“TÔI LÀ CỬA CHO CHIÊN”

Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống tươi mới.
Đức Giêsu là người mục tử chăn chiên.
Khác với kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy, Ngài đến để chiên có sự sống, và có một cách dồi dào (c. 10).
Hãy nhìn những nét đặc trưng của người mục tử đích thực.
Anh đi vào ràn chiên hay chuồng chiên bằng cửa, đường đường chính chính, chứ không lén lút trèo qua tường rào (cc. 1-2).  Người giữ cửa quen anh và mở cửa cho anh.  Chiên cũng quen anh và quen tiếng của anh.  Tiếng của anh là dấu hiệu quan trọng để chiên nhận ra và phân biệt anh với người lạ hay kẻ trộm (cc. 3-5).
Chiên nghe tiếng của anh (c. 3). nhưng không nghe tiếng người khác (c. 8).  Anh trìu mến gọi tên từng con, vì anh biết rõ chiên của mình.
Khi dẫn chúng ra ngoài chuồng, anh đi trước dẫn đường, chúng yên tâm theo sau chứ không chạy trốn, vì chúng biết mình đang đi theo ai và sẽ được dẫn đến đâu.  Rõ ràng có sự hiểu nhau, gần gũi giữa chiên và mục tử.

Nhưng Đức Giêsu không chỉ là Mục tử chăn chiên.

Ngài còn tự nhận mình là Cửa cho chiên ra vào (c. 7. 9).

Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Khi Ngài đưa ta đến với Cha, Ngài nhận mình là Cửa.  Khi Ngài săn sóc ta, Ngài nhận mình là Mục Tử.”
Cửa chuồng chiên nhằm để chiên đi vào và tìm được sự an toàn.  Cửa cũng nhằm để chiên đi ra và tìm được đồng cỏ nuôi sống.
Chỉ ai qua Cửa Giêsu mà vào mới được cứu độ.
Ai ra vào Cửa Giêsu mới tìm thấy đồng cỏ xanh tươi (c. 9).  Cửa Giêsu cũng giúp phân biệt mục tử giả và thật.
Mục tử giả sẽ không dám đến với chiên qua Cửa Giêsu.
Mong sao cho Giáo Hội có nhiều mục tử gần gũi với chiên, biết gọi tên từng con chiên và đem lại cho chiên hạnh phúc.  Và mong sao chiên có khả năng nhận ra tiếng nói của người mục tử.

********************

Lạy Chúa Giêsu, Chúa nhận mình là Tấm Bánh, vì Chúa muốn nuôi tâm linh chúng con.
Chúa nhận mình là Cây Nho, vì Chúa muốn trao cho chúng con dòng nhựa sống.
Chúa nhận mình là Mục tử nhân lành, vì Chúa muốn dẫn chúng con đến nơi đồng cỏ.
Chúa nhận mình là Cửa, vì Chúa mở cho chúng con sự phong phú của Nước Trời.
Chúa nhận mình là Con Đường, vì Chúa là Đấng duy nhất dẫn chúng con đến với Chúa Cha.
Chúa nhận mình là Ánh sáng, vì Chúa có khả năng khuất phục bóng tối trong thế gian này.
Chúa nhận mình là Sự Thật, vì Chúa vén mở cho chúng con khuôn mặt của Thiên Chúa.
Chúa nhận mình là Sự Sống và là Sự Sống Lại, vì Chúa không để cho chúng con bị cái chết chôn vùi.

Lạy Chúa Giêsu,

Tạ ơn Chúa vì mọi điều Chúa định nghĩa về mình đều hướng đến hạnh phúc cho chúng con, và đều cho chúng con sự sống thâm sâu của Chúa.  Xin cho chúng con chấp nhận Chúa là Anpha và Ômêga, là Khởi Nguyên và là Tận Cùng của cuộc đời mỗi người chúng con.  Amen!

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

PHỤC SINH MỞ CÁNH CỬA THIÊN ĐÀNG

Cách đây một vài năm, tôi có biết trường hợp một cô gái trẻ, là sinh viên đại học, cô rơi vào tình trạng suy thoái tinh thần nặng và đã muốn tự tử.  Kinh hoảng khi hay tin, gia đình đến thăm cô.  Họ đem cô về nhà và mấy tháng sau đó, họ cố gắng giúp đỡ cô cách tốt nhất, thuốc men, bác sĩ tâm lý, nhà thờ, tình thương, tóm lại, những gì tốt nhất có thể làm được.  Tuy cố gắng bằng mọi cách nhưng họ không thể hiểu thấu cái hố thẳm tăm tối cô đã đi xuống.

Bốn tháng sau, cô tự tử.  Cô đã đi xuống hỏa ngục của chính cô, nơi không một điều gì ở phía sự sống có thể vào được.  Cô bất lực trong việc mở tâm hồn ra để đón nhận giúp đỡ.  Tôi nghĩ nhiều nguyên nhân của tình trạng suy thoái tinh thần không do lỗi của cô.  Tự cô, cô không muốn đi vào tình cảnh tê liệt này, hoàn cảnh, tổn thương, và sức khỏe suy sụp đã đưa cô đến đó.  Tất cả chúng ta đều đã từng biết những chuyện tương tự.

Có thể nói gì đây?  Liệu đức tin của chúng ta có câu trả lời cho chuyện này không?

Có một câu đặc biệt trong kinh Tin Kính, bắt rễ sâu trong Thánh Kinh, làm sáng tỏ vấn đề này.  Đó là câu: Người đi vào cõi chết.  Hay, ở một số bản kinh Tin Kính khác: Người đi xuống hỏa ngục.  Chắc chắn, những gì chứa đựng trong câu này: trong tất cả tôn giáo, đức tin mang lại nhiều ủi an nhất, Ki-tô giáo hay các tôn giáo khác.  Những gì câu này muốn nói là cách Đức Giêsu chết đi và sống lại đã mở ra các cửa hỏa ngục và cái chết.  Điều này có nghĩa là gì?

Đây không phải là một bài giảng dễ hiểu.  Có nhiều mức độ ý nghĩa khác nhau ở đây.  Ở một tầng mức, đó là đức tin Ki-tô giáo (niềm tin này cần nhiều giải thích) rằng từ thời sa ngã của ông A-dong và bà Ê-va đến cái chết của Đức Giêsu, bất cứ ai, dù đức hạnh đến mấy đi chăng nữa, cũng không vào được nước trời.  Các cánh cửa thiên đàng vẫn đóng kín và chỉ qua cái chết của Đức Giêsu, Ngài mới mở các cánh cửa này.  Có một bài giảng ngày xưa (nay là một phần của các bài đọc chính thức ngày Thứ Bảy Tuần Thánh) phác họa một bức tranh về điều này được phản ảnh qua một biểu tượng.  Nó vừa diễn tả lý do tại sao không ai có thể vào được nước trời cho đến khi Đức Giêsu đi xuống hỏa ngục và cách thức Đức Giêsu, khi ở đó, đã đánh thức ông A-dong và bà Ê-va, dẫn họ qua một cánh cửa mở vào nước trời như thế nào.  Tuy nhiên đó chỉ mới là một biểu tượng, chưa phải là một bức tranh thật sự.

Các sách Phúc Âm lồng điều này vào một khái niệm rộng hơn.  Chẳng hạn trong Phúc Âm thánh Mác-cô, chúng ta nhận ra một điều quan trọng của việc Đức Giêsu đi vào mọi chốn tối tăm, một nơi kiêng kỵ trên thế gian này, mang chữa lành và ánh sáng Thiên Chúa đến đó.  Bằng nhân đức của mình, Đức Giêsu đi vào những nơi được coi là tối tăm, cấm kỵ lúc đó.  Hơn thế nữa, Người còn đi vào những nơi tối tăm, cấm kỵ khác, đặc biệt là những nơi bệnh tật và chết chóc.  Nhưng, vào thế kỷ đầu tiên của Do-Thái giáo không nơi nào nhiều kiêng kỵ bằng nơi chết chóc.  Niềm tin lúc đó là con người được tạo ra để vui hưởng tạo vật của Thiên Chúa trong cõi đời này và sẽ mãi mãi bất tử.  Cái chết được xem như quỷ dữ, là kết quả của tội lỗi, một phân ly khỏi Thiên Chúa, một chốn biệt lập với Thiên đàng, và không tồn tại bất kỳ cánh cửa nào giữa thiên đàng và hỏa ngục.  Vì thế khi nói rằng Đức Giêsu “Đi vào cõi chết” thì tương tự như khi nói Người “đi xuống hỏa ngục.”  Tất cả chết chóc đều được coi là biệt lập với Thiên Chúa.

Một trong những xác quyết quan trọng nhất của chúng ta về Đức Giêsu là, bằng cách đi vào cõi chết, chính xác Người đi vào hỏa ngục, âm ty, chốn của phân ly và chia cắt, và, khi ở đó, Người tỏa ra ánh sáng và sự chữa lành của Thiên Chúa, theo cùng một cách như Phúc Âm thánh Gio-an mô tả – Người đi xuyên qua các cánh cửa trước đó đã bị khóa bằng sợ hãi, và Người thở ra hơi thở của bình an và tha thứ.  Bằng cách đi qua các cánh cửa đã bị khóa và thở hơi thở bình an, Người vừa đi xuống hỏa ngục vừa mở ra cánh cửa Thiên Đàng.

Và đây chẳng phải là một điều gì đó trừu tượng, một giáo điều phải tin theo.  Nó vẫn thường xảy ra.  Có nhiều hình thức của sự chết, âm ty, hỏa ngục.  Suy thoái tinh thần đến mức phải tự tử, nỗi cay đắng không thể chữa lành, vết thương quá sâu không lành lại được, nỗi vô vọng của một đời nghiện ngập tự hủy hoại, một tâm trí bầm dập và tan vỡ, một chia cắt quá sâu sắc và lâu dài khó vượt qua, tất cả những chuyện này có thể đẩy chúng ta vào một căn phòng khóa kín, trong một thứ hỏa ngục, một chốn âm ty nào đó, không đủ sức để mở ra cánh cửa dẫn chúng ta đến với yêu thương và sự sống.  Những cánh cổng thiên đàng bị đóng kín vì nhiều lý do.

Đó là trường hợp cô gái trẻ tự kết liễu đời mình ở trên.  Cô đã đi vào hỏa ngục.  Nhưng, tôi không nghi ngờ chút nào, khi cô thức dậy ở bên kia, qua những cánh cửa đã bị khóa, Đức Ki-tô nhẹ nhàng đến bên cạnh hỏa ngục của cô, và thở hơi thở bình an.

Trong bài giảng ngày xưa mô tả Đức Giêsu đi vào hỏa ngục, khi Đức Giêsu đánh thức ông A-dong và nói với ông: Ta không tạo dựng ra con để con bị giam ở đây…  Hãy đứng dậy, chúng ta cùng ra khỏi chốn này!  Chắc chắn đây là lời Đức Giêsu đã nói với cô gái, khi đó Người mở các cánh cửa thiên đàng cho cô như Người đã từng mở cho ông A-dong và bà Ê-va.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THIÊN CHÚA ĐANG ĐI VỚI CON NGƯỜI TRONG ĐẠI DỊCH

Thiên Chúa không phán một lời từ trời cao để cứu con người.  Chính Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người và ở với chúng ta.  Ngài muốn đồng hành với cuộc sống của từng người.  Đó là cách Thiên Chúa đã chọn để đem con người về với hạnh phúc.  Nếu nhân loại đang phải chịu nhiều thách đố trong thời gian này, thì chính Thiên Chúa vẫn luôn chọn cách đồng hành để từ từ đưa con người về với nhau và với Thiên Chúa.

1. Con đường Emmau năm 2020

Tin Mừng Chúa Nhật thứ 3 phục sinh kể về một câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau.  Đó là con đường nối giữa thành phố Giêrusalem nguy nga tráng lệ và ngôi làng nhỏ bé nghèo hèn.  Số là hai môn đệ này nuôi giấc mộng đổi đời khi đi theo Đức Giêsu.  Các ông có lý khi bỏ mọi sự để đi theo một Đức Giêsu nổi tiếng.  Kể từ khi Đức Giêsu chết và được chôn trong lòng đất, giấc mộng của các ông cũng bị chôn vùi.  Mộng vỡ mơ tan.  Các ông không còn con đường nào khác là lủi thủi đi về lại chốn xưa.  Hẳn là các ông cũng không thiếu hoang mang, buồn phiền và lo lắng.

Tâm trạng của hai ông nếu chắp nối vào tâm trạng của mỗi người thời Covid–19 chắc cũng không khác nhau nhiều.  Trước đại dịch, người ta mơ về một viễn tượng huy hoàng của biết bao dự án.  Phát triển kinh tế đang tăng mạnh, mọi lãnh vực đời sống dường như khấm khá hơn xưa nhiều.  Ai cũng tự tin để thực hiện ước mơ của mình.  Công danh sự nghiệp hứa hẹn cho nhiều người.  Bỗng dưng Covid–19 xuất hiện, mọi thứ bị đảo lộn và bức tranh kinh tế cũng phủ màu đen tối.  Nhiều dự báo không mấy sáng sủa ở phía trước.  Nếu như hai môn đệ vỡ mộng vì thầy Giêsu đã chết, thì nhiều người thời nay cũng rơi vào cảnh khó khăn chồng chất vì Virus.  Đây hẳn là con đường chông gai đòi người ta phải bước đi nặng nề.

Nếu cụ Nguyễn Du viết rằng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”, thì chúng ta cũng chẳng vui gì trong hoàn cảnh này.  Hầu hết mang tâm trạng lo lắng.  Nhất là những ai là nạn nhân trực tiếp của virus.  Thật khó để vượt qua nỗi đau này.  Chẳng thế mà nhiều dự báo cho rằng sau thời đại dịch, sẽ có nhiều khủng hoảng kéo theo: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, đạo đức, v.v…  Đó thực sự là con đường gồ ghề khiến không ít người đuối sức.  Nếu có mặt với hai môn đệ trên đường Emmau năm xưa, họ cũng đã không vượt qua được những thất vọng ê chề.

2. Có lý do để hy vọng

Trên con đường vô vọng đó, hai môn đệ gặp một vị khách bộ hành.  Chúng ta biết đó là Đức Giêsu phục sinh, nhưng khi ấy các ông đâu biết gì.  Đức Giêsu chọn cách đi cùng với họ.  Dạo bước để từ từ tiếp chuyện.  Ngài hỏi, các ông trả lời; Ngài lắng nghe, các ông hăng say kể; Ngài giải thích, các ông chưa hiểu gì; Ngài đi tiếp, các ông mời ở lại, vì trời đã xế chiều.  Đó là tóm tắt ngắn gọn, nhưng thực tế câu chuyện của ba người này chắc đủ dài để cho thấy: Thiên Chúa luôn đồng hành với con người.

Trong câu chuyện trên, Đức Giêsu đang trao cho họ niềm vui Phục Sinh, khơi lên hy vọng trong lòng của họ.  Ngài không nói ngay cho các ông rằng Ngài đã phục sinh.  Ngài nhẹ nhàng đi cùng và muốn trò chuyện như những người bạn.  Đó là con đường sư phạm của Đức Giêsu.  Nhờ đó, mà “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra cho họ.  Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người nhưng Người lại biến mất.” (Lc 24,30–31).  Họ đã thấy và tin vào Chúa Phục Sinh.  Lúc này, hai ông rộn ràng vui mừng trở về Giêrusalem để báo tin.

Kể ra chút chi tiết như thế để chúng ta thấy Thiên Chúa, qua Giáo Hội, cũng đang đi cùng với con người.  Chưa bao giờ Giáo Hội muốn phớt lờ nỗi đau của con cái mình.  Nhất là khi chúng ta gặp nạn, Thiên Chúa không bỏ rơi.  Ngược lại, Ngài đến để ủi an, lắng nghe và chuyện trò.  Tiếc là còn quá nhiều người chẳng tiếp chuyện với Ngài.  Kết quả là không ít người mất hy vọng vào cuộc sống.  Ai có thể trao ban bình an và hy vọng lớn lao bằng Thiên Chúa?  Thay vì chạy đi tìm hy vọng nơi tạo vật hoặc chính mình, hãy chạy đến Thiên Chúa.  Nói đúng hơn, chính Thiên Chúa cũng đã muốn được đi cùng con người.  Vấn đề còn lại là người ta có hoan hỷ tiếp chuyện với Chúa hay không mà thôi.

Là người Công Giáo, chúng ta có kinh nghiệm ít nhiều về Thiên Chúa đồng hành.  Ngài đang hiện diện trong tâm hồn mỗi người, nơi Giáo Hội, Xã Hội và chính trong những biến cố đang diễn ra.  Ngài đang khơi lên hy vọng cho từng người.  Biết bao lần Thiên Chúa nói qua vị đại diện của Ngài trên trần gian là Đức Giáo Hoàng:

“Niềm tin Phục Sinh nuôi dưỡng hy vọng của chúng ta.  Tôi muốn chia sẻ điều ấy với anh chị em.  Đó là hy vọng về một giai đoạn tốt đẹp hơn, chúng ta có thể tốt hơn, và sau cùng là được giải thoát khỏi sự ác và khỏi đại dịch này.  Đó là một hy vọng: hy vọng không làm chúng ta thất vọng; hy vọng không phải là ảo tưởng, nó là một hy vọng.”[1]

3. Cho Chúa một cơ hội

Hai môn đệ trên đường Emmau năm xưa đã cho Đức Giêsu cùng dạo bước.  Khi gần gũi Thiên Chúa, các ông thấm dần ngọn lửa hy vọng vào Đức Giêsu Phục Sinh.  Lòng các ông sáng lên từ khi Đức Giêsu ngỏ lời với các ông.  Đó là không gian của nguyện cầu, là nhịp cầu để Thiên Chúa bước vào trong tương quan của các ông.  Hơn nữa, các ông còn mời Đức Giêsu vào nhà mình.  Đó không chỉ là hành vi hiếu khách, nhưng các ông ít nhiều cảm thấy vị khách này có cái gì đó đặc biệt.  Dọc đường trong câu chuyện, các ông bớt chán nản sầu não hơn.

