NHỮNG VIÊN ĐÁ OAN NGHIỆT

Khởi đi từ câu chuyện “Người phụ nữ ngoại tình” trong Tin Mừng Thánh Gioan mà trong ngôn ngữ của nhiều nước, trong đó có Việt Nam chúng ta, có lối nói “ném gạch đá” để chỉ những lời phê bình chỉ trích của công chúng nhắm tới một cá nhân hay một tập thể.  Thông thường, những “gạch đá” này không mang tính chất xây dựng, mà là những kết án, đôi khi vội vàng và thiển cận.  Không thiếu những viên gạch đá đã làm tổn hại thanh danh của nhiều người, thậm chí gây áp lực lớn cho đương sự, đến nỗi có người bị dồn đến bước đường cùng, tự tìm đến cái chết để thoát khỏi những thị phi.  Những “gạch đá” trong cuộc sống thường ngày thật oan nghiệt biết bao!

Thánh Gioan là tác giả duy nhất ghi lại câu chuyện người phụ nữ ngoại tình.  Câu chuyện này được trình bày như một vụ án.  Người bị cáo là một phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang (nhưng không có tòng phạm bị tố cáo), người tố cáo là các kinh sư và biệt phái, thẩm phán là Chúa Giêsu.  Vụ án được trình bày như một vở kịch, nhân vật trung tâm là Chúa Giêsu.  Trong vụ này, các kinh sư và biệt phái muốn gài bẫy thử Chúa.  Bởi lẽ nếu Chúa nói đừng ném đá, họ sẽ kết án Chúa bãi bỏ Lề Luật Môisen (x.Lv 20,10; Dnl 22,23-24); nếu Chúa đồng ý cho họ ném đá, Chúa sẽ mâu thuẫn với lời Người rao giảng về lòng bác ái bao dung.  Những kẻ gài bẫy Chúa tỏ ra hỉ hả vì chắc chắc Người không thể thoát khỏi mưu mô của họ.

Chúa Giêsu đã ứng xử rất khôn ngoan, không mắc bẫy và không rơi vào hai tình huống trên.  Người không phủ nhận Luật Môisen, cũng không làm trái với lời giáo huấn của Người.  Với câu trả lời: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi“, Chúa đã lưu ý những người đang tố cáo hãy nhìn lại mình.  Không ai dám cầm đá ném người phụ nữ, vì chẳng ai dám nhận mình là người sạch tội.  Và, kết quả là, những người tố cáo dần dần rút lui, chỉ còn lại Chúa Giêsu và người phụ nữ.  Khi những lời tố cáo ồn ào đã lắng xuống, chỉ còn lại một bên là tội nhân đáng thương, một bên là lòng thương xót của Thiên Chúa.  Những người trước đó vài phút còn dương dương tự đắc, nay thấy hổ thẹn và rút lui.  Lòng thương xót đã chiến thắng.  Người phụ nữ đã thoát chết.  Chị được phục hồi và trước mắt chị vẫn có một tương lai để làm lại cuộc đời.  Lòng nhân từ của Chúa đã cứu sống chị.  Những người tố cáo không còn có lý do để bắt bẻ Chúa.  Họ cũng không hằn học coi khinh một người đã phạm tội, vì họ nhìn lại chính bản thân mình và nhận ra thân phận tội lỗi của họ.  Chúa Giêsu được tác giả Tin Mừng trình bày như một vị tôn sư khôn ngoan, đầy lòng nhân hậu.

Giữa cuộc sống đầy hận thù ghen ghét, Thiên Chúa sẽ can thiệp và thể hiện tình yêu thương.  Tình yêu thương ấy phát xuất từ lòng bao dung của Thiên Chúa, Đấng sẵn sàng tha thứ cho mọi tội nhân.  Ngài quên quá khứ đen tối của con người, mở ra trước mặt họ một con đường tương lai.  Hoang mạc khô cằn sẽ vọt lên dòng suối mát, làm nước uống cho dân được tuyển chọn (Bài đọc I).  Tình thương của Chúa sẽ như đại dương, tẩy sạch mọi tội lỗi của con người.

Cuộc sống hôm nay vẫn đầy rẫy những kinh sư và biệt phái.  Đó không phải là ông A, ông B, mà là chính chúng ta.  Bởi lẽ rất nhiều lần chúng ta đóng vai trò của những người này, khi chúng ta phê phán người khác.  Phê bình chỉ trích người khác là tự đặt mình làm chuẩn mực cho lối sống và cách ứng xử.  Người hay phê bình người khác cho mình là hoàn hảo, và áp đặt người khác phải có lối suy nghĩ như mình, lý luận như mình và hành xử như mình.  Những đòi buộc ấy là vô lý và chủ quan, nhưng tiếc thay, nó vẫn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta.

Khi tuyên bố: “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc lấy đã mà ném trước đi!”, Chúa Giêsu nhắc bảo chúng ta hãy nhìn lại mình, trước khi kết án phê bình người khác.  Bởi lẽ trên trần gian, không ai là hoàn thiện.  Trong thời đại bùng nổ thông tin và kỹ thuật hiện đại hôm nay, người ta lạm dụng các trang mạng xã hội để vu khống, lăng mạ và kết án người khác một cách tàn bạo.  Những “anh hùng bàn phím” là những người giấu mặt.  Họ tự do phát biểu, vội vàng kết án, và suy diễn theo cái nhìn chủ quan của mình.  Đây chính là những “viên đá oan nghiệt” của thời hiện đại.  Những viên đá này đang hủy hoại mối tương quan con người với nhau một cách tàn bạo, tạo nên những khoảng cách, thậm chí những mối oán thù và bạo lực.  Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình được đọc trong Chúa nhật hôm nay, khi chúng ta đã đi gần hết chặng đường của Mùa Chay, như lời mời gọi chúng ta hãy nhìn lại mình.  Có thể chúng ta đang là những kinh sư và biệt phái, chuyên săm soi và kết án người khác mà không nhận ra tội lỗi của mình để ăn năn sám hối.

“Con hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.”  Chúa Giêsu không bao che cho kẻ có tội.  Người cứu thoát họ khỏi mối nguy hiểm của đám đông đang hằm hằm giận dữ, đồng thời khuyên họ hãy đoạn tuyệt với tội lỗi để xứng đáng đón nhận lòng thương xót của Chúa và sự cảm thông của anh chị em mình.

Người tin vào Chúa sẽ từng bước trưởng thành để thuộc về Chúa Kitô hoàn toàn.  Thánh Phaolô đã dùng cách nói “được Chúa Kitô chiếm đoạt” để diễn tả sự biến đổi của người tín hữu, trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu.  Quả vậy, đời sống đức tin chính là cuộc chạy đua liên lỉ.  Mỗi người phải quên đi mọi sự để chỉ chú tâm về đích, lao mình về phía trước.  Nơi đích điểm ấy, có Chúa đang chờ đợi chúng ta (Bài đọc II).

Thiên Chúa không lên án chúng ta.  Ngài luôn yêu thương và rộng lượng thứ tha mọi tội lỗi ta đã phạm, miễn là chúng ta thành tâm trở về với Ngài.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định một danh xưng của Thiên Chúa: “Danh Ngài là Thương Xót.”

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

NƯỚC CỦA ẢO ẢNH

“Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt.  Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm.”

Samuel Baker kể về một trung đoàn chết khát trên sa mạc.  Nhìn xa xa, họ nghĩ, họ thấy nước; nhưng hướng dẫn viên Ả Rập cảnh báo, đó chỉ là ‘nước của ảo ảnh!’  Họ cãi cọ, hướng dẫn viên bị giết!  Trung đoàn lao về phía trước; dặm này, dặm khác.  Ảo ảnh dẫn đoàn quân tiến sâu hơn vào sa mạc.  Quá muộn, họ đã nhận ra sự thật.  Họ đã chết khi theo đuổi một điều viển vông!

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay không nói với chúng ta về ‘nước của ảo ảnh’ đã dẫn đến cái chết của một trung đoàn, nhưng nói về một ‘mạch nước thật’ làm cho sống và sống đời đời!  Thật ý vị khi Gioan nhắc đến con số “38.”  Người đàn ông trong Tin Mừng phải sống cuộc sống bại liệt những 38 năm!  “38 năm,” khoảng thời gian Israel lang thang trong sa mạc; cũng thế, người này nằm bên hồ suốt 38 năm, nhưng không với tới nước.  Người ấy ‘lang thang trong sa mạc của mình!’

Trong Đệ Nhị Luật 2, 14, Môisen viết, “Thời gian chúng ta đi từ Cađê Bacnêa cho đến khi qua thung lũng Derét là 38 năm.”  Sa mạc, nơi thử thách; ở đó, thiếu thốn trăm bề, và cái cần nhất là nước!  Thế nhưng, Chúa không để Israel chết khát, nước từ các mạch đá đủ cho họ suốt gần 40 năm.  Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Chính Chúa Tể Càn Khôn ở cùng ta luôn mãi, Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta!”   Từ đó, chúng ta hiểu ý nghĩa thị kiến nước trào ra từ đền thờ mà Êzêkiel nhìn thấy hôm nay!  Phụng vụ Phép Rửa sẽ ca lên, “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra; và nước ấy chảy đến những ai thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên, Halleluia!”.

Một chi tiết thú vị khác chúng ta cần lưu ý là, Êzêkiel chẳng những là một ngôn sứ, ông còn là một tư tế!  Vì thế, khi nói về nước chảy ra từ bàn thờ, đền thờ, thì phải chăng tư tế Êzêkiel đang mơ về một Giêsu Tư Tế Thượng Phẩm; Đấng sẽ là bàn thờ, là đền thờ, cũng là dòng nước cứu độ ban sự sống và chữa lành.  Ngài từng tuyên bố, “Ai đến với Tôi, sẽ không khát bao giờ!

Trở lại với Tin Mừng, Chúa Giêsu tự nguyện đến với người đàn ông ‘lang thang trong sa mạc;’ Ngài bước vào sự cô lập của anh dù không được mời!  Ngài nhìn thấy anh, biết hoàn cảnh của anh, đến gặp anh và nói chuyện trực tiếp với anh.  Thoạt tiên, Ngài hỏi, “Anh có muốn khỏi bệnh không?”  Anh không trả lời, “Có” hay “Không” nhưng anh phàn nàn, “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động.”  Anh ta mắc bệnh bi quan; anh phát ốm vì buồn; anh bị bệnh lười!  Đây là căn bệnh của anh, “Đúng, tôi muốn lành, nhưng…”, và anh đợi ở đó.  Thế mà mấu chốt là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu; dẫu xem ra, anh không cần được chữa lành.  Phải chăng anh đang tiếc nuối thuở lang thang?

Tuyệt vời thay!  Chúa Giêsu đã chữa lành con người bi quan tuyệt vọng này mà không cần nhúng anh xuống hồ Bêthesda.  Bêthesda có nghĩa là “Ngôi nhà của lòng thương xót,” hoặc “Ngôi nhà của ân sủng” theo tiếng Do Thái.  Đúng thế, người đàn ông này đang cần lòng thương xót và ân sủng ngay cả khi anh không ý thức.  Và Chúa Giêsu không phải là ‘nước của ảo ảnh’ nhưng là mạch ân sủng và xót thương đã thương phục hồi anh!  Thánh Augustinô nói, “Vết thương của chúng ta rất nghiêm trọng, nhưng vị Thầy Thuốc thì toàn năng.  Tôi sẽ tuyệt vọng về vết thương chí mạng của tôi, nếu tôi không tìm thấy một Thầy Thuốc vĩ đại như Ngài!”

Anh Chị em,

Chúa Giêsu, không phải là ‘nước của ảo ảnh’, nhưng là đài phun chữa lành đích thực; Ngài là nước làm cho sống!  Ngài là đền thờ mới mà Êzêkiel đã có một tầm nhìn với một dòng suối tuyệt vời chảy sâu hơn bao giờ hết từ phía bên phải của nó.  Nơi nào nước này chảy qua, nó đều mang lại an lành và sự sống.  Đỉnh đền thờ mới là Canvê, nơi nước ngọt ngào của phép Rửa chảy ra từ cạnh sườn Đấng Kitô khi người lính lấy giáo đâm cạnh nương long Ngài.  Ngày nay, dòng nước cứu độ ấy vẫn tiếp tục chảy và rửa sạch mọi thương tích trong tâm hồn chúng ta.  Nước Giêsu cho chúng ta sống hạnh phúc viên mãn ngay trong sa mạc trần gian khô khốc này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con không thể cứu con; tệ hơn, con ‘vui tươi’, an phận trong sa mạc đời mình; ở đó, con chạy theo ‘nước của ảo ảnh.’  Xin cứ dìm con vào Chúa mà đừng thèm hỏi con!”  Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

HÒA GIẢI VỚI ANH CHỊ EM

Hòa giải là lời mời gọi khẩn thiết của Mùa Chay.  Hòa giải với Chúa và hòa giải với anh chị em mình.  Tuy vậy, hòa giải với Chúa là việc dễ dàng, trong khi hòa giải với anh em là một việc làm hết sức khó khăn.  Trong cuộc sống trần gian, con người “đầu đội trời, chân đạp đất.”  Họ vừa có tương quan với đất và tương quan với trời.  Họ cũng không là những ốc đảo tách biệt cô đơn, nhưng sống chung với nhau và cần đến nhau.  Hòa giải với anh chị em sẽ giúp chúng ta xây dựng cuộc sống lý tưởng, làm thành một gia đình trong tình huynh đệ thân thương.

Câu chuyện “Người cha nhân hậu” là một trong những áng văn chương tuyệt vời nhất của Kinh Thánh.  Câu chuyện ấy nhấn mạnh tới lòng nhân hậu của Thiên Chúa, mà nhân vật người cha là biểu tượng.  Người cha tôn trọng tự do của người con thứ, sẵn sàng để nó ra đi.  Người cha ấy cũng luôn mong ngóng đợi chờ và vẫn tin chắc có ngày nó trở lại.  Sự trở về của người con là niềm vui lớn lao của người cha, đến nỗi ông mở tiệc tưng bừng để đón con trở về.  Bởi lẽ, như ông nói, con ông đã mất mà nay lại tìm thấy, đã chết mà nay đã sống lại.  Còn niềm vui nào lớn hơn là tìm thấy của cải đã mất và gặp lại người thân đã chết?  Vì thế mà niềm vui hội ngộ càng tưng bừng lớn lao.

Tuy vậy, nếu Thiên Chúa là cha bao dung nhân hậu, sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi của con người, thì con người lại hà khắc và cứng nhắc đối với nhau.  Mỗi người trong chúng ta đều đã có lần cảm nhận điều đó nơi chính bản thân và nơi những người xung quanh.  Có ba nhân vật trong câu chuyện Chúa Giêsu kể, cả ba nhân vật đều là nam giới.  Người con cả, từ lúc ban đầu xem ra là người tử tế, vì khi người con thứ đòi chia gia tài và bỏ nhà ra đi, thì anh vẫn ở lại với cha mình.  Tuy vậy, những gì anh nói với Cha, xem ra là những uất ức được dồn nén trong nhiều năm: “Cha coi, con ở với cha bao nhiêu năm….”  Người cha giật mình nhận ra, mặc dù thân xác đứa con cả vẫn ở với cha mình, mà tâm hồn nó lại xa vời vợi.  Nó phủ nhận tình huynh đệ máu mủ khi gọi em mình là “thằng con của cha kia.”  Người cha đau khổ nhận ra rằng, ông đã mất cả hai đứa con, mỗi đứa một cách khác nhau.

Nhân vật người con cả giúp chúng ta liên tưởng đến mối tương quan với tha nhân.  Nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng giống như người con cả, luôn cố chấp, ích kỷ và ôm mối hận thù.  Hình ảnh người con cả cho thấy một thái độ chủ quan tự tin, nghĩ rằng mình là người ngay thẳng và là người đạo đức, coi mình là tiêu chuẩn để đánh giá và phê phán người khác.  Cả ba nhân vật trong câu chuyện đều nhắn gửi đến chúng ta những thông điệp quan trọng: Thiên Chúa là Cha yêu thương.  Ngài nhân hậu bao dung và rộng lòng tha thứ.  Người con thứ tượng trưng cho người lầm lạc tội lỗi, nay quyết tâm chỗi dậy trở về để sống trong tình yêu thương của cha mình.  Người con cả là những người cố chấp và khó hòa đồng với những người xung quanh, thậm chí ngăn cản họ, không cho về với Chúa.  Cả người con thứ và người con cả đều cần phải trở về.  Cả hai đều phải tự vấn lương tâm về đời sống quá khứ của mình, đồng thời nhận ra Chúa nhân hậu bao dung, từ đó cố gắng sống tốt như người cha hằng mong muốn.

Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa với người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa.  Đó là điều người con thứ đã chuẩn bị sẵn để khi gặp cha sẽ nói.  Tuy vậy, người cha không để cho con nói hết những gì nó đã chuẩn bị.  Tình thương của Thiên Chúa mênh mông vời vợi, không cần những công thức, nhưng chan hòa như đại dương, phủ lấp những yếu đuối của phận người.

Chúng ta đã đi đến nửa chặng đường của Mùa Chay.  Lời mời gọi hòa giải lại vang lên, nhắc chúng ta lên đường trở về.  Thánh Phaolô năn nỉ chúng ta: “Vì Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hòa với Thiên Chúa” (Bài đọc II).  Hòa giải với Ngài sẽ đem cho chúng ta hạnh phúc và bình an, đồng thời tạo nên một cuộc sống trần thế an bình.  Niềm vui của hòa giải, được phụng vụ so sánh như niềm vui của người Do Thái đến đất hứa sau 40 năm hành trình sa mạc.  Họ không còn lang thang phiêu bạt nữa, nhưng được định cư ở miền đất Chúa hứa cho cha ông họ và được hưởng những thổ sản của địa phương.  Họ được chứng kiến những gì trước đây chỉ là lời hứa, nay thành hiện thực ngay trước mắt.  Họ như người con thứ trong Tin Mừng, được trở về nhà của mình, không còn là khách lạ (Bài đọc I).  Mỗi chúng ta cũng vậy, khi thành tâm sám hối, chúng ta được nối lại mối tình cha con đối với Chúa và mối tình huynh đệ đối với anh chị em mình.

Hãy sám hối!  Hãy trở về!  Lời gọi ấy đang vang lên trong đời sống và trong tâm hồn mỗi chúng ta.  Trở về với Chúa và trở về với anh chị em, đó chính là thông điệp được nhấn mạnh của Phụng vụ hôm nay.  Hiệu quả của Mùa Chay tùy thuộc vào thiện chí hòa giải đối với anh chị em mình.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

HAI CUỘC TRUYỀN TIN

Hôm nay lễ Mẹ truyền tin.  Lời Chúa dẫn đưa chúng ta đến một khung cảnh thật bình dị, ấm cúng nơi mái nhà nhỏ bé miền quê Nagiaret.  Nơi đó đã diễn ra một cuộc đối thoại lịch sử giữa sứ thần Chúa và cô thôn nữ Maria.  Sứ thần Chúa đã viếng thăm đột ngột.  Đột ngột quá nên chẳng có gì chuẩn bị từ tinh thần đến vật chất đối với cô Maria.  Sứ thần thì chủ động – Maria thì bối rối.  Lời sứ thần nói như đã được chuẩn bị chu đáo.  Còn Maria thì phân vân, đắn đo từng lời.  Sứ thần Chúa đã mang đến cho cô một thông điệp thật bất ngờ và quá cao vời.  Cao vời đến nỗi cô không dám nghĩ mình được phước đức như vậy?  Vì có bao giờ cô nghĩ rằng mình sẽ là Mẹ Đấng Cứu Thế?  Có bao giờ phận nữ nhi thường tình như cô lại được giao trọng trách cao quý như vậy?  Cô đã không dám tin điều đó.  Vì cô cảm thấy mình bất xứng và bất tài.  Thế nhưng, sứ thần Chúa đã trấn an cô.  Cô được chọn không vì tài năng hay sắc đẹp.  Cô được chọn vì cô hằng sống đẹp lòng Thiên Chúa.  Từ trời cao Chúa đã nhìn thấy tấm lòng cô.  Một tấm lòng thanh khiết vẹn tuyền.  Một tấm lòng bao dung độ lượng.  Một tấm lòng bác ái yêu thương.  Nhưng tất cả những phẩm chất đó vẫn không thể giúp cô hoàn thành chương trình của Thiên Chúa.  Cô phân vân và do dự.  Vì phận nữ nhi yếu đuối, vì việc phu thê cô chưa bước tới.  Sứ thần Chúa đã trấn an cô: “Thánh Thần Chúa sẽ ngự xuống trên cô, và quyền năng Chúa sẽ rợp bóng trên cô.”  Maria với tấm lòng quảng đại và niềm tín thác sắt son đã thưa vâng để chương trình Thiên Chúa được thực hiện.

Ngược lại, trước đó sáu tháng.  Cuộc đối thoại giữa sứ thần và Giacaria cũng diễn ra trong âm thầm, ấm cúng.  Sứ thần Chúa cũng đề nghị với Giacaria về việc Thiên Chúa sắp làm nơi ông.  Nhưng ông đòi dấu lạ.  Lòng tin của ông đòi bằng chứng.  Sứ thần Chúa đã để ông câm lặng, như dấu chỉ về những điều mà Thiên Chúa sắp làm cho gia đình ông.

Có thể thấy hai cuộc truyền tin nhưng hai thái độ khác nhau.  Maria thì tin vào quyền năng Chúa có thể thực hiện được mọi sự.  Giacaria thì hoang mang lo lắng.  Maria để Chúa thực hiện theo ý định của Chúa.  Giacaria đòi dấu lạ để kiểm chứng.  Chính hai thái độ đón nhận sứ điệp khác nhau nên kết quả cũng khác nhau.  Maria thì hết lời ngợi khen Chúa.  Giacaria thì câm nín.  Nhưng dầu trong cách đón nhận nào, thì Thiên Chúa vẫn thực hiện chương trình của mình trong sự cộng tác của con người.

Điểm chung của Maria và Giacaria chính là đời sống hằng đẹp lòng Thiên Chúa.  Dầu ở hoàn cảnh cô thôn nữ nhà quê hay một tư tế đền thờ.  Các ngài đã làm tất cả chỉ để đẹp lòng Chúa.  Các ngài đã sống hết mình với bổn phận bằng tình yêu nồng nàn với Chúa và tha nhân.  Cuộc sống của các ngài luôn rạng ngời biết bao hy sinh làm nên nhân đức.  Các ngài đã sống đẹp giữa dòng đời đến nỗi từ trời cao Thiên Chúa luôn hài lòng về các ngài.

Phải chăng đó cũng là cách sống chung của những người con cái Chúa?  Là người Ki-tô hữu chúng ta phải lan tỏa hương thơm bác ái cho anh em. Là người Ki-tô hữu chúng ta phải sống sao cho người khác nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa bằng chính đời sống yêu thương và phục vụ.  Khi chúng ta sống hết mình vì Chúa, Chúa sẽ làm tất cả những điều tốt đẹp xuống trên cuộc đời chúng ta, như chính Ngài đã nói: “Các con hãy lo tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn các sự khác Ngài sẽ ban cho sau.”  Điều đó Chúa đã thực hiện trên cuộc đời của Maria, của Giacaria.  Khi các ngài sống hết mình phụng thờ Chúa, thì Chúa lại làm biết bao điều cao siêu trên cuộc đời các ngài.

Nguyện xin Mẹ Maria là Đấng hằng đẹp lòng Thiên Chúa, xin cầu bầu cùng Chúa cho mỗi người chúng ta biết thể hiện nhân cách làm con cái Chúa qua đời sống bác ái yêu thương, qua đời sống thanh khiết vẹn toàn như Mẹ.  Amen!

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

MÙA CHAY – MÙA CỦA SÁM HỐI

Mùa Chay đang ở đây.  Mùa Chay không hẳn là thời gian ưa thích nhất trong năm phụng vụ đối với đa số tín hữu.  Mùa Chay kêu gọi ta chậm lại và nhìn lại, lượng giá sự tiến triển của mình trên cuộc lữ thứ trở về cùng Thiên Chúa, sự tiến triển của mình trong cuộc lên đỉnh núi Cát Minh.  Mùa Chay thách đố chúng ta nhớ rằng mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro.

Mùa Chay là quãng thời gian ăn chay và sám hối.  Đúng vậy.  Điều này tốt.  Ăn chay và sám hối nhắc chúng ta về tình trạng tội lỗi, giới hạn và xa cách của mình đối với Thiên Chúa.  Ăn chay và sám hối, hay các việc giữ chay khác, nhắc ta về nhu cầu của mình trong việc dốc lòng liên lỷ, hoán cải liên lỷ.

Trước công đồng Vatican II, đa số tu sĩ Cát Minh không mong mỏi mùa Chay vì nó là thời gian của ăn chay kiêng thịt.  Trừ Chúa Nhật ra thì tu sĩ Cát Minh giữ chay hàng ngày suốt mùa, và kiêng thịt ba ngày một tuần.  Tuy vậy, bài đọc thứ nhất và thứ ba cho Thứ Tư Lễ Tro nói rằng mùa Chay thật ra không hướng về những gì diễn ra “bên ngoài”, những phô diễn hình thức, dù chúng có thể đóng một vai trò nào đó, như đã đề cập ở trên.  Mùa Chay thực sự hướng về những gì diễn ra “bên trong”, về sự thống hối và hoán cải.

Trong bài đọc thứ nhất của Thứ Tư Lễ Tro trích từ ngôn sứ Joel, sống khoảng năm 375 trước công nguyên, có một trận dịch châu chấu mà Joel diễn giải như là cuộc tấn công cuối cùng của các thù địch Thiên Chúa nổi lên chống lại nhà Giuđa.  Vì thế ông kêu gọi sám hối và hoán cải để đẩy lui nạn dịch.  Lời kêu gọi sám hối và hoán cải này là lời hiệu triệu trong truyền thống Kinh Thánh để “quay ngược lại.”  Từ ngữ Do Thái được dùng ở đây (shub, hoặc metanoein trong tiếng Hi Lạp) là mệnh lệnh của một tướng lãnh ra lệnh cho quân của mình xoay người 180 độ, một bước đổi hướng ngược lại.

Như thế, sám hối hoặc hoán cải trong Kinh Thánh không phải chỉ là thực hiện một vài việc hình thức hoặc vài điều khoản tôn giáo, chẳng hạn ăn chay hay kiêng thịt, đọc thêm một số kinh, hoặc thậm chí làm việc từ thiện, dù những điều này không bị loại trừ.  Joel nói với chúng ta rằng sám hối thật sự đòi chúng ta xé lòng chứ không xé áo.  Sám hối là “trở về với Ta (Chúa) trọn tâm hồn.”  Và vì thế sám hối hay hoán cải theo nghĩa Kinh Thánh (shub, metanoein) là một cuộc đảo lộn triệt để, nghĩa là cuộc đảo lộn đến tận gốc rễ (radix) hoặc trái tim của con người, đến các chiều sâu của con người, các chiều sâu nơi ẩn nấp cái gọi là sarx, thường được dịch là “xác thịt.”  Sarx là con người cũ mà Thánh Phaolô nói đến, là bản ngã (cái tôi) bất an, tự yêu lấy chính mình, tự mê hoặc với mình, tự vấp té trên mình, tìm cách nắm bắt thần tính để bảo đảm sự tồn tại và độc lập của nó.  Sarx là bản ngã cũ có khuynh hướng chống lại việc từ bỏ chính mình hầu sống theo một bản ngã mới – Pneuma hay Thần Khí.  Sám hối liên quan đến việc cởi bỏ bản ngã cũ ấy và mặc vào bản ngã mới.

Tin Mừng của Thứ Tư Lễ Tro trích từ Mát-thêu chương 6 cho ta thấy đối với Đức Giêsu sám hối cũng mang ý nghĩa vượt xa những tuân giữ bên ngoài.  Đức Giêsu bảo chúng ta phải đề phòng việc phô diễn các việc đạo đức cho thiên hạ thấy mà khen ngợi.  Chúng ta không được giống như mấy ông biệt phái, những kẻ giả hình, chỉ thay đổi hình thức mặt mũi thôi.  Khi bố thí, chúng ta thậm chí không được để tay trái biết việc tay phải đang làm.  Chúng ta phải giữ kín các việc lành phúc đức, cầu nguyện nơi kín đáo, chải tóc cho ngay và rửa mặt cho sạch để không ai biết mình đang giữ chay.

Mùa Chay là một mùa của cơ hội lớn lao.  Nhưng là một mùa nhắc ta rằng Mùa Chay không chỉ là thời gian bốn mươi ngày.  Mùa Chay là một chiều kích cuộc đời của ta phải được hiện diện mỗi ngày.  Mùa Chay không hẳn là một mùa tạm thời cho bằng là một cách thức hiện hữu.  Mùa Chay là một con đường hiện hữu tự trút cạn chính mình (kenotic) mà chúng ta được mời gọi sống mỗi ngày.  Cả cuộc đời ta, chứ không phải chỉ bốn mươi ngày, phải là một đời xé lòng, tự vấn và thanh tẩy cái “bản ngã cũ” ấy, là cái có thể và thường tạo ra “ở bên ngoài” sự lẩn tránh, cái ảo ảnh rằng mình đang chết đi bằng các việc mang vẻ thống hối nhưng “bên trong” thì vẫn chứa đầy gian dối và giả hình.  Bên trong, bất chấp tất cả những hình thức và việc tuân giữ, “bản ngã cũ” vẫn là “bản ngã cũ” thôi, cái bản ngã trốn chạy và tránh xa một cuộc trở lại đích thực của tâm hồn, một sự sám hối thật sự, một sự buông mình thật sự cho Thiên Chúa.

Trong thời gian mùa Chay, chúng ta không được đánh lừa chính mình, lại càng không được cố lừa người khác.  Điều quan trọng nhất không phải là vẻ bên ngoài, cái người khác thấy.  Điều quan trọng nhất là cái xuất hiện bên trong “bản ngã” cũ, sâu trong tâm khảm chúng ta.  Điều quan trọng nhất là chết đi đối với “bản ngã cũ” để có thể chỗi dậy nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần mà vươn lên “bản ngã mới”, tạo thành mới, điều mà Chúa Cha qua quyền năng của Chúa Thánh Thần đã đạt được trọn vẹn trong việc làm cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết.

Có điều gì đó mang tính chất rất Cát Minh về mùa Chay, đặc biệt khi mùa Chay được xem không chỉ là một quãng thời gian bốn mươi ngày mà là một cách thức hiện hữu, một cách thức kenosis, một linh đạo của không ngừng trút cạn chính mình, trống rỗng trước mặt Thiên Chúa (vacare Deo) như phong trào Cải Tổ tại Touraine nói đến, hầu được đổ đầy Thần Khí của Đức Kitô phục sinh.

Fr. Donald Buggert, O. Carm
Professor Emeritus – Washington Theological Union

THIÊN CHÚA CẢM THƯƠNG

Từ ba tuần nay, chiến tranh bùng nổ tại Ucraina, một phần đất của Liên Xô cũ.  Quốc gia gây hấn là Liên bang Nga.  Đây là một cuộc chiến không cân sức, giữa một cường quốc và một đất nước nhỏ bé.  Sau ba tuần kể từ khi chiến dịch quân sự do Nga phát động, máu người vô tội chảy khắp nơi.  Hàng triệu người dân Ucraina phải rời bỏ nhà mình đang ở để đi lánh nạn ở các nước láng giềng.  Không ai nghĩ máu chảy đầu rơi một cách thảm khốc trong một thế giới hiện đại và tự coi là văn minh.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã thân hành đến trước đại sứ Nga ở Rôma để phản đối chiến tranh và kêu gọi: hãy dừng lại.  Cả thế giới đều chăm chú theo dõi cuộc chiến.  Các tổ chức quốc tế đều can thiệp và mong muốn cuộc chiến tranh này sớm kết thúc.  Con người đang huỷ diệt chính mình và huỷ diệt tương lai.

Với Đức tin và lòng phó thác nơi Thiên Chúa, người Kitô hữu chúng ta cùng cầu nguyện.  Xin Chúa soi sáng các nhà lãnh đạo các quốc gia để cùng nhau đối thoại và xây dựng hoà bình.  Lời Chúa của Chúa nhật thứ ba Mùa Chay giới thiệu với chúng ta: Thiên Chúa là Đấng cảm thương trước nỗi thống khổ của con người.  Trong bụi gai rực lửa, Chúa tỏ cho ông Môisen biết ý định của Ngài, là sẽ giải phóng dân Do Thái, để đưa họ đến miền đất Ngài đã hứa cho ông Abraham và dòng dõi ông.  Bài đọc I trích sách Sáng thế cho thấy đây là lần đầu tiên Thiên Chúa mạc khải cho con người về danh xưng của Ngài.  Ngài vừa là “Đấng Tự Hữu”, có nghĩa là Đấng quyền năng, không phải do bất cứ ai tạo thành.  Ngài cũng là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp, nghĩa là Đấng đã hành động trong lịch sử và đã thực hiện những điều tốt lành đối với các Tổ Phụ.  Khi xưng mình là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp, Thiên Chúa diễn tả lòng từ bi của Ngài.

Nếu Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, thì con người phải sám hối để xứng đáng đón nhận lòng xót thương của Ngài.  Lời mời gọi sám hối được nhắc đi nhắc lại bởi chính Chúa Giêsu.  Sám hối là từ bỏ tội lỗi, chân thành canh tân đổi mới cuộc đời.  Tâm lý thông thường, chúng ta hay để ý đến những điều xảy ra rồi bình luận theo cái nhìn thiên kiến của mình.  Hai sự kiện được Chúa nêu, là sự kiện Philatô tàn sát những người Galilêa và tháp Siloê sập đổ đè chết người.  Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, những gì xảy ra chung quanh chúng ta đều là những lời cảnh báo và kêu gọi chúng ta hãy nhìn lại mình.  Bên cạnh chúng ta, bất kỳ lúc nào cũng có thể có những Philatô tàn sát và những cây tháp đổ sập.  Nơi khác trong Tin Mừng, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy luôn tỉnh thức sẵn sàng, vì không biết ngày nào giờ nào là lúc lâm chung của chúng ta.  Những ai tỉnh thức và sám hối sẽ không bị bất ngờ khi Chúa đến.

Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.  Đó cũng là nội dung của Thánh vịnh 102 được hát trong phần Đáp ca.  Ngài là Đấng nâng đỡ những người bị áp bức.  Ngài giải phóng những người tù tội và ban ơn cho hết thảy chúng sinh.  Mùa Chay nhắc cho chúng ta tình thương bao la của Chúa, đồng thời sám hối ăn năn để xin Chúa ban những ơn cần thiết, nhờ đó chúng ta có thể vượt qua những thử thách gian nan trên đường đời.

Thánh Phaolô nhìn sự kiện ra khỏi Ai cập với con mắt đức tin, để khẳng định: Chúa vẫn đang tiếp tục dẫn dắt chúng ta ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi, không còn qua những trung gian hay phương tiện của thời Cựu ước xa xưa, nhưng nhờ Chúa Giêsu.  Thời nào cũng vẫn có những người cứng lòng bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa.  Người Kitô hữu phải học bài học của lịch sử, để nghiệm thấy rằng, mỗi chúng ta đều phải thận trọng khôn ngoan.

“Ta đã thấy nỗi thống khổ của dân Ta.”  Chúng ta hãy cầu xin để nỗi thống khổ của những nạn nhân chiến tranh, ở Ucraina và trên thế giới, vang đến Chúa.  Xin Ngài ra tay cứu giúp và ban cho thế giới được hoà bình.  Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ đọc Kinh Truyền tin trưa Chúa nhật, ngày 13-3 vừa qua đã nói: “Với nỗi đau tận trái tim, tôi hợp với tiếng nói chung, kêu gọi hãy chấm dứt chiến tranh.  Nhân danh Chúa, hãy lắng nghe tiếng kêu của những người đau khổ và chấm dứt các vụ đánh bom và tấn công…  Nhân danh Thiên Chúa, tôi kêu gọi: hãy dừng cuộc thảm sát này!”

Chiến tranh không phải là hình phạt của Thiên Chúa.  Chiến tranh đến từ sự kiêu ngạo và ích kỷ của con người.  Chiến tranh đi ngược lại với giáo huấn của Chúa Giêsu.  Từ cuộc chiến tranh quân sự, chúng ta liên tưởng tới những xung đột trong gia đình, trong cộng đoàn và trong môi trường xã hội.  Sám hối đích thực là cố gắng góp phần xoá bỏ những xung đột ấy, nhờ ơn phù trợ của Thiên Chúa.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

SẮC MÀU CỦA TÌNH YÊU

Những ngày cuối Mùa Chay, tiếng gọi từ thập giá càng tha thiết hơn.  Nhìn lên Thánh giá, hơn hai ngàn năm rồi một thân xác bị kéo căng hình chữ ‘Y’, nằm trên “chiếc giường” chữ ‘T.’  Hai mẫu tự đó là bản di chúc Tình Yêu của Con Thiên Chúa để lại cho trần gian.  Thiên Chúa có nhiều sáng kiến để bày tỏ tình yêu với nhân loại, khi thì như cha mẹ yêu thương con cái, lúc lại như người chồng yêu thương vợ.  Ngược lại tình yêu con người dành cho Thiên Chúa chỉ là sự hời hợt, hay thay đổi.  Sở dĩ nói thế, vì đọc Kinh thánh họa hiếm lắm mới thấy tình yêu Thiên Chúa được đáp trả thay vì luôn bị bội phản.  Chúng ta cùng tìm hiểu điều này.

Thiên Chúa thương yêu con người như cha mẹ yêu thương con

Trong Kinh thánh ta thấy nhiều lần Thiên Chúa đến với con người bằng tư tưởng, hành động như cha mẹ trần gian cư xử với con cái: “Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11, 4).  Hay lúc khác ta bắt gặp hình ảnh ân cần: “Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối.  Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Is 66, 12-13)Vì yêu thương, muốn gần gũi con người Thiên Chúa đã cúi xuống, tìm đến chăm sóc cho con người như bao cha mẹ vẫn yêu chiều: nựng trẻ thơ, nâng lên, áp má, đút cho ăn, bồng ẵm… những cử chỉ đầy tính biểu cảm, thân thương và gần gũi đối với bất cứ ai trong chúng ta.

Cũng bằng tâm tình cha mẹ trần gian yêu thương con mình sinh ra, nhưng tình yêu của Cha trên trời là khối tình phổ quát: “Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao” (Tv 103, 11).  Hình ảnh người Cha là sự vững chắc, an toàn, nâng đỡ con trước gió mưa cuộc đời.  Còn tình yêu của mẹ thì dịu dàng, bao dung, nhẫn nại.  Mỗi khi con lỗi phạm, lỡ bỏ nhà đi và muốn trở về thì người nó tìm gặp trước tiên luôn là mẹ.  Vì nó biết, một khi thốt ra lời xin lỗi mẹ sẽ mở rộng vòng tay ôm con vào lòng.  Dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” (x. Lc 15, 1-32) là bằng chứng minh nhiên cho tình yêu vô điều kiện của Cha trên trời.  Thiên Chúa còn thể hiện tình yêu đối với con người theo cách nào nữa?

Thiên Chúa yêu con người tựa tình yêu nam nữ

Đối với người trẻ cách bày tỏ tình yêu rất phong phú và khi yêu họ cũng thích đưa ra những triết lý, quan niệm độc lạ: “Yêu là thành toàn, yêu là hy sinh, yêu chính là con thiêu thân lao vào lửa…”  Nhìn lên Thập giá chúng ta cũng nhận thấy rõ sự thành toàn, sự hy sinh Thiên Chúa dành cho nhân loại.  Chỉ khác một điều, Ngài lao vào lửa chính là để kéo những con thiêu thân dại khờ ra khỏi cái chết vô nghĩa.

Tình yêu Thiên Chúa đôi khi cũng lãng mạn lắm! “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2, 16) và nếu cần mạnh mẽ thì cũng khó ai sánh bì: “Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần” (Dc 8, 6).  Đôi lúc Kinh thánh diễn tả Thiên Chúa yêu con người như người chồng yêu vợ, khi ân cần, nhẹ nhàng, lúc dữ dội tưởng không gì ngăn được: “Nước lũ không dập tắt được tình yêu” (Dc 8, 7) nhưng lại có lúc lạnh lùng dứt đoạn tình nghĩa chỉ vì ghen.  Thiên Chúa là vị thần hay ghen (Xh 20, 5).

Trong tình yêu ghen tuông vừa phải sẽ là gia vị khiến tình cảm hai người thêm sâu sắc và qua đó biết trân trọng nhau hơn.  Còn dưới con mắt các nhà tâm lý, ghen là biểu hiện của sự lo sợ, sợ cho mình, sợ người mình yêu đi theo người khác.  Tính ghen nơi Thiên Chúa thì khác.  Điều Ngài lo sợ hơn cả là sợ bản tính con người yếu đuối, không đủ khôn ngoan phân biệt chính tà mà theo lầm chủ xấu.

Trường hợp Giuđa It-ca-ri-ốt là một điển hình.  Chắc chắn Đức Giêsu không lầm, vì trước khi chọn ông Ngài đã lên núi cầu nguyện suốt đêm (x.Lc 6, 12-16).  Vậy cái sai chỉ có thể là do sự chọn lựa của Tông đồ Giuđa mà thôi.  Được Thầy và anh em tín nhiệm trao cho làm quản lý, nhưng thay vì chứng tỏ cho mọi người thấy mình xứng đáng với tình yêu của Thầy.  Giuđa lại có hành động của kẻ cắp (x.Ga 12, 5-6), một sự phản bội trắng trợn.

Thế nên ta cần hiểu cái ghen của Thiên Chúa không là dấu chỉ sự bất toàn, nhưng diễn tả sự cao sâu trong tình Ngài yêu.  Mỗi lần con người phản bội, Thiên Chúa giáng phạt ‘ba bốn đời’, nhưng phần thưởng cho ai trung tín lại là ‘nhân nghĩa đến ngàn đời.’  Thiên Chúa yêu con người vì tình yêu chính là thuộc tính của Ngài.  Cũng như ngọn lửa, bản chất của nó là tỏa sáng và phát ra hơi nóng, nếu không như vậy nó không còn là lửa nữa.

Nếu nghĩ rằng tình yêu Thiên Chúa là cái gì đó huyền nhiệm khó hiểu, bạn có thể nhờ đến Kinh Thánh.  Quả thực Kinh thánh luôn là nơi cung cấp những chất liệu tốt nhất giúp ta cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa.  Tình yêu ấy đã được hiện tại hóa trên thập giá từ ngàn xưa không cần chứng minh.  Về phần con người cần đáp trả lại tình yêu ấy thế nào để không trở thành kể bội nghĩa, bất trung.  Chúng ta hãy dùng hành động thay cho mọi ngôn từ, trong tương giao với mọi người luôn: vui vẻ khi người khác làm phiền, lạc quan trước thử thách, giữ vững niềm tin trước thất bại, biết nói không với tên phản trắc, dối lừa luôn rình rập lôi kéo…  Đó cũng là ta đã vác thập giá mình hàng ngày mà bước theo Thầy Giêsu vậy.

Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu

NGÀI VẪN ĐI TÌM

Soren Kierkegaard, một nhà triết và thần học người Đan Mạch, đã diễn tả cuộc đi tìm con người tội lỗi của Thiên Chúa như sau, và tôi xin tạm dịch từ đoạn văn của ông:

“Khi đặt câu hỏi về con người tội lỗi.  Thiên Chúa không chỉ đứng dang tay và nói, “Lại đây,” không, Ngài đứng đó và chờ, như một người Cha chờ sự trở về của đứa con hoang đàng, nhưng đúng hơn, Ngài không chỉ đứng đó chờ.

Ngài đi tìm kiếm, như người chủ chăn đi tìm con chiên lạc, như người phụ nữ đi tìm đồng bạc đã bị mất.  Ngài đi – còn hơn thế nữa, Ngài đã đi đoạn đường vô tận, xa hơn bất cứ người chăn chiên nào, hay người phụ nữ nào đi tìm đồng bạc.  Thật ra Ngài đã đi một quãng đường dài vô tận từ một Thiên Chúa hạ mình xuống làm một con người, Ngài đã chọn đi con đường đó để đi tìm người tội lỗi.”

Câu chuyện của ba chị em Mác-ta, Maria, và La-za-rô (Ga 11:1-45) là câu chuyện của những người đã từng biết Đức Giêsu và yêu Ngài.  Họ rất quen thân với Ngài và Ngài thường lui tới nhà của họ để dùng bữa (Lc 10:38-42).  Khi La-za-rô lâm bệnh nặng, họ cho người đi báo với Đức Giêsu, “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng,” nhưng khi Ngài đến thì La-za-rô đã chết.  Khi biết tin Đức Giêsu đến, Mác-ta và Maria ra gặp Ngài, và hai cô đã thốt lên một câu nói mang nhiều nuối tiếc và trách móc, “Thưa Thầy, nếu Thầy có ở đây, em con đã không chết.”  Có lẽ vì ở chỗ thân tình nên Mác-ta và Maria đã trách Đức Giêsu sao Ngài không đến ngay khi hai cô cho người đi báo tin về bệnh tình của La-za-rô.  Trong những năm qua, có lẽ hai chị em Mác-ta và Maria đã theo Đức Giêsu đi nhiều nơi, và tất hẳn đã chứng kiến những phép lạ Ngài đã làm trong sứ mạng rao giảng tin mừng của Ngài.  Vì vậy khi người em La-za-rô lâm bệnh nặng, họ đã cho người đi báo cho Đức Giêsu trong niềm tin tưởng Ngài sẽ chữa lành cho La-za-rô.  Nhưng khi Đức Giêsu đến thì La-za-rô đã chết được bốn ngày, và họ đã mất tin tưởng về sự hồi phục đời này của em họ.

Một điểm chúng ta cần để ý đến ở đây là Mác-ta và Maria vẫn tin tưởng vào quyền năng chữa lành của Đức Giêsu.  Họ đã thấy và tin, nhưng khi đến biến cố của chính họ, cái gì đó đã ngăn trở Mác-ta và Maria tin vào quyền năng của Đức Giêsu.  Ngay cả khi Đức Giêsu đến và nói với họ “Em chị sẽ sống lại”, Mác-ta đã thưa lại “Con biết em con sẽ sống lại ngày sau hết.”  Ngài biết Mác-ta vẫn chưa hiểu Ngài muốn nói gì, và Ngài ôn tồn nhắc cho Mác-ta biết Ngài là ai, “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, những ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.  Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ chết.  Chị có tin thế không?”  Nhưng Mác-ta vẫn chưa hiểu ý Ngài và cô đã tuyên xưng đức tin của mình.  Ngay cả khi Đức Giêsu cùng các môn đệ đi với Mác-ta và Maria đến trước cửa mộ của La-za-rô, Ngài nói với họ “Đem phiến đá này đi,” Mác-ta vẫn chưa hiểu điều Ngài muốn làm, và Mác-ta vẫn chưa tin vào quyền năng làm cho kẻ chết sống lại của Đức Giêsu, và cô nói “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày.”  Đã ba lần Đức Giêsu muốn cho Mác-ta và Maria thấy quyền năng cao cả của Ngài và Ngài muốn ban cho hai chị em là những người Ngài thương mến một phép lạ lớn hơn những gì họ đã từng thấy, nhưng ba lần Mác-ta đã không nhận ra điều đó.  Mặc dầu, Mác-ta không hiểu Ngài, nhưng vì yêu thương, Đức Giêsu vẫn tiếp tục ban cho Mác-ta và Maria một phép lạ chưa ai từng thấy bao giờ, đó là làm cho La-za-rô sống lại sau bốn ngày chôn trong mồ.

Trong cuộc hành trình nội tâm của mỗi người chúng ta với Đức Kitô cũng vậy.  Lắm lúc khi chúng ta theo Ngài, biết Ngài, và yêu Ngài từ lâu như hai chị em Mác-ta và Maria, và chúng ta cũng đã từng chứng kiến những phép lạ Ngài làm cho những người xung quanh và những người trong gia đình, nhưng khi chúng ta gặp những vấn nạn trong cuộc đời (tâm linh hoặc thể chất), những lúc chúng ta cần Ngài nhất, chúng ta lại quên đi quyền năng của Ngài.  Những lúc đen tối nhất trong cuộc đời của chúng ta, vì yêu thương Ngài đến và muốn ban cho chúng ta một cái gì đó lớn lao hơn và khác với những gì chúng ta đã từng quen thuộc, chúng ta lại sợ hãi.  Chúng ta lại có nhiều ưu tư, và những sợ hãi và ưu tư đó cản trở chính con người chúng ta biết mở lòng để đón nhận những món quà vô giá của Ngài. 

Chúng ta vô tình giới hạn Ngài trong cái khuôn nhỏ bé của mình, trong sự hiểu biết hạn hẹp của chúng ta.  Tuy Mác-ta và Maria không thấy món quà Ngài muốn ban cho họ, nhưng điều đó không cản trở Ngài làm điều Ngài muốn cho họ vì họ luôn ở với Ngài.  Cái mà Ngài muốn ban cho Mác-ta và Maria đều nằm trong sự quan phòng của Ngài vì thế Ngài đã lưu lại nơi Ngài ở thêm hai ngày nữa, “sau khi được tin anh La-za-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở.”  Trong trường hợp của chúng ta cũng vậy, lắm lúc chúng ta không hiểu những điều Ngài muốn làm trong cuộc sống của chúng ta, nhưng nếu chúng ta ở trong Ngài, thì Ngài sẽ làm những điều Ngài muốn nơi chúng ta trong sự quan phòng của Ngài.  Điều quan trọng là chúng ta phải xin ơn để luôn ở trong Ngài vì chúng ta biết lúc gặp mưa gió trong đời là lúc chúng ta dễ ra khỏi Ngài nhất.

Trong câu chuyện này, Đức Giêsu biết những sự dữ đang vây phủ Ngài ở Giêrusalem, nhưng vì yêu thương La-za-rô, và hai chị em Mácta và Maria, Ngài vẫn đến vì Ngài biết các chị em họ đang cần Ngài.  Trong cuộc hành trình của chúng ta với Ngài cũng vậy, những lúc chúng ta đau khổ và cần Ngài nhất, Ngài luôn ở đó bên ta và đồng cảm với chúng ta.  Khi chúng ta đi tìm chính mình, Ngài ở đó với chúng ta.  Khi chúng ta lo lắng về con cái, Ngài cũng ở bên ta chia sẻ niềm lo lắng đó.  Khi chúng ta đau ốm hay già nua, Ngài cũng bên ta và chịu đựng những hạn hẹp của thân xác và giới hạn của tuổi già.  Ngài khóc với chúng ta khi chúng ta khóc.  Ngài buồn khi chúng ta sầu khổ.  Ngài thương tiếc những sự mất mát của chúng ta như Ngài khóc thương sự mất mát của Mác-ta và Maria, và Ngài đã đến để xoa dịu những mất mát đó.  Mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể là thế đó.  Ngài chẳng bao giờ rời chúng ta vì Ngài đã đi đoạn đường dài vô tận để tìm, đến và ở với chúng ta, để cảm thông với nỗi khốn khổ của con người.

Lạy Chúa xin dạy con biết luôn ở bên Ngài mặc dầu lắm lúc con không hiểu Ngài dạy con điều gì.  Xin níu kéo con lại nếu con đi xa Ngài trong những lúc con chưa thấy được quyền năng và sự quan phòng của Ngài.  Xin dạy con mở lòng để đón nhận sự cao thượng của Ngài muốn ban cho con vì con hay thích đóng khuôn Ngài vào những sự hiểu biết hạn hẹp của con.  Mùa Chay Thánh này, xin cho con ơn được gặp Ngài vì Ngài đã đi đoạn đường dài vô tận để tìm con. Amen!

Củ Khoai 

ĐẤNG TRUNG TÍN

Một trong những phẩm tính của Thiên Chúa được Kinh Thánh nhấn mạnh, đó là sự trung thành của Ngài.  Thiên Chúa là Đấng tín trung.  Điều này đã được lịch sử chứng minh.  Kinh Thánh chính là cuốn sách về lòng tín trung của Thiên Chúa.

Tín trung, hay trung thành, là luôn giữ những gì mình đã hứa, trước sau như một, dù có phải thiệt thòi hệ luỵ.  Trong lịch sử, khi thiết lập mối tương quan với con người, Chúa đã khởi đầu bằng giao ước với ông Abraham.  Đây là giao ước đầu tiên Thiên Chúa ký kết với con người.  Một vị Thần linh cao cả mà lại đi ký giao ước với con người!  Đó là điều không tưởng theo suy luận trần thế, nhưng là một điều kỳ diệu của tình thương.  Bởi lẽ ở đời, người ta chỉ ký kết hợp đồng giữa các đối tác tương đương về khả năng tài chính hoặc ảnh hưởng quyền lực.  Một người có số vốn một ngàn tỷ đồng chẳng bao giờ ký hợp đồng làm ăn với người chỉ có vốn vài trăm triệu đồng.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng ngôn ngữ của giới kinh doanh để nói rằng, Thiên Chúa đầu tư luôn luôn chấp nhận lỗ và thua thiệt.  Thiên Chúa là Đấng cao cả.  Abraham chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt, đến người nối dòng còn chẳng có vào lúc gần đất xa trời.  Ấy vậy mà Chúa lại ký kết giao ước với ông, đồng thời hứa hẹn với ông những điều ông không dám mơ ước: đó là một dòng dõi (Dân tộc) và một quê hương (Đất hứa).

Và thế là, từ đời nọ đến đời kia, Chúa luôn trung thành giữ giao ước của Ngài.

Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể đến trần gian để thiết lập giao ước mới.  Nói cách khác, Người đến trần gian để đưa giao ước này lên một tầm cao mới.  Qua Đức Giêsu, mối tương quan Thiên Chúa – Nhân Loại không còn phải qua trung gian như thời xưa nữa, tức là thời của ông Môisen và ông Êlia.  Con người có thể được gặp gỡ trực tiếp Thiên Chúa, “ai thấy Thầy là thấy Cha” (x. Ga 14,9).  Cuộc biến hình trên núi mà cả ba tác giả Tin Mừng Nhất lãm đều kể lại, chính là một bằng chứng về lòng trung thành của Thiên Chúa.  Những gì Thiên Chúa trong Cựu ước đã ngỏ lời qua truyền thống Lề luật (ông Môisen) và truyền thống Ngôn sứ (ông Êlia) nay đã được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu nhân độ thế.  Đức Kitô vừa là Ngôn sứ vừa là Lề Luật.  Kitô giáo tách ra khỏi truyền thống Do Thái, nhưng không đi ngược lại với truyền thống đó.  Do Thái giáo, hay truyền thống Ngôn sứ và Lề luật nay đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử.  Hình ảnh ông Môisen và ông Êlia đàm đạo với Chúa Giêsu, như một gạch nối và chuyển giao giữa Cựu ước và Tân ước.

Nếu như Thiên Chúa là Đấng trung tín, thì con người lại dễ dàng phản bội.  Lịch sử Cứu độ ghi lại những bất trung của dân riêng.  Đã bao lần Thiên Chúa yêu thương bao bọc và chở che tha thứ, nhưng con người vẫn chống lại Ngài.  Không chỉ lịch sử Do Thái, mà là lịch sử nhân loại, là chính chúng ta, những con người sống ở mọi nơi mọi thời cũng đang có khuynh hướng chống lại Thiên Chúa, khi vô tình hay hữu ý phá vỡ chương trình của Ngài.  Con người từ khởi đầu luôn có khuynh hướng kiêu ngạo chống lại Thiên Chúa và có ý định phản loạn.  Tội lỗi chính là sự phản loạn ấy.  Tội lỗi cũng là sự bất trung.  Tội lỗi gây hậu quả huỷ diệt chính bản thân mình.

Ba môn đệ gần gũi với Thầy Giêsu, là ông Phêrô, Gioan và Giacôbê, đã trải qua kinh nghiệm biến hình.  Các ông được chiêm ngưỡng Chúa như Người là, tức là được chiêm ngưỡng Người trong chính vinh quang do bản tính Thiên Chúa của Người.  Những lúc thông thường khác trong cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã ẩn vinh quang của Người.  Trên núi cao, Người đã tỏ bày vinh quang cho các ông thấy, như một lời hứa hẹn và khích lệ để khẳng định với các ông: nếu các ông trung tín với Thày, các ông sẽ được chia sẻ vinh quang với Thày.  Trên núi cao, một cuộc thần hiện (Epiphany) kỳ diệu đã diễn ra: lời Chúa Cha khẳng định: Đây là Con Ta yêu dấu, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người.”  Lời này đã vang lên lúc Đức Giêsu chịu phép Rửa ở sông Giordan, để dân chúng nghe thấy và nhận biết Đấng Messia (x. Mt 3,17).  Lời này hôm nay lại vang lên trên đỉnh núi, trong giờ phút Chúa Giêsu biến hình, như một nhắc nhở: hãy trung tín với Người.

Mùa Chay là thời điểm lắng đọng tâm hồn, để tôn vinh Thiên Chúa là Đấng tín trung trong lịch sử nhân loại và lịch sử cá nhân mỗi người.  Mùa Chay cũng là thời điểm tự vấn lương tâm, để soi xét về lòng trung thành của người tín hữu đối với Chúa và đối với tha nhân.  Thánh Phaolô đau lòng ứa lệ khi thấy có những tín hữu bất trung.  Họ không tìm Thiên Chúa, mà chỉ tìm những gì dễ dãi cho đời mình.  Vinh quang và lý tưởng của họ là những thứ chóng qua.  Người yêu mến Chúa sẽ tìm vinh quang thượng giới, là hạnh phúc vững bền.  Chính lòng yêu mến và trung thành sẽ giúp chúng ta biến đổi cuộc đời, trở nên con người mới, mặc lấy Đấng Phục sinh, sáng láng tinh tuyền và vinh quang thánh thiện, như Đấng đã biến hình trên núi năm xưa.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

YÊU THƯƠNG KHI TRẺ BƯỚNG BỈNH

Hằng ngày người cha vẫn đứng tựa cửa, đăm chiêu nhìn xa xăm như tìm kiếm con trai mình.  Thất vọng.  Đau khổ.  Có vẻ như không phải hôm nay.  Không phải hôm nay.  Nhưng một ngày nào đó, có thể nó sẽ trở về.  Cứ thế, người cha cô độc vẫn chờ đợi.  Mong mỏi, cầu nguyện và hy vọng.

Dụ ngôn “đứa con hoang đàng” trong trình thuật Lc 15:11–32 bây giờ mang ý nghĩa mới đối với tôi. Dụ ngôn không gọi là “đứa con hoang đàng” nữa, mà là “người cha nhân hậu.”  Tôi không tập trung nhiều vào đứa con nữa.  Tôi tập trung vào người cha.  Theo dõi ông.  Học tập ông.  Noi gương ông.

Tại sao vậy?  Bởi vì hiện nay tôi đặt mình vào vị trí của người cha – mòn mỏi vì lo lắng, thắc mắc, và kiệt sức.  Đáng lo là đứa con mất đức tin, và không biết khi nào nó trở về.  Người cha mòn mỏi vì phải chờ đợi đứa con quá lâu!

Đọc lại câu chuyện này với cái nhìn mới đã giúp tôi phát hiện các nguyên tắc mà trước đây tôi không biết.  Thiết tưởng các nguyên tắc này cũng khả dĩ giúp ích cho những người cha đang mòn mỏi vì con.

1. Giải thoát (Lc 15:11–13)

Khi đứa con đòi chia tài sản, tôi đã cảm thấy khó chịu vì người cha không hề từ chối.  Ông cũng không phân tích điều hơn lẽ thiệt, mặc dù ông có thể làm vậy.  Ông dễ dàng chấp nhận điều kiện của đứa con.

Sau khi chấp nhận chia gia tài, ông cho đứa con ra đi cho thỏa chí tang bồng.  Ông giải thoát nó, để nó chịu trách nhiệm về tương lai và hệ quả mà nó đã tự chọn lựa – dù tốt hay xấu.  Một lúc nào đó, cha mẹ nào cũng cần cách giải thoát này.

Theo cách của người cha trong dụ ngôn, tôi chấp nhận cho con tôi đi theo lối riêng của nó (với sự khôn ngoan và mối quan tâm trong phạm vi cho phép).  Tôi đã phải để nó đi theo quyết định của nó – dù tốt hay xấu – và trải nghiệm cuộc sống, cả đau khổ và vui mừng.  Nó có thể khám phá cả cái đẹp và cái xấu, đồng thời cũng phải tự chịu trách nhiệm.

2. Chấp nhận (Lc 15:14–16)

Đứa con đã quyết định tồi tệ – rất tồi tệ.  Người cha cho phép nó, hoàn toàn tự do, làm gì tùy ý.  Nó đã sống buông thả, sa đọa, tội lỗi, trụy lạc, hư hỏng, gặp chăng hay chớ.  Cuối cùng, nó trắng tay và thất vọng.

Giống như đứa con hoang đàng, con cái của chúng ta cũng được tạo dựng có ý muốn.  Chúng có cách chọn lựa riêng, có cách phân biệt điều tốt và điều xấu, điều phúc và điều tội, Thiên Chúa và ma quỷ.  Thiên Chúa có quyền trên ý muốn của chúng, nhưng cha mẹ không có quyền đó.

Rất khó, nhưng tôi đã chấp nhận.  Tôi chấp nhận nó có tự do chọn lựa.  Tôi không thể làm khác, bởi vì tôi biết nó có thể, và hy vọng vào ơn Chúa, một ngày nào đó nó sẽ trở về, sống ngoan ngoãn và đạo đức.

3. Xác nhận (Lc 15:17–19)

Đứa con hoang đàng đã rơi xuống đáy cuộc đời, không biết thời gian lâu hay mau.  Nhưng tội lỗi của nó đã làm cho nó thất vọng và đau khổ.  Chỉ khi đó nó mới “biết mình là ai.”  Cuối cùng, nó đã thức tỉnh, bắt đầu nhớ nhà và khao khát cảnh gia đình êm ấm ngày xưa.

Khi biết nó sống xả láng, lãng phí tài sản và cuộc đời, có lẽ người cha đã quỳ gối cầu nguyện rất nhiều cho nó, và phó thác nó cho lòng thương xót của Thiên Chúa.  Tôi cũng cầu nguyện cho con tôi, xin cho nó hồi tâm và tỉnh ngộ.  Tôi cầu xin Chúa Thánh Thần đánh động nó và dẫn nó trở về đường ngay nẻo chính, để được tha thứ và được phục hồi.

4. Chờ đợi và đón nhận (Lc 15:20)

Hằng ngày người cha vẫn chờ đợi, trông mong, cầu nguyện và hy vọng.  Ước gì các bậc cha mẹ cũng kiên trì cầu xin Thiên Chúa và được tràn đầy Thần Khí.

Tôi lại cảm thấy “khó chịu” với cách phản ứng của người cha khi “thằng con trời đánh” kia trở về.  Lòng trắc ẩn đã đẩy người cha đi tới phía đứa con khi nó ở bước đường cùng.  Vòng tay ông rộng mở, đầy tình yêu thương.  Trái tim ông đập nhịp yêu thương dồn dập.  Không trách mắng nó, không chì chiết, không nguyền rủa, không giận dữ.  Còn chúng ta thì sao?  Chắc hẳn chúng ta trợn mắt và quát: “Tao tưởng mày đi luôn, không về đây nữa . Mày ngon mà!  Sao không đi luôn đi?  Ra khỏi nhà là thất nghiệp, vắng cha mẹ thì chết đói.  Cá không ăn muối cá ươn mà!”

Tôi cầu xin cho tôi biết phản ứng với lòng yêu thương, tha thứ và đón nhận.  Tôi phải bỏ đau khổ qua một bên trong lúc đó.  Nhờ ơn Chúa, tôi sẽ ôm con tôi trong vòng tay nhân hậu, tha thứ và yêu thương vô điều kiện.

5. Vui mừng (Lc 15:22–23, 32)

Đứa con hoang đàng trở về, ăn năn tội lỗi.  Nó được phục hồi ơn cứu độ mà nó đã đánh mất.  Nó đã chết mà được sống lại và trở về nhà.  Thực sự đó là điều đáng vui mừng lắm.  Làm sao có thể cư xử khác được chứ?

Thiết tưởng đây là thông điệp của dụ ngôn này: Vui mừng đón nhận chứ không kết án đối với một người lầm lạc trở về vì ăn năn sám hối, đó là tặng phẩm ân sủng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Ep 2:8–9). Như vậy, họ đã tìm ra con đường về nhà qua vòng tay yêu thương và tha thứ của người cha, con chiên lạc đã trở về đúng ràn chiên.

Tôi có thể làm gì khi đứa con hối hận và trở về?  Tôi cũng sẽ vui mừng đón nhận với lòng tha thứ và yêu thương.  Không thể làm gì khác hơn nữa!

Denise Kohlmeyer
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ DisiringGod.com)