không hẳn bởi họ có cảm nghiệm sâu sắc hơn chúng ta, nhưng bởi họ có thể cho cảm nghiệm của họ một biểu lộ mỹ thuật đặc biệt.  Biểu lộ mỹ học luôn luôn có sự hòa hợp nhất định.  Do đó bất kỳ ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ thực hành, dù cho không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Về thần nghiệm cũng thế.  Nhà thần nghiệm là người có thể đem lại biểu lộ có ý nghĩa cho cảm nghiệm thần nghiệm của họ, cũng như một nghệ sĩ là người có thể đem lại biểu lộ thích đáng cho cảm nghiệm mỹ thuật của họ.  Bạn có thể là một nhà thần nghiệm thực hành, tương tự như là một nghệ sĩ thực hành.  Như một nghệ sĩ đầy nỗ lực, bạn có thể dốc sức để đem lại một biểu lộ có ý nghĩa và có ý thức cho những vận động thâm sâu mà bạn cảm nhận được trong linh hồn mình, và như một nghệ sĩ nghiệp dư thôi, bạn sẽ không là một Rembrandt hoặc Picasso trong đời sống thiêng liêng, nhưng những nỗ lực của bạn có thể hữu ích vô cùng khi bạn làm rõ những vận động trong linh hồn và tâm thần mình.

Vậy cụ thể, làm sao để bạn làm một nhà thần nghiệm thực hành trong thực tế?  Bằng cách làm bất kỳ điều gì giúp bạn liên hệ cách có ý thức với những vận động thâm sâu trong linh hồn, và bằng cách làm những điều giúp bạn vững vàng và tập trung vào linh hồn mình.

Ví dụ như, khi nỗ lực liên kết với linh hồn mình, bạn có thể làm nhà thần nghiệm thực hành bằng cách viết nhật ký, đọc sách thiêng liêng, xin linh hướng, làm những việc linh thao chẳng hạn như bài Linh Thao của thánh Inhaxiô, và cầu nguyện dưới bất kỳ hình thức nào.  Khi quy hướng vào và làm vững vàng linh hồn mình, bạn có thể là một nhà thần nghiệm thực hành, khi dốc hết bản thân một cách ý thức hơn và chủ tâm hơn, vào việc sống ngày Xa-bat và làm những việc quy hướng về linh hồn chẳng hạn như làm vườn, đi bộ đường dài, nghe nhạc, đối ẩm với người thân và bạn bè, yêu vợ hoặc chồng mình, bồng một đứa bé, thăm người bệnh, hay thậm chí chỉ cần làm việc mình thích và có khoảng nghỉ lành mạnh tránh những ám ảnh của bận tâm thường nhật.

Đấy chính là những cách để làm nhà thần nghiệm thực hành, thậm chí chẳng cần phải theo học lớp chính thức về thần nghiệm.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

TIẾNG GỌI

Sống trong cuộc đời, chúng ta thường được nghe biết bao tiếng gọi.  Có những tiếng gọi giúp ta hạnh phúc an bình, nhưng cũng có những tiếng gọi làm ta sa ngã bất trung.  Gọi ai là muốn cho người đó đến gần, có thể với ước mong kết thân tình nghĩa, nhưng đó cũng có thể là một mưu chước dối gian.  Mùa chay giúp người tín hữu phân định, đâu là lời mời gọi giúp ta nên thánh, đâu là lời mời gọi làm cho ta lạc lối sai đường.

Bài sách thánh thứ nhất kể lại việc Chúa gọi ông Abraham.  Sự kiện này được các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhà chú giải Thánh Kinh xác định ở khoảng thế kỷ 18 trước Công nguyên.  “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi.”  Theo tiếng gọi của Chúa, ông Abraham đã bỏ tất cả mọi sự, kể cả những mối liên hệ thiêng liêng như cha mẹ họ hàng.  Vào thời chưa có điện thoại và các phương tiện liên lạc và di chuyển như bây giờ, việc bỏ quê hương và người thân để lên đường, là một chuyến ra đi mãi mãi.  Abraham không biết mình sẽ đi đâu, nhưng ông xác tín vững vàng vào Thiên Chúa, Đấng đã gọi ông.  Ông tin rằng, bao giờ Chúa cũng sẽ làm cho ông những điều tốt lành và mang lại thiện ích cho ông trong hiện tại cũng như trong tương lai.  Tác giả sách Sáng thế diễn tả sự lên đường của ông Abraham như một quyết định dứt khoát, với niềm xác tín và hân hoan.  Sau này, tác giả thư gửi tín hữu Híp-ri đã suy tư về cuộc lên đường của ông như sau: nhờ tin vào lời Chúa, Abraham đã trở thành cha của nhiều dân tộc.  Ông là người công chính và là gương mẫu cho tất cả những người tin.

Tuần trước, Phụng vụ mời gọi chúng ta vào sa mạc với Chúa Giêsu, để sống tinh thần chay tịnh, chiến thắng cám dỗ.  Chúa nhật này, Phụng vụ lại mời gọi chúng ta lên núi cao, để chứng kiến Chúa Giêsu biến hình.  Trong truyền thống Thánh Kinh, núi cao là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa.  Chúa đã ban luật Giao ước cho dân Israel trên núi Sinai sau khi dân ra khỏi Ai Cập.  Như người leo núi phải bỏ bớt hành lý cồng kềnh, hành trình leo núi thiêng liêng buộc chúng ta phải bỏ lại những tham lam tính toán thấp hèn, để sống cao thượng và thanh thoát hơn.

Theo Tin Mừng thánh Matthêu, việc Chúa Giêsu biến hình (còn gọi là hiển dung) được trình bày trong bối cảnh các môn đệ đang hoang mang lo lắng, vì các ông thấy Thày mình loan báo cuộc thương khó mà Người sẽ trải qua.  Khi nghe Chúa nói về việc Người sẽ bị giết chết và sẽ sống lại, ông Phêrô bàng hoàng.  Ông kéo Thày riêng ra một chỗ và trách Thày.  Chúa Giêsu đã mạnh mẽ phê phán Phêrô và gọi ông là Satan (x. Mt 16,21-23).  Để giúp các môn đệ có một nhãn quan khác về sứ vụ thiên sai của Người, Chúa Giêsu đã biến hình trước mặt ba môn đệ là ông Phêrô, Giacôbê và Gioan.  Ông Phêrô trước đó mấy ngày đã can gián và trách Chúa, nay lại xin làm ba lều cho Chúa, cho ông Môisen và ông Êlia.  Các ông cảm nhận được niềm vui ngây ngất khi thấy Chúa biến đổi hình dạng.  Tâm trạng các ông đã được thay đổi, kể cả khi Chúa nói với các ông: ‘Con Người từ cõi chết trỗi dậy.’

Đâu là tiếng gọi của Chúa trong cuộc sống cụ thể hôm nay?  Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy, trước hết là lời mời gọi hãy lắng nghe lời Chúa Giêsu.  Đây là lời mời gọi từ đám mây, tức là tiếng nói của Chúa Cha.  Chúa Cha công nhận và giới thiệu với thế giới, Đức Giêsu là Con yêu dấu của Ngài.  Ngài muốn cho chúng ta nghe lời của Chúa Giêsu, là lời đem lại sự sống và hạnh phúc bình an.  Chính Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa.  Lời đã nhập thể, đã làm người để ở với chúng ta và để kể cho chúng ta nghe về tình thương Thiên Chúa.  Ai đón nhận Lời Chúa, tức là đón nhận Chúa Giêsu vào cuộc đời và vào tâm hồn mình, nhờ đó mà tìm được sức mạnh siêu nhiên, để vượt lên những gian nan thử thách và những chông gai của cuộc đời.

“Trỗi dậy đi, đừng sợ!”  Đó là lời mời gọi thứ hai của Chúa.  Thế giới của chúng ta có biết bao điều sợ hãi.  Con người bị bóng tối sợ hãi bủa vây xung quanh.  Đó là bạo lực, chia rẽ, hận thù.  Đó còn là bệnh tật, tai nạn, thiên tai, nhân tai.  Đó còn là những cạm bẫy đến từ sự gian xảo của lòng người.  Chúa Giêsu đã trấn an ba môn đệ trong lúc các ông kinh hoàng: Đừng sợ.  Lời này cũng nhằm khích lệ các ông trước nỗi sợ của cuộc khổ nạn, mà Chúa Giêsu đã loan báo trước đó.  Hôm nay Chúa vẫn đang nói với chúng ta những điều ấy.  Những ai cậy trông tín thác vào quyền năng và tình yêu thương của Chúa thì không còn sợ hãi bất cứ điều gì.  Chúa khẳng định với chúng ta như thế.

Mùa Chay giúp chúng ta nhận ra đâu là tiếng gọi của Chúa, giữa một đại dương âm thanh hỗn tạp ồn ào.  Hãy đọc Tin Mừng để nhận ra tiếng Chúa.  Hãy suy niệm Lời Chúa để sống theo thánh ý của Người.  Tiếng gọi của Chúa bao giờ cũng nhằm tới thực thi đức bác ái yêu thương.  Thái độ hận thù nhỏ nhoi không bao giờ đến từ Thiên Chúa, bất kỳ dưới góc độ nào.  Thánh Phaolô (Bài đọc II) khuyên người môn sinh của mình là Timôthê hãy nhận ra kế hoạch và ân sủng của Đức Kitô.  Người là Đấng Cứu độ chúng ta.  Người đã tiêu diệt thần chết và ban cho chúng ta phúc trường sinh bất tử.

Trong sứ điệp truyền thống đầu mùa Chay năm 2023 này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dựa trên trình thuật Chúa Giêsu biến hình để mời gọi các tín hữu sống tinh thần mùa Chay.  Với chủ đề: “Khổ chế mùa Chay và lộ trình hiệp hành,” Đức Thánh Cha so sánh việc ba tông đồ chiêm ngắm Chúa biến hình trên núi như một cuộc tĩnh tâm.  Tĩnh tâm là lên núi cao để gặp gỡ Chúa, để chiêm ngưỡng vinh quang của Người.  Tĩnh tâm cũng là nhìn lại chặng đường mình đã đi, để nhận ra những yếu kém, những bất toàn của mình, rồi từ đó thiện chí sửa chữa, canh tân.  Đức Thánh Cha viết: “Vào cuối cuộc leo núi, khi đang ở trên đỉnh núi với Chúa Giêsu, ba môn đệ được ơn nhìn thấy Người trong vinh quang, chói ngời ánh sáng siêu nhiên.  Một ánh sáng không đến từ bên ngoài, nhưng tỏa ra từ chính Chúa.  Vẻ đẹp thiêng liêng của thị kiến này vượt xa những nỗ lực mà các môn đệ đã cố gắng khi lên Núi Tabor.  Như trong bất kỳ chuyến leo núi gian nan nào, đang khi leo, chúng ta phải chăm chú nhìn vào con đường; nhưng bức tranh toàn cảnh mở ra ở cuối lộ trình gây bất ngờ và đền đáp cho chúng ta bởi sự kỳ diệu của nó.”  Trong lộ trình tiến tới Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta leo núi để gặp Chúa Giêsu, nhờ đó mà chúng ta sống tinh thần hiệp hành, cùng nhau xây dựng Giáo Hội và cùng nhau loan báo Đức Giêsu cho thời đại chúng ta.

Khi chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình, chúng ta nhìn thấy tương lai của chính chúng ta. Quả vậy, những ai tin vào Chúa Giêsu và chuyên tâm thực hành lời Người dạy, sẽ được vinh quang sáng láng như Người.  Cuộc biến hình trên núi vừa khẳng định sứ vụ thiên sai của Đức Giêsu, vừa như một lời hứa hẹn với các tông đồ: nếu các ông trung thành với Chúa, các ông cũng sẽ được hưởng vinh quang và triều thiên Chúa ban.  Nhờ được chiêm ngưỡng Chúa biến hình, các ông kiên vững một niềm tin và trở thành chứng nhân can đảm của Thầy.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra tiếng Chúa gọi, để nhiệt thành theo Chúa và thực thi những gì Người truyền dạy, nhờ đó chúng con tìm được hạnh phúc và bình an.  Amen!

TGM Vũ Văn Thiên