KHI BẠN CẦU NGUYỆN: NÂNG NHAU LÊN TRONG MÙA CHAY

Một người vợ chẩn đoán bị ung thư.  Một người con rời khỏi Giáo Hội.  Một đồng nghiệp bị nhập viện sau một cú va chạm trên xa lộ.  Một người thân cận mất việc làm.  Hàng triệu người ngủ mà không có của ăn, không được chăm sóc y tế, và không nhà cửa.  Hàng ngàn phụ nữ trẻ bị buộc lao vào tình trạng nô lệ tình dục.  Một đất nước từ chối quyền sống của một thai nhi.  Toàn thể người dân chịu sự thống trị của một bạo chúa.

Có quá nhiều nỗi thống khổ trên thế giới tưởng chừng như không thể vượt thắng được.  Nhưng rồi Kinh Thánh lại dạy chúng ta hãy có niềm hy vọng vì điều dường như không thể đối với chúng ta lại có thể đối với Thiên Chúa (Lc 18:27).  Đây rõ ràng là lý do vì sao việc cầu nguyện chuyển cầu lại trở nên quá giá trị.  Và đây là lý do vì sao chúng ta muốn nhìn đến lời chuyển cầu trong Mùa Chay này.

Giá Trị Của Sự Chuyển Cầu

Chuyển cầu không giống với việc thờ phượng, việc soi sáng thiêng liêng, hay tạ ơn.  Đó không chỉ là việc cầu nguyện cho những người đang cần giúp đỡ.  Chuyển cầu là một sự kết hợp của việc xin Thiên Chúa đi vào một hoàn cảnh khó và việc tin rằng Chúa sẽ giải quyết gian khó ấy.

Bạn có muốn biết việc cầu nguyện chuyển cầu quan trọng thế nào đối với Thiên Chúa không?  Chỉ cần nhìn vào Kinh Lạy Cha có lẽ là tất cả mọi điều bạn cần.  Trong lời kinh ấy, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin nhiều điều quan trọng: cho người ta thấy vinh quang của Thiên Chúa và thờ phượng Người; cho người ta được đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa; để Thiên Chúa ban cho chúng ta lương thực hằng ngày, tha thứ tội lỗi, và bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ.  Còn gì nữa, theo Thánh Luca, Chúa Giêsu đính kèm với lời cầu nguyện này bằng lời hứa là nếu chúng ta xin, thì chúng ta sẽ nhận lãnh (Lc 11:9).

Việc chuyển cầu là quá giá trị đến nỗi chính Chúa Giêsu cũng cầu nguyện cách này.  Trong Bữa Tiệc Ly, chỉ vài giờ trước khi Ngài chịu chết, thì Ngài đã cầu nguyện cho các tông đồ của Ngài và cho chúng ta: bảo vệ chúng ta, ân sủng để chiến thắng cơn cám dỗ, thánh hoá chúng ta, và sự hiệp nhất của chúng ta (Ga 17:9-21).

Rõ ràng, lời cầu nguyện chuyển cầu không phải là một việc thiêng liêng hạng hai.  Đặc biệt là trong mùa đầy ân sủng như Mùa Chay, chuyển cầu có thể là một vũ khí mạnh mẽ chống lại tội lỗi, và sự sợ hãi ở nơi những người thân yêu của chúng ta và trong thế giới.

Sự Kiên Định

Sự kiên định là trung tâm của việc cầu nguyện chuyển cầu.  Người liên lỉ sẽ dành được sự chú ý của Thiên Chúa.  Chẳng phải đây là điều mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta qua dụ ngôn người bạn kiên định sao (Lc 1:5-13)?  Vào giữa đêm, một người thân cận đến xin giúp đỡ, nhưng người kia thì không muốn đi ra khỏi giường.  Bất chấp sự kháng cự của ông, cuối cùng thì người kia cũng ra khỏi giường và giúp người hàng xóm của ông – vì sự kiên định của người hàng xóm của ông.  Cùng một cách, Chúa hứa rằng nếu chúng ta kiên định trong việc cầu nguyện chuyển cầu của chúng ta, thì Thiên Chúa sẽ đáp trả.

Hai câu chuyện khác từ Kinh Thánh cũng dạy cùng một thông điệp tương tự.  Một là câu chuyện dụ ngôn về một bà góa đã đến khẩn xin ông thẩm phán cho đến khi ông ta chấp nhận yêu cầu của bà thì thôi.  Chúa Giêsu nói với những người nghe Ngài rằng ông quan tòa không nhất thiết phải quyết định theo hướng có lợi cho bà vì bà đúng; mà chỉ vì bà ấy làm cho ông ta mỏi mệt (Lc 18:1-8).

Câu chuyện còn lại là một cuộc gặp gỡ thật sự mà Chúa Giêsu có với người phụ nữ Ca-na-an (Mt 15:21-28).  Con gái của bà đang cần chữa lành, nhưng vì bà là một người dân ngoại, nên Chúa Giêsu gần như là không sẵn lòng giúp.  Bất chấp việc nghe thấy Chúa Giêsu coi dân của bà như những con chó, bà vẫn kiên định.  Bà đã không bị từ chối.  Sau cùng, Chúa Giêsu đồng ý “Này bà, niềm tin của bà mạnh thật!” (15:8).  Những câu chuyện này thật đơn giản nhưng rõ ràng: hãy nhẫn nại!

Chúa Giêsu Chuyển Cầu Cho Chúng Ta

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài rằng các ông sẽ bỏ Ngài trong giờ Ngài cần giúp đỡ.  Rồi Ngài quay sang Phê-rô và nói, “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin.  Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22:32).  Ngài biết Phê-rô sẽ cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa sau khi ông từ chối là biết Chúa Giêsu, và Ngài đã cầu nguyện cụ thể cho sự trợ giúp ấy.

Chúa Giêsu không chỉ cầu nguyện cho Phê-rô hay các tông đồ.  Trong Thư Gửi Tín Hữu Do Thái, chúng ta đọc thấy rằng Ngài “sống mãi mãi để chuyển cầu” cho mỗi người chúng ta (7:25).  Hãy ghi lại hình ảnh này: Chúa Giêsu, giờ đây đã sống lại trong vinh quang và vẻ đẹp của Thiên Đàng, đang dành toàn bộ thời gian của Ngài – mãi mãi – để cầu nguyện cho chúng ta.  Ngay bây giờ, Ngài đang cầu nguyện cho bạn và cho những người thân yêu của bạn.

Theo cùng một cách thế, chúng ta là những người Công Giáo được dạy ngay từ rất sớm là hãy xin Mẹ Maria “chuyển cầu cho chúng con trong giờ lâm tử.”  Chúng ta tin rằng Đức Đồng Trinh Maria có một vai trò chuyển cầu đặc biệt trên thiên đàng.  Giống như bất cứ một người mẹ tốt lành nào, Mẹ có thể bước vào căn phòng của con trai mình bất cứ lúc nào và xin sự trợ giúp của Ngài.  Mẹ biết những thách đố và những vết thương và những nhu cầu của con cái Mẹ, và Mẹ hằng tiếp tục cầu nguyện cho họ.  Và giống như bất cứ một người mẹ tốt lành nào, Mẹ an ủi chúng ta khi chúng ta cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng ta.  Mẹ tái đảm bảo với chúng ta rằng Mẹ ở cùng chúng ta, cầu nguyện ngay cạnh chúng ta.

Đây không phải là những sự thật ủi an sao?  Chúa Giêsu đã hứa rằng nếu chúng ta xin, thì chúng ta sẽ lãnh nhận.  Ngài đã hứa rằng nếu chúng ta kiên định trong việc cầu nguyện của chúng ta, thì chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa hành động.  Và Ngài hứa rằng Ngài sẽ cùng chúng ta, cùng với Mẹ của Ngài, trong việc cầu nguyện cho hết mọi nhu cầu và bận tâm mà chúng ta dâng lên Ngài.  Chúng ta không bao giờ đơn độc trong cầu nguyện!

Ý Muốn Nhiệm Mầu Của Thiên Chúa

Nhưng chúng ta sẽ nói, “Tôi kiên định.  Nhưng tại sao một số lời cầu nguyện của tôi lại không được đáp trả?”  Đây là một trong những mầu nhiệm lớn lao của niềm tin nơi chúng ta.  Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu luôn yêu thương chúng ta.  Chúng ta biết rằng Ngài không muốn thấy bất cứ ai đau khổ.  Nhưng chúng ta không luôn thấy những đáp trả cho những lời nguyện cầu của chúng ta, bất luận là ý hướng tốt lành thế nào và chúng ta đang kiên định cỡ mấy.  Câu trả lời tốt nhất chúng ta có thể mang lại là Thiên Chúa luôn đáp trả lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng chúng ta không luôn biết cách nào và khi nào.

Joe Difato, nhà xuất bản của tạp chí này, là một gương của sự nhẫn nại.  Ông có một cô con gái lớn bị mù kể từ khi cô bé lên bốn.  Joe cầu nguyện thường xuyên cho con gái mình được chữa lành.  Giống như bất cứ người cha mẹ nào, ông muốn con gái ông sáng mắt.  Đồng thời, ông thấy chính bản thân mình bị thoái lui vào khả năng là con gái ông sẽ luôn mù.  “Tôi tin rằng Chúa Giêsu muốn chữa lành con gái tôi, và tôi cầu xin điều này”, ông nói.  “Nhưng con gái tôi vẫn cứ mù.  Đôi khi tôi mất niềm hy vọng là con gái tôi sẽ sáng mắt.  Đôi khi tất cả mọi điều tôi có thể làm là nỗ lực kiên định bất chấp sự hoài nghi của tôi.”

Bốn Mươi Ngày Cầu Nguyện

Trước sự bất lực của chúng ta để hiểu trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa, thì cách duy nhất là chúng ta tiếp tục tiến bước trong niềm tin của mình bằng việc kiên định.  Cách duy nhất để tiến bước là tin rằng Thiên Chúa sẽ đáp trả lại lời cầu nguyện của chúng ta theo sự khôn ngoan của Ngài và theo thời gian của Ngài.

Vì thế, khi Mùa Chay bắt đầu, tại sao lại không đặt ra một danh mục cầu nguyện của riêng chúng ta?  Hãy nghĩ về những người mà bạn biết là đang đau đớn, bất luận về thể lý hay tinh thần.  Hãy nghĩ về một hoặc hai hoàn cảnh trên thế giới đang lôi cuốn sự chú ý của bạn nhất – nạn dịch virus corona – và thêm chúng vào danh mục của bạn.  Rồi hãy nhìn vào danh mục mỗi ngày và cầu nguyện cho những nhu cầu này.

Chớ gì tất cả chúng ta “cầu nguyện không ngừng” trong Mùa Chay này (1 Tx 5:17).  Ai mà biết?  Có khi vào Chúa Nhật Phục Sinh, Thiên Chúa sẽ cho chúng ta một câu trả lời đặc biệt cho một trong những lời cầu nguyện sâu thẳm nhất của chúng ta cho ai đó trên danh mục của chúng ta!

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ The Word Among Us)

NÚI TABOR HÔM NAY

Chúa Giêsu dẫn các môn đệ đi Giêrusalem.  Trên đường, Chúa lên một ngọn núi để cầu nguyện.  Có lẽ đó là núi Tabor ở Galilê.  Có ba môn đệ thân tín theo Chúa.  Chúa đã hiển dung trước mặt các ông.

Trước núi Tabor, Chúa Giêsu đã từng lên hai ngọn núi khác.  Trước hết là Chúa giảng Hiến Chương Nước Trời trên núi quen gọi là núi Bát Phúc.  Sau khi cho hoá bánh ra nhiều nuôi dân, họ muốn tôn Chúa làm vua, Chúa đã lên núi cầu nguyện một mình.  Sau núi Tabor, Chúa cũng lên hai ngọn núi khác: núi Sọ là nơi Chúa chịu chết trên thập giá và núi Ôliu là nơi Chúa từ biệt các môn đệ mà lên trời.  Có thể nói núi Tabor đã được chuẩn bị bằng hai ngọn núi trước và chuẩn bị cho hai ngọn núi sau.  Hiển Dung là cao điểm của cuộc đời rao giảng và là khởi điểm của cuộc Vượt Qua.

Người xưa tin rằng Thiên Chúa ở trên trời; núi cao, nên gần trời; vì thế người ta lên núi sẽ dễ gặp Chúa hơn.  Tổ phụ Abraham lên núi hiến tế Isaac.  Ông Môsê lên núi nhận bia giao ước.  Ngôn sứ Êlia lên núi gặp Thiên Chúa.  Thực tế là lên núi dễ gặp Chúa hơn thật:

– Thanh vắng, yên tĩnh, xa gia đình, bạn bè, phố chợ;

– Trên cao, thấy rõ công trình của Thiên Chúa trong thiên nhiên hùng vĩ hơn: mặt trời, bầu trời, trăng sao, núi sông, bình minh, hoàng hôn…

– Trên cao, thấy công trình của con người nhỏ bé hơn, vì thế dễ từ bỏ hơn.

Lên núi là điều không dễ, nhưng đem lại cho chúng ta những niềm vui mà chỉ những ai lên núi mới cảm nghiệm được.  Hôm nay Chúa Giêsu vẫn mời gọi chúng ta lên núi để chiêm ngắm Chúa hiển dung: ngay bên cạnh chúng ta, Chúa vẫn đang yêu thương người đau khổ, tha thứ cho kẻ tội lỗi, hy sinh cho người mình yêu.  Đồng thời Chúa cũng mời gọi chúng ta trở nên núi Tabor mới để Chúa hiển dung.  Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu mặc lấy Đức Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.  Trong cuộc Vượt Qua, khuôn mặt thể lý của Chúa không còn hình dạng con người, nhưng khuôn mặt của Thiên Chúa tình yêu lại chói sáng trước mắt mọi người trong mọi thời đại.

Một thường dân Nhật Bản được Nhật Hoàng mời vào hoàng cung dùng cơm chung vì đã lấy máu mình vẽ chân dung Nhật Hoàng.  Chúa Giêsu lấy máu mình để vẽ chân dung Thiên Chúa và được hưởng vinh quang Phục Sinh.  Xin Chúa giúp chúng ta dùng cuộc sống của mình để vẽ chân dung Chúa trong thế giới hôm nay.

ĐGM Cosma Hoàng Văn Đạt

KÍN ĐÁO ĂN CHAY VÀ CẦU NGUYỆN

Triết gia David Hume từng phân biệt giữa cái ông gọi là đức hạnh chân thật, và cái ông đặt tên là đức hạnh giống tu sĩ.  Ông nói, đức hạnh chân thật là những phẩm chất bên trong chúng ta mà có ích cho người khác và bản thân chúng ta.  Còn các đức hạnh giống tu sĩ là những phẩm chất không nâng cao đời sống con người, đối với xã hội cũng như bản thân người thực hành những phẩm chất đó.  Ông liệt kê các đức hạnh giống tu sĩ như việc sống độc thân, ăn chay, sám hối, hành xác, tiết dục, nhún nhường, thinh lặng và cô tịch.  Ông chứng minh những điều đó chẳng đóng góp gì cho xã hội và thậm chí còn làm giảm đi sự tốt lành thịnh vượng của con người.  Do vậy, ông quả quyết rằng những điều đó bị chối bỏ bởi “những người hiểu biết.”  Điều này xem ra khó nghe đối với người có đạo.

Nhưng những gì tiếp theo đó còn khó nghe hơn.  Những người thực hành những đức hạnh giống tu sĩ phải trả một giá đắt, ông nói, sức khỏe của họ không tốt và họ bị loại ra khỏi cộng đồng con người: con người nhiệt tình nông nổi và ảm đạm đó, sau khi chết, có thể có tên ghi trong cuốn lịch, nhưng khi còn sống thì khó có thể được ai chấp nhận vào vòng thân thuộc và vào xã hội, trừ những người cũng mê sảng và chán ngắt như vậy.

Mặc dù điều này nghe tàn nhẫn, nhưng nó mang một lời cảnh cáo lành mạnh, nhắc lại rõ ràng điều Chúa Giê-su đã nói khi người cảnh cáo chúng ta phải kín đáo ăn chay, cầu nguyện, đừng có mang bộ mặt ảm đạm tu hành khổ hạnh, bảo đảm rằng lòng mộ đạo của chúng ta không quá lộ liễu trước đám đông.  Nếu Chúa Giê-su có nói rõ ràng về điều gì, thì đây chính là điều người đã nói rõ.

Tại sao?  Tại sao chúng ta phải tránh mọi việc phô diễn trước đám đông về việc ăn chay, tu hành khổ hạnh, và cầu nguyện riêng tư của chúng ta?

Một phần cảnh cáo của Chúa Giê-su là chống thói đạo đức giả và giả dối, nhưng còn hơn vậy nữa.  Vấn đề là việc bên ngoài chúng ta trông như thế nào và chúng ta được cảm nhận ra sao.  Khi chúng ta bộc lộ sự khổ hạnh và mộ đạo trước đám đông, dù có chân thành đi nữa, thì điều chúng ta muốn toát ra và điều người khác cảm nhận về chúng ta (mà không chỉ là những David Humes của thế giới này) là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.  Chúng ta có thể bày tỏ đức tin vào Chúa và sự trung tín đối với những gì vượt xa hơn kiếp sống này, nhưng những người khác dễ dàng diễn giải quan điểm và hành động của chúng ta như một tình trạng yếu đuối, u sầu, phiền muộn, khinh khi những chuyện thông thường, và là một sự bù đắp chẳng-đáng-kể-gì cho việc phải mất đi sức sống.

Và đó chính xác là điều ngược lại với những gì chúng ta cần tỏ ra.  Tất cả các đức hạnh giống tu sĩ (mà chúng là những đức hạnh thật sự) nhằm làm cho tâm hồn chúng ta mở ra để tiếp cận thân mật sâu sắc hơn với Chúa và vì vậy, nếu lời cầu nguyện và tu hành khổ hạnh là lành mạnh, thì những gì chúng ta sẽ tỏ ra chính là an mạnh, vui vẻ, thương yêu thế giới này, và cảm nhận những niềm vui bình thường của cuộc sống là phước lành Chúa ban.

Nhưng không dễ gì làm được điều đó.  Chúng ta không toát ra được đức tin của mình nơi Chúa và toát ra là đang an mạnh bằng cách chấp nhận một cách không suy xét hay hô hào cổ vũ mọi nỗ lực để vui vẻ của thế giới này, cũng không phải bằng cách gượng cười giả tạo trong khi sâu thẳm bên trong chúng ta đang khó lòng kiểm soát được trầm uất.  Chúng ta toát ra đức tin nơi Chúa và an mạnh qua việc toát ra tình thương, bình an và thanh thản.  Và chúng ta không thể làm điều đó nếu toát ra sự khinh khi đối với cuộc sống hay đối với cái cách những con người bình thường kiếm tìm hạnh phúc trong cuộc sống này.

Và đó là một thách thức khó khăn, đặc biệt ở thời buổi này.  Trong một nền văn hóa như nền văn hóa này, chúng ta dễ dàng nuông chiều bản thân mình, thiếu hiểu biết sâu sắc về sự hy sinh, đắm chìm trong đời sống và bản thân đến mức đánh mất tất cả ý thức về cầu nguyện, và sống không hề tiết dục chút nào, đặc biệt về mặt tình cảm.  Bên cạnh những chuyện khác, chúng ta còn thấy điều đó trong căn bệnh bận rộn của mình, trong tình trạng mất khả năng duy trì đời sống cầu nguyện riêng tư, ngày càng mất đi năng lực trung tín với những gì mình cam kết, và với những nỗ lực gắng gỗ chống lại mọi thể loại nghiện ngập: thức ăn, rượu chè, tình dục, thú vui giải trí, công nghệ thông tin.  Khiêu dâm trên internet đã là bệnh nghiện lớn nhất của toàn thế giới.  Cầu nguyện và ăn chay (ít nhất trong tình cảm) đang thiếu hụt.  Những đức hạnh giống tu sĩ giờ đây đang cần có hơn bao giờ hết.

Nhưng chúng ta phải thực hành các đức hạnh đó mà không phô diễn trước đông người, không khinh khi tính chất tốt lành vốn được Chúa ban cho trong mọi thứ của thế giới này, không ám chỉ rằng sự thánh thiện riêng tư là quan trọng đối với chúng ta và với Chúa hơn những điều tốt lành thông thường của thế gian này, và không ngụ ý rằng Chúa không muốn chúng ta vui vẻ với tạo vật của Người.  Thực hành khổ hạnh và cầu nguyện của chúng ta phải thực chất, nhưng chúng phải toát ra sự an mạnh, chứ không phải là sự bù đắp cho việc không an mạnh.

Và như vậy, một sự an mạnh chứng tỏ sự tốt lành của Chúa, chính xác là điều tôi thấy ở những ai thực hành các đức hạnh giống tu sĩ theo cách lành mạnh.  Cầu nguyện và ăn chay, nếu làm đúng đắn, sẽ toát lên sự an mạnh, không phải là khinh khi.  Nếu David Hume đã chứng kiến sự an mạnh và tình thương yêu của Chúa Giê-su trong việc cầu nguyện và thực hành khổ hạnh của ông thì hẳn là, tôi nghĩ, ông đã viết khác đi về đức hạnh giống tu sĩ.

Vì vậy chúng ta cần xem xét nghiêm túc hơn lời dạy của Chúa Giê-su rằng việc thực hành khổ hạnh và cầu nguyện riêng tư phải được làm “trong kín đáo”, đằng sau cánh cửa đóng kín, để vẻ mặt chúng ta bộc lộ ra trước đông người toát lên an mạnh, vui vẻ, thanh thản và thương yêu những điều tốt lành Chúa đã tạo ra, người mà cầu nguyện và thực hành khổ hạnh đã đưa chúng ta đến gần hơn.

Rev. Ron Rolheiser, OMI