HÀNH TRÌNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ

Thánh Luca nói với chúng ta rằng “có rất đông người cùng đi đường với Chúa Giêsu.  Và, trong số rất đông người đó, Chúa kêu gọi những ai muốn làm môn đệ thì hãy theo Người, đồng thời Chúa cũng đưa ra những điều kiện cần có để theo Người.  Như thế, môn đệ của Chúa Giêsu là những người được gọi tách ra khỏi đám đông dân chúng, tình nguyện chấp nhận những điều kiện khắt khe và những hệ luỵ của ơn gọi làm Kitô hữu.  Theo Chúa Giêsu, đó là hành trình của người môn đệ.

Theo từ điển Tiếng Việt, môn có nghĩa “cửa”; đệ có nghĩa là “em”, là “học trò.”  Hai từ này (môn đệ) có nghĩa học trò của một người thày.  Học theo một vị thày cũng có nghĩa bước vào một cửa, mà cửa chính là vị thày đó.  Theo nghĩa này, người theo Chúa Giêsu là người bước vào một cửa – cửa ấy là chính Chúa.  Môn đệ của Chúa là người thụ giáo với Chúa và chuyên tâm thực hành những gì Người dạy.

Theo Chúa là tách ra khỏi đám đông.  Việc tách khỏi đám đông nói lên sự chọn lựa dứt khoát để không còn sống và suy nghĩ như người đời.  Đòi hỏi của Chúa có khi làm cho ta tưởng chừng như đi ngược với những liên hệ tình cảm đời thường.  Những điều được liệt kê trong lời Chúa nói cho thấy người môn đệ phải từ bỏ tất cả, chẳng giữ lại gì cho mình từ của cải vật chất cho đến những tình cảm thân thiết.  Khi nêu ra những điều kiện đó, Đức Giêsu nhắc tới thập giá, như sự từ bỏ triệt để nhất.  Chính Người đã dùng thập giá để chứng minh sự từ bỏ hoàn toàn vì vâng phục Chúa Cha.  Từ bỏ chính mình, đó là một nét đặc biệt của người người môn đệ.  Thiếu sự từ bỏ chính mình, chúng ta vẫn chưa thuộc về Đức Giêsu cách trọn vẹn mà chỉ trên danh nghĩa.  Đấng đáng kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con đã bỏ trước” (Đường Hy vọng, số 3).  Tự nguyện vác thập giá đời mình để theo Chúa không phải là một khẩu hiệu được hô vang, nhưng là những thực hành cụ thể trong mối tương quan hằng ngày.  Vác thập giá trong cách âm thầm khiêm tốn chứ không ồn ào tô vẽ lấy tiếng khen.  Xin trích dẫn một ý tưởng nữa cũng của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê: “Trong một cuộc hành hương long trọng, nghìn vạn người tham gia, ai cũng muốn vác thánh giá đi tiên phong.  Nhưng trong cuộc hành hương của mỗi ngày, mấy ai sẵn lòng vác thánh giá của mình?  Anh hùng thinh lặng khó lắm” (ĐHV, số 171).  Vâng, chúng ta sẵn sàng vác thánh giá trong cuộc rước, nhưng không mấy sẵn sàng vác thánh giá trong cuộc đời.

Theo Chúa là chấp nhận lối sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa.  Sự khôn ngoan của Thiên Chúa không giống như sự khôn ngoan của con người, bởi lẽ con người đánh giá theo những gì họ ghi nhận bề ngoài.  Tác giả sách Khôn ngoan đã suy tư về sự cao siêu của thánh ý Thiên Chúa, vượt xa trí hiểu của con người, đồng thời mời gọi chúng ta hãy cầu xin cho được đức khôn ngoan để nhìn nhận và đánh giá sự việc theo cái nhìn của Chúa, chứ không theo suy nghĩ thiển cận của chúng ta (Bài đọc I).  Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh một người dự tính xây tháp và một vị vua sắp giao chiến để nói với chúng ta hãy khôn ngoan cân nhắc kỹ lưỡng trong việc chọn lựa cho mình một lý tưởng sống.  Việc xây dựng và giao chiến là những sự kiện rất quan trọng không thể coi thường.  Thiếu cẩn trọng sẽ dẫn tới sự thất bại và có thể mất mạng sống.  Nhờ sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà chúng ta được trang bị sức mạnh cần thiết trong cuộc sống hằng ngày, khi xung quanh ta có biết bao khuynh hướng khác nhau đang giằng co lôi kéo con người.  Có thể đó là một triết thuyết vô thần làm cho chúng ta bỏ Chúa, hay một người đồng nghiệp có lối sống vụ lợi ích kỷ, hoặc một thành viên trong gia đình có quan điểm sống trái với giáo huấn của Tin Mừng.  Sống khôn ngoan theo lời Chúa dạy, chính là sự chọn lựa và quyết định cho mọi hành vi của mình.

Môn đệ là người sống quảng đại bao dung.  Ônêximô là một người đầy tớ của ông Philêmôn.  Anh đã dại dột trộm cắp tài sản của chủ.  Thánh Phaolô đã tiếp đón chàng thanh niên này và cho anh nhập Đạo, đồng thời muốn gửi lại cho ông Philêmôn và mời ông đón nhận “không phải như một người nô lệ, mà là một người anh em rất thân mến,” thậm chí còn “đón nhận nó như đón nhận chính tôi.”  Chỉ có người môn đệ đích thực của Chúa mới có thể thực hiện nghĩa cử này.  Môn đệ là người từ bỏ tất cả những gì thuộc về mình nhưng lại sẵn lòng đón nhận tất cả mọi người như anh chị em thân thiết.

Trở lại với khái niệm “môn đệ” được quảng diễn trên đây, người Kitô hữu được mời bước qua cửa là chính Chúa Giêsu.  “Tôi là cửa, ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,9).  Bước qua cửa Giêsu là một chuỗi những cố gắng nỗ lực để lắng nghe và thực thi lời Người.  Người môn sinh chỉ có thể trưởng thành và được giáo huấn khi đón nhận những gì thày mình dạy và làm gương.  Vâng, Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta bằng chính cuộc sống của Người, nhất là bằng thập giá.  Người đang mời gọi ta hãy vác thập giá cuộc đời mà đi theo Người.  Thập giá sẽ nở hoa nếu chúng ta vác đi trong tâm tình yêu mến và phó thác.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

NGẠC NHIÊN THIÊNG LIÊNG

“Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, đều đưa tới Chúa Giêsu; Ngài đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ!”

Bác sĩ tâm thần Viktor Frankl nhận xét, “Ngày nay, các phòng khám tấp nập bệnh nhân mắc một loại rối loạn thần kinh mới, một cảm giác hoàn toàn vô vọng và vô nghĩa đối với cuộc sống!”

Kính thưa Anh Chị em,

Trong một thế giới muốn loại trừ Thiên Chúa bằng mọi cách, quả là không lạ khi nhiều người có “cảm giác hoàn toàn vô vọng và vô nghĩa đối với cuộc sống!”  Trái với nhận xét của Frankl, Tin Mừng hôm nay cho biết, dân thành Capharnaum đổ xô đến với Chúa Giêsu, họ là những người chứa chan hy vọng, và cuộc sống tràn đầy ý nghĩa; bởi lẽ, họ được ở bên Ngài!

Những người đến với Chúa Giêsu biểu lộ một tình cảm cao đẹp và một niềm tin tươi trẻ khi họ ngạc nhiên về giáo huấn, thán phục về quyền năng của Ngài.  Nghĩ về đám đông và ước muốn được gần Chúa Giêsu của họ, chúng ta xét xem ước muốn được gần Chúa Giêsu của mình!  Nói cách khác, sự hiện diện của Ngài có đưa bạn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác; những ‘ngạc nhiên thiêng liêng’ diệu vợi tuyệt vời đến nỗi bạn không muốn rời Ngài nửa bước?

Chớ gì bạn luôn cảm thấy khát khao Chúa Giêsu, tìm kiếm Ngài, ở với Ngài, lắng nghe Ngài và kín múc ân sủng xót thương của Ngài!  Nhờ đó, bạn không bị cám dỗ thấy Chúa Giêsu và việc thực hành đức tin là nhàm chán và không hứng thú.  Một trong những tác động đáng tiếc của công nghệ hiện đại là chúng ta dễ để mình bị lôi cuốn bởi nhiều thứ bên ngoài; có thể đó là một clip YouTube mới, một tập mới của bộ phim yêu thích, hoặc một bài mới đăng trên mạng xã hội.  Ngày nay, rất nhiều thứ đang giành giật sự chú ý của bạn, khiến bạn tò mò và thậm chí, kinh ngạc.  Giá mà Chúa Giêsu là một trong những ngạc nhiên cuốn hút đó trong ngày sống của bạn!

Trong một thế giới đầy kích thích và lắm mời mọc, chúng ta cần hiểu sự khác biệt giữa ‘ngạc nhiên thế tục’ và ‘ngạc nhiên thiêng liêng!’  Loại ngạc nhiên thứ hai này hoạt động theo cách thức của Chúa Thánh Thần, vốn sẽ làm cho chúng ta thoả mãn ở mức độ thẳm sâu nhất; chúng là những món quà của Thiên Chúa vốn sẽ biến đổi linh hồn một cách bền vững và sâu sắc.  Nhưng nếu cứ chạy theo những ‘ngạc nhiên thế tục’ với ít nhiều cảm giác, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng, chúng chỉ tồn tại chốc lát, tâm hồn sẽ trống rỗng, khô khan, và luôn muốn nhiều hơn!

Thật thú vị!  Với ngần này tuổi đời, sống trong ân sủng Chúa bao năm, nhưng nếu tôi cứ để cho những ‘ngạc nhiên thế tục’ cuốn hút, tôi khác nào những đứa trẻ còn phải uống sữa như thánh Phaolô nói đến trong thư Côrintô hôm nay.  Tại sao?  Phaolô trả lời, “Anh em hãy còn là những con người xác thịt!”  Tôi chưa thuộc trọn về Chúa và Chúa chưa là tất cả đối với tôi!  Thánh Vịnh đáp ca thật thâm trầm, “Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp!”

Anh Chị em,

Cả thành đổ xô đến với Chúa Giêsu!  Họ đổ xô đến với Ngài, vì họ đã có những trải nghiệm tuyệt vời từ Ngài!  Ai đã một lần gặp được Giêsu, họ gặp được nguồn sống; ai đã từng nghe Lời Giêsu, họ kín múc lẽ thật; ai đã từng được Giêsu đụng chạm, thương tích tâm hồn họ được chữa lành!  Vậy, sau mỗi lần lắng nghe Lời Chúa, mỗi lần rước Chúa vào lòng, bạn và tôi tự hỏi, “Chúa Giêsu muốn tôi làm gì?”  Sau đó, xin ơn biến đổi; từ cái nhìn, từ suy nghĩ, từ ứng xử.  Đó sẽ là những ‘ngạc nhiên thiêng liêng’ khi chúng được áp dụng trong cuộc sống.  Chính nhờ những đổi thay từ sâu thẳm linh hồn này, chúng ta sẽ sớm thấy mình được biến đổi để nên thánh.  Hãy cầu xin cho được say mê Giêsu như người Capharnaum; chắc chắn chúng ta sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, những ‘ngạc nhiên thiêng liêng’ của Thánh Thần!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con hoa mắt bởi những ‘ngạc nhiên thế tục’; cho con mê mệt Chúa, Đấng sẽ đưa con đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ‘những ngạc nhiên có tên Giêsu!’”  Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

ĐẦU GIOAN TẨY GIẢ

Ngày sinh nhật của một người lại dẫn đến cái chết của một người khác.  Nếu sự kiện xảy ra đúng như truyền thống mà Máccô nhận được và ghi lại thì thật là khủng khiếp.  Ai có thể tưởng tượng nổi chuyện trong bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê, một cô bé dám bưng mâm, trên có cái đầu vừa bị chặt của một người, máu còn chảy ròng ròng, mắt đang nhắm hay mở?  Cô bưng và vui vẻ trao cho mẹ cô.  Mẹ cô sẽ bưng và trao cho ai cái đầu của Gioan, người mà bà căm ghét?

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho ta một số kinh nghiệm của Hêrôđê.  Trước hết là kinh nghiệm bị giằng co giữa cái tốt và cái xấu.  Hêrôđê Antipas đã bắt ông Gioan tẩy giả và xiềng ông trong ngục.  Lý do vì Gioan đã cản trở cuộc hôn nhân sai trái của ông với Hêrôđia.  Dầu vậy Hêrôđê vẫn biết Gioan là người công chính thánh thiện, vẫn sợ ông và che chở ông khỏi sự trả thù của Hêrôđia (cc. 19-20).  Hêrôđê còn lương tâm khi ông thích nghe Gioan nói, dù rất bối rối khi nghe.

Kế đến là kinh nghiệm về sự thiếu chín chắn của Hêrôđê khi thề hứa.  Cái gì đã xui khiến ông nói câu dại dột này với cô bé Salômê: “Con xin gì ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được” (c. 23)?  Bầu khí cuồng nhiệt của bữa tiệc sinh nhật, hay điệu vũ đẹp mê hồn, hay rượu đã ngà ngà say, hay muốn chứng tỏ mình đầy quyền lực?  Hay sự cộng hưởng của mọi yếu tố trên?  Có những lời nói vội vã mà sau đó ta phải hối tiếc và trả giá.

Cuối cùng là kinh nghiệm về sự mất tự do trước khi quyết định.  Khi cô bé xin cái đầu của Gioan, Hêrôđê hẳn đã sửng sốt ngỡ ngàng.  Ông buồn hết sức vì mình đã lỡ thề hứa như vậy (c. 26).  Ông có thể rút lại lời đã nói không?  Dĩ nhiên là có.  Nhưng nỗi sợ đã khiến ông không dám làm.  Sợ từ chối cô bé, làm cho cô buồn và mẹ cô nổi giận, sợ bị mang tiếng là nuốt lời trước mặt bá quan văn võ.  Nói chung ông sợ mất danh dự của mình, mất thiện cảm của người khác.  Bởi vậy, dù Hêrôđê thấy việc giết Gioan là điều sai trái, ông vẫn không dám xin rút lại lời thề thiếu suy xét của mình.  Cần can đảm để giữ lời hứa, nhưng có khi cần can đảm hơn để không giữ.  Danh dự hão của Hêrôđê được mua bằng máu của một vị ngôn sứ lớn.

Hêrôđê đã can dự vào cái chết của Gioan.  Ông chịu áp lực từ khách dự tiệc và mẹ con  Hêrôđia.  Philatô đã can dự vào cái chết của Đức Giêsu.  Ông này chịu áp lực từ dân chúng và các thượng tế.  Cả hai ông đều không có tự do, không có can đảm để tha cho người vô tội.  Cả hai ông đều nghĩ đến mình, cái ghế của mình, danh dự của mình.  Quyền lực được sử dụng như bạo lực, khiến người lành phải chết oan.  Chúng ta xin cho mình luôn có tự do, để mọi quyết định phù hợp với ý Chúa.

************************************************

Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.

Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

LM Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

CHỌN CHỖ CUỐI

Sống khiêm tốn là một lời khuyên thường thấy trong kho tàng văn hoá Đông cũng như Tây, kim cũng như cổ.  Sống giữa trời đất mênh mông, con người thật nhỏ bé, cần phải thành thật nhận ra sự nhỏ bé ấy.  “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là thừa” – người xưa nói thế.  Cuộc đời chính là sự tôi luyện để biết học khiêm tốn và tránh xa tự kiêu.  Chỉ một chút tự kiêu cũng có thể làm người ta thân bại danh liệt đổ vỡ sự nghiệp không thể cứu vãn.  Lão Tử lấy hình ảnh nước để nói về sự khiêm tốn: “Bậc trọn lành giống như nước.  Nước khéo làm ích cho muôn loài mà không tranh giành, ở chỗ mọi người đều ghét, cho nền gần Đạo” (Đạo Đức Kinh, chương 8).  Bậc thánh nhân cũng phải như vậy, phải sống cuộc đời khiêm cung từ tốn, quên mình vì người, không tự cao tự đại, có như thế mới gần Đạo gần Trời.

Sống khiêm tốn cũng là chủ đề chính của các bài đọc Lời Chúa hôm nay, dù mỗi bài đọc khai thác đề tài này ở một góc nhìn khác nhau.  Sách Huấn Ca của người Do Thái là một cuốn sách thuộc thể loại “văn chương khôn ngoan.”  Nội dung sách này cũng tựa như những ca dao tục ngữ của người Việt chúng ta.  Điều khác biệt ở chỗ đây là Sách Thánh, tức là được Thần Linh Chúa soi sáng cho các tác giả viết ra.  Tác giả vừa như một bậc thầy khôn ngoan giáo huấn, vừa như một người cha nhẹ nhàng khuyên răn, với mục đích giúp con cái nên người.  Những lời khuyên chân tình này sẽ đi cùng với các con trải dài suốt năm tháng, để góp phần hình thành nhân cách và giúp con nên người hoàn thiện.  “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ.”  Lời khuyên này sẽ được nhắc lại trong giáo huấn của Chúa Giêsu: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.  Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 27).  Nét độc đáo được nêu trong sách Huấn Ca, là “Thiên Chúa được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.”  Hãy chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, Người là Thiên Chúa cao sang đã hạ mình sống thân phận con người như chúng ta, và Thiên Chúa đã được tôn vinh qua sự khiêm nhường, nhất là qua cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang của Người.  Khi sống khiêm nhường, chúng ta nên giống Chúa Giêsu, để rồi nhờ Người mà đến cùng Chúa Cha.  Thiên Chúa được nhận biết, được yêu mến và được tôn vinh qua sự khiêm nhường của chúng ta là những con cái của Ngài.

Khiêm nhường là gì?  Thánh Tôma Aquinô trả lời: “Đó là một nhân đức đặc biệt, hệ tại ở sự tuân phục của con người đối với Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa, hạ mình vâng phục những người khác.”  Theo Thánh Tôma, cách đối xử với tha nhân chỉ được gọi là khiêm nhường đích thực, khi nó được thực hiện “vì Thiên Chúa.”

Trong truyền thống Kinh Thánh, người khiêm nhường cũng là người khó nghèo và là người công chính.  Họ luôn tín thác cậy trông nơi Thiên Chúa.  Tác giả Thánh vịnh 67 đã diễn tả niềm vui và hạnh phúc của người công chính (Đáp Ca). Họ là những người được Chúa chúc phúc và nâng đỡ chở che. Cuộc đời họ sẽ luôn thư thái và an bình. Họ sẽ dễ dàng vượt qua những gian nan thử thách, vì có Chúa luôn ở cùng.

Thánh Luca đã kể lại sự việc Chúa Giêsu đi dự tiệc.  Nhân dịp này, Chúa giáo huấn các tông đồ về sự khiêm nhường.  Trong xã hội Việt Nam, xưa cũng như nay, chỗ ngồi dự tiệc còn quan trọng hơn cả thực phẩm trên bàn tiệc, vì nó khẳng định vị thế của người được mời.  Thực ra, Chúa dùng hình ảnh chỗ ngồi trong bữa tiệc để giáo huấn chúng ta về sự khiêm nhường trong cuộc sống.  Trong thực tế, đôi khi chúng ta giả bộ khiêm nhường, mà chưa chắc đã thực tâm sống nhân đức ấy.

Trong phần cuối của bài Tin Mừng, Chúa Giêsu còn dẫn chúng ta đi xa hơn, với lời mời gọi thực thi bác ái và quan tâm đến những người bất hạnh, những người bị lãng quên.  Những của cải làm phúc cho người nghèo sẽ không bị rơi vào quên lãng, nhưng được Thiên Chúa ghi nhận và Ngài sẽ thưởng công cho người nào rộng rãi đối với tha nhân.

Khuynh hướng tự nhiên nơi con người bao giờ cũng muốn thể hiện mình.  Ngày nay, nhiều người khoe khoang học thức và bằng cấp (nhiều khi lại là bằng cấp mua!).  Thực tế, “con người không giá trị ở cái mình có, nhưng giá trị ở điều mình là” (ngạn ngữ Pháp).  Giá trị đích thực không ở bằng cấp, nhưng là ở con người có kiến thức và biết sử dụng kiến thức đi liền với bằng cấp ấy.  Khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ, tức là còn phải khiêm tốn suốt đời.  Cũng vậy, người tín hữu không bao giờ tự cho là đã đạt được sự hoàn hảo nơi bản thân, nhưng còn phải gắng sức phấn đấu để đạt tới mức “hoàn hảo như Cha trên trời” như Chúa Giêsu mời gọi.

Ông John Wooden (1910-2020), huấn luyện viên nổi tiếng môn bóng rổ người Mỹ, đã viết như sau:

Tài năng do Chúa Trời cho, hãy khiêm tốn.
Danh tiếng do người khác cho, hãy biết ơn.
Tính tự phụ do tự ta cho, hãy cẩn thận

“Chọn chỗ cuối” là một cách nói gợi hình, không chỉ là một vị trí hoặc một không gian, nhưng đúng hơn là một thái độ sống trong cuộc đời.  Một cách thiết thực, chọn chỗ cuối là biết thu mình lại để Chúa được tôn vinh, và cũng giúp anh chị em được hạnh phúc.  Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết sống khiêm tốn, để có thể thân thưa với Chúa lời “xin vâng” như Mẹ.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

CÁC CÁM DỖ CỦA NGƯỜI TỐT

Nhiều người trong chúng ta đã quen với câu trích của nhà thơ T.S. Eliot; Sự cám dỗ cuối cùng là kho báu lớn nhất; làm hành động đúng với lý do sai.  Theo ông, đây là cám dỗ của người tốt.  Cám dỗ là gì?

Trong Phúc âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu hỏi những người nghe Ngài: “Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?”  Thách thức của Chúa Giêsu ở đây là gì?  Là: Chúng ta có thể làm tất cả những điều đúng đắn, kiên trì trung thành, chống mọi thỏa hiệp, thậm chí còn chấp nhận tử đạo – nhưng tại sao?  Để được tôn trọng?  Được ngưỡng mộ?  Để có được sự chấp thuận?  Để có được một danh thơm vĩnh viễn cho chính mình?

Không phải những lý do này là tốt và cao quý đủ sao?

Đúng, chúng tốt và cao quý.  Tuy nhiên như nhà thơ T.S. Eliot gợi ý trong tác phẩm Giết người trong nhà thờ chính tòa (Murder in the Cathedral), một cám dỗ có thể tự thể hiện như một ân sủng, và đó có thể là một trạng huống nếu xét về mặt đạo đức.  Nhà thơ minh họa điều này qua cuộc đấu tranh của nhân vật chính Thomas a Beckett.  Beckett là tổng giám mục Canterbury từ năm 1162 cho đến khi ngài bị sát hại tại Nhà thờ chính tòa của ngài năm 1170.  Như Eliot trình bày, Beckett làm tất cả những điều đúng đắn.  Ông là người vị tha, trung thành triệt để, cự lại với mọi thỏa hiệp, và sẵn sàng chấp nhận tử đạo.  Tuy nhiên, như Eliot nhấn mạnh, đây có thể là “những cám dỗ của người tốt” và có thể phải mất một thời gian (và sự trưởng thành sâu đậm hơn) để phân biệt một số cám dỗ với ân sủng.  Vì thế Eliot đã viết những câu thoại nổi tiếng:

Bây giờ cách của tôi là rõ ràng; bây giờ nghĩa đơn giản: Cám dỗ sẽ không xuất hiện trong loại hình này một lần nữa.

