Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC CỦA MÙA VỌNG

1. Khi nào bắt đầu Mùa Vọng?

Mùa Vọng bắt đầu vào Chúa Nhật trước Lễ Giáng Sinh bốn tuần hoặc Chúa Nhật gần nhất với ngày 30 tháng 11 và kết thúc vào Đêm Giáng Sinh tức là 24 tháng 12.  Nếu đêm Giáng sinh rơi vào Chúa Nhật thì được coi là Chúa Nhật thứ tư của Mùa Vọng và thời điểm sau khi mặt trời lặn được coi là Đêm Giáng sinh.

Để chuẩn bị cho những buổi cử hành tuyệt vời của Mùa Vọng, chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của Mùa Vọng và suy ngẫm về tầm quan trọng của nó trong cuộc sống của chúng ta với tư cách là Kitô hữu.

2. Ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng

Từ ngữ Mùa Vọng bắt nguồn từ một từ tiếng Latinh “Adventus” có nghĩa là “đang đến” hoặc “đến nơi.”  Mùa Vọng tập trung vào việc chuẩn bị bằng mọi cách cho Chúa Giêsu Kitô đến, từ sự giáng sinh của Ngài trong quá khứ cho đến khi Ngài đến trong tương lai với tư cách là Đấng Mêsia – Vị Cứu Tinh.

Đối với người Công giáo chúng ta, Mùa Vọng là một mùa đầy ý nghĩa nhắc nhở chúng ta về sự thật của Chúa Giêsu Kitô và việc Ngài đã đến và hiện diện trong trần thế và cuộc sống của chúng ta.  Sự giáng sinh của Chúa Giêsu đáng được cử hành vì sự giáng sinh đó tiết lộ khía cạnh con người của Ngài, và do đó là một ví dụ về cách thế chúng ta cần phải sống cuộc sống của chính mình với tư cách là những môn đồ của Ngài ở ngay đây trên trần thế này.

Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là Ngài bỏ rơi chúng ta.  Trong khi chờ đợi Ngài lại đến, chúng ta vẫn có thể cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài qua Chúa Thánh Thần, qua gia đình thiêng liêng của chúng ta là Hội Thánh, qua các bí tích và Lời của Ngài.

Khi lại đến, Chúa Giêsu sẽ xuất hiện trong vinh quang trọn vẹn của Ngài và điều đó sẽ hoàn thành và hoàn thiện cộng đoàn và căn tính của chúng ta với tư cách là dân của Ngài.  Chính vào thời gian này rồi ra chúng ta có thể được hiệp nhất với Ngài và ở vĩnh viễn với Ngài trên thiên đàng.

Mùa Vọng thừa nhận hai sự kiện quan trọng này trong cuộc sống của chúng ta với tư cách là Kitô hữu.  Đây là lúc để chúng ta nhìn lại sự giáng sinh của Chúa Kitô và kỷ niệm lần đến thứ hai của Ngài.  Trong khoảng thời gian giữa hai sự kiện quan trọng này, chúng ta phải khám phá và hoàn thành mục đích mà Thiên Chúa ban cho.

3. Tinh Thần Mùa Vọng theo Kinh Thánh

Mùa Vọng là một mùa được đánh dấu bởi sự mong đợi, cử hành và khao khát lớn lao không chỉ Lễ Giáng sinh hay sự giáng sinh của Chúa Kitô mà còn là mong chờ lần đến cuối cùng của Ngài.  Tinh thần của Mùa Vọng được minh họa rõ nhất trong Dụ ngôn về Mười Trinh nữ được tìm thấy trong Mátthêu 25:1-14:

Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể.  Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn.  Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo . Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.  Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.  Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi!”  Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn.  Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!”  Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.”  Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới.  Rồi người ta đóng cửa lại.  Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài!  mở cửa cho chúng tôi với!”  Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!”  Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

Năm cô trinh nữ khôn ngoan trong câu chuyện đã quá háo hức mong chờ chàng rể đến nên họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và mang theo dầu cùng với đèn của họ.  Đang khi đó, năm cô khờ dại đã chuẩn bị không tốt và bỏ bê nhiệm vụ của mình.  Vì sự hờ hững của họ, họ đã không thể tham gia cùng chàng rể khi chàng đến.

Mùa Vọng là lời nhắc nhở đầy đủ để chúng ta tập trung vào Chúa Giêsu và nhớ rằng hành trình trần thế của chúng ta chỉ là tạm thời.

Tấm lòng và linh hồn của chúng ta phải sẵn sàng khi Chúa lại đến.  Giống như những trinh nữ khôn ngoan trong câu chuyện, chúng ta phải trung thành, cẩn trọng và hoàn toàn tận tụy với Ngài.

4. Suy Niệm Mùa Vọng

Giống như tất cả các lễ kỷ niệm và sự kiện đặc biệt trong Đức tin Công giáo của chúng ta, Mùa Vọng mang đến cho chúng ta cơ hội tuyệt vời để nhìn lại hành trình tâm linh của mình và suy nghĩ về những điều chúng ta có thể làm để củng cố mối tương giao của mình với Chúa.  Chúng ta hãy tự đặt ra cho mình một số câu hỏi liên quan đến tinh thần của Mùa Vọng  này:

a. Tôi có hân hoan trông đợi Chúa đến không?

Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta cần củng cố mối tương quan cá nhân của mình với Ngài.  Chính nhờ mối dây liên kết này mà chúng ta có thể sống trong niềm hân hoan chờ đợi ngày Ngài đến.  Chúng ta sẽ không bao giờ mong được gặp ai đó nếu chúng ta không yêu thương và quan tâm đến họ.  Vì lý do này, chúng ta cần phải cam kết vun trồng mối tương quan tâm linh của mình với Cha Trên Trời.

Điều chúng ta có thể làm: Dành thời gian để cầu nguyện mỗi ngày, đọc và suy ngẫm Lời Chúa và tìm một cộng đoàn những người cùng đức tin có thể giúp chúng ta phát triển về tâm linh.

b. Chúa Kitô có phải là trung tâm của việc cử hành Mùa Vọng của tôi không?

Ngày nay, Mùa Vọng đã trở nên bị thương mại hóa quá đáng khi người ta tập trung vào việc mua quà và tổ chức những bữa tiệc Giáng sinh xa hoa.  Chúng ta rất dễ đánh mất chính mình trong những theo đuổi hời hợt này!  Chúng ta không được đánh mất mục đích ban đầu của thời điểm đặc biệt này: đó là Chúa Kitô.

Điều chúng ta có thể làm: Lập một danh sách các hoạt động mà chúng ta có thể thực hiện trong Mùa Vọng và Lễ Giáng Sinh phù hợp với những lời dạy của Chúa Kitô.  Những điều này có thể bao gồm tham dự Thánh Lễ, làm việc từ thiện và cầu nguyện với gia đình.

c. Tôi có đang sống cuộc sống của mình với sự vĩnh cửu trong tâm trí không?

Cuộc sống của chúng ta trên trần thế này chỉ là một chuỗi những nốt nhạc ngắn ngủi trong toàn bộ bản giao hưởng tạo nên sự vĩnh cửu.  Do đó, chúng ta cần cẩn thận với các lựa chọn của mình và xem xét những lựa chọn đó dưới góc độ của một bức tranh toàn cảnh hơn.  Mọi suy nghĩ, lời nói và hành động đều tạo thành những tác động vĩnh cửu và tạo ra một di sản mà nhờ đó chúng ta sẽ còn được nhớ tới.

Điều chúng ta có thể làm: Sử dụng Lời Chúa làm hệ thống hướng dẫn cho các kế hoạch của mình và dành thời gian cầu nguyện cho bất cứ quyết định nào chúng ta sắp thực hiện.

Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị mạnh mẽ khi chúng ta dự liệu cho Đấng Cứu Độ của chúng ta đến, là khi Đấng Tạo Hóa trở thành một trong những thụ tạo của Ngài để đỡ nâng chúng ta dậy!

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ
theo www.catholicfaithstore.com

KHÁT VỌNG TRỜI CAO

Chúng ta đã bước sang năm Phụng vụ mới, mà khởi đầu là Mùa Vọng.  Có lẽ mọi tín hữu đều biết đến bài thánh ca quen thuộc: “Trời cao hãy đổ sương xuống…”  Bài thánh ca diễn tả niềm khát vọng sâu xa của Dân riêng, mong đợi Chúa thực hiện lời hứa của Ngài mà ban Đấng Cứu thế.  Đó là niềm khát vọng hướng về trời cao.  Như đất khô mong nước nguồn, trần gian mong đợi Đấng Cứu tinh.

Sống ở đời, ai cũng có khát vọng.  Khát vọng hay hy vọng là hướng về những điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai.  Niềm khát vọng nuôi dưỡng ý chí và tạo nghị lực cho con người.  Ai cũng khát vọng có một cuộc sống ổn định và một tương lai tươi sáng.  Đó là những khát vọng chính đáng.

Mùa Phụng vụ đầu năm mang tên Mùa Vọng.  Trong thời gian này, Giáo Hội gợi lại cho chúng ta tâm tình hy vọng đợi chờ của dân Israen.  Mặc dù trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn, kể cả trong thời lưu đầy, dân Israen vẫn mong đợi Đấng Cứu thế.  Họ tin vào lời Chúa hứa với tổ tiên họ.  Họ chắc chắn Thiên Chúa sẽ không rút lời, vì Ngài là Đấng trung tín.

Trong Mùa Vọng, các Kitô hữu sống tinh thần chờ đợi của Dân Israen.  Họ tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa.  Những gì các ngôn sứ đã tiên báo trong Cựu ước đều đã được thực hiện nơi Đức Giêsu thành Nagiarét, vị ngôn sứ có quyền năng trong lời nói và việc làm.  Nếu ngôn sứ Isaia tiên báo nhân loại sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái, thì Chúa Giêsu lại đề nghị một thế giới huynh đệ lấy đức yêu thương làm luật sống và làm nền tảng cho mọi hành động của con người.

Ngôn sứ Isaia say sưa chiêm ngưỡng và diễn tả thành thánh Giêrusalem trong tương lai.  Giêrusalem sẽ là trung tâm thế giới, sẽ là Nhà của Thiên Chúa, nơi muôn dân quy hướng về.  Isaia đệ nhất là vị ngôn sứ sống ở hậu bán thế kỷ thứ tám trước Công nguyên.  Thời đó, Giêrusalem là thủ đô, là trung tâm chính trị, văn hoá và tôn giáo của dân Do Thái.  Hằng năm người Do Thái tuốn về thánh đô để hành hương cầu nguyện.  Nhưng sẽ có ngày vinh quang của thành thánh vượt qua mọi biên giới để đến với thế giới.  Đức Giêsu là Ánh sáng trần gian.  Người đã đến để xoá tan bóng tối đêm đen, chiếu rọi ánh sáng tới khắp mọi miền thế giới.  Ngày hôm nay, một phần lớn dân số thế giới đều tin nhận Đức Giêsu.   Dù những thực hành đức tin có phần giảm sút, nhưng họ vẫn tin rằng Đức Giêsu là Đấng trung gian của lịch sử.  Như thế, có thể nói hình ảnh thành Giêrusalem mà ngôn sứ Isaia đã thấy trong thị kiến nay đã thành hiện thực.  Giáo Hội của Chúa Kitô chính là thành Giêrusalem đích thực.  Công đồng Vatican II đã khẳng định Giáo Hội là ánh sáng muôn dân.  Giáo Hội có mục đích loan báo Đức Giêsu, và nhờ ánh sáng Đức Giêsu, Giáo Hội dẫn đưa nhân loại tìm về chân hạnh phúc.  Giáo Hội không phải Nước Trời, nhưng tiếp nối sứ vụ loan báo Nước Trời mà Chúa Giêsu đã khai mở ở trần gian.

Để Giáo Hội toả sáng, mọi thành viên của Giáo Hội được mời gọi sống thánh thiện và đạo đức, nghĩa là tỉnh thức.  Đức Giêsu đã trích dẫn nhân vật ông Nôê trong Cựu ước.  Xã hội hôm nay cũng giống như thời ông Nôê.  Người ta vẫn lo lắng việc đời, vẫn ăn uống và vẫn cưới vợ gả chồng.  Những sinh hoạt này tự nó không phải là tội.  Vấn đề ở chỗ, người ta coi những sinh hoạt ấy như đích điểm tối hậu của cuộc đời và dửng dưng với sứ điệp sám hối của Chúa.  Bản thân ông Nôê là một thông điệp Chúa muốn gửi đến cho nhân loại lúc bấy giờ.  Việc ông đóng tàu trước bàn dân thiên hạ như một lời cảnh báo những tai ương sẽ đến do cơn giận của Thiên Chúa, nhưng những người đương thời vẫn dửng dưng làm ngơ.  Qua nhân vật ông Nôê, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tỉnh thức để nhận ra những dấu chỉ của quyền năng Thiên Chúa.  Nhiều người hỏi rằng sao chờ đợi mãi mà không thấy ngày tận thế hoặc không thấy các dấu chỉ Chúa Giêsu loan báo được thực hiện.  Nếu ngày tận thế chưa đến với toàn thể vũ trụ, thì ngày ấy lại đang đến gần mỗi chúng ta.  Đó là lúc chúng ta kết thúc hành trình cuộc đời để gặp gỡ Chúa.  Lúc đó chúng ta phải trình bày với Ngài về những hành động chúng ta đã làm khi sống trên dương thế.  “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến.”  Chúa Giêsu nói đến một tương lai.  Tương lai ấy lại không biết lúc nào, nhưng chắc chắn sẽ đến.  Thiên Chúa đang đến gần chúng ta, nên chúng ta phải loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu.  Thánh Phaolô khuyên chúng ta như thế.  Mang vũ khí của sự sáng, đó chính là sự tỉnh thức, khôn ngoan.  Đó cũng là lòng mến Chúa yêu người mà Chúa Giêsu dạy chúng ta.

Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22,20).  Đó là lời kết của sách Khải Huyền, cũng là cuốn sách cuối cùng của bộ Kinh Thánh.  Đó cũng là tâm tình của chúng ta, tâm tình hướng về trời cao với những khát vọng tốt đẹp trong cuộc sống.  Cùng với những khát vọng về một cuộc sống ổn định bình an, chúng ta hãy hướng về Đấng Emmanuel.  Người sẽ lấp đầy những khát vọng sâu xa của chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

TRỞ LẠI GẶP CHÚA GIÊSU

Mỹ là một trong vài quốc gia trên thế giới có ngày quốc lễ Tạ Ơn Thiên Chúa (Thanksgiving Day).  Lễ được quốc hội long trọng đặt vào ngày thứ Năm của tuần cuối cùng tháng 11.  Truyền thống này khởi đầu từ lòng tạ ơn được mùa của đám di dân từ Anh quốc qua Mỹ tìm tự do vào năm 1619.

Bài phúc âm đọc trong thánh lễ Tạ Ơn là truyện mười ông cùi van xin Đức Giêsu cứu chữa.  Sau khi lành bệnh có ông dân ngoại Samari trở lại tìm Đức Giêsu để cám ơn (Luca 17: 11-19).  Giáo hội dùng trình thuật này để đề ‎cao ý thức tạ ơn Thiên Chúa.  Điều chúng ta suy nghĩ ở đây không phải là hình ảnh nước Mỹ, như ông Samari, khi so sánh Mỹ với những nước khác.  Nó cũng không phải là ‎ý tưởng đề cao hành xử của ông Samari.  Vấn đề là việc chín ông Do Thái được chữa lành nhưng chẳng có ai trở lại cám ơn Đức Giêsu.

Sự nghiêm trọng của vấn đề “không trở lại cám ơn” chỉ có thể hiểu được khi chúng ta biết rõ về thực trạng bệnh cùi vào thời đó.  Người cùi là người bị coi như đã chết.  Gia đình họ bỏ rơi họ và không dám nhắc đến tên họ.  Cộng đồng ghê tởm họ vì mọi người tin rằng họ là những kẻ tội lỗi ô uế.  Giáo hội cũng  khai trừ họ và hất hủi đuổi họ đi.  Thánh Luca kể rằng mười người cùi đứng ở đàng xa mà kêu cứu vì luật buộc họ không được lại gần người lành.  Như vậy khi Đức Giêsu cứu họ, không phải Người chỉ chữa lành bệnh thể xác, nhưng hơn thế, Người đã cho họ tái sinh để họ trở về với cuộc sống đầy đủ ‎ý nghĩa đã mất trước đó.

Có một mối xúc động khiến chúng ta chú ‎ý đến việc lặng lẽ ra đi của chín ông cùi, không phải để xét đoán họ, nhưng vì chúng ta thấy hình bóng mình trong đó.  Mỗi một linh hồn Kitô hữu đều biết rõ rằng mình đã chết, nhưng được tái sinh trong phép rửa.  Linh hồn của mỗi Kitô hữu đã được rửa sạch bằng máu của Đức Giêsu.  Nhưng chúng ta có từng bao giờ tìm gặp Đức Giêsu để cảm tạ?

Có người đoán rằng chín ông Do thái trên đường đi chắc đã lên tiếng cám ơn.  Cứ coi là đúng như thế, nhưng đó có phải là những lời cám ơn gửi theo gió.  Đức Giêsu muốn họ trở lại tìm Người nên mới thắc mắc: “Còn chín người kia đâu?”  Câu hỏi này có sức mạnh gieo vào lòng mỗi Kitô hữu cuộc tự vấn “tôi đã trở lại gặp Đức Giêsu chưa?”  Điều này có nghĩa là chúng ta đã thật sự liên kết với Đức Giêsu trong cuộc đời.  Chúng ta nhất quyết phải trả lời câu hỏi này.  Nếu chưa, hẳn có nhiều l‎‎ý do, nhưng đàng sau mọi l‎‎ý do, chỉ là cái bản thể bất toàn của cái tôi kiêu ngạo‎.  Cái bản thể bị màng nhện vật chất cột chặt không cho chúng ta nhìn thấy thế giới siêu nhiên.  Bên trong lưới nhện dù chúng ta có mau miệng lên tiếng cám ơn Thiên Chúa về những may mắn lợi nhuận, điều ấy tuy rất tốt đẹp, nhưng chưa trọn vẹn.  Tiếng cám ơn chỉ trọn vẹn khi tâm hồn chúng ta thật sự ‎‎liên kết với Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ nằm ngoài thế giới tài vật.

Mười ông cùi được chữa lành nhờ có lòng tin.  Đức Giêsu đã xác nhận như vậy.  Tuy nhiên đó chỉ là sự tin tưởng tự nhiên của suy luận trí óc.  Bước qua tầng siêu nhiên, lòng tin là một phẩm hạnh (virtue) và được gọi là đức tin.  Có một l‎ý‎ do khác khiến Kitô giáo gọi sự tin tưởng là đức tin và sự yêu mến là đức mến. Đức tin và đức mến vượt khỏi sự suy luận của trí óc.  Khi trạng thái của tin và mến được chuyển hóa để cảm nghiệm là đức tin, đức mến, chúng ta đặt mình trong tay của Thiên Chúa, như thánh Phaolô cảm nghiệm “Đấng Kitô sống trong tôi.”  Đó là cuộc gặp gỡ cần có giữa mỗi linh hồn Kitô hữu và Thiên Chúa của mình.  Khi lòng tràn đầy đức tin, đức cậy, đức mến, chúng ta không thể làm gì hơn là sống trong sự tạ ơn Thiên Chúa.

Lên tiếng cám ơn thì ai nói cũng được.  Thốt ra một âm thanh vật lý suông ở đâu đó cũng chẳng khó khăn gì.  Tuy nhiên đến với Thiên Chúa để nói “cám ơn” với âm vang rung động tận đáy lòng, với cảm nghiệm đức hạnh siêu nhiên, “cám ơn” trở thành sự thức tỉnh về ý nghĩa hiện hữu của mình.  Ta là một ân sủng được sinh ra bởi Chúa Cha, được cứu chuộc bởi Chúa Con, và có sự sống bởi Chúa Thánh Thần.

Đỗ Trân Duy

 **************************************

Tạ ơn Cha vì những gì Ngài đã trao ban,
Tạ ơn Cha vì những gì Ngài đã chối từ,
Tạ ơn Cha vì những gì Ngài đã lấy đi,
Tạ ơn Cha vì những gì Ngài đã cho phép,
Tạ ơn Cha vì những gì Ngài đã bảo vệ con,
Tạ ơn Cha vì những gì Ngài đã tha thứ cho con,
Tạ ơn Cha vì những gì Ngài đã chuẩn bị cho con,
Tạ ơn Cha vì cái chết Ngài đã chọn sẵn cho con,
Tạ ơn Cha vì một nơi Ngài đã dành sẵn cho con trên Thiên Quốc,
Tạ ơn Cha vì đã sáng tạo nên con để yêu Cha mãi mãi,
Tạ ơn Cha vì tất cả!

LTCT phỏng dịch

LÀM SAO CẦU NGUYỆN KHI CHÚNG TA KHÔNG CÓ HỨNG

Nếu chỉ cầu nguyện khi có hứng, thì chúng ta không cầu nguyện nhiều.

Nhiệt tâm, thích thú và sốt mến sẽ không duy trì đời sống cầu nguyện được lâu, thiện chí và ý chí bền vững mới bền.  Lòng và trí chúng ta là những con ngựa hoang phức tạp và lộn xộn, chồm lên theo hứng, và cầu nguyện không thường xuyên nằm trong dự định.  Thánh Gioan Thánh Giá, nhà thần nghiệm, dạy chúng ta, sau thời gian đầu cầu nguyện sốt mến, chúng ta sẽ trải qua những năm tháng phải vật lộn, khi đó việc cầu nguyện rời rạc, buồn chán và dễ xao lãng.  Vậy nên, vấn đề là làm sao chúng ta cầu nguyện lúc mệt mỏi, xao lãng, buồn chán, thiếu hứng thú, và đang bận tâm với hàng ngàn chuyện khác.  Làm sao chúng ta cầu nguyện khi trong lòng chúng ta chẳng muốn cầu nguyện?  Nhất là làm sao chúng ta cầu nguyện khi cực kỳ chán cầu nguyện?

Các tu sĩ có những bí quyết đáng để chúng ta học hỏi.  Bí quyết đầu tiên là nghi thức, trọng tâm nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện.  Các tu sĩ cầu nguyện nhiều và thường xuyên, nhưng họ không bao giờ cố nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện dựa trên cảm xúc.  Họ nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện bằng nghi thức.  Các tu sĩ cầu nguyện chung bảy hay tám lần mỗi ngày, theo nghi thức.  Họ quây quần trong nhà nguyện và đọc kinh phụng vụ (Kinh sáng, Kinh sách, Kinh giờ ba, Kinh giờ chín, Kinh chiều, Kinh tối, Kinh kết) hoặc cùng nhau cử hành thánh lễ.  Không phải lúc nào họ cũng tham dự vì thấy thích, họ tham gia vì họ được kêu gọi, và rồi với lòng trí nhiều lúc thiếu sốt sắng, nhưng họ cầu nguyện bằng những phần sâu thẳm nhất, bằng quyết tâm và ý chí.

Trong luật thánh Bênêđictô viết cho đời sống tu sĩ có một câu thường được trích dẫn.  Ngài viết, đời sống tu sĩ là theo quy tắc của tiếng chuông tu viện.  Khi tiếng chuông tu viện cất lên, người tu sĩ bỏ ngang bất kỳ việc gì mình đang làm và đến bất kỳ nơi nào mà tiếng chuông đó triệu tập, không phải vì muốn mà vì đó là thời điểm, một thời điểm không phải của mình mà là của Chúa.  Đó là một bí mật đầy giá trị, nhất là khi áp dụng cho việc cầu nguyện.  Chúng ta cần cầu nguyện thường xuyên, không phải vì chúng ta muốn, mà vì đó là thời điểm để cầu nguyện, và khi không thể cầu nguyện với hết tâm trí, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện bằng ý chí và thể xác.

Phải, bằng thể xác!  Chúng ta hay quên rằng mình không phải là thiên thần không thể xác, chỉ có tâm trí.  Không, chúng ta có cả thể xác nữa.  Do đó, khi lòng trí khó khăn cầu nguyện, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện bằng thể xác.  Từ xưa đến nay, chúng ta đã cố làm việc này bằng cử chỉ và điệu bộ thể xác (làm dấu thánh giá, quỳ gối, đưa tay lên, chắp tay lại, quỳ một gối, nằm sấp) và chúng ta đừng bao giờ xem nhẹ hay hạ thấp tầm quan trọng của các cử chỉ.  Nói đơn giản, khi không thể cầu nguyện bằng những cách khác, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện bằng thể xác.  (Mà ai dám nói một cử chỉ cầu nguyện chân thành thì thấp kém hơn động tác cầu nguyện của tâm trí?)  Cá nhân tôi rất thích một cử chỉ, là hành động cúi đầu chạm đất của người hồi giáo khi họ cầu nguyện.  Làm như thế là làm cho cơ thể mình thưa với Chúa: “Dù cho lòng trí con có thế nào, con quy phục sự toàn năng, thánh thiện và yêu thương của Ngài.”  Dù là cầu nguyện chiêm niệm một mình, tôi vẫn thường kết lại bằng cử chỉ này.

Đôi khi, các ngòi bút thiêng liêng, các nhà phụng vụ học và giáo lý, lại phụ lòng chúng ta khi không nói rõ rằng cầu nguyện có nhiều giai đoạn – và trong đó, sự nhiệt tâm, sốt mến chỉ là một giai đoạn và là giai đoạn ban đầu.  Như những tiến sĩ và nhà thần nghiệm thường dạy, cầu nguyện cũng như tình yêu, phải đi qua ba giai đoạn.  Trước hết là lửa mến, rồi đến sự khô khan và chán ngán, cuối cùng là sự thanh thản, ý thức mình đang về nhà khi mà lời cầu nguyện không dựa vào hăng hái hay sốt mến mà dựa vào cam kết với giây phút hiện tại, bất chấp cảm giác như thế nào.

Dietrich Bonhoeffer, mục sư thần học gia người Đức, từng nói câu này khi chủ trì hôn lễ cho một cặp vợ chồng: Hôm nay, anh chị tràn đầy tình yêu và tin rằng tình yêu sẽ duy trì hôn nhân của mình.  Không đâu.  Hãy để hôn nhân (vốn có những nghi thức) duy trì tình yêu của anh chị.  Chúng ta cũng có thể nói như thế về cầu nguyện.  Lửa mến và nhiệt tâm sẽ không duy trì lời cầu nguyện, nhưng nghi thức thì có.  Khi chúng ta khó khăn cầu nguyện với tâm trí, chúng ta vẫn luôn có thể cầu nguyện bằng ý chí và thể xác.  Thể hiện bên ngoài có thể đủ cho cầu nguyện.

Trong quyển sách mới đây của mình, Chị Wendy yêu quý (Dearest Sister Wendy), tác giả Robert Ellsberg đã trích một câu của ông Michael Leach nói về kinh nghiệm của ông khi chăm sóc lâu dài cho người vợ bị Alzheimer: “Phải lòng ai đó là phần dễ nhất, học cách yêu là phần khó, và sống trong tình yêu là phần tối tối hậu.”  Việc cầu nguyện cũng như nhế.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

HAI MẢNH ĐỜI – HAI THÁI ĐỘ SỐNG

Cơn gió chiều mùa Thu Sài Gòn nhảy nhót trên những ngọn cây cao vun vút ngoài sân.  Rồi chợt thấy tôi, nó lại cà tưng cà tưng từng bước theo tôi vào căn phòng của bệnh nhân suy thận.  Vừa mở cửa, gió liền luồn qua khe tràn đầy cả căn phòng, đuổi hết những hơi cồn sát trùng ra ngoài…  Tôi bước vào.

Trong phòng chỉ có hai người đang ở trong hai trạng thái hoàn toàn trái ngược.  Chú Dương thì đang bình thản lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ; còn cô Tuyết thì đang nằm co ro, khóc thút thít.  Cả hai cô chú đều bị suy thận nặng.  Mỗi tuần, chú Dương và cô Tuyết phải chạy thận hai, có khi đến ba lần.  Tôi tò mò tiến về phía giường của cô Tuyết.

– “Cô ơi! Sao cô khóc vậy?”  Tôi hỏi một cách ngây thơ như đứa con nít lần đầu tiên nhìn thấy một đứa bạn bị bố phạt cho vài roi.

– Cô trả lời tôi bằng những đợt khóc nức không thành lời.  Lúc này, chú Dương bỏ chuỗi tràng hạt đang cầm trên tay xuống góc chiếu phía đầu giường rồi nói: “Ở đây toàn người bệnh nặng; khóc thì có gì lạ đâu anh.  Mà anh là ai, ở đâu tới đây?”

– Tôi mỉm cười rồi đáp, “dạ, con tới thăm cô chú nè!  Con ở gần đây thôi!  Cuối tuần con vô thăm các cô chú chút xíu ạ!”

– Dường như bắt được sự tò mò của tôi, chú Dương nói: “Cô Tuyết mới tới, chưa chấp nhận nổi thực tế.  Cũng tội nghiệp!”

Nghe chú Dương nói đến hai chữ “tội nghiệp”, cô Tuyết quay phắt lại, ném vào mặt hai chú cháu tôi một ánh mắt bực bội mà tôi nghĩ, suốt đời này tôi chẳng có thể nào quên được.  Ánh mắt ấy như con dao cắm phập vào sâu trong trái tim tôi khiến lòng tôi rỉ máu.  Tôi chắc rằng cô đang nghĩ hai chữ “tội nghiệp” kia cũng chẳng khác gì so với hai chữ “thương hại.”

– Tôi vờ như chưa nhìn thấy ánh mắt của cô.  Tôi quay sang hỏi chú Dương: “Chú bị bệnh này lâu chưa?  Giờ chú thấy người thế nào ạ?”

– “Tôi bị bệnh này lâu rồi.  Giờ nó nặng hơn.  Nhưng mà tôi là người Công Giáo, nếu tôi chết thì tôi về với Chúa.  Tôi tin Chúa chẳng nỡ bỏ rơi tôi.”  Chú nói với vẻ mặt đầy xác tín.

– Cô Tuyết bất chợt gào lên, tiếng nói của cô xen lẫn tiếng nấc: “Còn tui… thì sao đây? …Tui …chưa …muốn… chết!”

Tôi nắm lấy một tay cô như thể tôi đang cố truyền một nội công gì đó, giống hệt trong các bộ phim võ thuật Kim Dung thường hay mô tả.  Tôi chỉ thốt ra một chữ: “Dạ!”

Có vẻ như phương thế này có tác dụng.  Cô Tuyết thôi không khóc nữa.  Lúc này cơn gió khẽ khàng lau khô dần hai dòng nước mắt đang lăn tròn trên gò má của cô như thể nó không muốn cô biết đến sự có mặt của nó vậy.

– Cô Tuyết bắt đầu kể: “Tui không có đi chùa, cũng chẳng có đi nhà thờ.  Nhà tui chỉ có thờ ông bà thui.  Mà tui thiệt tình cũng chẳng biết chết rồi sao nữa.  Tui thấy sợ lắm!  Tui chưa muốn chết!”

Trước hoàn cảnh của cô Tuyết và chú Dương, tôi cảm nhận sự bất lực của con người khi đối diện với sự đe dọa của thần chết.  Tôi không biết nói gì, chỉ ngồi lặng im ở đó với cô chú thật lâu…  Những làn gió nhẹ nhàng thổi vào từng ngóc ngách của căn phòng.  Tôi thấy sống mũi mình cay cay và mắt tôi bắt đầu rưng rưng những giọt lệ; nhưng tôi biết đó không phải là tại cơn gió…

Về đến nhà, tôi tiếp tục miên man nghĩ tới hai cô chú; hai mảnh đời, hai thái độ đón nhận cuộc sống.  Tôi cảm tạ Chúa vì ơn sự sống, ơn được làm người, được làm con Chúa.  Tôi cảm nhận rằng khi cuộc sống đẩy một người xuống đáy vực thẳm, chỉ có đức tin mới có thể giúp người ấy vươn lên.  Tôi cầu nguyện cho hai cô chú.  Tôi tin Chúa sẽ không quên lòng tín thác của chú Dương; và tôi cũng tin Chúa sẽ có cách nâng đỡ cô Tuyết trong những ngày này…/.

Vũ Chí Thành, SJ
Nguồn: https://dongten.net

VƯƠNG QUỐC TÌNH YÊU

Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu với một danh xưng rất đặc biệt: Vua vũ trụ.  Xin đừng vội phê phán và kết luận danh xưng này đã lỗi thời và thuộc về chế độ phong kiến lạc hậu, vì vương quyền của Chúa Giêsu không như lối suy nghĩ của con người: Người là Vua công chính và là Đấng cứu độ.

Trong Cựu ước, có ba chức vụ được chính Thiên Chúa chọn và xức dầu, đó là vua, ngôn sứ và tư tế.  Vì được Thiên Chúa chọn, nên ba vị này hành động nhân danh Thiên Chúa.  Họ cũng là người chuyển tải sứ điệp và lệnh truyền của Chúa cho Dân riêng.

– Vua là người thay mặt Chúa để điều hành dân thánh.  Ông cũng được gọi là “con Thiên Chúa.”  Chính Thiên Chúa khẳng định danh xưng này, trong trường hợp vua Đavít (x. S Sm 7,14)

– Ngôn sứ là người chuyển tải sứ điệp của Thiên Chúa.  Nội dung sứ điệp có thể là lời khiển trách hoặc khen ngợi.  Đó cũng có thể là lời cảnh báo trước những tai họa và kêu gọi ăn năn sám hối để thoát hình phạt.

– Tư tế là người chịu trách nhiệm về sự thánh thiện của dân được tuyển chọn.  Họ cũng là những người cầm cân nảy mực trong việc tuân thủ những quy định luân lý cũng như phụng tự.

Đức Giêsu là Đấng Được Xức Dầu.  Vì vậy mà Người được gọi là Đấng Kitô.  Người kiêm nhiệm cả ba chức vụ nói trên đây.  Người vừa là Ngôn sứ, là Tư tế và là Vua.  Chúa Giêsu đã đến trần gian để loan báo tình thương của Chúa Cha, kêu gọi mọi người sống chan hoà yêu thương.  Ngài đã dâng chính mình làm hy tế, để hoà giải Thiên Chúa với con người.  Người thống trị muôn dân bằng tình yêu và bằng dấn thân phục vụ.

Khi còn tại thế, Chúa Giêsu đã tránh sự hiểu lầm về chức vụ vương đế của Người.  Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, nhiều người muốn tôn người làm vua, chỉ với mục đích từ nay sẽ có bánh ăn hằng ngày mà không phải lao động vất vả.  Chúa Giêsu đã lánh mặt đi lên núi một mình (x. Ga 6,15).

Vua Đavít là hình ảnh của Vị Vua Vũ Trụ là Đức Giêsu là chúng ta tôn vinh hôm nay.  Ông là vị vua thứ hai sau Saun, kể từ khi Ít-ra-en thiết lập nền quân chủ.  Vị vua này đã có một vương quốc ổn định và giàu có.  Sau này, Đức Giêsu được gọi là “Con vua Đavít.”  Người Do Thái cũng dùng danh xưng này để chào đón khi Người vào thành thánh Giêrusalem.  Việc Đavít được xức dầu phong vương được coi như một việc làm theo ý của Thiên Chúa và là một biến cố quan trọng trong lịch sử Do Thái.

Trong ngày tôn vinh Chúa Giêsu là Vua vũ trụ, Thánh sử Luca lại giới thiệu với chúng ta một hình ảnh lạ kỳ về vị Vua này.  Đó là vị Vua không ngai vàng, lại còn bị hành hạ dã man, bị đóng đinh trên thập giá và bị phỉ nhổ.  Một tên trộm cùng bị đóng đinh cũng nhục mạ Người.  Tuy vậy, qua hình hài thâm tím bầm dập ấy, một tên trộm khác lại nhận ra vương quyền thiêng liêng.  Lịch sử hơn hai ngàn năm qua, vẫn luôn có những người phỉ nhổ Chúa và vẫn có những người tôn nhận vương quyền của Người.  Chúa Giêsu làm Vua không phải để cai trị mà là để phục vụ con người.  Chúa đã chết trên thập giá vì yêu thương con người.  Người đã mang trên mình tội lỗi của muôn dân.  Nếu một vị vua trần thế đã có công lập quốc hay đã thắng trận vẻ vang, thì Vua Giêsu đã loan báo vương quốc vĩnh cửu và đã chiến thắng ma quỷ, chiến thắng tử thần.  Những ai tôn nhận vương quyền của Người, sẽ được Người cho hưởng hạnh phúc với Người, như trường hợp người trộm sám hối.

Chúng ta hãy tôn nhận vương quyền của Chúa Giêsu để được Người chúc phúc.  Nhờ Bí tích Thanh tẩy, mỗi Kitô hữu được chia sẻ ba chức năng của Chúa Giêsu, cũng là ba chức năng của Giáo Hội, tức là ngôn sứ, tư tế và vương đế.  Tôn vinh Chúa Giêsu Vua vũ trụ giúp người tín hữu ý thức hơn về danh dự và bổn phận trách nhiệm của mình.  Kitô hữu cũng là công dân của Nước Trời, công dân của vương quốc có Chúa Giêsu làm chủ.  Vương quốc của Đức Giêsu không thu hẹp trong ranh giới của một quốc gia, nhưng lan rộng khắp thế giới, vì “Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hòa vạn vật nhờ Người và vì Người.  Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.” (Bài đọc II).  Vương quốc của Chúa Giêsu chính là vương quốc của hoà bình và tình yêu.  Để xứng đáng là công dân của vương quốc ấy, mỗi tín hữu phải trở nên chứng nhân tình yêu giữa đời.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

SỐNG VÌ ĐẠO

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh vật chất.  Khuynh hướng tìm chiếm hữu, hưởng thụ, an nhàn là rất mạnh.  Thế mà Lời Chúa hôm nay kêu gọi ta phải từ bỏ mình, phải vác thập giá, phải hy sinh mạng sống.  Phải chăng Chúa muốn ta tàn lụi đi?  Hay Chúa muốn ta trở nên dại dột?  Thưa không phải như thế.  Chúa khuyên bảo ta hãy biết từ bỏ mình vì lợi ích của ta.

Chúa chỉ đường cho ta đến những giá trị cao quý hơn.  Trong đời sống, cơm áo gạo tiền là cần là quý.  Nhưng còn những thứ cao quý hơn.  Ví dụ như danh dự, tình yêu, lòng chung thủy.  Mạng sống là quý.  Nhưng có những giá trị còn cao quý hơn.  Ví dụ như đức tin, tổ quốc.  Thân xác là quý.  Nhưng linh hồn còn cao quý hơn.  Vì thế, khi không thể chọn cả hai, ta phải biết chọn những giá trị cao quý hơn.

Chúa chỉ đường cho ta đến những giá trị bền vững hơn.  Vật chất là quý.  Nhưng giá trị của nó không lâu bền.  Chết rồi ta chẳng mang theo được vật chất theo mình.  Những giá trị tinh thần bền vững hơn.  Dù chết rồi vẫn còn tồn tại.  Tục ngữ có câu: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.”  Cuộc sống đời này là quý.  Nhưng cuộc sống đời này không kéo dài lâu.  Cuộc sống đời sau mới trường tồn vĩnh cửu.  Khi không thể chọn lựa mọi giá trị, ta phải biết lựa chọn những giá trị có tính cách vĩnh cửu.

Chúa chỉ cho ta đường đến với Thiên Chúa.  Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự thiện hảo.  Chọn Chúa mới là chọn những gì tốt đẹp nhất.  Chúa là giá trị cao quý nhất.  Chúa là giá trị vĩnh cửu nhất.  Chúa là hạnh phúc hoàn hảo nhất.  Hạnh phúc ở nơi Chúa làm ta no thỏa.  Hạnh phúc ở nơi Chúa không bao giờ tàn lụi.  Hạnh phúc ở nơi Chúa cho ta đạt được mọi ước mơ của con người.

Chúa chỉ cho ta con đường đi theo Chúa.  Khi dậy dỗ ta, Chúa Giêsu không nói suông.  Chính Người đã thực hành.  Người đã từ bỏ mình, vác thánh giá.  Người đã liều mạng sống, chịu chết vì chúng ta.  người đã từ bỏ tất cả những giá trị trần gian để vâng theo thánh ý Đức Chúa Cha.  Cuối cùng Người lại được tất cả.  Chết rồi được Phục Sinh.  Tự hủy mình ra không lại được trở thành Vua vũ trụ.  Người đã từ bỏ tất cả, nay Đức Chúa Cha lại ban cho Người tất cả, khi đặt mọi sự dưới chân Người.

Yêu mến Chúa là vâng theo Lời Chúa, các thánh Tử đạo Việt Nam đã đi theo con đường của Chúa.  Để bảo vệ đức tin, các ngài đã chịu mất tất cả cuộc sống an vui, mất danh vọng chức quyền, mất nhà cửa của cải.  Vì hiểu rằng đức tin là gia tài cao quý nhất.  Hướng về sự sống đời sau, các ngài đã sẵn sàng chịu giam cầm, chịu nhục nhã, chịu hành hạ đau đớn.  Vì biết rằng những đau khổ đời này rồi sẽ qua đi, hạnh phúc đời sau mới vĩnh cửu.  Để trung thành với Chúa, các ngài sẵn sàng chịu mất mạng sống.  Vì biết rằng Chúa sẽ ban lại sự sống mới, sự sống vĩnh cửu cho các ngài.  Các ngài thật can đảm.  Vì khi chọn lựa từ bỏ như thế, phải chịu nhiều đau đớn, khổ nhục.  Đó là chọn lựa tuyệt đối quyết liệt, dám liều mất cả mạng sống cho sự lựa chọn của mình.  Các ngài thật khôn ngoan.  Đã biết từ bỏ cái tầm thường để lựa chọn điều cao quý.  Đã biết từ bỏ cái tạm bợ để lựa chọn điều vĩnh cửu.  Đã biết từ bỏ những giá trị tương đối để lựa chọn Chúa là giá trị tuyệt đối.

Cuộc sống hôm nay cũng đặt chúng ta trước nhiều lựa chọn.  Để sống đúng lương tâm công giáo, ta phải chối từ những mối lợi bất chính.  Để chu toàn luật Chúa, ta phải từ chối những hưởng thụ ngọt ngào.  Để thực hành luật yêu thương tha thứ, ta phải cắn răng chịu nhịn nhục.  Để chọn Chúa, ta phải vác thánh giá.  Những lựa chọn đó nhiều khi khiến lòng ta đau đớn như bị vết thương.  Vết thương rỉ máu âm ỉ suốt cuộc đời.  Những lựa chọn đó nhiều khi khiến ta rơi lệ.  Những dòng lệ đau đớn xót xa.  Đó thực là những cuộc tử đạo.  Cuộc tử đạo không thấy máu.  Vì máu chỉ rỉ trong tâm hồn.  Cuộc tử đạo không thấy lệ.  Vì lệ đã nuốt ngược vào trong.  Máu ri rỉ đau đớn nhức nhối lắm.  Lệ nuốt vào cay đắng lắm.  Để lựa chọn như thế phải có ơn khôn ngoan của Chúa.  Để lựa chọn như thế cần phải có ơn sức mạnh của Chúa.  Nhưng có lựa chọn như thế ta mới xứng đáng là môn đệ Chúa và xứng đáng là con cháu các thánh anh hùng tử đạo.  Chính những lựa chọn đó đem lại cho ta sự sống đích thực.

Chính những lựa chọn đó đưa ta đến hạnh phúc vĩnh cửu.

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

VIẾT CÁO PHÓ CHO MÌNH

Sẽ đến thời chúng ta không còn viết sơ yếu lý lịch nhưng bắt đầu viết cáo phó cho mình.  Tôi không chắc ai là người nói câu đó đầu tiên, nhưng nó hàm chứa một sự khôn ngoan.

Sơ yếu lý lịch và cáo phó khác nhau ở điểm nào?  Sơ yếu nói lên những thành tựu của bạn, cáo phó thể hiện cách bạn muốn được tưởng nhớ và những điều tốt lành nuôi dưỡng nào bạn muốn để lại.  Nhưng chính xác làm thế nào để viết được cáo phó sao cho nó đừng chỉ là một phiên bản kiểu khác của lý lịch?  Tôi xin đưa ra gợi ý thế này.

Trong Do Thái giáo, có truyền thống là hằng năm, một người trưởng thành phải đưa ra một di chúc tâm linh.  Ban đầu, nó là kiểu di chúc thông thường, tập trung vào việc mai táng, phân chia tài sản, cách xử lý những việc còn dang dở trong đời mình về mặt pháp lý và thực tế.  Tuy nhiên, qua thời gian, nó biến đổi thành dạng di chúc tập trung hơn vào việc xem lại đời mình, nêu bật những gì quý báu nhất đời, những hối hận và xin lỗi thật tâm, những lời chúc phúc cho những người mà mình muốn có lời từ biệt thật đặc biệt.  Di nguyện này được xem lại và viết lại hàng năm, cuối cùng là được đọc to trong tang lễ như là lời cuối cùng chúng ta muốn để lại cho người thân yêu.

Đây có lẽ là một việc làm rất hữu ích cho chúng ta, trừ việc di chúc này không phải viết ra để đưa cho luật sư, nhưng trong tinh thần cầu nguyện, gửi gắm cho một linh hướng, một cha giải tội đang giúp chúng ta.  Vậy di chúc tâm linh này nói đến những chuyện gì?

Nếu bạn đang cần những ví dụ, thì tôi xin đưa ra tác phẩm và những bài viết của Richard Groves, đồng sáng lập Trung tâm Nghệ thuật Thiêng liêng của Đời sống.  Trong hơn 30 năm ông làm việc trong lĩnh vực tâm linh cuối đời và cho chúng ta một vài hướng dẫn rất hữu ích về việc lập một di chúc tâm linh và đều đặn làm mới nó.  Di chúc tâm linh tập trung vào ba điểm này.

Thứ nhất: Trong cuộc đời, Thiên Chúa muốn tôi làm gì?  Tôi đã làm chưa?  Tất cả chúng ta đều có một vài ý thức về ơn gọi, ý thức mình có một mục đích khi tồn tại trên đời, ý thức mình đã được giao nhiệm vụ để hoàn thành trong đời.  Có lẽ chúng ta chỉ nhận thức thoáng qua về nó, nhưng với một mức độ nào đó, mỗi một chúng ta đều ý thức về một bổn phận và mục đích nào đó.  Việc đầu tiên trong di chúc tâm linh là cố nắm bắt điều này.  Thiên Chúa muốn tôi làm gì trong cuộc đời?  Tôi đã làm tốt hay tệ việc đó?

Thứ hai: Tôi cần phải nói lời xin lỗi với ai?  Tôi có những điều gì hối tiếc?  Cũng như người khác đã làm tổn thương ta, thì chúng ta cũng có thể làm tổn thương người khác.  Trừ phi chết trẻ, tất cả chúng ta đều từng mắc sai lầm, từng làm tổn thương người khác và làm những việc mà mình hối tiếc.  Một di chúc tâm linh là xác định việc này với một lòng thành thật tận cùng và hối hận sâu sắc.  Chúng ta không bao giờ có tấm lòng cao cả, cao thượng, sùng tín và xứng đáng được tôn trọng hơn, khi chúng ta quỳ gối chân thành nhận ra điểm yếu của mình, xin lỗi và hỏi xem chúng ta cần làm gì để sửa chữa.

Thứ ba: Trước khi qua đời, tôi muốn chúc phúc và trao lại món quà nuôi dưỡng cụ thể cho ai?  Chúng ta được gần giống Thiên Chúa (truyền năng lượng thần thiêng vào cuộc đời) những khi chúng ta ái mộ người khác, tán thành người khác, cho họ những gì chúng ta có thể làm để giúp cuộc đời họ tốt hơn.  Nhiệm vụ của chúng ta là làm việc này cho tất cả mọi người, nhưng chúng ta đâu thể làm cho tất cả, nên chúng ta làm cho một số người, và là những người cụ thể.  Trong di chúc tâm linh, chúng ta có dịp để nói lên những người mà chúng ta muốn chúc phúc nhất.  Khi tiên tri Ê-li mất, người hầu cận ngài là tiên tri Ê-li-sê nài xin ông để lại cho mình “phần gấp đôi” thần trí của ông.  Khi chết, chúng ta phải để lại tinh thần của mình làm của nuôi dưỡng cho tất cả mọi người, nhưng có những người cụ thể mà chúng ta muốn để lại “phần gấp đôi.”  Trong di chúc này, chúng ta nêu lên những người đó là ai.

Trong quyển sách đầy thách thức: Bốn điều quan trọng nhất (The Four Things That Matter Most), bác sĩ Ira Byock, người chăm sóc cho những người hấp hối, nói rằng có bốn điều chúng ta cần nói với những người thân yêu trước khi họ qua đời.  “Xin tha thứ cho tôi”, “Tôi tha thứ cho bạn”, “Cám ơn”, và “Tôi yêu bạn”. Ông nói đúng, nhưng với những chuyện chẳng ngờ, những căng thẳng, tổn thương, đau lòng và thăng trầm trong tình cảm, kể cả với những người mà chúng ta yêu thương nhất, không phải lúc nào cũng dễ (và đôi khi là bất khả thi) nói ra những lời này cách rõ ràng nhất.  Một di chúc tâm linh cho chúng ta cơ hội để nói những lời này với tâm tư vượt lên những căng thẳng thường che mờ tình cảm giữa chúng ta, và ngăn chúng ta nói rõ những lời quan trọng này, để rồi ở tang lễ, sau những lời điếu văn, chúng ta sẽ không còn chuyện gì dang dở.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

NGÀY CÁNH CHUNG

Trước đây, khi giảng tĩnh tâm Mùa Chay, các Linh mục thường nhắc đến “Tứ chung” hay còn gọi là “Bốn sự sau,” nghĩa là Sự chết, Thiên đàng, Hoả ngục và Phán xét.  Đây là những vấn đề liên quan đến cùng đích của đời người.  Đó cũng là những điều mà ai cũng phải trải qua.  Người tín hữu, khi nghĩ đến “Bốn sự sau” cố gắng sống tốt và lo chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng để về với Chúa.

Cũng có người sợ hãi không muốn đề cập tới “Bốn sự sau,” vì họ coi đó là điều xui xẻo.  Nhưng, “Bốn sự sau” là một thực tại gắn liền với đời người, dù người ta có né tránh thì cũng không thoát được.  Khi giảng tĩnh tâm, nếu nhấn mạnh tới chủ đề “Bốn sự sau,” thì lại rất có hiệu quả.  Người tín hữu tham dự tĩnh tâm xưng tội rất đông và sốt sắng.  Như thế, nếu năng nghĩ đến sự chết, người ta sẽ sống tốt hơn, nhân ái hơn và cao thượng hơn trong cách đối xử với tha nhân.

Vũ trụ này không tồn tại mãi mãi, nhưng sẽ có ngày tận cùng.  Các tác giả Cựu ước đều chung quan điểm này.  Ngôn sứ Malaki là một trong những tác giả trình bày ngày cánh chung của vũ trụ.  Đó sẽ là ngày ngũ hành bị thiêu rụi, và cũng là thời điểm người lành kẻ dữ được xét xử công minh.  Kẻ ác sẽ như rơm rạ bị thiêu đốt, người lành sẽ toả sáng như mặt trời.  Suy tư về đời sau làm cho cuộc đời này có ý nghĩa.  Bởi lẽ nếu không có đời sau thì xấu tốt cũng như nhau, vàng thau cũng đồng giá.  Ngày cánh chung và cuộc phán xét, chính là câu trả lời cho sự khác biệt trong cuộc sống đời này.

Bao giờ mới đến ngày cánh chung?  Nhiều thế hệ đã lo lắng băn khoăn và đi tìm câu trả lời.  Vào thời điểm lịch sử bước sang những năm chẵn, như năm 1900, năm 2000, năm 2010…, người ta lo sợ và tuyên truyền sắp đến ngày tận thế.  Nhưng rốt cuộc ngày tận thế vẫn chưa đến.  Chúa Giêsu dặn chúng ta: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt.”  Đối với người tin Chúa, khi nào tận thế xem ra không phải là điều quan trọng, nhưng điều quan trọng là lòng tín trung phó thác nơi Chúa.  Nếu tận thế được diễn tả như trời long đất lở hoặc các hiện tượng thiên nhiên khác, thì Chúa Giêsu lại muốn nói với chúng ta: tận thế cũng có thể là những khó khăn, bách hại và thử thách về niềm tin.  Quả vậy, tin là đi theo con đường thập giá của Chúa Giêsu.  Chúa đã vác thập giá bước đi trong niềm phó thác nơi Chúa Cha.  Như thế, cánh chung đối với chúng ta hôm nay là những gian nan thử thách trong cuộc đời.  Mỗi chúng ta phải vượt qua những gian nan ấy để gìn giữ đức tin tinh tuyền trọn vẹn.  Theo Giáo lý của Giáo Hội Công giáo, nếu ngày phán xét chung còn rất xa vời, thì ngày phán xét riêng lại rất gần đối với chúng ta.  Khi chúng ta kết thúc hành trình trần thế, là lúc chúng ta ra trình diện trước nhan Chúa, để tường trình với Ngài về cuộc sống dương thế của chúng ta, với những ơn lành mà chúng ta đã lãnh nhận, như số vốn Chúa ban để chúng ta sinh lợi thiêng liêng.

Tin vào ngày cánh chung ở cuối cùng của lịch sử, chúng ta tin cậy vào những giá trị vĩnh cửu.  Đền thờ Giêrusalem rất quan trọng đối với người Do Thái.  Đây là trung tâm văn hoá và là niềm tự hào của dân tộc.  Đền thờ còn là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài.  Ấy vậy mà Chúa Giêsu tuyên bố: những điều anh em đang chiêm ngưỡng và tự hào, sẽ có ngày ra tro bụi.  Viện vào câu nói này, khi tố cáo Chúa trước Công nghị, một số kỳ lão Do Thái đã nói: “Chúng tôi có nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Đền thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền thờ khác, không phải do tay người phàm” (Mc 14,58).  Quả là một lời vu khống xuyên tạc.  Đền thờ bị phá huỷ là một sự kiện lịch sử, đã xảy ra vào năm 70 sau Công nguyên, khi tướng Titô của La Mã chiếm thành Giêrusalem.  Đền thờ nguy nga là thế, bỗng trở thành đống gạch vụn, “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.”  Đền thờ là thiêng liêng đối với người Do Thái, nhưng cũng hữu hạn và nhất thời.  Đền thờ là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, chứ không phải là Thiên Chúa.  Người tin Chúa mà chỉ gắn bó với Đền thờ như thể đó là thực tại vĩnh cửu, thì sẽ phải thất vọng.

Niềm tin vào ngày cánh chung không phải lý do để sống lười biếng.  Thánh Phaolô chia sẻ với giáo dân Thê-xa-lô-ni-ca về cuộc sống tự lập của ngài.  Ngài cũng khuyên mọi người hãy chịu khó làm việc, để nuôi sống bản thân và giúp đỡ người khác.  Ngài lên án những người lười biếng và khiển trách họ là vô kỷ luật.  Lời khuyên của thánh Phaolô luôn phù hợp với đời sống hiện tại của chúng ta.

Trong khi chờ đợi ngày cánh chung, hãy sống và làm việc.  Hãy cho đi để được nhận lãnh.  Hãy khích lệ để được an vui, vì những gì ta cho đi là còn lại mãi.

Cuộc sống là tiếng vọng.
Điều bạn gửi đi sẽ quay trở về.
Điều bạn gieo trồng bạn sẽ gặt hái.
Điều bạn cho đi bạn sẽ nhận lại.
Điều bạn thấy ở người khác tồn tại trong chính bạn 
(Khuyết danh).

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

NỖI SỢ BỊ BỎ LỠ

Thật khó cho một đứa trẻ phải đi ngủ lúc buổi tối mới bắt đầu, lúc cả nhà còn ăn tiệc.  Không ai muốn đi ngủ lúc mọi người đang còn thức.  Chẳng ai muốn bỏ lỡ gì đó trong đời.

Ai rồi cũng nhớ khi còn nhỏ, dù đã quá mệt, hai mắt đã díu lại, chúng ta vẫn cố cự lại bất cứ ai bắt mình đi ngủ.  Dù mệt mỏi hay không, chúng ta cũng không muốn bỏ lỡ bất kỳ điều gì.  Chúng ta không muốn đi ngủ khi đời sống vẫn đang tiếp diễn.

Và chẳng bao giờ chúng ta bỏ được chuyện này.  Sự kháng cự đó là bẩm tại và nó vẫn còn trong chúng ta cho đến giờ lâm tử.

Một trong những nỗi băn khoăn day dứt nhất của chúng ta là ý thức rằng mình luôn mãi bỏ lỡ gì đó trong đời.  Đây cũng là một trong những yếu tố lớn nhất của nỗi sợ chết.  Với hầu hết mọi người, sự nặng nề và tăm tối của cái chết không hẳn đến từ nỗi sợ những điều sẽ gặp ở đời sau, sự phán xét và hình phạt, cho bằng đến từ nỗi sợ bị tiêu vong.  Hơn nữa, nỗi sợ này không hẳn là sợ thân phận của mình sẽ tiêu tan không còn gì, cho bằng sợ mình sẽ bị tước đi mọi phần cuộc đời mình đã có.  Nỗi buồn khi phải từ bỏ gì đó, khi biết rằng cuộc đời sẽ tiếp diễn mà không có mình, sợ phải đi ngủ khi tiệc vui chưa tàn.  Và nỗi sợ này nằm sâu, rất sâu trong lòng chúng ta, đến nỗi chúng ta khó mà hình dung nổi làm sao thế giới có thể tiếp tục công việc mà không có chúng ta.

Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu về một vấn đề bất ổn trong chúng ta, nó không phải là một thứ cần được sửa chữa, cũng không phải là một vấn đề luân lý hay tôn giáo cần phải lưu tâm.  Nó là bản chất con người, đơn giản là thế, và Thiên Chúa là Đấng tạo nên nó.  Nói tóm lại, chúng ta được dựng lên để dự phần trong cả tấm vải chứ không phải để làm một sợi chỉ đơn độc.

Năm 23 tuổi, tôi chứng kiến cha tôi mất trong phòng bệnh viện.  Ông chưa lớn tuổi, chỉ mới 62 và lẽ ra cha tôi phải được sống thêm nhiều năm nữa.  Nhưng ông sắp chết, ông biết thế, và dù đức tin đã giúp ông xoa dịu nhưng ông vẫn rất buồn.  Điều ông phải đấu tranh không phải nỗi sợ đời sau hay còn chuyện đền tội nào ông cần làm trong đời này.  Không phải thế.  Ông không có chuyện gì còn dang dở với Chúa hay với những vấn đề luân lý và tôn giáo.  Ông cũng không có những nỗi sợ không lành mạnh về đời sau.  Việc duy nhất ông còn đang dang dở với đời này, chính là (một cách trừu tượng) bị bắt đi ngủ khi tiệc chưa tàn.  Hơn nữa, với ông, bữa tiệc đó đang lúc vui nhất.  Các con lớn đã bắt đầu an cư lập nghiệp, sinh cho ông nhiều đứa cháu, các con nhỏ cũng đang hăng hái bước vào cuộc sống trưởng thành.  Ông sẽ không còn đó để xem mọi chuyện sẽ thế nào, và ông sẽ không còn đó để thấy hầu hết các cháu của mình.  Quan trọng hơn nữa, ông còn người vợ, người tri kỷ mà ông phải bỏ lại.  Thật sự, bị bắt đi ngủ vào lúc như thế không vui gì.

Hơn nữa, cha tôi vẫn còn các anh chị em ruột, hàng xóm, bạn bè, giáo xứ, cộng đồng, các đội bóng và vô số các mối dây khác trong đời.  Và ông ý thức trong đau đớn rằng, những chuyện này đều sẽ kết thúc, ít nhất là ở đời này.

Tại sao ông không nên buồn chứ?  Thật sự là, tại sao có ai trong chúng ta không nên buồn khi đối diện với cái chết như thế, khi chúng ta bị bắt đi ngủ lúc cuộc đời còn đang mở tiệc?

Chúng ta được cấu thành với tính cộng đồng.  Như chính Thiên Chúa đã nói khi Ngài tạo dựng gia đình nhân loại: con người ở một mình thì không tốt.  Chúng ta phải là một phần của gia đình và cộng đồng, một phần của tấm vải cuộc đời, một tấm vải được dệt nên bởi vô số sợi chỉ riêng lẻ.  Do đó, cũng không có gì lạ khi chúng ta buồn lúc sợi chỉ mỏng manh, riêng lẻ của mình bị kéo ra khỏi tấm vải.  Chẳng lạ gì khi trẻ con không muốn đi ngủ lúc mọi người vẫn đang chơi vui.

Hơn nữa, điều này không chỉ đúng khi chúng ta thấy buồn vào lúc lâm tử.  Cũng động năng đó bùng lên mỗi khi chúng ta trải qua những cái chết nho nhỏ trong lòng khi chúng ta bước vào tuổi già, mất đi sức khỏe, mất đi công việc dù là do nghỉ hưu hay bị sa thải, mất đi những người chúng ta yêu thương, mất đi hôn nhân, chuyển đổi chỗ ở, hay bất kỳ cách thức nào khác làm cho chúng ta bị đẩy ra rìa cái chúng ta gọi là dòng chảy chính của cuộc đời.

Vậy nên, sẽ tốt nếu chúng ta biết rằng cảm giác đó không có gì sai.  Giờ lâm tử khó khăn mà.  Buông bỏ khó khăn mà.  Bị đẩy ra rìa khó khăn mà.  Biến mất khỏi cuộc đời càng khó khăn hơn nữa.  Chính vì thế mà trẻ con chẳng muốn bị bắt đi ngủ.

Rev. Ron Rolheiser, OMI