Hôm nay cũng thế, trên đường đời của mỗi người còn đó biết bao thách đố.  Thay vì oán trời trách đất, thở ngắn than dài, hãy cho Chúa một cơ hội bước vào nhà mình.  Đã có nhiều người để Đức Giêsu chi phối đời họ; kết quả là cuộc sống họ được đổi thay.  Cứ nhìn các vị thánh vốn hằng để Thiên Chúa đồng hành.  Họ hạnh phúc dường bao!  Thực ra trong bình an và nhất là trong giai đoạn khốn khó, ai để Thiên Chúa đồng hành, người ấy hẳn là tìm thấy ánh sáng từ nơi bóng tối.  Thiên Chúa của chúng ta thì gần gũi.  Gần kề con người, Thiên Chúa có thể trao ban cho chúng ta một con đường của sự sống và hy vọng.  Đó là Tin Mừng Phục Sinh đã vực các môn đệ đứng lên loan báo cho muôn dân: Đức Giêsu đã chết và nay đã sống lại!

Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau luôn có tính thời sự.  Đó không chỉ xảy ra cho hai ông, nhưng còn là câu chuyện của mỗi người.  Nhất là trong hoàn cảnh lúc này, Đức Giêsu vẫn đang “hiện ra”, Ngài vẫn hỏi, vẫn lắng nghe và trò chuyện với mỗi người.  Có khi nhiều người đi nhanh quá bỏ Thiên Chúa lại đằng sau, nhiều người sống vội nên quên mất bên mình còn Thiên Chúa, hoặc nhiều lúc người ta hoảng loạn quá cũng quên mất Thiên Chúa.  Thật tốt khi đứng lại một chút để thấy Thiên Chúa đang ở đâu.  Ngài đang gõ cửa!  Mong sao mỗi người can đảm đón Ngài vào đường đời của mình.  Khi đó, chắc chắn người con của Chúa sẽ vượt qua mọi khó khăn, kể cả trong và sau đại dịch virus cũng thế.

Lạy Chúa Giêsu, mời Ngài ở lại với con, với gia đình chúng con, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.  Bóng đêm đang buông dần, chúng con cần Ngài đỡ nâng, trợ giúp và đồng hành.  Amen.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ Nguồn:
https://dongten.net/2020/04/24/thien-chua-dang-di-voi-con-nguoi-trong-dai-dich/

Nguồn:  https://dongten.net/2020/04/24/thien-chua-dang-di-voi-con-nguoi-trong-dai-dich/

[1] Thông điệp video của Đức Thánh Cha Phanxicô trong dịp Tuần Thánh 2020.

MỜI ÔNG Ở LẠI VỚI CHÚNG TÔI

Dưới dáng dấp một người khách lạ, Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ Emmau.  Ngài đến đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc, quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua.  Ngài đi cùng với họ, đi gần bên họ, khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành.  Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn, Ngài muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ.

Chúa Giêsu không nản lòng trước câu trả lời lạnh nhạt: “Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra…”  Ngài không cắt đứt cuộc đối thoại: “Chuyện gì vậy?” Ngài giả vờ không biết để họ nói cho vơi nỗi buồn.  Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe lời họ tâm sự.  “Trước đây, chúng tôi hy vọng rằng…” Như thế niềm hy vọng này chỉ còn là chuyện quá khứ.  Cả niềm tin cũng trở nên chai lì, họ đâu có tin vào lời của các bà ra thăm mộ.

Khi lắng nghe, Chúa Giêsu nhận ra cái gút của vấn đề, những câu hỏi mà họ không tìm ra lời giải đáp.  Tại sao một người của Chúa, người mà họ tin là Đức Kitô lại bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ?

Chúa Giêsu vén mở ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ.  Đau khổ là nhịp cầu mà Đức Kitô phải vượt qua để sang bờ bên kia là vinh quang bất diệt.  Đau khổ không phải là chuyện xui xẻo, rủi ro, nhưng nó có chỗ đứng trong chương trình cứu độ.

Lời của Chúa Giêsu là Tin Mừng ngọt ngào, khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại.  Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng bữa chiều.  Và chính lúc Ngài cầm bánh bẻ ra trao cho họ thì họ nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu.

Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau cũng là của chúng ta.  Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì Ngài lại đang ở gần bên.  Lúc ta nhận ra Ngài ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi.  Nhưng chính lúc Ngài biến mất, ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài.

Ngài đến lúc ta không ngờ.  Ngài đi mà ta không giữ lại được.  Ngài ở lại với ta cả khi ta không thấy Ngài nữa.

Đấng Phục Sinh vẫn đến với ta hôm nay qua một người bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ.  Qua họ, Ngài thổi vào lòng ta niềm hy vọng tin yêu.

Ngài vẫn đến với ta qua từng thánh lễ.  Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta.  Sống như Chúa phục sinh là tập đến với tha nhân, tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng…

Hôm nay vẫn có nhiều người bạn đang lê gót về Emmau.

*******************************************

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa.  Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.  Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến. Con cần được thêm sức mạnh để khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.  Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.
Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J (trích trong ‘Manna’)

TÌNH YÊU THỜI COVID-19

Năm 1985, văn hào được giải Nobel, Gabriel Garcia Marquez đã viết quyển sách có tên Tình yêu thời Thổ Tả (Love in the Time of Cholera).  Ông kể câu chuyện đầy màu sắc về tình yêu có thể sinh sôi, bất chấp nạn dịch.

Vậy mà thứ đang bủa vây thế giới chúng ta bây giờ không phải là dịch tả mà là dịch coronavirus, Covid-19.  Trong cả cuộc đời của tôi, tôi chưa bao giờ thấy thế giới bị tác động đến tận căn như bởi con vi-rút này.  Nhiều nước đóng trọn cửa, trường học đóng cửa, học sinh về nhà học trực tuyến, chúng ta không còn muốn ra khỏi nhà, không còn muốn mời ai về nhà, và chúng ta xin đừng ai đụng đến mình, và thực hành “cách ly xã hội.”  Bình thường, thời gian ngừng lại.  Chúng ta ở trong một mùa, mà không có thế hệ nào, có thể kể từ nạn dịch năm 1918, từng trải qua.  Hơn nữa, chúng ta chưa biết được khi nào sẽ chấm dứt tình trạng này.  Không ai, kể cả các nhà lãnh đạo, các bác sĩ cũng không có được chiến lược để thoát ra khỏi tình trạng này.  Không ai biết khi nào và cách nào nạn dịch này sẽ chấm dứt.  Tuy nhiên như những người lên con tàu Nô-ê, chúng ta bị nhốt lại và không biết khi nào nước sẽ rút xuống để sống cuộc sống bình thường.

Làm thế nào sống trong giai đoạn lạ thường này?

Vậy mà tôi đã có chỉ dẫn riêng về chuyện này cách đây 9 năm.  Mùa hè năm 2011, bác sĩ cho biết tôi bị ung thư ruột già, tôi phải mổ để cắt bỏ bướu, rồi trải qua hai mươi bốn tuần hóa trị.  Dĩ nhiên tôi hãi sợ khi đứng trước sự hoang mang không biết hóa trị sẽ tác động như thế nào trên cơ thể.  Hơn nữa tôi mất kiên nhẫn khi trong hai mươi bốn tuần là sáu tháng, thời gian tôi phải trải qua mùa “bất thường” này.  Tôi muốn chấm dứt nhanh cho rồi.  Vì thế, tôi đối diện nó giống như đối diện với hầu hết các thất bại khác trong cuộc sống của tôi, tôi có thái độ khắc kỷ: “Mình sẽ vượt qua nó!  Mình sẽ chịu đựng được!”

Tôi giữ những gì có thể được gọi là nhật ký, chỉ đơn thuần ghi lại những gì tôi làm mỗi ngày, ai và những gì tôi gặp trong ngày.  Và thế là tôi anh hùng bắt đầu buổi hóa trị đầu tiên, tôi đánh dấu các ngày này trong nhật ký Daybook của tôi: Ngày Một, rồi Ngày Hai…  Tôi làm con tính và tôi biết phải cần 168 ngày để kết thúc mười hai liều hóa trị, liều này cách liều kia hai tuần.  Cứ như thế tiếp tục trong vòng bảy mươi ngày đầu tiên, tôi kiểm con số mỗi ngày, cố giữ cuộc sống và hơi thở để chờ ngày tôi có thể viết Ngày 168.

Rồi một ngày giữa chặng đường hai mươi bốn tuần, tôi có một thức tỉnh.  Tôi không biết chính xác điều gì nảy sinh, một ơn từ trên cao, một cử chỉ tình bạn của ai đó, một cảm giác mặt trời trên cơ thể tôi, một cảm giác tuyệt vời của một loại nước uống mát lạnh, có thể là tất cả những chuyện này, nhưng khi thức dậy, tôi nhận ra tôi đã để cuộc đời treo lơ lửng, tôi không thật sự sống, tôi sống chỉ để chịu đựng mỗi ngày, để kiểm và để cuối cùng đạt đến cái ngày thứ 168, ngày tôi có thể bắt đầu sống trở lại.  Tôi nhận ra tôi đã lãng phí một nửa mùa cuộc đời mình.  Hơn nữa, tôi nhận ra những gì tôi đã sống đôi khi còn phong phú hơn nhờ tác động của hóa trị trong cuộc đời tôi.  Thế là tôi được lên tinh thần một cách đáng kể, dù hóa trị tiếp tục hành hạ nặng trên cơ thể tôi.

Tôi bắt đầu chào đón mỗi ngày với sự tươi mát, phong phú với những gì cuộc sống mang lại cho tôi.  Bây giờ tôi nghĩ lại, tôi xem ba tháng cuối (trước ngày 168) như một trong ba quãng thời gian phong phú nhất đời tôi.  Tôi kết với một số bạn cho cả đời, tôi học một vài bài học kiên nhẫn mà tôi cố bám vào và nhất là tôi học các bài học từ lâu tôi đã học về lòng biết ơn, sự mến chuộng, sức khỏe, tình bạn, công việc, những thứ mình không được xem mỗi khi có là có mãi mãi.  Đó là niềm vui đặc biệt tìm lại đời sống bình thường sau khi đã sống 168 ngày “xa-bát”; nhưng những ngày “xa-bát” này cũng thật đặc biệt dù nó đặc biệt theo một cách khác.

Con coronavirus đã bắt chúng ta nghỉ xa-bát và bắt những người bị nhiễm phải theo một loại hóa trị riêng của nó.  Và nguy hiểm là chúng ta ngưng sống khi qua giai đoạn lạ thường này, chúng ta chịu đựng với những gì xảy ra trong mùa không mời mà đến này.

Đúng, sẽ có thất vọng, sẽ có đau đớn khi sống trong cảnh này, nhưng điều này không phải là không tương hợp với hạnh phúc.  Bác sĩ tác giả Paul Tournier (1898-1986) đã mất vợ, đã chịu cảnh tang chế sâu đậm, sau đó ông hòa nhập nỗi đau đớn này vào đời sống mới, ông mới viết được những hàng chữ sau: “Tôi thực sự nói tôi rất đau buồn và tôi là một người đàn ông hạnh phúc.”  Những chữ đáng suy gẫm để chúng ta chiến đấu chống con coronavirus này.

Rev. Ron Rolheiser, OMI
Nguồn:  http://ronrolheiser.com/tinh-yeu-thoi-covid-19/#.Xp6AiMhKguU
https://www.abccolumbia.com/2020/03/25/students-make-virtual-orchestra-and-sing-what-the-world-needs-now-is-love/

ĐỂ LÒNG BÌNH AN GIỮA ĐẠI DỊCH BỆNH

Con người luôn có tính xã hội và thường bị ảnh hưởng của đám đông.  Đó là điều rất tự nhiên mà chúng ta thấy khi đại dịch xuất hiện, ngày càng có nhiều người hoang mang.  Nhất là khi gia đình có người là nạn nhân của con virus này, sự buồn bã và lo âu chắc tăng lên gấp bội.  Làm sao để cho tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến là điều không dễ chút nào.  Ai cũng thuộc lòng câu: “Dù ai nói ngả nói nghiêng… lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”, nhưng mấy ai làm được?

Chắc hẳn ai cũng có cách để thích nghi với dịch bệnh.  Khi ở nhà, mỗi người đã có những sáng kiến để giữ cho bầu không khí gia đình được bình an.  Dù virus có đảo lộn mọi thứ, tác động khủng khiếp đến mọi khía cạnh của đời sống, nhưng ai cũng trấn an để mong cùng nhau vượt qua thách đố này trong an bình.  Đó là khao khát muôn thuở của con người.  Không chỉ trong đại dịch lần này, nhưng mọi bôn ba của kiếp người chẳng phải để tìm được bình an đó sao?

Chắc ai cũng hiểu bình an là sự yên ổn, êm đềm của cuộc sống.  Ở đó không có hận thù, sợ hãi và hoang mang.  Bình an trong tiếng Do Thái còn có nghĩa là an lạc, hạnh phúc.  Người Do Thái thường chào nhau với hai chữ: Bình an (Sa–lom).  Chào như thế vì họ không chỉ thể hiện tương quan với nhau, nhưng quan trọng hơn, họ có chung một Thiên Chúa là nguồn bình an cho con người.

Chúng ta thấy khung cảnh lúc Đức Giêsu chết cũng không khác nhiều bối cảnh lúc này.  Các môn đệ hoang mang cực độ.  Nơi các ông ở lúc đó đều cửa đóng then cài.  Phần vì các ông buồn bã trước cảnh tượng người ta giết thầy Giêsu, phần vì sợ người ta có thể ám hại cả các ông nữa.  Tính mạng của các ông không mấy an toàn lúc này, nếu ở những nơi công cộng.  Các ông buộc phải cách ly trong hoang mang!  Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các ông.

Chúng ta sẽ ngạc nhiên với câu nói đầu tiên của Đức Giêsu: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19).  Đó không chỉ là lời chào thăm, nhưng còn là nguồn động viên, “xốc” lại tinh thần của các ông.  Đức Giêsu biết lúc này các ông thực sự cần bình an.  Dù ngoại cảnh có nhiều nguy hiểm, nhưng một khi tâm hồn được bình an, người ta có thể đón nhận được mọi thứ trong thanh thản.  Kết quả là các ông đã mở toang cửa để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho toàn dân.  Các ông đến nơi đâu, cũng nói về câu chuyện Đức Giêsu đã chết và nay đã sống lại.  Chính Tin Mừng ấy trao rất nhiều bình an cho thính giả thời bấy giờ.  Bởi thế mà Giáo Hội sơ khai tuy chịu nhiều bắt bớ, nhưng người con của Chúa luôn cảm thấy bình an để làm chứng cho Tin Mừng này.

Thật đẹp khi trong cảnh khốn cùng, rất nhiều người thốt lên với Đức Giêsu Phục Sinh: “Lạy Chúa xin ban bình an cho chúng con và toàn thế giới.”  Thiên Chúa là nguồn của mọi bình an (Ep 2,14).  Bình an của Thiên Chúa không như thế gian ban tặng.  Đó là bình an của tâm hồn, của niềm vui nội tâm và của tình yêu giữa thụ tạo với Đấng Tạo Thành.  Đó là quà tặng của Thiên Chúa cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài.  Nói cách khác, Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta được một niềm vui sâu xa, một sự bình an bên trong và tự do.  Đừng quên bình an nội tâm là nền tảng của sự bình an trong gia đình, trong xã hội và trên thế giới.

Chắc hẳn khi ở nhà quá lâu, sống trong cảnh dịch bệnh kéo dài, nguy cơ mất bình an là có thật.  Bởi đó, người ta dễ dàng tìm thấy nhiều lời hướng dẫn hữu ích để tạo cho mình được bình an.  Là người Công Giáo, chúng ta may mắn có Thiên Chúa luôn trao bình an cho mỗi người.  Dĩ nhiên bình an ấy không dành cho những ai lười biếng ngồi chờ sung rụng.  Thiên Chúa đòi con người cộng tác một chút, Ngài hứa sẽ ban bình an thật nhiều.  Bằng cách nào?

Trong câu hỏi trên, tôi tin ai cũng có câu trả lời cho riêng mình.  Giáo Hội mời gọi con cái mình cầu nguyện, hướng đến đời sống nội tâm nhiều hơn lúc này.  Mỗi ngày dành cho Thiên Chúa chút không gian và thời gian, để cùng với Chúa vun đắp bình an cho tâm hồn mình.  Thực ra bất kỳ ai liên kết với Thiên Chúa, người ấy đều có được bình an đích thực.  Khi có bình an, người ta sẽ biết mình nên làm gì và cần phải làm gì trong thời gian đại dịch.  Hãy để sự bình an của Chúa cư ngụ trong tâm hồn mình và để Ngài cất bỏ những lo âu phiền muộn.  “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28).

Hẳn là chúng ta được an ủi trước câu hỏi này: “Trong kế hoạch, Thiên Chúa có định cho con người phải đau khổ và phải chết không?”  An ủi vì: “Thiên Chúa không muốn cho con người phải đau khổ và phải chết.  Từ khởi thủy Thiên Chúa đã muốn cho con người sống nơi Địa Đàng, được sống mãi mãi, bình an giữa Thiên Chúa, mọi người, và vạn vật chung quanh.  Bình an giữa nam và nữ.” (Youcat số 66).  Tiếc là khi rời Vườn Địa Đàng, người ta luôn có nguy cơ mất sự bình an này.

Với chủ đề trên đây, hy vọng mỗi người nhắc mình cần bình an lúc này.  Thực tế là nhiều người quên mất mình đang sống trong bất an.  Cảm giác ấy khó chịu vô cùng!  Hãy dừng lại đôi chút để đọc xem điều gì đang diễn ra trong tâm hồn mình lúc này?  Những nhà thiêng liêng chỉ cho chúng ta cách để tìm lại được bình an: “Hãy giữ tâm hồn bạn bình an.  Hãy để Thiên Chúa hành động trong bạn.  Hãy đón nhận mọi tư tưởng nâng tâm hồn bạn lên tới Chúa.  Hãy mở rộng cửa tâm hồn bạn.” (Thánh Inhaxiô Loyola).  Nếu bạn đang thực sự bình an, hãy tạ ơn Chúa và tiếp tục vui sống với hồng ân của Chúa. Nếu lòng bạn đang biến động giữa xáo trộn vì Covid–19, thử áp dụng vài phương cách như thế cùng với Chúa xem sao?

Chúng ta cùng cầu chúc cho nhau để mỗi người đón nhận được lời chúc lành của Chúa Phục Sinh: Bình an cho anh em!  Hy vọng bình an nội tâm sẽ là sức mạnh để mỗi người, cùng với Chúa và với nhau, vượt qua những khó khăn, bức xúc và phức tạp của hoàn cảnh hiện tại.  Mong thay!!!

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: https://dongten.net/2020/04/17/de-long-binh-an-giua-dai-dich-benh/

NIỀM TIN CÓ TÍNH TOÁN CẨN THẬN

“Ngài thổi hơi vào các ông và nói với họ: Hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22)

Để xác định một người đã chết, ngày xưa người ta thường đặt một tấm gương dưới hai lỗ mũi của thi hài người chết để xem người đó còn thở hay không.  Ngày nay, với phương pháp đo điện tâm đồ và kiểm tra hoạt động của phổi, người ta sẽ kết luận một người đã chết thực sự khi họ ngưng thở hoàn toàn.  Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Kitô Phục Sinh đã “thổi hơi sự sống” vào buồng phổi nhỏ bé của cộng đoàn những người tin, giải thoát họ khỏi sợ hãi, làm cho họ được lưu thông huyết mạch đức tin để họ có thể cùng nhau “thở” và sống cách sung mãn cho sứ mệnh được gửi trao.

Các môn đệ đầy sợ sệt đang co rúm lại với nhau trong căn phòng đóng kín cửa vì “sợ người Do Thái.”  Sau khi Đức Giêsu bị hành quyết, nỗi khiếp sợ này cũng dễ hiểu, vì họ sợ sẽ đến lượt mình.  Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, từ ngữ “Người Do Thái” đồng nghĩa với những con người không tin vào Đức Giêsu, và chống đối Ngài, cho dầu chính Đức Giêsu và những học trò đầu tiên của Ngài cũng là người Do Thái.  Đối tượng sự sợ hãi nơi các môn đệ, chính là những người cũng giống họ về nguồn gốc dân tộc, nhưng khác họ ở niềm tin vào Đức Giêsu.

Đôi khi, điều làm chúng ta khiếp sợ nhất là phải trực diện những gì chúng ta không muốn xảy ra cho mình như đã từng xảy ra cho người khác.  Giữa lúc sợ hãi cao điểm như thế nơi các tông đồ, Chúa Giêsu đã hiện ra và đến với họ, mời gọi họ đón nhận sự bình an mà Ngài mong muốn đem đến cho họ.  Đó không phải là sự bình an cất giấu đi sự tàn bạo hằn sâu nơi thân thể Ngài, khi Ngài vạch mở cho họ thấy những vết thương lồ lộ vẫn còn nguyên trạng nơi xác thân Ngài.  Nhưng đó là sự bình an với nhận thức đầy đủ về sự khủng khiếp đối với những gì đã xảy ra nơi cái chết của Chúa, nhưng bình an sẽ đến trong tiến trình chữa lành những vết thương đó, trong tinh thần tha thứ và hòa giải chứ không phải là bạo lực hay oán thù.  Ngắm nhìn những vết tích nơi thân thể Chúa, phải có một cái nhìn khác.  Không phải là một cái nhìn mang tính hận thù, nhưng là một cái nhìn được Chúa Kitô khởi dẫn để chữa lành, với tinh thần và bình an của Ngài, để giúp các môn đệ thoát vượt sợ hãi, vươn tới niềm vui thực sự.

Kết quả, chính là sự hồi sinh của cộng đoàn.  Cũng giống như Đấng Tạo Hoá ban đầu đã thổi hơi vào lỗ mũi của nguyên tổ để trao ban sinh khí (St 2,7), Đức Kitô Phục Sinh cũng đem lại sự sống cho cộng đoàn những kẻ theo Ngài, đang trong cơn khiếp sợ.  Đây không phải là một tiến trình dễ dàng, không gây nhức nhối.

Tôi có một người bạn bị viêm phổi nặng, sự đau đớn ghê gớm mà người bạn đó đã kinh qua khi buồng phổi đang bị tàn phá khủng khiếp, làm tôi liên tưởng gần sát với những khó khăn mà những học trò của Đức Giêsu đã trải qua trong tiến trình biến đổi đức tin.  Trước khi thụ nạn, Đức Giêsu đã nói với họ về những thống khổ như là nỗi đau quặn của một phụ nữ khi sinh nở, để sau đó có được niềm vui khi một mầm sống mới được khai sinh (Ga 16, 20-22).

Đối với vài người trong nhóm họ, sự tái sinh này xảy ra vào ngày thứ nhất trong tuần sau khi Đức Kitô Phục Sinh.  Nhưng không phải tất cả đã hiện diện ngày hôm ấy và đã cảm nghiệm được giai điệu huyền nhiệm này.  Tuần sau, vài người trong họ vẫn còn sợ và đóng kín cửa.  Họ vẫn đưa ra những điều kiện dường như bất khả thi để có thể tin.  Tôma đã lên tiếng bộc lộ sự nghi ngại “Tôi cần phải thấy tận mắt, sờ tận tay, mới tin.”  Đây không phải là một sự phản kháng ngoan cố trước những gì các bạn hữu khác đã trải nghiệm và truyền đạt lại, nhưng thực sự Tôma muốn nói lên rằng mọi người và từng mỗi người cần được tiếp cận trực tiếp với Đức Kitô để có thể tin.

Ở đây, không có chuyện Tôma đã thể hiện một thứ đức tin hạng hai.  Chứng tá của các bạn khác dẫn ông đến với Đức Giêsu, nhưng không thay thế cho kinh nghiệm của chính bản thân ông để có thể thấy được nhãn tiền, khi ông cần phải gặp gỡ Đức Giêsu một cách trực tiếp, cũng như từng người một trong nhóm họ.  Tin Mừng cho phép người ta có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau để có được đức tin.  Một vài người có thể thủ đắc đức tin bằng việc nhìn thấy, những người khác có thể không cần.  Cả hai thái độ này đều tốt và được Chúa chúc lành.  Cách thức đến với đức tin, điều đó không quan trọng, trong một cộng đoàn mà đức tin luôn được toan tính cẩn thận, nhưng trong đó mọi người cùng “thở” chung với nhau bằng hơi thở của Thần Khí, Đấng sẽ đẩy lùi mọi sợ hãi bằng khí cụ của bình an, của sự tha thứ và của sự giao hoà.

(Barbara E. Reid, O.P – Nữ Tu Đaminh thuộc cộng đoàn Đaminh ở Grand Rapids, Michigan, Giáo sư môn Tân Ước tại Đại Học Công Giáo ở Chicago, Illinois, và là phó trưởng khoa tại Đại Học này. – Văn Hào, SDB chuyển ngữ)

BÀI GIẢNG LỄ VỌNG PHỤC SINH CỦA ĐTC PHANXICÔ

Sau ngày Sabbath (Mt 28: 1), những người phụ nữ đã đi đến ngôi mộ.  Đây là cách Tin Mừng của Đêm Vọng thánh thiêng này bắt đầu: với ngày Sa-bát.  Trong Tam Nhật Thánh, chúng ta thường có xu hướng bỏ qua ngày này bởi ta đang háo hức chờ đợi bước chuyển từ mầu nhiệm Thánh Giá của ngày Thứ Sáu sang lời hoan ca Alleluia của Chúa Nhật Phục Sinh.  Tuy nhiên, năm nay chúng ta đang trải nghiệm, hơn bao giờ hết, sự im lặng lớn lao của Thứ Bảy Thánh.  Chúng ta có thể tưởng tượng mình ở vị trí của những phụ nữ vào ngày đó.  Giống như chúng ta bây giờ, trước mắt họ là một thảm cảnh đau thương, một bi kịch xảy ra quá bất ngờ.  Họ đã nhìn thấy sự chết và nó đè nặng lên trái tim họ.  Nỗi đau xen lẫn nỗi sợ hãi: liệu họ có chịu chung số phận với Thầy mình?  Rồi sau đó là nỗi sợ về viễn tượng tương lai và tất cả những gì cần phải được xây dựng lại.  Một ký ức đau đớn, một niềm hy vọng bị cắt cụt. Giống như chúng ta bây giờ, đối với họ, đó là giờ phút đen tối nhất.

Tuy nhiên, trong tình huống này, những người phụ nữ không cho phép mình bị tê liệt.  Họ không chịu khuất phục trước sự ảm đạm của đau khổ và tiếc nuối; họ không tự thu mình lại, hay trốn chạy khỏi thực tại.  Họ đang làm một việc rất đơn sơ nhưng lại phi thường: chuẩn bị các hương liệu ở nhà để xức xác Chúa Giê-su.  Họ không ngừng yêu thương; từ trong đêm tối của cõi lòng, họ thắp lên một ngọn lửa thương xót.  Mẹ Maria của chúng ta đã trải qua ngày Thứ Bảy đó.  Đó là ngày xứng đáng dành để tôn vinh mẹ, trong tâm tình nguyện cầu và hy vọng.  Mẹ đã đáp lại nỗi buồn bằng niềm tin vào Thiên Chúa.  Những người phụ nữ này không thể ngờ được rằng, từ trong bóng tối của ngày Sa-bát đó, chính họ đang thực hiện những sự chuẩn bị cho “Bình minh của ngày thứ nhất trong tuần,” ngày sẽ thay đổi lịch sử.  Như hạt giống bị chôn vùi trong lòng đất, Đức Giêsu chuẩn bị làm cho đời sống mới được nở hoa trong thế giới này; và những người phụ nữ đó, bằng lời cầu nguyện và tình yêu, đã giúp tạo nên đóa hoa hy vọng đó.  Trong những ngày buồn thảm này, có biết bao người cũng đã và đang làm những điều mà những phụ nữ kia đã thực hiện, đó là gieo hạt mầm hy vọng, với những cử chỉ bé nhỏ của lòng quan tâm, của tình thương và lời cầu nguyện.

Rạng sáng, những người phụ nữ đi đến ngôi mộ.  Thiên thần nói với họ: “Đừng sợ.  Ngài không ở đây; vì Ngài đã sống lại.” (câu 5-6).  Họ nghe thấy những lời của sự sống ngay cả khi họ đang đứng trước một ngôi mộ…  Và sau đó họ gặp Đức Giê-su, đấng ban tặng tất cả mọi niềm hy vọng, Đấng xác chuẩn thông điệp và nói: “Đừng sợ” (câu 10).  Đừng sợ, đừng lui bước trước sợ hãi: Đây là thông điệp của hy vọng.  Nó được gửi đến chúng ta hôm nay.  Đây là những lời mà Thiên Chúa lặp lại với chúng ta ngay trong đêm nay.

Đêm nay, chúng ta được trao một quyền cơ bản mà không bao giờ bị lấy mất: quyền hy vọng.  Đó là niềm hy vọng sống động và mới mẻ đến từ Thiên Chúa.  Đó không phải là thứ lạc quan tếu; nó không phải là một cái vỗ nhẹ vào lưng hay một lời khích lệ trống rỗng.  Đó là một món quà từ thiên đường, thứ mà chúng ta không thể tự mình kiếm được.  Trong những tuần này, chúng ta đã lặp đi lặp lại rằng “tất cả sẽ ổn thôi.”  Đó là những lời nói bén rễ từ nét đẹp nhân bản và thúc đẩy những câu khích lệ nổi lên từ cõi lòng chúng ta.  Nhưng khi ngày tháng trôi qua và nỗi sợ hãi tăng lên, ngay cả niềm hy vọng táo bạo nhất cũng có thể tan biến.  Niềm hy vọng của Đức Giê-su mang lại thì rất khác.  Ngài gieo vào lòng chúng ta niềm tin rằng Thiên Chúa có thể biến mọi thứ trở nên tốt lành, vì chưng ngay cả từ ngôi mộ Ngài cũng đã mang lại sự sống.

Ngôi mộ là nơi không ai bước vào.  Nhưng Chúa Giêsu trỗi dậy vì chúng ta; Ngài đã sống lại cho chúng ta, để mang lại sự sống từ nơi của sự chết, để khởi đầu một lịch sử mới ở chính nơi bị chèn bởi tảng đá.  Đấng đã lăn hòn đá bịt kín lối vào ngôi mộ cũng có thể loại bỏ những viên đá trong trái tim chúng ta.  Vì vậy, chúng ta đừng nhụt chí; chúng ta đừng đặt tảng đá chắn mất niềm hy vọng.  Chúng ta có thể và phải hy vọng vì Thiên Chúa là Đấng thành tín.  Ngài không bỏ rơi chúng ta; Ngài đã viếng thăm ta, và đã bước vào những cảnh huống đau thương, thống khổ và chết chóc của chúng ta.  Ánh sáng của Ngài xua tan bóng tối của ngôi mộ; hôm nay Ngài muốn ánh sáng đó xuyên qua cả những góc tối nhất trong cuộc sống chúng ta.  Thưa quý anh chị em, ngay cả khi chúng ta đã chôn vùi niềm hy vọng trong trái tim mình, chúng ta cũng đừng từ bỏ, vì Thiên Chúa vẫn luôn lớn hơn.  Bóng tối và sự chết không có lời cuối cùng.  Hãy mạnh mẽ lên, vì với Chúa không có gì là hư mất!

Lòng can đảm.  Đây là một cụm từ thường được Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng.  Chỉ một lần những người khác dùng cụm từ này để khích một người đang cần giúp đỡ: Hãy can đảm đứng dậy, Ngài đang gọi anh đó! (Mc 10:49).  Chính Người, Đấng Phục Sinh, đã nâng chúng ta lên trong những lúc cần thiết.  Trên hành trình cuộc sống, nếu ta cảm thấy yếu đuối, mỏng dòn, hoặc sa ngã, xin đừng sợ, Thiên Chúa sẽ đưa tay giúp đỡ và nói với ta: “Dũng cảm lên!”  Tựa như Don Abbondio (trong tiểu thuyết của Manzoni), chúng ta cũng có thể nói “can đảm chẳng phải là điều gì bạn có thể tự trao cho mình” (I Promessi Sposi, XXV).  Đúng, ta không thể tặng nó cho chính mình, nhưng ta có thể nhận nó như một món quà.  Tất cả những gì ta phải làm là mở lòng cầu nguyện và nhẹ nhàng lăn đi tảng đá chặn lối vào trái tim của ta để ánh sáng của Chúa Giê-su có thể rọi vào.  Ta chỉ cần kêu cầu Ngài: “lạy Chúa Giêsu, hãy đến với con giữa nỗi sợ hãi này, và nói với con rằng: Hãy can đảm!”  Có Ngài, ôi lạy Chúa, chúng con sẽ chịu thử thách nhưng không bị lung lay.  Và, dù cho bất cứ nỗi buồn nào, chúng con sẽ được củng cố trong hy vọng, vì có Ngài, thập giá cũng dẫn đến sự phục sinh, bởi Ngài ở cùng chúng con trong màn đêm u tối; Ngài chính là sự vững vàng giữa những điều không chắc chắn của chúng con; Ngài là lời nói phát ra trong cơn thinh lặng của chúng con; và không gì có thể lấy đi tình yêu Ngài dành cho chúng con.

Đây là sứ điệp Phục Sinh, sứ điệp của hy vọng.  Sứ điệp này chứa một phần nữa, đó là sứ mạng được sai đi.  Đức Giê-su bảo các phụ nữ: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê” (Mt 28:10).  Thiên thần đã báo trước: “Người đi Ga-li-lê trước các ông” (câu 7).  Chúa đi trước chúng ta.  Thật đáng khích lệ khi biết rằng Ngài đi trước chúng ta trong cuộc sống và trong cái chết; Ngài đến Galilê trước chúng ta.  Với Đức Giê-su và các môn đệ, nơi này gợi nhớ tới cuộc sống hàng ngày, tới gia đình và công việc.  Chúa Giêsu muốn chúng ta mang lại hy vọng ở đó, cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta.  Đối với các môn đệ, Galilê cũng là nơi đáng nhớ, vì đó là nơi đầu tiên họ được kêu gọi.  Trở về Galilê có nghĩa là nhớ rằng chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương và kêu gọi.  Chúng ta cần tiếp tục cuộc hành trình, nhắc nhở bản thân rằng chúng ta được sinh ra và tái sinh nhờ một lời mời gọi được trao tặng nhưng không cho chúng ta vì tình yêu.  Đây luôn là điểm mà chúng ta luôn có thể làm mới lại, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng và thử thách.

Nhưng còn hơn thế nữa.  Galilê là khu vực xa nhất tính từ chỗ họ đang ở, tức từ Jerusalem.  Và không chỉ về mặt địa lý.  Galilê cũng là nơi cách xa sự thánh thiêng của Thành Thánh nhất.  Đó là khu vực của những người thuộc các tôn giáo khác nhau sinh sống: đó là “Galilee của Dân Ngoại” (Mt 4:15).  Chúa Giêsu sai họ đến đó và yêu cầu họ bắt đầu lại từ đó.  Điều này nói gì với chúng ta?  Nó nói rằng thông điệp hy vọng không nên bị giới hạn vào những chốn thánh thiêng của riêng chúng ta, mà cần được mang đến cho mọi người.  Bởi vì tất cả mọi người đang cần sự trấn an, và nếu chúng ta, những người đã chạm được vào “Lời của sự sống” (1Ga 1: 1), không trao ban sự trấn an đó thì ai sẽ làm thay?  Đẹp biết bao khi trở thành những Kitô hữu mang đến sự an ủi, trở thành người mang vác gánh nặng của người khác, và thành người khích lệ: đó là những sứ giả của sự sống trong thời điểm chết chóc!  Ước gì chúng ta có thể mang lời ca sự sống đến mọi thứ ‘Galilee’, mọi khu vực của gia đình nhân loại mà tất cả chúng ta thuộc về và là một phần của chúng ta, vì tất cả chúng ta đều là anh chị em.  Chúng ta hãy làm cho những kêu gào của sự chết phải im lặng; cho mọi thứ chiến tranh phải dừng lại!  Ước gì chúng ta có thể ngừng sản xuất và buôn bán vũ khí, vì chúng ta cần lương thực chứ không phải súng ống!  Hãy kết thúc việc phá thai và giết hại người vô tội.  Ước gì trái tim của những người dư dả có đủ sự cởi mở để trao ban các nhu cầu thiết yếu vào những đôi tay trống trơn của người nghèo.

Sau hết, những phụ nữ đó đã níu giữ chân Chúa Giê-su (Mt 28: 9).  Đó là đôi chân đã đi rất xa để gặp gỡ chúng ta: đến tận mức đi vào và trỗi dậy từ ngôi mộ.  Những phụ nữ ôm lấy đôi chân đã giẫm đạp cái chết và đã mở ra con đường hy vọng.  Hôm nay, như những người lữ hành tìm kiếm hy vọng, chúng con muốn bám vào Ngài, lạy Đức Giê-su Phục Sinh!  Chúng con quay lưng với cái chết và mở rộng trái tim cho Ngài, vì chính Ngài là Sự Sống.

Chuyển dịch: Khắc Bá, SJ – CTV Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-04/toan-van-bai-giang-le-vong-phuc-sinh-dtc-phanxico.html

CHỜ MONG NHỮNG PHÉP MÀU

Tin Mừng thánh Luca “quay lại” quang cảnh chiều tối ngày thứ Sáu Tuần Thánh như sau: “Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày Sa–bát, các bà nghỉ lễ như Luật Truyền.” (Lc 23,56).

Những người chứng kiến cái chết của Đức Giêsu ra về, mỗi người một ý nghĩ.  Có những người sợ hãi.  Không ít người lắc đầu nhìn ông Giêsu thất bại ê chề trên đỉnh đồi Canvê.  Có những người đấm ngực.  Các thượng tế giết được Đức Giêsu rồi vẫn chưa hả hê ngồi yên.  Nhóm môn đệ thì rút về nhà, cửa đóng then cài, tự cách ly.  Đối với các ông, giấc mộng theo Chúa Giêsu lúc này dường như chấm hết.  Bầu không khí thê lương ngột ngạt đè lên các môn đệ…  Trong khi đó, số đông những người Do Thái khác vẫn hân hoan mừng Lễ Vượt Qua.

Ngày Chúa yên nghỉ trong mồ, truyền thống Giáo Hội dành thời gian thinh lặng thánh để chờ mừng Chúa Phục Sinh.

Nếu ghép đoạn phim năm xưa trên đây vào bối cảnh lúc này trong đại dịch, chắc chúng không khác nhau nhiều.  Người ta phải ở nhà, cách ly phòng chống dịch.  Không ít người hoang mang, sợ hãi và buồn sầu.  Sầu buồn vì đã có biết bao người thân yêu ra đi.  Hiện có cả triệu người phải điều trị căn bệnh virus này.  Khả năng người nhiễm vẫn có nguy cơ tăng.  Những điều ấy buộc nhiều quốc gia ban hành lệnh phong tỏa.

Là người Công Giáo, bầu không khí ấy không thể lấy đi niềm tin và hy vọng của mỗi người.  Chúng ta đang chờ đợi phép mầu.  Cùng với Chúa Giêsu trong mồ, chúng ta vẫn thấy nơi đó phép lạ có thể xảy ra.

1. Chờ mong Chúa phục sinh

Dĩ nhiên Đức Giêsu đã chiến thắng tử thần trong biến cố phục sinh.  Hằng năm Giáo Hội cử hành tưởng nhớ biến cố này để người tín hữu thêm tin tưởng vào Chúa.  Trong cảnh chết chóc và sầu buồn, Giáo Hội luôn khơi lên cho con cái mình lòng mong chờ một phép mầu sẽ xảy đến.  Đặc biệt, nếu không có đại dịch Covid–19, chúng ta sẽ được cùng nhau tham dự đêm canh thức phục sinh.  Đó là khoảng thời gian vô cùng thánh thiêng để trông đợi Chúa Kitô sống lại.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh luôn cho người ta sức mạnh.  “Nếu Chúa Kitô đã không sống lại, thì…đức tin của bạn cũng vô ích.” (1Cr 15,14).  Phép màu Phục Sinh là “bảo bối và bí kíp” để chúng ta vượt qua đại dịch lần này.  Hoặc nói như Đức Bênêđictô XVI: “Đó là điểm tựa cho đức tin của ta, là đòn bảy mạnh mẽ cho tin tưởng vững chắc của ta, là luồng gió mạnh quét sạch mọi sợ hãi và lưỡng lự, mọi hồ nghi và tính toán của loài người.”[1]

Cụ thể trong ngày Thứ Bảy này, hẳn là có bao người tin tưởng chờ mong một ngày rất gần: dịch bệnh sẽ chấm dứt.  Đó là thời khắc cả nhân loại được phục sinh, được sống lại những dự định, ước mơ và tiếp tục tiến bước.  Thời khắc đó sẽ đánh tan mọi nỗi buồn sầu sợ hãi.  Mỗi người đều tin khoa học sẽ tìm ra lời giải cho bài thuốc chủng ngừa và phương thuốc chữa trị căn bệnh này.

Là người Công Giáo, chúng ta vẫn hằng tin Chúa đã, đang và sẽ làm những phép mầu nơi cuộc đời mỗi người.  Trong đức tin, ta có thể đón nhận đau khổ và chia sẻ với đau khổ của những người khác.  Bằng cách đó, đau khổ loài người được hội nhập vào tình yêu cứu chuộc của Chúa Kitô; nhờ đó đức tin trở nên thành phần hấp dẫn của sức mạnh thần linh lôi kéo thế giới tới hạnh phúc. (x. Youcat số 102).

Với đức tin, chúng ta thấy tương lai tươi sáng hơn.  Nơi đó, Thiên Chúa vẫn đang hoạt động để giúp các nhà khoa học tìm ra phương thuốc.  Nơi đó, Chúa vẫn thôi thúc các nhà chức trách phải có nghĩa vụ và trách nhiệm với dân.  Nơi đó, Chúa mời gọi tôi trở về để: “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cor 13,7).

Hóa ra giữa cơn dịch này, các tín hữu phải nên nguồn động viên tinh thần lớn lao.  Chúng ta có Thiên Chúa, Đấng an bài mọi sự.  Thiên Chúa không chết như triết gia Friedrich Nietzsche tuyên bố.  Ngay cả trong cái chết, người tín hữu luôn tin sự sống sẽ hồi sinh.  Đó là món quà để giúp người ta vượt qua mọi bão táp phong ba.

2. Hy vọng những phép màu

Trong cảnh loạn lạc chiến tranh, đau thương chết chóc, tuyệt vọng là điều khó tránh.  Người ta cũng có thể mường tượng ra các môn đệ đang cạn dần hy vọng.  Truyền thống Giáo Hội sơ khai tin rằng chính Đức Mẹ là chỗ dựa để các ông không bỏ cuộc.  Mẹ động viên, nâng đỡ và gợi lại những gì Con của Mẹ đã nói năm xưa về cái chết và sự phục sinh.  Hôm nay, Mẹ Maria và mẹ Giáo Hội cũng đang “xốc” lại tinh thần cho con cái mình.

Thực vậy, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu vừa ban hành Thông điệp Phục sinh trong thời kỳ âu lo.  Trong đó ngài thấy niềm hy vọng của toàn thể nhân loại bị bóp nghẹt bởi bóng đêm tuyệt vọng của Covid–19.  Ngài so sánh tình cảnh lúc này như “Đêm Tối của Linh Hồn” mà thánh Gioan Thánh Giá đã trải nghiệm.[2]  Ai cũng hiểu và chấp nhận đây là những thời điểm khó khăn, thời điểm bất thường, hy vọng của chúng ta đối với tương lai bị lu mờ.  Tệ hơn nữa việc chối bỏ Thiên Chúa cũng có thể xảy ra trong thời gian này.

Bạn nghĩ sao khi lời Thánh Vịnh nhắc với từng người rằng:

“Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào?
Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa?
Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn,
Người che chở tôi trong lều thánh,
đem giấu tôi thật kín trong nhà,
đặt an toàn trên tảng đá cao.” (TV 27, 1.5)

Chúng ta đừng đánh mất khả năng kinh ngạc và niềm mong chờ Chúa sống lại.  Đó là sự kiện đã xảy ra và là trọng tâm đức tin của chúng ta lúc này.  Nơi bệnh viện, đã có biết bao người đang nỗ lực cứu chữa bệnh nhân.  Có biết bao người đã khỏi bệnh, có bao quốc gia đồng lòng chống dịch.  Biết bao con người đang giúp người già yếu, nghèo khổ.  Biết bao chuyên gia y tế miệt mài nghiên cứu thuốc men.  Hàng triệu, hàng tỷ người đang cùng nhau nguyện cầu.  Dịch càng tăng nhanh, dòng người ấy càng không bỏ cuộc.  Đó chẳng phải là những điều kỳ diệu đang diễn ra đó sao?

3. Lời nguyện cầu xin ơn

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
Chúa là nơi chúng con ẩn náu khi gặp hiểm nguy,
là Đấng chúng con tìm đến trong cơn hoạn nạn;
chúng con tin tưởng nài xin Chúa
thương nhìn đến những người đang đau khổ,
cho kẻ đã qua đời được nghỉ yên,
và an ủi những ai đang ưu phiền,
xin Chúa chữa lành các bệnh nhân
và ban bình an cho người đang hấp hối,
xin ban sức mạnh cho các nhân viên y tế,
ơn khôn ngoan cho các nhà lãnh đạo
và lòng can đảm để đến với mọi người trong yêu thương,
nhờ đó chúng con được cùng nhau tôn vinh Danh thánh Chúa.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, Chúa chúng con,
Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa,
trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời
[3].  Amen

 Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: https://dongten.net/2020/04/11/cho-mong-nhung-phep-mau/

[1] x. Youcat 105

[2] Thông điệp Phục sinh trong thời kỳ âu lo, Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Yangon, Myanmar (Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu – FABC).

[3] Trích: Thánh lễ trong thời đại dịch, phần Lời nguyện nhập lễ.

ĐƯA CHÚA RA XỬ ÁN

Cả trong tâm thức sùng tín lẫn bất khả tri, có những lần chúng ta đưa Chúa ra xét xử, và bất kỳ lúc nào làm thế, cuối cùng chúng ta là người bị phán xét.  Chúng ta thấy điều này trong các đoạn Tin mừng về cuộc xử án Chúa Giêsu, nhất là trong Tin mừng theo thánh Gioan.

Như chúng ta biết, Tin mừng theo thánh Gioan họa lên hình ảnh Chúa Giêsu từ góc nhìn thiên tính, chứ không phải nhân tính của Ngài.  Như thế, trong Tin mừng theo thánh Gioan, Chúa Giêsu không có sự yếu đuối của loài người.  Ngài là Thiên Chúa từ dòng đầu cho đến dòng cuối trong Tin mừng theo thánh Gioan.  Điều này đúng cho đến từng chi tiết nhỏ nhất.  Ví dụ như, trong Tin mừng theo thánh Gioan, trong phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ xem họ có bao nhiêu bánh và cá.  Thánh Gioan viết thêm: “Ngài đã biết trước rồi.”  Không gì nằm ngoài dự liệu của Chúa Giêsu.

Chúng ta thấy điều này rõ ràng nhất trong cách thánh Gioan viết về cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu.  Không như các Tin mừng khác diễn tả Chúa Giêsu lo sợ trước số phận khủng khiếp của mình, trong Tin mừng theo thánh Gioan, xuyên suốt con đường thương khó, Chúa Giêsu không chút sợ hãi, hoàn toàn tự chủ, bình tâm, vác thập giá của mình, hoàn toàn đối ngược với hình ảnh một nạn nhân.  Tư thế của Chúa Giêsu luôn là hành động tự do, vì lòng yêu thương, và có uy quyền hoàn toàn trên tình cảnh đó.

Thánh Gioan minh họa rất rõ điểm này.  Khi quân lính đến bắt, Chúa Giêsu bước ra và tất cả những ai xáp lại phía Ngài đều ngã gục xuống đất, và trong sự phủ phục đó thể hiện sự tôn kính với Ngài.  Và những hình ảnh mang tính biểu tượng còn nhiều nữa.  Chúa Giêsu bị tuyên án tử hình vào lúc giữa trưa, đúng vào giờ các tư tế bắt đầu sát tế những con chiên vượt qua.  Sau khi chết, Chúa Giêsu được mai táng với dầu thơm và lô hội, vốn chỉ dùng cho vua, và Ngài được đưa vào huyệt đá “mới tinh” (cũng như ngài được sinh ra trong cung lòng trinh nữ.)  Thánh Gioan làm rõ rằng, chúng ta đang nhìn vào Đức Chúa.

Với tâm thức đó, hiểu rằng Chúa Giêsu luôn luôn có uy quyền và làm chủ mọi chuyện, chúng ta sẽ có thể hiểu rõ hơn ý định của thánh Gioan muốn nói với chúng ta trong trình thuật tử nạn của Chúa Giêsu.  Thánh Gioan tập trung nhiều nhất vào cuộc xử án Chúa Giêsu.  Trình thuật thương khó tập trung quanh vụ xử án và các nhân vật chính trong vụ xử án.  Nhưng trình thuật này có một điểm đảo chiều đầy mỉa mai: Có vẻ là Chúa Giêsu bị xử án, nhưng thật ra, Ngài là người duy nhất không bị xử án.  Philatô, các chức sắc tôn giáo, dân chúng, cả chúng ta ngày nay, mới bị xử án.  Tất cả đều bị xử án, trừ Chúa Giêsu.

Philatô bị xử án vì nhiều tội: Biết Chúa Giêsu vô tội nhưng không đủ can đảm để đương đầu với đám đông, rồi để cho sự điên cuồng thất thường vô tri của đám đông quyết định.  Philatô bị phán xét vì sự yếu đuối của ông.  Nhưng ông còn bị xử án vì chủ nghĩa bất khả tri của ông, cụ thể là ông tin rằng mình có thể xem chân lý và đức tin như những thứ mà ông có thể tránh né, có thể định giá chúng từ vị trí trung lập, xem đó là việc của người khác, không dính dáng gì đến mình.  Nhưng ông bị phán xét chính vì lẽ đó.  Chẳng ai có thể dửng dưng hỏi rằng: “Sự thật là gì?” như thể câu trả lời chẳng ảnh hưởng gì đến mình vậy.  Phiên tòa của Chúa Giêsu xác định Philatô và những người như ông, là có tội, tội bất khả tri, tội tránh né, tội dửng dưng, và cuối cùng là bất lương.  Mỉa mai thay, sự yếu đuối của Philatô khi không giải cứu Chúa Giêsu, cuối cùng lại biến ông thành tổng trấn và thẩm phán tai tiếng nhất lịch sử.  Với cái tên có trong kinh Tin kính, hàng triệu người đọc tên ông mỗi ngày.

Nhưng không chỉ mình Philatô bị xử án, mà còn các chức sắc tôn giáo thời đó nữa.  Trong nỗ lực bảo vệ Thiên Chúa khỏi những gì mà họ xem là bất kính, ngoại giáo, và phạm thượng, họ đã đồng lõa trong tội “giết” Chúa.  Phán quyết trong phiên tòa của Chúa dành cho họ, cũng chính là phán quyết cho nhiều chức sắc tôn giáo đến tận thời nay, đó chính là khuynh hướng nhiệt thành bảo vệ Thiên Chúa lại thường góp một tay đóng đinh Chúa trên thế giới này.

Và cuối cùng, vụ xử án những người đương thời với Chúa Giêsu, cũng như chính chúng ta.  Trong cơn cuồng loạn vô tri bừng bừng của đám đông, họ đã từ bỏ hy vọng mong chờ Đấng Thiên sai để hô vang: “Đóng đinh nó!”  Thật cũng không khác gì mấy nhiều khẩu hiệu tôn giáo và chính trị mà chúng ta hô vang ở những buổi tập hợp thời nay.  Phiên tòa xử Chúa Giêsu lại là một phán quyết rất dữ dội cho sự vô tri, thất thường và nguy hiểm của tâm tính đám đông.

Với sự tinh tế của mình, thánh Gioan đã cho chúng ta thấy, bất kỳ lúc nào bằng nhiệt thành lòng đạo sai lầm hay bằng chủ nghĩa bất khả tri lạnh lùng, mà chúng ta đem Chúa ra xử án, thì kết cục, chính chúng ta là người bị phán xét.

Rev. Ron Rolheiser, OMI