LỜI CHÚA VỚI ĐỜI NGƯỜI

“Con lớn lên bằng lời ru của bà cùng với sự êm ái dịu dàng của Kymdan.”  Một câu quảng cáo đầy ấn tượng nhằm đạt đến mục đích cuối cùng của nhà sản xuất nệm Kymdan.  Điều đáng nói ở đây là câu quảng cáo ấy đã vô tình nói với mọi người một sự thật: Người ta lớn lên không chỉ bằng cơm bánh mà còn bằng lời nữa.  Từ lời ru êm khi còn nằm nôi cho đến lời dạy bảo nhắc nhở răn đe lúc đã lớn khôn.  Rồi trưởng thành bước vào đời, người ta vẫn cần lắm những lời khen tặng, động viên hay an ủi…  Thử hỏi, cuộc sống con người sẽ ra sao, nếu như những lời lẽ kia không được gieo vãi.

Thế nhưng trong thực tế, nhiều khi chúng ta nghiệm ra rằng cho dù lời người phàm cần thiết đến đâu thì cũng không làm cho người ta no thỏa.  Người ta cần một thứ lời có thể đáp ứng mọi tâm trạng và trong mọi hoàn cảnh, không phải chỉ là “2 trong 1” hay “3 trong 1” mà là “nhiều trong 1.”  Một thứ lời có thể hướng dẫn ta trong lúc nghi nan, trấn an khi gặp khó khăn, nâng đỡ khi sầu khổ, sửa dạy khi nông nổi, hối thúc khi lười biếng, cảnh giác trong nguy hiểm, và đem lại hy vọng những lúc ta chán nản tuyệt vọng.  Chỉ có Lời Chúa mới thỏa mãn những điều kiện ấy, mà Lời Chúa thì đã được gieo vãi trong tâm hồn và cuộc sống mỗi người từ lâu rồi.

1. Lời được gieo cách hào phóng

Trước hết, Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa là một người gieo giống đầy hào phóng và lạc quan.  Kinh nghiệm của một nhà nông không cho phép người ta phí phạm hạt giống lẫn công sức trên những mảnh đất cằn cỗi sỏi đá bởi kết quả thu được chắc chắn không thể bù lại những gì bỏ ra.  Thế nhưng, đường lối của Thiên Chúa lại hoàn toàn khác với cách suy nghĩ của con người.  Hạt giống Lời Chúa không chỉ dành cho những mảnh đất mầu mỡ mà được tung vãi khắp nơi, cả bên vệ đường, trên sỏi đá hay giữa bụi gai.  Lời Chúa không chỉ nói cho các thầy tư tế hay kinh sư, cho người lành người tốt.

Thiên Chúa đã tung gieo Lời của Ngài một cách hào phóng trên mọi mảnh đất, đến mọi hạng người, mọi tâm hồn bất kể là thu thuế hay gái điếm.  Nếu tính tỉ lệ thì ta thấy giữa đất xấu và đất tốt là 3/1.  Một tỉ lệ khá cao: cứ ba hạt bị mất mát mới có một hạt đem lại kết quả.  Thế nhưng, người gieo giống vẫn cứ ra đi, vẫn cứ gieo vãi.  Sẽ có người cho rằng người gieo giống quá phung phí và dở hơi; nhưng nếu nhìn xa hơn, nghĩ sâu hơn thì người gieo giống cực kỳ quảng đại, ông ta muốn mọi nơi trên cánh đồng đều có cơ hội sản sinh mùa màng thật tốt và đem lại thật nhiều hoa lợi.

Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót như thế đó.  Ngài không bao giờ nghi ngờ thiện chí của bất kỳ một tâm hồn nào.  Ngài đã quảng đại trao ban Lời của Ngài, trao ban chính Con của Ngài cho nhân loại và Ngài luôn chờ đợi hiệu quả phát sinh nơi tâm hồn và cuộc sống của chúng ta.  Tâm hồn nào cũng có thể trở nên mảnh đất mầu mỡ khi biết mở rộng lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, suy gẫm và làm cho phong phú cụ thể qua từng suy nghĩ, lời nói hay cử chỉ.

2. Lời mọc lên đầy hy vọng

Chúa Giêsu giảng dụ ngôn “Người Gieo Giống” trong bối cảnh những người trí thức có địa vị đang ra sức chống đối Ngài, còn những kẻ bình dân và các môn đệ thì đã bắt đầu ngã lòng hoài nghi trước những kết quả ít ỏi của lời Ngài giảng dạy.  Như thế, có thể nói đây là dụ ngôn tuyệt vời của niềm hy vọng dành cho những con người đang thất vọng.

Dụ ngôn “Người Gieo Giống” cho chúng ta thấy rằng hành trình Đức Tin của chúng ta phải là một hành trình trong tin yêu hy vọng: dù huê lợi không đồng đều nhưng đất mầu mỡ vẫn có đó, dù hạt giống có mất mát nhưng mùa gặt vẫn bội thu, dù vẫn có đó những chướng ngại nhưng Nước Thiên Chúa cũng sẽ đạt đến viên mãn.  “Cuộc đời chỉ là thời kỳ gieo hạt, mà mùa gặt không ở tại thế này” (Danh họa Van Gogh).  Chính niềm hy vọng là nguồn sinh lực dồi dào cho cuộc lữ hành của chúng ta.

Nhiều khi chúng ta thấy đường đi phía trước thật mịt mờ.  Hiện tại thì đầy khó khăn thử thách.  Tương lai càng tối tăm dầy đặc.  Chúng ta bị cám dỗ hoài nghi và mất hết niềm hy vọng.  Lời Chúa hôm nay mở ra cho chúng ta một con đường đầy ánh sáng.  Đau khổ khó khăn hiện tại chính là liều thuốc kích thích Niềm Tin tưởng chờ đợi Ơn Cứu Độ.  Tin tưởng trong nỗ lực phấn đấu chứ không phải Niềm Tin lười biếng bạc nhược.  Số phận người đi gieo có hẩm hiu bạc bẽo, nhưng mùa thu hoạch thì đầy hứa hẹn huy hoàng.

3. Lời sinh sôi thật bất ngờ

Từ những khởi đầu ít hứa hẹn, điều kỳ diệu của hạt giống rơi trên đất tốt đã có thể bù đắp gấp bội những thất bại mất mát.  Tỉ lệ mất mát là 3/1, nhưng số thu lại không chỉ gấp ba mà là 30, 60 và thậm chí 100 lần.  Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta vươn tới sự thiện hảo và trổ sinh ngày càng nhiều hoa trái hơn trong cuộc sống.  Chỉ cần một câu Lời Chúa được tự do lớn lên trong lòng người ta thì cũng đủ để đời người hoàn toàn thay đổi.

Lịch sử Giáo hội và cuộc đời của nhiều vị thánh đã chứng minh điều này.  Chỉ một câu: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10, 21) đã làm thay đổi cả cuộc đời thánh Phanxicô Assisi, đến nỗi một kẻ vô thần độc tài cũng phải nhìn nhận rằng chỉ cần mười người như ngài là có thể thay đổi cả thế giới.  Rồi cuộc đời và thành quả truyền giáo của Thánh Phanxicô Xa-vi-ê cũng là hoa trái của câu Lời Chúa: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8, 36).  Cũng thế, tâm hồn và cuộc đời của Mẹ Têrêsa thành Calcutta cũng chính là mảnh đất mầu mỡ đã để cho Lời Chúa lớn lên và sinh sôi đem lại mùa bội thu cho cả thế giới.

Thửa đất không thể sinh hoa trái nếu không có hạt giống.  Cũng vậy, cuộc sống chúng ta sẽ cằn cỗi nếu không có Lời Chúa gieo trong tâm hồn.  Thiên Chúa không chỉ nói với chúng ta qua Thánh Kinh, Ngài còn nói với chúng ta qua các biến cố của đời mình.  Dụ ngôn “Người Gieo Giống” đòi chúng ta phải xét lại thái độ nghe Lời Chúa, đòi ta phải cải tạo lại mảnh đất lòng mình, và tăng thêm sinh lực giúp chúng ta sống Lời Chúa.  Lời Thiên Chúa đã phán ra chỉ trở về khi đã đạt được kết quả.  Bổn phận của chúng ta là phải nỗ lực làm cho hạt giống Lời Chúa mọc lên tươi tốt, đâm rễ sâu trong tâm hồn, phát sinh những công việc phù hợp với Đức Tin và đem lại những kết quả tốt đẹp.

Lm. Kiều công Tùng

SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

Cách ly đang gây hoảng sợ.  Văn hoá của chúng ta vốn đã quen với những lối giải trí tức thời không ngưng nghỉ thì viễn cảnh mỗi người phải tự cách ly lại càng gây thêm hoang mang.  Chúng ta phải đương đầu làm sao?

Tôi gặp lại chính mình khi nghĩ đến Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận.  Tôi đã từng gặp ngài khi ngài còn ở Roma trong những ngày vàng son.  Ngài nhận chức Giám mục Nha Trang, Việt Nam, năm 1967 và được bổ nhiệm làm Giám mục Phó Sài Gòn năm 1975 ngay trước những ngày Sài Gòn rơi vào tay quân đội Bắc Việt.  Tháng tám năm đó, dịp lễ Đức Mẹ Lên Trời, ngài bị bắt và trải qua mười ba năm sau đó trong tù.  Vào ngày được thả, ngài vẫn bị quản thúc tại nhà cho đến ngày bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 1991.  Có đến chín năm trong thời gian mười ba năm tù đày, ngài bị biệt giam.  Chúng ta học được gì nơi ngài?

Rời Việt Nam, Hồng Y Thuận đến Roma.  Năm 1998, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặt ngài làm Chủ Tịch Uỷ Ban Công Lý và Hoà Bình và vào năm 2000, Đức Thánh Cha mời ngài hướng dẫn tuần linh thao cho giáo triều Roma vốn được tổ chức mỗi năm vào đầu Mùa Chay.  Đức Gioan Phaolô II yêu cầu ngài trình bày những trải nghiệm riêng tư của những năm biệt giam.  Những bài nói chuyện của ngài sau đó được phổ biến như những Chứng Từ của Niềm Hy Vọng.

Đức Hồng Y đã mô tả những hoàn cảnh bị giam giữ.  Ngài ở trong một xà lim không có cửa sổ và trong nhiều ngày nhiều đêm đèn điện không bao giờ tắt; và sau đó, nhiều đêm nhiều ngày ngài lại bị vùi chôn vào bóng tối hoàn toàn.  Ngài cảm nhận như thể “đang ngạt thở vì cái nóng và độ ẩm đến phát điên.”   Ngài cảm thấy khủng hoảng vì không thể chu toàn sứ vụ linh mục của mình.

Và rồi, vào một đêm, từ sâu thẳm lòng mình, ngài nghe một tiếng nói, “Tại sao con phải dằn vặt như thế?  Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và công việc của Người.”  Ngài chợt nhận ra rằng, sứ vụ của ngài là tốt nhưng sứ vụ của ngài đã không là Thiên Chúa mà là công việc của Thiên Chúa; nhưng Thiên Chúa có thể làm điều này điều kia tốt hơn ngài làm rất nhiều, vì thế, ngài phải chọn Thiên Chúa, không phải công việc của Người và chỉ chọn một mình Người.

Trải nghiệm của Hồng Y Phanxicô Xavier, dẫu quá khắc nghiệt như hoàn cảnh của nó, có thể giúp chúng ta suy nghĩ về các ưu tiên của mình trong thời gian dịch bệnh Corona.  Đây cũng là một khủng hoảng cá nhân đối với nhiều người trong chúng ta cũng như đối với tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ và các biến động xã hội cũng như chính trị.  Một bài học nhớ mãi đối với Hồng Y Phanxicô Xavier là ngài ý thức sâu sắc về giá trị của giây phút hiện tại.  Ngài viết, “Đây là thời khắc duy nhất chúng ta đang có trong tay, quá khứ đã qua và chúng ta không biết liệu có một tương lai hay không.  Giây phút hiện tại là kho tàng lớn lao của mỗi người.”  Khi chúng ta chấp nhận cuộc sống giãn cách xã hội liệu chúng ta có quá để tâm đến quá khứ, hoặc quá bứt rứt về tương lai?  Hoặc là chúng ta có khả năng nhìn thời gian hiện tại, dẫu có thể đang khó khăn, như một quà tặng?

Việc sống giây phút hiện tại, trong thinh lặng và giãn cách xã hội không làm cho mọi sự nên dễ dàng.  Như Đức Hồng Y Phanxicô Xavier giải thích, “Thời gian trôi chậm trong nhà tù, đó là điều đáng nói nhất của việc cách ly.  Hãy tưởng tượng một tuần, một tháng, hai tháng và nhiều hơn nữa… trong thinh lặng.”  Chúng dài một cách kinh khủng và khi đã trở thành nhiều năm, chúng là vô tận.”  Dẫu chúng ta không nghĩ một điều gì đó khốc liệt hơn sẽ xảy ra nhưng những tuần sau đó, những tháng sau đó vẫn rất nghiệt ngã.  Hồng Y Phanxicô Xavier thừa nhận rằng, trong cuộc đời ngài, có những giai đoạn mà ngài cảm thấy hết sức đau khổ khi thấy mình không thể cầu nguyện, “Tôi trải nghiệm sâu sắc sự yếu hèn thể xác và tinh thần của mình.”  Nhiều lần ngài viết, ngài đã kêu lên như Chúa Giêsu đã kêu lên trên thập giá, “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con.”  Mỗi lần như thế, ngài thêm, “Vậy mà, con biết Chúa không bỏ con.”  Dẫu thế, những thời khắc này có thể vẫn rất khó khăn cho chúng ta và một đôi khi cũng thật khó để xác tín rằng, đức tin bảo đảm cho chúng ta, chúng ta không bao giờ bị bỏ rơi.

Trong khi họa lại trải nghiệm của mình về sự cách ly, Hồng Y Phanxicô Xavier không bao giờ để mình bị cuốn hút vào đó.  Đơn giản, cách ly không bao giờ là tất cả đối với ngài.  Trên hết, Ngài giữ cho tinh thần mình phấn chấn bằng một cảm thức mình là thành viên của Hội Thánh mà ngài thể hiện theo một cách thức khiến người khác ngạc nhiên.  Ngài kể, khi còn bị cách ly ở Hà Nội, một nữ công an mang đến cho ngài một con cá để làm thức ăn, con cá được gói với hai trang nhật báo Vatican, L’Osservatore Romano, vốn theo sự thường là bị tịch thu.  Ngài giấu nỗi vui khi nhìn thấy nó; sau đó, một mình, ngài rửa sạch, hong khô tờ báo và cất lấy nó, ngài coi nó như một vật thánh.  Ngài giải thích, “Với tôi, trong một chế độ cách ly ngặt nghèo không khoan nhượng đó, những trang này là một dấu chỉ của sự hiệp thông với Roma, với thánh Phêrô, với Giáo Hội và một cái ôm hôn từ toà thánh.”  Ngài thêm, “Hẳn tôi đã không thể sống sót nếu không nhận thức mình là một thành phần của Hội Thánh.”

Thế nhưng, cảm thức về cộng đoàn của Hồng Y Phanxicô Xavier không bao giờ chỉ hẹp hòi trong phạm vi Giáo Hội.  Giới răn yêu thương là nền tảng cho cuộc sống của ngài.  Không ai bị loại ra ngoài; cách riêng, không phải là những người canh gác ngài.  Các nhà chức trách thường xuyên thay đổi những người canh gác ngài vì sợ rằng, đặt họ ở đó, họ sẽ bị “lây nhiễm” bởi ngài.  Sau đó họ ngưng đổi người, vì sợ ngài sẽ làm lây nhiễm tất cả.  Ngày kia, một trong những người canh gác ngài hỏi, “Ông có yêu thương chúng tôi không?”, ngài trả lời, “Có, tôi yêu các anh.”  Người ấy không tin, “Nhưng chúng tôi bỏ tù ông nhiều năm, không một phiên toà, không một bản án và ông vẫn yêu thương chúng tôi?  Không thể có điều đó.”  Hồng Y Phanxicô Xavier nói với người canh gác mình rằng, “Tôi ở với các ông đã nhiều năm, ông thấy đó là sự thật.”  Người ấy nói với ngài, “Khi ông được tự do, ông không phái giáo dân tới đốt nhà chúng tôi và giết gia đình chúng tôi chứ?”; “Không!  Ngay cả nếu các người muốn giết tôi, tôi vẫn yêu thương các người”; “Nhưng tại sao?”; “Bởi vì Chúa Giêsu dạy tôi yêu thương mọi người, yêu thương ngay cả những kẻ thù của tôi.  Nếu tôi không yêu thương, tôi không đáng được gọi là người công giáo.”  Đó là một chuyện kể phi thường nhắc cho chúng ta rằng, giới răn yêu thương tha nhân của Chúa Giêsu một đôi khi lên tiếng mạnh mẽ nhất vào những thời điểm khi người ta cần đến nó nhất.  Một nét đặc trưng cho hoàn cảnh của chúng ta là chăm sóc, cách ly hay không cách ly, chúng ta cũng phải chăm sóc nhau.

Chuyện kể cuối cùng là khi Hồng Y Phanxicô Xavier còn là sinh viên ở Roma, ngài viếng Lộ Đức.  Tại hang đá, ngài suy nghĩ về lời Đức Mẹ nói với Bernadette, “Mẹ không hứa cho con niềm vui và những ủi an trên cuộc đời này, nhưng là thử thách và khổ đau.”  Ngài tự hỏi với thoáng chút sợ hãi rằng, liệu những lời này cũng nói với mình chăng.  Nhiều năm êm ả dần trôi, từ một Giáo sư chủng viện đến Giám đốc, rồi Tổng đại diện và Giám mục sau đó, thì ngài nghĩ rằng, những lời đó chẳng dính dáng chút nào đến mình.  Thế nhưng, đến năm 1975 và với năm đó, “Tôi bị bắt vào ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời với tù đày, cách ly; bấy giờ tôi mới hiểu, Đức Mẹ đã chuẩn bị cho tôi điều này từ năm 1957.”

Trải nghiệm của chúng ta vào những tuần những tháng sắp tới vốn sẽ không khắc nghiệt như trải nghiệm của Đức Hồng Y Phanxicô Xavier, chúng ta tin như thế; nhưng nó cũng trao tặng chúng ta một cơ hội.  Đức Hồng Y nói, “Khi tôi trải qua những giờ phút đau khổ cùng cực về thể xác và tinh thần, tôi nghĩ đến Chúa Giêsu chịu đóng đinh.  Với con mắt thế gian, cuộc đời của Ngài là một thất đoạt, thất vọng và thất bại…; vậy mà với cái nhìn của Thiên Chúa, đó là một thời khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của Ngài, bởi đó cũng chính là lúc Ngài đổ máu ra cho ơn cứu độ toàn thể nhân loại.”

Chúng ta đã sống những ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng này.  Khắc nghiệt là điều có thể có nhưng phải chăng trong cái nhìn quan phòng thì một điều gì đó xảy ra đã rất trùng hợp với Mùa Chay năm nay?  Như Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận tại Lộ Đức, chúng ta có cảnh tỉnh trước những bài học vốn có thể dạy cho mình một điều gì đó?

Rev. Roderick Strange

Nguồn: https://www.thetablet.co.uk/features/2/17772/living-in-the-present-moment
Người dịch: Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Cha Roderick Strange là một giáo sư thần học của đại học St. Mary, Twickenham; ngài cũng là Viện Trưởng của Mater Ecclesiae College, một học viện giáo hoàng thuộc đại học St. Mary.  Cuốn sách mới nhất của ngài là Newman: The Heart of Holiness, do Hodder & Stoughton xuất bản.

THÁNH MARIA GORETTI TRINH NỮ TỬ ĐẠO

Thánh Maria Goretti sinh ngày 16 tháng 10 năm 1890 tại Corinaldo, Italia, và qua đời với tư cách là vị thánh Đồng Trinh Tử Đạo ngày mồng 06 tháng 07 năm 1902 tại Nettuno, Italia.  Khi mới lên 11 tuổi, thánh nữ đã trở thành nạn nhân của một vụ sát hại dã man vì thánh nữ quyết bảo vệ sự trinh trong của mình.  Vào năm 1950, Maria Goretti đã được Đức Pi-ô XII tôn phong lên bậc Hiển Thánh.

1. Tiểu sử của thánh Maria Goretti:

Cha Mẹ của Maria Goretti là ông Luigi Goretti và bà Assunta Carlini.  Cả hai người đều có quê gốc tại Corinaldo, Italia, và là những nông dân thuần túy.  Họ có tất cả bảy người con, và Maria Goretti là người con thứ ba.  Cuộc sống của Maria Goretti, kể từ khi chào đời cho tới khi cô bị sát hại, đã diễn ra không khác gì cuộc sống của hầu hết các em bé vùng nông thôn Italia cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20: không được học hành tại trường, khả năng đọc sách rất kém, thậm chí còn không thuộc bảng chữ cái, phải làm việc trong nhà và trên các cánh đồng ngay từ khi tuổi đời còn rất nhỏ.  Khi Maria Goretti qua đời (lúc cô sắp mừng sinh nhật lần thứ 12), cô chỉ cao 1m38, thiếu cân, và đã có triệu chứng mắc bệnh sốt rét đang ngày một phát triển.

Vào năm 1897, gia đình ông Luigi Goretti chuyển nơi cư trú từ Corinaldo tới Agro Pontino, tức vùng đồng bằng Pontini.  Họ đến định cư tại làng Ferriere thuộc huyện Nettuno, và lại tiếp tục làm nghề canh tác ruộng vườn.  Agro Pontino là một vùng đồng bằng nằm tại khu vực Đông Nam Rô-ma, và hồi đó có tên là Paludi Pontine (tức đầm lầy Pontini), vì đó là một khu vực đầm lầy thường xuyên bị tấn công bởi bệnh sốt rét.  Mãi tới những năm 30 của thế kỷ 20, Mussolini mới ra lệnh phải tháo cạn nước khỏi khu vực đầm lầy đó.

Tại nơi ở mới, gia đình ông Luigi Goretti đã cùng với gia đình Serenelli điều hành một hợp tác xã nông nghiệp.  Nhưng chỉ một năm sau thôi thì ông Luigi Goretti, tức thân phục của Maria Goretti, đã qua đời vì bệnh sốt rét.  Vì thế, cô bé Maria đã phải cùng với mẹ mình chăm lo cho gia đình.  Mãi cho tới khi Maria lên 11 tuổi, cô mới được Xưng Tội Rước Lễ lần đầu.

Còn ông Serenelli, người cùng điều hành hợp tác xã nông nghiệp nói trên với gia đình Luigi Goretti, có một người con trai tên là Alexandro Serenelli, lớn hơn Maria Goretti 5 tuổi.  Cậu ta là người thanh niên hư hỏng, suốt ngày ăn chơi nêu lổng.  Khi Maria Goretti xuất hiện, cậu ta đã thường xuyên đeo đuổi và gạ gẫm cô.  Nhưng Maria luôn luôn cự tuyệt trước những lời gạ gẫm của cậu.  Vào ngày mồng 05 tháng 07 năm 1902, lúc đó Alexandro đã 16 tuổi, anh ta tìm mọi cách để cưỡng hiếp cô bé 11 tuổi này.  Khi anh ta xông vào cô bé, thì cô đã cố hô lên: “Không được, không được!  Làm vậy là có tội đấy anh Alexandro ạ, anh sẽ phải sa hỏa ngục đấy! Khi bị Maria nhất quyết từ chối và cự tuyệt, Alexandro cảm thấy nhục nhã và vô cùng tức giận, hắn đã vớ lấy chiếc đục gỗ và đâm cô bé tới 14 nhát.  Tuy nhiên, dù bị đâm tới 14 nhát, nhưng Maria vẫn còn thoi thóp.  Người ta đã mang cô vào bệnh viện Nettuno.  Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành giải phẫu khẩn cấp cho cô, nhưng cuộc giải phẫu đã không thành công.  Cô đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày hôm sau, tức ngày mồng 06 tháng 07 năm 1902 tại bệnh viện nêu trên lúc sắp bước sang tuổi 12.  Khi Maria hấp hối, cô đã tha thứ cho kẻ giết mình với những lời sau đây: “Tôi tha thứ cho anh ta; tôi muốn có anh ta bên cạnh tôi trên Thiên Đàng.”

Về phần mình, Alexandro đã bị kết án lao động khổ sai 30 năm.  Theo lời kể của nhiều người, anh ta đã tỏ ra rất hối hận về hành vi của mình.  Anh ta đã trải qua nhiều thị kiến, và trong các cuộc thị kiến đó, Maria đã hiện ra với anh ta và còn mang hoa đến tặng cho anh ta nữa.  Vào dịp Lễ Giáng Sinh năm 1928, sau 27 năm lao động khổ sai, Alexandro đã được trả tự do trước thời hạn vì anh ta đã cải tạo rất tốt.  Ngay khi được phóng thích, anh ta đã tức tốc đến gặp bà Assunta Carlini – thân mẫu của Maria Goretti – để xin bà tha thứ cho hành vi của mình.  Và cũng ngay sau đó, anh ta đã gia nhập Dòng Thánh Phan-xi-cô, và quyết định sống ở bậc Hiến Sinh của Dòng này.  Thầy Alexandro qua đời trong Dòng Thánh Phan-xi-cô tại Tu Viện Macerata vào ngày mồng 06 tháng 05 năm 1970 lúc xấp xỉ 84 tuổi.

2. Thánh Maria Goretti Trinh Nữ Tử Đạo:

Còn về phía Maria Goretti, sau khi qua đời, cô đã được an táng trong nhà thờ Nettuno nằm ở phía Nam thành phố Rô-ma.  Sau khi cô được phong Thánh, nhà thờ này đã được đổi tên theo tên của cô, đó là Thánh Đường kính Thánh Maria Goretti.  Cả Đức Phao-lô VI lẫn Đức Gioan Phao-lô II đều đã đến viếng Thánh Đường này.  Trong nghệ thuật hội họa, cô được trình bày với hình ảnh một cô bé trong tay cầm bông huệ và cành lá cọ – biểu tượng của sự Đồng Trinh Tử Đạo.

Chẳng bao lâu sau khi Maria Goretti qua đời, nhiều người đơn thành, đặc biệt là các nông dân, đã bắt đầu tôn kính cô như một vị Thánh.  Lòng sùng kính dành cho cô càng ngày càng được nhân lên, và nở rộ dưới thời Phát-xít.  Trong thời chiến tranh, cả trong cuộc thế chiến thứ nhất lẫn thế chiến thứ hai, một vai trò mới của phụ nữ trong gia đình và xã hội đã trở nên nổi bật, và vì thế, mẫu gương của Maria Goretti đã được Giáo hội sử dụng để tán dương hình ảnh của phụ nữ trong vai trò truyền thống của mình với tư cách là những người mẹ và những người nội trợ tận tâm.  Alexandro – kẻ sát hại Maria Goretti – đã làm chứng về cô với những lời như sau: “Tôi không biết bất cứ điều gì khác về cô ấy ngoài việc biết rằng, cô là một cô bé tốt lành, ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ, kính sợ Thiên Chúa, nghiêm trang, không nhẹ dạ nông nổi và không thất thường như những cô bé khác; trên đường đi, cô ấy luôn luôn khiêm tốn, nhã nhặn, và chỉ nghĩ về chuyện làm sao để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.”

Vào ngày 27 tháng 04 năm 1947, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong Maria Goretti, “Tớ Nữ Đáng Kính của Thiên Chúa”, lên bậc Chân Phước.  Trong Thánh Lễ tôn phong Chân Phước cho Maria Goretti, Đức Piô XII đã giới thiệu cô như là một ý tưởng ngời sáng và là một mẫu gương của sự giữ mình.

Ngay sau khi Maria Goretti được tôn phong lên bậc Chân Phước, cô đã thực hiện hai phép lạ chữa lành.  Phép lạ thứ nhất được cô thực hiện cho Anna Grossi Musumarra vào ngày mồng 04 tháng 05 năm 1947, và phép lạ thứ hai đã được cô thực hiện cho công nhân Giuseppe Cupe vào ngày mồng 08 tháng 05 cùng năm.  Anna Grossi đã phải chịu đựng cơn bệnh sưng màng phổi rất nặng.  Một thành viên trong gia đình của cô đã lên đường đến nơi bảo quản các Thánh Tích của Chân Phước Maria Goretti.  Người này đã ngắt một ít lá trên những đóa hoa được đặt trên rương đựng các Thánh Tích của vị Chân Phước, và mang những chiếc lá đó về cho bệnh nhân.  Bệnh nhân đã tiếp nhận những chiếc lá đó, và chỉ 24 tiếng đồng hồ sau, cô đã được hoàn toàn khỏi bệnh.  Còn anh Giuseppe Cupi thì lại bị một tai nạn: Một tảng đá khá lớn đã rơi xuống chân anh khi anh đang làm việc, và vì thế, tất cả bàn chân của anh đều bị dập nát.  Anh đã phó thác sự việc cho Chân Phước Maria Goretti.  Ngay sau đó, sự đau đớn đã biến mất, và anh đã có thể quay trở lại nơi làm việc ngay trong ngày hôm đó.

Vào ngày 24 tháng 06 năm 1950, sau hơn ba năm được tôn phong lên bậc Chân Phước, Maria Goretti đã được Đức Thánh Cha Piô XII tôn phong lên bậc Hiển Thánh.  Thánh Lễ Tôn Phong Hiển Thánh này đã diễn ra tại quảng trường Thánh Phê-rô với sự tham dự của hàng triệu tín hữu.  Trong số đó có rất nhiều những người hành hương từ xa đến, vì năm 1950 là Năm Thánh.  Thân mẫu của vị Thánh, bà Assunta Carlini, lúc đó đã 85 tuổi, cũng đã hiện diện trong buổi Lễ Tôn Phong Hiển Thánh cho con mình, giống như bà đã tham dự Lễ tôn Phong Chân Phước của con bà.  Thánh Lễ này có một điều đặc biệt, đó là sự hiện diện của Thầy Alexandro Serinelli – người đã sát hại Maria Goretti 48 năm trước đó, nhưng giờ đây đã là Tu Sĩ của Dòng Thánh Phan-xi-cô.

Vào năm 1951, Thánh Nữ Maria Goretti đã được Giáo hội đặt làm Nữ Bổn Mạng của các Hội Đoàn Đức Maria.

Giáo hội mừng kính Thánh nữ Maria Goretti vào ngày mồng 06 tháng 07, tức ngày qua đời của Thánh Nữ, với bậc Lễ Nhớ không buộc.

Phần lớn các Thánh Tích của Thánh Maria Goretti hiện đang được bảo quản và tôn kính tại Corinaldo, Italia, nơi chôn nhau cắt rốn của Ngài.  Phần còn lại, gồm hộp sọ và xương tay chân của Ngài, hiện đang được bảo quản và tôn kính tại Nettuno, Italia, nơi Thánh Nữ trút hơi thở cuối cùng.

Lm Đa-minh Thiệu O. Cist

DỊU HIỀN

Truyện kể: Thánh Jean Vianney, lúc còn là chủng sinh học hành rất chậm.  Ngày kia, một giáo sư thần học thừa lệnh Đức giám mục, đến khảo sát Vianney xem có đủ khả năng học vấn để tiến tới chức linh mục không.  Vianney không thể trả lời xuông sẻ câu hỏi nào cả.  Vị giáo sư nổi nóng đập bàn nói: Vianney, anh dốt đặc như con lừa.  Với một con lừa như anh, Giáo Hội hy vọng làm nên trò trống gì?  Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời: Thưa Thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương con lừa mà đánh bại 3 ngàn quân Philistin.  Vậy với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm được việc gì sao?

Sách tiên tri Giacaria được xếp vào áp cuối của bộ sách Cựu Ước.  Giacaria sinh sống tại Giêrusalem và thi hành sứ vụ tiên tri vào khoảng năm 520-518 trước Công nguyên.  Với việc lên ngôi của Zerubbabel, dòng dõi vua Đavid, Thiên Chúa khai mở triều đại mới trong vinh quang và sang giầu cho Giêrusalem.  Thiên Chúa muốn Zerubbabel và Joshua xây dựng lại Đền Thờ và lập lại hàng giáo sĩ giữ việc thờ phượng và dâng hương tại đó.  Giacaria cũng là một trong những người Do-thái bị lưu đầy được trở về Giêrusalem.  Ông cùng được dự phần trong nhóm các tiên tri Do-thái.  Ông phấn chấn lòng dân về tin mừng của Đấng cứu độ: Đây Chúa phán: Hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng; hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy reo mừng: Nầy vua ngươi đến với ngươi.  Người là Đấng công chính và là Đấng cứu độ.  Người khiêm tốn ngồi trên lừa con của lừa mẹ (Zach 9, 9).  Tiên báo về Đấng công chính ngồi trên lưng lừa con bước vào thành thánh Giêrusalem với lời tung hô vạn tuế.  Con cái Sion tung hô nhảy mừng ca hát: Vạn tuế, tung hô Đấng nhân danh Chúa mà đến.

Người đời hãnh diện với danh vọng và quyền lực để cai trị nhân dân.  Có nhiều người tự cao tự đại làm như họ sở hữu mọi gia sản trên đời.  Sự khôn ngoan, tài trí, sức mạnh và cả sự sống đều là ân huệ được trao ban.  Mỗi người có khả năng để phát triển tất cả kho tàng quý báu được ẩn dấu và phú bẩm.  Không có sự gì chúng ta sở hữu mà không do ơn trên ban cho.  Cho dù có thông giỏi, quyền thế và uy lực, con người cũng không thể hiểu thấu chính mình và vũ trụ chung quanh.  Chúa Giêsu Đấng trung gian vạn vật đã lên tiếng nói rằng: Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã dấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn (Mt 11, 25).  Thiên Chúa mạc khải nước trời cho những tâm hồn đơn sơ và chân thành.  Không phải cứ thông minh hiền triết là nắm giữ được chìa khóa của sự khôn ngoan.  Sự khôn ngoan gắn liền với sự đơn sơ khiêm tốn.

Sau khi chịu chức linh mục, cha Jean Vianney vì nổi tiếng nhân đức, giáo dân các giáo họ lân cận tuôn đến tham dự thánh lễ, nghe giảng và xưng tội.  Một cha sở kia tức giận vì tín hữu bỏ mình đến với cha Vianney.  Ông cha này đã viết thơ nhục mạ cha Vianney.  Cha Vianney nhận thơ, vội tìm tới xin cha sở kia xin tha lỗi và khẩn khoản xin cha sở kia giúp trình Đức giám mục đổi Vianney đi vùng khác hay tốt hơn cho nhập dòng nào đó để khỏi làm phiền các cha lân cận.  Trước thái độ khiêm hạ đó, cha sở kia quì mọp xuống xin lỗi và từ đó chọn cha Vianney là cha linh hướng.

Hãy tìm học với Chúa Kitô: Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an (Mt 11, 29).  Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa toàn năng toàn mỹ.  Chúa cư ngụ giữa xã hội con người đầy tội lỗi, yếu đuối và mỏng dòn.  Dù tình trạng con người xấu xa đến mức nào đi nữa, Chúa vẫn yêu thương, chữa lành và cứu độ.  Chúa không loại trừ sự dơ dáy tanh hôi của bệnh tật và tội lỗi.  Một Thiên Chúa tốt lành vô cùng lại phải đối đầu với sự tà tâm của con người.  Chúa đã nhiều lần tranh luận, thuyết phục, răn dậy, sửa sai, hướng dẫn và dậy dỗ cả các Thượng tế, Tư tế, Biệt Phái, Luật sĩ, các Đầu mục các phái, các vị lãnh đạo và toàn dân.  Với lòng thương xót tuyệt đối, ánh sáng của Chúa chiếu dọi vào từng tâm hồn.  Chúa muốn chúng ta hãy học nơi Chúa sự dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng.

Trong khi loài người, gọi là đồng loại, thì phân biệt và cách biệt.  Phân biệt chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống, mầu da, sắc tộc, giầu nghèo, học thức, chức vị và muôn ngàn cách thế dị biệt.  Hình như nhiều người luôn tìm cách đánh giá sự hơn thua và vinh nhục ở đời như là cùng đích.  Dân tộc nào cũng muốn trội hơn.  Người nào cũng muốn khoe tài, khoe của.  Đâu mấy ai khoe sự khó nghèo, khiêm nhường hay hiền lành.  Nếu cứ mải mê chạy đua tìm kiếm những triều thiên giả tạo, chúng ta sẽ bị chìm đắm trong vòng xoáy tục lụy trần đời.  Biết rằng, sống là phải vươn lên và phấn đấu không ngừng.  Cho dù đứng trong bất cứ địa vị nào trong xã hội, chúng ta cũng chỉ là một con người đầy khuyết điểm và yếu đuối.  Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đấng kế vị thánh Phêrô, đã tiếp nhận được bài học quý giá của sự dịu hiền và khiêm hạ.  Từng việc cụ thể ngài thực hiện trong những ngày tháng qua đã làm nổi bật sứ vụ của đấng thay mặt Chúa.  Đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ.

Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt đối cho mọi người trong mọi thời.  Là môn đệ của Chúa, chúng ta cần suy tư sâu lắng tất cả những lời chỉ dậy và hành động gương sáng của Chúa.  Chúa giảng về sự tha thứ, thương xót, bác ái, khó nghèo, trong sạch, hiền lành, khiêm nhường, chịu đựng, hy sinh và ngay cả chết cho bạn hữu.  Chúa đã giảng và đã thực hành.  Trong khi chúng ta thích khoe mẽ, nói nhiều mà chẳng muốn áp dụng.  Lời nói chẳng đi đôi với việc làm, đôi khi còn ngược lại, nói một đường, làm một nẻo.  Khuyên dậy, giảng giải, trình bầy và thuyết phục điều hay lẽ phải thì ai cũng có thể làm được, nhưng thực hành những điều này cần có một ý chí và quyết tâm cao.  Thực hành sống đạo cũng thế, chúng ta cần có thái độ chọn lựa dứt khoát bước theo lề phải.  Tu thân tích đức từng bước mỗi ngày.  Các thói quen tốt lành sẽ trở thành các nhân đức.  Nhân đức dẫn chúng ta tiến gần trên con đường trọn lành.

Thánh Phaolô khuyên dậy: Vì chưng, nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ thần trí mà anh em đã giết được các hành động thân xác, thì anh em sẽ được sống (Rm 8, 13).  Thân xác con người vốn có bản năng yếu đuối.  Các cơn cám dỗ luôn rình rập kéo lôi chúng ta trở lại tình trạng man rợ xa Chúa.  Nhờ thần trí hướng dẫn, chúng ta có thể thắng vượt những cạm bẫy giăng mắc quanh môi trường cuộc sống.  Xác thịt thì nặng nề yếu đuối nhưng thần trí cần phải dũng mạnh và cương trực.  Thân xác là máng chuyển các ơn huệ vào tâm hồn.  Chúng ta cần bồi dưỡng sức mạnh cho cả xác lẫn hồn để có hồn trong, xác mạnh.  Sứ mệnh và cùng đích của toàn diện cuộc sống con người là sự sống viên mãn ngày sau.

Lạy Chúa, dòng nước sẽ tuôn chảy về chỗ thấp trũng.  Ơn sủng của Chúa cũng tuôn đổ vào những tâm hồn biết khiêm nhượng đón nhận.  Xin cho chúng con biết mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân của Chúa.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng