LÀ AI VÀ PHẢI TRỞ THÀNH AI?

“Cần Chúa lớn lên, còn tôi nhỏ lại!”

Chuyện kể về một triết gia người Đức rất nổi tiếng, Schleiermacher, người định hình sự tiến bộ của tư tưởng hiện đại.  Một chiều kia, khi đèn đã lên, ông ngồi một mình trong công viên.  Một cảnh sát đi tới, với ý định bắt ông vì nghĩ rằng, ông là một gã say, lang thang.  Cảnh sát hỏi, “Ông là ai?”  Schleiermacher buồn bã trả lời, “Ước gì tôi biết!”

Kính thưa Anh Chị em,

Thật ngạc nhiên, Schleiermacher quên mình là ai!  Cũng thế, đôi khi trong cuộc sống, chúng ta không nhớ mình “là ai và phải trở thành ai?”  Trong Tin Mừng hôm nay, Gioan Tẩy Giả sẽ chỉ cho chúng ta bí quyết để mỗi người nhớ rõ căn tính mình; đó là, “Cần Chúa lớn lên, còn tôi nhỏ lại!”

Trước hết, việc Chúa Giêsu lớn lên trong cuộc sống của mỗi người chúng ta phải là mục tiêu hàng đầu.  Ngài phải chiếm hữu tâm trí và ý chí chúng ta ngày càng hơn; Ngài phải sở hữu chúng ta, và chúng ta sở hữu Ngài.  Nó có nghĩa là mọi nghi ngờ và sợ hãi phải được gạt sang một bên và tình yêu dành cho Ngài phải trở nên lý do của cuộc sống.  Sẽ thật tự do khi chúng ta cho phép Chúa Giêsu lớn lên trong cuộc đời mình.  Cuộc sống ấy sẽ được giải phóng theo nghĩa, “tôi không còn tìm cách tự quản nó;” vì Ngài, Đấng sống trong tôi, sẽ đảm nhiệm công việc đó.  Trong Ngài, tôi biết mình “là ai và phải trở thành ai;” tôi là của Ngài và mỗi ngày, tôi phải trở thành một Giêsu khác!

Thứ hai, khi nói “Còn tôi nhỏ lại”, Gioan muốn nói, ý chí, ước muốn, tham vọng, hy vọng… của Gioan phải tan biến khi Chúa Giêsu làm chủ hoàn toàn con người Gioan.  Từ bỏ mọi ích kỷ và sống vị tha phải là nguyên tắc căn bản trong cuộc sống chúng ta!  “Nhỏ lại” trước mặt Thiên Chúa có nghĩa là trở nên khiêm tốn; từ bỏ mọi thứ không phải của Chúa và chỉ cho phép Ngài soi rọi.  Chúng ta chỉ có thể từ bỏ một tình yêu nhỏ hơn vì một tình yêu lớn hơn!  Mỗi ngày, Gioan đặt khát vọng và tình yêu của mình vào Đấng Messia; hành động và ý hướng của Gioan tập trung vào Đấng sắp đến; Gioan biết mình “là ai và phải trở thành ai.”  Sự cô độc của Gioan trong sa mạc cho phép tình yêu này phát triển mà không bị phân tâm; Gioan chia sẻ, tất cả những gì chúng ta nhận được là từ trời, từ sự sống siêu nhiên được ban cho bởi cầu nguyện, chiêm ngưỡng và đón nhận.  Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Gioan tông đồ cũng nói, “Con Thiên Chúa đã đến, ban cho chúng ta ơn thông hiểu, để chúng ta nhận biết Chúa chân thật, và được ở trong Con chân thật của Ngài.”

Vậy mà rất nhiều lần, chúng ta làm điều ngược lại, “Cần tôi lớn lên, còn Chúa nhỏ lại,” chúng ta không biết mình “là ai và phải trở thành ai.”  Cám dỗ tìm kiếm chính mình trong ơn gọi, trong việc tông đồ, trong việc phục vụ Giáo Hội là một cám dỗ triền miên mọi thời, ở bất cứ ai, thuộc bất cứ đấng bậc nào!  Một số người chỉ cống hiến khi công việc phải mang lại cho họ danh dự hoặc nâng cao tầm quan trọng của bản thân.  Chúng ta tuyên bố phục vụ Chúa Kitô, nhưng nếu địa vị bị tổn hại vì những chỉ trích, hoặc thấy ai đó kém khả năng hơn đứng trên chúng ta về thứ hạng, trái tim chúng ta vỡ vụn; cam kết của chúng ta suy tàn.  Vào những thời điểm đó, chớ gì chúng ta có thể vượt qua thử thách mà Gioan đã vượt qua, vì “Cần Chúa lớn lên, còn tôi nhỏ lại!”

Anh Chị em,

“Là ai và phải trở thành ai?”  Một câu hỏi xem ra có vẻ như một lối chơi chữ, nhưng là một câu hỏi đáng để suy nghĩ.  Bởi lẽ, không ai khác mà là “bạn và tôi,” chúng ta biết, cùng đích cuối cùng của cuộc hành trình làm người là chúng ta phải trở thành một Giêsu khác.  Nói đúng hơn, chúng ta phải ngày càng làm rỗng chính mình để Chúa Giêsu có thể lấp đầy mỗi người bằng chính Ngài.  Theo cách nói của Phaolô, “nên đồng hình đồng dạng với Ngài,” khi “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi!”  Vậy chúng ta phải làm gì để đạt được mục đích này?  Phải như Gioan, chúng ta phải xác tín, “Cần Chúa lớn lên, còn tôi nhỏ lại!”  Tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Giêsu không phải là nỗ lực một sớm một chiều, nhưng như Gioan, nó là thành quả của nhiều năm cầu nguyện, chinh phục bản thân và trung thành với một cuộc sống hoán cải vốn phải được sống trước khi được rao giảng.  Như vậy chúng ta mới biết mình “là ai và phải trở thành ai.”

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con biết quên đi bản thân như Gioan, để hoa trái công cuộc cứu rỗi thế giới của Chúa và của Hội Thánh được gặt hái, vì “Chúa phải lớn lên, còn con nhỏ lại,” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

NƯỚC HỦY DIỆT VÀ NƯỚC TÁI SINH

Hằng năm, chúng ta chứng kiến sự hủy diệt kinh hoàng của những dòng nước lũ.  Tại một số địa phương ở miền Trung, mỗi năm lũ quét đi biết bao nhà cửa, hoa màu và cả mạng sống, khiến cuộc sống của người dân vốn đã nghèo lại thêm kiệt quệ.

Tuy có sức hủy diệt kinh hoàng, nước lại rất cần thiết đối với đời sống của chúng ta, đến nỗi nước được đồng hóa với sự sống.  Các chuyên viên nghiên cứu đã đưa ra những cảnh báo, khoảng vài chục năm nữa, nạn thiếu nước sẽ trở nên rất nghiêm trọng.  Hiện tượng biến đối khí hậu sẽ làm giảm lượng mưa hằng năm, gây hạn hán khô cằn ảnh hưởng đến đời sống con người cũng như động vật, cỏ cây.

Nước vừa có sức hủy diệt, vừa có khả năng tái sinh

Hôm nay, Phụng vụ cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, với mục đích vừa nhắc nhớ sự kiện Chúa Giêsu lãnh phép rửa bởi tay ông Gioan Tẩy giả, vừa khẳng định, với việc dìm mình xuống dòng nước sông Jordan, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thanh tẩy (hay Bí tích Rửa tội), là nguồn mạch sự sống mới nơi người Kitô hữu chúng ta.

Đức Giêsu là Thiên Chúa chí thánh.  Người hoàn toàn thánh thiện vô tội, không cần phải thanh tẩy.  Tuy vậy, qua việc lãnh nhận nghi thức Thanh tẩy, Chúa khiêm nhường hòa mình vào dòng người đang nhận mình là tội nhân để sám hối.  Quả vậy, Chúa trở nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,16).  Thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).

Phép Thanh tẩy mà ông Gioan cử hành tại sông Jordan chỉ là nghi thức sám hối.  Từ nghi thức này, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh tẩy.  Dòng nước Thánh tẩy vừa mang tính sám hối (hủy diệt tội lỗi), vừa mang giá trị tái sinh (sinh ra trong đức tin).  Nhờ dòng nước Thanh tẩy, con người cũ của chúng ta chấp nhận chết đi, nhường chỗ cho con người mới, được sinh ra trong ân sủng.  Tái sinh là một điều kiện cần thiết để trở thành con cái Chúa.  Trong cuộc đàm đạo với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 4,5).  Đồng thời với dòng nước thanh tẩy, Chúa Thánh Thần can thiệp để làm cho người thụ tẩy trở nên tạo vật mới, đoạn tuyệt với tội lỗi, sang một trang sử mới.  Nhờ được thanh tẩy nhân danh Chúa Ba Ngôi, người tín hữu trở nên đền thờ cho Chúa ngự, để rồi, bất kỳ hoàn cảnh nào, họ được Chúa yêu thương bao bọc chở che.  Ơn của Phép Rửa chính là sự canh tân đổi mới tâm hồn do Chúa Thánh Thần thực hiện, nhờ công nghiệp Đức Kitô (Bài đọc II).

Trình thuật Chúa Giêsu chịu phép Rửa được Thánh Luca thuật lại, mang hình thức của một cuộc phong vương trong thời vua chúa ngày xưa, rất uy nghi và long trọng.  Hơn cả một cuộc phong vương, vì đây còn là một cuộc hiển linh hay “thần hiện.”  Chúa Cha được diễn tả qua lời nói, Chúa Thánh Thần được diễn tả qua hình chim bồ câu.  Từ thuở ban đầu, Thiên Chúa dùng Lời của Ngài mà sáng tạo muôn loài.  Trước khi sáng tạo, có Thần Khí Chúa bay lượn trên mặt nước thinh không.  Hôm nay, nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa thực hiện một cuộc sáng tạo mới, cũng bằng Lời của Ngài, nhưng đó chính là Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.  Chúa Cha đã giới thiệu Con của Ngài với toàn nhân loại: “Con là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta.”  Chúa Giêsu là mẫu mực hoàn hảo cho mọi người.  Nhờ Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được trở nên giống như Chúa Giêsu, nên đồng hình đồng dạng với Người và cùng Người hưởng gia nghiệp đời đời Chúa Cha đã hứa ban cho người công chính.  Bài ca của Ngôn sứ Isaia thấm đượm niềm vui vì vinh quang Chúa tỏ hiện oai hùng.  Đó chính là ngày giải phóng đối với dân lưu đày và ngày yên ủi đối với người cùng khổ.  Những ai cậy trông nơi Ngài sẽ được Ngài dẫn dắt (Bài đọc I).

Phép Rửa trao cho chúng ta vinh dự lớn lao, làm cho ta trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, đồng thừa tự với Đức Giêsu.  Phép Rửa cũng trao cho chúng ta những trách nhiệm, qua ba chức năng: Ngôn sứ, Tư tế và Quản trị.  Nếu hiểu và chuyên tâm thực thi ba chức năng này, chúng ta sẽ góp phần tích cực trong việc xây dựng Giáo Hội và nhiệt thành làm chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống hôm nay.

ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên