MỘT KỶ NGUYÊN MỚI

Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã cử hành lễ Hiển Linh, Chúa Giêsu được giới thiệu cho muôn dân mà đại diện là ba nhà đạo sĩ đến từ phương Đông.  Hôm nay, Phụng vụ giới thiệu với chúng ta một cuộc “thần hiện” khác qua việc Chúa Giêsu chịu phép rửa.  Sự kiện này được trình bày như một nghi thức phong vương long trọng.  Qua nghi thức này, chính Chúa Cha giới thiệu với nhân loại về Chúa Con và sứ mạng của Người.  Chúa Thánh Thần cũng xuất hiện dưới hình chim bồ câu và đậu trên Chúa Giêsu.

Dưới ngòi bút của thánh sử Maccô, Chúa Giêsu được diễn tả như một Môisen mới.  Nếu ông Môisen trong Cựu Ước đã dẫn Dân Thánh đi qua biển đỏ, thì nay, Chúa Giêsu cũng dẫn nhân loại vượt qua tội lỗi đến đạt tới sự thánh thiện.  Cách nói “vừa lên khỏi nước” gắn liền với nghi thức thanh tẩy Chúa Giêsu đã lãnh nhận từ tay ông Gioan Tẩy giả, phần nào muốn nhắc tới cuộc vượt qua biển đỏ của dân Do Thái trong lịch sử.

Chi tiết kể lại việc “Chúa Giêsu thấy tầng trời mở ra” có ý nghĩa tượng trưng rất sâu sắc: theo truyền thống Do Thái, cửa trời đã đóng lại sau những vị ngôn sứ cuối cùng (Agê, Giacaria, Malakia) ở thế kỷ thứ V trước Công nguyên.  Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người cũng vì thế mà gián đoạn.  Trước khi Chúa Giêsu đến trần gian, dường như hoạt động của Thần Khí đã bị ngưng lại.  Với Chúa Giêsu, mọi sự đã thay đổi.  Kỷ nguyên mới đã khai mào.  Việc các tầng trời mở ra (nguyên văn tiếng Hy lạp: trời xé toạc ra) chứng minh cho thấy mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người không còn ngăn cách nữa, mà được nối lại.  Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu như dấu hiệu của thời cứu rỗi và của cuộc sáng tạo mới.  Hình ảnh Chúa Thánh Thần ngự xuống nơi Chúa Giêsu dường như phác họa lại thời hoang sơ, trước khi Thiên Chúa thực hiện công trình sáng tạo của Người: “Thần Khí Chúa bay là là trên vực thẳm hỗn mang” (St 1,2).  Việc Chúa Thánh Thần dưới hình dạng chim bồ câu giúp chúng ta liên tưởng đến con chim ngậm cành ôliu sau trận Đại hồng thủy trong Cựu Ước.  Thần Khí Chúa đến để loan báo cho nhân loại biết thời gian trừng phạt của Chúa đã mãn (x. St 8,8-11).  Cũng giống như nước hồng thủy đã rút và một nhân loại mới tinh tuyền thánh thiện đã khởi đầu, thời kỳ cứu độ trong ân sủng đã khai mào trong Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu.  Vì vậy, từ thời các Giáo phụ, trận lụt Đại hồng thủy, cũnng như cuộc vượt qua Biển Đỏ, đã được chú giải như hình bóng của Bí tích Thanh tẩy của các Kitô hữu.

Một chi tiết nữa rất quan trọng trong trình thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa trong Tin Mừng Thánh Máccô, đó là tiếng nói từ trời.  “Tiếng nói từ trời” là cách diễn tả Thiên Chúa của người Do Thái, như kiểu người Việt chúng ta kiêng tránh phạm húy.  Tiếng nói ấy đã khẳng định: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”  Đây cũng là một lời giới thiệu Đấng Mêsia cho nhân loại.  Những người hiện diện hôm đó ở bờ sông Giođan, khi nghe câu tuyên bố của Chúa Cha, chắc chắn liên tưởng đến những lời của Cựu Ước: “Con là con Ta, hôm nay Ta đã hạ sinh ra con” (Tv 2,7); hoặc: “Đây là tôi tớ mà Ta tuyển chọn.  Ta hài lòng về Người” (Is 42,1-2).

Vì những chú giải ở trên, sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa được hiểu như một cuộc “thần hiện”, qua đó, sứ mạng của Chúa Giêsu được giới thiệu công khai cho dân chúng.  Người là Đấng Cứu độ trần gian.  Người đã khởi đầu sứ mạng một cách rất khiêm tốn, hòa vào dòng người đang nhận mình là tội nhân và sám hối bằng cách dìm mình xuống dòng sông để được ông Gioan thanh tẩy.

Theo giáo huấn của Giáo Hội Công giáo, khi chấp nhận dìm mình xuống dòng sông Giordan và lãnh phép rửa bởi tay ông Gioan, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Tẩy, để rồi từ nay, những ai được dòng nước thiêng ấy tẩy rửa, họ sẽ được tha tội Tổ tông và các tội khác đã phạm, trở nên một tạo vật mới tinh tuyền thánh thiện.  Thánh sử Maccô đã nhìn thấy bản chất siêu nhiên của bí tích Thanh Tẩy Kitô giáo, khi ghi lại lời của Gioan Tẩy giả: “Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”  Như vậy, trong nghi thức Thanh tẩy, linh mục chủ sự chỉ đóng vai trò như ông Gioan Tẩy giả, còn chính Chúa Giêsu thanh tẩy chúng ta và ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần.  Nhờ việc ban Chúa Thánh Thần, chúng ta trở nên những người con cái của Thiên Chúa, là người đồng thừa tự với Chúa Giêsu, tức là cùng với Người hưởng gia nghiệp vĩnh cửu mà Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Ngài.  Nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, chúng ta cũng trở nên những người con yêu dấu của Chúa Cha.  Nhờ bí tích Thanh tẩy, chúng ta chấm dứt cuộc sống cũ và bước sang thời đại mới, thời đại của ơn cứu rỗi.  Huyền nhiệm vinh dự của phép Thanh tẩy chỉ có thể cảm nhận bằng Đức Tin, vì “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Bài đọc I).

Nếu Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim bồ câu, thì vào ngày chúng ta được lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta cũng được lãnh nhận Chúa Thánh Thần như vậy.  Chính Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta Đức tin và soi sáng giúp chúng ta nhận biết Đức Giêsu là Đấng Cứu độ nhân loại.  Có Đức tin là một ơn Chúa ban.  Chúng ta ngỡ ngàng trước mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, giống như chúng ta và đã chết trên cây thập giá, đã sống lại vào ngày thứ ba.  Đương nhiên chúng ta chưa thể hiểu hết những mầu nhiệm này.  Tuy vậy, khi thinh lặng quỳ gối cầu nguyện, chúng ta nhận ra những màu nhiệm ấy là có thật.  Khi chiêm ngắm cầu nguyện trước Thánh Thể, là một mầu nhiệm con người không thể hiểu thấu, chúng ta ra về với tâm hồn thanh thản và được tăng thêm sức mạnh.

“Đây là con Ta yêu dấu!”  Chúa Cha đã nói những lời ấy về Chúa Giêsu.  Khi được thanh tẩy, Chúa Cha cũng nói về chúng ta như thế.  Xin cho chúng ta trở nên hiện thân của Người giữa trần gian, để đem niềm vui và hy vọng đến cho cuộc đời.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

KHÔNG THỂ TUYỆT VỜI HƠN

“Thiên Chúa là Tình Yêu.”

Kính thưa Anh Chị em,

Nói đến Thiên Chúa, hẳn sẽ không có một định nghĩa nào có thể sâu sắc và giàu ý nghĩa hơn định nghĩa của Thánh Gioan hôm nay, “Thiên Chúa là Tình Yêu”; và trong cách thức Thiên Chúa yêu thương, Gioan đã có một nhận định ‘không thể tuyệt vời hơn’, “Chính Người đã thương yêu chúng ta trước.”  Tình yêu mẫn cảm đó thể hiện nơi Chúa Giêsu qua Tin Mừng hôm nay, “Thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ”; trái tim chạnh thương của Chúa Giêsu khiến Ngài phải ra tay khi Ngài bảo các môn đệ, “Các con hãy cho họ ăn đi!”

Trong mùa Giáng Sinh, khi chọn đọc trình thuật bánh cá hoá nhiều nuôi sống năm ngàn người, phải chăng Hội Thánh muốn nói đến tình yêu tự hiến của Thiên Chúa ngay từ trũng thấp Bêlem.

“Bêlem” có nghĩa là “Nhà Bánh”; nơi ngôi nhà này, Thiên Chúa muốn gặp gỡ toàn thể nhân loại, một nhân loại đông đảo, tất tưởi, đáng thương; một nhân loại đang đói và khát.  Hài nhi Giêsu biết con người cần cơm bánh để nuôi sống thể xác và cần một cái gì đó để nuôi sống tâm hồn; Ngài biết, các thứ dinh dưỡng trên thế gian này không làm cho lòng người thoả mãn.  Và như thể Ngài muốn nói, ‘Tôi ở đây với tư cách là lương thực của anh em’; Ngài tự giới thiệu chính mình như một của ăn; Ngài trao tặng chính bản thân Ngài. ‘Không thể tuyệt vời hơn’!

Tại Bêlem, chúng ta khám phá ra rằng, Thiên Chúa không phải là người lấy mất sự sống, nhưng là Đấng trao ban sự sống.  Thân xác bé nhỏ của hài nhi Giêsu ở Bêlem mở ra một mẫu sống mới, ‘Không ngấu nghiến và tích trữ, nhưng chia sẻ và cho đi.’  Một Thiên Chúa co rút mình lại để nên nhỏ bé, làm lương thực cho chúng ta; để một khi được nuôi dưỡng bằng Bánh Hằng Sống, chúng ta được tái sinh trong tình yêu; và những tham lam vô độ nhất định phải được nghiền nát đi.  Ngắm nhìn hang đá, chúng ta hiểu rằng, điều nuôi dưỡng sự sống, kéo dài sự sống không phải là sở hữu, nhưng là tình yêu; không phải là ham hố, nhưng là bác ái; không phải là thừa mứa để khoe mẽ, nhưng là sự giản dị mà người ta phải bảo vệ; thật ‘không thể tuyệt vời hơn!’

Như thế, Bêlem không còn tanh tưởi và lạnh lẽo; nhưng ở đó, chúng ta ngửi thấy hương thơm và sự nồng ấm của một sự sống mới, hương thơm của giản dị đến mong manh của hài nhi Giêsu; hương thơm của nhẫn nhịn đến lặng lẽ của Giuse và Maria; hương thơm của hồn nhiên đến ngây ngất của các mục đồng.  Ấy thế, đó là những con người đã lên đường!  Mẹ Maria, Thánh Giuse, các mục đồng là những con người đã lên đường, và Chúa Giêsu chính là lương thực cho sự lên đường, ‘không thể tuyệt vời hơn!’  Với chúng ta hôm nay, Ngài cũng muốn có một chuyển động, Ngài nóng lòng thôi thúc hai tỷ Kitô hữu trên thế giới hãy mau chóng đứng dậy và ra đi, để cũng có thể trở nên những tấm bánh bẻ ra cho người khác.

Ngày kia, một viên chức giàu có công khai trách cứ một người cha gia đình là keo kiết vì ông này đóng góp quá ít trong dịp Giáng Sinh.  Hôm sau, người này đến gặp riêng ông nhà giàu và cho biết, gia đình ông đã chỉ sống bằng khoai lang và nước lã mấy tuần qua.  Ông giải thích, đã hơn một năm, trước khi trở lại đạo, ông phải thanh toán nợ nần; đã trả hết cho từng chủ nợ.  Ông nói, “Chúa Kitô đã biến tôi thành một người lương thiện”; “Vì thế, tôi chỉ có thể dâng một ít của lễ như một người đã cố hoà nhập với những hàng xóm lương dân của mình và cho họ thấy ân sủng Chúa có thể làm gì trong trái tim của một người đã từng bất lương.”  Nghe thế, trái tim ông nhà giàu quặn thắt, vô cùng hối hận và ông đã ký một tấm check lớn cho người cha tân tòng; sau đó, ông nhà giàu đã bán mọi sự và làm nhà bảo trợ của một viện tế bần, ‘không thể tuyệt vời hơn’!

Anh Chị em,

Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta chính Con Một Người, Ngài là hiện thân đích thực của tình yêu Thiên Chúa.  Chính tình yêu đã khiến Ngài hiến thân làm bánh nuôi sống chúng ta mỗi ngày trên dương thế.  Thật ‘không thể tuyệt vời hơn!’  Nhờ của nuôi ấy, giờ đây, Ngài đang mời gọi chúng ta như đã mời ông nhà giàu trên, “Chính anh em hãy cho họ ăn!”  Không phải ai khác, chúng ta hãy cho họ ăn ‘chính bản thân mình’ như Chúa Giêsu đã cho.  Điều này có nghĩa là, chúng ta cống hiến tất cả bằng tình yêu như Chúa Giêsu đã cống hiến.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con luôn trở nên tấm bánh bẻ ra cho anh em con; cho con dám yêu thương hiến mình như Chúa.  Chính Chúa sẽ làm cho những gì ít ỏi của con góp phần để anh em con bớt khổ đau, và quan trọng hơn, được cứu độ đời đời.  Thật ‘không thể tuyệt vời hơn!’” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế