ĐIỀU GÌ ĐÃ XẢY RA VỚI MƯỜI HAI VỊ TÔNG ĐỒ?

Philípphê phục vụ các cộng đoàn nói tiếng Hy Lạp.  Giacôbê trở thành giám mục đầu tiên của Giêrusalem . Giuđa Tađêô được tôn kính là “Tông đồ của người Armênia”.

Ở phần cuối của Phúc âm Mátthêu, trước khi mô tả việc Chúa Giêsu lên trời, thánh sử trình bày lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Vậy các người hãy đi làm cho muôn dân nước trở thành môn đệ …” (Mátthêu 28, 19-20).  Như đã thấy trong sách Công vụ và trong nhiều tác phẩm truyền thống khác của Kitô giáo (ngụy thư hay không), khi nhận được lệnh truyền của Chúa là đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng, các tông đồ đã không lãng phí thời gian của mình.  Tất cả các tài liệu các tông đồ ban đầu trình bày họ ngay lập tức đặt tay vào cày, dấn thân vào công việc khó khăn là gieo hạt giống đức tin ở mọi nơi họ đi qua.  Vậy rốt cuộc các ngài đã đi đâu?  Các ngài có thực sự “làm cho muôn dân nước trở thành môn đệ” không?

Phêrô
Theo truyền thống, người ta tin rằng thánh Phêrô lần đầu tiên đến Antiôkia và thành lập một cộng đoàn ở đó.  Ngài đã không ở lại đó lâu lắm, nhưng ngài thường được biết đến với tư cách là giám mục đầu tiên của Antiôkia.  Sau đó, ngài có thể đã đến thăm Côrintô trước khi đến Rôma.  Tại đây, ngài đã giúp thành lập cộng đoàn Kitô giáo và cuối cùng đã tử vì đạo tại Hí trường (Colosseum) Nero vào khoảng năm 64 sau Công nguyên ở Rôma.  Nhà thờ Thánh Phêrô ở Vatican được xây dựng trên phần mộ của Thánh Phêrô.

Anrê
Sau Lễ Ngũ Tuần, nhiều truyền thống cổ xưa cho thấy thánh Anrê, anh trai của thánh Phêrô, là Tông đồ cho người Hy Lạp.  Người ta tin rằng ngài đã rao giảng cho các cộng đoàn Hy Lạp và đã tử vì đạo tại Patras trên một cây thánh giá hình chữ X.  Các thánh tích của ngài cuối cùng được chuyển đến Nhà thờ Duomo ở Amalfi, Ý.

Giacôbê Lớn (Tiền)
Người ta cho rằng thánh Giacôbê là tông đồ đầu tiên tử vì đạo.  Trong Công Vụ Tông Đồ có đoạn viết, “Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh.  Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gio-an.” (Cv 12: 1-2).  Ngài qua đời vào năm 44 sau Công nguyên tại Giêrusalem, nhưng phần mộ của ngài không ở gần vị trí này.  Sau khi qua đời, thi hài của ngài được chuyển đến Tây Ban Nha và hiện đang được đặt tại Santiago de Compostela.  Phần mộ của ngài là điểm đến của các cuộc hành hương diễn ra trong hàng thế kỷ, gọi là El Camino, và vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay.

Gioan
Tác giả của Phúc âm Gioan và Sách Khải huyền, thánh Gioan là tông đồ duy nhất không bị tử vì đạo.  Trong sách Khải Huyền, ngài viết từ đảo Pátmô, Hy Lạp, “Tôi là Gio-an, một người anh em của anh em, tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Đức Giê-su.  Lúc ấy, tôi đang ở đảo gọi là Pátmô, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giê-su.” (Khải Huyền 1: 9).  Ngài qua đời vào khoảng năm 100 sau Công nguyên và được chôn cất gần Êphêsô.

Philípphê
Trong những năm sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, thánh Philípphê phục vụ các cộng đoàn nói tiếng Hy Lạp.  Người ta biết rất ít về những chuyến đi của ngài, ngoại trừ việc ngài đã tử vì đạo vào khoảng năm 80 sau Công Nguyên.  Thánh tích của ngài được đặt tại Vương Cung Thánh Đường Các Thánh Tông Đồ (Santi Apostoli), ở Roma.

Bathôlômêô
Người ta biết rất ít về những nỗ lực truyền giáo của thánh Bathôlômêô.  Nhiều truyền thống khác nhau nói ngài đã rao giảng ở nhiều khu vực khác nhau.  Người ta tin rằng ngài đã tử vì đạo và hài cốt của ngài hiện đang được đặt tại nhà thờ Thánh Bathôlômêô trên hòn đảo duy nhất của dòng sông Tiber, ở Rôma.

Tôma
Tông đồ “đa nghi”, thánh Tôma được biết đến rộng rãi nhờ những nỗ lực truyền giáo ở Ấn Độ.  Có một câu chuyện phổ biến về một trong những chuyến đi của ngài tập trung vào việc trở lại đạo của một vị vua địa phương “đa nghi.”  Thánh Tôma mất khoảng năm 72 sau Công nguyên và phần mộ của ngài được đặt tại Mylapore, Ấn Độ.

Mátthêu (1)
Một trong bốn nhà viết sách Tin Mừng, thánh Mátthêu được biết đến nhiều nhất qua Phúc âm của ngài.  Ngài đã rao giảng cho các cộng đoàn khác nhau ở Địa Trung Hải  trước khi tử đạo ở Êthiopia.  Phần mộ của ngài nằm trong nhà thờ lớn ở Salerno, Ý.

Giacôbê Nhỏ (Hậu) (2)
Các học giả tin rằng thánh Giacôbê Nhỏ là tác giả của “Thư Thánh Giacôbê” được tìm thấy trong Tân Ước.  Sau khi các tông đồ phân tán và rời khỏi Giêrusalem, Thánh Giacôbê vẫn ở lại và trở thành giám mục đầu tiên trong thành phố thánh.  Ngài ở đó trong vài thập kỷ cho đến khi bị chính quyền Do Thái ném đá đến chết vào năm 62.  Một số di tích của ngài có thể được tìm thấy ở Vương Cung Thánh Đường Các Thánh Tông Đồ (Santi Apostoli), ở Roma.  Người ta cũng tin rằng phần mộ của ngài được đặt tại Nhà thờ Thánh Giacôbê ở Giêrusalem.

Giuđa Tađêô
Là sứ đồ “bị lãng quên” do tên của ngài giống với Giuđa Ítcariốt, thánh Giuđa đã rao giảng phúc âm ở nhiều nơi.  Ngài được Giáo Hội Armenia tôn kính là “Tông đồ của người Armenia.”  Ngài chịu tử đạo vào khoảng năm 65 sau Công nguyên tại Beirut, Lybăng.  Hài cốt của ngài hiện đang ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Roma.

Simon Nhiệt thành
Simon thường được miêu tả cùng với Giuđa Tađêô và một số người tin rằng hai người cùng nhau giảng đạo như một cặp.  Điều này một phần là do truyền thống cho biết cả hai ngài đều tử đạo ở Beirut trong cùng một năm.  Một số di tích của thánh Simon Nhiệt thành được cho là nằm trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Roma.

Mátthia
Sau khi được chọn làm “tông đồ thay thế”, một truyền thống nói rằng thánh Mátthia đã thành lập một giáo hội ở Cappadocia và phục vụ cho các Kitô hữu trên bờ biển Caspi.  Người ta tin rằng ngài đã chết một cái chết vì đạo, bị chặt đầu bằng rìu ở Colchis dưới tay nhiều người ngoại giáo ở đó.  Một số di vật của ngài được cho là đã được Thánh Hêlêna mang đến Roma.
________
Chú thích:
 (1) Tại sao Thánh Matthêu có hai tên trong Kinh thánh?

Người thu thuế nổi tiếng trở thành tông đồ có thể đã đổi tên riêng sau khi gặp Chúa Giêsu Kitô.

Việc thay đổi tên có ý nghĩa quan trọng trong Kinh thánh, vì chúng thường báo hiệu một sứ mệnh mới từ Thiên Chúa.  Ví dụ, Ápram trở thành Ápraham và Simon được đổi tên thành Phêrô.

Một nhân vật khác trong Kinh thánh mà nhiều học giả tin rằng đã được đổi tên là tông đồ Mátthêu.  Trong Phúc âm Mátthêu, người thu thuế được Chúa Giêsu Kitô kêu gọi trở thành tông đồ được đặt tên là “Mátthêu” (Mátthêu 9: 9).

Tuy nhiên, trong Phúc âm của Máccô, người thu thuế đó được đặt tên là “Lêvi” (Máccô 2:14).

Một số học giả tin rằng người thu thuế đơn giản có hai tên, một bằng tiếng Hy Lạp (Mátthêu) và một bằng tiếng Do Thái (Lêvi).  Điều này rất có thể xảy ra, vì các học giả chỉ ra Simon (Phêrô) và Saulô (Phaolô) là những ví dụ tương tự không biểu thị sự thay đổi tên, mà là sự tồn tại của hai tên ở hai ngôn ngữ khác nhau.

Đồng thời, các học giả khác tin rằng điều này có thể cho thấy một sự thay đổi tên.  Trong Bách khoa toàn thư Công giáo, có giải thích, “Có thể là Mattija, ‘món quà của Iaveh,’ là cái tên được Chúa Giêsu  đặt cho người thu thuế khi Ngài gọi ông làm Tông đồ, và từ đó ông được biết đến trong các anh em Kitô hữu, Lêvi là tên ban đầu của ông”.

Trong thực tế, cả hai lý thuyết đều có thể xảy ra.  Điều chắc chắn là sau khi bỏ công việc thu thuế, cộng đoàn Kitô giáo sơ khai đã mãi mãi gọi ông là “Mátthêu”.  Dù là trường hợp nào, cả hai tên đều có khả năng truyền cảm hứng cho những suy niệm hình tượng, như có thể thấy trong đoạn văn sau đây từ Truyền thuyết Vàng (Golden Legend), một văn bản phổ biến thời Trung cổ cung cấp những ý nghĩa đầy tính sáng tạo cho tên các vị thánh.

Mátthêu có hai tên, Mátthêu và Levi.  Mátthêu (Matthaeus) được hiểu là món quà hấp dẫn, hoặc là người đưa ra lời khuyên.  Hoặc tên đến từ magnus, vĩ đại và theos, Chúa, do đó có nghĩa là vĩ đại đối với Thiên Chúa, hoặc từ mamis, bàn tay, và theos, do đó có nghĩa là bàn tay của Chúa.  Thánh Mátthêu là một món quà hấp dẫn bởi sự hoán cải nhanh chóng của ông, là người ban phát các lời khuyên răn khi rao giảng, là người tuyệt vời đối với Thiên Chúa nhờ sự hoàn hảo của cuộc sống của mình, và là bàn tay của Thiên Chúa nhờ việc viết phúc âm của mình.  Levi được hiểu là đưa lên, hoặc đính kèm, hoặc thêm vào, hoặc đặt cùng.  Vị thánh được cất lên từ công việc thuế má, gắn bó với tông đồ đoàn, được thêm vào nhóm các nhà truyền giáo, và được xếp vào danh mục các vị tử đạo.

Trước đây ông có thể được gọi là “Levi”, nhưng kể từ khi ông gặp gỡ Chúa Giêsu, thế giới đã biết ông là “Mátthêu”.

(2) Tại sao Thánh Giacôbê được gọi là “nhỏ hơn”?

Có vẻ lạ khi gọi một vị thánh nào đó không phải là thánh lớn.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi ít người biết về tông đồ “Giacôbê nhỏ hơn”, là người được mừng lễ, cùng với Thánh Philípphê, vào ngày 3 tháng 5.  Có nhiều người đàn ông trong Tân Ước có tên là Giacôbê, và có hai vị được xác định ở trong nhóm 12 tông đồ ban đầu.

Có Giacôbê và em trai là Gioan, các con trai của Dêbêđê, đều là tông đồ, và sau đó là Giacôbê nhỏ hơn, thường được coi là “con trai của Alphê” cũng như “anh em của Chúa”.  Danh tính này khiến một số học giả cho rằng Giacôbê là anh em họ gần gũi với Chúa Giêsu, nhưng ngoài mối quan hệ đó, hầu như không có điều gì được đề cập về ông hoặc về quá khứ của ông.

Theo Butler, “tên gọi [‘nhỏ hơn’] được cho là bắt nguồn, hoặc từ việc ông được gọi làm tông đồ muộn hơn so với những người trước, hoặc do tầm vóc thấp bé, hoặc bắt nguồn từ thời trẻ.”

Về cơ bản tên gọi đó được dùng để phân biệt hai tông đồ có cùng tên.  Do sự khác biệt ban đầu này, Thánh Giacôbê  Nhỏ thậm chí còn được xếp vào một vị trí “kém hơn” trong Danh Sách Các Thánh (Roman Canon), xếp thứ tự thấp hơn Thánh Giacôbê Tiền trong danh sách các tông đồ.

Tuy nhiên, vai trò của Giacôbê trong Giáo hội sơ khai còn lâu mới “kém hơn” và các hoạt động của ông khá quan trọng.

Một số học giả tin rằng Thánh Giacôbê  Nhỏ là tác giả của “Thư thánh Giacôbê” được tìm thấy trong Tân Ước.  Đó là một bức thư ngắn tập trung vào sự kiên nhẫn trong lúc đau khổ và được biết đến rộng rãi nhất với những câu nói về đức tin và việc làm, “Nhưng có kẻ sẽ nói: Anh, anh có đức tin; tôi, tôi có việc làm!  Hãy cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi, tôi sẽ lấy việc làm mà cho anh thấy đức tin của tôi.” (Giacôbê 2:18)

Sau khi các tông đồ phân tán và rời khỏi Giêrusalem, Giacôbê vẫn ở lại và trở thành giám mục đầu tiên trong thành phố thánh.  Ông ở đó trong vài thập kỷ cho đến khi bị chính quyền Do Thái ném đá đến chết vào năm 62.  Công việc và máu của ông là tại các cơ sở của Giáo Hội ở Giêrusalem; đó là một trong những Ngai Tòa vĩ đại nhất trong Giáo hội Công giáo trong nhiều thế kỷ sau đó.

Cuối cùng, trong khi Thánh Giacôbê nhận được một danh hiệu nhỏ nhoi sau khi qua đời, điều đó nên nhắc nhở chúng ta rằng danh hiệu thực sự không quan trọng trong cuộc sống này hay đời sau.  Tất cả những gì quan trọng là làm theo ý muốn của Thiên Chúa và bước đi theo bước chân của Ngài.  Giống như Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Giacôbê dạy chúng ta rằng chúng ta nên cố gắng nhỏ đi để Thiên Chúa có thể lớn lên trong cuộc sống của chúng ta.

Tác giả: Philip Kosloski
Nguồn: aleteia.org
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

KHÔNG BAO GIỜ THẤT VỌNG VỀ AI, BỎ MẶC AI

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến Giêrêmia, vị ngôn sứ thời Cựu Ước và Gioan Tẩy Giả, ngôn sứ thời Tân Ước.  Thật tương đồng khi cả hai vị được sai đến với vua dân của mình để nói cho họ điều Thiên Chúa muốn, rằng, như một người cha giàu lòng thương xót, Thiên Chúa không ngoảnh mặt làm ngơ trước sự cố chấp của con người.  Đấng không bao giờ thất vọng về ai, bỏ mặc ai; Người làm hết sức có thể để đưa tội nhân trở về.  Đó cũng là chi tiết chúng ta dừng lại hôm nay.

Thời Giêrêmia, dân chúng tưởng chu toàn lề luật là đủ, họ buông mình làm điều trái mắt Chúa.  Người sai Giêrêmia, “Ngươi hãy thắt lưng, chỗi dậy, nói cho họ biết tất cả những gì Ta truyền cho ngươi.  Đừng run sợ trước họ.”  Giêrêmia nói, rồi đây thành thánh sẽ hoang tàn, dân sẽ lưu đày nếu cứ phản nghịch.  Lời ông bị coi là phạm thượng, dân mưu sát ông đến mấy lần; ông chỉ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.  Dẫu thế, Giêrêmia vẫn mạnh mẽ đến cùng.  Chính Thiên Chúa ban cho ông sức mạnh chỉ vì Người hằng xót thương dân.  Các học giả cho biết, Giêrêmia can trường thi hành sứ vụ những sáu mươi năm; quả Chúa không bỏ mặc dân, Người không hề không thất vọng.

Chẳng khá hơn thời Giêrêmia, xã hội thời Gioan cũng ví tựa vũng bùn khi tôn giáo bị lãng quên, phong hoá ra suy đồi, điển hình như việc Hêrôđê lấy vợ anh mình.  Giữa vũng bùn tanh hôi đó, Gioan xuất hiện như một đoá sen ngát hương, kêu gọi vua tôi trở về, “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”; “Vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình.”   Và hệ luỵ là một cái chết oan khốc của một nhân cách phi thường trong ngày sinh nhật của một ông vua tầm thường; rượu nồng hoà với máu tươi, bánh thơm dọn với thịt người.  Tất cả chỉ để thoả dạ một người tình nham hiểm của một vị vua ngông cuồng.  Một vị thánh đã chết tức tưởi, vô duyên, khởi từ một điệu múa dáng duyên của một cô bé có duyên, con của một bà mẹ sắc duyên.

Thế mà câu chuyện buồn nhất, thê lương nhất ấy lại hé lộ một niềm vui và niềm hy vọng lớn nhất, rằng, Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về ai, bỏ mặc ai; Người làm hết sức có thể để đưa tội nhân trở về.  Thánh Marcô viết, “Hêrôđê biết Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông.  Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.”  Do sự yếu kém luân lý đạo đức, Hêrôđê, người rất muốn gặp Chúa Giêsu, vẫn sống trong tội; thế nhưng, tiếng chuông dóng lên từ Gioan vẫn chạm được lương tâm ông, khiến ông phải phân vân và bối rối; điều đó cho thấy ân sủng của Thiên Chúa đang khuấy động lòng vua; Thánh Thần của Người đang lay chuyển trái tim ông, chỉ cho ông biết tội mình, hầu tìm về con đường sáng.  Gioan biết, điều mình nói sẽ dẫn Gioan đến cái chết nhưng Thiên Chúa đã ban sức mạnh để Gioan chiến thắng; lòng thương xót của Thiên Chúa không cho phép Gioan rút lui cũng chỉ vì Người không bỏ mặc tội nhân nhưng ban ân sủng và Thánh Thần để mỗi người có cơ hội trở về.

Vì thế, đừng ai đánh mất hy vọng về chính mình hay về bất cứ một ai xem ra đang hư mất, đang ngấp nghé cửa hoả ngục hay đang ngụp lặn trong tội.  Nếu là chính mình, với lòng sám hối, hãy trở về; nếu là người khác, chúng ta tiếp tục yêu thương, cầu nguyện, đợi chờ và nói cho tội nhân biết điều Thiên Chúa muốn.  Đó sẽ là một cuộc trở về trọn vẹn Thiên Chúa đang chờ mong, cả triều thần thánh thiên đàng đang chực ùa ra để vỗ tay và reo hò.  Thiên Chúa có thể thay lòng đổi dạ những tội nhân khốn cùng nhất vì Người là Đấng xót thương, không bao giờ thất vọng về ai, bỏ mặc ai.

Anh Chị em,

Thật tiếc cho Hêrôđê, chỉ một chút xíu nữa, một chút thiện chí cuối cùng, để ông không đổ máu đấng thánh vô tội và không đánh mất linh hồn mình.  Và nếu Thiên Chúa đã sai Gioan đến với một vị vua thời Tân Ước thì hơn 1,000 năm trước đó, Thiên Chúa cũng đã sai một người đến với một vị vua khác của thời Cựu Ước nhưng câu chuyện kết thúc đẹp đẽ hơn, có hậu hơn với nhiều tình tiết tuyệt vời để chúng ta biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về ai, bỏ mặc ai.  Đó là câu chuyện Nathan đến với vua Đavít.  Tội của Đavít còn tầy đình hơn, Đavít đã cướp vợ và giết người trước khi Nathan đến; Hêrôđê chỉ mới cướp vợ nhưng chưa giết người trước khi Gioan đến.  Chỉ khác một điều, Đavít có mà Hêrôđê không có, đó là thiện chí cuối cùng; qua Nathan, Đavít kịp nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa, vua đã sám hối ăn năn khóc lóc thảm thiết và lòng thương xót của Thiên Chúa một lần nữa lại dẫy đầy để thứ tha tất cả.  Thiên Chúa không thất vọng về ai, bỏ mặc ai cũng là Đấng trở thành nguồn cảm hứng cho Đavít để thế gian có một kho tàng Thánh Vịnh vô giá của một thánh vương vốn đã từng là một đại tội nhân, đặc biệt với kiệt tác vô thời gian của ngài là Thánh Vịnh 50 mà chúng ta có thể nghêu ngao mỗi khi làm việc đền tội, nếu muốn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Hôm nay ngày thứ bảy, con hướng lòng về Đức Mẹ là “Đức Bà bầu chữa kẻ có tội”, xin Mẹ giúp con; nhờ ơn Chúa, con sẽ biến tội nên hồng phúc; xin đừng để con tội chồng tội, vì Chúa không bao giờ thất vọng về ai, bỏ mặc ai,” Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

THEO THẦY GIÊSU

Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận.  Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được.  Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi.

Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng.  Nó vào được trong vườn nho.  Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại.  Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.

Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì?  Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng.”

Khi bước vào trong trần thế này, con người muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự.  Khi nhắm mắt xuôi tay, cũng đành phải ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi.

Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích lợi gì?”  Xuất thân từ bụi đất, con người rồi cũng trở về với đất bụi.  Chỉ có sự sống vĩnh cửu mới tồn tại muôn đời.

Chúa Giêsu còn dạy rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy.”  Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất.  Không phải cứ thu vào là được, buông ra là mất.  Trái lại, nhiều khi phải chịu mất trước, rồi mới được sau.  Mất nhỏ để được lớn.  Mất ít để được nhiều.  Sống ở đời ai cũng tranh phần được và không muốn mất.  Vấn đề là phải xác định xem đâu là cái được thực sự, lâu bền, trọn vẹn, đâu là cái được quan trọng nhất, cần thiết nhất.  Kitô hữu là người say mê cái được vĩnh cửu, vì thế họ chấp nhận những mất mát tạm thời.  Họ tin rằng cuối cùng chẳng có gì mất cả.  Mọi sự, nếu họ mất vì Thầy Giêsu, thì họ sẽ được lại.  Mất tạm thời để giữ được mãi mãi.  Từ bỏ chính mình là để tìm lại cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn.

Chúa Giêsu cũng quả quyết: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mà theo.”  Muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, phải “đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”  Theo Thầy không phải để vinh thân phì gia.  Theo Thầy để tìm một lẽ sống cho cuộc đời, vì Thầy là con đường dẫn về nguồn sống là Chúa Cha.  Thầy là sự thật giải thoát muôn dân.  Muốn theo Thầy, không những phải “từ bỏ chính mình”, tức là “tư tưởng của loài người”, mà còn phải mang thân phận như Thầy với thập giá riêng trên vai.  Thực tế, theo hay không theo Thầy, con người vẫn không thoát khỏi khổ giá.  Nhưng nếu theo Thầy, môn đệ sẽ tìm được hướng giải thoát.  Muốn theo Thầy “anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1).

Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường từ bỏ

Từ bỏ là một quy luật.

– Quy luật của sinh tồn: có nhiều thứ nếu ta không chịu bỏ, thì ta sẽ chết.  Chẳng hạn ta có một khúc chân đang bị hoại tử.  Nếu không cắt bỏ nó đi thì chứng hoại tử sẽ lan dần đến toàn cơ thể làm ta phải chết.

– Quy luật của phát triển: cơ thể ta hằng ngày hằng giờ hằng phút đều bỏ đi những chất thải, bỏ đi một số tế bào già nua để thu nhận vào những chất dinh dưỡng, để sinh những tế bào mới.  Nhờ đó, cơ thể lớn dần lên.  Trong quá trình phát triển, con người phải đi qua từng giai đoạn, bỏ đi đứa bé sơ sinh, đứa trẻ con ấu trĩ… có thế mới phát triển dần thành người lớn.

– Quy luật của cải thiện: cải thiện là bỏ đi những cái chưa tốt để lấy vào những cái tốt hơn.

– Quy luật của tiếp nhận: có bỏ thì mới có nhận.  Thí dụ ta có một cái chai đang đựng nước.  Muốn có một lít rượu thì trước hết phải đổ bỏ một lít nước kia ra khỏi cái chai.

Chẳng những phải bỏ bớt, bỏ cái này, bỏ cái kia… mà có khi phải bỏ hoàn toàn, bỏ tất cả nữa.  Chẳng hạn chiếc xe gắn máy của tôi đã hư quá nặng, nếu tiếp tục sử dụng thì có ngày sẽ gây tai nạn, có sửa bộ phận này, bộ phận khác cũng không bảo đảm an toàn.  Vì thế tôi phải bỏ hẳn để mua một chiếc xe khác. (sợi chỉ đỏ).

Làm môn đệ Thầy Giêsu là làm một người khác hẳn, cho nên không lạ gì khi Người bảo chúng ta phải “từ bỏ mình.”  Cái phần “mình” được bỏ đi bao nhiêu thì cái phần “Chúa” được gia tăng bấy nhiêu.  “Từ bỏ mình” hoàn toàn thì sẽ trở thành “Kitô khác” hoàn toàn.

Như thế, từ bỏ nhưng không mất, mà lại được; không thiệt thòi mà lại có lợi hơn.

Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường sự sống

 Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường thánh giá dẫn đến phục sinh.  Con đường từ bỏ là con đường dẫn đến vinh quang.  Phải qua sự chết, mới đến sự sống.  Phải qua tủi nhục, mới đến vinh quang.  Phải qua gian khổ, mới đến hạnh phúc.  Khi mời gọi “Hãy theo Thầy”, Chúa muốn chúng ta triển nở đến viên mãn.

Theo Thầy Giêsu, các môn đệ bị người đời chê là khờ dại vì sống từ bỏ và vác thập giá hàng ngày.  Thế nhưng họ vui mừng sống một nghịch lý căn bản “mất mạng sống mình vì Thầy.”  Con người ta cứ tưởng rằng, chiếm hữu càng nhiều thì càng làm cho mình giàu có thêm.  Thực ra, chẳng có gì quí hơn mạng sống.  Nhiều người đánh đổi mạng sống để có của cải vật chất.  Thực tế chưa ai giàu có đến nỗi làm chủ được cả trần gian.  Nhưng “nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?  Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26).  Chỉ một cách duy nhất có thể tìm lại được mình là “mất mạng sống mình vì Thầy” (Mt 16,25).  Như thế, phải chăng Thầy có sức thu hút khiến người ta không thể cưỡng lại được?  Giống như ngôn sứ Giêrêmia, họ phải thốt lên: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ.  Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng” (Gr 20,7).  Thầy có sức quyến rũ mãnh liệt, vì đã vận dụng được nghịch lý của cây thập giá để “ngày thứ ba sẽ chỗi dậy” (Mt 16,21) từ cõi chết.  Cả thế giới cũng không đem lại sự sống.  Chỉ một mình Thầy mới có thể làm cho người môn đệ “tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25), vì Thầy là “sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25).  Bởi thế, Thầy có sức quyến rũ hơn cả vũ trụ vì Thầy là “con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Lời Chúa hôm nay gởi đến cho chúng ta sứ điệp: từ bỏ không phải để mất, mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội.  Mất hiện tại, để được tương lai.  Mất đời này, để được đời sau.  Mất phàm tục, để được thần thiêng.  Mất tạm bợ, để được vĩnh cửu.

Thánh Phanxicô Assisi đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh.  Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.  Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ.  Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”

Các vị tử đạo là những người say mê sự sống, đến nỗi dám chấp nhận cái chết.  Các ngài coi trọng sự sống vĩnh cửu của mình hơn cả thế giới phú quý vinh hoa.

******************************************

“Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã chịu chết và sống lại, xin dạy chúng con biết chiến đấu trong cuộc chiến mỗi ngày để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì nhận lấy những thất bại trong cuộc đời cũng như mọi đau khổ của thập giá, xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách chúng con phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng, chúng con không thể nên hoàn thiện nếu như không biết từ bỏ chính mình và những ước muốn ích kỷ.

Ước chi từ nay, không gì có thể làm cho chúng con khổ đau và khóc lóc chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa Phục Sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha, là hy vọng hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn; xin lấy niềm vui của Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ và trở thành mối dây yêu thương, bình an và hiệp nhất giữa chúng con.  Amen.” (Mẹ Têrêxa Calcutta).

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

ĐAM MÊ CỦA THÁNH AUGUSTINO

O. Wide đã khẳng định: “Mỗi vị Thánh có một quá khứ, mỗi tội nhân có một tương lai. Câu nói này được áp dụng triệt để cho cuộc đời của Thánh Augustino, một con người sống với nhiều nỗi đam mê. Có những đam mê đã kéo theo một đời sống lệch lạc và truỵ lạc, cũng có những đam mê giúp ngài sống thật và sống thánh.  Tất cả được bộc bạch trong cuốn Tự Thuật, một trước tác của ngài.

Lược qua tác phẩm, chúng ta ghi nhận hai điểm nổi bật nơi đam mê của thánh nhân: danh vọng và sắc dục.  Thông thường, chỉ có những đau khổ hay mất mát lớn lao cách nào đó mới khiến con người giảm trừ hay chấm dứt đam mê quá đà hoặc bất chính; thánh nhân cũng không phải trường hợp ngoại lệ.  Nhưng với ơn Chúa, ngài đã “lột xác” trải qua một cuộc biến đổi ngoạn mục mà đó cũng là một phần thao thức ngài muốn trình bày trong tác phẩm Tự thú này.

Trước tiên, chúng ta bàn đến đam mê danh vọng nơi ngài.  Đam mê này được chính thánh Augustino nhìn nhận, thích trổi vượt hơn người khác, vì vậy vinh dự của ngài là làm đẹp lòng người khác[i] .  Thật ra, nếu ngài có trí khôn và tài giỏi thì việc trổi vượt hơn người hay được người khác khen ngợi, đó là điều chính đáng.  Nhưng ngài đã lừa dối giáo sư, giấu giếm cha mẹ vì ham chơi, say mê những vở kịch nhảm nhí, điên cuồng; bắt chước các trình diễn đó rồi sinh ra kiêu hãnh, tìm tiếng khen…  Chúng ta nghe chính ngài tự thú: “Về các loại cám dỗ khác, còn có một cách nào đó dò xét được mình, còn về loại này (đam mê danh vọng), thì hầu như không có cách nào cả”[ii].  Nói như thế, ngài tỏ ra bất lực nhưng kỳ thực với ơn Chúa, ngài nỗ lực rất nhiều.  Ngài ý thức đam mê này quá quy về bản thân nên ngài hướng ra tha nhân, ngài viết: “Con thấy rõ là các tiếng khen của người ta đã làm cho con chăm chú đến lợi ích của con”[iii] .  Điều này được chứng thực qua việc ngài dùng tài hùng biện để thuyết phục người khác tìm đến chân lý.

Quả thật, với vinh dự sinh viên thủ khoa môn này, ngài nhanh chóng trở thành nhà hùng biện.  Đam mê này đã khiến ngài tìm đến Cicéron là tác giả cuốn Hortensius.  Chính tác phẩm này làm thay đổi nguyện vọng và ước muốn của thánh nhân, muốn quay về sự khôn ngoan bất tử.  Bắt đầu ngài tìm đọc Kinh Thánh nhưng cảm giác vô vị.  Có thể nói, đây chỉ là một cảm xúc nhất thời vụt tắt.  Nhưng dù sao, ngài cũng biểu hiện một cảm thức đam mê đi tìm Chân, Thiện, Mỹ.

Đam mê chân lý là một điều đáng ước ao nhưng chân lý là một thực tại không dễ thủ đắc vì lý trí đã ra tối tăm vì “vết thương tội lỗi.”  Một khi lý trí sai lầm, chân lý ấy biến thành một loại nguỵ biện.  Do đam mê hiếu tri đi tìm chân lý, thánh Augustino vương phải bè rối mà ngài ví như người có cặp mắt mù tối vướng phải cạm bẫy giăng trên đường.  Bè rối ấy âm mưu đẩy khoa học lên đến đỉnh điểm để loại tôn giáo khỏi đời sống con người.  Sự thể càng thêm trầm trọng khi một Giám Mục tên là Faustus cũng theo bè rối này.  Với tài hùng biện và lối nói dí dỏm đã làm say mê thánh nhân khiến ngài càng xác tín về những “chân lý” sai lầm; dầu là những gì thánh nhân tiếp xúc chỉ là nguỵ biện.  Nhưng điều tệ hại là một khi nhổ hết cỏ mọc hoang, mảnh đất tâm hồn trở nên trống rỗng vì không có một giáo lý lành mạnh khác trồng vào cho đến khi ngài gặp được Giám mục Ambrôsiô, từ những bài giảng hùng hồn và không kém phần hùng biện của Đức Cha này, ngài đã nhận ra được chân lý mình phải tin nhận.

Nhưng cuộc trở về của ngài không phải một sớm một chiều.  Chúng ta nghe ngài tâm sự: “Sự xấu kinh niên có sức mạnh trên con hơn là sự lành mới mẻ đối với con.  Cái giây phút mà con sẽ được thay đổi càng gần tới, thì làm cho con càng sợ hãi; nó không làm cho con lùi bước, cũng chẳng đổi chiều, nhưng là lưỡng lự.  Đây là một cuộc chiến giằng co nội tâm nhưng “giờ Chúa đã đến.”  Ngài tỏ ý muốn bằng chính dấu chỉ bên ngoài.  Ngài viết: “Việc dạy học quá vất vả đã làm cho phổi con yếu đi, con khó thở và sự đau ngực chứng tỏ có vết thương” [iv].  Nỗi đau này đồng nghĩa với việc từ bỏ nỗi đam mê hùng biện là mối cản trở lớn khiến ngài không thể hợp nhất với Giáo Hội.  Thêm một dấu lạ khác nữa, “Chúa hành hạ con với cái bệnh đau răng nguy kịch đến nỗi làm cho con không nói được nữa.  Trong lòng con nảy ra ý nghĩ là kêu gọi các bạn có mặt tại nhà, cầu xin Chúa cho con…  Nhưng chúng con vừa quỳ gối để khẩn khoản cầu xin thì cơn đau biến mất… Và tự đáy lòng, con cảm thấy một sự khuyến cáo của Chúa và vui vẻ trong đức tin”[v].

Từ những lời tự thuật trên, chúng ta có thể xác tín rằng đức tin là hồng ân Chúa ban và “giờ Chúa đến” thì không ai có thể ngăn cản được!  Vì ý muốn của Chúa là ý muốn quyền năng, nghĩa là muốn gì thì được vậy!

Hành trình đi đến đức tin của thánh nhân còn nếm trải một nỗi đam mê chết người là đam mê sắc dục.  Có thể nói, nó chi phối toàn bộ cuộc sống của ngài.  Augustino đã tự thú: “Con không biết phân biệt sự sáng sủa của tình yêu và sự tối tăm của nhục dục.  Cả hai tình yêu đều bốc cháy lẫn lộn trong con, lôi kéo tuổi xuân khờ dại của con qua những ghềnh dốc đam mê và dìm con xuống vực thẳm các nết xấu…  Sự dâm đãng đã làm con dao động và xiêu té, phung phí và tiêu tan sức lực” [vi].  Ngài và các bạn của ngài ganh đua nhau không phải tập tành nhân đức hay nghiên cứu tri thức mà lại so kè xem ai làm chuyện xấu xa đồi bại hơn.  Có lúc, vì muốn hơn chúng bạn, ngài phải nói dối, ngài tâm sự: “Con sợ bị khinh thị vì vô tội, bị coi hèn hạ hơn vì trong sạch”[vii].

Ngài mô tả đam mê nhục dục: “Chúng xuất hiện lờ mờ trước mặt khi con tỉnh thức, nhưng trong giấc ngủ, chúng gợi lên không những cảm giác thú vui, mà còn sự ưng thuận và như có cả hành động nữa”[viii].  Ở đây, có sự can dự của tiềm thức; những hình ảnh đập vào mắt, chúng ám ảnh toàn diện con người nên dịp tội và ưng thuận là khoảng cách mong manh.  Đến nỗi, khi nghĩ về những điều này, ngài thốt lên: “Trước thánh nhan Chúa, con là một bí mật cho con và đó chính là sự yếu đuối của con” [ix].  Quả thật, đam mê nào cũng đi kèm với khoái lạc, mà đam mê nhục dục chi phối toàn bộ sinh hoạt con người nên khi muốn từ bỏ ngay đối tượng đam mê, khoái lạc lại khuấy động, cảm xúc trào dâng, giác quan dễ tìm lại cảm giác cũ.  Với những nguy hiểm rình chờ, ngài chỉ còn cách kêu cầu Chúa: “Con đã nói cho Chúa nhân lành biết hiện trạng yếu đuối của con: con vui mừng mà run sợ về những ơn Chúa đã ban, con khóc lóc về những  thiếu sót trong con, con hy vọng Chúa sẽ hoàn tất nơi con lòng thương xót của Chúa, cho tới sự bình an trọn vẹn, mà mọi quan năng bề trong bề ngoài của con được hưởng nơi Chúa”[x].

Chúng ta vừa lược qua những đam mê của thánh Augustino, xem ra rất con người xác thịt nhưng nhờ ơn Chúa, ngài đã chuyển hướng biến nó thành phương tiện mang ơn cứu độ.  Chắc hẳn, đây sẽ là sứ điệp về niềm hy vọng cho mỗi chúng ta, rằng: chúng ta vẫn sống hoài nỗi đam mê mà không làm nguôi ngoai khát vọng nên thánh.  Một hành trình đến đức tin, một hành trình dài nên thánh đòi buộc ngài phải xét mình luôn, ngài tâm sự: “Con thường xuyên kiểm điểm về cái yếu đuối tội lỗi của con dưới những hình thức đam mê”[xi].  Và xác tín như thánh Phao lô: chính lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh.

Phải chăng chính khi ngài trải qua những đêm tối lầm lạc, đam mê nhiều phen mà Giáo hội đã có một hướng nhìn đúng đắn và cởi mở từ học thuyết đam mê của ngài?

EYMARD An Mai Đỗ O. Cist.

[i] X. Thánh Augustino, Tự Thuật, QI, XIX, 30.

[ii] Sđd, QX, XXXVII, 60.

[iii] Sđd, Q X, XXXVII, 62.

[iv] Sđd, Q IX, II, 4.

[v] Sđd, Q IX, IV, 12.

[vi] Sđd, Q II,II.

[vii] Sđd, Q II, III,7.

[viii] Sđd, Q X, XXX, 4.

[ix] Sđd, Q X, XXXIV, 50.

[x] Sđd, Q X, XXX, 42.

[xi] Sđd, Q X, XLI, 66.

THÁNH BARTHÔLÔMÊÔ TÔNG ĐỒ

Thuộc dòng dõi vua Tolmai (2 Sam 3:3).  Vua Geshu con của Maacah, mẹ của Absalong sanh ra vua David.  Đàng khác Bartholomew họ hàng với Ptolemy vua nước Ai Cập.  Ông có bộ tóc đen quăn dài phủ tai, da trắng, mắt to, mũi thẳng, râu rậm chen lẫn những chùm râu trắng, người cao trung bình.  Ảnh hưởng bởi dòng dõi quý tộc và phong cách con nhà quyền quý ông thích mặc áo chùng màu trắng kèm theo những giải màu tím.  Áo choàng ngoài cũng màu trắng thêu màu tím bốn góc.  Là một người thông thái, thông thạo nhiều ngôn ngữ, tính tình nhân hậu, vui vẻ và chuyên cần cầu nguyện ngày đêm.  Tuy dòng dõi hoàng gia nhưng ông hội nhập vui sống với những ngư phủ, thứ dân, ngôn từ bình dị, không hề than thở hay tỏ ra cao ngạo.

Phúc âm Matthew, Marcô và Luca luôn nhắc đến Philip và Barthôlômêo.  Phúc âm Gioan nhắc Philip giới thiệu Nathanael cho Chúa Yêsu nên có nhiều học giả cho là Barthôlômêo và Nathanael là một.

Barthôlômêo giảng đạo tại Ấn Độ với tông đồ Phillip và miền Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kì).  Hành trang giảng đạo vỏn vẹn có cuốn sách Phúc Âm thánh Mathêu viết bằng tiếng Hy Bá.  Vợ quan toàn quyền Astyages được ơn lạ.  Thánh nhân cứu sống qua cơn bệnh ngặt nghèo.  Bà tin theo đạo và trở thành người giúp việc tận tình cho việc truyền giáo.  Số người trở lại tin theo lên đến nhiều ngàn.  Làn sóng người tin đạo gây một phản ứng ngược mạnh mẽ trong giới lãnh đạo.  Trước áp lực của các quan cận thần và sợ tiếng quở trách của hoàng đế Rôma.  Toàn quyền Astyages ra lệnh ngăn cấm dân chúng không được theo đạo.  Lệnh cấm không làm giảm niềm tin; trái lại số người tin theo tăng ngày một nhiều.  Giải pháp duy nhất Astyages thực hiện là bắt các tông đồ tống ngục.  Việc làm gây tiếng vang giữa các tín hữu.  Người tin theo càng can đảm hơn.  Họ lầm lí luận xử tử các ngài đạo sẽ tan.  Họ không biết các ngài chỉ là công cụ của Thiên Chúa.  Ngoài xã hội, giết kẻ lãnh đạo đoàn thể đó tan. Lãnh đạo trong Giáo Hội là Chúa.  Đức Kitô đi rao giảng bây giờ trở thành kẻ được rao giảng.

Bị bắt chung với Philip, quan tòa ra lệnh tha Bartholomew, còn Philip thì bị án tử.  Lính được lệnh treo ngài vào thập tự không phải đóng bằng đinh nhưng dùng giáo đâm lủng hai đùi, xỏ giây qua treo ngược trên thập tự.  Bartholomew được tự do có lẽ do sự can thiệp của vợ quan toàn quyền, cũng có thể do chính vị chánh án xử cũng tin theo Chúa và nhận được ơn nên ông ra lệnh tha Bartholomew.

Chứng kiến cảnh Philip tử đạo, Bartholomew sang Armenia (quê hương mẹ Têrêsa).  Ngày nay phần đất này nằm giữa biên cương Irăn và Sô Viết.  Bartholomew là thánh bổn mạng của quốc gia này. Thực ra Bartholomew không phải là nhà truyền giáo đầu tiên trên phần đất này.  Trước đó vào các năm 43-66, thánh Tông Đồ Thađêô đến Armenia giảng đạo.  Barthôlômêô có mặt vào khỏang năm 66-68.  Như thế hạt giống Tin Mừng đức tin được thánh tông đồ Thađêô gieo rắc một thời gian dài là 23 năm trước đó.  Hai năm 66-68, Bartholomew là người tưới cho hạt giống đức tin nảy mầm và mọc xanh tốt.

Bartholomew không trú ngụ hẳn tại Liên Sô hay Armenia nhưng thường xuyên đi lại giữa hai nước.  Tại Armenia, Bartholomew đặt tay cầu nguyện cứu sống con gái vua.  Việc tốt lành này làm nổi giận các đạo sĩ hầu cận nhà vua vì họ mất sủng ái.  Gia đình tiểu vương tin theo Chúa nhưng các đạo sĩ trong cung điện mua chuộc anh vua.  Nhóm này âm thầm ngầm bắt Bartholomew lột da sống rồi đóng đinh ngược tại Bashlake năm 68.  Nay là thành phố Derbend.  Đây là một hải cảng dân chúng sống nghề buôn bán ngựa cho chiến tranh.

Trong quá khứ các nhà địa lý dường như không phân biệt rõ ràng, mạch lạc như chúng ta hiểu ngày nay.  Trong thời buổi hỗn mang đó, nhiều vua lắm chúa, bá tước và đại điền chủ đều xưng vương xưng bá, quyền hành như vua con một cõi nên việc phân biệt địa danh quả là có nhiều vấn đề.  Thời đó Ấn Độ được hiểu là một trong các miền ở các vùng Ả Rập, Ethiôpia, Libya, Parthia, Persia, Medes và một phần Ấn Độ ngày nay.

Bước chân truyền giáo của các tông đồ rất khó xác định vì các ngài ra đi tự do, không người chỉ định. Sau ngày lễ Ngũ Tuần các ngài hăng hái ra đi về một phương trời vô định.  Đến nơi này thấy có người đang truyền giáo các ngài bỏ đi nơi khác, thực hành câu sai đi rao giảng Tin Mừng đến khắp cùng bờ cõi.  Vì quan niệm tứ hải đều là nhà nên nơi nào chấp nhận hạt giống đức tin; nơi đó các ngài cư ngụ.  Nơi nào xua đuổi các ngài âm thầm ra đi.  Sau này tin tức truyền giáo viết phỏng theo lời tường thuật của dân địa phương, truyền khẩu, nhớ đến đâu kể đến đó.  Các sử gia cố gắng kiểm chứng, dò theo từng vết chân, bút tích, nhân chứng.  Căn cứ vào thánh đường, thánh tích, lời truyền nếu các chi tiết đó ăn khớp với nhau coi như tin đó chính xác, đáng tin.

Dẫu thế mức độ chính xác cũng chỉ tương đối.  Thứ nhất là chiến tranh, thứ hai là các tôn giáo bạn, nhóm nào cũng nhận đóng góp ít nhiều trong việc giúp các tông đồ.  Chính vì thế mà khi đọc về lịch sử truyền giáo, các sử gia thường phải đối chiếu nhiều tài liệu khác nhau: lịch sử dân tộc, lịch sử công giáo, chính thống, địa phương sử và chiến sử rồi so sánh, gạn lọc truyền thống có nhiều bằng chứng nhất giữ lại.  Truyền thống thần bí chờ nghiên cứu thêm.

Vấn đề ngôn ngữ là yếu tố khác.  Có bản viết bằng tiếng La Tinh, bản khác tiếng Hy lạp cổ, tiếng thổ dân nên cần rất nhiều công tra cứu để đọc và hiểu rõ tác giả muốn viết gì.  Da thuộc hiếm và đắt nên đắn đo từng chữ trước khi viết.

Ngày nay xác thánh Bartholomew được cất giữ ở nhiều nơi khác nhau.  Năm 508 vua Anastasius giữ xác thánh tại Duras, Mesopotamia.  Thế kỉ thứ 6 thánh Gregory de Tours chuyển xác về Sicily.  Năm 809 xác được chuyển sang Benevento.  Năm 983, vua Otto đệ tam chuyển sang Roma.

Hiện nay một phần thánh tích chôn cất dưới thánh đường Bartholomew.  Một xương cánh tay chuyển về Benevento và giám mục Edward tặng thánh đường Canterbury.

Tóm lược trong tài liệu:

1. The Search for the Twelve Apostles của W. McBirnie
2. The Twelve Apostles của R. Brownrigg

Lm Vũ đình Tường, Vietcatholic News

ĐI SAU CHÚA

Đang khi dân chúng còn mù mờ về vai trò và con người của Đức Giêsu thì Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”  Phêrô được khen là có phúc vì nhận được mạc khải từ trên cao.  Thế nhưng chỉ một khoảnh khắc sau, chính Phêrô lại bị Thầy mình trách là “Satan” vì lòng dạ tăm tối, chỉ “hiểu biết những sự thuộc về loài người” và đang “làm cớ cho Thầy vấp phạm.”

Phêrô tuy nhận chân Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng trong cái nhìn của ông, Đấng Cứu Thế sẽ là người hùng mạnh, đánh đông dẹp bắc, chinh phục vua Chúa, thâu tóm quyền hành, và rồi đăng quang thống trị thế giới.

Đức Giêsu hiểu rõ quan niệm trần gian của các tông đồ về Đấng Cứu Thế, nên ngay sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, Ngài cấm các ông nói cho người khác những gì họ mới biết.  Ngài muốn giúp các ông thay đổi quan niệm về Đức Kitô.  Đức Kitô đúng nghĩa sẽ là đấng phải đau khổ, bị từ khước, chịu giết chết trước khi đi đến toàn thắng.  Sức mạnh của Đức Kitô không ở trong binh khí hay chiến mã như bao vua chúa trần gian, song là nơi thập giá khổ đau.  Chiến lược của Đức Kitô là đi xuống chỗ tận cùng trong lũng sâu nước mắt của nhân loại để nâng tất cả lên trong vinh quang của Thiên Chúa.

Nhưng nào các tông đồ có hiểu được điều đó!  Và đâu phải chỉ có các ông.  Chính tôi lắm khi cũng không hiểu nổi đấy chứ.  Tôi cứ nghĩ Chúa là Đấng quyền năng đầy sức mạnh, phải cứu con người khỏi bao gian nan, khốn khổ, trái ý trên đường đời; phải ra tay làm nhiều phép lạ cho người ta tin; chứ đàng này Chúa lại im như bất lực, thậm chí còn để cho dân Chúa, Giáo hội Ngài chịu biết bao thách đố đau thương.

Cũng như Phêrô, tôi muốn chỉ cho Chúa phương cách cứu thế, chứ làm theo kiểu của Chúa thì e rằng chẳng còn ai tin và Ngài sẽ thất bại ê chề.

Cũng như Phêrô, tôi muốn chận Chúa lại, không cho Ngài tiếp tục cuộc hành trình kỳ quặc về Giêrusalem.  Tôi muốn “dạy” cho Ngài lối đường nên đi.  Tôi muốn Ngài rút bớt điều kiện cho mọi người cảm thấy nhẹ nhàng; cung cấp bánh ăn, của cải vật chất dư đầy cho người ta theo đông; làm nhiều phép lạ, ảo thuật giựt gân cho dân chúng thích thú.

Nhưng Chúa Giêsu quát lên: ‘Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Ta.”

Có hai lần trong đời mình, Chúa Giêsu đã dùng đến chữ “Satan.”  Một lần với tên Cám dỗ và lần này với Phêrô.  Satan đối nghịch với Thiên Chúa.  Satan làm đảo lộn trật tự thế giới.  Satan phá hoại chương trình của Thượng Đế nơi con người.  Thế nên lời quở mắng “Satan” là lời khiển trách nặng nề nhất.

Nhưng để ý sẽ thấy: trong lần quở mắng tên Cám dỗ, Chúa Giêsu bảo nó “hãy cút đi”, Ngài không còn muốn thấy mặt nó nữa; nhưng khi khiển trách Phêrô, Chúa Giêsu lại nói “hãy lui ra sau Ta.”  Như thế Ngài vẫn cho người môn đệ cơ hội hoán đổi hướng nhìn và cách đi.  Thay vì đi trước và chỉ lối cho Chúa, tôi phải hướng theo và tiếp bước sau Ngài.

Satan không thể bước theo Chúa vì bản chất kiêu ngạo của nó.  Nhưng riêng tôi, dù bao vấp phạm lầm lỡ, dù lắm khi sống theo ý mình, hay từng chạy theo tiếng gọi của quỷ ma, tôi vẫn được ban cho cơ hội làm lại hành trình của người môn đệ Đức Kitô, dẫu biết rằng không môn đệ chân chính nào của Ngài lại không phải mang thập giá: “Ai muốn đi sau Ta thì hãy chối bỏ mình, hãy vác lấy khổ giá mình và theo Ta” (Mt 16:24).

Thánh Phêrô, sau lời khiển trách của Thầy, đã về lại với chỗ đứng đúng nhất của mình: ông không đòi Chúa theo ý mình, song là vâng theo ý Chúa; ông không dẫn đường cho Chúa nhưng là bước theo dấu chân Ngài.  Cao điểm của sự “đi theo” này là việc Phêrô chịu đóng đinh thập giá vì Đức Kitô vào năm 69 AD.

Như thế, vị Giáo hoàng tiên khởi, với biết bao yếu đuối sa ngã, cuối cùng đã lấy cái chết của mình để xác minh chân lý thập giá.  Từ chỗ muốn dạy cho Thầy mình về sự khôn ngoan của thế gian đến việc khám phá và ôm ấp giá trị sâu xa sự điên rồ của Thiên Chúa.  Từ chỗ phủ nhận và ngăn chận Thầy mình bước đi trên con đường khổ đau, đến việc chính mình anh dũng tiến vào.  Nhưng nhờ đâu mà Phêrô có được thái độ và hành vi hào hùng đó?  Phải chăng chính nhờ niềm xác tín vào Đức Giêsu, Đấng ông đã tuyên xưng.  Nếu không có xác tín, hẳn ông đã chẳng dám theo.

Niềm tin mãnh liệt vào Đức Giêsu thúc đẩy người ta vâng theo lời Ngài.  Khi Chúa bảo “Hãy lui ra sau Ta”, Phêrô vâng lời lui ra chứ không giận dỗi bỏ đi.  Khi bị mắng là “Satan”, Phêrô vẫn khiêm tốn nhìn nhận tầm nhìn nông cạn của mình chứ không tự ái phản đối.

Thử hỏi tôi có được niềm xác tín làm phát sinh thái độ khiêm tốn và nghe lời Chúa như thế không, hay tôi vẫn khăng khăng chối từ lối đường thập giá?

Một nhà tư tưởng quả quyết: “Luật của thập giá là luật phổ quát.  Làm người, không ai thoát khỏi thập giá.”  Như thế chối từ thập giá là chối từ làm người đúng nghĩa.

Nhưng phải vác thập giá theo Đức Giêsu – tức là sống theo những giá trị Tin Mừng như vị tha, thanh khiết, chân thật, từ tâm, phục vụ, quên mình…- tôi mới là con người trọn vẹn, một con người phản chiếu dung mạo Thiên Chúa.

LM Phêrô Bùi Quang Tuấn

SỨC MẠNH CỦA SỰ THINH LẶNG

Sự thinh lặng là một trong những trạng thái mà không ít người sợ hãi khi phải đối diện.  Nhưng, sự thinh lặng là khoảnh khắc vô cùng quan trọng để ta lắng nghe khao khát chân thực nơi cõi lòng mình.  Cách riêng trong đời sống đức tin, thinh lặng là giây phút để ta tìm đến Chúa giữa những bộn bề cuộc sống.

Thinh lặng là bí quyết của sự suy ngắm và chiêm ngưỡng.  Nhất là trong thời buổi công nghệ và truyền thông hiện đại thống trị, thinh lặng càng trở nên khó khăn hơn.  Vì thế, thinh lặng là khoảng thời gian rất quý báu.

Đối với người Kitô hữu, một trong những việc quan trọng đó là lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.  Để lắng nghe tiếng Chúa ta cần có một khoảng không gian và thời gian thinh lặng cho sự gặp gỡ với Ngài.  Chỉ có kinh nghiệm về sự thinh lặng và cầu nguyện mới tạo ra môi trường thích hợp cho Lời Chúa được lắng  đọng và thấm nhập vào tâm hồn ta.

Nhìn lại hành trình của Chúa Giêsu, ta có thể nói đó là một cuộc đời thinh lặng.  Ngài đến trần gian trong thinh lặng của một trẻ thơ đơn sơ nghèo hèn.  Ngài sống ẩn dật trong thân phận một người thợ mộc vô danh.  Ngài thinh lặng 30 năm trong thân phận một người con trong gia đình nhỏ bé Nagiarét.  Ngài đã thinh lặng bước trọn con đường Thập giá giữa những lời sỉ nhục, kết án, giữa những đòn roi, lưỡi đòng…

Và Đức Maria cũng thế, Mẹ đã bắt đầu hành trình thinh lặng từ lời thưa xin vâng.  Mọi biến cố xảy ra với Đức Giêsu đã được Mẹ cất giữ và suy niệm trong lòng.  Mẹ đang thinh lặng đồng hành cùng Chúa trên bước đường truyền giáo và chính Mẹ cũng đã thinh lặng cho đến giây phút chứng kiến con của mình bị treo trên thập giá cho đến chết.

Thật thế, sự thinh lặng nơi Chúa Giêsu hay Đức Maria chính là khoảng thời gian cho Lời Chúa được lắng nghe.  Đó là thời khắc để Lời Chúa hướng dẫn và biến đổi.  Và đó cũng là lúc các Ngài nhận lãnh nguồn ơn thiêng trước những biến cố lớn lao.

“Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!”  Nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn” (Lc 11:27-28).  Thật vậy, phúc cho Mẹ không chỉ là cưu mang và cho Chúa Giêsu bú mớm, nhưng hơn thế nữa, Mẹ đã để cho Lời Chúa thấm nhuần trên hành trình dương thế của mình; trong thinh lặng Mẹ đã nghiền ngẫm và để Lời Chúa trở nên kim chỉ nam cho cuộc đời Mẹ.

Noi gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong sự thinh lặng để lắng nghe Lời Chúa, chúng ta được mời gọi hãy loại khỏi tâm hồn những lo lắng, ồn ào, những sôi sục của hận thù, ích kỷ, những dấu vết của buồn thảm, bi quan.  Thay vào đó bằng một đời sống thinh lặng trong tin yêu và phó thác để chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống.

Trên dòng đời lắm nổi trôi này, sự thinh lặng sẽ giúp ta nhận ra tiếng Chúa giữa những kỳ công của thiên nhiên; biết nhận ra tiếng Ngài trong nơi những mảnh đời khốn cùng bất hạnh, và biết nhận ra tiếng Ngài giữa những thất bại, thử thách.  Nhờ đó, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn biết đáp trả bằng tiếng xin vâng với thái độ nhiệt thành và vui tươi chấp nhận.

J.B Lê Đình Nam

LÒNG TIN CỦA BÀ LỚN THẬT

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại chuyện Đức Giêsu chữa bệnh từ xa, tại Tia và Xiđon, vùng đất của dân ngoại.  Nhưng chuyện chữa bệnh không quan trọng lắm.  Chuyện quan trọng là lòng tin của người phụ nữ Canaan.  Hẳn bà biết ít nhiều về Do Thái giáo, khi gọi Đức Giêsu là Con Vua Đavít.  Con Vua Đavít là tước hiệu người Do Thái dùng để chỉ Đấng Mêsia.  Bà tin Đức Giêsu có thể chữa lành con gái của bà.

Người phụ nữ trực tiếp gặp Đức Giêsu và ngỏ lời nài xin: “Xin thương xót tôi… con gái tôi bị quỷ hành hạ dữ lắm.”  Người mẹ đau vì con của mình đau.  Bà kêu xin Đức Giêsu thương mình, bằng cách chữa lành cho cô con gái.  Nhưng bà chỉ gặp sự thinh lặng như thể Người không nghe thấy.  Dầu vậy bà vẫn không ngừng đi sau và kêu to.  Tiếng kêu dai dẳng của bà đuổi theo các môn đệ khiến họ bực bội.

Khi không chịu nổi được nữa, họ mới chạy đến với Thầy Giêsu.  “Xin Thầy cho bà ấy đi đi, vì bà ấy cứ kêu sau lưng chúng ta mãi.”  Có vẻ các môn đệ muốn Thầy gặp bà và cho điều bà cần.  Cho đến nay vẫn chưa có cuộc đối thoại giữa bà và Đức Giêsu.  Người phụ nữ vẫn là người độc thoại.

Đức Giêsu vẫn chưa muốn nói chuyện với bà.  Người chỉ nói với các môn đệ và xác định sứ vụ của mình: “Thầy chỉ được sai đến với những chiên lạc nhà Israel thôi.”  Đây là lời từ chối đầu tiên, rõ ràng và dứt khoát.  Nó như đặt một dấu chấm hết cho mọi hy vọng của người mẹ.  Đức Giêsu như muốn nói: Đừng kêu la vô ích.  Chị không phải là chiên của nhà Israel.  Dân ngoại lúc này không phải là sứ vụ của tôi, vì Cha tôi chưa sai tôi đến.

Lòng tin của người phụ nữ bị thử thách đến tột độ.  Chắc bà bị cám dỗ bỏ đi vì sự thinh lặng lạnh lùng, và sự từ chối cương quyết của Đức Giêsu.  Nhưng trái tim của một người mẹ không cho phép bà làm thế.  Bà trở nên táo bạo hơn và dám vượt lên trước để gặp Đức Giêsu.

Trong thái độ cung kính bái lạy, bà tiếp tục nài xin: “Lạy Ngài, xin giúp tôi” (c. 25); khác với lúc nãy: “Lạy Ngài, xin thương xót tôi” (c. 22).  Cả hai lời nài xin đều nhắm đến người con, dù có vẻ bà chỉ xin cho bà.  Xin giúp tôi bằng cách giúp con tôi khỏi móng vuốt quỷ dữ.  Hạnh phúc của người mẹ gắn liền với hạnh phúc của con, vì tình yêu nối kết cả hai nên một.

Tuy vậy lời nài xin này của trái tim người mẹ dường như vẫn chưa đụng được vào trái tim Thầy Giêsu.  Người đưa ra lời từ chối thứ hai quyết liệt hơn và có thể gây tổn thương nghiêm trọng: “Không nên lấy bánh dành cho con mà ném cho chó.”  Con ở đây là dân Israel, là người trong nhà, có quyền hành.  Dân ngoại đôi khi được ví với chó nuôi trong nhà.  Hai bên không ở trên cùng một mặt phẳng.

Câu nói này của Đức Giêsu phản ánh cái nhìn của người Do Thái.  Họ tự hào về tính ưu việt của mình trong tư cách là Dân riêng của Chúa.  Nói chung họ cho rằng chỉ họ mới xứng đáng hưởng ơn cứu độ.

Người phụ nữ không phản đối cái nhìn của Đức Giêsu, bà không cảm thấy mình bị xúc phạm và giận dữ bỏ đi.  Trái lại, bà đón nhận cái nhìn ấy và tìm thấy một kẽ hở cho ơn Chúa: “Thưa Ngài đúng thế.  Nhưng chó con cũng được ăn các mảnh vụn rơi xuống từ bàn của chủ.”  Bà chấp nhận mình chỉ là chó con nuôi trong nhà, không phải là ông chủ đang ngồi tại bàn ăn.  Bà tin rằng dù mình không đủ tư cách để ngồi dự bàn tiệc cánh chung như những người Do Thái, bà vẫn có thể được hưởng chút vụn bánh từ bàn ăn rớt xuống.  Bà vẫn giữ niềm hy vọng ngay khi bị từ chối thẳng thừng.  Chính lời từ chối của Đức Giêsu lại mở ra niềm hy vọng.

Đức Giêsu bị ấn tượng bởi lòng tin của bà.  Người kêu lên: “Này bà, lòng tin của bà lớn thật.”  Đức Giêsu từng ngỡ ngàng trước lòng tin của viên bách quản (Mt 8,10-11).  Giờ đây Người đối diện với lòng tin của một người mẹ thương con.  Chính tình thương thêm sức mạnh cho lòng tin, khiến lòng tin trở nên kiên trì, bất chấp thinh lặng và từ chối.  Lòng tin không mất hy vọng ngay khi có vẻ chẳng còn gì để hy vọng.  Lòng tin mạnh mẽ và khiêm hạ của người mẹ đã chinh phục Đức Giêsu, và cuối cùng đã chạm được vào trái tim của Người.  Đức Giêsu đã để mình bị cuốn đi, ngỡ ngàng và ngây ngất…

Bây giờ Người mới thực sự nói chuyện với bà: “Này bà…”  Người sẽ làm điều trước đây Người không định làm.  Người sẽ đáp lại lòng tin của bà, lòng ao ước của bà chỉ bằng một lời nói từ xa cho một cô bé chưa hề gặp mặt: “Hãy xảy ra cho bà như bà muốn”.

Cô bé đã được chữa lành kể từ lúc đó.  Mẹ cô đã được thương xót và trợ giúp.  Đức Giêsu không cứng nhắc và bó hẹp trong sứ vụ Cha giao.  Người vẫn nghe tiếng kêu của con người và chấp nhận những ngoại lệ.  Ngoại lệ cũng nằm trong Ý Cha.  Ý Cha vẫn mở ra mới mẻ từng ngày đòi ta phải tìm kiếm liên tục.  Ngoại lệ hôm nay sẽ mở đường cho sứ vụ ngày mai: “Các con hãy đi, hãy làm cho mọi dân tộc thành môn đệ,” để “nhiều người từ Đông sang Tây sẽ đến và dự tiệc trong Nước Trời.”

Xã hội hôm nay không thiếu những bà mẹ khổ vì con mình bị ám.  Ám vì đủ thứ nghiện ngập do cuộc sống đem lại.  Các bà mẹ thấy mình bất lực, chỉ biết hy vọng vào Chúa.  Nhiều khi có cảm tưởng Chúa không nghe và lạnh lùng trước nỗi đau.  Hãy có lòng tin lớn của người phụ nữ Dân ngoại, tiếp tục tin, tiếp tục yêu, tiếp tục hy vọng và biết mình có thể chạm được vào trái tim của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải, để con làm bật rễ khỏi lòng con những ích kỷ và khép kín.  Xin cho con đức tin can đảm để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến, chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

Xin cho con đức tin sáng suốt để con thấy được thế giới mà mắt phàm không thấy, thấy được Đấng Vô hình, nhưng rất gần gũi thân thương, thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.  Xin cho con đức tin liều lĩnh, dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân, dám tiến bước trong bóng đêm chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa, dám lội ngược dòng với thế gian và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

Xin cho con đức tin vui tươi, hạnh phúc vì biết những gì đang chờ mình ở cuối đường, sung sướng vì biết mình được yêu ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp qua những cọ xát đau thương của phận người, để dù bao thăng trầm dâu bể, con cũng không để tàn lụi niềm tin vào Thiên Chúa và vào con người.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

HƯỚNG LÒNG VỀ TRỜI VỚI MẸ

Vào thế kỷ 19, có một luồng thần học chủ trương rằng Đức Maria không phải chết và luồng thần học đó xin Đức Thánh Cha hãy định tín như vậy.  Với lý luận cũng như lập trường của họ, họ cho rằng Đức Maria không mắc tội nguyên tổ, nên không phải chết bởi vì sự chết là hình phạt của tội nguyên tổ.

Tuy nhiên đa số các nhà thần học cho rằng Đức Maria đã chết và sau đó được sống lại.  Đức Piô XII không bàn tới vấn đề này, không nói rằng Mẹ không phải chết, cũng chẳng nói Mẹ đã chết và đã sống lại; nhưng chỉ nói rằng: sau khi chấm dứt cuộc đời dương thế, Mẹ được cất về trời cả xác và hồn.  Nhìn Đức Mẹ ngủ, tôi thấy sáng lên vẻ đẹp thánh thiện cao quý.  Mẹ tuyệt đẹp vì Mẹ đầy ơn Chúa.  Mẹ đẹp thánh thiện vì ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội.  Mẹ đẹp cao quý vì làm Mẹ Đấng Cứu Thế.  Mẹ tuyệt mỹ vì niềm tin đơn sơ và cuộc sống khiêm nhường.  Nét đẹp ấy thoang thoảng như một hương thơm hảo hạng toả ra lôi cuốn.  Nét đẹp ấy mặn mà như thứ muối thiêng liêng.  Nét đẹp ấy lung linh như ánh sáng dịu mát.  Nét đẹp ấy huyền diệu như âm nhạc dịu êm mời gọi con người nâng tâm hồn lên tới Chúa.

Ngày 1-11-1950, đúng vào dịp lễ Các Thánh Nam Nữ, Đức Thánh Cha Piô XII long trọng tuyên bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời : “Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria Trọn Đời Đồng Trinh, sau khi sống trọn cuộc đời trần thế, đã được triệu hồi cả hồn và xác vào trong vinh quang thiên quốc.”

Và khởi đi từ lời tuyên bố trong Thánh Lễ tuyên tín long trọng hôm ấy, mầu nhiệm Đức Maria được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn và xác, trở thành chân lý đức tin cho toàn thể Giáo hội.

Mở ra những trang Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo từ số 963- 975, ta thấy 5 lý chứng rất mạnh mẽ và xác thực minh chứng việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời:

Vì Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô: Thánh Kinh diễn tả rõ ràng Đức Maria hiệp thông chặt chẽ với Chúa Giêsu trong nhiệm cuộc cứu chuộc, và luôn chia sẻ số phận với Con.  Vậy xét theo thiên chức làm Mẹ, đương nhiên đòi hỏi phải có việc Mẹ và Con hòa hợp sum vầy với nhau, vì cả hai đã yêu mến nhau tha thiết, cho nên chắc chắn Chúa Kitô vì lòng hiếu thảo, đã ban cho Mẹ mình được hồn xác về Trời sau khi ly trần, là điều hợp tình hợp lý.

Vì Đức Maria Trọn Đời Trinh Khiết: Thiên Chúa đã làm cho Đức Maria chịu thai, sinh con mà vẫn trinh nguyên, thì sau khi Mẹ qua đời, Ngài đã gìn giữ thân xác Đức Mẹ khỏi hư nát, và sau khi đem Mẹ về Trời, Ngài đã làm cho xác Mẹ nên vinh hiển.  Nên thánh Đamascênô tiến sĩ quả quyết: Vì Đức Mẹ đã được sinh con mà vẫn trinh nguyên, thì cần thiết là sau khi qua đời, xác Đức Mẹ cũng phải được bảo tồn nguyên vẹn.

Vì Đức Mẹ luôn hợp tác với Chúa Kitô: ngay từ thế kỷ II, các Giáo Phụ đã trình bày Đức Mẹ như là một Evà Mới hợp tác chặt chẽ với Adam Mới là Chúa Kitô để chiến thắng Satan.  Vì thế, cũng như Chúa Kitô sống lại vinh hiển là việc thiết yếu và là dấu chiến thắng cuối cùng, thì Đức Mẹ đã cùng Con chiến đấu cũng phải được cùng Con chiến thắng, nghĩa là Thân Xác Đồng Trinh của Đức Mẹ cũng phải được Lên Trời Vinh Hiển.

Vì Đức Mẹ Đầy Ơn Phúc: các thánh tiến sĩ đã coi việc Đức Mẹ Hồn Xác về Trời như là bổ túc cho việc Đức Mẹ được Đầy Ơn Phúc.  Như lời cha Ađômêô quả quyết: Thân xác Đức Mẹ không hề bị hư nát vì đã kết hợp với linh hồn và đã được đầy ơn.

Vì Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội: theo lời xác quyết của Đức Thánh Cha Piô XII: Thân xác con người bị chết và bị tan rã ra tro đất là do hậu quả tội Nguyên Tổ.  Đức Maria không hề mắc tội Nguyên Tổ, cũng không hề có tội riêng, cho nên đương nhiên và rất hợp lý là Đức Maria được Hồn Xác Về Trời.”

Mẹ về trời có nghĩa là mẹ đang sống.  Sự sống của Mẹ không phải chỉ giới hạn trong cuộc đời, nhưng bao trùm cả lịch sử: Lịch sử của cả loài người lẫn lịch sử của mỗi người chúng ta.

Đức Mẹ là một thụ tạo nhưng được Thiên Chúa cho về trời cả hồn và xác mà không phải đi qua ngưỡng cái chết, gọi là “mông triệu.”  Đó là một đặc ân vì Mẹ vô nhiễm nguyên tội, hoàn hảo các nhân đức, và mau mắn xin vâng Thánh ý Chúa Cha.  Đức Mẹ về trời là ấn tín bảo đảm cho những người tin vào Đức Kitô cũng sẽ được sống lại và lên trời sau khi hoàn tất chuyến lữ hành trần gian.  Lên trời là về Quê Hương Vĩnh Hằng, mục đích của mỗi Kitô hữu là như vậy.

Thị kiến kỳ lạ mà Gioan đã thấy và đã ám chỉ Đức Mẹ.  Thánh Gioan cho biết thêm: “Tôi nghe có tiếng hô to trên trời: Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước tòa Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài” (Kh 12, 10).  Thị kiến này cũng khiến chúng ta phải cẩn trọng hơn về đức ái, nhất là trong cách đối xử với tha nhân hằng ngày.

Ngay cả Hồi giáo cũng tôn trọng Đức Mẹ, coi Đức Mẹ là phụ nữ cao cả nhất trong Kinh Koran (Kinh thánh của Hồi giáo).  Công giáo có nhiều danh xưng dành cho Đức Mẹ: Nữ vương Hòa bình, Đức Maria Trinh Vương, Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, Đức Mẹ Ban Ơn Lành, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Mân Côi, Đức Mẹ Thương Xót, Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Mẹ Hoa Hồng,… và Đức Mẹ còn gắn liền với các địa danh trên khắp thế giới, riêng Việt nam cũng có Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Giang Sơn, Đức Mẹ Mằng Lăng, Đức Mẹ Sao Biển, Đức Mẹ Trà Kiệu,…

Tác giả Thánh vịnh đã từng ca tụng: “Hàng cung nữ, có những vì công chúa, bên hữu ngài, hoàng hậu sánh vai, trang điểm vàng Ô-phia lộng lẫy.  Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng tai, quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ.  Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái, hãy vào phục lạy: Người là Chúa của bà” (Tv 45, 10-12).

Quyền năng và tình yêu Chúa tràn đầy trên Mẹ làm cho Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ơn sủng ngay từ trong lòng mẹ.  Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng tình cảm, từng mỗi hành động, từng mỗi bước đi… khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ.  Quyền năng và tình yêu Chúa đong đầy trọn vẹn nhất trong khoảnh khắc lịch sử, Mẹ lên trời cả hồn cả xác.  Đặc ân cao trọng này, chính là triều thiên sáng chói bao phủ lên Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1,35).

Với lời Xin Vâng và bằng lời Xin Vâng trót cả tâm tình phó thác, Mẹ để cho Thiên Chúa hoàn toàn làm chủ cuộc đời của mình để làm những việc Thiên Chúa muốn làm trong chương trình cứu rỗi loài người chúng ta.

Ngày Chúa Giêsu Đấng Cứu thế ra đời, khởi đầu công việc cứu thế, Mẹ có mặt ở đó để chứng kiến giây phút trọng đại này.

Lúc Chúa khởi sự cuộc đời công khai, tại tiệc cưới Cana, Mẹ có mặt ở đó như một người mẹ luôn lo lắng cho con cái của mình.

Lúc Chúa rao giảng: Mẹ có mặt xa xa; nhưng khi Chúa bị treo trên Thánh Giá: Mẹ đứng thật gần.  “Mẹ đứng sát cạnh Chúa Giêsu… như một trợ lực cho người con để Ngài làm xong những công việc cần phải làm cho mọi sự được hoàn tất.”

Và vào ngày đầu tiên đánh dấu sự ra đời của Giáo hội, Mẹ có mặt ở đó với tất cả lòng yêu thương để khích lệ các tông đồ can đảm dấn thân vào cuộc sống mới: Cuộc sống làm chứng cho Chúa Giêsu Phục sinh.

Và rồi Mẹ cũng tiếp tục có mặt, có mặt như một nhắc nhở để những người con của mẹ nơi trần thế chớ có vì cuộc sống tạm bợ mà quên mất trời cao.

Trong Mầu nhiệm Mân Côi mùa Mừng, mầu nhiệm thứ tư: Đức Chúa Trời cho Đức Mẹ lên trời.  Xin cho con được chết lành trong tay Đức Mẹ.  Mầu nhiệm thứ năm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời.  Xin cho con được thưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng.  Hai mầu nhiệm này không chỉ nhắc nhở chúng ta cầu nguyện với Đức Mẹ, mà còn hy vọng được trường sinh để cùng Đức Mẹ mãi mãi chúc tụng Thiên Chúa.  Đường về dù xa hay gần, đường đi có thể gập ghềnh nhiều nỗi, nhưng có Đức Mẹ đồng hành thì chúng ta cứ an tâm tiến bước.

Mẹ Maria đã được Chúa đưa cả hồn và xác về trời.  Mẹ Maria không chết.  Tình Mẹ vẫn mãi mãi thiên thu ở bên đoàn con suốt cuộc đời.  Thế nhưng, niềm vui và hạnh phúc chỉ ngập tràn trong cuộc đời chúng ta nếu chúng ta ý thức Mẹ vẫn đang sống bên cạnh chúng ta.  Chúng ta đang từng phút giây tận hưởng tình thương và sự chăm sóc vỗ về của Mẹ, nhưng thật bất hạnh nếu chúng ta chỉ sống như người mồ côi, thì  có lẽ chúng ta cũng chỉ ngậm ngùi như người Phật Tử nhận lấy bông hồng trắng trong ngày của mẹ với lời ai oán: “Mất mẹ là mất cả bầu trời” thương yêu.

Mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là chúng ta xác tín lại niềm tin của chúng ta vào Chúa Giê-su: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.  Xin Đức Mẹ Maria luôn cầu bàu cho mỗi người chúng ta khi còn ở đời này, biết yêu mến những sự trên trời và để sống như đang sống với Mẹ ở trên trời.

Huệ Minh

NHỮNG ĐIỀU SÂU SẮC HƠN Ở DƯỚI BỀ MẶT

Bạn hãy hình dung điều này.  Bạn là con trai, con gái hiếu thảo và mẹ bạn là góa phụ sống ở nhà hưu dưỡng.  Bạn may mắn được sống gần trong khi chị bạn ở xa đất nước hàng ngàn dặm.  Vì vậy, mọi gánh nặng rơi vào bạn, người chăm sóc mẹ mình.  Bạn đến thăm mẹ mỗi ngày.  Mỗi buổi chiều, trên đường đi làm về, bạn ghé thăm mẹ một giờ khi bà ăn bữa ăn tối sớm.  Và bạn trung thành làm năm lần một tuần, năm này qua năm khác.

Năm này qua năm khác, khi bạn dành thì giờ cho mẹ, trong suốt một năm, có bao nhiêu lần bạn có cuộc trò chuyện thực sự nhiệt tình và sâu đậm với mẹ không?  Một lần?  Hai lần?  Không bao giờ?  Mỗi ngày bạn nói gì?  Những điều tầm thường: thời tiết, đội thể thao yêu thích của bạn, những gì con bạn đang làm, chương trình mới nhất trên truyền hình, những cơn đau nhức của mẹ và các chi tiết bình thường trong đời sống của bạn.  Đôi khi bạn còn ngủ gật khi mẹ ăn bữa tối sớm.  Năm nào tốt, có thể bạn có một hoặc hai lần có một cuộc trò chuyện có chiều sâu và hai mẹ con chia sẻ một điều gì đó quan trọng một cách sâu đậm hơn; nhưng, trừ trường hợp hiếm hoi đó, bạn sẽ chỉ lấp đầy thời gian mỗi ngày bằng cuộc trò chuyện hời hợt bên ngoài.

Nhưng, và đây là câu hỏi, có phải trên thực tế các cuộc thăm viếng hàng ngày với mẹ là hời hợt, hay đơn thuần do các câu chuyện trao đổi không sâu đậm phải không?  Bạn chỉ đơn giản có tương giao thân mật vì bổn phận?  Có điều gì sâu đậm xảy ra không?

Ồ, so sánh điều này với người chị sống xa quê, mỗi năm về nhà một lần để thăm mẹ.  Khi chị về, cả chị và mẹ đều cảm động, họ ôm nhau nồng nàn, rơi nước mắt nhìn nhau và dường như nói về những gì vượt ra ngoài các chuyện thời tiết, đội thể thao yêu thích và sự mệt mỏi của mình.  Và bạn ganh với cả hai!  Có vẻ như cuộc gặp một năm một lần này có cái gì mà chuyến ghé thăm hàng ngày của bạn không có.  Nhưng điều này có đúng không?  Có phải những gì đang xảy ra giữa chị và mẹ đúng thực là sâu đậm hơn các buổi bạn đến thăm mẹ hàng ngày không?

Tuyệt đối không.  Chắc chắn những gì họ có chỉ là về mặt xúc cảm và tình cảm, nhưng thực chất không có gì đặc biệt sâu đậm hơn.  Khi mẹ bạn qua đời, bạn sẽ hiểu mẹ mình hơn ai khác, bạn gần gũi với mẹ hơn chị của bạn rất nhiều.  Vì sao?  Vì trong suốt những ngày bạn đến thăm mẹ, có vẻ như bạn chẳng nói gì khác hơn là thời tiết, nhưng có những gì sâu đậm hơn đã nằm dưới bề mặt.  Khi chị đến thăm mẹ, mọi thứ đang diễn ra trên bề mặt (dù về mặt cảm xúc và yêu thương có thể hơn những gì nằm bên dưới).  Đó là lý do vì sao tuần trăng mật đẹp hơn hôn nhân.

Những gì chị của bạn đã có với mẹ là những gì các tập sinh sống trong cầu nguyện, và những gì các cặp vợ chồng trải nghiệm trong tuần trăng mật.  Những gì bạn đã có với mẹ là những gì những người đã trải nghiệm trong cầu nguyện và các mối quan hệ khi họ trung thành trong một thời gian dài.  Ở một mức độ thân mật trong tất cả các quan hệ của chúng ta, kể cả quan hệ với Chúa trong lời cầu nguyện, cảm xúc và xúc động (dù tuyệt vời như thế nào) sẽ trở nên ngày càng ít quan trọng và khi đó, chỉ cần ở bên nhau sẽ trở nên tối quan trọng.  Trước đó, những điều quan trọng đã xảy ra trên bề mặt, cảm xúc và xúc động là quan trọng; bây giờ sợi dây liên kết sâu đậm đã có bên dưới bề mặt, cảm xúc và xúc động giảm tầm quan trọng của nó.  Ở một chiều sâu nào đó của mối quan hệ, chỉ cần có mặt với nhau là điều quan trọng.

Quá thường xuyên, cả tâm lý đại chúng và linh đạo đại chúng không thực sự nắm bắt điều này và do đó tạo nhầm lẫn cho người tập sinh về hiệu năng cầu nguyện, cho cặp vợ chồng về tuần trăng mật và cho chiều sâu về bề mặt.  Trong tất cả các mối quan hệ của chúng ta, chúng ta không thể đưa ra lời hứa về những gì mình sẽ luôn cảm nhận, nhưng chúng ta có thể hứa sẽ luôn trung thành, cho thấy mình luôn ở đây, dù chúng ta chỉ nói về thời tiết, về đội thể thao yêu thích, về chương trình truyền hình mới nhất, hoặc về sự mệt mỏi của mình.  Và thỉnh thoảng có ngủ gật cũng không sao vì như Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu đã nói: một đứa bé dù thức hay ngủ cũng đẹp lòng cha mẹ, nhưng có lẽ khi ngủ thì sẽ đẹp lòng cha mẹ nhiều hơn!  Điều đó cũng đúng với lời cầu nguyện.  Thiên Chúa không phiền khi chúng ta ngủ gật trong lúc cầu nguyện vì chúng ta đã ở đó và thế là đủ.  Thánh Gioan Thánh giá, người bác sĩ Tây Ban Nha vĩ đại của tâm hồn nói với chúng ta, khi chúng ta vào sâu trong các mối quan hệ, dù đó là với Chúa trong lời cầu nguyện, với nhau trong tình thân mật, hoặc với cộng đồng đang phục vụ, cuối cùng bề mặt sẽ ít cảm xúc, ít xúc động, và những điều sâu sắc hơn sẽ bắt đầu xảy ra dưới bề mặt.

Rev. Ron Rolheiser, OMI