Cám dỗ cuối cùng là phản bội lớn nhất:
Làm điều đúng với lý do sai. …
Đối với những người phục vụ cho sự nghiệp vĩ đại hơn
Làm cho chính nghĩa phục vụ họ.

Những người phục vụ cho mục đích cao cả hơn có thể dễ dàng làm cho chính nghĩa phục vụ họ, họ mù quáng trước động cơ của họ.

Không phải tất cả chúng ta đều biết điều đó!  Những người trong chúng ta làm việc trong sứ vụ, giảng dạy, quản lý, truyền thông, nghệ thuật, và những người trong chúng ta là người Samaritanô tốt bụng thường giúp đỡ mọi nơi, điều gì cuối cùng thúc đẩy năng lực chúng ta khi chúng ta làm tất cả những việc tốt này?

Đúng, động lực hiếm khi đơn giản là minh bạch.  Chúng ta là một sinh vật phức tạp, thường bị tra tấn về động lực.  Dưới đây là câu chuyện ngụ ngôn nhỏ về động lực từ truyền thống sufi ngụ ý chúng ta không có một động lực duy nhất mà có nhiều động lực.  Câu chuyện ngụ ngôn đi theo hướng này.

Có một vị thánh, một guru nổi tiếng thông thái, ông sống gần đỉnh núi.  Một ngày nọ, có ba ông đến trước cửa nhà ông để xin lời khuyên.  Ông đặt câu hỏi đầu tiên: “Bạn leo lên ngọn núi này để gặp tôi vì tôi nổi tiếng hay vì bạn thực sự muốn hiểu biết một cái gì thông tuệ?”  Người đàn ông trả lời, “Thành thật mà nói, tôi đến gặp ông vì danh tiếng của ông, tuy nhiên, tất nhiên, tôi cũng muốn nhận một số lời khuyên.”  Nhà hiền triết bỏ ông qua, “Ông vẫn chưa sẵn sàng để học.”  Quay sang người thứ hai, ông cũng hỏi cùng câu hỏi, “Lý do thực sự mà anh leo lên ngọn núi để gặp tôi là gì?”  Câu trả lời của ông này khác, “Không phải danh tiếng của ông làm cho tôi đến đây, tôi không quan tâm đến điều đó.  Tôi muốn học ở ông.”  Ngạc nhiên, nhà hiền triết cũng gạt ông này qua một bên, và nói ông này cũng chưa sẵn sàng để học.

Quay sang người thứ ba, “Bạn leo lên ngọn núi này để gặp tôi vì tôi nổi tiếng hay vì bạn thực sự muốn đi tìm một lời khuyên?”  Người thứ ba trả lời, “Thành thật mà nói, là cả hai lý do và có thể vì một số lý do khác mà tôi không biết.  Tôi muốn gặp ông vì ông nổi tiếng và tôi cũng thực sự muốn học hỏi ở ông, nhưng tôi cũng không biết đó đúng thật là những lý do thực sự để tôi gặp ông không.”  Người thầy thánh thiện nói, “Bạn đã sẵn sàng để học.”

Nhà thơ Eliot giới thiệu nhân vật chính của mình trong quyển Giết người ở nhà thờ chính tòa như một người đàn ông làm tất cả những điều đúng đắn, được công nhận vì lòng tốt của mình, nhưng vẫn phải tự kiểm tra xem động lực thực sự của mình khi làm những việc này là gì.  Điều mà Eliot nhấn mạnh là điều gì đó sẽ mang lại cho tất cả chúng ta, những người đang cố gắng trở thành những người tốt, có đạo đức, trung thành, hãy dừng lại để suy ngẫm, xem xét kỹ lưỡng và cầu nguyện.  Động lực thực sự của chúng ta là gì?  Điều này có nghĩa bao nhiêu là động lực muốn giúp đỡ người khác, và bao nhiêu là cho mình, để được tôn trọng, ngưỡng mộ, danh thơm – và có cảm nhận tốt về mình?

Đây là câu hỏi khó và có lẽ cũng không phải là câu hỏi công bằng, nhưng là một câu hỏi cần thiết, nếu được hỏi, có thể giúp chúng ta trên hành trình đi tìm một mức độ trưởng thành sâu đậm hơn.  Cuối cùng, chúng ta đang làm những điều tốt vì tốt cho người khác hay vì tốt cho chính chúng ta?

Khi chúng ta trần trụi phơi bày trước câu hỏi này, chúng ta có thể nhận được một chút an ủi trong thông điệp có trong dụ ngôn Sufi. Mặt này của động lực vĩnh cửu của chúng ta rất phức tạp và hỗn hợp về mặt bệnh lý.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

PHÉP MÀU CỦA THINH LẶNG

Thinh lặng?  Xưa rồi Sơ ơi, thời nay không nói người ta bảo là tự kỷ đấy!

Đó là phản ứng của một bạn trẻ trong một cuộc chuyện phiếm với các bạn trẻ khi tôi về quê nghỉ hè.  Tôi không rõ bạn ấy tên gì và cũng chợt quên mất không hiểu cả nhóm đang nói chuyện gì mà tôi lại nhắc đến hai chữ “thinh lặng” nữa, nhưng tôi nhớ sau lời phản ứng của bạn đó thì có một vài tiếng nữa xen vào: Đúng đấy, Sơ ơi!  Rồi các bạn ấy nhanh chóng chuyển sang một đề tài khác mà không hề để ý đến phản ứng của tôi.  Thế rồi tôi hiểu ý nên cũng không nhắc đến nữa.

Câu nói của bạn đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều: Có khi nào bạn ấy đúng, còn tôi đang lạc hậu chăng?  Nhất là trong một nền xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay. Con người luôn luôn trong tình trạng chạy đua với những thay đổi một cách chóng mặt, âm thanh tràn ngập mọi ngóc ngách của cuộc sống.  Thinh lặng thật khó!  Thế rồi, niềm vui bên gia đình, người thân và bạn bè trong những ngày hè khiến cái suy nghĩ đó cũng dần dần bị lãng quên.

Rồi kỳ nghỉ kết thúc, tôi trở lại nhà dòng và chuẩn bị bước vào kì tĩnh tâm năm.  Không hiểu sao năm nào cũng vậy, tôi mong đợi những ngày này lắm.  Không phải để được ăn ngon, ngủ kĩ; cũng không phải lo lắng chuyện tông đồ hay bất cứ chuyện gì nhưng là tôi có nhiều giờ bên Chúa hơn để nhìn lại cuộc hành trình một năm đã qua của mình.  Vào mỗi dịp tĩnh tâm, ngoài những giờ cầu nguyện, tôi thường có một thói quen vẽ hay viết những suy tư của riêng mình theo các chủ đề mà Cha giảng phòng đưa ra.  Nhưng năm nay tôi quyết định không vẽ, không viết gì hết mà dành trọn thời gian thinh lặng trước Chúa.  Không hẳn vì câu nói của bạn trẻ đó mà tôi có quyết định như vậy đâu nhưng vì tôi cũng muốn có được những trải nghiệm riêng cho bản thân mình.  Tôi thinh lặng chiêm ngắm Chúa như đứa con ngồi dưới chân cha nó để chờ cha giải đáp cho một vấn nạn.  Và tôi bắt đầu lắng nghe…

Khi tuần tĩnh tâm kết thúc thật bình an và những giây phút linh thánh vẫn còn vang vọng trong tôi.  Tôi quay trở lại với nhịp sống thường ngày của cộng đoàn.  Nhưng lạ thay, như vị khách không mời mà đến, cái cụm từ: Thinh lặng”, “xưa rồi” cứ lảng vảng trong cái đầu của tôi khiến tôi phải để ý đến nó.  Rồi mới đây, tôi được một người chị em cho mượn cuốn sách có tựa đề: “Sức mạnh của thinh lặng” của ĐHY Robert Sarah.  Tôi bắt đầu nghiền ngẫm nó và như có thêm nguồn động lực để xác quyết một điều vững vàng hơn.  Rằng: Quả thật, thinh lặng có phép mầu!  Và tôi quyết định viết cho bạn.

Bạn thân mến!

Đúng là thế giới mà chúng ta đang sống luôn tràn ngập những ồn áo náo nhiệt: Nào là tiếng vận hành của máy móc, xe cộ; nào là âm thanh của máy vi tính, chuông điện thoại; những tiếng ồn từ quán ăn, hàng nước…  Con người luôn phải sống trong một môi trường bị ô nhiễm bởi tiếng ồn mà Tổ Chức Y Tế Thế giới vào năm 2011 đã gọi đó là một “dịch bệnh thời hiện đại.  Chúng ta làm sao có thể thinh lặng trong một môi trường như vậy?

Thực tế, khi nhìn lại những chặng đường tông đồ trước đây của tôi: Ban ngày lên lớp hò hét với các cháu, tối về đi dạy hát, dạy múa rồi sinh hoạt các hội đoàn… có khi nào là ngưng nói đâu.  Mà đó toàn là những việc cần phải nói.  Và không biết tự lúc nào đời tu cũng đã bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm tiếng ồn.  Chính vì thế, tôi có thể thông cảm được với nhận định của bạn.  Và có lẽ ở một góc độ nào đó, bạn đang đúng.

Nhưng bạn biết không, có thể tôi và bạn, chúng ta luôn có những công việc của một ngày tất bật từ sáng đến tối.  Nó khiến ta lúc nào cũng ở trong tình trạng ồn ào, khó có thể thinh lặng nhưng điều đó không có nghĩa là không thể thinh lặng.  Vì theo tâm lí, tự bản chất, sâu trong tâm hồn mỗi người vẫn luôn cần có những khoảng lặng.  Đã bao giờ bạn cầm một bản nhạc và ngân nga hát theo những giai điệu của nó chưa?  Chắc chắn bạn sẽ nhận ra rằng, một bản nhạc hay không thể không có những dấu lặng hay những dấu nghỉ.  Tác giả đặt vào đó vừa là để thể hiện sắc thái của bài hát vừa là để cho người hát có chỗ lấy hơi, nếu không sẽ đứt hơi mất.  Hay đã bao giờ bạn đọc một bài văn mà không có dấu chấm nghỉ nào chưa?  Chuyện đó thật hiếm đúng không?  Như máy móc cần có lúc thay dầu nhớt, máy tính cần có lúc phải sạc pin,…  Cuộc sống của chúng ta cũng cần có những giây phút như vậy đó để làm mới lại bản thân theo một lập trình mới bạn ạ.

Giả sử nếu chúng ta cứ làm việc, làm việc và làm việc; hay các bạn trẻ cứ học, học và học mà không nghe xem cơ thể mình nó đang muốn nói điều gì thì đến một lúc nào đó chắc chắn chúng ta sẽ phải nhập viện khẩn cấp vì kiệt sức.  Vậy điều gì sẽ giúp chúng ta lắng nghe được cơ thể của mình?  Thưa: Thinh lặng.  Thinh lặng giúp ta nghe được tiếng nhịp đập của con tim, những cung bậc cảm xúc để rồi tự sâu trong tâm hồn nó sẽ mách cho ta biết ta nên làm gì.  Và cũng chính thinh lặng sẽ giúp ta tìm lại được con người thật của chính mình.

Hơn nữa, trong cuộc sống hằng ngày, thinh lặng có thể là điều kiện cần thiết để chúng ta sống được với tha nhân.  Bạn thử nghĩ xem, nếu cuộc sống lúc nào cũng ồn ào thì làm sao bạn có thể nhận ra đứa bạn ngồi cạnh mình hôm nay như có điều gì đó không vui?  Hay nhà hàng xóm bên cạnh nhà mình hình như hôm nay có chuyện buồn…  Nhất là trong thời đại dịch Covid-19 đang lan tràn như hiện nay.  Hỏi rằng chúng ta có thể hiểu được nỗi niềm của những gia đình đã mất đi người thân vì dương tính với Covid, hay ta có thể thấu được những nỗi niềm của các bệnh nhân ở tâm dịch đang phải chia sẻ không khí cho những con virus quái ác kia nếu như cuộc sống không có những khoảng lặng.  Chưa bao giờ tôi thấy người Ki-tô hữu đau khổ như hiện nay.  Họ khao khát những thánh lễ, những giờ kinh.  Họ ước ao được quỳ trước Thánh Thể Chúa để giãi bày những tâm tình nhưng điều đó thật khó!  Covid đã cướp đi tất cả những quyền lợi đó.  Tất cả giờ đây phải làm trong sự âm thầm.  Con người kêu trách Thiên Chúa: Tại sao?  Tại sao?…  Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ nghe được tiếng Chúa nếu như không dành cho mình những phút thinh lặng để lắng nghe.  Bởi vì “Thiên Chúa nói bằng sự thinh lặng.  Sự Thinh lặng của Thiên Chúa là một lời nói” (x. Sức mạnh của thinh lặng, Robert Sarah).  Và tôi nghĩ cuộc sống luôn cần có những khoảng lặng mà tôi gọi nó là “giờ vàng” để con người có thể xích lại gần nhau hơn và nhờ đó mà chúng ta mới có thể hiểu mình và hiểu người hơn.  Như vậy thì thinh lặng đâu có lỗi thời mà rất hiện thời đấy chứ, phải không bạn?

Bạn thân mến, có thể bạn sẽ cho rằng tôi hơi khùng khi nhắc đến một đề tài mà được coi là lạc lõng giữa một thế giới siêu kỹ thuật và ồn ào như hiện nay.  Con người đã quá quen với những tiếng ồn.  “Không có tiếng ồn con người cảm thấy bực bội và lạc lõng.  Tiếng ồn làm cho con người trở nên yên tâm hơn, nó như một thứ thuốc phiện mê hoặc khiến chúng ta không thể nhận ra đó là một loại chất rất nguy hại.  Nó khiến chúng ta không bao giờ đối diện được với khoảng lặng của mình là thế giới nội tâm.

Nhưng tôi thiết nghĩ đó lại là một đề tài rất hữu ích cho bạn và cả cho tôi là những người đang phải sống trong một xã hội quá ồn ào.  Paul Xardel từng nói: “Người ta sẽ tin bạn không phải vì bạn nói nhiều nhưng vì bạn biết thinh lặng để lắng nghe.”  Vì vậy, hãy dành thì giờ để tìm thinh lặng, vì đó là lúc thuận tiện để gặp gỡ.  Gặp gỡ chính mình và gặp gỡ Đấng Vô Hình.  ĐHY Robert Sarah, khẳng định thêm: “Sự thinh lặng không thể thiếu để có thể lắng nghe âm nhạc của Thiên Chúa: CẦU NGUYỆN.  Vì chưng con người vốn nảy sinh từ thinh lặng và không ngừng chìm sâu vào thinh lặng để gặp gỡ Người.  Ai không chìm sâu vào thinh lặng thì có lẽ người ấy chẳng bao giờ đạt được sự thật, vẻ đẹp và tình yêu.  Và ĐTC Phanxicô giải thích: Thinh lặng này không phải là thinh lặng không lời nhưng là thinh lặng để nghe các tiếng nói khác: tiếng nói của tâm hồn và nhất là tiếng nói của Thần Khí.

Nếu bạn cho rằng những điều tôi vừa nói không đáng tin thì ngay hôm nay bạn hãy cùng tôi, chúng ta hãy làm một trải nghiệm nhé.  Hãy dành cho mình những khoảng lặng nho nhỏ, chỉ khoảng 5-7 phút vào mỗi tối thôi như là những phút hồi tâm cuối ngày.  Hãy để tâm hồn bạn thật trống rỗng trước Chúa và để cho Người lấp đầy bằng ân sủng và bình an.  Tôi tin chắc bạn sẽ khám phá ra một điều mà bấy lâu nay bạn đã bỏ qua, rằng: Thinh lặng có phép mầu!

Chúc bạn luôn Bình an!
Têrêsa nhỏ

“ĐẤNG QUY TỤ MUÔN DÂN”

Thiên Chúa là Đấng quy tụ muôn dân.  Đó là một trong những hình ảnh về Thiên Chúa trong Kinh Thánh Cựu Ước.  Thiên Chúa là Cha chung của mọi dân tộc.  Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi. Ngài không muốn ai phải chết và phải đau khổ.  Như gà mẹ ấp ủ đàn con dưới cánh, Thiên Chúa luôn  ấp ủ mọi tạo vật bằng tình yêu quan phòng của Ngài.  Là người Mục tử, Thiên Chúa quy tụ và chăm sóc đàn chiên.  Chúa biết từng con chiên, để chữa lành và nâng đỡ.  Hình ảnh mục tử và đàn chiên còn được Chúa Giêsu tiếp nối trong giáo huấn của Người (x. Ga,10).

Nếu Thiên Chúa là Đấng quy tụ muôn dân, thì con người lại thích ly tán.  Trước sự khước từ, thậm chí là đe dọa của quận vương Hêrôđê, Chúa Giêsu đã rơi lệ và than trách: “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem!  Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến với ngươi!  Đã bao lần ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Lc 13,34).  Ngay từ khởi đầu lịch sử, con người đã muốn vùng thoát khỏi sự dìu dắt yêu thương của Thiên Chúa để tự chọn lối đi cho mình, như câu chuyện ông Ađam và bà Evà.  Con người muốn khước từ Chúa để được “tự do,” nhưng thay vì tự do thì họ lại rơi vào cảnh nô lệ.  Ađam và Evà đã nghe theo lời dụ dỗ của con rắn, với hy vọng nên ngang hàng với Thiên Chúa.  Họ đã thất bại ê chề.

Isaia (đệ nhị) là một vị ngôn sứ của niềm hy vọng.  Vào lúc dân Do Thái đang chán chường và đau khổ trong cảnh lưu đày ở Babilon, vị Ngôn sứ được Chúa trao cho việc loan báo ngày họ sẽ được giải phóng.  Còn gì sung sướng hơn là được thoát cảnh lưu đày để về quê cha đất tổ.  Lời hứa của Chúa không chỉ nhằm đến việc giải phóng dân khỏi ách lưu đày, mà còn cho thấy một tương lai sán lạn.  Vào thời đó, các dân ngoại bang sẽ được biết đến danh Thiên Chúa.  Họ sẽ được chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài.  Các dân tộc cùng tiến về nhà Chúa, mang theo những lễ phẩm thanh sạch, để tôn nhận Ngài là Thiên Chúa duy nhất.  Giêrusalem sẽ được khôi phục và trở về với cảnh sầm uất khi xưa (Bài đọc I).

Ngôn sứ Isaia đã loan báo sứ điệp cho dân đang bị lưu đày.  Sứ điệp hy vọng ấy cũng được loan báo cho chúng ta trong thời đại hôm nay.  Quả vậy, chúng ta tôn thờ Thiên Chúa mà chưa từng gặp gỡ Ngài.  Đôi lúc chúng ta băn khoăn tự đặt những câu hỏi về tương lai hậu vận đời mình.  Những khó khăn thử thách trong cuộc sống nhiều khi làm chúng ta dao động đức tin.  Trong Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, có người đặt câu hỏi với Chúa Giêsu về số lượng những người được cứu thoát nhiều hay ít.  Câu trả lời của Chúa dường như không ăn nhập logic với câu hỏi.  Người không khẳng định số người được cứu rỗi nhiều hay ít, nhưng người nhắc đến bổn phận của mỗi người là phải chuyên chăm tu luyện và lập công tích đức cho mình.  Như vây, Chúa muốn giáo huấn chúng ta: thay vì quan tâm tìm hiểu xem số người được cứu thoát, thì hãy lo lắng đến phần rỗi của chính mình.  Lời khuyên cụ thể của Chúa Giêsu, đó là hãy qua cửa hẹp.  Lời mời gọi bước qua cửa hẹp cũng được Chúa nói tới trong Tin Mừng Thánh Mátthêu với những cắt nghĩa chi tiết hơn:  “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó.  Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7,13-14).

Vào thời Chúa Giêsu, nơi một số đông những người Do Thái, vẫn tồn tại tư tưởng tự tôn dân tộc.  Họ cho rằng Thiên Chúa chỉ cứu rỗi người Do Thái.  Họ coi thường, kỳ thị các dân tộc xung quanh, và cho rằng những dân tộc này phải trầm luân khốn khổ.  Chúa Giêsu phê phán lối suy nghĩ sai lầm này.  Ngài quả quyết, Thiên Chúa là Cha chung của gia đình nhân loại.  Những ai tự hào về nguồn gốc của mình, mà không chịu sửa mình và không sống tốt, thì sẽ bị khai trừ và không được chung hưởng hạnh phúc với Chúa.  Là dân Do Thái không phải một nhãn hiệu đương nhiên được cứu thoát.  Những người đợi ở cửa phòng tiệc sau khi cánh cửa đã đóng lại cố tìm cách trưng dẫn những bằng chứng cho thấy mối thân thiện của họ với ông chủ, nhưng ông đã tuyên bố dứt khoát: “Ta không biết các anh từ đâu đến.  Cút đi cho khỏi mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính.  Trong bối cảnh này, việc trưng ra những hành động được coi là đạo đức hay kỷ niệm đẹp với ông đều chỉ là che đậy một lối sống bất nhân.

“Cửa hẹp” đối với tác giả thư Do Thái là sự kiên nhẫn trong thử thách.  “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy.  Người đối xử với anh em như với những người con.  Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?”  Những gian khó mà chúng ta gặp phải trên đường đời, nếu được đón nhận bằng cái nhìn đức tin, sẽ được coi như sự sửa dạy của Chúa, hoặc như sự thử thách lòng trung thành của chúng ta.  Nếu Chúa sửa dạy ai, là vì Ngài yêu thương người đó và muốn kéo người đó lên kẻo chìm sâu trong bùn lầy.  Một khi chấp nhận để Ngài sửa dạy, chúng ta sẽ tiến bước trên con đường trọn hảo.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

NỔI TIẾNG

“Nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết.”

“Let Us Live”, một trong những bài thơ nổi tiếng nhất thế giới.  Thi sĩ Latin Catullus viết, “Hãy để chúng ta sống; hãy để chúng ta yêu, hãy để chúng ta xét lại mọi đồn thổi của những con người đứng tuổi đi trước mà giá trị chỉ đáng một xu.  Mặt trời có thể lặn rồi mọc dậy; nhưng với con người, khi ánh sáng ngắn ngủi chìm xuống, chúng ta phải ngủ một đêm dài vĩnh viễn bất tận!”

Kính thưa Anh Chị em,

Mọi lời đồn thổi, huyễn danh, hay sự ‘nổi tiếng’ của một con người rồi cũng chỉ đáng một xu!  Sẽ khá bất ngờ khi tư tưởng của nhà thơ La Mã cổ đại được gặp lại trong Lời Chúa hôm nay!  Cách nào đó, hai bài đọc đều nói đến sự ‘nổi tiếng’; ‘nổi tiếng thế gian’, ‘nổi tiếng thiên đàng!’

Trước hết, Êzêkiel nói đến sự ‘nổi tiếng thế gian!’ Tirô, một con người giàu có; cậy mình lắm của, sinh lòng kiêu ngạo; vua tự cho mình là thần.  Và Thiên Chúa đã để ngoại bang đánh phá tơi bời và vua đã chết thê thảm giữa trùng khơi.  Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Chúa phán, Ta là Đấng cầm quyền sinh tử!”  Với bài Tin Mừng, sau câu hỏi của Phêrô, “Chúng con sẽ được gì?”, Chúa Giêsu nói, “Đến thời tái sinh, các con sẽ ngồi trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Israel”; Ngài nói đến sự ‘nổi tiếng’, nhưng sự ‘nổi tiếng’ Ngài nói là ‘nổi tiếng thiên đàng!’  Và Chúa Giêsu kết luận, “Nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết.”  Câu nói của Ngài cho thấy sự mâu thuẫn giữa ‘thành công thế gian’ và ‘thành công thiên đàng!’

“Nhiều kẻ trước hết”, họ là ai?  Để hiểu điều này, chúng ta cần lưu ý sự khác biệt giữa “thế gian” và “Nước Trời.”  Thế gian luôn luôn đề cao sự ‘nổi tiếng!’: thành công, uy tín, hư danh, và những thứ tương tự đi kèm.  Thật ra, ‘nổi tiếng’, tự nó chẳng có gì là xấu, nhưng say mê nó đến độ bất chấp tất cả, đánh đổi tất cả, thì đó là cạm bẫy kìm chân chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân.  Đương thời, Chúa Giêsu cũng rất ‘nổi tiếng’; từ khắp nơi, người ta tuôn đến với Ngài, thậm chí bắt Ngài, tôn làm vua.  Đang khi ma quỷ, chúa thế gian, luôn tìm cách bang trợ những ai phục vụ ý muốn của nó, kể cả Chúa Giêsu!  Một khi mắc mưu ma quỷ, chúng ta để mình bị lôi kéo đến mê muội vào việc tìm kiếm sự ‘nổi tiếng’ này; và xu hướng chung, ai cũng thích nó.  Chúa Giêsu cho biết, ai bị cuốn hút vào lối sống này, sẽ là người “sau hết” trong Nước Trời!

Tương phản với những con người “sau hết” này là những người “trước hết” trong Nước Trời.  Đó là những linh hồn thánh thiện vốn có thể được tôn vinh hoặc không được tôn vinh bởi người đời; một số có thể được nhìn nhận và thế giới tôn vinh họ, chẳng hạn, Mẹ Têrêxa.  Nhưng rất thường, không ai biết đến họ; họ bị hạ thấp, bị coi là lập dị.  Vậy tại sao chúng ta không muốn bắt chước Chúa Giêsu và những con người thánh thiện để làm người ‘nổi tiếng’ trong việc yêu mến Chúa và âm thầm phục vụ tha nhân?  Thật ra, người ‘nổi tiếng’ theo cách này thì lặng lẽ, khiêm hạ và với thế gian, họ là những kẻ “sau hết”; nhưng với Thiên Chúa, họ là “trước hết!”

Anh Chị em,

“Nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết.”  Câu nói nghịch thường này hoàn toàn đúng nơi Chúa Giêsu.  Ngài là “phiến đá thợ xây loại bỏ trở nên đá tảng góc tường”; là “kẻ bị khinh thị, không ai thèm để mắt” nhưng lại là Đấng đánh bại thần chết và phục hồi sự sống cho nhân loại.  Ngài là “kẻ sau hết đã nên trước hết!” Ai nổi tiếng bằng Chúa Giêsu?  Vậy với bạn, điều nào quan trọng?  Bạn thực sự thích một điều gì đó cho đời đời hay thích những gì ‘nổi tiếng’ nhưng rất đỗi phù du?  Bạn muốn được mọi người nghĩ tốt trong cuộc sống này ngay cả khi điều đó làm tổn hại đến giá trị và sự thật?  Hay bạn đang dán mắt vào Chúa Giêsu, sự thật và phần thưởng vĩnh cửu?  Đừng để những ước muốn thế tục này thống trị hoặc ngăn bạn để mắt đến sự ‘nổi tiếng thánh thiện’, ‘nổi tiếng thiên đàng’, như một điều đáng ao ước!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con gạt bỏ mọi lo lắng thế tục về sự ‘nổi tiếng’ thế gian; cho con chỉ tìm cách làm đẹp lòng Chúa và thao thức cho sự ‘nổi tiếng thánh thiện’, ‘nổi tiếng thiên đàng!’”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

MỘT ĐIỀM LẠ VĨ ĐẠI

“Một điềm lạ vĩ đại đã xuất hiện trên trời!”  Hôm nay, thế giới Công giáo chiêm ngưỡng và ca tụng một điều kỳ diệu.  Ngay từ thuở sơ khai, các tín hữu Kitô đã nhận ra, người phụ nữ được diễn tả trong sách Khải huyền là Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Đức Giêsu thành Nagiarét.  Kể từ sau Công đồng Êphêsô (431), ngày lễ Đức Mẹ an nghỉ (Dormition de Marie) đã được cử hành tại nhiều nơi, nhất là trong các Giáo Hội Đông phương.  Tuy vậy, phải đợi gần 20 thế kỷ sau, tín điều Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời mới được Giáo Hội công bố chính thức.  Tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, ngày 1 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã long trọng tuyên bố: “Chúng tôi công bố, tuyên xưng và định tín giáo lý đã được Thiên Chúa mạc khải này: Đức Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ Vô nhiễm của Thiên Chúa, sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, đã được đưa lên trời hiển vinh cả hồn lẫn xác.”  Trong lời tuyên tín long trọng trên đây, Đức Giáo Hoàng đã nhắc tới cả 4 đặc ân mà Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ, tức là ơn vô nhiễm nguyên tội; ơn trọn đời đồng trinh, ơn làm Mẹ Thiên Chúa và ơn được về trời cả hồn và xác.

Đức Maria là một điềm lạ không phải chỉ ở thời điểm Mẹ được đưa về trời, nhưng suốt cuộc đời của Mẹ, Mẹ đã trở nên một điềm lạ cho cả lịch sử.  Điềm lạ là điều người ta rất ít thấy, hoặc là điều không thể có trong thế giới tự nhiên.  Quả vậy, mọi người sinh ra đều mắc tội tổ tông truyền, riêng có Trinh nữ Maria thành Nagiarét được Chúa gìn giữ cách đặc biệt ngay từ khi được thụ thai trong lòng thánh Anna.  Vì vậy, Đức Mẹ không mắc tội tổ tông truyền, là hậu quả do Ađam và Evà đã phạm ở đầu lịch sử.  Cũng vậy, theo lẽ thông thường, chẳng có phụ nữ nào đã sinh con mà lại còn trinh khiết.  Đức Mẹ được ơn trinh khiết trọn đời, trước, trong và sau khi sinh Đức Giêsu.  Có một thời, người ta bận tâm tranh luận về Đức đồng trinh của Đức Mẹ, nhưng nếu đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa, thì như Sứ thần Gabrien nói với Trinh nữ Maria trong ngày truyền tin: đối với Thiên Chúa, không có gì mà Ngài không làm được.  Và sau cùng, là danh hiệu Mẹ Thiên Chúa.  Đức Mẹ chỉ là một tạo vật, mà lại tôn vinh là Mẹ Thiên Chúa.  Bởi lẽ Đức Mẹ đã sinh ra Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, nên Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu thì cũng là Mẹ Thiên Chúa.

Đức Maria vẫn đang là điềm lạ cho chúng ta.  Mẫu gương của người Công giáo không phải là một con người trần thế, dù đó là một vĩ nhân hay một lãnh tụ.  Lý tưởng của chúng ta là Đức Giêsu, Con Người Hoàn Hảo.  Đức Maria cũng là mẫu gương cho chúng ta trong đời sống Đức tin.  Bà Elisabeth đã ca ngợi: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng, Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”  Chính Đức tin và niềm tín thác của Đức Mẹ đã làm cho Đức Mẹ được tôn vinh.  Dù đã về trời, Đức Mẹ vẫn hiện diện giữa Giáo Hội để dẫn dắt và nâng đỡ chúng ta trong hành trình Đức tin.  Có Đức Mẹ dẫn đường, chúng ta sẽ không sợ lạc lối.  Đức Mẹ được ví như Sao Biển, giúp người vượt biển lựa chọn hướng đi và cập bến bình an.  Giáo Hội hân hoan mừng lễ hôm nay, không chỉ vì những ơn lạ Chúa ban cho Đức Trinh nữ thành Nagiarét, mà còn vì Giáo Hội thấy nơi Đức Mẹ hình ảnh của chính mình trong tương lai.  Vâng, Đức Maria là hình ảnh của Giáo Hội phải được hoàn thành (Lời Tiền tụng Thánh lễ).

Thánh Luca là tác giả duy nhất ghi lại bài ca Tạ ơn (Magnificat) của Đức Trinh nữ Maria.  Trinh nữ có ý lên đường để kể cho người chị họ những điều kỳ diệu Thiên Chúa sắp thực hiện cho dân Ngài, thì bà Elisabeth đã biết hết những gì đã xảy ra, và bà nói: “Bởi đâu tôi được thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”  Trong giây phút hạnh phúc tuyệt vời vì cảm nhận được bàn tay Chúa thương yêu dìu dắt, Trinh nữ đã hát lên bài ca cảm tạ.  Nội dung bài ca diễn tả lịch sử của dân tộc, với những đau thương và hạnh phúc đan xen, nhưng trên tất cả, đó là quyền năng yêu thương của Thiên Chúa.  Ngài không bỏ rơi dân riêng Ngài chọn, nhưng luôn nâng đỡ chở che và chăm sóc giữ gìn.

Nếu Đức Trinh nữ Maria là một điềm lạ cho thế giới, thì mỗi chúng ta, những người được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhờ Bí tích Thanh tẩy, cũng phải trở nên một điềm lạ cho cuộc sống hôm nay.  Quả vậy, khi chúng ta chuyên tâm thực hiện giáo huấn của Chúa, chúng ta sẽ làm cho hình ảnh và sự thánh thiện của Người lan tỏa trong môi trường sống của chúng ta, và nơi chúng ta, những người khác sẽ nhận ra chúng ta là con cái của Cha trên trời (x. Mt 5,16).

Nếu thánh Gioan Tông đồ đã nhìn thấy “Đền thờ Thiên Chúa trên trời mở ra,” thì Thánh Phaolô lại nói với chúng ta: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (Bài đọc II).  Vâng, nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu, trời đã mở ra, con người có thể lên trời.  Giấc mơ ngàn đời của nhân loại đã thành hiện thực.  Đức Maria là tạo vật đầu tiên được qua cánh cửa Đền thờ Thiên Chúa trên trời.  Chúa Giêsu đã hứa cho tất cả những ai tin vào Người cũng sẽ được vào Đền thờ Thiên Chúa.  “Lòng các con đừng xao xuyến.  Các con tin vào Thiên Chúa thì hãy tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở… ” (Ga 14,1-2).

Giữa biết bao khó khăn thử thách của cuộc sống, chúng ta hãy đến với Đức Trinh nữ Maria, xin Mẹ che chở và gìn giữ chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

THẬP GIÁ VÀ NIỀM VUI

Theo tâm lý thông thường, ai trong chúng ta cũng thích nghe những lời ngọt ngào êm tai và đem lại niềm vui.  Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay lại gồm những ngôn từ xem ra khó chấp nhận: “Anh em tưởng Thày đến để ban hòa bình cho trái đất sao?  Thày bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem chia rẽ.”  Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta không khỏi lúng túng khi tìm cách hiểu đoạn Tin Mừng này.  Tuy vậy, nếu suy tư về hành trình đức tin, mỗi chúng ta đều công nhận một điều, để đến với Chúa Giêsu, phải chấp nhận nhiều hy sinh cố gắng.  Có những người theo Chúa Giêsu phải vượt qua nhiều trở ngại.  Những trở ngại đến từ nhiều phía: cha mẹ, anh em, họ hàng và bạn bè.  Như thế, để có thể theo Chúa Giêsu, phải chấp nhận những buông bỏ, để lựa chọn và gắn bó với Người.  Và thế là, vì theo Chúa Giêsu mà xảy ra mâu thuẫn, thậm chí xung đột căng thẳng giữa những thành viên trong cùng một gia đình.

Có thể nói, Giêrêmia là một ngôn sứ trải qua nhiều cực nhọc gian nan nhất.  Vì trung thành chuyển tải sứ điệp của Chúa mà người đồng hương đã gọi ông là tên “tứ phía kinh hoàng.”  Đoạn sách thánh được đọc hôm nay kể lại việc người Do Thái căm ghét ông và lập mưu bỏ ông xuống giếng sâu, nhằm giết chết ông.  Nhờ lòng thương cảm của một người khác là ông Evét Mêléc, ông Giêrêmia đã được đưa lên khỏi hầm.  Trong lúc người Do Thái thích nghe những lời ngọt ngào, Giêrêmia lại tuyên bố những lời cảnh cáo, trách móc và đe dọa.  Tuy vậy, lời ông nói không phải là của cá nhân ông, mà ông chuyển tải ý định của Thiên Chúa.  Những lời ấy vừa nhằm giúp cho quốc dân tránh tai họa, vừa uốn nắn giúp họ tìm được sức mạnh nơi Thiên Chúa.  Ngôn sứ là người nói lời của Chúa.  Ngôn sứ cũng là người gánh chịu những hậu quả do lòng thù ghét của dân.  Tuy vậy, những ai trung thành với sứ mạng loan báo sứ điệp của Chúa sẽ được Ngài thương và cứu chữa.  Giêrêmia được cứu sống, đó là bằng chứng ơn phù trợ của Chúa dành cho những ai trung tín với Ngài.

Như thế, con đường theo Chúa vừa ngọt ngào vừa chông gai.  Chính Chúa Giêsu cũng đã đi trên con đường thập giá và đã tự nguyện chết trên thập giá để bày tỏ tình thương của Thiên Chúa.  Chúa đã đau khổ để nâng đỡ cảm thông những người đau khổ.  Thập giá mang muôn màu sắc và muôn hình muôn vẻ.  Thập giá cũng hiện diện mọi nơi trong đời sống của chúng ta.  Có thể đó là những khác biệt trong suy nghĩ của những thành viên trong một gia đình hay một cộng đoàn; có thể đó là một người bạn đời hay một người hàng xóm có tính nết không mấy dễ chịu; có thể đó là một sự kiện xảy đến làm chúng ta gặp nhiều điều bất tiện…  Người Kitô hữu đón nhận thập giá không phải như con trâu mang cày ì ạch bước đi, nhưng như một người chia sẻ gánh nặng của người khác một cách vui vẻ và với mục đích xây dựng cuộc sống bình yên an hòa.

Tác giả thư gửi giáo dân Do Thái đã khẳng định: “Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.”  Tác giả cũng khuyên chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu chịu khổ hình để không sờn lòng nản chí khi gặp đau khổ gian nan (Bài đọc II).

Thày đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thày những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” Ngọn lửa mà Chúa Giêsu đem đến cho trần gian, đó là lửa tình yêu và sức mạnh, là lửa nhiệt huyết rao giảng tình thương Thiên Chúa đối với con người.  Hôm nay, Người vẫn mong cho ngọn lửa ấy sáng lên nơi cuộc đời này.  Dẫu biết rằng giáo huấn của Chúa Giêsu sẽ được đón nhận nhiều cách khác nhau, nhưng chúng ta không vì thế mà nản chí ngã lòng.  Hãy thắp lên ngọn lửa có tên Giêsu, để chiếu rọi mọi nơi tăm tối và mọi góc khuất của cuộc sống.  Hãy là một đốm lửa, dù nhỏ nhoi và mong manh yếu ớt, giữa những tăm tối bủa vây xung quanh, hầu sưởi ấm và thắp sáng cho những người lân cận.

Thập giá là biểu tượng của đau khổ, nhưng thập giá cũng đem lại hạnh phúc và niềm vui.  Chúa Giêsu đã vác thập giá và đã chết trên thập giá, nhưng Người đã sống lại vinh quang.  Thập giá chỉ là một chặng đường, dùng có nặng nề đến mấy cũng chỉ là nhất thời chứ không phải là đích điểm.  Đích điểm cuộc đời chúng ta chính là hạnh phúc viên mãn nơi Thiên Chúa.  Người có đức tin vững vàng sẽ làm cho thập giá nở hoa và tỏa hương thơm ngát.  Đó chính là hương thơm của sự thánh thiện, của lòng yêu mến và trung thành.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên