LỄ LÁ 2023

Nghi thức phụng vụ khai mạc Tuần Thánh mang nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: khởi đầu là bầu khí náo nhiệt tưng bừng, kết thúc là một thảm kịch bi thương.  Bài thương khó theo thánh Matthêu đưa chúng ta từ phòng Tiệc ly, đến chân thập giá và cuối cùng kết thúc nơi một nấm mồ được niêm phong.  Nghe đọc trình thuật thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta cũng hoảng hốt như các môn đệ và số đông dân chúng đương thời.  Có lẽ nào một người tự xưng là Thiên Chúa mà nay phải chết cách nhục nhã thương đau?  Có lẽ nào một vị ngôn sứ đã từng nổi tiếng về quyền năng trong lời nói cũng như hành động mà nay phải thất bại trước mưu mô toan tính của con người?  Công lý ở đâu?  Phải chăng trời không có mắt?  Còn biết bao vấn nạn nữa được đặt ra, trong sự hoang mang sợ hãi của những người chứng kiến.  Nỗi sợ ấy lớn đến mức các môn đệ sợ hãi chạy trốn.  Giây phút Chúa Giêsu chịu thương khó và chịu chết là thời điểm của quyền lực tối tăm.  Bạo lực và gian dối nhấn chìm tất cả trong đau thương và bi đát.

Những sự kiện được trình bày trong Bài Thương khó, sẽ được lần lượt cử hành qua các lễ nghi của Tam nhật Vượt qua.  Ngày lễ lá chỉ là khúc dạo đầu của các lễ nghi Tuần Thánh.  Trong Tam nhật Vượt qua, chúng ta sẽ từng bước đi theo Chúa Giêsu từ nhà Tiệc Ly (thứ Năm Tuần Thánh) đến chân đồi Canvê (thứ Sáu Tuần Thánh).  Cùng cảm nhận sự hoang mang trống vắng của các môn đệ, chúng ta đến bên mộ Chúa (thứ Bảy Tuần Thánh), rồi cuối cùng là niềm vui Phục sinh vỡ oà nơi chúng ta và các Kitô hữu trên khắp địa cầu.

Hãy trở lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu.  Tác giả Phúc âm cũng như các độc giả gốc Do Thái nhận ra nơi Chúa Giêsu người tôi tớ đau khổ mà ngôn sứ Isaia diễn tả.  Bài đọc thứ nhất Lễ Lá là Bài ca thứ ba, trong số bốn bài ca về người tôi trung của Đức Giavê.  Ngôn sứ Isaia diễn tả một người bị đánh bầm dập, chịu phỉ nhổ nhạo cười mà không thẹn thùng và cũng không cãi lại.  Đó là người tôi tớ trọn niềm trung kiên để thực hiện thánh ý Đức Giavê.  Tương tự như thế, thánh Matthêu diễn tả những nhục hình mà Chúa Giêsu đã chịu.  Những người lính La Mã chế giễu Chúa và trút lên Người những trận mưa đòn trong sự ngạo nghễ của một đại quốc đối với công dân của một nước chư hầu.  Họ đã biến Người thành một tên hề để giải khuây.  Trong tình huống này, Chúa Giêsu vẫn nhẫn nhục.  Người mang vào bản thân sự đau đớn tinh thần cũng như thể xác.  Đối với một người đã có thời nổi tiếng và vinh quang, mà nay chịu nhuốc nha sỉ nhục, thì nỗi nhục càng lớn hơn gấp bội.

Trong trình thuật thương khó, đám đông dân chúng, dù không phải là nhân vật chính, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn.  Mới trước đó họ cầm ngành lá để tung hô Chúa khi Chúa vào thành thánh, với sự thán phục và tự hào.  Vậy mà giờ đây họ giơ cao tay để đòi Philatô giết Chúa.  Họ nằng nặc đòi tha Baraba là một tù nhân khét tiếng, và đòi lên án tử cho Chúa Giêsu.  Lòng thù hận đã làm cho con mắt họ trở nên mù tối.  Dù biết Chúa Giêsu là người vô tội, họ vẫn tìm cớ để tố cáo Người.

Đức Giêsu cô đơn giữa một đám đông khát máu.  Chặng đường thập giá cho chúng ta thấy chỉ có vài người phụ nữ bày tỏ lòng xót thương theo cảm tính nữ nhi.  Các môn đệ sợ hãi chạy trốn.  Những người đã trầm trồ thán phục khi Người rao giảng và làm phép lạ, nay chẳng thấy đâu.  Chúa đã đón nhận thập giá trong tâm tình vâng phục Chúa Cha.  Bài đọc II, trích thư của thánh Phaolô gửi giáo dân Philipphê đã diễn tả điều đó.  Người đã vâng lời cho đến chết và chết trên cây thập tự.  Tuy vậy, Chúa Giêsu không kết thúc cuộc đời ở nấm mộ.  Người đã phục sinh.  Qua sự phục sinh vinh quang này, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Người.  Cả trên trời dưới đất và nơi âm phủ đều phải tuyên xưng Người là Chúa.

Trình thuật thương khó không chỉ là sự kiện của quá khứ cách đây hai ngàn năm, mà còn là của ngày hôm nay.  Thế giới hiện tại chính là đám đông hỗn độn năm xưa.  Quả vậy, trong xã hội của chúng ta, vẫn còn đó những người vô tội bị kết án oan sai và bị giết chết.  Biết bao người là nạn nhân của bạo lực, của chiến tranh, của kỳ thị.  Họ là những người yếu thế trước cường quyền.  Khi đọc trình thuật thương khó, mỗi chúng ta đều có thể nhận ra mình là một nhân vật trong vở kịch bi thương đó.  Hai ngàn năm đã qua, vẫn còn đó một đám đông ồn ào quan điểm bất nhất.  Vẫn còn đó những Philatô, những ký lục và biệt phái.  Họ là những người cậy quyền thế để áp bức dân nghèo.  Chúa Giêsu vẫn đang vác thập giá ngang qua cuộc đời chúng ta.  Người hiện thân nơi anh chị em chúng ta, nhất là nơi những người đau khổ và bất hạnh.  Chúng ta thờ ơ với những đau thương của Người, khi chúng ta thờ ơ với nỗi đau của đồng loại.  Biến cố thập giá giúp ta hồi tâm để tìm lại chính mình, đồng thời xin Chúa ban sức mạnh để tiếp tục tiến bước trong hành trình cuộc đời.

Chứng kiến biến cố thập giá năm xưa, nhiều người đương thời cũng đặt ra những vấn nạn về bất công, đau khổ và về sự gian ác của con người.  Hôm nay, trong cuộc sống của chúng ta, những vấn nạn đó cũng vẫn đang được đặt ra, thậm chí vấn nạn về sự hiện hữu của Thiên Chúa và về lòng thương xót của Người.  Chúng ta hãy nhìn lên thập giá Chúa Giêsu để phần nào hiểu được ý nghĩa của đau khổ.  Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta: đã sinh vào kiếp người, ai cũng phải chết.  Lửa thử vàng, gian nan thử đức.  Những ai yêu mến và hy sinh vì tha nhân, sẽ tìm được hạnh phúc cho bản thân mình.  Hạnh phúc đó, không ai lấy mất, nhưng tồn tại mãi mãi.  Thập giá cũng nói với chúng ta: chính con người đang hủy hoại đồng loại và không ngừng gây đau khổ cho nhau.  Hãy ngưng bạo lực!  Hãy xây đắp tình huynh đệ!  Như thế đau khổ sẽ bị đẩy lui và hạnh phúc sẽ tràn đầy.  Chúa Giêsu sẽ nâng đỡ chúng ta trong hành trình thập giá, như chính Người đã hứa.

Trong những ngày sắp tới, chúng ta cùng với Giáo Hội hoàn vũ cử hành nghi thức Tam nhật Vượt qua.  Những nghi thức này, thường là khá dài, hàm chứa những ý nghĩa biểu tượng rất sâu sắc.  Trong thinh lặng sâu lắng, chúng ta chiêm ngưỡng hình ảnh người Tôi tớ Giavê và suy tư cuộc khổ nạn của Người.  Qua đó, cuộc đời chúng ta được biến đổi, bao dung quảng đại hơn.  Chúa Giêsu đã chết vì chúng ta.  Người là nạn nhân của bạo lực và của vu khống.  Người khiêm nhường và hiền lành giữa cơn lốc hận thù của những người đồng bào.  Người chấp nhận cái chết để đem lại tự do và giải thoát cho muôn dân.  Người chính là con chiên vượt qua mới, thay thế cho con chiên vượt qua cũ của phụng tự Cựu ước.

Thập giá không chỉ là biểu tượng của thương đau và thất bại, nhưng còn là dấu chỉ của tình yêu và hy vọng.  Nếu Chúa Giêsu đã chết trên thập giá, thì Người cũng đã sống lại vinh quang.  Thập giá chỉ là một giai đoạn mang tính nhất thời.  Đau khổ nào rồi cũng sẽ qua đi.  Sau cơn mưa trời lại hừng sáng.  Sự phục sinh vinh quang mới là đích điểm của Đức tin Kitô giáo.  Thế nhưng, không chết thì làm sao sống lại?  Khi tham dự các nghi thức Tuần Thánh, Giáo Hội mượn lời thánh Phaolô để kêu mời chúng ta hãy cùng chết với Đức Kitô để được sống lại với Người.  Hình ảnh hạt lúa mì gieo xuống đất chấp nhận mục nát để nảy nở, mọc cây và sinh hoa kết trái, chính là biểu tượng cho niềm hy vọng của chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

CHÚA GIÊSU VÀ QUÂN DỮ

Sau nụ hôn phản bội, Giuđa lẩn vào đám người đến bắt Chúa Giêsu.  Công việc của hắn đã xong.  Việc hắn phải làm lúc này là hồi hộp quan sát với hy vọng rằng những người bắt Chúa Giêsu sẽ thực hiện đúng giao kèo và không để Chúa Giêsu vuột khỏi như bao lần trước trong quá khứ.

