CHÚT SUY TƯ VỀ THINH LẶNG

“Thiên Chúa, Người thầm lặng; tất cả những gì có giá trị trong thế giới đều chứa đầy thinh lặng.” – E.Mounier.

Trong thế giới ngày nay, tiếng ồn ào đã thâm nhập cuộc sống con người như một cơn sóng thần, âm thanh tràn ngập mọi ngóc ngách.  Phải công nhận rằng thời gian im lặng càng ngày càng trở nên hiếm hoi trong cuộc sống đời thường của đa số những con người ngày nay.  Họ hầu như bị chìm sâu trong làn sóng dư luận, bị chao đảo theo các ngọn gió tin tức truyền thông, rồi những tiếng ầm ầm của máy móc hay những âm thanh của máy vi tính, chuông điện thoại, tiếng ồn ào trong các quán ăn, nhà hàng… đã chiếm hết tâm trí của họ đến nỗi họ không còn biết mình từ đâu đến và sẽ đi đâu.  Sự hụt hẫng, trống rỗng, mà nhiều người ngày nay cảm nhận, chứng tỏ rằng họ đã bỏ sót một chiều kích của chính mình.[1]  Họ đã quên mất con đường về căn nhà lương tâm và về mảnh vườn nội tâm của lòng mình, nơi có thể nói cho họ biết tất cả…  Thiếu thinh lặng, con người đang sống ngoài lề của chính mình và thậm chí còn thu hẹp mọi tương quan với người khác.

Sự thinh lặng cần thiết biết bao!  Không biết có ai đã bao giờ tự hỏi rằng: Tại sao bản nhạc lại phải có dấu lặng?  Hay đã bao giờ có ai đọc một bài văn mà không hề có dấu chấm, dấu phẩy?

Nếu một bản nhạc không có dấu lặng, chúng ta sẽ chẳng bao giờ nghe được tiếng vọng của thanh âm, và những ngân nga của một giai điệu du dương.  Cũng vậy, nếu một bài văn không có dấu chấm dấu phẩy, chắc chắn là người đọc sẽ đứt hơi, hoặc sẽ chẳng thể hiểu được trọn vẹn bài văn ấy.  Thinh lặng cũng giống như một nốt lặng của bản nhạc, giúp ta nghe rõ hơn nốt trước và nốt sau đó, và cũng giống như dấu chấm dấu phẩy trong một bài văn, giúp người đọc hiểu trọn vẹn hơn ý nghĩa của bài viết.

Trên phương diện nhân bản, thì chỉ có sự thinh lặng mới giúp ta thực sự lắng nghe để thấu hiểu và đón nhận người khác một cách chân thực như chính họ, và giúp ta bước vào những mối tương quan bền vững hơn.  “Người ta sẽ tin bạn không phải vì bạn nói nhiều, nhưng vì bạn biết thinh lặng để lắng nghe”(Paul Xardel).  Còn trên phương diện tâm linh, thinh lặng càng cần thiết hơn, bởi vì tiếng ồn bên ngoài có thể gây biến động bên trong thay vì cho thấy những chiều sâu của tâm hồn[2].  Có sự thinh lặng trong tâm hồn ta mới có thể tiến tới đời sống tâm linh cao vượt mà con người hằng khát khao mong mỏi.  Sự thinh lặng ấy tạo điều kiện quân bình cho đời sống và sự tăng trưởng của cá nhân mỗi người.

Trong cái thế giới ồn ào ngày nay, thiết nghĩ, cần phải sống thinh lặng nhiều hơn, bởi vì sự thinh lặng rất cần thiết để mỗi người nhìn lại chính mình.  Trong sự thinh lặng ta dễ dàng làm chủ bản thân, làm chủ giác quan, và khi thinh lặng ta buộc phải đối diện với chính mình.  Từ đó, ta có cơ hội tìm về nội tâm, tìm về với chính con người thật của mình để nhìn lại, tìm hiểu và suy xét bản thân…

Nhưng cũng cần phân biệt: thinh lặng khác với im lặng.  Ta có thể im lặng bởi ta không thèm nói.  Hoặc ta có thể im lặng vì đang tức giận đến tột độ, hoặc đau khổ đến nỗi không thể thốt nên lời.  Nhưng thực ra, ngay lúc đang im lặng đó lại là những lúc ta đang “nói” nhiều nhất.  Thinh lặng là một trạng thái hoàn toàn khác, thinh lặng là khi mặt hồ của tâm hồn không hề gợn sóng, và thinh lặng là khi ta đang lắng nghe, đang đắm mình trong một không gian bình an, tĩnh tại, phẳng lặng và dịu êm.

Nói như vậy, cũng thật là khó để giữ thinh lặng trong chúng ta, vì cuộc sống đầy những ồn ào và lộn xộn.  Vì thế, muốn có được thinh lặng ta cần phải rất cố gắng.  Trước hết, ta cần học biết lắng nghe, lắng nghe tiếng lòng và lắng nghe tiếng Chúa.  Đồng thời, chúng ta hãy chiêm ngắm một gương mẫu tuyệt vời của sự thinh lặng, đó chính là Chúa Giêsu.  Người là Ngôi Lời Thiên Chúa trong xác phàm, đã im lặng ba mươi năm trong số ba mươi ba năm cuộc đời trần thế.  Người cũng đã thinh lặng bốn mươi ngày trong sa mạc trước khi bắt đầu cuộc đời công khai.  Và trong suốt cuộc đời, Người luôn sống trong thinh lặng.

Tất nhiên, Chúa Giêsu không tìm kiếm sự thinh lặng để mà thinh lặng[3] nhưng để thiết lập một mối tương quan mật thiết với Chúa Cha, và để mở lòng đón nhận chương trình yêu thương của Ngài.  Giờ đây, Chúa Giêsu cũng vẫn luôn hiện diện cách trọn vẹn trong thinh lặng và chờ đợi chúng ta trong thinh lặng.  Chính trong thinh lặng chúng ta sẽ được gặp Người và Người sẽ nói với tâm hồn chúng ta.  Tuy nhiên, để có thể lắng nghe Chúa nói, chúng ta cần có tâm hồn trong sạch, thành tâm ăn năn sám hối và trở lại với Người.

Thầy Giêsu ơi, con đang đi tìm thinh lặng nhưng chẳng thấy thinh lặng ở đâu hết.  Có lẽ bởi vì tâm hồn của con vẫn còn ồn ào quá!  Như con người ngày nay vẫn cứ chạy theo những ồn ào xao động đến điên cuồng ở ngoài kia mà cố tình bỏ quên mất cõi lòng mình.  Và con, phải chăng con vẫn còn là một kẻ như con người ngày nay ở ngoài kia…?

ĐS Vân Phong. CM

[1] Michel Hubaut, Những nẻo đường thinh lặng, NXB Tôn giáo, 2007, tr 8
[2] Lm. Thái Nguyên, Thinh lặng sống tâm tình mùa chay, 2006
[3] Mẹ Teresa, Trên Cả Tình yêu, NXB Văn Hoá Sài Gòn 2009,  tr 19

TỎA SÁNG GIỮA ĐỜI

Sống trên đời, mỗi người chúng ta giống như một ngôi sao trên bầu trời.  Triệu triệu ngôi sao trong dải ngân hà, không có hai ngôi sao giống nhau hoàn toàn.  Những ngôi sao khác nhau về kích cỡ, về cường độ ánh sáng và về tốc độ vận chuyển.  Thiên Chúa là Đấng “ấn định con số các vì sao, và đặt tên cho từng ngôi một” (Tv 147,4).  Thiên Chúa cũng biết mỗi người chúng ta, và Ngài khắc tên chúng ta trong bàn tay của Ngài.  “Ta đã gọi con bằng chính tên con.  Con là của riêng Ta” (Is 43,1).

Chúa Giêsu mời gọi những ai muốn theo Chúa phải tỏa sáng như những ngôi sao trên bầu trời.  Sống trên đời, mỗi người một tên gọi, một khuôn mặt, một cá tính, một nghề nghiệp và một sở thích.  Tuy vậy, lý tưởng chung của tất cả đều là sự hoàn thiện, mặc dù khái niệm “hoàn thiện” được hiểu khác nhau.

Tỏa sáng giữa đời, đó là sứ mạng của mỗi chúng ta.  “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.”  Đây vừa là lời mời gọi, vừa là một mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ.  Chúa Kitô là ánh sáng thế gian.  Những ai đi theo Người cũng phải trở nên ánh sáng, vì tin vào Chúa là cố gắng nỗ lực mỗi ngày để trở nên giống như Người.  Lệnh truyền này không phải là lý thuyết, nhưng là những đề nghị thực hành cụ thể.  Đó là những việc thiện hảo mà người môn đệ thực hiện đối với những người xung quanh.  Những việc tốt lành này sẽ giúp người tín hữu toả sáng giữa đời.  Những người chưa tin Chúa sẽ nhận ra Người thông qua những cử chỉ tốt lành mà người môn đệ đang làm.

Một cách cụ thể hơn, ngôn sứ Isaia đã diễn giải những việc làm giúp chúng ta tỏa sáng giữa đời: đó là cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ những người cô thế cô thân, những người đau khổ bần hàn.  Vị ngôn sứ viết: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành…”  Những việc làm nhân ái có tác động thật diệu kỳ: khi giúp đỡ ai, thì vết thương nơi mình được chữa lành.  Khi thương người nghèo, thì lời cầu nguyện lên Chúa được Ngài nhận lời.  Khi cho đi, là khi nhận lãnh.  Khi quên mình, thì gặp lại bản thân.  Đó là sự kỳ diệu của sẻ chia và phép lạ của lòng nhân ái.  “Nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thỏa lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng của người sẽ chiếu tỏa trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.”  Thiên Chúa là Đấng rộng rãi quảng đại.  Ngài sẽ ban lại gấp trăm cho những ai từ tâm chia sẻ với tha nhân.

Tác giả Thánh vịnh cùng chung một cảm nhận: Ánh sáng sẽ bừng lên nơi người từ bi nhân hậu và công chính.  Ánh sáng ấy vừa là ánh sáng thần thiêng đến từ Thiên Chúa, vừa là ánh sáng tỏa lan nơi tâm hồn người thánh thiện.  Quả vậy, những ai bao dung quảng đại sẽ cảm nhận được sự an bình và niềm vui đến từ Thiên Chúa.

Nhân loại vừa trải qua thời kỳ khó khăn.  Con virus Côrôna nhỏ bé đã làm đảo lộn thế giới.  Hệ luỵ của đại dịch Covid-19 sẽ còn tồn tại nhiều năm.  Trong những thời khắc của đại dịch, người ta được chứng kiến những nghĩa cử cao đẹp thấm đậm tình người.  Cũng trong thời đại dịch, nhiều người lợi dụng để trục lợi trên đau khổ của đồng bào.  Họ mượn chức danh của mình để vơ vét không thương tiếc, miễn sao thu lợi thật nhiều.  Thế mới thấy, lòng tham của con người là vô đáy, và sự vô cảm của con người thật khủng khiếp.  Người ta bất chấp lương tâm, bất chấp sự đau khổ của tha nhân, miễn là thu tích được nhiều tiền cho bản thân và cho gia đình.  Những người này, không chỉ bị pháp luật lên án, mà còn bị lương tâm cắn rứt suốt đời vì sự bất công tham lam và ăn chặn của người nghèo.

“Anh em là muối cho đời.”  Ai trong chúng ta cũng biết tác dụng và ích lợi của muối.  Thiếu muối, mọi đồ ăn đều trở nên vô vị.  Vào thời Chúa Giêsu, khi chưa có tủ lạnh như hiện nay, muối không chỉ để nêm vào món ăn, mà còn là chất liệu bảo quản thực phẩm.  Chúa muốn những ai tin vào Người phải trở nên muối ướp trần gian, tức là làm lan tỏa xung quanh sự thánh thiện, mặc dù đời còn đầy bóng tối của bất công và ghen ghét hận thù.

Làm sao có thể trở thành muối và ánh sáng giữa một cuộc sống đầy cạnh tranh và mưu mô tính toán.  Thánh Phaolô trả lời: nhờ Đức Giêsu Kitô (Bài đọc II).  Đối với thánh nhân, Đức Giêsu là lý tưởng duy nhất.  Mối bận tâm lớn nhấn của thánh Phaolô là làm sao để trung thành với Đức Giêsu.  Trọn cuộc đời của thánh nhân là dành cho Chúa.  Dù gông cùm, tù đầy, đòn vọt và sự khinh bỉ của người đời, vị Tông đồ dân ngoại vẫn không hề nao núng, vì “chiều cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,39).  Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy cậy dựa vào lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa, chứ đừng dựa vào người phàm.  Nhờ đó, chúng ta có đức tin chân thật và vững chắc.

Chúng ta đang sống trong những ngày đầu xuân Quý Mão.  Nắng ấm của mùa xuân làm cho lòng người ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc.  Xin cho mỗi chúng ta cũng trở nên như nắng xuân, đem sức sống, sự bình yên và niềm vui cho mọi người.  Nguyện xin Chúa Xuân chúc phúc cho mỗi chúng ta.  Amen.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên