ĐÊM TẠ ƠN 

Một năm cũ sắp trôi qua và một năm mới sắp đến.  Trong khoảnh khắc giao thừa giữa cũ và mới này, chúng ta đến với Chúa, Đấng Tạo dựng muôn loài, Đấng làm chủ thời gian, để tạ ơn Ngài về 365 ngày sắp qua, và xin Ngài giúp chúng ta biết sử dụng 365 ngày sắp đến theo đúng thánh ý Ngài.

Đêm nay người ta vẫn gọi là đêm giao thừa, là nhịp cầu chuyển tiếp giữa cũ và mới.  Ai ai cũng mong muốn trút khỏi lòng mình mọi lo âu phiền muộn, không ai dám nhắc tới những rủi ro bất hạnh của ngày hôm qua, dường như ai cũng thầm mong ước cho đêm nay như là một khởi đầu tốt đẹp cho hành trình mới của tương lai.  Ai cũng gác lại quá khứ để bước vào năm mới trong niềm vui và hy vọng như câu ca dao xưa:

“Đêm ba mươi co cẳng đạp thằng bần ra cửa.
Sáng mồng một giang tay bồng ông phước vào nhà.”

Thực vậy, mùa xuân, ngày tết, ai cũng mong nhận được nhiều phước lộc, nên ai cũng chúc cho nhau nhiều tài lộc, nhiều tiền, nhiều của.  Những người có tín ngưỡng thì tin rằng may mắn, tiền của là ân lộc trời ban.  Nhưng phước hạnh đời người mà chúng ta cầu chúc cho nhau không chỉ là nhắm đến tài lộc mà là hạnh phúc miên trường, hạnh phúc của người có tâm hồn bình an.

Nhìn lại một năm qua, có những người được hạnh phúc vì làm ăn thuận buồm xuôi gió, công thành danh toại, có những người hạnh phúc vì tìm được chân lý, tìm được lẽ sống, tìm được bình an trong tâm hồn.  Nhưng vượt lên trên tất cả cái may mắn đó, chính là sự sống, là sự bình an của đời người.  Sự sống luôn ở bên ngoài khả năng của chúng ta, sự sống của chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa.  Hạnh phúc là ân ban của Thiên Chúa.  Con người không thể kiến tạo hạnh phúc cho mình bằng thủ đoạn, bằng gian dối hay sự ác.  Con người phải sống ngay lành nhờ đó mà Thiên Chúa mới ban phúc lộc là bình an.  Một năm qua với những vụ trọng án cho ta thấy con người không thể tạo dựng hạnh phúc cho mình bằng quyền lực để tham nhũng hại dân mà phải bằng tấm lòng luôn đi theo chân thiện mỹ.  Đâu ai ngờ một ông Đinh La Thăng dám nói dám làm đầy quyền thế lại phải hầu tòa?  Đâu ai ngờ một Trịnh Xuân Thanh luôn sống trong nhung lụa giầu có quyền thế lại phải thân tàn ma dại?  Đâu ai ngờ một đại gia Vũ Nhôm khuynh đảo thành phố đáng yêu Đà Nẵng lại có kết cục trong tù tội…?

Hạnh phúc đến từ lộc Trời ban xuống thì con người phải sống theo lẽ Trời.  Phải sống ăn ở ngay lành và làm việc thiện phúc đức.  Quy luật của trời đất là “Xởi lởi trời gửi của cho – Co ro trời co của lại.”   Càng gieo nhân nghĩa con người lại càng tìm được niềm vui hạnh phúc tự trong tâm hồn.  Đây gọi là tích đức để Trời sẽ ban hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và cho mọi người thân nhờ công đức của ta.

Nếu hiểu rằng hạnh phúc – bình an là lộc ban từ Trời thì giây phút này là giây phút tạ ơn về quá khứ đã qua.  Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta 365 ngày bình an.  Tạ ơn Chúa vì những biến cố xảy ra trong cuộc đời giúp ta nhận ra tình yêu của Chúa luôn bao bọc gìn giữ chúng ta.  Có thể đó là những đau khổ, là những mất mát nhưng chúng ta lại được bàn tay Chúa dìu dắt và bồng ẵm chúng ta qua những thăng trầm cuộc đời.  Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta niềm tin tưởng vào Chúa, nếu không, biết đâu giờ này chúng ta đang rơi vào tâm trạng tuyệt vọng vì không đủ can đảm đối diện trước gian nan.

Nguyện xin Chúa Xuân đang về trên quê hương ban cho chúng ta những giây phút đầu xuân tràn đầy bình an và hoan lạc.  Xin Chúa Xuân chúc lành cho giây phút giao thừa này được vơi đi những ưu phiền để người người hưởng một mùa Xuân thánh ân hạnh phúc dư tràn.  Amen!

Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền

*******************************************

Kinh Cầu Đêm Giao Thừa

Lạy Chúa Giêsu,
Trong đêm Giao Thừa này,
Chúng con cầu xin Chúa
chúc lành và hướng dẫn chúng con
 

Chúa đã cho chúng con năm mới nầy,
Như một khởi đầu tốt đẹp,
Một cơ hội vàng để canh tân đời sống,
Để chuộc lại quá khứ của chúng con,

Chúa đã cho chúng con năm mới nầy,
Như một bình minh mới,
Một nấc thang và một cơ hội,
Để chúng con sửa chữa lỗi lầm
Để chúng con vươn dậy từ thất bại,
Để nên những người con tốt đẹp hơn,
 

Lạy Chúa,
Xin ban phúc lành để chúng con,
Biến giải pháp thành hành động,
Biến lời nói thành việc làm tốt đẹp,

Để chúng con,
Nhận ra kế hoạch của Chúa,
Để chúng con,
Biến giấc mơ thành hiện thực,
Để chúng con,
Kết thúc những gì đã bắt đầu,

Lay Chúa,
Chúng con nguyện xin Chúa,
Hướng dẫn chúng con,
Trong năm mới nầy,
Xin cho chúng con,
Tìm thấy niềm vui thay vì thất vọng,
Tìm thấy bình an,
Trong công việc bận rộn,
Tìm thấy hy vọng trong thất bại,
Tìm thấy giải pháp cho vấn đề của chúng con,
Xin cho chúng con trong năm mới nầy:
Khám phá ra
Ý nghĩa mới trong công việc,
Tìm được ý hướng cao quý
Trong mục tiêu,
Và có hướng đi kiên định,
Trong đời sống,

Xin cho chúng con,
Khởi đầu năm mới cùng với Chúa,
Biết dùng thời gian,
Như món quà quý giá Chúa dành cho con,
Biết sử dụng mỗi ngày của năm mới nầy,
Để nhiệt thành phục vụ anh chị em con.
 Amen!

GM Ruperto Santos

ĐỪNG LO LẮNG GÌ CẢ (Mc 6, 25-34)

Ngày Tết báo hiệu một năm cũ đã qua và một năm mới đang đến.  Chúng ta cần nhìn lại một năm qua với cái nhìn của Chúa để thấy tất cả là hồng ân, kể cả những gì người đời coi là xui xẻo, bất hạnh.  Chúa đã cho chúng ta sống thêm một thời gian, thêm một năm trên đời.  Chúng ta nhận ra thời gian một ngày nhờ mặt trời mọc lên rồi lặn xuống.  Nhà nông nhận ra thời gian một tháng nhờ mặt trăng tròn rồi lại khuyết.  Tạ ơn Chúa vì hai nguồn sáng quý báu như vậy trên bầu trời.

Thời gian theo Kitô giáo không đi theo đường xoắn ốc, nhưng theo đường thẳng.  Thời điểm nào cũng là duy nhất, đi rồi không trở lại, nên rất đáng quý.  Con Thiên Chúa làm người đã đắm mình trong dòng thời gian như ta.  Nhờ Ngài, dòng thời gian này sẽ đưa ta vào vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Ngày Tết người ta thường hay chúc nhau.  Chúc sức khỏe, chúc làm ăn phát đạt, chúc mọi sự như ý…

Chúng ta có thể học được một cách chúc rất đẹp trong sách Dân Số (6, 22-27).  Đức Chúa chỉ dạy cho ông Môsê để ông này chỉ lại cho ông tư tế Aaron biết cách chúc lành cho dân.

Có ba lời chúc, mỗi lời đều bắt đầu bằng chủ từ là Đức Chúa:

“Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em.

Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em.

Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn anh em và ban bình an cho anh em.”

Ơn bình an là ơn bao gồm mọi ơn về sức khỏe, sống lâu, an ninh, thịnh vượng…  Rốt cuộc chính Đức Chúa mới là Đấng chúc lành cho dân Israel (c. 27).  Chính Đức Chúa đóng ấn Danh của Ngài trên họ để bảo trợ họ.  Và hôm nay chính Ngài cũng ban muôn ơn cho ta nhờ Danh Đức Giêsu.

Trước thềm Năm Mới, con người không tránh khỏi nỗi lo về tương lai.  Có nhiều nỗi lo rất hữu lý, vì khó khăn trước mắt là có thật.  Có nhiều nỗi lo âu chỉ vì con người thấy mình quá đỗi mong manh.  Nỗi lo quấn lấy con người và làm tâm con người không yên.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu bốn lần nhắc chúng ta “Đừng lo.”  Nếu Kitô hữu không bị quay quắt vì lo âu thì không phải vì họ là người vô lo, hay vì họ tự tin, giỏi giang hơn người khác.  Đơn giản chỉ vì họ có một Người Cha quan tâm đến mọi nhu cầu của họ.  Kitô hữu tận tụy hết mình cho công việc, nhưng lại không bất an, lo âu.  Tín thác như một đứa con ngồi trong lòng cha, họ đặt vinh quang Thiên Chúa lên trên hết, và tin mọi sự khác sẽ được Ngài lo liệu.

**********************************

Lạy Cha, Cha đã cho chúng con sống thêm một năm,
đi thêm một đoạn đường đời.
Nhìn lại đoạn đường đã qua,
chúng con chỉ biết nói lên lời tạ ơn chân thành,
vì Cha vẫn cho chúng con sống,
và sống trong tình yêu.
Mọi biến cố vui buồn của năm qua
đều là những lời mời gọi kín đáo của Cha để thức tỉnh, nâng đỡ và đưa chúng con lên cao.

Tạ ơn Cha
vì những gì cuộc đời đã làm cho chúng con,
và những gì chúng con đã làm được cho cuộc đời.
Xin cho chúng con sống những ngày Tết dân tộc
trong tinh thần vui tươi hoà nhã,
và không quên những ai nghèo khổ, cô đơn.
Ước gì những lời chúng con chúc cho nhau
là những lời chúc lành
xuất phát từ trái tim yêu thương.
và lạy Cha, năm mới đã đến,
Trái đất lại xoay một vòng mới quanh mặt trời,
chúng con cũng muốn
ở lại trong quỹ đạo của Cha,
nhận Cha là trung tâm cuộc sống,
và nhận mọi người là anh em. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu

KIÊN TRUNG TRONG THỬ THÁCH

Bài Tin Mừng được đọc trong Thánh lễ hôm nay diễn tả những cung bậc cảm xúc đối lập nhau nơi những người đồng hương của Chúa Giêsu: ban đầu là những lời trầm trồ thán phục, sau đó là những lời chê bai đàm tiếu, và cuối cùng là sự hằn học phẫn nộ của dân chúng, đến mức họ định sát hại Chúa Giêsu bằng việc xô Người xuống vực thẳm.  Xen kẽ giữa những cảm xúc đó là lời tuyên bố mạnh mẽ của Chúa Giêsu để khẳng định sứ vụ thiên sai của Người.  Hai sự kiện có liên quan đến ngôn sứ Elia và Elisê được Chúa trích dẫn để cho mọi người lúc đó thấy, không chỉ những người Israel mới được đón nhận tình thương của Thiên Chúa, nhưng bất kể người nào, khi họ thành tâm thiện chí thực hiện những điều Chúa dạy, đều có thể được Ngài cứu độ.  Qua những lời tuyên bố này, Chúa Giêsu khẳng định, Người có sứ mạng mang ơn Cứu độ đến cho muôn dân.  Chúa cũng muốn minh chứng, Người là vị Ngôn sứ đích thật.

Thân phận của các ngôn sứ trong Cựu Ước thường bị bạc đãi và chống đối.  Giêrêmia là một ngôn sứ thi hành sứ mạng trong một bối cảnh rất phức tạp về mặt tôn giáo, chính trị và xã hội, vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên.  Ông đã gặp nhiều đau khổ, vì bị nghi kỵ, chống đối và ngược đãi.  Chúa đã khích lệ ông và bảo đảm với ông: “Chúng sẽ giao chiến với ngươi nhưng không làm gì được, vì có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.”  Chúa đã giữ lời hứa với vị Ngôn sứ, giúp cho sứ mạng của ông sinh hoa kết trái.  Những lời Chúa phán với ông Giêrêmia cho thấy sức mạnh của vị ngôn sứ không đến từ người đời, cũng không đến từ sự khôn ngoan cá nhân, nhưng đến từ Thiên Chúa.  Nhờ sức mạnh của Chúa, các ngôn sứ có thể đương đầu với những thế lực trần gian, thậm chí cả các vua chúa đầy quyền lực.  Giêrêmia đã làm điều đó đối với triều đình vương quốc Giuđa, vào thời điểm dân Do Thái sắp bị bắt đi lưu đày ở Babilon.  Mặc dù tiếng nói của ông không được triều đình đón nhận, ông vẫn can đảm chuyển tải thông điệp của Chúa.

Giêrêmia là một vị ngôn sứ thi hành sứ mạng trong đau khổ nhưng vẫn kiên cường.  Đức Giêsu thi hành sứ mạng thiên sai bằng con đường thập giá nhưng vẫn vâng lời Chúa Cha.  Người tín hữu chúng ta cũng là những ngôn sứ giữa lòng cuộc đời.  Những ai muốn sống Đức tin, đều phải trải qua những hy sinh sóng gió.  Đó là lời phê phán từ những người xung quanh.  Đó cũng là chính sự yếu hèn nhụt chí nơi bản thân mỗi người.  Người tín hữu sống trong Giáo Hội không phải là khách qua đường, dửng dưng, bàng quan với những gì đang diễn ra trong cộng đoàn Đức tin.  Trái lại, họ được mời gọi và có bổn phận phải gắn bó với Giáo Hội địa phương, để thi hành những nhiệm vụ Chúa trao qua Bí tích Thánh tẩy, tức là nhiệm vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế.  Người tín hữu tin tưởng phó thác nơi Chúa sẽ kiên vững trước dư luận của người đời.  Họ không sống theo dư luận của đám đông quần chúng, nhưng lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc đời, vì Lời Chúa đem lại cho con người hạnh phúc đích thực.

Người tín hữu có thể sống Đức tin và giới thiệu Chúa cho người khác một cách đơn giản, đó là thực thi đức ái.  Thánh Phaolô, trong Bài đọc II, đã diễn tả rất chi tiết hoa trái của lòng mến.  Đoạn trích thư gửi tín hữu Côrinhtô hôm nay là một trong những áng văn chương tuyệt vời của Tân ước, được gọi là “Bài ca đức mến.”  Đức mến là điều kiện cần thiết làm cho những việc làm của chúng ta có giá trị, là nền tảng của trọn vẹn cuộc sống, và là động lực thúc đẩy mọi hành động của chúng ta.  Đức mến giúp con người nên hoàn thiện và sống lạc quan yêu đời trong một xã hội còn nhiều bất trắc.  Thiếu đức mến, dù có hoạt động lao tâm khổ tứ đến mấy cũng là vô ích.  Đức mến vừa đem lại sự thanh thản trong tâm hồn, vừa giúp ta sống khỏe thân xác.  Tác giả đã gọi việc thực thi đức mến là “con đường trổi vượt hơn cả” để trở nên người Kitô hữu đích thực.  Nội dung của Bài đọc II cần được đọc và suy tư nghiêm túc để có thể áp dụng trong đời sống Kitô hữu, giúp chúng ta sống vui, sống khoẻ và hạnh phúc.  Thiếu đức mến, dòng sông cuộc đời ngừng trôi và đô thị sẽ trở thành sa mạc.  Đức mến giúp người tín hữu vượt lên những khác biệt, để cùng chung tay với đồng bào xây dựng cuộc sống nhân ái hài hoà hơn.

“Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa. Xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ.  Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn.”  Trong những ngày chuẩn bị đón xuân Nhâm Dần, chúng ta hợp lời với tác giả Thánh vịnh dâng lên Chúa tâm tình phó thác cậy trông.  Một năm mới đang đến với nhiều âu lo nhưng cũng chan chứa hy vọng.  Đức tin khẳng định: chính Thiên Chúa là hy vọng của chúng ta.  Quyền năng và tình thương của Ngài sẽ giúp chúng ta sống trong an bình hạnh phúc, nếu chúng ta kiên trung trong thử thách và luôn tín thác nơi Ngài.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

CHỨNG NHÂN TRỞ LẠI

“Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.  Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3, 13 – 14).

Là vị tông đồ không thuộc Nhóm Mười Hai, nhưng Thánh Phaolô được nhắc đến như cột trụ của Giáo hội sơ khai và mãi là nòng cốt của Giáo hội trên đường lữ hành Đức tin.  Cuộc trở lại phi thường của “vị tông đồ dân ngoại” không chỉ nói lên tình yêu của Thiên Chúa đã dẫn đưa thánh nhân trở về, mà còn cho thấy nỗ lực đáp trả nồng nhiệt của Ngài, khi minh chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.

1. Trở lại nhờ ánh sáng tình yêu Chúa 

Mầu nhiệm tình yêu Phục Sinh đã thực sự lan toả sau cuộc trỗi dậy vinh hiển của Đức Kitô.  Nó có giá trị biến đổi bao tâm hồn đang trong cảnh nô lệ sự dữ, biết mau mắn trở về nhận lãnh và sống hồng ân cứu độ.

Thánh Phaolô được mời gọi đón nhận ánh sáng tình yêu Phục sinh một cách sung mãn nhất.  Chính thánh nhân đã công khai bày tỏ suy nghĩ về ơn gọi của mình: “Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm và gọi tôi đến phục vụ Người…  Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng…  Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi.  Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người để được sống muôn đời” (1Tm 1, 12.15 – 17).

Biến cố Damas như một nét son thắm nhất trong cuộc đời Thánh Phao-lô.  Nó toát lộ gương mặt đại lượng đầy yêu thương của một Thiên Chúa đang đến sát con người để nâng họ dậy từ cơn mê của những lầm tưởng thế gian.

Việc Thánh Phaolô được biến đổi đã tôn thêm vẻ đẹp của tình yêu Thập giá.  Nếu trên Thánh giá, Đức Kitô đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình; thì trong sự kiện Damas, chính Ngài đã khoan thứ đến cùng trước kẻ đang ra tay truy bách thân mình mầu nhiệm của Ngài.  Điều này chỉ có thể lý giải bởi tình yêu của Đức Kitô có sức cảm hoá và vực dậy tất cả những gì tưởng chừng đã mất.

Thánh Phaolô đã thực sự bị chinh phục bởi “luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống” (Cv 22, 6b). Đó là ánh sáng đến từ Đấng Phục Sinh – Ánh sáng của tin vui cứu độ phổ quát.  Phaolô là chứng nhân cho tin vui ấy.

2. Chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh 

Nhờ tác động bởi tình yêu Chúa, Phaolô đã được hoàn toàn biến đổi con người cũ để trở nên chứng nhân nhiệt thành, trung kiên cho Đức Kitô Phục Sinh.  Lời thân thưa của ngài với “Đấng đang nói” (Cv 22, 9) bao hàm một thái độ sẵn sàng đáp trả cách trọn vẹn: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Cv 22, 10)

Đức Kitô trở thành trung tâm cuộc sống và lời rao giảng của Thánh Phaolô.  Chúng ta nghiệm thấy một sợi chỉ đỏ xuyên suốt các Thư Phaolô, “đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 1, 3).  Phục Sinh là sự kiện đỉnh cao trong các huấn giáo đức tin của Phaolô. “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15, 3-4).

Luận chứng thuyết phục về cuộc Phục sinh mà Thánh Phaolô đưa ra cho chúng ta thấy tầm trí tuệ cao sâu nơi Ngài, đã đặt nền tảng cho khoa thần học.  Nhưng hơn thế nữa, chúng ta cảm nghiệm thái độ nội tâm xác tín triệt để của thánh nhân vào cuộc Phục Sinh của Đức Kitô.  “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.  Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Kitô trỗi dậy, trong khi thật sự Người đã không cho Đức Kitô trỗi dậy, nếu quả thật kẻ chết không trỗi dậy…” (1Cr 15, 14 – 15).

Thánh Phaolô ý thức được cuộc trở lại nơi mình là hệ quả của cuộc Phục sinh của Đức Kitô, được khởi đi từ Thập giá.  Do vậy, thánh nhân đã không ngừng gắn kết mật thiết đời chứng nhân của mình với sự đau khổ của Thập giá.  “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi: thập giá Đức Kitô là vinh quang duy nhất của tôi”; “Với Đức Kitô, tôi đã bị đóng đinh; không còn phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 19 -20).

3. Con đường hoán cải và sự trở lại của chúng ta 

Cuộc trở lại của Thánh Phaolô đã mở ra con đường hoán cải.

Con đường này được khởi đi từ việc nhận diện “mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện và sống động trong Hội Thánh.  Đức Giêsu hiện diện trong Hội Thánh và qua Hội Thánh…  Khám phá đầu tiên của kẻ trở lại chính là sự hiện diện của Đức Kitô trong Hội thánh Người” (Enzo Lodi, Chư Thánh Theo Lịch Roma I, Bản dịch của các linh mục Hạt Xóm Chiếu).

Kinh nghiệm về sự hoán cải của Thánh Phaolô hướng chúng ta lên Thập giá của Đức Kitô và cuộc Phục Sinh của Người.  Ở đó, chúng ta sẽ nhận được ánh sáng của Sự Thật – Tình Thương, không ngừng “chiếu xuống” mỗi người chúng ta và giữa lòng Hội Thánh.

Sống theo gương Thánh Phaolô, chúng ta sẽ lạc quan trên hành trình tìm Chúa.  Đó là con đường lâu dài và thử thách, để từ đó, ta có thể khám phá Thiên Chúa và ý định của Ngài qua những dấu chỉ trên bản thân và cộng đồng.  Vấn đề là, ta hãy để cho Thiên Chúa hành động và mau mắn đáp trả tích cực lời mời gọi sống đời chứng nhân Tin Mừng.

Con đường hoán cải chỉ có thể kết nở hoa thiêng đẹp đẽ, khi chúng ta vui vẻ chấp nhận bước đi trên hành trình của Thập giá, biết đón nhận Thập giá làm “vinh quang duy nhất” như Thánh Phaolô.

Một khi đã gắn bó với Đức Kitô, chúng ta biết đặt Ngài làm mục tiêu tối hậu trong cuộc chinh phục tâm linh.  Biết sống cho giây phút hiện tại bằng niềm tin tuyệt đối: Thiên Chúa sẽ hành động!  Như lời Thánh Phaolô đã chia sẻ: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.  Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3, 13 – 14).

J.B. Nguyễn Quốc Tuấn

KHÔNG PHẢI BÁNH VỤN

“Anh em hãy thu lấy những mẩu bánh thừa, đừng để hư phí” (Gn. 6:12).

Với năm ngàn người ăn, không kể đàn bà và con nít (Mt. 14:21).  Vậy số người phải là đông lắm.  Rừng người như thế thì phải cả ngàn ổ bánh chiều đó được phát ra.  Bánh nhiều như vậy tại sao Chúa lại tiếc những mẩu bánh vụn còn dư?  Từ những mẩu bánh thừa mà Chúa quý hóa muốn giữ lại.  Từ thái độ Chúa tiếc những miếng bánh dư.  Chúng ta hãy đi tìm ý nghĩa những mẩu bánh vụn để suy niệm về thứ bánh vụn thiêng liêng.

1. Nguyên nhân của những mẩu bánh vụn

“Chúa Giêsu gọi các môn đệ đến mà bảo rằng: Ta thương đoàn dân này, vì đã ba ngày họ luôn ở với ta và họ không có gì ăn, Ta không muốn để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ mệt lả dọc đường” (Mt. 15:32).  Phép lạ này kéo chú ý đặc biệt của cả bốn thánh sử vì được ghi lại trong cả bốn Phúc Âm (Mt. 14:13-21; Mc. 6:31-44; Lc. 9:10-17; Gn. 6:1-13).  Mátthêu và Máccô còn kể thêm Chúa làm phép lạ bánh lần thứ hai nữa (Mt. 15:32-38; Mc. 8:1-10).

“Ta thương đoàn dân này”, đó là nguyên nhân của câu chuyện bánh hóa ra nhiều.  Tình thương của Chúa đã để đời mình rơi xuống, hạt lúa mạch rữa ra và lên bông, rồi cho thành thỏi bột.  Vì “Ta không muốn để họ đói”, trái tim thương xót của Chúa như một bó đuốc đốt lên trong đêm mù đặc đói khổ để ta thấy mầu vàng thơm ngát của mùi bánh.  Vì “Ta sợ rằng họ lả dọc đường”, lòng trắc ẩn của Chúa là lò lửa rực than hồng đẩy những thỏi bột chết im nở thành sự sống, rải xuống để ta đi trọn đường trần.

2. Tập nhìn ra những mẩu bánh vụn

Gọi là bánh vụn vì nó nhỏ.  Bánh vụn là những miếng bánh bị bẻ ra rồi nên người ta không muốn.  Vì không muốn nên thân phận những miếng bánh vụn thường là hẩm hiu.  Vì nhỏ, vì vụn, vì bị coi thường nên người ta không nhìn ra những miếng bánh đó trong cuộc đời.

Nếu không có những cây cành nhỏ thì chẳng thể có rừng già.  Sa mạc chỉ là nhìn những hạt cát rời trong cái nhìn chung những hạt cát.  Nhìn toàn thể thì dễ hơn nhìn những phần tử trong toàn thể.  Ði tìm những cái vụn, những cái bé đòi một nghệ thuật trầm lặng sâu sắc, một suy tư không thể lười biếng dễ dãi.  Người ta không thể thưởng lãm được vẻ đẹp của bức tranh khi chối từ ý nghĩa của những mảng mầu lất phất một vài nét, nó nhỏ, có khi nhỏ lắm.

Bạn ước mơ một cuộc hành hương vượt núi qua đồi, đó là chiếc bánh rực vàng thơm ngát bạn mong.  Nhưng làm sao cuộc hành hương chín lên màu vàng nếu đôi chân bạn đang mang thương tích.  Ấy thế mà, bạn chẳng mấy khi hài lòng trong cuộc đời vì bạn đang có đôi chân mạnh khoẻ.  Bạn coi đó chỉ là mẩu bánh vụn tầm thường.

Hạt sương se tròn trên nhánh lúa non.  Cánh bướm dập dờn bình an.  Tiếng ve sầu dệt lụa trên những tàng me đang lưa thưa buông lá thả xuống trưa hè.  Bạn coi đó là những mẩu bánh vụn không muốn nhặt.  Một ngày nào đó trong bốn bức tường trắng toát của bệnh viện, rồi bạn thèm một sợi nắng của tháng hạ rơi qua những chùm hoa phượng, bạn nghĩ đến thơ thẩn dưới hàng dừa, bạn muốn thả chân bên cầu ao gỗ, bạn ước ao ném một nắm cơm cho bầy vịt tranh nhau ăn.  Khi mất rồi, bạn mới thấy những mẩu bánh bị coi thường rẻ rúng có hương thơm ngọt ngào.  Vậy bao giờ bạn mới chấp nhận một sợi nắng, một bóng dừa, một cầu ao gỗ không phải là những mẩu bánh vụn vô ích.  Từ sáng tới tối có biết bao hạnh phúc nhỏ chung quanh mà bạn không nhìn ra nên bạn coi thường.  Và có khi vì coi thường nên không nhìn ra.

Có người lữ khách tò mò, muốn đến xem một vườn hoa rất lạ.  Ðược tin ấy, người làm vườn nhà quê vội chặt hết vườn hoa.  Khi tới, lữ khách ngỡ ngàng vì chẳng còn gì ngoài một cành hoa duy nhất.  Người làm vườn trả lời cho người lữ khách ngàn dặm rằng nếu ông không chặt hết vườn hoa thì lữ khách chỉ thấy vườn hoa chứ chưa chắc đã thấy hoa.

Nhiều khi chúng ta ngang qua cánh đồng hoa mà chỉ thấy một cánh đồng màu sắc chứ không thấy hoa.  Ði tìm cành hoa sót lại, chúng ta sẽ biết hoa như thế nào.

3. Không phải là bánh vụn

Chúng ta thấy Chúa quý những mẩu bánh vụn vì nó là phép lạ của Chúa.  Nói cách khác, nó là ơn sủng, là sự cứu độ đến từ lòng xót thương, là tình yêu của Chúa.  Ơn sủng, lòng thương xót, tình yêu là lửa.  Giá trị của nó hệ tại phẩm chất hơn là số lượng.  Lửa giả không đốt cháy.  Lửa thật thì chỉ một ngọn đuốc cũng có thể biến thành rừng lửa bừng bừng trên đầu núi.  Những vụn lửa nhỏ là những vì sao trời lấp lánh.  Nhiều khi ta cần những vụn sao nhỏ hơn là mặt trời gay gắt.  Cũng có khi những vì sao nhỏ không phải là những vụn lửa nhỏ mà chỉ vì ta không thể tới gần.  Nó nhỏ vì nó ở xa.

Chính các môn đệ cũng nói với Thày: “Chúng tôi chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá thôi” (Mt. 14:17).  Nhưng trong số nhỏ bé khiêm tốn ấy đã ngầm chứa hàng ngàn ổ bánh khác.  Họ không nhìn thấy chỉ vì họ còn ở quá xa lộ trình hiểu biết Thày.

Có khi một lời trăn trối mà cho nhau cả một lý tưởng.  Có khi chỉ là dòng nước mắt tha thứ mà nâng nhau dậy khỏi vực sâu hun hút thất vọng.  Nó là những mẩu vụn hôm nay, nhưng là sức sống mãnh liệt ngày mai.  Khi những cành cây bị chặt ra, trồng xuống, nó là mẩu vụn bây giờ nhưng là cánh rừng của thời gian đang tới.  Trong ơn sủng của Chúa, không có gì là những mẩu vụn bé nhỏ tầm thường.  Tình yêu và ơn sủng là ngọn pháo bông.  Khi nó tung vỡ thành trăm ngàn vụn nhỏ nó càng rực rỡ huy hoàng.  Những ơn sủng hàng ngày, ở đây, ở kia, có thể là một ngày khoẻ mạnh, có thể là mâm cơm chiều có mặt cha mẹ con cái, đấy là những đốm lửa của ngọn pháo bông.  Nó không bé nhỏ dư thừa.  Vụn bánh không có nghĩa là bánh vụn, vì nó chứa một giá trị lớn lao trong dáng điệu nhỏ bé ấy.

Khi tấm bánh bị bẻ ra trên bàn thờ nó trở thành nhỏ bé mỏng manh, nhưng không có nghĩa tấm bánh mất đi quyền năng và ơn thánh.  Nó nhỏ vì đức tin của tôi quá xa, lòng cảm nghiệm của tôi quá chật.

Khi hiến lễ đền tội cho nhân loại của Ðức Kitô trên Núi Sọ tan ra, vóc dáng Người sụp xuống, tấm bánh hy tế ấy nhỏ lại trong dáng nhỏ nhưng như nắng vỡ, lan ra, chảy trùm kín vũ trụ.

4. Hạnh phúc

Có người tự chọn suốt đời là khắc khoải khổ đau vì đi tìm những hạnh phúc lớn.  Có tâm hồn đau khổ không làm gì được họ vì họ cứ đi nhặt những hạnh phúc nhỏ.  Họ đi nhặt những hạnh phúc nhỏ để trải xuống thành hạnh phúc không lớn nhưng thật dài, dài trọn cuộc đời, và đời họ là hạnh phúc.

LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J.

SUY TÔN LỜI CHÚA

Hai bài đọc trong Phụng vụ hôm nay, bài trích sách Nơ-khê-mi-a và bài Tin mừng Thánh Luca, đều nói về hai sự kiện giống nhau, đó là việc đọc Sách Thánh trong nơi thờ tự.  Bối cảnh lịch sử của Bài đọc I là sau thời lưu đày.  Nhờ sắc chỉ của Ky-rô, vua Ba Tư vào năm 538 trước Công nguyên, người Do Thái được trở về quê hương bản quán.  Ông Ét-ra thuộc nhóm người đầu tiên trở về từ Babilon để khôi phục Đền thờ Giêrusalem và quê hương xứ sở.  Sau những khó khăn gian khổ đến từ nhiều phía, việc xây Đền Thờ và tường thành Giêrusalem cũng hoàn thành.  Đoạn sách được đọc hôm nay kể lại việc ông đọc sách Luật trước công chúng vào dịp hoàn tất công trình tái thiết Đền thờ, với mục đích nhắc cho dân chúng nhớ lại những điều Chúa đã dạy.  Dân chúng ăn năn khóc lóc vì tội lỗi đã phạm, đồng thời nhận ra cuộc lưu đày khốn khổ chính là hậu quả của tội bất trung.

Tin Mừng Thánh Luca kể với chúng ta một lần Chúa Giêsu về thăm quê hương Nagiarét, Hôm đó là ngày Sabát, Người đã vào Hội đường để đọc Sách Thánh.  Tác giả còn nói thêm: “như Người vẫn quen làm”, để cho thấy Chúa Giêsu thời thơ ấu tại quê hương luôn gắn bó với Hội đường, là sinh hoạt tôn giáo của một cộng đoàn địa phương.  Khi lồng ghép bài Tin Mừng Thánh Luca với bài đọc trích sách Nơ-khê-mi-a, Phụng vụ muốn giới thiệu với chúng ta, Đức Giêsu chính là vị ngôn sứ đến để công bố thời của ân sủng, thời của ơn cứu độ, giống như tư tế Ét-ra công bố thời lưu đày đã mãn, dân trở về cố hương, Đền thờ Giêrusalem cùng với truyền thống tế tự đã được khôi phục.

Tư tế Ét-ra đọc Lời Chúa để nhắc dân chúng ôn lại quá khứ.  Đó là một quá khứ thương đau.  Dưới quan niệm của ông cũng như của nhiều người Do Thái, việc dân phải đi lưu đày xa quê hương xứ sở là hậu quả của lối sống lãng quên Thiên Chúa và vi phạm giới luật Ngài truyền.  Ôn lại quá khứ cũng nhận ra tình thương của Chúa.  Ngài luôn bao dung tha thứ, mặc dù dân nhiều lần phản nghịch.  Lời Chúa tác động mạnh mẽ đến nỗi người dân khóc lóc.  Đó vừa là những giọt nước mắt sám hối, cũng là những giọt nước mắt vui mừng, vì nhận ra tình thương của Chúa.

Ngày 30-9-2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ấn định, Chúa nhật thứ ba của mùa Thường niên là Chúa nhật Lời Chúa.  Mục đích của Đức Thánh Cha là giúp các tín hữu ý thức tầm quan trọng của việc đọc và suy niệm Lời Chúa.  Đức Thánh Cha đã trích lời Thánh Giêrônimô: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô.”  Nhiều người tín hữu dửng dưng với việc đọc Lời Chúa.  Nhân vật tư tế Ét-ra và Chúa Giêsu tại Hội đường Nagiarét nhắc nhớ chúng ta về bổn phận quan trọng này.  Đọc Lời Chúa sẽ giúp chúng ta gặp Người, lắng nghe lời Ngài dạy bảo để chuyên cần thực thi thánh ý của Ngài.  Đọc Lời Chúa với tâm tình suy niệm sẽ giúp chúng ta nên hoàn thiện ngay trong cuộc sống hôm nay.

Tại Hội đường Nagiarét, sau khi đọc đoạn trích sách ngôn sứ Isaia, Chúa Giêsu tuyên bố: Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.  Những người đồng hương đã sửng sốt ngạc nhiên trước lời tuyên bố này, vì Chúa Giêsu khẳng định Người là Đấng được xức dầu và được Chúa Cha sai đến trần gian để loan báo Tin Mừng, băng bó những vết thương tinh thần cũng như thể xác của con người.  Những việc Chúa làm đã chứng minh lời khẳng định đó.  Các tác giả Phúc âm đều kể với chúng ta, Chúa Giêsu miệt mài lên đường loan báo Nước Trời và kêu gọi mọi người sám hối.  Người chứng minh: những gì các ngôn sứ đã tiên báo về Người đã và đang được thực hiện.

Nhờ Bí tích Thanh tẩy, người tin Chúa được gọi là “Kitô hữu.”  Kitô hữu là người được xức dầu.  Nhờ được xức dầu mà chúng ta nên giống Chúa Giêsu.  Lý tưởng của cuộc sống người tín hữu là nên giống Chúa Giêsu trong tư tưởng, lời nói và việc làm.  Càng nên giống Chúa Giêsu bao nhiêu, chúng ta càng thánh thiện bấy nhiêu.  Nên giống Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi cộng tác với Người để lên đường loan Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn thương đau bất hạnh, tức là xoa dịu, đồng cảm và chia sẻ với anh chị em chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.

Xuân Nhâm Dần đang đến gần.  Mỗi dịp tết, chúng ta có thói quen nhận lộc Lời Chúa.  Việc rút thăm để nhận Lời Chúa không phải để thử vận may rủi như người lương dân vẫn làm vào dịp Tết.  Đón nhận Lời Chúa vào ngày đầu năm để suy niệm và chuyên tâm thực hành Lời ấy trong suốt năm.  Bởi lẽ “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.”  Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta một mùa xuân an bình, thánh thiện và chuyên tâm thực thi thánh ý Ngài.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

LẮNG NGHE LINH HỒN CỦA CHÚNG TA

Trong thời Thế chiến Thứ hai, khi Phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp, một nhóm thần học gia Dòng Tên đã phản đối việc chiếm đóng bằng cách xuất bản một tờ báo ngầm, Tập sách Chứng từ Kitô (Cahiers du Temoignage Chretien), với dòng mở đầu bất hủ trên số báo đầu tiên: “Nước Pháp, cẩn thận đừng để mất linh hồn mình.”  Chuyện đó làm cho tôi nhớ lại một câu của linh mục Hans Kolvenbach, cựu Bề trên Tổng quyền Dòng Tên.  Nói về toàn cầu hóa, cha cho rằng một trong những điều cha sợ nhất về toàn cầu hóa, chính là sự toàn cầu hóa sự tầm thường.  Một cảnh báo quá đúng!

Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến sự tầm thường hóa linh hồn trong nền văn hóa.  Bây giờ không còn mấy chuyện siêu nhiên nữa, nghĩa là còn ít chuyện liên quan đến linh hồn.  Những chuyện từng mang ý nghĩa thâm sâu, bây giờ lại liên quan đến những thứ bình thường hơn.  Như tình dục chẳng hạn.  Nền văn hóa này (trừ một vài giáo hội lẻ loi đứng ngoài xu thế) ngày càng tin rằng tình dục phải không liên quan đến linh hồn, trừ khi chúng ta muốn nó như thế và cho nó một ý nghĩa như thế.  Ví dụ gần đây, trong một tranh luận, tôi nghe có người giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng về luân lý trong việc một giáo sư ngủ với sinh viên của mình bằng lập luận: có gì khác nhau giữa chuyện này với chuyện một giáo sư chơi quần vợt với sinh viên của mình chứ?  Vậy quan điểm của người đó là gì?  Tình dục không cần phải đặc biệt trừ khi chúng ta muốn nó đặc biệt.  Có gì khiến làm tình khác với một trận quần vợt?

Chỉ có những người ngây thơ đến độ nguy hiểm mới không thấy sự khác biệt quá lớn về mặt linh hồn ở đây.  Một trận quần vợt không chạm đến chiều sâu của linh hồn.  Nhưng tình dục thì có, và nó là như thế không chỉ bởi một số giáo hội nói như thế.  Chúng ta thấy rõ chuyện này khi nó bị xâm phạm.  Freud từng nói, chúng ta hiểu rõ nhất cái gì đó khi nó vỡ.  Ông nói đúng, và trong chuyện này, không gì thể hiện rõ hơn tác hại của bạo lực và lạm dụng tình dục lên người khác.  Khi tình dục sai trái, thì có sự xâm phạm linh hồn quá lớn so với một trận quần vợt.  Thậm chí nếu các giáo hội không khẳng định như vậy, thì tình dục vẫn là chuyện của linh hồn.  Bởi vì nó liên kết với linh hồn theo những cách mà trận quần vợt không thể làm được.  Mỉa mai thay, khi nền văn hóa này đang tầm thường hóa quan điểm truyền thống của xã hội về tình dục vốn xem nó liên quan đến linh hồn, thì những chuyên gia chữa trị tổn thương về tình dục lại thấy rõ hơn bao giờ hết sự khác biệt không thể so sánh nổi về mặt linh hồn, giữa chuyện bị lạm dụng tình dục với một trận quần vợt.

Tuy nhiên, chúng ta không chỉ đang tầm thường hóa chuyện của linh hồn, mà còn chật vật trong việc lắng nghe linh hồn.  Một điều đáng chú ý là thời nay, lời cảnh báo này không phải đến từ các giáo hội cho bằng đến từ các triết gia theo thuyết bất khả tri, và những nhà phân tích tâm lý theo trường phái Jung.  Ví dụ như, nét chủ đạo trong những bài viết của James Hillman, triết gia theo thuyết bất khả tri về linh hồn, nói rằng nhiệm vụ của cuộc sống là sống trong cảm xúc sâu đậm của linh hồn và chúng ta chỉ có thể sống được khi lắng nghe linh hồn của mình.  Và ông thừa nhận, có rất nhiều thứ đang lâm nguy.  Trong quyển sách Tự tử và Linh hồn (Suicide and the Soul), ông cho rằng đôi khi trong chuyện tự tử, linh hồn không thể kêu thấu ai, nên cuối cùng đã giết đi thân xác.

Tâm lý chiều sâu cũng có những cái nhìn tương tự và cho rằng sự hiện diện của một số triệu chứng nhất định như trầm cảm, lo âu quá độ, rối loạn mặc cảm tội lỗi và nhu cầu cần tự chữa cho mình thường là tiếng kêu của linh hồn muốn được lắng nghe.  Tiến sĩ tâm lý theo trường phái Jung, James Hollis, cho rằng đôi khi chúng ta có những ác mộng là bởi linh hồn đang giận dữ với chúng ta, ông còn nói rằng, khi thấy những triệu chứng đó, chúng ta cần tự hỏi: “Linh hồn muốn gì nơi tôi?”

Thật sự, linh hồn muốn gì nơi chúng ta?  Linh hồn muốn nhiều thứ, dù về bản chất quy về ba điều này: được bảo vệ, được tôn kính, và được lắng nghe.

Trước hết, linh hồn cần được bảo vệ khỏi sự xâm phạm và tầm thường hóa.  Những gì nằm ở nơi thâm sâu nhất của chúng ta, ở trọng tâm linh hồn chúng ta, là điều mà Thomas Merton từng mô tả là điểm trinh nguyên.  Tất cả những gì thiêng liêng nhất, dịu dàng nhất, chân thật nhất và yếu đuối nhất nơi chúng ta trú ở đó, và dù linh hồn chúng ta liên tục xin bảo vệ, nhưng linh hồn không thể tự bảo vệ chính mình.  Linh hồn cần chúng ta bảo vệ điểm trinh nguyên đó.

Thứ hai, linh hồn cần được tôn kính, cần chúng ta tôn trọng sự thiêng liêng của nó và nhìn nhận chiều sâu của nó.  Linh hồn cứu rỗi là “bụi gai đang cháy” mà chúng ta cần cởi giày khi đến gần.  Đánh mất sự tôn kính đó chính là tầm thường hóa chiều sâu của chính mình.

Cuối cùng, linh hồn cần được lắng nghe.  Tiếng kêu, sự kháng cự của linh hồn và những giấc mơ mà linh hồn cho chúng ta trong giấc ngủ, là những điều mà chúng ta phải lắng nghe.  Hơn nữa, linh hồn cần được lắng nghe không chỉ trong những lúc hăng hái mà còn trong những lúc nặng nề, buồn sầu, giận dữ.  Cũng thế, chúng ta cần phải lắng nghe cả yêu cầu được bảo vệ của linh hồn và thách thức của linh hồn muốn chúng ta mạo hiểm.

Linh hồn là điều quý báu xứng đáng để chúng ta bảo vệ.  Linh hồn là tiếng nói thâm sâu nhất trong chúng ta, nói lên những gì quan trọng nhất và đánh động nhất trong đời chúng ta, và chúng ta cần luôn mãi để ý đến lời cảnh báo này: cẩn thận đừng để mất linh hồn mình.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

VAI TRÒ CỦA MẸ MARIA TẠI TIỆC CƯỚI CANA

Trong cách tường thuật của Thánh Gioan, các phép lạ của Chúa Giêsu được gọi là dấu lạ.  Phép lạ hoá nước thành rượu tại tiệc cưới Cana là dấu lạ đầu tiên của Chúa Giêsu (x. Ga 2:1-11).  Qua các dấu lạ của Ngài, vinh quang của Thiên Chúa được bày cho thế gian.

Mẹ Maria có mặt tại tiệc cưới Cana và dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Mẹ đóng một vai trò quan trọng trong các dấu lạ của Ngài.  Ðiều mang một ý nghĩa đặc biệt là Thánh Gioan đã không gọi đích danh Maria của Mẹ, Ngài chỉ gọi Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, hoặc khi Chúa Giêsu ngỏ với Mẹ Ngài, Ngài gọi Mẹ là người đàn bà.  Kiểu nói: “Hỡi bà”, hỡi người đàn bà này gợi lên niềm tôn trọng, sự vinh dự và sự trìu mến mà Chúa Giêsu muốn dành cho Mẹ Ngài, kiểu nói này ám chỉ một tư cách mới của Mẹ Maria.  Mẹ không chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu, mà còn là một thành phần của một đại gia đình, trong đó máu mủ ruột thịt không còn là quan hệ tối cần nữa.  Mẹ Maria là người đàn bà vĩ đại, vì Mẹ đã tái sinh từ trên cao, Mẹ là một tín hữu trưởng thành, Mẹ là người môn đệ ra đi loan báo về Chúa Giêsu.

Là dấu chỉ, phép lạ, tại tiệc cưới Cana loan báo chính cái chết của Ngài trên thập giá.  “Giờ” được Chúa Giêsu nhắc đến tại tiệc cưới Cana cũng chính là khi môn đệ yêu của Ngài là Thánh Gioan rước Mẹ Maria về nhà mình.  Tại tiệc cưới Cana và dưới chân thập giá, “giờ” của Chúa Giêsu và “giờ” của Mẹ Maria hòa lẫn với nhau.  Từ khởi đầu cũng như đến lúc kết thúc, Chúa Giêsu và Mẹ Ngài liên kết chặt chẽ với nhau.

Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, tiệc cưới là nơi ưu biệt để mạc khải, để thờ phượng và để rao giảng Tin Mừng.  Ơn đức tin cũng được chia sẻ như thức ăn, thức uống.  Tiệc cưới là gặp gỡ mỹ mãn liên kết của hoà bình và công lý.  Ðó là nơi mà những lời hứa xưa bắt đầu thực hiện.  Tại tiệc cưới Cana, người đầu tiên được nhắc đến là “Mẹ của Chúa Giêsu.”  Thánh Gioan giải thích rằng: “Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài cũng được mời.”  Ðưa Mẹ của Chúa Giêsu lên hàng đầu, thánh Gioan cũng muốn ám chỉ rằng: Mẹ là người khởi sự việc thực hiện lời hứa mang lại niềm hy vọng cho các dân tộc mọi thời đại.  Ðiều bất ngờ nhất xảy ra trong tiệc cưới là không còn rượu nữa.  Rượu vốn là một biểu tượng phong phú trong xã hội Do Thái cũng như trong truyền thống các Tiên tri.  Lời quen thuộc nhất hẳn phải là lời sau đây của Tiên tri Isaia: “Trên núi này, Thiên Chúa các đạo binh sẽ dọn ra cho mọi dân tộc một bữa tiệc đầy thức ăn và rượu hảo hạng.  Thức ăn thì ê hề, rượu thì dư dật” (Is 25:6).  Rượu là niềm vui, là niềm hy vọng, là sự phong phú, là công lý, là sự thực hiện những lời hứa, vậy mà tại tiệc cưới Cana, họ hết rượu, điều mà mọi người chờ đợi từ lâu đã hết sạch.  Ðây là giờ của rượu mới, giờ của tình yêu mới, giờ của sự sống mới.  Chính tại tiệc cưới này mà giờ đã khởi đầu, và chính Mẹ của Chúa Giêsu là người đã báo động về tình hình và cầu cứu với Ngài.  Chúa Giêsu đã có phản ứng khiến chúng ta phải ngạc nhiên.  Ngài nói với Mẹ với một giọng điệu xem ra rất lạnh lùng: “Hỡi bà, việc đó can gì đến bà và con, giờ của con chưa đến” (Ga 2:4).

Hơn ai hết, Mẹ Maria hiểu Chúa Giêsu nói đến giờ nào.  Tuy nhiên, niềm tin và sự phó thác của Mẹ nơi Chúa Giêsu đã cho Mẹ thấy trước những gì Ngài sẽ làm cho nên Mẹ đã đi thẳng đến với những người giúp việc, và bảo họ làm tất cả những gì Chúa Giêsu truyền dạy.  Mẹ bảo những người giúp việc phải vâng lời Chúa Giêsu con Mẹ.  Lời của Ngài là luật mới, là cách sống mới, là lời kêu gọi hoán cải và cách vâng phục.  Sự vâng phục là chìa khóa mang lại công lý, là hoà bình.  Thánh Gioan gọi các gia nhân trong tiệc cưới là những người phục vụ, tức là những người lo cho người nghèo.  Ðây cũng là từ được thánh Gioan sử dụng để chỉ các tín hữu và các môn đệ của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu cũng đã sử dụng từ ấy nói về những người bạn đích thực của Ngài: “Ai muốn phụng sự Ta, hãy đến và theo Ta.  Và Ta ở đâu thì kẻ phụng sự Ta cũng ở đó.  Nếu ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh người đó” (Ga 12:26).  Từ phụng sự này nói lên mối quan hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu và chúng ta.  Chỉ có những người phụng sự này mới biết được rượu mới từ đâu đến, và biết được rằng rượu mới ngon hơn rượu cũ, họ tuân phục lời Chúa, họ theo lời chỉ bảo của mẹ Ngài.  Các chum nước dùng cho việc thanh tẩy giờ đây đã biến thành rượu hảo hạng.  Giờ đây sẽ không còn sự thanh tẩy theo lề luật cũng chẳng còn lề luật nữa.  Một trật tự mới được thiết lập, một công cuộc sáng tạo mới đã được thực hiện, một phụng vụ mới đã khởi đầu.

Dấu lạ đầu tiên của Chúa Giêsu đã diễn ra theo lời yêu cầu của Mẹ Maria.  Mẹ Maria quả đã mở ra một truyền thống mới.  Chúa Giêsu đã theo lệnh của Mẹ Ngài.  Từ nay, mỗi khi Giáo Hội và cộng đồng tín hữu Kitô quan tâm đến những người túng thiếu thì đó chính là lúc Chúa Giêsu thực hiện các dấu lạ.

Sau tiệc cưới tại Cana, Chúa Giêsu cùng với Mẹ Ngài và các môn đệ đi xuống thành Capharnaum.  Thánh Gioan chỉ muốn nói với chúng ta rằng: “Mẹ Maria đi theo Chúa Giêsu trong suốt sứ vụ công khai của Ngài.  Mẹ là Ðấng đã mang Ngôi Lời vào trong thế gian, giờ đây Mẹ đồng hành với Ngài và ở với Ngài cho đến cùng, nghĩa là cho đến giờ vinh quang của Ngài.  Mẹ luôn có mặt bên cạnh Ngài.  Mẹ đi vào những chọn lựa quyết định và hành động của Ngài.

Tại tiệc cưới Cana, Mẹ Maria đóng một lúc hai vai trò: Mẹ vừa tỏ cho Chúa Giêsu biết các nhu cầu của cộng đồng, Mẹ cũng vừa bảo cộng đồng, nhất là những kẻ phụng sự cộng đồng hãy tuân giữ lời Ngài.  Là người tôi tớ phục vụ, Mẹ không ngừng có mặt bên cạnh những người phục vụ.  Mẹ biết con người cần gì.  Mẹ biết khi nào tự do, công lý, hy vọng và phẩm giá con người cạn kiệt.  Mẹ biết rằng, cách thế duy nhất để mang lại sự sống sung mãn là làm đầy các chum chứa nước, là làm theo những gì Chúa Giêsu truyền dạy.  Trong nhà tiệc, đằng sau hậu trường, nhưng chính những người giúp việc mới là những kẻ đã chuẩn bị những gì cần thiết để dấu lạ diễn ra.

Nước Chúa không xa lạ với cuộc sống con người.  Nước Chúa gắn liền với cái ăn, cái uống, cái mặc, sự sống còn và phẩm giá con người.  Nước ấy đòi hỏi lòng cảm thông, sự chia sẻ.

Ngày nay, Mẹ Maria tiếp tục hiện diện trong Giáo Hội.  Mẹ thúc giục Giáo Hội tỉnh thức để nhận ra các nhu cầu của con người thời đại, và Mẹ dạy Giáo Hội làm theo tất cả những gì chúa Giêsu dạy.

Nước sẽ biến thành rượu, đau khổ sẽ thành hân hoan, niềm tin sẽ bừng dậy trong tâm hồn con người. Mẹ luôn hiện diện trong Giáo Hội để không ngừng khơi dậy niềm hy vọng ấy.

R. Veritas

VỮNG TIN VÀO CHÚA

Sau lễ Hiển Linh và lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, hôm nay, Phụng vụ lại giới thiệu với chúng ta một cuộc “thần hiện” thứ ba: đó là dấu lạ tại tiệc cưới Cana.  Quả vậy, khi thực hiện phép lạ này, Chúa Giêsu diễn tả quyền năng thiên linh của Người, và vinh quang Thiên Chúa cũng được thể hiện qua biến cố đó.  Chính tác giả Gioan đã nhận định về phép lạ đầu tiên này như sự tỏ bày vinh quang của Thiên Chúa, và nhờ đó mà các môn đệ tin vào Người.  “Các môn đệ”, trong đó tất nhiên có Gioan, người kể lại sự việc, đồng thời cũng là chứng nhân về sự việc ấy.

Thánh Gioan là tác giả duy nhất kể lại dấu lạ Cana.  Khởi đi từ lời tuyên bố: Ngôi Lời đã làm người và ở với chúng ta.  Qua việc Đức Giêsu đến dự tiệc cưới, ông muốn diễn tả hình ảnh một Đức Giêsu đến trần gian để sống giữa mọi người.  Người chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của cuộc đời nhân thế.  Người hiện diện giữa họ để đem cho họ niềm vui.  Chúa hiện diện trong những đám cưới, đám tang là những sự kiện rất đỗi thường tình của cuộc sống.  Người đến tiệc cưới để chúc lành, và làm cho niềm vui của cô dâu chú rể nên trọn vẹn.  Giáo Hội dựa trên sự kiện này để dạy chúng ta về việc Chúa thiết lập Bí tích hôn phối.  Khi đôi bạn nam nữ tiến đến bàn thờ để thề hứa chung thuỷ với nhau trọn đời, Thiên Chúa sẽ chúc phúc cho tình yêu hôn nhân của họ.  Bí tích hôn nhân là mối dây yêu thương ràng buộc hai người suốt đời, đồng thời ban ơn nâng đỡ để đôi bạn vượt lên những khó khăn của đời sống gia đình.

Trở lại với Bài đọc thứ nhất, trích ngôn sứ Isaia, tác giả chiêm ngưỡng một tương lai huy hoàng, hân hoan vui mừng như một tiệc cưới.  Dân Israel sẽ hết thời khổ nhục và tang chế.  Không ai còn khinh bỉ dân tộc này, vì Chúa ra tay cứu giúp.  Ngài sẽ can thiệp và biến đổi đau thương của dân tộc thành niềm vui bất tận.  “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về.  Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.”  Đức tin Kitô giáo nhận ra trong lời ngôn sứ trên đây lời tiên báo về thời Thiên sai.  Đức Giêsu Kitô đã đến khai mở thời thiên sai muôn dân mong đợi.  Người được sánh như chú rể trong tiệc cưới.  Tiệc cưới cũng là hình ảnh diễn tả mối liên hệ thân thiết giữa Thiên Chúa và nhân loại.  Thời đại cũ đã qua, thời Thiên sai đã khai mở.  Thời đại cũ vô vị như nước lã, thời đại mới nồng nàn như rượu thơm.  Dấu lạ Cana vừa đem niềm vui cho cô dâu chú rể, vừa làm vui lòng thực khách là chính thế giới này.

Ý niệm về Chúa Giêsu như một “chàng rể” cũng được nhắc tới trong các Tin Mừng, nhất là trong Tin Mừng Thánh Gioan.  Chúa Giêsu là Đấng muôn dân mong đợi.  Người đến trần gian để nối kết con người với Thiên Chúa.  Thánh Gioan Tẩy giả, khi nói về Chúa Giêsu, cũng dùng hình ảnh chàng rể, và ông khiêm tốn nhận mình là người phù rể (x. Ga 3, 25-30).  Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhân loại được mời gọi đón chờ Người như chờ đón chàng rể của hôn lễ (x Dụ ngôn mười trinh nữ, Mt 25, 1-13).  Đây cũng là viễn cảnh tương lai, khi lịch sử nhân loại đến hồi kết thúc, nhường chỗ cho trời mới đất mới, được diễn tả như tiệc cưới của Chiên Con, lúc đó, vinh quang Chúa sẽ bao trùm tất cả, niềm hân hoan sẽ tràn ngập vũ trụ (x Kh 19, 1-7).

Trình thuật của thánh Gioan làm nổi bật vai trò và sự tinh tế của Đức Trinh nữ Maria.  Phép lạ xảy đến do quyền năng của Thiên Chúa và với sự cộng tác của những gia nhân.  Những người này đã nghe lời khuyên của Đức Maria: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”  Ngày hôm nay, Đức Trinh nữ vẫn hiện diện giữa chúng ta, để can thiệp và cứu giúp chúng ta với tâm tình hiền mẫu.  Đức Mẹ luôn hướng dẫn và giúp chúng ta thực thi Lời Chúa, như xưa Đức Mẹ luôn ghi nhớ và suy niệm Lời Chúa trong lòng.  Vâng lời Chúa và làm theo huấn lệnh của Người, đó chính là bí quyết để làm nên những điều lạ lùng trong cuộc sống.

Nếu Đức Giêsu đã đến thiết lập kỷ nguyên mới, thì Chúa Thánh Thần lại là mối giây nối kết tình hiệp nhất trong Giáo Hội.  Thánh Phaolô diễn tả Chúa Thánh Thần như nguyên lý của mọi đặc sủng.  Dù có nhiều đặc sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần.  Ơn của Ngài được ban cho các tín hữu rất dồi dào phong phú, hầu xây dựng Giáo Hội là thân thể huyền nhiệm của Chúa Giêsu.  Hôm nay Chúa Thánh Thần vẫn đang tiếp tục thổi hơi thần thiêng của Ngài nơi các cộng đoàn tín hữu.  Nhờ Ngài mà Giáo Hội luôn vững vàng trước phong ba bão tố của thời gian.

Khi đọc Kinh Mân côi, thứ hai mùa Sáng, chúng ta suy niệm dấu lạ Chúa Giêsu đã thực hiện tại Cana, đồng thời chúng ta cầu xin cho được “noi gương Đức Mẹ và vững tin vào Chúa.”  Đức Mẹ là người có phúc vì Mẹ đã tin rằng những gì Chúa phán sẽ thành hiện thực.  Xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta.  Amen!

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

ĐANG LÀ CHÍNH MÌNH

“Tôi đã giãi bày tâm sự tôi trước nhan thánh Chúa.”

Chuyện kể về một thiếu nữ đã tin nhận Chúa.  Ngày kia, một giáo sư hỏi cô, “Bạn có phải là một tội nhân trước khi tin nhận Chúa?” “Vâng, thưa ngài,” cô trả lời.  “Bây giờ, cô vẫn là một tội nhân?”  “Thành thật mà nói, tôi cảm thấy mình là một tội nhân hơn bao giờ hết!”  “Vậy thì có gì thay đổi đâu?”  “Có chứ!  Tôi không biết phải giải thích thế nào,” cô nói, “Ngoại trừ tôi đã từng là một tội nhân chạy theo tội lỗi; nhưng bây giờ, tôi ‘đang là chính mình’, một tội nhân đang chạy trốn tội lỗi!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi ‘đang là chính mình’, một tội nhân!”  Sẽ khá bất ngờ khi các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho thấy một lần nữa, điều cô gái thú nhận, cũng là điều tuyệt vời Thiên Chúa chờ đợi nơi mỗi người chúng ta.  Ngài chờ đợi sự chân thành!  Bà Anna ‘đang là chính mình,’ người bị thần ô uế ám ‘đang là chính mình;’ và thú vị thay, Chúa Giêsu, cũng ‘đang là chính mình.’

Bài đọc Samuel tường thuật câu chuyện lên đền thờ đầy cảm xúc của bà Anna, một người cùng đường.  Với bà, cầu nguyện không cần được đo lường, và phải chỉnh chu; đôi khi, nó có thể được bộc phát thẳng thừng.  Từ sâu thẳm của nỗi đau và phẫn uất, bà nức nở với Chúa những lời đứt đoạn, không thành tiếng, chẳng thành lời.  Thầy cả Hêli nghĩ, bà say; nhưng bà cho biết, bà ‘đang là chính mình’ trước nhan Chúa, đang trút cho Ngài sự tức giận và buồn bã trong trái tim, trong linh hồn.  Bà héo hắt và vô phúc vì vô sinh!  Vậy mà Thiên Chúa lại yêu thích sự bộc bạch đó, Ngài không trách cứ khi bà nói khó với Ngài, cằn nhằn Ngài.  Cầu nguyện không cần phải chải chuốt, tìm lời hoa mỹ; không cần quanh co.  Như vậy, không có gì trong cuộc sống nằm ngoài giới hạn của lời cầu nguyện.  Thiên Chúa có thể đối phó với bất cứ điều gì chúng ta ném vào Ngài.  Không lời cầu nào được gọi là thô thiển, thiếu văn minh nơi một người ‘đang là chính mình!’  Chúa nhậm lời Anna, ban cho bà một mụn con là Samuel, để bà cất lên bài Magnificat đầu tiên qua lời Thánh Vịnh đáp ca mà Đức Maria sẽ làm vọng lại, “Tâm hồn con hoan hỷ vì Chúa, là Đấng cứu độ con!”

Tương tự như thế, người bị quỷ ám trong Tin Mừng nói với Chúa Giêsu theo cách bà Anna đã nói.  Người ấy thét vào Chúa Giêsu, “Hỡi Giêsu Nazareth, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?”  Đó là những câu hỏi đầy giận dữ tạt vào Ngài.  Tuy nhiên, như Đấng ngự trong đền thờ không lấy đó làm điều bực tức, và cảm thấy thoải mái với sự oán giận của Anna, Chúa Giêsu cũng không cho là vấn đề với cơn thịnh nộ cực độ, ma quái nơi người đàn ông ‘đang là chính mình’ này.  Ngài đáp lại bằng một lời răn đe, giải phóng anh khỏi quỷ ám.  Bất cứ khi nào chúng ta mở lòng, tiết lộ cho Chúa những gì đang có, kể cả những cảm xúc đen tối nhất, chúng ta cũng sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện chữa lành và xoa dịu đầy xót thương của Ngài.

Chúa Giêsu trừ quỷ, “Mọi người kinh ngạc hỏi nhau, ‘Cái gì vậy?  Một giáo lý mới ư?’”  Nhận xét của dân chúng ở đây cũng rất thật, họ ‘đang là chính mình.’  Và bản thân Chúa Giêsu cũng thế, lời Ngài nói, việc Ngài làm, chứng tỏ Ngài ‘đang là chính mình.’  Bởi lẽ, Ngài đang thể hiện quyền năng Thiên Chúa, Ngài cho biết Ngài là ai, là Thiên Chúa; Ngài nói với uy lực Thiên Chúa, nói theo cách để mọi người biết rằng, lời Ngài là Lời biến đổi, Lời làm cho sống.  Điều này xảy ra, không phải vì Ngài muốn, nhưng Ngài phải như thế, “Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền!”

Anh Chị em,

“Tôi ‘đang là chính mình’, một tội nhân!”  Đó là mệnh căn không suy suyển của mỗi người chúng ta; đó là lý do Chúa Giêsu xuống thế làm người; và đó là ý thức cốt lõi tiên thiên nơi mỗi người để Chúa Giêsu có thể cứu lấy họ.  Ý thức mình là một tội nhân, có nghĩa là tôi đang cần Thiên Chúa; đang cần Thiên Chúa đồng nghĩa ‘đang là chính mình.’  Bởi lẽ, đến bao giờ chúng ta mới hết cần đến lòng thương xót của Ngài?  Vậy, liệu chúng ta có ‘đang là chính mình’ hay ‘đang là một ai khác’ khi cầu nguyện?  Đừng quên, Thiên Chúa thấu suốt tâm hồn, dò xét tâm can từng gang tấc; Ngài thấy hết bên dưới những gì chúng ta vô tình hay cố ý che chắn.  Trước Ngài, không ai được coi là xứng đáng, kể cả các thánh; tất cả chúng ta đều là những tội nhân.  Chính lúc đó, Thiên Chúa mới có thể làm một điều tương tự như đã làm cho Anna, cho người quỷ ám, để chữa lành chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin xót thương con, vì con là kẻ có tội.  Xin cho con ghi nhớ, đó là lời cầu nguyện của một người ‘đang là chính mình’ nhất, cũng là lời cầu nguyện Chúa yêu thích nhất,” Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế