MẸ LÀ MÙA XUÂN

Ôi Maria, Mẹ là Mùa Xuân ánh sáng
Mẹ là cửa son đền vàng
Bến lành vào Quê Bình an (Mẹ là Mùa Xuân – Hùng Lân)

Mùa xuân luôn mang một hình ảnh đẹp đẽ thân thương.  Mùa xuân vừa ấm áp, vừa vui tươi và đầy ắp hy vọng.  Mỗi khi mùa xuân về, lòng người cảm thấy hân hoan phấn khởi.  Niềm vui của mùa xuân vừa mang nét đẹp của đất trời giao kết, vừa đậm tình nhân ái của con người.  Giữa biết bao danh xưng Giáo Hội dùng để tôn vinh thiên chức cao cả của Đức Trinh nữ Maria, người tín hữu ca tụng Đức Mẹ là Mùa Xuân.  Đây là một danh xưng rất có ý nghĩa, giúp chúng ta nhận ra sứ mạng cao cả của Trinh nữ Maria trong chương trình của Thiên Chúa, và vai trò của Mẹ trong đời sống người Kitô.

Mùa xuân là biểu tượng của sự canh tân đổi mới.  Đức Maria được xưng tụng là “Người Nữ Mới.”  “Người Nữ Mới” là phản diện của người phụ nữ ở đầu lịch sử, đó là bà Evà.  Cùng với chồng mình, bà được Thiên Chúa dựng nên và đặt trong vườn Địa Đàng.  Tội lỗi đã làm cho ông bà xa Chúa.  Sự kiêu ngạo đã đẩy ông bà ra khỏi vườn Địa Đàng.  Ông bà không còn tình nghĩa với Chúa như xưa.  Hạnh phúc địa đàng đã biến mất.  Do tội của ông bà, nhân loại sinh ra nhuốm màu tội lỗi, cuộc sống trở nên đau khổ ê chề, đẫm nước mắt.  Thế hệ này đến thế hệ kia, con người luôn mang một nỗi hoài niệm về một Địa Đàng đã bị mất.  Thiên Chúa nhân từ và bao dung, đã muốn tha thứ và nối kết lại tình thân thuở nào với loài người.  Ngài đã mời gọi sự cộng tác của một người phụ nữ, đó là Trinh nữ Maria thành Nagiarét.  Nếu bà Evà là nguyên nhân của đau khổ, thì Đức Maria là nguyên nhân của hạnh phúc.  Nếu bà Evà đã kiêu ngạo từ chối thân phận thụ tạo của mình, thì Đức Maria đã khiêm tốn nhận mình là người nữ tì của Chúa.  Nếu bà Evà đã bất tuân lời dặn dò của Chúa: đừng ăn trái cây ở giữa vườn”, thì Đức Maria lại thưa lời “Xin vâng” khi được Sứ thần mời gọi cộng tác với Chúa trong chương trình cứu chuộc loài người.  Đức Maria là Mùa Xuân đem cho nhân loại nét vui tươi sau những đêm dài đau khổ bất hạnh.

Mùa xuân tượng trưng cho sự sống.  Sau những ngày tháng băng giá của mùa đông, Mùa xuân đến đem sự sống cho muôn vật cỏ cây.  Ánh nắng ấm áp của mùa xuân đã xua tan lạnh giá, phục hồi sự sống.  Sau nhiều thế hệ nhân loại mong đợi và cầu xin, Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm người trong cung lòng Đức Trinh nữ Maria.  Chúa Giêsu là “Ánh Sáng bởi Ánh Sáng.”  Người đã đến trần gian để dẫn đưa nhân loại ra khỏi tối tăm.  Người khẳng định: “Tôi là ánh sáng thế gian.  Ai theo Tôi sẽ không còn đi trong tối tăm” (Ga 8,12).  Đức Maria đã sinh Chúa Giêsu, là Ánh Sáng muôn ngàn đời đến từ Chúa Cha.  Ánh sáng ấy đã xua tan quyền lực của ma quỷ và tối tăm, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của ơn Cứu độ.  Ai tin nơi Người sẽ không phải chết, vì Người là sự sống và sự sống lại.  Trong khi loan báo Nước Trời, Chúa Giêsu đã làm cho kẻ chết được trở về với cõi sống.  Chính Người đã bước ra khỏi mồ vinh quang, chiến thắng thần chết.  Với sự phục sinh vinh hiển của Người, Người đem đến cho nhân loại một mùa xuân mới, mùa xuân của hy vọng vào sự sống bên kia sự chết, và vào hạnh phúc vĩnh cửu Chúa đã hứa cho những ai yêu mến Ngài.  Đức Maria đã cộng tác với Chúa trong mầu nhiệp Nhập thể, để đưa nhân loại bước sang một mùa xuân mới vui tươi.

Mùa xuân tượng trưng cho niềm hy vọng.  Ánh nắng của mùa xuân làm cho cây cối đâm chồi nảy lộc, sau những tháng ngày đông dài ảm đạm khẳng khiu.  Sức sống kỳ diệu của mùa xuân như một lời khẳng định: dù cuộc sống thế nào đi nữa, thì con người đừng mất hy vọng.  Thiên Chúa là Đấng đáp ứng những nhu cầu của con người, nếu họ thành tâm yêu mến và cậy trông nơi Ngài.  Đức Maria là ngôi sao hy vọng.  Mẹ là gương mẫu cho những người đau khổ, giúp họ vững lòng cậy trông, kể cả những giây phút tăm tối của cuộc đời.  Dưới chân thập giá, chứng kiến Con mình đau đớn và hấp hối, Đức Maria vẫn một lòng cậy trông.  Lúc bấy giờ, Mẹ lặp đi lặp lại lời thưa “xin vâng” Mẹ đã nói với Sứ thần năm xưa.  Được tôn vinh là Mẹ Giáo Hội và là Mẹ các tín hữu, Mẹ luôn nâng đỡ những môn đệ của Chúa Giêsu ở mọi thời đại, để họ vững tin vào Chúa và vững tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời.  Sống là vượt biển ba đào, cậy trông là vững tay lái trong cơn phong ba bão táp.  Chúa Giêsu đã hiện diện trên chiếc thuyền vượt biển hồ Galilêa và đã dẹp yên bão táp.  Ngày hôm nay, Chúa cũng đang hiện diện với chúng ta giữa biển đời đầy sóng gió.  Nếu chúng ta cậy trông nơi Người, Người sẵn sàng giúp chúng ta dẹp yên sóng cả ba đào, như Chúa đã hứa: “Này đây, Thày ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).  Cùng với tác giả bài Thánh Ca, chúng ta cậy trông Đức Mẹ vì Mẹ là “Bến lành vào Quê Bình an.

Mùa xuân diễn tả sự an hòa giữa trời đất và con người.  Mỗi khi mùa xuân về, vũ trụ như được mặc chiếc áo mới, huy hoàng tráng lệ, ấm áp dịu dàng.  Thiên Chúa tạo dựng muôn loài để qua đó phản ánh vinh quang của người, và cũng để con người được chia sẻ vinh quang ấy.  Ngài cũng trao cho con người làm chủ thiên nhiên.  Khi sống hài hòa với thiên nhiên vũ trụ là chúng ta tôn trọng công trình của Chúa.  Khi nhiệt thành lao động và canh tác đất đai là chúng ta cộng tác với Chúa để làm cho tác phẩm tạo thành của Ngài thêm rực rỡ vinh quang.  Giữa muôn loài tạo vật, Mẹ Maria là công trình tuyệt hảo của Thiên Chúa.  Mẹ được Chúa gìn giữ cho khỏi mắc tội tổ tông.  Mẹ cũng được chính Sứ thần Gabrien từ trời ca ngợi là “Đấng đầy ơn phúc.”  Mẹ đã diễn tả hình ảnh của Chúa một cách trọn hảo qua chính cuộc đời của mình, phản ánh vẻ đẹp vĩnh cửu của Đấng Tạo Hóa.  Giống như người ta trầm trồ thán phục người họa sĩ khi thưởng lãm một bức tranh tuyệt tác, nhân loại ca tụng Thiên Chúa vì đã dựng nên Mẹ và ban cho Mẹ những hồng ân tuyệt diệu.  Mẹ mang vẻ đẹp của mùa xuân vĩnh cửu.  Mẹ cũng là hình ảnh của Giáo Hội trong tương lai, không tỳ ố, không vết nhơ, nhưng trong sáng, thánh thiện nguyên tuyền.  Người tín hữu nhìn lên Mẹ như mẫu mực của đời mình và thấy nơi Mẹ tương lai của chính mình và của Giáo Hội, được sánh ví như Hiền thê được trang điểm để đến gặp Tân Lang của mình trong trời mới đất mới.