Chúa Giêsu không có ý định như vậy, nếu Ngài muốn thì cũng chẳng ai làm gì được Ngài.  Thay vì chờ kẻ thù ra tay, Ngài nói với họ: “Quý vị tìm ai?”  Họ đáp: “Tìm Giêsu Nadarét.”  Ngài xác nhận: “Chính tôi đây.”  Mặc dù đã có dấu chỉ điểm của Giuđa là nụ hôn, họ có vẻ vẫn nghi ngờ.  Ngu dốt hết sức!  Họ nghi người này dám ra mặt như thế thì không thể là người mà họ muốn bắt.

Thánh Gioan cho biết rằng khi Chúa Giêsu nói “Chính tôi đây” thì quân dữ đã “lùi lại và ngã xuống đất.”  Khi giải thích về sự té ngã của họ, chắc chắn rằng Thánh Gioan coi đó là một phép lạ do quyền năng của Chúa.  Có thể không phải cả đám họ đều ngã hết; có thể chỉ những người đứng ngay trước mặt Chúa Giêsu mới ngã, đó chính là những viên chỉ huy đã hỏi Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu cho phép điều gì đó thuộc quyền năng của Ngài để chiếu tỏa trong lời Ngài và vẻ uy nghi của Ngài, kẻ thù phải giật lùi và ngã nhào.  Đây không là lần đầu tiên Chúa Giêsu khiến kẻ thù hoảng sợ vì vẻ uy nghi của Ngài (x. Ga 7:44; 10:39).  Ngài sẽ mở đường cho họ bởi vì đó là ý muốn của Chúa Cha, nhưng không phải trước khi cho họ thấy rằng Ngài tự do hành động.  Ngài làm trọn lời tiên tri của ngôn sứ Isaia: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53:7).  Ngài làm vậy không phải vì yếu đuối mà vì chọn lựa.

TÌNH HUỐNG và THANH GƯƠM

Kẻ thù của Chúa Giêsu liền tận dụng tình huống này.  Chúa Giêsu trao mình mà không hề chống cự và xin tha cho các đệ tử.  Không có chiến đấu nên không có nguy hiểm, thế nên một số người trong đám lính tỏ ra hăng hái, bước tới và bắt Chúa Giêsu.  Giuđa giữ đủ mức độ yêu thương và lòng kính trọng dành cho Thầy để an thân, hắn để cho người khác hành động.  Các môn đệ ngạc nhiên trước các sự kiện này.  Chưa bao giờ họ thấy Thầy bị đối xử tồi tệ như vậy.  Những lần trước, khi kẻ thù tìm cách bắt Ngài, Ngài chỉ lặng lẽ lánh đi nơi khác, thế mà bây giờ Thầy lại chịu để cho chúng bắt.  Lúc này họ thấy Ngài nắm chặt hai bàn tay.

Ngay trong lúc dầu sôi lửa bỏng, các môn đệ xin ý kiến của Thầy Giêsu để có thể chiến đấu bằng gươm, vì hai người trong số họ có gươm, nhưng họ không hiểu ý Thầy mình.  Chiều tối, Ngài nói với họ: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?”  Họ đáp: “Thưa không.”  Ngài bảo họ: “Nhưng bây giờ, ai có túi tiền thì hãy mang theo, ai có bao bị cũng vậy; còn ai chưa có gươm thì bán áo đi mà mua.  Vì Thầy bảo cho anh em hay: cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp.  Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất.”  Họ thưa với Thầy Giêsu: “Lạy Chúa, đã có hai thanh gươm đây.”  Ngài bảo: “Đủ rồi!” (Lc 22:35–38).  Có thể họ nghĩ rằng đây là cách Chúa Giêsu nói tới sự cấp bách.  Sự mạnh dạn của họ lớn hơn sự khôn ngoan.  Có gươm giáo trong tay, một số người trong số họ chờ lệnh của Thầy Giêsu, sẵn sàng xông vào đám lính Rôma.

Lúc đó, hành động nhanh chóng, vì Chúa Giêsu không còn thời gian để trả lời họ.  Phêrô bộc trực khi thấy Thầy bị bắt.  Ông không đợi Thầy trả lời, mà liền vung gươm chém thẳng vào đầu Malchus, một trong những người đang bắt giữ Thầy Giêsu.

Sau khi Phêrô chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế, Chúa Giêsu nghiêm giọng: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26:52).  Ý nghĩa câu nói không rõ ràng.  Có thể Chúa Giêsu có ý nói rằng “Cứ để như thế, không còn bạo lực nữa,” hoặc là “Cứ để mọi sự diễn biến; cứ để họ bắt Thầy.”  Trong lúc bị thương, hẳn là Malchus buông tay ra, và Chúa Giêsu liền dùng tay để gắn tai cho hắn.  NếuThầy Giêsu không làm phép lạ chữa lành tai cho Malchus, hẳn là Phêrô khó yên thân trong sân dinh thượng tế tối hôm đó.

Chúa Giêsu vẫn chủ động.  Quay sang Phêrô, Ngài nói: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26:52).  Ngài không tham dự vào việc tự vệ bằng bạo động, Ngài muốn yêu thương.

Bạo lực sinh ra bạo lực, đổ máu dẫn đến đổ máu nhiều hơn.  Dùng gươm phải được phép, nếu không sẽ phạm pháp.  Hơn nữa, Chúa Giêsu không cần họ trợ giúp: “Anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao?  Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần!” (Mt 26:53).  Một đạo quân có 6.000 người.  Thay vì 12 môn đệ yếu đuối bảo vệ Ngài, Ngài có thể xin Chúa Cha ban cho mười hai lần sáu ngàn thiên thần giúp đỡ Ngài – tức là 12 x 6.000 = 72.000 quân.

Sau khi nói với Phêrô, Chúa Giêsu quay sang đám người đến bắt Ngài.  Mặc dù Ngài nói với mọi người, nhưng Ngài nhắm đến những kẻ có chức quyền, những kẻ chịu trách nhiệm về những gì xảy ra – các thượng tế, những người coi Đền Thờ, và các bô lão.  Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến?  Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ, mà các ông không tra tay bắt.  Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm” (Lc 22:52–53).

BẮT GIỮ

Chúa Giêsu không phản đối việc bắt Ngài nhưng phản đối cách thức, thời gian và nơi chốn mà họ bắt Ngài.  Họ đối xử với Ngài như thể Ngài là kẻ trộm cướp, trưởng băng đảng có vũ khí, hoặc kẻ phạm pháp.  Nếu có vấn đề sự khác nhau về học thuyết, họ cũng biết rất rõ rằng họ vẫn thấy Ngài giảng dạy ở Đền Thờ.  Họ có thể bắt Ngài giữa thanh thiên bạch nhật và đưa Ngài ra trước hội đường.  Chúa Giêsu biết tại sao họ không làm vậy – và chính họ cũng biết điều đó.  Họ biết họ kết tội Chúa Giêsu về những lời Ngài nói.  Họ sợ dân chúng vì tính thâm độc trong động lực và sự bất công trong cách đối xử của họ dành cho Chúa Giêsu.

Nhưng có ý nghĩa sâu xa về những gì xảy ra.  Họ là những kẻ độc ác.  Do đó hành động của họ hoàn tất lời tiên tri, như Chúa Giêsu đã xác định: “Nhưng thế này là để lời Sách Thánh được ứng nghiệm” (Mc 14:49b).  Những gì họ làm đều được Thiên Chúa sử dụng và ăn khớp với kế hoạch cứu độ.

Lúc đó, quân dữ có vẻ đã thắng thế.  Chúa Giêsu nói: “Đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm” (Lc 22:53b).  Họ đã nhiều lần muốn bắt Ngài nhưng không thể bởi vì giờ của Ngài chưa đến.  Bây giờ là lúc họ có thể tự do hành động.  Satan là hoàng tử của bóng tối, nó đã nhập vào Giuđa, kẻ thủ mưu thành công.  Giờ hành động của quân dữ cũng là giờ của quyền lực tối tăm, bởi vì họ hành động với tư cách là liên minh và vũ khí của Satan.

CÁC MÔN ĐỆ CHẠY TRỐN

Sau khi nói với đám quân dữ, Chúa Giêsu im lặng.  Các Thánh sử không cho biết có sự thảo luận giữa các môn đệ hay không, về những gì nên làm hoặc nên nói.  Các Phúc Âm chỉ cho biết cách hành động của các môn đệ: “Bấy giờ CÁC MÔN ĐỆ BỎ NGƯỜI MÀ CHẠY TRỐN HẾT” (Mt 26:56b).

Chạy trốn là hèn nhát, đáng xấu hổ.  Họ xa tránh Thầy Giêsu trong lúc nguy hiểm và bỏ mặc Thầy trong tay kẻ thù.  Tuy nhiên, chúng ta không nên coi đó là điều khó làm dịu tính nghiêm khắc về việc kết tội.  Chúa Giêsu đã giải tán họ và nói: “Nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi” (Ga 18:8).  Ngài phản đối họ dùng gươm giáo, vả lại Ngài cũng không tỏ dấu hiệu bỏ trốn.  Họ phải mau mắn quyết định điều cần làm, trong khi đó họ vẫn chăm chú theo dõi Chúa Giêsu, và họ quyết định chọn cách an toàn cho bản thân.   Khi họ thấy Chúa Giêsu bị bắt mà không tìm cách thoát thân, họ lẩn vào bóng tối của những tán cây ô-liu. Điều đó ứng nghiệm lời tiên tri về lời nói của Chúa Giêsu: “Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác” (Mt 26:31).  Khi đó, Thánh Gioan thấy Thầy Giêsu đơn độc nên cảm thương: “Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Do Thái bắt Đức Giêsu và trói Người lại” (Ga 18:12).

Khi Chúa Giêsu đã bị trói chặt và bị quân lính vũ trang vây quanh, đám quân dữ bắt đầu dàn hàng tiến về thành phố.  Thánh Gioan cho biết rằng “họ điệu Chúa Giêsu đến ông Kha-nan, nhạc phụ của ông Cai-pha.  Ông Cai-pha làm thượng tế năm đó” (Ga 18:13).  Truyền thống đặt dinh của ông Kha-nan– có lẽ cũng như dinh của ông Cai-pha – trên ngọn đồi phía Tây của thành phố, khoảng 60m tính từ căn phòng mà Chúa Giêsu đã ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ vài giờ trước đó.

THANH NIÊN CHẠY TRỐN

Đêm tối, mọi người trong thành phố đã yên giấc.  Chỉ có những lính canh còn thức bên các bức tường. Thánh Máccô cho biết rằng các môn đệ đã bỏ của chạy lấy người.  Trong các Phúc Âm, chỉ có Máccô thú nhận sự thật này: “Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai.  Họ túm lấy anh.  Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng” (Mc 14:51–52).

Thánh Máccô là người theo Chúa Giêsu khi còn khá trẻ – chưa tới 20 tuổi.  Ông không đi theo xa xa, mà đi theo trong đám đông.  Điều này cho thấy rằng ông không đi theo vì tò mò hoặc hiếu kỳ, mà thực sự quan tâm, thế nên ông trở thành môn đệ của Chúa Giêsu.  Và rồi ông bị quân dữ tóm lấy, nhưng ông bỏ áo để thoát thân, sợ quá nên ông chẳng ngại gì nữa dù lúc đó ông “trần như nhộng.”

Trình thuật Tin Mừng không cho chúng ta biết tình trạng đó của Mác-cô xảy ra trong khi người ta “dẫn độ” Chúa Giêsu từ Vườn Dầu tới dinh Kha-nan.  Có thể chàng trai trẻ Mác-cô là con của chủ nhân căn biệt thự Ghết-si-ma-ni và thức giấc vì tiếng la hét ồn ào của đám quân dữ.  Có một truyền thống cho rằng mẹ của Thánh Mác-cô là chủ căn nhà mà Chúa Giêsu và các môn đệ ăn Bữa Tiệc Ly.  Nếu truyền thống này đúng về vị trí của Phòng Tiệc Ly và dinh Kha-nan, hẳn là đám quân dữ dẫn tù nhân đi ngang qua Phòng Tiệc Ly.  Căn nhà của mẹ Thánh Mác-cô là một trong những nơi hội họp đầu tiên của các Kitô hữu thời sơ khai.  Đó là nơi mà Thánh Phêrô tới sau khi được thiên thần giải thoát khỏi nhà tù (Cv 12:12).

Chứng cớ chưa đủ thuyết phục, nhưng có điều nhỏ cho biết rằng chàng trai trẻ kia chính là Thánh Mác-cô.  Nếu đúng vậy, chúng ta có thể hình dung sự kiện đó vẫn sống động trong trí nhớ.  Nếu Thánh Mátthêu, Thánh Luca và Thánh Gioan biết điều này, hẳn là họ đã bỏ qua vì thấy không quan trọng.  Đối với Thánh Mác-cô, điều đó giống như một dấu ấn mà chính ông đã ghi dấu trong Phúc Âm do ông viết ra, giống như Thánh Gioan đã nói tới chính mình bằng cách nói “người môn đệ Chúa yêu.”

Lm Ralph Gorman
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

NGUỒN SỐNG ĐÍCH THỰC 

Người Âu châu thường dùng biểu tượng con bướm để nói về sự phục hồi, tái sinh và phát triển.  Thật là thú vị khi được ngắm những cánh bướm muôn màu vui đùa trong ánh nắng vàng mùa xuân, giữa những bồn hoa đang rực rỡ khoe sắc đua hương.  Những cánh bướm tô điểm cho những đóa hoa vốn đã tươi đẹp càng thêm tươi đẹp hơn.

Nhìn cánh bướm lộng lẫy kiêu sa dưới ánh mặt trời, ít ai ngờ rằng tiền kiếp của con bướm là con sâu sù sì xấu xí khiến ai nhìn thấy cũng phải tránh.  Để được hóa kiếp thành chú bướm xinh đẹp, con sâu phải đau đớn thoát ra khỏi xác thân xấu xí ấy.  Khi còn là loài sâu, đối tượng phá hoại của nó cũng là những cây hoa.  Cây hoa nào mà có sâu thì cành lá tan nát, đóa hoa héo tàn.  Phải chăng vì muốn bù lại hành vi phá hoại ấy, mà nay, một khi hóa thân thành bướm, những chú bướm vuốt ve mơn trớn và tô điểm cho hoa thêm đẹp thêm xinh?

Mùa Chay là mùa biến đổi cuộc đời.  Những hy sinh khổ chế của Mùa Chay nhằm tới sự sống mới, như con sâu lột xác thành con bướm.  Lời Chúa hôm nay muốn nhắn gửi chúng ta sứ điệp của sự sống, để hướng chúng ta tới Đức Giê-su là nguồn sống đích thực.

Con người ngày càng cảm nhận sự mong manh của cuộc sống trần gian.  Như đóa hoa nay còn mai mất, con người sống trên đời chẳng lấy gì bảo đảm mình còn sống đến ngày mai.  Đức tin công giáo dạy chúng ta, người tín hữu, trong cuộc sống trần gian, phải lo tìm kiếm sự sống vĩnh cửu.  Bởi lẽ sự sống không dừng lại ở đời này, nhưng còn tiếp tục sau khi chúng ta kết thúc cuộc đời dương thế.  Bên mộ của ông La-da-rô, Chúa Giê-su đã tỏ bày quyền năng thiên linh cao cả của Người.  Người truyền cho người chết ra khỏi mồ trước sự chứng kiến của thân nhân gia đình và những người làng xóm.  Trong khi Mác-ta, chị của người chết, nói về sự sống lại vào lúc tận thế, thì Đức Giê-su muốn nhấn mạnh tới sự sống lại ngay bây giờ.  Sứ mạng của Chúa Giê-su khi đến trần gian là đưa con người đến sự sống mới.  Sự sống mới ấy chúng ta có thể đạt được ngay ngày hôm nay, khi thành tâm đó nhận giáo huấn của Người.  Sự sống trong ân sủng khi còn ở đời này là bảo đảm cho chúng ta được sống đời đời trong Vương quốc của Chúa.

Tội lỗi giam cầm chúng ta trong những huyệt mộ, khép kín mình, ích kỷ trước tha nhân.  Chúa Giê-su đã đến để thực hiện điều ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã loan báo: “Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi…” (Bài đọc I).  Thánh Gio-an diễn tả một Đức Giê-su thực sự là “người.”  Người chạm đến nỗi đau của con người, rơi lệ trước đau khổ của bạn hữu và giúp họ từ nấm mồ bước ra.  Hình ảnh Chúa Giê-su được diễn tả không như một nhà phù thủy, nhưng một Thiên Chúa làm người có trái tim nhân loại, sẻ chia và mang lấy nỗi đau của con người, nhường cho con người hạnh phúc và vinh quang.

Để bước ra khỏi huyệt mộ của tội lỗi, mỗi chúng ta cần phải hy sinh cố gắng, nhiều khi đến mức anh hùng.  Bởi lẽ, thay đổi đời sống, hướng cuộc đời sang một ngã rẽ khác cũng có nghĩa là đoạn tuyệt với quá khứ, dứt bỏ mọi ràng buộc để được sống trong tự do của con cái Chúa, hướng về tương lai tươi sáng trong bình an.  Nhờ cuộc sống mới, họ giống như người đang đi trong ánh sáng mặt trời, không sợ vấp ngã.

Trên con đường trở về với Chúa, nhiều khi chúng ta ngã lòng trông cậy, vì thấy mình tội lỗi thật nặng nề, vì thấy mình chìm sâu trong vũng lầy của sự yếu đuối.  Bà Mác-ta, chị của La-da-rô, mặc dù tuyên xưng đức tin một cách quả quyết, cũng không hy vọng em mình có thể sống lại.  Bà nói với Chúa: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con đã ở trong mồ được bốn ngày.  Chính trong lúc không một tia hy vọng theo lý luận thông thường của con người, thì quyền năng Thiên Chúa đã được tỏ bày.  Chúa Giê-su đem hy vọng cho con người vào lúc họ cảm thấy bị dồn vào ngõ cụt của cuộc đời.  Một thân xác bắt đầu thối rữa, nhờ quyền năng của Chúa, vẫn có thể được hồi sinh.  Một con người dù tội lỗi tràn trề, nếu biết dừng lại sám hối, vẫn có thể được tha thứ.

Đức Giê-su là nguồn sống của chúng ta.  Phép lạ làm cho ông La-da-rô sống lại vừa là lời chứng minh quyền năng Thiên Chúa của Người, vừa báo trước cho chúng ta về sự phục sinh của Chúa.  Từ cõi chết, người đã chỗi dậy vinh quang sáng láng, là bảo đảm sự sống lại cho những ai tin vào Người.

Những ai đã can đảm và dứt khoát bước ra khỏi huyệt mộ thì sẽ sống một cuộc sống mới.  Cuộc sống ấy không còn bị xác thịt chi phối nữa, tức là không còn bị những đam mê xác thịt ràng buộc và cản trở.  Họ được tự do thanh thoát mặc dù vẫn sống trong thân xác còn mang nhiều yếu đuối.  Chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy và đổi mới chúng ta, nhờ đó chúng ta có sức mạnh để vươn lên trong sự sống mới này (Bài đọc II).

Mùa Chay đang tiến dần đến chặng cuối.  Tôi có nghe tiếng Chúa gọi để bước ra khỏi nấm mồ u tối không?  Xin Chúa cho tôi sức mạnh, sự can đảm để vươn tới gặp gỡ Ngài là nguồn sống đích thực.  Một khi được biến đổi nhờ ân sủng của Chúa, tôi sẽ như chú bướm rực rỡ đem vẻ đẹp của mình để tô điểm cho đời, bù lại những tội lỗi của thời đã qua.

“Từ vực thẳm, con kêu lên Chúa…”  Lời ca nói lên thân phận bi thảm của con người.  Lời ca cũng diễn tả niềm hy vọng vào lòng từ bi của Chúa.  Chính Người sẽ giải thoát chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

CHẾT

Là người như bao nhiêu người, Chúa Giêsu cũng xót thương, cũng rung động trước nỗi mất mát của người thân, của bạn hữu.  Và Chúa đã thật sự xót thương, thật sự rung động trước cái chết của chàng trai Lazarô, bạn của Chúa.  Thế nhưng điều mà Tin Mừng muốn nói không dừng lại ở việc Chúa xúc động.  Vượt trên cái chết rất đỗi bình thường của Lazarô, là sự khẳng định quá sức phi thường của Chúa Giêsu: “Ta là sự sống lại và là sự sống.  Ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ được sống.  Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ.”

Nhưng lời khẳng định của Chúa có xác đáng không, khi mà thực tế, chết là đau xót, là chia cắt?  Chứng kiến cái chết của người thân nhiều khi làm lòng ta se thắt lại.  Ta muốn làm một cái gì đó để cứu giúp họ nhưng hoàn toàn bó tay.  Thử hỏi lời Chúa Giêsu: “Ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ được sống.  Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ” có là lời chân thật?  Nếu đó là lời xác đáng, thì sự sống mà Chúa Giêsu nói là sự sống nào mà lại “không chết bao giờ”?

Trong một bài viết mang tên Cõi đi về, mở đầu cho những lời ngậm ngùi tiếc xót một Chủng sinh đã an giấc, linh mục Giuse Nguyễn Hữu An không giấu nổi niềm đau của mình: “Mọi đám tang đều gieo vào lòng tôi một nỗi buồn tê tái.”  Nhất là nhìn cảnh Thầy – “một thanh niên đang tuổi xuân ra đi mà mẹ già mắt mờ, lưng còng, tóc bạc đưa tiễn,” thì “chỉ có đau thương, chỉ có buồn sầu và tiếng khóc, chỉ có nghẹn ngào và nước mắt” là đúng lắm.  Chết là một mất mát.  Lứa tuổi cao niên, chết vẫn thấy đời người dang dở, lứa tuổi xuân thì còn dang dở biết bao nhiêu!

Cái chết của Lazarô, người bạn của Chúa Giêsu, người được gọi là “người Thầy yêu,” không chỉ làm cho hai chị của mình và những người quen biết khóc thương, mà còn làm cho Chúa Giêsu, dù biết rằng sẽ cho anh sống lại, cũng đã “thổn thức và xúc động.”  Điều đó càng làm nổi bật cái bi, cái khổ của nỗi chết.

Nếu chỉ suy nghĩ như thế thôi, lời của Chúa Giêsu: “Ai tin Ta…”, đúng là không xác đáng.

Nhưng không đúng!  Lời ấy phải được suy niệm bằng đức tin, vì là lời của ĐỨC TIN.  Chúa không hề bảo rằng: “Ai suy nghĩ về Ta…”, mà lại nói rằng: “Ai tin Ta…”.  Vì thế đọc Lời Chúa, bạn và tôi đừng dừng lại ở chỗ chỉ suy nghĩ mà hãy tiến xa hơn đến chỗ suy niệm.  Vì điều quan trọng không nằm ở chỗ biết suy nghĩ, nhưng quan trọng là suy nghĩ trong đức tin.  Chỉ trong đức tin, lời của Chúa Giêsu không những là lời xác đáng mà còn là lời ban niềm hy vọng.  Một niềm hy vọng mãnh liệt vào sự sống phía sau cái chết, một sự sống “không chết bao giờ.”

Không ai sinh ra là để sống ở trần gian đời đời cả, nhưng sinh ra để rồi chết.  Nếu không có đức tin, không mảy may biết một chút gì đến sự sống đời sau, thì rõ ràng, cuộc đời là bi đát.  Vì sao lại bi đát?  Là vì cuộc sống trần gian giống như một chuyến đi.  Ở cuối hành trình của cuộc đời mỗi người không phải danh vọng, địa vị, hưởng thụ, giàu sang, tiền rừng, bạc bể…, mà là cái chết.  Chấm dứt tất cả.  Giết chết tất cả.  Bị cướp mất tất cả.

Trong cái chết, có lẽ con người ta cô đơn nhất.  Dẫu có hai người sát cạnh nhau cùng chết, cũng khó có thể nói rằng: chết cùng, chết với.  Mỗi người là một cái chết, rất tư riêng, không bao giờ hòa trộn, không bao giờ lẫn lộn.  Trong cái chết, con người ta trở thành nghèo nhất: bỏ lại tất cả, chỉ có hai bàn tay trắng.  Điều còn lại chỉ là một cái xác không hồn.  Nhưng cái xác không hồn này rồi cũng phải bị vùi dập, hay thiêu đốt lập tức, vì nó sẽ thối rữa đến tan nát, đến mất mát, đến không còn gì.  Rõ ràng bi đát, rất bi đát…

Nhưng người Kitô hữu có đức tin.  Họ xác tín mạnh mẽ vào Đấng là Thiên Chúa đã làm người chia sẻ đến cùng kiếp sống con người của họ.  Người đã chết thật, nhưng đã đi bước trước để dạy họ bài học của sự sống đàng sau cái chết: đó là chính Chúa đã sống lại thật.  Sự sống đàng sau cái chết mới là sống thật, sống vĩnh cửu.  Một sự sống không có sự chết.  Đấng Phục Sinh ấy, hôm nay, trong Tin Mừng, đã nói một cách tường tận, thẳng thắn với Martha, cũng là nói với bạn và tôi: “Ta là sự sống lại và là sự sống.  Ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ được sống.  Và kẻ nào sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ.”

Tin vào Đấng tự mình phục sinh và hứa ban ơn phục sinh cho những ai tin, người Kitô hữu cảm nhận bình an trong cuộc sống.  Đức tin giúp họ hiểu rằng, cái chết chỉ là một sự biến đổi để trở về cùng Thiên Chúa.  Nhờ đức tin, chúng ta nhận ra ý nghĩa của cuộc đời.  Những cố gắng xây dựng cuộc đời sẽ cho ta hạnh phúc tương lai.  Nếu hiểu như thế, cuộc đời không bi đát, nhưng đáng yêu.

Bạn và tôi có quyền hy vọng điều mà Chúa đã hứa: “Ai tin Ta sẽ không chết đời đời!”

Đức tin là chìa khóa mở cửa cho niềm hy vọng của chúng ta.

Lm Vũ Xuân Hạnh

CUỘC KHỔ NẠN NỘI TÂM CỦA CHÚA GIÊSU

Chúng ta được thánh hóa là nhờ Giá Máu cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.  Nhưng chúng ta thường chỉ “chăm chú” vào Cuộc Khổ Nạn của Chúa về phương diện thể lý chứ không đi sâu vào ý nghĩ và nỗi đau nội tâm mà Chúa Giêsu phải chịu đựng vì chúng ta. Suy tư của tác giả Alexandra Reis hay quá!  Xin được giới thiệu với quý vị.

CHÚA GIÊSU TẠI VƯỜN DẦU

Một điểm để suy nghĩ khi Chúa Giêsu phát hiện các đệ tử ngủ hết trơn.  Ngài hỏi ông Phêrô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?” (Mt 26:40).  Trong sự khôn ngoan vô cùng của Ngài, Chúa Giêsu không bao giờ muốn chúng ta nói: “Thầy không cảm thấy thế nào sao?”  Do đó, Ngài vẫn để cho các môn đệ thân tín bỏ rơi Ngài.  Ngài có thể làm cho họ tỉnh thức, nhưng Ngài muốn cho chúng ta thấy rằng luôn có ai đó tỉnh thức trong đêm tối, người đó chia sẻ những nỗi đau của chúng ta và an ủi chúng ta trong mọi nỗi đau khổ hằng ngày.  Ngài muốn nói rằng trong những lúc đen tối nhất và lầm lẫn nhất, Ngài luôn có ở đó, ngay cả khi cả thế giới đang ngủ yên.

CHÚA GIÊSU BỊ XÉT XỬ

“Sự thật là gì?” (Ga 18:38).  Câu hỏi này được Phi-la-tô hỏi Chúa Giêsu khi xét xử Ngài.  Lúc đó, Chúa Giêsu trả lời mọi câu hỏi dành cho Ngài, nhưng Ngài không trả lời câu hỏi này: “Ông là ai, là vua ư?”  Tại sao?  Vì Ngài là Sự Thật.  Thiên Chúa biết chúng ta thường nghi ngờ chính Ngài và Ý Ngài, nên Ngài muốn cho chúng ta thấy cái gì đó hữu hình: Ngài sai Chúa Con tới thế gian.  Có thể Ngài không trả lời vì biết tầm hiểu của Phi-la-tô có giới hạn.  Cũng như sau khi chữa lành người mù, Chúa Giêsu nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9:39).  Ngài chỉ trao ban Sự Thật cho những ai xin được biết, chứ không ban cho những người cho là mình biết rồi.  Ngài im lặng để những người thấy mà tin.

CHÚA GIÊSU BỊ TRÓI VÀO CỘT ĐÁ VÀ BỊ ĐÁNH ĐÒN

Lúc này, “Vua các vua” bị hành hạ dữ dội khi hai tay bị trói chặt vào cột đá, nhưng Ngài nghĩ gì?  Ngài bị giết chết vì chúng ta, tất nhiên Ngài nghĩ về chúng ta.  Nhưng không chỉ là nhân loại nói chung, mà nghĩ một cách đặc biệt.  Ngài vô thủy vô chung, nên Ngài cũng nghĩ tới riêng từng người sẽ xuất hiện trên thế gian này.  Thánh Tâm Ngài bị đè nặng vì tội lỗi của cả thế giới, với thân thể trần truồng và yếu đuối bị treo trên Thập Giá, Ngài vẫn luôn nghĩ tới chúng ta, hy vọng một ngày nào đó mỗi chúng ta đều trở thành đại thánh nhân.  Với ý nghĩ này, Ngài không nề đổ máu đến giọt cuối cùng vì Ngài quá đỗi yêu thương chúng ta.  Tại sao chúng ta sợ khi cuộc sống gặp trắc trở?  Ngài vẫn đợi chúng ta ở đó để được nghe chúng ta kêu xin.  Đừng để Ngài phải chờ đợi lâu!  Chúng ta hãy cố gắng đáp lại tình yêu của Ngài luôn dành cho chúng ta!

CHÚA GIÊSU CHỊU ĐỘI VÒNG GAI

Bao đau khổ vẫn chưa đủ với Chúa Giêsu.  Ngài biết chúng ta không đủ can đảm khi bị người ta khinh miệt và vu khống, thế nên Ngài quyết định “bù lỗ” cho chúng ta.  Đức cố Tổng Giám Mục Fulton Sheen nói rằng không chỉ Thánh Thể hóa tiều tụy mà còn chịu tơi tả thảm thương, vòng gai nhọn đặt lên đầu Ngài, những chiếc gai sắc đâm thấu óc đến nỗi có thể chết ngay được.  Không chỉ vậy, Ngài còn bị mỉa mai vì yêu thương chúng ta.  Cứ tưởng tượng cũng thấy nổi gai óc, nổi da gà rồi!  Ngài muốn cảnh báo chúng ta rằng chúng ta cũng sẽ bị mỉa mai nếu chúng ta bảo vệ Sự Thật và Công Lý, nhưng Ngài ban cho chúng ta niềm hy vọng (đức cậy) và mặc khải rằng thế gian này không phải là nơi ở của chúng ta.

CHÚA GIÊSU VÁC THẬP GIÁ

Sau khi bị lột áo, Ngài còn phải vác Thập Giá.  Thập Giá này không chỉ để đóng đinh Ngài cho tới chết, mà Ngài còn vác thập giá của cả nhân loại, của mỗi chúng ta.  Trên Thập Giá, Ngài hy sinh vì chúng ta, và qua đó, Ngài thánh hóa bổn phận hằng ngày của chúng ta, cho chúng ta biết con đường thập giá gian nan lắm.  Ngài đã phải ngã ba lần, nhưng Ngài vẫn cố đứng dậy để chúng ta biết rằng chúng ta cũng nhiều lần quỵ ngã vì phạm tội, nhưng chúng ta phải đứng dậy ngay.  Sức khỏe Ngài rất yếu khi Ngài vác Thập Giá, ông Simon (người Ky-rê-nê) bị bọn thủ ác “bắt cóc” vác đỡ Thập Giá cho Ngài.  Điều này cho thấy rằng thập giá không bao giờ là quá nhiều để chúng ta không thể vác nổi, chúng ta vẫn luôn được vác đỡ.  Qua đó, Ngài cho chúng ta thấy rằng chúng ta phải cố gắng sống kiên trì, hy vọng và yêu thương.

CHÚA GIÊSU BỊ ĐÓNG ĐINH

Cuối cùng là cao điểm của sự hành hạ.  Bị treo trên Thập Giá rồi mà Ngài vẫn đại lượng:“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23:34).  Chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi điều này.  Tình yêu phải rất lớn thì mới có thể tha thứ kẻ thù.  Nhưng đó cũng là “tiêu chuẩn vào Nước Trời.”  Ngài tha thứ như vậy vì Ngài nghĩ tốt cho những người hành hạ và nguyền rủa Ngài, nghĩ tốt cho chúng ta, rằng họ đang ăn năn và đã lỡ “quá tay.”  Đây là lý do chính mà Chúa Giêsu chịu chết vì chúng ta, Ngài nghĩ về chúng ta, Ngài muốn thể hiện tình yêu trọn vẹn và sự tha thứ trọn vẹn cho những người thành tâm sám hối đền tội mình, Ngài cũng nói như vậy với chúng ta và chúc lành cho những người sám hối.  Ngài bênh vực rằng chúng ta lầm mà thôi.  Lạy Chúa của con!

CHÚA GIÊSU CHỊU CÔ ĐƠN

“Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46; Mc 15:34).  Đó là động thái cuối cùng của Lòng Thương Xót dành cho chúng ta trong Cuộc Khổ Nạn của Ngài.  Qua đó, Ngài đền bù và sửa chữa mọi trái tim bị bỏ rơi trên thế giới.  Ngài chịu cảm giác đơn độc đến nỗi chúng ta không thể tưởng tượng nổi.  Ngài cô độc và vô vọng để trao niềm hy vọng cho những người bị khinh miệt, không có bạn, bị bỏ rơi, bị mỉa mai, nhưng không ban niềm an ủi cho những người kiêu căng và tự phụ.  Tại sao?  Vì “họ đã được phần thưởng rồi” (Mt 6:2, 5 & 16).  Chúng ta hãy hướng về Chúa trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời và hãy cố gắng sống thánh thiện để đáp lại tình yêu của Ngài.

CHÚA GIÊSU TRÚT HƠI THỞ

Và thế là hoàn tất.  Đỉnh cao của Cuộc Khổ Nạn là lúc Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng.  Sự hy sinh vô hạn được Ngài dành cho chúng ta để cứu độ chúng ta.  Vì thế, chúng ta phải cố gắng hy sinh để ngày mai xứng đáng vào Nước Trời, Vương quốc Vĩnh hằng.  Bạn muốn nên thánh tới mức nào khi suy niệm Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu?  Mùa Chay là dịp nhắc nhở chúng ta Về Quê Thật.  Trước tiên, chúng ta phải đi xuyên suốt Hành Trình Khổ Nạn để đạt tới Đích Phục Sinh.  Như vậy, chúng ta hãy cố gắng nên thánh trong Mùa Chay Thánh này.  Hãy trao chính mình cho Thiên Chúa, đừng bắt Ngài chờ đợi trong Vườn Dầu Linh Hồn chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta trong Mùa Chay Thánh này để hoàn thiện như Ngài!

Alexandra Reis
Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

KHỞI ĐI TỪ VỰC THẲM BẤT XỨNG

“Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ có tội!”

A. Simpson viết, “Cầu nguyện là sợi dây liên kết con người với Thiên Chúa, là cây cầu bắc qua mọi vùng vịnh, giúp bạn vượt mọi thung lũng hiểm nguy! Chúa không cần những con người vĩ đại, Ngài cần những con người dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài. Vì thế, lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ của một linh hồn dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ của một linh hồn!”  Đúng thế, lời cầu của người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay, “Lạy Chúa, xin xót thương con, vì con là kẻ có tội!” là một trong những lời cầu đó; nó cũng là cao điểm của dụ ngôn Tin Mừng này.

Thật trùng hợp, qua bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Hôsê cho biết, Thiên Chúa thấu suốt lòng dạ con người; Ngài chỉ muốn một điều, tình yêu, “Ta muốn tình yêu, chớ không cần lễ tế.  Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu.”  Thánh Vịnh đáp ca cũng chỉ lặp lại ngần ấy!

Khác với điều Thiên Chúa muốn, người biệt phái trong dụ ngôn đã làm điều ngược lại; ông quá nặng về ‘lễ tế.’ Ông nghĩ, ông đã đến đúng nơi, quy về đúng hướng, và đang làm điều đúng đắn!  Thế nhưng, lời cầu của ông đã bị bóp méo, bởi ông chỉ độc thoại, mà không đối thoại.  Ông kể công với Chúa; tệ hơn, coi Ngài như ‘Con Nợ’ của mình; tệ hơn nữa, ông lấy ‘kỳ tích’ của bản thân để so sánh và khinh dể kẻ khác.  Thực ra, đó không phải là cầu nguyện; đó là diễn văn!  Dẫu ông không phải là người xấu; ông không phạm tội trọng, ông thuỷ chung và rộng lượng… nhưng chỉ có một điều, lòng kiêu hãnh của ông đã khiến ông mù loà đến độ xúc phạm Thiên Chúa, xúc phạm tha nhân.  Ông sống tôn giáo của mình một cách tối thiểu để không phạm tội; ông không biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ thoả mãn ‘mức tối thiểu trần!’  Lời cầu nguyện ông là ‘vô trùng’, khi ông quên rằng, Chúa chỉ “muốn tình yêu, chứ không cần lễ tế!”

Đang khi nhân vật thứ hai của dụ ngôn cũng lên đền thờ, một người thu thuế!  ‘Vai phụ’ này “khi ra về thì được khỏi tội”, Chúa Giêsu đã tiết lộ!  Người này “khỏi tội” không phải vì đã làm những điều đúng đắn, nhưng vì đã khiêm hạ nhận ra rằng, mình đã làm những điều sai trái!  Lời cầu của ông ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ trước một Đấng Vĩ Đại Toàn Thánh.  Và có lẽ, ông đã nghe những gì người biệt phái tố cáo, và điều này càng làm ông tê tái hơn; từ đó, ông chìm vào đáy vực linh hồn khốn khổ của mình, và bòn chút tàn hơi, ông đấm ngực van vỉ, “Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ có tội!”  Lạ thay, điều này đẹp lòng Thiên Chúa, và Ngài thích thú với nó!

Anh Chị em,

“Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ có tội!”; “Chúa không cần những con người vĩ đại, Ngài cần những con người dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài!”  Nhìn nhận mình tội lỗi là chứng tỏ sự vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng cần tình yêu, lòng thống hối và quyết tâm chừa lỗi!  Đừng quên, “Lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ của linh hồn!”  Đến gần Chúa, chúng ta nhận biết sự vĩ đại và tốt lành của Ngài; đồng thời, nhận ra tội lỗi yếu hèn của bản thân.  Đây là điều làm cho lời cầu của chúng ta có kết quả; vì chỉ những ai tự nhận mình không có gì mới có thể nhận được tất cả; chỉ những ai trống rỗng mới có thể được lấp đầy.  Mùa Chay, mùa bạn và tôi nhìn lên thập giá Chúa Kitô; đồng thời, nhìn xuống lòng mình, ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ của linh hồn, và chân thành thưa lên, “Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ có tội!”

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa biết con hơn cả con biết con!  Mỗi khi con cầu nguyện, cho con không ‘khởi đi từ cái tôi dị hợm’ của con, nhưng ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ của linh hồn mình!” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

MÙ LOÀ VÀ MÙ QUÁNG

Xuyên qua Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy có hai loại mù: mù loà của đôi mắt thể xác và mù quáng của tâm hồn, của đầu óc.

Người mù bẩm sinh trong Tin Mừng hôm nay tuy bị mù đôi mắt thể xác nhưng anh ta lại sáng suốt hơn những người Pharisêu tự cho mình tinh thông.

Trong khi đó, những người Pharisêu tự hào là người khôn ngoan thông sáng, nhưng họ đang bị mù quáng mà chẳng hay.  Họ bị thành kiến che mờ tâm trí nên họ không nhận ra Đức Giêsu là Đấng cứu độ nên họ đã không được đón nhận ơn cứu độ do Người tặng ban.

Những người mù lòa thể xác hầu hết rất hiền hòa.  Chưa từng nghe nói người mù gây ra tội ác hay phạm pháp bất cứ ở đâu.  Họ là những người đáng thương và đáng kính.

Còn người mù quáng là những người thường gây ra lỗi lầm và tội ác nên họ thường bị người đời lên án khinh chê.

Có nhiều hình thức mù quáng gây ra hậu quả rất tai hại:

Mù quáng vì tham lam

Sách Các Vua có thuật lại câu chuyện hoàng hậu I-dơ-ven, vợ vua A-kháp, vì tham lam muốn chiếm đoạt vườn nho của ông lão nghèo Na-vốt, đã dàn dựng một vụ án quy kết Na-vốt tội nguyền rủa Thiên Chúa và nguyền rủa đức vua, rồi tuyên án ông phải bị ném đá chết.  Lòng tham lam đã làm cho hoàng hậu I-dơ-ven ra mù quáng đến độ đang tâm giết hại một ông lão nghèo vô tội để chiếm đoạt vườn nho của ông ta. (sách các vua I, chương 21)

Mù quáng vì ghen tị

Sách Samuel ghi lại rằng vua Sa-un rất yêu thương Đavít, nhưng khi Đavít hạ được tên tướng giặc khổng lồ là Gô-li-át để cứu nguy cho quân dân Israel và quay trở về trong chiến thắng, “thì phụ nữ từ hết mọi thành của Israel kéo ra, ca hát múa nhảy, đón vua Sa-un, với trống con, với tiếng reo mừng và tiếng não bạt.  Họ vui đùa ca hát rằng: “Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, còn Đavít hàng vạn.”  Khi nghe lời đó, vua Sa-un uất lên vì ghen tị.  Lòng ghen tị làm cho vua đâm ra mù quáng, đổi lòng yêu thương ra thù ghét và truy lùng Đavít khắp nơi quyết giết cho bằng được vị anh hùng kiệt xuất nầy.  (Samuen I, chương 18)

Mùa quáng vì dục tình

Về sau, khi vua Sa-un qua đời, Đavít được lên làm vua.  Đavít lại đâm ra mê đắm sắc đẹp của bà Bát-sê-va.  Dục vọng đã làm cho vua mù quáng đến độ lập mưu giết chồng bà là Uria để chính thức cưới bà nầy làm vợ.  (Samuen II, chương 11)

Nói tóm lại, lòng người rất dễ trở nên mù quáng do tình dục, do lòng tham lam, kiêu căng, ghen tị… khiến người ta lún sâu vào vũng bùn tội ác lúc nào không hay.

Chứng mù quáng nầy tai hại gấp ngàn lần mù loà đôi mắt thể xác.

Có hai điều tai hại do mù quáng phát sinh:

Một là người mù quáng không tự biết tình trạng mù quáng của mình, nên không cảm thấy cần được cứu chữa.  Thế là họ cứ bị mù quáng cho đến mãn đời, mà vì mù quáng suốt đời nên cũng thường mắc phải lầm lỗi suốt đời.

Hai là cho dù có nhận biết mình mù quáng đi nữa, người ta cũng không cho đó là điều nghiêm trọng, nên không thấy cần được cứu chữa.

Bất cứ người mù nào cũng khao khát được sáng; nhưng điều đáng tiếc là nhiều người mù quáng, vì không tự biết mình mù, nên không ước ao thoát khỏi tình trạng mù quáng hết sức tai hại của mình.

Nguyện xin Chúa Giêsu soi sáng để chúng ta nhận thức rằng mù quáng vô cùng tai hại và cố tìm cách cứu chữa mình khỏi chứng bệnh rất tai hại nầy.

Lạy Chúa Giêsu là ánh sáng cho trần gian, xin chiếu dọi ánh sáng Chúa vào tâm trí chúng con, cứu chúng con khỏi bị mù quáng do dục vọng gây nên, để chúng con khỏi hư mất đời đời nhưng được cứu độ và được sống, sống có nhân cách cao đẹp ở đời nầy và sống viên mãn trong thế giới hồng phúc mai sau.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

CHẢY MÃI, CHẢY ĐẾN THA NHÂN

“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy!”.

“Người đàn ông đã cùng tôi ăn tối đã giết anh trai tôi.”  Đó là lời của một phụ nữ xinh đẹp tại một bữa tiệc.  Ruth đã kể về John, người đã sát hại anh cô như thế nào.  John thụ án 18 năm; sau đó, ổn định tại một trang trại, nơi cô gặp anh sau 20 năm vụ án.  Được thôi thúc bởi Chúa Kitô, cô tìm John, nói lời tha thứ.  Nhiều người sẽ không gọi đây là một câu chuyện thành công: John chưa trở lại đạo!  Nhưng tại một bữa tiệc khác, giọng John vỡ ra khi nói: “Kitô hữu là những người duy nhất mà bạn có thể giết con trai họ; họ sẽ biến bạn thành một phần của gia đình họ.  Tôi không biết “Ai đó” trên cao, nhưng chắc chắn, Ngài đang săn lùng tôi!”  Câu chuyện của John còn dang dở; John vẫn chưa tin.  Nhưng như Chúa Kitô đã chết cho bạn, bất kể bạn từ chối hay chấp nhận Ngài, Ruth “tha nợ” cho John mà không cần điều kiện.  Thậm chí, cô còn trở thành bạn của anh!

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cũng nói đến nợ nần!  Người nợ Chúa; người nợ người!  Người tha cho người, nếu muốn Chúa tha cho mình.  Tha thứ, như dòng suối phải chảy, ‘chảy mãi, chảy đến tha nhân!

Bài đọc Đaniel cho thấy con người nợ Chúa thật nhiều!  “Vì tội lỗi, chúng con đã thành dân nhỏ nhất, đã nếm mùi ô nhục trên khắp hoàn cầu.”  Tin Mừng cho thấy, người cũng nặng nợ với người: một người nợ lớn, một người nợ nhỏ; cả hai không trả nổi, nài xin ‘chủ mình’ hoãn lại.  Chủ chạnh thương, tha cho người thứ nhất món nợ cực lớn, nhưng người này không tha cho bạn mình món nợ cực nhỏ.  Và Chúa Giêsu kết luận, “Cha Tôi trên trời cũng xử với các con đúng như thế!”  Điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa hẹp hòi đến độ sẽ xét xử người, như ‘người cư xử với người;’ Lời Chúa muốn nói, ai không mở lòng với anh em, không thể mở ra cho Thiên Chúa!  Như vậy, không tha thứ là đánh mất những gì đã nhận được; suối tắc nghẽn, ao tù tanh tưởi.  Vì thế, người nợ lớn đã bất ngờ được tha, nay bất ngờ bị rút lại.  Ai biết tha thứ, người ấy giữ được thứ tha!

Điều Chúa Giêsu đang nói là sự cho đi và nhận lại.  Điều thú vị là, chúng ta thường dễ dàng nghĩ đến việc ‘tha cho người’ hơn là xin ‘tha cho mình.’  Con nợ thứ nhất xem ra chân thành, “Anh sấp mình dưới chân chủ;” thực ra, anh chỉ là một diễn viên giỏi!  Bởi sau khi được xoá khoản nợ khổng lồ, anh bủn xỉn với con nợ cỏn con của anh; thay vì thương xót, “Y tóm lấy, bóp cổ mà nói, ‘Hãy trả nợ cho ta!’” Tại sao?  Bởi lẽ y không động lòng trước tình yêu vô hạn và xót thương của chủ.  Tha thứ, nếu là thật, phải ảnh hưởng đến mọi sự nơi chúng ta.  Nó là một điều gì đó phải ‘xin, cho; nhận và cho lại.’  Như một dòng suối phải chảy, ‘chảy mãi, chảy đến tha nhân.’

Anh Chị em,

“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy!”  Sai lỗi là việc của người, thứ tha là việc của Trời.  Nếu Chúa Giêsu ra lệnh cho chúng ta phải tha bảy mươi lần bảy, thì làm sao Ngài thoát khỏi việc ‘không vô hạn’ trong sự tha thứ của Ngài?  Ý nghĩa biết bao Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu của Ngài!”  Bao lâu không đi vào quỹ đạo xót thương của Thiên Chúa, bấy lâu chúng ta không thể tha thứ cho người khác.  Không phải tha ‘bảy lần’ nhưng tha ‘vô hạn lần bảy.’  Hãy nhìn lên thập giá, chiêm ngắm trái tim bị đâm thâu của Chúa Kitô, một trái tim khơi mỏ mạch mọi ân sủng thứ tha qua các Bí Tích!  Hãy kết nối, khai thông đời mình vào dòng chảy thần linh ấy và như một dòng suối phải chảy, ‘chảy mãi, chảy đến tha nhân,’ chúng ta trào tràn sức sống, lòng thương xót và sự thứ tha của Thiên Chúa cho anh chị em mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng rửa sạch tội con vốn ‘đỏ hơn son’ bằng Máu Châu Báu của Ngài, cho con biết ném tội của anh chị em con xa thật xa như Chúa đã ném tội lỗi con tận mãi ngàn khơi!”  Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

CHUYỆN PHẢN BỘI

Phản bội là không trung thành, dám bội ước quên thề, không ngại vong ân bội nghĩa, sẵn sàng ăn cháo đá bát.  Phản bội có nhiều dạng và nhiều mức độ.  Có lẽ dạng “nhẹ” nhất là thất hứa (đối với loại hứa hẹn bình thường), chẳng hạn hứa tặng cho ai cái gì đó hoặc hứa làm điều gì đó mà không giữ lời – dù là quên do sơ ý hoặc cố ý.  Chắc chắn rằng thất hứa cũng là một dạng phản bội.  Chắc hẳn ai cũng đã từng khổ sở vì bị phản bội, và cũng đã hơn một lần ngang nhiên… phản bội người khác!

Tuần Thánh có “nét đậm” về sự phản bội.  Chính Chúa Giêsu là người bị phản bội, còn kẻ phản bội lại chẳng ai xa lạ gì mà chỉ là những người thân tín và được Ngài hết lòng thương yêu.  Những kẻ đó là ai?  Có tôi không?

Thứ Nhất là giám mục Phêrô (người sẽ được Chúa Giêsu cất nhắc làm giáo hoàng).  Ông là người đã mạnh mẽ nói chắc như đinh đóng cột: “Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” (Ga 13:37; Mt 26:35; Mc 14:31; Lc 22:33).  Thế nhưng ông đâu có dám, mạnh miệng thế thôi.  Chúa Giêsu “đi guốc” trong bụng ông, biết rõ cả tương lai của ông, nên Ngài nói: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư?  Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần” (Ga 13:38; Mt 26:34; Mc 14:30; Lc 22:34).  Và tất cả các môn đệ cũng đều nói chắc như vậy. Ui da, coi bộ “kẹt” dữ nghen! Mà “kẹt” thật, bởi vì sau đó sự thể diễn tiến trúng phóc, xảy ra y chang.

Phêrô chối đay đảy, chối không ngại miệng, vuốt mặt không nể mũi. Ông không chỉ chối bỏ Sư Phụ của mình mà còn chối bỏ cả nguồn cội của mình là người xuất thân từ Galilê. Nào có ai quyền hành tra xét chi đâu mà sợ đến thế, chỉ là mấy đầy tớ gái thôi mà. Ôi, con người là thế, rất yếu đuối, nói hay mà làm dở, hứa nhiều mà chẳng giữ trọn được bao nhiêu! Nói theo kiểu tam-đoạn-luận: phàm nhân yếu đuối và sa ngã, Phêrô là phàm nhân, chúng ta là phàm nhân, thế nên cả Phêrô và chúng ta đều yếu đuối và sa ngã. Nói trước bước không qua. Thế nên tiền nhân đã nhắc nhở: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Vấn đề không dừng lại ở đó. Phêrô đã phản bội nhưng cũng đã thật lòng sám hối, vấn đề quan trọng là SÁM HỐI. Thế nên ông được Thầy Giêsu ân thương thứ tha và còn trao ban quyền cao chức trọng là làm giáo hoàng, với trọng trách làm “hoa tiêu” lèo lái Con Thuyền Giáo Hội trên biển cả trần gian, là người chăm sóc cả chiên mẹ và chiên con (Ga 21:15-17), đồng thời còn phải củng cố đức tin cho người khác: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, HÃY LÀM CHO ANH EM CỦA ANH NÊN VỮNG MẠNH” (Lc 22:32). Phương trình cân bằng: ĐƯỢC nhiều thì bị ĐÒI nhiều (Lc 12:48). Hai mẫu tự Đ độc đáo lắm!

Thứ Nhì là giám mục Giuđa Ítcariốt, con trai ông Simôn Ítcariốt. Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu nhắc tới lời Kinh Thánh: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13:18; x. Tv 41:10). Và rồi Ngài cảm thấy tâm thần xao xuyến. Ngài tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13:21). Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. Trong số các môn đệ có một người được Đức Giêsu thương mến và được tựa đầu vào ngực Thầy. Ông Phêrô làm hiệu cho ông Gioan hỏi xem Thầy muốn nói về ai. Ông Gioan liền nghiêng mình vào ngực Thầy và hỏi xem người đó là ai vậy. Đức Giêsu trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai thì chính là kẻ ấy” (Ga 13:26). Nói rồi Ngài chấm một miếng bánh trao cho Giuđa. Đối với tục lệ Do Thái, việc tự tay trao cho người khác như vậy là động thái ân cần lắm. Người Việt cũng có cách “quan tâm” tương tự là gắp đồ ăn cho người khác (nhưng kiểu này không hay và nên tránh, bởi vì người Việt dùng đũa).

Ông Giuđa vừa ăn xong miếng bánh liền bị Satan nhập vào. Đức Giêsu bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi!” (Ga 13:27). Sau khi ăn miếng bánh, ông Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối. Ở đây có hai chi tiết:

[1] Ông Giuđa đã rước lễ bất xứng nên bị ma quỷ nhập, như Thánh Phaolô đã cảnh báo: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa” (1 Cr 11:27).

[2] Ông Giuđa ra đi và vào trong vùng bóng tối, tức là vùng của ma quỷ. Bóng tối đối lập với ánh sáng, ma quỷ đối lập với Thiên Chúa. Những việc làm trong “bóng tối” là động thái lén lút, biểu hiện sự xấu xa. Ông Giuđa hành động theo mệnh lệnh của “lòng ham mê tiền bạc”, mà tiền bạc là hiện thân của ma quỷ: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tm 6:10). Chỉ vì 30 đồng bạc (silver coins, không phải là gold coins – đồng vàng), giá rất bèo, một số tiền không lớn, thế mà ông Giuđa đành đoạn tình dứt nghĩa với Thầy của mình.

Sau khi nhận tiền, có lẽ ông nghĩ là họ mắc lừa, nghĩa là ông có tiền trong tay nhưng họ không thể chạm vào chân lông của Thầy. Đã bao lần họ tìm cách ném đá Thầy nhưng vô ích, và rồi rõ ràng là mới nghe Thầy nói “chính tôi đây” là chúng té lăn cù liền đấy thôi. Nhưng rồi thấy Thầy bị bắt, ông đâm hoảng. Sao kỳ vậy ta? Quyền phép thầy biến đâu hết rồi? Và ông đã ném trả số tiền đó vào Đền Thờ (Mt 27:5).

Nhưng tiếc thay, ông đã mất niềm tin vào lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa, thế nên ông đã tự xử tội mình bằng cách mượn sợi dây để kết liễu mạng sống (Mt 27:5). Đó là động thái hèn nhát. Chết không phải là can đảm mà dám sống để chịu đau khổ mới thực sự là can đảm.

Chắc rằng chẳng ai dám làm quan tòa để xét đoán ông Giuđa có được cứu độ hay không, nhưng mỗi chúng ta cần phải soi mình qua “tấm gương mờ tối” của ông để tự xét mình và cố gắng sửa đổi cho kịp khi còn trong thời gian Thiên Chúa kiên trì chờ đợi chúng ta “làm lại cuộc đời” – tức là Giờ của Lòng Thương Xót.

Thứ Ba Là Dân Chúng. Trong đó có đủ loại người và đủ độ tuổi. Họ đã từng mê say nghe Chúa Giêsu giảng đạo đến nỗi quên ăn, bỏ ngủ, rồi Ngài thấy tội nghiệp nên làm phép lạ cho họ ăn uống no nê – một lần đến năm ngàn đàn ông, không kể phụ nữ và trẻ em, tính cả chắc là đến cả chục ngàn người, và còn dư 12 thúng đầy (Mt 14:15-21; Mc 6:30-44; Lc 9:12-17; Ga 6:5-13 – với năm chiếc bánh và hai con cá), và một lần đến bốn ngàn đàn ông, cũng không kể phụ nữ và trẻ em, tính cả chắc là đến cả chục ngàn người, tính cả cũng gần chục ngàn người, và còn dư bảy giỏ (Mt 15:32-38; Mc 8:1-10 – với bảy chiếc bánh).

Thấy phép lạ nhãn tiền như vậy, chính họ cũng đặt vấn đề và kháo nhau: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” (Ga 6:14). Và rồi chỉ mới vài ngày trước Lễ Vượt Qua, họ lũ lượt đón Ông-Làm-Phép-Lạ vào Thánh Thánh Giêrusalem. Họ sung sướng đến nỗi cởi áo ra trải lên đường cho lừa chở Ngài vô, đua nhau bẻ cành lá vẫy chào và tung hô vang dội: “Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời!” (Mt 21:9; Mc 11:9; Lc 19:38; Ga 12:12).

Nhưng rồi họ nghe những kẻ thủ đoạn kích động nên họ lật mặt, lời tung hô thành lời phản đối, tay giơ cành lá vẫy chào biến thành những nắm đấm giơ cao và la lên: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mt 27:22-23; Mc 15:13-14; Lc 23:21; Ga 19:15). Rõ ràng là phản bội trắng trợn. Mỗi chúng ta cũng hăng hái và hùng hổ lẫn vào trong đám người phản trắc tồi tệ đó!

Mọi sự ồn ào náo nhiệt dần dần lặng lẽ theo con đường lên Can-vê… Trên đường vác thập giá lên Đồi Sọ, Chúa Giêsu đã ngã ba lần vì sức nặng của thập giá, nhưng Ngài đã cố gắng đứng dậy dù rất yếu đuối và kiệt sức. Chúng ta cũng vậy, đã bao lần té lên té xuống, nhưng đừng bao giờ tuyệt vọng mặc dù có lúc cảm thấy thất vọng về chính mình. Hãy vững tin vào Thầy Giêsu, luôn cố gắng đứng dậy và quyết tâm làm lại cuộc đời. Thánh nhân có quá khứ, tội nhân có tương lai.

Hãy cố gắng sống theo lệnh truyền của Người-Tôi-Trung-Đau-Khổ, Thầy Chí Thánh Giêsu Kitô, mỗi ngày thêm hoàn thiện hơn: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy YÊU THƯƠNG NHAU; anh em hãy YÊU THƯƠNG NHAU như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng YÊU THƯƠNG NHAU” (Ga 13:34-35). Các điệp từ “yêu thương nhau” phải vang lên theo từng hơi thở, yêu thương thì sẵn sàng tha thứ.

Cuối cùng, hãy nghe lời của Thánh Padre Pio (Piô Năm Dấu) với cách phân tích rất chí lý: “Người làm điều ác mà xấu hổ về việc đã làm thì gần Chúa hơn là người tốt mà không dám làm việc lành”. Ai cũng lần mò về Nhà Cha qua con đường tội lỗi và thứ tha (Thánh Inhaxio Loyola), chắc chắn rằng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của cả thế giới này kia mà! Chính Chúa Giêsu mặc khải cho Thánh Faustina như thế đấy. Cứ an tâm, vững tin, cố gắng “chết” dần dần, và rồi sẽ được phục sinh với Thầy Giêsu. Amen!

TRẦM THIÊN THU
Cuối Mùa Chay – 2018

XOÁ BỎ HẬN THÙ

Thánh Gio-an là tác giả duy nhất tường thuật cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Giacóp.  Trình thuật này mang nhiều ý nghĩa.  Chúng ta đã biết về hình ảnh người Samari nhân hậu chăm sóc người bị nạn được ghi lại trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca.  Hôm nay, chúng ta lại thấy một người phụ nữ Sa-ma-ri.  Chị là đại diện cho những người đang đi tìm Chân lý và đang khao khát những giá trị thiêng liêng vĩnh cửu.

Như nội dung trình thuật cho thấy, Chúa Giêsu đã chủ động “bắt chuyện” với người phụ nữ, khi chị này đến giếng để múc nước.  Trong đời thường, không bao giờ một người Do Thái lại nói chuyện với một người Sa-ma-ri.  Vì thế, người phụ nữ vẫn luôn giữ khoảng cách và cảnh giác.  Dưới ngòi bút tài tình của tác giả Gio-an, nội dung cuộc đối thoại này diễn biến từng bước, để rồi từ bầu khí nghi ngờ trở thành sự thân thiện; từ một người bất mãn trở thành một người lạc quan; từ một người vô tín, trở thành một tín hữu; và nhất là từ một người dửng dưng, nay trở thành một nhân chứng năng động nhiệt thành giới thiệu Chúa Giêsu cho những người đồng bào.

Qua cuộc đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri, Chúa Giêsu khẳng định: Thiên Chúa là Cha của mọi người.  Giáo huấn này không chỉ được thể hiện trong câu chuyện người phụ nữ Sa-ma-ri, mà được dàn trải trong suốt Tin Mừng.  Chúa Giêsu đến để nói với con người về dung mạo đầy lòng thương xót của Chúa Cha.  Chính Người là hình ảnh sống động của Chúa Cha.  Qua đời sống và sứ vụ của mình, Đức Giêsu minh chứng Chúa Cha là Đấng nhân hậu.  Những ai thờ phượng Chúa, cũng phải thờ phượng trong tinh thần và Chân lý.  Việc thờ phượng Chúa không bị tuỳ thuộc vào một không gian, như ở Giê-ru-sa-lem hay ở trên đồi Ga-ri-zim, nhưng bất cứ ai kêu cầu Thiên Chúa với trái tim chân thành, dù ở nơi đâu, đều được Chúa nhận lời.  Sau này, thánh Phê-rô can đảm tuyên bố trong bài giảng tại nhà ông Cornêliô: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận.  Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Ki-tô là Chúa muôn loài” (Cv 10,34-36).  Lưu ý là ông Phê-rô tuyên bố những lời này sau khi được thấy thị kiến về một tấm khăn lớn từ trời thả xuống, trong đó có đủ mọi loài sinh vật.  Đây là hình ảnh diễn tả tính phổ quát của ơn cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện trong Đức Giêsu.  Điều này ngược lại với quan niệm truyền thống của người Do Thái, vì họ cho rằng chỉ có dân riêng Chúa chọn mới được hưởng ơn cứu độ của Ngài.

Trong Mùa Chay, phụng vụ nhắc chúng ta: Chúa Giêsu là suối nguồn ơn phúc.  Bài Tin Mừng cũng chứng minh cho thấy niềm khát vọng vô biên của con người.  Một xã hội phát triển và giàu có về vật chất, chưa hẳn đã là hạnh phúc.  Ngoài những nhu cầu vật chất, con người còn cần đến những nhu cầu tinh thần.  Người phụ nữ Sa-ma-ri đã năm đời chồng, nhưng vẫn không thấy hạnh phúc.  Điều đó chứng minh sự dồi dào về vật chất và buông thả về luân lý không phải bao giờ cũng đem lại cho con người niềm vui.  Chị vẫn đang trăn trở đi tìm ý nghĩa của cuộc đời.  Khởi đi từ nước giếng, là nước thường dùng trong cuộc sống thường ngày, Đức Giêsu đã từng bước giúp chị hiểu nước của ân sủng, nước thiêng liêng.  Đó chính là giáo huấn và ơn cứu độ mà Đức Giêsu mang đến cho nhân loại ở mọi nơi mọi thời.

Bài đọc I kể cho chúng ta về một sự kiện liên quan đến nước.  Trong cuộc lữ hành sa mạc, dân Israel đã kêu cầu Chúa, và Ngài đã làm phép lạ để nước chảy ra từ tảng đá.  Nước sa mạc vừa nhắc nhở lòng thương xót của Chúa, và cũng như một kỷ niệm buồn, vì dân phản loạn kêu trách Chúa.  Thiên Chúa nhân hậu bao dung.  Ngài không chấp tội con người.  Ngài sẵn sàng tha thứ những lỗi phạm, và sửa dạy họ, để họ nên tốt hơn.

Những người dân thành Samari đóng vai trò “diễn viên phụ”, nhưng cũng rất quan trọng.  Thánh Gioan đã viết: “Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa.  Họ bảo người phụ nữ: Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin.  Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng: Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4, 41-42).  Cuộc trò chuyện thân thiện giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ đã đem lại những kết quả không ngờ.  Qua hình ảnh mùa gặt, Đức Giêsu nói với chúng ta: xung quanh chúng ta, rất nhiều người có trái tim chân thành.  Họ như những mảnh đất tốt sẵn sàng đón nhận hạt giống Lời Chúa và làm cho Lời ấy nảy mầm, đâm bông kết trái.  Trình thuật của thánh Gio-an đã chứng minh điều đó.

Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa.  Người phán: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mê-ri-ba, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc.”  Hành trình mùa Chay nhắc lại cuộc lữ hành trong sa mạc của dân Israel tiến về đất hứa.  Trong hành trình này, nhiều người đã ngã gục, vì kiêu ngạo, tội lỗi, bất trung hoặc vì thiếu nghị lực, không có lòng cậy trông.  Đức Giêsu là Đấng dẫn đường về đất hứa vĩnh cửu, tức là Quê Trời.  Thánh Phaolô khẳng định: theo lẽ thường, hầu như không ai chết vì người công chính, thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.  Noi gương Chúa Giêsu bên bờ giếng Gia-cóp, chúng ta hãy cố gắng thực thi những việc thiện, trân trọng và bác ái với những người xung quanh, để dỡ bỏ khoảng cách, kết nối yêu thương và xây tình huynh đệ.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên