ĐÔI BẠN CHÂN TÌNH

Không dễ gì kiếm được một người bạn.  Người bạn đem lại nguồn an ủi, cơ hội và niềm vui lớn lao.  Tình bạn có thể chia sẻ và hi sinh tất cả cho nhau.  Thử tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu vắng hẳn tình bạn.  Về một phương diện, tình bạn còn quan trọng hơn mọi thứ tình yêu khác.  Vả lại, thường tình yêu cũng bắt đầu bằng tình bạn và lớn lên trong tình bạn.  Tình bạn đẹp đến nỗi Đức Giêsu cũng muốn nói lên một sự thật: “Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15:14).

TRI ÂM

Đức Giêsu muốn yêu thương con người bằng một tình bạn thắm thiết.  Người không muốn có một cách biệt quá xa như chủ tớ, mặc dù giữa Người và nhân loại khoảng cách còn xa hơn ngàn lần.  Nhưng tương quan phải thật gần gũi mới cảm thấu được tình yêu sâu đậm dành cho nhau.  Người như quên tất cả địa vị của mình.  Làm sao một tạo vật như chúng ta có thể dám mơ ước trở thành người bạn tri âm của Thiên Chúa?  Nhưng Người từng tâm sự: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm.  Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15:15).  Như thế, con người đã được nâng lên hàng bạn thân của Chúa.  Nếu cứ để nhân loại trong hàng nô lệ hay tôi tớ, làm sao Thiên Chúa bắc nổi nhịp cầu tri âm?  Một khi đã coi các môn đệ là tri âm, Đức Giêsu đã chia sẻ cho họ sự hiểu biết về Chúa Cha (Ga 14:20).  Như thế Người đã làm cho họ mãn nguyện.  Người đã có thể tâm sự sâu xa với họ về cái chết của Người cho toàn thể nhân loại.  Vì yêu thương, Người đã săn sóc họ tận tình, đến nỗi đã quì xuống rửa và hôn chân họ.  Đó là một bài học nhưng cũng là dấu chỉ báo trước sự hi sinh cực kỳ sâu xa.  Cúi xuống thật sâu để nâng họ lên ngang hàng với mình.  Một khi đã được nâng lên, họ hoàn toàn được tin tưởng và ủy thác tất cả sứ mạng cứu độ muôn dân.  Chính trong tình yêu, Thầy đã “cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15:16).

Muốn thế, trước tiên các môn đệ phải được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi.  Đó là một hồng ân cao cả, là điều kiện tối thiểu để có thể đi sâu vào tình yêu Thiên Chúa.  Chỉ vì yêu thương, Thiên Chúa đã ban tặng một giá trị và địa vị tuyệt vời cho nhân loại.  Trong tương quan này, Thiên Chúa đã trao hiến một cách vô thường.  Không thể tìm đâu một sự trao hiến kỳ diệu hơn thế.  Quả thực, nơi thập giá, Đức Giêsu cho thấy “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13).  Họ đáng hưởng tình yêu cao cả đó, vì đã được nâng lên hàng tri âm của Chúa.  “Những bạn hữu của Đức Giêsu là những người có quan hệ gắn chặt với Chúa (Ga 13:23 tt; 19:26; 11:3).  “Mình với ta tuy hai mà một.”  Họ sung sướng vì được trở nên “đồng thừa kế với Đức Kitô” (Rm 8:17).  Như thế, họ là những người đặc biệt đón nhận mạc khải về Chúa Cha và được kết hiệp bằng những mối ràng buộc trong ‘nhà’ Thiên Chúa (Ga 14:20).  Họ có thể đi lại tự nhiên và hưởng dùng mọi thứ trong ngôi nhà đó, vì từ đây “tất cả những gì của Cha là của con” (Lc 15:31).

Hạnh phúc đó vượt quá lòng mong đợi của các môn đệ.  Chính nhờ hạnh phúc đó mà “niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15:11).  Muốn niềm vui trọn vẹn, phải “ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15:9).  Nếu không, sự chia cắt sẽ gây nên nhức nhối.  Cả Thầy lẫn môn đệ đều không vui.  Chính Đức Giêsu cũng chỉ giữ được niềm vui trọn vẹn với Chúa Cha, nếu “ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15:10).  Tình yêu là giây nối kết bền vững giữa Chúa Cha và Đức Giêsu, giữa Đức Giêsu và các môn đệ.  Tình yêu đó không phải là một thứ lượm ngoài đường, nhưng phải là kết quả của mồ hôi nước mắt khi nỗ lực “giữ các điều răn của Thầy” (Ga 15:10).  Điều răn của Thầy không phức tạp và khó khăn như luật lệ Do thái hay dân ngoại.  Rất đơn giản.  “Đây là giới răn của Thầy: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12).  Nghĩa là, thực tế “Thầy yêu thương anh em đến nỗi thí mạng vì anh em.  Đến lượt anh em cũng phải thí mạng cho nhau.”  Đó là mức hi sinh lớn lao do tình yêu đòi hỏi.  Không hi sinh, chắc chắn không thể có tình yêu.  Đó là mức đo tình yêu Đức Giêsu đối với Chúa Cha, và tình yêu môn đệ đối với Đức Giêsu.

Trong tình yêu, Thiên Chúa luôn đưa ra sáng kiến trước.  Ngươi làm tất cả để chiếm đoạt trái tim con người.  Người muốn gần gũi như bạn tri âm, để nói cho biết về lòng hăng say hăm hở lùng kiếm tình yêu như thế nào.  Nhưng trong rừng người trước mặt, tại sao chỉ có một số được tuyển chọn?  Lọt vào mắt xanh của Chúa, quả thực là một đại phúc.  “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15:16).  Họ không được tuyển chọn để sống một mình, nhưng để sống thành cộng đoàn.  Ơn gọi và sứ mệnh Kitô hữu luôn đòi phải sống trong tương quan với người khác.  Đó là lý do tại sao Đức Giêsu phải lên tiếng: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15:17).

SỨC MẠNH TRI ÂM

Đức Giêsu đã xác định rõ tương quan bằng hữu giữa Người và các môn đệ.  Kitô hữu có nghĩa là người bạn của Chúa Kitô.  Một khi đã tâm đầu ý hợp, tình tri âm này sẽ biến thành một sức mạnh vạn năng, đến nỗi “tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Ga 15:16).  Từ đầu, nhờ nên một với Đức Giêsu, Giáo hội đã cầu xin Chúa Cha ban Thánh Linh mở rộng sứ mạng truyền giáo cho Dân Ngoại.  Chúa Cha đã nhận lời.  Thánh Linh chính là tình yêu, một “tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1 Ga 4:7).  Hơn nữa, “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8).  Do đó, tình yêu không biết đến bất cứ ranh giới nào.  Tình yêu đã được thể hiện một cách vô cùng mãnh liệt khi Thiên Chúa “sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:10).  Thiên Chúa cũng không ra khỏi định luật đòi hỏi của tình yêu: HI SINH.

Chính vì hi sinh lớn lao đó, Giáo hội mới có khả năng đến với muôn dân.  Trên bước đường đến với muôn dân, Giáo hội luôn bị cám dỗ co cụm lại chính mình.  Trong Giáo Hội tiên khởi, những tín hữu thuộc giới cắt bì đã trở thành kỳ đà cản mũi.  Nếu Thánh Linh không can thiệp, chắc chắn không ai có thể dẹp nổi những não trạng cục bộ đó.  Thực tế, “những tín hữu thuộc giới cắt bì đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa” (Cv 10:45).  Giáo Hội đã có đà phóng tới.  Cái nhìn Giáo Hội đã mở rộng đến nỗi thánh Phêrô có thể cả quyết: “Hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì bất cứ họ thuộc dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10:35).  Không phải tới công đồng Vatican II, Giáo Hội mới khám phá ra các thánh ngoại giáo.  Ngay từ đầu, Thánh Linh đã cho thấy những khuôn mặt hết sức dễ thương trong cộng đồng dân ngoại.

Tuy thế, tới nay cám dỗ vẫn còn đó.  Giáo Hội vẫn luôn luôn phải đương đầu với những thứ kỳ đà cản mũi.  Ngay trong cộng đồng dòng tu, vẫn có những cơ cấu hay con người bảo vệ một thứ quyền lợi riêng tư nào đó.  Chẳng hạn, có những tỉnh dòng Đa Minh chỉ nhận những người gốc Ái Nhĩ Lan.  Có những tranh chấp lớn nhỏ giữa triều và dòng khắp nơi trong Giáo Hội.  Tại sao Giáo Hội lại đánh mất tính phổ quát ngay chính nơi cần phải làm chứng đặc tính Công giáo hơn bất cứ nơi nào?  Một tình yêu đánh mất chiều kích vô biên, có còn phát xuất từ Thiên Chúa không?  Nếu không phát xuất từ Thiên Chúa, tình yêu đó làm chứng cho cái gì?

Thế nên, Giáo Hội vẫn cần đến Thánh Linh để canh tân chính mình hầu xứng đáng là bạn tri âm của Chúa.  Chỉ trong tình tri âm với Chúa, Giáo Hội mới có thể nghe được tất cả mạc khải về tình yêu và nói về tình yêu cho người khác.  Giáo Hội đang mất thế đứng tại nhiều nơi trên thế giới vì đã bị những quyến rũ của quyền bính kéo Giáo Hội xa lìa mối tình tri âm đó.  Hơn lúc nào, cần phải cầu nguyện cho Giáo Hội, một người bạn tình của Chúa!

Như Hạ, OP

CẰN CỖI THIÊNG LIÊNG

“Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo.”

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay nói đến sự gắn bó, kết hiệp, sinh trái của những linh hồn tháp nhập vào Chúa Giêsu.  Bên cạnh đó, Tin Mừng còn nói đến sự khô héo, sự vô dụng; hay đúng hơn, một sự “cằn cỗi thiêng liêng” của một linh hồn lãng quên Thiên Chúa, khác nào cành nho tách khỏi thân nho.  Chúa Giêsu nói, “Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo.”

Chúng ta thường nghe, “Tiền vào, Chúa ra!”  Điều này đúng không chỉ với tiền, nhưng cũng đúng với bất cứ cái gì không thuộc về Chúa.  Thật dễ dàng để lãng quên Thiên Chúa khi cuộc sống của chúng ta quá bận rộn; hoặc khi mọi thứ diễn ra quá tốt đẹp, khiến chúng ta dễ dàng lãng quên Thiên Chúa.  Một khi không nhận ra điều đó, chúng ta bắt đầu tách mình khỏi Thiên Chúa như cành nho tách rời thân nho.  Hãy nhìn vào thời gian cầu nguyện của chúng ta!  Nó là một nhiệt kế luôn luôn chính xác.  Một khi tách khỏi “thân nho Giêsu”, giờ cầu nguyện của chúng ta sẽ ngày càng ngắn lại cho đến khi gần như tắt lịm.  Chúng ta đi con đường riêng của mình, giảm thiểu cầu nguyện và không chóng thì chày, bỏ cầu nguyện và rơi vào một sự “cằn cỗi thiêng liêng.”  Tuy nhiên, vấn đề không nhất thiết là phải bỏ qua một bên các hoạt động khác để đi cầu nguyện nhưng chúng ta sẽ làm tất cả bổn phận Thiên Chúa trao đang khi yêu mến Ngài và ước ao kết hiệp với Ngài.

Tách mình ra khỏi “thân nho Giêsu” để đầu tư sức lực của mình vào những việc khác, ai trong chúng ta cũng biết điều gì sẽ xảy ra.  Điều xảy ra là, chúng ta sẽ không tạo nên được một hoa trái nào đúng nghĩa.  Đây cũng là kinh nghiệm của thánh Augustinô, “Việc Chúa Giêsu nói thêm “Không có Thầy, anh em không thể làm gì được” là để nhấn mạnh một sự thật rằng, tự sức chúng ta, bằng nỗ lực riêng mình, chúng ta thậm chí, sẽ không thể tạo ra một trái tốt ‘nhỏ.’”  Đó là hậu kết của cái gọi là “cằn cỗi thiêng liêng.”  Điều xảy ra tiếp theo sẽ là những gì tệ hại nhất, linh hồn bị ném ra ngoài như một cành khô; những cành vô dụng này sẽ được gom lại, ném vào lửa và bị đốt cháy.

Từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được tháp nhập vào Chúa Giêsu; ai trong chúng ta cũng muốn sinh trái dồi dào, tạo nên một sự khác biệt, mang lại một sự thay đổi cho cộng đồng, cho thế giới… điều đó thật hấp dẫn và có ý nghĩa với mỗi người.  Thế nhưng, ai trong chúng ta cũng đã trải nghiệm một sự thật rằng, chỉ khi kết hiệp với Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể trổ sinh hoa trái lâu dài cho Vương Quốc Nước Trời; đây cũng là cách thức chúng ta tôn vinh Chúa Cha.  Được như thế, mỗi người sẽ cảm nhận rằng, nhựa sống của Chúa Kitô đang luân chuyển trong linh hồn mình.  Cuộc sống của chúng ta sẽ nở hoa cho người khác; đó là những bông hoa của Thánh Thần: bác ái, hoan lạc, bình an, đại lượng, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà và tiết độ.  Những bông hoa này không chỉ tỏa hương hôm nay, nhưng vương mãi hương thơm cả khi chúng ta đã lìa thế.

Trong túi áo của một em bé đã chết ở trại tập trung Ravensbrück, nước Đức, người ta đọc được lời nguyện này, “Lạy Chúa, xin hãy nhớ đến không chỉ những thiện nam tín nữ của Chúa mà còn nhớ đến cả những người ác ý.  Nhưng xin Chúa đừng nhớ tất cả những đau khổ mà họ đã gây ra cho chúng con; thay vào đó, xin nhớ đến những hoa trái mà chúng con đã trổ sinh vì sự đau khổ này.  Đó là tâm tình hiệp thông của chúng con, lòng trung thành, sự khiêm tốn, lòng can đảm, sự rộng lượng của chúng con; đó là sự vĩ đại của những trái tim đã trưởng thành từ những cực hình này.  Khi những kẻ bắt bớ chúng con đến để chịu sự phán xét của Chúa, xin hãy để tất cả những hoa trái mà chúng con đã sản sinh trở thành sự tha thứ mà Chúa nhân từ sẽ dành cho họ.”

Anh Chị em,

Không ai trong chúng ta không ngưỡng mộ sự cao thượng của em bé Ravensbrück; và cũng không ai muốn cho mình ra cằn cỗi.  Vì sự èo uột, sự “cằn cỗi thiêng liêng” của chúng ta là nỗi nhục cho Thiên Chúa; Chúa Giêsu đã nói, “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là, anh em sinh nhiều hoa trái.”  Muốn được vậy, chúng ta phải ở lại trong Chúa Giêsu.  Chỉ khi ở lại trong Ngài, nhựa sống thần linh nguyên tuyền của Thiên Chúa mới có thể luân lưu trong ta, nhựa sống của Ngài làm cho chúng ta đầy sinh lực thiêng liêng để sinh hoa trái.  Bởi chưng, là Kitô hữu, chúng ta không chỉ “sống với Chúa Giêsu”, “sống cho Chúa Giêsu” mà còn phải “sống trong Chúa Giêsu.”  Nhận thức được tầm quan trọng này, Chúa Giêsu đã thiết tha van nài mỗi người chúng ta, “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.”

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, để con khỏi “cằn cỗi thiêng liêng”, xin giúp con bám chặt vào Chúa.  Nhờ việc rước lấy Thánh Thể và Lời Chúa soi rọi mỗi ngày, xin cho con biết củng cố mối dây hiệp nhất trong Chúa; nhờ đó, niềm tin và tình yêu của con với Chúa ngày càng lớn lên, vì Chúa là tất cả của con,” Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

THÁNG 5: DÂNG HOA CHO ĐỨC MẸ MARIA

“Cầu nguyện với Mẹ Maria với lòng sốt sắng, Mẹ sẽ không làm ngơ.” (Thánh Bênađô)

Riêng ở Việt Nam, tháng Hoa hình như đã trở nên “thương hiệu” của tháng Năm này.  Trong Giáo Hội, truyền thống dâng hoa cho Đức Maria luôn được yêu mến.  Tuy vậy, chỉ có ở Việt Nam, chúng ta mới thấy sự sinh động của sinh hoạt tôn giáo này[1].   trong bất kỳ giáo xứ nào, chúng ta cũng dễ dàng thấy những buổi tập, dâng hoa cho Đức Mẹ, ngay từ những ngày đầu tháng hoa này.

Tặng hoa, hoặc dâng hoa cho một ai đó là thể hiện tình yêu, lòng tôn kính và trân trọng của người trao dâng.  Hoa luôn là biểu tượng, ngôn ngữ sống động để nối kết tương giao. T rong nhiều cuộc gặp gỡ, trong tình yêu nam nữ, trong phụng tự tôn giáo, v.v…, hoa luôn hiện diện với chức năng sống động của nó.  Nhất là khi tháng Năm về, mỗi buổi dâng hoa cho Đức Mẹ là một buổi nguyện cầu đầy tràn sắc hương hoa.

Bởi đâu lại có truyền thống tốt đẹp này?

Cảnh sắc đất trời sau Đông là một mùa Xuân với muôn hoa đua nở.  Truyền thống người Rôma có những cuộc rước linh đình để tôn kính các loài hoa như nữ thần của Mùa Xuân[2].  Trong văn hóa đó, chúng ta thấy hoa luôn là biểu tượng của sắc đẹp, nét thơ mộng của thiên nhiên.  Nhưng phải đến mãi thế kỷ XIV, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, mới khởi xướng việc trang hoàng muôn hoa quanh tượng Đức Mẹ.  Sang thế kỷ thứ XVII, các nữ tu dòng kín làm nổi bật truyền thống này, kèm với những bài hát kính Đức Mẹ.  Cứ thế, tới đầu thế kỷ XIX, việc dâng hoa cho Đức Mẹ đã lan rộng ở nhiều nơi, nhất là ở Pháp.  Có lẽ vì thế mà khi người Pháp đến Việt Nam, phong trào này đã được lưu truyền cho đến ngày nay.

Hay nói đúng hơn, đầu thế kỷ XX, Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ, cho thấy ý nghĩa của tháng này:

Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ.  Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công Giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên Đàng.  Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ những tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt.  Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai toà rất dồi dào của Đức Mẹ.”  (Được Đức Phaolô VI ban hành).

Ngay từ Hội Thánh sơ khai, vai trò của Đức Trinh Nữ, dĩ nhiên, đã quá quan trọng.  Mẹ được kêu cầu qua nhiều tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian” (LG 62).  Hoặc, Mẹ Maria là “mẹ của nhân loại” (x. LG 54).  Phải thừa nhận rằng, một cách tự nhiên, mỗi người đều cảm thấy thật gần gũi với Đức Mẹ.  Nhiều người thích đến với Đức Mẹ để cầu nguyện, chiêm ngắm và van xin.

Chúng ta tin tưởng Mẹ luôn biết những khốn khó, tâm tư và nguyện vọng của từng người con nơi dương thế.  Từ đó, Mẹ có cách kêu cầu với Đức Giêsu, con của Mẹ, trợ giúp cho chúng ta.  Theo đó trong tháng hoa này, người ta thể hiện biết bao cử chỉ tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ.

Khi tham dự buổi dâng hoa, chúng ta thích thú nghe những bài thánh ca về Đức Mẹ.  Hòa trong đó là những vũ điệu nhịp nhàng, thanh thoát của nhóm múa quanh chân Đức Mẹ.  Từ trên tòa cao, Mẹ nhìn xuống với biết bao người con đang dâng cho Mẹ những đóa hoa tươi thắm.  Đó quả là những tấm lòng chúng ta muốn dâng trao cho trái tim hiền từ của Mẹ.

Nếu Giáo Hội hân hoan mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, thì Mẹ Maria của chúng ta cũng được vinh dự ấy[3].  Nơi đó, chắc chắn Mẹ vẫn luôn đồng hành với con cái của Mẹ.  Ước gì tháng hoa này là thời gian đặc biệt để chiêm ngắm Mẹ, như một mẫu gương theo Chúa đến cuối con đường.

Đừng quên, ngoài những đóa hoa tươi sắc kia, Đức Mẹ cũng chờ mong những đóa hoa lòng của mỗi người.  Đó là tràng hoa mân côi, những tâm tình cầu nguyện, tình yêu vào Thiên Chúa và vui sống mỗi ngày.  Khi đó, chắc chắn Mẹ bảo đảm với những ai đến với Mẹ đều được nhận lời như nhiều lần Mẹ hiện ra tại La Vang:

“Mẹ đã nhận lời các con kêu xin.  Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện.”

Nguyện xin Chúa chúc lành cho mỗi người trong tháng Hoa này!

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: https://dongten.net

[1] Ở Châu Âu hoặc nhiều nơi khác, họ có dâng hoa cho Đức Mẹ, nhưng không có múa hát để dâng hoa như ở Việt Nam.

[2] Theo truyền thuyết Hy Lạp, Persephone (tiếng Hy Lạp: Περσεφόνη) là con gái của thần Zeus. Vì xinh đẹp, nên Persephone bị thần âm phủ là Hades phủ bắt cóc làm vợ, và trở thành nữ hoàng âm phủ. Khi Persephone trở về hạ giới, khiến sự vui mừng của mẹ nàng là nữ thần nông nghiệp Demeter lan tỏa khắp mặt đất, tạo ra mùa xuân. Vì vậy, Persephone còn được ví là nữ thần mùa xuân.

[3] Tín điều này được Giáo Hoàng Piô XII ban hành vào ngày 1 tháng 11 năm 1950 qua Hiến chế “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa vô cùng vinh hiển). Trong hiến chế này, Giáo hoàng Piô XII tuyên bố: “Sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa vừa vô nhiễm vừa mãi mãi đồng trinh, đã được đưa vào vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác.”