Mẹ là Mùa Xuân Ánh Sáng, là Cửa Son đền vàng và là Bến Lành bình an.  Những hình ảnh này khẳng định với chúng ta, trên đường về quê trời, chúng ta rất cần ơn phù trợ và đồng hành của Đức Trinh nữ Maria.  Nhờ Mẹ, chúng ta không sợ vấp ngã và lạc đường.  Hãy cậy trông phó thác nơi Mẹ vì Mẹ là Mùa Xuân, là Hiền Mẫu và là niềm Hy Vọng của chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

THÁNH THIỆN VÀ TỘI LỖI

Thánh thiện và tội lỗi là hai phạm trù đối lập nhau.  Thánh thiện thuộc về Thiên Chúa và tội lỗi là bản chất của con người.  Hai nhân vật được nêu trong Lời Chúa hôm nay, một trong Bài Cựu ước và một trong Bài Tin Mừng, đã khẳng định sự tách biệt này.  Khi được chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa với lời tung hô ba lần “Thánh!  Thánh!  Thánh”, ngôn sứ Isaia đã thốt lên: “Vô phúc cho tôi!  Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Đức Vua, Người là Chúa các đạo binh.”  Về phần ông Phêrô, khi chứng kiến mẻ lưới lạ, đã khiếp đảm thú nhận: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi.”  Phản ứng của hai nhân vật trên đây cho thấy quan niệm của Do Thái giáo về sự cách biệt giữa Thiên Chúa và con người, vì Thiên Chúa là Đấng Chí thánh và con người là kẻ phàm hèn tội lỗi.  Sự khác biệt này đã tạo một khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người.  Khoảng cách ấy ngặt nghèo đến nỗi, nếu con người lỡ nhìn thấy Chúa, thì phải chết.

Nếu con người lo sợ và mặc cảm về thân phận tội lỗi của mình, thì Thiên Chúa lại chủ động đến với họ.  Thiên Chúa trong Cựu ước đã trấn an ông Isaia: “Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha.”  Đức Giêsu trong Tân ước thì lại nói với ông Phêrô: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta.”  Thật lạ lùng!  Thiên Chúa không những bỏ qua thân phận tội lỗi của con người, mà còn chọn gọi họ như những cộng sự viên thân cận của Ngài.  Ông Isaia và ông Phêrô không những không phải chết, mà còn được gọi và sai đi để loan truyền giáo huấn của Thiên Chúa, giúp cho nhiều người nhận biết Ngài.  Quả thật, ông Isaia và ông Phêrô đã nhiệt thành đáp lại lời mời gọi của Chúa, trở nên ngôn sứ và tông đồ của Ngài.

Thiên Chúa đã lấp đầy khoảng cách giữa Ngài với chúng ta.  Không chỉ chủ động đến gần con người tội lỗi, Chúa Cha còn sai Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để sống thân phận con người.  Người thánh thiện, mà chấp nhận hòa mình vào đám đông tội nhân đang xin ông Gioan Tẩy giả làm phép rửa.  Người là Đấng vô tội mà bị kết án như một kẻ bất lương.  Người là nguyên lý của sự sống mà đã phải mang lấy cái chết trên thập giá.  Qua Đức Giêsu, nhờ Đức Giêsu và trong Đức Giêsu, con người tội lỗi được trở nên con Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh.  Đây là sự trao đổi nhiệm màu: Con Thiên Chúa mang lấy tội lỗi của con người để con người được làm con Thiên Chúa.

Con Thiên Chúa đã làm người để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa.  Từ nay, không ai còn mặc cảm thân phận tội lỗi nữa.  Hết thảy đều được Thiên Chúa yêu thương và mời gọi làm sứ giả của Ngài giữa lòng thế giới.  Thánh Phaolô là một bằng chứng: ông thú nhận mình đã từng giết hại các tín hữu, nhưng khi được Chúa quy phục, ông đã ăn năn sám hối và cuộc đời của ông đã sang trang.  Ông tâm sự: “Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa.  Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Đấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi” (Bài đọc II).  Đó là điều kỳ diệu của tình thương.  Phaolô luôn tâm niệm điều này và ông thấy có bổn phận làm cho vương quốc của Chúa sớm được thực hiện nơi trần gian.

Isaia, Phêrô, Phaolô, ba con người xuất thân từ ba hoàn cảnh xã hội khác nhau, nhưng có chung một lý tưởng và một ơn gọi: làm sứ giả của Chúa và nhiệt thành loan báo lời Ngài.  Hôm nay, Chúa vẫn đang kêu gọi chúng ta.  Đừng mặc cảm cho rằng mình bất xứng hay bất tài.  Ơn của Chúa sẽ phụ giúp và ban cho chúng ta sức mạnh.  Về phía chúng ta, chúng ta cần đáp lại lời mời gọi của Chúa, bằng tâm tình yêu mến, nhiệt thành và thiện chí.  Chúa sẽ làm cho chúng ta trở nên những dụng cụ hữu ích trong Giáo Hội của Người.  Qua những dụng cụ bé mọn ấy, Chúa tiếp tục làm nên những mẻ cá kỳ diệu, và làm cho cuộc sống này nở hoa.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên