NIỀM VUI VÀ AN BÌNH

Lời Chúa trong ba thánh lễ: thánh lễ Đêm, thánh lễ Rạng đông và thánh lễ Ban ngày đều nhấn mạnh tới chủ đề Niềm vui và an bình.  Biến cố Thiên Chúa làm người không chỉ là niềm vui của một nhóm nhỏ những người được chứng kiến, cũng không chỉ là niềm vui của dân tộc Do Thái, mà là niềm vui của toàn dân (Lc 2,10).  Vì thế mà ngôn sứ Isaia muốn hét to lên để loan truyền cho tới tận cùng trái đất rằng ơn cứu độ đang tới.  Cảnh hoang tàn sầu khổ và thân đơn goá bụa đã chấm dứt.  Không còn nước mắt nữa, bù vào đó sẽ là niềm vui.  Niềm vui này lan toả đến mọi tâm hồn, nhất là với những ai thành tâm thiện chí.  Không vui sao được, khi được chứng kiến Chúa can thiệp và lật đổ những kẻ quyền thế hùng mạnh, những chiếc áo choàng đẫm máu đào sẽ bị đốt đi (Bài đọc I).  Chiến tranh sẽ không còn và thay vào đó là vương quyền của Vua Hoà bình, từ nay sẽ lãnh đạo thế giới bằng tình thương và lòng nhân hậu.

Ngày Chúa đến là ngày hân hoan vui mừng, cũng là ngày khai mở kỷ nguyên hoà bình.  Ý tưởng an bình được nhắc tới rải rác trong các bài đọc Thánh Kinh.  Trước hết bình an đến từ trời cao, vì Đấng Cứu thế từ trời xuống thế để đem bình an cho nhân loại.  Bình an còn đến từ trần thế, nơi những tấm lòng chân thành rộng mở để đón Chúa.  Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng ở Belem, họ là những người trước hết đã góp phần tạo nên đêm bình an kỳ diệu ấy.  Hài Nhi mới sinh say sưa trong giấc điệp, Bà Maria và Ông Giuse chiêm ngắm tôn thờ, các mục đồng cung kính suy tôn.  Đó là khung cảnh bình an tuyệt diệu, như thiên đàng nơi trần thế.  Đất với trời “xe chữ đồng”, cùng gặp gỡ nhau để rồi không bao giờ xa nhau nữa, vì Con Thiên Chúa là trung gian nối kết giữa trời với đất, như chiếc cầu nối hai bờ của một dòng sông để nhờ cây cầu ấy mà mọi người qua lại trong tình thân thiện.

Trong niềm vui và an bình ấy, Phụng vụ mời gọi chúng ta suy tư: Đấng Cứu thế là ai vậy?  Thánh Gioan trả lời: Người là Ngôi Lời của Thiên Chúa (Tin Mừng lễ Ban ngày).  Đức Giêsu không chỉ là con người, mà còn là Thiên Chúa.  Thánh Gioan đã tìm đến tận nguồn gốc thiên linh của Người.  Người là Ngôi Lời hằng hữu, hiện diện bên Chúa Cha từ thời sáng tạo.  Người không phải là một tạo vật, nhưng là Thiên Chúa và đồng bản thể với Chúa Cha.  Người có từ trước muôn đời.  Phụng vụ muốn chúng ta xác tín giáo huấn này, để khi đến chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng tại hang đá máng cỏ, chúng ta vượt lên những dấu chỉ khả giác bề ngoài để tôn thờ Thiên Chúa, Đấng đã xuống đời để cứu chuộc chúng ta.

Con Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người và đến trần gian cách đây hơn hai ngàn năm.  Có rất nhiều người đã mở rộng tâm hồn đón Chúa, và họ được ánh sáng của Người chiếu soi.  Tuy vậy, suốt bề dày lịch sử, cũng có những người khước từ lời mời gọi đón Chúa, thậm chí phủ nhận sự hiện diện của Người.  Thánh Gioan đã nhắc lại một sự thật nghiệt ngã: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).  Để đón Chúa, mỗi chúng ta phải can đảm vượt lên chính mình, phải để cho ánh sáng của Chúa chiếu soi những góc khuất trong tâm hồn.  Đón Chúa đến trong đời cũng như người can đảm chấp nhận uống những liều thuốc đắng, nhưng có thể chữa khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền.  Những ai đón nhận Chúa, Người sẽ ban cho họ niềm vui, nhất là được quyền trở nên con Thiên Chúa.  Họ sẽ tìm được sự bình an đích thực, từ trong nội tâm và tồn tại vững bền.

Hơn hai ngàn năm đã qua, biến cố Giáng Sinh vẫn được long trọng cử hành, như điểm mốc khởi đầu của kỷ nguyên mới.  Chính Chúa Giêsu là trung gian của lịch sử.  Người đến để đem cho con người niềm vui và an bình.  Ai đón nhận người sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời.  Nhờ giáo huấn của Người mà con người sẽ trở nên “người” hơn trong mối tương quan với đồng loại.  Chúa Giêsu dạy chúng ta: người với người không phải là thù địch hay lang sói, nhưng là anh chị em với nhau và có cùng một Chúa là Cha.

Niềm vui và an bình khởi đi từ Hang Đá Máng Cỏ Belem năm xưa và nay đang được tỏa lan đến mọi miền thế giới, đến với mọi người, mọi nhà.  Ước mong mỗi Kitô hữu, khi mừng lễ Giáng Sinh, đều cảm nhận được niềm vui và an bình, như quà tặng mà Con Thiên Chúa mang đến cho trần gian.  Không chỉ thế, người tin Chúa còn được mời gọi trở nên những sứ giả đem niềm vui và an bình đến mọi nẻo đường của cuộc sống, để rồi qua lời nói và những nghĩa cử tốt lành, họ làm toả hương thơm của tình Chúa tình người.  Đó là những chứng từ mạnh mẽ và hiệu quả về sự hiện diện của Con Thiên Chúa giữa trần gian.

Xin Chúa cho chúng ta được hưởng trọn vẹn niềm vui và an bình của ngày lễ Giáng Sinh.  Amen!

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

HÀI NHI CỦA NĂM

Giáng Sinh 2017

Năm nào tờ Time cũng có giải thưởng “Nhân vật của Năm.”  Giải thưởng này không nhất thiết là sự vinh danh, nó được trao cho một người mà Time xem là nhân vật thu hút tin tức trong năm, dù là chuyện tốt hay xấu.  Chẳng hạn như năm nay, thay vì chọn một cá nhân, Time lại chọn một nhóm người, Silence Breaker, những phụ nữ đã lên tiếng về những lần bị xâm phạm tình dục.

Một phần thách thức trong mùa Giáng Sinh là nhận ra Chúa Kitô sinh ra ở đâu trong thế giới ngày nay, là hai ngàn năm sau khi Chúa Giêsu hạ sinh chúng ta có thể tìm đâu để thăm lại hang đá Bethlehem, nhìn hài nhi vừa hạ sinh, và rung động trước uy quyền của sự ngây thơ và bất lực từ trời cao.

Mùa Giáng Sinh năm nay, tôi mong chúng ta tôn vinh những trẻ em tị nạn là “Hài Nhi của Năm.”  Các em đưa chúng ta đến gần hang đá Bethlehem trong thế giới ngày nay, vì như Chúa Giêsu cách đây hai ngàn năm, các em cũng chẳng tìm được chỗ trong nhà trọ đàng hoàng.

Chúa Giêsu ra đời và chịu chết trong một nghịch lý.  Ngài đến như lời đáp của Thiên Chúa cho khao khát thâm sâu nhất của chúng ta, thế mà lại sinh ra và chết đi như một kẻ ngoài cuộc.  Hãy để ý mà xem, Chúa Giêsu sinh ra ở ngoại vi thành phố và cũng chết ở ngoại vi thành phố.  Đây không phải chuyện tình cờ.  Ngài không phải là một đứa trẻ “được chờ đợi” và cũng không “được chấp nhận.”  Đức Mẹ với trái tim sốt mến thuần khiết mong chờ Ngài, nhưng thế giới thì không, ít nhất là ở khía cạnh hình hài một đứa bé vô lực.  Ngài không đến trần gian như một siêu sao, một người quyền thế khiến mọi gối phải bái quỳ, Ngài không đến như một Đấng Thiên sai trong tưởng tượng của chúng ta, một Đấng mà mọi cửa nhà đều rộng mở chờ đón, không phải chỉ lúc Ngài sinh mà trong suốt cả cuộc đời của Ngài.

Nhưng Chúa Kitô không phải là Đấng Thiên sai theo kiểu chúng ta kỳ vọng.  Ngài đến như một hài nhi sơ sinh, vô lực, vô danh, không có địa vị, không được mời gọi, không được chào đón.  Và Thomas Merton đã mô tả việc hạ sinh của Chúa Kitô như thế này: Trong thế giới này, cái nhà trọ điên cuồng, nơi chẳng có phòng nào để sẵn cho Ngài, Chúa Kitô đã đến dù không được chào đón.  Nhưng đó là bởi Ngài không thể ở trong một ngôi nhà, Ngài ở ngoài ngôi nhà dù đáng ra Ngài phải được ở trong nhà, nơi Ngài chọn lấy là ở cùng với những người không nhà.

Không có phòng cho ngài trong quán trọ!  Các học giả kinh thánh cho chúng ta biết rằng những bài giảng và hình dung về những chủ quán trọ lạnh lùng nhẫn tâm đã xua đuổi Đức Mẹ và thánh Giuse, thật ra đã bỏ sót điểm nhấn của câu chuyện Giáng Sinh.  Điểm nhấn mà Tin mừng muốn chỉ ra không phải là những chủ quán trọ ác độc nhẫn tâm và đôi vợ chồng nghèo từ Nazareth bị đối xử bất công.  “Không có chỗ trong nhà trọ” đúng ra muốn nói đến một điểm lớn hơn nữa, mà Thomas Merton đã nêu bật rằng, không bao giờ có chỗ trong thế giới này cho Chúa Kitô đích thực, Đấng không tương hợp với những kỳ vọng và tưởng tượng của chúng ta.  Chúa Kitô đích thực thường khiến tưởng tượng của ta choáng váng và xô đổ mọi kỳ vọng của chúng ta, Ngài đến mà không được chào đón, Ngài luôn ở đây, nhưng luôn ở ngoài rìa, bị những thứ chúng ta hình dung loại trừ và đuổi ra khỏi cửa.  Chúa Kitô đích thực luôn mãi tìm một mái nhà trong thế giới, mà nơi đó lại không có chỗ cho Ngài.

Vậy ngày nay ai giống hình ảnh Chúa Kitô nhất?  Tôi cho rằng đó chính là: Hàng triệu trẻ em tị nạn.  Có thể thấy rõ Chúa Kitô Hài đồng trong vô số trẻ em tị nạn, cùng với gia đình mình, bị đuổi khỏi nhà vì chiến tranh, bạo lực, nạn đói, thanh trừng sắc tộc, kỳ thị và bách hại tôn giáo.  Các em, cùng với gia đình mình, là hình ảnh giống nhất với tình cảnh của Đức Mẹ và thánh Giuse, những người chật vật tìm chỗ trú chân, những người bị đẩy ra ngoài rìa, bất lực, không được chào đón, không một mái nhà, không ai mời vào, và bị xem là những người xa lạ.  Nhưng họ chính là hình ảnh của Thánh Gia ngày nay, và các trẻ em tị nạn là Chúa Kitô Hài đồng của chúng ta trong thế giới này.

Hang đá Bethlehem ngày nay ở đâu?  Ta tìm Chúa Kitô Hài đồng ở đâu để tôn kính?  Ở nhiều nơi lắm, có thể là trong mọi phòng sinh trên khắp thế giới, nhưng rõ ràng hơn là những trại tị nạn, trên những chiếc thuyền lênh đênh vượt Địa Trung hải, trong những đoàn người đi tị nạn trong đói khát và hiểm nguy, nơi hàng dài những đứng chờ thủ tục với mong mỏi được cho phép nhập cảnh tị nạn, nơi những người đến được đường biên giới rồi lại bị đuổi về, nơi những bà mẹ trong các nhà tù ôm con mình và hy vọng, và nhất là nơi gương mặt của vô số trẻ em tị nạn.

Gương mặt của Thiên Chúa trong mùa Giáng Sinh hiển hiện nơi sự vô lực của trẻ em, hơn là nơi những người quyền thế trong thế giới.  Và ngày nay cũng vậy, nếu muốn làm như những mục đồng và ba nhà hiền triết, tìm đường đến hang đá Bethlehem, chúng ta cần phải tìm kiếm nơi có những trẻ em đang tuyệt vọng nhất.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THÔNG ĐIỆP KÉP CỦA GIÁNG SINH

Tôi cực kỳ hạnh phúc khi một số bạn bè là nhà hoạt động xã hội gửi cho tôi các tấm thiệp Giáng Sinh với lời chúc: “Nguyện xin Bình an Chúa Kitô làm phiền bạn!”  Chẳng lẽ chúng ta không thể có một ngày trong năm để vui vẻ ăn mừng mà không để cái tôi vốn đã chẳng vui vẻ gì giờ lại gánh thêm cảm giác tội lỗi sao?  Chẳng phải Giáng Sinh là thời gian để chúng ta tận hưởng cảm giác làm trẻ thơ lần nữa sao?  Hơn nữa, như Karl Rahner từng nói, chẳng phải Giáng Sinh là thời gian Chúa cho chúng ta được phép vui vẻ sao?  Thế thì sao lại không vui vẻ?

À, chuyện này phức tạp lắm.  Giáng Sinh là thời gian Chúa cho chúng ta được phép vui vẻ, là thời gian như lời Chúa nói qua ngôn sứ Isaia: “Hãy làm khuây khỏa dân Ta.  Hãy nói những lời khuây khỏa!”  Nhưng Giáng Sinh cũng là thời gian cho thấy khi Thiên Chúa sinh ra cách đây 2000 năm, chẳng nhà nào có chỗ cho Ngài.  Chẳng có chỗ cho Ngài trong nhà trọ.  Cuộc sống bận rộn và những kỳ vọng của mọi người đã ngăn họ dành cho Ngài một nơi để ra đời.  Và điều đó vẫn không thay đổi.

Nhưng trước hết, tôi xin nói đến sự khuây khỏa Chúa Giêsu đem lại khi ra đời.  Nhiều năm về trước, tôi có tham gia hội đồng của một giáo phận lớn.  Trong giờ sinh hoạt, người điều hành chương trình chia chúng tôi thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm được yêu cầu trả lời một câu hỏi: Một điều duy nhất, quan trọng nhất mà Giáo hội cần thách thức thế giới thực hiện ngay lúc này?

Các nhóm gửi lại câu trả lời, mỗi nhóm lại nêu ra một thách thức đạo đức hoặc thiêng liêng quan trọng: “Chúng ta cần thách thức xã hội biết thực thi công lý hơn!”  “Chúng ta cần thách thức thế giới biết có đức tin thật và đừng nhầm lẫn Lời Chúa với ý muốn của riêng mình.”  “Chúng ta cần thách thức thế giới biết nghiêm túc hơn về đạo đức tình dục.  Chúng ta đã lạc lối rồi!”  Đây đều là những thách thức cần thiết, và tốt đẹp.  Nhưng không nhóm nào nói: “Chúng ta cần thách thức thế giới đón nhận sự khuây khỏa của Thiên Chúa!”  Cứ cho là thế giới hiện nay đang có nhiều bất công, bạo lực, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, tham lam, ích kỷ, tình dục bừa bãi, và giả danh đức tin vì lợi ích riêng, nhưng hầu hết những người trưởng thành cũng đang sống trong đau đớn, lo âu, thất vọng, mất mát, trầm cảm, và mặc cảm tội lỗi không cách nào cởi bỏ.  Nhìn đâu cũng thấy những tâm hồn nặng trĩu.  Hơn nữa, quá nhiều người đang sống với tổn thương và thất vọng, họ chẳng thấy Thiên Chúa và Giáo hội là lời giải cho nỗi đau của mình, mà thậm chí còn là một phần gây nên nỗi đau đó.

Thế nên, khi rao giảng Lời Chúa, Giáo hội trước hết phải cam đoan với thế giới về tình yêu thương, sự quan tâm và sự tha thứ của Thiên Chúa.  Lời Chúa, trước hết là sự khuây khỏa cho chúng ta, thật sự là nguồn tối hậu của mọi khuây khỏa.  Chỉ khi nào thế giới biết đến sự khuây khỏa nơi Lời Chúa, thì thế giới mới đón nhận các thách thức kèm theo.

Và thách thức đó, trong mọi thách thức khác là dành chỗ cho Chúa Kitô trong nhà trọ, nghĩa là mở rộng lòng mình, nhà mình và thế giới mình sao cho Chúa Kitô có thể đến và sống ở đó.  Với khoảng cách 2000 năm, chúng ta dễ dàng phán xét gay gắt những người đồng thời với Chúa Giêsu đã không nhận ra thánh Giuse và Đức Mẹ đang cưu mang ai, đã không tạo một nơi xứng đáng để Ngài hạ sinh, đã không nhận ra Ngài là Đấng Thiên sai.  Sao họ có thể mù tối như thế?  Nhưng chính phán xét đó có thể áp dụng trên chúng ta.  Chúng ta đâu hẳn đã dành chỗ cho Chúa trong nhà trọ của mình.

Khi có một người mới sinh ra trên đời, thì người đó chiếm lấy một chỗ vốn trước đây chưa từng có ai.  Đôi khi, con người mới đó được chào đón nồng hậu, được có ngay một không gian yêu thương và được mọi người xung quanh mừng vui vì sự hiện diện mới này.  Nhưng không phải lúc nào cũng thế, đôi khi, như hoàn cảnh của Chúa Giêsu, người ta chẳng tạo một không gian yêu thương và cũng chẳng chào đón sự hiện diện mới này.

Thời nay chúng ta thấy chuyện này trong sự miễn cưỡng chào đón người nhập cư, một chuyện xảy ra gần như khắp thế giới và sẽ là lời phán xét sau này cho thế hệ chúng ta.  Liên hiệp quốc ước tính có 19,5 triệu người tị nạn trên thế giới, những người chẳng được ai hoan nghênh.  Tại sao lại không hoan nghênh?  Chúng ta đâu phải người xấu, và hầu như lúc nào chúng ta cũng có thể quảng đại rộng rãi vô cùng mà.  Nhưng để làn sóng nhập cư này tràn vào sẽ gây phiền toái cho cuộc đời chúng ta.  Cuộc đời của chúng ta sẽ phải thay đổi.  Chúng ta sẽ mất đi nhiều tiện nghi hiện thời, mất nhiều thứ vốn đã quen thuộc, và mất đi phần nào cảm giác an toàn.

Chúng ta không phải là người xấu, các chủ quán trọ hai ngàn năm trước cũng thế, họ không biết mình đang làm gì khi bỏ mặc, quay lưng với thánh Giuse cùng Đức Mẹ.  Tôi luôn có một lòng cảm thông dành cho họ.  Có lẽ bởi tôi, cũng đang vô thức làm hệt như họ.  Một người bạn của tôi thích nói rằng, “Tôi phản đối cho thêm người nhập cư vào… Vì tôi đã vào rồi mà!”

Bình an của Chúa Kitô, thông điệp tiềm ẩn và bối cảnh không êm đẹp trong việc Chúa Kitô xuống thế, nếu hiểu được, chắc chắn sẽ làm phiền chúng ta.  Và mong sao chúng cũng đem lại sự khuây khỏa sâu sắc cho chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

NGÔI ĐỀN VÀNG CỦA ĐẤNG TỐI CAO

Thiên Chúa nhập thể đã được sinh hạ trong chuồng chiên cừu tại Bêlem hơn 2000 năm trước.  Hôm nay, Thiên Chúa muốn mỗi người trở thành nơi Thiên Chúa được cưu mang và sinh hạ.  Thiên Chúa mời gọi mỗi người hãy trở thành nơi Thiên Chúa ngự như cung lòng Đức Maria, trở thành nơi Thiên Chúa sinh hạ như máng cỏ ở Bêlem, trở thành đền thờ để Thiên Chúa ngự trị và hiển lộ.

1. Ngôi nhà Thiên Chúa ngự

Vua Đavít muốn xây dựng một ngôi đền thờ cho Chúa ngự, vì vua nghĩ rằng thật không phải khi vua sống trong ngôi nhà bằng gỗ bá hương, còn Chúa ngự nơi “lều tạm.”  Vua Đavít đã đem ý định này nói cho tiên tri Nathan, và tiên tri với lý trí con người, nghĩ rằng vua cứ làm theo điều vua thấy đúng.

Lời Chúa đã nói với tiên tri Nathan, để nói với Đavít: “ngươi là con người, mà muốn xây nhà cho Thiên Chúa ở sao?”  Chính Thiên Chúa mới là Đấng “xây nhà” cho Đavít.  Chính Thiên Chúa là Đấng tuyển chọn Đavít khi vua còn là cậu bé chăn chiên, đã làm cho Đavít nổi tiếng, đã cho Đavít chăn dắt nhà Israel.  Chính Thiên Chúa sẽ xây nhà cho Đavít, sẽ cho triều đại vua tồn tại qua một người con cháu.  Đáp lại ý định quảng đại của Đavít, Thiên Chúa mặc khải cho vua biết ý định của Ngài: một người từ dòng dõi của vua sẽ được yêu thương đặc biệt, và triều đại của vị vua đó sẽ trường tồn vạn đại.  Chương trình yêu thương của Thiên Chúa cho con người vượt xa vô cùng điều con người định làm cho Thiên Chúa.

Con người không thể xây nhà để Thiên Chúa ngự, nhà Thiên Chúa ngự luôn là “lều tạm” vì đó là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện cho con người.  Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, nơi nào cũng là nhà Ngài cũng thuộc về Ngài, Ngài không cần ai xây nhà cho Ngài.  Ở đây Thiên Chúa nhắc nhở con người hãy nhớ “Ngài là ai.”  Ngài không giống con người, Ngài vượt xa con người, Ngài siêu việt, Ngài ở “trên trời” nhưng cũng ở ngay trong tâm hồn mỗi người.  Mỗi người là đền thờ sống động của Thiên Chúa.

2. Đền thờ sống động cho Thiên Chúa

Mỗi người là đền thờ sống động của Thiên Chúa.  Chính Thiên Chúa là Đấng xây dựng ngôi đền thờ này qua cha mẹ mỗi người khi cho mỗi người được sinh ra qua cha mẹ mình; cũng chính Thiên Chúa tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn ngôi đền thờ này qua những lời giảng dạy của những thày cô dạy giáo lý, qua các người thuộc về Ngài như các tu sĩ, qua chính Giáo Hội qua các linh mục và toàn thể dân Chúa.

Chính Thiên Chúa đang xây dựng đền thờ sống động là mỗi người chúng ta cho Ngài.  Không ai xây dựng ngôi đền thờ này ngoại trừ chính Ngài, những người khác chỉ là công cụ Thiên Chúa dùng.  “Lều tạm” nơi dân Do Thái ngày xưa, là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện cho dân Do Thái.  Mỗi người là đền thờ Thiên Chúa, không chỉ như lều tạm nữa, mà là nơi Thiên Chúa vui thích ngự vì Thiên Chúa yêu thương mỗi người.  Không ai yêu thương mình bằng Thiên Chúa.  Thiên Chúa là Đấng yêu thương tôi nhất.

Đền thờ Thiên Chúa là nơi con người có thể tới để gặp gỡ, nói chuyện, tâm sự với Ngài.  Thiên Chúa mời gọi mỗi người trở thành dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện cho người khác, trở thành biểu hiện Thiên Chúa yêu thương người khác, trở thành dụng cụ sống động để Thiên Chúa hiện diện và diễn tả tình yêu của Ngài cho tha nhân.  Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, là dịp rất tốt để mỗi người trở về với Thiên Chúa, để mình sẵn sàng cho Thiên Chúa ngự trị và làm những gì Ngài muốn qua chính con người của mình.

3. Đức Maria – Đền Thờ Sống Động Tuyệt Vời của Thiên Chúa

Đức Maria đã đính hôn với Giuse (Lc.1, 27).  Như vậy phải chăng cô gái tên Maria này đã quen Giuse, đã yêu Giuse; và họ đã quyết định lập gia đình với nhau; hơn nữa họ đã đi một bước dài: đã đính hôn.  Có lẽ chỉ chờ thời gian để thành vợ thành chồng, chờ khi Giuse đón Maria về nhà mình.

Thiên Chúa đã can thiệp vào cuộc đời của Maria và Giuse, và qua đó ảnh hưởng tất cả nhân loại.  Thiên Chúa đề nghị Maria có thai và sinh một con người đặc biệt, không phải do Giuse: “việc đó xảy ra thế nào, vì cho tới bây giờ tôi chưa có liên hệ vợ chồng (với Giuse)” (Lc.1, 34).  Sứ thần cho biết, đây là con người đặc biệt, Thiên Chúa là Cha của Người, Người này sẽ trị vì trên nhà Đavít, nước Người rộng vô biên.

Để có thể thưa tiếng xin vâng với Thiên Chúa, đức Maria đã phải đặt

  • tình yêu Thiên Chúa trên tình yêu riêng (đối với thánh Giuse);
  • ý định Thiên Chúa trên danh dự gia đình;
  • niềm tin vào Thiên Chúa hơn là chính con người của mình.

Nếu Giuse không hiểu và không thông cảm, thì đức Maria mất người mình yêu thương.  Khi thưa tiếng xin vâng, Maria sẵn sàng chấp nhận trường hợp này; vì ý Thiên Chúa được coi là trên hết đối với đức Maria.  Nếu Giuse không chịu hiểu, và nếu chuyện tai tiếng xảy tới cho gia đình, làm sao thánh Gioan-Kim và thánh Anna có thể chịu đựng được điều như vậy?  Đức Maria chấp nhận tất cả điều tệ hại nhất có thể xảy ra cho gia đình cha mẹ và họ hàng, ý định của Thiên Chúa phải được coi là trên hết.  Nếu Giuse không hiểu và không thông cảm, nếu Giuse tố cáo công khai thì sao, Maria có thể bị ném đá chết như một phụ nữ phạm tội ngoại tình!  Nếu chuyện xảy ra như vậy, thì việc nhận lời thụ thai nào có ích lợi gì?  Không, Đức Maria vẫn hoàn toàn tin tưởng và phó thác tất cả cho Thiên Chúa.  Thiên Chúa quyền năng, Ngài có thể làm tất cả những gì, và Ngài có thể làm cho thành sự những gì Ngài đã khởi đầu.  Chỉ khi phó thác như vậy, Đức Maria mới có thể thưa tiếng xin vâng đối với Thiên Chúa.  Đức Maria đã thưa tiếng xin vâng với Thiên Chúa, dù Mẹ chưa thấy rõ hoàn toàn tương lai của mình.  Chưa thấy rõ, nhưng Mẹ vẫn tin tưởng phó thác tất cả cho Thiên Chúa: “Phúc cho em là kẻ đã tin rằng Lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện” (Lc.1,45).  Lúc này, những gì Thiên Chúa nói với Mẹ chưa được thực hiện, nhưng Mẹ tin chúng sẽ được thực hiện.  Những điều này Đức Maria chỉ thấy được thực hiện khi Đức Giêsu sống lại từ cõi chết.  Đức tin của Mẹ thật tuyệt vời.

Với tiếng Xin Vâng của Đức Maria, Thiên Chúa có thể thực hiện chương trình cứu độ con người của Ngài.  Thiên Chúa cần tiếng Xin Vâng của Đức Maria.  Thiên Chúa cũng cần tiếng “xin vâng” của mỗi người chúng ta, để thực hiện công trình cứu độ mỗi người chúng ta.  Tiếng xin vâng của Đức Maria làm biến đổi lịch sử hoàn vũ, làm Mẹ trở thành người tuyệt vời, người được chúc phúc giữa mọi người nữ.  Nếu chúng ta thưa tiếng xin vâng với Thiên Chúa, có thể Thiên Chúa đang dùng chúng ta để biến đổi môi trường sống của chúng ta: làm những người ở đó bình an hơn, vui hơn, hạnh phúc hơn.  Lúc đó, chúng ta trở nên đền thờ sống động của Thiên Chúa, là nơi hiển lộ Thiên Chúa cho những người sống xung quanh chúng ta.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

SUY TƯ VỀ CÁI NGHÈO

Giáng Sinh gợi những suy tư
Chúa Giê-su hóa Hài Nhi đơn nghèo

Cái lạnh và cái nghèo liên quan lẫn nhau.  Người nghèo thiếu quần áo, chăn mền… thế nên phải chịu lạnh.  Cái lạnh thân xác dẫn tới cái lạnh tâm hồn – vì cô đơn.  Nghèo thì Khó, Khó thì Khổ.  Việt ngữ gọi là Nghèo Khó hoặc Nghèo Khổ.

Lễ Giáng Sinh luôn rất lạ.  Lạ đủ thứ.  Lạ từ nội tại tới ngoại tại.  Giáng Sinh tại Việt Nam chỉ se lạnh một chút, chẳng thấm gì so với cái lạnh của Hài Nhi Giêsu năm xưa, nhưng cũng là lời nhắc để chúng ta nhớ tới cái lạnh của những phận người cơ nhỡ, những kẻ cô đơn, nghèo khó, thiếu thốn những thứ cơ bản nhất…  Việt ngữ thật chí lý khi nói là giá lạnh hoặc lạnh giá, cái “giá” này mới “đáng giá,” chứ cái “lạnh” chưa thấm thía chi đâu.

Điều đáng quan tâm là cái lạnh ngoại tại gợi nhớ tới cái lạnh tâm hồn, cái lạnh linh hồn, cái lạnh tâm linh.  Cái lạnh này khủng khiếp, cái lạnh giá băng.  Có nhiều kiểu lạnh.

1. Cái lạnh tâm hồn hoặc cõi lòng là cái lạnh của những người cô độc, mồ côi, neo đơn, thất vọng, bị xa lánh, bị ghen ghét… Họ không có ai để chia sẻ, mà có chia sẻ cũng chẳng ai quan tâm. Thật khổ tâm với “khoảng lạnh” khôn tả như vậy!

2. Cái lạnh linh hồn là cái lạnh của những người khô khan, nguội lạnh, tội lỗi, niềm tin lung lay, bước đời chao đảo, mất phương hướng… Thật đáng thương.

3. Cái lạnh tâm linh là cái lạnh của những người vô cảm trước nỗi khổ của người khác – như ông Simon chê phụ nữ tội lỗi kia xức dầu thơm chân Chúa Giêsu và khóc vì sám hối (Lc 7:36-50), như Thầy tư tế và Thầy Lêvi không hề chạnh lòng thương xót “người lân cận” mà cam tâm bỏ mặc nạn nhân sống dở chết dở (Lc 10:30-37), hoặc như người Pharisêu kiêu hãnh khi cầu nguyện tại đền thờ (Lc 18:10-14), người Pharisêu phạm tội ngay trong lúc cầu nguyện, thờ phượng. Thật khủng khiếp!

Mỗi dịp Giáng Sinh, chúng ta lại nghe bài thánh ca “Hang Belem” (nhạc: Hải Linh, lời: Minh Châu và Võ Thanh) ngân vang đây đó: “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá, nơi máng lừa…”

Thiên Chúa là Chúa của các vua chúa, thế mà Ngài lại sinh nơi hang đá, trên máng lừa, thế mới kỳ lạ.  Thiên Chúa là Đấng tạo tác muôn loài, làm cho mọi sự hiện hữu từ hư vô, vậy mà Ngài lại xuống thế gian ở với loài người, sinh ra nơi hèn hạ và nghèo khó nhất, chứ không uy nghi như người ta tưởng.  Chúa giáng sinh là sự kiện vô cùng kỳ diệu, phàm nhân không thể hiểu thấu.  Quả thật, không chỉ không thể tưởng tượng nổi mà phàm nhân còn không thể lý giải được.  Thật vậy, vì đó là mầu nhiệm – Mầu Nhiệm Giáng Sinh, Mầu Nhiệm Nhập Thể.

Và còn kỳ lạ hơn nữa, Chúa Giêsu không chỉ sinh ra ở ngoài đồng, mà Ngài còn sống ở ngoài đường, và rồi chịu chết trên đồi hoang, dẫu chỉ một chỗ tựa đầu cũng không có, (Mt 8:20; Lc 9:58) trong khi con chồn còn có hang, con chim còn có tổ, chính chúng ta là thụ tạo và là tội nhân, vậy cũng có mái nhà – dù nghèo nàn, dù ở thuê, dù ăn nhờ ở đậu.  Chúng ta cảm thấy thế nào khi nhìn ngắm Hang Đá, nơi Đấng Tối Cao ngự xuống?

Là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Tạo Hóa, Chúa Giêsu giàu có và sang trọng bậc nhất, nhưng vì thương xót phàm nhân nghèo hèn và khốn khổ mà Ngài chấp nhận hóa thân là một Hài Nhi.  Không chỉ vậy, Ngài còn sinh trong cảnh thiếu thốn tột cùng tại một hang chiên lừa nơi Belem.  Dĩ nhiên Thiên Chúa có nhiều cách để cứu độ chúng ta, thậm chí Ngài chỉ cần phán một lời thì mọi tội lỗi của cả nhân loại này đều được tha bổng, nhưng Ngài đã chọn cách mặc xác phàm để trí óc phàm nhân chúng ta có thể hiểu và phần nào khả dĩ cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Ngài, chứ chúng ta không thể thấu hiểu tình yêu thương cao cả đó.

Người nghèo giống như kẻ “vô phúc” vậy, bởi vì người khác không ưa, thậm chí còn bị ghét bỏ, bị xa lánh như tránh dịch bệnh.  Nhưng đối với Thiên Chúa, cái nghèo vô phúc đó lại hóa thành mối phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3).  Muốn được phúc mà lại sợ nghèo.  Có mâu thuẫn chăng?

Cái nghèo không ai ưa, nhưng nó lại quan trọng và liên quan vận mệnh đời đời của chúng ta.  Trong trình thuật Tin Mừng nói về cảnh Phán Xét Chung, Chúa chúc phúc cho những ai biết thương người nghèo khổ: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.  Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25:34-36).

Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh mà đọc trình thuật này, có lẽ nhiều người cho rằng “lệch pha.”  Nhưng không phải vậy đâu.  Không “lệch pha” thì tại sao?  Cái gì cũng có lý do.  Ai cũng biết rằng Lễ Giáng Sinh là lời mời gọi yêu thương – yêu thương bằng cả tâm hồn và hành động cụ thể.  Trình thuật về Cuộc Phán Xét là trường hợp rất cụ thể về Đức Ái Kitô giáo – thương yêu và thương xót.

Chính đoạn Kinh Thánh Mt 23:34-40 đã gợi hứng cho điêu khắc gia Timothy P. Schmalz (sinh năm 1970) tạc một pho tượng đồng lớn bằng người thật (2,5m), nằm co ro và trùm chăn kín mít, nhưng đôi chân thò ra ngoài và có dấu đinh.  Thì ra đó là Chúa Giêsu vô gia cư, Đấng giàu sang cao cả đã trở nên tứ cố vô thân.  Bức tượng có tên là “Homeless Jesus” – Chúa Giêsu không nhà, Chúa Giêsu vô gia cư.

Có lẽ sợ “nhiễm” cái nghèo (với chút dị đoan chăng?) nên nhiều nơi không chịu tiếp nhận bức tượng này.  Nhưng sau hai năm bị nhiều nơi từ chối, bức tượng đã được “dừng chân” và “cư ngụ” tại Quảng trường Thánh Phêrô vào dịp Giáng Sinh năm 2013.  Ý tưởng của Timothy Schmalz thật sâu sắc và độc đáo.  Bức tượng “Chúa Giêsu Không Nhà” là tiếng chuông cảnh báo mỗi chúng ta về việc thực hành đức ái sao cho đúng nghĩa, đúng ý Chúa, với cả lòng thành chứ không chỉ hình thức theo phong trào.

Hang đá Belem ngày xưa không là hang động hấp dẫn như ngày nay thu hút du khách thập phương, mà là hang đá xấu xí, tăm tối, hôi tanh, bẩn thỉu…  Nơi cho đàn chiên, lừa… nghỉ đêm.  Theo kiểu nói khôi hài ngày nay thì người ta gọi hang đá Belem đó là “khách sạn ngàn sao.”  Thế nhưng, có gì đó “bất thường” khi nhìn vào Hang Đá ngày nay.  Tại sao? Vì nhìn không thấy “chất nghèo” mà thấy quá sang trọng, có thể ví như khách sạn nhiều sao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Có vẻ như đua nhau hoặc khoe mẽ, thế nên càng ngày người ta càng “xây dựng” những hang đá đồ sộ, trang trí rườm rà, cầu kỳ, và tất nhiên chi phí tốn kém lắm – có nơi tốn cả trăm triệu đồng Việt Nam.  Chúng ta chê người ta xây dựng tượng này, đài nọ, tốn bạc tỷ, trong khi chúng ta có hơn gì họ?  Nhà này đua với nhà kia, giáo xứ này cạnh tranh với giáo xứ nọ, hang đá càng to càng hãnh diện.

Nhìn vào hang đá mà chỉ thấy vẻ hào nhoáng cho vui mắt, cái chính bị che khuất, còn những cái phụ lại quá nổi bật, thậm chí có nhiều hang đá nhìn mãi mới thấy Hài Nhi Giêsu, Đức Maria và Đức Giuse.  Hang Belem ngày nay sang quá, trái ngược với Hang Belem ngày xưa, tất nhiên cũng mất đi tầm quan trọng của sứ điệp yêu thương và nghèo khó. Thiên Chúa muốn dạy chúng ta về nhân đức “khó nghèo” mà chúng ta lại theo kiểu “khó (mà) nghèo.”  Con cháu Lạc Hồng chúng ta muốn Việt hóa nên có nơi làm một mái tranh, nhưng cái lều hoặc cái chòi đó lại lấp lánh ánh điện lung linh và nhiều màu sắc.  Không nhà nghèo nào mà sang như vậy.  Phi thực tế!

Chắc chắn Chúa không muốn ai “chơi nổi” một cách lãng phí.  Dĩ nhiên Ngài không cấm chúng ta trang trí một chút để kỷ niệm ngày Con Thiên Chúa giáng trần, nhưng đừng quá đáng, vì xung quanh chúng ta còn biết bao người chịu cảnh khốn cùng.  Chúng ta muốn vinh danh Chúa hay vinh danh chính chúng ta?  Cuối cùng, chỉ có Chúa vẫn phải tiếp tục chịu đựng chúng ta.  Đại dịch chưa thực sự kết thúc, nguy cơ tiềm ẩn cao.  Nhiều nơi trên thế giới không được tham dự Thánh Lễ cả năm nay rồi.  Cái khổ kéo theo cái khó, khó vì kinh tế bị ảnh hưởng, và cái nghèo kéo theo.  Tại sao người ta vẫn chưa tỉnh giấc ảo mộng?  Vì ỷ lại và cố chấp chăng?  Rất có thể.  Thế thì thực sự nguy hiểm quá!

Chúa Giêsu nói rằng người nghèo lúc nào cũng có bên cạnh chúng ta (Mt 26:5; Mc 14:7; Ga 12:8).   Thật vậy, thế giới còn biết bao người nghèo, xung quanh chúng ta cũng không thiếu người nghèo, làm hang đá giản dị không chỉ gợi lên ý nghĩa của việc Con Chúa giáng sinh, và còn có tiền để làm việc khác.  Bác ái là việc làm cần thiết, nhất là vào dịp lễ Giáng Sinh.  Chúa Giêsu sinh ra trong cảnh nghèo là lời nhắc nhở về việc thương xót những kẻ khốn cùng.  Bớt chi phí cho việc làm hang đá để chia sẻ với người nghèo bằng hiện vật, vậy mới là sống đúng tinh thần giáng sinh một cách thực tế, chắc chắn Hài Nhi Giêsu thích như vậy, và Ngài cũng sẽ mỉm cười với chúng ta như đã mỉm cười với Chú Bé Đánh Trống sau khi chú bé này khua một bài trống làm món quà kính dâng Vương Nhi Giêsu. [*] Ước gì mỗi chúng ta cũng có “điệu trống” của riêng mình, đơn giản nhưng thành tín.

Lạy Chúa, xin cho mọi người tận hưởng ơn bình an của Chúa giáng sinh qua việc yêu thương nhau chân thành.  Xin giải thoát thế giới khỏi đại dịch, được an tâm kỷ niệm ngày Đấng Cứu Thế giáng lâm lần thứ nhất.  Chúng con cầu xin nhân danh Đấng Emmanuel.  Amen!

Trầm Thiên Thu
Mừng Chúa Giáng Sinh – 2020

[*] Katherine K. Davis, Henry Onorati và Harry Simeone viết ca khúc “The Little Drummer Boy” (Chú Bé Đánh Trống, L’Enfant au Tambour) năm 1958

THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ – LINH MỤC TIẾN SĨ

Gioan de Yepes sinh tại Fontiveros, gần Avila.  Tây Ban Nha ngày 24 tháng 6 năm 1542.  Cha ngài làm thợ dệt, bị gia đình giàu có làm nghề buôn bán loại trừ vì đã cưới một người vợ kém hơn.  Mẹ ngài là một người đàn bà thánh thiện, trở thành goá phụ sau khi sinh Gioan.  Không nguồn lợi, với 3 đứa con, bà đã làm thuê cho một thợ dệt.  Bé Gioan dần dần đã học nghề thợ mộc, may vá, điêu khắc, hội họa trong tình yêu mến Chúa Giêsu Kitô.

Trong mọi việc, ngài có thói quen tự hỏi:

“Vào trường hợp tôi, Chúa Giêsu sẽ làm gì?”

Ngài không trốn tránh một hy sinh nào.  Lúc 12 tuổi, Gioan được học đọc, học viết với các nữ tu ở Medina del Campo.  Đức bác ái của ngài bao la: từ hồi còn niên thiếu, ngài đã dùng giờ rảnh để phục vụ các bệnh nhân ở nhà thương, dầu vẫn theo học văn phạm và triết học nơi các cha dòng Tên.

Năm 1563, Gioan gia nhập dòng Carmêlô và năm sau được gửi học tại đại học Salamanca.  Năm 1567 ngài thụ phong linh mục ở Medina và đã gặp thánh nữ Avila.  Thánh nữ đã khuyên ngài thực hiện việc cải tổ dòng Camêlô như thánh nữ đang làm.  Thánh nữ nói với ngài:

“Đây là công trình đòi hy sinh và máu.  Tôi không biết cha sẽ phải chịu khổ tới đâu nhưng chắc chắn cha phải chịu khổ.”

Gioan trở thành người con thiêng liêng của người nữ tu Carmêlô này.  Cha 25 tuổi và chị 52 tuổi.  Chị gửi cha đến với hai người bạn ở Duruelô trong cảnh cô tịch và đây là nguồn gốc của dòng Carmêlô canh tân đi chân không, ngài lấy tên là Gioan Thánh Giá.  Sự nghèo túng thật khủng khiếp, ngài chỉ sống bằng cỏ, nhưng vẫn dùng những khúc ca tạ ơn Chúa vì đã chỉ cho biết phải sống và cư xử cách nào.  Ngài hành động cách khác thường trên những người chung quanh, giải thoát họ khỏi những việc hư hỏng, tạo cho họ một lòng yêu thích hy sinh.

Sau khi chống lại đoàn thể các tu sĩ Carmêlô ở Alcala de Hélenrés, ngài trở thành tuyên úy của tu viện Avila trong 5 năm, thánh nữ Têrêxa giới thiệu với con cái mình:

“Cha là vị thánh.”

Sự thánh thiện của Gioan vượt quá nhiều người và trở nên khó hiểu, sự canh tân khiến ngài bị tố cáo là nổi loạn.  Các thầy dòng Carmêlô chước giảm chống lại các thày dòng Carmêlô đi chân không.  Cuối cùng, sau những nhục mạ dữ dội, ngài bị cầm tù ở Tolêđô.  Người ta đối xử cứng rắn với ngài, ba lần mỗi tuần họ đưa ngài tới nhà cơm và đánh đập không nương tay.  Nhưng ngài cảm thấy đang đi đúng đường Chúa muốn và tạ ơn Chúa vì đã chịu được hạ nhục và chịu khổ cực.  Những bắt bớ tăng thêm đức tin và lý tưởng của ngài.  Đáp lại, ngài yêu mến nhiều hơn và trong hầm tối thiếu khí trời, ngài trước tác những vần thơ bí nhiệm làm thành cuốn “Thánh ca thiêng liêng” (cantiques spirituelles).

Được 9 tháng thánh nhân vượt ngục.  Trước khi đến tu viện định tới, ngài dừng lại trong một dòng nữ.  Ngài nghe một nữ tu ca hát về “hạnh phúc của đau khổ” và bỗng ngài phải bám chặt vào cửa sắt nhà khách.  Ngài đã xuất thần.  Ý tưởng được chịu khổ vì Chúa đã làm cho ngài cảm thấy dư tràn hạnh phúc.  Phép lạ này trong tâm hồn, như muốn lôi kéo cả thân xác đổi mới theo…  thánh Têrêxa nói: “Không có cách gì để nói về Thiên Chúa với cha Gioan Thánh Giá.  Ngài xuất thần ngay và lôi kéo người khác theo.”

Một ngày kia quỳ bên song sắt, thánh nữ nghe cha nói về Chúa Ba Ngôi, thì Thánh Linh như muốn nâng ngài lên.  Khiêm tốn, ngài nắm lấy tay vào thành ghế.  Nhưng hoạt động thần linh đã nâng ngài lên tới trần nhà.  Têrêxa ở trước mặt ngài cũng xuất thần và bay bổng.  Một nữ tu tiến vào, cảm kích trước cảnh tượng vội đi gọi các nữ tu khác đến chiêm ngưỡng cả hai vị thánh được Chúa chúc phúc.

Đức Thánh Cha và vua Philipphe II ủng hộ những cuộc cải cách và bây giờ Gioan phải nhận nhiều trọng trách.  Ngài làm bề trên dòng Calvariô.  Ngài lập cộng đoàn Carmêlô Baeza và 3 năm sau được chọn làm tu viện trưởng ở Grenade.  Đi đường qua các thành Tây Ban Nha, ngài chinh phục các linh hồn về cho Chúa Kitô, chính ngài đã xây dựng một thủy lộ, một tu viện.  Trong 15 ngày, ngài đã viết cuốn “ngọn lửa tình yêu sống động” (la vive flamme d’amour).  Cuối cùng ngài trở thành Tổng đại diện Andalousia.

Sự trong trắng của thánh nhân đã tạo cho ngài một quyền năng trên quỉ thần.  Ngài đã giải thoát nhiều người bị quỉ ám.  Người ta nói rằng, bằng những dấu thánh giá ngài dẹp tan cơn bão, bằng lời nguyện, ngài dập tắt một hỏa hoạn.  Các thú vật quí mến ngài.  Để giữ mình trong sạch, thánh nhân tự nhận lấy đau khổ nhưng lại rất thương cảm những đau khổ của người khác, ngài còn tế nhị hơn nữa đối với những đau khổ tinh thần mà ngài gọi là “đêm tối của tâm hồn.”  Nhưng ngài hiểu rằng, những đau khổ này thanh tẩy tâm hồn rất nhiều.  Không kết hợp với Chúa được nếu không có khổ hạnh trong tâm hồn.

Thường nhà dòng nghèo khó đến độ có ngày không có bánh ăn.  Tập họp ở nhà ăn, thánh nhân nói với các tu sĩ về hạnh phúc được chịu khổ vì Chúa Giêsu Kitô.  Họ khóc vì nhiệt tâm và lui ra.  Bỗng chuông reo, một người vô danh đã đem bánh cho nhà dòng.  Các tu sĩ trở lại phòng ăn.  Lần này, thánh nhân khóc và nói:

“Ôi, vậy là Chúa đã thấy sự yếu đuối của chúng con không chịu thử thách được lâu.  Ngài đã sớm thương hại chúng ta.”

Lần kia, ngài đã trả lời Chúa Giêsu khi ngài hỏi về phần thưởng ngài muốn rằng:

“Lạy Chúa, xin cho con được chịu khổ và bị khinh miệt vì Chúa.”

Và ngài đã xin ba ơn này là: đừng có ngày nào mà không được chịu đau khổ, đừng là bề trên vào lúc chết, và được chết trong khiêm hạ.  Thiên Chúa đã nhận lời ngài.

Những tháng bị giam cầm, với bao đau khổ dữ dằn người ta đối xử, đã hủy hoại thân thể ngài.  Mệt nhọc vì du hành tới Andalousia, làm thánh nhân bị thiêu đốt ở chân, các vết thương mở rộng.  Ngài chịu đau đớn kinh khủng đến nỗi lần kia ngài nói với người đối thoại:

“Xin lỗi, tôi không trả lời nổi.  Tôi bị đay nghiến và đau nhức.”

Thánh nhân được chọn một trong hai nơi để chữa bệnh, hoặc ở Baeza, nơi người ta quý mến, hoặc ở Ubeda, nơi tu viện trưởng có ác cảm với ngài.  Ngài đã chọn tu viện Ubeda.  Những cư xử nghiêm nhặt làm cho ngài đau đớn thêm.  Nhưng ngài càng ôm chặt thánh giá vào lòng.  Vị tu viện trưởng cảm động vì sự dịu dàng không mệt mỏi, vì lòng bác ái sâu xa của bệnh nhân, cuối cùng đã hiểu và xin ngài tha thứ.

Gioan báo trước mình sẽ chết đêm 14 tháng 12 (năm 1591).  Các tu sĩ đọc kinh phó linh hồn, ngài xin đọc sách Diễn tình ca.  Các cơn đau không ngừng gia tăng khi chuông reo giờ kinh sáng, ngài cầm thánh giá nói:

“Lạy Chúa, con phó linh hồn trong tay Chúa.

Ngài còn nhìn các tu sĩ, hôn Chúa Kitô và tắt thở.  Ngài đã viết:

“Vào xế chiều cuộc sống này, bạn được phán xét về tình yêu.”

Gioan Thánh Giá để lại nhiều sách luôn được suy gẫm như: Đường Lên Carmêlô, Đêm Tối Tâm Hồn, Ngọn Lửa Tình Yêu Sống Động, Thánh Ca Thiêng Liêng.  Ngài được phong thánh năm 1726.  Và Đức Piô XI đã đặt ngài làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1926.

Lm. Phaolô Phạm Quốc Túy

CHÚA NHẬT HỒNG – NIỀM VUI CỨU ĐỘ

Chúa Nhật hôm nay được gọi là: “Chúa Nhật Hồng, Chúa Nhật Vui.”  Đây là một niềm vui rất to lớn và tràn đầy hy vọng của những người tin vào Đấng Cứu Thế và đang hân hoan chờ đón Ngài.  Niềm vui này chúng ta được nghe trong Lời Chúa hôm nay: “Anh chị em hãy vui lên trong Chúa!  Tôi nhắc lại một lần nữa: Anh chị em hãy vui lên vì Chúa đã đến gần!”  Niềm vui này là một niềm vui được ơn Chúa cứu độ, niềm vui được an bình, niềm vui được hạnh phúc!  Vậy thì chúng ta phải sống như thế nào trong Mùa Vọng này, để hưởng được trọn vẹn hạnh phúc Chúa ban?

Chuyện kể rằng: Có một Ông Vua kia lúc nào cũng lo âu, mặc dù sống trong quyền lực và nhung lụa sung sướng nhưng ông không có hạnh phúc, không biết cách nào để có được hạnh phúc.  Nhà Vua gọi các nhà khôn ngoan lại bàn hỏi xem làm thế nào trút bỏ những âu lo đang đè nặng tâm trí Vua đến nỗi Vua không thể nào có được một cuộc sống hạnh phúc?  Nhà thông thái trả lời: “Chỉ có một cách duy nhất để giúp nhà Vua.  Đó là Vua phải mặc chiếc áo của người có hạnh phúc thật sự!”  Thế là các sứ giả được sai đi khắp nơi để tìm kiếm một người đang mặc chiếc áo hạnh phúc.  Nhưng bất kỳ người nào được hỏi đến cũng có lý do để đau khổ, buồn sầu… một điều gì đó đã cướp mất hạnh phúc của họ.  Sau cùng thì họ cũng tìm một người, đúng hơn là một người ăn xin.  Người ăn xin này ngồi mỉm cười ở giữa chợ và tự xưng mình là người hạnh phúc nhất, không có một điều gì buồn rầu, lo âu.  Sứ giả của Nhà Vua nói với người ăn xin về điều Nhà Vua cần mặc chiếc áo hạnh phúc ấy, và hứa trả cho người ăn xin một món tiền thật lớn để mua chiếc áo hạnh phúc ấy.  Chúng ta nghĩ sao?  Anh chàng ăn xin này có đồng ý bán chiếc áo hạnh phúc của mình không?  Chúng ta có biết phản ứng của người ăn xin ra sao không?  Không nín được cười, người ăn xin bật cười to lên và nói rằng: Thật đáng tiếc!  Tôi không thể nào làm hài lòng Nhà Vua được.  Vì tôi chẳng có chiếc áo nào cả! Vâng người hạnh phúc nhất trên đời lại là người không có một chiếc áo nào cả!

Bài Tin mừng hôm nay Ga 1, 6-8, 19-28 cho chúng ta thấy nhiều người kéo đến với Gioan Tiền Hô để tìm kiếm hạnh phúc.  Và ông cũng đã vạch ra cho họ những con đường trong chính cách sống của ông để họ thực sự hạnh phúc khi họ biết tin vào Đấng Cứu Thế đang đến gần.  Đó là những con đường như:

Con đường sống khổ hạnh: Gioan sống ẩn dật trong sa mạc.  Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh: sống trong sự khắc nghiệt của thời tiết, trong sự hoang vu cô tịch, sự đe dọa của thú dữ.  Sống khó nghèo, đơn sơ đạm bạc: mặc áo bằng da thú, ăn châu chấu và mật ong rừng.

Con đường sống khiêm nhường: Gioan từ chối vinh quang mà người ta ban tặng cho mình. Ông thành thật nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế.  Ông chỉ là “tiếng kêu trong sa mạc”, không đáng cởi giây giày cho Đấng Cứu Thế.

Con đường sống trung thực: Gioan đến để làm chứng về ánh sáng.  Trung thực với sứ mạng của mình, một mặt ông chỉ cho chúng ta thấy ánh sáng thật là ai, mặt khác khi có người lầm tưởng ông là ánh sáng ấy thì ông thẳng thắn phủ nhận.  Trung thực về những lời nói về mình nên ông không nhận vinh quang mà người ta lầm tưởng ban tặng.  Trung thực với lòng mình nên ông sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối… Trung thực trong phán đoán nên ông thẳng thắn khuyên Vua Hêrôđê không được lấy chị dâu.

Con đường sống quên mình: nhìn nhận là người đưa tin nên ông quên mình để cho Đức Giêsu nổi bật lên.  Ông tự hủy mình để Đấng Cứu Thế được nhận biết.

Tóm lại Gioan Tiền Hô là một chứng nhân tuyệt hảo, Ông là chứng nhân của ánh sáng, chứng nhân của hy vọng, của hạnh phúc.  Ông làm chứng cho sự sáng thật là Đức Kitô.

Mùa Vọng này, mọi người đang chờ Chúa đến, Chúa muốn chúng ta giới thiệu Chúa cho người khác, Chúa muốn chúng ta làm chứng cho Chúa.  Thế nhưng rất nhiều khi thay vì mở đường cho Chúa, chúng ta chỉ lo mở đường cho chúng ta.  Hay thay vì làm chứng cho Chúa thì chúng ta làm chứng cho ta….

Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn vào tấm gương của Gioan Tiền Hô để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến bằng đời sống chứng tá là “để Chúa lớn lên” và để cho chúng ta biết đường tìm đến hạnh phúc đích thực.

Xin Thánh Gioan giúp chúng ta sống trong ánh sáng của Chúa Cứu Thế để chúng ta được hưởng trọn vẹn hạnh phúc Chúa ban.

Sưu tầm

“NGUYỄN THỊ ÂN SỦNG”

“Kính chào Bà đầy ân sủng.”

Kính thưa Anh Chị em,

Ngày 25-3-1858 tại Lộ Đức, một ‘Bà Đẹp’ đã hiện ra cho Bernadette, một em bé gần như mù chữ; khi em gặng hỏi tên Bà, Bà trả lời, “Que soy era immaculada Councepciou.”  Không hiểu gì hết, Bernadette nhẩm đi nhẩm lại và chạy ù một mạch, về đọc thuộc lòng cho cha xứ; cha xứ nghe xong, ngài hết hồn.  Bernadette đâu biết, bốn năm trước, Đức Piô IX đã long trọng công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội; sở dĩ, Đức Thánh Cha mạnh dạn tuyên tín như thế, vì lẽ, ngày truyền tin, Đức Maria đã được sứ thần trao tặng một tên mới, “Nguyễn Thị Ân Sủng.”

Bằng việc nâng giáo lý đức tin này lên cấp độ tín điều, Đức Piô đã công bố một lẽ thật được tìm thấy trong lời sứ thần Gabriel chào Mẹ ngày truyền tin, “Kính chào Bà đầy ân sủng!” ‘đầy ân sủng’ chỉ có nghĩa là “đầy 100%.”  Bà đầy ân sủng khác nào Bà ‘Nguyễn Thị Ân Sủng.’  Vì mặc dầu Mẹ chưa thụ thai Con Chúa, nhưng ân sủng mà Đức Kitô sẽ giành cho nhân loại bằng mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh của Ngài đã được coi như vượt thời gian để chữa lành cho Đức Mẹ ngay lúc thụ thai, giữ gìn Mẹ khỏi cả vết nhơ nguyên tội nhờ quà tặng của ân sủng từ chính lòng Mẹ.

Phụng vụ Lời Chúa ngày lễ hôm nay kể lại hai cuộc đối thoại của hai người mẹ.  Eva, người mẹ Cựu Ước với cuộc đối thoại mất mát và gãy đổ khi Thiên Chúa đi tìm con người vốn đang trần truồng, ẩn núp, sợ ánh sáng và thích bóng tối; đó là một cuộc đối thoại chạy tội, đầy sợ hãi; Adam đổ lỗi cho Eva, Eva đổ lỗi cho con rắn và kết quả là nguyên tổ bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng.

Người mẹ thứ hai, Đức Maria, không trần truồng, chẳng ẩn núp, nhưng đang mặc lấy phẩm phục chói ngời của ân sủng; Maria, ‘Nguyễn Thị Ân Sủng’ không sợ hãi, không chạy trốn nhưng sẵn sàng mở cửa cho sứ thần Thiên Chúa bước vào; Mẹ đã đối thoại, và nhất là, đã xin vâng.  Để từ đó, con người bị đuổi khỏi vườn xưa nay được mời gọi vào lại trong gia đình Thiên Chúa nhờ sự chết và phục sinh của Đấng mà Mẹ cưu mang; bởi lẽ, Thiên Chúa là tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của loài người.  Chúng ta không quên một chi tiết rất giàu ý nghĩa trong câu chuyện Sáng Thế, ngay giữa những khoảnh khắc bẽ bàng của nguyên tổ, Thiên Chúa vẫn không tài nào giấu được cảm xúc và lòng thương xót của Người; Người đã nói với con rắn, “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì rình cắn gót chân người.”  Đó là tiền Phúc Âm, đó là Tin Mừng đầu tiên còn được gọi là lời hứa.  Và Người đã thực hiện những gì đã hứa, bắt đầu với Abraham, các tổ phụ cho đến thời viên mãn; và với quả phúc lòng mình, Maria, ‘Nguyễn Thị Ân Sủng’ đã sinh Đấng Cứu Độ thế giới.

Trong cuốn “Sống đời sống vĩnh cửu”, David Breese có một so sánh thật sâu sắc.  Nếu Adam và Eva vẫn giữ được trạng thái ban đầu của họ, họ đã không bao giờ chết.  Tiếc thay, nguyên tổ đã khuất phục trước con rắn và sự chết đã đến thế gian.  Trước đó, họ ở trạng thái đẹp đẽ, nguyên sơ; tồn tại ở một mức độ cao hơn nhiều so với điều kiện hiện tại của loài người.  Thật khó để hình dung con người lúc đó như thế nào so với con người hôm nay.  Giờ đây, con người xem ra đang cố tái tạo lại phiên bản gốc của mình như tái tạo một chiếc máy bay từ đống đổ nát của nó.  Và nếu chúng ta không biết gì về việc bay, chúng ta khó có thể ngờ rằng, nó đã từng bay bổng khỏi mặt đất.  Vật liệu sẽ giống nhau; tuy nhiên, khả năng bay đã không còn.

Anh Chị em,

‘Khả năng bay không còn’ chính là hiện trạng của mỗi người chúng ta.  ‘Khả năng bay không còn’ khi chúng ta dễ nghiêng chiều về sự dữ; ‘khả năng bay không còn’ khi con người mất ý thức về tội; ‘khả năng bay không còn’ khi chúng ta không ước ao nên thánh.  Vì thế, kính mừng Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta hướng lòng chiêm ngắm Mẹ mình, ‘Nguyễn Thị Ân Sủng’, tưởng nghĩ đến vẻ đẹp tâm hồn của Mẹ, đức tính hoàn hảo Mẹ được hưởng; tưởng nghĩ đến đức tin hoàn hảo, hy vọng hoàn hảo và lòng bác ái hoàn hảo của Mẹ; và gẫm suy lời Mẹ dạy… nhờ đó, với ân sủng của Thiên Chúa, như Mẹ, chúng ta cũng có thể bay lên mỗi ngày trong Thánh Thần.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ là Mẹ, và là Nữ Hoàng của con.  Giữa trần đời tục luỵ, xin cho con biết chạy đến với Mẹ mỗi ngày; để nhờ Mẹ, con hiểu được rằng, nên thánh như Mẹ là sống một cuộc sống liên lỉ thưa “Có”, “Dạ” và “Xin vâng” mỗi ngày với Chúa Thánh Thần”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

XIN ƠN SỐNG MÙA VỌNG

Quý vị độc giả thân mến,

Chúng ta đã bắt đầu bước vào một năm phụng vụ mới, với Chúa Nhật thứ nhất mùa vọng hôm nay.  Tiết trời có lẽ cũng đã có chút gì đổi khác, nhắc ta ý thức hơn về một sự thay đổi khác trong đời sống phụng vụ và đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta.  Ai trong chúng ta cũng biết là Giáo Hội dành cho chúng ta một khoảng thời gian ngắn để có thể có những chuẩn bị cần thiết đón nhận ơn lành từ trời mà Con Thiên Chúa mang đến.  Nhưng dường như chúng ta chú ý hơn đến những gì bên ngoài hơn là bên trong.  Ta vội nghĩ đến những cánh thiệp Noel, những hang đá, cây thông, đèn lấp lánh hay những bữa tiệc linh đình hơn là việc dọn lòng sao cho xứng hợp để đón Chúa.  Mỗi mùa Phụng vụ mà Giáo Hội dành cho chúng ta đều có những tâm tình và sắc thái riêng.  Chúng ta được mời gọi để sống cuộc sống của mình cho phù hợp hơn với tâm tình ấy.  Nếu không, ta chỉ sống cho qua ngày, chứ không để ý gì đến những hương vị mà các mùa phụng vụ mang đến.  Thiết nghĩ trong ít phút ngắn ngủi hôm nay, chúng ta hãy dành chút thời gian để suy nghĩ và xin ơn Chúa soi sáng cho ta biết sống mùa vọng năm nay với một cách thức khác với mọi năm, khác với những mùa khác, để đời sống thiêng liêng của ta được đổi mới hơn và triển nở hơn.

Mùa Vọng là mùa chúng ta dành để chuẩn bị đón Chúa đến.  Chúa đến, không phải đến với người ta, đến chỗ khác, nhưng trước hết là đến với chính tôi, trong lòng tôi, trong cuộc sống của tôi, để mang đến niềm vui và bình an từ trời xuống cho tôi.  Nếu bấy lâu nay, ta mệt mỏi với công ăn việc làm, với những lo toan bộn bề cho kiếp mưu sinh, ta cần Chúa đến với ta, mang đến cho ta nguồn bình an sâu thẳm, thì đây chính là lúc ta được mời gọi để đón nhận nguồn bình an ấy.  Chúng ta có ý thức điều này không?

Trong Mùa Vọng, chúng ta cũng được mời gọi để “san cho bằng những đồi núi cao, sửa cho ngay những lối đi khúc khuỷu.”  Có bao giờ chúng ta tự hỏi, lời mời gọi này có ý nghĩa gì với chúng ta không?  Đâu là những núi cao mà mình cần làm cho phẳng, đâu là những lối đi khúc khuỷu mà mình cần phải sửa cho ngay?  Ta không thể để Chúa đến trong lòng ta với biết bao những quanh co lọc lừa, những ngạo mạn kiêu căng được.  Nếu chúng ta mong bình an của Chúa có thể đến và ngự trị trong tâm hồn mình, chúng ta phải cùng cộng tác với Chúa.  Nếu lòng ta đầy những hận thù, sao ta có thể có bình an?  Nếu lòng ta chất chứa những mưu toan thâm hiểm, sao ta có thể được một giấc ngủ yên ấm?  Nếu lòng ta chỉ có những cao ngạo về mình, sao ta có thể có suy nghĩ là mình cần đến Chúa?  Nếu cuộc sống của chúng ta trở nên bừa bộn với những đam mê, tật xấu, ngoan cố… ta làm sao có chỗ cho Chúa đến và ở lại với ta?  Hãy cố gắng sắp xếp dành cho Chúa một khoảng riêng, một vị trí trong tâm hồn ta, thì Ngài mới có thể khiến cho cuộc sống của ta được bình an và hạnh phúc.

Mùa vọng gợi nhắc ta đến hình ảnh của thánh Gioan Tẩy Giả và những lời khuyên bảo của ông.  Khi người dân tuôn đến với ông để hỏi: “Tôi phải làm gì?”  Ông đã trả lời rằng: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, cũng hãy làm như vậy.”  Một trong những cách thức sám hối thực lòng và ý nghĩa nhất là biết san sẻ cho những người kém may mắn hơn chúng ta.  Sự chia sẻ giúp cho lòng ta được mở ra, biết thương cảm hơn, biết hiệp thông hơn.  Đưa tay nắm lấy người cần ta giúp là nối lại sợi dây thân ái giữa con người với nhau.  Cho đi cũng là một hình thức ta dần khoét rỗng con người mình để chính Thiên Chúa đến và ở lại với chúng ta.  Chúng ta hãy tự vấn mình xem, liệu trong Mùa Vọng này, tôi có thấy lời mời gọi đó vang vọng trong chúng ta không?  Chúng ta có thắc mắc như người dân năm xưa rằng “tôi phải làm gì?” không?  Hay chúng ta vẫn cứ bình chân như vại, sống một cuộc sống cho qua ngày đoạn tháng, chẳng có chút thay đổi để trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn?

Chúng ta hãy dành ít phút lặng đọng để nghe tiếng Chúa nói với mình:

Lạy Chúa,

Không khí mùa Noel đang lan tỏa khắp nơi, mùa hồng phúc sắp đến trên trái đất này.  Lòng chúng con đang háo hức chờ Chúa từng phút giây.

Chúng con mong Chúa đến bên đời của chúng con, khỏa lấp cõi lòng băng giá của chúng con bằng ngọn lửa tình yêu của Ngài, xoa dịu con tim chúng con bằng bàn tay êm ái của Ngài.

Xin Chúa ban ơn cho chúng con, giúp chúng con biết sống Mùa Vọng này sao cho xứng đáng, như một bước chuẩn bị để Chúa đến và ở lại với chúng con.  Xin Chúa dạy cho chúng con biết chúng con phải làm gì, để có thể luôn thức tỉnh và chờ Chúa đến với chúng con, để Mùa Vọng này của chúng con trôi qua sinh được nhiều hoa trái thiêng liêng bổ ích.  Amen!

Pr. Lê Hoàng Nam
Nguồn: dongten.net

NHẬN SAI – SỬA SAI

Alfred Nobel được biết tới như người cổ súy mạnh mẽ cho hòa bình, chống lại chiến tranh.  Nghiệt ngã thay, các sản phẩm sáng tạo nổi tiếng nhất của Nobel lại là thuốc nổ, những công trình nghiên cứu chấn động với chất nitroglycerine và các loại thuốc nổ khác.

Khi tạo ra thuốc nổ, Nobel chưa từng nghĩ rằng các phát minh của ông rồi sẽ được dùng để phục vụ chiến tranh.  Tuy nhiên khả năng tàn phá của thuốc nổ nhanh chóng được biết tới và người ta đã đưa chúng vào sử dụng trong chiến tranh.

Vô tình năm 1888, tờ báo Pháp đăng tin nhà khoa học phát minh ra chất nổ Alfred Nobel qua đời với dòng tin:

Tiến sĩ Alfred Nobel, người trở nên giàu có nhờ tìm cách giết người nhanh hơn bao giờ hết, đã qua đời hôm qua. Tờ báo dành cả trang để đăng bài cáo phó với ngôn từ mỉa mai Nobel, tưởng nhớ ông như một kẻ buôn bán tử thần. Nhưng người chết khi đó là anh trai ông, Alfred Ludvig.

Bàng hoàng trước nhận định ấy, Nobel quyết định sử dụng tài sản tặng thưởng cho những thành tựu đem lại lợi ích cho nhân loại.  Theo di chúc của Nobel, giải này sẽ chỉ được trao cho những con người có công lao gây dựng tình anh em giữa các quốc gia, giúp xóa bỏ hoặc giảm bớt quy mô quân đội thường trực và cổ súy cho các hội nghị hòa bình.

Người ta nói rằng Alfred Nobel là một con người đã biết thức tỉnh và trở về trong sám hối.  Dù rằng phát minh của ông không mục đích giết người, nhưng gián tiếp để phục vụ chiến tranh gây nên những cái chết tang thương, thế nên, ông đã sám hối và dùng toàn bộ tài sản ấy để cổ súy cho hòa bình yêu thương.

Cuộc đời vẫn có những sai lầm, điều quan trọng là biết nhận sai và sửa sai.  Dẫu có muộn màng vẫn hơn.  Dẫu có tái phạm vẫn can đảm sửa chữa và không cố tình ở lỳ trong tội.

Thánh Gioan Baotixita là sứ giả của Thiên Chúa.  Ông đến để sửa lại lỗi lầm cho con người.  Ông đi trước Chúa để uốn lại lòng dân.  Ông dọn lại những gồ ghề trong tâm hồn con người bởi những tham sân si.  Ông sửa lại con đường để Chúa đến bằng việc sám hối ăn năn.  Có bao nhiêu con người là có bấy nhiêu lối đi.  Lối đi nào cũng có thể có sai lầm.  Lối đi nào cũng có cạm bẫy giăng đầy.

– Có con đường giăng kẽm gai là con đường của những kẻ thù hận nhau, ngăn chận những tương giao qua lại.

– Có con đường đầy ổ phục kích: con đường của những kẻ cạnh tranh nhau, chờ cơ hội để hại nhau.

– Có con đường sa mạc nóng bỏng: con đường của những kẻ khô khan việc đạo.

– Có con đường quanh co: con đường của những kẻ lọc lừa dối gian.

– Có con đường hầm u tối: con đường của những kẻ sống trong tội lỗi.

– Có con đường cỏ dại mọc đầy: con đường của những kẻ không vướng mắc tội nặng nhưng còn rất nhiều tội nhẹ v.v. và v.v…

Gioan đã mời gọi con người dọn đường Chúa đến bằng sám hối.  Sám Hối là thú nhận lỗi lầm, và hứa không tái phạm.  Sám hối là hành động của bản thân biết nhìn ra tội lỗi của mình mà sửa đổi, mà canh tân.  Không có sám hối sẽ không có những cuộc canh tân làm thay đổi đời sống và môi trường sống.  Chính nhờ sám hối và bản thân được thăng tiến, môi trường cũng được đổi thay thêm xinh đẹp hơn.

Xin Chúa giúp chúng ta biết nhìn lại những yếu đuối của bản thân mà sám hối ăn năn.  Xin Chúa nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta và giúp chúng ta can đảm sửa lại lối sống theo tin mừng để xứng đáng đón mừng Đại lễ giáng sinh sắp đến.  Amen.

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền