THÁNH ANPHONGSÔ, CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

Thánh Anphong Đấng Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế.  Tiến Sĩ Hội Thánh.  Bổn mạng các nhà luân lý Công giáo.  Bổn mạng các cha giải tội.

Anphong Maria de Liguori sinh năm 1696 trong một gia đình quý tộc và giàu có ở Napoli.  Cha ngài, Don Giuseppe là sĩ quan Hải quân Hoàng gia đầy nghị lực, ý chí và trách nhiệm.  Mẹ ngài là bà Anna Catarina Cavalieri danh giá và thùy mị.  Gia đình được tám người con, Anphong là con cả.

Với trí thông minh đặc biệt, lại được giáo dục trong một môi trường thuận lợi để phát triển mọi khả năng trong mọi lãnh vực triết học, toán học, khoa học, văn chương và nghệ thuật.  Vì vậy, khi chỉ mới 16 tuổi, Anphong đã xuất sắc đạt được cả hai bằng tiến sĩ ưu hạng về Giáo luật và luật dân sự.

Cả kinh thành Napoli ngưỡng mộ vị luật sư trẻ trung tài hoa với kỳ tích, trong vòng tám năm, từ năm 1715 đến 1723 ngài đã thắng tất cả các vụ kiện.

Con đường công danh trải thảm mượt mà dưới chân vị luật sư trẻ đầy tài năng, dẫn ngài đi tới hết vinh quang này tới vinh quang khác.  Nhưng Thiên Chúa đã có một kế hoạch khác cho ngài.  Với những ân sủng Thiên Chúa ban, cộng với tinh thần đạo đức sốt mến và lòng yêu thương người nghèo, nhất là những người nghèo bị bỏ rơi hơn cả, Anphong đã mau chóng nhận ra thánh ý Chúa định cho cuộc đời mình, và ngài đã cương quyết thi hành.

Năm 1723 trong một vụ kiện lịch sử, Anphong, với lương tâm trung thực và thanh liêm, nghĩ tưởng công lý nằm trong lẽ phải, nhưng ngài bàng hoàng khi thấy đồng tiền bẻ cong công lý, quyền lực giày đạp luật pháp dưới chân.  “Hỡi thế gian, ta biết ngươi rồi… Vĩnh biệt pháp đình” là câu nói cuối cùng của vị luật sư trẻ khi nhìn ra được bộ mặt gian xảo của thế gian.

Cắt hết mọi mối tương quan, chìm đắm trong cô tịch để làm lại cuộc đời, nhưng vẫn duy trì nếp sống đạo đức và viếng thăm bịnh nhân.  Ngày kia, một câu nói xoáy vào tâm hồn: “Hãy để thế gian lại đó và hiến mình cho Ta,” Anphong tỉnh ngộ chạy đến nhà thờ Đức Maria Chuộc Kẻ Làm Tôi, rút thanh gươm quý tộc đặt dưới chân Đức Maria và thưa: “Vĩnh biệt thế gian và của cải phù vân.  Lạy Chúa, đời con nay thuộc về Chúa.  Chức tước và của cải gia đình, con xin dâng làm lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa và cho Mẹ Maria.”

Dù người cha phản đối kịch liệt và làm mọi cách lôi kéo Anphong về lại thế gian, nhưng ngài vẫn quyết tâm trở thành tôi tớ của Đức Kitô.  Được thụ phong linh mục vào năm 1726 tại Tổng giáo phận Napoli, lúc ấy còn nhập nhằng lem luốc với hàng giáo sĩ xa hoa và các vị thánh, những tu sĩ dốt nát, sân si bên cạnh những vị dấn thân cho việc thăng tiến con người, cho những giá trị Kitô giáo, những cha giải tội phóng khoáng bên cạnh những linh mục nghiêm khắc, phản ánh đàng sau đó là sự đối chọi của hai nền luân lý khắt khe của phái Jansenisme, và phóng khoáng của phái Laxisme.

Cha Anphong gia nhập Hội Tông Đồ Thừa Sai của Giáo Phận để rao giảng Tin Mừng và dạy giáo lý cho những người nghèo khổ, bần cùng, đa phần bị nhiễm các thói hư tật xấu, bị cả Giáo hội lẫn xã hội bỏ rơi ở Napoli.  Ngài nhiệt thành xây dựng đời sống đức tin cho họ, khích lệ họ cải thiện lối sống, và nhẫn nại dạy họ cầu nguyện.

Chính sự gần gũi với đoàn chiên không người chăn dắt, Giáo hội qua cha Anphong đã đến vùng ngoại vi của việc chăm sóc mục vụ, làm sáng lên vẻ đẹp vốn có của Giáo hội, phải lem luốc trên đường phố với người nghèo chứ không ẩn mình trong sự an toàn giả tạo.  Sáng kiến mục vụ và sự dấn thân của Cha Aphongsô đã đạt kết quả rất đáng khích lệ.

Trong những khu “ổ chuột” nơi đầy rẫy “những bọn cặn bã” của thành phố, hình thành những nhóm người đêm đêm qui tụ nhau trong các tư gia để cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, hình thành nên “những nguyện đường về đêm.”  Dưới sự hướng dẫn của ngài và những thiện nguyện viên, việc giáo dục đức tin, luân lý và sự tương thân tương ái vừa cải hóa tâm hồn con người, vừa giúp cải tạo môi trường xã hội, vừa đẩy lùi những tệ nạn xã hội.

Hành trình của vị mục tử đi tìm những con chiên lạc còn khám phá ra những vùng đất như thể “Đức Kitô chưa bao giờ đặt chân đến” trong vương quốc Napôli, khiến tâm hồn ngài rúng động trước những đám đông nghèo khó bị bỏ rơi, gồm những nông dân và những mục đồng còn chưa biết sống người cho ra người, nói gì đến việc sống đời Kitô hữu.  Năm 1732, sau bao khó khăn phải vượt qua, nhưng với xác tín mãnh liệt và được Thánh Thần soi sáng thúc đẩy, cha Anphong lập Dòng Chúa Cứu Chuộc Rất Thánh.

Các tu sĩ, dưới sự hướng dẫn của Cha Anphongsô, trở thành những vị thừa sai của Chúa Cứu Thế với con tim tràn ngập niềm vui, mạnh mẽ trong đức tin, phấn khởi trong đức cậy, sốt sắng bởi lòng mến, bừng cháy lòng nhiệt thành, trong sự khiêm hạ của tâm hồn và bền chí cầu nguyện; bỏ mình và luôn sẵn sàng đảm nhận những công việc khó khăn, tham dự vào mầu nhiệm của Đức Kitô và công bố mầu nhiệm ấy bằng đời sống và lối nói giản dị theo tinh thần Phúc Âm, hầu đem lại ơn Cứu Chuộc chứa chan cho con người (x.HP 20).  Nhân đức và lòng nhiệt thành tông đồ của cha Anphong lan tỏa khắp nơi.

Năm 1762 Cha được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Thánh Agata dei Goti.  Đến năm 1775, vì già cả, bệnh tật, ngài đã từ nhiệm.  Năm 1787, ngài được Chúa gọi về trong sự tiếc thương của mọi người: “Chúng ta đã mất một vị thánh.”  Năm 1839, Anphongsô được tuyên phong hiển thánh và năm 1871, Tòa Thánh tuyên dương ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh vì đã đóng góp hữu hiệu cho nền Thần học Luân lý, và 1950 Đức Thánh Cha Piô XII công bố ngài là “Quan Thầy của tất cả các cha giải tội và của các nhà Thần học Luân lý.”

Thời thánh Anphong, phái Jansenisme chủ trương khắt khe đến nỗi, thay vì rao giảng sự xót thương của Chúa để kêu gọi lòng tín thác, họ lại trình bày khuôn mặt của một vị Thiên Chúa công minh lạnh lùng và hay trừng phạt, khiến người ta không dám xưng tội, vì sợ sẽ phạm tội lại.  Cha Anphong, với lương tâm người mục tử, đã viết một tác phẩm mang tựa đề “Thần học Luân lý”, mang tính quân bình và có sức thuyết phục giữa các đòi hỏi của lề luật Thiên Chúa, được ghi khắc trong con tim con người, được Đức Kitô mạc khải cách trọn vẹn và được Giáo Hội giải thích một cách có thẩm quyền, với các dạng thức của lương tâm và sự tự do của con người; chính trong việc gắn bó với chân lý và sự thiện mà người ta có thể đạt được sự trưởng thành và kiện toàn chính mình.

Công trình của thánh Anphong để lại cho Giáo hội một nền tảng vững vàng về Thần học luân lý vẫn còn hữu ích cho đến nay.  Ngài thường khuyên các mục tử hãy trung thành với giáo huấn luân lý Công Giáo với thái độ bác ái, cảm thông, dịu dàng để các hối nhân cảm thấy cha giải tội là người đồng hành, nâng đỡ và khích lệ trong đời sống đức tin.

Thánh Anphong luôn nhắc rằng, các linh mục phải phản ánh dung mạo của lòng Chúa xót thương, là Đấng luôn sẵn sàng tha thứ và kiên trì kêu gọi kẻ tội lỗi hoán cải và canh tân đời sống.  Bên cạnh các tác phẩm thần học, Thánh Anphong còn viết rất nhiều sách đạo đức thiêng liêng khác, với văn phong bình dân giản dị, nhằm đào tạo đức tin và lòng sùng mộ cho dân chúng.  Đáng kể là các tác phẩm đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau như, “Le Massime eterne” (Các châm ngôn vĩnh cửu), “Le glorie di Maria” (Vinh Quang Đức Maria), “La practica d’amore Gesù Cristo” (Thực hành lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô).  Đây là tác phẩm sau cùng vừa tổng hợp những suy tư, vừa nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc cầu nguyện, vì nhờ đó, người ta mở lòng cho Ân Sủng, để chu toàn ý muốn của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày và đạt đến sự thánh hóa.

Thánh Anphong còn là tông đồ về cầu nguyện, Ngài viết: “Thiên Chúa không từ chối ơn thánh từ những lời cầu nguyện; với ơn thánh đó người ta được trợ giúp để vượt thắng mọi dục vọng và những cơn cám dỗ.  Tôi nói và tôi sẽ còn lặp lại mãi, bao lâu tôi còn sống, rằng tất cả ơn cứu độ của chúng ta là ở nơi việc cầu nguyện.”  Từ đó có phương châm: “Ai cầu nguyện, sẽ được cứu rỗi.”

Trong số các hình thức cầu nguyện, nổi bật là viếng Thánh Thể.  Ngài viết: “Chắc chắn trong tất cả các việc đạo đức thì đứng đầu, sau các Bí Tích, là việc thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, là điều Chúa ưa thích và là điều sinh ích lợi cho chúng ta nhất…  Ôi, dịu ngọt biết bao khi hiện diện trước bàn thờ với đức tin… và dâng lên Chúa Giêsu Thánh Thể các nhu cầu của mình, như một người bạn làm với một người bạn với tất cả sự tín cẩn” Mầu nhiệm Nhập Thể và Thương Khó của Đức Giêsu cuốn hút Thánh Anphong trong việc suy niệm và giảng thuyết, vì chính ở điểm này, Đấng Cứu Thế trở nên quà tặng cho nhân loại, và “Ơn Cứu Chuộc nơi Người chứa chan.”  Đó chính là Linh đạo của Thánh Anphong, tập trung vào Chúa Kitô và Tin Mừng của Người.

Từ Tình yêu Chúa và công ơn Cứu Chuộc của Người, với lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Aphongsô đã giải thích vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ, với tất cả mọi danh hiệu và tước vị ngày nay người ta có thể thấy trong Kinh cầu Đức Bà.  Ngài còn quả quyết, những ai có lòng sùng kính đối với Mẹ Maria sẽ không bị hư mất, vì Mẹ là chốn nương ẩn cuối cùng, là niềm ủi an trong phút lâm chung.

Đối với Giáo hội nói chung và với Dòng Chúa Cứu Thế nói riêng, Thánh Anphong luôn là một tấm gương sáng về lòng nhiệt thành tông đồ, loan báo Tin Mừng cho mọi người, nhất là những người nghèo khó bị bỏ rơi, chuyên chăm cầu nguyện, sốt sáng cử hành các Bí Tích và một lòng sùng mộ Đức Maria.  Không một ai ở ngoài Ơn Cứu Chuộc của Chúa, vì Chúa luôn từ ái một niềm, vì Ơn Cứu Chuôc nơi Người chứa chan (Tv 129,7).

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

PHÉP LẠ CỦA SỰ LẮNG NGHE

Mỗi lần được nghe bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thường liên tưởng đến phép lạ Chúa hoá bánh ra nhiều hay là hình ảnh tiên báo về bí tích Thánh Thể.  Đây là cái nhìn thông thường.  Thế nhưng, theo tường thuật của thánh Mat-thêu, phép lạ đã diễn ra ngay từ lúc đám đông tìm kiếm Chúa.  Họ vượt qua mọi trở ngại của ngăn sông cách núi.  Họ rỉ tai nhau.  Họ lũ lượt mời gọi nhau lên đường tìm kiếm Chúa.  Họ đến với Chúa không phải vì miếng ăn.  Họ không xin Chúa bánh ăn.  Họ tìm Chúa để được nghe lời Người rao giảng.  Họ muốn tìm ra chân lý của cuộc đời.  Họ muốn hiểu về giá trị và mục đích của cuộc sống.  Thực sự họ đã say mê khi nghe Chúa giảng về Nước Trời.  Họ đã bị lôi cuốn bởi lời rao giảng của Chúa đến mức độ quên cả thời gian.  Trời đã tối mà xem ra đám dân chúng này vẫn chưa muốn rời xa Chúa.  Họ vẫn muốn được nghe lời hằng sống phát ra từ môi miệng Chúa.

Thánh Matthêu còn kể tỉ mỉ là số lượng khoảng trên 5.000 người đàn ông, không kể phụ nữ và trẻ em.  (Nếu tính tổng cộng phải trên 10.000 người).  Đây cũng là một sự kiện lạ.  Một sự kiện mà cho tới hôm nay dù rằng có âm thanh hỗ trợ, có phương tiện tối tân vẫn khó khăn truyền tải sứ điệp đến với thỉnh giả tại bãi biển đầy sóng gió ồn ào.  Nơi mà người ta nói “ăn sóng nói gió,” phải nói thật to, phải gào thật lớn mới nghe được nhau.  Thế mà, lời rao giảng của Chúa Giê-su lại đến với tai mọi người.  Mặc dù không micro, không loa phóng thanh.  Ngài nói trong gió trời lồng lộng, trong sóng vỗ miên man mà ai cũng nghe được.  Ai cũng hiểu.  Ai cũng say sưa nghe giảng.  Quả thực, đây là một phép lạ!  Phép lạ của sự tôn trọng và lắng nghe.  Họ tôn trọng Chúa là người đang nói và cũng tôn trọng tha nhân là người đang lắng nghe.  Thông thường ai cũng muốn nói, nhưng ở đây hầu như ai cũng muốn lắng nghe.  Chính nhờ thế mà đám đông đã tạo thành một không gian thanh bình, một nơi chốn của thinh lặng cho con tim rung cảm chan hoà yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.

Và hôm nay phép lạ đó vẫn có thể tái diễn trong cuộc sống khi chúng ta biết lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau.  Khi mỗi người biết nhường nhịn nhau và tha thứ cho nhau.  Thế giới hôm nay rất cần phép lạ này để thế giới được thanh bình hơn.  Để con người biết đối thoại với nhau trong chân thành, cởi mở và yêu thương.  Một thế giới mà con người biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, đó cũng là một thế giới hòa bình, một thế giới của bình an mà người người biết trao cho nhau niềm vui và hoan lạc hạnh phúc.  Một thế giới mà còn đầy những hiềm khích, nói xấu, bỏ vạ cáo gian thì làm sao có những giây phút bình yên.  Kẻ gieo gió đã gây tai họa tổn thất cho người khác và chính họ cũng sẽ không có được tâm hồn thanh thản bình an.

Một gia đình hạnh phúc là một gia đình biết lắng nghe nhau.  Vợ chồng lắng nghe nhau trong chân thành cởi mở.  Con cái vâng lời cha mẹ.  Kính yêu ông bà và cùng nhau kiến tạo một gia đình hạnh phúc yêu thương.  Một thôn ấp văn hóa là một thôn ấp người người biết nhường nhịn nhau.  Tối lửa tắt đèn có nhau trong sự chia cơm sẻ áo.  Không thể có một ấp văn hóa nếu hàng xóm láng giềng vẫn lời qua tiếng lại.  Chê bôi, dè bửu nhau.  Chỉ gây thêm hận thù.  Đánh mất truyền thống tổ tiên. “Thương người như thể thương thân.  Người trong một nước phải thương nhau cùng.”  Một xứ đạo hiệp nhất là một xứ đạo cảm thông tha thứ và sống chan hòa tình huynh đệ.  Một xứ đạo đúng nghĩa phải mô phỏng lại lối sống của cộng đoàn Giáo hội thời sơ khai mà sách tông đồ công vụ đã ghi lại.  “Ngày ngày họ chuyên chăm cầu nguyện, lắng nghe lời các tông đồ giảng dạy và gom góp của cải thành của chung.”  Một con người biết đóng góp và xây dựng giáo xứ trước tiên phải hỏi chính mình: “Tôi đã làm gì cho giáo xứ,” hay tôi chỉ là một lữ khách, sống bàng quan với công việc của giáo xứ.

Nét đẹp của Bài Phúc âm hôm nay không chỉ dừng lại ở việc con người biết lắng nghe và tôn trọng nhau mà còn quan yếu ở chỗ sự chia sẻ lương thực được trao tặng cho nhau.  Cho dù chỉ với phần lương thực quá ít ỏi của một đứa bé.  Thế nhưng, với 5 chiếc bánh và hai con cá được trao ban từ lòng quảng đại đã được Chúa nhân lên đến nỗi nuôi đủ 5 ngàn người ăn, không kể đàn bà và trẻ con.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn quảng đại cho đi chính bản thân của mình, để trở nên nguồn sống cho tha nhân.  Xin giúp cho mỗi người chúng ta luôn biết cho đi chính sự sống mình để gieo mần sống đức tin cho các thế hệ mai sau.  Xin cho chúng ta luôn đơn sơ nhỏ bé ngõ hầu dễ dàng lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau để xây dựng một thế giới văn mình tràn đầy tình thương.  Amen!

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

THÁNH NỮ MARTHA

Thánh nữ Martha cùng sống với em gái là Maria và em trai là Lazarus tại làng Bethany, gần Jerusalem.  Vào cuối quãng đời công khai, Chúa Giêsu thường ghé thăm nhà của ba người bạn thân thiết này.  Những mối cảm tình thắm thiết đã liên kết ba vị với Chúa Giêsu.

1. Tình yêu Thầy Chí Thánh và niềm tin vào sự giúp đỡ của Người.

Ngày lễ kính thánh nữ Martha là dịp để chúng ta đi vào ngôi nhà thường được diễm phúc đón tiếp sự hiện diện của Chúa Giêsu tại Bethany.  Tại đây, gia đình của Martha, Maria, và Lazarus, Chúa tìm được sự nghỉ ngơi sau những chuyến rao giảng mệt nhoài qua những thị thành.  Chúa Giêsu đã tìm đến nương ẩn nơi những bạn bè của Người, nhất là trong những ngày sau cùng khi Người thường xuyên gặp hiểu lầm và khinh bỉ, đặc biệt là từ những người Biệt Phái.  Những tình cảm Thầy Chí Thánh dành cho những người bạn của Người tại Bethany đã được thánh Gioan ghi lại trong Phúc Âm: Chúa Giêsu yêu thương Martha, hai người em của bà là Maria và Lazarus.  Quả thật, họ là những người bạn thiết của Chúa!

Phúc Âm thánh lễ hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu đến thăm gia đình này vào bốn ngày sau khi Lazarus qua đời.  Trước đó, khi Lazarus đang bệnh nặng, hai người chị, đầy lòng tin tưởng, đã gửi tin báo cho Thầy Chí Thánh: Lạy Thầy, người Thầy yêu đang ốm nặng.  Khi ấy, Chúa Giêsu còn ở tại Galilê, cách Bethany một vài ngày đàng.  Khi nghe tin Lazarus lâm bệnh, Chúa vẫn lưu lại nơi ấy thêm hai ngày nữa.  Sau đó, Người nói với các môn đệ: ‘Nào chúng ta cùng trở lại Judaea.’  Nhưng khi Chúa đến nơi, Lazarus đã chết và chôn trong mồ được bốn ngày.

Lúc nào cũng lưu tâm sốt sắng, nên Martha đã nhận ra Chúa Giêsu khi Người còn ở đàng xa, và đã kịp ra chào đón.  Mặc dù phản ứng của Chúa xem ra không chiều theo ước nguyện của Martha, nhưng tình yêu và niềm tin của thánh nữ vẫn không suy giảm.  Martha thưa với Chúa – Nếu Thầy có mặt ở đây, thì em con không chết.  Bà đã tế nhị trách Chúa vì đã không đến sớm hơn.  Martha hy vọng Chúa chữa lành cho em bà khi còn đang bệnh.  Nhưng Chúa Giêsu, với một cử chỉ thân thiện, có lẽ mỉm cười, đã làm bà phải ngạc nhiên: Em con sẽ sống lại.  Martha đón nhận những lời an ủi ấy, nhưng hiểu về ý nghĩa của ngày phục sinh, nên đã đáp lại: Con biết em con sẽ sống lại trong ngày sau hết.  Câu đáp của thánh nữ đã mở đường cho lời tuyên bố của Chúa Giêsu về thần tính của Người: Ta là sự Sống Lại và là Sự Sống; ai tin nơi Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống, và bất cứ ai sống mà tin Ta thì sẽ không phải chết bao giờ.  Rồi Chúa hỏi thẳng Martha: Con có tin không?  Ai có thể phản kháng uy quyền tối thượng của lời tuyên bố: Ta là sự Sống Lại và là Sự Sống…  Ta là nguyên nhân hiện hữu của mọi vật hiện hữu.  Chúa Giêsu là Sự Sống, không chỉ là Sự Sống đời sau, mà còn là Sự Sống hiện tại, trong đó, ơn thánh hoạt động trong linh hồn chúng ta đang khi chúng ta đang chiến đấu.  Những lời ngoại thường này trấn an và lôi kéo chúng ta đến gần Chúa Kitô hơn nữa.  Những lời ấy cũng đưa chúng ta đến chỗ nhận những lời đáp của thánh nữ Martha như của chính chúng ta: Con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, đã xuống thế gian.  Sau đó một lúc, Chúa Giêsu đã làm phép lạ, cho Lazarus sống lại từ cõi chết.

Chúng ta thán phục đức tin và muốn noi gương thánh Martha trong mối tương quan tín thác của thánh nữ vào Thầy Chí Thánh: Bạn đã nhìn thấy tình cảm và niềm tin mà những người bạn thân của Chúa Kitô đã xử đối với Người hay chưa?  Một cách hết sức tự nhiên, hai người chị của Lazarus đã ‘trách’ Chúa Kitô vì đã đi vắng: ‘Nếu như Thầy có mặt ở đây!’

Bạn hãy thưa với Chúa trong niềm tin tưởng an bình: “Xin dạy chúng con biết đối xử với Chúa bằng tình thân thắm thiết như Martha, Maria, và Lazarus, như mười hai Tông Đồ đầu tiên đã đối xử với Chúa, ngay cả như thời gian ban đầu, khi các ngài theo Chúa có lẽ không vì những lý do siêu nhiên nào cả.”

2. Nhân tính rất thánh của Chúa Giêsu.

Một thời gian sau, gần đến lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu lại ghé thăm các người bạn: Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến Bethany, nơi Lazarus đã chết, người đã được Chúa Giêsu cho sống lại từ cõi chết.  Ở đó, họ dọn bữa tối thết đãi Chúa Giêsu; Martha lo hầu bàn, còn Lazarus là một trong những người cùng dự tiệc với Người.

Martha lo hầu bàn… Chắc hẳn thánh nữ đã thực hiện điều này với một lòng tri ân.  Đấng Cứu Thế đang có mặt tại nhà; Thiên Chúa cần được thánh nữ phụng sự.  Thánh nữ được phụng sự Thiên Chúa.  Thiên Chúa làm người để đồng hóa với những nhu cầu nhân loại, thành ra chúng ta có thể học biết yêu mến Người qua Nhân Tính Rất Thánh của Người và có thể trở nên những bạn thân của Người.  Chúng ta thỉnh thoảng hãy nhớ lại chính Chúa Giêsu đã từng ở Nazareth, ở Capharnaum, từng ở Bethany xưa, cũng đang nóng lòng đợi chờ chúng ta tại nhà tạm gần nhất.  Người đang cần sự quan tâm và phục vụ của chúng ta.  Quả thật, tôi luôn luôn gọi nhà tạm của chúng ta là nhà Bethany.  Bạn hãy trở nên một bạn thân của Thầy Chí Thánh – như Lazarus, Martha, và Maria – và rồi bạn đừng hỏi tôi tại sao tôi lại gọi các nhà tạm là nhà Bethany nữa.  Chúa Kitô đang hiện diện một cách bí tích tại đó.  Chúng ta đừng hờ hững với Người.  Hằng ngày, chúng ta hãy đến kính viếng và bầu bạn với Người, không hấp tấp, không lo ra, nhất là trong những giờ phút quí báu sau khi được lãnh nhận Thánh Thể.  Thời gian ấy lợi ích biết bao cho chúng ta!

Theo thánh Thomas, đối với Thiên Chúa, nhập thể là phương thức hữu hiệu và lợi ích nhất trong việc cứu độ nhân loại.  Thánh nhân nêu ra các lý do sau: đối với đức tin – điều ấy dễ tin hơn, bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng phán dạy; đối với đức cậy – ý chí cứu độ của Thiên Chúa được biểu trưng qua bằng chứng lớn lao này; đối với đức ái – bởi vì không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu; và đối với chính các hành vi của tình yêu – bởi vì Thiên Chúa trở nên gương mẫu cho chúng ta.  Qua việc nhập thể, Thiên Chúa đã tỏ ra giá trị lớn lao của từng con người.  Qua sự khiêm nhượng, Thiên Chúa đã chà đạp tính kiêu ngạo của chúng ta…

Qua Nhân Tính thánh thiện Chúa Giêsu, tình yêu Thiên Chúa đã mặc lấy hình hài nhân loại vì chúng ta.  Hành vi này mở ra cho chúng ta một cánh cửa dẫn đến chỗ kết hợp với Thiên Chúa, Cha của chúng ta.  Do đó, cuộc sống Kitô hữu hệ tại ở việc yêu mến, noi gương, và theo bước Chúa Kitô.  Chúng ta được phấn khích nhờ tấm gương đời sống Chúa Kitô và nhờ tình thân ái giữa chúng ta với Người.

Mục tiêu chính của việc nên thánh không phải là cuộc chiến chống lại tội lỗi, không phải là vấn đề tránh lánh điều xấu, nhưng là việc yêu mến, noi gương Thầy Chí Thánh, Đấng đi khắp nơi thi ân giáng phúc…  Cuộc sống Kitô hữu là một cuộc sống đầy nhân tính.  Trái tim chúng ta có một vai trò quan trọng trong việc nên thánh bởi vì Thiên Chúa đã đoái thương trở nên con người.  Nếu chúng ta không quan tâm đến phương diện tình cảm trong đời sống đạo đức, và dễ dãi trao gửi con tim chúng ta cho các thụ tạo, tình thân giữa chúng ta với Thầy Chí Thánh sẽ gặp nguy hại, và sức mạnh ý chí của chúng ta không đủ sức giúp chúng ta vươn lên trên con đường hẹp của sự thánh thiện.  Vì vậy, chúng ta luôn luôn phải nỗ lực ý thức rằng Chúa đang gần bên chúng ta.  Chúng ta có thể dùng trí tưởng tượng để hình dung Chúa Kitô, Đấng đã giáng sinh tại Bêlem, đã lao động nhọc nhằn tại Nazareth, đã có những người bạn thân thiện, và đã quí trọng cuộc sống trần gian của Người.

Ước chi chúng ta biết học từ nơi những người bạn của Chúa Kitô để đối xử với Người trong niềm tôn kính sâu xa, bởi vì Chúa chúng ta là Thiên Chúa.  Đồng thời, chúng ta cũng hãy tìm đến nương tựa nơi Chúa với một niềm tin tưởng vô bờ, bởi vì Chúa là Người Bạn của chúng ta, mỗi ngày Người hằng tìm kiếm và ước ao sống gần gũi với chúng ta.

3. Tình thân với Chúa làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng.

Một lần kia, Chúa Giêsu và các môn đệ ghé lại nhà các bạn của Người tại Bethany trên đường lên Jerusalem.  Martha và Maria đã thết đãi và chuẩn bị những thức cần thiết để chứng tỏ lòng hiếu khách với Thầy Chí Thánh và những môn đệ của Người.  Nhưng Maria – có lẽ khi ấy Chúa Giêsu vừa đến chưa bao lâu – đã ngồi lại dưới chân Chúa và lắng nghe Người, trong khi Martha bận bịu một mình.  Maria quên tất cả để chỉ lắng nghe lời Thầy Chí Thánh.  Tình yêu đã lôi cuốn Maria ở lại dưới chân Chúa.  Tập quán lắng nghe Chúa và sự đói khát lời Người minh chứng rằng đây không phải là cuộc gặp gỡ lần đầu, nhưng là một sự đồng cảm hiếm thấy.

Martha chắc chắn không hững hờ với lời Chúa.  Thánh nữ nóng lòng muốn nghe, nhưng vì phải bận bịu công việc.  Không có Martha, Chúa Giêsu vẫn hướng câu chuyện của Người về bình diện trên cao.  Điều ấy, đối với Martha, càng làm Chúa trở nên lôi cuốn hơn nữa.  Vì thế, Martha cảm thấy khó chịu và bực bội vì gánh nặng công việc.  Trong lúc đó, thánh nữ lại thấy em mình dưới chân Chúa.  Theo trình thuật Phúc Âm thánh Luca: Hơi khó chịu, nhưng đầy tin tưởng, thánh nữ đến và thưa Chúa: Lạy Thầy, Thầy không thấy em con để con phục vụ một mình sao?  Xin Thầy bảo em con giúp con với.  Martha đã đến với Chúa trong niềm tin tưởng!

Chúa Giêsu đã đáp lại một cách nói thân mật bằng cách lặp đi lặp lại tên thánh nữ: Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện quá; chỉ có một điều cần mà thôi. Maria có lẽ cũng sẵn lòng giúp đỡ chị, nhưng đã không quên điều thiết yếu: đó là chọn Chúa Giêsu làm tâm điểm chú ý và trung tâm cuộc sống của mình.  Chúa Giêsu đã đề cao điều ấy – tức là tình yêu của Maria.

Ngay cả những công việc của Chúa cũng đừng làm chúng ta quên mất Chúa.  Martha sẽ không bao giờ quên được lời nhắc nhở thân thiết ấy của Chúa.  Công việc là điều không thể lơ là, nhưng đừng vì công việc mà hạ Chúa Kitô xuống hàng thứ yếu.

Những hoạt động và lo toan của chúng ta mặc dù trực tiếp qui hướng về Chúa, nhưng chúng ta cũng đừng bao giờ vì chúng mà quên lãng điều duy nhất cần thiết: đó là chính Chúa Kitô.  Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cần nhớ: đừng bao giờ để những điều xem ra hết sức quan trọng, chẳng hạn như công việc, thu nhập tài chánh, những tương giao xã hội, vượt quá địa vị của cuộc sống gia đình.  Những điều ấy không đáng buộc cuộc sống gia đình phải chịu tổn thiệt.  Chỉ trong những hoàn cảnh ngoại thường, người gia trưởng mới phải làm việc xa nhà, chẳng hạn như những người di cư hoặc thủy thủ.  Nếu người cha hoặc người mẹ trong gia đình kiếm được nhiều tiền mà thiếu sót bổn phận đối với con cái, thử hỏi kết quả sẽ như thế nào?

Đức Thánh Trinh Nữ, Đấng muôn đời được hưởng sự hiện diện hồng phúc của Chúa Kitô trên thiên quốc, sẽ nài xin cho chúng ta ơn biết trân trọng hơn nữa mối thân tình thắm thiết với Thầy Chí Thánh.  Mẹ sẽ dạy chúng ta biết chuyên cần những công việc của Chúa mà không quên mất Chúa.  Trước mặt Chúa Giêsu, Mẹ sẽ cầu bầu cho chúng ta biết coi trọng giá trị gia đình hơn những mối lợi khác.

Nguồn: http://www.dongcong.net/

THÁNH GIACÔBÊ GIÊBÊĐÊ, VỊ TÔNG ĐỒ CAO VỌNG

(Trích: ‘13 Người Đã Thay Đổi Thế Giới’)

Ông tên là Gia-cô-bê, em ông cũng là Tông Đồ tên là Gio-an.  Cha ông tên là Dê-bê-đê, một người ngư phủ.  Mẹ ông tên là Sa-lô-mê, chị họ của bà Ma-ri-a (có thể là mẹ Đức Giê-su Na-da-rét).

Bà Sa-lô-mê là một con người độc đáo.  Có một lần bà đến gặp Đức Giê-su và thỉnh cầu cho con bà.  Bà nói: “Xin Ngài truyền lệnh cho các con tôi đây, được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài trong nước của Ngài…” (Mt 20, 21).  Đấy, bà xin xỏ cho hai con trai được hai chỗ danh dự, thành hai quan cận thần, chức tước cỡ lớn, áo mão xênh xang.

Có những bà mẹ thúc giục con mình thực hiện điều mình mơ ước nhưng không thực hiện được.  Họ xô đẩy, níu kéo con mình, họ làm áp lực.  Họ muốn con mình được giàu sang vinh dự.  Họ không chỉ mưu ích cho con mà còn cho cả chính mình.  Thử nghĩ, khi hai con ông Dê-bê-đê làm quan to trong triều thì mọi người sẽ nhìn bà bằng cặp mắt nể phục biết bao…

Phía sau Gia-cô-bê là một bà mẹ đầy cao vọng.

Nhưng ta chớ quên đi điều này: Bà đã theo Chúa Ki-tô, Bà tin vào Chúa và bà đã được hoán cải.  Bà đứng dưới chân thập giá khi Chúa chết.  Chúa đã không lên ngai vàng mà Người chỉ lên thập giá.  Và dưới chân Người, bà Sa-lô-mê đứng đó.

Cao vọng của người mẹ được chuyển qua người con, qua Gia-cô-bê hơn là Gio-an.

Nhưng, dù cho Gio-an mang giòng máu của bà nhưng Gio-an có một tâm hồn đầy tế nhị, yêu thương nên cao vọng xâm chiếm lòng ông ít hơn là đối với Gia-cô-bê.

Gia-cô-bê là anh, làm nghề ngư phủ với cha mình.  Con người của Gia-cô-bê sôi sục, nóng bỏng, vì thế, Gia- cô-bê dễ dàng làm mồi cho cao vọng.  Ông được Chúa gọi là “Con-Của-Sấm-Sét” để thấy rằng ông là người nóng nảy, cuồng nhiệt đến thế nào.  Điều này cũng giải thích được phản ứng của ông đối với dân Sa-ma-ri-a.

Đức Giê-su về Giê-ru-sa-lem và phải đi qua miền Sa-ma-ri-a.  Giữa người Sa-ma-ri-a và người Do-thái vốn có sự xung khắc.  Đức Giê-su sai người đến một làng gần đó để chuẩn bị chỗ cho Người và các Tông Đồ nhưng dân Sa-ma-ri-a từ chối.  Thế là Gia-cô-bê và Gio-an nổi giận.  Họ nhớ lại có lần Ngôn Sứ Ê-li-a gọi lửa từ trời xuống, họ cũng đề nghị với Chúa tương tự: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng ta khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt bọn chúng không?” (Lc 9, 54).

Chúng ta chứng tỏ cho bọn họ thấy quyền năng, cho mọi người biết rằng chúng ta có quyền sai lửa xuống cho họ khiếp.

Nhưng, Đức Giê-su quở trách họ: “Anh em không biết anh em ứng theo Thần Khí nào.  Vì Con Loài Người đến không phải để hủy diệt mạng sống người ta mà là để cứu họ…” (Lc 9, 55 – 56).

Cao vọng của người mẹ đã truyền sang người con đến độ nếu người mẹ không xin thì con cũng tự ý xin.

Bằng cớ là Thánh Mác-cô đã kể lại câu chuyện tương tự nhưng lại không nhắc đến người mẹ mà chỉ để cho chính Gia-cô-bê và Gio-an tự miệng nói ra: “Xin Thầy cho chúng con được ngồi một người bên tả, một người bên hữu trong vinh quang của Thầy” (Mc 10, 37).

Và Chúa đã dạy họ một bài học.  Chúa cho họ biết rằng những chỗ danh dự trên trời không dành cho những kẻ bè phái, nịnh hót, xin xỏ, nhưng dành cho những người xứng đáng: “Anh em không biết anh em xin gì?  Anh em có thể uống chén Thầy uống và chịu thanh tẩy cùng một thứ thanh tẩy mà Thầy chịu không?” (Mc 10, 38).

Muốn là phải được. Người có nhiều cao vọng thì hứa thi hành tất cả. Gia-cô-bê không hiểu mình đã hứa một điều hệ trọng như thế nào khi ông vội vàng đáp lời Chúa là: “Thưa Thầy được ạ!”

Và câu trả lời của Chúa tiếp đó quả thật là khó hiểu đối với ông: “Chén của Thầy, anh em sẽ uống, thanh tẩy Thầy chịu, anh em sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả của Thầy, Thầy không có quyền ban, nhưng là dành cho ai đã tiền định.” (Mc 10, 39 – 40)

Mãi sau này, Gia-cô-bê mới hiểu ra. Và lúc ấy, có thể ông nhớ lại lời thỉnh cầu lúc trước và cảm tạ Chúa vì Người đã không nhận lời…

Bên hữu và bên tả ư?

Chắc không phải trong đêm Thầy bị phản bội, vì ông đã bỏ rơi Người mất.
Chắc không phải khi Người bị đưa ra công nghị để bị la ó chế diễu,
Chắc không phải khi Người bị đánh tả tơi trong sân Phi-la-tô,
Chắc không phải khi Người bị bắt phải vác khổ giá,
Chắc không phải khi Người bị đóng đinh mà treo lên giữa trời.

Không,

Gia-cô-bê không muốn ở bên hữu bên tả Người những khi ấy.
Gia-cô-bê mừng thầm vì lời thỉnh cầu đã không được Chúa chấp thuận.
Gia-cô-bê cũng không đứng gần thánh giá Chúa,
Gia-cô-bê không dám: ông quá hèn nhát…

Thế nhưng,

Đức Giê-su đã nói với ông rằng ông sẽ uống chén với Người.
Thử hỏi trong số chúng ta có được mấy người mong muốn uống chén Chúa uống?
chén của đau khổ, của hấp hối,
chén của khó khăn, của thử thách…
Chén ở đây là con đường thực hiện Ý Chúa.
“Thưa được”, chúng con uống được…
Chúng ta có ý thức đưọc chúng ta nói gì đó chăng?
Chúng ta có hiểu được giá phải trả khi trở nên môn đệ Chúa chăng?
Chúng ta có biết được tương lai ra sao khi theo Chúa chăng?Ai chấp nhận Chúa là chấp nhận vác thập giá theo Chúa.

Người theo Chúa đầu tiên là Áp-ra-ham.  Áp-ra-ham là người đầu tiên trung thành bước theo tiếng nói “bóc lột” của Thiên Chúa: “Hãy ra đi, bỏ tất cả của cải ngươi, xứ sở mgươi, di sản của cha ông ngươi, tập quán, quá khứ của ngươi…” Và Áp-ra-ham đã ra đi mà không biết mình đi về đâu! (Dt 11, 8)

Và sau này, Gia-cô-bê cũng đã uống chén đó: ông chịu tử đạo.
Ông là Tông Đồ đầu tiên đổ máu dưới thời Hê-rô-đê.
Ông đã uống cạn chén Chúa đã uống…

Trong câu chuyện này, ta thấy một sự kiện khiến ta suy tư về chữ “Thánh” nằm trước tên các Tông Đồ như Thánh Phê-rô, Thánh An-rê, Thánh Mát-thêu…

“Khi 10 người kia nghe được nhũng lời thỉnh cầu của Gia-cô-bê và Gio-an, họ phẫn uất với hai anh em…” (Mt 20, 24).

Vâng, họ ganh tỵ, xét cho cùng, họ cũng đầy cao vọng.  Họ cũng cao vọng bằng hai anh em nhưng họ không đủ can đảm để xin như những “Đứa-Con-Của-Sấm-Sét.”

Phân tích ra như vậy thật là nản lòng.  Hào quang các vị cũng bị vẩn đục ít nhiều chăng?  Ta cứ nghĩ rằng mười ba người này thánh thiện, ta gán cho họ những nhân đức cao siêu.

Họ thay đổi cả thế giới,
họ di chuyển được cả núi non.
Và, ta đã tạc tượng cho họ.
Giờ đây, xem ra họ cũng như ta vậy thôi:
họ bất toàn, họ ích kỷ, họ đầy ắp cao vọng, và thêm vào đó,
họ còn giả hình nữa!
Nhưng, đây mới là điều đáng nói:
Đức Giê-su đã chọn những người ấy.
Và, quả thật họ đã thay đổi cả bộ mặt thế giới,
họ đã di chuyển cả núi non.
Đức Giê-su đã không chọn những con người hoàn hảo.
Người đã không chọn những kẻ thánh thiện ngay từ trong lòng mẹ.
Nhưng Chúa đã chọn những người có máu ganh tỵ, ích kỷ, tham lam,
cao vọng nhất, như Gia-cô-bê.
Người chọn họ vì Người muốn hoán cải họ.
Hoán cải thế nào?
Thưa, bằng chính đời sống của Người.
Họ noi gương Người,
gương của Đấng quỳ xuống mà rửa chân cho họ:
“Ai muốn làm lớn trong anh em thì hãy hầu hạ anh em” (Mt 20, 27).
Chúa còn hoán cải họ bằng cái chết của Người.
Họ biết vì sao Người sống, họ nghe Lời Người dạy.
Giờ đây, Người thi hành điều đã loan báo.
Người vâng phục Thánh Ý Cha cho đến chết,
dù là cái chết nhục nhã trên thập giá:
“Con Người đến để thí mạng sống mình
hầu làm giá cứu chuộc thay cho nhiều người…” (Mt 20, 28)
Chúa còn hoán cải họ bằng chính Thánh Thần của Người.
Một Thần Khí mới,
không phải tinh thần ích kỷ, tham lam, ganh tỵ và giận dữ,
nhưng là Thần Khí của Thiên Chúa.
Thánh Thần ở bên trong họ và thay đổi họ tự thâm sâu…

Hình ảnh thành công của chúng ta thường là hình tháp.
Ta càng lên cao thì càng ít người bằng ta,
và ta càng có nhiều người ở dưới.
Mục đích của chúng ta là đỉnh kim tự tháp.
Không ai bằng ta, ta hơn hết mọi người…

Gia-cô-bê cũng từng mong muốn như thế.
Ông mong được ngồi bên hữu hay bên tả Chúa.
Chỉ có Chúa là hơn ông, còn mọi người thì đều ở dưới chân.

Chúa đã đến, Chúa đã lật ngược hình tháp.
Càng tiến lên, ta càng có nhiều người ở bên trên,
ta càng có nhiều người để phục vụ.
Và Đức Giê-su, đỉnh của kim tự tháp lật ngược đó,
Mang lấy tội lỗi thay cho cả nhân loại:
“Con Người đến để hầu hạ,
và thí mạng sống mình làm giá chuộc…” (Mt 20, 28)

Vấn đề của chúng ta là ở đó:
Chúng ta muốn thực hiện cao vọng của ta
Hay chúng ta chấp nhận để khát vọng Chúa thể hiện trong ta?
Chúng ta muốn uống ly rượu ngọt của mình
Hay là uống chén mật đắng của Chúa?
Và, tự muôn thuở cho đến mãi mãi,
Con người chúng ta cứ bị đong đưa
giữa ý mình và Ý Chúa, giữa cửa hỏa ngục và Cửa Thiên Đàng…

Trần Duy Nhiên

CÂU HỎI CỦA NGƯỜI HUẤN LUYỆN VIÊN

Cách đây ít lâu có tạp chí nọ đăng một câu chuyện kể về những thiếu niên thuộc câu lạc bộ bơi lội Santa Clara.  Mỗi buổi sáng họ đều dậy lúc 5 giờ 30 và vội vã băng qua bầu không khí lạnh lẽo chạy đến chiếc hồ phía bên ngoài.  Ở đó chúng bơi suốt hai giờ đồng hồ.  Sau đó chúng tắm lại ở vòi sen, ăn sơ sài chút ít rồi vội vã đến trường.

Sau khi ở trường ra, chúng quay lại hồ bơi thêm hai tiếng nữa.  Tới 5 giờ, chúng lẹ làng trở về nhà, vùi đầu vào sách vở, ăn bữa tối trễ và mệt lả leo lên giường.  Sáng hôm sau chuông báo thức lại vang lên vào 5 giờ 30 và chúng lại bắt đầu toàn bộ công việc như thế.  Khi được hỏi tại sao họ lại chấp nhận tuân theo một thời biểu kỷ luật đến như thế, một cô gái đã trả lời: “Mục đích của tôi là gia nhập đội thi Olympics.  Nếu như đi dự tiệc mà phương hại đến mục đích ấy thì đi dự tiệc làm gì?  Chẳng có gì là quá đáng trong việc tập luyện ấy cả.  Tôi càng bơi được nhiều dặm thì tôi càng bơi khá hơn.  Sự hy sinh là điều dĩ nhiên.”

Giả sử Chúa Giêsu sống vào thời đại này chứ không sống vào 30 năm đầu công nguyên, thì bài Phúc Âm hôm nay có lẽ đã rất khác.  Thay vì nói về tay buôn ngọc hy sinh tất cả để mua cho được viên ngọc cực kỳ quí giá hoặc một bác nông gia bán đi tất cả để mua miếng đất có ẩn giấu kho tàng, có lẽ Chúa Giêsu đã nói về một vận động viên bơi lội ở câu lạc bộ Santa Clara sẵn sàng hy sinh tất cả để được gia nhập đội thi Olympics.

Tại sao tôi lại nói điều này?  Có gì tương quan giữa tay buôn ngọc, gã tìm kho báu, và một vận động viên bơi lội ở Santa Clara?  Ba người này có điểm gì chung?

Có một điểm chung là cả ba đều dấn thân trọn vẹn cho một giấc mơ.  Cả ba đều sẵn sàng hy sinh tất cả mọi sự cho mục đích mà họ đã đặt ra.  Trường hợp ngươi buôn ngọc là mua cho bằng được một viên ngọc hoàn hảo.  Trường hợp người đi kiếm kho báu là mua cho được một kho báu hiếm.  Còn trường hợp vận động viên bơi lội ở Santa Clara là làm sao để được gia nhập đội thi đấu Olympics.

Ðiều này dẫn chúng ta đến chủ điểm mà Chúa Giêsu muốn nêu ra cho chúng ta trong bài Phúc Âm hôm nay.  Chủ điểm đó là: Muốn làm công dân nước trời, chúng ta phải dấn thân triệt để.  Chúng ta không thể theo đuổi việc ấy như khi làm một công việc ngoài giờ.  Chúng ta không thể làm việc ấy như khi làm một công việc tiêu khiển.  Chúng ta phải dấn thân vào đó trăm phần trăm, phải xem nó là ưu tiên số một của cuộc đời chúng ta.

Người Kitô hữu cũng giống như một tay buôn ngọc, một kẻ tìm kho báu, hay như một vận động viên bơi lội ở Santa Clara.  Nó đòi hỏi sự dâng hiến và dấn thân trọn vẹn.  Tuy nhiên, có một điểm khác biệt lớn lao giữa một Kitô hữu và ba người kia.  Thánh Phaolô đã nêu sự khác biệt này trong thư gởi tín hữu Côrintô: “Mọi vận động viên trong thời kỳ tập luyện đều phải tuân theo một kỷ luật nghiêm khắc chỉ để được khoác lên đầu vòng hoa vinh quang chóng lụi tàn, còn chúng ta chịu gian khổ là để đoạt được vòng hoa vinh quang tồn tại vĩnh viễn” (1 Cr 9: 25).

Ðó chính là điểm khác biệt.  Phần thưởng của tay buôn ngọc, kho báu của gã nông gia, huy chương của vận động viên đều có thể tàn lụi.  Khi tay buôn ngọc chết đi, viên ngọc chả còn giá trị gì đối với anh ta nữa.  Khi người nông gia chết đi, của báu của anh cũng sẽ thành vô dụng đối với anh cũng như chiếc chum đựng của báu ấy thôi.  Và khi người vận động viên chết đi thì tấm huân chương của cô cũng chỉ còn là một vật lưu niệm của cô đối với gia đình và bà con cô thôi.  Nhưng khi các Kitô hữu chết, thì nước trời sẽ toả sáng hơn, sáng hơn, sáng hơn mãi.  Vào lúc chết thì chỉ có một điều là đáng kể.  Ðó không phải là viên ngọc quí, kho báu hiếm hay chiếc huy chương vàng mà chúng ta đã có được lúc còn sống.  Ðiều đáng kể chỉ là chúng ta đã trở thành cái gì trong tiến trình cố gắng tìm viên ngọc, tậu của báu hoặc tranh giành huy chương.

Một đội bóng rổ thuộc một trường trung học ở Chicago vừa mới tổ chức thánh lễ trước khi đi dự cuộc tranh giải thể thao của tiểu bang.  Trong bài giảng lễ, vị linh mục nói là trong 10 năm tới, điều quan trọng đối với mùa bóng rổ của họ sẽ không hệ tại việc họ là quán quân hay không.  Sự quan trọng là điều mà họ sẽ trở thành trong tiến trình cố gắng đoạt tước hiệu ấy.

Họ có trở thành người tốt hơn không?
Họ có yêu thương nhiều hơn không?
Họ có trung tín với nhau hơn không?
Họ có tận tâm hơn không?
Họ phát triển thành một đội bóng đoàn kết hay như những cá nhân ích kỷ?

Sau thánh lễ, vị linh mục vào phòng thánh thay áo lễ.  Chợt ngài nghe huấn luyện viên nói với các vận động viên:

“Hãy ngồi xuống đây một phút.  Vị linh mục đã nói mấy điều khiến tôi bối rối.  Tôi tự hỏi không hiểu tôi đã giúp các bạn trở nên người như thế nào trong quá trình luyện tập để tranh giải trong kỳ đại hội thể thao này.

“Quí bạn có trở nên người tốt hơn không?
Quí bạn có yêu thương nhiều hơn không?
Quí bạn có trung tín với nhau hơn không?
Quí bạn có tận tâm hơn không?
Quí bạn sẽ phát triển thành một đội bóng đoàn kết hay chỉ thành những cá nhân rời rạc?

Nếu làm được như thế, thì dù kết quả cuộc tranh đua thế nào, chúng ta cũng vẫn là thành công.  Còn nếu không làm được như thế thì chúng ta đã làm cho Chúa thất vọng.  Làm cho trường chúng ta thất bại, đồng thời cũng làm cho nhau thất bại nữa.  Tôi hy vọng Chúa không để chúng ta thất bại.  Tôi cầu xin Chúa để chúng ta khỏi bị thất bại.

Bài phúc âm hôm nay đưa ra chủ điểm rất quan trọng sau: Không gì trên thế gian có thể chiếm vai trò ưu tiên hơn nước Chúa và sự đeo đuổi của chúng ta để đạt cho được nước ấy.  Bài Phúc Âm hôm nay bảo cho chúng ta biết điều đáng kể khi chúng ta chết không phải là chúng ta sắm được gì lúc còn sống mà là chúng ta đã trở nên như thế nào.  Nghĩa là:

Chúng ta đã yêu thương nhau chưa?
Chúng ta đã tha thứ cho nhau chưa?
Chúng ta đã giúp đỡ kẻ túng thiếu chưa?
Chúng ta đã an ủi kẻ đau khổ chưa?
Chúng ta đã biết đi thêm dặm nữa chưa?
Chúng ta đã biết chìa thêm má kia ra chưa?
Chúng ta đã dấn thân và trung tín với Chúa và với nhau hơn chưa?

Tôi hy vọng nhờ Chúa chúng ta sẽ làm được và tôi cầu xin Chúa giúp chúng ta làm được. Bởi vì nếu chúng ta không làm được như thế, chúng ta sẽ làm Chúa thất vọng, làm gia đình và bạn bè chúng ta thất vọng, còn chính chúng ta thì kể như đã thất bại rồi.

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện:

Lạy Chúa xin ban cho chúng con biết dấn thân như vận động viên bơi lội Santa Clara kia là người đã làm việc không mệt mỏi để đoạt cho được một vị trí trong đội bơi thi Olympics.  Xin ban cho chúng con biết dấn thân như kẻ tìm kho báu là người đã bán tất cả mọi sự để mua miếng đất.  Xin ban cho chúng con biết dấn thân như người buôn ngọc nọ đã dành trọn vẹn cuộc đời để tìm cho được viên ngọc hoàn hảo.

Nếu những người đó đã sẵn sàng hy sinh rất nhiều cho một phần thưởng hư nát, thì chúng con phải sẵn lòng hy sinh hơn cho phần thưởng mãi mãi trường tồn kia biết chừng nào.

Lm. Mark Link S.J

CHÂN DUNG THÁNH NỮ MARIA MAĐALÊNA

Thánh Maria Mađalêna (hoặc Maria Mácđala, Mai Đệ Liên) được cả Công giáo, Chính thống giáo, Anh giáo, và Tin lành Luther tôn kính là một vị thánh, lễ nhớ ngày 22-7 hằng năm.  Các Giáo hội Tin lành khác tôn kính bà là nữ anh hùng đức tin.  Chính thống giáo Đông phương cũng kính nhớ bà vào Chúa nhật Myrrh-bearers (người mang dầu thơm).

Tên “cúng cơm” của Thánh Maria Mađalêna là Μαρία (Maria), và người ta thường chấp nhận ở dạng Latin được viết là Μαριὰμ (Mariam).  Tên Maria rất phổ biến trong thời Chúa Giêsu vì liên quan việc cai trị thời Hasmonea và các triều đại Hêrôđê.

Tuy nhiên, bà bị tai tiếng vì bà bị hiểu lầm là “người phụ nữ tội lỗi” đã khóc và xức dầu thơm chân Chúa Giêsu.

Thực ra Maria Mađalêna (Hy ngữ: Μαρία ἡ Μαγδαληνή) là một phụ nữ đạo đức và can đảm.  Trong Tân ước, Thánh Maria Mađalêna được coi là người phụ nữ quan trọng thứ nhì sau Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.  Bà đồng hành với Chúa Giêsu cùng với các Tông đồ.  Bà hiện diện trong hai thời điểm quan trọng nhất của Chúa Giêsu: Chịu đóng đinh và phục sinh.  Trong 4 Phúc Âm, tài liệu lịch sử cổ xưa nhất nhắc đến tên bà, ít nhất 12 lần, hơn cả các Tông đồ khác.  Phúc Âm diễn tả bà là người đủ can đảm nên mới có thể đứng bên Chúa Giêsu trong thời gian Ngài chịu khổ nạn, chịu chết và sau đó.

Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã trừ bảy quỷ và chữa bệnh cho bà (x. Lc 8:2; Mc 16:9), đôi khi được hiểu là các chứng bệnh phức tạp.  Bà nổi bật nhất trong những ngày cuối đời của Chúa Giêsu trên thế gian.  Khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, bà có mặt ở đó với Ngài, trong giây phút khủng khiếp nhất, và bà đã than khóc Ngài.  Sau khi các Tông đồ “bỏ của chạy lấy người”, trừ Thánh Gioan Tông đồ, bà vẫn ở bên Chúa Giêsu.  Khi an táng Chúa Giêsu, bà là người duy nhất được kể tên trong cả 4 Phúc Âm khi biết Chúa Giêsu phục sinh và chính bà là nhân chứng đức tin.  Ga 20:11-18 và Mc 16:9 xác nhận bà là người đầu tiên gặp Chúa Giêsu phục sinh.  Bà có mặt vào ngay giây phút đầu tiên mà sau đó biến đổi Tây phương.  Bà là “Tông đồ đối với các Tông đồ”, một cách nói kính cẩn mà thần học gia Augustine (Chính thống giáo, thế kỷ IV) đã dành cho bà, và những người thời Giáo hội sơ khai cũng nói về bà như vậy.

Mặc dù ngày xưa bà bị mang tai tiếng khi người ta mô tả trong tôn giáo, nghệ thuật, văn chương, và cả những cuốn sách và các bộ phim mới đây, như The Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci), ngày nay người ta cũng đồng ý điều này: “Không có chứng cớ Kinh Thánh nào chứng tỏ bà là gái điếm, người vợ, người mẹ, hoặc người yêu bí mật.”

Trong cả 4 Phúc Âm, Thánh Maria Mađalêna hầu như luôn được phân biệt với các phụ nữ khác tên là Maria bằng cách thêm chữ Mađalêna vào tên bà.  Theo truyền thống, điều này có nghĩa bà là người vùng Mađalêna, một thành phố thuộc Tây duyên hải Galilê.  Lc 8:2 nói rằng bà thực sự được gọi là Mađalêna.  Theo tiếng Do thái, Mađalêna (Migdal, מגדל) nghĩa là “tháp”, “thành lũy”; theo tiếng Aram, Mađalêna nghĩa là “tháp” hoặc “được nâng lên, cao cả, nguy nga.”  Các bản văn truyền thống Do Thái nói: “Miriam, hamegadela se’ar nasha” – Maria, người bện tóc phụ nữ (Hagigah 4b; x. Shabbat 104b), có thể nói Maria Mađalêna phục vụ như một người thợ làm tóc (kiểu làm đầu, uốn tóc ngày nay).

Trong Phúc Âm theo Thánh Gioan, Thánh Maria Mađalêna cũng được nhắc tới bằng tên Maria ít nhất là 2 lần.  Các văn bản không chính thức khác thì dùng tên Maria, Maria Mađalêna, hoặc Mađalêna.

Ngày nay, hầu như người ta đồng ý điểm quan trọng: Người ta cho rằng Thánh Maria Mađalêna là “gái điếm sám hối”, đó là vô căn cứ.  Tuy nhiên, Thánh Maria Mađalêna vẫn bị lầm lẫn với các phụ nữ khác cũng tên Maria và vài phụ nữ nặc danh vẫn bị coi là phụ nữ phạm tội ngoại tình.  Người ta đồng hóa Maria Mađalêna với nữ tội nhân vô danh nào đó (thường biết đến là phụ nữ ngoại tình) trong trình thuật Lc 7:36-50.  Mặc dù Thánh Maria Mađalêna được nhắc tên trong cả 4 Phúc Âm, nhưng không lần nào nói bà là gái điếm hoặc tội nhân.  Tân ước không hề có “gợi ý” nào nói bà là một cô gái làng chơi hoặc một phụ nữ trắc nết.  Các học giả đương đại đã phục hồi “danh tiếng” cho Thánh Maria Mađalêna là người dẫn dắt quan trọng của Kitô giáo thời sơ khai.

Nhiều thế kỷ qua, Công giáo Tây phương dạy rằng Thánh Maria Mađalêna là người được nói tới trong các Phúc Âm vừa là Maria ở Bêthania vừa là “người đàn bà tội lỗi” xức dầu thơm chân Chúa Giêsu (Lc 7:36-50).  Khái niệm về Thánh Maria Mađalêna là gái điếm sám hối đã phổ biến qua nhiều thế kỷ, ít là từ Ephraim người Syria (thế kỷ IV), Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (thế kỷ VI), nhiều họa sĩ, văn sĩ và các nhà chú giải Kinh Thánh cũng theo xu hướng đó.  Từ thế kỷ XII, Abbot Hugh ở Semur (qua đời năm 1109), Peter Abelard (qua đời năm 1142), và Geoffrey ở Vendome (qua đời năm 1132) đều nhắc tới Thánh Maria Mađalêna là người tội lỗi và được tặng danh hiệu “apostolarum apostola” (Tông đồ đối với các Tông đồ), danh hiệu này trở thành phổ biến trong các thế kỷ XII và XIII.

Do đó, hình ảnh cô-gái-điếm-sám-hối trở thành “đặc điểm” bị gán cho Thánh Maria Mađalêna trong nghệ thuật và văn chương tôn giáo ở Tây phương.  Vì hiểu sai về bà nên trong nghệ thuật, người ta thường vẽ bà mặc áo hở cổ, lả lơi, thậm chí có họa sĩ còn vẽ bà khỏa thân bên chiếc sọ đầu lâu với bình dầu thơm, và một tay cầm Thánh Giá, hoặc là một phụ nữ xa lánh mọi người để sám hối nơi hoang địa.

Sự đồng hóa đó là do Công giáo Tây phương, có trong bài giảng của Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả vào khoảng năm 591.  Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả được coi là một trong những người ảnh hưởng nhất và trở thành giáo hoàng.  Trong các bài giảng nổi tiếng của ngài về Thánh Maria Mađalêna, giảng tại Rôma, ngài đã xác định Mađalêna không chỉ là phụ nữ tội lỗi trong Phúc Âm theo Thánh Luca, mà còn là Maria ở Bêthania, chị của Matta và Ladarô; chính bảy quỷ được Chúa Giêsu trục xuất “đã tạo thành 7 tội trọng, và Maria Mađalêna bắt đầu bị kết án không chỉ vì tội dâm dục mà còn vì tội kiêu ngạo và tham lam.”  Bài giảng của Thánh GH Grêgôriô Cả về Phúc Âm theo Thánh Luca đã tạo thành cách hiểu chính thức của Giáo hội về Thánh Maria Mađalêna, cho rằng bà là phụ nữ “alabaster jar” (gái điếm).

Trong bài giảng XXXIII, Thánh GH Grêgôriô Cả nói: “Bà [Maria Mađalêna] là người mà Thánh Luca gọi là phụ nữ tội lỗi, Thánh Gioan gọi là Maria, chúng ta tin là Maria được trừ bảy quỷ trong Phúc Âm theo Thánh Máccô.  Bảy quỷ này biểu hiện điều gì, nếu không phải là các thói hư?  Anh chị em thân mến, rõ ràng là phụ nữ này trước đó đã xức thơm thân xác cô bằng những hành động bị cấm.  Do đó điều cô biểu hiện càng khiếm nhã hơn, nhưng nay cô dâng cho Chúa bằng động thái đáng khen.  Cô đã ham muốn bằng con mắt trần tục, nhưng nay cô ăn năn bằng nước mắt.  Cô đã xõa tóc che mặt, nhưng nay cô dùng tóc lau khô nước mắt.  Miệng cô đã nói những điều kiêu ngạo, nhưng nay cô dùng miệng hôn chân Chúa, cô đặt miệng mình lên chân Đấng Cứu Thế.  Do đó, đối với mỗi niềm vui, cô đã có trong lòng, nay cô hy sinh chính mình.  Cô biến tội lỗi thành nhân đức để phục vụ Thiên Chúa hoàn toàn trong sự ăn năn.”

Với điều này, tác giả Susan Haskins viết trong cuốn “Mary Magdalene: Myth and Metaphor” (Maria Mađalêna: Huyền thoại và Ẩn dụ): “Cuối cùng, hình ảnh xung đột của Thánh Maria Mađalêna cũng được sáng tỏ… sau gần 140 năm.”

Năm 1969, trong triều đại giáo hoàng của Chân phước Phaolô VI, Tòa Thánh không phê bình về nhận xét của Thánh GH Grêgôriô Cả, mà chỉ bỏ điều đó bằng cách tách biệt người phụ nữ tội lỗi trong Phúc Âm theo Thánh Luca với bà Maria ở Bêthania và Maria Mađalêna qua Sách lễ Rôma.

Do đó, tai tiếng vẫn cứ “lờn vờn” bị gán cho Thánh Maria Mađalêna.  Sau thời gian quá lâu, cách tin này trở thành “thâm căn cố đế” không chỉ trong Giáo hội Tây phương mà còn trong một số Giáo hội Tin lành đã từng theo truyền thống Công giáo Rôma.

Cách hiểu sai về Thánh Maria Mađalêna là cô-gái-điếm-sám-hối vẫn được nhiều văn sĩ và họa sĩ hồi thập niên 1990.  Thậm chí ngay cả ngày nay, cách hiểu sai đó vẫn được truyền bá.  Điều đó được phản ánh trong bộ phim của Martin Scorsese – phỏng theo tiểu thuyết “Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng của Đức Kitô” (The Last Temptation of Christ) của Nikos Kazantzakis, trong phim “Phúc Âm theo Chúa Giêsu Kitô” (The Gospel According to Jesus Christ) của José Saramago, trong “Siêu Sao Giêsu Kitô” của Andrew Lloyd Webber, trong “Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô” của Mel Gibson, trong “Màu Thập Giá” (Color of the Cross) của Jean-Claude La Marre, và trong “Sách Sự Sống” (The Book of Life) của Hal Hartley.

Vì hiểu sai về Thánh Maria Mađalêna là gái điếm nên người ta mới chọn bà làm bổn mạng của “các phụ nữ hư hỏng”, vì có một truyền thuyết lâu đời trong Giáo hội nói rằng bà là người phụ nữ tội lỗi vô danh đã xức dầu chân Chúa Giêsu được thuật lại trong Lc 7:36-50, và viện tế bần Mađalêna đã được thành lập để “cứu vớt” các chị em từ nhà thổ.  Bà còn được coi là bổn mạng của những người bị vu khống.

Thánh sử Luca cho biết: “Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.  Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh.  Đó là bà Maria gọi là Maria Mađalêna, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioanna, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa.  Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ” (Lc 8:1-3).

Lúc Chúa Giêsu chịu khổ hình và phục sinh, Thánh Maria Mađalêna đã có mặt bên Chúa Giêsu.  Trong số những người theo Chúa Giêsu chỉ có bà được nói rõ tên là nhân chứng ba sự kiện quan trọng: Chúa Giêsu chịu khổ nạn, Chúa Giêsu chịu mai táng, và ngôi mộ trống.  Mc 15:40, Mt 27:56 và Ga 19:25 nói đến Thánh Maria Mađalêna là nhân chứng khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn, cùng với các phụ nữ khác.  Thánh Luca không nêu tên nhân chứng, nhưng nói: “Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giêsu cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Galilê; các bà đã chứng kiến những việc ấy” (Lc 23:49).  Thánh Máccô nói: “Còn bà Maria Mađalêna và bà Maria mẹ ông Giôxết, thì để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người” (Mc 15:47), và Thánh Matthêu nói: “Còn bà Maria Mađalêna và một bà khác cũng tên là Maria ở lại đó, quay mặt vào mồ” (Mt 27:61).  Lc 23:55 cho biết: “Cùng đi với ông Giô-xếp, có những người phụ nữ đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê.  Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào.”  Ga 19:39-42 mô tả: “Ông Nicôđêmô cũng đến.  Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giêsu ban đêm.  Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương.  Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái.  Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai.  Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giêsu ở đó.”

Thánh Máccô, Matthêu và Gioan đều nói Thánh Maria Mađalêna là nhân chứng đầu tiên đối với việc Chúa phục sinh.  Ga 20:1 cho biết Thánh Maria Mađalêna mô tả việc thấy ngôi một trống.  Mc 16:9 nói: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mađalêna, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ.”  Thánh sử Mátthêu cho biết: “Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ” (Mt 28:1).

Sau khi thuật lại cho các Tông đồ biết Chúa Giêsu đã phục sinh, Thánh Maria Mađalêna không được nhắc đến trong Tân ước nữa.  Bà cũng không được nhắc tên trong sách Công vụ, và “số phận” bà vẫn không được tài liệu ghi lại và không được “minh oan.”  Có phải vì vậy mà bà cứ bị hiểu lầm là “người phụ nữ tội lỗi” chăng?

Đa số các học giả Kinh thánh ngày nay đều chứng tỏ rằng không có nền tảng Kinh thánh nào để lẫn lộn hai phụ nữ này.  Maria Magđalêna, nghĩa là Maria ở Magđalêna, là người mà Chúa Giêsu đã đuổi “bảy quỷ” (Lc 8:2).  Maria Mađalêna là một trong những người “giúp Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai.”  Bà là một trong những người đứng bên Thánh giá với Đức Mẹ.

Linh mục W.J. Harrington, Dòng Đa Minh, viết trong cuốn “Chú giải Công giáo mới” (New Catholic Commentary): “Bị bảy quỷ ám không có nghĩa là Thánh Maria Mađalêna đã sống cuộc đời vô luân, một kết luận chỉ đạt được bằng cách lầm lẫn với phụ nữ vô danh trong Lc 7:36”.  Linh mục Edward Mally, Dòng Tên, viết trong cuốn “Chú giải Kinh thánh của Thánh Giêrônimô” (Jerome Biblical Commentary): “Bà (Maria Mađalêna) KHÔNG là phụ nữ tội lỗi trong Lc 7:37, mặc dù có truyền thống lãng mạn Tây phương đã nói về bà.”

Hy vọng Thánh Maria Mađalêna sẽ không còn bị “mang tiếng” và không còn bị chúng ta hiểu lầm như xưa nay nữa!

Lạy Thánh nữ Maria Mađalêna, xin thương nguyện giúp cầu thay. Amen.

Trầm Thiên Thu

GIÁ TRỊ CỦA SỰ THINH LẶNG

Cuộc sống của chúng ta được bao phủ bởi rất nhiều tiếng ồn, từ sáng sớm cho đến khi đêm về.  Hơn nữa, trong thế giới hiện đại hôm nay, con người dễ bị cuốn hút bởi những gì náo nhiệt rộn ràng, nhất là tuổi trẻ.  Không mấy ai đam mê những khoảng lặng vô âm.  Tuy vậy, khi trải nghiệm và sống trong tiếng ồn, con người lại cảm thấy mệt mỏi và muốn tìm một chốn bình an, yên tĩnh.  Khi đã rã rời vì tiếng ồn, con người lại khát khao và tìm đến những giá trị của thinh lặng.

Thinh lặng bên ngoài

“Giữa những xao động của nhân thế nổi trôi, giữa những sục sôi tranh chấp trong kiếp người, giữa những đẹp tươi hay ê chề thất bại, con xin dành một cõi rất riêng tư cho Giêsu, Đấng Tình Yêu thẳm sâu.” (“Một Cõi Riêng Tư” nhạc sĩ Thái Nguyên).

Thế giới hôm nay thực sự rất ồn ào và “ô nhiễm.”  Nó khiến cho con người khó có thể thinh lặng.  Facebook, internet, games, điện thoại, các tương quan phức tạp… lôi kéo con người vào trong khía cạnh bất an của nó.  Con người chúng ta cũng dễ bị dẫn dụ vào trong thế giới đó vì nó hấp dẫn và có nhiều mới lạ.  Chính vì thế, con người cũng thích ồn ào với thế giới vui nhộn và đang thay đổi rất nhanh với nhiều hấp dẫn.

Không chỉ thế, có nhiều người cũng thích nói nhiều.  Nó trở nên như là một căn bệnh.  Phải nói thì người đó mới cảm thấy đó là lẽ sống của họ.  Họ nói nhưng còn nói to.  Có người thì phải nói để giữ thế thắng.  Có người nói nhiều để minh chứng khả năng hiểu biết và vốn kiến thức của mình.  Tuy nhiên, càng nói nhiều thì càng chứng tỏ người nói chẳng có gì giá trị.  Vì khi nói nhiều, chúng ta không có khả năng giữ lại những gì sâu sắc.  Nói là khả năng con người dùng để chuyển tải thông tin đến với người khác trong khi đó, nếu chúng ta không có gì giá trị trong lòng thì nói cũng vô ích vì những thông tin đó cũng giống như những âm thanh bên ngoài.  Tạp âm.  Lúc đó, tiếng nói trở thành thứ tiếng ồn gây khó chịu và nó có thể khiến người khác không có thiện cảm đối với người nói.  Nói như thế giống như rượu ngon pha chung với nước lã.  Nó khiến cho nội tâm hay thế giới bên trong mất chiều sâu và trở thành hời hợt.  Rượu lạt.  Giếng cạn.

Thinh lặng bên trong

Henri de Lubac nói rằng: “Chúng ta chỉ trở nên viên mãn khi trở nên trầm lặng trong cuộc sống nội tâm.”[1]  Chiều sâu nội tâm diễn tả kho tàng riêng của mỗi người.  Nếu một người biết thinh lặng, người đó có khả năng thu nhận kiến thức, đúc kết kiến thức, và sử dụng kiến thức một cách hiệu quả.  Hiệu quả ở đây có nghĩa là để cho quyền năng của Chúa tác động trên những lựa chọn của người đó.  Tương tự, giá trị của kết quả có tính thiêng liêng.

Thinh lặng bên trong khiến cho người thủ đắc có một vẻ trầm mặc và điềm tĩnh.  Họ giống như giếng nước trong và rất sâu.  Thực sự, khi nhìn vào con người có nội tâm sâu sắc, người khác bắt gặp một cảm giác bình an, một vẻ thông thái và an nhiên tự tại.  Con người của hòa bình.  Ai đó đã nói rằng: thinh lặng biểu lộ sự khôn ngoan quả là không sai.

Thinh lặng và kiên nhẫn

Khi thinh lặng, chúng ta có thời gian để suy gẫm và hiểu cho kỹ cũng như suy xét cẩn thận về cách sống và cách đối nhân xử thế.  Chúa Giêsu là một mẫu gương tuyệt vời cho thấy mối tương quan giữa thinh lặng nội tâm và sự kiên nhẫn.  Trong Tin mừng Gioan, khi người ta dẫn đến trước mặt Chúa người phụ nữ ngoại tình để gài bẫy Ngài, Chúa Giêsu đã thinh lặng lắng nghe những lời kết án người phụ nữ từ những người cầm quyền Do thái. “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.  Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.  Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.  Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi” (Ga 8, 6-9).

Chiều sâu nội tâm nơi Đức Giêsu là sự thinh lặng nơi tòa án khi Ngài bị xét xử.  Đức Giêsu không nói một lời nào bất chấp những lời kết án oan khiên và bị đánh đập.  Tột đỉnh của chiều sâu nội tâm nơi Ngài là sự hy sinh chấp nhận chết trên thập giá, bị xỉ vả, bị làm nhục đủ kiểu nhưng Ngài vẫn lặng thinh và cầu nguyện “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).  Ngài không lên tiếng chửi rủa những kẻ hành hạ Ngài.  Ngài kiên định với kế hoạch cứu độ và vâng phục Thánh ý Chúa Cha: “Lạy Cha, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14, 36).  Sự kiên nhẫn đó cho chúng ta hiểu một chân lý khác đó là tình yêu.  Càng biết thinh lặng, chúng ta càng biết yêu một cách chân thành và yêu bằng cả con tim và tính mạng.  Hay nói đúng hơn, nội tâm sâu sắc hay tình yêu sâu sắc sẽ làm chúng ta biết thinh lặng, và thinh lặng nội tâm diễn tả tình yêu mạnh hơn bất cứ sức mạnh ngoại tại nào.

Thinh lặng và hạnh phúc

Thinh lặng và hạnh phúc nội tại đi liền với nhau.  Có những người thinh lặng vì giận hờn, thinh lặng để dằn mặt, thinh lặng vì không muốn nói, thinh lặng vì không muốn đụng chạm, thinh lặng cho bớt phiền phức.  Thinh lặng kiểu đó như là một bức màn ẩn giấu sự không hài lòng phía sau.  Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn.  Con người không thể giấu cảm xúc của mình qua những cử chỉ thể lý đó.  Tất cả hiện lên trong ánh mắt.  Có người lấy lý do thinh lặng để tránh tiếp xúc với người khác và che lấp sự hiềm khích, nhưng ánh mắt của người đó khó có thể giấu được sự hiềm khích.  Có người giả nai để che đi khiếm khuyết và sai lỗi, nhưng ánh mắt vẫn hiện ra sự sợ sệt lo lắng.  Trong lòng có thì bên ngoài mới thể hiện được cách đồng điệu giữa các yếu tố bên trong và các yếu tố bên ngoài.  “Hữu xạ tự nhiên hương.”

Chính vì thế, thinh lặng phải có hạnh phúc bên trong mới là thinh lặng nội tâm.  Thinh lặng đó giúp con người nên thông thái, khôn ngoan và đem lại hòa bình.  Thinh lặng đó đưa con người vào cầu nguyện, nhờ cầu nguyện, con người thinh lặng cảm thấy hạnh phúc, và tìm kiếm thinh lặng như chốn dung dưỡng sức mạnh tinh thần.  Thinh lặng đó làm cho con người sống, và phát triển cách hạnh phúc chứ không chỉ là một kiểu sống để sống qua ngày mà không hề có sự triển nở trong tâm hồn của bản thân người đó, lại càng không thể đem bình an cho người xung quanh.

Thinh lặng và bình an

Thinh lặng nội tâm mang lại bình an cho chính bản thân và cho những người xung quanh.  Khi biết thinh lặng đúng đắn, chúng ta thể hiện sự khiêm nhường.  Đức tính này giúp con người sống thật với những gì đang xảy đến trong nội tâm và nơi hữu thể mình cũng như sự vật sự việc xung quanh người đó.  Thinh lặng giúp con người có thời gian đủ để suy nghĩ, lựa chọn và quyết định.  Điều đó giảm đi những phản ứng sai lầm, những hành vi thiếu kiềm chế dẫn đến bất hòa bất thuận.

Sự bình an và thinh lặng cũng đưa con người trở về với chính mình và thấy được sự thật của bản thân.  Có những người sợ thinh lặng vì họ phải nghe tiếng lương tâm réo gọi.  Thế nhưng, người yêu mến thinh lặng thì có nhiều cơ hội để trở về gặp lại chính mình, có cơ hội để yêu mình cách đúng đắn.  Người ta thường ví người có nội tâm thâm hậu như một hồ nước phẳng lặng có thể nhìn thấy tận đáy hồ.  Mặt hồ phản chiếu thế giới trên cao.  Nó thể hiện được chiều cao sâu dài rộng của tâm hồn và của tri thức.  Càng biết nhiều, con người càng quảng đại và bình an hơn.

Bình an thật của con người là Chúa.  Trong thinh lặng, con người gặp gỡ được Thiên Chúa.  Đó là lý do vì sao những người muốn gặp Chúa thường tìm vào hoang mạc hoặc những nơi thanh vắng.  Mỗi lần cầu nguyện, Chúa Giêsu đều tìm một nơi thanh vắng để có thể nói chuyện với Cha (Mt 26, 36; Mc 1, 35).  Đây là địa điểm để sống thân tình với Thiên Chúa.  Để ở thân tình hơn, Thiên Chúa cũng dẫn con người vào thanh tịnh. “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2, 16).  Như vậy, nơi thinh lặng của không gian và thinh lặng của tâm hồn, con người gặp gỡ được bình an đích thực.

Thinh lặng và niềm vui cộng đoàn

Khi gặp gỡ được bản thân và gặp gỡ được Thiên Chúa, con người thinh lặng chắc chắn đem lại niềm vui cho môi trường mà họ hiện diện.  Bình an thật thì không im lặng cách chết chóc và ngột ngạt nhưng như một nơi mà gió hoa vạn vật cùng cảm nhận tình yêu thương và gắn kết.  Con người gần gũi nhau hơn, cảm thông hơn và bác ái hơn.  Thinh lặng không đem lại niềm vui thì đó không bao giờ là thinh lặng nội tâm.  Nó là án phạt cho người đó và cả những người xung quanh.  Thinh lặng không niềm vui như liều thuốc độc giết chết tâm hồn người đó vì nó khiến con người cảm thấy bực bội, khó thở, sống lầm lì và các tương quan bị bế tắc.  Có Chúa trong thinh lặng thì thinh lặng lại trở nên sự gắn kết thân tình giữa người với người.  Vì nơi con người thinh lặng, người khác cảm nhận sự khiêm tốn, lòng từ tâm, sự khôn ngoan và ơn bình an.

Thinh lặng níu mở thiên đàng

Thinh lặng nội tâm trong sự sâu lắng và thánh thiện của nó có sức níu mở thiên đàng.  Đức Maria xưa kia đã sống một đời âm thầm trong lắng đọng của một tâm hồn cầu nguyện đã đón nhận ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ đến cho nhân loại.  Đó là việc Thiên Chúa sai Đức Giêsu nhập thể làm người.  Tâm hồn Mẹ khiến cả thiên đàng hoan hỉ vì ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện.  Tiếp theo, Đức Giêsu là Thiên Chúa cao trọng nhưng lại rất đỗi khiêm nhường.  Ngài tự nguyện vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người trong kiếp nhân loại hèn yếu.  Đời sống tịch liêu tự hạ của Ngài đã khiến Chúa Cha phải mở cửa thiên đàng và xác nhận: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 17).  Lần khác, khi Ngài hấp hối trên thánh giá, bóng tối bao trùm cả mặt đất (x. Mt 27, 45) và bức màn trướng trong Đền thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới.  Đất rung đá vỡ (x. Mt 27, 51).  Tâm hồn thinh lặng thật sự níu mở thiên đàng.  Nếu một người có tâm hồn thinh lặng chắc chắn sẽ được Thiên Chúa tìm đến.

*************

Thinh lặng trong thế giới hôm nay không dễ, thế nên, giá trị của nó đối với bản thân và với thế giới có giá trị lớn lao.  Thế giới hôm nay càng ồn ào càng cần sự thinh lặng bởi con người muốn chìm đắm trong bình an, khao khát hạnh phúc đích thực và mong ước một thế giới hòa bình để chung sống với nhau.  Thực sự, thinh lặng thì khó giữ nhưng nó mang lại những giá trị và hiệu quả đích thực.  Vì thế, con người vẫn luôn tìm kiếm và khát khao.  Trong đời sống thánh hiến, thinh lặng là cơ hội để người tu sĩ cảm nghiệm tình yêu và nên thân tình hơn trong tương quan với Đấng là Bình An.  Người tu sĩ bình an hay người tu sĩ thân tình của Chúa chắc chắn sẽ xây dựng tình thân và đem lại an bình cho những người xung quanh.

Nữ tu Têrêsa Mai Hường
Nguồn: https://daminhtamhiep.net/

[1] Tham khảo https://dcvphanxicoxavie.com/vn/Nhan-Ban-Thieng-Lieng-On-Goi/Gia-Tri-Cua-Su-Thinh-Lang.html

THẾ CHỖ CHÚA GIÊSU TRÊN THẬP GIÁ

Truyện kể rằng có thầy ẩn tu nọ tên là Cébastien thường đến cầu nguyện tại một nhà nguyện vắng vẻ trên núi.  Trong nhà nguyện này dân chúng tôn kính một tượng thánh giá với tước hiệu là “Tượng Chúa ban ơn.”

Thấy dân chúng có lòng tin thường tới cầu xin ơn lành, thầy Cébastien cũng thêm lòng tin cậy.  Một hôm, nhân lúc vắng người, thầy đến quỳ gối trước tượng thánh giá và đơn thành khẩn nguyện:

– Lạy Chúa, con ước ao được chia sẻ đau khổ với Chúa, xin cho con được thế chỗ Chúa trên thập giá.

Rồi thầy quỳ yên lặng, mắt đăm đăm nhìn lên thánh giá mong được đáp lời.  Một lúc sau thầy nghe như từ trên thánh giá có tiếng phán bảo:

– Được, Ta bằng lòng để con thế chỗ Ta trên thập giá, nhưng với một điều kiện duy nhất là bất cứ điều gì xảy ra, tai con nghe gì, mắt con thấy gì, con đều phải giữ im lặng không được nói năng gì hết.

Thầy Cébastien đã hứa, và được Chúa Giêsu cho lên thế chỗ Ngài trên thập giá.  Ngày qua ngày, dân chúng vẫn đến quỳ trước tượng thánh giá cầu nguyện.  Nhưng không ai hay biết về việc thế chỗ đổi ngôi giữa Chúa Giêsu và thầy Cébastien.

Một hôm có người đến quỳ cầu nguyện.  Xong, ông đứng dậy ra về bỏ quên lại dưới ghế cái túi đầy những đồng tiền vàng.  Thấy vậy, thầy vẫn yên lặng.  Một lúc sau có người nghèo đói vào nhà nguyện.  Ông ta vui mừng trố mắt nhìn túi tiền tưởng là của Chúa ban cho, rồi xách túi tiền ra đi.  Kế đó có chàng thanh niên vào quỳ gối khẩn nguyện xin ơn che chở vì phải xuống tàu đi xa.  Chàng thanh niên vừa ra khỏi nhà nguyện thì gặp người phú hộ trở lại tìm túi tiền.  Không thấy đâu, ông nghĩ là chàng thanh niên đã lấy trộm, nên điệu chàng đến trình cảnh sát.  Không cầm lòng được nữa, từ trên thập giá, thầy Cébastien hô lớn tiếng:

– Đứng lại!

Mọi người ngạc nhiên dừng lại, và thầy phân trần sự việc.  Sau đó người phú hộ ra đi tìm người nghèo đói để lấy lại túi tiền, và chàng thanh niên cũng vội vã ra đi cho kịp chuyến tàu.  Khi không còn ai trong nhà nguyện, Chúa Giêsu lên tiếng phán bảo thầy Cébastien:

– Con hãy xuống ngay khỏi thập giá! Con không xứng đáng thế chỗ cho Ta, vì con đã không biết giữ im lặng như lời con hứa.

Thầy Cébastien vội vã phân trần:

– Nhưng lạy Chúa, làm sao con có thể chịu đựng được cảnh bất công đó?

Thưa anh chị em, nhiều khi chúng ta cũng nóng vội không chịu đựng nổi trước hiện tượng người tốt kẻ xấu chung sống lẫn lộn, cỏ dại và lúa tốt mọc chen nhau trong cánh đồng thế giới.  Chúng ta đặt câu hỏi: “Chúa có muốn chúng con nhổ cỏ vứt đi không?  Chúa có muốn chúng con tiêu diệt hay trục xuất những người gian ác, tội lỗi ra khỏi cộng đoàn không?”  Chúa trả lời: “Cứ để đấy, đợi đến mùa gặt sẽ hay.”  Dụ ngôn cỏ dại trong ruộng lúa đã đánh trúng vào điểm thắc mắc của người Do Thái và các môn đệ Chúa Giêsu: Làm sao trong Nước Trời, Nước của Thiên Chúa lại có thể lẫn lộn lúa tốt với cỏ dại được?  Làm sao chính Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời đang đến rồi mà chẳng thấy hiện tượng tiên báo là những người gian ác, tội lỗi phải bị tiêu diệt.  Ngôn sứ Isaia cũng mơ ước và loan báo một “Dân Chúa chỉ gồm những người công chính” (Is 60,31).  Và ngay cả Gioan Tẩy Giả, những ngày chuẩn bị cho Chúa Giêsu xuất hiện cũng rao giảng: “Ngài đang cầm sẵn chiếc nia trong tay, để rê sạch lúa trong sân: lúa tốt Ngài thu vào kho lẫm, còn lúa lép, trấu rác, Ngài sẽ đốt bằng lửa không bao giờ tắt” (Mt 3,12).

Vậy mà Ngài, Đấng Thiên Sai Cứu Thế lại làm trật lất hết trọi; chả có tiêu diệt người tội lỗi, lại còn lo cứu gỡ họ.  Cứu gỡ cả những thứ phụ nữ ngoại tình bị bắt tại trận, cả thứ mà người ta cho là trời phạt nhãn tiền, đến độ mang án tật nguyền từ lòng mẹ: đui mù, què quặt, cùi hủi, mọi người đều ghê tởm xa tránh…  Thay vì đáng lẽ chỉ cho phép một ít người có chức vị cao cấp nhất mới được hầu tiệc với mình, thì Ngài lại đi lân la nhậu nhẹt với những người tội lỗi và bất lương.  Đối với kẻ thù, đáng lẽ ra phải không đội trời chung và tiêu diệt tận gốc rễ mới phải, mới khôn và mới đúng đạo, đàng này Ngài lại còn đòi phải cầu nguyện cho nó, thậm chí phải yêu thương nó.

Hôm nay, với dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa, Chúa Giêsu đã giải đáp những thắc mắc sâu sắc đó và đã mặc khải tâm tình của Thiên Chúa: ngoại trừ Đấng thấu suốt tâm can con người, không ai được quyền tự phong chức vụ quan tòa để xét xử hay xếp hạng anh em ai là lúa tốt, ai là cỏ lùng.  Bao lâu còn đang sống, còn đang lựa chọn và hành động, con người vẫn chưa đạt tới mức độ cố định đã hết hẳn tật xấu hay dứt khoát trở thành gian ác.  Nóng vội kết án anh em là hành động trái ngược với tấm lòng và chương trình cứu độ của Thiên Chúa: đòi nhổ cỏ lùng giữa mùa lúa đâm bông là đòi dạy không Thiên Chúa và phá hoại cả đồng lúa và mùa gặt của Ngài.

Tiếp theo là hai dụ ngôn hạt cải và men trong bột, hai dụ ngôn song sinh cùng mang một ý nghĩa: Hạt cải trong dụ ngôn này là thứ cải cay, dùng làm gia vị (moutarde): Tương hạt cải vừa thơm vừa nồng, là một gia vị quen thuộc ở nhiều nơi trên thế giới.  Trong thực tế, cây cải này chỉ phát triển thật giới hạn, nhưng Chúa Giêsu lại diễn giải như một thứ cây có khả năng phát triển kỳ diệu đến độ trở thành cây lớn cho chim trời về xây tổ, để nói về chiều kích tương lai kỳ diệu của Nước Trời.

Dụ ngôn men trong bột cũng bao hàm một ý nghĩa tương tự.  Một chút men, không đáng kể so với số lượng bột trộn chung, đủ cho cả trăm người ăn no.  Số lượng men thật khiêm tốn, tác dụng thật thầm lặng, nhưng hiệu quả lại vô cùng kỳ diệu, mãnh liệt.

Cả hai dụ ngôn vẫn là một đường lối, một chủ trương: nhỏ bé ở bước thầm lặng, nhưng tiềm ẩn một mầm sống mãnh liệt, vượt xa mọi ước lượng và chiến thắng mọi sức cản thù địch.  Yếu tố quan trọng vẫn là thời gian và tình thương của Thiên Chúa.  Thiên Chúa kiên trì chờ đợi đến mùa gặt lúa mới nhổ cỏ lùng.  Đó là vì tình thương của Thiên Chúa kiên trì chờ đợi con người tội lỗi trở về.  Thời gian Ngài kiên trì chờ đợi là để tích cực tạo điều kiện tối ưu cho cây lúa nuôi hạt, cho hạt cải thành cây, cho mầm sống nhân lên gấp bội, và cho men biến bột thành men, cho bột dậy lên làm nên bánh nuôi con người.

Nói chung, cả ba dụ ngôn hôm nay là một lời mời gọi chúng ta phải biết nhìn về tương lai, biết tin vào tương lai; kiên nhẫn chờ đợi gắn liền với tin tưởng vào tương lai.  Căn bệnh rồi sẽ khỏi, chiến tranh có thể chấm dứt.  Bất công và kỳ thị sẽ không thể kéo dài vĩnh viễn.  Bất công sẽ có thể nhổ đi được, kẻ phạm tội có thể hối cải, người thất vọng sẽ tìm lại được hy vọng.

Nhưng, thưa anh chị em,

Tin vào tương lai cũng là hoạt động cho niềm tin trở thành hiện thực.  Nhẫn nại kiên trì không có nghĩa là khoanh tay ngồi im chờ đợi trong thái độ thụ động.  Người Kitô hữu tin ở sự thắng thế của cái tốt, tin ở một tương lai tốt đẹp, tin ở công trình cứu chuộc của Thiên Chúa, cũng phải là người hoạt động một cách tích cực trong công cuộc xây dựng một xã hội trong đó cái xấu mất dần khả năng gieo rắc nọc độc của nó.  Nước Trời đang trổ bông hạt nơi những nỗ lực của nhân loại không ngừng giành lấy từng tấc đất chống lại cỏ lùng.  Và bổn phận của chúng ta là liên đới với mọi người anh em để cùng nhau chen vai thích cánh nỗ lực làm tăng trưởng cây lúa, hạt cải và tấm men của Nước Trời.

Trích trong “Niềm Vui Chia Sẻ”

SỨC MẠNH CỦA LỜI KHEN

Thánh Tôma Aquinô từng nói rằng không khen ai đó khi họ xứng đáng được khen cũng là một tội, vì khi kìm lại lời khen là chúng ta đang tước đoạt của người ấy của ăn mà người ấy cần để sống.  Ngài nói đúng.  Có lẽ kìm hãm lời khen không phải là tội, nhưng đó đúng là một sự bần cùng hóa đáng buồn, cho cả người đáng được khen và người cố dằn lòng không khen.

Chúng ta không chỉ sống nhờ cơm bánh.  Chúa Giêsu đã nói vậy.  Tâm hồn chúng ta cũng cần được nuôi dưỡng và của ăn của nó là sự thừa nhận, công nhận, và chúc phúc.  Tất cả chúng ta đều cần được người khác thừa nhận một cách lành mạnh, mỗi khi chúng ta làm gì đó tốt, để rồi chúng ta có vốn để thừa nhận người khác khi họ xứng đáng.  Chúng ta không thể cho đi những gì chúng ta không có!  Rõ ràng rồi.  Và như thế, để chúng ta yêu thương và công nhận người khác, thì chúng ta phải được yêu thương trước, được chúc phúc trước, và được khen ngợi trước.  Khen ngợi, công nhận, và chúc phúc là những điều hun đúc tâm hồn chúng ta.

Nhưng khen người khác không chỉ quan trọng với người được khen, mà nó cũng quan trọng hệt như thế cho người đưa ra lời khen.  Khi khen ai đó, là chúng ta cho người ấy của ăn cần thiết cho tâm hồn, nhưng khi làm thế, chúng ta cũng nuôi dưỡng cho tâm hồn mình.  Nó cũng tương tự như chuyện của các nhà hảo tâm.  Chúng ta cần trao đi không chỉ bởi người khác cần điều đó mà còn bởi chúng ta không thể nào lành mạnh nếu không trao đi bản thân mình.  Sự ngưỡng mộ lành mạnh là nhà hảo tâm của tâm hồn.

Hơn nữa, ngưỡng mộ và khen ngợi người khác là một việc làm ngoan đạo.  Thầy Benoit Standaert đã nói rằng “khen ngợi nảy sinh từ cội nguồn hiện hữu của ta.”  Thầy nói thế nghĩa là gì?

Khi khen ngợi và tán dương người khác, chúng ta đang chạm vào điều thâm sâu nhất trong chúng ta, chính là hình ảnh giống Thiên Chúa.  Khi khen ngợi ai đó, là chúng ta đang thổi sinh khí vào người ấy, như Thiên Chúa đã làm vậy.  Người ta cần được khen ngợi.  Chúng ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, và không chỉ sống nhờ dưỡng khí.

Hình ảnh giống Thiên Chúa trong chúng ta không phải là một biểu tượng mà là một sinh lực thật nhất trong chúng ta.  Vượt trên cái tôi, những tổn thương, kiêu căng, tội lỗi và sự nhỏ nhen trong tâm trí, thì điều thật nhất trong chúng ta chính là lòng cao thượng, nhân từ, hệt như cách Thiên Chúa nhìn xuống thế gian và nói: “Thật tốt đẹp! Mọi sự rất tốt đẹp!”  Khi sống tốt nhất bản thân mình, nói năng và hành động với sự trưởng thành, thì chúng ta có thể ngưỡng mộ.  Thật vậy, sẵn sàng khen ngợi người khác là dấu chỉ của trưởng thành, và ngược lại.  Chúng ta trở nên trưởng thành hơn khi rộng rãi trong lời khen.

Nhưng chúng ta lại không dễ mở lời khen ngợi.  Hầu hết chúng ta đều bị khóa kín trong thất vọng, chán nản với cuộc đời mình đến nỗi rơi vào yếm thế và ghen tị, chạy theo những thứ này hơn là sống nhân đức.  Chúng ta biện hộ cho những thứ này bằng nhiều cách khác nhau, hoặc bằng cách nói rằng cái người đó nhỏ hơn mình (hay thật ra là muốn nói chúng ta quá sáng láng và tinh vi nên không thể thấy ấn tượng gì nơi người khác), hoặc nói rằng khen ngợi chỉ làm người ta thêm tự đại, và chúng ta sẽ không làm hại cái tôi của người khác.  Tuy nhiên, thường thì lý do thực sự của chúng ta khi kìm nén lời khen là vì chúng ta thấy mình chưa được khen ngợi cho đủ, và vì thế chúng ta ghen tị cũng như thiếu sức mạnh để khen ngợi người khác.  Tôi đồng cảm mà nói rằng, tất cả chúng ta đều bị tổn thương.

Một số người thấy ngại khi khen ngợi người khác vì chúng ta tin rằng lời khen sẽ làm hư người ta, tâng bốc cái tôi của họ lên.  Yêu cho roi cho vọt mà!  Nếu chúng ta mở lời khen, thì nó sẽ đi vào cái đầu của người ta.  Nhưng lý lẽ này không đúng.  Một lời khen chính đáng không bao giờ làm hư người khác.  Lời khen thành thật và đúng đắn khiến người được nhận thấy thêm khiêm tốn hơn là hư thân.  Chúng ta muốn được yêu, bao nhiêu cũng đủ, chỉ không muốn được yêu cách sai lầm thôi.

Nhưng, các bạn có thể nói, còn về những đứa trẻ xem mình là cái rốn vũ trụ vì chỉ toàn được khen mà không được uốn nắn thì sao?  Tình yêu và sự trưởng thành thật sự thì phân biệt được giữa việc khen ngợi những gì đáng khen, và thách thức những gì cần được chỉnh đốn trong cuộc đời người khác.  Khen ngợi không bao giờ là tâng bốc bừa bãi, nhưng thách thức và chỉnh đốn chỉ có hiệu quả nếu trước đó người ấy biết được rằng mình được yêu thương và công nhận xứng đáng.

Lời khen chân thật không bao giờ sai.  Nó chỉ là công nhận sự thật thôi.  Nó là một cưỡng bách đạo đức.  Tình yêu cần có khen ngợi.  Như lời thánh Tôma Aquinô, không chấp nhận ngưỡng mộ người khác khi họ xứng đáng được khen ngợi, là một sai sót, một lỗi phạm, ích kỷ, nhỏ nhen và thiếu trưởng thành.  Ngược lại, khen ngợi ai đó khi họ xứng đáng, là một đức hạnh và trưởng thành.

Quảng đại là cho đi lời khen, không khác gì cho đi đồng tiền.  Chúng ta không được hà tiện lời khen.  Nhà thần nghiệm thế kỷ 14, John Ruusbroec, đã dạy rằng, “những ai không mở lời khen ngợi tán dương trên đời này thì sẽ bị câm muôn đời.”

Rev. Ron Rolheiser, OMI

PHÁC HỌA CHÂN DUNG MỘT VỊ THÁNH – ĐHY JOHN HENRY NEWMAN

Ngày 1 tháng 7 năm 2019, Tòa thánh Vatican loan báo Chân phước John Henry Newman và 4 vị khác sẽ được tuyên phong hiển thánh vào ngày 13 tháng 10 năm 2019.  Chân phước Newman được đánh giá là một trong những bậc thầy vĩ đại của Hội Thánh, vì thế sẽ thật hữu ích khi nhìn lại cuộc đời và giáo huấn của ngài để đón nhận những bài học cần thiết cho đời sống và sứ vụ của Hội Thánh ngày nay.

Một cuộc đời kiếm tìm chân lý

Đức hồng y John Henry Newman sinh tại Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 21 tháng 2 năm 1801.  Ngài được dạy dỗ trong truyền thống Anh giáo và từ nhỏ đã có thiên hướng tôn giáo, cụ thể là siêng đọc Kinh Thánh.  Kinh Thánh giúp ngài sống đạo đức, nhưng mối quan tâm tri thức lại khiến ngài đặt những câu hỏi nền tảng và muốn tìm kiếm câu trả lời rõ ràng, chính xác.  Vì thế khi mới 14 tuổi, ngài đã bị cám dỗ bỏ đạo: “Tôi muốn sống tốt nhưng không cần theo đạo; tôi không hiểu Thiên Chúa yêu thương có nghĩa gì.”

Chính trong giai đoạn đó, Chúa gõ cửa lòng Newman.  Trong những ngày nghỉ lễ năm 1816, Newman đọc cuốn Force of Truth (Sức mạnh của chân lý) của Thomas Scott, và tác phẩm đó đã gây ấn tượng rất sâu đến nỗi ngài coi đó như “cuộc hoán cải đầu tiên,” và là một trong những ơn ban lớn nhất trong đời.  Newman bắt đầu nhận thức cách sâu sắc sự hiện hữu và hiện diện của Thiên Chúa cũng như của thế giới vô hình.  Ngài cũng rút từ tác phẩm của Thomas Scott hai câu ghi dấu ấn suốt đời ngài: “Tìm kiếm sự thánh thiện hơn là bình an,” và “Bằng chứng duy nhất của sự sống là sự tăng trưởng.”

Sau cuộc hoán cải đầu tiên này, Newman đặt Thiên Chúa trên hết mọi sự và hết lòng bước theo Chân lý như ngài diễn tả trong tác phẩm Apologia pro vita sua: “Khi tôi 15 tuổi (mùa Thu năm 1816), một sự thay đổi lớn lao về tư tưởng diễn ra trong tôi.  Tôi đặt mình dưới sự hướng dẫn của Kinh Tin kính và tâm trí đón nhận đạo lý đức tin, đó là những điều nhờ lòng Chúa thương xót, sẽ không bao giờ lu mờ hoặc bị xóa nhòa.”  Newman bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của những tín điều trong Kitô giáo: sự Nhập thể của Con Thiên Chúa, công trình cứu độ của Đức Kitô, ân huệ Thánh Thần ngự xuống trong linh hồn người chịu Phép Rửa, đức tin không đơn thuần là một lý thuyết nhưng cần được diễn tả trong chương trình sống.

Sau khi hoàn tất chương trình học tại Trinity College, Oxford, Newman trở thành mục sư Anh giáo và sau này phụ trách nhà thờ Saint Mary, nhà thờ của đại học Oxford.  Trong thời gian này, ngài quan tâm nghiên cứu các Giáo phụ, đồng thời cảm thấy quan ngại trước tình trạng thiêng liêng của Giáo hội Anh giáo trước sự gia tăng ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do (liberalism) tại Oxford cũng như trên khắp nước Anh.  Để chống lại xu hướng này, Newman cùng với một vài người bạn lập nên Phong trào Oxford (Oxford Movement) năm 1833.  Phong trào này phê phán việc Anh Quốc không còn thực hành đức tin, và kêu gọi phải trở về với Kitô giáo nguyên thủy thông qua cuộc cải cách đích thực về mọi mặt: tín lý, thiêng liêng, phụng vụ.  Với mục đích này, phong trào thực hiện những ấn phẩm nhỏ, dễ phổ biến, cố gắng gây tác động trên hàng giáo sĩ cũng như các tín hữu đơn thành, đang bị giằng co giữa hai thái cực là chủ nghĩa duy cảm và chủ nghĩa duy lý.

Newman nhận ra rằng cuộc tranh luận chống lại chủ nghĩa tự do về mặt tôn giáo cần có một nền tảng giáo thuyết vững chắc, và ngài xác tín ngài đã tìm được nền tảng đó nơi những văn bản của các Giáo phụ mà ngài coi là các sứ giả và tiến sĩ đích thực của đức tin Kitô.  Từ đó, Newman khai triển lý thuyết được gọi là Via media (con đường trung dung).  Newman cũng tìm cách chứng minh rằng Anh giáo là người thừa kế hợp pháp của Kitô giáo nguyên thủy và là Giáo hội đích thực trong Đức Kitô, vì nơi Anh giáo không có những sai lầm về giáo thuyết như Tin Lành, cũng không có những lạm dụng mà ngài cho là đang có trong Công giáo Rôma.

Thế nhưng khi nghiên cứu lịch sử Giáo hội ở thế kỷ IV, Newman khám phá một điều quan trọng là Kitô giáo trong thời đại ngài đang sống lại phản ánh 3 nhóm tôn giáo ở thế kỷ IV, có thể so sánh như sau: Tin Lành giống như phái Ariô; Công giáo Rôma giống như các tín hữu Rôma; Anh giáo giống như người theo thuyết Ariô nửa vời (semi-Arianism).  Khám phá đó bắt đầu gợi lên những nghi ngờ về Anh giáo.  Không lâu sau đó, Newman đọc một bài viết trong đó tác giả so sánh Anh giáo với những người theo thuyết Donatism ở châu Phi thời thánh Ausgustinô.  Và ngài sẽ không bao giờ quên câu nói của thánh Augustinô: “Hội Thánh phổ quát, trong phán quyết của mình, là sự bảo đảm cho Chân lý” (Securus judicat orbis terrarum).  Newman nhận ra rằng những xung đột về giáo thuyết thời Hội Thánh sơ khởi được giải quyết không chỉ dựa vào nguyên tắc về tính cổ xưa (antiquity) nhưng còn là tính Công giáo (catholicity), nghĩa là ý kiến của Hội Thánh xét như một toàn thể chính là lời tuyên bố bất khả ngộ.

Trung thành với nguyên tắc phải tôn trọng Chân lý, Newman quyết định lui về Littlemore, một làng nhỏ gần Oxford, dành thời giờ cho việc cầu nguyện và nghiên cứu.  Ngài bắt đầu liên kết những đường dây suy tưởng xuất hiện trong những năm qua.  Câu hỏi đặt ra là nếu Hội Thánh Công giáo Rôma thực sự là tông truyền thì làm sao có thể lý giải những giáo thuyết bên Công giáo xem ra không phải là di sản được để lại từ Kitô giáo nguyên thủy?

Từ đó hình thành những suy nghĩ dẫn đến nguyên lý về sự phát triển chính thực mà Newman khai triển để giải thích những giáo huấn mới trong đời sống Hội Thánh: những tín điều sau này là sự phát triển chính thực mặc khải nguyên thủy.  Newman trình bày lập luận này trong bài An Essay on the Development of Christian Doctrine (Sự phát triển giáo thuyết Kitô), trong đó ngài phi bác quan điểm cho rằng chân lý hoặc sai lầm trong các vấn đề tôn giáo chỉ là những ý kiến khác nhau, và ơn cứu độ không lệ thuộc vào lời tuyên xưng đức tin đúng đắn.  Newman khẳng định: “Chân lý và giả dối được đặt trước mắt chúng ta để thử lòng chúng ta; chọn lựa của chúng ta là chọn lựa đáng sợ vì được cứu độ hay bị chối bỏ tùy thuộc vào đó; trước mọi sự, phải bám chặt vào đức tin Công giáo.”

Gia nhập Hội Thánh Công giáo

Khi Newman nghiên cứu về sự phát triển giáo thuyết Kitô, ngài nhận ra rằng Hội Thánh Rôma là Hội Thánh của các Giáo phụ, Hội Thánh đích thực của Đức Kitô.  Vì thế ngày 9 tháng 10 năm 1845, ngài tuyên xưng đức tin Công giáo, được Chân phước Dominic Barberi, người Ý, dòng Passionist, đón nhận vào Hội Thánh Công giáo.

Quyết định của Newman gia nhập Hội Thánh Công giáo đã gây chấn động lớn trong Giáo hội Anh giáo.  Có người cảm phục trước quyết định can đảm của ngài nhưng không ít người coi đó như sự phản bội, và Newman phải chịu nhiều đau khổ vì quyết định này.  Dư luận vẫn còn bám theo ngài trong nhiều năm sau đến độ có lúc báo chí tung tin Newman cảm thấy lạc lõng trong Hội Thánh Công giáo, nên sẽ trở lại Giáo hội Anh giáo.  Thế nhưng Newman rất vững tâm như ngài viết cho một người quen: “Kể từ khi được đón nhận vào Hội Thánh Công giáo, tôi không có lúc nào bị lung lay trong niềm tin vào Hội Thánh.  Tôi tin chắc, và sẽ mãi chắc chắn rằng Đức Giáo hoàng là trung tâm của sự hiệp nhất và là Đấng Đại diện Chúa Kitô; tôi mãi mãi tin vào Kinh Tin kính Hội Thánh tuyên xưng, mọi tín điều trong đó; tôi hoàn toàn thỏa mãn với việc thờ phượng, kỷ luật, giáo huấn của Hội Thánh; và dù rất khó khăn, tôi vẫn mong mỏi nhiều người bạn của tôi theo Tin Lành cũng sẽ được chia sẻ niềm hạnh phúc của tôi.”

Sau khi trở thành linh mục Công giáo, Newman lập chi nhánh Dòng Thánh Philip Neri ở Birmingham[1].  Trong nhiều hoạt động thần học và mục vụ, ngài chú trọng nhiều nhất đến việc đào tạo trí thức và thiêng liêng cho các tín hữu Công giáo, các anh em trong dòng và các tân tòng.  Ngài xác tín rằng trong thời đại hiện nay với những thay đổi rất nhanh về văn hóa và xã hội, cần phải có một đức tin có khả năng bày tỏ những lý do của niềm hi vọng Kitô giáo.  Vì thế ngài làm việc không ngơi nghỉ để huấn luyện những giáo dân có học thức, sống trong thế giới, làm việc trong ánh sáng đức tin và có khả năng bảo vệ đức tin của mình.

Cha John Henry Newman được Đức Giáo hoàng Lêô XIII nâng lên hàng Hồng y ngày 15 tháng 5 năm 1879, nhưng ngài xin là không chịu chức Giám mục và vẫn ở lại Birmingham.  Trong dịp này, ngài có bài phát biểu nổi tiếng, được coi như những lời tiên tri về thời đại chúng ta ngày nay:

“Chủ nghĩa tự do về tôn giáo là học thuyết chủ trương không có chân lý tích cực trong tôn giáo, niềm tin nào cũng tốt như nhau, và đây là chủ trương đang chiếm ưu thế từng ngày.  Chủ trương này không chấp nhận bất cứ tôn giáo nào là chân lý, vì mọi tôn giáo chỉ là chuyện ý kiến riêng.  Tôn giáo mặc khải không phải là chân lý nhưng chỉ là tình cảm và cảm nhận; không phải sự kiện khách quan; đó là quyền của mỗi người nói ra điều mình thích.  Đạo đức không nhất thiết phải xây nền trên đức tin. Người ta có thể đi nhà thờ Tin Lành hay Công giáo, có thể thấy ích lợi của cả hai nhưng không thuộc bên nào cả.  Người ta có thể làm bạn với nhau về tư tưởng và tình cảm thiêng liêng mà không có chung niềm tin và cũng không cần phải có.  Bởi lẽ tôn giáo là chuyện cá nhân, đặc thù, riêng tư nên không cần phải biết đến trong những tương giao con người.  Nếu một người cứ mỗi ngày lại theo một đạo thì mắc mớ gì đến bạn?  Thật không thích hợp nếu nghĩ về tôn giáo của một người như nghĩ đến nguồn lợi tức hoặc việc điều hành gia đình của họ.  Tôn giáo không liên quan gì đến mối dây xã hội cả.”

Những gì Đức hồng y Newman nói về chủ nghĩa tự do, ngày nay có thể gọi là chủ nghĩa tương đối và chúng ta không thể quên cụm từ nổi tiếng của Đức Bênêđictô XVI về “sự chuyên chế của chủ nghĩa tương đối!”  Lối nghĩ và lối sống mà Đức hồng y Newman cảnh giác xem ra ngày càng phổ biến và thắng thế, với những hậu quả tai hại rất lớn cho đời sống đức tin, nhất là chiều kích văn hóa và xã hội của đức tin.  Đức hồng y Newman nhắc nhở mọi Kitô hữu, mục tử cũng như giáo dân, rằng Chân lý là kho tàng quý giá mà chúng ta đón nhận bằng đức tin, chân lý ấy phải được loan báo cách trung thực và bảo vệ bằng mọi giá.

Ngày 11 tháng 8 năm 1890, Đức hồng y Newman qua đời tại nhà dòng ở Edgbaston.  Vào thời điểm đó, tờ Times of London (Thời báo Luân Đôn) viết: “Dù Rôma có tuyên thánh cho Hồng y Newman hay không, ngài cũng sẽ được tuyên thánh trong suy nghĩ của những người đạo đức thuộc nhiều niềm tin ở nước Anh.”

Sự nhìn nhận của Rôma

Trong dịp Đức Lêô XIII nâng cha John Henry Newman lên hàng Hồng y, Tòa Thánh Vatican đã gửi đến Hồng y Newman sứ điệp ngày 15 tháng 3 năm 1879: “Đức Thánh Cha trân trọng cách sâu sắc tài năng và học thức nổi trội của hiền huynh, lòng đạo đức và sự nhiệt thành của hiền huynh trong việc phục vụ Tác vụ thánh, sự tận tụy và sự gắn bó hiếu thảo của hiền huynh với Tòa Thánh, và sự phục vụ đáng kể của hiền huynh trong nhiều năm đối với tôn giáo, (ngài) quyết định dành cho hiền huynh bằng chứng công khai và cao quý về sự trân trọng và thiện ý của ngài.”

Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày Newman được nâng lên hàng hồng y, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gửi thư cho Đức cha George Patrick Dwyer, Tổng giám mục Birmingham, trong đó ngài viết: “Tư tưởng triết học và thần học cũng như linh đạo của Đức hồng y Newman bám rễ sâu và được phong phú hóa nhờ Kinh Thánh và giáo huấn của các Giáo phụ, (tư tưởng đó) vẫn còn nguyên giá trị và tính độc đáo của nó….  Tôi hi vọng rằng dung mạo và giáo huấn của vị hồng y vĩ đại này sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho việc thi hành sứ mệnh của Hội Thánh trong thế giới ngày càng hiệu quả hơn, và giúp canh tân đời sống thiêng liêng của các thành viên trong Hội Thánh cũng như thúc đẩy việc phục hồi sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu.”

Ngày 19 tháng 9 năm 2010, Đức Bênêđictô XVI nâng Đức hồng y Newman lên hàng Chân phước.  Trong giờ canh thức trước ngày tuyên phong, tại công viên Cofton Park, Luân Đôn, Đức Bênêđictô XVI đã nêu cao tấm gương của Newman: “Newman dạy chúng ta rằng nếu chúng ta đã đón nhận chân lý của Đức Kitô và trao phó đời sống cho Người, thì không thể có sự tách biệt giữa điều chúng ta tin và cách chúng ta sống.  Mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta phải quy hướng về vinh quang Thiên Chúa và mở rộng Vương quốc của Người.  Newman đã hiểu được điều này và đã là nhà vô địch đáng kính trong sứ vụ tiên tri của người Kitô hữu.  Ngài thấy rõ ràng rằng chúng ta không đón nhận chân lý như một hành động thuần tri thức cho bằng (đón nhận) trong một tiến trình năng động thiêng liêng, và chân lý ấy thấm vào tận tâm khảm chúng ta.  Chân lý được thông truyền không chỉ bằng giáo huấn, dù là điều quan trọng, nhưng còn bằng chứng tá của những cuộc đời đã sống chân lý ấy trong sự toàn vẹn, trung tín và thánh thiện; những ai sống trong và nhờ chân lý sẽ tự nhiên nhận ra những gì là giả dối, và vì giả dối nên cũng là thù nghịch của cái đẹp, cái thiện vốn song hành với vẻ huy hoàng của cái thật, Veritatis splendor.

Kết luận

Trong một bài thuyết trình về Đức hồng y Newman nhân kỷ niệm 100 năm ngày qua đời của ngài (1990), Đức hồng y Joseph Ratzinger (Đức Bênêđictô XVI sau này) đã nói: “Đối với tôi, đặc điểm của vị Tiến sĩ Hội Thánh là ngài không chỉ dạy chúng ta bằng tư tưởng và lời nói nhưng còn bằng đời sống của ngài, vì nơi ngài, tư tưởng và đời sống đan quyện vào nhau.  Nếu thế, Newman cũng đứng trong hàng ngũ những bậc thầy vĩ đại của Hội Thánh, vì ngài vừa chạm đến con tim chúng ta vừa soi sáng suy nghĩ của chúng ta.”

Nhận xét này vừa đáng quý vừa mang tính tiên tri.  Đáng quý vì chỉ cho chúng ta thấy dung mạo thực sự của Newman: không chỉ là nhà thần học với những suy tư sâu sắc nhưng còn là một vị thánh.  Và mang tính tiên tri vì nhiều người trong Hội Thánh Công giáo ngày nay đang nghĩ đến một ngày Thánh John Henry Newman sẽ được tuyên phong là Tiến sĩ Hội Thánh, vị tiến sĩ không chỉ dạy chúng ta thứ thần học bàn giấy nhưng còn giúp chúng ta sống nền thần học bàn quỳ vốn là điều hết sức cần thiết trong thời đại tục hóa ngày nay.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: https://www.vaticannews.va


[1] Dòng Thánh Philip Neri (The Congregation of the Oratory of St Philip Neri) là Hội dòng giáo hoàng về đời sống tông đồ, quy tụ các linh mục và sư huynh sống chung trong một cộng đoàn, không có lời khấn công khai nhưng chỉ liên kết với nhau bằng mối dây đức ái. Thánh Philip Neri lập dòng này ở Rôma năm 1575. John Henry Newman, sau khi thành linh mục Công giáo, đã cùng với một vài linh mục lập chi nhánh ở Birmingham, cuối cùng dời về Edgbaston.

Tài liệu tham khảo

Herman Geissier, On the 125th Anniversary of John Henry Newman’s Becoming a Cardinal, L’Osservatore Romano, 11/18 August 2004.

Fabio Attard SDB, Blessed John Henry Newman, Theology and Holiness, www.newmanfriendsinternational.org/en/blessed-john-henry-cardinal-newman.

Benedict XVI, Prayer Vigil on the Eve of the Beatification of Cardinal John Henry Newman, www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2010/september/documents.

John Paul II, Letter to H.E. Msgr. George Patrick Dwyer, Archbishop of Birmingham, for the first centenary of the elevation to the cardinalate of John Henry Newmanwww.vatican.va/content/john-paul-ii/en/letters/1979/documents.