KHÚC DẠO ĐẦU CHO MỘT NIỀM VUI LỚN HƠN

“Cứ nói đi, đừng làm thinh; vì Ta ở cùng con!”

Trong cuốn “A Holy Rebellion”, “Một Cuộc Nổi Loạn Thánh”, Thomas Ice & Robert Dean đặt vấn đề, “Khi nào chúng ta hành động giống như Satan?”  Câu trả lời là, “Khi chúng ta chú ý hơn đến việc, đơn giản là, duy trì tình trạng hiện tại của mình.  Khi chúng ta đặt lợi ích bản thân và vật chất trên lợi ích của Chúa Kitô.  Và khi chúng ta coi khổ đau và cái chết trong cuộc sống của mình như một thất bại, thay vì là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui lớn hơn’, Niềm Vui Phục Sinh!”

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của hai tác giả trên một lần nữa được gặp thấy trong Lời Chúa hôm nay.  Quan điểm của Chúa Giêsu hoàn toàn tương đồng với quan điểm của hai ông; rằng, khổ đau, bắt bớ, chỉ là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui lớn hơn!’  Vì thế, thông điệp “Ta ở cùng con” Chúa Giêsu gửi cho Phaolô qua bài đọc Công Vụ Tông Đồ cũng là thông điệp Ngài gửi cho các môn đệ và cả chúng ta qua bài Tin Mừng.

Khi nói, “Cứ nói đi, đừng làm thinh; vì Ta ở cùng con!”, Chúa Giêsu muốn xác nhận những gì rồi đây, Phaolô sẽ phải chịu và điều đó có thể khiến ông sợ hãi là có thật!  Việc người ta sẽ tìm cách bịt miệng Phaolô là có thật!  Việc chống đối Phaolô và Phúc Âm Phaolô rao giảng là có thật!  Vì vậy, Ngài trấn an, “Ta ở cùng con, không ai tra tay hại được con; vì Ta có một dân đông đảo trong thành này!”  Qua đó, Chúa Giêsu cho biết, bách hại, tù đày… Phaolô sẽ chịu, những gì không thể thiếu của người môn đệ, sẽ chỉ là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui lớn hơn’, “Niềm Vui Phục Sinh”, “Niềm Vui Thiên Chúa được nhận biết.”  Dân thành này, rồi ra cũng tuyên xưng, “Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu” như dân các thành khác, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca.

Với bài Tin Mừng, thông điệp của Chúa Giêsu càng đậm nét hơn.  Với những ai theo Ngài, Chúa Giêsu thừa nhận những nỗi đau và u buồn đang ở phía trước họ, “Các con sẽ khóc lóc; còn thế gian, sẽ vui mừng.”  Dẫu thế, Ngài kịp trấn an, “Thầy sẽ gặp lại các con!”; nói cách khác, “Thầy sẽ ở cùng các con, ở với các con và ở trong các con!”  Sau đó, không thể tin được, Ngài dùng một hình ảnh sống động, thú vị, tưởng như chính Ngài đã từng trải nghiệm, “Người phụ nữ sinh con rồi, thì không còn nhớ đến gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui.”  Như vậy, Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng, sự hiện diện thường xuyên của Ngài bên chúng ta, trong chúng ta, với chúng ta, sẽ giúp chúng ta vượt qua bất cứ nghịch cảnh nào; và mọi hiểm nguy, đòn bọng, hay bất cứ điều gì khác nữa, cũng chỉ là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui lớn hơn!’

Anh Chị em,

“Ta ở cùng con!”  Đó cũng là những gì Thiên Chúa thường hứa với những ai Ngài gọi và trao cho họ một sứ vụ.  Khi chọn Môisen, sai ông đi giải phóng dân; ông hỏi một đàng, Chúa trả lời một nẻo, “Con là ai mà dám ra trước Pharaô?”; Ngài trả lời, “Ta sẽ ở cùng ngươi!”  Thật lý thú, vì từ đó, xem ra Môisen có một tên mới, “Ta Sẽ Ở Cùng Ngươi”; trong biến cố Truyền Tin, Gabriel cất lời chào Đức Mẹ, “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, ‘Chúa ở cùng bà’”; mỗi ngày trong Thánh Lễ, chúng ta chào nhau, “Chúa ở cùng anh chị em”, “và ở cùng cha”…  Đó là một sự thật đáng vui mừng!  Đừng quên, Chúa Giêsu là Emmanuel, “Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta!”  Thiên Chúa ở cùng chúng ta như đã ở với Chúa Giêsu suốt cuộc đời dương thế của Ngài.  Vì thế, bao khốn khổ, đớn đau Ngài đã trải qua, kể cả cái chết trên thập giá… tất cả chỉ là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui lớn hơn’, “Niềm Vui Phục Sinh” vốn đã tiềm tàng ở cuối chân trời!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì con luôn đi qua cuộc đời này với sự duyên dáng và phẩm giá của một người con Chúa; một người con có Chúa ở cùng.  Xin cho con biết, triều thiên của con, Chúa đang cầm trên tay; và mọi đau khổ của con chỉ là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui lớn hơn!’” Amen !

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

HƠI THỞ THÁNH THẦN

Hôm nay Chúa Giêsu thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ.  Hơi thở của Thiên Chúa là sự sống.  Như thuở tạo dựng, Thiên Chúa thổi hơi vào mũi Adam.  Từ bụi đất Adam trở thành người.

Thuở ban sơ Thánh Thần Chúa bay là là trên mặt nước.  Ban sự sống cho muôn loài.  Ban hình dạng cho vũ trụ thiên nhiên.  Mọi sự đều tốt đẹp.  Nhưng kẻ thù gieo cỏ lùng vào ruộng lúa. Tàn phá vũ trụ.  Đem sự chết vào thế gian.  Thánh Thần Chúa không chịu thua lùi bước.  Người sáng tạo.  Người tái tạo.  Sửa chữa những sai lầm.  Phục hồi những tổn thương.  Phục sinh những chết chóc.

Kẻ thù đã giết chết Chúa Giêsu.  Thánh Thần Chúa đã cho Người sống lại.  Kẻ thù muốn kết thúc.  Thánh Thần Chúa lại mở đầu.  Ngày Chúa Phục Sinh trở thành ngày thứ nhất trong tuần.  Hôm nay  Chúa Giêsu thổi hơi trên vũ trụ để bắt đầu ngày thứ nhất mới.  Ngày khởi đầu của một vũ trụ mới .  Với công cuộc sáng tạo mới.  Với những con người mới.

Kẻ thù muốn giam kín môn đệ trong sợ hãi.  Thánh Thần Chúa mở tung cửa.  Ban cho các môn đệ ơn can đảm.  Mở tung cửa sai các ông ra đi làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh.  Kẻ thù muốn tâm hồn con người bất an chao đảo.  Thánh Thần Chúa đến ban bình an.  Kẻ thù muốn gây ra những vết thương.  Thánh Thần Chúa băng bó chữa lành.

Kẻ thù muốn huỷ diệt con người trong tội lỗi và thù hận.  Thánh Thần Chúa ban ơn tha thứ và hoà giải.  Chúa Giêsu thổi hơi ban Thánh Thần và sai các môn đệ ra đi tha thứ.  Tha thứ là tẩy sạch tội lỗi.  Tha thứ là chữa lành vết thương.  Tha thứ là cho tâm hồn đã chết được phục sinh.

Hôm nay Chúa Giêsu Phục Sinh tràn đầy Thánh Thần Chúa.  Đã thổi hơi ban Thánh Thần.  Đã sai các môn đệ ra đi làm chứng.

Kẻ thù đã gây chia rẽ muốn tách con người khỏi Thiên Chúa và thù ghét lẫn nhau.  Thánh Thần Chúa là hợp nhất và yêu thương.  Đã làm cho các dân tộc trên thế giới trở nên một lòng một ý.  Hãy chiêm ngắm cảnh tượng ngày lễ Ngũ Tuần.  Hàng vạn người thuộc các chủng tộc ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.  Bỗng trở nên cùng một ngôn ngữ.  Đều hiểu tiếng nói của Chúa Thánh Thần.  Chúa Thánh Thần đã qui tụ muôn dân nước trên thế giới thành một dân mới.  Dân tuyên xưng Chúa Kitô là Đức Chúa.

Kẻ thù đã tàn phá hình ảnh Thiên Chúa nơi con người.  Hôm nay Thánh Thần Chúa chữa lành vết thương, trả lại dung nhan Thiên Chúa cho con người.  Khiến con người, không phải chỉ con người, nhưng toàn thể vũ trụ trở lại hình ảnh xinh đẹp của Thiên Chúa, hợp nhất thành thân thể Chúa Kitô.  Chúng ta hãy đọc lại những lời tuyệt diệu tràn đầy Thánh Thần của thư 1 Côrintô: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy.  Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể.”

Chúa Kitô thổi hơi ban Thánh Thần và sai các môn đệ ra đi.  Ra đi để làm cho Ơn Chúa Thánh Thần tràn lan trên khắp vũ trụ.  Ra đi để biến đổi mặt địa cầu.  Qui tụ những phân tán.  Hàn gắn những chia rẽ.  Chữa lành những vết thương.  Vực dậy những yếu hèn.  Phục sinh những kẻ chết.

Vũ trụ hôm nay đang bị tàn phá.  Những vết thương trầm trọng trên khí quyển, trên biển, trên rừng, trên núi.  Thế giới hôm nay như một thân thể phủ đầy thương tích.  Thương tích trong chiến tranh, trong ngoại giao, trong kinh tế, trong hợp tác, trong ý thức hệ.   Xã hội đang bị thương tổn trầm trọng.  Thương tổn uy tín chính trị quyền lực.  Thương tổn công bằng xã hội.  Thương tổn tình yêu gia đình.  Thương tổn giáo dục học đường.  Thương tổn đạo đức luân lý.  Thương tổn phẩm giá nhân vị.  Trong mỗi con người đều mang những vết thương.  Vết thương tội lỗi.  Vết thương thất bại.  Vết thương bị phản bội.  Vết thương bị loại trừ.  Vết thương mặc cảm.  Vết thương nghi kỵ.  Chỉ có hơi thở Chúa Thánh Thần mới có thể chữa lành, hàn gắn, băng bó, phục hồi.

Thế giới đang phải chiến đấu với đại dịch Covid-19.  Trong đại dịch tôi rất cảm phục vì có nhiều người quảng đại.  Thiết lập những cây gạo ATM giúp người nghèo.  Trợ giúp những người bị cách ly mua sắm thực phẩm.  Sáng tác ca khúc, vũ điệu giúp người bệnh khuây khoả.  Vỗ tay cổ vũ các y bác sĩ.  Tôi cám ơn lòng quảng đại của hội Ilazaro mau chóng cứu giúp nạn nhân Covid-19 từ Việt nam đến Lào và Kampuchia.  Tôi cảm phục Đức Thánh Cha luôn cầu nguyện cho mọi thành phần bị đại dịch này ảnh hưởng đến đời sống.  Ngài không quên tặng máy thở và khẩu trang cho những nơi cần.  Tôi đặc biệt ấn tượng với các linh mục, trong đó có cha Antôn Phạm hữu Tâm, đã tình nguyện đi phục vụ tại nơi bệnh nhân bị bệnh nặng nhất.  Không chỉ ở bên cạnh để họ khỏi chết cô đơn, mà còn dùng điện thoại giúp họ liên lạc được với gia đình, để ít là giã từ người thân trước khi lìa đời.  Đó là hơi thở của Chúa Thánh Thần.  Đó là tiếp tay vào công trình sáng tạo của Chúa Thánh Thần.

Cách đây 29 năm tôi chịu chức linh mục vào ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng.  Tôi được sai đi loan Tin Mừng cho người nghèo khó.  Hôm nay ngày kỷ niệm rơi đúng vào lễ Chúa Thánh Thần.  Lời Chúa một lần nữa sai tôi đi phục vụ người nghèo.  Không chỉ nghèo về vật chất.  Nhưng còn nghèo về sức khoẻ, văn hoá, nhân phẩm, tu đức.  Nghèo về nhận thức, tình yêu, hi vọng, cảm thông.

Xin cám ơn biết bao người đã không ngừng nâng đỡ, cầu nguyện cho tôi trong khi thi hành chức vụ linh mục.  Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi được ơn Chúa Thánh Thần, để tôi được Chúa Thánh Thần sửa chữa khỏi những sai lầm, để tôi đem hơi thở của Chúa Thánh Thần phục hồi sự sống cho những người bị thương tổn, cho tôi biết khám phá những vết thương âm thầm sâu xa và đau xót của những người chung quanh để có thể góp phần băng bó, chữa lành.

Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến và đổi mới mặt địa cầu.  Xin sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.  Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt

TÁI TẠO

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện các môn đệ Chúa Giêsu tự nhốt mình trong một căn phòng đóng kín các cửa, lòng đầy sợ sệt.  Nhưng sau đó Chúa Giêsu đến với họ và sai họ ra đi, khi đó lòng họ vui mừng và bình an.

Chuyện xảy ra với các môn đệ ngày xưa cũng là chuyện thường xuyên xảy ra cho chúng ta ngày nay.  Vậy chúng ta hãy xem lại từng bước câu chuyện này.

Bước thứ nhất: các môn đệ nhốt mình trong phòng kín.  Đây là tâm lý co cụm, khép kín.  Một tâm lý thường xảy ra.  Chắc nhiều người đã biết chuyện Lan và Điệp.  Hai người yêu nhau tha thiết.  Nhưng Điệp bị gài bẫy nên bị bó buộc phải cưới một người khác.  Lan buồn quá.  Rồi Lan làm gì?  Lan co cụm lại bằng cách đi vào trốn trong chùa.  Lan không muốn gặp gỡ ai cả nên trong chùa có một chiếc chuông để khi ai muốn gặp người nào trong chùa thì kéo chuông.  Lan cắt đứt luôn sợi dây chuông ấy, nghĩa là cắt đứt hẳn mọi liên hệ với mọi người khác.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta vì nhiều lý do nên cũng rơi vào tâm lý co cụm khép kín như thế.  Lý do của Lan là thất tình.  Có người khác co cụm vì thất vọng.  Có người khác nữa vì mặc cảm tội lỗi.  Còn lý do của các tông đồ trong tường thuật này là sợ: các ông coi ai cũng là kẻ thù có thể hại mình bất cứ lúc nào nên co rút vào trong phòng và đóng kín các cửa lại.  Nhưng ta nên biết con người là một hữu thể mang tính xã hội.  Làm người là phải sống với những người khác.  Càng sống với chừng nào thì càng đúng là người chừng nấy.  Khi ai đó co cụm lại, rút vào vỏ sò thì kể như người ấy không còn là người nữa, người ấy như đã chết.

Ta hãy trở lại câu chuyện Lan và Điệp.  Vì Lan đã cắt đứt dây chuông nên Điệp không đến với Lan được.  Hai người không bao giờ gặp nhau nữa và dần dần chết héo chết mòn.  Chuyện tình của họ đi vào ngõ cụt không lối thóat.  Còn câu chuyện trong bài Tin Mừng này thì khác hẳn.  Các tông đồ đóng kín cửa không muốn gặp ai, nhưng Chúa Giêsu thì chủ động tìm gặp họ.  Họ không có khả năng đến với Chúa thì Chúa chủ động đến với họ.  Như thế là Ngài phá vỡ một chiều hướng của sự co cụm.  Nói cách khác, Chúa Giêsu mở cho họ một cánh cửa, cánh cửa mở ra phía Chúa.  Ngài còn mở cho họ cánh cửa thứ hai hướng về phía tha nhân bằng cách sai họ đi, đi ra khỏi thế co cụm của mình để đến với người khác.  Con người là một hữu thể có tính xã hội, làm người là phải sống với người khác.  Khi con người cắt đứt mọi liên hệ thì người đó kể như chết.  Nay Chúa Giêsu đến với các tông đồ và còn sai họ đến với người khác tức là Ngài nối lại những mối dây liên hệ, tức là Ngài làm cho họ sống lại.  Nói đúng hơn, Chúa Giêsu đã tái tạo các môn đệ.

Nhờ đâu mà Chúa Giêsu tái tạo được các môn đệ như thế.  Thưa nhờ Chúa Thánh Thần.  Bài Tin Mừng này có một chi tiết hàm chứa ý nghĩa rất sâu.  Đó là Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ.  Cũng như ngày xưa, Ađam ban đầu chỉ là một tượng bằng bùn đất, nhưng ngay khi Thiên Chúa thổi hơi vào thì tượng bùn đất ấy trở thành người.  Thì ngày nay cũng thế, Chúa Giêsu thổi hơi vào các tông đồ.  Làn hơi ấy chính là Chúa Thánh Thần, nhờ Chúa Thánh Thần mà các môn đệ đã được tái tạo lại thành những con người mới.

Những con người mới này có những gì đặc biệt: thưa cái đặc biệt thứ nhất là niềm vui.  Bài Tin Mừng nói “các tông đồ vui mừng vì thấy Chúa”; cái đặc biệt thứ hai là bình an: không còn sợ gì nữa cả nhưng lòng rất thanh thản.  Bài Tin Mừng viết “Chúa Giêsu đứng giữa các ông và nói: bình an cho chúng con”; và cái đặc biệt thứ ba là mang ơn tha thứ đến cho những người khác, bài Tin Mừng nói “Chúng con hãy nhận lấy Thánh Thần.  Chúng con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha.”

Nhiều khi chúng ta rơi vào tâm trạng sợ sệt, bất an, mặc cảm tội lỗi.  Khi đó chúng ta co cụm lại, rút lui vào nỗi cô đơn của mình và không muốn gặp ai cả.  Tình trạng này thật là buồn chán.  Phải sống trong tình trạng này thì chẳng khác nào như đã chết.  Do đó cần phải có ai đó giúp chúng ta thoát khỏi tâm trạng bất thường ấy.  Người ấy là ai?  Thưa chính là Chúa Thánh Thần.  Chúa Thánh Thần là Đấng tái tạo những gì suy sụp và hư mất.  Hôm nay cùng với Giáo hội chúng ta mừng kính Chúa Thánh Thần.  Nếu có gì đang khiến chúng ta buồn sầu co cụm khép kín, chúng ta hãy bày tỏ với Ngài và xin Ngài giải thoát chúng ta, tái tạo chúng ta thành con người mới, an bình, vui tươi, vui sống với mọi người.

Trích trong “Sợi Chỉ Đỏ”

ĐẦY LỬA, ĐỦ THẦN

“Con cầu xin cho họ, là những kẻ Cha đã ban cho Con.”

Kính thưa Anh Chị em,

Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha cho các môn đệ, cho những ai theo Ngài vốn sẽ gặp bao nguy khốn trong thế gian.  Ngài cầu xin cho họ điều gì?  Ngài xin cho họ được Chúa Thánh Thần.

Chính sự hiện diện và sức mạnh của Thánh Thần đã nâng đỡ thánh Phaolô như tâm sự của ngài trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay, “Thánh Thần báo trước cho tôi rằng, xiềng xích và gian lao đang chờ tôi ở Giêrusalem.  Nhưng tôi không sợ gì cả, không kể mạng sống tôi làm quý, miễn là tôi đi hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng.”

Trong đời sống tự nhiên, tinh thần đã đóng một vai trò hết sức quan trọng phương chi trong đời sống siêu nhiên; tinh thần đó, chính là thần khí của Thiên Chúa, được gọi là Thánh Thần.

Trước một hoàn cảnh bế tắc, chúng ta thường nghe, “Làm sao đừng để mất tinh thần;” với Napoléon thì, “Trong chiến tranh, yếu tố tinh thần chiếm ba phần tư trong tổng thể; sức mạnh tương đối về vật chất chỉ chiếm một phần tư.”  Theo ông, một đạo quân sở hữu một tinh thần mạnh mẽ sẽ làm được những điều kỳ diệu hơn một đạo quân có nhiều súng ống vật chất nhưng không có tinh thần.  Tuy nhiên, Napoléon lưu ý rằng, tinh thần nếu không được nuôi dưỡng sẽ là thứ dễ bị huỷ hoại chỉ trong khoảnh khắc.

Cũng thế, trong đời sống siêu nhiên; ở đây, đời sống của Giáo Hội sau khi Chúa Giêsu về trời, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần sẽ đóng một vai trò then chốt.  Chúa Giêsu thấy trước điều đó nên Ngài khẩn khoản nài xin Chúa Cha ban cho các môn đệ, ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài.  Để rồi, nếu nỗi buồn đè nặng tinh thần, niềm vui Thánh Thần sẽ nâng tinh thần chúng ta lên; nếu phê phán xói mòn tinh thần, tác động của Thánh Thần sẽ tài bồi nó; nếu thất bại khiến tinh thần co rút, sức mạnh Thánh Thần sẽ làm nó nên phấn chấn; nếu khước từ gây thương tổn tinh thần, sự chữa lành của Thánh Thần sẽ lành mạnh hoá nó; nếu ghen ghét đầu độc tinh thần, yêu thương của Thánh Thần lại ra sức thanh tẩy nó; nếu sợ hãi làm tê liệt tinh thần, sự tĩnh mịch của Thánh Thần lại trấn an và lay động nó.

Hình ảnh một cậu bé Péru 6 tuổi quỳ cầu nguyện ngay giữa đường trong đêm vào giờ giới nghiêm khi dịch bệnh đang lan tràn có thể là gương mẫu cho chúng ta.  Cô Claudia Abanto, nhiếp ảnh gia đã chụp được hình ảnh sống động này.  Cô chia sẻ, “Tôi đã nở một nụ cười khi bắt gặp hình ảnh này, với niềm tin và hy vọng nhỏ nhoi 1,000% của mình, nhưng hơn tất thảy, tôi đã thực sự rất hạnh phúc khi được chứng kiến tình yêu và niềm tín thác của đứa trẻ đó vào Thiên Chúa.”  Cô cho biết, lý do đơn giản là vì trong nhà em quá ồn ào, đứa trẻ phải ra đường cầu nguyện.  Cậu bé khiêm tốn cầu xin Chúa sớm kết thúc sự đe doạ của virus khiến toàn vùng châu Mỹ Latinh phải phó dâng cho Đức Mẹ Guadalupe.  Em cầu xin Chúa một điều ước, cho ông bà và những người già được bình an, những người mà em đã không gặp sau nhiều tuần Péru phong toả.  Và cô cũng cho biết, nhiều người trong khu phố đó đã gắn kết với nhau tạo ra một chuỗi cầu nguyện hằng đêm; mỗi tối, họ ra trước cửa nhà để đọc kinh cầu nguyện chung với nhau mặc những khoảng cách từ nhà này sang nhà nọ.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu cầu xin Thánh Thần cho những ai thuộc về Ngài; phần chúng ta, chúng ta có khẩn thiết kêu nài Chúa Thánh Thần không.  Chính Chúa Thánh Thần sẽ đem đến cho chúng ta lòng can đảm, sự bình an và niềm hy vọng, miễn sao chúng ta đừng quên van vái Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong mọi nghịch cảnh, xin giúp con đừng bao giờ thất thần, mất lửa; cậy nhờ ơn Chúa, cho con luôn đầy lửa, đủ thần,” Amen.

Lm. Minh Anh, Gp. Huế

NĂM CÁCH VƯỢT QUA ĐAU KHỔ

Trong lúc đau khổ, người ta khó có thể nghĩ rằng sẽ có điều tốt lành ẩn khuất phía sau.  Cũng như nhiều điều khác trong cuộc sống, đau khổ có sức mạnh phân đôi: sức mạnh để làm nô lệ và sức mạnh để giải thoát; sức mạnh để chán nản và sức mạnh để hưng phấn; sức mạnh để chai cứng và sức mạnh để mềm mại; sức mạnh để hủy diệt và sức mạnh để đổi mới.

Nếu cứ mặc nó, đau khổ có thể làm cho chúng ta thành người không thể nhận ra – đó là con người cứng cỏi, xa cách và cay đắng.  Tuy nhiên, cùng với Đức Kitô, đau khổ có thể biến đổi chúng ta nên mới, thanh tẩy chúng ta, và làm cho tâm hồn chúng ta mở để mến Chúa và yêu người.  Đôi khi chúng ta tán tỉnh với cả cái tốt và cái xấu, tôi thấy cũng được.  Tôi học cách sao chép cùng với nỗi đau từng phút giây, cố gắng từng ngày với những khó khăn, lúc tiến lúc lùi.  Đây là vài điều trong lúc đau khổ vẫn giữ tôi tiến lên phía trước và giúp tôi vượt qua và biến đổi.

1. Cầu nguyện và hành động

Sau khi bác sĩ chẩn đoán con gái tôi bị bệnh nứt đốt sống (spina bifida) và có thể bị rối loạn gen khi siêu âm thai 19 tuần, tôi không biết phải làm gì đến cuối thai kỳ và sau đó.  Làm sao tôi có thể cười với con cái của tôi?  Làm sao tôi không chìm đắm trong đau khổ?  Chồng tôi nói với tôi: “Hãy cầu nguyện và hành động, cứ thế rồi mọi thứ sẽ ổn.”  Tôi khóc lóc và lo lắng, cố gắng làm theo lời chồng: “Hãy cầu nguyện và hành động.”  Đó là điều tôi có thể làm.  Tôi cầu nguyện: “Lạy Chúa, Ngài làm được mọi sự…” Và tôi tiếp tục sống: Hoạch định công việc, giặt giũ, lau nhà, rồi cầu nguyện và hành động…

2. Mỗi ngày một lần 

Điều này có thể gây nhàm chán, nhưng mặc dù vậy, nó vẫn làm cho tôi dễ chịu.  Tương lai đối với tôi không thể có quá nhiều sợ hãi, thế nên tôi quyết định sống với hiện tại.  Thiên Chúa ban bình an cho tôi hôm nay, và Ngài ở với tôi lúc này, không chỉ trong quá khứ và tương lai.  “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày…” trở nên bài tập luyện: Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần để vượt qua hôm nay, và tôi sẽ cố gắng vượt qua chính mình.  Mỗi ngày cứ như thế…

3. Thực hành phó dâng

Tôi nói “thực hành” bởi vì nói dễ hơn làm, và tôi phải thực hành cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài.  Lạy Chúa Giêsu, con phó dâng điều này cho Ngài.”  Nhiều lần, có thể đa số khi bắt đầu, chúng ta cảm thấy miễn cưỡng và không thật lòng, nhưng hãy cứ tiếp tục phó dâng đau khổ cho Chúa.  Cuối cùng, lời cầu nguyện sẽ trở nên chân thật hơn, tâm hồn sẽ bình an và thanh thản, mặc dù niềm vui đó đến từ việc phó dâng đau khổ nhỏ mọn này, tôi lại tiếp tục phó dâng cho Chúa.  Tôi cảm thấy điều thật nhất mà tôi đã làm được là tặng phẩm thực sự, là điều mà tôi muốn duy trì trong tâm hồn tôi.  Tôi dâng cho Chúa, và Ngài thánh hóa điều đó.

4. Đừng hỏi tại sao

Chúng ta có thể chìm đắm trong các lý do và không bao giờ có được câu trả lời cần có, khoảng trống hy vọng có câu trả lời đó vì chúng ta là con người quen lấp đầy bằng sự hoài nghi và thất vọng.  Khi nhìn lên Thiên Chúa, tại sao chúng ta muốn biết cách hoạt động của Thánh Ý Ngài hoặc muốn hiểu sự quan phòng của Ngài?  Linh mục Jacque Phillipe cho chúng ta biết rằng mặc dù có những câu hỏi khó hiểu, chúng ta vẫn phải can đảm mà đừng hỏi “Tại sao?”, nhưng hãy hỏi “Cái gì?”  Lạy Chúa, lúc này Chúa muốn gì nơi con?  Bên trong sẽ lộn ra bên ngoài, và thất vọng sẽ biến thành yêu thương.

5. Hướng về Đức Mẹ sầu bi

Khi vợ chồng tôi thảo luận về việc bắt đầu một ngày mới bằng việc sùng kính Đức Mẹ Sầu Bi, chúng tôi thắc mắc rằng chúng tôi sẽ được gì trong những nỗi buồn chồng chất, chúng tôi lại cười gượng, và cảm thấy “chẳng có gì xảy ra” khi chúng tôi sống trong nỗi đau buồn của Đức Mẹ, có thể đẩy chúng tôi tới bờ vực thẳm.  Vài tuần trôi qua, chúng tôi ngạc nhiên về sự bình an mà chúng tôi cảm thấy, Đức Mẹ đã nâng đỡ sức nặng nơi tâm hồn chúng tôi.  Khi kết hiệp đau khổ của chúng tôi với đau khổ của Đức Mẹ, Đức Mẹ không làm tăng đau khổ, mà giúp chúng tôi mang đau khổ, chúng tôi thực sự cảm thấy như vậy.  Đức Mẹ không đau khổ sao?  Đức Mẹ là người mẹ nên cũng muốn giúp chúng ta mang gánh nặng của chúng ta.

Thánh Faustina nói: “Khi tôi thấy gánh nặng vượt quá sức, tôi không cân nhắc, phân tích hoặc thăm dò nó, nhưng tôi bắt chước đứa bé chạy đến bên Thánh Tâm Chúa Giêsu và nói với Ngài: “Ngài làm được mọi sự.  Rồi tôi giữ im lặng, bởi vì tôi biết rằng chính Chúa Giêsu sẽ can thiệp, và thay vì tự hành hạ mình, tôi dùng thời gian đó để yêu mến Ngài.

Amber Vanvickle
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ NCRegister.com)

XÂY DỰNG NƯỚC TRỜI

Chúng ta vừa nghe những câu cuối cùng trong Tin mừng theo thánh Matthêu.  Đây là những lời nói cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi từ giã trần gian về trời nên có tầm quan trọng rất lớn.  Chính vì thế Chúa Giêsu triệu tập các môn đệ lên một ngọn núi cao.  Trong Tin mừng, những biến cố quan trọng bao giờ cũng diễn ra trên ngọn núi cao.  Chúa ký kết giao ước với dân Do thái trên núi.  Chúa giảng bài giảng đầu tiên trên núi.  Chúa biến hình trên núi.  Chúa chịu chết trên núi.  Và hôm nay Chúa trao sứ điệp cuối cùng trên núi.  Sứ điệp này thật quan trọng vì cho ta hiểu được định mệnh của con người, hiểu được sự thật về Nước Trời và hướng dẫn đời sống của ta trên trần gian.

Sứ điệp đó cho thấy định mệnh con người.

Chúa Giêsu nói: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.”  Khi bị treo trên thánh giá, không một mảnh vải che thân, ai cũng nghĩ là Chúa Giêsu đã mất tất cả.  Nhưng hôm nay khi về trời, Chúa Giêsu được tất cả.  Trong hoang địa, Chúa Giêsu đã từ chối cơn cám dỗ thờ lạy ma quỉ nhằm được lợi lộc trần gian.  Thì nay Đức Chúa Cha đem tất cả đặt dưới chân Người.  Là người đầu tiên về trời, Chúa Giêsu mở cho ta một chân trời hi vọng.  Định mệnh con người không bị tàn lụi đi theo thân xác ở trần gian, nhưng triển nở đến vô tận trên Nước Trời.  Định mệnh con người không chìm trong nhục nhằn thống khổ, nhưng sẽ trổi vượt trong vinh quang trên Nước Trời.  Định mệnh con người không phải chịu giam cầm trong số phận xác đất vật hèn ngang hàng với cỏ cây súc vật, nhưng sẽ được nâng lên ngang hàng với các bậc thần thánh trên Nước Trời.

Sứ điệp đó cho thấy sự thật về Nước Trời.

Chúa Giêsu nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”  Theo quan niệm dân gian ta thường phân chia trời với đất.  Trời cách xa đất ngàn trùng.  Đất chẳng bao giờ với được tới trời.  Trời chẳng bao giờ có thể cúi xuống tới đất.  Nhưng với lời Chúa Giêsu hôm nay, ta thấy trời đất không cách xa nhau.  Chúa Giêsu về trời nhưng vẫn ở bên cạnh ta mọi ngày mọi giờ cho đến tận thế.  Chúa Giêsu không nói Chúa sẽ lên trời, nhưng Chúa thường nói Người sẽ về với Chúa Cha.  Nước Trời chính là sự sống trong Chúa Cha, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần.  Nước Trời chính là sự sống trong Ba Ngôi Thiên Chúa.  Nước Trời là được hưởng hạnh phúc trong tình yêu Thiên Chúa.  Như thế Nước Trời là một trạng thái chứ không phải một nơi chốn.  Ai sống trong tình yêu Thiên Chúa thì đã ở trong Nước Trời rồi.

Sứ điệp đó cho thấy sứ mạng của người môn đệ.

Chính vì không cách biệt mà trời và đất không đối lập nhau.  Trời không tách rời đất.  Đất không đối lập với trời.  Nước Trời phải được xây dựng ngay từ bây giờ, trên mặt đất.  Trái đất Chúa ban cho để ta xây dựng thành Nước Trời.  Đó là sứ mạng của người môn đệ.  Đó là tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu.  Xây dựng bằng cách nào.  Thưa bằng “dậy cho họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em.”  Những điều Chúa Giêsu dậy đã được tóm tắt trong điều răn mới: “Thầy truyền cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”  Điều răn mới này thay thế mọi điều răn cũ.  Như thế sứ mạng của người môn đệ Chúa là sống yêu thương, là làm cho mọi người sống yêu thương.  Khi mọi người biết yêu thương nhau như Chúa yêu thương ta, Nước Trời đã hiện diện.

Hôm nay mừng lễ Chúa Giêsu về trời, ta hiểu rằng định mệnh của chúng ta thật cao quý vì không kết thúc ở trần gian mà còn tiếp tục trên Nước Trời.  Ta hiểu rằng Trời và Đất không cách xa đối lập nhau, nhưng Nước Trời phải được xây dựng ngay từ bây giờ trên mặt đất, và Trái Đất Chúa ban cho để ta xây dựng thành Nước Trời.  Ta hiểu rằng sứ mạng của ta phải nối tiếp sứ mạng của Chúa Giêsu, sống yêu thương và làm cho mọi người sống trong yêu thương.  Khi ta hoàn thành sứ mạng như Chúa Giêsu ta sẽ được chung phần hạnh phúc với Chúa.

Lạy Chúa xin nâng lòng con lên khao khát những sự trên trời. Amen.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

KHÁT KHAO CÔ TỊCH 

Tám trăm năm trước, nhà thơ Rumi đã viết: Điều tôi muốn làm là vọt ra khỏi con người tôi và ngồi tách hẳn ra.  Tôi đã sống quá lâu ở nơi người ta có thể tìm tới.

Chẳng phải điều đó đúng với tất cả chúng ta hay sao, đặc biệt ngày nay!  Đời sống của chúng ta thường xuyên giống như cái va li bị nhét quá tải.  Gần như lúc nào chúng ta cũng bận rộn, cũng đầy áp lực, còn một cú điện thoại phải gọi, còn một tin phải nhắn, một e-mail phải gởi đi, một chuyến thăm còn chờ, một nhiệm vụ chưa làm.  Mãi mãi chúng ta lo lắng về những thứ chúng ta vẫn còn để đó chưa làm, về người mà chúng ta đã làm cho họ thất vọng, về những kỳ vọng không được đáp ứng.

Hơn nữa, trong mọi chuyện này, bao giờ người khác cũng có thể tìm tới được với chúng ta.  Chúng ta chẳng có hòn đảo tĩnh lặng nào để trốn, chẳng có nơi ẩn náu cô tịch nào.  Khi nào người khác cũng tìm được chúng ta.  Một nửa thế giới có số điện thoại liên hệ với chúng ta và chúng ta chịu áp lực phải có mặt ở đó bất cứ khi nào.  Rất thường xuyên chúng ta cảm thấy mình như đang ở trong guồng lao dịch mà chúng ta khao khát thoát ra.  Và giữa tất cả trận đồ bận túi bụi, áp lực, ồn ào và mệt mỏi đó, chúng ta khao khát cô tịch, khao khát một tĩnh lặng nào đó, một hòn đảo bình yên nơi chấm dứt mọi áp lực và tiếng ồn để đơn giản chúng ta có thể ngồi xuống nghỉ ngơi.

Đó là ước ao lành mạnh.  Tâm hồn chúng ta đang lên tiếng.  Giống như thân thể, tâm hồn cũng liên tục cố gắng báo cho chúng ta biết nó muốn gì.  Nó cần cô tịch.  Nhưng tìm cô tịch thì chẳng dễ dàng.  Tại sao?

Cô tịch là thứ khó nắm bắt, nó cần tìm chúng ta hơn chúng ta tìm nó.  Chúng ta có khuynh hướng hình dung cô tịch một cách rất ngây ngô, như một cái gì đó chúng ta có thể “đắm mình trong đó” như đắm mình trong bồn nước ấm.  Chúng ta có xu hướng hình dung cô tịch như sau: Chúng ta bận rộn, đầy áp lực, và mệt mỏi.  Cuối tuần chúng ta có dịp thoát được áp lực này.  Thuê một căn nhà nhỏ, có đầy đủ mọi thứ, lò sưởi, khu rừng ẩn mật.  Chúng ta đem theo thức ăn, rượu vang, vài đĩa nhạc nhẹ và chúng ta để điện thoại, iPad hay máy tính xách tay ở nhà.  Đây sẽ là một cuối tuần tĩnh lặng, thời gian để uống rượu vang bên lò sưởi và lắng nghe chim hót, một thời cô tịch.

Nhưng sự cô tịch không thể được lập trình dễ dàng như vậy.  Chúng ta có thể thiết lập những điều kiện tối ưu cho nó, nhưng điều đó không bảo đảm rằng chúng ta sẽ tìm thấy nó.  Nó phải tìm thấy ta, hoặc, nói chính xác hơn, một điều nào đó bên trong ta phải được đánh thức cho nó có mặt.  Tôi xin chia sẻ một trải nghiệm của bản thân như sau:

Vài năm trước, khi còn dạy thần học ở một trường đại học, tôi thu xếp để sống ở tu viện Xi-tô hai tháng hè.  Tôi đi tìm cô tịch, tìm cách sống chậm lại.  Tôi vừa xong một học kỳ đầy áp lực, vừa dạy, vừa đảm nhiệm công việc hành chánh, tổ chức các buổi nói chuyện và hội thảo, và cố gắng viết đôi chút nữa.  Tôi đã tưởng tượng ra hình ảnh gần-như-ngọt ngào về những gì sẽ gặp tôi ở tu viện đó.  Tôi sẽ có hai tháng tuyệt vời trong cô tịch: Tôi sẽ đốt lò sưởi trong phòng, ngồi yên lặng bên cạnh.  Tôi sẽ thinh lặng đi dạo trong khu rừng đằng sau tu viện.  Tôi sẽ ngồi trên chiếc ghế đu ven hồ và châm tẩu hút.  Tôi sẽ thưởng thức món ăn ngon lành, ăn trong yên lặng, tai nghe một thầy đọc to giọng một đoạn trong sách thánh, và tuyệt vời nhất, tôi sẽ cùng các thầy cầu nguyện – cùng hát trong ca đoàn, dâng thánh lễ, và cùng họ thiền tọa tĩnh lặng trong nhà nguyện an bình.

Tôi đến tu viện vào giữa chiều, vội vàng dỡ đồ đạc ra, và ngay lập tức bắt tay vào làm những việc trên.  Đến chiều muộn tôi đã “phạt sạch”, giống như bãi cỏ đợi để được cắt từ lâu: Tôi đã châm lò sưởi và ngồi cạnh.  Tôi đã đi dạo trong rừng, đã ngồi trên chiếc ghế đu cạnh hồ hút tẩu thuốc, đã cùng với các thầy hợp ca trong giờ kinh chiều, đã ngồi thiền với họ nửa giờ sau đó, đã ăn tối ngon lành trong im lặng, và rồi lại cùng với họ hát trong buổi lễ cuối ngày.  Đến giờ đi ngủ trong buổi tối đầu tiên thì tôi đã làm xong tất cả mọi thứ mà tôi ao ước nó sẽ đem lại cho mình một sự cô tịch nào đó, và tôi đi ngủ mà lòng không yên, nhấp nhỏm lo lắng rồi đây không biết làm sao sống qua được hai tháng không ti vi, không báo chí, không điện thoại, không gặp gỡ bạn bè, và không những công việc đều đặn để làm xao lãng bản thân.  Tôi đã làm tất cả những hoạt động cô tịch đúng đắn mà không tìm thấy cô tịch, thay vào đó tôi lại thấy bất an.  Mất vài tuần cơ thể và tâm trí tôi mới chậm lại đủ để tôi tìm được yên tĩnh căn bản trước khi tôi có thể bắt đầu nhấm nháp bờ rìa của cô tịch.

Cô tịch không phải là cái gì chúng ta có thể vặn một cái là chảy ra ngay như nước máy.  Nó cần một cơ thể và tâm trí chậm lại để chú ý tới phút giây hiện tại.  Chúng ta ở trong cô tịch khi, như Merton nói, chúng ta trọn vẹn nếm được vị của nước đang uống, cảm nhận được hơi ấm của tấm chăn đang đắp, và yên tĩnh đủ để hài lòng với bản thể chính mình.  Chúng ta thường không làm được điều đó, cho dù nỗ lực thiết tha, nhưng chúng ta cần tiếp tục những khởi đầu mới mẻ.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CHÚA CÓ TÁC ĐỘNG QUA THÁNH LỄ ONLINE KHÔNG?

Một số ít người không tin vào thánh Lễ online.  Nhất là khi thánh Lễ trực tuyến đã kết thúc, sau ấy vài tiếng Bạn mới “xem lại online” thì sao?  Để trả lời cho thắc mắc trên, xin kể cho quý ông bà anh chị em nghe câu chuyện sau đây về cha Tardif.

[Cha Emiliano Tardif MSC (1929-1999) được Chúa ban ơn chữa lành bệnh tật qua thánh Lễ.  Ngài luôn rao giảng: Chúa GIÊSU đang sống và dẫn chứng bằng những dấu chỉ chữa lành các bệnh nhân, giống như Giesu đã từng chữa các người bệnh cách đây 2000 năm.  Bởi thế cha đi đến đâu nhà thờ cũng chật ních người.  Vì số giáo dân và cả người không Công giáo tham dự quá đông, có lần cha phải tổ chức thánh Lễ chữa lành ở một sân vận động lớn, có sức chứa tới 100.000 người.]

Mùa hè 1982 đài truyền hình CHOT ở Ottawa, Canada đã hỏi cha Tardif, họ muốn thâu một chương trình dài 30 phút về “Canh Tân Đặc Sủng.”  Chương trình sẽ ghi hình vào băng Video Cassette, để trình chiếu trên đài truyền hình vào mùa thu năm đó.  Trong lúc cầu nguyện cho bệnh nhân thì cha được linh ứng rằng Chúa Giêsu đang tác động chữa bệnh.  Và cha nói: “NGAY TRONG LÚC NÀY một người bệnh đang nằm một mình trong phòng bệnh viện.  Cô bị đau lưng nặng.  Nhưng Giêsu đang ở bên để chữa lành cho cô.  Cô cảm thấy một luồng điện ấm loan tỏa khắp lưng.  Giờ cô có thể đứng dậy và đi được.”

Khi cha Tardif về nhà, ngài suy đi nghĩ lại sự việc và cảm thấy ngạc nhiên về điều ngài đã nói trong lúc cầu nguyện: Chương trình thâu hôm nay cho mấy tháng sau mới được chiếu trên tivi cơ mà, sao lại nói “NGAY TRONG LÚC NÀY…”  Cha thầm nghĩ: Có lẽ cô ấy hiện tại còn chưa được đưa vào bệnh viện nữa.  Thế mà cha đã nhân Danh Thiên Chúa nói trước về sự chữa lành của cô ấy.

Cuối tháng 1 năm 1983 cha nhận một lá thư của B.G., cô viết ngày 16.1.1983:

“Vì bị bệnh nặng nên con phải nghỉ làm việc.  Hai đốt sống sau lưng bị lật sang bên gây đau buốt kinh khủng.  Có những đêm con ngủ không được.  Những bài tập trị liệu không thuyên giảm được cơn đau.  Do đó, vào tháng 12 bác sĩ đã thực hiện giải phẫu kéo dài 4 tiếng đồng hồ.  Kết quả là chân phải của con có thể đi lại được chút, nhưng cái lưng thì vẫn rất đau.

Ngày 18.12 con mệt mỏi không còn sức mà vẫn phải nằm ở bệnh viện.  Đức tin của con vào Chúa như đã mất.  Lúc 18 giờ 35 phút con mở tivi lên.  Chương trình “TÌNH YÊU KHÔNG BIÊN GIỚI” vừa kết thúc và con nghe, cha nói những lời cuối: “Một bệnh nhân đang nằm một mình trong phòng bệnh viện, cô bị đau lưng rất nặng.  Ngay trong lúc này Giêsu đang hiện diện ở bên để chữa lành.  Cô bắt đầu cảm nhận, Chúa chạm vào lưng cô…  Sau này cô sẽ làm chứng về việc chữa lành này.”

Đúng như cha nói, một luồng điện ấm chạy dọc nơi cột sống, tỏa ra trên lưng con…  Trước ấn tượng bất ngờ ấy nước mắt con cứ tuôn chảy.  Con hối lỗi tự hỏi mình: Sao Giêsu có thể đón nhận một tâm hồn đau khổ khép kín và thất vọng này?  Nhưng không phải chính vì những tâm hồn tan nát như con mà Ngài đã chết trên Thánh Giá sao?

Hôm nay, sau một tháng, con muốn kể cho cha nghe về việc chữa lành lạ lùng nơi con.  Lần đầu tiên trong cuộc đời con cảm nghiệm được sự BÌNH AN vô tận.”

Ơn chữa lành lạ lùng này đã được kiểm chứng ở Tahiti, nơi cô B.G. sống và được xác nhận là sự thật.  Từ Lời Chứng ở trên chúng ta biết được một điều rất quan trọng: Giêsu đã thật sự sống lại.  Chúa GIÊSU không bị giới hạn bởi không gian, thời gian hay Internet.  Ngài có thể linh ứng cho biết, điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, vì với Ngài “Tương Lai” cũng là “NGAY TRONG LÚC NÀY…” Thiên Chúa không có xài đồng hồ, Ngài không xài cuốn lịch.  Bởi NGÀI là Đấng HẰNG HỮU, Ngài hiện diện ở bất kỳ nơi nào Ngài muốn cách trực tiếp.

Lm. Đa Minh Bùi Trọng Biên

 SỰ SỐNG MỚI

Nếu các Tin mừng Matthêu, Marcô và Luca mời gọi ta vào Vương quốc Thiên Chúa, thì Tin Mừng Gioan mời gọi ta vào tình yêu Chúa Giêsu Kitô.  Thánh Gioan là người sống sau cùng.  Sau khi đã nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thánh nhân nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, là sống sự sống của Thiên Chúa.

Tình yêu đó không phải là thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn nhưng là một tình yêu sáng suốt của lý trí.   Tình yêu đó không phải là chuyện đuổi bướm, hái hoa, rung động, xúc cảm, nhưng là một tình yêu với những việc làm cụ thể.  Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy.

Đó chính là bí quyết Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, trước khi người giã từ các ông để đi vào thế giới đức tin.  Từ nay để gặp gỡ Người, để yêu mến Người, để sống với Người, cần phải có đức tin và tình yêu.

Tin và Yêu là đôi mắt giúp ta nhìn thấy những sự thực siêu nhiên.  Người không tin và không yêu sẽ không nhìn thấy như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy ban cho anh em Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể đón nhận được vì thế gian không thấy và không biết Người.”  Cũng như kiến thức y khoa là khả năng chuyên môn giúp người bác sĩ nhận dạng được các loại vi trùng, định đúng được bệnh trạng của bệnh nhân; hoặc như kiến thức về thảo mộc của nhà thực vật học giúp họ nhận dạng phân loại và biết rõ đặc tính của những lọai cây cỏ, tin và yêu cũng phải là khả năng chuyên môn giúp người môn đệ Chúa nhận ra những sự thực siêu nhiên, nhìn thấy, nhận biết và đón nhận Thiên Chúa.

Tin và Yêu, như vậy, là con đường dẫn đưa ta tới gặp gỡ Thiên Chúa.

Với đức tin và tình yêu, người môn đệ Chúa không còn thấy Thiên Chúa là một Đấng xa vời, mơ hồ, nhưng là một Đấng gần gũi, rất thật.  Với đức tin và tình yêu ta sẽ gặp được Đức Chúa Cha, Đấng thương yêu, luôn chăm sóc cho ta, luôn mời gọi ta, luôn muốn ấp ủ ta, luôn muốn tha thứ cho ta.

Với đức tin và tình yêu, ta sẽ gặp được Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, trong Sách Thánh, trong những lời giáo huấn của Giáo hội và trong những anh em sống quanh ta.

Với đức tin và tình yêu, ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần khi Người đốt lên trong tim ta ngọn lửa yêu mến, khi Người thúc đẩy ta dấn thân phục vụ, khi Người soi sáng cho ta những sáng kiến trong những hoạt động mới.

Nhưng quan trọng nhất là: Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh.  Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa.  Sự sống đó là hiệp thông, như lời Chúa Giêsu nói: “Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy.  Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến.”

Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta.  Ở trong người nào tức là được người ấy yêu thương.  Hiệp thông trong yêu thương là một thái độ cởi mở: mở tâm hồn ra để cho đi và nhận lãnh sự sống.  Nhờ Tin và Yêu, ta mở lòng ra đón nhận Thiên Chúa, sự sống mới, sự sống sung mãn, sự sống vĩnh cửu.

Đúng như lời Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi.”  Ai nhắm mắt đức tin, sẽ không nhìn thấy Chúa, sẽ trở thành mồ côi.  Ai đóng cửa tình yêu, sẽ không gặp được Chúa, sẽ sống trong cô độc.  Nhưng người môn đệ Chúa, nhờ có đức tin và tình yêu sẽ gặp được Thiên Chúa Ba Ngôi.  Và như thế việc ra đi của Chúa Giêsu không những không thiệt hại mà còn ích lợi cho ta.  Sự ra đi của Người dẫn ta đi đến kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự sung mãn, sự sống dồi dào.

Nhưng để đạt tới điều Chúa Giêsu đã hứa, ta hãy nhớ lại một lần nữa lời Người căn dặn: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các giới răn của Thầy.”  Đức tin được thể hiện bằng tình yêu.  Tình yêu được chứng minh qua hành động.  Đó là chìa khoá của đời sống Kitô hữu.

TGM Ngô Quang Kiệt

ĐỨC MẸ FATIMA

Mỗi nơi Mẹ Maria hiện ra đều mang một dấu ấn và để lại ấn tượng kỳ diệu nơi mỗi người suốt thế kỷ này tới thế kỷ kia.  Ngôn ngữ loài người không gì có thể diễn tả hết về người Mẹ.  Danh xưng Mẹ vẫn là từ ngữ hợp với tâm tình của con người nhất.  Nói đến Mẹ, tự nhiên con người ai cũng cảm thấy như có một cái gì đó dâng đầy con tim, tràn ngập tâm hồn con người.  Hôm nay, mừng kính Đức Mẹ Fatima, mãi muôn đời nhân loại sẽ không bao giờ quên sứ điệp của Mẹ đã nói với Lucia, Jacinta và Phanxicô trên đồi Cova da Iria ngày 13 tháng 10 năm 1917.

BA TRẺ LUCIA, JACINTA VÀ PHANXICÔ

Ba trẻ Lucia, Jacinta và Phanxicô là ba bé chăn chiên thuộc gia đình nghèo làng quê Fatima, nước Bồ Đào Nha.  Các trẻ em này thuộc giáo phận Leiria.  Hàng ngày các em được gia đình, cha mẹ trao phó việc dẫn đoàn súc vật: chiên, cừu đi ăn cỏ ở các vùng đồi núi quanh đó.  Các em thường có thói quen sau khi để bầy súc vật ăn cỏ, liền qùy gối trên bãi đất trống đọc kinh, lần chuỗi mân côi chung với nhau.  Vào mùa hè năm 1917 lúc đó thế chiến thứ nhất đang tiếp diễn, ngày 13 tháng 5 năm 1917, khi các em đang sốt sắng đọc kinh, lần chuỗi mân côi lúc gần giữa trưa, một luồng chớp chói lòa làm các em bỡ ngỡ, kéo hoàn toàn sự chú ý của các em về những ngọn cây trên đồi Cova da Iria, một Vị sáng láng hiện ra, Thiếu Nữ ấy xin các em cầu nguyện cho những người tội lỗi ăn năn trở lại, chiến tranh sớm kết thúc, Thiếu Nữ dặn các em hãy trở lại nơi này vào ngày 13 mỗi tháng.  Theo lời Thiếu Nữ căn dặn, các em tới đó và được nhìn thấy Thiếu Nữ hai lần sau đó vào ngày 13 tháng 6 và ngày 13 tháng 7.  Ngày 13 tháng 8, nhà cầm quyền địa phương ngăn cản các em không cho tới Cova da Iria, nhưng Thiếu Nữ đã hiện ra với các em vào ngày 19.  Ngày 13 tháng 9, Thiếu Nữ xin các em lần hạt Mân Côi để cầu cho chiến tranh sớm kết liễu.  Ngày 13 tháng 10, Thiếu Nữ hiện ra và xưng mình là Mẹ Rất Thánh Mân Côi.  Mẹ mời gọi các em cầu nguyện và làm việc đền tạ.  Lần này, một hiện tượng rất lạ đã xẩy ra làm rúng động mọi người: Chính quyền, dân chúng và các nhà báo, hiện tượng này gọi là Mặt Trời múa hay thái dương như rơi khỏi bầu trời và lao xuống đất.  Ngày 13 tháng 10 năm 1930, sau nhiều năm điều tra, xác minh và cầu nguyện, tìm hiểu, Đức Giám Mục Leira đã công nhận chính thức việc Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ tại đồi Cova da Iria , Fatima, Bồ Đào Nha, và cho phép tổ chức các việc đạo đức để cung kính Đức Maria Mân Côi nơi Mẹ đã hiện ra vào năm 1917.

SỨ ĐIỆP FATIMA, NƯỚC BỒ ĐÀO NHA

Chính phủ Bồ Đào Nha lúc đó coi đây là huyền thoại tôn giáo, một sự tuyên truyền dị đoan, cần phải đánh đổ, nhưng sự thật vẫn là sự thật.  Sự thật sẽ giải phóng con người.  Đức Mẹ đã hiện ra đúng như lời Mẹ loan báo trước, và sự kiện thái dương như muốn rơi xuống đất, làm khiếp kinh hồn vía mọi người, đã minh chứng quyền năng của Thiên Chúa.  Qua biến cố lạ lùng như thế, Mẹ Maria Rất Thánh Mân Côi kêu mời nhân loại hãy ăn năn sám hối.  Sứ điệp của Fatima là hãy cầu nguyện cho các tội nhân, lần chuỗi Mân Côi và sám hối.  Ngày 13 tháng 10 năm 1917, Đức Mẹ dậy: “Mẹ đến kêu nài các tín hữu hãy lần hạt Mân Côi.  Mẹ mong ước nơi đây có một nguyện đường tôn kính Mẹ.  Nếu người ta cải thiện đời sống thì chiến tranh sớm kết thúc.”

Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ để qua các em, Mẹ nhắn nhủ nhân loại siêng năng cầu nguyện, năng lần chuỗi Mân Côi và thống hối ăn năn.  Mẹ đã trao cho ba trẻ nhiều bí mật và căn dặn các em sống thánh để cầu nguyện cho những kẻ có tội và cứu vãn thế giới.  Trải qua nhiều năm, Fatima đã thu hút biết bao khách hành hương đến tôn vinh Mẹ Rất Thánh Mân Côi.  Các Đức Giáo Hoàng Piô XII, Phaolô VI và Gioan Phaolô II, đã đích thân tới Fatima để tôn vinh Mẹ, cử hành thánh lễ nơi Đức Mẹ hiện ra và dâng loài người cho Đức Trinh Nữ Maria.

BA TRẺ VỚI SỨ MẠNG MẸ TRAO PHÓ

Được chiêm ngưỡng Đức Mẹ hiện ra, ba trẻ Lucia, Jacinta, Phanxicô đã sống theo ý Chúa, tuân lời Đức Mẹ.  Chúa có con đường của Ngài và Ngài dọn chỗ cho con người tùy lòng xót thương của Ngài.  Phanxicô được nhìn thấy Đức Mẹ, nhưng không được nghe lời Đức Mẹ nói, đã qua đời ngày 04 tháng 4 năm 1919.  Giacinta qua đời ngày 20 tháng 2 năm 1920.  Chúa còn để Lucia sống trong tu viện kín ở Tuy cho đến ngày nay…  Ba trẻ đã được hạnh phúc chiêm ngưỡng và nghe lời Đức Mẹ chỉ bảo, dậy dỗ.  Với sứ điệp Fatima, Mẹ Maria Rất Thánh Mân Côi muốn nói lên một sự thật tuyệt vời: con người hư đi, thế giới đang dần xa Thiên Chúa, chỉ có thể được cứu vãn bằng những phương thế mà Mẹ dậy: “Cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi và Sám hối ăn năn.”

Lạy Mẹ Fatima, xin giúp chúng con biết siêng năng cầu nguyện, lần hạt Mân Côi và ăn năn thống hối.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Nguồn: www.simonhoadalat.com