THÁNH ĐAMINH

Lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo (1170 – 1221)

1. Vài dòng lịch sử

Thánh Đaminh sinh tại Castile nước Tây Ban Nha, năm 1170.

Ngay từ lúc còn nhỏ, thánh nhân đã mến mộ sự học hành, cầu nguyện, hãm mình, sống khắc khổ và yêu thương người nghèo.  Mỗi ngày ngài đều có giờ nhất định để cầu nguyện và ăn chay hãm mình luôn.  Ngày kia có người đến xin Ngài giúp đỡ để chuộc lại đứa em bị bắt, ngài không còn tiền cho người ấy, vì đã bố thí hết, nên nói:

– Tôi không còn tiền, nhưng này chị hãy dẫn tôi nộp cho người ta, để chuộc em chị về.

Người này không thể chấp nhận được đề nghị đó, nhưng lòng hết sức cảm phục sự hy sinh cao độ của Ngài.

Vì muốn dâng mình giúp việc Chúa, nên thánh nhân được gọi đến thụ giáo với một Linh Mục ở Gumiel de Izán.  Năm 14 tuổi, Ngài gia nhập Đại chủng viện tại Palencia.  Sau khi hoàn tất việc học, Ngài được Đức cha Diégo de Azsvedo truyền chức Linh mục.  Và vì thấy ngài thông minh nhân đức, nên Đức Giám mục Martin de Bazan đặt ngài làm Kinh sĩ ở Osma.

Lúc Đức cha sang Pháp lo việc mục vụ, thánh nhân được đi theo.  Trong thời gian ở đây, ngài thấy tận mắt những khó khăn do bè rối Albigeois gây ra cho Hội Thánh.  Họ chủ trương tất cả những gì thuộc về vật chất đều xấu xa: muốn hoàn thiện phải tận diệt vật chất, sống hoàn toàn khắc khổ.  Ngài quyết định đem hết khả năng chống lại chủ trương sai lạc của họ.  Nhưng nhận thấy một mình không thể đương đầu với sức bành trướng quá mạnh của họ nên ngài kêu gọi nhiều nhà truyền giáo nhiệt thành cộng tác.  Đó là những người sau này sẽ trở nên tu sĩ hội dòng Ngài sáng lập, gọi là “Dòng Anh Em Thuyết Giáo.”

Một cộng tác viên của ngài kể lại:

“Đaminh có một đời sống luân lý, một lòng sốt sắng kính mến Chúa mãnh liệt, đến nỗi hiển nhiên ai cũng thấy ngài là tác phẩm của sự cao trọng và ơn thánh.  Ngài có một tâm hồn bình thản đến nỗi chỉ rộn lên khi phải trắc ẩn và thương xót.  Và vì tâm hồn hân hoan thì làm cho bộ mặt rạng rỡ, nên ngài cũng để lộ sự bình thản của tâm hồn ngài ra trên nét mặt hiền từ và vui tươi của Ngài.”

“Đâu đâu ngài cũng tỏ ra một con người của Tin mừng, cả trong lời nói lẫn hành động.”

“Ngài năng dâng lên Chúa lời cầu xin đặc biệt này là cho ngài được lòng bác ái chân thật, có khả năng săn sóc và đem lại phần rỗi cho người ta.  Ngài nghĩ mình sẽ thật là chi thể của Chúa, nên tiên vàn mình đem hết sức lực mình ra cứu rỗi các linh hồn, giống như Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc mọi người, đã tận hiến mình để cứu chuộc chúng ta. Và chính để làm công việc ấy mà theo ý Chúa an bài sâu xa, Ngài đã lập ra “Dòng Anh Em Thuyết Giáo.”

Suốt sáu năm trời, thánh nhân dâng lời cầu nguyện, sự hy sinh kèm theo lời rao giảng kêu gọi mọi người trở về với đức tin chân chính, nhưng kết quả không được bao nhiêu.  Ngài buồn sầu than thở với Mẹ Maria và được Mẹ dạy bảo hãy rao giảng và cổ động mọi người lần chuỗi Môi Côi, để nhờ đó Mẹ cầu cùng Chúa cho những người lầm lạc trở về với Hội Thánh.  Vâng lời Đức Mẹ, ngài đem hết khả năng truyền bá chuỗi Môi Côi, giải thích các mầu nhiệm thánh, kêu gọi mọi người thực hành việc đạo đức này.  Kết quả thật là lùng!  Không bao lâu, những người tội lỗi và kẻ lầm lạc ăn năn trở về với Chúa.  Thánh nhân hết sức vui mừng, tạ ơn Chúa và tri ân Đức Mẹ.

Năm 1215, thánh nhân đến Rôma, xin Đức Thánh Cha Honoriô III châu phê luật dòng vào ngày 22/10/1216.  Từ đó, dòng phát triển mạnh mẽ và có mặt trên khắp thế giới.

Thánh nhân qua đời tại Bologna ngày 6 tháng 8 năm 1221.  Năm 1231 Đức Thánh Cha Gregoriô thứ IX đã tuyên hiển thánh cho ngài.

2. Lời trăn trối cuối cùng

“Anh em thân mến.  Đây là những gì Cha để lại cho anh em để anh em giữ lấy như là người con có quyền thừa kế:

Anh em hãy sống bác ái
Hãy giữ lòng khiêm tốn
Hãy tự nguyện giữ đức thanh bần – khó nghèo.”

Đây không phải là những gì rút ra từ sách vở, mà là kết tinh của cả một cuộc sống mà chính Ngài đã nỗ lực thực hiện trong suốt một cuộc đời 51 năm – hơn một nửa thế kỷ.

Đọc kỹ cuộc đời của ngài để rút ra những nguyên tắc làm linh đạo cho cuộc đời của mình.

Xác định cho mình một vị trí rất rõ ràng: Trước Thiên Chúa, trong Giáo Hội, và bên cạnh những người khác.

A. Truớc Thiên Chúa: Như một thụ tạo, một thụ tạo cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.  Một thụ tạo không có gì cả.  Tất cả là do Thiên Chúa ban cho.   Luôn gần gũi, tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa như một người Cha-Con.

Khi được hỏi về các phương tiện phải có để đưa cuộc thánh chiến đến thành công, tại cuộc họp do thánh bộ tổ chức, Đaminh đứng dậy nói với tất cả các vị chức sắc: “Xin các ngài hãy giải tán đoàn hùng binh của các ngài đi.  Hãy lội bộ qua các nẻo đường để rao giảng Tin mừng của Đức Kitô khó nghèo và bị ruồng bỏ.  Tất cả bộ vó giầu sang kia chỉ làm cho các ngài tê liệt.  Các Ngài mang nặng quá nên không thể được lôi cuốn vào trong cuộc chinh phục các linh hồn.”

B. Trong Giáo Hội: Như một thành viên của Gia đình Giáo Hội. Tìm mọi cách để sống mầu nhiệm Giáo Hội

C. Bên cạnh những người khác như anh em: Không coi mình như một kẻ có quyền mà coi mình như một người phục vụ. Sống đơn sơ chân thành với tất cả mọi người.  Và cuối cùng là hết lòng yêu thương mọi người.

Lạy Thánh Đaminh, xin cầu cho chúng con. Amen.

Lm Giuse Đinh Tất Quý

KHI HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN CÓ SÓNG GIÓ

Vào khoảng năm 860 trước công nguyên, vương quốc Israel bị ảnh hưởng bởi tà giáo.  Vua Ahab và hoàng hậu Izabel nuôi dưỡng hàng ngàn tiên tri Baal.  Nhiều đền thờ thần thoại được xây lên.  Dân chúng cũng hùa theo việc cúng bái Baal.  Nhưng tiên tri của Giavê Thiên Chúa là Êlia vẫn can đảm đương đầu với đám đông phản trắc để bênh vực chính giáo.

Một mình ông dám thách thức 450 tiên tri Baal hãy chứng minh cho toàn dân biết đâu là Chúa thật.  Êlia bảo người ta bắt hai bò tơ để đôi bên cùng xẻ thịt, đặt lên củi, và khẩn cầu.  Thần linh nào đáp lời nguyện xin, cho lửa xuống thiêu cháy đống củi cùng của lễ, thì đó chính là Đấng mọi người phải tôn thờ.

Sau khi giết bò và chất lên bàn thờ, 450 tiên tri và tư tế Baal bắt đầu kêu khấn: “Lạy thần Baal, xin đáp lời chúng tôi.” Nhưng không một tiếng trả lời!  Họ bắt đầu nhảy nhót như kiểu lên đồng.  Nhưng cũng chẳng thấy ai đáp lại!  Êlia mới chế nhạo: “Các ngươi phải kêu lớn lên nữa.  Không chừng thần linh đang suy tính hay bận rộn chuyện gì; cũng có thể ngài đi vắng hoặc đang ngủ.  Đánh thức ngài dậy đi!”  Các môn đệ thần Baal ra sức kêu gào, lại còn rạch mình cho máu chảy lai láng như kích động lòng trắc ẩn của thần linh.  Nhưng vẫn không thấy gì.

Lúc này Êlia mới giơ tay cầu nguyện: “Lạy Giavê Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Israel, ước gì hôm nay người ta nhận biết chính Người… xin nhậm lời tôi” (1 V 18,36-37), và lập tức Giavê cho lửa từ trời thiêu cháy hết mọi của lễ của Êlia.  Thấy vậy, toàn dân tung hô Thiên Chúa.  Thế rồi, khi được lệnh của Êlia, họ đem các tiên tri và tư tế Baal xuống núi giết sạch.

Chuyện xảy ra quá bất ngờ khiến hoàng hậu Izabel bàng hoàng căm tức.  Bà thề sẽ lấy mạng Êlia bằng mọi giá.  Khi biết thế, vị tiên tri tức tốc lên đường lánh nạn.  Sau một ngày trốn chạy vất vả trong vùng sa mạc khô khan, ông cảm thấy mệt mỏi chán chường.  Con người can đảm và nhiệt thành hôm nào bây giờ lại rơi vào tình trạng hoang mang cực độ đến nỗi muốn chết cho yên.  Ông thốt lên: “Nay đã đủ rồi, lạy Giavê, xin cất mạng tôi đi, tôi cũng không hơn gì các bậc tổ tiên.”

Người hùng của Thiên Chúa mà cũng có lúc đảo điên như thế thì huống chi là tôi!  Thế nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó.  Kinh thánh kể tiếp:

Chính trong giây phút giao động và chán nản đó của người hùng, sứ thần Thiên Chúa đã đến nâng đỡ ông bằng bánh và nước.  Êlia đã ăn và uống.  Sau đó tiếp tục hành trình 40 ngày đêm đến núi Sinai.  Tại đây ông đi vào cuộc gặp gỡ và đối thoại với Thiên Chúa.  Cuộc gặp gỡ xảy ra không phải trong bão tố, đất động hay lửa chớp, nhưng trong làn gió thoảng đưa.

Từ trong làn gió thoảng ấy, Thiên Chúa cất lời nâng đỡ và chỉ dẫn Êlia.  Cuộc gặp gỡ thân tình với Giavê đã kéo ông khỏi hố sâu của lao đao thất vọng.  Kết quả, Êlia tìm lại được bình an và sức mạnh nội tâm, tiếp tục ra đi chu toàn sứ mạng làm chứng cho Thiên Chúa.

Thiết tưởng hành trình đức tin của người Kitô hữu cũng có những lúc khốn khó lao đao như Êlia vậy.  Dù là người nhiệt tâm và can đảm cách mấy cũng không tránh khỏi tình trạng bị thế gian săn đuổi, đe dọa, và bao chước cám dỗ tấn công.  Lắm lúc tưởng như sắp chìm sâu trong bão tố của hận thù, ích kỷ, đam mê.  Ngay như thánh Phêrô, vị tông đồ năng nổ và xông xáo nhất trong hàng ngũ các tông đồ, cũng đã từng bị sóng gió làm đảo điên đến nỗi “sắp chìm xuống” (Mt 14,30).  Nhưng khi ông thốt lên lời kêu van, “Lạy Thầy, xin cứu con”, thì bàn tay đỡ nâng của Thiên Chúa đã giải thoát và đem lại bình an ngọt ngào.

Cho đến hôm nay, những người theo Đức Kitô vẫn chưa hết bị sóng gió trần gian bủa vây, không chỉ là những truân chuyên trong cuộc sống, nhưng còn là những cám dỗ tinh vi của quỷ ma.  Nhưng liệu trước các phong ba dữ dằn đó, tôi có nghe được tiếng nói đỡ nâng và nhắc nhở của Thiên Chúa chăng?  Lắm khi tiếng nói của Ngài rất nhẹ nhàng như “gió hiu hiu thổi” chứ không phải như tiếng đất động, bão tố hay hỏa hoạn.

Thử hỏi: nếu là một thanh niên hay thiếu nữ đang tuổi lớn lên, trước những lời réo gọi của đam mê xác thịt, liệu tôi có nghe được tiếng nhắc nhở “phúc cho ai có lòng trong sạch” nơi lương tâm để vượt thoát cạm bẫy dục tình và tiến lên núi cao với Chúa không?

Nếu vì nhẹ dạ mà sa ngã hay mang thai, trước những sóng gió của từ khước khinh bỉ, hay giòng xoáy phá thai của thời đại muốn nhận chìm sự sống, liệu tôi có nghe được tiếng bảo thì thầm trong lương tâm rằng “phá thai là giết người,” và rồi hướng nhìn lên Chúa, kêu nài một sự đỡ nâng an ủi không?

Nếu là người mẹ có đứa con hư dại hay người vợ có ông chồng hủ bại, liệu tôi có nghe được lời nhắc nhở “hãy vững tin” của Đức Giêsu để tiếp tục hành trình làm nhân chứng cho đạo Chúa không?

Nếu là người cha phải lao đao vì trách nhiệm gia đình, bị giông tố của xã hội tấn công, bị chèn ép, hiểu lầm, khích bác…, liệu tôi có nghe được tiếng nói “Đừng sợ, có Ta đây”, và rồi đưa tay cho Đức Giêsu để Ngài kéo lên không?

Cuộc đời người Kitô hữu được ví như hành trình tiến lên núi Thánh giữa sa mạc nắng cháy, hay như chiếc thuyền đang tìm về bến bờ giữa bao sóng to, gió ngược.  Không có ơn Chúa đỡ nâng, chắc chắn con người sẽ ngã gục.  Cũng như nếu không có những chiếc bánh và ấm nước Thiên Chúa trao cho, Êlia đã bỏ cuộc giữa đường; hay nếu không có bàn tay Đức Giêsu giơ ra kéo lên, Phêrô đã chìm sâu trong sợ hãi và hoang mang.

Song khi có Chúa, bình an và sức mạnh sẽ đến.  Dù giông tố và thách đố trần gian cứ xảy ra, con thuyền đời tôi vẫn thẳng tiến, vì có Thiên Chúa đồng hành.

Nhưng để được như thế, có lẽ tôi phải không ngừng kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con” (Mt 14,30).

Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn

CHỦ CHIÊN PHẢI CÓ MÙI CỦA CHIÊN

Hình ảnh và video của một bé trai 9 tuổi làm Đức Thánh Cha Phanxicô rơi lệ đã lan tràn ‘như lửa cháy’ trên cộng đồng mạng trong những ngày qua.

Lúc xe của Đức Thánh Cha đi qua, một cậu bé trai tên là Nathan de Brito, mặc áo thun của đội banh Brazil, đã len lỏi chạy theo Đức Thánh Cha một hồi rất lâu, rồi khi chiếc xe tạm ngừng thì đã vượt qua hàng rào an ninh, leo lên ôm lấy ngài và nói trong nước mắt: “Đức Thánh Cha ơi, con muốn trở thành một linh mục của Chúa Kitô, làm đại diện cho Chúa Kitô.”

Đức Thánh Cha đã tỏ ra rất xúc động, Ngài nói với em rằng:”Cha sẽ cầu nguyện cho con, nhưng Cha xin con cũng cầu nguyện cho Cha,” sau đó Ngài lau nước mắt cho em, ôm lấy em và nói, “Kể từ hôm nay thì ơn Kêu Gọi của con là chắc chắn nhé.”  Phải khó khăn lắm người ta mới gỡ em ra khỏi Đức Thánh Cha và kéo cậu xuống.  Cậu bé Nathan còn tiếp tục tung nụ hôn tới cho Đức Thánh Cha, cho đến khi một nhân viên an ninh giỗ dành cậu và đưa cậu về với gia đình.

Theo tin từ Brazil cho biết thì em Nathan là một cư dân của khu phố Cabo Rio, và sau khi sự việc xảy ra thì em đã được chào đón như một vị anh hùng.  Hãng truyền hình O Globo TV mô tả rằng: “Mọi người đều đã biết về ước muốn làm linh mục của em và muốn biết thêm về cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng và làm thế nào mà em đã có đủ can đảm để vượt qua hàng rào các nhân viên bảo vệ.”  Bạn bè của em thì hãnh diện vì ‘một trong những người của chúng’ đã được gặp Đức Giáo Hoàng, còn gia đình de Brito thì cho biết họ cảm thấy “rất may mắn.”

Còn cảm tưởng của em?

“Em cần phải học thêm thần học”, cậu bé nói với một nụ cười, thêm rằng em sẵn sàng làm “tất cả mọi thứ” để theo đuổi ơn gọi làm linh mục của em.  Keyla Fernandes, cô giáo của em, cho biết de Brito có điểm học xuất sắc và hạnh kiểm tốt.  “Hạnh kiểm tốt chứng tỏ em đã thấm nhuần các đức tính Kitô giáo, chẳng hạn như đức vâng lời,” cô nói.  Còn Cha Xứ Valdir Mesquita dự đoán rằng cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng của em “sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người khác muốn làm linh mục.”

Kể từ khi em lên năm hay sáu tuổi, “em đã nói rằng em muốn trở thành một linh mục.”  Cha Mesquita nói. “Cuộc gặp gỡ này chắc chắn sẽ lưu lại trong trái tim của em và mãi mãi thay đổi cuộc sống của em”. (x.vietcatholic.org).

Hôm nay Giáo hội mừng kính Thánh Gioan Vianney, bổn mạng các Linh mục.

Từ thửa nhỏ, Gioan Vianney khao khát làm linh mục.  Sau này ngài kể: “Khi tôi còn nhỏ, tôi không biết điều xấu.  Không đủ điều kiện vào chủng viện vì sức học yếu nên ngài đã phải cố gắng hết sức để có thể vượt qua.  Ước mơ làm Linh mục trong ngài luôn cháy bỏng.

Tài mọn, trí hèn, học kém, nhưng ngài vẫn được “đặc cách” thụ phong linh mục vào năm 1815, lúc 29 tuổi.  Sau 3 năm ở xứ Ecully, ngài được bổ nhiệm về xứ Ars, một giáo xứ nhỏ và xa xôi.  Khi vừa đặt chân đến xứ Ars, ngài đã quỳ xuống hôn mảnh đất này.  Trong thời gian quản nhiệm xứ Ars, một xứ nhỏ nhưng “rắc rối” đủ chuyện, ngài gặp nhiều giáo dân sống lạnh nhạt và sống buông thả trong tội lỗi.  Cha sở Vianney đã kiên nhẫn để thay đổi lòng người từng chút và từng ngày.  Trong các bài giảng đầu tiên, cha sở Vianney đã phản đối các thói hư tật xấu của dân xứ Ars như: báng bổ, nguyền rủa, không coi trọng ngày Chúa nhật, chỉ ưa tụ tập ăn nhậu và múa hát ở các quán xá, hát những bài ca trơ trẽn và ăn nói tục tĩu.  Ngài nói: “Quán xá là cửa hàng của ma quỷ, là trường học của hỏa ngục, là thị trường buôn bán các linh hồn, là nơi làm tan vỡ các gia đình, là nơi làm cho sức khỏe bị hao mòn, là nơi xảy ra các cuộc cãi vã và giết người.

Cha sở Vianney phải mất 10 năm mới có thể thay đổi dân xứ Ars.  Không còn làm việc ngày Chúa nhật, nhà thờ càng ngày càng đông người, không còn say xỉn.  Cuối cùng, các quán rượu đóng cửa vì không có khách, và các cuộc cãi vã trong gia đình cũng hết.  Lòng chân thật trở nên tính cách chung.  Cha sở Vianney viết: “Xứ Ars không còn là xứ Ars xưa nữa”, vì cả xứ đã thay đổi tận gốc rễ.  Cả xứ Ars trở nên một cộng đoàn đạo hạnh.

Năm 2010, tôi có đi hành hương đến thăm Xứ Ars.

Thăm nhà xứ, tôi thấy tất cả các căn phòng vẫn còn giữ nguyên trạng như những ngày thánh nhân còn sống, quá đơn sơ và nghèo nàn… Nhà bếp lụp xụp, khói đen phủ kín tường gạch trét vôi, mấy cái nồi niêu soong chảo cũ kỹ treo trên tường.  Cái nồi luộc khoai lang treo lơ lửng, bên dưới có bóng điện nhỏ như ngọn lửa cháy, chiếu rõ màu đen bụi khói qua năm tháng.  Khoai lang luộc là thức ăn hàng ngày của cha xứ.

Cái bàn ăn bằng gỗ cùng với hai cái ghế gỗ nhỏ toát lên cuộc sống đạm bạc của chủ nhân.  Cầu thang gỗ dẫn lên gác.  Căn phòng nhỏ thấp, nơi thánh nhân sống hơn 30 năm, có chiếc giường bị cháy xém do ma quỷ đốt, một cây súng dài rất cổ treo trên tường, nghe kể là các vị Hội đồng giáo xứ trực nhà xứ đem vào để bảo vệ cha xứ, một cái đồng hồ như là sáng kiến đặc biệt của cha Vianey chia đều công việc 24 giờ trong ngày của ngài.  Trong phòng còn có quan tài bằng gỗ sồi, sau 40 năm chôn trong lòng đất, khi khai quật ngôi mộ, xác cha thánh vẫn còn tươi nguyên, một phép lạ Chúa ban.  Bị ma quỷ quấy phá nhiều năm, cha thánh chuyển qua phòng khác là nơi dành cho Đức Giám Mục khi đến đây ban phép Thêm Sức.  Căn phòng thứ hai này cũng rất nhỏ và thấp, các đồ dùng trong phòng rất giản dị, nghèo nàn.  Cái bàn nhỏ bên trên còn để cuốn sách nguyện, từ đó nhìn lên có tượng thánh giá, có mấy tượng ảnh Đức Trinh Nữ Maria, cái giường ngủ nhỏ kê sát tường, nơi thánh nhân ngủ cho đến khi qua đời, đôi giày bạc màu thời gian với khổ chân người nông dân vẫn còn đó, bên cạnh có tủ sách khá nhiều cuốn sách dày, được biết ngài đã đọc và đánh dấu nhiều trang sách.  Thật quá đơn sơ khi nhìn ngắm các vật dụng.  Căn phòng ọp ẹp này lại là nơi sinh sống của một con người vĩ đại trong sự giản dị thanh thoát.

Nối giữa hai căn phòng ấy hiện nay là phòng trưng bày những đồ dùng hàng ngày như áo lễ, áo dòng, dù, sắc… tôi cảm động nhất khi nhìn và đọc lịch sử về cái áo lễ, mẹ của ngài đã dành nhiều thời gian để may cho con trai cái áo lễ vì nhà quá nghèo, ngày lễ mở tay, cha Gioan Maria Vianey đã mặc áo lễ do bàn tay mẹ làm nên vào năm 1810.  Trên gác là kho lúa mì, cha xứ dùng để nuôi các em cô nhi.  Chúa hay làm phép lạ cho kho lúa có đầy để nuôi trẻ mồ côi.

Sau đó, thăm nhà thờ và cử hành Thánh lễ tại chính bàn thờ mà ngày xưa Thánh nhân hằng ngày vẫn dâng lễ, đặt dưới tầng hầm.

Giáo hội Pháp xây dựng nơi hành hương nổi tiếng này với dáng vẻ hiền lành, đơn giản, khiêm tốn, đúng với cuộc đời của vị thánh đã sống ẩn khuất suốt 41 năm trong âm thầm, lặng lẽ hy sinh vì đàn chiên.  Ngay đến Vương cung Thánh đường bằng đá cẩm thạch được dân chúng đóng góp xây dựng sau khi ngài được tuyên Thánh, cũng được xây nối liền sau ngôi nhà thờ năm xưa với gác chuông cũ rêu phong, những khung cửa sổ bạc màu.  Bước vào nhà thờ, tôi nhìn thấy tòa giải tội nơi Thánh Gioan Vianney đã từng ngồi miệt mài mỗi ngày hàng chục tiếng đồng hồ, bất kể mùa hè hay mùa đông.  Tôi ngồi nơi tòa giải tội vài phút và thầm cầu nguyện với cha thánh.  Bên phải Nhà thờ có bàn thờ dâng lễ, phía trên có thi hài cha thánh.  Nhiều người đang quỳ gối cầu nguyện sốt mến.  Thánh lễ được cử hành hầu như liên tục trong ngày.  Hai ngày tĩnh tâm tại đây, tôi chứng kiến nhiều đoàn hành hương đến cầu nguyện và dâng lễ.

Bí quyết nên thánh của Cha sở Vianney là nguồn trợ lực vô biên từ Bí tích Thánh Thể, và con đường mục vụ khởi đầu bằng tòa giải tội.  Ngài không thông hiểu tiếng La tinh, nhưng lại thấu hiểu được tâm hồn con người.  Ngài có những lời khuyên đơn sơ, nhưng lại dễ lay động lòng người.  Ngài khuyên hối nhân bằng lời yêu thương nhẹ nhàng đầy Thần Khí nhưng lại hiệu quả lớn lao cho người ta trút bao gánh nặng tội lỗi, đắng cay khổ đau.  Ngài miệt mài nơi tòa giải tội để đánh thức niềm tin và đưa người ta trở về với Chúa.  Biết bao con người đã tìm lại bình an và niềm vui từ tòa giải tội này.  Biết bao tâm hồn đón nhận ơn Chúa từ bí tích hòa giải.  Ngồi nơi tòa giải tội của cha Vianney mà tâm hồn lâng lâng niềm hạnh phúc trong sứ vụ linh mục.  Qua trung gian Linh mục, hối nhân gặp được trái tim đầy thương xót của Thiên Chúa.  Và đó là hạnh phúc.  Người ta bảo trên đời có ba bóng dáng hạnh phúc tinh ròng: mẹ đem con đi rửa tội về, người lành tạ thế và hối nhân từ toà giải tội bước ra.  Nếu như hạnh phúc của người truyền giáo là có một người được rửa tội thì hạnh phúc của Linh mục giải tội là có một tội nhân được giao hòa với Chúa, được tìm lại ơn thứ tha và nguồn bình an niềm vui tâm hồn.  Hối nhân càng nhiều tội lỗi, càng lâu năm xa cách nguội lạnh mà được ơn trở lại thì Linh mục càng dâng đầy hạnh phúc.  Như thế Cha Vianney là người rất hạnh phúc.  Chúa phán với tiên tri Edêkiel: “Edêkiel, Ta đã đặt ngươi làm kẻ canh thức Israel.  Nếu ngươi không khuyến cáo các người ác bỏ đàng tội, thì nó sẽ phải chết.  Nhưng Ta sẽ hỏi tội ngươi về máu nó đã đổ ra” (Ed 3, 17-18).  Món nợ của Linh mục đối với Chúa là phải làm hết sức mình để cứu đoàn chiên khỏi tội.  Vinh quang của Linh mục là được chia sẻ vinh quang của Đức Mẹ và các thánh là những người đã cộng tác với Đức Kitô trong việc cứu con người khỏi tội lỗi.

Thánh Gioan Maria Vianney đã sống một cuộc đời thánh thiện, toàn tâm toàn lực phụng sự Chúa, phục vụ anh chị em.  Ngài ăn uống kham khổ, sống đơn sơ nhiệm nhặt.  Ngài hy sinh hãm mình hằng ngày để xin Chúa biến đổi lòng của từng anh chị em giáo dân, giúp họ biết sống thân tình với Chúa, biết thờ phượng Chúa trên hết mọi sự.

Để có được năng lực tốt nhất mà phụng sự Chúa, phục vụ anh chị em của mình, thánh nhân hoàn toàn phó thác đời mình trong tay Chúa.  Ngài chìm lắng suốt đời trong cầu nguyện.  Cả một ngày sống của cha sở Vianney là một ngày sống để cầu nguyện.  Thánh nhân bắt đầu ngày cầu nguyện của mình từ nửa đêm về sáng, khi mới một giờ đêm.  Khi mọi người còn đang yên giấc, ngài đã vào nhà thờ, quỳ trước nhà tạm, thầm thỉ với Chúa, chiêm ngắm Chúa.

Cha sở Vianney miệt mài ngồi tòa giải tội.  Ngài hầu như đọc được tất cả những điều sâu kín trong lòng người, khiến người ta tìm lại được niềm tin, sự bình an của tâm hồn.

Linh đạo Linh mục chính là nên thánh trong công việc mục vụ hàng ngày.  Trong ngày Tiếp Kiến chung vào ngày Thứ Tư, 16.5.2013, ĐTC Phanxicô nói: “Giám Mục không phải là Giám Mục cho bản thân ngài, mà là cho dân.  Cũng vậy, Linh Mục không phải là Linh Mục cho bản thân ngài, mà là cho dân: để phục vụ, nuôi dưỡng, chăm sóc dân là đoàn chiên của ngài để bảo vệ họ khỏi chó sói.”

Trong bài giảng Thánh Lễ Làm Phép Dầu vào lúc 9giờ30, ngày Thứ Năm Tuần Thánh, 28.3.2013, tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Roma, ĐTC Phanxicô đã đòi hỏi các Linh mục phải luôn ý thức rõ ràng trách nhiệm chủ chiên của mình là phải mang vào mình mùi của chiên, ngài nói: “Tôi yêu cầu anh em hãy là những mục tử mang nặng mùi con chiên của mình.”

Qua đó, ĐTC muốn căn dặn các Linh mục rằng, cũng như người chăn chiên là phải sống gần gũi, sống lăn lộn với đàn chiên, phải sống chết với đàn chiên để lo lắng chăm sóc, bảo vệ và thăng tiến đàn chiên của mình, đến nỗi mùi của chiên đã ngấm vào không những áo quần mà cả da thịt người ấy nữa, thì người Linh mục, người chăn chiên về đàng thiêng liêng cũng phải vậy.  Linh mục phải biết sống dấn thân trọn vẹn cho cộng đoàn giáo xứ, cho các linh hồn, không những một cách công bằng, vô vị lợi và bất thiên tư, nhưng còn biết xả thân hy sinh cho quyền lợi chính đáng của giáo dân, biết lấy mọi nỗi thống khổ, mọi khó khăn vất vả và mọi gian lao khổ cực của giáo dân làm của riêng mình, và hết lòng tìm cách an ủi, giúp đỡ họ theo khả năng có thể của mình.

Cha sở Vianney “là mục tử mang nặng mùi con chiên của mình”, ngài là bổn mạng các Linh mục.  Hôm nay Giáo hội mừng kính thánh nhân, xin ngài giúp anh em linh mục chúng con luôn biết sống theo gương sáng của ngài.  Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An