ĐAU BUỒN NHƯ MỘT BÀI TẬP THIÊNG LIÊNG

Trong một quyển sách đáng chú ý, Tiếng nói bên trong của Tình yêu, The Inner Voice of Love viết trong lúc đang rơi vào trạng thái trầm cảm xúc cảm nặng, linh mục Henri Nouwen chia sẻ những lời sau: “Thử thách lớn nhất là sống với các tổn thương của mình thay vì xem xét chúng.  Khóc thì tốt hơn là lo lắng, cảm nhận sâu sắc tổn thương của mình hơn là cố gắng hiểu chúng, tốt hơn để chúng đi vào im lặng của mình hơn là nói về chúng.  Chọn lựa mà bạn phải liên tục đối diện là xem bạn đang xử lý các tổn thương này với cái đầu hay với quả tim.  Trong đầu bạn, bạn phân tích chúng, bạn tìm nguyên do, hệ quả và bạn tìm chữ để nói và viết về chúng.  Nhưng không có một chữa lành cuối cùng nào đến từ con đường này.  Bạn phải đem các tổn thương của mình vào quả tim.  Sau đó bạn đi theo chúng và khám phá chúng không hủy hoại bạn.  Quả tim của bạn thì lớn hơn là tổn thương của bạn.”

Và cha Nouwen có lý; quả tim của chúng ta thì lớn hơn các tổn thương, dù chúng ta phải cẩn thận trong khi đối phó chúng.  Các tổn thương có thể làm dịu quả tim chúng ta, nhưng nó cũng có thể làm quả tim chai cứng và đóng băng trong cay đắng.  Vậy thì con đường nào ở đây?  Cái gì làm quả tim ấm áp, cái gì làm quả tim lạnh lùng?

Trong một khảo luận đáng chú ý, Thảm kịch của em bé có năng khiếu đặc biệt, The Drama of the Gifted Child, bà Alice Miller, nhà tâm lý gia Thụy Sĩ giải thích cho chúng ta hiểu những gì làm chai cứng quả tim và những gì làm mềm quả tim.  Bà mô tả một thảm kịch đặc biệt thường xảy ra trong nhiều cuộc đời.  Theo bà, năng khiếu không phải là năng lực trí tuệ nhưng là năng lực của sự nhạy cảm.  Đứa trẻ có năng khiếu là đứa trẻ nhạy cảm.  Nhưng món quà nhạy cảm là một ân phúc có nhiều mặt.  Mặt tích cực là nó làm cho chúng ta cảm nhận mọi thứ một cách sâu đậm để niềm vui trong cuộc sống có ý nghĩa hơn là người dửng dưng.  Đó là mặt tốt của nó.

Tuy nhiên ngược lại, nếu nhạy cảm, chúng ta thường sợ làm người khác thất vọng, chúng ta thường sợ không được đánh giá đúng.  Và việc chúng ta không đủ khả năng để tự đánh giá thường khơi dậy cảm nhận lo âu và mặc cảm trong người mình.  Cũng vậy, nếu chúng ta cực kỳ nhạy cảm, chúng ta sẽ có khuynh hướng xóa mờ lỗi của mình, để người khác tự xoay xở, vì các nhu cầu riêng của mình không được thỏa mãn, rồi chúng ta tự lãnh các hệ quả.  Cuối cùng, nếu chúng ta cảm nhận mọi thứ một cách sâu sắc, thì chúng ta cảm thấy mình bị tổn thương sâu đậm nhất.  Nhược điểm của tính nhạy cảm và thảm kich mà bà Alice Miller gọi là “thảm kich của em bé có năng khiếu đặc biệt” là thảm kịch của người nhạy cảm.

Hơn nữa, theo quan điểm của bà, đối với nhiều người trong chúng ta, thảm kịch chỉ thật sự bắt đầu trong những năm ở tuổi trung niên và những năm sau đó, tạo nên thất vọng, bất mãn, giận dữ, cay đắng, khi các tổn thương thời thơ ấu và tuổi trưởng thành của chúng ta bắt đầu tan vỡ, đi qua và chế ngự các cơ chế bên trong mà chúng ta bắt đầu cự lại chúng.  Ở giữa cuộc đời và già hơn, các tổn thương của chúng ta sẽ kêu mạnh hơn đến mức các cách thức phủ nhận và thích ứng theo thói quen chúng ta không còn hiệu quả nữa.  Ở giữa cuộc đời, chúng ta nhận ra mẹ mình yêu chị mình hơn mình, cha mình không lo gì đến mình, và tất cả công việc tổn thương bạn ngấm chịu vì bạn nuốt không trôi và bạn chơi trò khắc kỷ anh hùng còn cay đắng gặm nhắm bên trong bạn.  Đó là cách tấn thảm kịch chấm dứt trong một quả tim giận dữ.

Vậy thì chúng ta ở đâu, Theo bà Alice Miller, câu trả lời nằm trong đau buồn.  Các tổn thương của chúng ta là có thật và chúng ta không thể làm gì với chúng, chúng là thuần khiết và đơn giản.  Đồng hồ không thể quay ngược lại.  Chúng ta không thể sống lại cuộc sống của mình với các cha mẹ khác nhau, bạn bè tuổi thơ ấu khác nhau, kinh nghiệm khác nhau trên sân chơi, chọn lựa khác nhau và tính tình khác nhau.  Chúng ta chỉ có thể dấn tới vượt quá các tổn thương của mình.  Và chúng ta làm điều này bằng sự “để tang.”  Bà Alice Miller xác nhận mọi nhiệm vụ tâm lý và thiêng liêng của tuổi ngoài bốn mươi và hơn nữa là “để tang” cho các tổn thương này, đau buồn cho đến tận nền tảng cuộc sống đủ để lay chuyển, đủ để có được một sự biến đổi.

Một vết sẹo tâm lý sâu đậm cũng như một phần cơ thể mình mang sẹo mãi mãi khi bị tai nạn.  Bạn sẽ không bao giờ còn như cũ và sẽ không có gì làm thay đổi điều này.  Nhưng bạn có thể có hạnh phúc lại; có lẽ còn hạnh phúc hơn bao giờ hết.  Nhưng sự mất mát trọn vẹn này phải được đau buồn, nếu không nó sẽ thể hiện dưới hình thức giận dữ, cay đắng và hối tiếc ghen tuông.

Linh mục Dòng Tên Roc O’Connor, nhà soạn nhạc, nhà văn thiêng liêng chia sẻ cùng quan điểm này, cha nói thêm, tiến trình đau buồn đòi hỏi kiên nhẫn lâu dài, trong thời gian này chúng ta phải chờ lâu để sự chữa lành sẽ diễn tiến theo nguyên tắc riêng của nó, theo nhịp tự nhiên của nó.  Ngài nói, phải ôm lấy tình trạng tổn thương nhân bản của chúng ta và không hành động.  Ngài đề nghị, những gì hữu ích là khóc cho các hạn chế nhân bản của mình.  Sau đó, chúng ta mới có thể chịu đựng đói khát, trống rỗng, thất vọng, sỉ nhục mà không cần tìm cách khắc phục nhanh chóng, ngay cả tìm giải pháp.  Chúng ta không nên cố gắng lấp đầy sự trống rỗng của mình quá nhanh mà chưa chờ đợi đủ.

Và chúng ta sẽ không bao giờ giải hòa với các tổn thương của mình nếu chưa “để tang” cho đủ.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CUỘC XUẤT HÀNH ĐỔI THAY LỊCH SỬ

“Kìa, có hai vị đàm đạo với Ngài, đó là Môisen và Êlia.  Hai vị hiện ra rạng ngời vinh hiển, nói về cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem!”

Một nhà tu đức nói, “Ngài có thể bước đi trên nước, nhưng không thể bước đi khỏi đôi mắt đầy nước mắt của quả phụ Nain.  Ngài chỉ huy các tinh tú trong quỹ đạo của chúng, nhưng từ chối thay đổi hoàn cảnh cuộc xuất hành cuối cùng của mình, một ‘cuộc xuất hành đổi thay lịch sử!’”

Kính thưa Anh Chị em,

Cùng với ý tưởng “cuộc xuất hành cuối cùng” của nhà tu đức, Lời Chúa lễ Hiển Dung tường thuật cuộc biến hình trên núi của Chúa Giêsu!  Trong cuộc biến hình này, Môisen và Êlia bất ngờ hiện ra đàm đạo với Ngài; nhưng bất ngờ hơn, các đấng đàm đạo về “cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành.”  Cuộc xuất hành này còn vĩ đại hơn cuộc Xuất Hành thoát Ai Cập xưa, một ‘cuộc xuất hành đổi thay lịch sử’ nhân loại: giải phóng nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết!

Thật lạ lùng, trong biến cố này, Chúa Giêsu không nói về những phép lạ Ngài sẽ thực hiện, những phú túc và vẻ đẹp của thế giới, những tham vọng Ngài đang ấp ủ; Ngài không quan tâm đến những cơ hội lẫn tài năng của mình… hầu vận dụng chúng để sở hữu những danh tước vĩ đại, tạo nên danh tiếng lẫy lừng cho bản thân, và dành sự tôn trọng của người khác.  Ngài không nói đến những điều này!  Ngài nói đến cuộc thương khó Ngài sắp chịu!  Bởi lẽ, mong muốn duy nhất của Ngài là hoàn tất cuộc xuất hành của chính mình, cuộc Tử Nạn và Phục Sinh, hầu Chúa Cha được tôn vinh và kế hoạch cứu độ nhân loại của Chúa Cha được thành toàn.

Nội dung cuộc đối thoại giữa hai nhân vật Cựu Ước và Chúa Giêsu như muốn nói rằng, đây là điều mà các ngôn sứ và các bạn hữu của Thiên Chúa hằng mong đợi.  Thật ra, việc Chúa Giêsu rời cung lòng Cha khi vào trần gian, mặc thân xác phàm nhân, đã là một ‘cuộc xuất hành đổi thay lịch sử’ thế giới và nhân loại.  Và rồi, với cuộc xuất hành lên Giêrusalem cuối cùng này, Con Thiên Chúa không vượt qua Biển Đỏ nhưng dòng máu đỏ thắm của Ngài sẽ đổ ra rửa sạch tội lỗi nhân gian.  Phải, Ngài đã chết, chôn trong mồ, nhưng ngày thứ ba, đã sống lại vinh hiển!  Chính nhờ cuộc xuất hành này, vận mệnh con người đổi thay, tội Ađam được tẩy xoá và chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết nữa; nhưng được trở nên con cái Thiên Chúa, được chia sẻ sự sống mới, sự sống phục sinh nhờ thông phần sự chết và sự sống lại của Ngài.

Nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta, môn đệ của Ngài, thấy mình thật khác xa.  Đang khi chúng ta gắn bó với nhiều thứ, như tham vọng, thành công, thành tài, thành nhân… thì Chúa Giêsu đã dùng tất cả những khả năng này cho việc phụng sự Chúa Cha.  Việc phụng sự này bao hàm ý nghĩa “tách khỏi” thế gian của người môn đệ; nghĩa là sẵn sàng từ bỏ mọi sự hầu có thể yêu mến Chúa Kitô trên tất cả.  Chúa Kitô chính là Miền Đất Hứa đích thực và là sự giải phóng thật sự khỏi ách nô lệ của ‘chủ nghĩa vị kỷ.’  Kết quả của việc thoát khỏi những ràng buộc của ‘chủ nghĩa vị kỷ’ là niềm vui, bình an, tình yêu; và nhất là, cuộc sống vĩnh cửu.  Đây là ‘cuộc xuất hành đổi thay lịch sử’ mỗi người, dẫu không hề dễ dàng!  Tuy nhiên, tự cho mình là trung tâm sẽ làm chúng ta nghèo đi và làm hoen ố tình yêu; trên thực tế, chúng ta sẽ ‘ít yêu hơn’ so với khả năng có thể yêu.  Vì thế, để có thể ‘xuất hành’, người môn đệ nhất định phải ‘biến hình!’

Anh Chị em,

“Hai vị nói về cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem!”  Nhờ cuộc xuất hành Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, toàn thể nhân loại bước sang một trang sử mới, một thời đại mới: thời đại ân sủng, cứu độ và giao hoà.  Tỏ cho các môn đệ phần nào cuộc xuất hành của Ngài, Chúa Giêsu mời họ chuẩn bị bản thân để cũng có thể bước vào cuộc xuất hành của chính họ.  Mừng Chúa Hiển Dung, ước gì chúng ta cũng được ‘biến hình’; tức là thay đổi suy nghĩ, cách sống, ước muốn… để tham dự vào công cuộc cứu độ của Ngài.  Để được vậy, mỗi ngày, chúng ta cần có những cuộc ‘xuất hành nhỏ’ nhưng không ít đau đớn, để ra khỏi cái tôi ích kỷ hạn hẹp, những thói quen thế tục vô bổ.  Can đảm lên, Chúa là sức mạnh của chúng ta!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì, với ân sủng Chúa, con được ‘biến hình’ mỗi ngày!  Nhờ đó, con cũng có thể may mắn có một ‘cuộc xuất hành đổi thay lịch sử’ linh hồn con!” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

NGƯỜI QUẢN LÝ TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN

Trong một thời gian ngắn các nước Á Châu đã phải chứng kiến sự ra đi của nhiều lãnh tụ.  Trước hết là việc chạy trốn của ông Fujimori.  Ông Fujimori đã làm tổng thống nước Peru đến nhiệm kỳ thứ 2.  Nhưng vì tham nhũng, ông đã phải trốn chạy về Nhật. Tiếp đến là ông Estrada, tổng thống nước Philippin.  Ông đã thắng cử với số phiếu áp đảo.  Nhưng cuối cùng phải từ chức cũng vì tội tham nhũng.  Gần đây là ông Wahid, tổng thống Inđônêsia.  Ông đã ra nước ngoài  tị nạn cũng vì tham nhũng.  Tất cả chỉ vì họ đã làm sai nhiệm vụ.  Họ chỉ làm nhiệm vụ quản lý chứ không làm chủ đất nước.  Dân mới làm chủ.  Nhưng họ đã không làm tốt nhiệm vụ quản lý.  Nên họ đã bị sa thải.

Chúng ta cũng là người quản lý của Thiên Chúa.  Thật vậy, sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ sắc đẹp, tất cả đều là ơn Chúa ban.  Nói tóm lại, tất cả những gì ta có, tất cả những gì ta là, đều là của Chúa.  Chắc chẳng có ai dám tự hỏi: Tại sao tôi không cao hơn, không mập hơn?  Tại sao tóc tôi không vàng hoe, mắt tôi không xanh biếc?  Tại sao tôi không có tài hội họa, có giọng ca hay?  Ta không thể hỏi như vậy, vì ta không có quyền gì trên đó.  Tất cả đều là của Chúa ban.  Chúng ta chỉ là quản lý.  Chúa trao sự sống, tài năng, trí thông minh cho ta gìn giữ trong một thời gian.  Nói theo ngôn ngữ Trịnh Công Sơn tất cả những thứ đó chỉ “ở trọ” nơi ta.

Con chim ở trọ cành tre,
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn…
Môi xinh ở trọ người xinh,
Duyên dáng ở trọ đôi chân Thuý Kiều…
Tôi nay ở trọ trần gian
Mai sau về chốn xa xăm với Người.

Một ngày kia Chúa sẽ đòi ta tính sổ.  Lúc đó ta phải nộp cho Chúa cả vốn lẫn lời.

Là người quản lý, ta phải có những đức tính nào? Thưa, Chúa muốn ta là người quản lý trung tín và khôn ngoan.

Là quản lý trung tín, ta phải biết sinh lợi những tài sản Chúa trao.  Phải biết phát triển sao cho thân xác ngày càng khoẻ mạnh, trí thông minh ngày càng sáng suốt, những tài năng ngày càng đạt đến mức tinh vi hoàn hảo.

Là quản lý trung tín, ta phải biết chia sẻ.  Chúa ban sức lực, tài năng không phải để ta ích kỷ vun quén cho bản thân, nhưng để ta dùng mà phục vụ.  Người có của mắc nợ người nghèo.  Người có tài mắc nợ xã hội.  Nghệ sĩ mắc nợ khán giả.  Giám đốc mắc nợ công nhân.  Bác sĩ mắc nợ bệnh nhân.  Linh mục mắc nợ giáo dân.  Cha mẹ mắc nợ con cái.

Là quản lý trung tín, ta không được phản bội.  Không được dùng những ơn Chúa ban để chống lại Chúa.  Đừng dùng sức mạnh mà áp bức người khác.  Đừng dùng tài năng phục vụ lợi nhuận riêng mình.  Đừng dùng trí thông minh gieo rắc nọc độc tư tưởng.  Đừng biến thân xác thành món hàng mua bán.  Nhưng dùng tất cả để phục vụ Chúa.  Dùng tất cả để làm cho Chúa được yêu mến, được vinh danh hơn.

Là quản lý khôn ngoan, ta phải biết nhìn xa.  Sự sống, tài năng, sức lực, trí thông mình chỉ ở trọ nơi ta một thời gian.  Phải làm cho chúng biến thành vĩnh cửu.  Nhiều lần Chúa Giêsu đã dạy ta: “Hãy dùng tiền của chóng qua ở đời này mà mua lấy bạn hữu. Để sau này họ sẽ đón rước ngươi vào chốn đời đời.”  Hôm nay Người dạy ta: “Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt, là kho tàng ở trên trời, nơi không có trộm cắp bén mảng, cũng không có mối mọt đục phá” (Lc. 12:33).  Lạ lùng hơn nữa, cách gây dựng kho tàng trên trời khác hẳn với cách gây dựng kho tàng trần gian.  Để gây dựng kho tàng trần gian, ta phải hà tiện, ích kỷ, thu tích cho mình.  Trái lại, để gây dựng kho tàng trên trời, ta phải biết cho đi.  Càng cho đi lại càng giàu có.  Càng phân phát lại càng dư thừa.  Càng ban tặng lại càng phong phú.

Là quản lý khôn ngoan, ta phải tỉnh thức.  Cuộc đời ở trọ mau qua.  Chúa lại hay đến bất ngờ.  Nên ta phải tỉnh thức đợi chờ.  Đợi chờ không phải là thụ động ngồi đó khoanh tay. Đợi chờ là phải tích cực làm việc. Thắt lưng vào, thắp đèn lên để làm việc cho mình chính như giữa ban ngày.  Để phục vụ không bao giờ ngừng.  Dù Chúa có đến lúc nào, Chúa cũng thấy ta đang mặc quần áo công nhân phục vụ.  Dù có bất ngờ như kẻ trộm, Chúa cũng thấy quản lý đang phục vụ anh em, phân phát lúa thóc cho họ.

Lạy Chúa, xin nhắc nhở  con luôn luôn nhớ rằng con là người quản lý của Chúa, để dù ở đâu, dù làm gì, con cũng luôn chăm lo làm việc cho Chúa, luôn tỉnh thức sống dưới ánh mắt của Chúa. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt

HỌC CÁCH TẬN HƯỞNG SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA

“Giải tán họ xong, Ngài lên núi cầu nguyện một mình.”

Theo Mark Twain, “‘Nửa đầu’ cuộc đời bao gồm khả năng tận hưởng mà không có cơ hội; ‘nửa cuối’ cuộc đời bao gồm cơ hội mà không có khả năng tận hưởng!”  Nhưng theo một nhà tu đức, “Tốt nhất, dù là ‘nửa đầu’ hay ‘nửa cuối’, bạn hãy ‘học cách tận hưởng sự hiện diện của Chúa!’”

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến việc ‘học cách tận hưởng sự hiện diện của Chúa’; nói cách khác, học cách cầu nguyện, “dù là ‘nửa đầu’ hay ‘nửa cuối’ cuộc đời!”  Nhưng thật thú vị, bên cạnh đó, Lời Chúa còn nói đến cô đơn!  Cô đơn và cầu nguyện thường đi liền nhau.  Ai biết ở lại trong Thiên Chúa, phó mình cho Ngài, người ấy không bao giờ cô đơn, bởi luôn có Chúa đồng hành.

Tin Mừng tiết lộ, sau khi giải tán đám đông, Chúa Giêsu một mình lên núi để cầu nguyện.  Ngài sẵn sàng rời bỏ sự phấn khích, thán phục của dân chúng dành cho ‘người đãi bánh’ thần kỳ; Ngài tìm nơi cô tịch hầu có thể một mình tâm sự với Cha.  Ở trong im lặng mà không có người khác, có thể nhanh chóng dẫn đến một sự cô đơn nhất định và nội tâm thì trống rỗng; và người ta có thể cảm thấy bị thôi thúc muốn tìm bất cứ một ai đó, bất cứ một thứ gì đó để gây mê cho bản thân khỏi cảm giác đau đớn khi phải ở một mình!  Nếu đó là điều xảy ra cho bạn và tôi, thì chúng ta cần kiên trì cầu nguyện nhiều hơn; và biết rằng, nỗi đau từ sự im lặng này vẫn có thể ‘hoá lành’ khi bạn và tôi tập ở lại trong Chúa và ‘học cách tận hưởng sự hiện diện của Chúa.’

Tin Mừng cho biết, Chúa Giêsu đi cầu nguyện từ chiều đến suốt đêm; và rạng sáng, các môn đệ gặp sóng gió trên biển hồ.  Ngài hiện đến trấn an họ, họ tưởng là ma; Ngài lên tiếng, “Hãy yên tâm.  Thầy đây, đừng sợ!”  Phêrô đáp, “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy.”  Đôi khi, nỗi sợ về việc phải im lặng khi cầu nguyện của chúng ta lại còn lớn hơn nỗi sợ của Phêrô khi thấy Thầy đi trên nước.  Tại sao?  Chúng ta đã quá quen với việc bầu bạn với người khác, gặp gỡ, trò chuyện, ăn uống… chúng ta không có ‘khả năng’ ở một mình, chúng ta sợ phải rời xa ‘những tiện nghi’ này dù chỉ trong thời gian rất ngắn để đi cầu nguyện.  Vậy hãy tập từ bỏ ‘những tiện nghi’ vốn có thể đã ‘thành nếp’; hay buồn hơn, phát xuất từ một lối sống ‘văn hoá nhàn rỗi!’  Hãy bắt đầu từ hôm nay, học lại cầu nguyện, học làm rỗng tâm hồn, để Chúa Kitô có thể đổ đầy vào đó tình yêu và sức mạnh của Ngài!

Tin Mừng còn cho biết, “Khi cả hai đã lên thuyền thì gió yên biển lặng.”  Một khi cùng Chúa Giêsu “lên thuyền”, tức là một khi quyết tâm ôm lấy việc cầu nguyện im lặng, tập trung, thì nỗi sợ hãi của chúng ta cũng sẽ lặng yên như gió biển.  Bài đọc Giêrêmia hôm nay cũng nói lên điều tương tự: Israel trở về với Chúa, và Ngài làm lại tất cả; Ngài tha thứ, trấn an; Ngài ở cùng, “Bấy giờ các ngươi sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi.”  Thánh Vịnh đáp ca cũng nói lên niềm vui có Chúa hiện diện đó, “Chúa sẽ xây dựng lại Sion, sẽ xuất hiện quang vinh rực rỡ!”

Anh Chị em,

“Giải tán họ xong, Ngài lên núi cầu nguyện một mình.”  Chúa Giêsu nêu gương cho chúng ta, hãy biết tìm đến Chúa Cha sau một ngày sống.  Và ngay những giây phút chăm chú trò chuyện với Cha trong tĩnh mịch của canh khuya, ánh mắt và con tim của Chúa Giêsu vẫn không rời các môn đệ.  Thấu cảm nỗi khổ chống chọi với biển giả của họ, Ngài đến cứu giúp.  Cũng thế, Chúa Giêsu không bao giờ ‘thôi nhìn’ chúng ta, Ngài hiện diện với chúng ta qua người thân, qua gia đình, bạn bè, qua những người nghèo và cả những người chúng ta không thích.  Thế nên, ‘học cách tận hưởng sự hiện diện của Chúa’ trong thinh lặng và ngay cả trong sự ồn ào phải là một điều gì đó thường xuyên nơi chúng ta.  Thi thoảng, bạn và tôi cần trầm mình, ngỏ lời mời Chúa Giêsu bước lên ‘thuyền lòng’ mình, bình an và niềm vui sẽ ùa vào.  Và như thế, chúng ta sẽ hưởng nếm hạnh phúc thiên đàng ngay tại chốn này; vì lẽ, ở đâu có Giêsu, ở đó có thiên đàng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con sẽ bước đi vững vàng trên con đường Chúa chỉ cho, dù là ‘đi trên nước’; con không lệch sang phải, không quẹo sang trái, vì con tin, có Chúa đồng hành bên con!” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế