NGƯỜI KHÔN KẺ DẠI

Tỉnh thức trong tình yêu

Chắc chắn rằng dụ ngôn mười trinh nữ hướng tới thời cuối cùng, tương tự như các dụ ngôn trong đoạn trước và tiếp liền sau dụ ngôn này (chủ nhà, người đầy tớ trung tín, những nén vàng). Các dụ ngôn này có một ý nghĩa rõ ràng và được nhắc đi nhắc lại, đó là sự tỉnh thức. Người ta không biết giờ nào Chúa sẽ đến, và rất có thể Người sẽ “đến trễ”, nên phải
chuẩn bị sẵn sàng và kiên trì trước mọi tình huống.

Riêng về dụ ngôn mười trinh nữ, có lẽ không nên để ý đến những chi tiết có vẻ như giả tạo của câu chuyện: dụ ngôn không phải là một phóng sự hay một bài mô tả phong tục đám cưới, đúng và đủ mọi tình tiết. Trái lại, nên chú ý đến bài học của dụ ngôn, đó là sự khôn ngoan, biết phòng xa.

Điều dễ nhận thấy trong dụ ngôn này là bài học về sự  “tỉnh thức”. Bài học này làm người đọc liên tưởng đến lời cảnh giác của thánh Phao-lô: “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (1 Tx 5,2). Trong mười trinh nữ đi đón chàng rể, có năm cô khôn và năm cô dại.

Các cô khôn là những người biết phòng xa và chuẩn bị đầy đủ, cũng giống như người xây nhà trên đá (Mt 7,24), hay người quản gia biết chăm sóc gia nhân lúc vắng chủ (Mt 24,45). Các cô là hình ảnh của những người biết “lắng nghe và thi hành” những lời Đức Giêsu nói, những người có óc phê phán đúng đắn và tế nhị về thực tại của cuộc sống, kèm theo một ý chí cương quyết hành động.

Ngược lại, các cô dại là những cô không biết dự trữ phòng xa, không biết trù liệu trước hoàn cảnh bất trắc. Các cô là hình ảnh tiêu biểu cho những người lơ là, thiếu đầu óc thực tế, thiếu phán đoán, gây ảnh hưởng tai hại đến cuộc sống, nhất là đời sống vĩnh cửu.

Quả thật, các cô khôn đã chuẩn bị dầu đèn đầy đủ, lại còn mang theo bình dầu dự trữ, đề phòng trường hợp phải chờ đợi lâu. Các cô đã được vào dự tiệc cưới, như là phần thưởng cho thái độ sẵn sàng của mình. Trong khi đó, các cô dại, đã không mang dầu, lại còn mất thời giờ chạy đi mua, nên
trở về quá trễ và không được vào dự tiệc cưới. Các cô đã bị ngăn lại, vì đèn của các cô hết dầu, và các cô đến quá trễ: dựa theo lời thánh Âu-gút-ti-nô, các cô đã thiếu điều quan trọng là dấu chỉ tình yêu và đã không sẵn sàng đáp ứng trước tình yêu.

Người ta có thể ngạc nhiên và đặt câu hỏi: Tại sao các cô khôn lại xử sự có vẻ như thiếu đức ái, đó là không giúp đỡ chị em mình đang gặp khó khăn. Thật ra, ở đây không chú trọng đến đức bác ái, nhưng muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa mỗi người phải chịu trách nhiệm về tự do và hạnh kiểm của mình,
không được nông nỗi nhẹ dạ. Hơn nữa, sự kiện các cô trinh nữ phải chờ đợi lâu và chú rể chậm đến có thể cho thấy rằng lòng thương xót được gia hạn thêm một thời gian dài, rất dài, và đến một ngày, giai đoạn này sẽ chấm dứt. Thời gian chờ đợi có kéo dài thêm gợi lên tính cách nghiêm trọng của lời mời,
đồng thời cũng bao hàm ý nghĩa: Đấng Cứu Thế không phải là sản phẩm theo sự suy đoán của con người. Đàng khác, nên hiểu thời gian này như một hồng ân được ban tặng để mỗi người kịp sửa chữa những thiếu sót và sai lầm của mình. Mỗi người đều có cơ hội để đáp ứng bằng chính tình yêu của
mình.

Và như vậy, dụ ngôn không chỉ nói đến sự tỉnh thức. Hay nói cách khác, tỉnh thức chính là phải chuẩn bị đầy đủ cho cuộc lữ hành “trên mặt đất đầy đau thương, bi tráng và kỳ diệu này” (Chúc thư của ĐGH Phao-lô VI). Mỗi người phải mang theo đèn, và phải dự trữ dầu, nguồn đem lại ánh sáng, tức là phải có lòng hiếu khách, phải có tình yêu và niềm vui (ý nghĩa của dầu theo Kinh Thánh). Không có dầu, ngọn đèn sẽ tắt, người ta sẽ chìm trong tối tăm, và không được vào dự tiệc cưới.

Giữ ngọn đèn luôn cháy sáng

Nếu có ai được mời đi gặp một nhân vật họ vẫn mong đợi, hẳn là họ sẽ chuẩn bị rất kỹ càng, có khi tỏ ra nóng nảy, bồn chồn. Nếu họ vốn là người thờ ơ, hẳn họ sẽ phải thu xếp để có mặt đúng giờ, có khi còn đến sớm hơn giờ hẹn. Nếu nhân vật được mong đợi lại là người có khả năng làm thay đổi cuộc đời, thì người ta lại càng náo nức chờ đợi, và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Chàng rể trong dụ ngôn chính là Đức Giêsu. Với lòng yêu thương vô bờ, Thiên Chúa Cha đã trao phó cho Người trọn vẹn vận mạng của tất cả nhân loại cũng như của mỗi người. Người đã đến trần gian để dẫn đưa nhân loại đến tham dự sự sống và niềm vui vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Chính Người đang đến gặp nhân loại và nhân loại phải tiến về với Người, bởi vì Người là sự sống, sự sống đời đời. “Mà sự sống đời đời chính là nhận biết Cha, Đấng duy nhất là Thiên Chúa thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Giêsu Kitô” (Ga 17,3).

Chàng rể có thể đến trễ, nhưng người ta vẫn phải chờ đợi, vẫn phải sẵn sàng. Ngọn đèn của mỗi
người luôn phải có đủ dầu để đi đón chàng rể. Người ta có thể ngủ quên, nhưng vẫn có thái độ sẵn sàng: khi nghe tiếng kêu vào lúc nửa đêm, họ cũng đủ dầu đèn để đi đón chàng rể và dự tiệc cưới. Như thế, dầu đèn chính là khát vọng tìm gặp Thiên Chúa. Khát vọng này cần được nuôi dưỡng để khỏi phai tàn trong cuộc chờ đợi. Các cô trinh nữ đi đón chàng rể, lúc khởi đầu tất cả đều vui mừng. Nhưng trong lúc chờ đợi, năm cô đã để cho lòng nhiệt thành của mình nguội dần, và khi chàng rể đến, các cô đâm bối rối, khát vọng của các cô đã tắt lịm. Có biết bao cuộc gặp gỡ đã bị vỡ tan bởi vì ngọn đèn khát vọng đã tắt ngúm.

Đúng vậy, đôi khi cuộc chờ đợi có thể kéo dài và biến thành một thử thách khắc nghiệt, nhất là với những người phải bước đi trong đêm tối, tiến bước rất lâu với cảm tưởng rằng không bao giờ gặp được chàng rể mình vẫn ước mong. Thật ra, tình trạng này là một dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa luôn khoét sâu tâm hồn con người, để rồi ngày mai hay một lúc nào đó, Người sẽ bước vào. Phần con người, họ phải nuôi dưỡng lòng nhiệt thành bằng lòng tin, bằng việc cầu nguyện. Thiên Chúa sẽ không để cho kẻ chờ đợi Người phải thất vọng.

Sự nghèo khó nội tâm

“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

Đây là chủ đề được nhắc đi nhắc lại trong suốt diễn từ loan báo ngày Đức Kitô trở lại trong vinh quang. Ở đây, Đức Giêsu đã bày tỏ rõ ràng Người là Đấng Cứu Thế trước khi Người chịu khổ nạn và phục sinh.

Người mong muốn chúng ta chờ đón Người, và không được bỏ cuộc; Người mong muốn chúng ta chuẩn bị dầu đèn để khi Người trở lại, mặc dù bất thình lình, và chúng ta đang thiếp ngủ, chúng ta sẵn sàng đến gặp Người như Người cũng nhận ra chúng ta.

Phải chuẩn bị dầu đèn! Đây là một trách nhiệm nhưng chúng ta hãy yên lòng: Nếu Thánh Thần sử dụng dầu, thì chính Người cũng sẽ quan tâm không để chúng ta thiếu dầu.
Chúng ta nhớ lại câu chuyện bà goá ở Xa-rơ-phát: “vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Ê-li-a mà phán” (1 V 17,16). Bà goá này đã đặt tất cả niềm tin vào vị sứ giả của Thiên Chúa, nên vò dầu của bà đã không cạn.

Thật vậy, khi phục vụ Thiên Chúa và người khác, chúng ta vẫn phải khôn ngoan, dự phòng, nhưng cũng cần phải nhớ rằng sự khôn ngoan đích thực và cao cả nhất chính là sự nghèo khó trong tâm hồn, là lòng tin tuyệt đối, là xác tín rằng Thiên Chúa vẫn đang ở bên cạnh chúng ta và nâng đỡ sự yếu hèn, sự mỏi mệt của chúng ta. Chính Người vẫn bao bọc chúng ta trong tình yêu thương của Người để chúng ta luôn trở thành ánh sáng cho thế giới, thành anh em của mọi người, thành người cứu vớt những gì đã hư mất và thành chứng tá sống động của niềm vui.

Giếng nước trong khu vườn,
ngọn đèn tạo ánh sáng,
kho báu trong ngăn tủ,
Man-na trong Hòm Bia.
Lạy Chúa, Ngài là Chúa của con. H. Suso.

Lm. G. Nguyễn Cao Luật

SỐNG HÔM NAY NHƯ NGÀY CUỐI CỦA CUỘC ĐỜI

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt!  Câu nói của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất quen thuộc với chúng ta.

Chẳng có ai đi mà chẳng mỏi mệt cả.  Một lúc nào đó, với một biến cố nào đó ta sẽ dừng lại để nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, nhìn lại cuộc đời của mình còn lại ở phía trước.  Dù cho cố quên đi sự thật nhưng sự thật vẫn là sự thật và sự thật đó không bao giờ chối bỏ được.

Con chim ở trọ cành cây, con cá ở trọ trong khe suối nguồn, tôi nay ở trọ trần gian…  Cũng là cảm nghiệm về phận con chim, phận con cá và cả con người ở cái cõi tạm này.  Đã gọi là cõi tạm thì chúng ta biết rằng cái gì nó cũng có ngần, có hạn chứ chẳng có gì là bất h cả.

Sách Giảng viên gợi lên cho ta điều này.  Giảng viên đã nói: Phù vân trên mọi phù vân: phù vân trên mọi phù vân, và mọi sự đều là phù vân.  Ích lợi gì cho con người làm lụng vất vả dưới mặt trời?  Một thế hệ qua đi, một thế hệ khác lại đến: nhưng địa cầu vẫn đứng vững muôn đời.  Mặt trời mọc lên rồi lại lặn xuống, trở về chỗ cũ nơi nó lại mọc lên.  Gió thổi về hướng nam, rồi quay về hướng bắc; nó thổi xoay chiều khắp bốn phương, rồi quay về vòng cũ.  Mọi sông ngòi đều chảy ra biển mà biển không đầy tràn: nước sông trở về chỗ cũ rồi lại chảy đi.  Muôn vật đều phải làm việc vất vả, và không ai có thể cắt nghĩa tại sao.  Mắt xem mãi cũng không chán, tai nghe hoài cũng không thỏa.  Sự đã qua là gì?  Chính nó là sự sẽ có.  Sự đã xảy ra là gì?  Chính nó là sự sẽ xảy ra.  Chẳng có chi mới lạ dưới mặt trời, cũng chẳng ai nói được rằng: “Ðây cái này mới.”  Vì nó đã có từ lâu đời trước chúng ta.  Người ta cũng chẳng còn nhớ đến tổ tiên và những con cháu sau này; cũng chẳng nhớ đến những người sẽ đến sau.

Tất cả rồi cũng qua đi!  Thế nhưng, chẳng lẽ cuộc đời này nó vô vị và nó nhạt nhẽo như vậy sao?  Như vậy chẳng lẽ cuộc đời là vô nghĩa?

Tùy quan niệm của mỗi người, mỗi dân tộc về cái chết.  Có những người coi chết như là hết như là chấm hết mọi sự ở cuộc đời này nhưng với niềm tin của người Kitô hữu thì chết không phải là hết nhưng chết chỉ là cái ngưỡng cửa để bước qua cõi tạm này để vào cõi vinh quang của Thiên Chúa.  Sách Khôn Ngoan vừa xác tín đến niềm tin của những ai tin vào Chúa: Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài.  Đối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt.  Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an.  Và trước mặt người đời, dầu các ngài đã chịu khổ hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết.  Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao: vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau.  Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời.  Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Vấn đề lớn là sống công chính để được Thiên Chúa ghé mắt nhìn.  Thiên Chúa ghé mắt nhìn để rồi Thiên Chúa sẽ ngự trị trong những người công chính hay nói khác đi là những người công chính ở trong cung lòng của Thiên Chúa.

Lời hứa những ai đi theo Chúa đó không phải là lời hứa suông nhưng chính là lời cầu nguyện, lời mà Chúa Giêsu luôn tha thiết nài xin Chúa như tâm tình của Chúa Giêsu được Thánh Gioan ghi lại.  Tâm tình đó hết sức hay: “Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian.  Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con.  Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa.”

Thật tuyệt vời!  Những người mà Thiên Chúa trao cho Chúa Giêsu rồi thì Chúa Giêsu muốn rằng khi mà Chúa Giêsu ở đâu thì những người mà Thiên Chúa Cha trao cũng ở đó với Ngài.

Những ai được Thiên Chúa tuyển chọn nghĩa là được chịu phép rửa, phép thanh tẩy trong Đức Giêsu nghĩa là chịu phép rửa trong sự chết của Chúa Giêsu thì cùng chịu mai táng với Chúa và rồi như lời Thánh Phao lô nói: Để như Đức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế.  Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại giống như vậy.

Niềm tin của người Kitô hữu là như vậy.
Chẳng ai lột da để sống đời cả!
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi, *
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.
Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Ngài phán bảo:
Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!
Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!
Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai, *
nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.  (Tv 89)

Ngày mỗi ngày qua đi lại là một ngày mà ta gần với Chúa hơn.  Đó là câu nói thường ngày mà người ta vẫn thường nói để diễn tả niềm tin sau cái chết.  Thế nhưng, muốn gần Chúa thì phải sống cuộc đời công chính như lời sách Khôn Ngoan đã nói.  Và, Chúa Giêsu đã hơn một lần nhắc nhớ các môn đệ cũng những người theo Chúa: Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).

Công chính là sống một đời trong sạch không có gì vương bẩn trước mặt Chúa.

Này là dòng dõi những người tìm Chúa, đây là những người mong bệ kiến Ngài, một đời lòng ngay không hề gian dối… (Tv 23)

Vẫn là con người mang trong mình phận con người yếu đuối và rất cần ơn của Chúa để sống trong cuộc lữ hành trần thế này.

Hôm nay, nhớ lại những hình ảnh thân thương của ông bà cha mẹ, những người thân thương cũng nhắc nhớ cho phận người ở trọ của chúng ta.  Để được hưởng nhan Thánh Chúa ắt hẳn phải sống công chính, phải sống trong sạch thì mới được hưởng nhan thánh Chúa như Chúa đã nói.

Cuộc đời này rất vắn và rất vội.  Hãy sống ngày hôm nay như là ngày cuối đời của mình và hãy sống hết sức công chính để đến giờ Chúa gọi ta thưa vâng để ra trước tòa của Chúa và hầu mong được hưởng nhan thánh của Ngài như lòng ta hằng mong ước.

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.