NGÀY THỨ SÁU TUẦN THÁNH CỦA RIÊNG CHÚNG TA

Khi người Rôma thiết lập đóng đinh thập giá là phương thức tử hình, họ không chỉ nghĩ đến việc giết một ai đó.  Họ muốn đạt được một điều khác nữa, cụ thể là khiến cái chết này thật ghê gớm để làm nhụt chí người ta, khiến bất kỳ ai chứng kiến nó sẽ phải nghĩ lại về chuyện phạm cùng tội như tội của người đang bị đóng đinh đó.

Thế nên, đóng đinh thập giá được thiết kế để làm vài điều khác nữa, chứ không chỉ giết ai đó.  Nó được thiết kế để gây ra đau đớn ghê gớm nhất mà thân thể con người có thể chịu nổi.  Do đó, đôi khi họ cho người bị hành hình thuốc an thần, không phải để đỡ đau, mà để người đó tỉnh táo nhằm phải chịu nhiều đau đớn hơn nữa.  Có lẽ điều tàn ác nhất, là đóng đinh thập giá được thiết kế để sỉ nhục tận cùng thân thể của người bị đóng đinh.  Người đó bị lột trần, những phần phải giấu kín giờ phơi ra hết, và khi cơ thể co thắt chắc chắn bộ ruột của người đó sẽ phơi rõ toàn bộ.  Còn sự sỉ nhục nào tệ hơn thế?

Tôi tin là có những đau khổ của con người gần hoặc tương đương như thế, và đáng buồn là những thứ này ngày càng phổ biến.  Những trường hợp bạo lực xảy ra hằng ngày trong thế giới chúng ta (bạo hành gia đình, bạo lực tình dục, tra tấn, bắt nạt nhẫn tâm, và tương tự thế) đang bắt chước sự sỉ nhục của thập giá.  Và đôi khi, chúng ta thấy dạng sỉ nhục thân thể này nơi những người chết vì ung thư, và những chứng bệnh gây suy kiệt khác.  Người đó không chỉ chết, mà còn chết trong đau đớn, thân thể bị sỉ nhục, phẩm giá bị xói mòn, những gì phải giấu kín giờ bị phơi bày, hệt như Chúa Giêsu khi chết trên thập giá.

Tôi ngờ rằng đây là lý do Thiên Chúa để cho (dù không dự tính) Chúa Giêsu chịu đựng đau khổ và sỉ nhục như thế trong giờ chết.  Nhìn cách Chúa Giêsu chết, thật khó để ai đó nói: “Quá dễ cho Ngài, Ngài đâu có chịu đau khổ như tôi!”  Sự sỉ nhục của thập giá khiến Chúa Giêsu đồng cảnh ngộ với tất cả những ai từng biết đến đau khổ và nỗi hổ thẹn khi bị sỉ nhục.

Nhưng hoa trái của việc Chúa Giêsu đồng cảnh ngộ với chúng ta không chỉ là sự an ủi khi biết rằng chính Chúa Giêsu đã chịu đau khổ trước, nhưng nó còn cho chúng ta chia sẻ những gì diễn ra sau khi đóng đinh thập giá, cụ thể là theo lời Thánh kinh, chia sẻ sự an ủi với Ngài.  Những lời thật không dễ nghe.  Có sự an ủi khi bị sỉ nhục chứ?  Được gì khi phải chịu đau đớn tủi hổ như thế?  Nói đơn giản, điều ta đạt được là sự sâu sắc của linh hồn.

Không gì, tuyệt đối không điều gì, thúc đẩy chúng ta đi vào chiều sâu của tâm hồn và linh hồn cho bằng sự sỉ nhục.  Cứ hỏi mình câu này đi: Điều gì cho tôi chiều sâu cá tính?  Điều gì cho tôi chiều sâu tâm hồn con người?  Điều gì cho tôi nhận thức sâu sắc hơn?  Tôi ngờ rằng, câu trả lời trong mọi trường hợp là một điều gì đó mà bạn hổ thẹn không dám nhắc đến, một sự sỉ nhục nhức nhối với nỗi đau và nỗi xấu hổ của nó đẩy bạn vào chốn thâm sâu hơn trong lòng.

Tôi tin rằng, các Tin mừng dạy chúng ta điều đó.  Ví dụ như, khi hai tông đồ Giacôbê và Gioan đến với Chúa Giêsu và hỏi xem liệu khi đến ngày vinh quang họ có thể được ngồi bên tả và bên hữu Ngài hay không, Chúa Giêsu đã không nhân cơ hội đó mà dạy họ về sự khiêm nhượng.  Thay vào đó, Ngài dạy họ rằng họ thiếu hiểu biết về ý nghĩa của vinh quang và con đường dẫn đến vinh quang.  Dĩ nhiên, họ đã nhầm lẫn khái niệm về vinh quang là mọi thứ đối ngược với sự sỉ nhục, yếu đuối và đồng cảnh ngộ.  Với họ, và tôi cho rằng với tất cả chúng ta nữa, vinh quang được xem là tách biệt với quần chúng, vượt trên quần chúng, được là cầu thủ xuất sắc nhất, là giành giải Nobel, là ngôi sao điện ảnh mà ai cũng ghen tị, là người hấp dẫn không dễ gì bị sỉ nhục, là người vượt trên muôn người.  Và Chúa Giêsu hỏi Giacôbê và Gioan xem họ có thể “uống chén đắng”, và chén đó như chúng ta đã thấy nơi cuộc đấu tranh của Chúa Giêsu trong Vườn Giếtsêmani, chính là chén sỉ nhục.

Theo Chúa Giêsu và theo những gì chân thật nhất trong cảm nghiệm của chính chúng ta, uống chén sỉ nhục, chấp nhận thập giá, chính là những gì cho chúng ta vinh quang, cụ thể là, chiều sâu tâm hồn, chiều sâu linh hồn và chiều sâu nhận thức và cảm thông.  Tuy nhiên, như Chúa Giêsu đã cảnh báo, uống chén sỉ nhục này, dù nó tự động cho chúng ta chiều sâu, nhưng không tự động bảo đảm cho chúng ta vinh quang (như Chúa Giêsu đã nói, “vinh quang đó ta không ban cho được”).  Sự sỉ nhục cho chúng ta chiều sâu, nhưng nó không cho chúng ta chiều sâu theo cách đúng đắn.  Nó cũng có thể cho chúng ta tác động ngược lại.

Đây chính là phép tính cho chúng ta: Như Chúa Giêsu, chúng ta đều sẽ chịu sỉ nhục trong đời, chúng ta đều sẽ uống chén đắng, và nó sẽ cho chúng ta chiều sâu, nhưng rồi chúng ta phải có một lựa chọn: Sự sỉ nhục này sẽ cho chúng ta sâu sắc trong sự cảm thương và thông hiểu, hay nó sẽ khiến chúng ta sâu sắc trong giận dữ và cay đắng.  Đây quả thật là lựa chọn luân lý cao nhất mà ta đối diện trong đời, không phải chỉ là trong giờ chết mà là vô số lần trong đời.  Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, và những gì nó đòi buộc nơi chúng ta, là điều mà chúng ta phải đương đầu hằng ngày.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CÁC MÔN ĐỆ VÀ CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

Giáo Hội đang bước vào những ngày thánh để tưởng nhớ lại cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.  Đây là một biến cố đau thương mà Chúa Giêsu phải chịu.  Qua biến cố Thương Khó này, hình ảnh các môn đệ Chúa cũng được gợi lên để chúng ta cùng suy gẫm.

Mặc dù Chúa Giêsu đã tiên báo nhiều lần về cái chết của Ngài nhưng đây vẫn là một cái chết tủi nhục, đau đớn, cô đơn, bởi vì một phần đến từ các môn đệ.  Các môn đệ đã được Chúa Giêsu yêu thương, dạy dỗ nhiều điều, thế mà có người trong các ông lại đáp đền tình thương đó bằng cách bán Thầy, chối Thầy và bỏ Thầy của mình.

Trước hết phải kể đến kẻ đã bán Thầy mình để lấy 30 đồng bạc.  Đó chính là Giuđa Ít-ca-ri-ốt.  Ông là một trong mười hai người được Chúa Giêsu tuyển chọn và gọi là Tông Đồ.  Giuđa còn được Chúa Giêsu và các môn đệ khác tin tưởng giao cho nhiệm vụ quản lý, tức là giữ túi tiền (Ga 13,29).  Chắc hẳn trong hành trình theo Chúa Giêsu, ít nhiều Giuđa cũng cảm nghiệm được tình thương của Thầy đối với bản thân mình.  Tuy nhiên, y đã chối bỏ tình thương của Thầy mình.  Y đã bán Thầy mình với giá chỉ bằng giá một người nô lệ.  Y còn dùng chính cái hôn là biểu tượng của tình thương để đánh đổi bằng âm mưu phản bội.  Tình thương của Chúa Giêsu được Giuđa Ít-ca-ri-ốt quy ra chỉ bằng 30 đồng bạc.  Chúa Giêsu đã rất đau đớn vì người môn đệ hằng đi bên cạnh mình lại phản bội chính mình, Ngài đã phải thốt lên “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26,24).  Như vậy, Giuđa Ít-ca-ri-ốt, người môn đệ Chúa Giêsu, trực tiếp khai mở cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu.

Kế đến là người đã chối Thầy mình đến ba lần.  Đó là Simon Phêrô.  Vị Tông Đồ trưởng của các Tông Đồ, là người được Chúa Giêsu hằng yêu mến.  Tình yêu đó được Chúa Giêsu thể hiện khi Ngài dẫn riêng Phêrô và hai môn đệ yêu dấu khác lên núi Tabo để chiêm ngắm dung nhan Ngài (Mt 17,1-9).  Hôm nay, trong vườn cây dầu, Ngài cũng dẫn riêng ông và hai môn đệ kia đi theo Ngài.  Tình yêu của Đức Giêsu dành cho Phêrô lớn đến vậy thế mà ông vẫn từ chối Thầy mình.  Không phải một lần nhưng ông chối đến ba lần.  Mức độ của các lần đó tăng mạnh dần: “Tôi không biết cô nói gì”, “Tôi không biết người ấy” và “Tôi thề là không biết người ấy.  Ông sợ bản thân mình cũng bị liên lụy vì là môn đệ Chúa.  Ông sợ ngay cả tên đầy tớ gái để rồi chối Thầy mình đay đảy.  Vì sợ nên ông quên trước đó ông đã tuyên bố “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,25).  Trước hành động của Phêrô, Chúa Giêsu quay lại nhìn ông (Lc 22,61).  Ngài quay lại không phải để oán trách Phêrô, nhưng để ông nhận biết rằng Ngài vẫn yêu thương ông đến dường nào.  Chính điều này đã làm cho Phêrô nhận ra lỗi lầm của mình và ông đã khóc lóc thảm thiết.  Phêrô, người môn đệ yêu dấu, đã làm cho cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu càng trở nên tủi nhục thêm khi công khai chối bỏ người Thầy của mình.

Không hơn gì Phêrô và Giuđa Ít-ca-ri-ốt, các môn đệ còn lại cũng bỏ mặc Chúa Giêsu một mình (Mt 26,56).  Các ông để mặc Chúa Giêsu đối diện với đám đông đến bắt Ngài.  Lúc Chúa Giêsu bị giải đến Thượng Hội Đồng và Tổng trấn Philatô cũng không thấy bóng dáng một người môn đệ nào.  Có chăng thì cũng chỉ là Phêrô đứng xa xa (Mt 26,58).  Đâu rồi những người môn đệ Chúa, những người từng ăn từng uống với Ngài?  Đâu rồi những người môn đệ Chúa, những người từng ở bên cạnh Ngài?  Dẫu biết rằng cái chết rồi cũng sẽ đến nhưng Chúa Giêsu thực sự cô đơn, buồn tủi vì những môn đệ thân yêu cũng nỡ bỏ rơi Ngài.

Cách nào đó chúng ta cũng là những người môn đệ của Đức Giêsu trong cuộc sống hôm nay.  Chúng ta được mời gọi để làm chứng cho Đức Giêsu, để làm chứng cho một tình yêu mà Ngài đã dành cho nhân loại.  Thế nhưng, chúng ta thử nghĩ xem chúng ta đã sống đúng với tinh thần người môn đệ Chúa chưa?  Chúng ta đã làm chứng cho Chúa trong cuộc sống này chưa?  Hay chúng ta cũng chỉ là những người môn đệ giả tạo, chỉ biết lợi cho mình để rồi bỏ cả Chúa, chối cả Chúa?  Những điều đó ắt hẳn chỉ có mỗi người trong chúng ta mới hiểu rõ mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã trải qua cuộc Thương Khó và cái chết cách đây hơn 2000 năm, thế mà ngày nay không ít lần Chúa cũng phải đổ máu, cũng phải cô đơn.  Tất cả là vì tội lỗi chúng con.  Mỗi lần chúng con xúc phạm đến Chúa là mỗi lần chúng con làm Ngài phải đổ máu.  Mỗi lần chúng con xa Chúa là mỗi lần chúng con làm Ngài cô đơn.  Xin cho chúng con biết sống đẹp lòng Chúa, luôn chạy đến với Ngài và chọn Ngài làm gia nghiệp.   

 Antôn Hoàng Văn Phúc

 NHIỆT THÀNH CỦA THẬP GIÁ

Tuần Thánh bắt đầu với Chúa nhật Lễ Lá và Phụng vụ Lễ Lá lại tiến hành với hai nhịp tương phản.  Bắt đầu là cử hành việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong tư cách một vị vua, được dân chúng đón tiếp trọng thể, ngập tràn tiếng reo vui.  Rồi ngay sau đó trong Thánh Lễ, thay cho bài Tin Mừng lại là bài tường thuật cuộc thương khó của Chúa, cuộc thương khó đầy máu và nước mắt.  Hội Thánh có ý gì khi liên kết hai sự kiện tương phản này?  Tại sao không đợi đến Thứ Sáu Tuần Thánh để công bố bài thương khó mà phải đọc ngay từ Chúa nhật Lễ Lá?  Đã hẳn có nhiều ý nghĩa phong phú hàm chứa ở đây cần được khai triển.  Một trong những nội dung đáng quan tâm là Hội Thánh muốn làm nổi bật đường lối cứu thế của Chúa Giêsu và mời gọi con cái mình bước theo Thầy.

Khi kể lại việc Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ Giê-ru-sa-lem, thánh Gioan ghi nhận: “Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt thành lo việc Nhà Chúa mà tôi đây phải thiệt thân” (Ga 2,17).  Một số Kitô hữu đã liên kết từ “nhiệt thành” ở đây – cũng như việc Chúa Giêsu được đón rước trọng thể vào thành Giêrusalem trong tư cách một vị vua – với phong trào chính trị được gọi là “Nhiệt Thành-zelos” thời bấy giờ.  Ngoài ra người ta còn kết nối sự kiện này với lời các thượng tế tố cáo Chúa Giêsu trước tòa Philatô: “Ai xưng mình là vua thì chống lại Cêsarê” (Ga 19,12).  Tất cả để dẫn đến kết luận Chúa Giêsu là nhà cách mạng chính trị.

Phong trào chính trị có tên gọi “Nhiệt Thành” được khơi nguồn từ ông Mattathias, cha của anh em nhà Macabê.  Vào thời đó, vua Antiôkô cưỡng bức người Do Thái phải chối đạo và tế thần trên bàn thờ, nhưng ông Mattathias tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không tuân theo lệnh vua mà bỏ việc thờ phượng của chúng tôi để xiêu bên phải, vẹo bên trái” (1 Mac 2,22).  Và khi có một người Do Thái tiến ra tế thần trên bàn thờ theo chỉ dụ của nhà vua, thì sách Macabê kể lại: “Ông Mattathias bừng lửa nhiệt thành… ông nhào tới hạ sát hắn ngay tại bàn thờ.  Ông cũng giết luôn viên chức của vua có nhiệm vụ cưỡng bức người Do Thái tế thần, rồi ông phá đổ bàn thờ”.  Sau đó sách Macabê kết luận: “Ông bừng lửa nhiệt thành đối với Lề Luật giống như ông Pinêát trong vụ Dimri, con của Xalu” (2,23-26).  Kể từ lúc đó, từ ngữ “nhiệt thành-zelos” trở thành khẩu hiệu diễn tả quyết tâm dùng sức mạnh và bạo lực để bảo vệ đức tin, bảo vệ Lề Luật.

Vào thời Chúa Giêsu, không ít người Do Thái đi theo phong trào này, chủ trương dùng bạo lực để xua đuổi đế quốc Rôma, giành lại chủ quyền và độc lập của dân tộc.  Dựa vào một số chi tiết trong các sách Tin Mừng, người ta cũng nhìn Chúa Giêsu như một nhà cách mạng chủ trương dùng bạo lực để xây dựng một vương quốc chính trị.  Đồng thời, dọc dài lịch sử Giáo Hội, hình ảnh Chúa Giêsu như một nhà cách mạng cũng được vận dụng để biện minh cho việc sử dụng bạo lực nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Thế nhưng đây có thực sự là ý hướng của Chúa Giêsu?  Khi suy niệm về việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem cách trọng thể, Đức Bênêđictô XVI trả lời: “Không.  Làm cách mạng bằng bạo lực, nhân danh Thiên Chúa để giết người, đó không phải là đường lối của Chúa.  Lòng nhiệt thành của Người đối với vương quốc Thiên Chúa được thể hiện bằng cách thức hoàn toàn khác.”

Trong ngày Lễ Lá, hình ảnh Chúa Giêsu cỡi trên lưng lừa tiến vào Giêrusalem làm dội lại lời tiên tri Zacaria: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỉ!  Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò!  Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi.  Người là Đấng chính trực, Đấng toàn thắng; khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (9,9).  Vào thời tiên tri Zacaria cũng như vào thời Chúa Giêsu, con ngựa mới là biểu tượng của sức mạnh, còn lừa là phương tiện của người nghèo.  Vì thế hình ảnh Vua Giêsu ngồi trên lưng lừa diễn tả một vị vua hoàn toàn khác.  Người là vua của hòa bình, vua của người nghèo, vị vua đơn sơ và khiêm tốn.

Cũng lúc ấy, chúng ta khám phá lý do tại sao Phụng vụ Lễ Lá được bắt đầu bằng việc tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong vinh quang, rồi được tiếp nối bằng việc công bố bài thương khó.  Để thấy rõ hơn chân dung của vị vua hòa bình.  Để thấy rõ hơn ý nghĩa của “sự nhiệt thành”, không phải thứ nhiệt thành của bạo lực nhằm xây dựng một vương quốc trần thế, nhưng là sự nhiệt thành của Thập Giá, nhiệt thành của tình yêu tự hiến trọn vẹn.

Sự nhiệt thành ấy cũng chất vấn cách nhìn và cách sống của người môn đệ Chúa Giêsu ở mọi thời đại và trong mọi hoàn cảnh.  Có những lúc người môn đệ Chúa cũng bị cám dỗ sử dụng bạo lực để gọi là phục vụ Nước Chúa.  Nếu chưa phải là những hành động bạo lực thì cũng là những lời nói và ứng xử bạo lực.  Dù là hành động hay lời nói thì gốc rễ vẫn là sự căm thù chất chứa trong tâm hồn, đôi khi được ẩn giấu dưới lớp áo nhiệt thành, và sự căm thù ấy đã dẫn đến biết bao hậu quả tai hại cho chính Hội Thánh của Chúa.  “Chúng ta đã biết quá rõ những hậu quả tàn ác của thứ bạo lực với động cơ tôn giáo.  Bạo lực không xây dựng vương quốc Thiên Chúa, vương quốc của nhân tính.  Ngược lại, bạo lực là khí cụ ưa thích của tên phản-Kitô, cho dù nó núp bóng tôn giáo.  Nó không phục vụ nhân loại mà phục vụ sự phi nhân” (Benedict XVI, Jesus of Nazareth, tome II, 15).

“Chúa Giêsu đã thiết lập tiêu chuẩn đánh giá lòng nhiệt thành chân chính, đó là lòng nhiệt thành của tình yêu tự hiến, và sự nhiệt thành này phải trở nên mục tiêu của đời sống Kitô hữu.”  Suy tư này của Đức Bênêđictô XVI đáng cho mỗi người Kitô hữu ghi nhớ để soi sáng lời nói và hành động của mình.  Nhất là trong Tuần Thánh, khi đi đàng Thánh Giá, khi ôn lại những chặng đường trong cuộc khổ nạn của Chúa chúng ta.

ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm