KHÁM TỔNG QUÁT

Sách Lê-vi, chương 13, đề cập 22 lần động từ “khám” – trong đó có 1 lần “tái khám.”  Đó là nói tới bệnh phong hủi ở con người.

Sinh, Lão, Bệnh, Tử là “chuỗi khổ” của kiếp người.  Trong đó, Bệnh là thứ cần được chữa lành.  Điều đó cũng ngầm hiểu rằng sự sống vô cùng quan trọng.  Và dù cho có chữa khỏi bệnh nào đó thì rồi cũng chẳng ai thoát khỏi “cửa tử”, y học có tiến bộ tới đâu thì cũng phải “bó tay”, chịu thua vô điều kiện.

Mùa Chay không chỉ là lúc thuận tiện để kiểm tra tổng quát về sức khỏe tâm linh, mà còn là Mùa Cứu Thương.  Mùa này không phải cố giành sự sống của thân xác – phần thể lý, mà cố giành sự sống linh hồn – phần tâm linh.  Trước tiên, có lẽ chúng ta cần đến Khoa Tai-Mũi-Họng để kiểm tra.  Trong sách Châm Ngôn 6:12-19, Thiên Chúa cảnh báo về Miệng, Lưỡi, Mắt, Tay, Chân, Tim và Óc (mưu tính).  Các cơ phận đó có vẻ đơn giản mà lại rất phức tạp!

Khám tổng quát để biết chi tiết.  Biết chi tiết nào trục trặc thì chữa trị ngay bằng biệt dược cầu nguyện, sám hối và đền tội.  Tất nhiên cũng phải “ăn kiêng” để việc điều trị thêm hiệu quả.  Về thể lý, đó là kiêng cữ một số thực phẩm nào đó; về tâm linh, đó là việc ăn chay và hãm mình.  Bỏ cái nhỏ để được cái to, bỏ cái đời thường (hạ cấp) để được cái diễm phúc (cao cấp).

Bệnh thể lý có thể chữa khỏi hoặc không thể khỏi, nhưng bệnh tâm linh chắc chắn được chữa lành nhờ Thần Y Giêsu.  Đây là một số câu Kinh Thánh cho chúng ta biết về hiệu quả của việc điều trị tại Nhà Thương Thiên Chúa:

1. Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà, ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc, khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng (Tv 103:3-5).

2. Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành (Tv 147:3).

3. Ta sẽ mang lại cho nó một phương thuốc điều trị, sẽ chữa lành, sẽ tỏ cho chúng thấy một cảnh thái bình và một nền an ninh lâu dài (Gr 33:6).

4. Người gây thương tích, cũng chính Người băng bó, đánh bầm dập xong, lại ra tay chữa lành (G 5:18).

5. Tất cả những kẻ tiêu diệt ngươi sẽ bị tiêu diệt, mọi kẻ thù ngươi sẽ phải đi đày. Mọi kẻ bóc lột ngươi sẽ bị bóc lột, và mọi kẻ cướp phá ngươi, Ta sẽ để cho bị cướp phá. Phải, Ta sẽ phục thuốc cho ngươi, các thương tích của ngươi, Ta sẽ chữa lành vì người ta gọi ngươi là “Thành bị ruồng rẫy”, “Sion đó, kẻ chẳng được ai lo” (Gr 30:16-17).

6. Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân (Mt 4:23).

7. Đức Giêsu ngó quanh để nhìn người phụ nữ (bị băng huyết mười hai năm) đã làm điều đó (sờ vào áo Ngài). Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người.  Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con.  Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5:32-34).

8. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành (1 Pr 2:24).

9. Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.  Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát.  Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực (Gc 5:14-16).

10. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất (Kh 21:4).

Khám tổng quát và biết bệnh rồi thì phải điều trị ngay, càng sớm càng tốt.  Kinh Thánh xác định: “Người công chính phải có lòng nhân ái” (Kn 12:19).  Chính Thiên Chúa kê toa cho mỗi chúng ta: “Hãy trở về với Đức Chúa và từ bỏ tội lỗi, hãy cầu khẩn trước nhan Người và giảm bớt dịp tội.  Hãy đoạn tuyệt với gian ác, trở về cùng Đấng Tối Cao, và cực lực gớm ghét mọi điều ghê tởm” (Hc 17:25-26).

Với người phụ nữ ngoại tình (Ga 8:2-11), loại “bệnh” mà chúng ta thường coi như chứng nan y, dạng ung thư bất trị, thế mà Thần Y Giêsu chữa khỏi ngay chỉ bằng một liều thuốc đơn giản: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8:11).

Thần Dược thật tuyệt vời biết bao!  Thần Dược đó là “thương tình tha thứ.”  Loại biệt dược này vừa rẻ vừa hay.  Rẻ vì không tốn phí tức giận, ghen ghét, thù hận.  Hay là có hiệu quả mau chóng.

Nhà Thương Thiên Chúa là bệnh viện đa khoa, nhưng vẫn chuyên trị bất cứ chứng bệnh nào – kể cả các chứng nan y.  Hãy an tâm đến khám, hoàn toàn miễn phí cho mọi người – dù nghèo hay giàu.  Chỉ cần một chút “chi phí tùy tâm” là lòng thành tín (chân thành và tin tưởng).  Thế thôi!  Bệnh viện đa khoa nhưng có vô số “phòng khám tư” là Bí tích Hòa Giải, sau đó sẽ được bồi bổ bằng Bí tích Thánh Thể.

Nhà Thương Thiên Chúa tiếp nhận mọi bệnh nhân, dù nặng hay nhẹ.  Thời gian làm việc suốt ngày suốt đêm (24/7).  Hãy đến mau, đặc biệt trong Mùa Cứu Thương này: Mùa Chay.

Trầm Thiên Thu
Đêm Mùa Chay, 10-3-2019

IM LẶNG

Tội lỗi xấu xa tách rời Thiên Chúa
Tình thương chan chứa che phủ tội nhân

Thánh Mark khổ tu vừa khuyên nhủ vừa giải thích: “Ai đã phạm tội thì đừng thất vọng.  Đừng bao giờ.  Chúng ta không bị đoán phạt vì số lượng tội lỗi đã phạm, nhưng vì chúng ta không muốn sám hối và học biết những phép lạ của Chúa Kitô.”

Một trong các cặp đôi có thái cực đối lập là Tội và Tình.  Trong đó có một khoảng im lặng hoàn toàn, nhưng có khác nhau: Sự im lặng đó nặng nề và ngột ngạt đối với những kẻ lòng lang dạ thú, nhưng lại nhẹ nhàng và thông thoáng đối với những người thiện tâm.

Sự im lặng có thể là vàng – nghĩa là thực sự cần thiết, nhưng cũng có thể là “rác rưởi” vô ích, không cần thiết, thậm chí có thể là “chất độc” vì gây nguy hiểm.  Tội trái ngược với Tình, nhưng Tình liên quan mật thiết với Tha Thứ.  Các mẫu tự T độc đáo, mà cũng thực sự quan trọng trong cuộc đời chúng ta – đặc biệt đối với các Kitô hữu.

Kinh Thánh cảnh báo hai điều quan trọng liên quan tội lỗi: [1] “ĐỪNG tưởng mình là công chính trước mặt Đức Chúa” (Hc 7:5), và [2] “ĐỪNG để tội nào trói buộc con đến hai lần, vì một lần thôi cũng đủ để bị phạt” (Hc 7:8).  Đó là dạng ảo tưởng và không nỗ lực (hoặc cố chấp).  Kinh Thánh cũng đề cập một dạng hệ lụy tất yếu: “ĐỪNG làm điều xấu thì cái xấu sẽ KHÔNG THẮNG được con” (Hc 7:1).  Chắc chắn là vậy, như người Việt cũng nói: “Cây ngay không sợ chết đứng.”

Đối với nhân loại, tội ác luôn trái ngược với tình yêu, tội lỗi luôn đối nghịch với lòng thương xót.  Tốt và xấu, hoặc lành và dữ, là những “cặp đối”, những thái cực hoàn toàn đối nghịch nhau, không thể “chung đường chung lối.”  Thật vậy, có tội ác thì không có tình yêu – và ngược lại.  Nhưng đối với Thiên Chúa thì lại khác hẳn, vì Lòng Thương Xót của Ngài còn lớn hơn tội lỗi của cả nhân loại này, có thể hóa giải mọi thứ.  Đó là Mầu Nhiệm Tình Yêu mà loài người không bao giờ có thể hiểu được với trí óc hữu hạn phàm tục.

Quả thật như vậy, bất cứ điều gì đối với loài người là không thể thì đều có thể đối với Thiên Chúa, vì chính Ngài có thể biến hòn đá thành con cái của Áp-ra-ham (x. Mt 3:9) kia mà.  Như vậy, tư tưởng loài người chúng ta không làm sao có thể hiểu được ý Ngài.  Ngay như một người mẹ xả thân hy sinh vì một đứa con hư hỏng, chúng ta vẫn cho đó là một người mẹ nhu nhược, dại dột, hoặc ngu xuẩn.  Nhưng “yêu như điên” mới là yêu thật, yêu vì người được yêu, yêu vị tha chứ không chút vị kỷ.  Các dạng tình yêu của loài người dù có vị tha bao nhiêu thì vẫn có chút gì đó vị kỷ, chỉ có tình yêu của Thiên Chúa là tuyệt đối vị tha.

TỘI THỪA – TÌNH THIẾU

Từ thời Cựu Ước xa xưa, ngôn sứ Isaia nói rõ về quyền năng của Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ: “Đức Chúa là Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng nước oai hùng, cho xuất trận nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng: tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy, đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn” (Is 43:16-17).  Thật tuyệt vời, bởi vì chúng ta diễm phúc được tôn thờ một vị Chúa Tể như vậy, mặc dù “những lời chúng ta ca tụng Chúa không ích lợi gì cho Chúa, nhưng lại sinh ích lợi cho phần rỗi của chính chúng ta” (Kinh Tiền Tụng).  Thật là quá kỳ diệu, vượt trên cả sự tuyệt vời!

Rồi chính Thiên Chúa cũng đã căn dặn: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước” (Is 43:18).  Cái gì đã qua thì cho qua – Let bygones be bygones.  Bỏ qua chuyện cũ có nghĩa là yêu thương, là tha thứ, là quên cái Tội mà chỉ nhớ cái Tình.  Thiên Chúa sẵn sàng mở “con đường sống” cho dân chúng bằng cách thẩm vấn: “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?  Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn” (Is 43:19).  Hỏi thì hỏi nhưng Ngài lại trả lời. Vả lại, chính câu hỏi đó lại là cách trả lời xác định mạnh mẽ hơn.

Thật tuyệt vời về Thiên Chúa của chúng ta, vì chính Ngài minh định: “Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn vinh Ta; vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát” (Is 43:20).  Bởi vì Ngài “đã gầy dựng cho dân” nên “chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ngài” (Is 43:21a).  Thế nhưng buồn thay cho con người, chính “Israel bội nghĩa vong ân” (Is 43:21b).  Israel là dân Chúa, mà dân Chúa không chỉ là Israel mà còn là chính chúng ta – nghĩa là chính chúng ta cũng là những kẻ vong ân bội nghĩa.  Thật khốn biết bao!

Vì thế, chúng ta phải mau thức tỉnh mà trở về giao hòa với Ngài, càng sớm càng tốt, vì thời gian chẳng đợi chờ ai, giờ G đã điểm rồi.  Vả lại, Mùa Chay là thời điểm thuận tiện để sám hối, nhờ đó mà được Thiên Chúa thi ân và cứu độ (x. 2 Cr 6:2).

Thời điểm trở về là khoảnh khắc hạnh phúc vỡ òa bất ngờ, vì được chính Thiên Chúa dẫn đưa: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ,” và rồi họ “vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng” (Tv 126:1-2).  Người ta ngạc nhiên khi thấy vậy, có những người trong dân ngoại xôn xao bàn tán: “Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay!” (Tv 126:2).  Quả thật, “việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại!  Ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 126:3).  Chẳng phàm ngôn nào có thể diễn tả hết niềm vui sướng của tù nhân được phóng thích, ai đã ở tù rồi mới cảm nhận được rõ nét, có thể nói rằng chẳng khác chi từ hỏa ngục được bước vào thiên đàng, hoặc niềm hạnh phúc của đứa con hư hỏng được cha mẹ tha thứ và yêu thương như trước.  Khó có thể diễn tả trọn vẹn niềm hạnh phúc lớn lao như thế.

Noi gương Thánh Vịnh gia, chúng ta cùng chân thành cầu xin Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về, như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam” (Tv 126:4).  Cầu xin chân thành thì sẽ được xót thương, và niềm hạnh phúc sẽ dâng trào.  Thánh Padre Pio (Piô Năm Dấu) khuyên: “Hãy cầu nguyện, cứ hy vọng, và đừng lo lắng chi cả!”

Thật đơn giản mà kỳ diệu, chính niềm hạnh phúc khôn tả đó được ví như nông dân vất vả khi gieo hạt: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.  Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126:5-6).  Hình ảnh rất thực tế và gần gũi với chúng ta – dù dân miền quê hay thành thị.

Cuộc sống bình thường nhưng vẫn luôn có những điều kỳ lạ.  Sau cú ngã ngựa “chí tử”, một Saolê của Tội đã biến thành một Phaolô của Tình.  Với kinh nghiệm bản thân, ông thật lòng tâm sự: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi.  Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.  Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3:8-9).  Phải thực sự cảm nghiệm Thiên Chúa sâu sắc lắm mới khả dĩ có quyết định rõ ràng như vậy.  Thật không dễ chút nào, thế nhưng nhờ tín thác và nhờ hồng ân Thiên Chúa, ai cũng có thể hành động như Thánh Phaolô vậy.

Không thể dừng lại, không thể không nói, Thánh Phaolô cho biết thêm: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3:10-11).  Cảm nghiệm được như vậy nhưng thánh nhân vẫn khiêm nhường bộc bạch: “Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang CỐ GẮNG chạy tới, MONG chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt.  Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi.  Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3:12-13).  Đó cũng là điều mà ai cũng phải cố gắng – cố gắng triền miên, cố gắng không ngơi nghỉ.

Tuy nhiên, vấn đề không phải là chúng ta chiếm đoạt Đức Kitô, mà là tự nỗ lực hướng thiện để được Đức Kitô chiếm đoạt chúng ta.  Bởi vì mang thân phận phàm nhân, chúng ta quá yếu đuối, chỉ sơ sảy một chút là sa ngã ngay, chẳng ai dám nói khôn.  Vì thế, hãy không ngừng cố gắng học theo “phong cách” của Thánh Phaolô: “Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3:14).

TÌNH THƯƠNG THẮNG TỘI

Trình thuật Ga 8:2-11 ngắn gọn lời kể, nhưng đó là một bộ phim dài và hay, cốt truyện thú vị, tương phản hai cách đối xử – cách đối xử tồi tệ của đám đông (chủ yếu là những tay đầu xỏ) đối lập với cách đối xử khôn khéo và nhân từ của Chúa Giêsu.  Khi tư vấn hôn nhân và gia đình, người ta cũng thường lấy “điển tích” của đoạn Tin Mừng này để trưng dẫn.  Điều này cho thấy người đời, dù không là Kitô hữu, cũng vẫn phải công nhận cách cư xử tuyệt vời của Chúa Giêsu đối với một người yếu thế – một phụ nữ bị người ta bắt quả tang phạm tội ngoại tình và bị kết án tử.

Thánh sử Gioan cho biết: Vừa tảng sáng, Chúa Giêsu trở lại Đền Thờ.  Toàn dân đến với Ngài.  Ngài ngồi xuống giảng dạy họ.  Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình.  Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Ngài: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình.  Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó.  Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8:4-5).

Đúng là họ đểu thật, vì chính họ gọi Chúa Giêsu là Thầy nhưng lại nói xỏ nói xiên nhằm thử Ngài, đặc biệt là họ muốn có bằng cớ để tố cáo Ngài.  Kinh tởm với những ác nhân có mặt người mà lòng lang dạ thú.  Thế nhưng Đức Giêsu vẫn thản nhiên, Ngài lặng lẽ ngồi xuống rồi lấy ngón tay viết trên đất.  Chẳng ai biết Ngài viết gì, có lẽ Ngài vẽ lên cát như trẻ con chơi đùa vậy thôi.  Tuy nhiên, Ngài làm vậy vừa hay vừa lạ.  Đúng như ca dao Việt Nam: “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo.”  Lúc đó, chắc hẳn các kinh sư và người Pharisêu tức điên lên được, nhưng cũng đành “bó tay” thôi.  Bồ hòn có vị đắng chát cỡ nào thì cũng đành ráng coi như vị ngọt.

Tuy nhiên, lũ ác nhân cứ gạn hỏi mãi, dai như đỉa đói, thế nên Ngài ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8:7).  Ui da, “sốc” ghê đi!  Rồi Ngài lại cúi xuống tiếp tục loáy ngoáy viết trên đất như chẳng có chuyện gì xảy ra.  Ai ngon thì cứ chơi?  Và rồi như kịch bản được viết sẵn, họ nghe Chúa Giêsu hỏi vậy thì cứ từ từ rút lui có trật tự, người trước bước đâu người sau bước đó, bắt đầu từ những người lớn tuổi.  Họ “đau” lắm mà không nói lại được gì.  Kể cũng “căng” dữ nghen!

Tại sao người lớn tuổi đi trước?  Bởi vì người lớn tuổi là người sống lâu năm, mà càng sống thọ thì càng tội nhiều.  Rất minh nhiên.  Nói ít, hiểu nhiều.  Chúa Giêsu chẳng học luật, không làm luật sư, và cũng chẳng làm thẩm phán, thế mà lý lẽ thâm thúy dù cách nói rất đơn giản, ai cũng có thể hiểu.  Chúa Giêsu đúng là thần tượng và vô địch.  Thật tuyệt vời!

Ngay sau đó, chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, còn người phụ nữ vẫn đứng đó.  Có lẽ lúc này chị còn run rẩy và cũng vẫn sợ lắm.  Nhưng Chúa Giêsu ngẩng lên và nhẹ nhàng hỏi: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”  Chị khép nép và run giọng đáp: “Thưa ông, không có ai cả.”  Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!  Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8:11b).  Khi nói lời tha thứ này, có lẽ Chúa Giêsu cười rất hiền từ.  Án tử dành cho ả giang hồ chợt chuyển thành trắng án, hoàn toàn được tha bổng.

Thế là xong.  Chữ Tình đã hóa kiếp chữ Tội.  Nhưng vẫn có dấu hỏi to lớn.  Còn thắc mắc hoặc hỏi han gì nữa?  Còn chứ!  Liệu chúng ta có dám nhận mình cũng đã và đang có cách hành xử như các kinh sư ác ôn và nhóm biệt phái giả hình?  Có lẽ chúng ta không dám hành động rõ ràng như họ, nhưng sự thật là chúng ta vẫn hành xử như họ một cách tinh vi hơn họ đấy!

Chúa Giêsu ghét tội chứ không ghét người có tội.  Ai đã ngã mới biết đau, ai đã lỗi lầm mới biết cần được thông cảm.  Có một hệ lụy mang tính triết lý sống mà chính Chúa Giêsu đã xác định: “Ai được tha thứ nhiều thì yêu mến nhiều” (Lc 7:41-43; Mt 26:6-13; Mc 14:3-9; Ga 12:1-8.  Đó là chuyện cô nàng lấy tóc lau chân Chúa tại nhà ông Simôn cùi (không phải người phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng hôm nay).  Chúng ta cũng như phụ nữ ngoại tình, đã phạm tội, bị người ta ghét bỏ, nhưng lại được Thiên Chúa tiếp nhận và phục hồi cương vị làm con.  Niềm hạnh phúc lớn lao vô cùng!

Lạy Thiên Chúa, mặc dù chúng con là những tội nhân bất xứng, nhưng chúng con vẫn được Ngài tha bổng biết bao lần, mở con đường sống cho chúng con.  Xin cảm tạ Ngài đã không kết án chúng con, xin giúp chúng con biết thể hiện lòng thương xót với bất kỳ ai để minh chứng cụ thể.  Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.  Amen!

Trầm Thiên Thu
Niệm khúc Tin Mừng TRẮNG ÁN
https://youtu.be/MOzmf4RalQk

LÀM MỚI ĐỀN THỜ TÂM HỒN

Trong những năm gần đây, báo chí thường chạy những bài phóng sự về cảnh tượng xô bồ nơi các đền chùa trong những dịp lễ hội đầu năm: nào là chen lấn xô đẩy để lĩnh ấn Đền Trần, nào là buôn bán chặt chém khách hành hương Chùa Hương, nào là hỗn loạn xin lộc đền bà Chúa Kho, v.v…  Mục đích đi chùa chiền là để cầu an, hay cầu tài, cầu lộc.  Nhưng nhiều khi tài lộc đâu không thấy mà thấy mất tiền vì bị kẻ gian móc túi, hay bị những người bán hàng chặt chém.  An bình đâu không thấy chỉ thấy bất an vì bị chen lấn, xô đẩy, bị văng tục khi không mua hàng của người mời, hay mua cho người này mà không mua cho người kia, v.v…  Thế mới thấy rằng chính não trạng vụ lợi muốn biến thần thánh thành công cụ phục vụ lòng ham muốn của mình đã mở đường cho việc thương mại hóa những giá trị cao quý linh thiêng của văn hóa và tín ngưỡng.

Cũng với não trạng ấy, người Do Thái xưa kia đã biến sân Đền Thờ Giêrusalem, một nơi thánh thiêng, thành một nơi bát nháo để trao đổi buôn bán, nhằm trục lợi.  Là Con Thiên Chúa và là Đấng Thánh, Chúa Giêsu không chấp nhận để Đền Thờ, “nhà của Cha Ngài,” bị tục hoá, giải thiêng, và làm cho trở nên ô uế.  Ngài đã hành động thẳng thắn để trả lại ý nghĩa đích thực của nó; đồng thời Ngài muốn mạc khải một đền thờ sống động hơn, đó chính là Thân thể của Ngài.

Đọc lại lịch sử dân thánh, ta có thể thấy Đền Thờ Giêrusalem mang ba ý nghĩa rất quan trọng sau đây:

1. Trước hết, Giêrusalem là địa chỉ của sự gặp gỡ nối kết

Từ xa xưa, người Do thái vẫn xem đền thờ Giêrusalem là dấu chỉ sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa ở giữa dân Người.  Nói cách khác, Đền Thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện và gặp gỡ con người; đồng thời cũng là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau.  Gặp gỡ để thờ phượng, cảm tạ, chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa, đặc biệt là vào các ngày Sabát và các ngày đại lễ.

Thế nhưng, một số người đã biến nó thành nơi nhếch nhác của những kẻ tụ tập buôn bán và đổi chác.  Chúa Giêsu xua đuổi những kẻ lạm dụng này ra khỏi Đền Thờ là để trả lại chỗ đứng của Đền Thờ, vốn là “Nhà cầu nguyện”, nhà của sự gặp gỡ và nối kết giữa Thiên Chúa và con người.

2. Thứ đến, Giêrusalem còn là dấu chứng của tình yêu và hiệp nhất

Quả không sai khi nói rằng Đền Thờ Giêrusalem là nơi biểu lộ rõ nét nhất tình yêu của Giavê Thiên Chúa đối với dân Người, đồng thời cũng là nơi hiệp nhất muôn dân nước.  Thánh Vịnh Lên Đền 122 đã nói lên ý nghĩa này: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: “Ta cùng trẩy lên Đền thánh Chúa!”  Và giờ đây, Giêrusalem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân.”

Thế mà các giới chức Do Thái đã biến thành nơi cạnh tranh, kèn cựa, xô bồ và phận biệt đối xử (phụ nữ, dân ngoại, kẻ tội lỗi…).  Chúa Giêsu đã lật nhào, xô đổ tất cả nhằm thanh tẩy Đền thờ khỏi những điều bất xứng, cách riêng là khu vực dân ngoại.  Từ nay, mọi người không phân biệt sắc tộc, tôn giáo … đều được tôn trọng và đón nhận.  Tắt một lời, Đền Thờ phải là nơi dành cho tất cả mọi người.

3. Sau nữa, Giêrusalem còn là biểu tượng của sự thánh thiêng tinh tuyền

Khi nói đến sự thánh thiêng, người Do thái thường nói đến Đền Thờ.  Vì đối với họ, không có nơi nào khác ngoài Đền Thờ, con người có thể tìm được tất cả những gì là thiêng thánh và siêu việt của cõi thiên giới.  Bởi đó ta không ngạc nhiên khi thấy người Do Thái khi phải thề thốt một điều gì quan trọng, họ thường lấy Đền Thờ Giêrusalem mà thề.

Tuy nhiên, Đền Thờ ấy đã bị làm cho ô uế bằng đủ mọi thứ dối gian, trở thành nơi trục lợi, chỗ mua danh, chốn lạm quyền, v.v…  Trước thực trạng đó, Chúa Giêsu đã xua đuổi tất cả những kẻ làm cho Đền Thờ bị ô nhơ, nhằm trả lại sự thánh thiêng cho Đền Thờ.  Đồng thời, qua hành động và lời nói mạnh mẽ của mình, Chúa Giêsu muốn mạc khải một đền thờ sống động hơn, đó chính là Thân Thể của Ngài.

Quả vậy, Đức Kitô chính là Đền thờ sống động, nơi Ngài chúng ta tìm được ba ý nghĩa trên một cách tròn đầy nhất.

Trong Đức Kitô, chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa là Cha và được nối kết với mọi người là anh em.  Trong Đức Kitô, chúng ta có thể thưa lên “Aba” – lạy Cha, và đối xử với nhau như anh chị em con cùng một Cha trên trời.

Trong Đức Kitô, chúng ta nhận được tình yêu tràn đầy mà Thiên Chúa dành cho nhân loại và hiệp nhất nên một với nhau, như lời Vinh Tụng Ca mà chúng ta thường nghe đọc: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi chúc tụng và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.”

Trong Đức Kitô, chúng ta cũng tìm lại được sự thánh thiện nguyên thuỷ dư đầy của mình vốn là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Ađam và Evà đã đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng.

Hãy nhớ rằng trong Đức Kitô, chính chúng ta cũng đã trở nên đền thờ sống động đã được thánh hiến ngày chúng ta lãnh nhận phép Thánh Tẩy.  Thánh Phaolô đã minh định điều này với giáo đoàn Côrintô: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đền thờ ấy.”  Đó là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta qua Con Một yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô.  Thiên Chúa yêu thích ngự nơi đền thờ tâm hồn chúng ta hơn là đền thờ bằng gỗ đá, dù là gỗ thơm đá quý.  Bởi lẽ đền thờ bằng gỗ đá, dẫu có nguy nga đồ sộ như Đền thờ Giêrusalem đi chăng nữa, cũng đã tiêu tan.  Chỉ có Thân thể Chúa Kitô và tâm hồn chúng ta mới là đền thờ bền vững thiên thu.  Thế nhưng hằng ngày chúng ta đã thực sự sống xứng đáng là đền thờ Thiên Chúa ngự chưa?  Hay chúng ta đang làm cho đền thờ tâm hồn mình ra nhơ uế bởi những tính tóan ích kỷ, bởi lòng ghen tị, óc thành kiến hẹp hòi, và bao nhiêu thói hư tật xấu khác?

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để ta làm mới lại tâm hồn của mình.  Xin Chúa Giêsu tiếp tục yêu thương thanh tẩy tâm hồn chúng ta mỗi ngày.  Xin Ngài tiếp tục xua đuổi và lật nhào những gì làm cho tâm hồn chúng ta ra ô nhơ để trả lại cho Chúa Thánh Thần một nơi xứng hợp để Ngài ngự vào.  Amen!

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

CÁM DỖ CUỐI CÙNG

Cám dỗ cuối cùng là cám dỗ phản bội lớn nhất: Làm điều đúng nhưng với lý do sai.

Nhà thơ người Mỹ Thomas Stearns Eliot (1888-1965) đã viết câu trên để nói lên khó khăn biết bao khi loại bỏ các lý do xấu trong hành động tốt của chúng ta, bỏ tính ích kỷ để cuối cùng đừng làm các việc chính nghĩa chỉ vì mình.

Nhân vật chính trong vở Giết người ở Nhà thờ chính tòa (Murder in the Cathedral) của T. S. Eliot là Thomas Becket, Tổng giám mục giáo phận Canterbury, người đã tử vì đạo vì đức tin của mình.  Từ mọi hình thức bên ngoài, Becket là vị thánh, vị tha, hành động do đức tin và tình yêu thúc đẩy.  Nhưng như Eliot trêu chọc trong tác phẩm Giết người ở nhà thờ chính tòa, chuyện bên ngoài không nói lên chuyện bên trong sâu sắc hơn, không cho thấy hậu quả tận căn hơn.  Không phải vì Thomas Becket không phải là vị thánh hoặc không trung thực trong động lực làm điều tốt; nhưng đúng hơn đây là “cám dỗ cuối cùng” ông cần vượt lên để trở thành một vị thánh hoàn hảo.  Bên dưới bề mặt, luôn có một trận đấu tranh đạo đức sâu đậm hơn, tinh tế và vô hình hơn, một “cám dỗ cuối cùng” cần vượt lên.  Cám dỗ cuối cùng đó là cám dỗ gì?

Đó là cám dỗ được ngụy trang như một ơn và cám dỗ chúng ta theo cách: không vụ lợi, trung thành, làm điều tốt, không bao giờ thỏa hiệp với sự thật, quan tâm đến người khác, đưa cô đơn của mình lên một mức độ cao, vượt lên trên sự tầm thường của đám đông, là người có đạo đức xuất chúng, chấp nhận tử đạo nếu được yêu cầu.  Nhưng tại sao?  Vì lý do gì?

Có nhiều lý do để giải thích vì sao chúng ta muốn trở thành người tốt, nhưng động cơ ngụy trang như một ơn thực sự là một cám dỗ tiêu cực chính là điều này: hãy tốt vì được kính trọng, được ngưỡng mộ, bạn sẽ có danh tiếng mãi mãi vì điều này sẽ mang đến cho bạn.  Đây là cám dỗ mà người tốt phải đối diện.  Muốn có danh thơm không phải là một chuyện xấu, nhưng cuối cùng nó vẫn thuộc về chúng ta.

Trong những lúc suy nghĩ sâu xa, tôi bị ám ảnh về chuyện này và nó làm cho tôi nghi ngờ về mình.  Những gì tôi làm thực sự tôi làm cho Chúa Giêsu, cho người khác, cho thế giới hay tôi làm cho danh thơm của tôi, và tôi hài lòng về việc này như thế nào?  Tôi làm cho người khác để họ có thể có cuộc sống trọn vẹn hơn, ít sợ hãi hơn hay tôi làm vì được tôn trọng?  Khi tôi đi dạy, có phải động lực chính là làm cho người khác yêu Chúa hay để tôi được ngưỡng mộ vì tư tưởng của tôi?  Khi tôi viết sách báo, tôi thực sự cố gắng truyền khôn ngoan hay tôi muốn cho thấy tôi khôn ngoan đến như thế nào?  Đó là cho Chúa hay cho tôi?

Có lẽ chúng ta không bao giờ thực sự có thể có câu trả lời vì động lực của chúng ta luôn lẫn lộn và không thể phân loại chính xác.  Tuy nhiên, chúng ta còn nợ người khác và chính mình về điều này, xem xét kỹ lưỡng về cầu nguyện, về lương tâm trong việc hướng dẫn thiêng liêng, khi thảo luận với người khác.  Làm thế nào để chúng ta vượt qua “cám dỗ cuối cùng” đó, để làm những điều đúng đắn và không làm chỉ vì chúng ta?

Cuộc đấu tranh để vượt lên tính ích kỷ và động lực bản thân bằng tấm lòng vị tha trong sáng, trung thực có thể là một trận chiến không thể phân thắng bại.  Theo kinh điển, chúng ta có bảy mối tội đầu (kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, giận dữ, tham ăn, tham lam, lười biếng) gắn liền với bản chất của chúng ta và với chúng, chúng ta sẽ phải đấu tranh suốt đời.  Vấn đề là chúng ta tưởng mình đã vượt lên được, thì chúng ta lại ngụy trang dưới hình thức tế nhị hơn trong cuộc sống của mình.  Chẳng hạn, Chúa Giêsu khuyên không nên tự cao tìm chỗ cao nhất trong bàn ăn, sau đó phải xấu hổ khi bị mời xuống chỗ thấp hơn, nhưng khiêm nhường ngồi ở chỗ thấp nhất để sau đó được mời lên chỗ cao.  Rõ ràng, đây là lời khuyên thiết thực, nhưng nó cũng có thể tạo ra một kiểu tự hào để chúng ta có thể thực sự được tự hào.  Một khi chúng ta tỏ ra mình khiêm tốn và chúng ta được công chúng công nhận, chúng ta còn cảm thấy tự hào thực sự cao hơn là sự khiêm tốn của mình!  Với các mối tội đầu khác cũng vậy.  Khi chúng ta thành công để không nhường bước trước các cám dỗ khó khăn hơn, chúng sẽ bắt rễ lại trong các hình thức tinh vi hơn trong lòng chúng ta.

Chúng ta chỉ công khai và vụng về làm các lỗi lầm của mình khi chúng ta chưa trưởng thành, và thường nó không còn khi chúng ta đã trưởng thành.  Đơn giản chúng có hình thức tinh tế hơn.  Chẳng hạn khi tôi chưa trưởng thành, tôi còn bị cuốn hút trong đời sống riêng và tham vọng của mình, có thể tôi chưa nghĩ nhiều đến việc giúp đỡ người nghèo.  Nhưng khi tôi lớn tuổi hơn, chín chắn hơn và được học thần học nhiều hơn, tôi sẽ viết các bài báo công khai thú nhận chúng ta cần phải làm nhiều hơn cho người nghèo.  Vậy mà, thách thức người khác và chính mình quan tâm đến người nghèo là một điều tốt… và mặc dù điều này có thể sẽ không giúp được gì nhiều cho người nghèo, nhưng chắc chắn sẽ giúp tôi cảm thấy tốt hơn cho chính tôi.

Làm thế nào để chúng ta có thể vượt lên điều này, vượt lên cám dỗ cuối cùng này, để làm điều đúng nhưng với lý do sai?

Rev. Ron Rolheiser, OMI